Thêm bất thường trong vụ án Đồng Tâm
Diễm Thi, RFA
\
Bất thường sau phiên xử
Phiên phúc thẩm vụ án Đồng Tâm kết thúc vào tối ngày chín tháng Ba năm 2021, với các mức án được giữ nguyên cho sáu bị cáo có đơn kháng án sau phiên sơ thẩm diễn ra vào tháng Chín năm 2020.
Như vậy, ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức vẫn bị án tử hình (cả hai đều là con trai ông Lê Đình Kình), anh Lê Đình Doanh (cháu nội ông Kình) án chung thân, ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, ông Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù về tội giết người; và bà Bùi Thị Nối 6 năm tù về tội chống người thi hành công vụ.
Chỉ hơn một tuần sau phiên phúc thẩm, các luật sư bào chữa đã nhận được bản án vụ án. Đây được cho là việc làm nhanh một cách bất thường, thậm chí đáng ngờ từ cơ quan chức năng.
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói với RFA suy nghĩ của ông sau khi đọc Bản án số 69/2021/HS-PT ngày 08, 09/3/2021 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mà ông nhận vào sáng ngày 17 tháng Ba:
Nó thể hiện sự bất thường ở chỗ Bản án phúc thẩm chỉ lược ghi các vấn đề chính do luật sư đưa ra mà không có nhận định đúng, sai để chấp nhận hay bác bỏ, họ chỉ viện lý do các vấn đề này đã được Bản án sơ thẩm nhận định và làm rõ, từ đó không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.- Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc
“Chúng tôi nhận được bản án khá sớm và cũng khá bất ngờ. Và khi đọc bản án, như thường lệ, chúng tôi chú tâm vào các ý kiến của luật sư được ghi nhận thế nào. Trong phần gần cuối bản án, trang 33, 34 nêu ý kiến luật sư, chúng tôi thấy rất lạ lùng. Nó thể hiện sự bất thường ở chỗ Bản án phúc thẩm chỉ lược ghi các vấn đề chính do luật sư đưa ra mà không có nhận định đúng, sai để chấp nhận hay bác bỏ, họ chỉ viện lý do các vấn đề này đã được Bản án sơ thẩm nhận định và làm rõ, từ đó không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.
Chúng tôi nhận thấy lập luận như trên là một sự bất hợp lý, bất thường và hết sức khiên cưỡng, trước giờ chúng tôi chưa từng gặp trong các Bản án phúc thẩm.
Hơn nữa, tại phiên tòa, 14 luật sư bào chữa đề cập và phân tích rất nhiều vấn đề pháp lý về thủ tục tố tụng và nội dung vụ án, nhiều vấn đề khá gay gắt, chưa kể các luật sư đã gửi đến Hội đồng xét xử trước khi mở phiên toà bản kiến nghị 31 trang, không thể chỉ tóm tắt một cách đơn giản như thế, đó có thể xem như một sự sỉ nhục các luật sư và thể hiện sự thiếu trách nhiệm và áp đặt của thẩm phán chủ tọa phiên toà...”
Với Luật sư Ngô Anh Tuấn thì bản án được gửi về chỉ sau một tuần là việc làm nhanh không tưởng. Luật sư Tuấn nói thêm rằng, có thông tin hai bị cáo chịu mức án tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức đã được chuyển từ Trại giam số 2 lên Trại giam số 1 (Hỏa Lò). Ông dự đoán có thể hai bị cáo không viết đơn xin ân giảm theo đúng điều họ đã nói với các luật sư tại toà.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng chia sẻ thêm thông tin từ gia đình cụ Kình rằng, sau phiên toà phúc thẩm, hai công an xã được cử đến nhà ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức để thuyết phục gia đình viết đơn xin ân giảm nhưng bà Dư Thị Thành đã giận dữ quát “Chết trẻ khỏe ma, gia đình tao không viết”.
Bất thường trong các phiên xử
Vụ án Đồng Tâm là một vụ án lớn với số người chết nhiều khuất tất và số bị cáo trong cùng gia đình, họ hàng thân tộc quá lớn. Theo những người quan tâm vụ án thì một phiên tòa sơ thẩm với 29 bị cáo, có đề nghị mức án cao nhất là tử hình, mà lại kết thúc chỉ sau bốn ngày xét xử là quá nhanh. Còn với phiên phúc thẩm, sáu bị cáo với hai án tử hình cũng chỉ diễn ra trong hai ngày rồi tuyên y án thì khó thuyết phục đây là vụ án đạt công lý cho dù các bị cáo nhận tội.
Luật sư Ngô Anh Tuấn nêu một điểm mà ông cho là ‘vừa bất ngờ, vừa không’ trong phiên tòa phúc thẩm khi các bị cáo đã bị thuyết phục rằng nhận tội để được giảm nhẹ thay vì kêu oan. Ông nói thêm:
“Sắp tới đây sẽ có hai án tử hình nặng nề vào hai con cụ Kình, tức là ba người trong một gia đình. Tôi nghĩ, nếu họ xét đến yếu tố nhân văn thì họ sẽ tìm cách giảm nhẹ hình phạt. Nhận tội là cách dễ nhất để họ giảm án cho một người từ tử hình xuống chung thân. Đó là phương án có thể xảy ra.
Động thái của VKS khi hỏi ông Công tại tòa làm chúng tôi mường tượng sự việc có thể xảy ra theo hướng mình suy đoán. Các bị cáo đã bị thuyết phục và bị mơ hồ bằng một phương án nhận tội để được giảm nhẹ thay vì kêu oan. Họ làm phương án đó và tôi thấy đây là phương án tệ hại nhất mà họ có thể áp dụng. Thế mà họ lại áp dụng. Chúng tôi không chỉ bất ngờ mà còn cực kỳ thất vọng.
Chiều hôm đó ra về tôi có nói với các luật sư đồng nghiệp là coi chừng các bị cáo và luật sư sẽ bị ăn một cú lừa thế kỷ. Bởi vì kinh nghiệm qua một số vụ, tôi sợ người ta lại dựa vào những lời khai đó để họ làm đẹp hồ sơ buộc tội vốn rất lỏng lẻo ở phiên sơ thẩm.”
Các bị cáo đã bị thuyết phục và bị mơ hồ bằng một phương án nhận tội để được giảm nhẹ thay vì kêu oan. Họ làm phương án đó và tôi thấy đây là phương án tệ hại nhất mà họ có thể áp dụng. Thế mà họ lại áp dụng. Chúng tôi không chỉ bất ngờ mà còn cực kỳ thất vọng. - Luật sư Ngô Anh Tuấn
Trong ngày đầu tiên của phiên xử phúc thẩm, Luật sư Ngô Anh Tuấn đã bị tòa tịch thu phần ghi chép cá nhân trong phiên tòa và không cho ông đưa các ghi chép của mình lên Facebook. Luật sư Đặng Đình Mạnh yêu cầu được tiếp xúc với thân chủ của ông trong phiên toà nhưng hội đồng xét xử từ chối vì cho rằng ông đã tiếp xúc với họ trước khi phiên tòa diễn ra rồi.
Ngoài những chia sẻ của các luật sư, một điều được cho là khá bất ngờ với các luật sư là Kế hoạch 419A. Kế hoạch này do Công an Hà Nội soạn thảo và Bộ Công an phê duyệt, được xem là ‘đèn xanh’ cho phép chính quyền huy động hàng nghìn cảnh sát bao vây và tấn công thôn Hoành, xã Đồng Tâm, trong đêm ngày tám rạng sáng ngày chín tháng Một năm 2020.
Khi nhắc đến bản Kế hoạch 419A trong phiên tòa, luật sư bên bị hại vô tình tiết lộ rằng đó là tài liệu tối mật, không thể công bố công khai.
Đến nay, nội dung Kế hoạch vẫn nằm trong vòng bí mật cho dù các luật sư bào chữa cho rằng phải công bố để làm rõ việc công an, cảnh sát cơ động tấn công vào Đồng Tâm có vượt quá chức năng, nhiệm vụ công vụ của công an hay không.
Nếu Kế hoạch 419A là trái pháp luật, thì những người chịu trách nhiệm chính, những người ban hành ra kế hoạch đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và kết quả các bản án có thể thay đổi.
Trước phiên xử phúc thẩm một tuần, 14 luật sư bào chữa cho sáu người có kháng án đã gởi Đơn kiến nghị dài 31 trang đến các cơ quan hữu trách yêu cầu làm rõ nhiều điểm sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả bản án. Kiến nghị một lần nữa yêu cầu công bố nội dung của bản Kế hoạch 419 A nhưng không hề được đáp ứng.
Một yêu cầu khác là thực nghiệm hiện trường nơi mà cơ quan chức năng nói đã thiêu cháy ba chiến sĩ công an. Yêu cầu này luôn bị khước từ.
0 comments