Quân đội mở rộng thiết quân luật sau sau ngày đẫm máu ở Myanmar
BBC
Quân đội Myanmar đã áp đặt thiết quân luật lên thêm nhiều quận, sau một trong những ngày biểu tình đẫm máu nhất, kể từ cuộc đảo chính hồi tháng Hai.
Ít nhất 21 người được cho là đã thiệt mạng tại thành phố Yangon hôm Chủ nhật, với những tử vong khác được ghi nhận trên khắp quốc gia Đông Nam Á này.
Bạo lực nổ ra một ngày trước khi nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ của đất nước, bà Aung San Suu Kyi, dự kiến phải ra hầu tòa.
Bà Suu Kyi sắp phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc mà người ủng hộ bà cho là bịa đặt.
Người biểu tình ủng hộ dân chủ đang yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi, người đứng đầu đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đảng đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.
Bà Suu Kyi bị giam giữ tại một địa điểm không rõ kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng Hai.
Quân đội đã giam giữ hầu hết lãnh đạo của đảng NLD sau cuộc đảo chính với cáo buộc gian lận cử tri. Không có bằng chứng nào được đưa ra về cáo buộc gian lận này.
Quân đội ban đầu tuyên bố thiết quân luật ở hai quận của Yangon hôm Chủ nhật sau khi các doanh nghiệp Trung Quốc bị tấn công. Lệnh này được mở rộng thêm hôm thứ Hai.
Người biểu tình tin rằng Trung Quốc đang hỗ trợ quân đội Miến Điện nhưng không rõ ai đứng sau các cuộc tấn công cuối tuần.
Chủ nhật được cho là ngày đẫm máu nhất cho đến nay kể từ khi quân đội nắm quyền sau cuộc đảo chính vào tháng Hai. Nhóm giám sát Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) nói số người chết trong ngày ít nhất là 38 người.
Theo AAPP, tổng cộng hơn 120 người biểu tình đã bị thiệt mạng trong các cuộc đàn áp.
Bà Suu Kyi bị buộc tội gì?
Nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ sẽ phải ra tòa sớm hơn hôm thứ Hai, mặc dù bà không được dự trù sẽ xuất hiện tại tòa.
Bà Suu Kyi đang phải đối mặt với các cáo buộc gồm gây "gây sợ hãi và báo động", sở hữu trái phép thiết bị vô tuyến và vi phạm các quy tắc về Covid.
Các tội bà bị cáo buộc có mức án vài năm tù giam và cũng có thể dẫn đến việc bà bị cấm tham gia các cuộc bầu cử trong tương lai nếu bị kết tội.
Tuần trước, quân đội cũng cáo buộc nhà lãnh đạo bị lật đổ đã nhận bất hợp pháp 600.000 đôla và 11kg vàng - một cáo buộc mà NLD phủ nhận.
Các lãnh đạo bị lật đổ kêu gọi 'cách mạng'
Một số lãnh đạo bị lật đổ từ chối chấp nhận cuộc đảo chính vào tháng trước và đã lẩn trốn.
Trong bài phát biểu công khai đầu tiên của mình, thủ lĩnh Mahn Win Khaing Than của họ kêu gọi người biểu tình tự bảo vệ trước cuộc đàn áp của quân đội trong cuộc chiến mà ông gọi là "cuộc cách mạng".
Ông nói: "Đây là thời khắc đen tối nhất của dân tộc và bình minh đã ló dạng'' và nói thêm: "Giới khởi nghĩa nhất định thắng".
Quân đội coi họ là một nhóm bất hợp pháp, cảnh báo rằng bất kỳ ai hợp tác với họ sẽ phải đối mặt với cáo buộc phản quốc.
Đầu đuôi sự việc
Các nhà quan sát độc lập quốc tế đã phản bác tuyên bố của quân đội là cuộc bầu cử được tổ chức tháng 11 năm 2020 có gian lận, nói rằng họ không quan sát thấy có sự bất thường nào.
Tuần trước, quân đội cáo buộc bà Suu Kyi nhận 600.000 đôla và 11kg vàng một cách bất hợp pháp. Không có bằng chứng nào được đưa ra, và một nhà lập pháp của NLD đã bác bỏ cáo buộc.
Bà Suu Kyi đã bị giam trong 5 tuần qua tại một địa điểm không rõ và phải đối mặt với một số cáo buộc khác bao gồm gây "sợ hãi và báo động", sở hữu trái phép thiết bị vô tuyến và vi phạm các hạn chế của Covid-19.
Kể từ cuộc đảo chính, quân đội đã sử dụng vũ lực để tìm cách dập tắt các cuộc biểu tình, khiến hàng chục người thiệt mạng và khiến quốc tế lên án rộng rãi.
Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt với các nhà lãnh đạo đảo chính, trong khi cũng có những biện pháp không cho quân đội Myamar tiếp cận với quỹ chính phủ trị giá 1 tỷ đôla được giữ ở Mỹ.
Quân đội đã bác bỏ những chỉ trích về hành động của mình, thay vào đó đổ lỗi cho bà Suu Kyi là người gây ra bạo lực.
Sơ lược về Myanmar
- Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, độc lập khỏi Anh quốc vào năm 1948. Trong phần lớn lịch sử hiện đại của Myanmar, nước này nằm dưới sự cai trị của quân đội
- Các hạn chế bắt đầu được nới lỏng từ năm 2010, dẫn đến bầu cử tự do vào năm 2015 và việc thành lập chính phủ do nhà lãnh đạo đối lập kỳ cựu Aung San Suu Kyi khởi xướng vào một năm sau đó
- Năm 2017, quân lính thuộc nhóm dân tộc Rohingya đã tấn công các đồn cảnh sát, và quân đội Myanmar cùng các nhóm phật tử địa phương đã đáp trả bằng một cuộc đàn áp chết người, được cho là đã giết chết hàng nghìn người Rohingya. Hơn nửa triệu người Rohingya chạy trốn qua biên giới sang Bangladesh, và Liên Hiệp Quốc sau đó gọi đây là "ví dụ kinh điển về thanh lọc sắc tộc"
0 comments