Biểu tình Myanmar: Đàn áp đẫm máu sau vụ công ty TQ bị đốt phá
BBC
Có ít nhất 21 người biểu tình bị giết chết trong các cuộc đụng độ tại thành phố chính Yangon của Myanmar trong lúc các chính trị gia bị lật đổ bởi cuộc đảo chính quân sự đang kêu gọi có cuộc "cách mạng".
Các lực lượng an ninh đã nã súng tại khu vực Hlaing Tharyar của Yangon khi những người biểu tình sử dụng gậy gộc và dao.
Đảo chính Myanmar: 'Chiến thuật' dùng trong đàn áp biểu tình thế nào?
Phe quân nhân nắm quyền đã tuyên bố thiết quân luật ở khu vực sau khi các cơ sở kinh doanh của người Trung Quốc bị tấn công. Những người biểu tình tin rằng Trung Quốc đang hỗ trợ giới quân nhân Miến Điện.
Myanmar đã rơi vào tình trạng có biểu tình liên tục kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự, hôm 1/2.
Giới quân sự cầm quyền đã bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo dân sự của nước này và là người đứng đầu đảng Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD).
NLD giành chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử năm ngoái, nhưng phe quân sự cáo buộc đã có tình trạng gian lận rộng khắp trong kỳ bầu cử đó.
Một số người trong các dân biểu bị lật đổ đã không chấp nhận cuộc đảo chính hồi tháng trước và đã ẩn náu.
Trong lần phát biểu công khai đầu tiên, lãnh đạo của những người này, Mahn Win Khaing Than đã thúc giục người biểu tình hãy tự vệ trước cuộc trấn áp của phe quân đội trong cái mà ông gọi là "cuộc cách mạng".
Ngoài những người bị giết chết tại Yangon hôm Chủ Nhật, đã có thêm các trường hợp tử vong và bị thương ở những nơi khác trên toàn quốc.
Hiệp hội Hỗ trợ Các Tù nhân Chính trị (AAPP) nói số người tử vong trong ngày là 38.
Điều gì đã xảy ra tại Hlaing Tharyar?
Giới quân nhân nắm quyền đã tuyên bố thiết quân luật tại Hlaing Tharyar và quận Shwepyitha láng giềng sau khi Trung Quốc nói các nhà máy của Trung Quốc tại khu vực đã bị tấn công, và đòi phải được bảo vệ.
Bắc Kinh nói những người mang gậy sắt, rìu và xăng đã phóng hỏa làm hư hại 10 cơ sở kinh doanh của người Trung Quốc, hầu hết là các cơ sở sản xuất đồ may mặc hoặc nhà kho tại Yangon. Một khách sạn của người Trung Quốc cũng bị tấn công.
Trên trang Facebook của mình, Đại Sứ quán Trung Quốc nói rằng một số nhà máy đã bị cướp phá, phá hoại, nhiều nhân viên Trung Quốc đã bị thương và mắc kẹt bên trong.
Đại Sứ quán thúc giục Myanmar "hãy có các biện pháp hiệu quả hơn nữa nhằm chấm dứt toàn bộ những hành động bạo lực, trừng trị thủ phạm phù hợp với luật pháp, và đảm bảo sự an toàn về tính mạng, tài sản của các các công ty và nhân sự Trung Quốc tại Myanmar".
Hãng truyền thông do quân đội sở hữu, Myawaddy Media, đưa tin rằng lính cứu hỏa đã bị trở ngại trong việc dập tắt các đám cháy, do bị người dân chặn đường.
Tiếng súng nổ đã vang lên trong suốt cả ngày, và người ta nhìn thấy các xe tải quân sự chạy trên đường phố.
Một nhân viên cảnh sát đăng tải trên mạng xã hội rằng cảnh sát đang có kế hoạch sử dụng vũ khí hạng nặng.
"Ba người chết ngay trước mắt tôi trong lúc tôi đang cố gắng chữa trị cho họ. Tôi gửi hai người khác tới bệnh viện. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói vào lúc này," một nhân viên y tế nói với hãng tin AFP.
Tin tức nói một số người khác chết trong tay quân đội ở các vùng khác, trong đó một phụ nữ trẻ bị các lực lượng an ninh bắn vào đầu ở thành phố phố Hpakant chuyên sản xuất ngọc bích ở miền bắc, và một người đàn ông cùng một phụ nữ bị giết chết tại Bago nằm về phía bắc của Yangon.
Trong lúc đó, truyền hình nhà nước nói rằng một nhân viên cảnh sát đã bị giết chết, ba người khác bị thương do người biểu tình ném đá và dùng súng cao su tại vùng Bago.
Tổng số đã có hơn 120 người biểu tình bị giết chết xong đợt trấn áp này, theo nhóm AAPP.
AAPP.
0 comments