Điện ảnh Việt Nam: Bố già phá kỷ lục doanh thu, Vị thắng giải Berlin
Lê Hồng Lâm
- Gửi tới BBC từ TP HCM
Bố già của đạo diễn Trấn Thành – Vũ Ngọc Đãng phá kỷ lục doanh thu với hơn 200 tỷ đồng doanh thu sau 9 ngày chiếu, trong khi Vị (Taste), bộ phim đầu tay của đạo diễn trẻ Lê Bảo thắng giải đặc biệt của Ban khám giảo tại hạng mục Encounters của LHP Berlin là hai tính hiệu rất tích cực của điện ảnh Việt Nam, sau một năm khủng hoảng nặng vì đại dịch Covid-19.
Năm 2020, điện ảnh Việt đối mặt với khủng hoảng nặng nề do đại dịch khiến thị trường đóng băng gần nửa năm và doanh thu phòng vé giảm gần một nửa so với năm trước. Đợt bùng phát dịch lần thứ 3 ngay trước Tết âm lịch khiến bốn bộ phim Việt đều phải hủy chiếu vào phút chót, gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh đã được kiểm soát và rạp chiếu phim mở cửa trở lại vào đầu tháng 3, hai bộ phim Việt là Bố già và Gái già lắm chiêu V, cùng với nhiều bộ phim chất lượng của Hollywood đồng loạt ra rạp trở lại.
Vì sao phim châu Á ít cơ hội giành Quả Cầu Vàng và Oscar?
Và trong cuộc đua tranh giành tấm vé của khán giả này, Bố già đã vượt lên dẫn đầu, bỏ xa các bộ phim còn lại một khoảng cách rất lớn. Hiệu ứng truyền miệng khiến Bố già tuần thứ 2 còn ăn khách hơn 3 ngày cuối tuần đầu tiên, liên tiếp phá vỡ các kỷ lục doanh thu và trở thành phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại chỉ sau 9 ngày. Với đà này, Bố già không chỉ chinh phục cột mốc 300 tỷ mà thậm chí còn có thể đạt doanh thu cuối cùng lên đến 350 tỷ đồng.
Tại sao Bố già phá kỷ lục phòng vé?
Bố già điện ảnh được phát triển từ web-drama (mini-series ngắn tập phát miễn phí trên youtube) từng tạo nên hiện tượng hồi Tết năm 2000. Phiên bản điện ảnh ra mắt lần này dù có cùng nhan đề và vẫn lấy cảm hứng từ chất liệu hiện thực trong một khu phố lao động ở TPHCM, nhưng nội dung hoàn toàn khác biệt.
Được nhào nặn từ những chất liệu gần gũi, thậm chí trần trụi về tình thân gia đình và tình cha con ít nhiều mang dấu ấn cá nhân, cộng với sự tái hiện hiện thực đời sống đã được chắt lọc kỹ càng, Trấn Thành đã mang đến một Bố già tràn đầy cảm xúc và chạm được vào khán giả. Đó có lẽ là lý do lớn nhất khiến bộ phim này tạo ra được một cơn sốt hiếm có cho điện ảnh Việt.
Gần như “bao sân” bộ phim ở những vai trò sáng tạo quan trọng nhất như sản xuất, viết kịch bản, đồng đạo diễn (với Vũ Ngọc Đãng), đóng vai chính (ông Ba Sang), âm nhạc và thậm chí cả dựng phim – Trấn Thành cho thấy tham vọng cũng như dồn toàn bộ sức lực của mình cho một tác phẩm điện ảnh mà anh dành nhiều tâm huyết.
Thế nhưng, sự tâm huyết và nỗ lực đó hoàn toàn vô nghĩa nếu tác phẩm không chạm đến được cảm xúc công chúng. May mắn thay, Trấn Thành và ê kíp đã vượt qua được “cửa tử” này.
Bố già, mặc dù vẫn còn một vài nhược điểm về sự dài dòng, ồn ào, hoặc vẫn còn vương lại một vài nét diễn kiểu sân khấu, truyền hình – nhưng về tổng thể, nó là một tác phẩm vượt trội về “content”, nếu coi “content’ (nội dung) là yếu tố quan trọng nhất để chinh phục khán giả điện ảnh Việt hiện nay.
Trong khi điểm yếu của hầu hết các bộ phim thương mại Việt Nam hiện nay là kịch bản, là chạy theo những thứ hào nhoáng, phù phiếm mà bỏ quên cốt lõi, là hạ tầm tiêu chuẩn để vuốt ve thị hiếu khán giả thì Trấn Thành cho thấy mục tiêu lớn nhất của anh là chinh phục khán giả bằng một kịch bản đậm chất Việt, dày dặn, nhiều lớp lang về hiện thực đời sống để lấy được nước mắt khán giả.
Trong bộ phim về đề tài tình thân gia đình này, khán giả được dịp chứng kiến một câu chuyện phức tạp về những mối quan hệ trong gia đình, dòng họ. Không ai chọn được gia đình của mình – điều đấy thể hiện rất rõ trong Bố già. Và vì không chọn được nên buộc phải chấp nhận lẫn nhau để sống, cả sự ích kỷ lẫn vị tha, cái xấu lẫn cái tốt, cả cái mới lẫn cái cũ. Không ai bị đơn giản hóa, cũng không ai là tốt hay xấu hoàn toàn trong Bố già. Họ đều phải tự học qua thử thách, qua va vấp để chấp nhận lẫn nhau, chấp nhận sự bất toàn của cuộc sống. Sự trưởng thành đó, không chỉ diễn ra đối với người trẻ mà cả người già. Thứ triết lý đậm chất đời sống đó được khai thác một cách nhuần nhị để tạo nhịp điệu và cao trào.
Đó có lẽ là giá trị cốt lõi của Bố già, khiến khán giả có thể thấy được mình trong đó, liên hệ với gia đình mình và cũng có thể rơi nước mắt vì nó.
Bên cạnh một dàn diễn viên phụ chắn chắn và ai cũng phát huy được thế mạnh diễn xuất của mình, đủ sức làm “dàn bao” để Trấn Thành và Tuấn Trần tỏa sáng. Nếu Ba Sang của Trấn Thành là một người cha kiểu cũ, bảo thủ, tính tình bao đồng, thích lo chuyện thiên hạ, nhưng đồng thời cũng là một người cha thương con hết mực và sẵn sàng hy sinh vì con, thì Quắn (Tuấn Trần) lại đại diện cho một hình mẫu giới trẻ hiện đại, khát vọng làm giàu, thích nổi tiếng, hơi vị kỷ nhưng ở chiều sâu nội tâm, đó cũng là một người trẻ giàu tình cảm. Dày công trong việc khai thác tâm lý nhân vật với nhiều lớp “layers” được bóc tách kỹ càng, hai cha con Ba Sang dẫn dắt người xem đồng hành cùng họ, khởi đi từ những mâu thuẫn thế hệ tưởng như không thể hòa giải đến kết cục ấm lòng, khi tình thương và sự hy sinh mới là giá trị cốt lõi mà cả hai nhân vật hướng đến.
Nếu cú máy “one shot” mở đầu phim dù ấn tượng nhưng hơi phô diễn kỹ thuật thì cú “one shot” thứ hai dài khoảng 6 phút với sự tính toán về góc máy, di chuyển camera đã mô tả trọn vẹn màn trình diễn bùng nổ cảm xúc của cả Trấn Thành và Tuấn Trần. Đây có lẽ là phân đoạn lấy nước mắt nhiều nhất của bộ phim.
Những câu thoại sắc bén, những cài cắm chi tiết khôn ngoan, âm nhạc được đầu tư kỹ càng để dẫn dắt cảm xúc và cuối cùng thông điệp gần gũi về tình thân và gia đình là những điểm cộng cuối cùng trong một tổng thể khá trọn vẹn… là những lý do chính để lý giải cho thành công đột phá của Bố già.
Hành trình 5 năm Đằng và Ngọt của Vị
Vị (Taste) là bộ phim độc lập đầu tay của đạo diễn trẻ Lê Bảo, nhà làm phim tự học sinh năm 1990 và từng lớn lên ở khu ổ chuột tại TPHCM.
Bộ phim đậm chất “art-house” (nghệ thuật) này cũng lấy cảm hứng từ khu phố ổ chuột hiện đại tại Sài Gòn mà Bảo có nhiều trải nghiệm, tuy nhiên trong tác phẩm này, nó lại được thể hiện dưới góc nhìn của một người đàn ông Nigeria nhập cư.
Vị theo chân một người đàn ông châu Phi (do diễn viên nghiệp dư Olegunleko Ezekiel Gbenga đóng), vốn là cầu thủ bóng đá bị chấn thương nên buộc phải giải nghệ và kiếm sống bằng nghề khác trên hè phố. Để rồi từ đó, anh tìm cách thoát khỏi hiện thực khắc nghiệt bằng cách tạo dựng một mối quan hệ kỳ lạ với bốn người phụ nữ trung niên của Việt Nam mà anh ta quen biết trên đường phố. Bọn họ tồn tại cùng nhau bằng cách nấu nướng, ăn, ngủ và quan hệ tình dục… Bộ phim, một mặt vừa đặt ra câu hỏi về những con người yếu thế bị cô lập trong thời đại toàn cầu hóa, đồng thời lại khai thác vẻ đẹp và sự dịu dàng của đời sống đó.
Lê Bảo đến với điện ảnh bằng cách xem các bản sao lậu của các bộ phim nước ngoài trên máy tính xách tay và tự học để trở thành nhà làm phim. Khi mới ngoài 20 tuổi, anh bắt đầu thực hiện các bộ phim ngắn với ý tưởng độc đáo từ quan sát, trải nghiệm và góc nhìn của mình, bằng những chiếc máy quay đi mượn từ bạn bè và vài diễn viên nghiệp dư.
Vị được phát triển từ ý tưởng của một bộ phim ngắn. Dự án này đã nhận được một vài giải thưởng tại các LHP quốc tế và nhận được tài trợ của các quỹ điện ảnh tại châu Âu. Dù vậy, số kinh phí ít ỏi khiến Lê Bảo phải chật vật với dự án này trong gần 5 năm. Nhưng ngay từ khi hoàn thành, bộ phim đã nhận được những đánh giá tích cực của giới chuyên môn. Một đánh giá trên tờ Hollywood Reporter viết rằng, “phong cách tạo dựng hình ảnh sống động nhưng uể oải trong tác phẩm điện ảnh đầu tay của Lê Bảo cho thấy tiềm năng của một đạo diễn tác giả đầy hứa hẹn trong nền điện ảnh châu Á”.
Và trong đầu tháng 3, Vị đã khởi đầu cho chuỗi hành trình chinh phục quốc tế của mình trong năm 2021 khi đoạt giải đặc biệt của BGK tại hạng mục Encounters (Special Jury Award Encouters) tại LHP quốc tế Berlin – một trong ba liên hoan phim quốc tế lớn nhất thế giới.
Bản đánh giá của BGK viết: “Một phác thảo đầy trừu tượng nhưng được dàn dựng trần trụi và táo bạo về các mối quan hệ xã hội, bằng việc sử dụng những kết cấu cụ thể như không gian khu ổ chuột, luật chơi bóng đá, nấu nướng và sức nặng của cơ thể con người – để tạo nên một không gian đậm đặc sự căng thẳng, yên bình trong hỗn loạn, tìm đường giải thoát khỏi khổ hạnh nhưng lại quay đầu về bể khổ”.
Chiến thắng giải đặc biệt của BGK tại hạng mục Encounters của LHP Berlin – được xem là hạng mục khuyến khích các nhà làm phim trẻ có những đột phá về ngôn ngữ hay cấu trúc, thẩm mỹ mới trong điện ảnh là thành công quan trọng bước đầu của Lê Bảo. Trong 12 phim quốc tế tranh giải tại hạng mục này, Vị là 1 trong 3 bộ phim mang về giải thưởng. Bộ phim cũng được tờ The Guardian của Anh bình chọn là một trong những tác phẩm nổi trội nhất tại LHP Berlin năm nay.
Thêm một tin vui nữa là Vị đang được hãng phát hành phim quốc tế của Đức Wild Bunch chịu trách nhiệm phát hành trên toàn thế giới. Đây là hãng phát hành nhiều bộ phim danh tiếng từng mang lại nhiều giải thưởng điện ảnh quan trọng tại Oscar, Cannes, Berlin và Venice.
Và nhiều cơ hội khác của Vị (Taste) vẫn đang còn ở phía trước.
*Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
0 comments