Chuyến thăm khẳng định các cam kết của Mỹ ở Châu Á -Thái Bình Dương
LĐO |
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong các ngày 15-18.3 nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc củng cố liên minh, đồng thời nhấn mạnh hợp tác để thúc đẩy hòa bình, an ninh, thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Đây là chuyến công du nước ngoài trực tiếp đầu tiên của hai tân bộ trưởng Mỹ. Theo ông Sung Kim, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương, ngoại giao trở lại trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ và Mỹ đang nỗ lực để tăng cường mối quan hệ với các đồng minh.
"Không có nước nào quan trọng hơn Nhật Bản và Hàn Quốc. Để nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của ba quốc gia chúng ta - Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc - trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và xa hơn nữa, Bộ trưởng Blinken và Bộ trưởng Austin sẽ lần đầu tiên công du nước ngoài đến Tokyo và Seoul" - ông Sung Kim nói, theo thông cáo từ trung tâm báo chí Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Tại Tokyo và Seoul, Ngoại trưởng Blinken sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo để mở rộng hợp tác về ứng phó đại dịch COVID-19, tăng cường khả năng răn đe đối với các mối đe dọa trong khu vực và giải quyết biến đổi khí hậu, cũng như tăng cường hợp tác ba bên về một loạt các vấn đề toàn cầu, bao gồm phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
"Ngoại trưởng Blinken cũng sẽ thảo luận về những nỗ lực của Mỹ nhằm thiết lập các quy tắc quốc tế hiệu quả và thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với các quốc gia như Trung Quốc khi họ không tuân thủ các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của mình" - ông Sung Kim cho hay.
Tại Tokyo, Bộ trưởng Blinken và Bộ trưởng Austin sẽ tham dự cuộc họp của Ủy ban Tham vấn An ninh Mỹ-Nhật Bản 2+2 do Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi chủ trì. Bộ trưởng Blinken cũng sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các nữ doanh nhân để nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế Mỹ-Nhật.
Tại Seoul, hai bộ trưởng Mỹ cũng sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ-Hàn Quốc (hội nghị 2+2), do Bộ trưởng Ngoại giao Chung Eui-yong và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Suh Wook chủ trì.
Trợ ký Ngoại trưởng Mỹ Sung Kim khẳng định: "Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ các giá trị gốc rễ sâu xa của việc bảo vệ tự do, ủng hộ cơ hội và hòa nhập kinh tế và xã hội, đề cao quyền con người, tôn trọng pháp quyền và đối xử với mọi người một cách công bằng. Sự hợp tác của chúng tôi với cả Tokyo và Seoul để thúc đẩy những giá trị phổ quát này có vai trò rất quan trọng đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở".
Thông tin về chuyến thăm, ông David Helvey - Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh Châu Á - Thái Bình Dương - cho biết, chuyến công du của Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ đồng minh và đối tác của Mỹ, đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, trong đó tất cả các quốc gia có một sân chơi bình đẳng và trách nhiệm.
"Chúng tôi cam kết duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, nơi tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, được bảo đảm chủ quyền và theo đuổi cơ hội kinh tế, giải quyết tranh chấp mà không bị cưỡng ép, đồng thời có quyền tự do đi lại trên biển và trên không phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế" - ông Helvey nhấn mạnh.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho hay, vào thời điểm khu vực đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ Trung Quốc và mối đe dọa liên tục từ các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, "chuyến đi này gửi đi một tín hiệu quan trọng về quyết tâm của Mỹ hợp tác với các đồng minh, đối tác và những người cùng chí hướng để thúc đẩy một trật tự hòa bình, ổn định và mạnh mẽ có lợi cho tất cả chúng ta".
Theo quan điểm của hai trợ lý Sung Kim và David Helvey, đây là chuyến đi cực kỳ quan trọng và là cơ hội để thúc đẩy các mối quan hệ đồng minh và đối tác của Mỹ ngay từ rất sớm trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden.
KHÁNH MINH
0 comments