Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bản tin ngày 24-3-2021

Wednesday, March 24, 2021 3:02:00 PM // ,

  BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Diễn biến mới ở Biển Đông: Vệ tinh Mỹ phát hiện Bắc Kinh mở rộng thêm Đá Xu Bi ở Trường Sa, RFI đưa tin. Công ty công nghệ vũ trụ Mỹ Maxar công bố các bức ảnh vệ tinh, cho thấy rạn san hô Xu Bi, thực thể mà cả VN và Philippines đều tuyên bố chủ quyền nhưng đang bị TQ chiếm đóng, đã có thêm một khoảng đất mới, vốn không hiện diện trong ảnh vệ tinh chụp trước đó vào ngày 20/2.

Đó là một vùng đất hình chữ nhật mới, có kích thước khoảng 2,85 ha được thêm vào rìa phía nam của Đá Xu Bi. Hãng Maxar lưu ý, một cấu trúc hình tròn ở một góc của mảnh đất, cho thấy khả năng đó là một tòa tháp hoặc vòm radome.

Ảnh vệ tinh cho thấy bãi đất mới mà TQ bồi đắp phi pháp trên đá Xu Bi. Ảnh: Handout/VietTimes

VnExpress đưa tin: Hải quân Trung Quốc diễn tập nhiều ngày ở Biển Đông. Đài truyền hình CCTV của TQ đã thông báo, tàu tiếp liệu Type 098 Thanh Hải Hồ tham gia diễn tập nhiều ngày liên tiếp ở Biển Đông, nhưng không nói rõ thời gian và địa điểm diễn tập. Cuộc diễn tập nhằm tăng khả năng hỗ trợ tác chiến trên biển “toàn diện và chính xác”, tàu Thanh Hải Hồ diễn tập tiếp nhiên liệu và nước cho hộ vệ hạm Hành Thủy, thuộc lớp Type 054A. 

Bộ Chỉ huy Chiến khu Nam bộ của quân đội TQ đã tổ chức một cuộc diễn tập khác ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông hồi tuần trước. Tàu đổ bộ Type 071 Ngũ Chỉ Sơn tham gia huấn luyện mục tìm kiếm cứu nạn thủy thủ mất tích bằng trực thăng và tàu thuyền. Cả 2 cuộc diễn tập đều liên quan đến các hoạt động tiếp tế, hậu cần. 

Báo Giao Thông đặt câu hỏi: Trung Quốc liên tiếp tập trận trên Biển Đông nhằm mục đích gì? Hoạt động tập trận của TQ diễn ra trong bối cảnh các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp liên tiếp thách thức tuyên bố chủ quyền của TQ trên Biển Đông, “thường xuyên đưa tàu/máy bay ra các khu vực này để đảm bảo duy trì nguyên tắc tự do hàng hải, hàng không quốc tế trên tuyến đường biển quan trọng của thế giới”.

Vụ TQ huy động hàng trăm tàu “dân quân biển” áp sát Đá Ba Đầu, báo Tuổi Trẻ có bài: Tàu Trung Quốc ở Đá Ba Đầu là hoạt động mở đầu chiếm đóng. Cựu phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio nói rằng, Philippines nên “rất cảnh giác” về những diễn biến xung quanh khu vực này. Đây không phải là lần đầu tiên nhiều tàu TQ xuất hiện tại Đá Ba Đầu, cùng thời điểm này vào năm ngoái, cũng có “hàng trăm” tàu TQ có mặt tại đây. 

Ông Carpio cảnh báo: “Theo tôi thấy, đây là một hành động mở đầu việc chiếm đóng Đá Ba Đầu, giống như những gì họ đã làm với Đá Vành Khăn năm 1995. Lúc đầu họ nói rằng ngư dân cũng chỉ trú ẩn ở Đá Vành Khăn. Còn giờ thì Đá Vành Khăn đã là căn cứ hải quân và không quân của họ. Họ gọi đó là Trân Châu Cảng của họ ở Biển Đông. Đó là một căn cứ hải không quân to lớn”.

Báo Thanh Niên dẫn lời Chủ tịch nước: ‘Có những sự cố ở Biển Đông phải xử lý hết sức tế nhị’. Phát biểu trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 11, QH khóa XIV, Tổng Trọng nói: “Có những việc không thể nói công khai nhưng có những thời điểm, có những sự cố xảy ra ở Biển Đông xử lý thế nào, phía tây của chúng ta thế nào, phía tây nam thế nào, quan hệ với nước bạn thế nào. Có những cái xử lý phải nói rất thật với các bạn, các đồng chí là hết sức tế nhị, hết sức khôn khéo nhưng cả hệ thống chúng ta làm rất tốt”.

Đúng như ông Trọng nói, các lực lượng hải cảnh, tuần duyên của VN đã xử lý vấn đề Biển Đông “hết sức tế nhị”, cho nên các tàu “dân quân biển” và tàu hải cảnh của TQ mặc sức tung hoành, đâm chìm tàu của ngư dân VN mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào.

Tàu hải cảnh của TQ còn thường xuyên di chuyển lại gần các khu vực khai thác dầu khí nhạy cảm nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN như vào chỗ không người, có thời điểm chỉ cách bờ biển tỉnh Trà Vinh khoảng 174 hải lý. Dường như ông Trọng và các thuộc cấp đã đánh đổi chủ quyền để bảo đảm mối quan hệ tốt với “bạn vàng”. 

Mời đọc thêm: Hải quân Trung Quốc tập trận dồn dập ở Biển Đông bất chấp sự phản ứng của dư luận (TĐ). – Biển Đông: Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại đá Xu Bi thuộc Trường Sa (VietTimes). – Trung Quốc bị phát hiện xây dựng trái phép ở Đá Subi (VNN). – Mỹ cáo buộc Trung Quốc “dọa dẫm, khiêu khích và đe dọa các quốc gia khác” (ANTĐ). – Kế hoạch xuyên Đại Tây Dương đối phó Trung Quốc: Bó đũa không bị xé lẻ (VOV). – Ông Nguyễn Phú Trọng thừa nhận Việt Nam đã không lên tiếng về các sự cố ở Biển Đông vì tế nhị (RFA). 

Tin chính trường

Hôm nay là ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 11, QH khóa 14. Thủ tục quen thuộc trước khi bắt đầu phiên họp: Đoàn đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo báo Hà Nội Mới. Một hiện tượng vốn dĩ là bất thường lại càng lúc càng trở nên “bình thường”: Sự vắng mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trên danh nghĩa là người quyền lực nhất VN. “Quyền lực nhất” nhưng lại vắng mặt, nên một lần nữa, người dẫn đoàn là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và các ĐBQH đặt vòng hoa và vào viếng lăng ông Hồ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN/HNM

Vụ đoàn lãnh đạo đảng, nhà nước viếng lăng ông Hồ trong ngày làm việc đầu tiên của Đại hội 13 cũng diễn ra y như vậy: Tổng Trọng vắng mặt, để cho Thủ tướng Phúc dẫn đoàn. Từ lúc Tổng Trọng xuất hiện trở lại sau vụ đột quỵ ở Kiên Giang đến nay, ông vắng mặt trong tất cả các sự kiện đòi hỏi phải di chuyển nhiều.

Từ các vụ viếng lăng ông Hồ đến lễ tang ông Lê Khả Phiêulễ tang ông Trương Vĩnh Trọng… người dẫn đoàn luôn là người quyền lực thứ 2 của chế độ. Đây là điều bất thường nhưng đã diễn ra suốt gần 2 năm qua, cho thấy người đứng đầu đất nước không đủ sức khỏe cầm quyền, lãnh đạo đất nước.    

Thông Tấn Xã VN có đồ họa: Các nội dung chính của Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV.

Sau phần thủ tục, kỳ họp cuối cùng của QH khóa 14 bắt đầu: Quốc hội bắt đầu kỳ họp cuối cùng khóa XIV, kiện toàn 25 vị trí lãnh đạo, VTC đưa tin. Theo lịch làm việc, từ nay đến hết tuần, QH chỉ bàn các vấn đề vô thưởng vô phạt.

Từ ngày 30/3, “tiết mục chính” mới bắt đầu, QH sẽ miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia và bầu nhân sự thay thế. Tân Chủ tịch QH sẽ được bầu vào ngày 31/3. Rất lạ là ngày 23/5/2021 mới diễn ra bầu cử Quốc hội trên cả nước, nhưng Quốc hội Việt Nam đã có Chủ tịch trước gần 2 tháng, cho dù các đại biểu Quốc hội vẫn chưa được bầu.

Theo lịch trình, chiều 1/4, QH sẽ miễn nhiệm Chủ tịch nước đương nhiệm và bầu Chủ tịch nước mới bằng hình thức bỏ phiếu kín vào sáng 2/4.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, QH khóa 14. Ảnh: VTC

Đúng ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp Quốc hội, xuất hiện diễn biến mới về vụ cưỡng chế sai phạm tại chung cư Mường Thanh: Đà Nẵng tạm dừng kế hoạch, theo báo Thanh Niên. Lý do: Phía chủ đầu tư chung cư Mường Thanh, tức Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, đã có văn bản gửi UBND TP, UBND quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng cam kết sẽ tự tháo dỡ phần công trình sai phạm.

“Lý do” để đem ra công khai là như vậy, còn lý do thực chất đằng sau, người dân khó có thể biết, khi Tập đoàn Mường Thanh có mối quan hệ thân thiết với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mối quan hệ đó khiến Mường Thanh trở thành một “thế lực đen” ở VN, còn vững chắc hơn cả thế lực của các quan chức cấp cao của chế độ. Loạt sai phạm trong xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh bị phát hiện từ tháng 12/2017 nhưng đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa làm gì được. 

RFA viết: Thông tin 9 người đi nhờ chuyên cơ của bà Ngân bỏ trốn ở Hàn Quốc vẫn chưa được công bố. Tháng 12/2018, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn cấp cao của QH thăm chính thức Hàn Quốc. Đến ngày 23/9/2019, “một số kênh truyền thông Hàn Quốc đưa tin 9 người trong phái đoàn cấp cao của Quốc hội Việt Nam đã ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc, 2 người sau đó bị trục xuất về nước”. Thông tin về danh tính của 9 người “đi nhờ chuyên cơ” của bà Ngân, đến nay vẫn chưa được tiết lộ, trong khi bà Ngân chỉ tại vị đến cuối tháng 3/2021. 

Mời đọc thêm: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh (KT). – “Quốc hội khóa XIV quyết sách nhiều vấn đề khó, chưa có tiền lệ” (VOV). – Chính thức khai mạc kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIV (LĐTĐ). – Quốc hội họp 12 ngày, dành 7 ngày làm công tác nhân sự (GT). – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự khai mạc Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV (TTXVN). – Lần đầu tiên Quốc hội bầu đương kim Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch nước (VietTimes). – Quốc hội đề nghị làm rõ thành quả, hạn chế trong quan hệ với nước láng giềng (TN). – Vì sao Đà Nẵng dừng cưỡng chế chung cư cao cấp Mường Thanh? (VTC). 

Tin nhân quyền

Sáng nay, TAND cấp cao TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm, xử cựu chiến binh Trần Đức Thạch với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Thông Tấn Xã VN đưa tin: Giữ nguyên bản án 12 năm tù với đối tượng âm mưu lật đổ chính quyền. Các bản án trong phiên tòa phúc thẩm về tội phạm chính trị hầu như không thay đổi, đó là vẫn giữ nguyên mức án đã tuyên trong phiên tòa sơ thẩm. Với ông Trần Đức Thạch cũng không có ngoại lệ.

Cựu chiến binh Trần Đức Thạch tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay. Ảnh: NA/TTXVN

Thông tin từ phiên tòa được các báo “lề phải” dẫn lại chỉ xoáy vào các hoạt động bị cáo buộc là “âm mưu lật đổ chế độ”, tô vẽ ông Thạch như một người bất hảo, không nghề nghiệp. Cả tòa án và truyền thông của chế độ đều phớt lờ chi tiết ông Thạch là một cựu chiến binh CS. Sau khi tận mắt chứng kiến các vụ lính CS tàn sát dân thường năm 1975, ông viết hồi ký “Hố chôn người ám ảnh” và từ từ trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền.

Trang Thanh Niên Công Giáo viết: Bên ngoài phiên tòa xử TNLT Trần Đức Thạch. Tác giả cho biết, có khoảng 20 công an và cảnh sát cơ động đứng chốt ở đường Phạm Đình Toái, trục đường vào phiên tòa. Các ngả đường khác vào phiên tòa cũng đều bị chặn, buộc người đi đường phải dừng xe lại để hỏi thăm rồi mới được đi tiếp. Kèm theo bài viết là các hình ảnh cho thấy lực lượng an ninh canh giữ phiên tòa.

Một chốt chặn của an ninh gần khu vực diễn ra phiên tòa phúc thẩm xử ông Trần Đức Thạch. Ảnh: FB TNCG

Trước đó, ngày 19/3, Facebooker Nguyễn Chương, vợ ông Thạch, cho biết“Hôm qua tôi lại đi thăm chồng tôi Trần Đức Thạch, mà trại tạm giam Nghi Kim, Nghệ an chưa cho gặp và gửi đồ ăn. Điện thoại cũng không cho chồng tôi gọi điện về. Trong lúc đó cả nước Việt Nam, trại nào  cũng cho người nhà gặp gọi điện về. Nay đã hết dịch không biết Giám đốc [trại giam] Nghệ An ngủ quên sao mà chưa cho gặp”

Ở Sài Gòn, đại diện TAND quận Bình Thạnh, TP HCM đã xin lỗi công khai bí thư Đoàn bị ngồi tù oan hơn 2 năm, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Đại diện cơ quan tố tụng quận Bình Thạnh đã cùng với UBND xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, Long An tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai đối với ông Bùi Minh Lý, bí thư chi đoàn xã Đông Thạnh, người chịu oan do bị nhầm là tội phạm cướp giật vào ngày 19/1/2014. 

Ông Bùi Minh Lý nhận hoa xin lỗi từ đại diện các cơ quan tố tụng quận Bình Thạnh. Ảnh: Sơn Lâm/TT

LS Nguyễn Minh Tâm kể về hành trình 7 năm kêu oan cho ông Lý: “Lý bị bắt vào ngày 21 tết thì đến chiều 27 tết, tôi nhận được yêu cầu hỗ trợ và sáng 28 tết, tôi chính thức tham gia vụ án. Hôm nay có thể nói là vụ việc đã hoàn thành hơn 90%”. Ông Lý đã được xin lỗi công khai, nhưng yêu cầu bồi thường 3,8 tỉ đồng thì các bên chưa thống nhất được.

Mời đọc thêm: Y án 12 năm tù cho nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch (BBC). – Nhà bất đồng Trần Đức Thạch vẫn chịu án 12 năm tù sau phiên phúc thẩm (VOA). – Giữ nguyên mức án 12 năm tù với đối tượng âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân (NA). – TAND quận Bình Thạnh xin lỗi bí thư đoàn bị oan sai (Zing). – Bí thư đoàn bị kết án 3 năm tù oan: ‘Tòa kính mong anh Lý nhận lời xin lỗi này’ (VTC). Mời đọc lại: Vì sao gần 3 năm TAND quận Bình Thạnh mới xin lỗi bí thư đoàn bị oan? (Zing). – Cựu cán bộ Đoàn bị oan đòi bồi thường 3,8 tỉ, tòa chưa đồng ý (PLTP).  

Vụ sai phạm “đất vàng”

Phiên tòa xét xử vụ hoán đổi “đất vàng” số 57 Cao Thắng lấy tài sản số 185 đường Hai Bà Trưng tiếp tục với phần tranh luận giữa đại diện VKSND TP HCM và người bào chữa, bị cáo, các bên liên quan. Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Nhà nước mất hoàn toàn tài sản sau vụ hoán đổi đất của bà Diệp. Đại diện VKS nói về vụ “đổi đất” để biến tài sản công thành tài sản tư: “Nhà nước đã mất hoàn toàn quyền sở hữu đối với ít nhất một trong hai tài sản là 185 Hai Bà Trưng”.

Sau khi bà Dương Thị Bạch Diệp và LS Phan Trung Hoài liên tục nhắc đến cựu Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân, cuối cùng VKS cũng chịu nói về vai trò của ông Quân trong vụ hoán đổi “đất vàng”. Zing dẫn lời đại diện Viện kiểm sát: ‘Ông Lê Hoàng Quân có một phần trách nhiệm’. VKS nhận định, dù ông Lê Hoàng Quân đã đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại số 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương không đúng quy định, nhưng hành vi của ông Quân không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thất thoát tài sản Nhà nước.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, cựu GĐ Công ty BĐS Diệp Bạch Dương. Ảnh: Zing

Từ các luận điểm trên, đại diện Viện Kiểm sát giữ quan điểm truy tố đại gia Dương Thị Bạch Diệp tội lừa đảo, VOV đưa tin. Đại diện VKS lập luận, vụ án này chỉ xem xét, truy tố bị cáo Diệp về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi sử dụng nhà đất 57 Cao Thắng đang thế chấp tại Agribank để đổi lấy tài sản 185 Hai Bà Trưng, vốn là tài sản của Nhà nước do Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM quản lý sử dụng. Cho nên, đại diện VKS tiếp tục bảo lưu quan điểm truy tố đối với bị cáo Diệp tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong lúc đại diện VKS vẫn tự tin rằng lập luận của bà Diệp không thể “bẻ” được bằng chứng mà họ nắm giữ, thì LS Hoài công bố bằng chứng khác: Bất ngờ xuất hiện thỏa thuận 3 bên giữa Diệp Bạch Dương – Phan Thành – Agribank, theo báo Tuổi Trẻ. Dựa trên bằng chứng mới này, LS Hoài đã chỉ ra một số khác biệt giữa hồ sơ Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp cho HĐXX hôm qua và hồ sơ do cơ quan tố tụng thu thập.

Biên bản thỏa thuận 3 bên được LS Phan Trung Hoài trình cho HĐXX. Ảnh: T.M/TT

Một trong số các điểm khác biệt do LS Hoài chỉ ra: “Hồ sơ thế chấp Agribank nói nhận vào ngày 31-12-2008. Tuy nhiên, trong danh mục của Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp là ngày 7-1-2009”. Còn đại diện Sở TN&MT TP HCM khẳng định, các tài liệu bằng chứng trong hồ sơ của cơ quan tố tụng là thật, nhưng “có nhầm lẫn”.

***

Báo Người Lao Động có bài về hiện tượng sốt đất khắp nơi: Hệ lụy khó lường. Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS VN cảnh báo, nếu tình trạng “thổi” giá nhà, đất không được ngăn chặn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến của thị trường cũng như chính sách của nhà nước: “Giá đất tăng cũng làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng gây khó khăn hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ”

Báo Tuổi Trẻ có bài: Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, chịu án tù lại dính líu đến sai phạm đất đai ở Mũi Né. Thanh tra tỉnh Bình Thuận ra kết luận thanh tra vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất cho vợ chồng bà Trần Thị Ngọc Nữ tại phường Mũi Né, TP Phan Thiết. Sở TN&MT Bình Thuận đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định.

Theo Thanh tra tỉnh Bình Thuận, trách nhiệm thuộc về 2 ông Hồ Lâm, Lê Nguyễn Thanh Danh, cựu GĐ và Phó GĐ Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận. Một số cựu lãnh đạo, quan chức của Văn phòng Đăng ký đất đai Bình Thuận cũng có trách nhiệm liên đới. Kết luận thanh tra cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm quy định về đất của UBND TP Phan Thiết.

Một khu đất sai phạm được nêu trong kết luận thanh tra. Ảnh: Mai Thức/TT

Mời đọc thêm: Vụ hoán đổi đất vàng ở TPHCM: Ông Nguyễn Thành Tài khai gì về ông Lê Hoàng Quân? (TP). – Bà Dương Thị Bạch Diệp: ‘Tôi là nạn nhân mà bị án chung thân’ (TT). – Xét xử bà Dương Thị Bạch Diệp: Agribank cũng nói mình bị lừa! (SGGP). – Bước ngoặt trong phiên xử nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: Agribank trình hợp đồng thế chấp nhà của bà Diệp Bạch Dương (PLVN).

– Ngân hàng: Bà Diệp thế chấp nhà đất để vay 8.700 lượng vàng (PLTP). – Chứng cứ mới vụ đại gia Dương Thị Bạch Diệp lừa đảo (VNN). – Khánh Hòa cưỡng chế thu hồi đất vàng dự án lấp Vịnh Nha Trang (PL Plus). – Sở TN-MT Bình Thuận và TP.Phan Thiết sai phạm nghiêm trọng khi cho Trần Thị Ngọc Nữ tách thửa (TN).

Miến Điện: Trẻ em bị bắn chết

BBC cập nhật diễn biến Đảo chính Myanmar: Bé gái 7 tuổi bị lực lượng an ninh bắn chết. Nguồn tin địa phương cho biết, bé gái Khin Myo Chit, 7 tuổi, đã bị lực lượng an ninh Miến Điện bắn chết, trở thành nạn nhân nhỏ tuổi nhất trong vụ đàn áp nhắm vào người dân sau cuộc đảo chính quân sự 1/2. Người nhà nạn nhân chia sẻ, bé gái bị giết tại nhà riêng ở TP Mandalay. An ninh Miến Điện nhắm bắn cha cô bé nhưng lại bắn trúng con ông, lúc đó đang ngồi trên đùi cha. Người anh trai 19 tuổi của cô bé đã bị bắt.  

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết, họ rất “kinh hoàng” về cái chết của nạn nhân nhỏ tuổi. Trước đó, một trong các nạn nhân nhỏ tuổi nhất được ghi nhận là một bé trai 14 tuổi. Còn nhóm nhân quyền Save the Children cho rằng, có hơn 20 trẻ em nằm trong số những người đã thiệt mạng bởi chế độ quân phiệt Miến Điện.

Đường phố Miến Điện đã trở thành chiến trường kể từ sau cuộc đảo chính quân sự 1/2/2021. Ảnh: Reuters/BBC

Xuất hiện dấu hiệu tạm thời “hạ nhiệt” ở Miến Điện: Hơn 600 người biểu tình được trả tự do, hoãn phiên xử Aung San Suu Kyi, RFI đưa tin. Phiên xử cựu lãnh đạo Miến Điện lẽ ra được tổ chức hôm nay, nhưng được hoãn lại tới ngày 1/4, với lý do liên quan đến mạng internet. Chế độ quân phiệt Miến Điện cũng trả tự do cho khoảng 620 người, trong đó có một PV của hãng tin AP.

Mời đọc thêm: Myanmar: Bé bảy tuổi ngồi trong nhà cũng trúng đạn của lực lượng an ninh? (TP). – Nạn nhân 7 tuổi ở Myanmar bị bắn tử vong (FB Kiểm Tin). – Quân đội Myanmar tố cáo ngược phe biểu tình và thừa nhận có nhiều người chết (VOV). – Quân đội Myanmar thả ’15 xe buýt chật ních’ với hàng trăm người biểu tình? (TT). – Myanmar trả tự do cho hàng trăm người biểu tình bị bắt giữ (TTXVN). – Cảnh tượng chưa từng thấy tại cố đô Yangon từ khi quân đội đảo chính (GT). 

***

Thêm một số tin: Vụ 383 người ở Bình Định nghi bị ngộ độc: ‘Không tìm được nguyên nhân’ (NV). – Sách mới muốn viết ‘công bằng hơn’ về TT Nguyễn Văn Thiệu (BBC). – Xe chở vaccine COVID-19 của Vệ binh Quốc gia Mỹ bất ngờ bị phục kích (Tin Tức).

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.