Trung Quốc chặn LHQ lên án cuộc đảo chính Myanmar
BBC
Trung Quốc chặn tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong việc lên án cuộc đảo chính quân sự tại Myanmar.
Quân đội đã nắm quyền ở quốc gia Đông Nam Á hôm thứ Hai sau khi bắt giữ nhà lãnh đạo chính trị Aung San Suu Kyi và hàng trăm nhà lập pháp khác.
Từ hôm đó, các lãnh đạo của cuộc đảo chính đã thành lập một hội đồng tối cao mới, đứng trên cả nội các.
Đảo chính Myanmar: Giới trẻ âm thầm tẩy chay quân đội
Tuy nhiên, tại thành phố lớn nhất của Myanmar, Yangon, dấu hiệu của sự phản kháng và bất tuân dân sự ngày càng gia tăng.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp vào hôm thứ Ba nhưng chưa thống nhất được tuyên bố chung sau khi Trung Quốc không ủng hộ.
Một tuyên bố chung sẽ cần sự ủng hộ từ Trung Quốc, quốc gia nắm quyền phủ quyết với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (LHQ).
Trước cuộc hội đàm, Đặc phái viên của LHQ về vấn đề Myanmar, Christine Schraner, đã lên án mạnh mẽ việc quân đội nắm quyền sau khi từ chối chấp nhận kết quả của cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào tháng 11 năm 2020.
Bà nói rõ ràng "kết quả cuộc bầu cử gần đây là một chiến thắng long trời lở đất" cho đảng của bà Suu Kyi.
'Vấn đề nội bộ'
Chuyên gia Myanmar, Elliott Prasse-Freeman, thuộc Đại học Quốc gia Singapore nói với BBC:
"Thông qua chính sách ngoại giao giống như thao túng tinh thần này, Trung Quốc có vẻ như đang ra dấu sự ủng hộ ngấm ngầm, nếu không muốn nói là sự đồng thuận rõ ràng, với hành động của các tướng lãnh."
"Trung Quốc dường như tiếp tục hành xử như thể đây là 'vấn đề nội bộ' của Myanmar, và những gì chúng ta đang quan sát là một 'cuộc cải tổ nội các', như truyền thông nhà nước của Trung Quốc đưa tin."
Dù ông cho rằng một tuyên bố của Liên Hiệp Quốc sẽ không tạo ra sự khác biệt gì tức thì, nhưng đây vẫn được coi là "bước đầu tiên để đưa ra phản ứng chung của quốc tế. Điều đó dường như sẽ không xảy ra".
Aung San Suu Kyi, lãnh đạo chính phủ dân cử hiện đã bị lật đổ, vắng bóng kể từ khi bà bị quân đội giam giữ sáng thứ Hai. Hàng chục người khác cũng đang bị giam giữ, gồm cả Tổng thống Win Myint.
Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà hôm thứ Ba yêu cầu trả tự do cho bà ngay lập tức. Đồng thời, kêu gọi quân đội chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử tháng 11, qua đó NLD giành được hơn 80% số phiếu.
Trong khi đó, Mỹ nói họ không liên lạc được với quân đội Myanmar và đã chính thức tuyên bố việc thu tóm quyền lực này là một cuộc đảo chính.
Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không thể trực tiếp ủng hộ chính phủ, dù phần lớn sự trợ giúp của Mỹ là đến với các tổ chức phi chính phủ.
EU, Anh, Úc và các nước khác cũng đã lên án việc thu tóm quyền lực này.
Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, được cai trị bởi các lực lượng quân sự cho đến năm 2011, khi một chính phủ dân sự trên danh nghĩa tuyên thệ nhậm chức.
Tình hình ở Myanmar thế nào?
Quyền lực được giao cho tổng tư lệnh Min Aung Hlaing. 11 bộ trưởng và đại biểu, gồm các bộ trưởng tài chính, y tế, nội vụ và đối ngoại đều được thay thế.
Trong cuộc họp nội các đầu tiên của mình hôm thứ Ba, Min Aung Hlaing lặp lại rằng việc nắm quyền là điều "không thể tránh khỏi".
Myanmar has a long history of military rule and many people can still remember the terror of previous coups.
Đất nước yên lắng sau cuộc đảo chính, với việc quân đội tuần tra ở tất cả các thành phố lớn và lệnh giới nghiêm ban đêm có hiệu lực.
Myanmar có lịch sử lâu đời nằm dưới sự cai trị của quân đội và nhiều người vẫn có thể nhớ như in nỗi kinh hoàng của các cuộc đảo chính trước đây.
Nhưng vào tối thứ Ba, tiếng còi xe và tiếng đập của xoong chảo vang lên trên nhiều đường phố ở Yangon nhằm thể hiện sự phản đối.
Các nhóm hoạt động cũng kêu gọi các chiến dịch bất tuân dân sự, thành lập một nhóm Facebook để hội tụ những nỗ lực của họ.
Nhân viên tại 70 bệnh viện và bộ phận y tế trên khắp cả nước được cho là đã đình công để phản đối cuộc đảo chính và thúc đẩy việc trả tự do cho bà Suu Kyi.
Một số nhân viên y tế cũng đeo ruy băng đen để phản đối trong âm thầm.
Sơ lược về Myanmar
Myanmar là quốc gia có 54 triệu dân ở khu vực Đông Nam Á, có chung biên giới với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc. Thái Lan và Lào.
Đất nước này nằm dưới sự thống trị hà của giới quân sự nắm quyền từ năm 1962 đến năm 2011, dẫn đến việc bị quốc tế lên án và áp các lệnh trừng phạt.
Aung San Suu Kyi đã dành nhiều năm vận động cho việc cải cách dân chủ. Quá trình tự do hóa dần dần bắt đầu vào năm 2010, dù rằng quân đội vẫn giữ được ảnh hưởng đáng kể.
Chính phủ do bà Suu Kyi lãnh đạo đã lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tự do vào năm 2015. Nhưng một cuộc đàn áp quân sự thiệt hại về nhân mạng hai năm sau đó đối với người Hồi giáo Rohingya đã khiến hàng trăm nghìn người chạy trốn sang Bangladesh và nổ ra sự rạn nứt giữa bà Suu Kyi và cộng đồng quốc tế.
Bà vẫn được yêu mến ở quê nhà và đảng của bà đã giành chiến thắng áp đảo một lần nữa trong cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020. Nhưng quân đội hiện đã can dự để nắm quyền kiểm soát một lần nữa.
0 comments