Mặc dịch COVID-19 lây lan, quan chức tụ tập mừng đại hội đảng “thành công”
Cao Nguyên
2021-02-03
Tối ngày 2/2, một chương trình nghệ thuật đặc biệt được tổ chức quy mô hàng ngàn người với mục đích chào mừng thành công của Đại hội Đảng 13, bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trở lại, lây lan nhanh trong cộng đồng. Chuyên gia cảnh báo rằng nếu không có biện pháp cách ly những người tham gia chương trình này, thì nguy cơ lây nhiễm cho người dân là rất cao và khó kiểm soát.
Đại hội 13 với hơn 1.500 đại biểu vừa diễn ra ở Hà Nội từ ngày 25/1 đến 1/1 vừa qua, vào đúng đợt dịch mới.
Từ ngày 27/1, Việt Nam phát hiện đợt lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng mới xuất phát từ hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh. Từ đó dịch nhanh chóng lây lan ra nhiều tỉnh thành khác khắp cả nước. Trong đó, Hà Nội bị coi là điểm nóng của đợt dịch lần này, với 19 ca nhiễm trong 2 ngày 31/1 và 1/2.
Ngày 28/1, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh ra công điện khẩn yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường chống dịch. Người dân phải thực hiện tốt thông điệp “5K” gồm: khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế. Hạn chế tối đa tập trung đông người, hạn chế tổ chức các lễ hội, chủ động phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các trường hợp nhập cảnh trái phép, vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Dư luận chỉ trích
Dù có lệnh cấm tụ tập đông người, chương trình văn nghệ vẫn diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), quy tụ hơn 1.600 nghệ sĩ tham gia, nhằm “ngợi ca vai trò lãnh đạo của Đảng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng tỏa sáng của đất nước.”
Trong suốt buổi biểu diễn chương trình văn nghệ, hầu hết các quan chức cấp cao đều không ai đeo khẩu trang.
Có nhiều ý kiến trên mạng xã hội chỉ trích việc tổ chức một chương trình với số người quá đông trong khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu, một người thường có những bài viết về các vấn đề chính trị và xã hội Việt Nam, bày tỏ quan điểm trên trang Facebook cá nhân hai điều đáng suy ngẫm về chương trình biểu diễn vào đêm 2/2 như sau:
“Một là, chương trình diễn ra trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19 chủng loại mới rất nguy hiểm về tốc độ lây lan, mà lại tập trung nhiều ngàn người, trong đó có rất nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nếu lỡ xẩy ra lây lan COVID-19 thì hậu quả sẽ rất tai hại…
Hai là, chương trình vô cùng tốn kém. Các đoàn không chỉ ở Hà Nội mà đến từ các tỉnh và cả từ TP.HCM. Chưa nói đến công sức luyện tập nhiều ngày và nhiều lần diễn thử.
Lại thêm phải tổ chức kiểm tra test COVID-19 cho mấy ngàn người tham dự, là một sự tốn kém đáng kể. Trong hoàn cảnh phải căng sức chống bùng phát covid chủng loại mới thì thấy thật khó biện hộ.”
Facebooker Thảo Teresa nêu bức xúc trên Facebook:
“Hà Nội đang bùng phát dịch, nhà nhà, người người lo sợ dịch bệnh…
Người dân nếu không đeo khẩu trang phạt 2 triệu. Tôi đề nghị phải nghiêm khắc làm đúng luật phạt đám người đang tụ tập trên kia mỗi người 2 triệu để làm gương.”
Giảng viên chuyên ngành sinh học đang nghiên cứu tại một trường đại học ở Hàn Quốc không muốn nêu tên nói với RFA rằng rõ ràng việc tổ chức đêm biểu diễn nghệ thuật này là trái luật:
“Nếu đã có quy định là không được tụ tập đông người thì cái này chắc chắn là phạm luật. Trừ khi họ ghi trong văn bản là trừ những trường hợp cụ thể, và những trường hợp ấy phải có hướng dẫn cụ thể là phải cách ly trước, trong và sau đại hội như thế nào để đảm bảo là không lây lan cho người dân. Chứ cái đám đấy mà lây ra cho người dân thì cũng rất là mệt.”
Nguy cơ lây nhiễm cao
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định rằng tất cả nghệ sỹ tham dự trong chương này đều đã thực hiện test COVID-19 để đảm bảo an toàn cho diễn viên và người xem.
Tuy nhiên, theo chuyên gia sinh học giấu tên, tổ chức chương trình văn nghệ chào mừng và cả đại hội đảng trong thời điểm này tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao. Việc chính quyền cho biết đã test COVID-19 tất cả những người tham dự cũng không có nghĩa là đã an toàn tuyệt đối.
Chuyên gia này lý giải rằng dù một người đã xét nghiệm âm tính lần 1 không có nghĩa là người đó hoàn toàn không bị mắc COVID. Bởi vì, những người mắc COVID ở giai đoạn đầu khi vừa bị lây nhiễm thì sẽ chưa test ra được. Hoặc là cũng có thể kết quả test sai, xác suất âm tính giả trong việc test COVID là chuyện bình thường.
Trong trường hợp test đại trà để tham gia biểu diễn thì người ta chỉ thự hiện test có một lần. Nhưng để chắc chắc âm tính thì phải test đến lần thứ 3 trong nhiều ngày khác nhau:
“Không thể khẳng định 100% là trong cái đám đông đấy không có người bị COVID. Nguy cơ lây nhiễm rất cao. Những người biểu diễn thì nguy cơ sẽ không cao bằng các đại biểu. Bởi vì những người biểu diễn ở sân khấu tương đối xa so với những đối tượng còn lại.
Đúng ra thì những người trong chương trình đó phải được cách ly trước 14 ngày, kể cả những người có biểu diễn hay không.
Nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nếu có người nhiễm COVID và với số người đông như thế thì việc truy vết là không tưởng đối với khả năng của nước mình.
Thứ hai là con virus này nó cũng không phân biệt anh là đảng viên hay không. Nó quất tất. Nếu mà thực sự có virus thì nhóm đại biểu đảng chính là những đối tượng yếu trong việc chống COVID. Bởi vì những người đại biểu thường là lớn tuổi rồi chứ không còn trẻ để kháng lại. Nên tôi nghĩ rằng việc họ làm là cũng hơi mạo hiểm đấy.”
Dập dịch trong 10 ngày?
Chiều 28/1, tại cuộc họp chỉ đạo ứng phó với tình hình dịch bệnh lây lan nhanh trên cả nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu rằng “chúng ta phải có những biện pháp nhanh hơn virus này, nhanh hơn trước đây và quyết tâm phấn đấu 10 ngày sẽ dập tắt dịch.”
Lời cam kết “dập dịch” trong vòng 10 ngày được ông Vũ Đức Đam tái khẳng định vào ngày 29/1 rằng “Chúng tôi tự hứa là 10 ngày dập dịch. Đến chiều nay là còn 8 ngày, vẫn khẳng định như vậy.”
Ông Lê Trọng Hùng, một công dân Hà Nội nói với RFA rằng có lẽ ông Vũ Đức Đam phát biểu tự tin như vậy là do ở 2 đợt bùng phát dịch trước đây, vào tháng 3 và tháng 7/2020, Chính quyền Hà Nội đã làm khá tốt, đã ngăn chặn được dịch lây lan nên lần này cũng sẽ như vậy:
“Tôi nghĩ rằng hai lần trước thì ông ấy cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm nên lần này tinh thần có tự tin hơn. Nhưng thực tế có dập dịch được hay không thì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa, vì con virus chủng mới này nguy hiểm hơn.”
Theo chuyên gia sinh học, có thể ông Vũ Đức Đam dùng nhầm từ ngữ, chứ còn chuyện “dập dịch” được trong 10 ngày về chuyên môn là “không thể”. Bà giải thích:
“Tôi nghĩ chắc là ông Phó Thủ tướng đề cập đến việc truy vết hết những người được cho là mắc bệnh, chứ còn “dập dịch” trong 10 ngày là con số không tưởng. Bởi vì thời gian ủ bệnh này trung bình đã là 5,5 ngày. Ở những nước như Hàn Quốc hay Mỹ thì sau khi điều trị những bệnh nhân mắc bệnh thì phải giữ lại mười mấy ngày nữa để chắc chắn rằng không còn bệnh.
Cho nên chắc là ông ấy dùng nhầm từ “dập dịch”. Có thể ý của ông ấy là khoanh vùng và truy vết hết các đối tượng nghi nhiễm trong đợt dịch này. Tôi đoán thế chứ còn dập dịch là một từ ngữ rất vô lý.
Với đợt bùng dịch này thì trên thế giới không có nước nào dám tuyên bố là họ có thể dập được dịch cả. Đó là điều chắc chắn.”
Tại Việt Nam có câu ‘cán bộ đi trước, làng nước theo sau’ hàm nghĩa lãnh đạo, quan chức phải làm gương cho người dân trong việc chấp hành luật pháp, qui định đề ra.
Trong tình hình dịch COVID-19 lây lan nhanh chóng bởi biến chủng như hiện nay thì điều này lại càng phải được thực thi một cách chặt chẽ.
0 comments