Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Kỷ niệm chiến thắng Đống Đa Mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789

Thursday, February 18, 2021 5:55:00 PM // ,

Đào Tăng Dực

17-2-2021

Ảnh: FB tác giả

Tôi lại được vinh hạnh tham dự một Đại Lễ của dân tộc.

Ngày thứ Ba 16 tháng 2 Năm 2021, Tập Hợp Đồng Tâm, trong phạm vi giới hạn của mùa Đại Dịch Vũ Hán, như mỗi năm tại Nhà Thờ Đức Quốc Tổ, 187 The Horsley Drive, Fairfield East NSW 2165, đã long trọng và trang nghiêm tổ chức Lễ Tưởng Niệm Chiến Thắng Đống Đa của Đại Việt, dưới sự lãnh đạo của Bắc Bình Vương Quang Trung Nguyễn Huệ, nghiền nát tham vọng bá quyền của Giặc Tàu phương Bắc.

Trong khi đó, Đại Hội 13 của đảng CSVN lại hèn nhất tiếp tục lưu nhiệm TBT Nguyễn Phú Trong, một gương mặt già nua và bị các bình luận gia thế giới và nhân dân Việt Nam nhận diện là tay sai của Tập Cận Bình, với lời bình luận bất hủ: “Trà Tàu Ngon hơn trà Việt Nam”.

TBT Nguyễn Phú Trọng cũng chứng tỏ rất hèn với câu tuyên bố năm 2015 về sự trốn chạy Tàu Cộng tại Biển Đông “Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?…”

Nguyễn Phú Trọng minh thị chủ trương thà mất nước còn hơn mất đảng.

Chính vì thế khi Đại Hội 13 quyết định lưu giữ nhân vật này trong chức vụ TBT, thì toàn đảng đã rơi mặt nạ là một tập thể bán nước.

Lễ tưởng niệm chiến thắng Đống Đa chỉ vài ngày sau Đại Hội 13 ngoài tác động vinh danh thế hệ Tây Sơn quyết tử cho dân tộc sinh tồn trước dã tâm của Giặc Phương Bắc và tưởng nhớ công đức của Bắc Bình Vương Quang Trung Nguyễn Huệ, còn vạch trần âm mưu bán nước của TBT Nguyễn Phú Trọng và bè lũ trong đảng CSVN.

Xin đính kèm một số hình ảnh, bài khấn nguyện do Ông Trần Hữu Triêm tuyên đọc và Tóm lược công đức của Quang Trung Đại Đế do Ông Lê Thanh Long tuyên đọc.

Việt Nam Văn Hiến

Năm thứ 4900

Hôm nay ngày 16 tháng 2, năm 2021,

Nhằm mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu,

Ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa

và tưởng nhớ công đức của Quang Trung Hoàng Đế

và thế hệ Tây Sơn anh dũng.

Trước bàn thờ Quốc Tổ, được thiết lập tại số 187

The Horsley Drive, thành phố Fairfield, tiểu bang NSW, Úc đại lợi,

Tất cả chúng con, lòng thành lễ bạc,

Cung kính tiến dâng, đồng tâm kính thỉnh:

Kính lạy Nhị Vị Tộc Tổ,

Kính lạy Liệt Vị Quốc Tổ của 18 đời Hùng Vương,

Kính lạy Quang Trung Hoàng Đế và thế hệ Tây Sơn,

Kính lạy Anh hùng, Liệt nữ và Hồn thiêng sông núi của Tổ quốc Việt nam.

Nhớ khi xưa:

Khi vận nước, đang hồi bỉ cực,

Lúc non sông, chìm cảnh điêu linh.

Phía Bắc:

Lê Triều hấp hối, sinh Chiêu Thống,

Muối mặt cầu Thanh, nhục để đời.

Phương Nam:

Chúa Nguyễn thừa cơ xin Pháp viện,

Rước cả quân Xiêm vào đất Phù sa.

Cũng may thay!

Lẽ tuần hoàn, trời đất chẳng ngừng xoay,

Trên dãy đất, địa linh sinh nhân kiệt.

Đất Tây Sơn sinh người áo vải,

Tuốt gươm thiêng, thề sống chết với non sông.

Quyết giử Nước, không vào tay giặc dữ,

Quyết giử Dân, khỏi mang ách nô vong,

Quyết giử Văn, còn Văn Hiến tinh tuyền,

Quyết giử Đạo, nòi Tiên Long Nhân chủ.

Theo tiếng gọi, dưới ngọn cờ tụ nghĩa,

Mười vạn quân, trăm chiến tượng sẳn sàng,

Thần tốc tiến binh, vượt núi băng ngàn,

Hẹn tuần sau, mừng Tết ở Thăng Long.

Dẫu thế giặc, có binh hùng tướng mạnh,

Thì Nam quân, nhờ dạ sáng chí bền.

Gián Thủy, Nguyệt Quyết, Hà Hồi thi nhau đổ,

Ngọc Hồi, Nhật Tảo, Khương Thượng tiếp nhau rơi.

Nghi Đống liệu khó bề sống sót,

Đành nuốt hờn treo cổ tại Đống Đa.

Sĩ Nghị biết đã cùng đường mạc lộ,

Ống đồng chui, ấn tín chẳng kịp mang.

Ôi, hai mươi chín vạn hùng binh,

Vẫn tưởng Nam bang, sẽ nuốt nhục qui hàng,

Trong phút chốc, thành đám tàn quân tan tác.

Ngoài biên ải, mùi sát khí vẫn còn vương trong gió,

Trong xóm thôn, tiếng hoan ca đã cuồn cuộn dâng cao.

Thăng Long ơi, Thêm một lần bay bổng,

Vì chí lớn dọc ngang, Vì nghiệp lớn huy hoàng,

Vì ngàn thu còn mãi, Vì có người áo vải đất Quy Nhơn.

Biên cương hề tạnh lửa, Xã tắc hề hoan ca.

Nhưng than ôi!

Kể từ lúc Rồng Thiêng khuất bóng,

Đã hơn tám vạn lần,

Ánh dương ngùn ngụt lửa ở phương Đông,

tắt ở phương Đoài,

Bóng nguyệt tỏ cây rừng đất Bắc,

sáng soi đồng lúa Cửu Long.

Giờ còn lại ai, còn lại ai vững lái trước cuồng phong?

Đau đớn thay!

Đã chín mươi năm dâu bể,

Đất nước thêm một lần đại nạn,

Khi giặc Đỏ về làm tan nát cả giang sơn.

Kìa Chiêu Thống thời nay,

Thay nhau ngồi sừng sửng ở Ba Đình,

Không cạo đầu, chẳng để tóc đuôi sam,

Mang họ Việt, nhưng toàn phường bán nước,

Gian tà thâm độc, như lũ giặc ngoại xâm.

Họa Bắc thuộc, rỏ ngàn cân treo sợi tóc.

Nay xin nguyện:

Trước anh linh đức Quang Trung Hoàng Đế,

Ghi ngày giỗ trận, nhớ Bắc Bình Vương,

Xin phù hộ, độ trì,

Cho chân cứng đá mềm, được bền tâm vững chí,

Ðồng Tâm thề quyết noi gương, cùng cất cao lời huấn dụ:

‘Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng,

Đánh cho nó chích luân bất phản,

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn,

Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ.’

Cho nước Nam, hoa thắm lá xanh rờn,

Cho người người rộn rã tiếng yêu thương.

Nay quyết thề, không hổ thẹn với người xưa,

Vì một trận Ðống Ða,

Còn nghìn thu oanh liệt,

Vì trước sau, lòng như vàng đá,

Vàng chẳng hề phai, đá chẳng sờn.

Lòng thành khấn nguyện, cúi xin chứng giám.

Trước nhất, chúng tôi xin lượt đọc công đức của vua Quang Trung và thế hệ Tây Sơn

Đức Nguyễn Huệ sinh năm Quý Dậu (1753) tại huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), là con của ông Nguyễn Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng.

Ngài có người anh tên Nguyễn Nhạc và người em là Nguyễn Lữ. Tương truyền, 3 anh em đều theo học cả văn lẫn võ với thầy Trương Văn Hiến. Về binh pháp thì Ngài vượt trội hơn, được xem là thiên tài về quân sự, chưa bao giờ bại trận trong suốt 20 năm chinh chiến.

Thời gian đầu, giúp anh là Nguyễn Nhạc, Ngài đánh vào Gia Định 4 lần, khiến Nguyễn Ánh phải mấy phen trốn chạy.

– Năm 1784, Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm, Ngài cho phục binh tại Xoài Mút, tiêu diệt 2 vạn quân Xiêm và đánh chìm 300 chiến thuyền.

– Năm 1786, Ngài tiến quân ra Bắc, thắng nhiều trận liên tiếp ở Thuận Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình. Sau đó, giương cao ngọn cờ “Phù Lê diệt Trịnh”, chiếm Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Nam và đến ngày 21/7/1786, đại quân của Ngài tiến vào Thăng Long.

– Ngày 31/7/1786, Ngài và các tướng sĩ Tây Sơn cùng các quan văn, quan võ Bắc Hà vào triều, chúc mừng vua Lê Hiển Tông và Ngài được sắc phong làm “Nguyên soái Phù dực chính vũ Uy quốc công” và được vua gả công chúa Ngọc Hân. Sau đó, Nguyễn Nhạc ra lệnh cho Ngài rút quân về Nam, đóng tại Thuận Hóa, được phong chức Bắc Bình Vương.

Vua Lê Chiêu Thống nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh đánh dẹp tay chân của họ Trịnh, nhưng sau đó thì Nguyễn Hữu Chỉnh cậy công chuyên quyền. Từ Huế, Ngài sai Vũ Văn Nhậm, mang quân ra diệt trừ Nguyễn Hữu Chỉnh. Khi thấy Nhậm có ý làm phản, Ngài kéo quân ra Bắc giết luôn Vũ Văn Nhậm và giao cho Ngô Văn Sở trấn thủ Thăng Long và đất Bắc.

Lê Chiêu Thống hoảng sợ chạy sang Tàu cầu cứu, rước 20 chục vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu lấy danh nghĩa phù Lê, nhưng thật ra là mưu toan thôn tính nước Việt. Trước khí thế đông đảo của quân Thanh, Đại tư mã Ngô Văn Sở nghe theo lời khuyên của quân sư Ngô Thời Nhiệm, rút quân Tây Sơn về núi Tam Điệp để lập phòng tuyến.

Bắc Bình Vương lập đàn tế trời tại Bân Sơn, lên ngôi lấy hiệu là Quang Trung hoàng đế. Ngài tuyên bố: “Chỉ trong vòng 10 ngày sẽ quét sạch quân xâm lược và sẽ cùng quân sĩ ăn Tết trong thành Thăng Long vào mùng 7 tháng Giêng”, sau đó Ngài mang quân tiến ra Bắc.

Ngài và đại quân đánh trận Ngọc Hồi giết Hứa Thế Hanh.

Còn Đô đốc Long thống lãnh một vạn quân (phần lớn là kỵ binh và tượng binh) bí mật theo con đường núi, tấn công vào Đống Đa để mở con đường tiến quân vào Thăng Long.

Đang đêm tối, bỗng dưng thấy rực sáng vì doanh trại bị đốt, tiếng súng nổ khắp nơi, tiếng reo hò vang dội cùng với đàn voi xuất hiện phá trại, quân của Sầm Nghi Đống kinh hoàng bỏ chạy.

Chỉ trong buổi sáng mùng 5 Tết, tất cả doanh trại giặc ở Đống Đa bị san bằng, 10 vạn quân Thanh tan vỡ. Sầm Nghi Đống tự tử và Tôn Sĩ Nghị dẫn 5 ngàn tàn quân trốn chạy về nước.

Chiến thắng này khiến vua Càn Long chấm dứt ý đồ xâm lăng nước Việt. Trong thời gian yên ổn, vua Quang Trung huấn luyện quân sĩ để chuẩn bị đánh chiếm lại Lưỡng Quảng và những vùng đất bị xâm chiếm. Nhưng tâm nguyện chưa thành thì Ngài băng hà vào đêm 29 tháng 7 nǎm Nhâm Tý (1792), hưởng dương 40 tuổi.

***

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt đã tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, từng đánh bại nhiều kẻ thù phương Bắc, nhưng chưa có lần nào phải đương đầu với hàng chục vạn quân mà lại thắng trận liệt oanh trong một thời gian ngắn.

Chiến thắng này là một trong những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm, mãi đến hôm nay vẫn là niềm tự hào của con dân nước Việt. Chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung và thế hệ Tây Sơn anh dũng là chính nét son về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc.

Thế nhưng, 200 năm sau Tập đoàn lãnh đạo CSVN lại theo gót Lê Chiêu Thống thần phục Tàu Cộng để tiếp tục nắm quyền cai trị đất nước. Từ đó, một dân tộc có nhiều thành tích hào hùng trong công cuộc đuổi Hán, diệt Mông, phá Tống, bình Chiêm, dẹp Minh, thắng Thanh… bắt đầu lụn bại dần dưới sự lãnh đạo của một nhóm người ươn hèn, khiến mảnh giang sơn mà các bậc tiền nhân đã đổ xương máu gìn giữ suốt gần 5000 năm sắp lọt vào tay Tàu Cộng khiến cho nhiều con dân nước Việt cảm thấy ngậm ngùi và tủi nhục.

Nhiều người còn quan tâm đến tiền đồ của đất nước đã không ngại hiểm nguy vùng lên tranh đấu giải thể chế độ cộng sản và kêu gọi chống giặc ngoại xâm đã bị bạo quyền cộng sản cầm tù, thậm chí còn bị giết chết.

Trước nguy cơ Việt Nam bị xóa tên trên bản đồ thế giới, con dân Việt trong và ngoài nước không còn cách nào khác hơn là vùng lên giải trừ chế độ cộng sản, đồng tâm hiệp lực chống lại hiểm họa Bắc thuộc mới để đất nước Việt Nam được trường tồn.

Kỷ niệm chiến thắng Đống Đa Mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 | Tiếng Dân (baotiengdan.com) 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.