Chuyện thật như đùa
7-2-2021
Báo Vietnamnet ngày 04/02/2021 đưa tin: “Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cơ cấu ĐBQH khóa mới phấn đấu người ngoài đảng từ 25-50”.
Trong tôi bỗng xuất hiện hai điều ngạc nhiên, cũng là hai điều nghịch lý:
1/ Quốc Hội đang tìm người tốt hay tìm người không tốt?
2/ Tại sao việc đưa người ngoài Đảng làm đại biểu Quốc Hội cũng phải đặt mục tiêu phấn đấu?
Về câu hỏi thứ nhất, tôi xin luận bàn như sau: Trong lịch sử Quốc Hội nước ta, ngoại trừ Quốc Hội khoá đầu tiên (1946) hầu hết các đại biểu Quốc Hội đều là đảng viên.
Điều này thì ai cũng biết, không cần phải dẫn chứng. Nói cách khác thì số đại biểu Quốc Hội là người ngoài Đảng hiện nay rất chi là hiếm. Vì sao vậy? Theo logic thông thường thì có hai khả năng suy đoán: Hoặc là, vì người ngoài Đảng không tốt bằng Đảng viên nên rất hiếm người được làm đại biểu Quốc Hội. Hoặc là, người ngoài Đảng quá tốt hơn đảng viên nên mới hiếm hoi đến như vậy. Ta nói của tốt là của hiếm.
Xét theo logic hình thức thì ta không thể so sánh hai khái niệm HIẾM và TỐT vì chúng thuộc hai phạm trù không thể so sánh được với nhau. Vậy ta hãy luận bàn trên cơ sở logic của cuộc sống đời thường vậy.
Các bạn hãy để ý đến động từ PHẤN ĐẤU trong câu nói của Bà Ngân. Trong cuộc sống thường ngày không ai nói “phấn đấu” để trở thành xấu hơn, tồi tệ hơn phải không các bạn? Một em học sinh chỉ có thể hứa với cha, mẹ mình là con sẽ phấn đấu học giỏi hơn (chứ không phải là phấn đấu để học kém hơn). Một thủ tướng hay bộ trưởng cũng thường hứa trước Quốc Hội là sẽ phấn đấu làm tốt hơn về một công việc nào đó (mà không nói là phấn đấu làm kém hơn).
Vậy trong trường hợp câu nói của Bà Ngân nói trên ta cũng phải hiểu rằng phấn đấu để có từ 25 đến 50 người ngoài Đảng làm đại biểu Quốc Hội là để làm cho Quốc Hội tốt hơn. Phải chăng đây là một nghịch lý? Nếu vậy ta phải hiểu rằng người ngoài đảng tốt hơn đảng viên ư? Trước đây ta thường nói cơ quan này, tổ chức kia rất mạnh vì tỷ lệ đảng viên so với quần chúng là rất cao. Chẳng lẽ nay lại phải nói ngược lại?
Điều ngạc nhiên thứ hai là: Để có được 25- 50 đại biểu Quốc Hội là người ngoài Đảng cũng khó khăn lắm hay sao mà phải PHẤN ĐẤU? Trong số chín chục triệu dân Việt Nam thì tuyệt đại đa số là người ngoài Đảng; họ cũng có thừa các tiêu chuẩn khác (ngoài tiêu chuẩn là đảng viên) để làm đại biểu Quốc Hội thì tại sao lại khó khăn trong việc tìm kiếm những người này?
Nói thẳng ra là lực cản nằm ở đâu? Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc Hội, Luật bầu cử Quốc Hội không hề có điều khoản nào hạn chế kiểu như vậy. Ai đã tạo ra lực cản để không cho những người ngoài Đảng làm đại biểu Quốc Hội?
Đến đây thì tôi chợt nhớ ra câu chuyện cười ra nước mắt cách nay khoảng vài chục năm. Chuyện là từ đầu thập niên Chín mươi của Thế kỷ trước, Đảng ta đưa ra chủ trương “TỰ CỞI TRÓI”. Khi đó trên các diễn đàn người ta rất phấn khởi, hồ hởi vì cho đây là một nước ngoặt đột phá. Không ngờ có một phóng viên báo nước ngoài đã hỏi một lãnh đạo Đảng ta rằng, AI ĐÃ TRÓI CÁC NGÀI?
Phải chăng các ngài đã tự trói mình rồi bây giờ lại tự cởi trói cho mình? Điều này liệu có bình thường không? Cũng tương tự như vậy, bây giờ ta lại tự hỏi: Ai đã hạn chế người ngoài Đảng tham gia Quốc Hội để bây giờ lại phải PHẤN ĐẤU đưa họ vào Quốc Hội?
Nói vậy cho hết nhẽ thôi. Nếu Nhiệm kỳ Quốc Hội Khoá tới mà các nhà kiến trúc Bộ máy nhà nước ta thiết kế được vài chục đại biểu Quốc Hội là người ngoài đảng theo đúng nghĩa thì tôi cũng sẽ cho đó là một KỲ TÍCH LỊCH SỬ thực sự.
0 comments