Tin Việt Nam – 09/01/2021
Sao dân phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp BOT? – Diễm Thi, RFA
Cử tri tỉnh Bình Định gửi kiến nghị đến Bộ Giao thông- Vận tải đề nghị “Tiếp tục thực hiện việc thu phí không dừng và chỉ đạo các nhà đầu tư có phương án giảm giá vé qua trạm thu phí BOT để góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19”.
Đáp lại, Bộ Giao thông -Vận tải cho biết không đồng ý giảm giá vé BOT vì nhà đầu tư rất khó khăn, đồng thời kêu gọi các chủ phương tiện, các doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp BOT. Bộ này cho rằng, mức phí hiện nay là mức giá sử dụng dịch vụ đường bộ được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án, đủ để các doanh nghiệp BOT hoàn trả phần vốn đã huy động đầu tư các dự án BOT đường bộ.
Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, nêu quan điểm của ông về vấn đề này:
“Nói chung về BOT thì do COVID-19 cho nên thu nhập cũng như doanh thu của hoạt động sản xuất ảnh hưởng rất lớn. Không những doanh nghiệp mà cả người dân.
Theo kế hoạch lộ trình thì BOT phải thu như vậy. Bây giờ người dân yêu cầu giảm thì không thể giảm bởi nếu giảm thì phải kéo dài thời gian. Phía đầu tư BOT lại không đồng ý chuyện giảm vì họ cho rằng họ cũng khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng. Vừa qua không trả được nên số nợ chồng chất. Trước tình trạng đó, Chính phủ quyết định đến 31 tháng 12 vừa rồi, tất cả các trạm phải thực hiện hình thức thu phí không dừng.”
Thu phí không dừng được xem là hình thức mang lại nhiều lợi ích hơn so với thu phí bằng tay như là thuận tiện, tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc giao thông và đặc biệt là minh bạch khoản thu của các dự án BOT. Theo Quyết định 19/2020 do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành, các trạm BOT được yêu cầu lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng và phải bắt buộc hoàn tất chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 năm 2020. Nếu trạm BOT nào chưa hoàn thành là do lỗi của nhà đầu tư, và sẽ bị buộc dừng thu phí.
Nói chung về BOT thì do COVID-19 cho nên thu nhập cũng như doanh thu của hoạt động sản xuất ảnh hưởng rất lớn. Không những doanh nghiệp mà cả người dân. -Tiến Sĩ Ngô Trí Long
Trước đó, vào tháng 11 năm 2020, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) đã nêu vấn đề mức phí BOT với Chính phủ. Theo VARSI, mức phí sử dụng đường bộ tại các dự án BOT thời gian qua không được tăng theo lộ trình cam kết làm ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của nhiều dự án.
Lên tiếng với RFA ngay sau đó, ông Minh Đức, chủ một doanh nghiệp vận chuyển ở TP.HCM nói rằng, các nhà đầu tư chỉ biết nghĩ đến lợi nhuận của chính họ chứ không quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, của người tiêu dùng. Ông nói thêm:
“Tôi ở Việt Nam nên tôi biết rất rõ tất cả các công trình BOT đều có, gọi là cổ phần, góp vốn của quan chức nhà nước cả. Lúc đầu, thời gian thu phí rồi sau này lấy lý do là dịch bệnh bị thất thu và bị lỗ cùng nhiều lý do khác để đòi tăng thu. Theo nhận thức hiểu biết của tôi thì BOT đều có lợi ích nhóm cả. Tất nhiên, tôi nói theo hiểu biết của mình thôi, chứ còn để có căn cứ và cơ sở đầy đủ thì tôi không trưng ra được.”
Trong khi VARSI phàn nàn về việc không được tăng giá vé qua trạm BOT thì chủ phương tiện giao thông cũng như các doanh nghiệp vận tải lại yêu cầu được giảm giá vé. Vậy giải pháp nào để có thể dung hòa?
Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói với RFA:
“Theo tôi thì giải pháp đơn giản cho cả hai bên – người sử dụng dịch vụ và nhà đầu tư – là cho nhà đầu tư BOT kéo dài thời gian thu phí. Như thế nhà đầu tư sẽ có đủ thời gian để bù đắp lại tiền mình đã đầu tư cộng với lợi nhuận và việc giảm mức phí qua trạm sẽ hoàn toàn hợp lý trong thời gian khó khăn này.
Ví dụ hiện nay đang cho thu phí 20 năm thì tăng lên 25 năm. Tính toán lại sao cho mức phí được giảm tương ứng với thời gian được kéo dài, kể cả chuyện chịu thêm tổn thất về lãi suất từ phí ngân hàng.
Tôi cho là chẳng ai thiệt cả vì nhà đầu tư luôn muốn kéo dài thời gian thu phí ngay cả khi không giảm phí. Sau khi tính toán thử nghiệm số lượng xe trung bình qua một ngày là bao nhiêu thì Nhà nước mới xác định thời hạn thu phí, ví dụ 20 năm. Bây giờ giảm phí thì bài toán cũng giống nhau, cũng tính ra số năm tương ứng. Tôi chắc rằng như thế thì người dân và các doanh nghiệp vận tải cũng hài lòng trong tình hình COVID làm giảm hoạt động kinh tế.”
Liên quan đến việc không đồng ý giảm giá vé BOT, Bộ Giao thông – Vận tải giải thích rằng từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó các nhà đầu tư (doanh nghiệp BOT) bị ảnh hưởng trực tiếp do lưu lượng phương tiện thông qua trạm thu phí giảm dẫn đến doanh thu giảm, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp BOT gặp khó khăn trong hoạt động, hồi tháng 5 năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép tăng phí BOT đường bộ theo đúng lộ trình tăng giá đã ký hợp đồng với nhà đầu tư, để hoàn vốn cho dự án, tránh phát sinh nợ xấu. Bộ này cũng đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thống nhất phương án xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập tại các trạm thu phí BOT giao thông, chỉ đạo Bộ Công an và các địa phương có giải pháp đảm bảo trật tự tại các trạm thu phí.
Theo tôi thì giải pháp đơn giản cho cả hai bên – người sử dụng dịch vụ và nhà đầu tư – là cho nhà đầu tư BOT kéo dài thời gian thu phí. Như thế nhà đầu tư sẽ có đủ thời gian để bù đắp lại tiền mình đã đầu tư cộng với lợi nhuận và việc giảm mức phí qua trạm sẽ hoàn toàn hợp lý trong thời gian khó khăn này. -Giáo sư Đặng Hùng Võ
Theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải, đây là cách giúp Nhà nước khỏi phải bỏ ra hơn 5.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp BOT bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tiến sĩ Ngô Trí Long nêu đánh giá của ông với RFA:
“Chủ đầu BOT kêu lỗ nhưng theo tôi thì không phải như vậy. Họ nói thế vì họ không thích kiểu thu phí tự động – thu phí không dừng – vì sẽ lộ nguồn thu chính thức của họ.”
Các trạm thu phí BOT là tâm điểm gây ra nhiều phản đối, ách tắc giao thông trên các quốc lộ của Việt Nam thời gian qua vì người dân và các tài xế cho rằng một số các trạm BOT đặt sai vị trí, thu tiền quá cao.
Số liệu thống kê của Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra rằng, trong quý 3 năm 2020, các trạm thu phí BOT ở Việt Nam thu bình quân hơn 1.000 tỷ đồng tiền phí xe qua trạm. Con số này được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá là khá thấp.
Hôm 7 tháng 2 năm 2019, báo chí Nhà nước loan tin hai tên cướp đã ập vào trạm thu phí trên đường cao tốc Thành phố HCM – Long Thành – Dầu Giây lấy đi hơn hai tỷ đồng tiền thu phí. Dư luận đặt câu hỏi về số tiền này vì trước đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển cao tốc Việt Nam (VEC) đưa ra con số doanh thu chỉ hơn ba tỷ đồng cho ba trạm thu phí trong chín ngày.
Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh từng phát biểu, BOT dùng vốn xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng, song ở Việt Nam thì toàn bộ quá trình đó được bảo mật, không cho người dân giám sát, cũng không có sự giám sát trực tiếp của Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân.
Đồng Tâm: Gia tộc đòi đất sau 1 năm khủng hoảng và mong ước minh oan
Cao Nguyên
Ngày 9 tháng 1 năm 2021 là đúng một năm kể từ ngày chính quyền Hà Nội đưa lực lượng hơn 3.000 quân tấn công vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, giết chết cụ Lê Đình Kình – 82 tuổi, và bắt giam, khởi tố 29 người khác. Phía lực lượng chức năng nói có 3 chiến sĩ hy sinh trong vụ tấn công vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020.
Một phụ nữ trong dòng họ nhà cụ Kình mà gia đình có người thân bị bắt trong vụ án này, kể cho Đài Á châu Tự do về những nỗi đau, mất mát, lo sợ và oan ức của bản thân, gia đình và những người dân Đồng Tâm khác phải chịu đựng trong suốt một năm qua.
Đối với người phụ nữ này đó là những ngày kinh khủng nhất trong đời. Luôn sống trong lo sợ, bị theo dõi, đe dọa. Cập nhật tình hình ở xã Đồng Tâm những ngày này, bà cho biết hiện giờ do trong làng có tranh chấp đất giữa Nhà thờ trong vùng và chính quyền xã nên quân đội kéo về rất đông, gần giống thời điểm chuẩn bị tấn công vào làng hồi năm ngoái. Họ trang bị cả vũ khí, xe vòi rồng, có mặt trong làng từ trước Giáng sinh cho đến nay. Theo bà, có lẽ đội quân đó sẽ ở lại cho đến qua ngày 9/1, tức ngày kỷ niệm 1 năm cuộc tấn công đẫm máu. Mục đích được nhận định nhằm đề phòng người lạ các nơi hoặc báo chí kéo về đưa tin tức ra ngoài.
Kể lại khoảng thời gian một năm qua, bà nói thời gian đầu là cảm giác kinh hoàng, hoảng loạn vì người thân, họ hàng bị bắt, bị giết. Vài tháng sau đó là nỗi nơm nớp lo sợ bị theo dõi, đi đâu, làm gì, nói chuyện với ai cũng đều bị phát hiện.
Chính vì vậy mà người dân rất hạn chế, không dám tiếp xúc nhiều với người lạ và báo chí:
“Khi mới xảy vụ việc thì không chỉ riêng một mình nhà mình mà cả cái xã này ai cũng hoảng loạn, mất ăn mất ngủ. Cả những gia đình mà người ta không bị cũng như vậy. Tết năm ngoái nhìn xung quanh người ta cũng không thèm mở đèn, thức dậy vào đêm 30 nữa. Cả xã đều như vậy. Tết năm ngoái rất là buồn. Nhiều tháng sau họ vẫn theo dõi, ai hé ra một cái gì là họ sẽ bắt. Cho nên mấy tháng trời vẫn cứ rất hoang mang, đi đâu cũng như là bị theo dõi, gắn máy nghe lén. Không ai nghĩ rằng mình được an toàn cả. Chị có đăng bài này kia cũng bị khủng bố. Có những nhóm chị em chơi với nhau là toàn những gia đình có người bị bắt trong vụ án. Mấy chị em hay buồn nên tâm sự với nhau, an ủi với nhau để còn tiếp tục làm ăn và nuôi những người trong tù. Vậy mà cũng bị theo dõi và biết được.”
Mọi người được minh oan trở về về là điều sung sướng nhất. Còn nếu không vẫn phải chịu thì cũng mong nhà nước sẽ hạ mức án xuống, làm sao để cho nhà cụ Kình không ai bị án tử hình cả, không ai phải chết cả.
Bà cho biết tiếp, sau biến cố vào ngày 9/1/2020, người dân làng Đồng Tâm dường như bất lực, sợ hãi và tuyệt vọng. Họ không nghĩ được rằng chính quyền có thể ra tay độc ác như vậy, không nghĩ rằng mình chỉ đấu tranh giữ đất bao nhiêu năm trời mà lại nhận hậu quả thảm khốc như vậy. Giờ đây, gia đình, dòng họ nhà cụ Kình dường như chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em. Nỗi đau thì vẫn còn nguyên đó, nhưng vẫn phải nương nhau mà sống, về ở với nhau để ủi an và che chở cho nhau, thay nhau làm việc để thăm nuôi những người đi tù và cả gia đình, con cái của những người đó nữa.
Mong được rửa oan khủng bố, giết người và được trở về đoàn tụ với gia đình là mong mỏi lớn nhất của gia đình bà:
“Mọi người được minh oan trở về về là điều sung sướng nhất. Còn nếu không vẫn phải chịu thì cũng mong nhà nước sẽ hạ mức án xuống, làm sao để cho nhà cụ Kình không ai bị án tử hình cả, không ai phải chết cả. Gia đình còn có thể gặp gỡ, còn được thấy mọi người.”
Bà nói chính vì việc đưa tin sai lệch của báo chí, truyền thông Nhà nước mà trong mắt nhiều người dân Việt Nam không hiểu hết câu chuyện, họ cho rằng dân Đồng Tâm là những người dữ dằn, tàn ác:
“Mình quá oan. Mình không có giết người mà bây giờ mình phải chịu tội giết người. Người Đồng Tâm đi đến đâu, ở bên ngoài nhiều người không hiểu cứ bảo là cái dân đó ghê quá, dân khủng bố, giết người, dám làm những chuyện như vậy. Bởi vì báo chí gieo rắc, cho nên ai cũng nghĩ dân Đồng Tâm ở đây là ghê gớm lắm. Thật sự họ rất là hiền, kể cả những người tham gia chống tham nhũng họ đều rất tốt.”
VTV là đài truyền hình Quốc gia Việt Nam, được phủ sóng miễn phí khắp cả nước, đã chiếu nhiều phim tài liệu đưa những thông tin mà người dân cho là không đúng sự thật. Các phim tài liệu của VTV gọi những người khiếu kiện, tranh chấp đất đai là “Các đối tượng gây rối”. Điển hình là các phóng sự “Đồng Tâm: Nguyên nhân từ sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ, đảng viên”, “Dư luận đồng tình với kết quả phiên tòa xét xử vụ án ở xã Đồng Tâm”, “Nhóm đối tượng ở Đồng Tâm lên kế hoạch từ trước để gây rối”… Nội dung các phim này đẩy hết tội cho những người đấu tranh giữ đất, cho rằng kết quả các bản án đều đúng người đúng tội.
Hy vọng gì ở phiên phúc thẩm Hướng đến phiên tòa phúc thẩm, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho ông Bùi Viết Hiểu, nói với Đài Á châu Tự do rằng hiện giờ luật sư đã được vào làm việc với thân chủ, và chỉ còn chờ đến ngày có quyết định xét xử phúc thẩm nữa thôi:
“Luật sư vào để ký giấy trợ giúp pháp lý cho những người bị giam có ý định kháng cáo. Các luật sư đã được vào gặp thân chủ sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, thì nó phù hợp với luật Tố tụng là sau khi tòa sơ thẩm 15 ngày thì bị cáo có quyền kháng cáo. Từ hôm đó đến nay thì không thấy có một động thái gì từ tòa phúc thẩm. Thực ra thì chúng tôi chỉ có đợi quyết định xét xử thôi. Hiện giờ chúng tôi đã có thông báo bào chữa rồi thì có quyền vào để gặp thân chủ.”
Ông Miếng nói rằng không thể đoán trước được phiên phúc thẩm sẽ có kết quả thế nào. Với trách nhiệm của người luật sư, ông chỉ có thể chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung bào chữa, còn việc tuyên án thế nào là quyền của tòa:
“Tôi thì muốn ở phiên tòa phúc thẩm sắp tới phải làm rõ được các hành vi mà các bị cáo đã kháng cáo ở tòa sơ thẩm. Thực ra trong đêm đó nó rất là hỗn loạn, và những điều được ghi nhận chỉ là từ cơ quan điều tra thôi, còn những điều mà họ khai ở bên phiên tòa sơ thẩm và bây giờ là phúc thẩm thì sẽ có những lời khai khác, và nó phù hợp với những chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập được. Phiên tòa sơ thẩm không làm rõ. Cho nên phiên tòa phúc thẩm họ phải làm rõ những điều đó. Nếu như làm rõ và có các tình tiết có lợi cho các bị cáo thì có thể xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo có kháng cáo. Hoặc là trường hợp không thể giải quyết được ở phiên tòa sơ thẩm thì tòa phúc thẩm có thể yêu cầu hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.”
Luật sư Lê Văn Hoà, người bào chữa cho 2 người chịu án tử hình trong phiên sơ thẩm là Lê Đình Công và Lê Đình Chức, từng trả lời RFA rằng ông hy vọng ở phiên phúc thẩm, các cơ quan chức năng sẽ xem xét về tính nhân đạo để có phán quyết “thấu tình đạt lý”, đặc biệt là đối với 2 người chịu án tử hình.
Phiên toà sơ thẩm xét xử 29 người dân Đồng Tâm bị cáo buộc tội giết người và chống người thi hành công vụ bắt đầu vào ngày 7/9/2020. Theo thông báo ban đầu, phiên tòa dự kiến kéo dài 10 ngày nhưng chỉ sau hơn 1 tuần tòa tuyên án đối với 29 người, trong đó có 2 án tử hình, 1 án chung thân, 12 án tù từ 3 năm đến 16 năm; và 14 án từ 15 tháng đến 3 năm tù treo.
Cao ủy Nhân quyền LHQ lên tiếng vụ Phạm Chí Dũng và đồng sự
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc VN sử dụng “luật được định nghĩa mơ hồ” để bắt giữ tùy tiện ngày càng nhiều nhà báo, blogger, và những người bảo vệ nhân quyền.
Thông cáo báo chí của OHCHR phát đi hôm 8/1, ba ngày sau khi ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn, thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, bị tòa án TP.HCM kết án từ 11 đến 15 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự.
OHCHR nhìn nhận rằng đây dường như là một phần của một “sự kìm hãm ngày càng tăng” “đối với quyền tự do ngôn luận” ở Việt Nam.
VN xử tù các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn
Phản ứng dư luận sau khi cây bút Phạm Chí Dũng bị bắt
Cây bút Phạm Chí Dũng bị bắt vì tội ‘chống nhà nước’
Ông Nguyễn Tường Thụy ‘bị công an bắt giữ’
“Cả ba người này đều bị giam giữ kéo dài trước khi xét xử, và mặc dù được Chính phủ đảm bảo đúng pháp luật và đúng quy trình, vẫn có những lo ngại nghiêm trọng về việc liệu quyền của họ đối với một phiên tòa công bằng có được tôn trọng đầy đủ hay không”, bà Shamdasani, người phát ngôn của OHCHR nói.
Bà Shamdasani lưu ý rằng việc Việt Nam sử dụng luật được định nghĩa mơ hồ để bắt giữ người một cách tùy tiện là vi phạm Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), về quyền có chính kiến và tự do ngôn luận.
Bà kêu gọi Việt Nam sửa đổi các điều khoản liên quan của Bộ luật Hình sự để phù hợp với các nghĩa vụ của mình theo Công ước.
OHCHR và một số cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả Ủy ban Nhân quyền giám sát việc thực thi ICCPR, đã nhiều lần kêu gọi Việt Nam hạn chế sử dụng luật hà khắc để tước bỏ các quyền tự do cơ bản, đồng thời kêu gọi Việt Nam thực thi các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người.
Bà Shamdasani cũng bày tỏ lo ngại rằng “những cá nhân cố gắng hợp tác với các cơ quan nhân quyền của LHQ bị đe dọa và trả thù. Điều này có khả năng ngăn cản những người khác chia sẻ thông tin về các vấn đề nhân quyền với LHQ.”
“Chúng tôi tiếp tục nêu ra những trường hợp này với Chính phủ Việt Nam, nhiều lần kêu gọi họ ngừng sử dụng các cáo buộc hình sự nghiêm trọng như vậy đối với các cá nhân thực hiện các quyền cơ bản của họ, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận – và trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người bị giam giữ trong những trường hợp như vậy,” bà Shamdasani nói.
Trước đó, tổ chức Human Rights Watch đã lên tiếng về vụ việc, nói ĐCSVN tham gia vào “một cuộc đàn áp không có giới hạn đối với những người bất đồng chính kiến” và rằng ba nhà báo chỉ “bày tỏ quan điểm chỉ trích mà chính phủ không muốn nghe” nhưng “đủ để tống họ vào tù nhiều năm vì tội danh không có thật.”
Phản ứng của truyền thông quốc tế
Phiên tòa xử nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.
Trang The Diplomat viết rằng phiên xử diễn ra trước thềm Đại hội ĐCSVN lần thứ 13 vào cuối tháng này để “ngăn chặn bất kỳ sự xáo trộn nào” trước các sự kiện chính trị lớn, như họ vẫn làm từ trước tới nay.
Tác giả bài báo đề cập đến một cuộc phỏng vấn vào cuối năm 2018 với ông Nguyễn Tường Thụy. Ông Thụy nói: “Sự ủng hộ của Trung Quốc là điều duy nhất giúp cho một ĐCSVN không được lòng dân duy trì quyền lực. Hai bên “giúp nhau trị nước. Nếu không có sự hỗ trợ của Tàu cộng, thì CSVN không thể cai trị Việt Nam được nữa.”
Hãng tin Reuters trích thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ rằng họ “thất vọng bởi những bản án mới nhất”, bình luận rằng chúng là “khắc nghiệt” và “là diễn biến mới nhất trong một xu hướng đáng lo ngại”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo các hành động của mình phù hợp với các quy định về nhân quyền trong hiến pháp và các nghĩa vụ, cam kết quốc tế,” theo Reuters.
Trang AlJazeera dẫn lời luật sư Đặng Đình Mạnh bào chữa cho ông Dũng và ông Tuấn, rằng: “Tòa không chấp nhận bất cứ lời lập luận nào của tôi” và rằng “các bản án quá nặng”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55600256
Đàm phán Việt Nam- Trung Quốc về Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông
Việt Nam và Trung Quốc vào ngày 7 tháng 1 có vòng đàm phán mới nhất về Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông.
Mạng báo Tuổi Trẻ loan tin vừa nêu ngày 8 tháng 1. Theo đó, hai phía tiến hành vòng đàm phán XIV của Nhóm Công tác về Vùng biển ngoài Cửa Vịnh Bắc Bộ, và vòng XI Nhóm Công tác Bàn bạc về Hợp tác cùng phát triển trên Biển Đông.
Tin cho biết phía Việt Nam do ông Nguyễn Đăng Thắng, Vụ trưởng- Ủy Ban Biên Giới Quốc gia thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam làm trưởng nhóm. Phía Trung Quốc do ông Dương Nhân Hòa, đại diện các vấn đề biên giới và biển thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc làm trưởng nhóm.
Tại vòng họp vừa diễn ra, Việt Nam và Trung Quốc trao đổi ý kiến về những công việc của hai nhóm công tác; đồng ý căn cứ lộ trình đã thống nhất tiếp tục thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và hợp tác cùng phát triển tại Biển Đông theo đúng qui định của luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 mà hai nước đều tham gia ký kết.
Thời điểm cho vòng đàm phán vòng XV Nhóm Công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ và vòng XII Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên Biển Đông được cho biết sẽ diễn ra vào thời điểm phù hợp do hai bên thỏa thuận qua đường ngoại giao.
Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định Phân định Vịnh Bắc bộ vào ngày 25 tháng 12 năm 2000; tuy nhiên vùng cửa vịnh vẫn chưa được phân định.
Trung Quốc và Việt Nam hiện tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Còn tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và 3 nước Brunei, Philippines và Malaysia đều có tuyên bổ chủ quyền tại đó. Trong những năm qua, Trung Quốc hành động quyết đoán nhằm tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn, hay đường lưỡi bò, do chính Bắc Kinh vạch ra.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn_china_new-rounds-negotiations-01082021150603.html
Nhiều người Trung Cộng nhập cảnh trái phép vào Sài Gòn
Tin Saigon.- Báo Thanh niên ngày 7 tháng 1 năm 2021 loan tin, thượng tá Nguyễn Thanh Tú, phó trưởng phòng An ninh đối ngoại Công an Cộng sản tại Sài Gòn cho biết, gần đây, công an thành phố phát hiện nhiều người Trung Cộng nhập cảnh trái phép vào biên giới phía Bắc và đi vào Sài Gòn.
Ngoài ra, còn có nhiều người Trung Cộng đã hết hạn visa nhưng vẫn ở lại Sài Gòn sinh sống. Tuy nhiên, ông Tú không nói rõ số lượng người Trung Cộng đang sống trái phép ở Sài Gòn là bao nhiêu, cũng như nguyên nhân mà họ đến sống trái phép ở Sài Gòn là gì; những người này nhập cảnh trái phép vào Sài Gòn bằng cách nào cũng không được ông Tú thông tin.
Ngoài vấn đề người Trung Cộng sống trái phép ở Sài Gòn, ông Tú còn cho biết, tính đến tháng 9 năm 2020, Sài Gòn có 836 công ty lữ hành quốc tế, và 20 văn phòng đại diện du lịch ngoại quốc. Việc có nhiều công ty du lịch sẽ giúp ngành du lịch thành phố phát triển. Nhưng theo ông Tú thì có nhiều công ty lữ hành quốc tế không tổ chức hoạt động tham quan, du lịch cho người ngoại quốc, mà những công ty này chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực bảo lãnh cho người ngoại quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Vì vậy, có nhiều người sử dụng visa du lịch sai mục đích, thậm chí là lao động chui, tổ chức đánh bài trực tuyến, hoạt động lừa đảo.
Còn thông tin về những trường hợp mà ông Tú vừa kể trên đến từ nước nào lại không được ông Tú tiết lộ. Nhưng dư luận Việt Nam cho rằng, những người này đến từ Trung Cộng, và chỉ có người Trung Cộng mới được phía Cộng sản Việt Nam thiên vị như vậy.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nhieu-nguoi-trung-cong-nhap-canh-trai-phep-vao-sai-gon/
Việt Nam siết chặt luật lệ về ngành gỗ để giải tỏa đe dọa áp thuế từ Mỹ
Trọng Nghĩa
Bị Hoa Kỳ mở điều tra về những cáo buộc sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm xuất khẩu qua Mỹ, theo hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 08/01/2021, Việt Nam đang siết chặt các quy định và mua thêm gỗ xẻ của Mỹ để tránh bị áp thuế trừng phạt có thể tàn phá ngành gỗ Việt Nam.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp Hội Gỗ và Lâm Sản Việt Nam, Hà Nội rất lo ngại trước khả năng chính quyền Donald Trump có thể trừng phạt Việt Nam bằng các mức thuế mới đánh vào gỗ cũng như các sản phẩm khác trước khi mãn nhiệm ngày 20/01.
Trả lời phỏng vấn ngày 08/01 qua điện thoại ông Lập xác nhận việc Việt Nam “mua ngày càng nhiều gỗ từ Hoa Kỳ”, đồng thời cho biết thêm là lượng gỗ nhập khẩu từ Hoa Kỳ có thể tăng ít nhất 15% trong năm nay. Đối với nhân vật này: “Mức thuế cao sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp gỗ của chúng tôi, nhưng cũng sẽ gây tổn hại cho các công ty Hoa Kỳ.”
Theo ông Lập, giới sản xuất đồ gỗ Việt Nam, mà khách hàng bao gồm các tập đoàn Mỹ Walmart và Ashley Furniture Industries, sẽ mua 1,3 triệu m3 gỗ vào năm 2021, tăng từ khoảng 800.000 m3 vào năm 2019.
Còn theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, phát ngôn viên bộ Nông Nghiệp Việt Nam, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất cho sản phẩm gỗ của Việt Nam, ước tính trị giá 6,5 tỷ đô la vào năm 2020, chiếm khoảng một nửa lượng nông sản xuất khẩu qua Mỹ vào năm ngoái. Theo chiều ngược lại, khoảng 40% gỗ Việt Nam sử dụng được mua từ Hoa Kỳ.
Cũng theo ông Tuấn, Việt Nam đang ngăn chặn nhập khẩu gỗ bất hợp pháp từ các nước như Lào và Cam Bốt. Chính phủ đã tăng gấp đôi tiền phạt cho những hoạt động buôn bán trái phép như vậy lên khoảng 22.000 đô la với mức án tù lên đến 10 năm.
Đầu tháng 10/2020 vừa qua, đại diện Thương Mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã loan báo mở cuộc điều tra về ván gỗ nhập từ Việt Nam với cuộc điều tra về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ.
Qua tháng 11, bộ Thương Mại Mỹ đã áp đặt mức thuế chống trợ cấp sơ bộ đối với lốp xe ô tô và vận tải nhập từ Việt Nam, với một trong những lý do “đồng tiền (Việt Nam) bị định giá thấp”.
Đến tháng 12, bộ Tài Chính Mỹ đã chỉ định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ, nhưng không có hình phạt ngay lập tức.
Trong một cuộc điện đàm hôm 07/01 vừa qua, bộ trưởng bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã tuyên bố với ông Lighthizer rằng việc Hoa Kỳ điều tra về chính sách tiền tệ của Việt Nam và việc nhập khẩu và sử dụng gỗ của Việt Nam, có thể gây tổn hại đến quan hệ song phương và các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Việt Nam.
0 comments