Quan tâm về đại hội đảng 13: chỉ số trên mạng xã hội nói lên thực tế!
RFA
2021-01-27
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam 13 vừa chính thức khai mạc hôm 26/1/2021 tại Hà Nội với dự kiến kéo dài một tuần đến ngày 2/2.
Trước đó một ngày, trong khi diễn ra phiên trù bị Đại hội 13 vào ngày 25/1, cụm từ “Đại hội đảng 13” đã đứng đầu top trending, hay còn gọi là xu hướng tìm kiếm, của Goolge với hơn 20.000 lượt tìm kiếm.
Tuy nhiên, sang ngày khai mạc, từ khóa “Đại hội đảng” đã không còn trong danh sách xu hướng tìm kiếm của Google.
Đến ngày 27/1, thông tin tìm kiếm về Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đang đứng thứ 5/25 trong danh sách tìm kiếm phổ biến nhất, đứng sau phim Việt Nam, xem phim Việt Nam, COVID Việt Nam, và bóng đá Việt Nam.
Vì sao sự kiện lớn có liên quan đến lớp lãnh đạo điều hành đất nước nhưng lại không được người dân quan tâm?
Chị Nguyễn Thị Hải, hiện đang sống ở Sài Gòn bày tỏ:
“Dân Việt Nam họ không quan tâm Đại hội Đảng 13 hay gì. Đi bầu thì cũng chỉ phường, xã chứ có được lên trung ương đâu.”
Nói chuyện chính trị ở Việt Nam gần như bị cấm. Chuyện như bữa nay thằng đó quen con đó, hay tung clip khiêu dâm còn nói được chứ còn nói chuyện chính trị thì đụng tới người ta sẽ nói ‘thôi, để cho Đảng và Nhà nước lo’. - Nguyễn Thị Hải
Trong thực tế, chị Hải cho biết những thông tin về giải trí, xã hội hiện đang là vấn đề được người dân quan tâm nhiều hơn chính trị. Chị đưa ra nguyên nhân:
“Nói chuyện chính trị ở Việt Nam gần như bị cấm. Chuyện như bữa nay thằng đó quen con đó, hay tung clip khiêu dâm còn nói được chứ còn nói chuyện chính trị thì đụng tới người ta sẽ nói ‘thôi, để cho Đảng và Nhà nước lo’. Cứ nói riết, một người nói không sao mà một ngàn người nói từ ngày này qua ngày khác, cứ ru riết như vậy thì mọi người quen với chuyện để Đảng và Nhà nước lo là đúng.”
RFA liên lạc với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự đang sống tại Hà Nội vào tối 27/1 và được ông cho biết:
“Tôi đang ở quê và chiều này tôi có đi ăn cỗ rất đông, không thấy người nào nói về Đại hội Đảng một câu nào.”
Theo quan điểm cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Quang A lập luận:
“Bởi vì người ta thấy rằng người ta quan tâm cũng chẳng được gì và cũng chẳng ảnh hưởng gì đến đại hội, tôi nghĩ đấy là một dấu hiệu hết sức đáng buồn và đáng lo ngại. Tuy rằng các phương tiện truyền thông chính thống nói hân dân rất hăm hở, háo hức theo dõi, hoan nghênh đủ thứ.”
Trong khi đó, Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo đang sống tại Nha Trang lại cho rằng việc người dân có quan tâm đến Đại hội Đảng 13 hay không còn tùy thuộc vào nhiều tầng lớp nhân dân. Ông nói:
“Có những người nghĩ theo hướng tiêu cực là đại hội đảng các ông làm kín như bưng, ông nào lên cũng thế thôi. Cũng đường lối ấy, cũng chủ trương ấy mấy chục năm nay họ ít thay đổi lắm nên nảy sinh tâm lý người ta không quan tâm nữa. Đa phần người dân Việt Nam bị tuyên truyền, nhồi sọ nên họ không dám bàn tán về chuyện chính trị.”
Tuy nhiên, nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng vẫn còn một số thành phần vẫn quan tâm đến tình hình chính trị nước nhà:
“Số quan tâm rất ít, đặc biệt người có kiến thức về dân chủ, tự do dân chủ, xã hội văn minh của các nước khác để so sánh thì thấy Việt Nam mình nền chính trị còn tăm tối. Trong đó, trí thức phản biện quan tâm đến tình hình Đại hội 13 nhưng số như tôi vừa nói cũng không phải là nhiều lắm trong tổng số người dân trong xã hội.”
Vẫn theo ông Võ Văn Tạo, với tình hình chính trị mà chính phủ Hà Nội đang thực hiện, nếu người dân muốn quan tâm tìm hiểu cũng không phải dễ dàng vì những lẽ sau:
“Tôi thấy ở Việt Nam nhà cầm quyền theo chế độ độc tôn lãnh đạo, cai trị đất nước của Đảng Cộng sản, không minh bạch, không công khai hóa chính sách, những việc quan trọng thế này. Mấy ông chóp bu đảng giữ kín như phiên họp kín thì người dân có muốn (quan tâm) thì cũng không biết đường nào mà lần.”
Tôi thấy ở Việt Nam nhà cầm quyền theo chế độ độc tôn lãnh đạo, cai trị đất nước của Đảng cộng sản, không minh bạch, không công khai hóa chính sách, những việc quan trọng thế này. Mấy ông chóp bu đảng giữ kín như phiên họp kín thì người dân có muốn (quan tâm) thì cũng không biết đường nào mà lần. - Nhà báo Võ Văn Tạo
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng để có thể thay đổi thực trạng dửng dưng của người dân với tình hình chính trị đất nước thật ra rất dễ nhưng người ta không muốn làm. Thậm chí, tự do ngôn luận của người dân về chính trị ngày càng bị bóp nghẹt. Ông nói:
“15 năm trước, bản thân tôi còn tranh luận với các nhà lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, lúc đó đăng trên báo chính thống rồi VTV1 còn mời chúng tôi lên tranh luận. Nhưng sau 15 năm thì ai mà nói khác một cái thì họ coi là thù địch và chặn ngay lập tức. Tất cả những người mà họ nghĩ là họ có thể nói khác thì họ chặn, cho an ninh canh ở nhà để không đi đâu được, mà không đi được thì bàn tán với ai? Giỏi lắm người ta cũng chỉ viết trên mạng xã hội một chút mà thôi.”
Thực tế cho thấy, vài ngày trước khi đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng Sản Việt Nam chính thức khai mạc, nhiều người trong giới bất đồng chính kiến, giới phản biện trong xã hội đăng tải trên các trang mạng cá nhân thông tin kèm theo hình ảnh cho biết họ bị an ninh bắc ghế canh cửa nhà.
Với góc nhìn của một người trẻ, bạn Hoàng Nam sinh viên trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết chính vì có quá nhiều hệ lụy cho người dân khi bàn bạc về chính trị Việt Nam, nên thay vì thêm một chuyện thì bớt đi một chuyện cho ‘lành’:
“Tại không liên quan đến mình nên ai muốn làm gì thì làm, không quan tâm. Mỹ còn quan tâm chứ Việt Nam ai làm gì làm, đừng đụng tới quyền lợi của mình được rồi.”
Bạn Hoàng Nam cho hay, không chỉ riêng bạn mà những người bạn chung lớp hiện nay cũng nghĩ như vậy. Thậm chí theo Nam, nếu không có đợt dịch COVID-19, chắc không ai biết Thủ tướng Việt Nam tên Nguyễn Xuân Phúc!
0 comments