Đảng Cộng Sản Việt Nam mở Đại hội 13 sắp xếp ban lãnh đạo mới
RFI
Đăng ngày:
Hôm nay, 25/01/2021, Đại hội toàn quốc lần thứ 13 đảng Cộng Sản Việt Nam mở ra tại Hà Nội với 2 trọng tâm: Xác định phương hướng chính trị và lựa chọn ban lãnh đạo mới trong 5 năm tới.
Theo lịch trình, Đại hội bắt đầu bằng phiên họp trù bị hôm nay để quyết định các thủ tục và cách thức tiến hành. Đại hội với sự tham dự của 1557 đại biểu đại diện cho hơn 5 triệu đảng viên trong cả nước, sẽ chính thức khai mạc từ ngày mai, 26/01, dự kiến kéo dài đến ngày 2/02.
Đây là một sự kiện lớn trong đời sống chính trị của Việt Nam. Trên nguyên tắc, nội dung và tiến trình làm việc đã được quyết định từ trước Đại hội qua các kỳ họp hội nghị trung ương và Bộ Chính Trị trong đó bao gồm cả việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo chủ chốt.
Giới quan sát chính trị Việt Nam đều cho rằng Đại hội 13 vẫn sẽ khẳng định tính liên tục về đường lối chính trị. Sự chú ý tập trung vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt mới sẽ được sắp xếp thế nào sau khi đã bổ sung, sửa đổi các tiêu chí về tuổi tác.
Mặc dù vấn đề nhân sự lãnh đạo đất nước gần đây đã đưa vào danh mục tối mật, các thông tin ngoài luồng chính thống vẫn đưa ra những đồn đoán, đặc biệt là từ sau Hội nghị trung ương 15 diễn ra trong ngày 17/1 vừa rồi. Có tin ông Nguyễn Phú Trọng, nay đã 76 tuổi, ốm yếu, nắm giữ chiếc ghế tổng bí thư Đảng đã 2 nhiệm kỳ, nay tiếp tục sẽ làm thêm nhiệm kỳ thứ 3. Chức chủ tịch nước sẽ được trao cho ông Nguyễn Xuân Phúc đương nhiệm thủ tướng, người được đánh giá là năng động trong khủng hoảng dịch và phát triển kinh tế.
Chức danh chủ tịch Quốc Hội và thủ tướng đã được ấn định, nhưng dường như vẫn còn những cạnh tranh và chờ phân giải ở Đại hội.
Một điều gây chú ý đối với giới quan sát quốc tế là bối cảnh kinh tế chính trị xã hội trước Đại hội. Hãng thông tấn Pháp AFP ghi nhận Việt Nam đã có những thành công trong chống đại dịch Covid 19, duy trì tăng trưởng kinh tế, ở mức 2,9% trong năm 2020, tuy còn thấp nhưng là một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới đang lao đao trong khủng hoảng và suy thoái vì đại dịch. Về chính trị xã hội, năm 2020 cũng là năm đánh dấu Việt Nam trấn áp mạnh những tiếng nói đối lập. Theo Amnesty International số tù nhân chính trị ở Việt Nam đã tăng từ 84 trong năm 2016 lên 170 trong năm qua.
0 comments