Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin tổng hợp – 20/12/2020

Sunday, December 20, 2020 4:44:00 PM // ,

Tin tổng hợp – 20/12/2020

(AFP) – Sao Mộc và Sao Thổ xích lại gần nhau. 

Một hiện tượng hiếm có trong ngành thiên văn học: Vào lúc 18 giờ 22 phút, giờ quốc tế, ngày Thứ Hai 21/12/2020, các nhà thiên văn được trông thấy Sao Mộc và Sao Thổ qua cùng một ống kính. Khoảng cách được « thu hẹp tối đa » giữa hai ngôi sao nói trên trong cùng Thái Dương Hệ. Đây là một sự kiện hiếm khi xảy ra. Lần gần đây nhất là vào giữa năm 2000. Và phải đợi đến tận năm 2080, Sao Mộc và Thổ mới lại chuyển mình để xích lại gần nhau như kỳ này.

(Reuters) -Thụy Sĩ cho phép dùng vac-xin của Pfizer/BioNTech chống Covid-19.

Thông báo được Cơ quan dược phẩm quốc gia Swissmedic đưa ra vào hôm 19/12/2020. Như vậy là sau Anh, Mỹ và Canada, Thụy Sĩ là quốc gia thứ tư bật đèn xanh cho vac-xin của Pfizer/BioNTech được lưu hành. Cơ quan này bắt đầu nghiên cứu đơn xin giấy phép để Bern cho sử dụng thuốc do các tập đoàn Moderna và AstraZeneca chế tạo.

(AFP) – Người đẹp vùng Normandie đoạt vương miện Hoa Hậu Pháp 2021.

 Trong lễ trao giải đêm 19/12/2020 người đẹp vùng Normandie, Amandine Petit đăng quang. Cô gái tóc vàng 23 tuổi này đã qua mặt được 28 thí sinh khác để nhận vương miện từ tay hoa hậu của đảo Guadeloupe, Clémence Botino. Hoa Hậu tỉnh Provence và của vùng biển biếc Côtes d’Azur được ban giám khảo bầu chọn là Á Hậu. Lễ trao giải năm nay diễn ra tại khu giải trí Puy du Fou nhưng tuyệt đối không một khán giả nào được vào xem, do tình hình dịch Covid-19 bắt buộc. Chương trình tuy nhiên đã được hơn 10 triệu khán giả theo dõi qua đài truyền hình.

(RFI) – Belarus đóng cửa biên giới kể từ ngày 20/12/2020. 

Biện pháp này được thông báo cách nay 10 hôm và bắt đầu có hiệu lực. Về mặt chính thức quyết định đóng cửa biên giới nhằm ngăn ngừa đại dịch Covid-19 tràn vào lãnh thổ. Nhưng đối lập Belarus xem đây là một biện pháp đàn áp nhắm vào phong trào dân chủ bài tổng thống Loukachenko. Lãnh đạo đối lập Svetlana Tikhanovskaia tuyên bố Loukachenko đang biến Belarus thành một « hòn đảo ngục tù » với mục đích « cấm mọi tiếng nói đối lập ra khỏi đất nước » qua biên giới trên bộ.

(AFP) – Brexit : Bế tắc trên hồ sơ đánh cá. 

Mười một ngày trước kỳ hạn ly thân, Anh Quốc và Liên Âu vẫn chưa đạt được thỏa thuận, cho dù đàm phán việt dã tại Bruxelles được thông báo có nhiều tiến bộ. Ngày 20/12, sau cuộc thương lượng về vùng đánh cá chung, phía Anh Quốc tuyên bố « Liên Âu đòi hỏi quá đáng ». Trong khi đó, một báo cáo của Quốc Hội Anh báo động tình trạng « thiếu chuẩn bị nghiêm trọng » của hành pháp sẽ gây ùn tắt các hải cảng và những hệ quả cho an ninh quốc gia, nếu không có thỏa thuận hậu Brexit. Vô cùng lo ngại, giới doanh nhân Anh kêu gọi Bruxelles cho thêm thời gian để thích nghi với thủ tục hành chính mới.

(AFP) – Bắc Triều Tiên muốn tự xây lại khu công nghiệp Kim Cương (Kumgang). 

Theo KCNA, Bình Nhưỡng sẽ biến khu công nghiệp biểu tượng Kumgang ở sát  biên giới với Hàn Quốc thành khu du lịch quốc tế. Mục đích là để « thu hút hàng trăm ngàn du khách Hàn Quốc », theo tuyên bố của thủ tướng Bắc Triều Tiên Kim Tok Hun, thị sát tại chỗ. Năm 2019, trong bối cảnh căng thẳng với Seoul, lãnh đạo Kim Jong Un ra lệnh đặt chất nổ phá sập khu công nghệ Liên Triều do tập đoàn Hyundai Asan xây dựng. Theo một chuyên gia Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên sẽ không có đủ nguồn lực và phải cần đầu tư nước ngoài. Nhưng đây là một cách để chứng tỏ Bình Nhưỡng không xem trọng đối tác Hàn Quốc.

(AFP) – Messi ngang kỷ lục của huyền thoại Pelé. 

Trong màu áo của câu lạc bộ bóng đá FC Barcelona, cầu thủ Achentina Lionel Messi đã ghi bàn thắng thứ 643 trong trận đấu với Valancia hôm thứ Bảy. 643 quả banh tung lưới chính là kỷ lục của vua bóng đá Brazil Pelé thời tung hoành trên sân cỏ với đội Santos. 

(AFP) – Euro-2020: Đội tuyển bóng ném nữ của Pháp tranh vô địch với Na Uy. 

Sau trận bán kết hôm Thứ Sáu 18/12, tại Đan Mạch, đội nữ vận động viên bóng ném của Pháp áp đảo đối thủ Croatia với tỷ số 30-19, tiếp tục ước mơ đoạt cúp vô đich Châu Âu lần thứ nhì, hai lần liên tiếp. Chung kết với Na Uy diễn ra tại Paris chiều Chủ Nhật 20/12/2020. Tài nghệ hai đội  được mô tả là « bên tám lạng người nửa cân ».

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201220-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Tạp chí thể thao

Án phạt thể thao Nga sử dụng doping và hậu trường vụ bê bối

Anh Vũ

Trong tuần hôm 17/12/2020, Tòa Án Trọng Tài Thể Thao (TAS), cấp phán xử cao nhất của thể thao thế giới đã ra án phạt cấm Nga trong 2 năm không được tham gia các cuộc thi đấu thể thao thế giới. Quyết định của TAS đã khép lại vụ bê bối tổ chức sử dụng doping quy mô chính phủ bị chính người Nga phát giác từ cách đây cả chục năm.

Như vậy các vận động viên Nga sẽ không được phép thi đấu dưới màu cờ của đất nước ở hai kỳ Thế Vận Hội: mùa hè ở Tokyo và mùa đông ở Bắc Kinh.  Nếu như án treo thi đấu với thể thao Nga sẽ kéo dài đến ngày 16/12/2022, thì vấn đề hiệu lực của án phạt liên quan đến Cúp Bóng Đá Thế Giới tại Qatar 2022 vẫn không rõ ràng. Theo phán quyết, các vận động viên Nga vẫn có thể tham dự các cuộc thi đấu lớn của thế giới dưới màu cờ trung lập, nhưng thông cáo của TAS lại không chỉ rõ có ngoại lệ hay chiếu cố nào đối với các môn thể thao đồng đội.

Ủy Ban Olympic Quốc tế ( IOC) và các liên đoàn thể thao quốc tế vẫn chờ đợi những chỉ thị hướng dẫn cụ thể tránh các vấn đề  đã nảy sinh như những năm trước trong hồ sơ Nga này. Chẳng hạn như : Trước Thế Vận Hội Rio 2016, AMA đã đề nghị loại các vận động viên Nga nhưng đã bị CIO từ chối. Sau đó, chỉ ít ngày trước khi khai mạc Thế Vận Hội mùa đông 2018 Pyeongchang, Hàn Quốc, Tòa Trọng tài Thể thao lại ra quyết định xóa án cho 28 vận động viên Nga từng bị CIO cấm thi đấu suốt đời. 

Toàn bộ vụ bê bối sử dụng doping của Nga khởi phát cách đây 10 năm. Nữ vận động viên điền kinh Nga Yuliya Stepanova và chồng là Vitaly, cựu nhân viên kiểm tra của Cơ quan chống doping Nga Rusada đã báo động Cơ quan chống doping thế giới AMA về tình trạng sử dụng doping có tổ chức ở quy mô chính phủ tại Nga.

Từ những tố cáo đó, kênh truyền hình Đức ARD hồi tháng 12/2014 đã phát một loạt phóng sự điều tra cáo giác việc Nga cho vận động viên sử dụng doping một cách có hệ thống và tổ chức từ chính quyền. 10 tháng sau đó, AMA ra một báo cáo về hiện trạng điền kinh Nga, khẳng định những trường hợp sử dụng doping đã không thể tồn tại nếu không có sự đồng ý của chính phủ.

Đòn quyết định nữa khi cuối tháng 11 năm 2015 khi bác sĩ Gregorry Rodchenkov, đặt chân đến nước Mỹ. Trong vali của ông cựu giám đốc phòng thí nghiệm thuộc cơ quan chống doping của Nga có đầy những bằng chứng về một hệ thống sử dụng doping quy mô quốc gia của Nga, theo đó rất đông vận động viên đã gian lận trong kỳ Thế Vận Hội mùa Đông Sotchi 2014. Nghiêm trọng hơn là việc sử dụng doping cho các vận động viên có sự chỉ đạo tổ chức của các cơ quan chính phủ, trong đó có cả sự can dự của cơ quan phản gián Nga SFB.  Quan chức Nga này đã trao lại các tài liệu trên để đổi lại được tỵ nạn tại Hoa Kỳ.

Vụ việc trở nên lớn, cuối cùng dẫn đến quyết định lịch sử của Cơ Quan Chống Doping Thế Giới MMA năm 2019, treo thi đấu 4 năm đối với thể thao Nga trong tất cả các cuộc so tài quốc tế lớn. Nga kháng án lên Tòa Trọng Tài Thể Thao TAS, định chế phán xử cao nhất và kết quả được giảm án phạt xuống còn 2 năm theo phán quyết hôm 17/12 vừa rồi. Dù đã được giảm một nửa án phạt nhưng Matxcơva vẫn coi đây là quyết định không chấp nhận được.

Từ Matxcơva, thông tín viên Paul Gogo cho biết phản ứng từ Nga :

Báo chí thì nhìn nhận đó là một chiến thắng. Cơ Quan Chống Doping Thế giới đã cân nhắc nhiều để Nga phải bị cấm tham dự các cuộc thi đấu thể thao trong 4 năm vì bị cáo buộc có nhiều gian lận từ năm 2011. Cuối cùng Nga sẽ chỉ bị phạt trong hai năm.

Có điều, tổng thống Vladimir Putin sẽ không tham dự hai kỳ Thế Vận Hội tới và các vận động viên Nga nếu được tham dự nhưng không được quyền thượng cờ hay xướng quốc ca. Ủy Ban Thế Vận Nga hôm thứ Năm đã lên án đó là quyết định không thể chấp nhận được và nhận thấy không có lý do gì biện minh cho quyest định trừng phạt trên.

Xin nhắc lại, Matxcơva bị cáo buộc đã thay đổi các mẫu nước tiểu của vận động viên trong kỳ Thế Vận Hội mùa đông 2014 và đã làm giả mạo các dữ liệu của cơ quan chống doping của Nga.

Đây được coi là hành động sử dụng doping quy mô chính chính phủ đã bị một cơ quan chống doping của thế giới phát giác.

Nhưng do đại dịch Covid, Thế Vận Hội Tokyo bị rời lại, vì thế với phán quyết này Nga có thể bị tước quyền tham dự 2 sự kiện thể thao lớn của thế giới : 2 kỳ Thế Vận Hội, thay vì 3 kỳ nếu án phạt kéo dài 4 năm.

Tòa Án Trọng Tài Thể Thao cũng muốn giảm nhẹ tuyên án để không trừng phạt cả một thế hệ vận động viên Nga.

Khi thể thao bị chính trị hóa

Tuy nhiên đằng sau vụ việc tưởng chừng thuần túy mang tính thể thao này lại lại là một một cuộc chiến tranh lạnh thể thao giữa Nga và Mỹ, mang hơi hướng cuộc đọ sức về ảnh hưởng địa chính trị.

Chính quyết định của AMA nói trên đã khơi dậy những câu hỏi từ Mỹ: Điều gì sẽ xảy ra nữa nếu bác sĩ Rodchenkov không phá vỡ im lặng? Nga có còn tiếp tục gian lận để giành huy chương khi sự vụ vẫn trong vòng bí mật? Định chế hàng đầu chống doping thế giới AMA đã làm gì mà bao năm trời vẫn không hề hay biết ?

Hôm 21/06/2020, Nhà Trắng còn có một báo cáo đề nghị Mỹ rút khỏi Cơ quan Chống Dping Thế Giới nếu tổ chức này không thay đổi cơ cấu cách thức hoạt động. Mỹ lo ngại định chế quốc tế này không đủ độc lập để tác động đến các quốc gia thành viên. Cần biết là Hoa Kỳ là nước đóng góp 7% ngân sách của AMA. Cũng không có gì ngạc nhiên khi về phía Nga, diễn văn hoàn toàn trái ngược với Mỹ rằng : « Người Nga cũng phê phán AMA vì thiếu tính độc lập với Hoa Kỳ », như lời của Lukas Aubin, nhà nghiên cứu địa chính trị và là chuyên gia về Nga và về thể thao.

Trên thực tế thì ngoài hiệu quả của cuộc chiến chống doping thì đây còn chứa đựng tranh giành ảnh hưởng và quyền lực giữa Hoa Kỳ và Mỹ trong thể thao.

Báo cáo nói trên của Nhà Trắng chỉ rõ : « Vụ bê bối doping tại Nga tiếp tục chứng minh AMA không đủ khả năng độc lập và khả năng  buộc các nước khác phải tôn trọng các quy định chống doping“. Báo cáo còn đưa ra một loạt khuyến nghị với Quốc Hội Mỹ, dựa trên cơ sở rất nhiều chỉ trích đối với AMA. Cơ quan Chống Doping Thế giới là một tổ chức đa chính phủ, mỗi nước thành viên đều có đại diện. Sau vụ bê bối này, đại diện của Nga đã rút khỏi tổ chức.

Theo Lukas Aubin, báo cáo này cho thấy bóng dáng một cuộc chiến tranh lạnh trong thể thao đã manh nha từ đầu những năm 2000. Ngay từ năm 2007, đích thân tổng thống Vladimir Putin đã tới Guatemana để cổ vũ cho Sotchi đăng cai Thế Vận Hội mùa đông 2014.

Nước Nga cuối cùng đã thành công cả trong tổ chức lẫn thành tích thể thao ở kỳ thế vận hội đó. Với Cúp bóng đá Thế giới 2018, ông Putin đã không ngần ngại đưa tập đoàn Gazprom nhảy vào cuộc. Ông Putin đã tạo lập được một thứ quyền mực mềm thực sự cho nước Nga giống như thời Liên Xô thông qua việc đứng ra tổ chức các sự kiện có quy mô toàn cầu.

Việc làm này không qua được con mắt ghen tị của người Mỹ. Họ nhìn thấy ở đó ý đồ lật đổ vị thế cường quốc, chí ít trong thể thao của Mỹ. Chuyên gia Lukas Aubin, nhận định « Người Mỹ có suy nghĩ rằng không thể tin vào người Nga, cần phải làm mạnh hơn người Nga trong bất kể chuyện gì ».

Đúng là Vladimir Putin rất quan tâm đầu tư cho thể thao Nga vì ông hiểu được thể thao giúp tạo dựng biểu tượng cho một nước Nga hùng mạnh. Và thế là người Mỹ phải có phản ứng. Mục tiêu là tính độc lập của AMA mà người Mỹ cho rằng đã bị Nga thao túng.

Bóng đá: Robert Lewandowski,  « The Best » của FIFA

Chuyển qua với một sự kiện thể thao khác trong tuần hôm 17/12, vẫn từ Thụy Sĩ. Tại Zurich, Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA đã bầu chọn Robert Lewandowski, tiền đạo người Ba Lan đang chơi cho câu lạc bộ Đức Bayern Munich là cầu thủ xuất sác nhất thế giới năm 2020 –  FIFA The Best.  Đây là danh thủ đã quá quen thuộc với người hâm mộ bóng đá châu Âu nhưng lại xa lạ trong bảng danh hiệu lớn của làng bóng thế giới. Trao danh hiệu lớn cho Robert Lewandowski, FIFA không chỉ thừa nhận công lao thành tích của tiền đạo xuất chúng này mà đó còn là phần thưởng cho sự kiên nhẫn dành cho danh thủ đã 32 tuổi nhưng gần như cả sự nghiệp bị che khuất bởi cái bóng của Lionel Messi và Crisstiano Ronaldo.

Về tiền đạo Lewandowski, chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui nhận định dù danh hiệu lớn này có đến với danh thủ người Ba Lan hơi muộn nhưng hoàn tòan xứng đáng với tài năng và những cống hiến của Lewandowski cho bóng đá.

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-th%E1%BB%83-thao/20201220-%C3%A1n-ph%E1%BA%A1t-th%E1%BB%83-thao-nga-s%E1%BB%AD-d%E1%BB%A5ng-doping-v%C3%A0-h%E1%BA%ADu-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-v%E1%BB%A5-b%C3%AA-b%E1%BB%91i 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.