Kinh tế VN 2021: 'Sếu đầu đàn' cất cánh có nhớ 'quả đấm thép'?
BBC
Chính phủ VN đề ra mô hình 'sếu đầu đàn' cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn mới, nhưng các ý kiến chỉ trích cho rằng đây không phải là điều gì mới, và nước này cần rút kinh nghiệp các 'quả đấm thép' một thời, trở thành gánh nặng kinh tế.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn Mobifone, EVN, Viettel đại diện ba lĩnh vực viễn thông, năng lượng, công nghiệp quốc phòng tham gia thí điểm chính sách riêng... Bộ vừa trình Thủ tướng dự thảo đề án để phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu," VnExpress loan báo.
2021: Kinh tế VN từ 1975 đến đổi mới nhu cầu cải cách sắp tới
VTV cho biết thêm về mục đích của việc lựa chọn và thí điểm:
"Đây là lần đầu tiên đề xuất thí điểm thực hiện những chính sách riêng biệt đối với doanh nghiệp được chọn để thúc đẩy sự hình thành của những con "sếu đầu đàn".
"Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là các ngành, lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của một quốc gia bao gồm các yếu tố: cung cấp nguyên liệu đầu vào không thể thiếu cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh; cung cấp kết cấu hạ tầng trong thời kỳ chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 và bảo đảm quốc phòng..."
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các doanh nghiệp lựa chọn có vai trò "sếu đầu đàn" sẽ phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong việc hình thành, mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị trong nước, khu vực, thế giới."
Bị mắc kẹt bởi tư duy và lợi ích?
Từ Hội An, kinh tế gia Bùi Kiến Thành bình luận với BBC:
"Tôi có theo dõi diễn biến này, theo tôi đây là biểu hiện của một thứ tư duy đi thụt lùi của những người đã quen quan niệm nhà nước là quan trọng ghê gớm lắm, còn tư nhân thì không đủ tầm, không làm được việc gì.
"Biểu hiện này rõ ràng cho thấy Việt Nam vẫn còn ở trong một tư duy và chính sách có tính chất giáo điều như thế, cho nên mới có những đề xuất vĩ đại, trời đất như thế.
"Ở Mỹ hay ở nhiều nơi, những tổ chức kinh tế đầu đàn thực sự đâu có phải là của nhà nước, nhà nước vào đó làm kinh tế để làm gì?
"Nhà nước tham vọng nhảy vào để điều khiển các tập đoàn kinh tế, để trực tiếp làm ăn kinh tế qua đó, thì theo tôi là không nên và không thể nào làm được, cho nên những ai nêu ra ý tưởng này nếu không phải là theo lợi ích nhóm nhà nước, đứng sau tấm chắn kinh tế nhà nước để thủ lợi, thì chỉ chứng tỏ là vẫn còn vướng, chưa thoát ra khỏi tư duy của những anh Marxist thủ cựu từ thế kỷ XVIII.
"Nếu còn tư duy như thế thì Việt Nam bao giờ mà phát triển được, hãy nhớ những tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có phải là của nhà nước hay không? Thậm chí người ta thấy để hiệu quả, thì phải tư nhân hóa ngay, lịch sử kinh tế không xa cho thấy từ những tập đoàn kinh tế lớn thời bà Thatcher làm Thủ tướng ở Anh, cho đến những tập đoàn lớn của Pháp, những khi nào thấy cần phải tư nhân hóa, thì họ phải tiến hành ngay, để tập trung cho vai trò của nhà nước là làm quản lý nhà nước, không phải là xông vào thị trường kinh doanh và cạnh tranh với tư nhân và các thành phần khác.
"Tôi lưu ý là Việt Nam có nhiều thứ tư duy lạ, họ có vẻ còn e ngại vai trò kinh tế tư nhân, dân doanh, thành ra họ thậm chí tránh hay không dám dùng chữ "tư nhân hóa", mà đặt ra cái gọi là "cổ phần hóa". Cái này hết sức vô lý, anh cổ phần hóa, sau đó anh bán ra 5%, 10%, sau rồi anh nói tôi đã cổ phần hóa xong rồi, trong khi nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối của những tập đoàn đó.
"Và kế tiếp theo, anh đặt những công chức vào làm việc điều khiển những doanh nghiệp, như là bên quân đội thì đặt sỹ quan quân đội vào đó, thế thì làm sao nó phát triển thuần túy theo kinh tế thị trường và phát triển bình thường, lành mạnh được, và cần phải nhớ có thể có lúc người ta dùng luật quốc tế qua những hiệp định, hiệp ước mà anh đã ký để xem anh có thực chất không can thiệp trái cam kết không.
"Cho nên theo tôi tư duy này và những mô hình con đẻ của nó nảy sinh ra như trên thì sẽ không giúp cho Việt Nam phát triển lành mạnh, đúng nghĩa trong tương lai, nó chỉ giúp ích cho thứ chủ nghĩa nhà nước phình to lại thêm khuếch trương mà thôi, tại sao tuyên bố là đi vào kinh tế thị trường bao lâu nay, mà không học hỏi cách hoạt động của nhân loại tiến bộ, mà lại vẫn đi theo kinh tế tập trung quyền lực nhà nước như thế, tôi nói thẳng là không tán thành tư duy và những mô hình này."
Những 'con sếu' hay sẽ thành những 'con sẻ'?
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nói với BBC:
"Tôi nghĩ rằng kinh tế nhà nước có những lĩnh vực mà chủ yếu là lĩnh vực dịch vụ công thì nhà nước nên tiếp tục. Những lĩnh vực nào mà khu vực tư nhân có thể làm được, thì nên để cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
"Còn cái gọi là 'sếu đầu đàn' hay nhiều uyển ngữ khác là một trong những ẩn dụ mà một số nhà lý thuyết kinh tế bên ngoài đã nêu ra từ lâu trước đây, nay tôi nghĩ không cần quá sính những từ ngữ đó mà làm gì, mà thay vào đó phải nhìn vào thực chất.
"Mobifone, EVN, Viettel thì phải xem thực sự cái mà họ có thể làm ra là gì, công nghệ nào, sản phẩm nào, còn khi mà còn được ưu ái của nhà nước, họ có thể có những phát triển được cho là 'ngoạn mục', nhưng đằng sau cái phát triển 'ngoạn mục' ấy, lại chính là sự phát triển được nâng đỡ của nhà nước về mặt độc quyền, về mặt thị trường, về mặt này, mặt khác, thì tôi nghĩ rằng đấy là một vấn đề lớn cần phải bàn luận, thâm chí tranh luận nhiều hơn nữa.
"Còn tôi rất e ngại việc đưa một số doanh nghiệp nhà nước kiểu 'quả đấm thép' lên thì cũng chẳng khác gì các tập đoàn kinh tế nhà nước mà cựu Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trương một thời từ cuối năm 2005 trở đi, mà bản thân tôi ở trên các báo chính thống của nhà nước thời đó, từ tháng 4/2006, tôi đã cảnh báo rằng làm kiểu ấy đằng nào cũng hỏng.
"Và chúng ta đã thấy rằng từ Vinashin, Vinalines, các 'quả đấm thép' ấy đều đã trở thành các 'quả đấm bằng giẻ', chính vì vậy, tôi cũng rất e ngại rằng 'những con sếu' ấy có thể cuối cùng sẽ trở thành 'những con sẻ' và thậm chí có thể trở thành những con 'cú vọ' mà chưa biết chừng, và đấy là những vấn đề mà cần được tranh luận, bàn thảo rất rộng rãi, cần nghe những ý kiến khác nhau.
"Còn theo ý chí riêng của một vài người mà đi 'học mót' theo những thuật hùng biện của một số lý thuyết gia kinh tế mà rất có thể là đã lạc hậu mất rồi, thì tôi nghĩ rằng, nếu cứ chăm chăm làm như thế, thì có thể rất nguy hiểm, thậm chí khó lường."
Lựa chọn theo tiêu chí nào?
Báo Xây dựng, thuộc Bộ Xây dựng trong một bài viết vào hạ tuần tháng 12/2020 và dịp cuối năm cho biết thêm về tiêu chí mà ba doanh nghiệp Mobifone, EVN và Viettel đã được Bộ Kế hoạch & Đầu tư lựa chọn cho mô hình 'Sếu đầu đàn', tờ báo viết:
"Tại dự thảo đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các tiêu chí để xác định một doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn. Trong đó, doanh nghiệp này phải đạt yêu cầu về quy mô tài sản hoặc vốn điều lệ với đề xuất vốn điều lệ tối thiểu 1.800 tỷ đồng.
"Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này phải có khả năng mở rộng thị trường và tăng được thị phần. Trong đó, phải đạt được thị phần đủ lớn để có khả năng chi phối thị trường (đề xuất ở mức 30% thị phần trở lên).
"Các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn theo lựa chọn của đề án cũng phải có hệ thống quản trị tốt, đạt được yêu cầu tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, áp dụng trình độ khoa học công nghệ tiên tiến.
"Nhóm các doanh nghiệp này phải hoạt động trong những ngành có tính chất lan tỏa, dẫn dắt (không thuộc ngành, lĩnh vực Nhà nước độc quyền) như kết cấu hạ tầng kinh tế, công nghiệp, năng lượng, viễn thông, tài chính ngân hàng…
"Điều kiện cuối cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra để xác định một doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn là phải hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp (là công ty 100% vốn Nhà nước hoặc có vốn góp, cổ phần chi phối của Nhà nước); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
"Trong đó, Bộ này đề xuất ưu tiên các doanh nghiệp đã đa dạng hóa sở hữu hoặc có khả năng đa dạng hóa sở hữu trong thời gian tới, Nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% vốn trở lên."
'Sếu đầu đàn' bay đừng quên 'quả đấm thép'
Từ Học viện Chính sách & Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ đưa ra bình luận của mình:
"Ở đây có điểm khác với thời kỳ trước, thời kỳ trước có một chủ trương rất lớn, dựa vào những 'quả đấm thép' mà chúng ta đã biết, tức là dựa vào những trụ cột doanh nghiệp nhà nước.
"Còn thời kỳ này, theo tôi, nó có tính chất biểu tượng nhiều hơn, nhưng nó có hai vấn đề, một là chưa lường hết được những rủi ro, trong đó không chỉ có rủi ro rằng đó là những doanh nghiệp nhà nước với ba đại diện trong ba lĩnh vực, nhưng nó còn có một rủi ro khác, đó là khi một doanh nghiêp nhà nước đồng thời lại là của quân đội tham gia, trong đó có Viettel mà đang bị mang tiếng ở Myanmar, có có thể vi phạm những nguyên tắc mà trong các hiệp định lớn quốc tế, khu vực, Việt Nam đã ký kết, bên cạnh việc vì là quân đội, có thể có những khía cạnh, lĩnh vực rất khó quản lý liên quan công khai, minh bạch.
"Ngoài ra, hiện nay Việt Nam cũng đang trong giai đoạn chống tham nhũng, tiêu cực trong các tập đoàn, người ta có thể định lấy ba doanh nghiệp này thí điểm để có tính chất thúc đẩy, nhưng theo ý kiến cá nhân của tôi, tôi cũng không cho rằng đây là một sáng kiến gì hay lắm để trong năm 2021 có thể thúc đẩy được các doanh nghiệp như là cách người ta gọi là những con 'sếu đầu đàn' bởi vì nó còn rất nhiều khó khăn và rủi ro trong năm 2021, một điều chắc chắn rồi.
"Về mặt tư duy, chắc chắn đây càng không phải là cái gì mới mẻ hay như một bước tiến, mà người ta đang gặp những cái khó, hầu như không thể vươn lên trong các lĩnh vực lớn và trong quá trình cổ phần hóa cũng đang hết sức bế tắc, đánh giá thẳng là trong nhiệm kỳ vừa qua, cổ phần hóa đã không đạt được những mục tiêu đề ra, chưa lấy được doanh nghiệp tư nhân làm động lực quan trọng, thành ra bây giờ quay lại cái kia thì rủi ro rất là lớn về mặt sở hữu.
"Mà cái này nếu anh tạo thành chủ trương lớn, từ ba, nó sẽ thành đa, thành nhiều, thì trước sau nó cũng lặp lại cái sai lầm của thời kỳ trước, mà rất khó từ doanh nghiệp này của nhà nước, lại kéo được các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung làm ăn trong bối cảnh mới được, rất là khó, mà không khéo lại lặp lại vết xe cũ là tập trung quyền lực kinh tế nhà nước quá mức, ưu đãi quá mức, vừa có thể dễ bị quốc tế và khu vực người ta soi và có thể kiện, như Mỹ từng kiện hoặc chế tài Việt Nam vì có bàn tay của nhà nước yểm trợ, ưu đãi bất công bằng cho các doanh nghiệp Việt Nam, gây bất lợi cho sản phẩm, kinh doanh, thị trường của các đối tác.
"Mặt khác, nó cũng lại có thể tạo môi trường cho các nhóm lợi ích hoạt động, núp bóng nhà nước và có thể là lặp lại các sai phạm, sai trái về quản lý tài sản, vốn v.v... của nhà nước như thời Vinashin, Vinalines dù có thể dưới các dạng khác, tóm lại tôi cho rằng cần chú ý những rủi ro và 'Sếu đầu đàn' trước khi bay, có lẽ cần nhớ tới những gì đã xảy ra với những 'Quả đấm thép' một thời đã gây rất nhiều quan ngại và tai tiếng," chuyên gia chính sách công nói với BBC hôm 31/12/2020.
0 comments