Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đêm Giáng Sinh trong trại tù Long Giao

Wednesday, December 23, 2020 7:51:00 PM // ,

1. Tháng 12 năm 1975. Chúng tôi bị lừa, bị lùa vào trại Long Giao, do bộ đội quản lý, và đã ở đó hơn sáu tháng. Long Giao thuộc tỉnh Long Khánh, là một căn cứ cũ của Sư đoàn 18, mà trước kia tôi chưa hề đặt chân đến, nói chi bấy giờ bị giam cầm tứ phía lại càng thấy mù mịt hơn. Thời gian buồn hiu và không gian xám ngắt. Trời mưa, đất Long Giao trơn như mỡ và biến thành bùn đỏ quyện vào chân và gấu quần, không khác chi đất Pleiku, Kontum và Ban Mê Thuột mà tôi đã ghé ở qua những ngày chinh chiến cũ.

Tù binh được chia thành tổ, mỗi tổ gồm tám đến mười người. Bốn tổ lập thành một đội, còn gọi là nhà, hay B. Dãy tù kế bên, ngăn cách bởi một hàng rào kẽm, dành cho sĩ quan cấp tá, trong đó có Thiếu tá Lê Ân, Văn Hóa Vụ trưởng trường Đại Học CTCT Đà Lạt, chỉ huy trực tiếp của tôi, mà thỉnh thoảng tôi được thấy mặt và chào hỏi qua lớp kẽm gai. Có một khu giam riêng một số nữ quân nhân, từ cấp trung tá trở xuống, vài chị trông rất trẻ, đẹp. Đôi khi gặp nhau tình cờ ngoài hiện trường lao động, các chị nhìn chúng tôi với ánh mắt buồn bã, cảm thương, nếu không muốn nói tội nghiệp, mặc dù cùng trong cảnh chim lồng cá chậu.

2. Tổ tù của tôi gồm tám người, thuộc đội 2, còn gọi là B2, Nhà 2, dưới quyền của “nhà trưởng” tên Thạnh, người Huế, mập lùn, đại úy Công Binh, hiền lành, dễ dãi, ví dụ mỗi lần phải thi hành “lệnh trên” anh đều lịch sự năn nỉ các đội viên (“xin các anh làm ơn… cố gắng…”), thay vì hống hách, nạt nộ, đe dọa như một số B trưởng tiến bộ quá nhanh, muốn lập công để được tha về sớm. Một nửa tổ tôi là sĩ quan ngành Y ít nhiều quen biết nhau ngoài đời, trong số có người bạn cùng đơn vị, bác sĩ Đặng Phùng Hậu, trưởng bệnh xá Trường Đại Học CTCT, và bạn của anh, bác sĩ Trần Đại Quốc, nghe nói có liên hệ bà con với một cán bộ cao cấp đại diện Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam tại Hòa đàm Paris. Tuy vậy, tôi không coi điều đó quan trọng, vì Quốc là người bạn tù tốt, chững chạc, cởi mở, có tư cách, và theo tôi nhận xét lúc ấy, thuộc loại ”phản động” hạng nặng. Thỉnh thoảng buổi chiều cùng tôi đi dạo mát trong sân, anh nhắc nhở: ”Đừng bao giờ tin VC. Đừng bao giờ khai thật, và khai sao thì nhớ giữ nguyên lời khai, không thay đổi.” Y như lời ba tôi khuyên nhủ, trước ngày tôi chuẩn bị trình diện đút đầu vô rọ. Ngoài ra, có bác sĩ Nguyễn Xuân Thanh, người Huế, và dược sĩ Trần Lương Ngọc, Bắc kỳ di cư, cả hai rất tử tế, vui vẻ.

Bốn sĩ quan ngoài ngành Y Dược là anh tổ trưởng, đại úy đại đội trưởng Địa Phương Quân Vùng 4 tên Lân, một trung úy Pháo Binh tên Thanh, ít nói, một đại úy Hành Chánh Tài Chánh tên Thạnh, đều dân Nam kỳ, và tôi, quê Nha Trang, đại úy Trường Đại Học CTCT Đà Lạt. Đó là một nhóm thân hữu dễ thương, chia cho nhau từng mẩu bánh mì khô, từng lát thịt bò ướp mỗi lần một tổ viên được “thăm nuôi”, tin tưởng nhau, phát biểu, bình luận thời cuộc một cách vung vít mà không sợ bị báo cáo. Trong tổ, chỉ một mình tôi là Công giáo.       

3. Mấy ngày trước Noël, Bác sĩ Nguyễn Xuân Thanh gọi tôi ra sân, vừa cùng đi bách bộ vừa nói nhỏ:                                        

– Đêm Noël một số anh em sẽ tổ chức mừng lễ. Mọi thứ đã được chuẩn bị. Bây giờ nhờ anh viết lời bài hát “Đêm Thánh Vô Cùng” ra tiếng Pháp và Latin. Tiếng Anh thì có người lo rồi, bản tiếng Việt thì tôi thuộc, vì trước kia tôi học trường đạo ở Huế.  

Nói xong, anh bắt giọng, hát cùng với tôi, khe khẽ:

Đêm thánh vô cùng…                                                                                        

Giây phút tưng bừng…                                         

Đất với trời…

Silent night, holy night,

All is calm, all is bright.

Round yon virgin mother and child,

Holy infant, so tender and mild.

Sleep in heavenly peace,

Sleep in heavenly peace …

Phần tôi, thấy phấn khởi lắm, nhưng không hỏi thêm chi tiết. Và nhận viết lời Pháp mà tôi thuộc từ hồi nhỏ. Còn Latin, tôi không biết nguyên văn, nhưng dựa theo tiếng Pháp mà dịch đại ra, không tự điển, và bây giờ chỉ còn nhớ câu đầu: Tranquilla nox, sancta nox… Sau đó, từng nhóm nhỏ tập dượt, bằng cách đi trong sân, khuất những cặp mắt ăng-ten, nhất là hung thần tên Bái, ở cùng đội B2, bảo hoàng hơn vua, lúc nào cũng mặc bộ bà ba đen cổ quấn khăn rằn, trông ngứa mắt không chịu nổi, chuyên lấy điểm cán bộ bằng cách tố cáo, kết án đồng tù, và tôi cũng là một trong nhiều nạn nhân bị hắn đấu tố, những buổi đội họp kiểm điểm, về cái tội “chây lười lao động” và là “sĩ quan dạy tại trường đại học CTCT ác ôn”.

Trong lúc tập dượt, nhóm chúng tôi hát thuộc lòng âm ư trong miệng. Chỗ nào vắng vẻ, an toàn, thì lên giọng to hơn. Tôi hướng dẫn phát âm lời Pháp và Latin. 

Douce nuit, sainte nuit!

Dans les cieux! L’astre luit.

Le mystère annoncé s’accomplit

Cet enfant sur la paille endormi,

C’est l’amour infini,

C’est l’amour infini …

4. Đúng đêm 24. Đêm Chúa sinh ra đời. Mới bảy giờ, trời đã tối. Từ trại, nhìn ra quang cảnh chung quanh, tôi thấy có những ánh đèn leo lét, trong một xóm nhà về hướng Tây, tức hướng Sài Gòn, và, cao hơn, một ngôi sao khổng lồ thắp sáng trên nóc một ngôi thánh đường. Các bạn bảo tôi, “đó là xóm đạo di cư Long Giao”, nhưng không ai biết họ đạo ấy tên chính xác là gì. Một lúc sau, từ nhà thờ vọng lại, liên hồi, tiếng chuông Noël giục giã, quen thuộc. Quen thuộc, vì thời gian trước 1975, không bao giờ tôi thiếu vắng nó, vào mùa Giáng sinh, dù phải xa gia đình êm ấm, kể cả những đêm hành quân ngủ bờ ngủ bụi, lúc chiến tranh trở nên khốc liệt. Đêm ấy, trong trại tù Long Giao tình cờ được nghe lại, tôi nghĩ đó là một ân sủng từ Chúa Hài Đồng còn xót thương, một lần duy nhất như kỷ niệm bền lâu, vì những năm sau, bị đưa ra Bắc, tôi không còn bao giờ được nghe nữa. Tiếng chuông Noël thân thương tắt lịm, chết đi –như cuộc đời chúng tôi. Không có cả tiếng chuông gọi hồn ai, for whom the bell tolls, như trong Hemingway.

Tự dưng thấy lòng bồi hồi, xúc động. Nước mắt lưng tròng. Chợt nhớ một đoạn văn, trong quyển Souvenirs de la maison des morts, đã đọc thời trung học, của văn hào Nga, Dostoïevski, bị lưu đày ở Sibérie, cũng kể rằng đêm Noël ông nghe từ một xóm đạo xa xa tiếng chuông nhà thờ vẳng lại. Vừa lúc ấy, Dostoïevski viết, tình cờ tên cai ngục mở cửa, và ông có cảm tưởng Thiên Chúa đã hiện ra với ông. Đối với một tử tù biệt giam, xa cách thế giới loài người, sự hiện hữu của bất cứ ai, kể cả tên cai ngục, là một đặc ân, niềm an ủi và mừng vui vô biên Chúa gửi đến. 

Bao nhiêu năm qua rồi, những đêm Giáng Sinh cứ tiếp nối trên xứ sở tự do, sung sướng, mà sao tôi vẫn không tìm lại được cảm xúc êm đềm, niềm hoan lạc vô giá, từ một đoạn văn cũ ấy –cái cảm xúc kỳ lạ, lâng lâng, bình an trong hồn những tù nhân cô đơn, tuyệt vọng. Và gần hơn, từ đêm Noël đầu tiên, và duy nhất, tại một trại giam Việt Cộng. Từ tiếng chuông vọng về của một xóm đạo, phía bên kia đời văn minh, gần gũi mà sao thấy xa vời vợi, còn sót lại phủ đầy ánh sáng và yêu thương, dưới chế độ vô thần, bạo tàn, rừng rú. Từ những bài hát Giáng sinh được tập dượt trong những buổi chiều lén lút, lo âu tại trại tù Long Giao.

5. Tám giờ. Trên sân bên hông tổ chúng tôi, một bó lửa được thắp lên giữa những thanh củi xếp theo hình ô vuông, và các anh em từ những đội khác nhanh chóng kéo tới tập họp làm thành vòng tròn lớn, nắm tay nhau hát to bài “Đêm Thánh Vô Cùng” bằng bốn thứ tiếng, do Nguyễn Xuân Thanh, cùng vài anh khác, điều khiển và bắt giọng. Những khúc củi được thảy vô thêm, và ánh lửa vươn cao, bập bùng, vui như trong đêm lửa trại của hướng đạo sinh. Không có cây sapin, không có hoa đèn rực rỡ, không có cả một linh mục nào chủ lễ, xướng kinh. Chỉ có tấm lòng và đức tin bền vững của tù nhân dâng cho Thượng Đế trước những bất hạnh, tủi nhục, đọa đày. Những tù binh không tham gia cũng đứng chung quanh, tò mò nhìn, trong số, dĩ nhiên, có vài tên ăng-ten mà ai cũng biết tiếng.

Khoảng mười phút sau, hát xong, trong khi anh em đứng lặng im, trầm tư, có người lâm râm cầu nguyện, thì bỗng nghe tiếng chân bộ đội rầm rập chạy về phía chúng tôi, súng lên đạn kêu răng rắc. Lập tức, tất cả tự động giải tán, ai về phòng nấy, biến mất như những bóng ma, cũng nhanh chóng như khi tập họp. Tôi nán đứng lại xem, bên đống lửa gần tàn, với vài người trong đám hiếu kỳ. Một thằng ăng-ten nổi danh, thuộc một B khác, cựu phi công trực thăng tải thương, đứng chỉ chỏ, báo cáo. Bọn lính và quản giáo luôn mồm hỏi: “Anh nào cầm đầu tổ chức phản động? Anh nào?”. Không ai biết, kể cả những tên ăng-ten. Mà biết cũng không ai nói, trừ bọn này, dĩ nhiên. Cuối cùng một anh, nói giọng Bắc, bước ra “nhận tội” thay cho tất cả. Sáng hôm sau, anh tù binh Lê Lai cứu chúa ấy, các đội trưởng và một số “nghi can” khác bị dẫn đi làm việc. Rất may, không ai bị kỷ luật, yên ổn trở về các đội.

Trong một cuộc điện đàm mới đây, Bác sĩ Hậu cho biết thêm: ”Khi cán bộ và bộ đội chạy đến sân hỏi ai là người tổ chức, anh trưởng đội B1, mà rất tiếc moa không nhớ tên và binh chủng, hình như là một phi công, bước ra nhận chính anh là người tổ chức đêm nguyện cầu đó”. Nghe Hậu nói, tôi mới kịp nhớ và óc tự động quay lại đoạn phim này, lúc ấy không quan trọng lắm, nhưng bây giờ rất quý báu vì chứng tỏ thái độ hiên ngang và cái dũng hiếm hoi của một cựu sĩ quan QLVNCH trong lúc sa cơ. Nguyễn Xuân Thanh, tôi biết, chỉ là người được phân công móc nối trong B2 chúng tôi, không phải người đứng ra tổ chức.

6. Khi bài viết của tôi được các cư dân Mạng, Netizens, đọc thì một cựu tù nhân không quen, viết cho tôi, qua email, nguyên văn: ”Khi nằm ở Nam Hà B, tôi gặp anh Lộc (hình như Trần Tấn Lộc), truyền tin, nói chính anh ấy đề xướng vụ hát giáng sinh này.” Rất có thể như thế lắm. Vì tù binh quá đông, không ai có thể biết hết tất cả. Vả lại, tại trại, khi tiếp xúc với Nguyễn Xuân Thanh, tôi không hỏi ai tổ chức, mà Thanh cũng không tự động nói.

Về  sau, chuyện này, cán bộ trại không nhắc đến nữa. Riêng tôi vẫn nhớ mãi, kể từ đêm ấy đến nay đã 45 năm. Rồi một số được đổi đi trại khác, phần đông là giới Y Dược, trong đó có bốn chàng mousquetaires của tổ tôi, về trại Kà Tum ở thêm hai năm nữa, trong điều kiện khắc nghiệt hơn Long Giao nhiều, theo Hậu kể. Còn lại, rất đông, có tôi, bị “biên chế” phân tán đi các đội khác, để vài tháng sau được tàu Sông Hương chở ra Bắc ưu ái bán cái cho Công An, bắt đầu một cuộc hành trình mới gian nan hơn, khổ cực hơn, dành cho những “tù nhân chính trị” chánh hiệu.

Một buổi chiều, cách đây 17 năm, tiếng điện thoại vang lên. Bác sĩ Nguyễn Xuân Thanh bất ngờ gọi tôi từ Oakland, CA. Mừng rỡ. Ôn lại biết bao kỷ niệm. Nhất là về cái đêm Giáng Sinh 1975 tại Long Giao. Sau đó, thỉnh thoảng tôi gọi Thanh. Tháng 12 năm 2011, máy nhắn trong điện thoại của anh trả lời ”no longer in service”. Về đâu rồi, hỡi bạn Nguyễn Xuân Thanh, một trong những người hùng đêm Noël 75? Còn Bác sĩ Trần Đại Quốc, theo lời một người cháu họ của anh cho biết, hiện còn ở Việt Nam. Bác sĩ Đặng Phùng Hậu đang có phòng mạch tư tại Port Arthur, Texas, và năm 2004, đã đến Portland cùng với bà xã, tham dự lễ hôn phối của vợ chồng tôi. Dược sĩ Trần Lương Ngọc, nghe nói, đang làm việc tại một bệnh viện Sài Gòn. Những bạn đồng tù thân thiết khác thì bặt vô âm tín. Trừ một anh tên Nam họ Huỳnh, cựu đại úy Hải Quân, cùng đội B2, hiện ở San José, một lần tìm đâu được số điện thoại của tôi, đã gọi lên thăm…

Portland, 19 tháng 12, 2020

Kim Thanh 

Tags: ,

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.