Bản tin ngày 23-12-2020
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Facebooker Phạm Thắng Nam cho biết: Lúc 5h47’ sáng 17/12/2020, tàu hải cảnh Zhongguo Haijing 5204 đã lại rời vùng biển phía nam Bãi Tư Chính, xâm nhập lần thứ 36 vào khu khai thác dầu khí lô 06.01, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của VN. Sang ngày 18/12, tàu Zhongguo Haijing 5204 chuyển hướng xuống vùng biển Malaysia. Đến ngày 21/12, tàu này quay lại khu vực Đá Chữ Thập.
Báo Thanh Niên có bài: Mưu đồ binh lực của Trung Quốc ở Biển Đông. Về tàu sân bay Sơn Đông của TQ đang tập trận, có khả năng TQ dùng luôn tàu sân bay này án ngữ ở Biển Đông, “là dấu hiệu của mưu đồ thiết lập một thế trận binh lực tấn công ở khắp vùng biển này”. Trước đó, Hoàn Cầu Thời báo tiết lộ, tàu Sơn Đông sẽ đồn trú ở căn cứ tại TP Tam Á, đảo Hải Nam, hướng thẳng ra Biển Đông.
Tin cho biết, tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và các bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn, Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa, TQ “đều triển khai các loại tên lửa đối không và tên lửa chống hạm. Bắc Kinh cũng thường xuyên điều động các loại máy bay tiêm kích J-10 và J-11, máy bay trinh sát hải quân KQ-200, oanh tạc cơ chiến lược H-6”.
Về thông tin tàu khu trục USS John S. McCain của Mỹ đã bị tàu TQ xua đuổi khi tiếp cận khu vực quần đảo Trường Sa, Mỹ bác tin tàu chiến bị Trung Quốc ‘xua đuổi’ ở Biển Đông, VnExpress đưa tin. Trung tá Joe Keiley, người phát ngôn của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ, cho biết: “USS John S. McCain không bị ‘xua đuổi’ khỏi lãnh hải của bất cứ nước nào… Tàu chiến này thực hiện chiến dịch tuần tra tự do hàng hải theo quy định của luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục các hoạt động bình thường ở vùng biển quốc tế”.
Trước đó, đại tá Tian Junli, người phát ngôn của Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam quân đội TQ, cho rằng, quân đội TQ đã triển khai lực lượng không quân, hải quân “xua đuổi tàu khu trục USS John S. McCain của Mỹ” khi chiến hạm này áp sát quần đảo Trường Sa, mà không cung cấp được hình ảnh hay clip chứng minh thông tin này.
Mời đọc thêm: Biển Đông: Tàu khu trục Mỹ vào gần Trường Sa để thực hiện ‘tự do hàng hải’ (BBC). – Mỹ liên tiếp điều tàu chiến đến Biển Đông (VNN). – Ấn Độ, Nhật Bản phản đối nỗ lực thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông (RFI). – Xây dựng cộng đồng ASEAN: Biển Đông có là rào cản? (VTC). – Ấn Độ, Nhật Bản phản đối nỗ lực thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và Biển Đông (RFI).
Tin chính trường
Ban Chấp hành Trung ương đảng đã chốt thời gian diễn ra Đại hội 13: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ diễn ra từ ngày 25/1/2021, báo Tiền Phong đưa tin. Đại hội 13 sẽ diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021. “Tại đại hội các đại biểu sẽ thảo luận và xem xét quyết định các dự thảo văn kiện và bầu nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới”.
Tin cho biết, về công tác nhân sự, “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, kỹ lưỡng, bỏ phiếu biểu quyết với sự nhất trí rất cao nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, bao gồm cả nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XII tái cử và nhân sự lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư”.
Thông Tấn Xã VN có đồ họa: Công tác nhân sự Đại hội XIII qua các hội nghị Trung ương Đảng khóa XII.
Càng đến gần Đại hội 13 thì bộ máy tuyên truyền của chế độ càng tăng cường đăng những tin, bài có tính chất hô bào, như bài: Vạch trần toan tính phủ nhận công cuộc chống tham nhũng của Đảng, trên báo Tổ Quốc và bài: Tăng cường phản bác các quan điểm sai trái trước Đại hội XIII của Đảng, trên VietNamNet. Dạng bài này chỉ có thể vạch trần cho người dân thấy các vụ đấu đá, thanh trừng trong nội bộ không những có thật mà ngày càng diễn ra khốc liệt.
Liên quan đến dự án đường sắt đô thị đầy tai tiếng ở Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đề nghị Chủ tịch Hà Nội có biện pháp bảo vệ người tố cáo sai phạm bị trù dập, theo báo Người Lao Động. Thanh tra Chính phủ có văn bản gửi Chủ tịch Chu Ngọc Anh, yêu cầu thực hiện kiến nghị kết luận thanh tra và bảo vệ người tố cáo sai phạm tại Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, trong đó đề cập đến đơn của cựu phó ban Lương Xuân Bình, tố cáo sai phạm trong dự án này.
VTC có bài: Có dấu hiệu trù dập và loại bỏ người tố cáo ở dự án Nhổn – ga Hà Nội. TTCP khẳng định nhiều nội dung tố cáo của ông Bình liên quan đến dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội là có cơ sở. TTCP đề nghị Chủ tịch UBND TP quan tâm, tổ chức thực hiện các kiến nghị của thanh tra, đặc biệt chỉ đạo Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lý đối với các kiến nghị về kinh tế được trình bày tại kết luận thanh tra, nhằm ngăn chặn nguy cơ thất thoát ngân sách.
Thanh tra Chính phủ lưu ý: “Qua xem xét các văn bản nói trên của Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội do ông Lương Xuân Bình cung cấp, cho thấy có dấu hiệu trù dập và loại bỏ người tố cáo”. Chuyện trù dập người tố cáo diễn ra khắp nơi trên cả nước, nhưng vì sao TTCP chỉ nhắc Chủ tịch Hà Nội lưu ý trường hợp ông Bình khi Đại hội 13 gần kề?
Mời đọc thêm: Đại hội XIII diễn ra từ ngày 25/1/ 2021 đến 2/2/2021 (VOV). – Chuẩn bị nhân sự bài bản, kỹ lưỡng, bảo đảm thành công Đại hội XIII (TTXVN). – Thanh tra Chính phủ: Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội trù dập người tố cáo (TP). – Có dấu hiệu trù dập người tố cáo tại BQL Đường sắt đô thị Hà Nội (Zing). – Thanh tra Chính phủ đề nghị Hà Nội phục chức cho người tố cáo (VNE).
Quan hệ Việt – Mỹ
Gần một tuần sau khi Mỹ chính thức dán nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam, tối qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và TT Trump trao đổi về ‘thao túng tiền tệ’, BBC đưa tin. Bộ Ngoại giao VN xác nhận, tối 22/12, ông Phúc gọi điện thoại cho ông Trump, trao đổi về vụ Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) tiến hành điều tra chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam theo điều khoản 301 của Luật thương mại Mỹ.
Theo Bộ Ngoại giao, trong cuộc điện đàm, ông Phúc khẳng định VN “là nước đang phát triển, tiềm lực kinh tế còn hạn chế, nên điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành tỉ giá không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế”. Hai nước “nhất trí” giao các bộ, ngành tiếp tục hợp tác, giải quyết vấn đề nhằm “duy trì quan hệ thương mại ổn định”.
VOA có clip: Thủ tướng VN lên tiếng sau khi bị Mỹ dán mác ‘thao túng tiền tệ’.
Nhà báo Lưu Trọng Văn viết: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và… ngòi nổ. Tác giả cảnh báo, nếu ông Phúc không thể thuyết phục ông Trump đưa VN ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ, Mỹ có thể “trừng phạt kinh tế VN bằng cách áp thuế cao lên hàng hoá của VN. Đây là một nguy cơ lớn ảnh hưởng đến đời sống người dân VN”.
Ông Văn cho biết, từ nhiều tháng trước, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã nhận ra nguy cơ ông Trump sẽ trừng phạt kinh tế VN vì xuất siêu gần 40 tỷ Mỹ kim, tạo cán cân thương mại không cân bằng với Mỹ. Ông Anh đã điện khẩn cho thủ tướng Phúc để “khẩn cấp tháo ngòi nổ”. Ông Phúc đã vội cam kết để Mỹ đầu tư hàng tỷ Mỹ kim xây dựng nhà máy điện khí hoá lỏng và sẽ mua hàng tỉ Mỹ kim nguyên liệu khí hóa lỏng của Mỹ, nên lúc đó đã thoát nguy cơ, nhưng không kéo dài được lâu.
BBC dẫn lời đại diện Bộ Công thương Việt Nam: ‘Mỹ áp thuế sẽ gây tổn hại quan hệ song phương’. Tin cho biết, đang có dự đoán trong giới doanh nghiệp VN rằng, sau khi Mỹ dán nhãn VN thao túng tiền tệ, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sẽ bắt đầu áp thuế lên hàng VN. Còn phía Bộ Công thương phát biểu: “Điều rất quan trọng đối với hai bên là duy trì các cuộc đàm phán vào lúc này”, đồng thời cho rằng bất kỳ hành động nào của USTR nhằm áp thuế với hàng hóa VN “sẽ làm tổn hại quan hệ thương mại song phương”.
Báo Người Việt có bài: Hoa Kỳ đưa ra cáo buộc ‘thao túng tiền tệ’ để ép CSVN. Ông Joseph Sullivan, cựu thành viên Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump giai đoạn 2017 – 2019 phân tích, khi ông Trump ra các lệnh trừng phạt thuế quan dữ dội nhắm vào hàng hóa TQ, nhiều công ty sản xuất ở Hoa Lục đã chạy sang VN để tránh. Hàng hóa sản xuất từ VN bán sang Mỹ gia tăng đẩy trị giá đồng nội tệ lên cao hơn, “nhà cầm quyền CSVN sợ cái nhịp độ đồng tiền tiếp tục lên giá nên đã can thiệp trên mức độ quy mô làm cho Bộ Tài Chính Mỹ thấy báo động”.
Nhà báo David Hutt cho rằng, chính Mỹ đã “tự bắn vào chân mình” khi dán nhãn “thao túng tiền tệ” lên VN đúng lúc phải cạnh tranh ảnh hưởng địa chính trị với Bắc Kinh ở khu vực. Sau VN, có thể những nước khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore đang bị Mỹ xếp vào loại “theo dõi” về thao túng tiền tệ, cũng sẽ bị dán nhãn và bị trừng phạt.
Báo Dân Việt có bài bàn về giải pháp tháo gỡ tình huống Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ với Việt Nam: Phương án tháo gỡ nút thắt phụ thuộc vào ghế “Tổng thống” Mỹ. TS kinh tế Nguyễn Trí Hiếu dự đoán, khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, khả năng ông Joe Biden không rút lại cáo buộc thao túng tiền tệ nhưng có thể Chính phủ mới của Mỹ sẽ không đưa ra các biện pháp trừng phạt như tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ.
TS Hiếu nói: “Theo tôi, nếu ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ, với chính sách ôn hòa của Chính phủ mới, Việt Nam sẽ không gặp nhiều rủi ro liên quan đến việc bị gắn mác thao túng tiền tệ”. Về phía VN, ông Hiếu đề xuất một số biện pháp mà Thủ tướng Phúc từng áp dụng: Tăng cường mua hàng hóa của Mỹ, để người Mỹ đầu tư nhiều hơn vào VN.
Trang Đầu tư Tài chính VN có bài: VND tăng giá chưa hẳn tạo ra bất lợi. Nhóm đại diện của Công ty Chứng khoán Bảo Việt bình luận: “Hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mất đi lợi thế khi cạnh tranh với các nước khác. Ở chiều ngược lại, điểm tích cực khi VND lên giá là sẽ tạo thuận lợi cho hàng nhập khẩu cũng như giảm bớt rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định rót vốn vào Việt Nam”.
Mời đọc thêm: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Tổng thống Donald Trump về ‘thao túng tiền tệ’ (TT). – Thủ tướng Việt Nam lên tiếng sau khi bị Mỹ dán mác ‘thao túng tiền tệ’ (VOA). – Liệu Việt Nam có thoát mác “thao túng tiền tệ” của Mỹ trong năm tới? (RFA). – Chuyên gia WB nói về việc Việt Nam bị “dán nhãn” thao túng tiền tệ (NLĐ). – Bản Việt: “Việt Nam củng cố dự trữ ngoại hối là hợp lý” (DT). – Trump rốt cuộc sẽ “trừng phạt” Việt Nam bằng thuế thương mại? (Sputnik). – Áp thuế, Trump ‘ra đòn’ thương mại với Việt Nam (NV).
Tin môi trường
Báo Hà Nội Mới đưa tin: Nồng độ bụi mịn tại thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục vượt chuẩn cho phép. Sở TN&MT TP HCM dự báo, từ nay đến hết năm 2020, tức trong vòng một tuần tới, chất lượng không khí ở khu vực TP HCM sẽ duy trì ở mức trung bình, còn nồng độ bụi mịn vượt tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân: “Không khí lạnh tăng cường cộng với độ ẩm trong không khí tăng, khiến các chất ô nhiễm phát sinh từ hoạt động sản xuất, giao thông, xây dựng… lơ lửng ở tầng thấp”.
Báo Lao Động đặt câu hỏi: Sông Cầu có được cứu sau chỉ đạo khẩn cấp của UBND tỉnh Bắc Ninh? Sông Cầu, một trong 5 con sông quan trọng nhất của miền Bắc đã bị ô nhiễm nặng từ lâu, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân thuộc 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sống hai bên bờ sông. Nguồn chất thải từ các cơ sở sản xuất giấy tại TP Bắc Ninh và cụm công nghiệp Phú Lâm đổ trực tiếp ra sông.
Một người dân địa phương cho biết: “Nước sông đã ngấm cả vào mạch nước ngầm của gia đình tôi cùng nhiều hộ khác. Bà con khoan giếng, nước bơm lên cũng tanh hôi, đen ngòm. Không chỉ vậy, nước ở khắp các hệ thống thuỷ lợi trong lưu vực của nó đều đen ngòm, hôi thối khủng khiếp khiến việc tưới tắm cho các loại rau quả, hoa màu cùng tồn tại nhiều nguy cơ”.
VnExpress dẫn tin từ Science Daily: Băng vĩnh cửu quanh Bắc Cực thải 140 triệu tấn CO2 mỗi năm. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Research Letters, các nhà nghiên cứu từ ĐH Brigham Young (BYU) của Mỹ, lần đầu tiên đưa ra ước tính về trữ lượng khí CO2 quanh Bắc Cực trong quá khứ và hiện tại, cũng như lượng khí thải nhà kính mà nó có thể tạo ra trong 3 thế kỷ tới.
Cô Sara Sayedi, nghiên cứu sinh TS, cho biết, băng vĩnh cửu quanh Bắc Cực đã và đang thải ra khoảng 140 triệu tấn CO2 và 5,3 triệu tấn CH4 mỗi năm. “Mức độ này tương đương lượng phát thải khí nhà kính tổng thể của Tây Ban Nha. Nếu biến đổi khí hậu tiếp tục bị đẩy nhanh bởi con người, lượng CO2 và CH4 được giải phóng sẽ còn tăng lên đáng kể”.
Nhìn lại diễn biến khí hậu và thời tiết trong năm qua, VTV có bài: 2020 – năm của những điều “lẽ ra” đối với khí hậu thế giới. Điều “lẽ ra” quan trọng nhất: Các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, được kỳ vọng sẽ làm giảm đáng kể hoạt động phát thải CO2 của con người. Tuy nhiên, có giảm nhưng không đáng kể, trái đất vẫn đang nóng lên, Tổng Thư ký LHQ António Guterres thừa nhận.
Trong báo cáo “United in Science 2020”, Tổ chức Khí tượng Thế giới cũng xác nhận, nồng độ khí nhà kính vẫn đang ở mức cao kỷ lục và đang trên đà tiếp tục tăng. Còn theo Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), giai đoạn 2016 – 2020 “dự kiến là thời kỳ ấm nhất được ghi nhận trên trái đất, với nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp là 1,1 độ C. Và năm 2020 hiện là năm ấm thứ hai được ghi nhận, chỉ sau năm 2019”.
Mời đọc thêm: Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer (SKĐS). – “Cú đấm kép” từ biến đổi khí hậu, Covid-19 (NLĐ). – Thảm họa khí hậu kỷ lục ở châu Á – Thái Bình Dương (TN). – Những tác động lo ngại nhất của biến đổi khí hậu đối với Đông Nam Á (TTXVN). – Thế giới có nguy cơ đánh mất mục tiêu khí hậu Paris (CN&TN).
– Biến đổi khí hậu phá vỡ các hệ sinh thái như thế nào? (KH&PT). – Tảo tự sản sinh ‘kem chống nắng’ khiến băng ở Nam Cực tan tốc độ báo động (VTC). – Các nhà khoa học chuẩn bị cho nhiệm vụ khẩn cấp tới tảng băng trôi lớn nhất thế giới (VNN). – Các nhà khoa học dự đoán thời điểm sẽ xảy ra thảm họa khí hậu (DT).
***
Thêm một số tin: Thực hư việc Công an Gia Lai nói đã xóa đạo Hà Mòn, chặn việc phục hồi tổ chức phản động (RFA). – Nhìn lại 7 ngày xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm (PLTP). – Cựu chủ tịch Petroland lĩnh 7 năm tù (VNE). – Bé trai 4 tuổi tử vong, trên người có vết thương nghi bị bạo hành ở TP.HCM (GT). – Chính thức phê duyệt những điều chỉnh trong sách Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều (GĐ). – 2020 có thể trở thành năm chết chóc nhất trong lịch sử Mỹ (DT). – Nước Mỹ sẽ có những thay đổi gì dưới thời ông Joe Biden (VNF).
0 comments