Bức tranh thế giới 2020 không chỉ nói về những mảng màu u ám
| Thời sựBức tranh thế giới năm nay không chỉ nói về những mảng màu u ám, mà còn về những hy vọng, lòng quyết tâm và ý chí vượt qua khủng hoảng chưa từng có tiền lệ.
Từ một vài ca bệnh viêm phổi lạ, COVID-19 lan rộng thành đại dịch toàn cầu . Những ánh mắt ám ảnh, bất lực trước cái chết, những thành phố đứng yên trong lệnh phong tỏa…
Vũ Hán tháng 1/2020. Dịch bệnh bùng phát vào thời điểm không thể tệ hơn. Đúng dịp Tết Nguyên đán. Ở Vũ Hán, mọi người tỏa ra khắp nơi. Ít tuần sau, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ xác nhận các ca nhiễm đầu tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: "Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc và các quốc gia khác. Chúng tôi tin rằng tình hình sẽ kết thúc tốt đẹp với người dân Mỹ. Tôi đảm bảo!".
1 triệu ca nhiễm vào tháng 4. Phong tỏa, cách ly cứng ở nhiều nơi. Hơn 1,6 triệu người tử vong. Miễn dịch cộng đồng, hay nới lỏng kiểm soát đều không có tác dụng. Kể cả ở những quốc gia phát triển giàu có, nhưng bị dịch bệnh hoành hành mạnh nhất, như Mỹ, Pháp, Italy, hệ thống y tế có lúc gần như sụp đổ.
Làn sóng thứ nhất, làn sóng thứ hai, làn sóng thứ ba vẫn tới với những quốc gia không tuân thủ cách ly nghiêm ngặt.
2020: "Năm buồn" với thành phố New York
Ngày 3/3/2020, thành phố New York phát hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Đó là một nữ y tá 39 tuổi từ nước ngoài trở về. Chỉ 1 tháng sau, số cả nhiễm của thành phố là hơn 63 ngàn người. Các bệnh viện trở nên quá tải, còn với những ai chẳng may nhiễm bệnh, thì đó là một nỗi ám ảnh.
Các y tá, bác sĩ đang điều trị cho người bệnh COVID-19 tại Bệnh viện North Memorial Health tại Mỹ. Ảnh: AP
Ông Peter Tuchman, một trong các bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại New York: "Tôi là một trong những người đầu tiên mắc COVID. Tôi dương tính vào 15/3, ba tháng rưỡi sau mới có kết quả âm tính. Đến giữa tháng 7, hậu quả từ COVID-19 đã làm đốt sống cổ tôi tổn thương nặng. Tôi phải phẫu thuật. Ảnh hưởng lâu dài từ virus là rất khủng khiếp. Tôi vẫn đau đớn hàng ngày. Tôi phải vượt qua dù biết rất khó khăn".
Và cũng 1 tháng sau, số người thiệt mạng bắt đầu lên tới hàng ngàn…
Các bệnh viện quá tải giường nằm, máy thở và quá tải cả nhà xác. Thế nên nhiều xe container đông lạnh đã được đưa đến các khu vực gần bệnh viện. Chúng có mặt ở đây từ hồi tháng 4, và bây giờ là cuối tháng 12, những chiếc xe vẫn đang được sử dụng.
Bác sĩ John D’angelo - Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Trinitas nhớ lại: "Thật khó để nhìn lại những gì chúng tôi đã trải qua. Mỗi lần nhắc lại cảnh tượng chúng tôi đã thấy thì thật đau lòng và rớt nước mắt cho các y bác sĩ phải hy sinh sống xa gia đình, xa con chỉ bởi vì họ phải làm việc".
Thường thì nếu không có người thân tới xác nhận, đảo Hart sẽ là nơi an nghỉ cuối cùng cho những nạn nhân. Nhưng thời gian đỉnh dịch đã có 800 người thiệt mạng 1 ngày, hòn đảo cũng trở nên quá tải. Còn bây giờ, nó được ngăn cách bởi các hàng rào thép…
Chị Elena, Người dân đảo City Island cho biết: "Giờ không có cách nào ra đảo đó đâu, họ cấm hết rồi. Hè năm ngoái còn được bơi thuyền, chứ giờ thì cũng không luôn".
New York ngày cuối năm vẫn cây thông, vẫn không khí đón năm mới nhưng có khác là những chiếc khẩu trang, giãn cách xã hội. Những ngày cuối năm số ca nhiễm mới của thành phố này không khác hồi đỉnh dịch tháng 4, nhưng số ca nhập viện đã giảm hẳn. Vaccine đã bắt đầu được triển khai tiêm, hy vọng về một năm mới bớt đau buồn là điều mà ai cũng nghĩ tới lúc này.
Có lẽ cho đến lúc này, điều quan trọng hàng đầu đối với nhiều quốc gia vẫn là làm thế nào để thoát ra khỏi đại dịch. Vào những ngày cuối cùng của năm 2020 này, thế giới vẫn đang trong làn sóng thứ ba của dịch bệnh. Đã có nhiều bài học được rút ra trong mỗi đợt bùng phát. Các chính phủ đã phải đứng trước nhiều lựa chọn, giữa kinh tế và sức khỏe, chọn cái gì? Khi mà càng mở cửa, virus càng lây lan. Nhiều phép thử cũng đã thất bại, ví dụ như giải pháp tạo miễn dịch cộng đồng.
Vắng vẻ của thế giới và sôi động của Việt Nam
Người Việt Nam không xa lạ với các bệnh nhiễm, do đó người dân nhanh chóng hiểu họ cần phải làm gì để phòng bệnh khi COVID-19 xảy ra. Ảnh: Reuters
Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã thành công trong cuộc chiến với COVID-19. Trong những ngày cuối năm, khi hầu như khắp thế giới vẫn chao đảo vì dịch bệnh, nhiều nơi bị phong tỏa, năm mới gõ cửa trong lo âu… thì người dân Việt Nam vẫn đang được tận hưởng không khí sôi động. Mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường - điều bình thường mà nhiều quốc gia mong muốn có được.
Có được điều đó là nhờ những quyết sách đúng đắn của các nhà lãnh đạo Việt Nam, sự quyết tâm vào cuộc của ngành y tế và sự đồng lòng nhất trí của người dân.
Mới đây giữa đường phố New York tấp nập, hình ảnh những người dân Việt Nam kiên cường chống lại đại dịch lớn nhất thế giới đã được vinh danh trên màn hình lớn tại trung tâm Quảng trường thời đại - trái tim của hoạt động truyền thông toàn thế giới vào 15/10 vừa qua.
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam được tôn vinh trên truyền thông quốc tế, những hình ảnh và tin tức về đất nước Việt Nam kiên cường đã được báo chí quốc tế ca ngợi liên tục trong suốt năm 2020.
Thế giới năm 2020 thiếu sự hợp tác toàn cầu
11/3/2020. COVID-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu. Số ca toàn cầu: 125.260, số ca tử vong toàn cầu: 4.613. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nói: "Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với một mối đe dọa chung: COVID-19. Tuyên bố đây là đại dịch là một lời kêu gọi hành động - cho tất cả mọi người, ở mọi nơi. Đó cũng là lời kêu gọi trách nhiệm và đoàn kết. Dữ liệu phải được chia sẻ, năng lực sản xuất phải được chuẩn bị, huy động nguồn lực, cộng đồng tham gia và chính trị đặt sang một bên".
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters
18/5/2020. Hai tháng kể từ khi COVID-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu. Số ca nhiễm trên toàn cầu: 4.618.821, số ca tử vong toàn cầu: 311.847. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres: "Chúng tôi đã chứng kiến sự đoàn kết nhưng rất ít sự thống nhất trong phản ứng với COVID-19, các quốc gia đã tuân theo các chiến lược khác nhau, đôi khi mâu thuẫn và tất cả chúng ta đều đang phải trả giá đắt cho điều này. Nhiều quốc gia đã phớt lờ khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, kết quả là virus đã lan rộng khắp thế giới và hiện lan tới các quốc gia nghèo hơn, nơi nó có thể gây ra những tác động tàn khốc hơn nữa".
12/12/2020. Một năm COVID-19 hoành hành. Số ca nhiễm toàn cầu: 69.828.300. Số ca tử vong toàn cầu: 1.589.858. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres: "Đại dịch là một cuộc khủng hoảng trong đó thế giới phải đối mặt với một kẻ thù chung và tiếc là các chính phủ đã không đưa ra phản ứng chung đối với các mối đe dọa toàn cầu này.
Ngay từ đầu, Tổ chức Y tế Thế giới đã cung cấp thông tin thực tế và hướng dẫn khoa học mà lẽ ra phải là cơ sở cho các hành động phối hợp toàn cầu. Tuy nhiên, phản ứng của các quốc gia còn rời rạc và hỗn loạn, khu vực và thậm chí các thành phố đang cạnh tranh với nhau về nguồn cung cấp thiết yếu và nhân công tuyến đầu. Chúng ta không thể để điều tương tự xảy ra đối với việc tiếp cận vaccine COVID-19 mới, vốn phải là lợi ích công cộng toàn cầu".
Chúng ta phải đối mặt với cuộc suy thoái toàn cầu lớn nhất trong tám thập kỷ. Nghèo đói cùng cực đang gia tăng, nạn đói đang đe dọa. Những tác động này là hệ quả của sự mong manh, bất bình đẳng và bất công trong thời gian dài do đại dịch gây ra. Chúng ta cần thiết lập lại.
Việt Nam thúc đẩy hợp tác đa phương, ứng phó thách thức
Giữa những khó khăn từ đại dịch COVID-19, khi vai trò của các thể chế đa phương bị đặt dấu hỏi, Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy sức mạnh của đoàn kết, của hợp tác trong ứng phó các thách thức toàn cầu. Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò kép, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, vừa là Chủ tịch Luân phiên ASEAN. Trong bối cảnh đặc biệt đó, Việt Nam đã chủ động đưa ra các sáng kiến thúc đẩy hợp tác khu vực, vừa ứng phó đại dịch, vừa phục hồi kinh tế; đồng thời, tích cực tham gia giải quyết các điểm nóng toàn cầu.
Năm 2020 khép lại với sự thành công của Việt Nam trong dẫn dắt ASEAN vượt qua thách thức to lớn từ đại dịch COVID-19. Lựa chọn đúng ưu tiên, chủ động trong các kênh hợp tác đã giúp Việt Nam huy động sức mạnh tổng thể ASEAN vượt qua thách thức và những khác biệt lợi ích. Các chương trình, kế hoạch của ASEAN vẫn diễn ra đúng hướng.
Tọa đàm "Đối ngoại Đa phương Việt Nam: Đóng góp 75 năm qua và định hướng trong thời kỳ chiến lược mới". Ảnh BNG
Ông Lim Jok Hoi - Tổng thư ký ASEAN đánh giá: "Việt Nam đã tập hợp thành công ý chí và nguồn lực chung của khu vực, đặc biệt là trong việc đồng bộ hóa ASEAN ứng phó với đại dịch".
Với phương châm gắn kết và chủ động thích ứng, Việt Nam đã chủ động đưa ra các sáng kiến quan trọng, từ đó xây dựng các cơ chế ứng phó đại dịch, phục hồi kinh tế khu vực, được các nước ASEAN ủng hộ, đánh giá cao.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực tại các diễn đàn Liên Hợp Quốc, từ tình hình Nam Sudan đến sáng kiến về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh. Giữa những khó khăn, thách thức, vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được thể hiện; sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam trở thành thông điệp lan tỏa.
COVID-19 là sự thức tỉnh về việc cần thắt chặt các cơ chế hợp tác
Một virus ở Trung Quốc và ở Mỹ không thể trao đổi với nhau các mẹo về cách lây nhiễm cho con người. Nhưng Trung Quốc có thể chia sẻ cho Mỹ nhiều bài học quý giá về COVID-19 và cách đối phó với nó.
Những phát hiện của một bác sĩ người Italy tại Milan vào sáng sớm cũng có thể là thông tin cứu được thêm mạng sống ở Tehran vào buổi tối cùng ngày. Nhưng để việc chia sẻ này thành hiện thực, chúng ta cần một tinh thần hợp tác và tin tưởng toàn cầu.
Nhân loại cần phải đưa ra quyết định. Chúng ta sẽ tiếp tục cuộc đua xuống đáy vực của sự chia rẽ, hay sẽ chuyển hướng sang con đường của đoàn kết toàn cầu? Nếu chọn chia rẽ, chúng ta sẽ không chỉ kéo dài cuộc khủng hoảng bệnh dịch này, mà thậm chí còn dẫn đến những thảm họa khốc liệt hơn trong tương lai.
Thế giới 2020: Các điểm nóng vẫn tăng nhiệt
Xung đột trải dài, từ thương mại, công nghệ đến quốc phòng, ngoại giao, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã rơi xuống mức tồi tệ nhất trong gần 50 năm qua, kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1972.
Thật khó để tìm một khoảng lặng trong năm nay khi nói về quan hệ Mỹ - Trung, bởi ngay từ đầu nó đã chẳng êm thấm gì. Sự xuất hiện của COVID-19, ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng Mỹ lại là nước thiệt hại nặng nề nhất, nắm giữ những kỷ lục không mong muốn nhất. Số ca nhiễm cao nhất thế giới, số ca tử vong cũng nhiều nhất thế giới.
Ngay giữa diễn đàn Liên Hợp Quốc, Chính phủ Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc về việc lây lan COVID-19. Trung Quốc bác bỏ mọi lời cáo buộc và chỉ trích Mỹ chậm chễ, ứng phó kém khi đại dịch bùng phát.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters.
Công nghệ là trận địa quan trọng giữa hai nước khi Trung Quốc bứt phá trong cuộc đua công nghệ còn Mỹ thì không muốn mất đi ngôi vị dẫn đầu. Năm ngoái mới chỉ nhằm vào 1, 2 cái tên Huawei, ZTE, thì năm nay Mỹ phát động một cuộc chiến công nghệ toàn diện. TikTok, WeChat, Alibaba, Baidu, China Mobile, China Telecom,Tencent… từ ứng dụng tỷ người dùng đến công ty cung cấp điện toán đám mây hay cáp quang dưới biển, dịch vụ 5G tất cả đều trở thành đối tượng bị cấm cửa tại Mỹ.
Trước cuộc bao vây này, Trung Quốc chỉ trích Mỹ đang lạm dụng sức mạnh quốc gia để chèn ép các công ty công nghệ hàng đầu nước này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật an ninh quốc gia tại Hong Kong, trong đó cho phép cảnh sát kiểm soát những địa điểm có liên quan mà không cần lệnh trong một số trường hợp đặc biệt; đóng băng, hạn chế, tịch thu và sung công quỹ các tài sản liên quan đến tội phạm gây nguy hại cho an ninh quốc gia, loại bỏ các thông tin mạng xã hội và Internet gây nguy hại cho an ninh quốc gia.
Mỹ hủy bỏ những ưu đãi thương mại, quốc phòng dành cho Hong Kong đồng thời hạn chế thị thực đối với một số quan chức, đảng viên Trung Quốc. Trung Quốc cũng áp đặt những biện pháp trả đũa tương xứng.
Vài tháng trước bầu cử Tổng thống Mỹ, cuộc đối đầu giữa hai cường quốc càng tăng nhiệt. Đòn đỉnh cao là nhằm vào cơ sở ngoại giao. Những xung động hợp tác gần như biến mất, thay vào đó là những đòn ăn miếng trả miếng, những lời buộc tội, chỉ trích lẫn nhau. Năm 2020 có thể sẽ được ghi nhận là thời điểm khi cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành cuộc chiến tranh lạnh mới.
Trung Đông - Bất ổn và những kỳ vọng
Biểu ngữ Hòa bình được thắp sáng tại Tel Aviv (Israel) để đánh dấu một sự khởi đầu lịch sử tại Trung Đông. Năm 2020, Israel chính thức thiết lập quan hệ với những mảnh đất Hồi giáo Vùng Vịnh. Một thế chiến lược mới được mở ra, giữa một bên là Israel cùng một số quốc gia Vùng Vịnh giàu dầu mỏ. Còn phía bên kia, Iran và những lực lượng hồi giáo Shiite thân mình.
Tổng thống Nga V. Putin có chuyến thăm tới Syria và hội đàm với Tổng thống Bashar al-Assad tại Damacus, ngày 8/1/2020. Ảnh: Sputnik
Đại dịch có thể làm ngưng trệ các hoạt động kinh tế, xã hội, nhưng những chuyển động quân sự tại Trung Đông thì không yên ắng. Từ những chuyển hướng chiến lược, cho tới những cuộc chạy đua vũ trang mới... Với Iran, đó là để nhằm đối phó những sức ép mới. Trong khi những quốc gia Arab hay Israel lại đang muốn chuẩn bị trước cho những điều chỉnh chiến lược của Mỹ gần như chắc chăn dưới thời tổng thống đắc cử Biden.
Tổng thống đắc cử Biden được kỳ vọng sẽ mang đến những làn gió mới cho điểm nóng Iran. Một cách tiếp cận mềm dẻo hơn so với thời Tổng thống Trump, người ta có thể dự báo. Nhưng liệu ông Biden có hóa giải được nhưng đối đầu, căng thẳng hiện nay, không ai dám nói trước.
Những điểm nóng Trung Đông vốn đã khó dự báo, nay lại thêm những biến số mới khiến cục diện càng khó lường. Trung Đông rõ ràng đang đứng trước những ngã rẽ mới, mà mỗi sự chọn lựa ngày hôm nay có thể sẽ đem đến cho Trung Đông những kịch bản rất khác nhau cho nhiều năm về sau nữa.
2020 cần những lựa chọn mới
Trụ sở khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giữa trung tâm thủ đô Washington DC của Mỹ vẫn hoạt động. Nhưng Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố bắt đầu tiến trình rút nước Mỹ khỏi tổ chức này từ hồi đầu tháng 7/2020, khi dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh.
Không chỉ WHO, Tổng thống Donald Trump cũng đã rút nước Mỹ khỏi một loạt các thỏa thuận đa phương, như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay Thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ và các cường quốc ký với Iran; Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Lập luận cơ bản của Tổng thống Donald Trump là nước Mỹ bị mất nhiều hơn được khi tham gia vào thỏa thuận này nên cần phải xem lại.
Tổng thống Mỹ ký quyết định rút khỏi TPP. Ảnh Reuters
Ông Joe Biden thì có cách tiếp cận ngược lại, tuyên bố sẽ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ngay từ ngày đầu lên nắm quyền.
Với các đồng minh và đối tác quan trọng, Tổng thống Donald Trump chủ trương xem xét và đàm phán lại quan hệ với một loạt các đối tác quan trọng như NATO, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các nước láng giềng Canada, Mexico… yêu cầu các đối tác này đóng góp, chia sẻ nghĩa vụ nhiều hơn.
Ông Joe Biden, trong buổi công bố những vị trí chủ chốt về đối ngoại và an ninh quốc gia trong chính quyền sắp tới của mình, đã thể hiện quan điểm sẽ thay đổi triệt để, vì cho rằng cách tiếp cận của chính quyền Donald Trump đã làm suy yếu mối quan hệ của nước Mỹ với các đối tác, đồng minh, và suy yếu cả vị trí của nước Mỹ.
Ông Donald Trump xuyên suốt với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", đòi thêm quyền lợi cho nước Mỹ, trong khi vẫn nhấn mạnh quan hệ cá nhân tốt đẹp với lãnh đạo các nước. Ông Joe Biden thì chủ trương cải thiện quan hệ với đồng minh để đưa "nước Mỹ quay lại dẫn đầu", lãnh đạo thế giới.
Tự chủ sản xuất – cách nhìn mới của châu Âu
Đại dịch COVID-19 cho thấy những điểm yếu bất ngờ của cung cách sản xuất toàn cầu hóa. Hóa ra là những sản phẩm cơ bản vẫn luôn có giá trị không gì thay thế được. Châu Âu với công nghệ hiện đại và thương mại phát triển, vậy mà đã phải lệ thuộc bên ngoài, chỉ vì thiếu một sản phẩm cực kỳ đơn giản là chiếc khẩu trang. Nhìn rộng hơn, ngành sản xuất của châu Âu đã đánh mất sự tự chủ trong hầu hết các lĩnh vực, từ nguyên liệu dược phẩm, thiết bị y tế, cho tới linh kiện xe hơi.
Kế hoạch phục hồi kinh tế của Liên minh châu Âu, trị giá 750 tỷ Euro, dành nhiều ngân sách phục hồi công nghiệp sản xuất. Một số sản phẩm thiết yếu, nhưng đơn giản rẻ tiền dễ làm, ít lợi nhuận, lâu nay châu Âu không quan tâm vì có thể nhập khẩu bất cứ lúc nào, thì nay cũng sắp được sản xuất trở lại trong lãnh thổ châu Âu. Ưu tiên cấp bách là khi cần có thể tự sản xuất được dược phẩm cơ bản, mà không phải phụ thuộc vào nguyên liệu từ bên ngoài.
Châu Âu đang tự cảm thấy cô đơn trong một thế giới đầy biến động. Nguồn: Euronews
Chiến lược tự chủ của châu Âu là chiến lược mở. Mỗi khi nói đến chiến lược tự chủ mới mẻ này, lãnh đạo châu Âu luôn luôn nói thêm rằng, tự chủ không có nghĩa là bảo hộ, biệt lập, đóng cửa với hàng hóa bên ngoài. Châu Âu vẫn tiếp tục nhập khẩu các sản phẩm thiết yếu đơn giản rẻ tiền. Quá trình toàn cầu hóa vẫn tiếp tục, nhưng không quên năng lực tự chủ, duy trì cùng lúc nhiều tuyến thương mại để khỏi bất ngờ bị lệ thuộc như đã từng hồi tháng Ba vừa rồi.
Vaccine ngừa COVID-19 được phát triển như thế nào
Ngay từ tháng 1/2020, khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, thậm chí khi đó, người ta mới chỉ nói đến nguy cơ nó trở thành một đại dịch toàn cầu, Giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin đã bắt tay vào hành động. Ông ý thức được điều quan trọng nhất không chỉ là sự an toàn, hiệu quả của vaccine, mà còn là phải chạy đua với thời gian.
Một dự án khẩn cấp có tên là "tốc độ ánh sáng" đã được BioNTech kích hoạt. 500 nhà nghiên cứu đã làm việc với tốc độ ánh sáng, đúng như tên dự án, với mục tiêu phải có vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm 2020. Họ đã rút ngắn được thời gian nhờ sử dụng công nghệ mRNA, công nghệ mà họ đã sử dụng nghiên cứu chữa ung thư, để kích hoạt phản ứng miễn dịch ở người.
Một phụ nữ đang cầm cái lọ nhỏ có gắn nhãn ghi "vaccine COVID-19" và một xi lanh, phía sau là logo hãng dược lớn của Mỹ Pfizer. Ảnh: Reuters
Nhưng để tốc độ ánh sáng đi đến thành công, cần thêm nguồn lực. BioNTech đã quyết định hợp tác với hãng dược lớn Pfizer của Mỹ để đẩy nhanh việc phát triển vaccine ngừa COVID-19. Một quyết định không thể sáng suốt hơn. Và kết quả không phụ lòng các nhà khoa học, BioNTech và Pfizer thông báo vaccine của họ có hiệu quả lên đến 95% mà không có những lo ngại nghiêm trọng nào về độ an toàn.
Thành công của vaccine ngừa COVID-19 đến từ trách nhiệm và nhiệt huyết
Đứng đằng sau thành công vaccine ngừa COVID-19 của BioNtech/Pfizer là đội ngũ các nhà khoa học đầy đam mê và nhiệt huyết trong đó có cặp vợ chồng Giám đốc điều hành BioNtech Ugur Sahin. Cả hai đều có chung niềm đam mê nghiên cứu và ung thư học. Họ thành lập công ty BioNTech để theo đuổi các công cụ điều trị miễn dịch ung thư. Đây cũng chính là nền tảng giúp họ thành công trong việc phát triển nhanh vaccine ngừa COVID-19.
Cặp vợ chồng nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ này gia nhập "câu lạc bộ" 100 người giàu nhất nước Đức sau thành công của Vaccine ngừa COVID-19 khiến định giá của Biontech tăng vọt lên 21 tỷ USD. Tuy nhiên, họ vẫn sống giản dị với cô con gái trong một căn hộ nhỏ. Họ đi làm bằng xe đạp và không mua xe hơi.
Giáo sư Sahin thường mặc quần jean, đi xe đạp và khoác balô khi đến tham dự các cuộc họp lớn. Ông vẫn thích đọc các tạp chí y khoa hơn là kiểm tra giá cổ phiếu của công ty.
Vợ chồng giáo sư Sahin đươc tạp chí Financial Times bầu chọn là nhân vật của năm nhờ những đột phá trong việc tìm ra vaccine ngừa COVID-19.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, họ đang ấp ủ phát triển loại vaccine ngừa COVID-19 không cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh tới âm 70 độ C như hiện nay để đỡ tốn chi phí vận chuyển, giúp mọi người dân trên thế giới có thể tiếp cận dễ dàng hơn.
0 comments