Bản tin ngày 31-12-2020
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Viet Times đưa tin: Eo biển Đài Loan và Biển Đông lại dậy sóng, Trung Quốc và Mỹ cùng phô trương sức mạnh. Trang Đông Phương của Hồng Kông thông báo, sáng nay, hai tàu khu trục USS Curtis Wilbur (DDG-54) và USS John McCain (DDG-56) của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. “Đây là lần thứ hai tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trong tháng này, cũng là lần thứ hai Mỹ lại cho cặp đôi tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan cùng lúc, sau hơn một năm rưỡi”.
Hành động của Mỹ nhằm đáp lại vụ TQ vừa tổ chức 3 cuộc tập trận ở các khu vực xung quanh đảo Hải Nam và cuộc tập trận ở vịnh Bắc Bộ. Các cuộc tập trận có sự tham gia của tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên của TQ và tàu sân bay Sơn Đông.
Báo Thanh Niên có bài phân tích hậu trường chính trị: Trò dọa nạt cuối năm trên Biển Đông. Trong năm 2020, lợi dụng tình hình đại dịch hoành hành, TQ liên tục tập trận đa quân chủng, với quy mô lớn ở Biển Đông. Hành động của TQ “đã bị cộng đồng quốc tế lên án như những hành vi dọa nạt, đe dọa các bên trong khu vực nhằm đạt được tham vọng chủ quyền ở Biển Đông, bất chấp việc tuyên bố chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra trên Biển Đông đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ vào năm 2016”.
VietNamNet đặt câu hỏi: Ông Biden sẽ tiếp cận với Trung Quốc thế nào? Ông Biden thừa nhận, TQ và Nga là các đối thủ cạnh tranh quyết liệt của Mỹ: “Chúng tôi đã nói về những thách thức chiến lược khác nhau mà chúng ta sẽ đối mặt từ cả Nga và Trung Quốc, và những cải cách mà chúng ta phải thực hiện để tự đặt mình vào vị thế tốt nhất có thể nhằm giải quyết những thách thức đó”.
VTC đặt câu hỏi: Viễn cảnh nào cho châu Á trong năm 2021? Chuyên gia Collin Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Singapore, cho rằng, tình hình Biển Đông năm 2021 vẫn sẽ “diễn biến khó lường, có cả hy vọng song cũng không ít thách thức. Sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được cải thiện với việc các nước trong khu vực bắt đầu tiêm chủng vaccine, Trung Quốc và ASEAN sẽ nối lại đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vốn bị ngưng trệ do đại dịch”.
Mời đọc thêm: Tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan, Bắc Kinh lên án Washington “khiêu khích” (RFI). – Các tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc gọi đó là ‘khiêu khích’ (VOA). Cuộc đối đầu Mỹ – Trung sẽ làm thay đổi quan hệ quốc tế trong năm 2021? (TT). – Ngư dân Indonesia tìm thấy tàu ngầm UUV nghi của Trung Quốc (Zing).
Tin môi trường
Bộ Tài nguyên – môi trường công bố nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Hà Nội, TP.HCM, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Bộ TN&MT thừa nhận, thời gian gần đây mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn ở VN, đặc biệt là Hà Nội và Sài Gòn, có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Nguyên nhân chính “do bụi, khí thải từ xe cộ, xây dựng, công nghiệp với lượng thải lớn chưa được kiểm soát hiệu quả” kết hợp với hiện tượng nghịch nhiệt.
Tình hình ô nhiễm ở huyện Mỹ Đức – Hà Nội: Rác thải chất đống gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, theo trang Tài Nguyên và Môi Trường. Một người dân sống gần tỉnh lộ 419 cho biết: “Nhiều ngày qua nhân dân bức xúc trước tình trạng rác thải từ khắp nơi kéo về các điểm tập kết ngày một lớn, ngày một nhiều dần dần chất thành từng đống lớn, đống nhỏ. Theo quy định của UBND thành phố Hà Nội rác thải không được phép để tồn đọng gây ô nhiễm. Tuy vậy, không hiểu vì lý do gì rác tại đây không được các đơn vị cho lực lượng, nhân công xuống thu gom, vận chuyển đi”.
Biến đổi khí hậu đe dọa nhiều diện tích sầu riêng ở Tiền Giang, theo Thông Tấn Xã VN. Những cây sầu riêng ở tỉnh này liên tục bị đốn hạ do không thích nghi được với tình trạng xâm nhập mặn, một trong các hệ lụy của biến đổi khí hậu. “Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề khi không còn nguồn thu nhập chính. Nhiều chuyên gia dự đoán hạn mặn sẽ còn quay trở lại đe dọa diện tích sầu riêng còn lại cũng như diện tích sầu riêng được người dân trồng mới trong thời gian qua”.
VnExpress đưa tin: 2020 là năm nóng nhất từng được ghi nhận ở Pháp. Cơ quan thời tiết Météo-France của Pháp thông báo, nhiệt độ trung bình tại nước này trong năm 2020 đạt 14°C, cao hơn 0,1°C so với kỷ lục năm 2018, bất chấp thời tiết lạnh giá tại một số khu vực ở nước Pháp trong những ngày cuối năm 2020.
Tin cho biết, “sự gia tăng nhiệt độ ở Pháp là biểu hiện của xu hướng nóng lên toàn cầu. Trong báo cáo tạm thời về biến đổi khí hậu hôm 2/12, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) xếp 2020 là một trong ba năm nóng nhất lịch sử, bên cạnh 2016 và 2019, với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp”.
BBC có bài: 7 hành động để cứu môi trường trên Trái Đất từ 2021. Các hành động đó là: 1. Đặt con người và hành tinh lên trên lợi nhuận; 2. Thay dầu lửa bằng năng lượng tái tạo; 3. Chọn lối sống bền vững; 4. Lập các vùng cấm đánh bắt ngoài đại dương; 5. Nuôi trồng thông minh hơn và ăn ít thịt hơn; 6. Bảo vệ rừng; 7. Giúp người dân thoát nghèo nhờ giảm sinh suất.
Mời đọc thêm: Hải Dương: Cần sớm giải quyết ô nhiễm môi trường tại Công ty giày Cẩm Bình (TNMT). – Bãi biển bị sóng nuốt chửng, Đà Nẵng cảnh báo nguy hiểm (VTC). – Thách thức về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường (PLTP). – Ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn (LĐ). – Cách sống chung với lũ của người dân Bangladesh (BBC). – Năm 2020 đáng ra là năm của hành động vì khí hậu, nhưng cuối cùng lại trở thành đỉnh cao của một thập niên bị lãng phí (CNN). – Các câu chuyện biến đổi khí hậu lớn nhất của năm 2020 (Bloomberg).
Tin nước Mỹ
Báo Người Việt dẫn tin từ Fox News: Biden sẽ ban hành sắc lệnh thu hồi tất cả quy định ‘cuối trào’ của Trump. Bà Jen Psaki, người phát ngôn của chính phủ Tổng Thống đắc cử Joe Biden thông báo: “Hôm nay, Thứ Tư, 30 Tháng Mười Hai, giống như các chính phủ tiền nhiệm trước đây, chúng tôi tuyên bố chính phủ Biden-Harris sẽ ban hành sắc lệnh vô hiệu hóa tất cả các ‘midnight regulations’ của chính phủ Trump vào buổi trưa, giờ miền Đông, ngày 20 Tháng Giêng”.
Fox News giải thích, “midnight regulations” là thuật ngữ nói về những quy định được chính phủ sắp mãn nhiệm đưa ra một cách vội vã trong thời kỳ chuyển giao quyền lực. Tin cho biết, ông Biden không chỉ dự định vô hiệu hóa những quy định vội vã được đưa ra trong các tuần cuối cùng của chính quyền Trump, mà còn lập tức tham gia lại thỏa thuận khí hậu Paris và Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), đảo ngược những gì ông Trump đã làm.
Báo Lao Động đưa tin: Đề cử lịch sử của ông Joe Biden ở Lầu Năm Góc. Nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Joe Biden thông báo, ông Biden đề cử TS Kathleen Hicks làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, nếu được thông qua thì bà Hicks sẽ trở thành nữ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của Mỹ. Ông Biden cũng đề cử TS Colin Kahl làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách về chính sách. “Đây là cương vị được xem là vị trí dân sự quyền lực thứ 3 trong Lầu Năm Góc”.
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Nhân tố Biden trong căng thẳng Nga – NATO. Theo đó, từ ngày ông Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ đến lúc Hiệp ước New Start hết hạn chỉ có 16 ngày. Nếu không có hiệp ước thay thế thì Nga và Mỹ có thể bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới. Tin cho biết: “Khả năng Mỹ gia nhập lại sau khi ông Biden nhậm chức rất cao, khi ông đã nói ủng hộ hiệp ước này”.
Từ tháng 11/2020, ông Biden đã đề nghị gia hạn New Start thêm 5 năm nữa mà không cần điều kiện gì. Trong cuộc họp báo thường niên ngày 17/12/2020, ông Putin đã kêu gọi Mỹ gia hạn New Start thêm một năm. “Ông Biden đang được kỳ vọng có thể làm giảm sự căng thẳng giữa NATO và Nga”.
Dịch Covid-19 vẫn đang lan tràn khắp nước Mỹ, báo The Hill có clip: Tổng thống đắc cử Joe Biden lên tiếng cảnh báo, những ngày tồi tệ nhất của dịch Covid-19 có thể vẫn đang ở phía trước.
Báo Người Việt dẫn lời sử gia Michael Beschloss, ‘Di sản’ của Trump là hàng trăm ngàn người đáng lẽ không chết. Sử gia Beschloss nói trong cuộc phỏng vấn của đài MSNBC: “Ông Donald Trump không thể nào xóa nổi thành tích: ‘Người chịu trách nhiệm chính của hàng trăm ngàn người Mỹ đáng lẽ không cần phải chết’… Hàng triệu người Mỹ khác đáng lẽ cũng không bị đau đớn. Đây chính là cảnh Hoàng Đế Nero đốt thành Rome”.
Số ca nhiễm và số người tử vong ở Mỹ luôn đứng đầu thế giới do ông Trump coi thường Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, nước Mỹ đã có hơn 20 triệu ca nhiễm và hơn 350,000 người tử vong do Covid-19, theo Worldometers. Từ khi dịch bùng phát tới nay, giới chức y tế thường xuyên chỉ trích cách đối phó của ông Trump trước đại dịch. Hàng chục ngàn người ở Mỹ đã không phải bỏ mạng, nếu ông ta chịu lắng nghe các nhà khoa học, giới chức y tế.
Video clip ngày 6/8/2020 của báo The Guardian, ông Trump khẳng định dịch Covid-19 sẽ tự biến mất:
VOA dẫn tin từ báo Politico: Các công ty Mỹ hối thúc USTR giao cuộc điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ cho Bộ Tài chính. Một số công ty Mỹ yêu cầu Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) bỏ cuộc điều tra cáo buộc VN thao túng tiền tệ vốn có thể dẫn tới việc Mỹ áp thuế lên hàng loạt sản phẩm VN, đồng thời giao trách nhiệm điều tra lại cho Bộ Tài chính. Bởi vì “bất cứ hành động nào của USTR tại thời điểm này đều có nguy cơ phá vỡ đòn bẩy của Bộ Tài chính với Việt Nam”.
Mời đọc thêm: Tổng thống đắc cử sẽ hành động đối phó ông Trump ngay sau khi nhậm chức, thêm một ‘lần đầu tiên’ dưới thời ông Biden (TG&VN). – Joe Biden sẽ đình chỉ toàn bộ quyết định của Trump ngay khi nhậm chức (GT). – Bầu cử Thượng viện ở Georgia: Ông Biden, bà Harris nỗ lực vận động giờ chót (LĐ). – Tổng thống Nga Putin viết gì trong thư riêng gửi ông Joe Biden? (TP).
– California xác nhận ca nhiễm biến thể COVID-19 đầu tiên (NV). – Thống kê sốc: Cứ 17 người Mỹ có 1 người mắc COVID-19 (TT). – Mỹ có thể mở rộng yêu cầu xét nghiệm với mọi du khách quốc tế (PLTP). – Nước Mỹ 2020: một năm nhiều biến động — Những điều nước Mỹ “không thể quên” trong năm 2020 đầy biến động (VOV).
Thế giới đón năm 2021
Thông Tấn Xã VN đưa tin: Các quốc gia trên thế giới bắt đầu đón mừng Năm mới 2021. Tin cho biết, vào lúc 17h hôm nay, giờ VN, “tiếng chuông chào đón Năm mới ở đảo Tonga, đảo Christmas của CH Kiribati và Tây Samoa vang lên. Sau đó một giờ, New Zealand đã chính thức bước sang năm mới 2021 với màn bắn pháo hoa và trình diễn ánh sáng kéo dài 5 phút diễn ra tại Cầu cảng Auckland và Tháp Sky”.
Tại Australia, các thành phố bờ Đông châu lục gồm Melbourne, Sydney và Canberra sẽ là những nơi đón 2021 đầu tiên. Do dịch Covid-19, sự kiện bắn pháo hoa mừng năm mới tại TP Sydney đã phải thu nhỏ quy mô đáng kể, nhằm hạn chế đám đông tụ tập. Các nước Đông Á và Đông Nam Á như TQ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, VN, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… sẽ lần lượt đón năm mới đêm nay, theo giờ VN.
Hãng tin Reuters có clip: New Zealand đón năm mới với màn trình diễn pháo hoa.
Mời đọc thêm: 10 sự kiện nổi bật thế giới năm 2020 (LĐ). – Chuyện gì đã xảy ra với thế giới trong năm 2020 (Zing). – Giao thừa khác lạ khắp thế giới giữa đại dịch (VNE). – Thế giới đón năm mới giữa nỗi lo Covid-19 (VNN). – Sydney bắn pháo hoa rực rỡ đón năm mới 2021 (DT). – Chào 2021: Úc bắn pháo hoa nhưng người dân không được tụ tập xem (TT). – Những lời chúc mừng năm mới 2021 hay và ý nghĩa nhất bằng tiếng Anh (LĐ).
***
Thêm một số tin: 2021: Kinh tế VN từ 1975 đến đổi mới nhu cầu cải cách sắp tới (BBC). – Nguyên nhân ban đầu vụ thảm án kinh hoàng chiều cuối năm ở Bình Dương (VOV). – Thỏa thuận đầu tư : EU đã “bán một phần linh hồn” cho Trung Quốc? — Thỏa thuận đầu tư với Liên Âu: Báo Trung Quốc phớt lờ hồ sơ lao động cưỡng bức (RFI).