Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bầu cử Mỹ: Trung Quốc dè dặt chúc mừng Joe Biden, Nga im hơi lặng tiếng

Sunday, November 15, 2020 5:38:00 PM // ,

 

Tác giả Trọng NghĩaNguồnRFINgày đăng: 2020-11-15


Ảnh minh họa: Màn ảnh truyền hình phát tin về cuộc bầu cử Mỹ ngày 09/11/2020 tại một trung tâm thương mại ở Bắc Kinh (Trung Quốc). REUTERS - THOMAS PETER
Thời sự nổi bật trong tuần vẫn là tình hình phức tạp sau cuộc bầu cử 03/11/2020, tại Hoa Kỳ: Thắng lợi của ông Joe Biden được khẳng định thêm, còn tổng thống mãn nhiệm Donald Trump vẫn không công nhận thất bại, tố cáo các hành vi mà ông coi là gian lận nhưng chưa đưa ra được bằng chứng.
Tuy nhiên, bất chấp tình hình giằng co tại Mỹ, hầu hết các nước trên thế giới như đều đã công nhận ông Joe Biden là tổng thống tương lai của nước Mỹ, với những lời chúc mừng lần lượt được gởi đến người được gọi là “tổng thống tân cử” theo thông lệ tại Hoa Kỳ.
Trong số các phản ứng về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, giới quan sát đặc biệt chú ý đến thái độ của Trung Quốc, nước đang phải chịu những đòn tấn công trên mọi mặt của chính quyền Donald Trump đương nhiệm. Sau hơn một tuần lễ im lặng, mãi đến ngày 13/11 Bắc Kinh mới chính thức lên tiếng chúc mừng ông Joe Biden, nhưng một cách rất dè dặt như phân tích sau đây của Simon Leplâtre, thông tín viên RFI tại Thượng Hải:
Thà chậm còn hơn không: Trung Quốc cuối cùng đã chúc mừng chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm thứ Sáu 13 tháng 11 vừa qua đã tuyên bố: “Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của người dân Mỹ. Chúng tôi gởi lời chúc mừng đến ông Biden và bà Harris.”
Đây không phải lần đầu tiên mà Trung Quốc không vội vã chúc mừng một tổng thống Mỹ vừa được bầu. Vào năm 2000, ông Giang Trạch Dân đã gởi lời chúc đến tổng thống George W. Bush một tháng sau khi ông được bầu, trong một cuộc bầu cử cũng rất bị tranh cãi.
Ngoài ra, cũng phải ghi nhận hôm thứ Sáu, người lên tiếng chỉ là phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, còn chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa thấy chúc mừng tổng thống tương lai của cường quốc đứng đầu thế giới.
Có thể là Bắc Kinh lo ngại là sẽ chọc giận ông Trump khi công nhận quá sớm chiến thắng của ông Joe Biden trong lúc ông Trump vẫn còn đứng đầu Nhà Trắng hai tháng nữa.
Đây là khoảng thời gian đủ để ông đưa ra những trừng phạt mới nhắm vào Trung Quốc, bị ông xem là phần nào chịu trách nhiêm việc ông thất cử do dịch Covid-19.
Nga trong tình thế bối rối
Nếu Trung Quốc đã lên tiếng chúc mừng ông Biden, dù một cách nhạt nhẽo, thì Nga cho đến hết ngày 13/11 vẫn không thấy có phản ứng chính thức.
Theo thông tín viên của nhật báo Pháp Le Figaro tại Matxcơva, thái độ của Nga phản ánh một sự bối rối, nếu không muốn nói là một sự thất vọng khi ứng cử viên được ưa thích của họ là Donald Trump gặp thất bại.
Nhìn từ Matxcơva, đảng Dân Chủ của tổng thống tân cử có quan điểm cứng rắn hơn đối với Nga, trong lúc ông Biden là người đã từng nhiều lần công kích ông Vladimir Putin, và gần đây đã gọi Nga là “mối đe dọa chính” của nước Mỹ.
Điện Kremlin từng coi ông Biden là một trong những người đã châm ngòi cho phong trào Maidan ở Ukraina, một hồ sơ mà ông giám sát vào năm 2014, khi còn là phó tổng thống cho Barack Obama.
Matxcơva cũng rất úy kỵ đội ngũ phụ trách hồ sơ Nga của ông Joe Biden, bao gồm các chuyên gia nhiều kinh nghiệm (chẳng hạn như ông Michael Carpenter) và các nhà ngoại giao được biết đến với lập trường cứng rắn đối với ông Putin (ví dụ như bà Susan Rice).
Chuyên gia Pháp: Trump đang có những hành động “nguy hiểm”
Về nội tình chính trị Hoa Kỳ, như nói ở trên, tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump vẫn kiên quyết không chấp nhận đã thất bại trong cuộc bầu cử, và vẫn tiếp tục đưa ra hay phát tán những cáo buộc về điều được ông cho là “gian lận bầu cử”.
Điều đáng ngại, gần như chưa từng thấy trong lịch sử Hoa Kỳ, trái với thông lệ tại Mỹ, ông Trump còn tìm cách cản trở tiến trình bàn giao quyền lực giữa hai nhiệm kỳ tổng thống.. Trả lời nhà báo Sylvie Noël, ban Pháp Ngữ RFI, bà Françoise Coste, chuyên gia về đảng Cộng Hòa đồng thời là giáo sư về văn minh Mỹ tại Đại Học Toulouse Jean-Jaurès, hành động của ông Trump mang dáng dấp một âm mưu “đảo chánh” rất nguy hiểm:
“Theo tôi, đây là một vấn đề cơ bản. Tại sao lại nói đến đảo chánh khi mà ở ngoài đường không thấy xe tăng, và cũng không thấy nhân viên FBI chận bắt những người đối lập với tổng thống ? Đúng thế ! Nhưng một cách ngấm ngầm, tế nhị, sự việc không phải là giống như một cuộc đảo chánh hay sao ?
Cho dù không phải là đảo chánh, nhưng đây chính là một mưu toan độc nhất vô nhị trong lịch sử nước Mỹ, khi một tổng thống mãn nhiệm tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử, một trường hợp độc nhất vô nhị của một tổng thống mãn nhiệm bị thất cử nhưng không chịu chấp nhận thất bại. (*)
Tình hình lúc này là như thế đó. Ông Donald Trump đã biến thành người mà đầu óc không tài nào chấp nhận được thực tế là mình đã thua, một người hoàn toàn không hiểu được lịch sử của định chế tổng thống. Tôi hoàn toàn không muốn lý tưởng hóa định chế tổng thống Mỹ, nhưng tại Hoa Kỳ, nhưng từ năm 1788 đến nay, cứ 4 năm một lần, người ta lại bầu tổng thống, bất kể tình hình ra sao, và lần nào cũng thế, người thắng thì được công nhận là thắng, còn người thua thì chấp nhận thất bại, và công việc chuyển giao quyền hành lúc nào cũng êm thắm.
Ngoại lệ duy nhất là vào năm 1860, khi ông Abraham Lincoln được bầu làm tổng thống, 11 bang miền Nam không chấp nhận kết quả bầu cử, nước Mỹ đã bùng nổ và cuộc chiến tranh Nam-Bắc đã xẩy ra. Đây là điều mà không ai muốn cho nước Mỹ ngày nay.”
Trung Quốc tiếp tục xóa bỏ dấu vết dân chủ còn lại ở Hồng Kông
Tại châu Á, sự kiên nổi bật trong tuần là việc Trung Quốc tìm cách triệt hạ các yếu tố dân chủ hiếm hoi mà Hồng Kông còn được hưởng.
Hôm 11/11 vừa qua, toàn bộ các đại biểu ủng hộ dân chủ trong Nghị Viện Hồng Kông đã loan báo quyết định từ chức tập thể sau khi 4 người trong số họ bị chính quyền đặc khu bãi nhiệm theo “chỉ thị” trực tiếp từ Bắc Kinh, cụ thể là sau khi Quốc Hội Trung Quốc thông qua nghị quyết cho phép hành pháp Hồng Kông loại bỏ (với hiệu lực ngay lập tức) bất kỳ đại biểu dân cử nào bị cho là gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, chủ trương Hồng Kông độc lập hay cấu kết với nước ngoài.
Theo thông tín viên RFI Florence de Changy tại Hồng Kông, như vậy là Bắc Kinh đã thành công trong việc biến Nghị Viện Hồng Kông thành một cơ chế không còn bất kỳ tiếng nói đối lập nào:
Các đại biểu cánh dân chủ chỉ nắm giữ 19 trên tổng số 70 ghế của Nghị Viện Hồng Kông. Và hôm 11/11/2020 Trung Quốc đã loại bỏ bớt 4 người trong một quyết định đơn phương.
Và như thế đến cuối ngày, 15 đại biểu còn lại của phe dân chủ đối lập đã thực hiện lời đe dọa đưa ra ngày hôm trước là đồng loạt từ chức để tỏ tình đoàn kết với 4 người bị Trung Quốc trừng phạt. Và Nghị Viện Hồng Kông hoàn toàn không còn đối lập nữa.
Lương Kế Xương (Kenneth Leung) là một trong 4 người bị Bắc Kinh loại bỏ. Ông nói: “Hôm nay là một ngày buồn cho Hồng Kông, nhưng cũng là một ngày vinh quang cho tất cả chúng tôi. Chúng tôi sẽ phải rời chức vụ của mình, nhưng sẽ có những người Hồng Kông khác tiếp tục sự nghiệp với cùng những giá trị, hoài bão, hy vọng, và tôi tin chắc là họ sẽ đấu tranh cho những giá trị cơ bản của Hồng Kông”.
Tuy nhiên cách “diễn giải” mới của Bắc Kinh đòi hỏi là tất cả nghị sĩ Hồng Kông phải là những người yêu nước (Trung Quốc), qua đó đóng cửa Nghị Viện đối với mọi đại biểu chủ trương những giá trị cơ bản như tự do dân chủ.
Ngay cả những tiếng nói ôn hòa trong phe thân Bắc Kinh cũng đánh giá việc Nghị Viện không còn đối lập là một điều “không lành mạnh” đối với sự điều hành Hồng Kông.
Theo nhiều chuyên gia, Nghị Viện Hồng Kông giờ đây chẳng khác gì Quốc Hội Trung Quốc, bị cho là cơ quan ghi nhận và thông qua các quyết định của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Covid-19: Người Thụy Sĩ lách lệnh phong tỏa như thế nào
Thời sự trong tuần dĩ nhiên nổi bật với những biện pháp chống dịch với mức độ nghiêm ngặt khác nhau của các nước trên thế giới nhằm chống lại làn sóng Covid-19 thứ hai đang tràn ngập châu Âu, thậm chí làn sóng thứ ba bắt đầu dâng lên tại Mỹ.
Tại Pháp, quyết định tái phong tỏa toàn quốc đã được ban hành cách nay hai tuần, và hôm 12/11 vừa qua, thủ tướng Jean Castex đã loan báo kéo dài tình trạng phong tỏa thêm 15 ngày nữa, cho đến sau ngày 01/12.
Một trong những biện pháp gây tranh cãi nhiều nhất là quyết định đóng cửa các nhà hàng, quán bar, quán cà phệ, và tất cả những cơ sở thương mại, dịch vụ bị cho là không thiết yếu. Tranh cãi không chỉ bùng lên tại Pháp, mà hầu như khắp nơi có phong tỏa.
Thông tín viên RFI tại Thụy Sĩ đã ghi nhận trường hợp đặc biệt của nước này, nơi những biện pháp ban hành thuộc thẩm quyền của các bang (canton) tạo ra một số nghịch lý.
Một ví dụ điển hình là tại bang Genève, các cửa hiệu bị đóng cửa hoàn toàn, trong lúc bang Vaud lân cận vẫn hoạt động bình thường. Do việc người dân Thụy Sĩ không hề bị hạn chế đi lại, người Genève đã ồ ạt tràn qua bang Vaud để mua sắm, đẩy doanh thu các cơ sở thương mại tại đấy tăng lên 30%.
Theo thông tín viên RFI Jérémie Lanche, tường thụật từ Genève,
Chavanne de Bogis là một thị trấn nhỏ, chỉ 1.200 dân, nhưng có cảnh quan tuyệt đẹp nhìn ra hồ Léman và một trung tâm thương mại, lại ở một khoảng cách lý tưởng, chỉ cách Genève 10 phút đi bằng xe hơi. Bãi đậu xe ở đây toàn là xe mang biển số Genève.
Cô Larissa đến đây để « xả hơi », theo lời của cô: “Đúng là để cho tinh thần thảnh thơi hơn, dễ thở hơn một chút”. Philippe thì thẳng thắn hơn: Anh đến đây để mua những thứ không còn tìm thấy được ở Genève : “Thật là bất công, Chúng tôi còn phải sống nữa chứ. Ở Genève thì bảo phải đóng cửa các cửa hiệu. Được, không sao ! Thế thì chúng tôi đến đây. Chúng tôi bị gò bó, nhưng chúng tôi cũng muốn có một chút tự do. »
Trung tâm thương mại cũng thu hút khách hàng Pháp. Tỉnh Ain của Pháp chỉ cách đấy vài cây số. Đa số người bán hàng công nhận là doanh thu của họ có tăng, nhưng cũng có không ít người lo lắng, như cô Léa, nhân viên trong một cửa hiệu quần áo. Khi được hỏi tình hình này có hoàn toàn có lợi cho cô hay không thì cô lại trả lời : « Có và không, vì phong tỏa như vậy là vô ích. Khách hàng từ Genève đến đây thành ra phong tỏa ở đó không có ích gì. »
Tình hình dịch bệnh rất đáng lo ngại, ở cả bang Genève cũng như ở Vaud, với những tỷ lệ lây nhiễm thuộc loại cao nhất Châu Âu. Thế nhưng, theo luật Thụy Sĩ, chính các bang mới có quyền quyết định về các biện pháp thực hiện. Trước mắt thì các cửa hiệu ở Vaud vẫn mở, còn ở Genève thì phải chờ đến ngày 29/11.
-----------
Ý kiến độc giả :

(*) - Phải chờ cho đến khi Cử Tri Đoàn bỏ phiếu quyết định thì lúc đó mới biết ai là tổng thống chính thúc của nước Mỹ. Nếu cử tri đoàn gạt bỏ ông Biden và Tối Cao Pháp Viện phán quyết sự thắng cử của Biden là bất hợp pháp vì gian lận nên vô hiệu hóa kết quả của bầu cử… thì không lẽ lúc đó bà giáo sự Françoise Coste lại trở ngược khen rằng: Ông Trump đã dự đoán như thần rằng Biden chỉ là tổng thống tự xưng mà thôi ?? (JB Trường Sơn ) (Trở về bài)
----------

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.