Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 01/10/2020

Thursday, October 1, 2020 4:41:00 PM // ,

 Tin Việt Nam – 01/10/2020

Bị tố cáo, bí thư tỉnh Đăk Lăk phái công an bắt cóc 2 giảng viên và tước giấy phép một tờ tạp chí

Tin Vietnam.- Sau khi phái công an tỉnh Đăk Lăk xuống tận Sài Gòn bắt 2 giảng viên, võ sư Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn, thì Bùi Văn Cường, bí thư tỉnh uỷ Đăk Lăk tiếp tục ra lệnh ngầm rút giấy phép tờ tạp chí Môi trường và xã hội.

Thông tin được loan tải trên báo Vietnamnet vào ngày 30 tháng 9 năm 2020. Cả ông Quý, ông Tuấn cùng tạp chí Môi trường và xã hội đều có cùng hành vi tố cáo Bùi Văn Cường, bí thư tỉnh uỷ Cộng sản Đăk Lăk đã “biến” luận văn tiến sĩ của người khác thành của mình.

Ông Quý, và ông Tuấn đều đang là giảng viên trường đại học Tôn Đức Thắng, sau 3 ngày gửi đơn tố cáo hành vi gian lận của Cường thì cả 2 người này đều bị công an Cộng sản tỉnh Đăk Lăk đến bắt một cách bất ngờ mà không cần đọc lệnh hay thông báo.

Sau nhiều ngày gây xôn xao dư luận, đến ngày 27 tháng 9, Công an Cộng sản tỉnh Đăk Lăk ra thông báo ông Quý và ông Tuấn bị bắt khẩn cấp về hành vi vu khống ông Cường. Bắt 2 người tố cáo mình xong, Bùi Văn Cường tiếp tục tác động đến bộ Thông tin và truyền thông Cộng sản xử phạt hành chính 50 triệu đồng, tịch thu ấn phẩm tạp chí Môi trường và xã hội số đặc biệt 16/2020, đồng thời tước giấy phép hoạt động tờ tạp chí này trong thời gian 2 tháng.

Trước đó, ông Cường đã tác động để Tổng liên đoàn lao động Cộng sản đình chỉ ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng trường đại học Tôn Đức Thắng vì dám chống lại ông ta trong thời gian ông làm Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Cộng sản. Sự việc đang gây chú ý dư luận Việt Nam hơn 1 tuần nay, bởi chưa bao giờ người dân lại thấy được một bí thư tỉnh uỷ mà quyền lực như ông Cường. Và có thể, điều này sẽ tạo ra một tiền lệ mới trong việc trả thù dân của các quan chức Cộng sản.

Theo Facebook Lê Nguyễn Hương Trà, Cường đang chạy tiền mua chức Bộ trưởng thông tin và truyền thông Cộng sản.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/bi-to-cao-bi-thu-tinh-dak-lak-phai-cong-an-bat-coc-2-giang-vien-va-tuoc-giay-phep-mot-to-tap-chi/

 

Đi kêu cứu, một dân oan từng bị đánh mù mắt

và đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội

Tin Vietnam.- Ngày 28 tháng 9 năm 2020, Facebook mang tên Lê Hoàng đưa tin, bà Mai Thị Nhôm, quê ở tỉnh Vĩnh Long ra Hà Nội kêu oan đã bị lực lượng tay sai của nhà cầm quyền Cộng sản bắt đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội cơ sở 2, xã Viên An, huyện Ứng Hoà, Hà Nội.

Theo Lê Hoàng, bà Nhôm là dân oan bị nhà cầm quyền tỉnh Vĩnh Long cướp đất, và gây ra chấn thương ở mắt khiến bà mù vĩnh viễn. Quá bất mãn, bà Nhôm liên tục ở Hà Nội để kêu oan. Trong lúc chờ viên chức Cộng sản giải quyết đơn ở số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội, do đói quá không có tiền nên vào ngày 25 tháng 9 năm 2020, bà Nhôm đã ra cổng chợ gần nơi giải quyết đơn ngồi xin ăn để có thể sống sót trong thời gian chờ đợi viên chức Cộng sản trả lời đơn. Tuy nhiên, thay vì giải quyết đơn sớm cho người phụ nữ đáng thương này để bà về quê thì lực lượng tay sai Cộng sản đã giải quyết bằng cách bắt bà Nhôm, đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội nhằm giam giữ bà.

Nghe tin mẹ xảy ra chuyện, con gái bà Nhôm phải vay mượn tiền để ra Hà Nội bảo lãnh mẹ ra ngoài. Nhưng khi chị đến trung tâm thì bị người cai quản trung tâm gây khó dễ, bắt phải làm đơn rồi ra phường chỗ tạm trú xin xác nhận, khi chị ra phường thì nhà cầm quyền phường không xác nhận cho chị. Sau đó, phía trung tâm lại đòi chị phải có sổ hộ khẩu, giấy khai sinh và những giấy tờ khác. Đến hiện tại, phía trung tâm lại yêu cầu con gái bà Nhôm phải về quê Vĩnh Long, cách Hà Nội gần 2,000km để xin giấy xác nhận của nhà cầm quyền địa phương thì mới được chấp nhận.

Từ câu chuyện của bà Nhôm cho thấy, Cộng sản Việt Nam đang đạt đến đỉnh cao của sự hung bạo, xảo quyệt trong cuộc chiến cướp đất của dân, cũng như phương cách mới trong việc dập tắt hành động đi khiếu nại, khiếu kiện của nạn nhân.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/di-keu-cuu-mot-dan-oan-tung-bi-danh-mu-mat-va-dua-vao-trung-tam-bao-tro-xa-hoi/

 

Người Việt từ Hàn về nước

bị buộc cách ly ở khách sạn 100 đôla/ngày?

Bùi Thư

Hàng trăm hành khách từ Hàn Quốc về Việt Nam bức xúc khi nhận thông báo thay đổi chi phí cách ly ở khách sạn từ 1,3 triệu đồng/ngày lên thành 5 triệu đồng/ngày.

Theo đó, chuyến bay thương mại quốc tế của Vietjet từ Incheon – Tân Sơn Nhất số hiệu VJ963 chở 158 hành khách là người Việt về đến sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 12g30 trưa 30/9/2020.

Tuy nhiên, sau hơn 10 tiếng hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất, hàng trăm hành khách vẫn phải chờ đợi ở sân bay, vì mâu thuẫn chuyện cách ly ở khách sạn. Theo đó, nhiều người nói rằng khi đặt vé được đại lý thông báo cách ly tập trung nhưng tới sân bay thì bị buộc ký vào biên bản đồng ý cách ly ở khách sạn với mức giá vượt khả năng chi trả.

VN sẽ thu phí cách ly, chuẩn bị mở đường bay với Nhật và Hàn

Virus corona: VN cách ly trong khách sạn 5 sao được không?

Trên Facebook người có tên là Le Hung (Lê Hùng), một đoạn livestream có thời lượng hơn 35 phút quay cảnh hàng trăm khách hàng có cả người già, trẻ con phải chờ đợi. Nhiều người khác tranh cãi với nhân viên Vietjet. Video này thu hút gần 8 nghìn lượt yêu thích, 21 nghìn lượt chia sẻ.

Video còn có cảnh một cụ già được cho là xỉu, nằm vật trên sàn vì chờ đợi quá lâu.

Trả lời BBC News Tiếng Việt sáng 1/10, chị Hồ Thị Loan, một hành khách trên chuyến bay này nói:

“Chúng tôi đợi tới 10 tiếng đồng hồ, vẫn chưa được giải quyết việc cách ly. Ban đầu nói giá 1,3 triệu đồng/4 người/ngày. Tới khi làm việc với khách sạn thì là 1,3 triệu/1 người/1 ngày. Sau lại đội lên 1,7 triệu/ngày, rồi lên 2 triệu/ngày và cuối cùng thành 5 triệu/ngày”, chị Loan kể lại.

Khách hàng chuyến bay nói gì?

Sau khi Việt Nam mở lại đường bay với một số nước trong đó có Hàn Quốc, hãng hàng không Vietjet đã thông báo chính thức khôi phục đường bay khứ hồi kết nối Việt Nam và Hàn Quốc.

Theo đó, từ ngày 30/9, Vietjet bắt đầu khai thác chặng TP HCM đi Seoul (Incheon, Hàn Quốc) với tần suất 1 chuyến khởi hành vào thứ Tư hàng tuần.

Bà Hồ Thị Loan cho biết, khi có thông tin hãng bay mở bán vé chiều về Việt Nam, bà đã đăng ký mua vé qua đại lý vé máy bay giá khoảng 8 triệu đồng/vé.

Bà Loan cho biết, khi ra sân bay, bà cùng nhiều hành khách khác được yêu cầu ký biên bản kèm theo khai báo y tế. Biên bản là thỏa thuận về chuyến bay như chi phí khách sạn cách ly, vận chuyển, xét nghiệm và các chi phí liên quan khác:

“Khi mua vé, tôi hỏi về việc cách ly thì đại lý thông báo rằng sẽ được cách ly ở khu quân đội khoảng 120.000 đồng/ngày. Tuy nhiên khi làm thủ tục ở sân bay Incheon, tất cả hành khách đều bị bắt ký vào biên bản với nội dung sẽ cách ly ở khách sạn với mức giá khoảng 100 USD/người/đêm và không được có bất kỳ khiếu nại. Nếu chúng tôi không đồng ý ký thì không được lên máy bay, đồng nghĩa mình tự hủy vé”.

“Chúng tôi khiếu nại vì sao phải ký vì trước đó nói là được cách ly tập trung, giờ lại bắt ký đồng ý cách ly khách sạn”, bà Loan nói.

Bà Loan cũng giải thích rằng, vì nhân viên làm thủ tục là người Hàn Quốc, khác biệt ngôn ngữ nên không thể giải thích. Vì vậy, bà phải ký vào và dự tính sẽ giải quyết sau khi về đến Việt Nam.

Khi về đến Việt Nam, nhiều người không chịu mức giá trên và khiếu nại.

Tuổi Trẻ tường thuật rằng, khi hạ cánh, nhân viên hãng bay thông báo chi phí cách ly tại khách sạn là 1,3 triệu đồng/phòng/ngày (4 người/phòng). Tất cả hành khách đều đồng ý. Chỉ ít phút sau, hành khách nhận được thông báo không tìm được khách sạn giá ban đầu nên chuyển qua khách sạn khác với giá cao hơn, 1,7 triệu đồng/ngày, sau đó giá mới được thông báo là 5 triệu đồng/ngày.

Bà Loan thuật lại với BBC:

“Sau khi tranh cãi, có người bên Vietjet nói mức giá khách sạn giảm còn 1,3 triệu đồng/4 người/ngày. Nhiều người cũng đồng ý đi, qua tới khách sạn thì lại đổi thành 1,3 triệu đồng/1 người/ngày. Mấy người đó không đồng ý. Sau đó họ đưa mức giá 1,7 triệu đồng/người kèm em bé”.

“Vì không thỏa thuận được nên mọi người phải vật vờ ở sân bay, con nít khóc la, người già thì xỉu. Ở sân bay không bán buôn đồ ăn gì, Vietjet cũng không cung cấp đồ ăn thức uống gì. Đến 9 giờ mấy đêm, tôi năn nỉ họ cho người nhà mua cơm vô sẵn, tới giờ đó họ mới cho. Kêu họ giải quyết thì giải quyết kiểu đưa ra mức giá này, rồi lại nâng giá lên”, bà Loan kể lại.

Bà nói: “Tôi cảm thấy bị lừa gạt”.

Livestream về vụ việc Facebook cá nhân, ông Lê Hùng mô tả:

“Tôi livestream để mọi người biết, chuyến sau về rút kinh nghiệm đừng để bị gài”.

Ông Lê Hùng giải thích: “Nhiều người cho rằng chúng tôi keo kiệt, 100 đôla/ngày mà không ở. Keo kiệt cũng đúng thôi vì mình là người lao động, tiếc đồng tiền làm ra thì có quyền được chọn ở hay không. Nhưng do hãng Viettjet, ban đầu khi bán vé nói rằng có hai lựa chọn, ai muốn ở khách sạn thì ở, ai muốn cách ly tập trung ở khu quân đội Củ Chi thì đi. Nhưng tới sân bay Incheon Hàn Quốc, để được nhận vé thì phải ký vào biên bản đồng ý cách ly tại khách sạn mới cho lên máy bay”.

“Tôi tính lên máy bay trước đã, về Việt Nam mới khiếu nại. Khi tôi hỏi nhân viên Vietjet việc bắt buộc cách ly ở khách sạn là quyết định của cơ quan, ban ngành nào thì họ ngoảnh đi, không trả lời”, ông Hùng tường thuật.

Trong văn bản mà hãng Vietjet đưa khách hàng ký trước khi lên máy bay có quy định rõ về việc phòng chống dịch và thông báo ban đầu giá cách ly dự kiến tối đa 100 USD/người/đêm, với thời gian cách ly 14 ngày.

Ông Hùng cũng quay cảnh một vài người phải bóc mì tôm sống để ăn vì đói, có một bà cụ được cho là ngất xỉu vì chờ đợi quá lâu.

Đồng thời, ông Hùng đặt vấn đề về người bị xỉu: “Mạng người là quan trọng, cần phải giải quyết nhanh lỡ chết người hoặc nhiễm Covid-19 lây lan thì có thể gây ra khủng hoảng”.

Cơ quan chức năng và Vietjet nói gì?

Hãng Vietjet thông tin cho báo chí rằng đã huy động lực lượng hỗ trợ tốt nhất cho hành khách để về khu cách ly an toàn. Nguyên nhân do không thống nhất được giá cách ly khách sạn.

Trả lời BBC, đại diện truyền thông của Vietjet nói rằng mong hành khách thông cảm về những phiền phức phát sinh do tình huống ngoài ý muốn này.

Vietjet thông tin đã hỗ trợ, phối hợp cùng Cục Hàng không, Cảng hàng không, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM, đơn vị lưu trú, khách sạn để hỗ trợ hành khách về các cơ sở cách ly theo đúng quy định.

Theo đó, từ 17g45 cùng ngày, đã có những khách hàng lên xe về về khách sạn và các cơ sở cách ly. Tới 22g những chuyến cuối cùng đưa toàn bộ hành khách và tổ bay đã được hỗ trợ chuyên chở về các cơ sở cách ly khác, trong đó có bệnh viện Cần Giờ.

Trả lời trên Thanh Niên, một đại diện Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế TP HCM) cho biết, theo công văn hướng dẫn tạm thời giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam của Bộ Y tế, trước khi nhập cảnh, người nhập cảnh buộc phải đăng ký cơ sở cách ly tập trung để thực hiện cách ly khi nhập cảnh kèm theo lịch trình làm việc cụ thể tại Việt Nam.

Vị đại diện cho hay, đối với nhóm hành khách về từ Hàn Quốc này, hành khách mua vé máy bay về Việt Nam đều được hãng hàng không thông báo phải đăng ký cơ sở cách ly.

Tuy nhiên, vị này cũng thông tin rằng các điểm cách ly tập trung không trả phí không còn chỗ nữa.

Trước diễn biến trên, Trung tâm đã tích cực liên hệ các địa điểm tổ chức cách ly tập trung để sắp xếp chỗ ở cho nhóm khách này. Đến 21 giờ hôm qua, vị này cho biết toàn bộ nhóm khách được trung tâm đưa về cách ly tập trung tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ – địa điểm cách ly không mất phí.

Xác nhận với BBC, bà Hồ Thị Loan nói rằng hành khách của chuyến bay đã được đưa về khu cách ly ở Cần Giờ trong tối 30/9.

“Chúng tôi phải chờ đến khi có quyết định về khu cách ly tập trung nào rồi mới được đi. Cũng mất khoảng thêm 2 tiếng mới đến được khu cách ly tập trung ở một bệnh viện Cần Giờ”, bà Loan nói.

Cách ly ở TP HCM: “Chúng tôi mới là người cần được cảm thông”

Virus corona: “Xin người ngoài bao dung và người đang cách ly hãy có ý thức”.

Một người dùng Facebook tên Hoàng Hùng bình luận: “Nếu sự việc đúng như videos mà tôi chia sẻ thì đây là việc bắt ép người dân vào các khách sạn, mà người dân không biết được giá tiền là bao nhiêu. Nếu việc này là có thật thì đó là hành vi bắt chẹt người dân, cần được chấn chỉnh ngay và không để tái diễn ở các chuyến bay sau”.

“Không phải bất cứ ai ra nước ngoài cũng giầu có để sẵn lòng bỏ ra vài chục triệu VND cho 14 ngày cách ly. Cho dù có giàu có, thì giá cả cũng phải rõ ràng, minh bạch”, người này nói.

Đại diện Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế nói với báo Thanh Niên: “Đây là lần đầu tiên có chuyện hành khách về nước phản đối cách ly có trả phí dù trước đó đã chấp thuận. Chúng tôi sẽ họp bàn liền để tình trạng này không tái diễn, đồng thời khuyến cáo hành khách trong các chuyến bay tới vì ngoài các khách sạn cách ly có trả phí ra, các điểm cách ly miễn phí đều không còn chỗ trống”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54335908

 

Vấn nạn người tố cáo bị ngược đãi, đe dọa, trả thù

qua vụ giảng viên Phạm Đình Quý

Truyền thông trong nước vào ngày 30/9 dẫn nguồn từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho hay cơ quan này vừa có lệnh bắt khẩn cấp đối với Tiến sĩ Phạm Đình Quý, giảng viên trường Đại học Tôn Đức Thắng, để điều tra hành vi vu khống người khác theo điều 156 Bộ luật Hình sự.

Theo báo Tuổi Trẻ, ông Quý bị bắt vì đã có hành vi phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Vào khoảng cuối tháng 8 năm 2020, một số tờ báo trong nước đăng tải bài viết của ông Quý, tố cáo ông Bùi Văn Cường – Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk “đạo luận án tiến sĩ, gian dối học thuật để trèo cao nhằm mục đích không trong sáng, gây bất bình trong nhân dân”.

Các bài viết này sau đó đã bị gỡ xuống, trong khi tin bắt giữ ông Quý không cho biết cụ thể ai là người bị ông Quý vu khống.

Theo thông tin từ gia đình ông Quý cung cấp, ông Quý đã bị công an khống chế và bắt giữ vào chiều ngày 23/9, khi ông cùng vợ mới cưới đang đi ăn trên đường D1, gần trường Đại học Tôn Đức Thắng, thành phố Hồ Chí Minh.

Trao đổi với RFA vào tối 30/9, Phó Giáo sư – Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục nhận định về vụ việc như sau:

“Chuyện làm đơn tố cáo đến các cơ quan cái luận án ấy đạo văn thì đó là chuyện của người ta, ai cũng có quyền đó. Còn ông Cường – Bí thư Đắk Lắk thấy người ta tố cáo như vậy thì sẽ làm đơn gửi đến các cơ quan để nói đấy là vu cáo, bịa đặt, luận án của tôi đây đã được hội đồng đánh giá, trình ra rồi người ta sẽ xử xem ai đúng. Nếu người kia tố cáo đạo văn mà đúng là đạo văn thì hội đồng sẽ xem xét luận án đó, còn nếu ông kia vu khống thì hội đồng đánh giá là không đạo văn, ông kia vu khống phải xin lỗi, thậm chí phải phạt theo pháp luật. Đó mới gọi là hành xử văn minh. Còn bây giờ nghe người ta tố cáo mà lại đến bắt cóc đi thì đó là hành động vô pháp, không đúng pháp luật, hành động như mafia, nhiều người gọi đó là hành động của phường thảo khấu, như bắt cóc. Chuyện đó vô pháp, không đúng nên tôi thấy nhiều người lên án lắm.”

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bày tỏ sự bất bình về vụ việc này:

“Mình thấy người ta tố cáo sai phải đưa ra tòa án, kiện lại anh ta nói sai, bêu xấu tôi là không đúng, phải xử phạt anh ta. Luật lệ của Việt Nam cũng có luật để trừng trị những người tố cáo sai, vu cáo làm ảnh hưởng nhân cách, quyền lợi người ta thì tại sao lại không sử dụng luật mà lại chơi ‘luật rừng rú’, nhưng người Tây Nguyên họ văn hóa, văn minh ghê gớm lắm nên lên đấy là phải học văn hóa người ta mà sống, không phải biến mình thành thứ man rợ rừng rú mà ứng xử.”

RFA có liên lạc với Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn để hỏi rõ hơn về điều luật bắt giữ người trong luật pháp hiện hành và nhận được trả lời:

“Riêng trong trường hợp ông Quý thì việc cơ quan điều tra tỉnh Đắk Lắk bắt ông Quý thì về phương diện pháp lý là hoàn toàn không có cơ sở để bắt vì ông Quý đang đeo đuổi một vụ về khiếu nại, tố cáo. Việc khiếu nại, tố cáo của ông Quý thì lại chưa có sự kết luận là ông tố cáo đúng hay sai. Cơ quan công an điều tra vội nhảy vào để bắt ông tội vu khống. Tội vu khống chỉ bắt trong trường hợp người ta tố cáo sai, còn đây sự tố cáo chưa kết luận. Riêng trong trường hợp ông Quý việc đặt vấn đề có sự trù dập đối với người khiếu nại, tố cáo là có cơ sở.”

Bên cạnh đó, Luật sư Mạnh cũng chỉ ra những vi phạm về thủ tục cũng như những điểm vô lý trong trường hợp bắt giữ Tiến sĩ Phạm Đình Quý của phía Công an tỉnh Đắk Lắk. Ông nói:

“Những trường hợp bắt khẩn cấp được dùng khi hành vi tội phạm mang tính chất rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và được căn cứ vào mức hình phạt từ 7 năm trở lên. Trong khi đó tội danh theo Điều 156 thì hình phạt nặng nhất, cao nhất là 7 năm, nên nếu áp điều này vẫn là không đúng. Cái thứ hai là (vi phạm) cả quy định việc bắt giữ. Theo anh theo dõi và biết thì ông bị bắt vào 23 tây nhưng mãi đến 27 tây thì họ mới ra văn bản thông báo. Lẽ ra khi bắt thì họ phải thông báo ngay cho gia đình nhưng đến 4 ngày sau họ mới báo. Vi phạm không chỉ thủ tục bắt mà cả thời hạn thông báo cho gia đình biết.”

Gia đình ông Phạm Đình Quý cho biết sau khi ông Quý bị công an bắt giữ thì người thân đã gửi đơn kêu cứu vì gia đình không được gặp ông Quý đang bị tạm giam.

Theo Phó Giáo sư – Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, sở dĩ xảy ra sự việc công an bắt giam Tiến sĩ Phạm Đình Quý sai luật và không thông báo cho cả người nhà ông Quý là do cơ chế bộ máy nhà nước hiện nay:

“Cái này do chế độ độc đảng, độc tài toàn trị thì người đứng đầu địa phương là Bí thư, Chủ tịch, Trưởng công an địa phương có nhiều hành động vô pháp lắm. Người ta độc quyền, ông Bí thư Tỉnh ủy thì to lắm vì công an, quân đội, bộ máy tuyên truyền ở trong tay ông ấy nên ông có thể làm chuyện đổi trắng thay đen, làm chuyện ngang ngược. Bây giờ có trang mạng xã hội người ta còn lên tiếng, ngày xưa người ta không lên tiếng được thì nguy hiểm lắm.”

Trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội, sự việc bắt giam khẩn cấp Tiến sĩ Phạm Đình Quý hiện đang được chia sẻ rộng rãi với kêu gọi chính quyền tỉnh Đắk Lắk cần tuân thủ theo đúng quy trình mà luật pháp đưa ra.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư – Tiến Sĩ Mạc Văn Trang cho rằng việc này hoàn toàn không dễ thực hiện:

“Ở trong thể chế độc tài toàn trị thế này rất khó, bây giờ chỉ có dư luận xã hội, mạng xã hội lên tiếng. Tôi thấy mạng xã hội lên tiếng vừa rồi rất nhiều tác động, tạo ra dư luận mạnh mẽ và cũng bớt đi những ngang ngược, bớt đi những hà hiếp, bớt đi bất công phi lý.”

Luật sư Đăng Đình Mạnh cũng bày tỏ hy vọng trong vụ việc lần này của Tiến sĩ Phạm Đình Quý:

“Công luận lên tiếng về việc này rất nhiều. Với phản ứng của công luận như vậy tôi nghĩ rằng rất có thể công an Đắk Lắk phải có hành xử cho phù hợp hơn chứ nếu họ cứ cố chấp đeo đuổi theo cách họ vừa làm thì không ổn.”

Không chỉ riêng ông Phạm Đình Quý bị bắt tạm giam vì đã tố cáo ông Bùi Văn Cường mà tạp chí Môi trường và Xã hội vào ngày 30/9 cũng bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng và tước giấy phép hoạt động báo in trong hai tháng vì đã đưa thông tin sai về Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk.

Cụ thể, báo Tuổi Trẻ trong cùng ngày đăng tin cho biết Cục báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định có đoạn viết: “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết: “Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố “đạo” luận án, gian dối học thuật?”, đăng trong số đặc biệt 16/2020”.

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, việc dám góp ý kiến, phê bình những cái sai, tố cáo những cái không đúng của cán bộ, nhất là những người ở cấp chiến lược nói lên trình độ văn hóa xã hội và cần được khuyến khích. Tuy nhiên, ông Mai cho rằng với sự bắt giữ Tiến sĩ Phạm Đình Quý vừa rồi, chính quyền đã chà đạp lên văn hóa, tinh thần đạo đức của xã hội và con người Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-problem-of-denouncers-being-mistreated-through-the-case-of-lecturer-pham-dinh-quy-09302020161438.html

 

Tòa sơ thẩm xử Vinamilk thắng tạp chí Giáo dục,

báo phản đối

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 1/10 đăng bài nói tòa xử “thiếu khách quan” sau khi Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm buộc Tạp chí phải xin lỗi công khai đối với Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk).

Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2016-2020: Góc nhìn chuyên gia Nhật Bản

Heineken và Sabeco đọ sức trên chiến trường bia Việt Nam

Tòa sơ thẩm đã xét xử từ 28 tới 30/9 về đơn khởi kiện của Vinamilk, trong đó công ty yêu cầu Tạp chí Giáo dục Việt Nam phải cải chính, xin lỗi công khai với Công ty Cổ phần sữa Việt Nam do “đăng loạt 5 bài sai sự thật”.

Được biết vào tháng Tư 2019, Vinamilk đã có văn bản nói “chỉ có duy nhất” Tạp chí Giáo dục Việt Nam đăng loạt bài “phản ánh tiêu cực” về Chương trình sữa học đường Hà Nội.

Tại phiên sơ thẩm, tòa quận Hoàn Kiếm cho biết trong quá trình thụ lý hồ sơ, xem xét vụ án, tòa đã gửi văn bản đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ thời gian nhưng đến nay không nhận được trả lời.

Đến thời điểm diễn ra, vụ kiện đã kéo dài trên 10 tháng.

Tòa sơ thẩm kết luận rằng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải xin lỗi công khai đối với Công ty cổ phần sữa Việt Nam.

Tạp chí phải gỡ loạt 5 bài của tác giả Hồng Thủy nhưng lưu trữ trên hệ thống để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Đồng thời, tòa buộc Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm thông báo với các báo, Tạp chí, trang thông tin có hợp tác để gỡ bỏ loạt bài nói trên.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phải chịu án phí theo qui định.

Ngày 1/10, trên trang web của mình, tạp chí Giáo dục Việt Nam đăng bài phản đối với tựa “Về bản án sơ thẩm thiếu khách quan của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm”.

Bài báo tóm tắt lại nội dung loạt bài, cho rằng Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội, với 1.200 tỷ đồng ngân sách dự kiến để triển khai, lại có sản phẩm không phải là “sữa tươi” mà là “thực phẩm bổ sung… sau khi được pha thêm 17 vi chất dinh dưỡng không đúng quy định của pháp luật, khác với yêu cầu kỹ thuật của Hồ sơ mời thầu”.

Bày tỏ quan điểm của báo, tờ này nói “phán quyết sơ thẩm này thiếu khách quan, không đúng quy định của pháp luật và có dấu hiệu bỏ lọt nhiều chứng cứ quan trọng”.

Tờ báo khẳng định họ “sẽ tiếp tục kháng cáo lên tòa án cấp trên theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình cũng như của Nhà nước và trẻ em Hà Nội thụ hưởng Chương trình Sữa học đường nhân văn này”.

Còn trên trang web của Vinamilk hôm 29/9 có bài phóng sự về sữa học đường ở Hà Nội.

Bài này dẫn lời đại diện trường Mầm non Phú La, Hà Nội rằng: “Qua 2 năm thực hiện, 100% giáo viên trong trường đều ủng hộ và bày tỏ tin tưởng về chất lượng sữa học đường do Vinamilk cung cấp.”

Còn trên mạng xã hội, một số người cho rằng dù đúng sai thế nào, nhưng việc đem ra xử tại tòa án là một hành vi cần được khuyến khích, như nhận định của cây bút Hà Phan trên Facebook cá nhân:

“Dù là báo chí hay cá nhân thì trừng phạt của pháp luật bằng Tòa án bao giờ cũng dễ “tâm phục” hơn 1 mệnh lệnh hành chính.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54370948

 

7 người dân Đồng Tâm kháng cáo bản án sơ thẩm

Chiều ngày 29-9-2020, bà Bùi Thị Nối, con nuôi của ông Lê Đình Kình – người bị công an bắn chết ở Đồng Tâm – đã làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân dân thành phố Hà Nội tuyên hôm 14-9 vừa qua.

Đây là ngày cuối cùng trong thời hạn 15 ngày được quyền kháng cáo của các bị cáo trong vụ án diễn ra tại Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội.

Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết có tổng cộng 7 người kháng cáo trong đó có 5/6 người bị truy tố với cáo buộc “giết người” nộp đơn, gồm các ông: Lê Đình Công (án tử hình), Lê Đình Chức (án tử hình), Bùi Viết Hiểu (16 năm tù), Nguyễn Quốc Tiến (13 năm tù) và một người nữa không nêu danh tính.

Hai người bị truy tố với tội danh chống người thi hành công vụ là bà Bùi Thị Nối (6 năm tù) và một người nữa không nêu danh tính.

Bà Nối là người bị Hội đồng xét xử tuyên án nặng hơn so với mức đề nghị của Viện kiểm sát (VKS đề nghị 4-5 năm tù, tuyên 6 năm tù) do trong phiên tòa bà đã chất vất về việc vì sao “có luật mà không thi hành” để dẫn đến cái chết của ông Lê Đình Kình.

Hôm 25-9, 64 Dân biểu thuộc Liên minh Châu Âu ký một bức thỉnh nguyện thư chung gửi lên Valdis Dombrovskis, Cao ủy Thương mại EU; và ông Josep Borrell Fontelles, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại và là Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đề nghị EU có những biện pháp gây sức ép lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền.

Trong bức thư chung, các dân biểu Châu Âu nhận định những người dân Đồng Tâm đã phải chịu “bạo lực, tra tấn hoặc bị đối xử tàn tệ, và các phiên toà diễn ra nhanh chóng không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản về công bằng và độc lập.”

Trước đó, ngày 18-9 Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng ra thông cáo phản đối 2 bản án tử hình trong vụ án Đồng Tâm và bày tỏ “quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này”.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/7-dongtam-defendants-appeal-their-sentences-09302020123532.html

 

44 người tham gia hỗn chiến tranh giành đất

tại TP Biên Hoà bị bắt

Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Công an TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai ngày 1/10 tiến hành tạm giữ hình sự 44 người trong 2 băng nhóm liên quan vụ “dàn trận” thanh toán nhau để tranh chấp đất đai ở phường Thống Nhất, thành phố Biên Hoà.

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin cùng ngày dẫn thông tin từ cơ quan cảnh sát điều tra công an TP Biên Hoà cho biết, trong số nhóm người bị tạm giữ có hai vợ chồng xưng là chủ khu đất là bà Mai Thị Hồng (1979) và ông Nguyễn Thành Hưng hay còn gọi là Hưng “xăm” (1975), cùng bị tạm giữ có Lâm Thanh Sang (1988) được bà Hồng thuê đến giữ đất.

Theo cơ quan điều tra, Hưng “xăm” từng bị xử phạt 20 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, còn Sang được cho là cầm đầu băng nhóm giang hồ và từng có tiền án 7 năm tù liên quan việc “Cố ý gây thương tích”.

Bà Hồng khai nhận đã thuê Sang đến giữ đất trồng cây ở khu đất đang tranh chấp, Sang đã gọi thêm nhiều đàn em đến khu vực đất để tranh chấp với một nhóm giang hồ khác đang ở trong ba phòng trọ trên mảnh đất 3000m2 này. Băng nhóm đối phương do Đen cầm đầu và được bà Nguyễn Thị Soi (1955) thuê để trông giữ mảnh đất tranh chấp với bà Mai Thị Hồng.

Trước đó, vào ngày 29/9, tại khu đất 3000m2 phường Thống Nhất có khoảng 60 người thuộc hai băng nhóm đang chuẩn bị hỗn chiến để tranh giành đất thì lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 35 vũ khí tự chế, 5 búa tạ và một máy hàn. Hiện cơ quan chức năng TP Biên Hoà đang truy bắt Đen cùng các đối tượng khác bỏ trốn để củng cố hồ sơ khởi tố vụ án.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/forty-four-people-arrested-for-participating-in-the-land-dispute-in-bien-hoa-city-10012020085508.html

 

Tòa án trả lại đơn kiện của ông Lê Vinh Danh –

Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng

Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa trả lại đơn kiện của ông Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng về việc đình chỉ công tác đối với bản thân ông.

Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, sau khi xem xét đơn kiện của ông Lê Vinh Danh cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo, tòa nhận thấy quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Lê Vinh Danh là quyết định mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Do đó, đơn kiện của ông Lê Vinh Danh không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.

Ông Lê Vinh Danh bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM công bố quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy thời hạn 90 ngày với lý do có một số sai phạm trong công việc vào chiều ngày 31 tháng 7 năm 2020.

Ngày 18 tháng 9 năm 2020, ông Lê Vinh Danh bị cách tất cả các chức vụ trong đảng (ông Lê Vinh Danh là Bí thư Đảng ủy), đồng thời cảnh cáo tập thể đảng ủy Trường Đại học Tôn Đức Thắng với lý do đã có những vi phạm quy chế làm việc, chỉ đạo, kiểm tra giám sát trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của trường.

Theo Luật Giáo dục năm 2012 và Luật Giáo dục đại học sửa đổi số 34, với cơ sở giáo dục đại học công lập thì các tổ chức đảng và đảng viên, đoàn thể sẽ thực hiện theo quy định của Đảng.

Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là đại học công lập, đào tạo đại học, sau đại học và hoạt động khoa học công nghệ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/court-rejected-the-lawsuit-petitioned-by-levinhdanh-10012020083612.html

 

Hoa kỳ sẽ điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ

Chính quyền Hoa Kỳ có kế hoạch trong tuần này công bố cuộc điều tra về hoạt động tiền tệ của Việt Nam.

Bloomberg News đưa tin ngày 30/9, dẫn 3 nguồn liên hệ chặt chẽ với vấn đề này, rằng cuộc điều tra bắt nguồn từ Tháng 8, sau khi Bộ Thương Mại và Bộ Ngân khố Mỹ xác định Việt Nam thao túng tiền tệ qua vụ việc cụ thể liên quan lốp xe nhập khẩu từ Việt Nam.

Trả lời báo chí về tin vừa nêu, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào ngày 1 tháng 10 cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam đang liên hệ với phía Hoa Kỳ đề kiểm chứng thông tin này.

Theo Bloomberg, chính quyền Trump thực hiện cuộc điều tra theo mục 301 của Đạo luật Thương Mại 1974. Mục 301 này cũng đã được áp dụng đối với Trung Quốc để áp đặt thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá lên hàng tỷ Mỹ kim. Biện pháp này khởi sự cuộc chiến mậu dịch giữa hai nước.

Việt Nam là một trong 10 đối tác mậu dịch lớn nhất của Hoa Kỳ. Thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ trong thương mại với Việt Nam tính đến tháng 7 năm nay gần 35 tỷ Mỹ kim. Tổng thống Donald Trump thường chỉ trích hành động thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/us-to-probe-vietnam-currency-manipulation-10012020084141.html

 

Exxon Mobil đầu tư

nhà máy điện khí LNG hơn 5 tỷ USD tại Hải Phòng

Hải Phòng đưa nhà máy điện khí LNG với quy mô lên đến hơn 4.500MW và tổng mức đầu tư gần 5,1 tỷ USD của Tập đoàn Exxon Mobil vào Quy hoạch điện lực quốc gia và dự kiến đi vào hoạt động trong giai đoạn 2025-2030.

Báo Nhà nước Việt Nam dẫn nội dung buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J.Kritenbrink và loan tin ngày 1/10.

Dự án tổ hợp khí LNG – điện Hải Phòng chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 có công suất 2.250MW đưa vào vận hành giai đoạn 2026 – 2027; giai đoạn 2 có công suất 2.250MW đưa vào vận hành giai đoạn 2029 – 2030.

Tại buổi làm việc, Đại sứ Daniel J.Kritenbrink bày tỏ mong muốn lãnh đạo thành phố Hải Phòng quan tâm ủng hộ dự án tổ hợp khí LNG – điện Hải Phòng của Tập đoàn Exxon Mobil. Đồng thời ông cũng đưa ra đề nghị thành phố sớm có văn bản gửi Bộ Công Thương để hỗ trợ việc đưa dự án này vào Quy hoạch điện 7 điều chỉnh về phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng sau đó cũng đã đồng ý chủ trương đưa dự án tổ hợp nhà máy điện khí LNG do Tập đoàn Exxon Mobil đề xuất đầu tư vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, tổ hợp nhà máy có vị trí tại khu công nghiệp Tiên Lãng 1, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng với công suất 4.500MW, sử dụng công nghệ turbine khí hỗn hợp.

Tập đoàn Exxon Mobil đang có kế hoạch đầu tư phát triển chuỗi điện khí công suất 3.000MW tại Long An. Theo truyền thông trong nước, Exxon Mobil cam kết cung cấp liên tục đầy đủ LNG trực tiếp từ Hoa Kỳ và từ một số nước khác cho các dự án tổ hợp này.

Trước đó, báo nhà nước Việt Nam đưa tin Dự án điện khí Cá Voi Xanh đang trong tình trạng chậm tiến độ do nhà thầu Exxon Mobil gặp khó khăn, cắt giảm 30% chi phí đầu tư cho dự án.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/exxon-mobil-invested-more-than-5-bil-usd-in-lng-gas-power-plant-in-hai-phong-10012020082747.html

 

Exxon Mobil gặp khó khăn trong dự án Cá Voi Xanh

Dự án điện khí Cá Voi Xanh đang trong tình trạng chậm tiến độ do nhà thầu Exxon Mobil gặp khó khăn, cắt giảm 30% chi phí đầu tư cho dự án.

Báo nhà nước Việt Nam dẫn ghi nhận từ Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), loan tin như vừa nêu ngày 30/9.

Mỏ Cá Voi Xanh nằm ở bể Sông Hồng và có thể cung cấp 9,7 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm, tương đương 22% nhu cầu tại Việt Nam năm 2030.

Chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh gồm các dự án thành phần: dự án phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh; các dự án nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh (Miền Trung I, II (Quảng Nam) và Dung Quất I, II và III (Quảng Ngãi).

Công ty năng lượng Mỹ Exxon Mobil sở hữu 64% dự án Cá Voi Xanh và kỳ vọng dự án này sẽ đi vào hoạt động thương mại trong năm 2023. Khi đó, dự án sẽ cung cấp cho lưới điện Việt Nam khoảng 23-25 tỷ kWh điện, góp phần đảm bảo đủ điện cho đất nước. Tổng ngân sách nhà nước Việt Nam thu được từ chuỗi dự án trong giai đoạn 2023-2044 theo tính toán sơ bộ sẽ đạt khoảng 15-18 tỷ USD.

Vẫn tin liên quan, hai nhà đầu tư chính của siêu dự án điện khí Lô B là Mitsui Oil Exploration (MOECO) của Nhật Bản và PTT Exploration and Production (PTTEP) của Thái Lan đưa ra thông tin cho biết mỏ khí Lô B lớn thứ 2 cả nước Việt Nam, nằm ở bể Malay – Thổ Chu, có thể đi vào hoạt động thương mại chậm 1 năm so với kế hoạch đưa ra trước đó, tức hoạt động sớm nhất vào tháng 9/2024, thay vì vào cuối năm 2023.

Tuy nhiên, KBSV lại cho rằng dự án có thể trễ đến 2 năm, tức đến năm 2025 mới đưa vào hoạt động.

Theo KBSV, việc chậm trễ trong phê duyệt đầu tư dự án nhà máy điện Ô Môn III (người mua chính của mỏ khí Lô B), đã khiến cho quá trình phát triển của mỏ khí bị chậm.

Lô B là mỏ khí được kỳ vọng sẽ cung cấp khoảng 7 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm, tương đương 15% nhu cầu khí của Việt Nam năm 2030.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/exxon-mobil-was-deadlocked-on-the-blue-whale-project-09302020084654.html

 

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí

thăm Việt Nam

Đại sứ Marshall Billingslea, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về kiểm soát vũ khí, đang có chuyến công du tại Việt Nam bàn về mối đe dọa của việc phổ biến vũ khí hạt nhân trong khu vực, một phần trong chuyến công du châu Á của ông nhằm ngăn cản hành vi hung hăng của Trung Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến vào chiều ngày 1/10 tại Hà Nội, trang VNExpress dẫn lời Đặc sứ Billingslea nói: “Việt Nam được chọn làm điểm đến trong chuyến công du này vì những lý do rất rõ ràng, không chỉ nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, mà còn vì Việt Nam đang là nước Chủ tịch ASEAN và có nhiều nhà ngoại giao cấp cao dày dạn kinh nghiệm, có nhiều thành tích trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí”.

Cũng hôm 1/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết rằng chuyến thăm của đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea đến Hà Nội là “nhằm trao đổi quan hệ song phương, cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm”.

Các nguồn tin trong nước cho biết Đại sứ Billingslea đã đến Hà Nội vào chiều 30/9 sau khi thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Tháp tùng với ông Billingslea trong chuyến công du đến Hà Nội có tướng Thomas Bussiere, phó Chỉ huy Bộ tư lệnh Chiến lược quân đội Mỹ.

Nội dung bàn bạc của ông Billingslea với các quan chức ở Hà Nội vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc trước chuyến công du châu Á, ông Billingslea nói mục đích chuyến đi của ông là thảo luận “sự tăng cường nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo và quy ước của Trung Quốc”.

Sau cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Takeo Mori, ông Billingslea thông báo trên Twitter hôm 29/9: “Đã thảo luận về cách Mỹ và Nhật sẽ làm việc cùng nhau để đảm bảo ổn định và an ninh khu vực trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc”.

Trước đó, hôm 28/9, ông Billingslea viết trên Twitter sau cuộc gặp với quan chức Hàn Quốc: “Vừa có một số cuộc họp quan trọng với các đồng minh Hàn Quốc của chúng tôi về hành vi gây bất ổn của Trung Quốc và sự hỗ trợ của Mỹ đối với an ninh bán đảo Triều Tiên”.

Hãng tin Yonhap cho biết chuyến công du châu Á của ông Billingslea diễn ra giữa lúc Washington đẩy mạnh triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á thông qua việc kêu gọi các đồng minh và các quốc gia thân hữu ở châu Á tham gia các sáng kiến khác nhau để chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc, bao gồm cả phát triển khả năng phòng thủ.

Nhật và Hàn Quốc là hai đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực. Còn Việt Nam và Hoa Kỳ hiện có quan hệ “Đối tác Toàn diện,” nhưng thực chất được chính giới Washington đánh giá là một “Quan hệ Chiến lược.”

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Billingslea được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm Đặc phái viên về kiểm soát vũ khí tháng 4/2020. Trong vai trò này, ông Billingslea sẽ thay mặt Chính phủ Mỹ dẫn dắt các đàm phán về kiểm soát vũ khí.

https://www.voatiengviet.com/a/dac-phai-vien-tt-my-ve-kiem-soat-vu-khi-tham-vietnam/5604762.html

 

Tập đoàn Anh đầu tư 12 tỷ USD làm điện gió

tại Bình Thuận

12 tỷ USD là số tiền ước tính Tập đoàn Enterprize Energy của Anh sẽ đầu tư cho dự án điện gió ngoài khơi tại Kê Gà, tỉnh Bình Thuận.

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 1/10.

Tại buổi làm việc vào chiều ngày 30/9 với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và ông Greg Hands, Quốc vụ khanh phụ trách Chính sách Thương mại Vương Quốc Anh… ông Ian Raymond Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy cho biết, tập đoàn đang hợp tác với UBND tỉnh Bình Thuận và các đối tác Việt Nam để triển khai dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà.

Theo ông Hatton, dự án đi vào hoạt động sẽ giảm phát khí thải CO2 rất lớn và mong muốn Chính phủ cấp phép để tập đoàn phát triển lưới truyền tải, giải toả công suất cho dự án này.

Theo Enterprize Energy, 50% trong số 12 tỷ USD là đầu tư vào kinh tế Việt Nam. Nếu được khuyến khích phát triển dự án này thì các nhà sản xuất turbine điện gió của tập đoàn sẽ đến Việt Nam đầu tư sản xuất thiết bị. Tập đoàn có kế hoạch hướng tới sử dụng điện từ dự án để điện phân nước biển, sản xuất nguồn khí hydro và amoniac hoá lỏng.

Tại buổi làm việc, ông Ian Hatton kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án điện gió này vào Quy hoạch điện 8 với dự kiến bắt đầu phát điện vào cuối năm 2025, đến năm 2028 phát điện toàn bộ dự án.

Cũng trong ngày 30/9, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với Quốc vụ khanh phụ trách Chính sách Thương mại Vương Quốc Anh Greg Hands.

Tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh hoan nghênh ông Greg Hands thăm Việt Nam đúng vào thời điểm hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và cho biết Việt Nam sẽ tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Vương quốc Anh đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Hai bên cũng thống nhất sẽ thúc đẩy để sớm kết thúc đàm phán duy trì quan hệ thương mại với Vương quốc Anh sau khi rời khỏi EU (Brexit), tiến tới ký thỏa thuận và đưa vào thực thi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Anh.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/british-group-invests-12-billion-usd-in-wind-power-in-binh-thuan-10012020080651.html

 

Quân đội Việt Nam chọn xong đại biểu dự Đại hội 13

Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội Việt Nam đã kết thúc hôm 30/9, chọn ra các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản.

Việt Nam tồn tại nhiều khoảng trống lãnh đạo?

Nhật ký thỏa thuận cung cấp cho VN sáu tàu tuần tra

Cụ thể, Đại hội đã lựa chọn bầu 43 đại biểu chính thức và 3 đại biểu dự khuyết cùng 18 đại biểu đương nhiên tham gia Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội dự Đại hội 13.

Đây sẽ là các ứng viên có thể được bầu vào Trung ương Đảng khóa 13.

Tại Đại hội 12 năm 2016, Đoàn quân đội có 22 viên tướng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.

Bộ Quốc phòng Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định ” tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, như nội dung lá thư của Đại hội.

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam tháng Giêng 2016 đã bầu ra 200 ủy viên trung ương (gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết).

Trong đó, Bộ Công an có 5 người trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quân đội có 22 đại biểu trúng cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, gồm:

01 LÊ CHIÊM – Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

02 HOÀNG XUÂN CHIẾN – Thiếu tướng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

03 NGUYỄN TÂN CƯƠNG – Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 4

04 LƯƠNG CƯỜNG – Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

05 LÊ XUÂN DUY – Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 2

06 TRẦN ĐƠN – Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

07 PHAN VĂN GIANG – Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 1

08 NGUYỄN MẠNH HÙNG – Thiếu tướng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân

đội Viettel

09 TRẦN VIỆT KHOA – Thiếu tướng, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng

10 NGÔ XUÂN LỊCH – Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐNDVN

11 VÕ MINH LƯƠNG – Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 7

12 NGUYỄN PHƯƠNG NAM – Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam

13 PHẠM HOÀI NAM – Chuẩn Đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải quân

14 NGUYỄN TRỌNG NGHĨA – Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

15 TRẦN QUANG PHƯƠNG – Trung tướng, Chính uỷ Quân khu 5

16 VŨ HẢI SẢN – Thiếu tướng, Tư lệnh Quân khu 3

17 HUỲNH CHIẾN THẮNG – Thiếu tướng, Chính uỷ Quân khu 9

18 BẾ XUÂN TRƯỜNG – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

19 ĐỖ BÁ TỴ – Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam

20 VÕ TRỌNG VIỆT – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

21 NGUYỄN CHÍ VỊNH – Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

22 LÊ HUY VỊNH – Trung tướng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân

Trong số này, Tướng Lê Xuân Duy qua đời tháng 8 năm 2016.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54372450

 

Lãnh đạo Việt Nam cần đặt chủ quyền biển đảo

và lợi ích dân tộc trên hết

Nguyễn Trường

Sự “tấn công” của Trung Quốc vào vùng Biển Đông đầy tranh cãi và tranh chấp không phải là một hiện tượng mới. Đó là một chiến lược dài hạn của Bắc Kinh nhằm đưa một vùng biển rộng lớn vào tầm ảnh hưởng của mình. Mục đích của chiến lược này chủ yếu là nhằm khai thác một cách độc quyền các nguồn tài nguyên. Gần đây hơn, vụ Trung Quốc phóng các tên lửa tầm trung vào vùng Biển Đông thể hiện một sự quyết đoán hơn nữa, chủ yếu nhằm phản ánh sức mạnh và sự đe doạ của họ đối với vùng biển tranh chấp này. Hành động như vậy của Trung Quốc là một nỗ lực thể hiện sự thống trị chiến lược của họ đối với toàn bộ khu vực Biển Đông.

Trung Quốc hiểu rõ ràng rằng việc sở hữu một quân đội và hải quân hùng mạnh sẽ giúp nước này trở nên đáng gờm trong các vấn đề toàn cầu. Trung Quốc bắt đầu hiện đại hóa hải quân sau khi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Tính đến nay, Trung Quốc sở hữu 360 tàu chiến, vượt qua hải quân Mỹ với 297 tàu. Nước này dự kiến có tổng cộng khoảng 400 tàu chiến vào năm 2025 và 425 tàu vào năm 2030. Trong khi đó, năng lực của đội tàu, máy bay và vũ khí của Hải quân Trung Quốc có thể so sánh với các hải quân lớn của Phương Tây. Bên cạnh đó, Hải quân Trung Quốc đang hiện đại hóa trên nhiều lĩnh vực, bao gồm bảo trì và hậu cần, học thuyết, chất lượng nhân sự, giáo dục – đào tạo, và các cuộc tập trận, đồng thời lực lượng này đang nhanh chóng giải quyết những khiếm khuyết và mở rộng Lực lượng cảnh sát biển của mình.

Hiện nay, có những bằng chứng cho thấy Biển Đông đang nhanh chóng bị quân sự hóa. Trong khi Mỹ tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) trong năm nay, thì Trung Quốc cũng gia tăng các hoạt động quân sự, thể hiện ở việc quân đội nước này có phản ứng đối đầu với các tàu hải quân Mỹ đi qua Hoàng Sa và Trường Sa. Tình hình này đang làm tăng nguy cơ khiến quan hệ Mỹ-Trung “khủng hoảng” hơn do vấn đề Biển Đông.

Đã đến lúc các nước ASEAN cần có lập trường vững chắc của riêng mình hoặc đồng lòng với Mỹ, Australia, Nhật Bản, và Ấn Độ.

Các nước Đông Nam Á cho rằng Bắc Kinh đã lợi dụng đại dịch để tiến tới và củng cố hơn nữa các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Đây cũng sẽ là thời điểm thuận lợi để có được một số lợi ích từ Mỹ nhằm đối phó với một đối thủ như Trung Quốc về lâu dài, đặc biệt trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Do sự chênh lệch lớn về sức mạnh và năng lực hải quân, các nước Đông Nam Á chỉ còn cách tự trang bị tốt hơn để kiểm soát các động thái của Trung Quốc trong các EEZ của họ.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực duy trì vai trò trung tâm của mình. Tháng 6 vừa qua, ASEAN đã bày tỏ lập trường ủng hộ Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và yêu cầu các bên liên quan tuân thủ công ước này. Nỗ lực của Việt Nam nhằm củng cố vị thế của ASEAN trong năm 2020 có thể là điều đúng đắn, song Brunei – quốc gia sẽ giữ chức chủ tịch ASEAN năm 2021 – có thể sẽ không duy trì được động lực chống lại Trung Quốc.

Trong nhiều thập niên, Brunei đã dựa vào nguồn dự trữ dầu mỏ để duy trì nền kinh tế và chế độ quân chủ cầm quyền. Tuy nhiên, khi dự trữ trong nước không còn đủ để duy trì đất nước trong tương lai, Brunei phải tìm ra những hướng đi mới để duy trì nền kinh tế.

Trung Quốc đã tung ra chiến lược “tấn công quyến rũ”, tận dụng nền kinh tế đang suy giảm của Brunei thông qua các khoản đầu tư và các dự án cơ sở hạ tầng.

Với 6 tỉ USD đầu tư vào một nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng địa phương, cùng với những lời hứa hẹn thúc đẩy hợp tác thương mại và nông nghiệp, Trung Quốc đã thực sự “mua” được sự im lặng của Brunei về Biển Đông cho đến bây giờ.

Là thành viên giàu thứ hai trong ASEAN, điều quan trọng nhất đối với Quốc vương Hassanal Bolkiah là duy trì nền kinh tế để đảm bảo sự ổn định của Vương quốc Brunei.

Brunei có các yêu sách đối với rạn san hô Louisa Reef, bãi ngầm Chim Biển (Owen Shoal) và bãi cạn Vũng Mây (Rifleman Bank). Tất cả đều được quốc gia này tuyên bố là những thực thể thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei vào năm 1984.

Tuy nhiên, Brunei lại là quốc gia duy nhất trong số các quốc gia yêu sách không khẳng định chủ quyền đối với các hòn đảo này và cũng không có bất kỳ sự hiện diện quân sự nào ở đây.

Trong tuyên bố được phát ngày 20/7/2020, Bộ Ngoại giao Brunei nhấn mạnh nước này luôn cam kết duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Tuy nhiên, “Các vấn đề cụ thể cần được giải quyết song phương bởi các quốc gia liên quan trực tiếp thông qua đối thoại và tham vấn hòa bình”.

Brunei đang cố gắng cân bằng giữa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và tiếp tục mối quan hệ bền chặt với Trung Quốc khi nhắc đến giải quyết song phương thay vì đa phương.

Các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc được lên kế hoạch triển khai trong năm 2021 có thể sẽ bị trì hoãn. Tuy nhiên, điều này sẽ không ngăn được Trung Quốc áp đặt những cách giải thích của riêng họ về COC. Tệ hơn là xu hướng này có thể khiến các nước không còn nỗ lực tăng cường can dự vào khu vực. Theo như thực tế hiện nay, các nước Đông Nam Á đang phải tự mình hành động.

Cho đến nay, Trung Quốc thường áp dụng chiến lược chia rẽ và chinh phục đối với các thành viên ASEAN, đặc biệt là với các bên tranh chấp ở Biển Đông như Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Tuy nhiên, trung lập và thân thiện với tất cả các bên là điều làm nên hiệu quả của ASEAN. Liệu ASEAN có thể hiệu chuẩn lại một lần nữa hay không?

Trường hợp Philippines là một thí dụ.

Chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Duterte cam kết trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 22/9/2020 rằng Manila sẽ duy trì phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016. “Phán quyết hiện là một phần của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài sự thỏa hiệp và ngoài tầm với của các chính phủ muốn buông lỏng hoặc không thừa nhận”, ông Duterte nói. “Chúng tôi kiên quyết phản đối những nỗ lực chống lại phán quyết này”, ngày 25/9/2020, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Rodrigo Duterte đã đạt được “đồng thuận quan trọng” về việc “gạt tranh chấp trên biển sang một bên, quản lý tình hình thông qua tham vấn song phương và tăng cường đối thoại, hợp tác”.

Tại sao Duterte thay đổi lập trường? Bất chấp đại dịch COVID-19, những hợp đồng mới của Trung Quốc cho các dự án ở Philippines trong 6 tháng đầu năm 2020 đã tăng 26,5%, là bằng chứng cho thấy mối quan hệ kinh tế đã thay đổi lập trường chính trị của Philippines.

Nhưng thực tế như thế nào? Duterte gác lại phán quyết để đảm bảo nhận được các khoản vay và đầu tư từ Trung Quốc, nhưng trong số 24 tỷ USD Bắc Kinh cam kết, chưa đến 5% trở thành hiện thực, trong khi nhiệm kỳ của Duterte chỉ còn chưa đầy hai năm. Xem ra Duterte thích đếm vịt trời hơn những gì mà Philippines đã đối phó với Trung Quốc trong quá khứ và nó sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.

Mỹ bày tỏ sẵn sàng tăng cường hỗ trợ các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thông qua việc chuyển giao các thiết bị như radar, máy bay không người lái và tàu tuần tra nhằm giúp giám sát tốt hơn các hoạt động của Trung Quốc trong EEZ của các nước này, đặc biệt là hoạt động đánh bắt trái phép cũng như sự hiện diện của các tàu chính phủ Trung Quốc.

Gần đây, Mỹ đã hỗ trợ thêm cho Việt Nam một tàu tuần tra nhằm tăng cường năng lực cho cảnh sát biển Việt Nam. Mới đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thách thức Bắc Kinh khi giúp Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải. Hai nước đã ký kết một Bản ghi nhớ chung (MOU). Có thể thấy, thành phần chính của MOU giữa Hà Nội và Washington bao gồm các hỗ trợ trực tiếp chống lại hành vi đe dọa ngư dân Việt Nam đánh bắt ở Biển Đông và thúc đẩy hợp tác để đảm bảo duy trì bền vững tài nguyên biển, chống lại các hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU). Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố: “Thế giới không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế biển của riêng họ. Mỹ sẽ sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế.”

Việt Nam cần một “đại chiến lược” bền vững nếu như muốn có một chính sách độc lập đối phó với Trung Quốc.

Thứ nhất, “Một đại chiến lược” về kinh tế không phụ thuộc vào cường quốc nào, mà đầu tiên trong đó cần phải làm triệt để là không phải chờ đón đại bàng bay vào làm tổ mà phải lót sẵn tổ bằng những biện pháp cụ thể để triệt phá lợi ích nhóm, tham nhũng, quan liêu cửa quyền và bất nhất trong chính sách.

Thứ hai, “Một đại chiến lược” về quốc phòng và quân sự thực sự cần hướng tất cả các thể chế vào việc chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xảy ra một cuộc chiến tranh thông thường; đầu tư mạnh vào năng lực tấn công chính xác cả trong môi trường đất liền, trên biển và trên không, với sự hỗ trợ của các năng lực phi quân sự và trong không gian mạng; đồng thời phải củng cố mối quan hệ với các đối tác quốc phòng trong khu vực để có được nhận thức chung về không gian mạng, trên không và trên biển; và cần hợp tác với Mỹ với tư cách là một đối tác đáng tin cậy cùng chung tầm nhìn.

Để đạt được các mục tiêu này, lãnh đạo Việt Nam cần phải thực sự đặt lợi ích của dân tộc và chủ quyền biển đảo của đất nước lên trên hết. Mặc dù các lãnh đạo Việt Nam luôn tuyên bố “chủ quyền biển đảo là thiêng liêng”, “không đánh đổi chủ quyền bằng bất cứ thứ gì”, “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Tuy nhiên trong thực tế thì có rất nhiều thứ mà người dân lo ngại. Với những gì đang diễn ra hiện nay, nhiều người dân tin rằng, Trung Quốc đang ráo riết can thiệp vào chính trị nội bộ của Việt Nam trong khi một bộ phận lãnh đạo Việt Nam đang tập trung cho Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp tới và một bộ phận vẫn ôm khư khư lập trường về tư duy chính trị quốc tế không khác tư duy chính trị quốc tế thời chiến tranh lạnh, điều đó thể hiện trong nhiều phát biểu của lãnh đạo cấp cao vừa qua.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vietnam-leaders-need-to-put-sovereignty-and-national-interests-first-priority-10012020103808.html

 

Đại hội 13:  “Kịch tính”

chuyển giao quyền lực tổng bí thư?

TS. Phạm Quý Thọ

“Trường hợp đặc biệt”, từng là “bất thường” tại Đại hội 12, nay tiếp tục “nóng”, trong đó việc chuyển giao quyền lực tổng bí thư đang là “kịch tính”, trước thềm Đại hội 13 tới đây. Khác với trước đây, lần này truyền thông của Đảng đưa công khai để dọn đường dư luận.

Việc Đảng Cộng sản giới thiệu một hay hơn các ứng viên không nằm trong tiêu chuẩn đã quy định để có thể tham gia hoặc tiếp tục giữ chức vụ quan trọng nhất của chế độ được gọi là “trường hợp đặc biệt”.

Bài viết phân tích “trường hợp đặc biệt” trong bối cảnh khủng hoảng của quá trình chuyển đổi chế độ đảng toàn trị nói chung. Đối với Việt Nam việc phá vỡ các tiêu chuẩn chuyển giao quyền lực liên tiếp trong hai nhiệm kỳ phản ánh một trong dấu hiệu “tình huống bất ổn”.

Liệu quá trình chuyển đổi chế độ sẽ thay đổi như thế nào và liệu việc chuyển giao quyền lực ai sẽ là tổng bí thư tại Đại hội 13 là hai khía cạnh của cùng vấn đề được quan tâm.

Chuyển đổi đang khủng hoảng

Dưới chế độ đảng cộng sản toàn trị các lãnh tụ có vai trò quyết định bởi quyền lực tập trung tuyệt đối, điển hình trong thời kỳ sau cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và cho một số nước như Trung Quốc, Việt Nam và Cu Ba theo ý thức hệ này sau khi giành độc lập. Các lãnh tụ thường duy trì quyền lực tối cao suốt đời, cho đến chết. J. Stalin cai trị Liên Xô cũ 36 năm (1927–1953), Mao Trạch Đông cầm quyền ở Trung Quốc từ năm 1949 cho đến khi qua đời năm 1976, F. Castro lãnh đạo Cu Ba khoảng 50 năm từ năm 1961 –2011…

Thực tế đã minh chứng nhận định của John Locke là đúng khi cho rằng quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hoá tuyệt đối, và các nhà nghiên cứu chính trị cho rằng chế độ chuyên chế đã đang chuyển đổi. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh các tiêu chuẩn chuyển giao quyền lực được thiết lập, như giới hạn không quá 2 nhiệm kỳ, quy định độ tuổi cho cấp lãnh đạo, cơ chế lãnh đạo tập thể… tuỳ thuộc mỗi quốc gia cộng sản.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh, đặc biệt gần đây các tiêu chuẩn trên bị phá vỡ thường xuyên hơn với nhiều hình thức biểu hiện phức tạp. Tập Cận Bình, sau khi bắt đầu nhiệm kỳ cai trị thứ hai 2017-2022, đã thay đổi hiến pháp và điều lệ đảng để có thể tiếp tục duy trì chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước; hoặc hậu cộng sản. V. Putin cũng đã có động thái tương tự sau khi ở cương vị Tổng thống Liên bang Nga hơn 20 năm. A. Lukashenko đã cai trị Belarus 28 năm, từ 1991 đến nay, và đang bị cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử trong cuộc bầu cử vào tháng 8/2020…

Mô hình Trung Quốc dường như không còn là “biểu tượng” đối với các nước mới nổi. Việc bộc lộ ngày càng hung hăng tính chất chuyên chế của chế độ toàn trị trong bối cảnh khủng hoảng y tế và kinh tế gây nên bởi đại dịch COVID-19. Ngoài ra, sự leo thang căng thẳng cuộc thương chiến dẫn đến đối đầu Mỹ – Trung sang các hồ sơ bành trướng lãnh hải, lãnh thổ, nhân quyền, dân chủ, dân tộc và tôn giáo… kéo theo sự thay đổi chính sách ngoại giao của các nước Phương Tây… Một trật tự thế giới mới đang được dự báo, có thể là “cuộc chiến tranh lạnh mới”, trong đó thời kỳ chuyển đổi của chế độ chuyên chế có thể sẽ chấm dứt?

Kịch tính chuyển giao quyền lực

Chế độ đảng cộng sản ở Việt Nam, không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi nêu trên, cũng đang trong khủng hoảng. Từ sau khi có đường lối Đổi mới, năm 1986, Đảng “mở cửa” để hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới việc chuyển giao quyền lực đã diễn ra theo các tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo là tương đối ‘trật tự’. Tuy nhiên, một quan sát rất đáng lưu tâm để có lý giải thoả đáng, rằng công tác quy hoạch cán bộ, trong có vị trí tổng bí thư đảng luôn gặp thách thức, hơn thế đã không thể được thực hiện. Quá trình chuyển giao quyền lực qua các thế hệ lãnh đạo dường như đang thay đổi nhằm hạn chế tốc độ cải cách thể chế kinh tế theo hướng thị trường.

Đã có những ‘đồn đoán’ về phe phái được cho “cải cách” và “bảo thủ” trong Đảng. Tuy nhiên, theo tôi, đã không tồn tại bất cứ dấu hiệu “chuyển hoá” sang chế độ dân chủ, mà chủ yếu là sự khác biệt về quan niệm và cách thức điều hành nền kinh tế “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong nhiệm kỳ trước những sai lầm của chính sách tăng trưởng nóng vội và cải cách thể chế chính trị trì trệ bởi ý thức hệ, không phù hợp với chuyển đổi kinh tế đã dẫn đến hậu quả “nhà nước tư bản thân hữu” với những “nhóm lợi ích”, quan chức suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng trầm trọng…

“Trường hợp đặc biệt” quá tuổi theo quy định được cho là “bắt buộc” khi được áp dụng tại Đại hội 12 đối với chức danh tổng bí thư và 4 uỷ viên trung ương trong điều kiện bất ổn thể chế và kinh tế vĩ mô. Dàn cán bộ lãnh đạo cấp cao của nhiệm kỳ 12 này được cho là kết quả thoả hiệp theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Đây cũng chính là lý do để Đảng tập trung quyền lực cao hơn để duy trì sự tồn vong của chế độ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng được tăng cường. Một mặt, Đảng ban hành các quy định mới về công tác cán bộ, trong đó có các tiêu chuẩn riêng cho từng loại lãnh đạo cấp cao nhất. Mặt khác, nhiều tổ chức đảng và hàng nghìn quan chức bị kỷ luật và kết án tù vì vi phạm quy định của đảng và pháp luật trong chiến dịch chống tham nhũng và “suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống”.

Việc chuyển giao quyền lực tiếp tục bất ổn khi “trường hợp đặc biệt”  trở nên kịch tính trước thềm Đại hội 13. Truyền thông của Đảng nhấn mạnh rằng xem xét trường hợp đặc biệt “phải vì lợi ích của Đảng, của Nhân dân” và lý giải quy trình này. Thời gian một nhiệm kỳ dường như chưa đủ để thử thách ứng viên thay thế chức vụ tổng bí thư hiện tại, vốn đã là “trường hợp đặc biệt” tại Đại hội 12. Nhà phân tích chính trị Việt Nam David Hutt suy đoán, rằng “cuộc đua tam mã”, nghĩa là có ba “trường hợp đặc biệt” quá tuổi, hiện đang nắm các vị trí chủ chốt, đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Một hay ba trường hợp đặc biệt, thậm chí Tổng bí thư đương nhiệm có thể “kéo dài để giữ ổn định”… vẫn là phương án chứa đựng “kịch tính”,  bởi vì, theo quy trình, kết quả được quyết định bởi lá phiếu của các uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành trung ương khoá 12, nhưng trên chính trường  luôn có những bất ngờ, nhất là còn đó những bài học từ những trường hợp đặc biệt trong nhiệm kỳ trước!

Tóm lại, việc chuyển giao quyền lực dưới chế độ đảng toàn trị một cách hoà bình và trật tự như trước đây có thể đã chấm dứt. Khi người dân đứng ngoài “trò chơi quyền lực” thì sự ổn định chế độ vẫn phụ thuộc vào ‘sự anh minh’ và vai trò của tổng bí thư đảng.

Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/party-congress-13-dramatic-leadership-transition-10012020113258.html

 

Điểm tin trong nước sáng 1/10:

Đức nêu trách nhiệm lên tiếng về vấn đề Biển Đông;

13 học sinh buồn nôn, lăn ra ngất xỉu đồng loạt ở Hà Tĩnh

Tâm Tuệ

Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Năm (1/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Đức nêu trách nhiệm lên tiếng về vấn đề Biển Đông

Chúng tôi thấy cần có trách nhiệm phải lên tiếng về vấn đề Biển Đông vì là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Đó là trả lời của Đại sứ Đức tại Việt Nam, Tiến sĩ Guido Hildner, vào hôm 30/9 khi được báo giới hỏi về tuyên bố gần đây của Anh, Pháp, Đức trong vấn đề Biển Đông và công hàm mà 3 nước này gửi lên Liên Hiệp Quốc hồi giữa tháng 9 phản bác yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.

Truyền thông trong nước dẫn phát biểu trên của Đại sứ Đức Guido Hildner đưa ra trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào cùng ngày.

Đại sứ Đức còn khẳng định rằng quan điểm của 3 nước Anh, Pháp và Đức về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và không thay đổi. Theo Đại sứ Đức tại Việt Nam thì UNCLOS là kim chỉ nam để giải quyết các vấn đề trên biển vì công ước này có đầy đủ nội dung, bao trùm và hoàn thiện mọi vấn đề từ chủ quyền biển đảo đến việc giải thích các thuật ngữ được sử dụng và cách giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh.

Ông Guido Hildner nêu lý do vì sao 3 nước Anh, Pháp và Đức ra tuyên bố về Biển Đông vào thời điểm này: trước hết vì tất cả những gì liên quan đến an ninh, tự do hàng hải và hàng không đều liên quan đến quyền lợi của Liên minh Châu Âu (EU); việc lên tiếng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và các nước khác là thành viên trong UNCLOS 1982.

Phía Đức đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong định hình Tân Thủ tướng Nhật Bản muốn đến thăm Việt Nam vào tháng 10

Theo tờ Nikkei, Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đang cân nhắc tới thăm Việt Nam vào giữa tháng 10 trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi đầu tháng 9. Ngoài Việt Nam, ông Suga cũng dự tính tới thăm Indonesia.

Đây sẽ là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Suga kể từ khi nhậm chức.

Theo truyền thông Nhật Bản, ông Suga sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu có thực hiện chuyến công du này hay không sau khi đánh giá tình hình dịch Covid-19 tại hai quốc gia Đông Nam Á nói trên, nơi dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả hơn so với những quốc gia ở Mỹ và châu Âu.

Nếu đến Việt Nam, ông Suga sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trao đổi việc nối lại việc đi lại và kinh doanh giữa hai nước.

Ngoài ra, ông Suga cũng muốn phối hợp các nỗ lực với Việt Nam và Indonesia liên quan đến vấn đề Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng kinh tế và quân sự Mỹ – Trung tiếp tục nóng lên. Các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cảnh báo rằng tranh chấp có thể leo thang thành xung đột cục bộ.

Nhật Bản nhiều khả sẽ cố gắng kêu gọi các đối tác ASEAN đảm bảo ổn định khu vực trong nỗ lực kiềm chế tham vọng thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc.

13 học sinh buồn nôn, lăn ra ngất xỉu đồng loạt ở Hà Tĩnh

Sáng hôm 30/9, 13 em học sinh lớp 4C, trường Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Kỳ Hoa đang ngồi học bình thường thì bất ngờ có biểu hiện buồn nôn, lăn ra ngất xỉu đồng loạt.

Nguồn tin từ báo địa phương cho hay, sự việc xảy ra vào khoảng 8h. Những em này sau đó được chuyển sang Trạm Y tế xã Kỳ Hoa để điều trị.

Quyền Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Kỳ Anh – ông Võ Văn Phong thông tin, sau khi tiếp nhận, nhân viên y tế đã cho các em uống nước đường và trị liệu bằng các phương pháp tâm lý; sau đó vài chục phút thì các em lần lượt tỉnh táo lại. Đến trưa cùng ngày, các em được phụ huynh đón về nhà.

Nguyên nhân bước đầu được cho là do những em này có thể bị rối loạn phân ly. Biểu hiện của rối loạn này bắt đầu từ một người mắc bệnh và những người xung quanh có xu hướng “bị lan truyền”.

Theo ông Phong, “Hiện sức khỏe của 13 em đã ổn định. Chúng tôi đang phối hợp với các bên liên quan điều tra rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc”.

Việt Nam thiếu hơn 45.000 giáo viên mầm non

Các địa phương tại Việt Nam hiện vẫn thiếu hơn 45 ngàn giáo viên mầm non dù đã được bổ sung hơn 20 ngàn giáo viên mầm non vào biên chế trong năm học 2019-2020.

Thông tin trên được Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết tại Hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 được báo Tổ quốc đăng tải hôm 30/9.

Theo ông Minh, trên toàn lãnh thổ Việt Nam có hơn 15.000 trường mầm non nhưng có gần 24.000 điểm trường lẻ (nhóm lớp tư thục). Những địa bàn có khu công nghiệp hệ thống trường mầm non chỉ đáp ứng 44,4% nhu cầu, số còn lại phải gửi vào các nhóm lớp tư thục.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-1-10-duc-neu-trach-nhiem-len-tieng-ve-van-de-bien-dong-13-hoc-sinh-buon-non-lan-ra-ngat-xiu-dong-loat-o-ha-tinh.html

 

Điểm tin trong nước tối 1/10: TP. Lào Cai ngập sâu,

Nhà máy thủy điện bất ngờ xả lũ; Việt Nam bình luận

việc Anh, Pháp, Đức gửi công hàm về Biển Đông

Tâm Minh – Hiểu Minh

Mục Điểm tin trong nước tối thứ Năm (1/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Hòa Bình yêu cầu ‘xã hội hóa’ khẩu hiệu 11 chữ gần 11 tỷ đồng

Trên báo Thanh Niên ngày 1/10 có tin ‘Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu xã hội hóa khẩu hiệu 11 chữ hơn 10 tỷ đồng’ nói về việc lãnh đạo tỉnh này đã họp bàn về dự án xây dựng khẩu hiệu lãng phí trên đồi Ông Tượng gây bức xúc dư luận trong những ngày qua.

Theo đó, các cơ quan chức năng yêu cầu phải làm rõ các nội dung phản ánh của dư luận thời gian qua và kiểm tra các sai phạm nếu có.

Đồng thời lãnh đạo tỉnh Hoà Bình cũng kêu gọi vận động xã hội hóa, để các tổ chức và cá nhân góp vốn cho dự án đang dang dở này.

Tử vong vì trúng 13 viên đạn súng săn

Báo VnExpress thông tin, sáng 1/10, Nhưng đang bị Công an huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) tạm giữ hình sự để làm rõ cái chết của anh Hồ Văn Minh, 29 tuổi.

Theo điều tra, Nhưng mua súng săn trên mạng xã hội. Hôm qua, anh ta vào rừng ở xã Trà Thủy săn khỉ thì Minh xin đi theo để chỉ đường.

Tuy nhiên, vài giờ sau, Nhưng đến công an trình báo “Minh đã chết”. Lý giải điều này, anh ta cho biết trên đường vào rừng đã bị trượt chân ngã, “súng văng ra và cướp cò” trúng tay và ngực Minh khiến nạn nhân tử vong. Bước đầu công an ghi nhận thi thể nạn nhân có 13 vết đạn.

Việt Nam bình luận việc Anh, Pháp, Đức gửi công hàm về Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong họp báo thường kỳ chiều nay (1/10) đã bình luận về phản ứng của Việt Nam trước thông tin Anh, Pháp, Đức gửi công hàm chung lên nhằm phản bác những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông hôm 16/9.

“Lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan Biển Đông là nhất quán và đã được thể hiện trong nhiều dịp khác nhau”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của Zing tại họp báo.

Theo đó, Việt Nam cho rằng các nước cần chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung về duy trì ổn định và thúc đẩy hòa bình, hợp tác ở Biển Đông. Để thực hiện điều này, theo người phát ngôn, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ UNCLOS là thiết yếu.

“Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam chia sẻ quan điểm như đã nêu… theo đó, UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương”, bà Hằng nói.

Người phát ngôn nói thêm rằng với tinh thần đó, Việt Nam mong tất cả các nước cùng các nước đối tác ASEAN sẽ đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác tại Biển Đồng, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác phù hợp với luật pháp quốc tế và lợi ích chung cũng như nguyện vọng của các nước và cộng đồng quốc tế.

TP. Lào Cai ngập sâu, Nhà máy thủy điện Bắc Hà bất ngờ xả lũ

Dân Trí đưa tin, Lào Cai đang chịu cảnh ngập lũ lụt sau khi một cơn mưa rất to đã trút xuống thành phố vào đêm qua và sáng sớm hôm nay, 1/10.

Tại phường Cốc Lếu, mưa lớn kéo dài khiến hàng chục nhà bị ngập sâu khoảng 1m, gây hư hỏng tài sản. Nhiều đồ đạc bị dòng nước lũ đẩy trôi ra ngoài đường. Nguy hiểm hơn, đất đá từ trên đồi sạt lở đã đe doạ đến tính mệnh người dân.

Nước từ trên cao dồn về khiến đường Nhạc Sơn ngập lụt từ 1-1,2m; giao thông bị tắc nghẽn nhiều giờ sáng nay.

Tại phường Duyên Hải, khu vực tổ 4 và 7 cũng bị ngập sâu khoảng 1m, nhiều ô tô, xe máy, đồ dùng điện… của dân bị ngâm trong nước. Một số chuồng trại chăn nuôi lợn bị ngập sâu…

Lượng nước đổ về các sông tăng nhanh buộc Nhà máy thuỷ điện Bắc Hà trên sông Chảy phải xả lũ để đảm bảo an toàn cho thân đập.

Hiện nay lũ trên sông Chảy vẫn tiếp tục lên nhanh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các xã ven sông của các huyện Bắc Hà, Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) và huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái).

Trường Mầm non Trump Kids tạm dừng trông con gái người đánh bé 2 tuổi

Theo báo Zing, Trường Mầm non Trump Kids ở phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai chiều 1/10 đã tạm không nhận trông nom bé H.C.T., 2 tuổi, vì tránh gây hoang mang cho những phụ huynh gửi con tại đây.

Trước đó, vào ngày 30/9, trong lúc chơi đùa, bé H.C.T. bị bạn cùng lớp là bé P.T.B.A. cắn vào tay. Bố của bé T. là anh Hoàng Văn Hùng thấy con gái khóc đã hỏi 2 cô giáo phụ trách lớp rồi đánh, giật tóc bé A. khiến bé hoảng sợ.

Video cảnh anh Hùng đánh bé 2 tuổi sau đó lan truyền trên mạng khiến nhiều người bức xúc.

Hiện cơ quan công an đã mời anh Hùng lên làm việc.

Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc mưu đồ thống trị toàn cầu, đối nội vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, đối ngoại tận sức bắt nạt các nước khác

Đã viết thơ tuyệt mệnh, người đàn ông bất ngờ khỏi bệnh ung thư máu như thế nào?

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-1-10-tp-lao-cai-ngap-sau-nha-may-thuy-dien-bat-ngo-xa-lu-viet-nam-binh-luan-viec-anh-phap-duc-gui-cong-ham-ve-bien-dong.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.