Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 04/10/2020

Sunday, October 4, 2020 5:54:00 PM // ,

 Tin khắp nơi – 04/10/2020

Trump nói sức khỏe tốt, nhưng vài ngày tới là ‘xét nghiệm thực sự’

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sức khỏe ông đang tốt, nhưng vài ngày tới mới là “xét nghiệm thực sự”.

Đoạn video, được đăng trên Twitter tối thứ Bảy, xuất hiện sau những thông điệp hỗn hợp trước đó trong ngày về sức khỏe của ông Trump sau khi bị chẩn đoán đã nhiễm Covid-19.

Bác sĩ của tổng thống nói cuối ngày thứ Bảy rằng tình trạng ông đang tốt và đã đạt được “tiến bộ đáng kể kể từ khi chẩn đoán”.

Ông Trump đang trải qua đêm thứ hai trong bệnh viện.

Bác sĩ Sean Conley nói trong một tuyên bố rằng “tuy chưa hết nguy hiểm, nhóm nghiên cứu vẫn lạc quan một cách thận trọng” về tình trạng của tổng thống.

Trước đó vài giờ, trong đoạn tin nhắn video dài 4 phút, ông Trump, mặc áo vest và áo sơ mi không thắt cà vạt, gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ và y tá tại Bệnh viện Quân đội Quốc gia Walter Reed gần Washington DC, nơi ông đang được điều trị.

“Khi đến đây, tôi cảm thấy không được khỏe lắm, bây giờ tôi tốt hơn nhiều”, ông Trump nói, sau đó nói thêm: “Trong khoảng thời gian vài ngày tới, tôi đoán sẽ là xét nghiệm thực sự. Chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra vài ngày tới.”

Trump nói ông muốn tiếp tục lên đường vận động tranh cử. Ông sẽ đối mặt với Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11.

Kết quả thử nghiệm dương tính với Covid-19, được tổng thống công bố trong một tweet sáng thứ Sáu, đã khiến chiến dịch tranh cử của ông đảo lộn và cũng gây bất an về nỗ lực tìm cách xác nhận một thẩm phán mới vào Tối cao Pháp viện trước ngày bầu cử.

Chụp lại video,

Trump nói về Covid-19: lời của chính ông

Chúng ta biết gì về tình trạng của Trump?

Sáng thứ Bảy, bác sĩ Conley nói tổng thống hiện không được cấp thêm oxy và đã không bị sốt trong vòng 24 giờ.

Tổng thống dự kiến sẽ ở lại bệnh viện Walter Reed trong “vài ngày”, theo Nhà Trắng.

Bác sĩ Conley nói ông “lạc quan một cách thận trọng” về tình trạng của ông Trump nhưng không thể đưa ra thời khóa biểu cho việc xuất viện của tổng thống.

Tuy nhiên, Chánh văn phòng Nhà Trắng, Mark Meadows, bày tỏ sự quan ngại về tình trạng sức khỏe của tổng thống, nói rằng ông vẫn chưa có được con đường hồi phục rõ ràng.

Mark Meadows nói với các phóng viên rằng sức khỏe của tổng thống trong 24 giờ qua “rất đáng quan tâm” và 48 giờ tới sẽ rất quan trọng.

Tổng thống, 74 tuổi, nam giới, và là một người được phân loại là béo phì, nằm trong nhóm có nguy cơ cao hơn đối với Covid-19. Cho đến nay, ông đã được điều trị bằng cách tiêm cocktail thuốc thử nghiệm và thuốc kháng virus Remdesivir.

Covid gây nguy hiểm tới đâu cho sức khoẻ ông Trump?

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trump bệnh quá nặng để làm tổng thống?

Cử tri lớn tuổi nghĩ gì về tin Tổng thống Donald Trump nhiễm Covid-19?

Tại cuộc họp báo hôm thứ Bảy, Bác sĩ Conley từ chối cho biết liệu tổng thống đã có bao giờ được tiếp oxy hay chưa mặc dù liên tục bị hỏi về việc này. “Không truyền oxy lúc này và ngày hôm qua với đội ngũ y tế, trong khi tất cả chúng tôi ở đây, ông không được truyền oxy,” Conley nói.

Ngay sau đó, một số báo chí Mỹ đưa tin là các bác sĩ đã truyền oxy bổ sung cho tổng thống tại Nhà Trắng hôm thứ Sáu trước khi quyết định chuyển ông đến bệnh viện Walter Reed. Không rõ liệu ông đã có bị khó thở và cần được trợ thở hay không.

Trong một tuyên bố vào buổi tối, đội ngũ y tế của ông Trump nói tổng thống đã hoàn thành liều Remdesivir thứ hai.

Họ nói ông đã dành phần lớn buổi chiều để “làm việc và đi lại trong phòng y tế mà không gặp khó khăn gì”.

Được biết sức khỏe đệ nhất phu nhân Melania Trump, người cũng xét nghiệm dương tính với Covid-19, đang tiến triển tốt và tiếp tục nghỉ ngơi tại Nhà Trắng.

Ai khác quanh tổng thống bị dương tính?

Bác sĩ Conley không trả lời các câu hỏi về thời điểm và địa điểm mà ông tin rằng Trump đã bị nhiễm bệnh. Một cuộc gặp gỡ đông đúc ở Vườn Hồng cuối tuần trước, khi tổng thống chính thức tuyên bố đề cử bà Amy Coney Barrett bảo thủ làm thẩm phán mới tại Tối cao Pháp viện, đang bị mọi người soi xét kỹ.

Ngoài tổng thống và đệ nhất phu nhân, sáu người khác có mặt trong cuộc gặp mặt này đã được xác nhận nhiễm virus. Hôm thứ Bảy, cố vấn chiến dịch tranh cử và cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie trở thành người mới nhất báo cáo kết quả dương tính.

Cho đến giờ, những người khác có kết quả dương tính quanh ông Trump gồm trợ lý thân cận Hope Hicks – được cho là người đầu tiên có các triệu chứng – quản lý chiến dịch tranh cử Bill Stepien và cựu cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway.

Trong khi đó, Lãnh đạo Đa số Đảng Cộng hòa Mitch McConnell nói Thượng viện sẽ hoãn những phiên họp đầy đủ cho đến ngày 19/10, nhưng công việc tại Ủy ban Tư pháp – cơ quan sẽ xét việc được đề cử của Thẩm phán Barrett – sẽ tiếp tục.

Tối thứ Bảy, thượng nghị sĩ McConnell công bố trong một tweet rằng ông đã gọi điện thoại nói chuyện với tổng thống, nghe giọng ông có vẻ ”tốt và nói rằng ông đang cảm thấy tốt”.

Ông Trump vẫn nắm quyền. Phó tổng thống Mike Pence, người theo hiến pháp mà tổng thống sẽ chuyển giao quyền lực tạm thời nếu ông Trump bị ốm quá nặng để có thể thực hiện nhiệm vụ, đã xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Tổng thống được nhìn thấy lần cuối trước công chúng tối thứ Sáu. Trước khi được đưa đến bệnh viện quân y, ông vẫy tay chào các phóng viên nhưng không nói gì trước khi lên trực thăng.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54406178

 

TT Trump cám ơn các ủng hộ viên

Tổng thống Trump mới ngỏ lời cám ơn các ủng hộ viên từ bệnh viện nơi ông đang được chữa trị sau khi nhiễm COVID-19, theo Reuters.

Trên Twitter sớm ngày 4/10, ông Trump viết: “Cám ơn rất nhiều!” Tổng thống Mỹ đăng lại một video của Giám đốc phụ trách mạng xã hội của Nhà Trắng Dan Scavino, cho thấy nhiều người bấm còi xe ôtô, reo hò và vẫy cờ ủng hộ ông bên ngoài Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed tối ngày 3/10.
Tới sáng ngày 4/10, đoạn video dài 24 giây này đã có 3,4 triệu lượt xem.

Một ngày sau khi được đưa tới cơ sở y tế trên, ông Trump hôm 3/10 đăng một đoạn video dài hơn 4 phút trên Twitter.

Tổng thống Mỹ nói: “Trong khoảng thời gian vài ngày tới, tôi đoán đó sẽ là cuộc trắc nghiệm thực sự, vì vậy chúng ta sẽ chờ xem điều gì xảy ra trong vài ngày tới”.

Theo Reuters, các đánh giá khác nhau hôm 3/10 của quan chức chính quyền về tình trạng sức khỏe của ông Trump không cho thấy rõ tình trạng bệnh tình của nguyên thủ Mỹ nặng ra sao sau khi được chuẩn đoán nhiễm COVID-19 tối ngày 1/10.

Một nhóm bác sĩ của Nhà Trắng được hãng tin Anh dẫn lời nói sáng 3/10 rằng bệnh tình của ông Trump đã cải thiện và rằng ông đã nói tới chuyện trở lại Nhà Trắng.

Vài phút sau đó, theo Reuters, khi trao đổi với các phóng viên, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đưa ra một nhận định kém sáng sủa hơn.

Ông Meadows được hãng tin này trích lời nói hôm 3/10 rằng “các dấu hiệu sinh tồn của tổng thống trong vòng 24 giờ qua rất đáng ngại” và rằng việc chăm sóc ông “trong vòng 48 giờ tới hết sức quan trọng”.

Reuters trích lời quan chức Nhà Trắng này nói thêm rằng hiện chưa thấy “một lộ trình hồi phục hoàn toàn rõ ràng”.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-c%C3%A1m-%C6%A1n-c%C3%A1c-%E1%BB%A7ng-h%E1%BB%99-vi%C3%AAn/5608295.html

 

Sự kiện tại Vườn Hồng,

Nhà Trắng bị soi kỹ về lây lan của Covid-19

Sự kiện Vườn hồng hôm 26/9/2020, khi TT Trump giới thiệu bà Amy Coney Barrett, người ông đề cử vào Tối cao Pháp viện

Dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu xác nhận rằng ông và vợ xét nghiệm dương tính với virus corona gây chấn động thế giới.

Với việc ông hiện đang phải nằm bệnh viện để điều trị, ngày càng có nhiều câu hỏi về việc hai vợ chồng ông đã bị lây nhiễm virus corona như thế nào.

Một sự kiện đông đúc ở Vườn Hồng – buổi lễ tuần trước, trong đó ông Trump chính thức tuyên bố đề cử bà Amy Coney Barrett bảo thủ vào Tối cao Pháp viện đang bị soi kỹ. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết thường mất 5 đến 6 ngày sau khi nhiễm virus, thường mất 5 đến 6 ngày sau khi nhiễm virus, bệnh nhân mới bắt đầu có triệu chứng.

Đoạn phim từ hiện trường cho thấy rất ít người tham dự hôm ấy đeo khẩu trang. Ghế ngồi không được đặt cách nhau hai mét, trong khi một số người nắm tay, bắt tay hoặc thậm chí ôm nhau để chào hỏi.

Tám người tham dự hiện sự kiện được xác nhận là bị nhiễm virus – mặc dù không rõ chính xác họ bị nhiễm ở đâu và khi nào. Ngoài tổng thống và Đệ nhất Phu nhân, còn có:

-Cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie hôm thứ Bảy thông báo đã nhiễm virus

-Kellyanne Conway, người từ chức cố vấn cấp cao của ông Trump trong tháng 8, xác nhận hôm thứ Sáu rằng bà có kết quả dương tính

-Mike Lee, một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ Utah, xác nhận xét nghiệm dương tính trên Twitter, cũng như thượng nghị sĩ North Carolina Thom Tillis

-Đại học Notre Dame xác nhận Mục sư John I Jenkins, chủ tịch của trường, cũng bị nhiễm Covid-19

-Một nhà báo giấu tên tham dự sự kiện này cũng bị nhiễm virus, theo Hiệp hội Phóng viên Nhà Trắng

Ông và bà Trump có kết quả dương tính sau khi giám đốc truyền thông của tổng thống, Hope Hicks, nhiễm virus. Bà Hicks không tham gia sự kiện Vườn hồng.

Hướng dẫn do Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh phổ biến khuyến nghị là mọi người phải cách xa nhau 2 mét ở ngoài trời, đồng thời phải đeo khẩu trang khi có người khác ở xung quanh.

Hàng chục nhà lập pháp và thành viên gia đình cũng như nhân viên Nhà Trắng có mặt tại sự kiện này. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính được ngồi ở vài hàng ghế đầu tiên trong sự kiện đông đúc.

 Tổng thống đứng cạnh Amy Coney Barrett khi bà đọc bài phát biểu. Bà Barrett xét nghiệm âm tính hôm thứ Sáu, theo một phát ngôn viên của Nhà Trắng.

Phó Tổng thống Mike Pence và phu nhân Karen cũng có kết quả âm tính. Ông Pence ngồi đối diện với bà Trump tại buổi lễ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Trump bệnh quá nặng để làm tổng thống?

Trump nói vài ngày tới mới là ‘xét nghiệm thực sự’

Covid gây nguy hiểm tới đâu cho sức khoẻ ông Trump?

Bộ trưởng Tư pháp William Barr ngồi cùng hàng ghế với phó tổng thống. Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp thông báo hôm thứ Sáu rằng ông Barr xét nghiệm âm tính.

Một số sự kiện vào thứ Bảy tuần trước cũng đã diễn ra bên trong. Một phóng viên CNN tweet bức ảnh của những người trong Nhà Trắng.

Giới theo dõi virus corona của Đại học Johns Hopkins cho biết có 7,3 triệu người ở Mỹ đã nhiễm virus, con số cao nhất trên thế giới.

Nước này cũng có số tử vong cao nhất, với hơn 208.000 người thiệt mạng.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54406179

 

Cựu Thống đốc Chris Christie

và các thành viên đảng Cộng Hòa khác

có kết quả dương tính với COVID-19

Cựu Thống đốc tiểu bang New Jersey Chris Christie thông báo ông đã xét nghiệm dương tính với coronavirus qua twitter vào thứ Bảy (3/10), sau khi có báo cáo hai thành viên Cộng hòa nổi tiếng khác, Thượng nghị sĩ Ron Johnson và chủ tịch đảng Cộng Hòa Ronna McDaniel cũng đã nhiễm virus.

Thông báo này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Trump thông báo trên Twitter rằng ông và phu nhân Melania Trump đã có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus. Các thành viên Đảng Cộng hòa nổi bật khác cũng có kết quả dương tính vào thứ Sáu (2/10), bao gồm cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc Kellyanne Conway và các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Lee và Thom Tillis.

Giám đốc chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump, ông Bill Stepien, cũng có kết quả dương tính với COVID-19 vào thứ Sáu và sẽ làm việc tại nhà. Chiến dịch tranh cử của tổng thống Trump hôm thứ Sáu

đã đình chỉ các sự kiện tranh cử trực tiếp liên quan đến tổng thống hoặc gia đình của ông. Nhưng Phó Tổng thống Mike Pence sẽ tiếp tục vận động tranh cử. Phó tổng thống Pence sẽ tổ chức một cuộc vận động vào ngày 8 tháng 10 tại Peoria, Arizona.

Phó Tổng thống Mike Pence, người sẽ đảm nhận nhiệm chức vụ tổng thống nếu tổng thống Trump bị ốm nặng, xét nghiệm âm tính. Hiện phó tổng thống 61 tuổi đang làm việc từ nơi cư trú của ông cách Tòa Bạch Ốc 3 dặm. (BBT)

https://www.sbtn.tv/cuu-thong-doc-chris-christie-va-cac-thanh-vien-dang-cong-hoa-khac-co-ket-qua-duong-tinh-voi-covid-19/

 

Tình trạng sức khỏe TT Trump :

Nhà Trắng bị chỉ trích vì đưa tin mâu thuẫn

Trọng Thành

Từ khi có thông tin chính thức về việc tổng thống Mỹ Donald Trump dương tính với virus, đêm ngày 01/10 qua ngày 02/10/2020, đến nay, Nhà Trắng đưa ra nhiều thông tin mâu thuẫn và không rõ ràng về tình trạng sức khỏe tổng thống. Phủ tổng thống Mỹ cũng bị chỉ trích là đã quá lơi lỏng trong việc phòng ngừa đại dịch Covid-19. Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi phải chăng chính Nhà Trắng đã trở thành một « ổ dịch ».

Theo AFP, trong ngày hôm qua, 03 tháng 10, một nguồn tin ẩn danh được coi là rất đáng tin cậy cho biết « các chỉ số sức khỏe cơ bản của tổng thống trong vòng 24 giờ qua là rất đáng lo ngại, và về phương diện điều trị, 48 giờ sắp tới sẽ mang tính quyết định ». Sau đó, truyền thông Mỹ xác nhận người đưa ra thông tin này không ai khác hơn là ông Mark Meadows, chánh văn phòng Nhà Trắng. Thông tin từ ông Mark Meadows dường như hoàn toàn mâu thuẫn với tuyên bố của các bác sĩ của Nhà Trắng, là sức khỏe tổng thống « rất tốt ».

Nhiều kênh truyền thông, trong đó có ABC, khẳng định ông Donald Trump đã được tiếp oxy, hôm thứ Sáu, 02/10, tại Nhà Trắng, trước khi được đưa đến bệnh viện quân y. Trả lời câu hỏi của báo giới về vấn đề này, bác sĩ của tổng thống, ông Sean Coley, chỉ giới hạn trong việc trả lời là trong ngày thứ Bảy 03/10, tổng thống không cần tiếp oxy. Bác sĩ Coley tránh trả lời câu hỏi của phóng viên về việc trong ngày thứ Năm 01/10 và từ khi đến bệnh viện, tổng thống Trump có được truyền oxy hay không.

Về vấn đề tổng thống đã có kết quả dương tính lần đầu vào lúc nào, bác sĩ của Nhà Trắng cũng đưa ra một thông tin cho thấy là xét nghiệm có thể đã được tiến hành vào ngày thứ Tư, 30/09, thay vì ngày thứ Năm 01/10, như thông báo chính thức trước đó.

Hiện tại, việc tổng thống Donald Trump bị nhiễm virus vào lúc nào và bằng con đường nào vẫn chưa có câu trả lời. Trả lời AFP, ông Ali Nouri, chủ tịch Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, chỉ trích việc Nhà Trắng đã « quá tin tưởng vào các xét nghiệm, và không coi việc mang khẩu trang và giữ khoảng cách trong các tiếp xúc là điều bắt buộc ».

Hàng loạt người thân cận với ông Trump nhiễm virus

Một sự kiện được giới chuyên gia đặc biệt chú ý. Hôm thứ Bảy tuần trước 26/09, tại Nhà Trắng, đa số trong hàng chục khách mời, tham dự buổi tổng thống chính thức thông báo bổ nhiệm thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện, đã không tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Theo các đoạn video quay lại sự kiện này, phần lớn khách mời không mang khẩu trang, một cử chỉ của đông đảo chính trị gia đảng Cộng Hòa được coi như thể hiện thái độ trung thành với tổng thống.

Hiện tại, danh sách những người thân cận với tổng thống mãn nhiệm Donald Trump nhiễm virus đang kéo dài. Ngoài phu nhân tổng thống, bà Melania, và cố vấn Hope Hicks, còn có giám đốc chương trình tranh cử Bill Stepien, ba thượng nghị sĩ Cộng Hòa, cựu cố vấn Kellyanne Conway, một cố vấn hiện nay của tổng thống Chris Christie, ông Nicholas Luna, một cộng sự thân cận khác của tổng thống… chưa kể ba nhà báo tham dự sự kiện này.

Vào thời điểm diễn ra cuộc tranh luận đầu tiên với ứng cử viên Joe Biden, hôm 29/09, tại Cleveland, chưa có thông tin về việc tổng thống Donald Trump bị nhiễm virus. Hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ, Donald Trump và Joe Biden, đã có cuộc tranh luận trên cùng một diễn đàn, trong vòng 90 phút. Hôm 02/10, ứng cử viên Biden đã xét nghiệm với kết quả âm tính. Hôm nay, ông Biden sẽ xét nghiệm Covid lần thứ hai.

Ngoại trưởng Mỹ rút ngắn chuyến công du châu Á 

Trong khi chờ đợi diễn biến sức khỏe của chủ nhân Nhà Trắng, ngoại trưởng Mike Pompeo, quyết định rút ngắn chuyến công du châu Á. Sau khi đến Tokyo trong ba ngày từ Chủ Nhật đến thứ Ba để hội kiến với đồng nhiệm Nhật, Úc và Ấn Độ (nhóm Quad - tứ giác kim cương), ngoại trưởng Mỹ trở về  Washington thay vì đi Hàn Quốc và Mông Cổ.

Theo phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, ông Pompeo sẽ trở lại châu Á trong tháng 10.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201004-trump-covid-19-nha-trang-thong-tin-mau-thuan

 

Triệu chứng COVID-19 của TT Trump ‘rất đáng lo ngại’

hôm Thứ Sáu; 48 giờ tới có tính quyết định

Tổng thống Mỹ Donald Trump trải qua một giai đoạn “rất đáng lo ngại” hôm thứ Sáu 2/10, và 48 giờ tới sẽ có tính quyết định về việc chữa trị cho tình trạng ông bị nhiễm virus corona chủng mới, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows nói hôm thứ Bảy 3/10, AP đưa tin.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời một người nắm tình hình sức khỏe của Tổng thống Trump cho biết cùng ngày 3/10 là ông Trump chưa chuyển sang giai đoạn bình phục rõ rệt sau khi nhiễm COVID-19, và một vài dấu hiệu sinh tồn của ông trong 24 giờ qua là rất đáng lo ngại.

Nhận xét của nguồn tin này về tình trạng y tế của tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa dường như mâu thuẫn với đánh giá mà một nhóm bác sĩ đưa ra trong cuộc họp báo trước đó cũng trong ngày 3/10, rằng ông “đang rất khỏe”, bản tin của Reuters tường thuật.

Một trong những bác sĩ đó kể ông Trump bảo họ rằng “Tôi cảm thấy cứ như là tôi có thể bước ra khỏi đây ngay hôm nay”.

Tổng thống Trump rời Nhà Trắng và được đưa đến Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed gần Washington vào thứ Sáu 2/10 chỉ vài giờ sau khi ông được chẩn đoán mắc COVID-19.

Bác sĩ thuộc Nhà Trắng Sean P. Conley nói với các phóng viên bên ngoài bệnh viện hôm 3/10 rằng ông Trump không bị khó thở và hiện không cần thở bằng oxy bổ sung, tin của Reuters cho hay.

“Tôi và toàn bộ nhóm vô cùng vui về diễn biến tốt của tổng thống”, ông Conley nói, được Reuters dẫn lại.

Ông Conley từ chối cung cấp thời gian biểu khi nào ông Trump có thể ra viện.

Trong một tweet đăng ngày 3 tháng 10, tổng thống Trump có lời khen ngợi đội ngũ y tế tại Walter Reed, và nói rằng ông “cảm thấy khỏe.”

Tweet của tổng thống Trump viết: “Các bác sĩ, y tá, và TẤT CẢ tại trung tâm y tế Walter Reed VĨ ĐẠI, và các đội ngũ y tế khác tại các trung tâm tuyệt vời tương tự, là TUYỆT VỜI!!!” và “với sự giúp đỡ của họ, tôi đang cảm thấy khỏe.”

Kết quả chẩn đoán vừa qua là sự việc tiêu cực gần đây nhất đối với tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, người đứng thấp hơn đối thủ bên đảng Dân chủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11.

Ông Conley cho biết ông Trump đã được tiêm liều Remdesivir đầu tiên trong liệu trình dài 5 ngày. Đây là một loại thuốc kháng virus tiêm tĩnh mạch do Gilead Sciences Inc bán, đã được chứng minh là có thể rút ngắn thời gian nằm viện, vẫn theo tin Reuters.

Ông Trump cũng đang áp dụng một phương pháp điều trị thử nghiệm bằng thuốc REGN-COV2 của Regeneron, một trong vài loại thuốc thử nghiệm “kháng thể đơn dòng” để điều trị COVID-19. Ngoài ra, ông cũng uống các loại thuốc gồm kẽm, Vitamin D, famotidine, melatonin và aspirin, ông Conley cho biết.

https://www.voatiengviet.com/a/cac-trieu-chung-covid-19-cua-tt-trump-rat-dang-lo-ngai/5607658.html

 

Hình ảnh ông Trump vẫn làm việc

 trong khi bị bệnh gây xúc động cư dân mạng

Lục Du

Vào sáng nay (4/10, giờ Việt Nam) Ivanka, con gái Tổng thống Trump, đã chia sẻ lên Twitter của cô hình ảnh cha mình vẫn làm việc trong khi bị bệnh. Hình ảnh này đã khiến cư dân mạng xúc động. Nhiều lời động viên đã được gửi tới vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

“Không gì có thể ngăn cản cha tôi làm việc vì người dân Mỹ”, Ivanka viết trên Twitter kèm tấm hình ông Trump đang làm việc với vẻ mặt có phần hốc hác do ảnh hưởng của bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Tweet của Ivanka lập tức nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Hầu hết các comment đều bày tỏ sự chia sẻ với con gái lớn của ông Trump và cầu chúc Tổng thống Mỹ sớm bình phục.

Tài khoản Chandan viết rằng “Hãy cùng đồng lòng và cầu nguyện cho ông”.

Còn tài khoản có tên Nesheiwat viết rằng “Chúa che chở cho tổng thống của chúng ta”. Tài khoảng oregon4TRUMP viết “Cám ởn Tổng thống Trump”.

Tài khoản CB2212 đề nghị: “Bây giờ là lúc để ông ấy nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân thật tốt. Sức khỏe của ông ấy là ưu tiên hàng đầu và là điều tốt nhất ông ấy có thể làm cho tất cả chúng ta. Tôi rất quý mến bạn và cha của bạn, hãy động viên ông ấy nghỉ ngơi và cho ông ấy biết tất cả chúng tôi đều yêu mến ông ấy rất nhiều”.

Bên ngoài Trung tâm Quân y Walter Reed, có hàng dài người ủng hộ Trump xếp hàng dài để cầu nguyện cho Tổng thống Mỹ sớm hồi phục.

Dòng người ủng hộ mang theo nhiều cờ, biểu ngữ tập trung phía trước Trung tâm Quân y Walter Reed ở Bethesda, bang Maryland, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang điều trị Covid-19, vào tối 3/10. Sự kiện do nhóm “Phụ nữ vì nước Mỹ trước tiên” tổ chức, nhằm bày tỏ ủng hộ Tổng thống và cầu nguyện ông sớm bình phục. (video dưới)

Amy Kramer, người sáng lập nhóm, cũng lên Twitter kêu gọi người ủng hộ hãy thắp nến cầu nguyện tại nhà nếu không thể tham gia sự kiện.

Vào ngày 2/10, Tổng thống Trump thông báo trên Twitter rằng ông và Đệ nhất phu nhân Melania đều đã dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán. Sau đó ông đã tới bệnh viện để điều trị. Các báo cáo cho biết ông vẫn không ngừng làm việc từ nơi cách ly.

https://www.dkn.tv/the-gioi/hinh-anh-ong-trump-van-lam-viec-trong-khi-bi-benh-gay-xuc-dong-cu-dan-mang.html

 

Tổng thống Trump bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng

trước sự tấn công của Đảng Dân chủ

Hương Thảo

Tổng thống Trump đã bác bỏ các ngôn luận tấn công của đảng Dân chủ nhắm vào tín ngưỡng của bà Thẩm phán tối cao vừa nhậm chức bà Amy Coney Barrett.

“Chúng tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ một cuộc tấn công nào chống lại tín ngưỡng của Thẩm phán Barrett. Sự cố chấp chống lại người Công giáo không có chỗ đứng ở Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ”, Tổng thống Trump tuyên bố trong một bài phát biểu tại Bữa Tối thường niên lần thứ 75 của Quỹ Alfred E. Smith ở New York, theo The Washington Times hôm 1/10.

Tổng thống Trump cũng lưu ý rằng, sự cố chấp, không sẵn sàng chấp nhận những quan điểm, niềm tin khác với quan điểm của mình ở các đảng viên Đảng Dân chủ, những người đã tấn công đức tin tôn giáo của Thẩm phán Barrett, là rất phổ biến.

Các phương tiện truyền thông cánh tả cũng lao vào chỉ trích niềm tin tôn giáo của bà Thẩm phán Barrett, khi bà bảo vệ tính mạng của những đứa trẻ chưa chào đời, điều mà những người ủng hộ phá thai không thấy rõ hậu họa.

Tổng thống Trump cũng là người ủng hộ mạnh mẽ quyền được sống của những đứa trẻ chưa chào đời, và ông đã thúc đẩy điều này trong suốt nhiệm kỳ của mình, cũng như nhắc lại điều đó trong cùng lễ kỷ niệm của Quỹ Alfred E. Smith.

Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump (Team Trump) đã tweet một phần bài phát biểu của ông trong đó có đề cập đến vấn đề này.

“Chủ tịch @realDonaldTrump tại Bữa tối Al Smith: Chúng tôi đang bảo vệ Quyền được sống thiêng liêng”, chiến dịch đã đăng trên Twitter.

Bữa tối từ thiện hàng năm vinh danh Cố Thống đốc của New York Al Smith, người được đề cử là người Công giáo đầu tiên trở thành Tổng thống vào năm 1928.

Chính quyền Trump đã bảo vệ quyền tín ngưỡng tôn giáo trên toàn thế giới kể từ năm đầu tiên trong nhiệm kỳ.

Tổng thống Trump đã đưa quyền tự do tôn giáo vào Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 và ký các sắc lệnh hành pháp bảo vệ tín ngưỡng tôn giáo, bao gồm quyền tự do ngôn luận về các vấn đề tôn giáo.

Khoảng 80% dân số thế giới phải đối mặt với những hạn chế trong việc thể hiện đức tin và thực hành tôn giáo của họ. Những quốc gia vi phạm quyền tự do tôn giáo nổi bật nhất là: Iraq, Nicaragua, Nigeria,

Miến Điện, Syria, Ả Rập Xê-út và chủ yếu nhất là Trung Quốc dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã coi việc cấm thực hành tôn giáo tín ngưỡng trở thành ưu tiên hàng đầu của nhà nước.

Chính vì vậy ĐCSTQ đã bức hại tàn khốc các học viên Pháp Luân Đại Pháp (hay còn gọi là Pháp Luân Công), các Phật tử Tây Tạng, tín đồ Hồi giáo và Cơ đốc giáo, trong số các hình thức bức hại khác.

Các hành vi vi phạm bao gồm việc cưỡng bức mổ lấy nội tạng của các tù nhân lương tâm bán lấy lời, giam cầm và tra tấn dã man trong các nhà tù, giam giữ hàng loạt trong các trại cải tạo lao động để tẩy não, bóc lột kinh tế, như trường hợp của người Duy Ngô Nhĩ, bên cạnh các sắc tộc thiểu số là nạn nhân khác.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-bao-ve-quyen-tu-do-tin-nguong-truoc-su-tan-cong-cua-dang-dan-chu.html

 

Thuyết âm mưu xoay quanh

việc ông Trump nhiễm Covid-19

Hương Thảo

Tổng thống Trump tuyên bố ông và Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã có xét nghiệm dương tính với Covid-19 hôm thứ Sáu (2/10). Thông tin này đã thúc đẩy nhiều thuyết âm mưu đi kèm, theo tờ Express UK ngày 4/10.

Bà DeAnna Lorraine, một cựu ứng viên Quốc hội, đã chia sẻ một số giả thuyết trên Twitter rằng việc Tổng thống bị chẩn đoán mắc Covid dường như không phải là điều tình cờ.

Nhà bình luận chính trị này đã đưa ra một số nhận xét gây tranh cãi trên tài khoản Twitter cá nhân có gần 400.000 người theo dõi của bà,

Bà nói thật kỳ lạ khi có quá nhiều chính trị gia của Đảng Cộng hòa dương tính với virus này.

Bà Lorraine thậm chí còn cho rằng Trung Quốc đứng sau việc ông Trump nhiễm virus.

Bà đặt câu hỏi: “Về mặt kỹ thuật, liệu việc ông Trump nhiễm Covid-19 có thể được coi là một âm mưu ám sát Tổng thống của chúng ta bởi người Trung Quốc hay không?”

Nhà bình luận cũng viết: “Có ai khác cảm thấy kỳ lạ giống tôi hay không khi không có thành viên Đảng Dân chủ có tiếng nào bị nhiễm virus, nhưng danh sách thành viên Đảng Cộng hòa bị nhiễm cứ kéo dài?”

Trong một dòng Tweet khác, bà nói: “Thật là kỳ lạ khi bằng cách nào đó, thứ ‘bệnh dịch Trung Quốc’ này chỉ nhắm vào các thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện”.

“Trong số 53 Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa, ba người bị nhiễm virus đều thuộc Ủy ban này”.

“Liệu đây là sự tình cờ … hay không phải thế?”.

Trong một bình luận khác bà nói:

“Tôi chỉ nói những gì chúng ta đang nghĩ trong đầu. Ông Trump ổn cho tới khi diễn ra phiên tranh luận, tại đó họ thiết lập mic và sân khấu cho ông.

Thời gian ủ bệnh thường diễn ra trong khoảng 2-3 ngày. Ông ấy có xét nghiệm dương tính chỉ vài ngày sau phiên tranh luận”.

Bình luận của bà đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều trên Twitter, với một số người đồng ý với thuyết âm mưu của bà và những người khác chỉ trích những nhận xét đó là vô nghĩa.

Jimmy Kimmel, một người dẫn chương trình truyền hình người Mỹ, đã thảo luận về loạt Tweet gây tranh cãi của bà Lorraine trong chương trình gần đây nhất của anh.

Nam diễn viên hài nói: “Tôi không cho rằng tất cả chúng tôi đều nghĩ giống bà, có thể chính là bà [muốn ám sát ông Trump] ấy”.

Một người khác thì bốc hỏa nói rằng: “Đây là điều ngớ ngẩn nhất mà bà tweet cho đến nay @ DeAnna4Congress à”.

“Một dòng tweet và quan điểm ngu ngốc như vậy”.

Một người thứ ba thì đồng ý với nhà bình luận chính trị, khi viết: “Câu hỏi ở đây là gì? Đây có phải là một âm mưu ám sát đối với ông Trump, đối với đội ngũ của ông và đảng Cộng hòa hay? Liệu có gì chủ đích ở đây?”

Một người nói: “Thật trớ trêu khi đợt bùng phát [Covid mới] lại xảy ra khoảng một tháng trước cuộc bầu cử, phải vậy không?” “Tại sao điều này không xảy ra vào khoảng thời gian giữa tháng 3 và tháng 9? Quả thực là những ngày kỳ lạ”.

Một người dùng khác viết: “Có ai khác nghĩ rằng có một chút ‘quá tình cờ’ khi chỉ có các thành viên trong chiến dịch Trump có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID hay không?

“Tôi sẽ không nói gì hơn ngoài việc chúng ta biết rằng thế lực nhà nước ngầm sẽ không từ thủ đoạn để đánh cắp một cuộc bầu cử!”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-bi-cao-buoc-am-muu-am-sat-ong-trump-bang-covid-19.html

 

Dấu ấn tuần qua:

Tranh luận tổng thống Mỹ, tráng sĩ đấu kịch sĩ

Tịnh Du

Tuần qua ghi dấu sự kiện hai ứng viên tổng thống 2020, ông Trump và ông Biden, có cuộc tranh luận đầu tiên vào tối thứ Ba (29/9, giờ Mỹ) tại thành phố Cleveland, bang Ohio. Cuộc tranh luận cho thấy nhiều điều tương phản giữa hai ứng viên, từ tính cách tới phương pháp tiếp cận nhằm giành chiến thắng trước đối thủ.

Trong cuộc tranh luận, Tổng thống Trump cho thấy, dù đã ở tuổi 74 nhưng ông có sức khỏe và ý chí “chiến đấu” rất tốt. Ông thường nói nhanh, không vấp, với khẩu khí mạnh và nhiều dẫn chứng để dồn ép đối thủ. Trong cuộc tranh luận nảy lửa này, có thể phác họa ông Trump như một “tráng sĩ” – người có sức khỏe và ý chí mạnh mẽ.

Ở phía bên kia “chiến tuyến”, ông Biden bộc lộ bản thân là một chính trị gia lão luyện, với kinh nghiệm được tích lũy sau 47 năm làm chính khách, từng trải qua rất nhiều cuộc tranh luận từ khi theo đuổi giấc mơ làm tổng thống thưở ông còn chưa tới 40 tuổi. Những gì diễn ra cho thấy Biden đã chuẩn bị một kịch bản rất kỹ lưỡng cho cuộc đối đầu với Trump, nhưng cũng chính vì vậy mà ông đã tự bộc lộ mình là một kịch sĩ lâu năm.

Nhìn thẳng và né tránh

Hai ứng viên đã chọn cách tiếp cận khác nhau trong cuộc đối đầu lần thứ nhất. Ông Trump đưa tới cảm nhận rằng ông không quá “trau chuốt” và tỉ mỉ trong việc chuẩn bị một hình ảnh như thế nào cho cuộc tranh luận, dường như ông chỉ quan tâm tới nội dung cuộc tranh luận và đến đó với tinh thần để tranh luận.

Tất nhiên mục tiêu vẫn là nhằm thuyết phục người dân bầu cho mình, nhưng có vẻ như với tính cách thẳng thắn, bộc trực, ông Trump không “diễn” mà đặt mục tiêu chiến thắng đối thủ để qua đó làm người dân hiểu ông hơn và từ đó mà bỏ phiếu ủng hộ ông.

Cách tiếp cận có vẻ bản năng và tính cách của ông được thể hiện một phần qua việc trong suốt cuộc tranh luận ông luôn nhìn thẳng vào mặt đối thủ với ánh mắt của một chiến binh không chấp nhận lùi bước. Điều đó cũng thể hiện qua việc ông cũng không ngần ngại tranh luận luôn cả với người dẫn chương trình Chris Wallace.

Trong khi đó, ông Joe Biden thể hiện phương cách tiếp cận với tính toán chi tiết với việc diễn nhiều hơn. Có lẽ đã nắm chắc tính cách của ông Trump và để tránh sức nóng của ánh mắt nhìn thẳng của đối thủ, đồng thời mong nhận được tình cảm của người nghe, ông Biden chọn nhìn vào ống kính máy quay để nói với cách diễn đạt của người đang “tỏ tình”.

Cách làm này của Joe Biden khiến người xem qua truyền hình có cảm giác ông là người gần gũi, hiền lành và quan tâm tới họ. Nhưng khi máy quay chiếu ra xa thì sẽ thấy một điều khá “trớ trêu”: ông đang tranh luận với máy quay chứ không phải với đối thủ. Điều này còn bộc lộ rõ ý định lấy lòng cử tri một cách lộ liễu của người từng có 8 năm làm phó tướng cho cựu Tổng thống Obama.

Tạo hình tự nhiên của ông Joe Biden cũng dễ khiến ông nhận được cảm tình từ nhiều người có thói quen nhìn vào hình thức. Với mái tóc bạc đã thưa do tuổi tác và vẻ mặt điềm tĩnh có phần khắc khổ, cùng cách cư xử theo kiểu nhã nhặn, lịch thiệp, Biden dễ làm cho người khác “động lòng” với cảm giác ông hiền lành hơn một Trump cao lớn và có phần “bặm trợn” với ánh mắt “gườm gườm”. Tuy nhiên, điệu cười nhếch mép của ông Biden lại xóa tan những ưu điểm như đề cập.

Rất hiểu nhau

Cả hai ứng viên Trump và Biden đều đã ở tuổi thất thập, biết nhau từ rất lâu vì thế mà rất hiểu nhau. Biết ông Trump có thể lực tốt, có thể phát biểu hoặc tranh luận trong nhiều giờ mà không mệt, lượng sức “mỏng cánh chuồn” nên nhóm trợ lý của ứng viên tổng thống đã ở tuổi thượng thọ đề nghị ban tổ chức cho phép nghỉ giải lao hai lần giữa các “hiệp đấu” trong cuộc tranh luận, tuy nhiên nhóm của Tổng thống Trump biết rõ điểm yếu của đối thủ nên từ chối.

Biết không đua được thể lực và “lối chơi không ngại va chạm” của ông Trump, ông Biden đành chọn “lối chơi phòng thủ phản công” và cố gắng phát huy điểm mạnh “kỹ thuật”, cũng là sở trường của những ứng viên Dân chủ vốn có phong cách thiên tả nặng về biểu diễn, để đối chọi lại.

Tuy nhiên, ông Trump không phải là người chỉ có sức khỏe mà còn là một trong những tổng thống Mỹ có IQ cao nhất từ trước tới nay. Có thể thấy ông Trump đã thể hiện sự thông minh và “tinh quái” của mình trong việc khai thác rất tốt điểm yếu của đối thủ ở cuộc tranh luận đầu tiên.

Ông Biden có tật nói lắp cố hữu, mặc dù ngay từ thời trẻ ông đã thấy được hạn chế này của mình nên đã không ngừng khắc phục điểm yếu bằng cách tự diễn thuyết trước gương. Nhưng nó là một tật mang tính bẩm sinh nên cũng chỉ có thể hạn chế chứ không thể loại bỏ hoàn toàn.

Nắm được điểm yếu này, ông Trump liên tục tấn công ông Biden trong cuộc tranh luận bằng cách nói nhanh, khẩu khí mạnh, dồn dập, đặc biệt ông thường “quấy nhiễu” đối phương bằng cách nói chen ngang rất khó chịu. Dù đã cố giữ bình tĩnh để duy trì nhịp nhưng ông Biden rõ ràng đã rơi vào bẫy của ông Trump, rất nhiều thời điểm ông đã để tật cũ “sống lại”, nói lắp bắp thậm chí “ú ớ”.

Trong số 6 chủ đề mà người dẫn chương trình Chris Wallace đưa ra cho ông Trump và ông Biden tranh biện trong cuộc tranh luận đầu tiên thì chủ đề thứ hai: đại dịch Covid-19 được cho là điểm yếu của ông Trump, khi Hoa Kỳ đang là quốc gia có số người nhiễm và chết vì virus Vũ Hán đứng đầu thế giới. Biết rõ điều này, ông Biden đã chủ động khoét sâu vào chỗ mà ông cho là “huyệt sinh tử” của đối phương.

Trước khi tấn công ông Trump về vấn đề này, ông Biden đã chúc đối thủ “may mắn”, tiếp sau ông dẫn ra một loạt số liệu để minh chứng Hoa Kỳ đang phải chịu đựng thảm cảnh Covid-19 khi có tới hơn 7 triệu người nhiễm bệnh, hơn 200 ngàn người chết. Ông nói rằng ông Trump hoảng sợ và không có kế hoạch gì để chống dịch, và ý tứ rằng Tổng thống chỉ lo dịch ảnh hưởng tới kinh tế mà coi nhẹ mạng sống người dân.

Mặc dù vậy, Tổng thống Trump đã chỉ ra mâu thuẫn của ông Biden. Khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, ông Trump đã ra lệnh cấm các chuyến bay tới từ quốc gia này, nhưng ông Biden lại nói lệnh cấm của ông Trump là hành vi bài ngoại. Ngăn ngừa người đến từ vùng dịch là việc đầu tiên phải làm của kế hoạch phòng chống dịch, nhưng ông Biden đã phản đối ngay cả điều đó trong khi lại chỉ trích ngược lại rằng ông Trump không có kế hoạch gì.

Ông Trump cũng nói rằng chính quyền của ông đang thúc đẩy việc sản xuất vắc-xin, cũng như sản xuất máy thở phục vụ các bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán. Tổng thống Trump cũng nói rằng ông không coi thường việc đeo khẩu trang, ông đã rút từ túi áo vét của mình ra một chiếc khẩu trang để cho thấy việc đối thủ “vu” cho ông coi nhẹ biện pháp phòng dịch cơ bản là sai.

Vô chiêu thắng hữu chiêu

Việc ông Biden lấy vấn đề Covid làm trọng tâm tấn công ông Trump nói lên rằng ông và đảng Dân chủ không có nhiều “đề tài” để hạ bệ vị tổng thống đương nhiệm khi đối thủ đã làm được rất nhiều điều cho nước Mỹ. Tuy thế, ngay cả dùng Covid để tấn công ông Trump thì ông Biden và “những người bạn” cũng không thu được gì nhiều mà ngược lại phải lãnh hậu quả khi tự họ làm lộ “tim đen” và thói giả dối.

Thật vậy, việc ông Biden và phe Dân chủ lên án chính quyền Trump vì coi trọng phát triển kinh tế mà không chú trọng biện pháp cách ly xã hội để dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, từ đó thể hiện ra việc coi thường mạng sống người dân trong khi kinh tế Mỹ vẫn đi xuống đã “phơi bày” 3 mâu thuẫn dẫn tới tác dụng ngược.

Thứ nhất, một mặt ông Biden và đảng Dân chủ hô hào cách ly xã hội để phòng dịch, mặt khác nhiều báo cáo cho biết phe thiên tả của ông lại ngầm cổ súy các cuộc biểu tình bảo loạn Black Lives Master (BLM-mạng người da đen cũng đáng giá) tập trung hàng ngàn người, phần nhiều trong đó không đeo khẩu trang, sau vụ tội phạm ma túy George Floyd bị ngộ sát. Ông Trump đã chỉ ra trong cuộc tranh luận rằng tại các thành phố được lãnh đạo bởi người thuộc phe Dân chủ thì các cuộc biểu tình với các hành vi quá khích của nhóm người BLM diễn ra kéo dài và mạnh mẽ nhất.

Thứ hai, trong khi ông Biden và phe được gọi là cấp tiến chỉ trích chính quyền Trump điều hành yếu kém để nền kinh tế đi xuống trong thời gian Covid, nhưng lại quên mất rằng phe của ông đòi phong tỏa xã hội thì làm sao có thể thúc đẩy các hoạt động sản xuất và kinh doanh?.

Thứ ba, ứng viên không chấp thuận thử nghiệm chất kích thích trước cuộc tranh luận lần thứ nhất muốn làm nổi bật ý tứ rằng chính quyền Trump chỉ vì muốn duy trì nên kinh tế nên không chịu phong tỏa chống dịch, và đó là biểu hiện của việc coi thường mạng sống người dân. Nhưng ai cũng biết ông Trump là người tín Thần, phản đối tới cùng việc phá thai để bảo vệ sự sống, điều đó chứng tỏ ông trân quý các sinh mệnh tới mức nào. Trong khi đó, ông Biden và phe Dân chủ cổ động nhiệt thành cho hành vi nạo phá thai, đi ngược lại văn hóa truyền thống của cả người phương Đông và phương Tây.

Trước khi làm tổng thống Mỹ, kinh nghiệm chính trường của ông Trump gần như bằng không. Ông dùng bầu máu nóng của một người yêu Chúa và yêu nước cùng tư duy kinh doanh để điều hành nước Mỹ. Ông không giỏi lý luận và diễn thuyết theo kiểu “hoa lá cành”, ông lấy hiệu quả làm đầu để xác định cách tiếp cận giải quyết vấn đề. Và thực tế cho thấy trước dịch Covid, ông đã đem lại nhiều điều cho nước Mỹ và thế giới. Có những điều có thể phải cần thời gian mới thấy hết ý nghĩa của nó, như các kế hoạch tấn công Đảng Cộng sản Trung Quốc của ông.

Ở chiều ngược lại, là một chính trị gia lọc lõi theo kiểu thiên tả vốn giỏi nói hơn làm. Ông Biden cũng như Obama, hay vợ chồng Clinton, cho thấy rất có “khiếu” diễn xuất. Cách giải quyết vấn đề của ông Biden được bộc lộ phần nào qua cuộc tranh luận hôm thứ Ba: rất có phương pháp và bài bản. Và hơn hết, năng lực yếu kém của Biden đã lộ ra qua hai nhiệm kỳ làm phó cho Obama và trong 47 năm làm chính khách.

Cái “vô chiêu” được xây dựng từ cơ sở văn hóa truyền thống, từ lòng yêu nước, từ tính cách thẳng thắn, bộc trực và quyết đoán của ông Trump rất có thể sẽ chiến thắng thứ “hữu chiêu” dựa trên lý thuyết suông của ông Biden, như điều mà bà Ronna Romney McDaniel, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa đánh giá: “Tại cuộc tranh luận Trump chứng minh ông ấy sẽ tiếp tục chiến đấu vì chúng ta, còn Biden thể hiện là một chiếc thùng rỗng”.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm riêng của tác giả

https://www.dkn.tv/the-gioi/dau-an-tuan-qua-tranh-luan-tong-thong-my-trang-si-dau-kich-si.html

 

Hai ứng viên Phó TT Mỹ Pence – Harris

sẽ ngồi cách xa nhau khi tranh luận

Theo Foxnews ngày 3/10, Ủy ban Tranh luận tổng thống lên kế hoạch để Phó TT Mike Pence và ứng viên đảng Dân chủ bà Harris ngồi cách nhau 3,7 m, thay vì cách 2,1 m như dự tính ban đầu. Sự thay đổi đưa ra sau khi TT Trump thông báo ông và vợ nhiễm Covid-19.

Ông Pence sẽ tham dự cuộc tranh luận duy nhất giữa hai ứng cử viên phó tổng thống của Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ vào ngày 7/10 tại ĐH Utah ở thành phố Salt Lake.

Trong cuộc tranh luận này, hai ứng cử viên sẽ ngồi, thay vì đứng trên bục như Tổng thống Trump và ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden hôm 29/9.

Hoàng Kiên tổng hợp

https://etviet.com/us/hai-ung-vien-pho-tt-my-pence-harris-se-ngoi-cach-xa-nhau-khi-tranh-luan.html

 

Mitch McConnel sẽ thúc đẩy các cuộc điều trần

đề cử thẩm phán vào Tối Cao Pháp Viện

bất chấp mối đe dọa của coronavirus

Tin từ Washington – Hôm thứ Sáu (2 tháng 10), lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell cho biết ông dự định sẽ tiến hành các phiên điều trần để đề cử thẩm phán Amy Coney Barrett vào vị trí thẩm phán trong Tối cao Pháp viện.

Ông McConnel đã xem xét các biện pháp phòng ngừa an toàn của Thượng viện sau khi tổng thống Trump nhiễm Covid-19, và nói rằng virus là vấn đề chính có thể làm gián đoạn việc thông qua đề cử thẩm phán cho bà Barrett trước ngày bầu cử tổng thống .

Ông McConnell cho biết thượng nghị sĩ Mike Lee và Thom Tillis, 2 thành viên của Ủy ban Tư pháp đã thông báo nhiễm coronavirus, tăng khả năng một số thượng nghị sĩ khác có thể bị lây bệnh, ảnh hưởng đến khả năng cho việc tổ chức các phiên điều trần trực tiếp như dự kiến từ ngày 12/10/2020. Ngoài ra, thượng nghị sĩ thứ 3 thuộc đảng Cộng Hòa là Ron Johnson của tiểu bang Wisconsin cũng đã bị dương tính với Covid-19.  Ít nhất bảy người tham dự buổi lễ đề cử thẩm phán Amy Barrett tại Tòa Bạch Ốc đã dương tính với Covid-19, bao gồm cả hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa.

Đảng Cộng hòa đang ngày càng lo lắng về khả năng bùng phát ổ dịch coronavirus với các thượng nghị sĩ, đặc biệt là với các thành viên của Ủy ban Tư pháp, có thể làm chậm trễ quá trình thông qua đề cử thẩm phán Barrett. Một phát ngôn viên của chủ tịch Tư pháp Lindsey Graham cho biết họ sẽ dốc toàn lực thúc đẩy quá trình này.

Hôm thứ Sáu (2 tháng 10), lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer và thượng nghị sĩ Dianne Feinstein đã kêu gọi ông Graham trì hoãn các phiên điều trần này, với lý do tình hình ổ dịch tại Tòa Bạch Ốc và ông Mike Lee cũng nhiễm bệnh. (BBT)

https://www.sbtn.tv/mitch-mcconnel-se-thuc-day-cac-cuoc-dieu-tran-de-cu-tham-phan-vao-toi-cao-phap-vien-bat-chap-moi-de-doa-cua-coronavirus/

 

Ý kiến: Bắc Kinh phải trả giá

sau khi ông Trump nhiễm virus Vũ Hán

Hải Lam

Bất chấp những chỉ trích từ Tổng thống Trump và những nhà lãnh đạo quốc tế, Bắc Kinh hầu như chưa phải chịu trách nhiệm về việc làm bùng phát dịch Covid. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc vợ chồng ông Trump nhiễm virus Vũ Hán có thể sẽ đảo ngược chuyện này.

Bà Emily de La Bruyere, chuyên gia về các chính sách Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ (FDD), nói với Fox News rằng hệ quả của việc vợ chồng Tổng thống Trump nhiễm Covid-19 là rất lớn và khó dự đoán. “Điều cần thực hiện là làm rõ hơn mức độ của việc Trung Quốc xử lý Covid không đúng cách đã tàn phá trật tự toàn cầu và hệ thống trong nước của Mỹ”.

Ông Dean Cheng, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Di sản, cho rằng trong khi một số quốc gia châu Âu và châu Phi kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mở cuộc điều tra về sự bùng phát và lây lan của virus Vũ Hán, thì chính quyền Trung Quốc đã tác động để chuyển hướng thành khảo sát về phản ứng toàn cầu, thay vì tập trung vào những thất bại trong xử lý đại dịch của Bắc Kinh.

“Không quốc gia nào quy trách nhiệm cho [chính quyền] Trung Quốc. Mỹ và châu Âu có lên tiếng – nhưng những phát ngôn đó không đi kèm hành động”, de La Bruyere cho biết. Bà nói thêm, thay vì chịu trách nhiệm, Bắc Kinh lại tận dụng cơ hội đó, thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường ảnh hưởng lên các tổ chức quốc tế. “Không ai mở cuộc điều tra cần thiết để truy ra virus này có nguồn gốc từ đâu và như thế nào ở Trung Quốc để đảm bảo rằng điều tương tự không xảy ra trong tương lai”.

Một số nghị sĩ Mỹ, chủ yếu là thành viên của đảng Cộng hoà, đã đệ trình những dự luật buộc chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã gây ra đại dịch cho thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia chính sách đối ngoại nhận định, các câu hỏi quan trọng xoay quanh nCov, nguồn gốc và động thái của chính quyền Trung Quốc trong dịch bệnh nêu ra những vấn đề mới.

“Quyết định bưng bít thông tin của Bắc Kinh ngay cả với người dân của họ cần được xem xét. Tương tự, thật vô lý khi tin vào số liệu thống kê về dịch bệnh của Trung Quốc cho thấy chưa bao giờ có hơn 40.000 trường hợp nhiễm bệnh trong khi Trung Quốc là một quốc gia có dân số gấp 4 lần Mỹ”. ông Cheng nói. “Thực tế là các nhà lãnh đạo lớn, trong đó có cả Donald Trump và Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson, đã bị nhiễm Covid-19 và điều này nhấn mạnh rằng không ai, dù là quan chức cấp cao hay người dân thường, không gặp nguy hiểm từ căn bệnh này. Với việc xử lý yếu kém trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát, khiến nó lan nhanh chóng ra ngoài đất nước, chính phủ Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm vì điều này”.

Ông David Matas, luật sư nhân quyền quốc tế Canada, nói với Fox News rằng: “Sự quy trách nhiệm và ngăn chặn [dịch bệnh] là hai vấn đề riêng biệt. Ngược lại, một khía cạnh quan trọng của việc ngăn chặn là quy trách nhiệm. Nếu như việc che đậy, phủ nhận, bịt miệng người tố giác và tung tin sai sự thật không phải trả giá, thì họ sẽ tiếp tục làm như vậy”.

Ông Matas phát biểu thêm: “Các hệ thống chính phủ, lập pháp và luật pháp cần phải quy trách nhiệm về sự lây lan của Covid-19 không chỉ cho chính quyền Trung Quốc, nhưng trước hết là phải quy cho chính quyền này. Chẩn đoán mắc bệnh gần đây [của Trump] cho thấy việc này rõ ràng hơn”.

Vị luật sư Canada cũng khẳng định về mặt luật pháp, việc truy tố không nên có tính chọn lọc. Ông cho rằng, chính quyền Trung Quốc không phải là thủ phạm duy nhất trong việc che giấu thông tin về dịch Covid-19.

Một số nhà phân tích cho rằng việc Tổng thống Trump nhiễm Covid-19 sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa về trách nhiệm liên quan đến việc đại dịch này bắt đầu ở đâu, tại sao và như thế nào.

“Mỹ nên tiếp tục dẫn dắt cộng đồng quốc tế trong việc thúc ép Bắc Kinh giải thích đầy đủ về những gì đã xảy ra và tại sao lại xảy ra”, ông Cheng nói thêm. “Không chỉ để đảm bảo việc phải chịu trách nhiệm mà còn để tránh các đại dịch tương tự xảy ra trong tương lai”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/y-kien-bac-kinh-se-phai-tra-gia-sau-khi-ong-trump-nhiem-virus-vu-han.html

 

Hoa Kỳ chính thức cấm thành viên

các đảng chính trị toàn trị nhập cư

Phụng Minh

Cá nhân có tư cách đảng viên của những đảng này (bao gồm Đảng Cộng sản và các tổ chức liên quan) sẽ không được nhập cư vào Hoa Kỳ.

Thứ Sáu (2/10) theo giờ địa phương, Sở Di trú Hoa Kỳ (USCIS) đã chính thức ban hành quy định cấm các đảng viên Đảng Cộng sản xin nhập cư hoặc xin quy chế thẻ xanh tại Hoa Kỳ. Dự luật lần đầu tiên được thông tin tới công chúng cách đây hơn hai tháng, nhưng không có mốc thời gian bắt đầu có hiệu lực nào đi kèm. Thứ sáu tuần này, lệnh cấm liên quan được thực hiện ngay sau khi ban hành, theo Vision Times.

USCIS đã thông báo vào thứ Sáu rằng các trường hợp nhập cư có tư cách thành viên Đảng Cộng sản và các đảng chuyên chế khác, hoặc tư cách thành viên của các tổ chức liên kết có liên quan sẽ bị Hoa Kỳ từ chối.

Thông báo nêu rõ danh tính của các thành viên Đảng Cộng sản và các đảng chính trị toàn trị khác không phù hợp với lời tuyên thệ nhập quốc tịch Hoa Kỳ, cũng như không thể đảm bảo “sự ủng hộ và bảo vệ của Hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ”.

USCIS chỉ ra rằng trừ khi được miễn trừ, nếu không thì bất kỳ đảng viên Đảng Cộng sản nào có ý định nhập cư vào Hoa Kỳ đều không được phép. Điều này sẽ ngăn cản các thành viên ĐCSTQ có được thẻ xanh hoặc nhập cư vào Hoa Kỳ.

Theo một báo cáo trên trang web của Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu về thoái Đảng vào ngày 18/7, sau khi các đảng viên ĐCSTQ thoái xuất khỏi ĐCSTQ, họ có thể nhập cảnh vào Hoa Kỳ, lấy thẻ xanh hoặc trở thành công dân Hoa Kỳ miễn là họ xuất trình được giấy chứng nhận thoái xuất.

Báo cáo trích dẫn các điều khoản của luật nhập cư Hoa Kỳ quy định rằng những người nhập cư xin nhập quốc tịch Mỹ che giấu tình trạng đảng viên của họ, nhập cảnh vào Hoa Kỳ bằng cách lừa dối và trở thành công dân Hoa Kỳ, nếu được báo cáo và xác minh là đúng, sẽ không chỉ bị hủy thẻ xanh bất kỳ lúc nào mà còn bị trục xuất.

Bà Dịch Dung, Chủ tịch Trung tâm Dịch vụ thoái Đảng Toàn cầu, nói: “ĐCSTQ đã mất lòng người dân quê nhà, và đang phải đối mặt với sự bao vây toàn cầu. Sự sụp đổ của ĐCSTQ là ý nguyện của nhân dân. Những người cống hiến cuộc đời mình cho đảng cần đăng ký càng sớm càng tốt trên trang web thoái đảng để rút khỏi ĐCSTQ”.

Bà Dịch Dung cũng cho biết: “Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu về thoái ĐCSTQ cũng có thể cung cấp chứng chỉ thoái xuất bằng tiếng Trung và tiếng Anh cho người Trung Quốc ở nước ngoài. Các chứng chỉ này có giá trị trọn đời”.

Trung tâm này là một tổ chức phi lợi nhuận được đăng ký tại Hoa Kỳ. Các nhân viên trong trung tâm đều là tình nguyện viên. Để đối phó với làn sóng “tam thoái” (thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên quan như đoàn, đội), các trung tâm dịch vụ xin rút khỏi ĐCSTQ đã được thành lập ở nhiều thành phố lớn ở Hoa Kỳ để cung cấp dịch vụ miễn phí cho người Trung Quốc. Một dự án do Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu thoái ĐCSTQ cung cấp là cấp “Giấy chứng nhận thoái đảng” có giá trị pháp lý cho những công dân Trung Quốc đã tuyên bố “tam thoái”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/hoa-ky-chinh-thuc-cam-thanh-vien-cac-dang-chinh-tri-toan-tri-nhap-canh.html

 

Ông Pompeo cảnh báo chính quyền

các tiểu bang Hoa Kỳ về bản chất của ĐCSTQ

Hương Thảo

Những ví dụ ông đưa ra về việc ĐCSTQ đã can thiệp thô bạo và rất sâu vào các chính quyền tiểu bang cho thấy mức độ cấp thiết của việc các tiểu bang phải cùng chung sức với chính quyền liên bang chống lại ĐCSTQ.

Vào ngày 23/9, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đến thăm Madison, thủ phủ của bang Wisconsin, các nhà lập pháp tiểu bang đã có những bài phát biểu về cách ứng phó với những thách thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông Pompeo đề cập rằng, ảnh hưởng và sự can thiệp độc hại của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ đã chuyển sang tầng diện tiểu bang và địa phương, ông kêu gọi tất cả các nhà lập pháp cấp tiểu bang ở Hoa Kỳ cảnh giác và chịu trách nhiệm ngăn chặn và kháng cự lại ĐCSTQ. Ông Pompeo cũng chỉ ra rằng, ý định “hợp tác” với Hoa Kỳ của Tập Cận Bình chỉ nhằm trục lợi và đảm bảo cho ĐCSTQ “giành được vị trí bất khả chiến bại”, theo trang báo địa phương Madison.

Có thông tin cho rằng đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ đến thăm Điện Capitol ở Wisconsin và rằng việc ngoại trưởng Mỹ đến phát biểu về chính sách đối ngoại tại Điện Capitol của một tiểu bang là “chơi trò chính trị” (ý nói ngoại trưởng sẽ đi các nước làm công tác ngoại giao, vậy mà lại tới tiểu bang trong nước Mỹ nói về chính sách đối ngoại – PV). Ông Pompeo đã giải thích điều này một cách hài hước trong bài phát biểu của mình: “Trước khi tôi đến đây, rất nhiều người đều nói đùa với tôi. Thật vậy, một

số phương tiện truyền thông chính trị ở Washington đã đặt câu hỏi rằng, Ngoại trưởng sẽ làm gì ở Wisconsin? Tôi biết, đây không phải một quốc gia, tôi hiểu điều đó”.

Tuy nhiên, một số việc đã xảy ra ở bang Wisconsin và những việc mà các nhà lập pháp Wisconsin thực hiện cũng phi thường quan trọng đối với Ngoại trưởng và Bộ Ngoại giao. Do đó, Pompeo nói rằng ông có trách nhiệm phải đến đây để thảo luận với mọi người. Sau đó, ông Pompeo sử dụng một sự kiện xảy ra vào tháng Hai năm nay để minh họa, theo Vision Times.

Lãnh sự quán Trung Quốc cố gắng yêu cầu Nghị viện tiểu bang Wisconsin tuyên dương ĐCSTQ vì nỗ lực “chống dịch”

Vào tháng 2 năm nay, bệnh viêm phổi Vũ Hán từ Trung Quốc đã lây lan ra thế giới, bao gồm Hoa Kỳ. Khi mọi người dân trên khắp nước Mỹ lo lắng về tác động của dịch bệnh đối với cuộc sống của họ, thì Chủ tịch Thượng viện Wisconsin, ông Roger Roth, đã nhận được một email riêng từ Ngô Đình, người tự nhận mình là lãnh sự của ĐCSTQ tại Chicago. Trong thư, Ngô Đình yêu cầu ông Roth thông qua một nghị quyết để ca ngợi ĐCSTQ vì “chống dịch” và vì ĐCSTQ đã “dành thời gian quý báu cho thế giới để chống lại dịch bệnh”. Bản dự thảo nghị quyết cũng được đính kèm trong email.

Thượng nghị sĩ Roth tưởng rằng đó là một trò đùa nên đã xóa email. Nhưng vài tuần sau, người có tên Ngô Đình lại gửi một email khác có đính kèm phiên bản sửa đổi của dự thảo nghị quyết trước đó.

Tới lúc đó, Thượng nghị sĩ Roth mới hiểu rằng đòi hỏi này là có thật, vì vậy ông đã trả lời email bằng một từ – “Điên rồ”. Sau đó, ông đã đưa ra một nghị quyết lên án ĐCSTQ vì đã che giấu dịch bệnh và cố tình gây hiểu lầm cho thế giới.

Ngoại trưởng Pompeo đã nói: “… Khi chúng tôi nghĩ về hoạt động của ĐCSTQ thông qua đại sứ quán của họ tại Hoa Kỳ, đây là một loạt các vấn đề đáng lo ngại. Điều đang xảy ra ở Wisconsin đang xảy ra trên toàn thế giới, xảy ra trên khắp nước Mỹ, và xảy ra trong các hội đồng bang trên toàn nước Mỹ”.

Tập Cận Bình đề xuất “hợp tác” với Hoa Kỳ ở cấp địa phương, chỉ với mục đích để đảm bảo rằng ĐCSTQ sẽ có lợi và “giành được vị trí bất khả chiến bại”.

Ông Pompeo nói rằng nhiều quốc gia đã cố gắng gây ảnh hưởng đến chính trị và văn hóa của Hoa Kỳ, và điều đó đều không thành vấn đế. Tuy nhiên, cách tiếp cận của ĐCSTQ về cơ bản là khác hoàn toàn.

Ông nói: “ĐCSTQ, đối với kiểu tiếp xúc này, có phương cách hiểm ác hơn nhiều. Mục tiêu của ĐCSTQ và các tác nhân của nó là khiến người Mỹ phải chấp nhận hình thức chủ nghĩa bá quyền của Bắc Kinh”.

Ông Pompeo cũng phân biệt rõ ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc. Người dân Trung Quốc, cũng giống như người dân Mỹ, họ hy vọng có một cuộc sống tự do, hòa bình, thịnh vượng và muốn chăm sóc tốt cho gia đình của họ. Nhưng ĐCSTQ và các nhà lãnh đạo của nó hoàn toàn khác với người dân Trung Quốc.

Sau đó, ông Pompeo dẫn một bài phát biểu của Tập Cận Bình làm ví dụ.

Vào ngày 24/8, Tập Cận Bình đã tổ chức một “Diễn đàn các chuyên gia kinh tế và xã hội”. Ông ta nói tại cuộc họp: “Bất kỳ quốc gia, khu vực và công ty nào sẵn sàng hợp tác với chúng tôi, bao gồm các bang, địa phương và công ty ở Hoa Kỳ, chúng tôi đều tích cực khai triển hợp tác, hình thành mô hình hợp tác mở toàn diện, đa cấp và đa dạng”.

Ông Pompeo nói rằng, với tư cách là Ngoại trưởng và cựu giám đốc CIA, ông có cách giải thích khác về những gì Tập Cận Bình đã nói. Đó là: “Tập Cận Bình biết rằng, chính phủ liên bang Hoa Kỳ đang tiếp tục chống lại ĐCSTQ và ảnh hưởng cực kỳ ác liệt của nó. Trung Cộng đã nhìn ra tại Mỹ quốc và ngày càng nhiều các quốc gia trên thế giới, ĐCSTQ có thể lợi dụng các thực thể địa phương để phá vỡ chủ quyền của Hoa Kỳ”. Ông tin rằng các nhà lãnh đạo địa phương có thể là những mắt xích yếu mà ĐCSTQ có thể lợi dụng.

“Đối với ông ta, khi ông ta sử dụng các từ ‘hợp tác’ và ‘mở cửa’, thì ý tứ của ông ta là ĐCSTQ nên chế định các thỏa thuận có lợi cho sự an bài của ĐCSTQ”.

Ông Pompeo đề cập rằng Tập Cận Bình cũng đã nói rõ trong dịp tương tự rằng, mục đích của lời kêu gọi của ông ta là mở rộng phạm vi ảnh hưởng và đưa ĐCSTQ “lên một vị trí bất bại và vô địch”.

Do đó, ông Pompeo nói rằng phải đàm thoại về ĐCSTQ và những thách thức của ĐCSTQ trong cơ quan lập pháp của bang. Chủ đề này quan trọng như nhau ở cấp tiểu bang và liên bang.

Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco đã can thiệp vào nghị quyết ủng hộ Pháp Luân Công của Nghị viện California

Ông Pompeo nói rằng phần lớn sự can thiệp của ĐCSTQ ở cấp nhà nước ở Hoa Kỳ là để gây áp lực buộc chính quyền các bang không công nhận Đài Loan và không làm ăn với Đài Loan.

Nhưng sự can thiệp của ĐCSTQ ở cấp tiểu bang ở Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở đó. Ông Pompeo đưa ra một ví dụ khác về California.

Năm 2017, thượng nghị sĩ California Joel Anderson đã đề xuất một dự luật để biểu đạt sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công ở Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây là một bài phát biểu, một nghị quyết hùng biện. Nhà lập pháp bang nói rằng những học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ đàn áp tự do tôn giáo, phải chịu vô vàn đau đớn cũng như những nhóm tín ngưỡng khác bị ĐCSTQ bức hại.

Các quan chức ĐCSTQ tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco đã gửi thư đến Nghị viện bang California vu khống Pháp Luân Công, tuyên bố rằng dự luật này có thể “phá hoại nghiêm trọng mối quan hệ hợp tác giữa California và Trung Quốc (ĐCSTQ) và làm tổn thương nghiêm trọng tình cảm của người Trung Quốc ở California và cộng đồng người Hoa”.

Ông Pompeo nói: “Thật không may, Thượng viện California đã không chịu nổi áp lực từ ĐCSTQ và đã gác lại đề xuất này”.

Ông Pompeo nói rằng đây không phải là một trường hợp cá biệt, trên thực tế, hầu hết các hội đồng nhà nước ở Hoa Kỳ có thể đã nhận được một lá thư từ ĐCSTQ. Lãnh sự quán New York của ĐCSTQ rất tích cực trong các hoạt động can thiệp chính trị của mình tại Hoa Kỳ.

Gián điệp Trung Quốc trong Sở cảnh sát New York

Ông Pompeo cũng đề cập rằng, không chỉ ở cấp tiểu bang, ĐCSTQ cũng đang thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng và gián điệp ở cấp chính quyền thành phố ở Hoa Kỳ.

Trong vài ngày gần đây, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã kiện một sĩ quan cảnh sát ở Sở Cảnh sát New York vì bị cáo buộc hoạt động như một đặc vụ bất hợp pháp của ĐCSTQ. Người đàn ông Tây Tạng bị cáo buộc báo cáo với ĐCSTQ về các hoạt động của người Tây Tạng sống ở Hoa Kỳ. Anh ta thậm chí còn cung cấp cho các quan chức ĐCSTQ cơ hội liên lạc với các quan chức cấp cao của Sở Cảnh sát New York. Người đàn ông Tây Tạng nói với các quan chức lãnh sự quán Trung Quốc rằng Bắc Kinh “nên vui mừng vì các vị đã tiếp cận được với cảnh sát (Mỹ)”.

Ông Pompeo nói rằng, ở tất cả các vùng của Hoa Kỳ, ở tất cả các thành phố kết nghĩa với Trung Quốc, chúng ta đều có thể thấy tình trạng này; họ thuộc “Hiệp hội hữu hảo đối ngoại nhân dân Trung Quốc”, điều này nghe có vẻ không có gì sai,…. nhưng đối với lợi ích của nước Mỹ thì ngôn từ đó không đúng.

Ông Pompeo tiết lộ rằng, Bộ Ngoại giao đang xem xét hai cơ quan mặt trận thống nhất do ĐCSTQ điều hành ở Hoa Kỳ: một là “Hiệp hội Hữu nghị Hoa Kỳ-Trung Quốc”; hai là “Mặt trận hòa bình Thống nhất Trung Quốc”.

Chính phủ liên bang Hoa Kỳ cần sự hợp tác ở cấp địa phương để cùng chống lại ĐCSTQ

Ông Pompeo nói với các nhà lập pháp bang Wisconsin rằng, chính phủ liên bang Hoa Kỳ không thể giám sát tất cả các hành vi cưỡng đoạt và hiếp bách như vậy của ĐCSTQ. Chế độ liên bang Hoa Kỳ cũng không cho phép chính phủ liên bang có thể giám sát ĐCSTQ như vậy. Những trách nhiệm này có thể do cấp tiểu bang gánh vác. Vì vậy, ông Pompeo kêu gọi tất cả các nhà lập pháp tiểu bang, bất kể họ thuộc đảng phái nào, hãy cảnh giác và bắt đầu từ chính mình. Khi một nhà ngoại giao Trung Quốc tiếp cận bạn, bạn phải biết rằng đó có thể không phải là trên tinh thần hợp tác hay hữu nghị.

Pompeo tin rằng trong việc chống lại ảnh hưởng độc hại của ĐCSTQ, các hội đồng địa phương của Hoa Kỳ có thể làm được nhiều điều, chẳng hạn như:

Thông qua luật để thiết lập sự hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan liên bang, để giúp liên bang bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tiến hành các hoạt động sàng lọc đầu tư và thẩm định ngược;

Bỏ qua sự uy hiếp của ĐCSTQ, tiếp tục khuyến khích các thị trưởng và doanh nhân hợp tác rộng rãi hơn trên khắp thế giới;

Xem xét cẩn thận các quỹ hưu trí của tiểu bang, và không đầu tư vào các công ty nằm dưới sự giám sát khống chế của ĐCSTQ;

Phải đảm bảo rằng các trường đại học công lập ở Hoa Kỳ sẽ không bị các tổ chức như Viện Khổng Tử có liên hệ với ĐCSTQ gây ảnh hưởng bất chính. Đảm bảo rằng các sinh viên ủng hộ dân chủ đến từ Trung Quốc, Hồng Kông hoặc Đài Loan đang theo học tại các trường đại học sẽ không bị các phần tử thân Bắc Kinh đe dọa và quấy rối.

Ông Pompeo nói rằng các quan chức ĐCSTQ đã dốc toàn lực trong nhiều năm nhằm can thiệp ở cấp tiểu bang và địa phương ở Hoa Kỳ, và cường độ can thiệp đang không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, ông Pompeo tin rằng nỗ lực của ĐCSTQ nhằm phá hoại xã hội Mỹ và đàn áp tiếng nói của người Mỹ sẽ không thành công.

Ông Pompeo nói: “Chính quyền Trump bác bỏ ý kiến ​​cho rằng Bắc Kinh có số phận thống trị thế giới. Bất kỳ chế độ độc tài từ trên xuống nào cũng không bao giờ có thể vượt qua sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh của người dân Mỹ”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-pompeo-canh-bao-chinh-quyen-cac-tieu-bang-hoa-ky-ve-ban-chat-cua-dcstq.html

 

Tổng Thống Trump dương tính với coronavirus

làm thay đổi động lực cho các cuộc đàm phán

về gói hỗ trợ kinh tế

Hôm thứ Sáu (2 tháng 10), chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết tin tức tổng thống Trump nhiễm coronavirus thể tạo ra sự thay đổi của các cuộc đàm phán cho gói hỗ trợ kinh tế. Cùng ngày, Hạ viện đã bỏ phiếu cuối cùng trước khi nghỉ vào tháng 10/2020.

Theo văn phòng của lãnh đạo đa số Hạ viện Steny Hoyer, các nhà lập pháp có thể quay trở lại Washington để thông qua luật hỗ trợ Covid-19 và sẽ nhận được thông báo trong 24 giờ trước khi bỏ phiếu. Trong cuộc đàm phán kéo dài hàng tháng trời về việc cần bao nhiêu tiền cho viện trợ, bà Pelosi đã nhiều lần nói rằng đảng Cộng hòa không hiểu được mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát Covid-19.

Hạ viện đã thông qua kế hoạch hỗ trợ 2.2 ngàn tỷ Mỹ kim của Đảng Dân chủ vào tối thứ Năm (1 tháng 10), trong khi ông Mnuchin chỉ đề nghị hỗ trợ 1.6 ngàn tỷ Mỹ kim.

Trong một thông báo, bà Pelosi liệt kê các lĩnh vực còn bất đồng như trợ cấp thất nghiệp, tài trợ cho chính quyền tiểu bang và địa phương,  thuế thu nhập, tiền hỗ trợ chăm sóc trẻ em và tiền quỹ cho việc xét nghiệm và truy vết Covid-19.

Bất chấp các bế tắc đó, bà Pelosi đã thực hiện một bước quan trọng, khi nói rằng Hạ viện có thể thông qua một dự luật độc lập để gửi tiền hỗ trợ của các hãng hàng không để giúp trang trải việc trả lương nhân viên. Các hãng hàng không đã yêu cầu 25 tỷ Mỹ kim để giúp trả lương cho nhân viên khi ngành du lịch gặp khó khăn. (BBT)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-duong-tinh-voi-coronavirus-lam-thay-doi-dong-luc-cho-cac-cuoc-dam-phan-ve-goi-ho-tro-kinh-te/

 

Phi thuyền chở hàng hóa tiếp tế

trạm không gian quốc tế, bao gồm nhà vệ sinh

thân thiện với phụ nữ trị giá 23 triệu Mỹ kim

Vào tối thứ Sáu (2 tháng 10), một hỏa tiễn của công ty Northrop Grumman Antares đã được phóng từ Bờ Đông Virginia, đẩy một phi thuyền chở hàng Cygnus lên quỹ đạo với 4 tấn đồ dùng và thiết bị dùng cho Trạm Không gian Quốc tế, bao gồm một nhà vệ sinh trị giá 23 triệu Mỹ Kim thân thiện với phụ nữ hơn.

Được phóng thẳng vào mặt phẳng quỹ đạo của trạm không gian, hỏa tiễn hai tầng hoàn thành việc bay vào không gian chỉ trong 7 phút, thả phi thuyền Cygnus vào quỹ đạo sơ bộ theo kế hoạch của nó 2 phút sau đó. Nếu mọi việc suôn sẻ, phi thuyền chở hàng sẽ bắt kịp trạm không gian vào sáng thứ Hai tới đây (5 tháng 10).

Cygnus chở các nguồn cung cấp cho các phi hành gia, bao gồm thực phẩm và quần áo, thiết bị khoa học và các thiết bị khác, bao gồm một máy ảnh độ phân giải cao sẽ được sử dụng để quay một chuyến du hành không gian sắp tới, với độ chi tiết chưa từng có và 10 chai kem dưỡng da Estee Lauder sẽ được giới thiệu trong ảnh chụp quảng cáo thương mại.

Nhà vệ sinh vô trọng lực mới nhỏ hơn 65% và nhẹ hơn 40% so với loại hiện đang được sử dụng trong trạm không gian của Hoa Kỳ. Nó có nhiều cải tiến thiết kế sẽ được đưa vào thử nghiệm trên trạm không gian, trước khi được đưa vào sử dụng cho các phi thuyền dạng viên nang Orion bay đến mặt trăng trong chương trình Artemis của NASA.

Đối với Estée Lauder, các phi hành gia của trạm không gian sẽ chụp ảnh các thùng chứa kem Advanced Night Repair của công ty trong khi chúng lơ lửng. Theo Bloomberg, công ty đang trả cho NASA 128,000 Mỹ kim cho hoạt động chụp ảnh ngoại cảnh để quảng cáo. (BBT)

https://www.sbtn.tv/phi-thuyen-cho-hang-hoa-tiep-te-tram-khong-gian-quoc-te-bao-gom-nha-ve-sinh-than-thien-voi-phu-nu-tri-gia-23-trieu-my-kim/

 

Những tin tức tốt đẹp đáng kinh ngạc về kinh tế Mỹ

 mà truyền thông chính thống bỏ qua

Bình luậnThiện Nhân

Trước tin tức về cái chết của Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg và việc Tổng thống Trump đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett, một tin tức kinh tế quan trọng gần đây đã bị lu mờ, đó là báo cáo về thành công kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump đã vượt qua bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào khác.

Được công bố hai tuần trước, báo cáo của Cục Điều tra Dân số về “Thu nhập và Nghèo đói ở Hoa Kỳ” cho năm 2019 cho thấy rõ ràng rằng, trước đại dịch, thành công kinh tế của chính quyền Tổng thống Trump đã vượt qua bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào khác.

Tăng trưởng kinh tế hơn 45% trong một năm so với thời Obama

Đầu tiên, Cục điều tra dân số báo cáo rằng thu nhập trung bình thực tế của hộ gia đình đã tăng lên 68.703 USD vào năm 2019, mức tăng ấn tượng 6,8% so với năm 2018.

Đây là mức tăng thu nhập trung bình lớn nhất trong một năm được ghi nhận kể từ năm 1967. Đây cũng là mức tăng trưởng hơn 45% trong một năm (4.379 USD) so với toàn bộ thời kỳ Obama/Biden kéo dài trong 8 năm (chỉ đạt mức 3.021 USD).

Trong ba năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Trump, các lợi ích kinh tế rất phổ biến. Trong khi tỷ lệ tăng trưởng chung là 6,8%; thu nhập trung bình thực tế thậm chí còn tăng cao hơn, lên đến mức 7,9% đối với người Mỹ da đen; 7,1% đối với người Mỹ gốc Tây Ban Nha và 10,6% đối với người Mỹ gốc Á. Tất cả đều đạt mức cao kỷ lục trong mức thu nhập mới của từng nhóm này.

Đối với những luận điểm về việc ông Trump cắt giảm thuế chỉ mang lại lợi ích cho những người giàu có, thì chúng là sai.

Khi thu nhập tăng vào năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh 1,3 điểm phần trăm, xuống mức thấp nhất trong 60 năm là 10,5%. Đây là mức giảm nghèo giảm mạnh nhất trong hơn 50 năm, đã đưa hơn 4,1 triệu người thoát khỏi đói nghèo, cũng là mức giảm hàng năm lớn nhất kể từ năm 1966.

Chỉ để so sánh, dưới thời Obama/Biden, số người sống trong cảnh nghèo đói đã tăng 787.000 người.

Những ‘chiến tích kinh tế’ của Tổng thống Trump vượt trội so với bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào

Các nhóm thiểu số lại trải qua những cải tiến lớn nhất. Trong khi tỷ lệ nghèo chung giảm 1,3 điểm phần trăm, tỷ lệ nghèo nhóm da đen giảm 2,0 điểm phần trăm; tỷ lệ nghèo nhóm gốc Tây Ban Nha giảm 1,8 và nhóm châu Á giảm 2,8.

Theo Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng (CEA), “tỷ lệ nghèo đói giảm xuống mức thấp kỷ lục mọi thời đại đối với mọi chủng tộc và dân tộc vào năm 2019”.

Tỷ lệ nghèo ở trẻ em giảm xuống còn 14,4%; tỷ lệ nghèo ở trẻ em thấp nhất được quan sát thấy kể từ năm 1973 và giảm từ 18% so với cuối thời Obama/Biden. Mang lại công việc cho người dân chính là chương trình phúc lợi gia đình tốt nhất.

Hãy nhìn rộng hơn một chút. Trong ba năm đầu tiên của chính quyền Trump, từ 2016 đến 2019, thu nhập trung bình thực tế của hộ gia đình đã tăng 9,2%; trong khi nền kinh tế đưa 6,6 triệu người thoát nghèo, đưa 1,2 triệu người Mỹ da đen thoát khỏi nghèo đói.

Đây là mức giảm nghèo lớn nhất trong 3 năm so với bất kỳ nhiệm kỳ tổng thống nào, kể từ lần giảm đầu tiên vào năm 1964 khi Cuộc chiến chống đói nghèo bắt đầu.

Còn với “điều cấm kỵ” của Đảng Dân chủ về tuyên bố “bất bình đẳng thu nhập” dưới thời Tổng thống Trump? Chắc chắn với những tuyên bố của đảng Dân chủ rằng các chính sách kinh tế của ông Trump chỉ mang lại lợi ích cho người giàu, thì tỷ lệ này hẳn đã tăng lên. Nhưng trên thực tế, nó không phải vậy.

Với mức thu nhập ngày càng tăng, bất bình đẳng thu nhập đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp khi tỷ trọng thu nhập của 20% người có thu nhập thấp nhất đã tăng 2,4%.

Trong khi dịch viêm phổi Vũ Hán ảnh hưởng đến nỗ lực thu thập dữ liệu của Cục điều tra dân số, chất lượng dữ liệu vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn thông thường của Cục điều tra dân số. Theo CEA, nghiên cứu của Cục này cho thấy rằng ngay cả khi tính đến các vấn đề tiềm ẩn, “thu nhập trung bình thực tế vẫn sẽ tăng lên và tình trạng nghèo đói vẫn sẽ giảm đi rất nhiều”.

Những con số trước đại dịch này cho thấy tiềm năng của tất cả người Mỹ đối với các chính sách ủng hộ tăng trưởng của Tổng thống Trump, đặc biệt so với sự trì trệ của các chính sách lớn dưới thời chính quyền Obama/Biden.

Ngày bầu cử đang đến gần kề, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden muốn đảo ngược các chính sách của ông Trump, bãi bỏ việc cắt giảm thuế của Tổng thống Trump; đồng thời tăng cường các quy định và phát triển chính phủ theo hướng mở rộng các chính sách thời Obama, vốn đã tạo ra sự phục hồi kinh tế yếu nhất kể từ Thế chiến thứ II.

Tổng thống Trump muốn xây dựng lại nền kinh tế bằng các chính sách tạo ra thị trường lao động mạnh nhất trong thời hiện đại, bao gồm cả những con số tích cực trong lịch sử của năm 2019.

Báo cáo Thu nhập và Nghèo đói của Cục Điều tra Dân số cho năm 2019 đã đặt ra một tiêu chuẩn mới để đo lường thành công kinh tế khi đại dịch kết thúc. Tổng thống Trump đã hứa rằng nền kinh tế sẽ vượt xa những kết quả ấn tượng mà chúng ta đã thấy trong năm 2019 nếu ông ấy tái đắc cử. Với những kết quả đó, chúng ta có mọi lý do để tin tưởng ông ấy.

Mới đây, tin tức về việc vợ chồng Tổng thống Trump dương tính với virus Corona Vũ Hán đã gây rúng động thế giới, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo. Dù vậy, thông tin liên tục cho thấy sức khỏe ông Trump có “tiến bộ đáng kể”, và ông vẫn tiếp tục làm việc.

“Không gì có thể ngăn ông tiếp tục làm việc vì người dân Mỹ. Không hề ngưng nghỉ!”, con gái Ivanka của Tổng thống Trump đã viết trên Facebook.

Tác giả: Andy Puzder, từng được Tổng thống Trump đề cử giữ chức Bộ trưởng Lao động Hoa Kỳ. Tác phẩm mới nhất của ông là “Đưa nước Mỹ trở lại làm việc” được phát hành vào ngày 28/4/2020.

Thiện Nhân

https://www.ntdvn.com/the-gioi/nhung-tin-tuc-tot-dep-dang-kinh-ngac-ve-nen-kinh-te-cua-tong-thong-trump-ma-truyen-thong-chinh-thong-bo-qua-80083.html

 

Hàng ngàn người ủng hộ ông Trump

diễu hành ở Washington

Bình luậnDu Miên

Ngày 3/10, hơn 8 ngàn người tiếp tục đến thủ đô Washington để tham dự cuộc diễu hành ủng hộ Tổng thống Donald Trump.

Đoạn video và hình ảnh cho thấy, đám đông diễu hành từ Freedom Plaza đến Nhà hát Sylvan. Sự kiện này do ông Brandon Straka, một người từng theo phe Dân chủ nhưng hiện ủng hộ ông Trump đứng ra tổ chức.

Khẩu hiệu cho sự kiện là: “Đã đến lúc số đông im lặng lên tiếng”.

“Số đông im lặng” là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một nhóm người không công khai quan điểm của mình nhưng chiếm số lượng đông đảo, đủ để ảnh hưởng đến các sự kiện, chẳng hạn như cuộc bầu cử năm 2016.

Ông Straka nói với đám đông gần Đài tưởng niệm Washington rằng: “Điều này rất quan trọng, điều này rất lịch sử và quan trọng đến mức chúng ta đang làm điều này ngay bây giờ”.

Nhà hoạt động chính trị cho biết, ông nhận thấy những người theo quan điểm truyền thống còn quá thụ động; vậy nên ông khuyến khích mọi người hoạt động tích cực hơn trong chính trị.

Ông Straka cho biết, đôi khi ông cảm thấy sợ sau khi tổ chức một số sự kiện của mình, bao gồm một sự kiện ở thành phố Baltimore, bang Maryland, nơi chỉ có 100 người xuất hiện. Ông nói: “Chính nỗi sợ hãi đang bao trùm và kiểm soát những người theo chủ nghĩa truyền thống, đã cho phép cánh tả cấp tiến trở thành cánh tả cấp tiến [như hôm nay]“.

Cuộc diễu hành diễn ra cách Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed khoảng 24km. Đó là nơi ông Trump đang cách ly để điều trị virus Corona Vũ Hán.

Khoảng 8 nghìn người tham dự đã đăng ký cho cuộc diễu hành chính, theo tin tức từ phóng viên Kevin Hogan của NTD Television.

Các cựu quân nhân, bao gồm cả cựu Hải quân SEAL và Biệt động quân mặc thường phục, đang làm nhiệm vụ trinh sát để ngăn chặn bất kỳ sự gián đoạn nào, phóng viên Hogan nói thêm.

Một người Mỹ gốc Phi tham gia buổi diễu hành tên Femi Ogun nói với ông Hogan rằng: “Tôi đang rời bỏ phong trào Black Lives Matter (BLM) bởi vì họ chống phá, họ chống lại Tổng thống của tôi. Họ muốn ông ấy bị tống giam, họ muốn ông ấy chết, điều đó sẽ không xảy ra”.

Người này còn bổ sung rằng, phong trào BLM “truyền tải [thông điệp] hủy diệt; nó truyền đi sự hỗn loạn; nó gây ra sự hiểu lầm, và chúng ta không cần những điều đó trong xã hội [của Mỹ] lúc này, bạn biết đấy, chúng ta cần tình yêu thương”.

Theo phóng viên Hogan đưa tin, những người biểu tình của phong trào BLM cũng đã đến nơi diễn ra cuộc diễu hành ủng hộ ông Trump. Họ mang theo micro để làm gián đoạn sự kiện. Một số người đã bị Cảnh sát Công viên Hoa Kỳ bắt giữ sau khi họ hành hung các sĩ quan. Người phát ngôn của Dịch vụ Công viên Quốc gia đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu cung cấp thông tin về vụ bắt giữ.

Những người tham dự khác cũng nói về lý do tại sao họ đến Washington để tuần hành.

Một người đến từ Virginia tên Nico nói với phóng viên Jorge Ventura của báo Daily Caller rằng, anh ấy tham dự cuộc tuần hành vì “chúng ta không nên thấy xấu hổ khi bày tỏ sự ủng hộ cho Tổng thống của chính mình”.

Alexis – một người ủng hộ ông Trump đến từ California – cho biết, cô đã đến Washington để thể hiện sự ủng hộ của mình đối với Tổng thống Trump.

“Tôi muốn có thể thể hiện diện tại đây và cho thấy rằng, có những người da đen [theo chủ nghĩa] truyền thống ủng hộ ông Trump”, trích lời cô nói với phóng viên Ventura.

Hạ nghị sĩ Dan Crenshaw nói với đám đông tham gia cuộc tuần hành rằng, định nghĩa thực sự của công lý là bảo vệ quyền của các cá nhân, nhưng định nghĩa đó đang bị bóp méo bởi “những người thức tỉnh cấp tiến”.

Cùng tham gia phát biểu trong buổi diễu hành còn có các diễn giả khác, bao gồm ông Scott Presler – một nhà hoạt động chính trị, ông David Harris Jr. – một nhà bình luận chính trị, và ông Vernon Jones – Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Georgia nhưng ủng hộ ông Trump.

Sự kiện diễn ra khoảng một tuần sau khi hàng nghìn người tham gia cuộc tuần hành cầu nguyện ở Washington. Phó Tổng thống Mike Pence đã phát biểu trong buổi tuần hành cầu nguyện này.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh

https://www.ntdvn.com/the-gioi/hang-ngan-nguoi-ung-ho-ong-trump-dieu-hanh-o-washington-80067.html

 

Canada sẽ giữ các hạn chế biên giới với Hoa Kỳ

cho đến khi đại dịch thuyên giảm

Tin từ OTTAWA, Canada –  Vào hôm thứ Sáu (2/10), một viên chức chính phủ cao cấp cho biết Canada sẽ duy trì các hạn chế đối với việc đi lại không cần thiết với Hoa Kỳ cho đến khi sự bùng phát coronavirus ở cả hai quốc gia ít nghiêm trọng hơn.

Các bình luận của Bộ trưởng Bộ An toàn Công cộng Canada Bill Blair cho thấy lệnh cấm du lịch không thiết yếu có thể kéo dài trong nhiều tháng tới, khi các trường hợp COVID-19 đang gia tăng đột biến. Các biện pháp, được áp dụng lần đầu tiên vào tháng 3, sẽ hết hạn vào ngày 21 tháng 10. Các biện pháp này không ảnh hưởng đến việc giao thương.

Vào hôm thứ Sáu (2/10), Hoa Kỳ báo cáo 7,260,465 trường hợp nhiễm coronavirus mới, tăng 47,046 trường hợp so với con số trước đó. Làn sóng thứ hai đang đi qua Canada, nơi các viên chức y tế báo cáo gần 2,000 trường hợp mới mỗi ngày so với chỉ 300 trường hợp vào tháng Bảy.

Trước đó, các viên chức Canada thông báo rằng họ sẽ nới lỏng một số hạn chế vào hôm thứ Năm tuần tới để cho phép nhiều gia đình gặp gỡ, và có kế hoạch cho phép một số sinh viên quốc tế mới đến lớp học tại các cơ sở giáo dục. Kể từ ngày 8 tháng 10, Canada sẽ cho phép nhập cảnh đối với một số thành viên gia đình của công dân và thường trú nhân Canada, bao gồm cả những người đang có mối quan hệ hẹn hò ít nhất một năm. (BBT)

https://www.sbtn.tv/canada-se-giu-cac-han-che-bien-gioi-voi-hoa-ky-cho-den-khi-dai-dich-thuyen-giam/

 

Mexico cho rằng đoàn di dân mới

có liên quan đến cuộc bầu cử Hoa Kỳ

Tin từ GUATEMALA CITY/MEXICO CITY – Vào hôm thứ Sáu (2/10), tổng thống Mexico cho biết ông nghi ngờ có sự can thiệp chính trị đằng sau một đoàn di dân mới ở Trung Mỹ, hứa hẹn sẽ ngăn đất nước của ông can dự vào cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ.

Hơn 2,000 di dân, nhiều người đeo khẩu trang chống coronavirus, vượt qua các binh sĩ Guatemala tại biên giới Honduras-Guatemala vào hôm thứ Năm (1/10). Một số người cho biết họ đang tìm cách thoát khỏi tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng hơn do đại dịch.

Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador, người thực hiện các bước để hạn chế tình trạng di dân bất hợp pháp nhằm tránh rắc rối với tổng thống Trump, cho rằng thời điểm khởi hành của đoàn di dân này từ Honduras được lên kế hoạch trước để khiêu khích. Ông cho biết rằng ông không có bằng chứng xác thực để chứng minh tuyên bố đó, nhưng những lời nói của ông tạo thêm áp lực cho những di dân. Họ chia thành ba nhóm vào hôm thứ Sáu, khi họ ngày càng nhận thức rõ rằng chỉ riêng việc đến được Mexico cũng sẽ là một hành trình đầy rủi ro.

Với mong muốn tránh làm mất lòng tổng thống Trump,  ông Lopez Obrador kể từ năm ngoái sử dụng hàng ngàn binh sĩ để củng cố các khu vực biên giới của Mexico.

https://www.sbtn.tv/mexico-cho-rang-doan-di-dan-moi-co-lien-quan-den-cuoc-bau-cu-hoa-ky/

 

150 nhóm nhân quyền tuần hành

phản đối ĐCSTQ trước trụ sở Liên Hiệp Quốc

Hương Thảo

Hơn 150 nhóm nhân quyền ở khoảng 60 thành phố trên khắp thế giới đã tập trung để phản đối những hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc khi nó kỷ niệm 71 năm ngày cầm quyền hôm 1/10.

Ngày 1/10, ngày kỷ niệm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm quyền tại Trung Quốc vào năm 1949, liên minh toàn cầu — là sự kết hợp đa dạng giữa người Tây Tạng, người Hồng Kông, người Đài Loan, người dân tộc Mông Cổ, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và những người bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc lưu vong, mỗi nhóm người đều có chung sự bất mãn đối với chế độ ĐCSTQ khi nó đàn áp cộng đồng người dân của họ. Sự đàn áp mà họ phải đối mặt đã bộc lộ cho thế giới thấy bộ mặt thật của chính quyền Trung Quốc: một chế độ coi thường nhân quyền và đe dọa thế giới, các nhóm biểu tình nói với The Epoch Times.

“ĐCSTQ không thể được chấp thuận, không thể được miễn trừ trách nhiệm công lý, chỉ bởi vì nó đang cai trị Trung Quốc”, Hạ nghị sĩ Scott Perry nói trong một bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ.

“Họ (ĐCSTQ) đã được [thế giới] dung túng cho những hành vì đàn áp, những trại tập trung,… tất cả những thứ khủng khiếp mà bạn đã biết, cho dù đó là Pháp Luân Công, cho dù đó là những người bạn của chúng ta ở Mông Cổ, cho dù nó đang chiếm đóng Tây Tạng”, ông tiếp tục, đề cập đến cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với môn thực hành tâm linh cổ xưa Pháp Luân Công, việc làm xói mòn phong tục văn hóa của người Mông Cổ, và đàn áp Phật tử Tây Tạng.

“Tất cả [những tội ác của ĐCSTQ] phải chấm dứt, và đó là các hoạt động tội phạm phải được cả cộng đồng thế giới nhìn ra và lên tiếng phản đối, và Hoa Kỳ phải là tiên phong”, ông nói thêm.

Hạ nghị sĩ Perry đã giới thiệu một dự luật vào sáng thứ Năm nhằm chỉ định ĐCSTQ là một “nhóm tổ chức xuyên quốc gia”, và loại bỏ quyền miễn trừ chủ quyền đối với các quan chức ĐCSTQ – cho phép họ bị đưa ra xét xử và truy tố tại tòa án Hoa Kỳ, theo một bản sao nội dung dự luật mà The Epoch Times thu thập được.

Ông nói: “Chúng ta phải là thế hệ dám đương đầu, đánh bại, và kết thúc chế độ ĐCSTQ độc ác”.

Khác với vài năm trước, các nhà hoạt động cho biết họ nhận thấy một sự đoàn kết với cảm giác rất khác biệt, khi các nhóm bị bức hại khác nhau chứng kiến ​​cuộc đàn áp độc tài gần đây của chế độ Bắc Kinh, ví như chính sách xóa bỏ việc dạy tiếng Mông Cổ trong các trường học ở Nội Mông, các vụ bắt giữ hàng loạt các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông, và các chính sách đàn áp ở Tây Tạng và Tân Cương.

Pema Namgyal, một sinh viên 26 tuổi người Tây Tạng tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học, là một trong số hơn 150 người biểu tình tập hợp trước trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York để kêu gọi đưa chế độ Trung Quốc ra trước công lý.

“[Cuộc phản kháng] không liên quan gì đến cá nhân người Trung Quốc, mà là chính quyền [ĐCSTQ]”, cậu nói khi tham dự một cuộc biểu tình gần trụ sở Liên Hợp Quốc. Namgyal sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ, sau đó nhập cư đến New York với cha mẹ dưới dạng dân tị nạn.

Trong khi đó, Rinchen Namgyal (không có mối quan hệ vói người trước), thành viên hội đồng quản trị một tổ chức vận động nhân quyền có trụ sở tại New York mang tên Sinh viên vì một Tây Tạng Tự do, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tự do thành lập một liên minh đa phương để “điều tra độc lập tình hình ở các khu vực do Trung Quốc chiếm đóng”.

Ông nói, với hồ sơ nhân quyền của chính quyền này, Liên Hợp Quốc nên ngăn Trung Quốc tham gia vào Hội đồng Nhân quyền. Vào tháng 4, một đại biểu Trung Quốc đã được bầu vào nhóm tham vấn của Hội đồng, có nhiệm vụ chỉ định người giám sát nhân quyền của hội đồng đó.

Lừa dối đã trở thành đặc trưng cho 71 năm cầm quyền của ĐCSTQ, một phụ nữ tự nhận mình là người Hồng Kông (Hongkonger A).

“Họ nói ‘có’ với mọi thứ trước khi ký thỏa thuận, nhưng lại thất hứa ngay sau đó”, cô nói, đề cập đến Tuyên bố chung Trung-Anh, theo đó đảm bảo mức độ tự trị cao trong 50 năm sau khi trao trả về cho Trung Quốc 1997. Tuy nhiên lời hứa này đã bị xâm phạm sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia mới gần đây.

Trong khi cha cô đã kể cho cô nghe về những tội ác của chế độ ĐCSTQ ngay từ khi cô còn nhỏ, nhưng phải đến năm ngoái, khi hàng triệu người Hồng Kông phản đối dự luật dẫn độ hiện đã bị hoãn vô thời hạn, cô mới hoàn toàn nhận thức ra được mức độ chuyên chế của Bắc Kinh.

“Việc nhanh chóng thi hành luật an ninh quốc gia mới là đặc biệt đáng báo động. Chúng ta từng có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Bây giờ chúng ta đã mất tất cả”, cô nói.

Nicole Sara, một nhà hoạt động đã sống ở Hồng Kông 11 năm, đã gọi “ngày Quốc khánh” 1/10 của Trung Quốc là “Ngày Quốc Tang”.

“Đối với tất cả những người dân này, không có gì để ăn mừng cả”, bà nói với The Epoch Times. “Đối với rất nhiều người, ngày này là sự khởi đầu cho sự tàn phá”.

“Các chế độ tà ác đã đến rồi đi”, cô tin rằng vào một ngày nào đó chính quyền Trung Quốc sẽ sụp đổ. “Một ngày nào đó, chúng ta quay đầu nhìn lại và sẽ thấy vết nhơ này trong lịch sử Trung Quốc”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/150-nhom-nhan-quyen-tuan-hanh-phan-doi-dcstq-truoc-tru-so-lien-hiep-quoc.html

 

Hộ chiếu miễn dịch

có giúp việc đi lại trở nên an toàn?

Justin Meneguzzi

Nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19, và virus này đặc biệt đã hủy hoại ngành du lịch.

Dù cuối cùng thì ngành lữ hành quốc tế cũng sẽ trở lại, nhờ vào việc chính phủ đưa tỷ lệ lây nhiễm xuống mức có thể kiểm soát được hoặc nhờ vào việc tìm ra vaccine, nhưng nhiều hãng hàng không, công ty du lịch và khách sạn vẫn phải tiếp tục chờ đợi.

Ngôi làng đẹp nhất nước Áo hóa ‘làng ma’ vì Covid-19

Nhà hàng chỉ phục vụ một thực khách thời Covid-19

Đảo Bruny, điểm cách ly kiểm dịch đầy quyến rũ ở Úc

Trong vài tháng qua, ý tưởng đưa ra hộ chiếu miễn dịch kỹ thuật số đã bắt đầu được nhắc đến như phao cứu sinh tiềm năng, có thể giúp kích cầu lại ngành du lịch nghỉ dưỡng quốc tế.

“Hộ chiếu miễn dịch là bằng chứng có thể trưng ra để chứng minh rằng mình đã miễn dịch với Covid-19,” Husayn Kassai, đồng sáng lập và là chủ tịch hội đồng quản trị công ty Onfido, một công ty công nghệ có trụ sở ở London chuyên về chứng chỉ nhận dạng gương mặt, cho biết.

“Nó được thiết kế giúp một người có thể chứng minh rằng họ đã được xét nghiệm, kết quả xét nghiệm của họ là như thế, mà họ không cần phải chia sẻ thêm các thông tin cá nhân khác.”

Hộ chiếu miễn dịch hiện thời đang được cân nhắc chủ yếu để giúp ích cho nhân viên y tế tuyến đầu, cho phép họ có thể tiếp tục làm việc an toàn và giảm rủi ro xảy ra bùng phát dịch trong bệnh viện.

Vào tháng Tư, Onfido được mời nộp hồ sơ chào hàng chứng chỉ sức khỏe kỹ thuật số cho Hội đồng Khoa học và Công nghệ của Quốc hội Anh.

Trong hồ sơ, Onfido giới thiệu hộ chiếu miễn dịch là “điều then chốt để chúng ta có thể thích nghi với tình trạng bình thường mới”.

Hộ chiếu miễn dịch sẽ cho phép người dùng tạo ra danh tính kỹ thuật số thông qua việc tải lên hồ sơ chính thức (như hộ chiếu hoặc bằng lái xe) cùng với hình ảnh chụp selfie bản thân từ điện thoại, có thể xác nhận nhờ công nghệ Trí tuệ Nhân tạo AI.

Danh tính sau đó sẽ được hợp nhất với chứng chỉ miễn dịch do cơ quan dịch vụ sức khỏe quốc gia phát hành.

Kết quả cuối cùng là một đoạn mã trên điện thoại có thể dùng để quét qua cửa đến văn phòng, tòa nhà công cộng hay thậm chí sân bay.

Onfido sẽ cung cấp công nghệ xác định danh tính người dùng, nhưng việc kiểm soát và đảm bảo an toàn cho dữ liệu sức khỏe và đưa hệ thống xét nghiệm miễn dịch vào hoạt động sẽ do chính phủ Anh đảm nhiệm.

Vấn đề sử dụng hộ chiếu miễn dịch ở Anh vẫn mới ở giai đoạn đầu, và chính phủ Anh vẫn đang xem xét các hồ sơ từ các công ty chuyên về danh tính và nhận diện gương mặt khác, như Yoti, Nomidio và công ty IDnow có trụ sở ở Berlin, cũng như đánh giá của hàng loạt chuyên gia y tế và học giả về tính khả thi của mô hình này.

Hội đồng phê duyệt vẫn còn đang cân nhắc liệu Anh Quốc có nên sử dụng hộ chiếu miễn dịch hay không, nhưng tiềm năng để kích cầu việc mở lại các hoạt động công cộng khác mà loại hồ sơ này mang lại đã khiến những đề xuất tương tự xuất hiện ở Đức, Indonesia, Italy, Israel, Colombia, Argentina, Estonia và Mỹ.

Một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi virus từ sớm đã nhanh chóng ứng dụng chứng chỉ sức khỏe, như Trung Quốc sử dụng một ứng dụng mã sức khỏe cho thấy liệu người dùng có thể hiện triệu chứng gì không rồi mới được vào khách sạn hoặc đi tàu điện, theo tường thuật của hãng tin Reuters.

Amabie, ‘bùa yểm’ chống Covid-19 của người Nhật

Nụ cười thời cách ly Covid-19 ở Trung Quốc

Năm quốc gia sẽ phục hồi nhanh nhất sau đại dịch Covid-19

Dù không chính thức gọi là hộ chiếu sức khỏe, chính phủ Chile cũng đã bắt đầu phát hành chứng chỉ “không có virus” cho những công dân hồi phục sau khi nhiễm Covid-19, qua đó cho phép họ trở lại làm việc mà không bị cấm đi lại.

Tấm vé hồi phục lại ngành du lịch?

Hồi phục ngành du lịch là cực kỳ quan trọng, giúp hồi phục kinh tế toàn cầu. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, ngành du lịch năm 2019 đóng góp gần 9 nghìn tỷ đô la Mỹ cho tổng sản phẩm quốc nội trên thế giới, và đem lại 330 triệu việc làm – tức là khoảng một phần mười việc làm toàn cầu.

Tuy nhiên, để ngành lữ hành có thể hoạt động trở lại hoàn toàn, cũng dễ hiểu là chính phủ các nước sẽ đòi hỏi bằng chứng là mọi người không mang Covid-19 đến quốc gia đó. Trình ra một bằng chứng miễn dịch, loại bằng chứng mà giới chức địa phương có thể thẩm tra được, có thể sẽ trở thành điều kiện bắt buộc với hành khách trước khi các hãng hàng không cho phép họ lên máy bay, tương tự như có hộ chiếu hay visa.

John Holland-Kaye, CEO của sân bay đông đúc nhất Anh Quốc, phi trường Heathrow, đã hoan nghênh việc sử dụng hộ chiếu miễn dịch trên tầm quốc tế, nhưng thừa nhận rằng việc mô hình này có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào việc các quốc gia khác có áp dụng hệ thống tương tự hay không.

“Nếu chính phủ Anh Quốc, với một trong những ngành hàng không lớn nhất thế giới, có thể phối hợp với Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ, thì giữa các khối này đã có sức mạnh kinh tế và ngoại giao để thiết lập chuẩn mực quốc tế,” ông nói với Sky News vào tháng Năm.

Trong lời kêu gọi các nhà đầu tư hồi tháng Tư, CEO hãng hàng không Delta Air Lines, Ed Bastian nói ông sẽ “thực hiện bất cứ thay đổi nào cần thiết trong mô hình kinh doanh”, trong đó có việc áp dụng hộ chiếu miễn dịch nếu chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu.

Bastian chỉ ra rằng hành khách sẵn sàng thích nghi với quy định an ninh mới mà TSA và Bộ Nội An đưa ra sau vụ tấn công 11/9, và ông cho rằng điều quan trọng nhất với hành khách, đó là họ cảm thấy tin tưởng rằng sự an toàn của họ được kiểm soát tốt.

Đi du lịch trong mùa Covid-19

Covid-19: Sai lầm chết người về cách ‘đọc’ những con số

Sidehide, một nền tảng đặt phòng trực tuyến không tiếp xúc, công bố hồi tháng Năm là họ sẽ hợp tác với Onfido để cung cấp hệ thống đặt phòng không tiếp xúc, với việc sử dụng hộ chiếu miễn dịch.

Người dùng có thể sử dụng mã QR để xác định tình trạng miễn dịch của họ và sau đó đặt phòng khách sạn trong mạng lưới trực tiếp thông qua ứng dụng. Khách nhận phòng qua ứng dụng và có thể đi trực tiếp đến phòng mà không cần gặp nhân viên khách sạn nào.

Vấn đề xét nghiệm miễn dịch

Có lẽ một trong những rào cản lớn nhất ngăn cản việc đưa hộ chiếu miễn dịch vào sử dụng là bản thân kiến thức khoa học về Covid-19. Người ta hiện vẫn chưa biết được xét nghiệm kháng thể chính xác đến mức độ nào, và khi xác định là đã có kháng thể, thì kháng thể đó sẽ tồn tại trong cơ thể người đó bao lâu.

Khi cơ thể người bị tấn công bởi bệnh truyền nhiễm, phản ứng của hệ thống miễn dịch là sản xuất ra kháng thể giúp truy lùng và tiêu diệt virus. Những kháng thể này có thể còn tiếp tục tồn tại trong máu một thời gian sau khi hồi phục để bảo vệ cơ thể tránh tình trạng tái nhiễm bệnh. Kháng thể là một trong những hệ thống phòng vệ cơ bản tránh bệnh truyền nhiễm, đó cũng là lý do vì sao chúng trở thành tâm điểm trong xét nghiệm.

Nhưng để hộ chiếu miễn dịch có thể vận hành trong thực tế, chính phủ và các cơ quan y tế cần có kết quả xét nghiệm huyết thanh đáng tin cậy, theo đó xác định chính xác kháng thể trong máu người. Đây là điều mà Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho rằng bất khả thi trong thời gian này.

Một mô hình mà hãng khàng không Emirates dùng để kiểm tra kháng thể ở hành khách là sử dụng xét nghiệm chẩn đoán miễn dịch nhanh, đã bị thu hồi sau khi kết quả kiểm tra cho thấy chỉ có 30% xét nghiệm là chính xác.

Kết quả sai sẽ dẫn đến tình trạng hành khách được coi là miễn dịch dù thậm chí họ chưa bao giờ nhiễm virus.

Việc xét nghiệm huyết thanh vẫn chưa đáng tin cậy hoàn toàn là vì Covid-19 vẫn còn rất mới và các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về nó.

Những người có hệ miễn dịch chống được Covid-19

Nhiễm Covid-19 sẽ bị tổn thương não nghiêm trọng?

Sẽ ra sao nếu virus corona và tất cả các loại virus biến mất?

Đến nay, virus này có vẻ như không tuân theo các quy tắc thông thường khi đối chiếu với các lý thuyết miễn dịch truyền thống.

Các nhà khoa học đã phát hiện rằng có một số bệnh nhân hồi phục sau khi mắc bệnh nhưng lạ lùng là họ lại không hề có kháng thể nào.

Các mẫu máu thu thập trước đây cho thấy đã có dấu vết của các tế bào miễn dịch Covid-19 tồn tại từ trước khi người ta phát hiện ra Covid-19. Điều này chứng tỏ một số người đã có ít nhiều khả năng miễn dịch trong cơ thể trước khi virus này xuất hiện ở Trung Quốc vào tháng 12/2019.

Ngày càng có nhiều nghi vấn quanh việc nếu một người đã từng nhiễm Covid-19, người đó sẽ miễn dịch với căn bệnh được trong thời gian là bao lâu.

Có một số bằng chứng cho thấy dù ta có thể tìm ra kháng thể ít nhất trong thời gian ba tháng ở bệnh nhân đã hồi phục sau khi lâm bệnh nặng vì Covid-19, nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy ở các ca bệnh nhẹ hơn, kháng thể nhanh chóng sụt giảm trong khoảng ba tháng sau khi hết bệnh.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học California, Los Angeles, những người đã tiến hành nghiên cứu về tuổi thọ của kháng thể, nói rằng cần thận trọng khi sử dụng kháng thể làm chuẩn mực cấp hộ chiếu miễn dịch.

Tuy nhiên, một phần khác của hệ miễn dịch - tế bào T - cho thấy nhiều hứa hẹn hơn, vì nó là nguồn miễn dịch chống Covid-19 có tuổi thọ lâu dài hơn.

Phức tạp hơn nữa là một số trường hợp bệnh nhân Covid-19 cho thấy họ vẫn tiếp tục mang virus và có thể phát tán bệnh trong khoảng ba tháng sau khi họ hồi phục. Thêm vào đó, ca bệnh tái nhiễm đầu tiên trên thế giới, với chủng Covid-19 khác, vừa được công bố ở Hong Kong.

Nói tóm lại là chúng ta vẫn đang vật lộn tìm cách hiểu bản chất của phản ứng miễn dịch với bệnh Covid-19, và hiện thì việc đặt hy vọng vào kết quả xét nghiệm huyết thanh vẫn là quá sớm.

Người ta cũng quan ngại là hộ chiếu miễn dịch, vốn sẽ đưa ra chỉ dấu xác nhận an toàn, có thể làm công chúng hiểu nhầm sự phức tạp của tình trạng miễn dịch, dẫn đến việc họ phớt lờ các lời khuyên về y tế cộng đồng và làm tăng rủi to tiếp tục truyền nhiễm.

Nó cũng có thể tạo ra khuyến khích ngược khiến nhiều người tìm cách mắc bệnh để có thể được miễn dịch và sau đó quay trở lại “đời sống bình thường”.

Trong tháng Năm, một khảo sát của tờ Daily Mail cho thấy 19% người Anh sẽ cân nhắc tự làm bản thân nhiễm bệnh nếu chính phủ Anh đưa hộ chiếu miễn dịch vào sử dụng.

Đến khi vaccine Covid-19 được phát triển thành công trong tương lai, thì có thể là chứng nhận đã tiêm ngừa tương tự với chứng chỉ tiêm ngừa bệnh vàng da sẽ được đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia tin rằng vaccine sẽ chỉ trở nên phổ biến rộng rãi sớm nhất là vào giữa năm 2021 – thời gian chờ đợi đau đớn cho ngành du lịch – mà thậm chí đưa ra thời điểm như vậy cũng vẫn là một dự đoán tích cực.

Gây trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử

Các nhà ủng hộ quyền dân sự ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã cảnh báo về việc hộ chiếu miễn dịch có thể tiềm ẩn một con dốc trượt dài khác.

Trong thời gian phong trào Black Lives Matter buộc thế giới phải nghiêm khắc xem xét lại tình trạng bất bình đẳng về cấu trúc xã hội, những nhóm này cảnh báo rằng hộ chiếu miễn dịch có thể tạo ra một dạng đặc quyền mới dưới hình thức ‘tinh hoa miễn dịch’.

Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) cho biết chứng chỉ miễn dịch có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt chủng tộc vốn đã tồn tại sẵn ở Hoa Kỳ.

Đó là vì các ngành công nghiệp có khả năng sẽ tìm cách có được hộ chiếu này cho những nhân viên không thể làm việc từ nhà – như trong ngành sản xuất thực phẩm, ngành vệ sinh, vận tải và chuyển phát.

Những ngành này cơ bản là thuê nhân công là dân nhập cư, người da màu và phụ nữ, vốn là nhóm cư dân luôn ở trong tình trạng không thể tiếp cận hệ thống y tế một cách bình đẳng.

Những công nhân này chấp nhận rủi ro nhiễm bệnh để kiếm sống và họ sẽ ít nhận được sự hỗ trợ một khi nhiễm bệnh.

Công nhân sau khi mắc bệnh rồi khỏi bệnh và có miễn dịch có thể sẽ có cơ hội làm việc cao hơn so với những người chưa được miễn dịch, tạo ra tình trạng phân tầng mới.

Khi đó, những công nhân chưa nhiễm bệnh sẽ phải đối mặt với lựa chọn kinh khủng, đó là hoặc tiếp tục thất nghiệp hoặc chấp nhận rủi ro bị nhiễm bệnh.

Nghe thật u ám, nhưng trên thực tế thì điều này đã từng xảy ra.

Khi bệnh vàng da quét qua New Orleans hồi thế kỷ 19, công nhân chưa miễn dịch bị xếp vào nhóm không thể thuê mướn.

Sự không công bằng này đã ảnh hưởng đến người nhập cư và da màu, những người do hoàn cảnh sống mà buộc phải tiếp tục kiếm tiền, trong khi các gia đình da trắng giàu có và chủ doanh nghiệp có thể trốn trong nhà để bảo vệ bản thân.

Xâm phạm quyền riêng tư

ACLU cảnh báo rằng hộ chiếu miễn dịch có thể góp phần tạo ra một “hệ thống cơ sở vật chất giám sát sức khỏe kiểu mới, đe dọa đến quyền riêng tư”.

Mối quan ngại này được Ella Jakubowska ở tổ chức Quyền Kỹ thuật Số Châu Âu (EDRi), một tổ chức liên kết về nhân quyền và quyền dân sự ở Châu Âu chia sẻ.

Jakubowska cho rằng “sự kết hợp dữ liệu sức khỏe với dữ liệu sinh trắc học giúp các quốc gia tăng cường khả năng xây dựng hệ thống dữ liệu cực kỳ chi tiết, xâm phạm đến con người”, trong đó có thông tin về quá trình di chuyển, làm việc và nhà cửa.

“Đến lượt nó, điều này có thể đem lại hệ quả đáng sợ về quyền biểu đạt”, trong đó có nguy cơ chính phủ các nước sử dụng hộ chiếu miễn dịch để ngăn chặn tự do đi lại, với lý do là để chống dịch bệnh.

Căng thẳng giữa việc phải cân bằng quyền tự do công dân với việc thu thập dữ liệu ở quy mô lớn không phải là điều gì mới mẻ.

Điều đáng nói là các chính phủ duy trì tình trạng cân bằng giữa tự do và an ninh ra sao.

Hệ thống giám sát quy mô lớn ở Trung Quốc, vốn từng bị truyền thông phương Tây chỉ trích là quá mức, đã cho thấy cực kỳ hiệu quả trong việc kiểm soát Covid-19.

Tuy nhiên, trong phỏng vấn với BBC, Adam Schwartz, luật sư cao cấp từ Tổ chức Biên giới Điện tử ở California, cho biết trong lịch sử, các chính phủ luôn trì hoãn việc rút lại những quyền lực an ninh của mình sau khi đã tăng quyueefn này lên.

“Chẳng hạn, sau vụ tấn công 11/9, chính phủ Hoa Kỳ đã tạo ra hệ thống giám sát cực kỳ lớn. Mười chín năm sau đó, những sức mạnh này vẫn chủ yếu nằm trong tay chính phủ Hoa Kỳ.”

Duy trì quyền lực đặc biệt này và sử dụng phục vụ vượt ra ngoại phạm vi nhiệm vụ ban đầu được gọi là tình trạng “vượt quyền”, và các chuyên gia cảnh báo Covid-19 có thể mở ra kỷ nguyên mới về giám sát kỹ thuật số toàn cầu.

Các chính phủ đã ở trong vị trí cực kỳ khó khăn khi phải cân bằng sức khỏe toàn cầu với nhu cầu phục hồi nền kinh tế.

Dù hộ chiếu miễn dịch có xuất hiện, trên bề nổi là liều thuốc cứu nền du lịch và một phần đáng kể của kinh tế toàn cầu, nhưng nó cũng thêm vào tình trạng phức tạp về nhân quyền, vốn đã bị ảnh hưởng trước gánh nặng từ sự kiện chưa từng xảy ra từ cả thế kỷ qua.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-tra-54409844

 

Châu Âu yêu cầu Trung Quốc

 có đi có lại trong việc tiếp cận thị trường

Theo SCMP, sau hội nghị cấp cao đặc biệt của EU về vấn đề đối phó với Trung Quốc, Thủ tướng Đức – bà Angela Merkel đã cảnh báo rằng EU sẽ bắt đầu hạn chế khả năng tiếp cận thị trường bán lẻ với Trung Quốc nếu nước này không thực hiện cam kết mở cửa thị trường rộng rãi vào cuối năm nay.

Bà Merkel nói: “Chúng tôi mong đợi sự có đi có lại cho thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc. Chúng tôi thấy rằng các rào cản gia nhập đối với Trung Quốc vẫn còn quá cao”.

Liên minh châu Âu hôm thứ Sáu đã chính thức đồng ý hạn chế các nhà cung cấp “rủi ro cao” xây dựng công nghệ di động 5G. Đây được coi là một động thái đưa khối này gần hơn về phía Mỹ, khi Mỹ đã liên tục vận động EU loại bỏ Huawei.

Khác với các đồng minh Anh và Pháp, Đức chưa có bất kỳ động thái nào nhằm loại bỏ Huawei khỏi cơ sở hạ tầng hiện tại. Tuy nhiên, bà Merkel cũng đang phải đối mặt với nhiều lời kêu gọi áp đặt các hạn chế chặt chẽ hơn thông qua một bộ luật bảo mật CNTT mới.

Hoàng Kiên tổng hợp

Từ khóa EU Trung Quốc

https://etviet.com/theatlantic/tin-tuc-the-gioi/chau-au-yeu-cau-trung-quoc-co-di-co-lai-trong-viec-tiep-can-thi-truong.html

 

Covid-19: Anh lần đầu tiên

vượt ngưỡng 10 ngàn ca mới trong một ngày

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Anh Quốc công bố lần đầu tiên có hơn 10.000 ca nhiễm virus corona mới trong một ngày kể từ khi nước này bắt đầu tiến hành xét nghiệm đại trà.

Đã có 12.872 ca nhiễm mới, với thêm 49 người tử vong trong vòng 28 ngày kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính, theo số liệu công bố hôm thứ Bảy.

Covid-19: Anh có thể phải thắt chặt kiểm soát ‘trong sáu tháng’

Châu Âu: Cổ phiếu giảm vì Covid-19 và bê bối ngân hàng

Tuy nhiên, chính phủ nói do có trục trặc kỹ thuật, một số trường hợp trong tuần rồi đã không được ghi nhận ngay tại lúc có kết quả xét nghiệm mà được gộp vào số liệu trên.

Số liệu được đưa ra sau khi các báo cáo trước đó trong tuần cho thấy tình trạng lây nhiễm tăng lên, nhưng với tốc độ có vẻ như chậm hơn so với những tuần trước đó.

Các số liệu được dựa trên kết quả xét nghiệm hàng tuần đối với các mẫu thử lấy từ cộng đồng, nhằm có được bức tranh toàn cảnh về việc bao nhiêu người tại xứ Anh (England) nhiễm virus tại từng thời điểm.

Chính phủ Anh cũng đang theo dõi sát sao số liệu các ca dương tính hàng ngày, bởi nó sẽ cho biết tình hình cập nhật mới nhất.

Tuy nhiên, chính phủ ra thông điệp cảnh báo rằng các con số được đưa ra trong những ngày tới có thể gồm cả các trường hợp đã nhiễm từ tuần trước, “khiến cho số liệu các ca dương tính được báo cáo sẽ cao lên”.

Phát ngôn viên Bộ Y tế nói rằng vấn đề này không ảnh hưởng tới việc người dân nhận được kết quả xét nghiệm, và toàn bộ những người dương tính đã được thông báo theo cách thức thông thường.

Số liệu hàng ngày cho thấy có sự tăng cao các ca nhiễm mới, từ 4.044 trường hợp hôm thứ Hai lên 7.143 vào hôm thứ Ba.

Tuy nhiên, trong bốn hôm tiếp theo, số liệu vẫn ở mức ổn định – dao động giữa 6.914 và 7.108 ca mỗi ngày – vào thời điểm mà người ta cho rằng lẽ ra phải có tình trạng tiếp tục tăng cao.

Số liệu được công bố hôm thứ Bảy là mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ khi xảy ra đại dịch tới nay.

Con số này tăng mạnh một phần là do có gần 265 ngàn xét nghiệm được xử lý trong ngày trước đó, là ngày có số mẫu phẩm cao thứ ba được xử lý trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Tính đến thứ Bảy, tổng số các ca nhiễm bệnh tại Anh là trên 480 ngàn trường hợp.

Tại châu Âu, các ca lây nhiễm cũng tăng mạnh.

Cùng ngày, Pháp ghi nhận có 16.972 ca mới, là mức tăng hàng ngày cao ở Pháp

Hà Lan và Bỉ công bố có 3.967 và 3.175 ca nhiễm mới, cũng là mức cao ở hai nước này

Trong khi đó, Nga, quốc gia đông dân nhất châu Âu, ghi nhận 9.859 trường hợp, là mức cao nhất ở nước này kể từ tháng Năm tới nay

Tăng mức kiểm soát

Trong hôm thứ Bảy, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn bắt đầu có hiệu lực tại một số vùng ở miền Bắc xứ Anh.

Người dân tại Vùng Liverpool City, Hartlepool, Middlesbrough và Warrington nay không được phép gặp gỡ trong nhà với những người không sống cùng gia đình.

Như vậy, đến nay có hơn một phần ba nước Anh phải chịu các hạn chế nghiêm ngặt.

Trong tuần rồi, các biện pháp chặt chẽ hơn cũng được áp dụng tại Newcastle, Northumberland, Gateshead, Bắc Tyneside, Nam Tyneside, Sunderland và Hạt Durham của xứ Anh, cùng bốn vùng khác ở bắc xứ Wales.

Các quy định mới được đưa ra do có hàng trăm sinh viên Đại học Northumbria phải tự cách ly sau khi có kết quả dương tính.

Tiếp tục giảm danh sách ‘hành lang đi lại an toàn’

Trên toàn nước Anh, những người đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan nay phải cách ly kiểm dịch trong vòng hai tuần.

Quy định mới, cũng áp dụng cho người đến từ một số đảo vùng Caribbe gồm Bonaire, St Eustatius và Saba, bắt đầu có hiệu lực từ 4 giờ sáng thứ Bảy.

Sau khi liên tục giảm kể từ thời điểm đỉnh dịch hồi tháng Tư, tình trạng lây nhiễm virus corona hàng ngày tại Anh đã lại tăng trở lại kể từ tháng Bảy, với mức tăng mạnh bắt đầu từ cuối tháng Tám.

Sage, cơ quan tư vấn cho chính phủ Anh, nói rằng” rất nhiều khả năng” bệnh dịch sẽ tăng theo cấp số nhân trên toàn quốc.

Tỷ lệ lây nhiễm R mới nhất – là chỉ số cho thấy tốc độ lây lan tăng hoặc giảm của bệnh dịch – đã tăng, hiện ở mức từ 1,3 đến 1,6.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54408237

 

Tổng Thống Macron tuyên bố

đàn áp Hồi Giáo cực đoan ở Pháp

Tin từ PARIS, Pháp – Vào hôm thứ Sáu (2 tháng 10), tổng thống Emmanuel Macron của Pháp đưa ra các biện pháp được thiết kế để kiềm chế sức ảnh hưởng của Hồi giáo cực đoan trong nước và giúp phát triển “Hồi giáo của Pháp” tương thích với các giá trị cộng hòa của quốc gia.

Theo tin từ New York Times, trong bài phát biểu được chờ đợi từ lâu về chủ đề này, tổng thống Macron cho biết rằng tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa Hồi giáo phải được xóa bỏ khỏi các tổ chức công cộng ngay cả khi ông thừa nhận những thất bại của chính phủ trong việc cho phép nó lan rộng.

Các biện pháp này bao gồm đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt đối với việc học tại nhà và tăng cường giám sát các trường học tôn giáo. Mặc dù các biện pháp này có thể áp dụng cho bất kỳ nhóm nào, nhưng mục đích của chúng là chống lại những kẻ cực đoan trong cộng đồng Hồi giáo.

Theo các biện pháp này, việc đưa các giáo sĩ nước ngoài đến làm việc tại Pháp, nơi họ thường bị buộc tội rao giảng một phiên bản Hồi giáo lỗi thời hoặc cực đoan, sẽ bị chấm dứt. Tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa Hồi giáo là một vấn đề dai dẳng ở Pháp, giữa những lo sợ về các loại tấn công khủng bố mà nước này phải đối mặt trong những năm gần đây, gây áp lực lên Macron khi ông đối mặt với cuộc tái tranh cử.

Nhiều đề nghị từ ông Macron là những ý tưởng được thả nổi trong quá khứ hoặc những ý tưởng mà ông chấp thuận. Bài phát biểu của ông vào hôm thứ Sáu tập hợp tất cả thành một kế hoạch toàn diện mà chính phủ dự kiến sẽ trình bày như một dự luật vào tháng 12. (BBT)

https://www.sbtn.tv/tong-thong-macron-tuyen-bo-dan-ap-hoi-giao-cuc-doan-o-phap/

 

Covid-19 : Pháp ghi nhận kỷ lục

gần 17.000 ca nhiễm mới trong một ngày

Tú Anh

Chưa bao giờ số trường hợp lây nhiễm lên cao đến mức tuyệt vọng. Trong ngày 03/10/2020, cơ quan Y Tế Pháp ghi nhận kỷ lục gần 17.000 người dương tính với siêu vi corona chủng mới, không kể 49 ca tử vong, thêm vào con số 48 nạn nhân ngày hôm trước.

Tình trạng lây nhiễm không ngừng của đại dịch Covid-19 thúc đẩy chính phủ Pháp phải ban hành biện pháp hạn chế tiếp xúc mà tụ điểm có đông người lui tới là nhà hàng và quán cà phê. Kể từ thứ Hai 05/10, các quán cà phê tại Paris và vùng phụ cận có thể là những tụ điểm đầu tiên phải đóng cửa. Tạm thời, giới nhà hàng nuôi hy vọng tiếp tục hoạt động theo thủ tục kiểm dịch nghiêm ngặt.

Hôm thứ Năm 01/10, bộ trưởng Y tế Pháp cho ngành nghề giải khát thêm vài hôm để chờ tổng kết diễn biến đại dịch trước cuối tuần, trước khi đặt Paris vào vùng báo động « đỏ » như Marseille và đảo Guadeloupe.

Thực tế cho thấy là đại dịch vẫn tăng tốc lây lan và luôn ở trên  ngưỡng 250 ca trên 100.000 dân thủ đô. Cũng trong ngày 03/10, có 80 ổ dịch trên toàn quốc  được phát hiện.

Tại Châu Âu, một nước khác đạt kỷ lục này là Nga với 10.400 ca trong ngày 03/10 nhưng phát ngôn viên điện Kremlin cho biết sẽ không có kế hoạch phong tỏa đợt hai.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201004-phap-covid-19-ca-nhiem-ky-luc

 

Nouvelle-Calédonie thuộc Pháp: Cử tri bỏ phiếu

đông đảo trong cuộc trưng cầu dân ý về độc lập

Trọng Thành

Hôm nay, 04/10/2020, cử tri xứ Nouvelle-Calédonie, vùng lãnh thổ thuộc Pháp tại nam Thái Bình Dương, đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về độc lập. Đây là lần bỏ phiếu thứ hai, trong vòng hai năm về vấn đề độc lập.

Trong cuộc bỏ phiếu năm 2018, phe chống đã giành được 56,5% phiếu. Lần bỏ phiếu năm 2020, cử tri tham gia đông đảo hơn, với 49% người đi bầu vào buổi sáng, so với 41% hồi 2018. Tại Nouvelle-Calédonie, có khoảng 180.000 người đăng ký bỏ phiếu.

Đặc phái viên Julien Sartre tại châu Đại Dương gửi về bài phóng sự :

« Ai muốn bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý của Nouvelle-Calédonie cần phải kiên nhẫn. Trong không khí yên tĩnh, dưới bầu trời nắng đẹp, khắp nơi tại thủ phủ Nouména, hàng dòng người dài xếp hàng đợi đến lượt trước cửa các phòng phiếu, từ nhiều giờ nay, kể từ khi phòng phiếu mở cửa. Các cử tri tham gia bỏ phiếu đông đảo và tỏ rõ thái độ quyết tâm.

Kevin, 27 tuổi, bỏ phiếu tại khu phố đa sắc tộc ở Vallée des Colons, cho biết : ‘‘Tôi sẽ bỏ phiếu chống. Tôi là người Pháp, tôi vẫn sẽ là người Pháp. Tôi hy vọng đa số sẽ bỏ phiếu chống. Tôi rất hy vọng như vậy. Nếu không, tôi không biết là mọi việc sẽ đi đến đâu’’.

Để tìm được người ủng hộ nền độc lập của người Kanak tại Nouvelle-Calédonie, phải tìm đến một khu phố khác. Tại Montravel, khu phố đông dân nghèo và các đại diện của sắc tộc bản địa Kanak. Mel là người Kanak. Anh đến phòng phiếu với một lá cờ và áo Tee-shirt cũng mang cờ của người Kanak. Lựa chọn của cử tri này là rõ ràng. Mel nói : ‘‘Tôi bỏ phiếu cho độc lập. Tôi hy vọng đất nước sẽ tiến lên. Tôi mong muốn hòa bình, thịnh vượng, sự tôn trọng lẫn nhau. Tôn trọng thực sự ! Thế thôi, rất đơn giản, chỉ như vậy thôi’’.

Lát nữa, chiều nay, Mel sẽ cùng với những người ủng hộ độc lập biểu tình, giương cao cờ Kanaky trên các đường phố. Sau đó, mọi người bắt đầu chờ kết quả bầu cử ».

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201004-phap-nouvelle-caledonie-trung-cau-dan-y-doc-lap

 

1 người thiệt mạng và 19 người mất tích

do lũ lụt ở Pháp, Italy

Tin từ Paris/ Rome – Vào hôm thứ bảy (3 tháng 10), các nhà chức trách cho biết, 1 lính cứu hỏa đã thiệt mạng và 19 người bị mất tích ở Pháp, Italy sau khi cơn bão Alex đổ bộ vào vùng biên giới của hai quốc gia, gây ra lũ lụt lớn khiến đường xá và nhà cửa bị hư hại.

Cơn bão trên đã tàn phá một số ngôi làng xung quanh thành phố Nice tại khu vực Riviera của Pháp. Thị trưởng thành phố Nice gọi đây là thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất từng xảy ra tại khu vực trong hơn một thế kỷ qua. Các nhà chức trách cho biết, ít nhất 8 người đã mất tích ở Pháp.

Theo các nhân chứng địa phương, những người này bao gồm 2 lính cứu hỏa bị cuốn trôi. Bên cạnh đó, hiện có ít nhất 1 người thiệt mạng và 11 người mất tích ở Ý. Trong đó, 1 lính cứu hỏa đã thiệt mạng do cây đổ ở vùng Valle d’Aosta, 3 người đi trên xe bị nước lũ cuốn trôi ở Val Roya, khu vực biên giới với Pháp, 6 người Đức đi bộ đường dài bị mất tích sau chuyến đi đến vùng núi tỉnh Cuneo.

Các hình ảnh truyền hình được quay ở Italy cho thấy một số con đường và các cây cầu ở phía tây bắc nước này đã bị nước lũ cuốn trôi, và nhiều con sông được cho là đã vỡ bờ. Nhiều ngôi làng đã bị mất điện do chúng nằm trong các thung lũng dốc của khu vực miền núi. (BBT)

https://www.sbtn.tv/1-nguoi-thiet-mang-va-19-nguoi-mat-tich-do-lu-lut-o-phap-italy/

 

Xung đột Thượng Karabakh: Armenia tuyên bố

‘‘bằng mọi cách’’ bảo vệ cư dân vùng ly khai

Trọng Thành

Xung đột tại vùng Thượng Karabakh, ở Kavkaz, gia tăng. Hôm nay, 04/10/2020, Azerbaijan cáo buộc các lực lượng Armenia oanh kích thành phố lớn thứ hai của nước này, trong lúc chính quyền Armenia khẳng định phải « bằng mọi giá » bảo vệ dân cư vùng ly khai Thượng Karabakh.

Hôm qua là ngày thứ bảy giao tranh giữa lực lượng ly khai Armenia tại vùng Thượng Karabakh chống lại quân đội Azerbaijan. AFP cho hay, trong một phát biểu trên truyền hình hôm qua, 03/10, thủ tướng Armenia, ông Nikol Pachinian, tuyên bố Armenia đang đối mặt « với một thời điểm có thể nói là quyết định nhất trong lịch sử của mình ». Bộ Ngoại Giao Armenia thông báo quốc gia này sẽ « bằng mọi cách » bảo vệ cư dân tại vùng ly khai, đang là mục tiêu tấn công « tàn bạo » của quân đội Azerbaijan và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho đến nay, về mặt chính thức, quân đội Armenia không tham chiến tại vùng Thượng Karabakh, nhưng thủ tướng Armenia nhấn mạnh là cuộc xung đột hiện nay là « cuộc chiến mang tính quốc gia ». Thủ tướng Armenia so sánh xung đột hiện nay với cuộc đàn áp tàn bạo của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào cộng đồng người Armenia đầu thế kỉ 20.

Hôm nay, Stepanakert, thủ phủ vùng Thượng Karabakh tiếp tục bị oanh kích. Từ đêm hôm qua, Stepanakert hoàn toàn bị mất điện. Theo thông tin tại chỗ, quân đội Azerbaijan đã tấn công vào trung tâm điện lực của thành phố. Tối hôm qua, chính quyền Armenia cho biết có thêm 51 binh sĩ thuộc lực lượng Thượng Karabakh hy sinh, đưa tổng số người chết lên hơn 240. Còn theo Đài quan sát Nhân quyền Syria, có ít nhất 64 chiến binh Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ, chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Azerbaijan, tử trận.

Theo hãng tin Reuters, chính quyền Azerbaijan hôm nay cáo buộc quân đội Armenia oanh kích Ganja, thành phố lớn thứ hai của nước này, đồng nghĩa với việc xung đột tại vùng Thượng Karabakh đã có bước leo thang mới. Chính quyền Armenia phủ nhận thông tin này, nhưng chính quyền vùng ly khai Thượng Karabakh khẳng định các lực lượng vũ trang Thượng Karabakh đã tấn công một sân bay quân sự ở thành phố này. Ganja nằm cách thủ phủ vùng Thượng Karabakh khoảng 100 km về phía bắc.

Iran theo dõi sát xung đột Armenia – Azerbaijan

Xung đột tại Thượng Karabakh được chính quyền nước láng giềng Iran theo dõi sát. Hôm qua, 03/10/2020, Teheran lên tiếng cảnh báo Armenia và Azerbaijan không được để cho xung đột xâm phạm lãnh thổ của quốc gia này.

Thông tín viên Shiavos Ghazi từ Teheran cho biết cụ thể :

« Chính quyền Iran lên tiếng vào lúc, theo các phương tiện truyền thông Iran, nhiều đạn pháo và hỏa tiễn đã bắn vào một số làng Iran giáp biên giới với khu vực xung đột. Iran giữ quan hệ tốt với cả hai quốc gia láng giềng Armenia và Azerbaijan. Teheran đã đề nghị đứng ra làm môi giới đàm phán.

Tại Iran, có một cộng đồng người gốc Azerbaijan đông đảo, ước tính đến hơn 30 triệu dân trên tổng số 80 triệu dân Iran (một số nguồn tin khác đưa ra con số từ 12 đến 15 triệu người). Nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Azerbaijan diễn ra trong những ngày gần đây, tại nhiều thành phố Iran nơi có đông đảo cư dân Azerbaijan sinh sống. Các đại diện của giáo chủ tối cao Iran tại nhiều tỉnh nơi có đa số cư dân là người Azerbaijan đồng loạt ra tuyên bố khẳng định xứ Thượng Karabakh là lãnh thổ của Azerbaijan.

Teheran cũng bác bỏ các thông tin trong những ngày gần đây, trên một số phương tiện truyền thông quốc tế và mạng xã hội, về việc Iran hỗ trợ quân sự cho Armenia. Đối với Teheran, cuộc xung đột tại Thượng Karabakh là đặc biệt nhạy cảm, bởi tại Iran cũng có một cộng đồng Armenia khá lớn với khoảng 300.000 dân ».

Về xung đột tại Thương Karabakh, hôm nay, 173 dân biểu Pháp ra tuyên bố chung, kêu gọi chính quyền Pháp - « quốc gia bằng hữu » với Armenia – ủng hộ cuộc chiến của người dân Armenia chống quân xâm lược Azerbaijan. Ký tên vào tuyên bố chung có đô trưởng Paris Anne Hidalgo, chủ tịch vùng Auvergne-Rhône-Alpes, ông Laurant Wauquiez (đảng LR), thị trưởng Nice Christian Estrosi, hay cựu thủ tướng Bernard Cazeneuve.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201004-kavkaz-azerbaijan-armenia-xung-dot

 

Nga : Tổng biên tập một nhật báo độc lập tự thiêu

Tú Anh

Nữ ký giả Irina Slavina, 47 tuổi, tổng biên tập báo mạng Koza Press, thường đăng tải thông tin đối lập ở Nijni Novgorod, từ trần hôm thứ Sáu 02/10/2020 sau khi tự thiêu trước trụ sở cảnh sát thành phố. Trên trang Facebook, nạn nhân tố cáo cảnh sát liên bang truy bức và quy trách nhiệm cái chết của mình cho chế độ Putin.

Theo AFP, thông tin bà Irina Slavina tự thiêu và từ trần được trang mạng của Koza Press loan báo và cảnh sát Nijni Novgorod xác nhận.

Bị áp lực của chính quyền nhưng Koza Press vẫn trung thành với phương châm « không kiểm duyệt, không nhận lệnh » và thường xuyên đưa tin về giới đối lập chống Vladimir Putin.

Hôm thứ Năm 01/10, một ngày trước khi tự thiêu, Irina Slavina cho biết trên Facebook cảnh sát xâm nhập vào căn hộ của bà vào lúc sáng sớm, lục soát tìm tài liệu, truyền đơn liên quan đến tổ chức « Nước Nga Rộng Mở », một phong trào đối lập do Mikhail Khodorkovski, một cựu đại gia dầu khí về sau chống lại Putin, thành lập. Sổ tay, máy vi tính của nhà báo, của chồng và con gái bị tịch thu.

Đẩy nạn nhân vào chỗ chết

Trước khi tự sát, Irina Slavina ghi trên Facebook một câu nhắn gửi công luận : « Tôi xin quý vị quy trách nhiệm cái chết của tôi cho Liên bang Nga ».

Từ Berlin, nơi đang dưỡng bệnh sau vụ đầu độc, lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny lên án chính quyền Nga dàn dựng một vụ án chính trị  để ép Irina Slavina « vào thế phải tự tử ».

Cảnh sát điều tra ở Nijni Novgorod xác nhận tổng biên tập báo Koza Press tự thiêu nhưng phủ nhận nguyên do nhân quả với vụ lục soát của cảnh sát.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201004-nga-nha-bao-tu-thieu-kiem-duyet-doi-lap

 

Ngoại trưởng nhóm ‘Bộ tứ kim cương’

chuẩn bị họp ở Nhật, Trung Quốc bất mãn

Quý Khải

Liên minh Bộ tứ (Quad) bao gồm bộ trưởng ngoại giao 4 nước Úc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tổ chức một cuộc họp tại Nhật từ ngày 5 đến 7 tháng 10, một động thái chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc không hài lòng.

Ngoại trưởng Australia Marise Payne sẽ bay đến Tokyo để gặp nhóm đồng cấp gồm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, theo The Epoch Times.

Họ sẽ thảo luận về việc hỗ trợ các biện pháp ứng phó với đại dịch trong khu vực cùng các giải pháp vắc xin cho virus viêm phổi Vũ Hán (Covid-19), an toàn chuỗi cung ứng và đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng.

“Cuộc họp của Bộ tứ diễn ra vào một thời điểm quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khi các lợi ích chung của 4 nước chúng tôi đang chịu áp lực chưa từng có, bao gồm việc cả khu vực đang phải đối phó với COVID-19”, bà Payne cho biết trong một tuyên bố ngày 3/10.

“Chúng tôi cam kết làm việc cùng nhau và với tất cả các quốc gia trong khu vực để vạch ra một con đường hướng đến sự phục hồi theo cách thức có thể giúp tất cả các quốc gia củng cố chủ quyền và khả năng hồi phục của mình”.

Motegi Toshimitsu, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, dự đoán cuộc họp sẽ nhận được “sự chú ý cao độ” vì đây là lần đầu tiên nó được tổ chức ở Nhật Bản kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.

“Tôi tin rằng đây thật sự vào đúng thời điểm các ngoại trưởng bốn nước gặp nhau tại Tokyo để trao đổi quan điểm trực tiếp. Chúng tôi có quan điểm tương tự về việc ứng phó với các vấn đề khác nhau xảy ra do sự bùng phát và lây lan của dịch Covid-19 cũng như các tình huống trong khu vực”, ông Motegi cho biết trong một cuộc họp báo ngày 29/9.

Ông Motegi cho biết ông sẽ tìm cách làm sâu sắc hơn hợp tác giữa các nước.

Ông nói: “Tầm nhìn “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng Mở” đang ngày càng trở nên quan trọng đối với thế giới hậu Covid. Ông cũng muốn có các cuộc gặp song phương với các bộ trưởng ngoại giao của mỗi nước”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông mong được đến thăm Tokyo để tham dự cuộc họp.

“Đang mong chờ chuyến thăm Tokyo, Nhật Bản; Ulaanbaatar, Mông Cổ; và Seoul, Hàn Quốc vào tuần tới. Đang mong chờ ​​các cuộc họp có hiệu quả thiết thực với những người đồng cấp, cũng như tham cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao trong nhóm Bộ Tứ với Úc, Ấn Độ và Nhật Bản”, ông viết trên Twitter vào ngày 29/9.

Ông Pompeo vừa có chuyến công du ngoại giao ở châu Âu, bao gồm các buổi nói chuyện về tự do tôn giáo khi ở Rome, và về những mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong khi trao đổi ngắn gọn với báo chí trên đường đến Ireland hôm 2/10, ông Pompeo thừa nhận đại dịch đã khiến việc tổ chức các chuyến đi ngoại giao gặp “một chút khó khăn”, đồng thời đổ lỗi cho chính quyền Trung Quốc đã “thả loại virus này ra thế giới”.

“Tất cả mọi người đang đứng đây phải đeo mặt nạ bởi vì họ [ĐCSTQ] đã quyết định cho phép người dân [có thể mang mầm bệnh] đi ra khỏi khu vực Vũ Hán – và họ đã bịt miệng các bác sĩ [cảnh báo sớm về dịch bệnh]”, ông Pompeo nói.

Trước đó trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc ông Trump cũng cho biết trong những ngày đầu bùng phát dịch, Trung Quốc đã phong tỏa đi lại nội địa nhưng lại cho phép các chuyến bay rời Trung Quốc và lây lan dịch bệnh ra thế giới, và rằng Trung Quốc lên án lệnh cấm đi lại của ông, nhưng lại hủy các chuyến bay nội địa và yêu cầu người dân ở trong nhà.

Bắc Kinh đã bày tỏ sự bất mãn với cuộc họp của nhóm Bộ Tứ. Uông Văn Bân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo hôm 29/9 đã nói:

“Thay vì hình thành các nhóm độc quyền, việc hợp tác đa phương và đa bên nên cởi mở, bao trùm và minh bạch. Thay vì nhắm mục tiêu vào các bên thứ ba hoặc làm suy yếu lợi ích của bên thứ ba, sự hợp tác nên có lợi cho sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước trong khu vực”, ông Uông nói vào ngày 29/9.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ngoai-truong-nhom-bo-tu-kim-cuong-chuan-bi-hop-o-nhat-trung-quoc-bat-man.html

 

Cảnh sát Nam Hàn dựng “tường xe bus” để ngăn chặn

người biểu tình do lo lắng về dịch bệnh COVID-19

Tin từ Seoul – Vào hôm thứ Bảy (3 tháng 10), cảnh sát Nam Hàn đã huy động hàng trăm xe bus để ngăn chặn bất kỳ cuộc biểu tình chính trị nào ở thủ đô Seoul, khi chính quyền quyết tâm ngăn chặn một ổ dịch coronavirus mới xuất hiện từ một cuộc biểu tình.

Nam Hàn được coi là hình mẫu kiểm soát dịch coronavirus thành công, nhưng lại bùng phát hơn 1,800 ca mới liên quan đến một nhà thờ và một cuộc biểu tình chống chính phủ lớn vào tháng 08/2020. Sự lây lan của virus đã chậm lại trong những tuần gần đây, nhưng chính phủ đã cấm hơn 100 cuộc biểu tình dự kiến tổ chức vào Ngày Quốc Khánh thứ Bảy 3 tháng 10, khuyến cáo sẽ trừng phạt nghiêm khắc đối với bất kỳ cuộc biểu tình bất hợp pháp nào.

Cảnh sát đậu xe bus dọc theo các xa lộ chính và xung quanh quảng trường trung tâm Seoul để phong tỏa. Họ cũng thiết lập khoảng 90 trạm kiểm soát để ngăn chặn các xe chở người biểu tình trong khi tàu điện ngầm không dừng lại ở một số trạm tại các địa điểm có biểu tình. Hành động này đã thu hút một số hoài nghi, các nhà lập pháp đối lập cho rằng việc phong tỏa quảng trường là một “phản ứng quá mức” nhằm mục đích bịt miệng những tiếng nói chỉ trích chính phủ.

Một nhóm công dân tham gia cuộc biểu tình hồi tháng 08/2020 đã cáo buộc chính phủ vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền hội họp của người dân. Chính phủ không phản hồi về những lời chỉ trích nhưng trước đó đã nói sẽ có hành động nghiêm khắc để kiểm soát đại dịch. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Nam Hàn (KDCA) đã báo cáo 75 ca nhiễm mới hôm thứ Sáu (2 tháng 10), nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 24,027 ca, với 420 ca tử vong. (BBT)

https://www.sbtn.tv/canh-sat-nam-han-dung-tuong-xe-bus-de-ngan-chan-nguoi-bieu-tinh-do-lo-lang-ve-dich-benh-covid-19/

 

Truyền hình Trung Quốc cắt ghép phát biểu

của chuyên gia WHO

 thành ‘vaccine của Trung Quôc có hiệu quả’

Bình luậnMinh Thanh

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vốn được biết đến với việc làm giả các tuyên truyền. Vài ngày trước, kênh CCTV của ĐCSTQ đã đăng một video trên trang Facebook của mình, tuyên bố rằng bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “tuyên bố rằng vaccine của Trung Quốc có hiệu quả”. Nhưng đoạn video bị phát hiện là sản phẩm của cắt, ghép, cố tình làm sai lệch ý của bà Swaminathan.

Vào ngày 23/9, trang Facebook của CCTV phiên bản Trung Quốc đăng tải một video có tiêu đề “Nhà khoa học cao cấp của WHO: Một số loại vaccine mới ở Trung Quốc đã được chứng minh hiệu quả!”.

Sau đó, hàng loạt các bài đăng và hình ảnh có nội dung tương tự bắt đầu xuất hiện trên Facebook, khoe khoang rằng “Trung Quốc (ĐCSTQ) mang lại lợi ích cho thế giới”.

Theo đoạn video do CCTV công bố, bà Swaminatan cho biết: “Trung Quốc đã có một số loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tiên tiến, vì vậy chúng tôi cũng rất quan tâm và chú ý theo dõi sát. Một số ứng cử viên vaccine của họ thực sự chứng minh có hiệu quả trong thử nghiệm lâm sàng”.

Tuy nhiên, đoạn video này là bản cắt ra từ bài phát biểu của bà Swaminathan tại cuộc họp báo thường kỳ của WHO vào ngày 21/9, và không phải nguyên ý lời  bà nói.

Tại cuộc họp báo này, một phóng viên đã hỏi liệu WHO có chấp nhận việc Trung Quốc tham gia vào chương trình COVAX để phát triển vắc xin hay không. Bà Swaminathan được chỉ định trả lời câu hỏi này.

Bà Swaminathan đã trả lời: “…Một số ứng cử viên vaccine của Trung Quốc đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tiên tiến, vì vậy chúng tôi cũng rất quan tâm và chú ý theo dõi”.

Sau đó, bà cho biết: “… Họ (ĐCSTQ) luôn nhắc lại cam kết sẽ cung cấp vaccine cho thế giới, nếu một số ứng cử viên vaccine của họ được chứng minh là có hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn này”.

Trong video của CCTV, từ “nếu” đã bị xóa và lời phát biểu đã bị thay đổi, tạo ra ảo tưởng rằng “các chuyên gia của WHO xác nhận ĐCSTQ đã phát triển thành công vaccine”.

Hiện tại, vẫn có văn bản ghi lại nội dung của cuộc họp báo này trên trang web chính thức của WHO và video của cuộc họp báo cũng có trên kênh Youtube của WHO.

Video cuộc họp báo trên kênh Youtube của WHO. Phần hỏi đáp liên quan bắt đầu ở khoảng 41 phút 53 giây:

Kỳ thực, việc truyền thông chính quyền ĐCSTQ làm giả thông tin không phải lần đầu, mà đã thành thông lệ. Trong vài ngày qua, các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã nhiều lần bị phơi bày tội lừa đảo.

Vào ngày 25/9, truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã công bố cảnh chiến khu Đông Bộ bắn liên tiếp 10 tên lửa. Nhưng cảnh này bị phơi bày lấy từ một cuộc tập trận vào tháng 12 năm 2016.

Vào ngày 22/9, truyền thông chính thức của Trung Quốc đã công bố các bức ảnh chụp ba máy bay quân sự chủ lực của ĐCSTQ tập trận hải quân ở Đài Loan. Nó bị phát hiện lấy những bức ảnh cũ của Bộ Quốc phòng Đài Loan. Ảnh gốc là máy bay chiến đấu F-16 của  Đài Loan giám sát máy bay H-6 nhưng Trung Quốc đã xóa bỏ hình ảnh máy bay F-16.

Vào ngày 19/9, truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã phát hành bản mô phỏng H-6 của ĐCSTQ đánh bom căn cứ Anderson ở Guam, Hoa Kỳ. Nó được cho là đã chỉnh sửa từ các bộ phim Hollywood.

Và tin tức giả gây sốc nhất của CCTV là vụ giả “Vụ tự thiêu ở Thiên An Môn” vào ngày 23/1/2001 .

Vào ngày 14/8/2001, tại Liên Hợp Quốc, tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế đã lên án và tuyên bố việc ĐCSTQ dàn dựng “vụ tự thiêu ở Thiên An Môn” là một hành động “khủng bố quốc gia”. Đây là hành vi hãm hại của Pháp Luân Công, liên quan tới âm mưu giết người đáng sợ.

Tuyên bố cho biết: Theo phân tích video cho thấy toàn bộ vụ việc “do bàn tay của chính phủ chỉ đạo”. Trước những chứng cứ đưa ra, đoàn đại biểu Trung Quốc không nói được gì. Tuyên bố này đã được Liên hợp quốc lưu hồ sơ.

Minh Thanh

Theo NTD & Epoch Times tiếng Trung

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/truyen-hinh-trung-quoc-cat-ghep-phat-bieu-cua-chuyen-gia-who-thanh-vaccine-cua-trung-quoc-co-hieu-qua-79404.html

 

Huawei cắt 100 triệu USD đầu tư

 sau lệnh cấm 5G của chính phủ Úc

Do bị cấm khai triển mạng 5G ở Úc trong năm 2018 vì các lo ngại an ninh quốc gia, Huawei đã cắt giảm 100 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển cũng như 1,000 việc làm.

Jeremy Mitchell, Giám đốc phụ trách khu vực Úc Châu của Huawei, cho biết công ty đã cắt giảm một loạt các sáng kiến dành cho các tiểu bang New South Wales, Victoria, Queensland và Western Australia.

Ông Mitchell nói với tạp chí Tài chính Úc (Australian Financial Review) ngày 22/9 rằng Huawei đã giảm lực lượng lao động công nghệ cao của họ từ 1,200 xuống dưới 200 người và sẽ tiếp tục giảm quy mô

“Từ quan điểm doanh thu, chúng tôi đã đi từ doanh thu thường niên trên 750 triệu USD – có thể dễ dàng đạt tới 1 tỷ USD với [kế hoạch] 5G – đến một tình huống doanh thu còn dưới 200 triệu USD trong vài năm tới,” ông nói thêm.

Úc là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm Huawei và ZTE tham gia vào mạng 5G của họ vào năm 2018. Nhà mạng Trung Quốc được coi là “nhà cung cấp có độ rủi ro cao” theo hướng dẫn của chính phủ về thiết lập mạng 5G.

Quyền Bộ trưởng Nội vụ lúc bấy giờ Scott Morrison (nay là Thủ tướng) đã đưa ra một tuyên bố nói rằng mạng 4G đương nhiệm cho phép tách biệt giữa các mạng “lõi” và “biên” [với phần lõi là nơi diễn ra các chức năng nhạy cảm hơn, còn biên mạng được dùng để kết nối thiết bị].

Điều này có nghĩa là các công ty sử dụng kết nối mạng cho các chức năng như kết nối thiết bị cầm tay, máy tính xách tay và máy tính bảng, có thể được tách biệt với các chức năng lõi nhạy cảm hơn bao gồm kiểm soát truy cập và định tuyến dữ liệu.

Tuy nhiên, 5G làm mờ ranh giới giữa các mạng này.

Ông Morrison nói rằng các công ty có khả năng phải chịu “các chỉ đạo ngoại giao từ chính phủ nước ngoài” không thể bảo vệ đầy đủ mạng 5G khỏi sự can thiệp trái phép.

Phản ứng dữ dội và tách rời công nghệ Trung Quốc

Các công ty công nghệ Trung Quốc đã bị giám sát chặt chẽ trong nhiều năm, một phần là do Luật Tình báo Quốc gia 2017 của Trung Quốc quy định các công ty có trụ sở đặt tại Trung Quốc phải chia sẻ dữ liệu với chế độ này. Trên thực tế, luật này sẽ mở ra một kẽ hở hoặc hậu thuẫn cho các công ty công nghệ đánh cắp thông tin hoặc dữ liệu quan trọng chuyển ngược về Bắc Kinh.

Quyết định cấm Huawei đã nhận được phản ứng dữ dội từ Trung Quốc dẫn đến các mối đe dọa đối với phóng viên của các hãng thông tấn Úc có đặt trụ sở tại Trung Quốc, theo ABC.

Mitchell cho biết kể từ sau lệnh cấm, Huawei đã cho đóng cửa Trung tâm Hỗ trợ Kinh doanh và Hoạt động trị giá 60 triệu USD ở Melbourne, một Trung tâm Đào tạo và Đổi mới Quốc gia trị giá 30 triệu USD ở Sydney và dự trù đóng cửa một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển toàn cầu cho các ứng dụng khai thác 5G tại Tây Úc.

Huawei cũng rút tài trợ cho đội bóng bầu dục Canberra Raiders vào cuối tháng 8/2020 viện dẫn lý do “môi trường kinh doanh tiêu cực”.

Ông [Mitchell] đổ lỗi cho việc bị giám sát gần đây của các công ty công nghệ Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã có tác động tiêu cực đến dòng chảy ở Úc.

Chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gần đây đã buộc phải bán một phần TikTok ở Hoa Kỳ cho Oracle và Walmart vì những lo lại tương tự liên quan đến Luật Tình báo Quốc gia. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các quốc gia cùng chung lợi ích với Hoa Kỳ bắt đầu hợp tác về thương mại và các lĩnh vực khác, trong khi cô lập với Bắc Kinh.

Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản hiện đang nỗ lực chính thức hóa quan hệ an ninh chiến lược tứ phương, tạo nền tảng cho một cơ chế “vòng cung dân chủ” xung quanh Trung Quốc.

“Niềm tin bây giờ là một mặt hàng có giá trị mới gia tăng trong các mối quan hệ kinh tế và chuỗi cung ứng. Vì vậy, niềm tin là về việc liệu đối tác của bạn có đáng tin cậy hay không, không chỉ từ quan điểm đối tác kinh doanh, mà còn từ khu vực tài phán mà họ đang tham gia vào,” Michael Shoebridge từ Viện Chính sách Chiến lược Úc trước đây nói với The Epoch Times.

Quyết định của Huawei là của riêng họ

Matt Warren, giáo sư an ninh mạng tại Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne cho biết quyết định của Huawei về việc giảm thiểu đầu tư vào nước này là của riêng họ, và không phải của chính phủ [Úc].

Huawei đã hoạt động tốt tại Úc cho đến năm 2018, và sở hữu các nhánh bán buôn và bán lẻ phát triển mạnh.

“Trong năm 2018, doanh thu của Huawei Úc tăng 18% lên 735 triệu USD và tạo ra 29.3 triệu USD lợi nhuận. Nếu Huawei tập trung lại mô hình kinh doanh của họ ở Úc xoay quanh các hoạt động thương mại, họ sẽ tiếp tục kiếm được lợi nhuận,” ông nói với The Epoch Times.

Tuy nhiên, Warren cũng lưu ý bất chấp tính hiệu quả về mặt chi phí của các dịch vụ Huawei, thường rẻ hơn 20% đến 30% so với đối thủ cạnh tranh, các lo ngại về an ninh xung quanh công nghệ 5G của công ty này đã hình thành và cuối cùng sẽ chiếm ưu thế.

Daniel Y. Teng

Tuệ Kha biên dịch

https://etviet.com/tai-chinh/huawei-cat-100-trieu-usd-dau-tu-sau-lenh-cam-5g-cua-chinh-phu-uc.html

 

Cách thức ĐCSTQ chiếm đoạt tài sản tư nhân

phiên bản mới

Trình Tường

(Ghi chú của người biên tập:Tác giả của bài báo này, ông Trình Tường (Cheng Xiang), là một nhà bình luận thời sự nổi tiếng Hồng Kông, có hiểu biết sâu sắc về tình hình Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp Đại học Hồng Kông, ông Trình Tường là giám đốc, phó tổng biên tập của báo Văn Hối (Hồng Kông) trú tại Bắc Kinh. Ông từng tham gia cuộc phỏng vấn ngày 4/6/1989, sau đó đã cùng hàng chục đồng nghiệp từ chức vì không đồng ý với cách xử lý của chính quyền. Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Trưởng ban về Trung Quốc của tờ Straits Times, Singapore. Năm 2005, ông bị bắt oan tại Trung Quốc Đại Lục, ông được người dân Hồng Kông đủ mọi tầng lớp phát động hoạt động ủng hộ; trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008, ông mới được trả tự do và quay trở lại Hồng Kông. Sau khi mãn hạn tù, ông đã xuất bản cuốn hồi ký “Nghìn ngày không hối hận – hành trình của trái tim”. Ông nói, “Tôi muốn thông qua thảm họa ngục tù của chính mình, góp một chút sức lực để tẩy sạch mảnh đất tạo ra những vụ án oan sai, nếu không, nỗi khổ ngục tù này chẳng còn ý nghĩa gì cả.”  Lần này, Trình Tường viết bài phân tích văn kiện “Ý kiến ​​về tăng cường công tác của Mặt trận thống nhất kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới” do Văn phòng Trung ương phát hành ngày 15/9, đề cập đến quan hệ đối tác công tư đợt hai của ĐCSTQ nhằm chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp tư nhân. Dưới đây là toàn văn bài phân tích.)

Ngày 15/9, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành “Ý kiến ​​về tăng cường công tác mặt trận thống nhất của kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới”, công bố chính sách mặt trận thống nhất đối với các doanh nghiệp tư nhân. Tài liệu này khiến người ta lo ngại rằng ĐCSTQ sắp phát động “công tư hợp doanh” lần nữa, sử dụng hình thức “sở hữu hỗn hợp”, khôn khéo chiếm đoạt tài sản tư nhân. Đặc biệt, tài liệu này còn đề cập, các công ty được thành lập bởi các nhà đầu tư Hồng Kông và Macao ở Đại Lục cũng không tránh khỏi, điều này đã thu hút sự chú ý của người dân Hồng Kông. Bài viết này phân tích chi tiết tài liệu (toàn văn có 28 đoạn) để bạn đọc tham khảo.

Đảng quản lý doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân phải mang họ đảng

Nguyên văn: (4) Tư tưởng chỉ đạo. Tư tưởng của Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới, thực hiện đầy đủ tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 19 và các kỳ họp toàn thể lần thứ II, III và IV của Ban Chấp hành Trung ương đảng lần thứ 19. Tập trung chặt chẽ vào bố cục “Năm vị nhất thể” của kế hoạch tổng thể, thúc đẩy phối hợp bố cục “Bốn toàn diện”, nâng cao toàn diện khả năng lãnh đạo công tác mặt trận đoàn kết kinh tế tư nhân của Đảng, củng cố hiệu quả công tác mặt trận liên kết kinh tế tư nhân, giáo dục và hướng dẫn những người dân làm kinh tế tư nhân nâng cao “bốn ý thức”, củng cố “bốn tự tin” và đạt được “hai tự vệ” , kiên định nghe theo đảng, đi theo đảng, đóng góp to lớn hơn nữa vào việc thực hiện mục tiêu “nhị bách niên” (hai lần một trăm năm), đóng góp to lớn hơn vào việc hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa“, phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại.

Diễn giải: Thuật ngữ chính trị và “từ kỹ thuật số“ do ông Tập Cận Bình tạo ra từ khi lên nắm quyền được sử dụng xuyên suốt. Cốt lõi của nó có thể được tóm tắt trong một câu: Các doanh nghiệp tư nhân phải mang họ đảng, chịu sự kiểm soát và chi phối của đảng và hợp tác với các chính sách của đảng.

Dấu hiệu “doanh nghiệp tư nhân mang họ đảng” là:

  1. 1.      Về chính trị: Tuyệt đối phục tùng đảng

Nguyên văn: (6) Củng cố và mở rộng nhận thức chung về chính trị. Giáo dục, hướng dẫn người làm kinh tế tư nhân trang bị tư duy, hướng dẫn thực hành theo tư tưởng của Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới, duy trì sự nhất quán cao độ với Ban Chấp hành Trung ương Đảng về lập trường chính trị, đường lối chính trị, nguyên tắc chính trị, và trở thành một người luôn nhạy bén về chính trị.

Giải nghĩa:Đoạn này nhấn mạnh đến bốn điểm chính trị cần tuân theo. Cụm từ “là một người luôn nhạy bén về chính trị”  thậm chí còn đáng chú ý hơn, nói một cách dễ hiểu, nó có nghĩa là: Các doanh nghiệp tư nhân bắt buộc phải luôn “biết phải làm gì” và ở mọi nơi đều tuân theo mệnh lệnh đảng. Doanh nghiệp tư nhân không chỉ phải “hiểu” chiều hướng đảng muốn áp lực doanh nghiệp tư nhân như thế nào, mà còn phải “hiểu” và theo sát những yêu cầu chính trị của Tập Cận Bình.

  1. 2.      Về tổ chức: Chấp nhận để đảng đưa người vào quản lý  công ty tư nhân, bầu ra các cấp

ủy công ty để ra thông qua các quyết định cao nhất

Nguyên văn:(6) Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng đảng của doanh nghiệp tư nhân, phát huy vai trò pháo đài chiến đấu của các tổ chức đảng và tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Tuyên truyền mạnh mẽ chủ trương của Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tư tưởng, lý luận, giải đáp kịp thời những băn khoăn về tư tưởng của đại bộ phận kinh tế tư nhân. Mặt trận thống nhất của cấp ủy các cấp phải thực hiện chế độ trách nhiệm về công tác tư tưởng trong lĩnh vực kinh tế tư nhân, có trách nhiệm giữ đất, chịu trách nhiệm giữ đất, tận trách nhiệm giữ đất (thủ thổ tam trách).

Giải nghĩa:Dấu hiệu thứ hai của các “doanh nghiệp tư nhân mang họ đảng” là: Các công ty bị yêu cầu chấp nhận đảng đưa người vào thành lập tổ chức đảng trong công ty của họ, từ đó giao lại quyền quyết định cao nhất và quyền quản lý hàng ngày của doanh nghiệp tư nhân cho người của đảng.

Trên thực tế, ĐCSTQ đã sớm thực hiện điều này. Tại cuộc họp báo của Đại hội đại biểu toàn quốc ĐCSTQ lần thứ 19, người phát ngôn của hội nghị cho biết, tính đến cuối năm 2016, 93,2% trong số 147.000 doanh nghiệp nhà nước, 67,9% trong số 2,73 triệu doanh nghiệp tư nhân, 70% trong số 106.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đã thành lập tổ chức đảng, hơn nữa còn tham gia vào quyền quyết định của công ty. Người phát ngôn tuyên bố rằng sẽ đạt được “sự bao phủ toàn diện”, kiểm soát chặt chẽ nhóm các doanh nghiệp tư nhân. Văn bản này tập trung vào việc thành lập các tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, trở thành một “lực lượng đáng tin cậy” của ĐCSTQ nhằm tăng cường sự kiểm soát của đảng đối với các doanh nghiệp này.

Không chỉ như vậy, tổ đảng cũng phải kiểm soát tư tưởng của nhân viên doanh nghiệp tư nhân. “Thủ thổ tam trách” (ba trách nhiệm “giữ đất”) nói trên lần đầu tiên được ông Tập Cận Bình đề xuất tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc năm 2013. Ban đầu chỉ nhấn mạnh rằng các tổ chức tuyên giáo phải kiểm soát chặt chẽ các rào cản tư tưởng, nay công tác kiểm soát này cũng ứng dụng cho các doanh nghiệp tư nhân, cho thấy rằng Tập Cận Bình luôn lo lắng, bởi vì đối với ĐCSTQ, các công ty tư nhân luôn là “vùng sản sinh của chủ nghĩa tư bản”. Văn bản này cho thấy, ngoài việc kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân về quyền tài sản và kinh doanh, ĐCSTQ cũng phải kiểm soát các doanh nghiệp tư nhân về mặt tư tưởng.

  1. 3.      Chấp nhận “công tư hợp doanh” phiên bản mới

Nguyên văn: (17) Hỗ trợ cho việc cải cách sâu rộng toàn diện. Hướng dẫn người làm kinh tế tư nhân đối xử đúng đắn với những điều chỉnh lợi ích do cải cách mang lại, hiểu rõ cải cách, ủng hộ cải cách, tham gia cải cách, sử dụng ngôn từ cơ trí và chiến lược thực dụng để cải cách sâu rộng toàn diện. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia cải cách công tư hợp doanh.

Giải nghĩa: Đây là phần cốt lõi của toàn bộ tài liệu, đó là: Để các công ty tư nhân “hiểu, ủng hộ và tham gia vào cải cách” , hơn nữa chấp nhận “cải cách công tư hợp doanh”.

Cái gọi là “cải cách công tư hợp doanh” được đưa ra bởi “Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ về một số vấn đề chính của cải cách sâu rộng toàn diện” được thông qua tại Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 18 vào năm 2013, nhấn mạnh việc quản lý chéo vốn nhà nước, vốn tập thể và vốn ngoài nhà nước, áp dung một hệ thống kinh tế sở hữu hỗn hợp tích hợp cổ phiếu và dung hợp lẫn nhau. ĐCSTQ dự kiến ​​sự phát triển của sở hữu hỗn hợp thông qua “bốn tuyến tiến trình”:

– Tuyến thứ nhất dựa vào các doanh nghiệp nhà nước, thu hút vốn tư nhân và vốn nước ngoài và dung nhập vào vốn nhà nước;

– Tuyến thứ hai là dựa trên các doanh nghiệp tư nhân, cho phép tích hợp vốn nhà nước, vốn nước ngoài và tư nhân;

– Tuyến thứ ba là dựa trên các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho phép tích hợp vốn nhà nước, tư nhân và nước ngoài;

– Tuyến thứ tư là dựa trên cổ phiếu nhân viên của các công ty đã cổ phần hóa.

Ngay sau khi “quyết định” này được công bố, các doanh nghiệp tư nhân ở Đại Lục ngay lập tức nhận ra rằng đây là một phiên bản mới của “công tư hợp doanh”.

Từ đề xuất sở hữu hỗn hợp vào năm 2013, đến năm 2018, nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc đã bị chèn ép ở các mức độ khác nhau. “Các doanh nhân tư nhân đang trên đường vào tù”,  đây là chủ đề của bài giảng tiếng Nhật tại Học viện Kinh tế Thiên Tắc (Tianze) của Luật sư Trần Hữu Tây (Chen Youxi) ngày 17/11/2013. Ông chỉ ra rằng do sự phân biệt đối xử chính trị sâu xa của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp tư nhân, số phận của ngày càng nhiều doanh nhân tư nhân thật đáng lo ngại, “Họ đang ở trong tù hoặc đang trên đường đến nhà tù.” Ông thậm chí còn nói rằng nếu (kiểu phân biệt đối xử này) không được thay đổi, “các (chủ) doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc sẽ luôn ở trên con đường vào tù.” Dưới áp lực chính trị như thế này, ngay cả, một ông chủ doanh nghiệp tư nhân nổi tiếng như Jack Ma cũng phải sớm ngày hạ màn. Sau khi có tin tức về việc Jack Ma từ chức sớm, trên mạng Internet Trung Quốc đã xuất hiện những bình luận như “Không lùi thì kết cục cũng chẳng tốt đẹp”, “Chậu vàng không rửa tay, qua Pháp cũng rớt tường.”  *(trường hợp tỉ phú Trung Quốc Vương Kiện – Wang Jian, trốn sang Pháp sau đó phát hiện chết với lý do “trèo tường” bị rớt).[1]

Văn bản hiện tại là ép các công ty tư nhân phải chấp nhận bị đảng trưng thu tùy tiện và từ bỏ các quyền tài sản của họ dưới hình thức sở hữu hỗn hợp.

Trên thực tế, ý định sử dụng sở hữu hỗn hợp để loại bỏ các doanh nghiệp tư nhân của ĐCSTQ đã được tiết lộ thông qua một số văn bản. Ngày 12/9/2018, Ngô Tiểu Bình (Wu Xiaoping), một nhân vật tài chính cấp cao ở Đại Lục và là người sáng lập Banniu.com, đã đăng một bài báo với tựa đề “Kinh tế tư nhân đã hoàn thành việc hỗ trợ sự phát triển của kinh tế công và nên dần rời khỏi thị trường.” Có thể nói, việc ĐCSTQ hướng đến các doanh nghiệp tư nhân khai đao đã được tiết lộ để ném đá dò đường. Bài báo chỉ ra rằng trong tiến trình lịch sử cải cách và mở cửa của Trung Quốc, kinh tế tư nhân “đã bước đầu hoàn thành nhiệm vụ lịch sử quan trọng là hỗ trợ kinh tế công đạt bước phát triển nhảy vọt”. Trong bước tiếp theo, kinh tế tư nhân “không nên tiếp tục mở rộng một cách mù quáng”. Hơn nữa, “kinh tế công tư hỗn hợp” với “hình thức mới, tập trung hơn, thống nhất và quy mô hơn” có thể sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong sự phát triển mới của kinh tế thị trường và xã hội xã hội chủ nghĩa. Bài báo này khiến giới tư nhân lo lắng. Có lẽ do vậy mà ngày 1/11, Tập Cận Bình buộc phải tổ chức hội nghị chuyên đề về công ty tư nhân để xoa dịu nỗi lo lắng này. Nhưng trấn an chỉ là trấn an, điều gì đến cuối cùng cũng sẽ đến. Trấn an xong, các văn bản chính thức được ban hành.

  1. 4.      Tham gia đầu tư “Một vành đai, một con đường”

Nguyên văn: (16) Khuyến khích tham gia vào các chiến lược quốc gia lớn… Hướng dẫn các doanh nghiệp tư nhân tham gia tích cực vào việc xây dựng “Một vành đai, một con đường”, có ý thức bảo vệ lợi ích quốc gia và thiết lập hình ảnh tốt đẹp về các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.

 

Giải thích:“Một vành đai, một con đường” là “dự án chủ chốt” của ông Tập Cận Bình – công cụ dùng để đạt được một mục tiêu chính trị nhất định mà không cần quan tâm chi phí, nên chỉ có thể là hoạt động đầu tư của nhà nước. Hiện ĐCSTQ chuyển hướng; đẩy các doanh nghiệp tư nhân vào cùng chịu. Điều này rõ ràng là ép buộc các công ty tư nhân vì “lợi ích quốc gia” mà đâm đầu vào một dự án thua lỗ.

  1. 5.      Tích cực xóa đói giảm nghèo

Nguyên văn:(9) Chủ trương coi trọng đạo nghĩa và lợi ích, đặt đạo nghĩa lên hàng đầu, kiên trì “trí phú tư nguyên, trí nhi tư tiến” (tạm dịch: làm giàu cũng phải uống nước nhớ nguồn, giàu rồi phải suy nghĩ tiến bộ), thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, ra sức xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tích cực tham gia vì sự nghiệp vẻ vang, mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, từ thiện.

Giải nghĩa: Trong xã hội tư bản, chúng ta thường thấy nhiều nhà tư bản sẵn sàng quyên góp hào phóng để tham gia vào phúc lợi xã hội hoặc giáo dục. Trong những năm gần đây, khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility, CSR) cũng đã được ủng hộ ở các xã hội tư bản phương Tây, nhưng tất cả các hành động này đều dựa trên nguyên tắc tự nguyện, chính phủ không thể bắt ép các nhà tư bản quyên góp tiền để làm việc thiện thông qua luật pháp hay chính sách. Tuy nhiên, tài liệu này nêu rõ các doanh nghiệp tư nhân nên tham gia vào các hoạt động phúc lợi công cộng, tác giả cho rằng điều quan trọng nhất là nó thiết lập khái niệm “trí phú tư nguyên” (làm giàu cũng phải uống nước nhớ nguồn). Ý nghĩa của khái niệm này là: Lý do tại sao các doanh nghiệp tư nhân có thể làm giàu là do các chính sách của chính phủ cho phép họ và họ không thể giàu lên nếu họ không liên kết với giới quyền lực. Do đó, các doanh nghiệp tư nhân có trách nhiệm và nghĩa vụ tài trợ cho các hoạt động phi lợi nhuận theo yêu cầu của chính phủ mới có thể đảm bảo tài sản, địa vị không bị ảnh hưởng. Đây là áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp tư nhân trên cả nước.

Theo ấn tượng của tác giả, lần đầu tiên đưa ra khái niệm này là vào ngày 12/9/2015, nhóm nghiên cứu “Liễu vọng” của Tân Hoa xã đã đăng một bài báo có tựa đề “Đừng để Lý Gia Thành bỏ chạy“ chỉ trích hành vi “bất chấp luân thường đạo lý” , vong ơn bội nghĩa, rút bớt tài sản khỏi Trung Quốc của hệ thống Trường Hòa. Tác giả của bài báo là La Thiên Hạo (Luo Tianhao), một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chất lượng Công nghệ Thương mại.

Bài báo viết: “Ai cũng biết ở Trung Quốc hành nghề bất động sản không thể tách khỏi hệ thống quyền lực, nếu không có chính quyền chống lưng thì không thể tham gia vào thị trường bất động sản. Vì thế, tài sản ông ta có được một phần lớn không hoàn toàn xuất phát từ nền kinh tế thị trường bình thường. Ông ta không thể nói muốn đi là đi”. Nói cách khác, nếu Lý Gia Thành muốn ra đi, ông ta phải chi “tiền mãi lộ” hoặc “phí chuộc mình”. Đây là biểu hiện sớm nhất về “trí phú tư nguyên” (uống nước nhớ nguồn) của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp tư nhân. Bài báo cuối cùng đã chỉ ra rằng Lý Gia Thành và những người khác kiếm tiền ở Đại Lục có ba cách để “chuộc mình“:

Một là, chăm lo sinh kế người dân và báo ơn người nghèo.

Người giàu ở Hồng Kông muốn hạ cánh an toàn thì cần thực hiện trách nhiệm xã hội cũng như hỗ trợ người nghèo bằng cách đầu tư vào các lĩnh vực sinh kế của người dân không quá sinh lời. Ở Trung Quốc Đại Lục, nền kinh tế thực tế đang suy giảm, cần một lượng vốn lớn, trong tương lai, giới tài phiệt Hồng Kông không thể chỉ đầu tư vào những ngành sinh lời như bất động sản, mà còn cần đầu tư vào những ngành ít sinh lời, “kiếm được vài đồng vất vả”, và đóng góp vào công cuộc phục hưng kinh tế quốc gia, thay vì rút tiền không tiếc tay.

Hai là, đảm nhận trách nhiệm của thủ lĩnh giới kinh doanh.

Lý Gia Thành có thể thoái vốn, hoặc làm đi làm lại, nhưng không thể “thu sang lá rụng, quét sạch là xong”. Trong tương lai, cả ở Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông, họ nên để lại danh tiếng và tài sản của mình. Không thể cứ rời đi. . . . . Nếu Lý Gia Thành nhất quyết ra đi, ông ta có thể hủy hoại danh tiếng của mình trong nhiều thập kỷ. Hoặc phải hy sinh một phần lợi ích nhưng có thể bảo toàn được danh vọng, có thể nói là hai bên cùng có lợi.

Ba là, nhất định phải làm nhiều việc thiện hơn, thực hiện “sự nghiệp xã hội”.

Điều hành doanh nghiệp là công việc riêng của doanh nhân, nhưng ở Trung Quốc, điều đặc biệt cần thiết là “xã hội kinh doanh”, một kiểu xã hội vận hành như vậy, là một đóng góp thực sự cho một loạt các lĩnh vực xã hội, chẳng hạn như giáo dục, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nghiên cứu khoa học… Trong tương lai, giới tài phiệt Hồng Kông cần tăng cường đầu tư vào “sự nghiệp xã hội” ở Trung Quốc.

Đọc kỹ bài này mới thấy lời lẽ đầy uy hiếp: Muốn “hạ cánh an toàn” thì phải làm sao? Nếu cứ nhất quyết bỏ đi thì cũng sẽ thân bại danh liệt, danh tiếng mấy chục năm rồi sẽ tiêu tan …

Nếu nắm vững bối cảnh này để đọc văn kiện, có thể thấy rằng yêu cầu của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp tư nhân ở Đại Lục “kiên trì trí phú tư nguyên, phú nhi tư tiến” nặng mùi cưỡng bức đóng góp và bắt buộc phải sáp nhập.

Trình Tường

(Bài viết được sao chép với sự cho phép)

Chú thích: *[1] Đề cập đến vụ việc Chủ tịch HNA Vương Kiện (Wang Jian) chết vì rơi xuống tường ở Pháp. Các ví dụ khác phản ánh cuộc sống khổ sở của các doanh nhân tư nhân: Chủ tịch Alibaba Jack Ma tuyên bố nghỉ hưu sớm, Giám đốc điều hành JD.com Lưu Cường Đông (Liu Qiangdong) nghi vấn tấn công tình dục, và các sự cố lần lượt xảy ra ở các công ty tư nhân như  Wanda, HNA và Anbang Insurance…

https://trithucvn.org/trung-quoc/cach-thuc-dcstq-chiem-doat-tai-san-tu-nhan-phien-ban-moi.html

 

Tập Cận Bình gửi lời chúc tới Tổng thống Trump

Hải Lam

Tân Hoa Xã tối 3/10 cho biết Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình gửi lời chúc sức khoẻ tới Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân sớm hồi phục sau khi nhiễm Covid-19.

“Trong một tin nhắn gửi tới Trump, ông Tập nói rằng, trước thông tin Tổng thống Trump và bà Melania nhiễm Covid-19, ông Tập cùng phu nhân Bành Lệ Viện bày tỏ sự cảm thông và chúc họ mau chóng bình phục”, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết trong một bản tin ngắn gọn.

Hôm 2/10 (giờ Việt Nam), Tổng thống Trump đã thông báo trên Twitter rằng ông cùng Đệ nhất phu nhân Melania dương tính với nCov. Sau đó, Thủ tướng các nước Ấn Độ, Đức, Anh, Úc, Canada, Tổng thống Đài Loan, Hàn Quốc, Nga, và cả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung Un đã gửi lời chúc sức khoẻ tới ông Trump. Chậm hơn các nhà lãnh đạo kể trên, mãi đến tối 3/10, ông Tập Cận Bình mới gửi lời nhắn tới Tổng thống Trump.

Trước đó, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng trên Twitter chúc vợ chồng Tổng thống Trump sớm hồi phục.

Trước khi Tân Hoa Xã đăng tin ông Tập Cận Bình gửi lời hỏi thăm tới Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân, ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã chế nhạo Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu phân Melania khi biết tin họ nhiễm Covid-19, nhưng sau đó đã xoá bài và giả vờ bày tỏ sự cảm thông với nhà lãnh đạo nước Mỹ.

https://www.dkn.tv/the-gioi/tap-can-binh-gui-loi-chuc-toi-tong-thong-trump.html

 

Campuchia bỏ dự án của Mỹ để theo Trung Quốc?

Phó Thủ tướng Tea Banh xác nhận hôm Chủ nhật rằng Campuchia đã san bằng một cơ sở quốc phòng do Mỹ tài trợ ở bờ biển phía nam, động thái mới nhất trong quá trình mở rộng một căn cứ hải quân quan trọng chiến lược đang được phát triển với tiền viện trợ gây tranh cãi của Trung Quốc.

Wall Street Journal năm ngoái đưa tin về một dự thảo thỏa thuận bí mật cho phép Trung Quốc cập cảng tàu chiến tại căn cứ hải quân Ream gần thành phố ven biển Sihanoukville của Campuchia.

WSJ: ‘Campuchia cho TQ đóng tại căn cứ hải quân’

Campuchia mua nhiều vũ khí Trung Quốc

Nhưng Campuchia – trong những năm gần đây ngập lụt với các khoản đầu tư của Trung Quốc – đã kiên quyết phủ nhận báo cáo này, mặc dù Thủ tướng Hun Sen đã nói rằng viện trợ từ Bắc Kinh sẽ tài trợ cho việc phát triển căn cứ hải quân.

Các hình ảnh vệ tinh do CSIS, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, công bố trong tuần này cho thấy một cơ sở do Mỹ tài trợ trên căn cứ hải quân Ream đã bị phá hủy, tạo nghi vấn “về sự tiếp cận như đã đồn đại của Trung Quốc”, CSIS cho biết.

Nhưng Tướng Tea Banh, người cũng là Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, đã bác bỏ những quan ngại hôm Chủ nhật.

“Chúng tôi đã di dời cơ sở đến một địa điểm mới. Chúng tôi không thể giữ nó nữa và tòa nhà đã cũ rồi,” ông nói với hãng tin AFP và xác nhận rằng cơ sở đã bị đánh sập vào tháng trước.

Trụ sở Chiến thuật của Ủy ban An ninh Hàng hải Quốc gia được khánh thành vào năm 2012.

Trụ sở này sẽ “tốt hơn nhiều” ở địa điểm mới, Tướng Tea Banh nói, và nói thêm rằng Campuchia chỉ sử dụng “một sự hỗ trợ nhỏ” từ Mỹ cho tòa nhà hiện đã bị phá bỏ.

Cơ sở mới hiện đang được xây dựng cách Ream khoảng 30 km về phía bắc.

Căn cứ Ream đã tạo ra sự giám sát đối với vị trí chiến lược ở Vịnh Thái Lan, nơi có thể sẵn sàng tiếp cận Biển Đông đang có nhiều tranh chấp và là tuyến hàng hải toàn cầu quan trọng.

Đáng chú ý là Ream chỉ cách biên giới Việt Nam – Campuchia có 100km.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với phần lớn vùng biển giàu tài nguyên, cạnh tranh với sáu quốc gia khác.

Trong khi đó Thủ tướng Hun Sen đã nhiều lần khẳng định hiến pháp Campuchia cấm bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào đặt trong biên giới của mình.

Các nhà phân tích cho rằng thủ tướng lắm mưu nhiều kế này biết rất rõ về khả năng xảy ra phản ứng dữ dội chống Trung Quốc từ công chúng – đặc biệt là ở Sihanoukville, nơi các doanh nghiệp và sòng bạc hiện nay phần lớn thuộc sở hữu của người Trung Quốc.

Là một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới, ông Hun Sen trong những năm gần đây đã tránh nghiêng hẳn về phía Mỹ do bị Washington chỉ trích về những cáo buộc lạm dụng của chính phủ ông.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-54409988

 

Ấn Độ sẵn sàng

cho một đối thoại ‘’Bộ Tứ’’ sẽ làm TQ phật lòng

Ấn Độ sẵn sàng cho việc thể chế hóa sự tương tác giữa bốn nền dân chủ lớn, cam kết đảm bảo các nguyên tắc của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tầm nhìn chung về an ninh hàng hải, an ninh mạng, các công nghệ quan trọng, cơ sở hạ tầng, chống khủng bố và hợp tác khu vực.

Tin này được Hindustan Times công bố trước chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, cho cuộc đối thoại an ninh quan trọng của Bộ Tứ (Quad) gồm Hoa Kỳ – Ấn Độ – Nhật Bản và Úc.

“Ấn Độ không phản đối việc chính thức hóa đối thoại ”Bộ Tứ” với Mỹ, Nhật Bản và Úc vì sự tương tác đã diễn ra từ năm 2017 với cuộc họp của các ngoại trưởng diễn ra bên lề UNGA vào năm 2019. Nếu ba thành viên còn lại muốn thể chế hóa cuộc đối thoại, Ấn Độ sẵn sàng tham gia,” một quan chức cao cấp của Ấn Độ quen thuộc với suy nghĩ của chính phủ về vấn đề này nói, theo Hindustan Times.

Trong khi Trung Quốc tìm cách tạo mâu thuẫn giữa bốn quốc gia bằng cách gọi họ là một nhóm độc quyền và thậm chí tiếp cận với Nhật Bản để đề nghị hợp tác phục hồi kinh tế song phương, tầm nhìn của Bộ Tứ đã được Tổng kết tốt nhất bởi David Stilwell, trợ lý Bộ trưởng Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Mỹ, tối Thứ Sáu.

“Bộ Tứ tìm cách thiết lập, thúc đẩy và bảo đảm các nguyên tắc Ấn Độ – Thái Bình Dương, đặc biệt là khi các chiến thuật, hành động gây hấn và ép buộc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gia tăng trong khu vực.” Ông David Stilwell nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Mike Pompeo, trước chuyến thăm Tokyo, tweet rằng, dù hết sức cố gắng gây áp lực ngoại giao lên Bộ Tứ, các chính sách kinh tế liều lĩnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc và sự đàn áp tàn nhẫn các nhà hoạt động môi trường đã dẫn đến thảm họa môi trường ở Trung Quốc. Thế giới, vì thế không thể chấp nhận mô hình phát triển kinh tế của ĐCSTQ.”

Trong một loạt tweet gửi đi hôm 3/10, ông Pompeo nói Trung Quốc khai thác tài nguyên thiên nhiên trên toàn cầu một cách vô trách nhiệm, đe dọa nền kinh tế thế giới.

Hindustan Times tường thuật rằng Thủ tướng mới của Nhật Bản, Yoshihide Suga, cũng minh xác rõ lập trường của mình với nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc Tập Cận Bình, sau khi nói chuyện với lãnh đạo Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ trong các cuộc điện đàm đầu tiên sau khi nhậm chức.

Tất cả các nước trong nhóm Tứ Bộ đều có vấn đề nghiêm trọng với Trung Quốc; Ấn Độ và Nhật Bản có sự khác biệt về lãnh thổ trong khi Úc và Mỹ đang ở giai đoạn cuối của cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.

Điều này được hiểu rằng theo tiêu chí đánh giá công nghệ quan trọng của Tứ Bộ, bốn bộ trưởng sẽ thảo luận về hợp tác công nghệ 5G và 5G+ cũng như cơ hội tương tác trong các cuộc tập trận quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ấn Độ cũng sẽ kêu gọi sự tham gia của Australia vào cuộc tập trận hải quân Malabar năm nay ở Vịnh Bengal vào cuối tháng này.

Bốn ngoại trưởng sẽ thảo luận về môi trường an ninh trong khu vực, qua đó, Ấn Độ sẽ thông báo tóm tắt cho các đối tác của Tứ Bộ về sự đối đầu với Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) ở khu vực Ladakh.

Trung Quốc đã triển khai gần 50.000 quân ở các vùng Aksai Trung Quốc, Tây Tạng và Tân Cương bị chiếm đóng.

Chính phủ Modi đã lưu ý tuyên bố của Trung Quốc về Ladakh và Kashmir kể từ khi Điều khoản 370 bị bãi bỏ vào ngày 5 tháng 8/2019.

Ấn Độ nhận thấy đề nghị của Bắc Kinh rằng New Delhi nên tránh xa Mỹ và hàm ‎ý là như làm thế Ấn vẫn là một cường quốc trong khu vực, là thái độ kẻ cả, cao ngạo, của một cường quốc đang trỗi dậy không hiểu các đặc tính văn minh của Ấn Độ, Hindustan Times tường thuật.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54406923

 

Ấn Độ khánh thành đường hầm

trên dãy Himalaya

Ngày 3/10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khánh thành đường hầm  Atal rút ngắn đường tới biên giới với Trung Quốc trên dãy Himalaya, trong bối cảnh căng thẳng hai nước đang tăng cao.

Đường hầm Atal đi qua bang Himachal Pradesh, phía bắc Ấn Độ, và nằm trên một trong hai tuyến đường chính đưa binh sĩ Ấn tới khu vực biên giới ở Ladakh.

Hầm mới của Ấn Độ nằm ở độ cao hơn 3.000m, dài 9km, tiêu tốn khoảng 400 triệu USD và được ca ngợi là một công trình kỹ thuật kỳ công.

Trong 6 năm qua, chính phủ của Thủ tướng Modi đã xúc tiến một số dự án ở khu vực biên giới, bao gồm đường, cầu và bãi đáp máy bay. New Delhi cũng kỳ vọng những dự án như vậy sẽ thúc đẩy du lịch và hoạt động kinh tế.

Hoàng Kiên tổng hợp

https://etviet.com/indochina/an-do-khanh-thanh-duong-ham-duong-ham-tren-day-himalaya.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.