Đọc báo Pháp – 28/10/2020
Covid-19 “vuột khỏi tầm kiểm soát”, Pháp sắp bị “tái phong tỏa” – Trọng Nghĩa
Cơn sốt dâng cao tại Pháp trước đà lây lan theo cấp số nhân của dịch Covid-19 trên toàn quốc là chủ đề thời sự được phân tích, bình luận nhiều nhất trên báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 28/10/2020. Bên cạnh đó, cuộc vận động tranh cử tổng thống nước rút ở Mỹ cũng tiếp tục được chú ý vào lúc còn không đầy một tuần nữa là đến ngày bầu cử.
Riêng về châu Á, các báo mỗi tờ một trọng tâm: Trong lúc Le Monde chú ý đến một sáng kiến khác thường của phong trào thanh niên đòi cải tổ chế độ quân chủ Thái Lan, thì Les Echos để mắt đến việc Hoa Kỳ và Ấn Độ củng cố liên minh chống Trung Quốc, La Croix quan ngại trước cuộc đọ sức càng lúc càng gay go giữa Bắc Kinh và Washington trên vấn đề Đài Loan, và Le Figaro quan tâm đến thế kẹt của ngân hàng Anh Quốc HSBC dưới sức ép của Mỹ và Trung Quốc.
Về tình hình dịch Covid-19 tăng tốc độ lây lan tại Pháp, phân tích của các báo đều xoay quanh hai cụm từ khóa: “vuột khỏi tầm kiểm soát” và “tái phong tỏa”.
Le Monde: Covid-19 trở thành bất khả kiểm soát
Trang nhất Le Monde chạy một tựa lớn hết sức bi quan: “Dịch bệnh giờ đây đã vuột khỏi tầm kiểm soát”. Theo tờ báo, tình hình đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Khắp nơi trên lãnh thổ Pháp, các bệnh viện đều đã kích hoạt hệ thống đối phó với khủng hoảng, chuẩn bị đón làn sóng bệnh nhân Covid-19, được cho là sẽ tràn vào các cơ sở y tế trong một hai tuần lễ sắp tới.
Tại vùng Paris-Ile de France, các bệnh viện đã được chỉ thị tạm hoãn đại bộ phận các ca giải phẫu không khẩn cấp, để dành giường điều trị đặc biệt cho các bệnh nhân Covid-19. Về phần chính phủ, các hạn chế sẽ được siết chặt thêm, và nhiều biện pháp mới được quyết định vào sáng hôm nay thứ Tư, 28/10.
Libération: Thủ tướng Castex từ giảm phong tỏa đến tái phong tỏa
Một trong những biện pháp mới đó sẽ là việc tái phong tỏa nước Pháp để kềm hãm tốc độ truyền nhiễm của virus corona. Đối với Libération, đây sẽ là một thực tế thật oái oăm đối với thủ tướng Jean Castex.
Ngay trên trang nhất, trên một bức ảnh chụp thủ tướng Pháp đang cúi đầu đeo khẩu trang, nhật báo thiên tả Pháp chạy hàng tít lớn vỏn vẹn vài ba từ “Coronavirus: Ngài Tái phong tỏa – Monsieur Reconfinement”. Đây là một danh hiệu thật mỉa mai đối với người mà cách đây vài tháng từng được ca ngợi là tác giả của một kế hoạch giảm phong tỏa thành công.
Theo Libération, chiến lược giảm nhẹ phong tỏa vừa qua coi như đã thất bại. Dịch bệnh bùng phát trở lại, dữ dội hơn, lệnh giới nghiêm ban hành để đối phó không hiệu quả. Tình hình đó đã buộc tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải công bố các biện pháp hạn chế nghiêm khắc hơn nhiều, và chính thủ tướng Castex sẽ phải đệ trình kế hoạch ra trước Quốc Hội để được thông qua vào ngày mai.
Le Figaro: Tái phong tỏa sẽ đánh qụy nền kinh tế
Không hẹn mà gặp, cả hai tờ Le Figaro và Les Echos đều có vẻ không mấy tán thành biện pháp tái phong tỏa khi nêu bật nguy cơ nền kinh tế Pháp bị đánh gục hoàn toàn vào lúc vừa ngoi ngóp được trở lại sau hàng tuần lễ phong tỏa.
Le Figaro chạy trên trang nhất tựa lớn dưới dạng câu hỏi “Có thể nào tái phong tỏa mà không làm kinh tế phá sản hay không ?”.
Theo nhật báo cánh hữu Pháp, giới chủ doanh nghiệp đã rất lo ngại trước nguy cơ hy vọng hồi phục kinh tế đang manh nha sau cú sốc của lần phong tỏa đầu tiên sẽ bị dập tắt hoàn toàn nếu chính phủ áp đặt các biện pháp y tế quá mạnh bạo để chống dịch.
Le Figaro khẳng định rằng hiện nay nhiều ngành nghề đang lâm nguy, và theo giới chủ doanh nghiệp, nếu chính quyền quyết định tái phong tỏa ở cấp toàn quốc, một số lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như cửa hàng kinh doanh sẽ không còn gượng dậy được nữa.
Les Echos: Nỗi lo ngại của giới doanh nhân
Cùng một quan điểm như Le Figaro, nhật báo kinh tế Les Echos cũng thấy là tại Pháp: “Nền kinh tế đang bị nguy cơ tái phong tỏa đe dọa”. Tờ báo nhắc lại rằng chính quyền dự trù một biện pháp phong tỏa trên bình diện quốc gia, nhưng không gắt gao như vào mùa xuân vừa qua.
Theo Les Echos, các doanh nghiệp, từng bị đại dịch Covid-19 làm cho điêu đứng từ tháng 3 vừa qua, giờ đây đang nơm nớp trước nguy cơ gọng kềm y tế lại siết chặt trở lại. Đối với tờ báo Pháp, chính quyền cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các hoạt động kinh tế trong quý IV sẽ tuột dốc, buộc chính phủ phải ban hành các biện pháp hỗ trợ nếu không muốn toàn bộ nền kinh tế sụp đổ.
La Croix: Tuổi 20 và những hạn chế thời Covid-19
Trái với các đồng nghiệp, nhật báo Công Giáo La Croix không nói dông dài về các diễn biến mới nhất liên quan đến dịch Covid-19, mà nêu bật tác động của đại dịch trên tầng lớp thanh niên Pháp.
Ngay trang nhất, La Croix chạy hàng tít lớn: “Được 20 tuổi vào năm 2020”, kèm theo câu hỏi: “Thanh niên Pháp nhìn cuộc sống của mình bị dịch Covid-19 đảo lộn như thế nào?”.
Ở trang trong, trong bài phóng sự mang tựa đề “Sống tuổi 20 trong thời giới nghiêm”, La Croix chua chát nhận định: “Ở vào độ tuổi khi người ta thích vui chơi, nhảy múa, sẵn sàng thức thâu đêm để bàn luận về việc cải tạo thế giới, lệnh giới nghiêm đã vang lên như tiếng chuông báo hiệu giờ ra chơi đã kết thúc”.
Thế nhưng, theo ghi nhận của tờ báo, giới trẻ không hề bi quan. Cho dù đối với một số thanh niên, bước đầu tiên vào đời sống trưởng thành đã trông giống như một bước hụt chân, thế nhưng họ vẫn tiếp tục mơ ước về một tương lai tươi sáng.
La Croix: Cái hay của biện pháp tự nguyện cách ly
Cũng liên quan đến dịch Covid-19, rất đáng chú ý là bài xã luận trên La Croix mang tựa ngắn gọn: “Tự kiểm soát”.
Tờ báo nhắc lại ý tưởng ngày càng được chia sẻ là dịch bệnh tại Pháp có lẽ đã trở thành bất khả kiểm soát. Đối với La Croix, quả thực là những tuần lễ sắp tới đây mang tính then chốt và đặc biệt rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu virus ngày càng lan rộng thì chính phủ vẫn còn những công cụ để khống chế đà lây nhiễm.
Trong những biện pháp dự kiến có việc tái phong tỏa – một phần hoặc theo đối tượng cụ thể – thậm chí biện pháp gọi là “tự phong tỏa tự chọn” như một số bác sĩ chủ trương. Đây là việc các cá nhân tự nguyện tuân thủ các hạn chế để góp sức chống đại dịch, điều mà trong thực tế nhiều người cao niên và các đối tượng dễ bị tác hại nhất đã áp dụng để tránh giao lưu với người ngoài và tự bảo vệ mình.
Đối với La Croix, đây là một bài tập dân chủ khá tế nhị, đòi hỏi một sự cân bằng giữa tự do cá nhân và biện pháp cưỡng chế, nhưng đó cũng là một thái độ tự giác, có trách nhiệm để bảo vệ mình và bảo vệ cả tập thể. Và nhất là để không hẳn mất quyền kiểm soát.
Le Monde: Nga “bầu” cho Trump
Chủ đề lớn thứ hai được các báo khai thác là cuộc đua nước rút tại Mỹ giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, khi chỉ còn không đầy một tuần là đến ngày bầu cử.
Le Monde đặc biệt ghi nhận sự kiện nữ thẩm phán Barrett được Thượng Viện Mỹ bầu vào Tối Cao Pháp Viện mà tờ báo xác định là “Một chiến thắng của ông Trump”, tựa bài báo trong chuyên mục Bầu Cử Mỹ 2020.
Đối với Le Monde, bà Amy Coney Barrett là thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Mỹ thứ ba được chính tổng thống Trump đề cử. Việc bà được vào Tối Cao Pháp Viện được cho là rất quan trọng trong bối cảnh định chế này rất có thể sẽ phải xử lý nhiều vấn đề nẩy sinh nhân cuộc bầu cử tới đây.
Trong một bài phân tích thứ hai về cuộc đua vào Nhà Trắng nhìn từ phía Nga, Le Monde chạy tựa rất dí dỏm, biến cụm từ thường thấy trên đồng đô la Mỹ “In God We Trust” thành “In Trump We Still Trust” tạm dịch là “Chúng tôi vẫn tin vào Trump”.
Theo Le Monde, cho dù quan hệ Nga-Mỹ có nhiều dấu hiệu thụt lùi trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump, nhưng Matxcơva đã tận dụng được những hỗn loạn và khoảng trống do tổng thống Mỹ Trump tạo ra để hưởng lợi.
Mặt khác, dù chính quyền của ông rất cứng rắn với Matxcơva, nhưng bản thân ông Trump thường tìm cách tránh đụng chạm hoặc dàn hòa với Nga, vì vậy nhìn từ phía Nga, việc ông Trump làm tiếp một nhiệm kỳ thứ hai được nhiều người hoan nghênh.
Libération: Những người Cộng Hòa không thích Trump
Cũng nhìn về cuộc bầu cử Mỹ, nhật báo Libération trong số ra hôm nay đã xoáy mạnh trên những cử tri hay thành phần trong đảng Cộng Hòa chống ông Trump.
Một phóng sự của đặc phái viên Le Monde tại Ohio và Florida đã tìm hiểu xem lý do vì sao một số cử tri thất vọng vì ông Trump đã quyết định bầu cho ông Joe Biden lần này.
Một bài thứ hai đề cập đến hoạt động của nhóm được mệnh danh là “Never Trumpers”, tạm dịch là “Không bao giờ theo Trump nữa”. Đây là các nhóm đảng viên đảng Cộng Hòa, như nhóm mang tên là Lincoln Project chẳng hạn, đã dùng mọi hình thức để thuyết phục những ai còn do dự hay đang thất vọng vì ông Trump là nên ủng hộ Joe Biden.
Les Echos: Mỹ và Ấn Độ liên thủ chống Trung Quốc
Về châu Á, hai bài viết lý thú nhất là bài về tương quan tay ba Ấn Độ, Hoa Kỳ và Trung Quốc trên tờ Les Echos, và bài trên tờ Le Monde đề cập đến sự kiện phong trào biểu tình tại Thái Lan yêu cầu nước Đức hỗ trợ trong cuộc đấu tranh đòi cải tổ chế độ quân chủ.
Trong bài “Mỹ và Ấn Độ trên “cùng một làn sóng” chống Trung Quốc”, nhật báo Les Echos ghi nhận sự kiện mới đây khi đến New Delhi để gặp gỡ các đồng nhiệm, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper và ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chủ yếu nói về thái độ của Bắc Kinh trong khu vực.
Điểm đáng nói được Les Echos ghi nhận là nếu các bộ trưởng Mỹ lớn tiếng tố cáo đích danh Trung Quốc hiếu chiến, xâm lược, thì hai đồng nhiệm của họ thì không nêu cụ thể tên Trung Quốc trong cuộc họp, nhưng ngoại trưởng Ấn nói rằng hòa bình chỉ có thể thực hiện được nếu tất cả các nước tôn trọng “sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả các quốc gia”.
Theo Les Echos, dù là Ấn Độ hay Mỹ, quan hệ với Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng. Hoa Kỳ đang tham gia vào một cuộc chiến thương mại trong khi gia tăng những lời cảnh báo chống lại sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng lớn của Bắc Kinh. New Delhi thì đang tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế sau một cuộc đụng độ chết người vào tháng 6 ở Ladakh, vùng biên giới với Trung Quốc, vụ đầu tiên trong 45 năm, khiến 20 người chết ở phía Ấn Độ và một số nạn nhân chưa xác định trong hàng ngũ Trung Quốc.
Le Monde: Thanh niên Thái Lan biểu tình cầu viện Đức
Le Monde thì chú ý đến sự kiện phong trào sinh viên biểu tình tại Thái Lan lại mong chờ hỗ trợ từ phía Đức, nơi mà Quốc Vương Thái Lan thường xuyên cư ngụ, cho dù vẫn điều hành đất nước.
Một trong những lý do giải thích điều trên, đó là việc vua Maha Vajiralongkorn, một trong những đối tượng bị phong trào sinh viên Thái Lan phản đối hiện đang làm cho Berlin bất bình vì vi phạm một nguyên tắc bất thành văn trong ngành ngoại giao là không điều hành đất nước từ nơi ông chỉ có tư cách là khách.
Tin tổng hợp
(AFP) – Cử tri Miến Điện mất niềm tin vào những cựu tù nhân chính trị.
Theo hãng tin Pháp ngày 28/10/2020, khoảng 10 ngày trước bầu cử Quốc Hội Miến Điện, một phần công luận nước này chỉ trích các cựu tù nhân chính trị dưới thời tập đoàn quân sự tiến hành chính sách « đàn áp và phân biệt đối xử ». Số này, phần lớn ở độ tuổi 70 bị cáo buộc tham chức tham quyền, kiểm soát đất nước vì những lợi ích cá nhân. Hơn 120 dân biểu và bộ trưởng tại Miến Điện, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, là những cựu tù nhân chính trị từng bị tập đoàn quân sự giam giữ.
(AFP) – Bầu cử địa phương tại bang Bihar, đông bắc Ấn Độ.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, 70 triệu cử tri tại bang Bihar ngày 28/10/2020 được kêu gọi bầu lại lãnh đạo. Từ 10 năm qua, đảng BJP cầm quyền của thủ tướng Narendra Modi liên tục tham gia chính quyền liên minh điều hành Bihar, một trong những bang nghèo nhất trên toàn quốc. Đây là cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại Ấn Độ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
(AFP) – Mỹ : Bạo động tiếp diễn tại Philadelphia.
Bạo động đã tiếp diễn tối qua, 27/10/2020, tại thành phố Philadelphia của Mỹ, sau cái chết của một người da đen trúng đạn của cảnh sát. Hơn 1.000 người đã tuần hành trước khi bị cảnh sát chặn lại. Nhiều người đã bị câu lưu và nhiều cửa hàng bị cướp bóc. Hôm 26/10, hơn 30 cảnh sát đã bị thương trong các vụ bạo động tại thành phố này. Hai cảnh sát có liên quan đến cái chết của Walter Wallace Jr đã bị đình chỉ công tác trong thời gian chờ kết quả điều tra về vụ này.
(AFP) – Hàn Quốc hy vọng đạt mục tiêu trung hòa carbon năm 2050.
Ngày 28/10/2020, tổng thống Moon Jae In đã hứa là Hàn Quốc sẽ nỗ lực hết mình để đạt mục tiêu trung hòa khí CO2 từ đây đến năm 2050, nhưng không đưa ra cam kết dứt khoát về mục tiêu này. Là nền kinh tế đứng hàng thứ 12 thế giới, Hàn Quốc có rất ít nguồn năng lượng và vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn than nhập khẩu, chiếm đến 60% sản lượng điện quốc gia, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
(AFP) – Các nhà hoạt động thân Armenia chặn một xa lộ ở Pháp.
Theo thông báo của hiến binh Pháp, ngày 28/10/2020, những nhà hoạt động thân Armenia đã chặn trong vài tiếng đồng hồ một đoạn xa lộ ở vùng Isère, dẫn đến các vụ xô xát với những người ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, khiến một người bị thương. Một người tham gia cuộc tập hợp cho biết họ lo ngại Armenia sẽ bị « một cuộc diệt chủng thứ hai ».
(AFP) – Western Union đóng cửa văn phòng ở Cuba.
Ngày 27/10/2020, chính quyền La Habana thông báo là công ty chuyển tiền Western Union sẽ đóng cửa các văn phòng ở Cuba, sau khi Hoa Kỳ ban hành các trừng phạt mới, cấm công ty này làm ăn với công ty tài chính Cuba Fincimex, do quân đội nước này nắm giữ. Các trừng phạt của Mỹ, được thông báo thứ Sáu 23/10, sẽ có hiệu lực ngày 27/11/2020.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201028-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 28/10:
Mỹ ký hiệp ước quân sự với Ấn Độ chống Trung Quốc;
Thủ tướng Thái thề không từ chức bất chấp biểu tình
Quý Khải
Mục lục bài viết
Mỹ ký hiệp ước quân sự với Ấn Độ chống Trung Quốc
Thủ tướng Thái thề không từ chức bất chấp biểu tình
Bỉ trở thành quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus Vũ Hán cao nhất Châu Âu
Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa kêu gọi chỉ định luật sư đặc biệt điều tra con trai Biden
Microsoft và các hãng công nghệ hàng đầu nước Mỹ đóng góp tài chính lớn cho chiến dịch Biden
Lượng lớn cử tri không thuộc đảng Cộng hòa, mới đi bầu lần đầu tiên xuất hiện tại cuộc vận động tranh cử của TT Trump
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (28/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Mỹ ký hiệp ước quân sự với Ấn Độ chống Trung Quốc
Mỹ và Ấn Độ đã ký kết một hiệp ước chia sẻ dữ liệu vệ tinh và bản đồ nhạy cảm hôm thứ Ba khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo về mối đe dọa từ một Trung Quốc ngày càng hung hăng, theo Reuters.
Cũng góp mặt trong chuyến thăm Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết hiệp ước quốc phòng mới – Hiệp định Trao đổi và Hợp tác Cơ bản về Hợp tác Không gian Địa lý – là một “cột mốc quan trọng” nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa quân đội hai nước.
Ông Esper nói thêm, Mỹ có kế hoạch bán thêm máy bay chiến đấu và máy bay không người lái cho Ấn Độ. Hiệp định này sẽ cho phép Ấn Độ tiếp cận với một loạt dữ liệu địa hình, hàng hải và hàng không quan trọng giúp tên lửa và máy bay không người lái được trang bị vũ trang nhắm trúng mục tiêu.
Theo một nguồn tin quốc phòng Ấn Độ, hiệp ước cũng sẽ cho phép Mỹ cung cấp các thiết bị hỗ trợ định vị và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến trên các máy bay do Mỹ bán cho Ấn Độ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tham dự một cuộc họp báo chung tại New Delhi, Ấn Độ, hôm thứ Ba (27/10).
Thủ tướng Thái thề không từ chức bất chấp biểu tình
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha hôm thứ Ba đã bác bỏ lời kêu gọi từ chức của các đảng phái đối lập tại một phiên họp quốc hội mà ông đã thiết lập để thảo luận về các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng yêu cầu ông từ chức và cải cách chế độ quân chủ, theo Reuters.
“Tôi sẽ không trốn chạy khỏi các vấn đề. Tôi sẽ không rời bỏ nhiệm vụ của mình bằng cách từ chức vào thời điểm đất nước đang gặp khó khăn”, ông tuyên bố.
Các cuộc biểu tình đã khiến hàng chục nghìn người xuống đường kể từ giữa tháng 7 và đã trở thành thách thức lớn nhất trong nhiều năm nay đối với một chính quyền bấy lâu nay nằm trong sự thống trị của quân đội.
Cung điện của Vua Maha Vajiralongkorn không đưa ra bình luận nào kể từ thời điểm bắt đầu các cuộc biểu tình chỉ trích chế độ quân chủ.
Các thành viên đối lập trong quốc hội Thái Lan đã yêu cầu Thủ tướng Prayuth ngừng trốn tránh sau những lời tuyên bố trung thành với chế độ quân chủ và hãy từ chức. Những người chỉ trích ông cho biết ông đã thiết kế các cuộc bầu cử năm ngoái nhằm duy trì quyền lực ông đã có được từ năm 2014. Ông phản bác rằng các lá phiếu bầu là công bằng.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tham dự một phiên họp quốc hội đặc biệt để thảo luận về tình hình chính trị hiện tại và các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra ở Bangkok, Thái Lan hôm thứ Hai (26/10).
Bỉ trở thành quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus Vũ Hán cao nhất Châu Âu
Chính phủ Bỉ sẽ triệu tập vào thứ Sáu tới để quyết định triển khai đợt đóng cửa quốc gia tiềm năng lần thứ hai, sau khi tỷ lệ nhiễm virus Vũ Hán đạt mức kỷ lục mỗi ca trên 100.000 công dân, theo Reuters.
Quốc gia có 11 triệu dân này ghi nhận 1.390 ca nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán trên 100.000 cư dân trong vòng hai tuần trở lại đây, theo dữ liệu ngày hôm qua từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu.
Các ca lây nhiễm mới hàng ngày ở Bỉ, nơi đặt trụ sở chính của Liên minh châu Âu và NATO, đạt mức cao nhất với hơn 18.000 ca vào ngày 20/10, gần gấp 10 lần so với mức cao nhất của làn sóng đại dịch thứ nhất vào mùa xuân.
Số lượng bệnh nhân trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) đang gia tăng gấp đôi cứ sau 8 ngày, tiềm ẩn nguy cơ hết giường bệnh.
Cảnh sát tuần tra Quảng trường Grand ở thủ đô Brussels của Bỉ trong thời gian diễn ra lệnh giới nghiêm ban đêm do chính phủ Bỉ áp đặt khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán vẫn tiếp diễn hôm 20/10.
Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa kêu gọi chỉ định luật sư đặc biệt điều tra con trai Biden
Một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang kêu gọi chỉ định một luật sư đặc biệt để điều tra con trai ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden – Hunter Biden – về những cáo buộc xung quanh các giao dịch mờ ám của gia đình vị cựu phó tổng thống này ở nước ngoài, theo The Epoch Times.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Josh Hawley cho biết cần chỉ định một luật sư đặc biệt để điều tra vụ việc bất kể Tổng thống Trump có tái đắc cử hay không.
Trao đổi với tờ Washington Examiner, ông Hawley nói:
“Tôi khẳng định rằng vụ việc nên được điều tra, và tôi nghĩ rằng cần chỉ định một luật sư đặc biệt. Điểm mấu chốt của là tôi nghĩ rằng cuộc điều tra cần được tiếp tục không bị gián đoạn. Nếu cần một luật sư để làm điều đó, thì hãy làm như vậy”.
Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Chuck Grassley, một dân biểu Đảng Cộng hòa, cho rằng Bộ Tư pháp Mỹ cần vào cuộc. Ông cho hay:
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đã có đủ bằng chứng về mọi thứ tồi tệ mà họ đã làm, và tôi nghĩ những gì chúng ta cần là FBI và Bộ Tư pháp thực hiện công việc của họ. Tôi đã nghiên cứu vụ này đủ lâu. Không cần đến một luật sư đặc biệt đâu. Chỉ cần tiến hành theo quy trình bình thường là đủ”.
Microsoft và các hãng công nghệ hàng đầu nước Mỹ đóng góp tài chính lớn cho chiến dịch Biden
OpenSecrets, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi dòng luân chuyển tài chính trong hồ sơ chính trị và chiến dịch của các ứng viên tổng thống, đã công bố số liệu cho thấy các tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ đã đóng góp tài chính khổng lồ cho chiến dịch Biden trong kỳ bầu cử này, theo The Epoch Times.
Năm hãng công nghệ đóng góp hàng đầu cho ủy ban ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden gồm Alphabet (công ty mẹ của Google) đứng thứ nhất, tiếp đến là Microsoft, đứng thứ tư; rồi đến Amazon đứng thứ năm. Alphabet đóng góp lên đến 1,9 triệu đô la cho ủy ban, Microsoft đóng góp gần 1 triệu đô la và Amazon đóng góp hơn 900.000 đô la.
Các công ty công nghệ lớn khác lọt danh sách các nhà tài trợ hàng đầu cho kỳ bầu cử 2020 gồm hai gã khổng lồ Facebook và Apple. Đặc biệt, so với các công ty khác, Microsoft đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ chiến dịch của Biden.
Các giám đốc điều hành cấp cao của Microsoft đã quyên góp cho chiến dịch Biden trong thời gian bầu cử sơ bộ nhiều hơn bất kỳ công ty công nghệ lớn nào khác, theo dữ liệu từ Dự án Revolving Door, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách Mỹ (CERP).
Lượng lớn cử tri không thuộc đảng Cộng hòa, mới đi bầu lần đầu tiên xuất hiện tại cuộc vận động tranh cử của TT Trump
Chủ tịch Đảng Cộng hòa Ronna McDaniel cho biết, dữ liệu bầu cử cho thấy số cử tri ủng hộ Tổng thống Trump đang mở rộng và không chỉ giới hạn ở các cử tri Đảng Cộng hòa hoặc những người đã bỏ phiếu cho ông vào năm 2016, theo The Epoch Times.
Tại cuộc vận động tranh cử hôm thứ ba của TT Trump ở Martinsburg, bang Pennsylvania hôm thứ Hai, có 11.593 người tham dự, 14,1% trong số đó không phải cử tri Đảng Cộng hòa và 21,6% trong số đó không bỏ phiếu vào năm 2016.
Tại một cuộc vận động tranh cử khác ở Lititz, Pennsylvania cũng vào hôm thứ Hai, có 18.894 người tham dự, 22,2 phần trăm trong số đó không phải là cử tri Đảng Cộng hòa đã đăng ký tham gia trước đó và 20,8 phần trăm trong số đó không bỏ phiếu vào năm 2016.
Đầu hôm thứ Hai, tại cuộc vận động đầu tiên của TT Trump ở Allentown, bang Pennsylvania, có 13.331 người tham dự, 23,8 phần trăm trong số đó không phải là cử tri Đảng Cộng hòa và 21,9 phần trăm trong số đó đã không bỏ phiếu vào năm 2016, theo thông tin thu thập được từ những người đăng ký tham gia sự kiện.
Được biết, TT Trump sẽ tổ chức các sự kiện vận động cử tri liên tiếp tại các bang Ohio, Michigan, Wisconsin, Nebraska, Arizona và Florida.
Điểm tin thế giới tối 28/10:
Ngoại trưởng Mỹ sắp thăm Việt Nam;
Ông Hun Sen ‘mệt mỏi’ vì tin đồn
Trung Quốc đưa quân tới Campuchia
Hải Lam
Mục lục bài viết
Ngoại trưởng Mỹ sắp thăm Việt Nam
Thủ tướng Hun Sen ‘mệt mỏi’ vì tin đồn Trung Quốc đưa quân tới Campuchia
Ông Pompeo nói Bắc Kinh là ‘kẻ săn mồi’
Máy bay Trung Quốc lại xâm nhập Đài Loan
Chính phủ Nga yêu cầu đeo khẩu trang toàn quốc
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (28/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ngoại trưởng Mỹ sắp thăm Việt Nam
Thông báo được Bộ Ngoại giao Việt Nam đăng trên website hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày (29-30/10) theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, nhằm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang thực hiện chuyến công du tới một loạt quốc gia châu Á. Reuters cho biết, ông Pompeo đã dự Đối thoại Chiến lược Mỹ – Ấn ở New Delhi và dự kiến sẽ tham dự các cuộc họp ở Indonesia vào thứ Năm (29/10).
Thủ tướng Hun Sen ‘mệt mỏi’ vì tin đồn Trung Quốc đưa quân tới Campuchia
Theo trang The Phnom Penh Post, Thủ tướng Hun Sen hôm thứ Hai (26/10) cho biết ông cảm thấy mệt mỏi vì các quốc gia và các nhóm đối lập nói rằng Campuchia đã cho phép Trung Quốc đặt căn cứ quân sự ở nước này.
“Trung Quốc có quân đội ở Campuchia không? Khi nào Campuchia cho phép Trung Quốc đưa quân tới? Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi mệt mỏi khi một số người hỏi về việc này”, Thủ tướng Hun Sen phát biểu trong lễ khởi công hai dự án cầu ở đông nam Phnom Penh.
Ông nói tiếp: “Tôi quá mệt mỏi vì quý vị. Khi Thủ tướng nói thì quý vị không tin. Quý vị lấy bằng chứng từ đâu rằng Campuchia ký thỏa thuận bí mật với Trung Quốc để sử dụng căn cứ Ream trong 30 năm?”.
Năm ngoái, Tạp chí Phố Wall đưa tin Trung Quốc và Campuchia đã ký một thỏa thuận bí mật kéo dài 30 năm về việc sử dụng một căn cứ hải quân Ream của Campuchia.
Reuter cho biết, ngày 23/10, lực lượng an ninh Campuchia đã giải tán một cuộc biểu tình nhằm phản đối kế hoạch Phnom Penh cho phép quân đội Trung Quốc hiện diện ở nước này. Cảnh sát đã bắt giữ một số người biểu tình gần đại sứ quán Trung Quốc để thẩm vấn.
Ông Pompeo nói Bắc Kinh là ‘kẻ săn mồi’
Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục đưa ra bình luận cứng rắn chỉ trích Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến công du châu Á. Ông cáo buộc chính quyền Trung Quốc đang hoạt động như “kẻ săn mồi” ở Sri Lanka.
“Từ các giao dịch tồi tệ, vi phạm chủ quyền và vô luật pháp trên đất liền cũng như trên biển, chúng tôi thấy rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ săn mồi, và Hoa Kỳ đi theo một chiến lược khác, chúng tôi tiếp cận với tư cách là một bằng hữu và đối tác”, ông Pompeo nói với một cuộc họp báo trên truyền hình tại thủ đô Colombo, Sri Lanka.
Trái ngược với Ấn Độ, Sri Lanka là một đồng minh thân cận của Bắc Kinh. Bộ trưởng Ngoại giao Dinesh Gunawardena cho biết Sri Lanka muốn muốn duy trì hòa bình và quan hệ tốt đẹp với mọi quốc gia.
Máy bay Trung Quốc lại xâm nhập Đài Loan
Theo Taiwan News, một máy bay quân sự của Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan vào thứ Ba (27/10), lần thứ 25 kể từ ngày 16/9.
Một máy bay vận tải Thiểm Tây Y-8 của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã xâm nhập vào khu vực phía tây nam của ADIZ, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan. Đài Loan đã điều chiến đấu cơ, phát cảnh báo bằng sóng vô tuyến và triển khai tên lửa phòng không để theo dõi máy bay Y-8.
Hơn 1 tháng qua, Bắc Kinh liên tục điều máy bay xâm nhập ADIZ của Đài Loan. Mới đây, vào ngày 22/10, một máy bay không người lái của Trung Quốc cũng đã tiến vào ADIZ phía tây nam của hòn đảo, theo Phó chánh văn phòng Quốc phòng Đài Loan.
Chính phủ Nga yêu cầu đeo khẩu trang toàn quốc
Chính phủ Nga hôm thứ Ba (27/10) đã công bố quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn quốc.
Tờ New York Times đưa tin, quyết định này được cơ quan y tế hàng đầu của Nga, Rospotrebnadzor, công bố trong bối cảnh Nga đã ghi nhận hơn 1,5 triệu trường hợp nhiễm virus Vũ Hán và hơn 16.000 ca bệnh mới được công bố hôm thứ Ba. Đây cũng là ngày nước này ghi nhận số ca tử vong kỷ lục vì virus, với hơn 320 người.
Một nhà lập pháp đã nói với Tổng thống Nga, Vladimir Putin, vào hôm thứ Ba rằng có tới 91 trong tổng số 450 thành viên của Hạ viện Nga đã nhiễm virus Vũ Hán, hàng chục người đã phải nhập viện.
Tạp chí đặc biệt
Việt Nam: Mối lo Trung Quốc
khiến một bộ phận giới trẻ đặc biệt quan tâm bầu cử Mỹ
Trọng Thành
Giới trẻ tại Việt Nam quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 không? Người quan tâm đến bầu cử Mỹ có quan điểm ra sao? Điểm nổi bật là mối lo ngại, thậm chí thái độ thù nghịch với chính quyền Trung Quốc, khiến một bộ phận thế hệ 8X, 9X đặc biệt quan tâm đến bầu cử Mỹ, và ủng hộ tổng thống mãn nhiệm Donald Trump. Thái độ ủng hộ mạnh mẽ này đang gây chia rẽ sâu sắc trong giới trẻ tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ.
Nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang) đưa ra một nhận định chung : « Tỉ lệ các cháu quan tâm đến bầu cử ở Mỹ không cao lắm đâu. Thứ nhất là do tình hình giáo dục, chính sách tuyên truyền, quản lý thông tin… của Nhà nước, ở trong một chế độ gọi là ‘‘công an trị’’, làm cho mọi người, đặc biệt là các cháu thanh niên rất ngại quan tâm đến chính trị. Số trẻ quan tâm đến chính trị, đến thời vận của đất nước, của thế giới… đến các giá trị như nhân quyền, là không nhiều ».
Một số bạn trẻ cũng chia sẻ với chúng tôi cảm nhận chung, là cuộc bầu cử tại Mỹ còn rất ít được giới trẻ nói chung ở Việt Nam quan tâm, trong lúc thông tin không hẳn đã thiếu. Cùng với cuộc tranh cử 2016, tranh cử 2020 là cuộc tranh cử thứ hai tại Mỹ được đưa tin khá phong phú tại Việt Nam, ngay trên truyền thông Nhà nước.
Đối đầu Mỹ – Trung: Tâm điểm tranh luận
Dù sao, cũng có một số bạn trẻ, kể cả người trẻ làm việc trong bộ máy Nhà nước, sẵn sàng bày tỏ quan điểm mình về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Anh Vinh Thu (Hà Nội), một nhà báo trẻ làm việc trong truyền thông Nhà nước, trong một trao đổi qua thư điện tử với chúng tôi, với tư cách cá nhân, chia sẻ: « Trong số bạn bè tôi và những người tôi biết, chỉ những người trên 35 tuổi có hứng thú nhiều hơn khi trao đổi về những khía cạnh khác nhau của cuộc bầu cử. Có vẻ họ ấn tượng hơn về ông Donald Trump, nhưng người nào ghét thì cũng đặc biệt ghét ».
Lý do chính nào khiến nhiều người trẻ ở Việt Nam đặc biệt quan tâm đến bầu cử Mỹ ? Giáo sư Hoàng Dũng (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh đến thế đối đầu Mỹ – Trung : « Thực ra không phải bản thân vấn đề ông Trump và ông nào đó, mà là do họ nhìn cuộc bầu cử qua góc độ của người Việt, xem cái này có ảnh hưởng đến Việt Nam không ? Tôi nghĩ rằng người trẻ mà quan tâm đến việc này cũng không ngoài quỹ đạo đó đâu. Xem xét cuộc bầu cử này có lợi hay không có lợi cho Việt Nam, trong cuộc đối đầu với Trung Quốc hiện nay ».
Tin Trump có thể « chặn đứng » Trung Quốc về kinh tế
Nhà báo Nguyễn Thiện Nhân (Bình Dương), Hội Nhà Báo Độc Lập, một tổ chức xã hội không thuộc Nhà nước, nhận xét : « Tôi nghĩ rằng số người Việt Nam quan tâm đến tổng thống Mỹ trên tổng dân số không phải là con số lớn… Tôi có sự quan sát với giới trẻ, thông thường nhiều người muốn tổng thống Trump tái đắc cử, vì ông ấy là người có thể chặn đứng sự trỗi dậy của Trung Quốc, vì sự trỗi dậy đó là không lành mạnh. Sự trỗi dậy đó là gian dối. Người ta nói là sự gian dối đó có thể phá hủy nền kinh tế thế giới. Điều đó ông Trump muốn chặn đứng ».
Anh Thang Chu (Bắc Ninh), làm việc trong ngành xây dựng, chia sẻ : « Với tư cách là một người Việt Nam, tôi rất mong ông Trump là người chiến thắng. Bởi vì ông ấy đã đưa ra các quyết sách xoay trục. Không như ông Obama trước đây chỉ là nói hướng đến xoay trục, nhưng trong hai nhiệm kỳ loay hoay không xoay được trục sang châu Á. Khi ông Trump ông ấy lên làm, không cần nói nhiều, mà ông ấy đã thực thi quyết sách hướng về châu Á ».
Trao đổi với chúng tôi qua thư điện tử, chị Vân Anh, làm việc trong một ngân hàng nhà nước (Hà Nội) cho biết quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng chủ yếu là về mặt kinh tế, đặc biệt là tác động của biến động chính trị đến chứng khoán. Theo chị Vân Anh, nhìn chung, chính sách quyết liệt của ông Trump chống Trung Quốc ảnh hưởng « tốt » đến kinh tế Việt Nam. Quan điểm của chị Vân Anh cũng khá giống với nhận định chung của Bạch Huệ, phóng viên trẻ, báo kinh tế VnEconomy, được nhiều người trẻ dùng Facebook ở Việt Nam chia sẻ: « Khi đại dịch nhấn chìm thế giới, Trump điên cuồng chống Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị khiến dòng vốn chạy khỏi Trung Quốc không ngừng. Trump làm địa chính trị thế giới thay đổi như chong chóng, giấc mơ Trung Hoa bị kìm hãm… Nói chung là ủng hộ Trump, cứ cái gì lợi cho Việt Nam là ủng hộ thôi ».
Quan điểm phản bác
Về quan điểm cho rằng chính sách của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump chống Trung Quốc rất có lợi cho Việt Nam, chị Trang Nhung (Hưng Yên), một kỹ sư tin học, có nhìn nhận hoàn toàn ngược lại :
« Tôi không thấy như vậy, tôi thấy rằng, trong nhiệm kỳ của Trump, Trung Quốc có vẻ mạnh lên, và lấp đầy những chỗ trống mà Mỹ đã bỏ lại. Ví dụ, bây giờ ảnh hưởng của Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc đã tăng dần, cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc trong các nước nằm trong khu vực chịu sự chi phối của Bắc Kinh. Ngoài ra, Mỹ cũng không làm cho quan hệ với các đồng minh tốt hơn (như Canada, Đức…).
Còn đối với Việt Nam, Việt Nam cũng sẽ không được lợi nhiều, khi Trump trở thành tổng thống. Trump sẽ không đánh Trung Quốc cho Việt Nam, như rất nhiều người đang ảo tưởng. Ông ta cùng làm là đưa ra một số chính sách, biện pháp giống như kiểu rung cây, dọa khỉ vậy, chẳng có tác dụng gì về lâu về dài, cũng không biểu hiện ra đấy là một chiến lược gì, để làm giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở trên thế giới cả. Biện pháp tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, có tác động tiêu cực với kinh tế Trung Quốc một phần, nhưng nó cũng có tác động tiêu cực đến chính nền kinh tế Mỹ. Hơn nữa là biện pháp ông ta áp thuế lên Trung Quốc cũng không nhất quán, không có chính sách rõ rệt ».
Chị Trang Nhung tỏ ra rất bi quan khi thấy « đại đa số » ủng hộ ông Trump trong thời gian qua. Đối với chị, điều này rất « đáng chê trách, đáng thất vọng », vì như vậy « sẽ còn rất lâu nữa mới có thể hy vọng ‘‘dân chủ hay văn minh’’ cho Việt Nam », bởi hai lý do, đạo đức cá nhân của ông Trump, và khả năng chính trị của lãnh đạo mãn nhiệm Mỹ. Chị Trang Nhung cũng khẳng định trong thời kỳ ông Trump làm tổng thống, « tình hình nhân quyền tại Việt Nam không được cải thiện, thậm chí còn xấu đi ».
Kỳ vọng Trump tấn công chế độ toàn trị Trung Quốc
Nếu như về mặt kinh tế hay về Biển Đông, nhiều người nhìn Việt Nam và Trung Quốc trong thế cạnh tranh, đối địch, thì về mặt chính trị, nhiều bạn trẻ lại coi Trung Quốc và Việt Nam là đồng minh ý thức hệ và chiến lược với Trung Quốc của tổng thống mãn nhiệm được hy vọng là có thể tạo ra các biến chuyển có lợi cho tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam. Chị Hằng Lê (Hà Nội), kinh doanh tự do, là người có quan điểm như vậy :
« Bởi vì hai chính quyền Việt Nam và Trung Quốc là đồng minh, khả năng cao là ông Trump mạnh tay tấn công Trung Quốc, như thế thì bản thân chính quyền Việt Nam cũng cảm thấy sợ hãi, như vậy thì nó cũng tốt cho sự thúc đẩy kinh tế thị trường ở Việt Nam, thúc đẩy các hệ thống chính trị Việt Nam biến đổi theo kịp xu hướng các nước phát triển. Nếu tôi là người Mỹ, tôi e rằng tôi sẽ bỏ phiếu cho ông Trump. Mặc dù ông ấy có những thứ không được hay ho lắm. Cả hai ông, Joe Biden và ông Trump, là hai sự lựa chọn không tốt cho nước Mỹ bây giờ, đều là tệ cả. Nhưng nói theo góc độ bộ mặt chung của thế giới, nếu 4 năm tới gọi là phẳng lặng, nếu như ông Joe Biden lên thì như vậy. Nếu như ông Trump lên thì cái này rất khó đoán biết ».
Anh Quyết Hồ (Hà Nội), một nhà hoạt động nhân quyền, lưu ý đến một hệ quả bất lợi của cuộc tranh cử Mỹ, đó là làm gia tăng không khí đối nghịch trong nội bộ giới trẻ Việt Nam, và tâm lý đặt kỳ vọng quá nhiều vào một nhà lãnh đạo Mỹ, trong chiến lược với Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nội lực của Việt Nam :
« Cuộc bầu cử lần này của nước Mỹ có điểm tốt là nó làm cho người Việt Nam chúng ta quan tâm đến các cuộc bầu cử, đến chính trị nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là, nó đã làm phân cực rất nhiều trong những người quan tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam. Các cuộc tranh luận với nhau dễ trở thành xung đột. Những người từng là bạn bè trên Facebook, hoặc trong đời sống, có thể dễ dàng tuyệt giao với nhau, hoặc là chửi bới nhau, chỉ vì họ ủng hộ người khác với mình.
Còn việc chống Trung Quốc hay là chúng ta muốn thoát Trung hay không, phải dựa vào nội lực của Việt Nam trước tiên. Nếu không có nội lực, không thể thoát Trung được. Cho nên, dù là ông Donald Trump, ông ấy có chống Trung Quốc triệt để đi chăng nữa, mà cái tâm lý, cái suy nghĩ, cái tư duy của người Việt trong nước mình, không có ý muốn thoát Trung, thì một ông Trump, chứ mười ông Trump thì có lẽ cũng không làm được gì mấy ».
Thiếu thảo luận về chính sách của nước Mỹ trong ôn hòa
Bầu cử tổng thống Mỹ 2020 không mấy được giới trẻ ở Việt Nam quan tâm, theo cảm nhận chung của nhiều nhà quan sát. Hiện tại, thăm dò dư luận độc lập về các vấn đề chính trị không được phép ở Việt Nam, do vậy khó có được một hình ảnh chính xác về quan điểm của công chúng.
Tuy nhiên, thông tin về bầu cử Mỹ không thiếu. Điều thiếu hụt quan trọng là các thảo luận đa chiều về bầu cử Mỹ, về chính trị Mỹ, chính sách của Mỹ với Trung Quốc, với Việt Nam, trên các phương tiện truyền thông chính thức. Nhiều người cho rằng tâm trạng khá thờ ơ với bầu cử Mỹ cũng gắn liền với tâm lý thờ ơ hoặc tránh né đụng chạm đến chuyện chính trị nói chung tại Việt Nam, còn rất phổ biến trong giới trẻ.
Trong số ít những người trẻ quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, động cơ hàng đầu của đa số họ là do tác động rất lớn đến Việt Nam, của các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. « Chống » hay « không chống » Trung Quốc, « chống » có hiệu quả hay không, là thước đo chính để nhiều người lựa chọn Trump hoặc Biden. Ghi nhận được nhiều người chia sẻ là, đông đảo người quan tâm đến bầu cử Mỹ ủng hộ ông Donald Trump. Đối với họ, chính trị gia này là người cứu nguy cho thế giới, chống lại chế độ cộng sản toàn trị Trung Quốc. Ngược lại, những người phản bác coi đây là một ảo tưởng, một thái độ cuồng tín rất nguy hiểm, bất lợi cho việc xây dựng dân chủ, khẳng định nhân quyền.
Ủng hộ hay chống Trump, các lập trường đối kháng nói trên đang gây phân hóa mạnh mẽ trong xã hội nhỏ bé của giới trẻ tranh đấu dân chủ ở Việt Nam. Một cách đánh giá về chính sách của nước Mỹ không quá tập trung vào vai trò cá nhân của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump khó hình thành trong xã hội Việt Nam, nơi dường như việc trao đổi, thảo luận bình tĩnh để tìm ra cái dở, cái hay trong quan điểm của mỗi bên chưa trở thành một nhu cầu thiết thân của nhiều người, và nhất là trong bối cảnh việc thảo luận về các chủ đề chính trị « nhạy cảm » dễ bị chính quyền can thiệp. Nhiều người cũng đặt câu hỏi, phải chăng mối đe dọa thường trực, sự lấn lướt, thao túng của Trung Quốc đã đáng sợ đến mức mà nhiều người trẻ Việt Nam chấp nhận đặt niềm tin vào Donald Trump, như một vị cứu tinh, cho dù không phải là không biết những mặt xấu của chính trị gia này.
0 comments