Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 09/10/2020

Friday, October 9, 2020 6:10:00 PM // ,

 Đọc báo Pháp – 09/10/2020

Nền dân chủ Mỹ đang bước vào «giai đoạn đen tối» -  Trọng Thành

Cuộc xung đột vũ trang Thượng Karabakh ở vùng Kavkaz có nguy cơ lan rộng, với tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gây lo ngại. Nước Pháp huy động tổng lực để chuẩn bị đối phó với đỉnh dịch Covid lần thứ hai. Các chủ đề nóng bỏng nói trên của các nhật báo Pháp hôm nay 09/10/2020, đẩy hồ sơ tranh cử tổng thống Mỹ xuống hàng thứ yếu. Tuy nhiên về nước Mỹ, có nhiều bài viết đáng chú ý. 

Báo Le Monde, ra từ chiều hôm qua, tập trung phân tích cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tranh chức phó tổng thống, ứng viên Dân Chủ Kamala Harris và ứng viên Cộng Hòa Mike Pence. So với cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống, diễn ra trong không khí gần như hỗn loạn, thì cuộc tranh luận lần này được đánh giá là « ôn hòa ».

Phụ tá của Biden « không sai sót », Pence giữ được niềm tin của phe Cộng Hòa

Nhìn chung, Le Monde đánh giá nữ ứng cử viên Kamala Harris, thượng nghị sĩ, người da mầu gốc quần đảo Jamaica, đã « vượt qua vòng trắc nghiệm », trước đối thủ không dễ dàng là đương kim phó tổng thống Mike Pence. Một người rất trung thành với Donald Trump, nhưng có phong cách nhã nhặn, điềm đạm, hoàn toàn trái ngược với tính cách bốc lửa của tổng thống. Le Monde ghi nhận là người phụ tá của ông Joe Biden, ứng viên Harris, đã « không có bước đi sai sót nào ».

Theo Le Monde, ông Mike Pence cũng đã tương đối thành công trong cuộc tranh luận, nhờ ở việc « diễn giải lập trường của tổng thống Trump một cách lịch thiệp », giúp cho phe Cộng Hòa « giữ được niềm tin ». Tuy nhiên, điều bất cập là cuộc tranh luận chừng mực hôm thứ Tư đã không giúp cho ứng cử viên đảng Cộng Hòa thu hút thêm được sự ủng hộ của các thành phần cử tri mới, bên ngoài lực lượng cử tri truyền thống, vốn không đủ để Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 03/11 tới.

Từ chối tranh luận lần 2, Trump rơi vào thế khó ? 

Cũng về cuộc tranh luận giữa hai phó tướng của Donald Trump và Joe Biden, Les Echos có bài nhận định, cùng nhấn mạnh đến nỗ lực của ông Mike Pence, nhằm « củng cố sự ủng hộ của nhóm cử tri truyền thống, đang ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi » về chính tổng thống mãn nhiệm Donald Trump. Les Echos lưu ý là ông Donald Trump đang ở trong « giai đoạn khó khăn » trong khoảng mươi ngày trở lại đây. Cụ thể là « từ khi tờ khai thuế của Donald Trump được công bố, tiếp theo đó là cuộc tranh luận đầu tiên, với điểm nổi bật là ông đã không ngừng ngắt lời và nhục mạ đối thủ, cho đến vụ dương tính với virus gây bệnh Covid-19, cũng như cách thức ông xử sự với bệnh tật của mình… ». Theo các thăm dò dư luận mới nhất, tổng thống mãn nhiệm bị đối thủ Joe Biden dẫn trước từ 12 đến 16 điểm, trên quy mô toàn quốc.

Les Echos nhận xét, việc Donald Trump từ chối cuộc tranh luận lần thứ hai, ngày 15/10, với lý do không chấp nhận các quy định của Ủy ban tổ chức các cuộc tranh luận, có nguy cơ làm ông thêm mất uy tín. Nhật báo Pháp dự đoán, rất có thể cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên phó tổng thống Mỹ vừa qua sẽ là « cuộc tranh luận cuối cùng » trong mùa tranh cử tổng thống Mỹ 2020 này.

« Chia tay với giấc mơ Mỹ »

Về nước Mỹ, về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, báo Les Echos có bài nhận định đáng chú ý của học giả Jacques Attali, với tựa đề « Chia tay với giấc mơ Mỹ ». Ghi nhận chung của tác giả là « khu vực Bắc Mỹ từng là miền đất hứa trong vòng hơn hai thế kỷ đối với cư dân toàn thế giới », với những ai tìm đến tự do chính trị, tự do kinh doanh, được theo học tại các cơ sở đào tạo đỉnh cao. Tuy nhiên giai đoạn này dường như đang chấm dứt với « sự bùng nổ của các bất bình đẳng xã hội, nợ nần doanh nghiệp và của các gia đình ngày càng chồng chất, trong lúc các giá trị của nền dân chủ đang bị thách thức nghiêm trọng ».

Theo học giả Pháp Jacques Attali, thì dù ai là tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, ít có cơ hội là tình hình được cải thiện nhanh chóng, « mọi người đã biết rõ chính sách của Donald Trump là tạo điều kiện thuận lợi cho những người giầu có nhất, và đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng bản sắc lớn ». Về phía ông Joe Biden, « cho dù có là người đáng trọng, thì chính trị gia này cũng không có đủ năng lượng, cũng như các phương tiện để thúc đẩy các cải cách khổng lồ », vốn rất cần thiết cho nước Mỹ. Jacques Attali dự báo, « trước khi có một thế hệ mới đứng lên hóa giải được các thách thức, làm tái sinh một dân tộc đúng theo hướng đi đã được những người sáng lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vạch ra, nền dân chủ Mỹ đang bước vào thời khắc đen tối ».

Học giả Attali lưu ý đến tình trạng thu nhập của đa số dân Mỹ không tăng từ khoảng 40 năm nay, trong lúc tài sản của những người giầu nhất tăng gấp nhiều lần. Tuổi thọ nhiều nhóm xã hội sụt giảm, kể cả người da trắng. Hơn 30 triệu dân cư sử dụng ma tuý, trong đó 10 triệu người thường xuyên dùng các loại ma túy nặng. Hơn 40 triệu dân cư rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực. Chính người giàu cũng không được bảo vệ. Cháy rừng liên tục diễn ra, vượt khỏi tầm kiểm soát như tại California huỷ hoại vô số tài sản của người giầu. Hơn 30 triệu người Mỹ sống trong tình trạng có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào khỏi nhà, vì không trả được tiền thuê hay tín dụng. « Hệ thống tài chính, xét về bề ngoài có vẻ thịnh vượng, nhưng thực chất hoàn toàn dựa vào các cơ chế mang tính đầu cơ, mong manh ». Nợ các doanh nghiệp vượt quá ba phần tư GDP. 46.000 cây cầu trên toàn quốc có nguy cơ sụp đổ, vì không tiền bảo trì. 45 triệu người được vào các trường đại học tốt, nhưng hiện phải è cổ trả các món nợ khổng lồ. 15% dân số thất nghiệp. Nạn nhân chính là giới trẻ gốc châu Á và châu Phi, với tỉ lệ thất nghiệp hơn một phần tư.  Thêm hàng chục triệu người có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh hết sức bấp bênh, do Thượng Viện và Hạ Viện không đạt đồng thuận về một chương trình bảo trợ xã hội.

Thế hệ 8X: Hơn hai phần ba không tin Mỹ  « là một nền dân chủ »

Tuy nhiên, điều mà học giả Jacques Attali nhấn mạnh hơn hết là chính « các giá trị của nền dân chủ Mỹ » đang bị đẩy vào thế thủ. Các giáo phái, chủ nghĩa bè phái, kỳ thị chủng tộc, co cụm cộng đồng… trỗi dậy khắp nơi. Các loại tư tưởng cực đoan này đẩy những người da trắng và da đen, đàn ông và phụ nữ, người theo Cộng Hòa và người theo Dân Chủ vào thế đối kháng, thù nghịch. Xuất hiện ngày càng nhiều quan điểm cực đoan nguy hiểm, hướng sự thù hận trong xã hội vào một số « hình nhân thế mạng ». Jacques Attali cũng nêu ra con số chỉ có « ít hơn một phần ba người Mỹ sinh ra trong thập niên 1980 nghĩ rằng họ đang sống trong một xã hội về cơ bản là dân chủ. Những người khác sẵn sàng, thay vì bảo vệ nền dân chủ, lại chỉ ưu tiên các quyền riêng của mình, như được mang súng, hay không tuân thủ một số quy tắc tối thiểu của cuộc sống chung trong xã hội ».

Jacques Attali đặt niềm tin là Liên Hiệp Châu Âu, « với dự án xây dựng một châu lục dân chủ, công bằng, bền vững về sinh thái, có nghĩa vụ bảo vệ các quyền tự do trên thế giới, và có đủ các phương tiện », sẽ là miền đất hứa trong tương lai.

Donald Trump: « dấu hiệu báo trước » của một « thời điểm lịch sử nguy hiểm » 

Về nước Mỹ, báo Le Figaro có bài phỏng vấn, mang tựa đề : Tranh cử tổng thống Mỹ : « Donald Trump vẫn là một thế lực chính trị kỳ lạ ». Người giải đáp các câu hỏi của Le Figaro là một nhà nghiên cứu Mỹ kỳ cựu, ông Walter Russel Mead, chuyên gia về chủ nghĩa dân túy Mỹ. Giáo sư Walter Russel Mead đặt sự xuất hiện của chính trị gia Donald Trump trong bối cảnh rộng lớn hơn của « những thay đổi lớn mang tính cách mạng » của giai đoạn hiện nay. Theo ông, hành trạng của tỉ phú New York chỉ là « một dấu hiệu báo trước » cho « một thời điểm nguy hiểm trong lịch sử của nước Mỹ và của thế giới, mà chúng ta đang bước vào ».

Le Figaro ca ngợi Walter Russell Mead là « một trong những trí thức hiếm hoi của nước Mỹ biết quan sát hiện tượng Trump, vượt ra bên ngoài con người cá nhân của ông Donald Trump », không bị rơi vào cái nhìn mang tính bôi đen và cách phân tích dựa trên cảm xúc. Theo Le Figaro, giáo sư Mead đã « nhấn mạnh một cách chính xác đến tình trạng mất phương hướng của một giai tầng chính trị (của nước Mỹ) khi phải đối mặt với một con người không hành xử trên cùng một thực địa, giống như hầu hết các chính trị gia khác, với một chính trị gia, là biểu tượng cho sự trở lại của một hình thức hoạt động chính trị kiểu thế kỷ 19 (…), trước khi xuất hiện bộ máy Nhà nước hành chính và kỹ trị hiện đại ».

Theo Walter Russell Mead, « những ai đánh giá thấp Donald Trump đã vấp phải sai lầm nghiêm trọng ». Giáo sư Mead lưu ý đến sự ủng hộ mạnh mẽ mà nhân vật này hiện đang có được trong xã hội Mỹ, bất chấp dịch bệnh và suy thoái kinh tế.

Chiến tranh Thượng Karabakh: Làm thế nào thoát vòng xoáy hận thù ?

Xung đột tại vùng Thượng Karabakh là chủ đề chính của Libération hôm nay. Tựa lớn trang nhất nhật báo thiên tả là « Phóng sự tại Armenia. Cuộc chiến tranh như một di sản », với nhận định : « xung đột bùng lên trở lại vùng Thượng Karabakh cuối tháng 9, tiếp tục khiến nhiều người thiệt mạng, tuy nhiên, đã không làm suy suyển quyết tâm của người Armenia, nơi chiến tranh đã như một định mệnh và ý tưởng hy sinh thân mình bắt rễ sâu sắc trong tâm thức tập thể ». Hình ảnh trên trang nhất nhật báo là hình một phụ nữ bồng con, đứa bé xanh xao, gầy guộc mở to mắt nhìn thẳng vào độc giả.

Bài xã luận ngắn của Libération mang tựa đề « Vòng xoáy » lột tả bản chất cuộc chiến, và đặt câu hỏi về cơ hội hòa bình. Thượng Karabakh, với đại đa số dân cư là người Armenia, nằm trong lãnh thổ Azerbaijan, không chỉ là vấn đề giữa hai nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ. Có thể nói đây chủ yếu là cuộc đối đầu giữa dân tộc Armenia nhỏ bé với tham vọng đế chế của Thổ Nhĩ Kỳ, có cội rễ từ hơn thế kỉ nay. Xung đột vừa bùng lên đã biến thủ tướng Armenia Nikol Pachinian, một chính trị gia vốn dĩ có quan điểm bất bạo động, trở thành một thủ lĩnh quân sự, khi kêu gọi đồng bào chiến đấu chống lại « mối đe dọa sinh tồn ». Làm thế nào thoát khỏi «  vòng xoáy » của « bạo lực hận thù và điên dại » hiện nay ?

Theo Libération, chắc chắn không phải là đưa thêm vũ khí đến vùng tranh chấp, và công khai đứng về một bên. Có hai vấn đề đặt ra cần hoá giải: Azerbaijan « bảo vệ chủ quyền lãnh thổ », còn người Armenia tại Thượng Karabakh « bảo vệ bản sắc cùa mình ». Pháp và Đức phải nỗ lực để Thổ Nhĩ Kỳ ngừng ủng hộ Azerbaijan về quân sự. Còn nước Nga cần đứng ra đảm nhiệm vai trò trọng tài, hòa giải hai nước Cộng hòa Liên Xô cũ.

Cũng Libération có bài tổng thuật công phu về lịch sử 30 năm chiến tranh ở Thượng Karabakh. 30 năm tức từ khi Liên Bang Xô Viết giải thể. Libération lưu ý : tại mảnh đất không ngừng trong xung đột này, trong số 150.000 cư dân, có một phần ba là lính, lính tại ngũ hay quân nhân dự bị. Người Armenia sinh ra đã là lính.

Khủng hoảng Covid: nước Pháp chi rất nhiều, nhưng thất thu

Về đại dịch Covid-19 tại Pháp, nhật báo Le Figaro đặc biệt chú ý đến các nỗ lực tài chính to lớn, qua bài viết « Cuộc khủng hoảng y tế đã tốn kém như thế nào cho nước Pháp ». Theo Les Echos, cho đến nay, chính phủ đã huy động khoảng 468 tỉ euro với mục tiêu dập tắt ngọn lửa khủng hoảng. Tương đương với một phần năm GDP quốc gia. Chưa kể đến kế hoạch chấn hưng 100 tỉ euro, vừa công bố hồi đầu tháng 9. Chi phí khổng lồ, nhưng đầu vào lại đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Năm nay, ước tính, nước Pháp mất khoảng 46,2 tỉ euro tiền thuế.

Nhật báo Kinh tế Les Echos dành tựa lớn trang nhất để ghi nhận sự thành công của cuộc cải cách sắc thuế đánh vào tài sản người giàu (ISF), một trong các biểu tượng của nhiệm kỳ tổng thống Emmanuel Macron, được ban hành năm 2018. Theo báo cáo được viện tư vấn France Stratégie công bố hôm qua, nhờ cuộc cải cách này, nước Pháp trở nên hấp dẫn hơn với những người giầu có. Năm 2018, tài sản của các đại gia đưa vào nước Pháp vượt quá lượng tài sản chuyển ra ngoài. Đây là điều được đánh giá là « chưa từng thấy ».

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201009-n%E1%BB%81n-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-m%E1%BB%B9-%C4%91ang-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-v%C3%A0o-giai-%C4%91o%E1%BA%A1n-%C4%91en-t%E1%BB%91i

 

Tin tổng hợp

(News24/Capital) – Anh khẳng định có bằng chứng Hoa Vi thông đồng với chính phủ Trung Quốc. 

Ngày 08/10/2020, chính phủ Anh đã công bố một bản báo của Ủy ban Quốc Phòng Hạ Viện Anh, trong đó khẳng định có “bằng chứng thông đồng rõ ràng” giữa Hoa Vi và “bộ máy của đảng Cộng Sản Trung Quốc”. Ông Tobias Ellwood thuộc đảng Bảo Thủ, chủ tịch của Ủy ban kêu gọi “phương Tây phải khẩn cấp đoàn kết để làm đối trọng với thế thống trị công nghệ của Trung Quốc”. Thiết bị của Hoa Vi cũng bị hai nhà cung cấp Orange và Proximus loại khỏi thị trường Bỉ, thay vào đó là thiết bị của Nokia để dần hiện đại hóa từ nay đến năm 2023 các mạng 2G/3G/4G đã tồn tại.

(ĐSQ Pháp tại Việt Nam) – Đoàn tầu điện ngầm do Alstom (Pháp) sản xuất sắp đến Hà Nội. 

Ngày 08/10/2020, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam thông báo “Đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro số 3 Hà Nội đã xuất xưởng sản xuất của ALSTOM ở Valenciennes và lên tàu rời cảng Dunkerque ngày 09/09. Đoàn tàu sẽ cập cảng Việt Nam trong những ngày tới”, nhưng chưa rõ ngày cụ thể. Tuyến tầu điện ngầm số 3, có tổng chiều dài 12,5 mét, trong đó có 12,5 km chạy ngầm, được công ty Systra của Pháp tư vấn thiết kế, bắt đầu khởi công từ năm 2010.

(SCMP) – Thâm hụt mậu dịch của Mỹ đối với Việt Nam đạt kỷ lục.

Ngay sau khi Mỹ đòi điều tra về việc Việt Nam thao túng tiền tệ để kích thích xuất khẩu, thống kê của bộ Tài Chính Mỹ cho thấy nhập siêu của Hoa Kỳ với Việt Nam về hàng hóa, trong tháng 8/2020 đạt 7,6 tỷ đô la. So với tháng 7 đây là một bước nhảy vọt 11 %. Nếu so với cùng thời kỳ năm ngoái nhập siêu của Mỹ đối với Việt Nam là gần 39 %. Giới phân tích lo ngại với những thống kê bất lợi cho Hoa Kỳ này, chính quyền Trump có thể hướng tới các biện pháp trừng phạt như tăng thuế nhập khẩu nhắm vào hàng của Việt Nam.

(Reuters) – Mỹ ban hành thêm các biện pháp trừng phạt giới ngân hàng Iran.

Bộ Tài Chính Mỹ ngày 08/10/2020 thông báo nhắm vào 18 ngân hàng của Iran nhằm siết chặt thêm gọng kềm tài chính nhắm vào chính quyền Teheran. Quyết định được Washington đưa ra vài tuần lễ trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif trên Twitter đáp trả : « Âm mưu đẩy một dân tộc vào vào cảnh đói khỏ là tội ác chống nhân loại ».

(RFI) - Mali : Một con tin Pháp được thả sau bốn năm bị bắt cóc.

Chiếc máy bay chở bà Sophie Pétronin hôm nay, 09/10/2020 đã đáp xuống phi trường Villacoubay gần Paris lúc 12 giờ 45 phút. Nhà hoạt động nhân đạo, nay 75 tuổi, đã bị quân khủng bố bắt cóc cách nay bốn năm tại vùng Sahel. Đích thân tổng thống Macron đến phi trường đón bà. Được thả cùng với bà, còn có lãnh đạo đối lập Mali, ông Soumaïla Cisse, bị bắt cóc cách nay sáu tháng và hai công dân Ý khác. Để cứu được hai con tin này, dường như chính phủ Mali phải chấp nhận thả gần 200 quân thánh chiến, trong đó có một số thủ lĩnh Al-Qaida tại vùng Sahel.

(AFP) - Afghanistan : NATO rút quân cùng với Mỹ.

« Cùng đến thì cùng đi », Tổng thư ký khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg ngày 08/10/2020 đã khẳng định như trên trong buổi họp báo cùng với lãnh đạo chính phủ Cộng hòa Bắc Macedonia. Tuyên bố này được đưa ra sau khi tổng thống Trump thông báo cho rút quân từ đây đến Noel. Trong nhiệm vụ mang tên « Resolute Support », NATO triển khai tại Afghanistan khoảng 12.000 binh sĩ đến từ 38 nước, trong đó có 8.600 quân nhân Mỹ.

(AFP) - Rumani : Hoa Kỳ thay thế Trung Quốc trong một dự án hạt nhân.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Rumani, ông Adrian Zuckerman, trong một thông điệp video cho biết hai bộ trưởng Năng Lượng, Mỹ và Rumani hôm nay 09/10/2020 ký một hợp đồng xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân cho trung tâm khai thác Cernavoda (đông nam). Hợp đồng này được ký tại Washington, trị giá 8 tỷ đô la. Hồi tháng 6/2020, chính quyền Bucarest thông báo ngưng một thỏa thuận với tập đoàn Trung Quốc CGN trong bối cảnh châu Âu ngày càng nghi ngờ các dự án đầu tư của Trung Quốc.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201009-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 9/10:

Nhật có kế hoạch phá sóng Trung Quốc ở Hoa Đông;

Mỹ kháng cáo phán quyết của tòa về Tiktok

Lục Du

Mục lục bài viết

Nhật có kế hoạch phá sóng Trung Quốc ở Hoa Đông

Mỹ kháng cáo phán quyết của tòa về Tiktok

Quan chức Mỹ: Kim gửi thư cho Trump là tín hiệu tốt

Tiến sĩ Fauci đánh giá thuốc điều trị Covid cho ông Trump

Nhà thơ Mỹ được trao giải Nobel văn học 2020

Sáng nay, thứ Sáu (9/10), mục Điểm tin thế giới của DKN xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin sau:

Nhật có kế hoạch phá sóng Trung Quốc ở Hoa Đông

Nhật Bản sẽ thành lập 3 đơn vị phòng thủ điện tử trên các đảo đối diện với Biển Hoa Đông vào tháng 3/2022 nhằm tăng cường khả năng giám sát và phản ứng đối với hoạt động quân sự của Trung Quốc ở vùng biển này, theo Nikkei.

Nhằm mục tiêu gây nhiễu đối phương, hệ thống phòng thủ điện tử của Nhật Bản được thiết kế để phát ra các sóng có cùng tần số với sóng mà đối thủ sử dụng.

Nhật Bản đã có một đơn vị như vậy trên hòn đảo phía bắc Hokkaido, được thành lập để chống lại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Bộ Quốc phòng Nhật có kế hoạch thành lập thêm bảy đơn vị nữa như vậy, bao gồm một đơn vị với khoảng 80 thành viên ở tỉnh Kumamoto, miền nam nước này, và một đơn vị mới ở Hokkaido, dự kiến ra mắt vào tháng 3/2021.

Mỹ kháng cáo phán quyết của tòa về Tiktok

SCMP đưa tin, Chính phủ Mỹ hôm thứ Năm (8/10) đã đệ đơn kháng cáo phán quyết của tòa án đình chỉ lệnh cấm ứng dụng chia sẻ video TikTok thuộc sở hữu của Trung Quốc.

Đơn kháng cáo của chính phủ Mỹ được gửi lên Tòa phúc thẩm lưu động DC, theo sau đơn của luật sư Jeffrey Lovitky bảo vệ quyền lợi cho ByteDance, công ty mẹ của TikTok.

Đơn của luật sư Lovitky yêu cầu thẩm phán chấm dứt vĩnh viễn lệnh cấm, có hiệu lực vào ngày 12/11, của Tổng thống Donald Trump đối với ứng dụng Tiktok .

Tổng thống Trump đã ký một lệnh hành pháp vào ngày 6/8 chỉ định TikTok và WeChat là những mối đe dọa an ninh quốc gia vì các công ty này có thể đã làm theo lệnh của Bắc Kinh: chuyển dữ liệu cá nhân của người dùng Mỹ cho chính quyền Trung Quốc.

Quan chức Mỹ: Kim gửi thư cho Trump là tín hiệu tốt

Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Marc Knapper, đánh giá rằng, thông điệp “chúc sức khỏe” gần đây của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể là một “dấu hiệu tốt” cho những tiến triển trong tương lai của tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, theo Yonhap.

“Đó là một dấu hiệu tốt, tôi cho rằng Chủ tịch Kim đang theo dõi và bày tỏ lo lắng đối với [sức khỏe] lãnh đạo của chúng tôi”, ông Knapper nói về bức thư của Kim gửi hỏi thăm sức khỏe ông Trump, sau khi tổng thống Mỹ nhiễm virus Vũ Hán.

Ông Marc cũng thúc giục Triều Tiên quay trở lại bàn đối thoại, nói rằng đất nước của ông vẫn cởi mở và cam kết với thỏa thuận phi hạt nhân hóa năm 2018 mà các bên đã ký kết.

Trong lá thư đề ngày 2/10, ông Kim bày tỏ “sự thông cảm của mình với tổng thống [Trump] và đệ nhất phu nhân. Người chân thành hy vọng rằng họ sẽ được hồi phục càng sớm càng tốt”, theo hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên.

Tiến sĩ Fauci đánh giá thuốc điều trị Covid cho ông Trump

Chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ, Tiến sĩ Anthony Fauci, hôm thứ Năm (8/10) nhận định, sức khỏe của Tổng thống Trump có thể đã được giúp đỡ nhờ một liệu pháp điều trị Covid thử nghiệm do công ty Regeneron thực hiện, qua đó giúp ông Trump nhận được kháng thể để chống lại viêm phổi Vũ Hán, theo Reuters.

Ông Fauci nói trong một cuộc phỏng vấn trên MSNBC: “Có một cơ hội khá tốt là thực tế rằng điều đó đã giúp ông ấy tốt lên nhiều”.

Ông Fauci cũng nói rằng đại dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn nhiều so với bệnh cúm mùa. “Không có nghi ngờ gì về điều đó”, ông Fauci nói khi được hỏi về dòng tweet của Tổng thống Trump so sánh căn bệnh này với bệnh cúm mùa. Dòng tweet của ông Trump sau đó đã được gỡ xuống.

Nhà thơ Mỹ được trao giải Nobel văn học 2020

Nhà thơ Mỹ Louise Gluck đã giành giải Nobel Văn học năm 2020 cho các tác phẩm khám phá gia đình và tuổi thơ bằng một giọng thơ “rất đặc trưng mà khi kết hợp với vẻ đẹp khắc khổ càng khiến cho sự tồn tại cá nhân trở nên phổ cập hơn”, Viện Hàn lâm Thụy Điển cho biết thông tin hôm thứ Năm (8/10), theo Reuters.

Thư ký thường trực của Học viện Mats Malm nói rằng Gluck, 77 tuổi, cũng là người đoạt nhiều giải thưởng văn học của Mỹ, đã “ngạc nhiên và vui mừng” trước tin tức này khi nó đến với bà vào sáng sớm. Tuy nhiên, Gluck không đưa ra bình luận nào với các nhà báo tập trung bên ngoài nhà của bà ở Cambridge, Massachusetts.

Là giáo sư dạy tiếng Anh tại Đại học Yale, Gluck lần đầu tiên được giới phê bình đánh giá cao với tập thơ xuất bản năm 1968 mang tên “Firstborn”, và tiếp tục trở thành một trong những nhà thơ và nhà tiểu luận nổi tiếng nhất nước Mỹ đương đại.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-9-10-nhat-co-ke-hoach-pha-song-trung-quoc-o-hoa-dong-my-khang-cao-phan-quyet-cua-toa-ve-tiktok.html

 

Điểm tin thế giới tối 9/10:

Ông Trump muốn tranh luận lần hai lùi một tuần;

Đài Loan dự định mua xe tăng tối tân nhất

Hải Lam

Mục lục bài viết

Ông Trump muốn tranh luận lần hai lùi một tuần

Đài Loan dự định mua xe tăng tối tân nhất

Triều Tiên sắp duyệt binh bất chấp Covid

Chương trình Lương thực Thế giới đoạt giải Nobel Hòa bình

Bão lớn đe dọa miền nam nước Mỹ

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (9/10) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Ông Trump muốn tranh luận lần hai lùi một tuần

CNN đưa tin, chiến dịch Trump muốn lùi ngày tổ chức cuộc tranh luận bầu cử tổng thống Mỹ lần hai sang ngày 22/10 và cuộc tranh luận thứ ba cũng rời sang ngày 29/10.

Thông tin trên được đưa ra vài giờ sau khi Ủy ban Tranh luận Tổng thống Mỹ hôm 8/10 thông báo cuộc đối đầu thứ hai giữa Tổng thống Trump và ông Biden dự kiến diễn ra ​​vào ngày 15/10 sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến và hai ứng viên tổng thống sẽ trả lời các câu hỏi từ hai địa điểm riêng biệt.

Tuy nhiên, ông Trump không đồng ý tham gia tranh luận theo hình thức trực tuyến và thậm chí còn cáo buộc Ủy ban Tranh biện Tổng thống Mỹ đơn phương hủy bỏ cuộc tranh luận theo hình thức trực tiếp.

Đài Loan dự định mua xe tăng tối tân nhất

Theo Taiwan News, Tổng thống Thái Anh Văn hôm nay cho biết quân đội nước này đang lên kế hoạch mua lô xe tăng tối tân nhất để thay thế những mẫu xe cũ sau khi một người lính thiệt mạng trong vụ tai nạn xe tăng ở huyện Kim Môn.

Tăng hạng nhẹ M41 của Bộ Quốc phòn Đài Loan chiều 8/10 lao xuống ruộng khi trở về căn cứ, khiến chỉ huy xe thiệt mạng. Bà Thái đã chia buồn với gia đình binh lính này.

Tổng thống Thái không nói chi tiết về kế hoạch mua xe tăng. Tuy nhiên, bà đã đề cập đến 108 xe tăng M1A2T Abrams đặt hàng từ Hoa Kỳ để hiện đại hóa hạm đội 1.000 xe tăng chiến đấu, chủ yếu là các mẫu M60A3 và CM-11 được sử dụng trong hơn hai thập niên.

Đài Loan đã chi 40,52 tỷ Đài tệ (1,41 tỷ USD) để mua và dự kiến ​​sẽ nhận được 108 xe tăng M1A2T Abrams từ năm 2023 đến 2026.

Triều Tiên sắp duyệt binh bất chấp Covid

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết có những dấu hiệu cho thấy đài truyền hình nhà nước Triều Tiên đang chuẩn bị phát sóng trực tiếp cuộc duyệt binh lần đầu tiên kể từ năm 2017 và nhà lãnh đạo Kim Jong Un có thể phát biểu trong sự kiện này.

Reuters cho biết, các quan chức Hàn Quốc và Mỹ cho rằng Triều Tiên có thể sử dụng lễ duyệt binh để phô diễn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới.

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin trong tuần này, những người Triều Tiên đeo khẩu trang y tế đã tập trung tại thủ đô Bình Nhưỡng. Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên gồm các buổi hòa nhạc, triển lãm nghệ thuật và công nghiệp, màn trình diễn ánh sáng, ghé thăm các di tích và lễ khánh thành các công trình xây dựng.

Chương trình Lương thực Thế giới đoạt giải Nobel Hòa bình

Ủy ban Nobel Na Uy cho biết trên Twitter, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc hôm nay được trao giải Nobel Hòa bình vì “những nỗ lực đấu tranh với nạn đói và cải thiện điều kiện cho hòa bình ở những khu vực chịu ảnh hưởng bởi xung đột và đóng vai trò làm động lực thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn sử dụng đói nghèo làm vũ khí cho chiến tranh và xung đột”.

Bão lớn đe dọa miền nam nước Mỹ

Người dân vùng duyên hải Louisiana hôm nay đã sơ tán trong lúc lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ được huy động để đối phó với bão Delta, theo AFP.

Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho biết, bão Delta đang duy trì sức gió 195 km/h. Cơn bão này được phân loại là bão cấp 3, có thể gây “thiệt hại kinh hoàng”. NHC cảnh báo “triều cường đe dọa tính mạng” có thể xuất hiện dọc theo các khu vực ở bờ biển phía bắc Vịnh Mexico, có thể dâng cao lên đến 3 mét.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-9-10-ong-trump-muon-tranh-luan-lan-hai-lui-mot-tuan-dai-loan-du-dinh-mua-xe-tang-toi-tan-nhat.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.