Tin Biển Đông – 18/09/2020
Cuộc chiến công hàm: Biển Đông không còn là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc - Hoàng Sa
Ngày 16/9/2020, Anh, Pháp, Đức cùng lúc gửi công hàm riêng nhưng thể hiện quan điểm chung về vấn đề Biển Đông lên Liên Hợp Quốc, trong đó có các nội dung:
- Nhắc lại tính bao quát và thống nhất của UNCLOS trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động trên các biển và đại dương.
- Nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do biển cả không bị cản trở đã nêu rõ trong UNCLOS, bao gồm tự do hàng hải, hàng không và qua lại vô hại, trong đó có Biển Đông.
- Nhấn mạnh các điều kiện cụ thể và đầy đủ về việc áp dụng đường cơ sở thẳng, đường cơ sở quần đảo được nêu rõ tại Phần II và Phần IV của UNCLOS. Do đó, không hề có cơ sở pháp lý nào để các quốc gia có thể coi các thực thể trên biển hoặc quần đảo là một thể thống nhất mà không dựa vào các điều khoản liên quan tại Phần II của UNCLOS hoặc sử dụng các điều khoản tại Phần IV chỉ áp dụng với các quốc gia quần đảo.
- Nhấn mạnh rằng các “quyền lịch sử: ở Biển Đông không tuân theo luật pháp quốc tế, UNCLOS, và nhắc lại rằng Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016 đã chứng minh điều này.
- Các tranh chấp tại Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc và quy định của UNCLOS.
- Anh, Pháp, Đức giữ lập trường trung tập đối với các tranh chấp tại Biển Đông.
- Công hàm này thể hiện lập trường pháp lý từ lâu của Anh, Pháp, Đức.
- Với tư cách là các quốc gia thành viên của UNCLOS, Pháp, Đức và Anh sẽ tiếp tục thực thi các quyền tự do và quyền khác của mình theo UNCLOS và đóng góp vào việc thúc đẩy hợp tác tại khu vực như đã ghi rõ tại Công ước.
Bắt đầu từ việc Malaysia đệ trình Báo cáo về thềm lục địa của họ đối với Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (Viết tắt tiếng Anh là CLCS) trên khu vực Bắc Biển Đông vào ngày 12/12/2019. Ngay trong ngày hôm đó, Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối đệ trình này của Malaysia. Sau đó, lần lượt Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia cùng gửi công hàm phản đối các lập luận của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc cũng gửi công hàm đáp trả các quốc gia này và khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Ngày 1/6/2020, Hoa Kỳ cũng gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, qua đó chỉ trích và phản đối các yêu sách đi ngược lại với luật quốc tế và Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS). Ngày 23/7/2020, Australia cũng gửi một công hàm phản đối các luận điệu sai trái của Trung Quốc về chủ quyền của họ trên biển Đông.
Ngoài ra, ngày 13/7/2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã ban hành một Bản Tuyên bố về lập trường của Hoa Kỳ đối với các yêu sách trên biển Đông, trong đó tập trung chỉ trích các yêu sách phi lý và trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng đã đưa ra danh sách 24 doanh nghiệp Trung Quốc bị trừng phạt do liên quan đến hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo trên biển Đông.
Ngày 3/9/2020, Vương Quốc Anh cũng cho ra một bản tuyên bố về các vấn đề pháp lý phát sinh trong vấn đề biển Đông, trong đó cũng tập trung chỉ trích Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS và Phán quyết của Toà Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề biển Đông.
Ý nghĩa của công hàm nhóm ba nước Châu Âu
Với việc cùng lúc 3 quốc gia châu Âu cùng lên tiếng về vấn đề này, thể hiện các ý nghĩa sau:
- Vấn đề biển Đông đã không chỉ đơn thuần là vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc mà còn là mối quan tâm của hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới, bởi vì tầm quan trọng của biển Đông đối với an ninh và sự phát triển trên phạm vi toàn thế giới. Việc Hoa Kỳ, Australia và Anh, Pháp, Đức cùng gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để tỏ thái độ là minh chứng rõ ràng cho điều đó.
- Nội dung các công hàm của tất cả các quốc gia kể trên gửi tới Liên Hợp Quốc đều có chung một số nội dung, bao gồm: i) Thứ nhất, chỉ trích và lên án các yêu sách phi lý của Trung Quốc, trong đó có “đường lưỡi bò” đi ngược lại với luật pháp quốc tế và UNCLOS; ii) Thứ hai, khẳng định UNCLOS là văn bản pháp lý quan trọng, đóng vai trò nền tảng để giải quyết các vấn đề liên quan đến biển và đại dương. Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đều là thành viên của UNCLOS, cho nên phải có nghĩa vụ tuân thủ UNCLOS; iii) Khẳng định Phán quyết của Toà Trọng tài năm 2016 là một phần quan trọng của luật pháp quốc tế và UNCLOS, cho nên, Trung Quốc cần phải tôn trọng Phán quyết này; iv) Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi lấp trên biển Đông không làm thay đổi bản chất thật sự của nó là các “bãi lúc nổi lúc chìm” hoặc “đá”, chứ không phải là “đảo” để có thể có các vùng biển kèm theo như Trung Quốc thường rêu rao. Điều này cho thấy bản chất phi lý trong các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông, cho dù Trung Quốc muốn lấp liếm sự thật.
- Các công hàm này đều là các văn bản chính thức được gửi lên Liên Hợp Quốc và tất cả các thành viên, cho nên mang tính pháp lý cao nhất và rõ ràng nhất. Trung Quốc khó mà biện giải cho các sự phản đối này.
- Trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc đang nối lại các cuộc đàm phán về nội dung của Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vào tháng 11 sắp tới. Các bản công hàm mang tính pháp lý mạnh mẽ này sẽ giúp cho ASEAN và Việt Nam – nước Chủ tịch ASEAN năm nay, có thể vận dụng trong việc yêu cầu các bên tham gia tuân thủ UNCLOS và Phán quyết năm 2016 như một phần của luật biển quốc tế. Từ đó có thể cho ra đời một COC mang tính ràng buộc pháp lý, hiệu quả và thực tiễn trong việc ngăn ngừa việc nguy cơ xung đột gia tăng trên khu vực biển Đông.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Biển Đông : Các cường quốc châu Âu nỗ lực ngăn chận tham vọng của Trung Quốc
Thanh Phương
Trong công hàm chung đề ngày 16/09/2020 gởi Liên Hiệp Quốc, ba nước Anh, Pháp, Đức đã bác bỏ « các quyền lịch sử » của Trung Quốc đối với vùng Biển Đông, xem các quyền đó là trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Hành động này một lần nữa cho thấy là ba quốc gia nói trên đang muốn đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong việc ngăn chận các tham vọng của Bắc Kinh ở các vùng biển chung quanh Trung Quốc, đặc biệt là Biển Đông, một vùng biển có tính chất chiến lược đối với các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp và Anh.
Trong bài phân tích đăng ngày 16/09/2020, trang mạng Asia Times nhắc lại Paris và Luân Đôn đã tỏ lập trường cứng rắn hơn bao giờ hết trước những hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm xác quyết chủ quyền của họ ở vùng Biển Đông. Cả hai cường quốc châu Âu này đều là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An và đều là cường quốc hạt nhân và hải quân, có khả năng tung lực lượng đến các vùng biển xa, đồng thời có nhiều lãnh thổ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Vào năm ngoái, Pháp đã công bố một chiến lược khu vực, trong đó Paris cho biết « sẽ củng cố vai trò của nước này với tư cách một cường quốc khu vực ở vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, bảo vệ các lợi ích chủ quyền và an ninh cho các công dân của mình, đồng thời tích cực đóng góp vào sự ổn định quốc tế ». Chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron đã tăng cường quan hệ với các cường quốc dân chủ trong khu vực Úc, Nhật, Ấn Độ và với các nước Đông Nam Á. Trong chuyến thăm châu Á vào năm 2018, tổng thống Macron đã kêu gọi thiết lập các liên minh chiến lược mới, trong đó có trục Pháp-Úc-Ấn Độ, để duy trì một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Pháp cũng đã biểu dương lực lượng hải quân khi tham gia các chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm bảo vệ tự do lưu thông trên biển và trên không ở các vùng biển kế cận Trung Quốc, trong đó có Biển Đông.
Những hoạt động đó dĩ nhiên đã ảnh hưởng đến quan hệ Pháp-Trung Quốc. Theo Asia Times, Bắc Kinh đã không mời Paris dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc sau khi khu trục hạm Vendémiaire tiến hành các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở vùng eo biển Đài Loan.
Riêng đối với Anh, đồng minh chủ chốt của Hoa Kỳ, những khó khăn về Brexit khiến quan hệ giữa nước này với vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương đang trở nên phức tạp và gần đây Luân Đôn đã bị tước quy chế « đối tác đối thoại » với ASEAN. Nhưng theo Asia Times, tại Anh Quốc, ngày càng có nhiều người kêu gọi Luân Đôn phải triển khai các chiến hạm đến Biển Đông và ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc tại vùng biển này. Có tin là thủ tướng Boris Johnson đang xem xét khả năng điều hàng không mẫu hạm mới HMS Queen Elizabeth đến Biển Đông để biểu dương lực lượng, cũng như yểm trợ cho các đối tác như Hoa Kỳ. Tuy nhiên Luân Đôn đang cân nhắc thiệt hơn, vì phải tính đến phản ứng của Trung Quốc đối với việc điều hàng không mẫu hạm đến Biển Đông.
Asia Times nhắc lại là, khi trả lời phỏng vấn báo chí Anh trong tháng 7 vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Anh Quốc Lưu Hiểu Minh ( Liu Xiaoming ) đã lên án chính phủ của thủ tướng Johnson gây tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ Bắc Kinh –Luân Đôn, đồng thời cảnh cáo về những hậu quả nặng nề nếu Anh Quốc « kết bè, kéo cánh » với Mỹ ở Biển Đông.
Ngay cả nước Đức, không phải là một cường quốc hải quân và cũng không có lãnh thổ trong khu vực, vào đầu tháng này cũng đã lần đầu tiên công bố một tài liệu gọi là « Nguyên tắc chỉ đạo cho vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương », nêu bật tham vọng của Berlin « đóng góp tích cực vào việc hình thành trật tự quốc tế tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương ». Đối với ngoại trưởng Đức Heiko Maas trật tự đó « phải dựa trên luật pháp và hợp tác quốc tế, chứ không phải dựa trên luật của kẻ mạnh ».
Thứ trưởng Quốc Phòng Mỹ ghé Indonesia thảo luận về Biển Đông
Mai Vân
Vào lúc vùng biển Natuna của Indonesia sát Biển Đông liên tục bị tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập, một quan chức cao cấp của bộ Quốc Phòng Mỹ vừa kết thúc một chuyến thăm Indonesia.
Trong bản thông cáo báo chí công bố ngày hôm qua, 17/09/2020, Lầu Năm Góc xác nhận là tại Jakarta, ông James Anderson, quyền thứ trưởng Quốc Phòng Mỹ về Chính Sách Quốc Phòng đã tiếp xúc với một loạt quan chức cao cấp của Indonesia, từ bộ trưởng Quốc Phòng Prabowo Subianto, tư lệnh Lực Lượng Võ Trang Indonesia Hadi Tjahjanto, cho đến ngoại trưởng Retno Marsudi và bộ trưởng phụ trách các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Pandjaitan.
Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, hai bên “đã thảo luận về một loạt vấn đề khu vực bao gồm Biển Đông, chống khủng bố, các mối đe dọa trên mạng và đầu tư của Mỹ vào Indonesia”. Mỹ và Indonesia cũng bàn về các thương vụ mua sắm quốc phòng đang chờ được thực hiện.
Cũng trên bình diện hợp tác quốc phòng, thông cáo của Lầu Năm Góc cho biết là hai nước đang hướng tới việc tái lập các cuộc tập trận song phương thường niên cũng như thực hiện các cam kết quốc phòng khác khi điều kiện cho phép và càng sớm càng tốt.
Tình hình Biển Đông đang nóng lên, đặc biệt với những hành vi của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải các nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia. Mới đây, Jakarta đã lên tiếng phản đối Bắc Kinh về vụ một chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc đã vào “hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia” trên Biển Đông từ ngày 12 đến 14/09 trước khi bị lực lượng Indonesia đuổi đi.
0 comments