Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 01/09/2020

Tuesday, September 1, 2020 7:46:00 PM // ,

 Đọc báo Pháp – 01/09/2020

Châu Âu – Trung Quốc: Chuyến du thuyết của Vương Nghị thất bại? – Tú Anh

Khẩu trang bắt buộc, bài toán nhức óc của các xí nghiệp và học đường phải sống chung với siêu vi corona; vòng công du châu Âu đầy trắc trở của ngoại trưởng Trung Quốc; Belarus lâm vào bế tắc; Liban trước giờ định đoạt tương lai là những chủ đề chung của báo chí Pháp 01/09/2020.

Chuyến du thuyết của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thành công hay thất bại ?

Trong bối cảnh Vương Nghị và Dương Khiết Trì, một người là ngoại trưởng, một người là ủy viên Bộ Chính Trị đặc trách đối ngoại của đảng Cộng Sản Trung Quốc, kẻ trước người sau, đi một vòng châu Âu chuẩn bị cho thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc 14/09/2020 (qua video), Le Figaro phân tích hai thế cờ của Bắc Kinh còn Le Monde tường thuật nhiệm vụ bất khả của sứ giả Hoa Lục.

Chuyên gia và báo chí  Pháp nhận xét khác biệt nhau . Đối với Le Figaro và Le Monde, miệng lưỡi của Bắc Kinh đã « hết linh ».

Trước hết, chuyên gia Marc Julienne, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI đánh giá chuyến đi của Vương Nghị là thành công vì tuy chỉ là quan chức « thứ yếu » trong guồng máy « Nhà nước đảng trị » nhưng ngoại trưởng Trung Quốc được cả tổng thống Emmanuel Macron tiếp. Trong khi đó, Le Monde khẳng định ngược lại. Xin nêu một vài trường hợp cụ thể:

Tại Ý, cho dù là thành viên G7 đầu tiên ký kết vào dự án « Con Đường Tơ Lụa » của Trung Quốc vào năm 2019, nhưng thủ tướng Giuseppe Conte từ chối tiếp Vương Nghị cho dù phía Trung Quốc yêu cầu. Tại Đức, ba dân biểu đại diện ba chính đảng ký thư chung kêu gọi ngoại trưởng Đức Heiko Maas đừng để Trung Quốc « lợi dụng làm công cụ ».

Chưa hết, trong lúc ngoại trưởng Trung Quốc đang ở châu Âu thì một phái đoàn hùng hậu của Cộng Hoà Séc, 90 người, do chủ tịch Thượng Viện Milos Vystrcil dẫn đầu, đi thăm Đài Loan 5 ngày.

Chính phủ Pháp, kín đáo hơn, nhưng trong tháng 8 vừa qua, đã cho Đài Loan mở văn phòng đại diện thứ hai tại Pháp, ở tỉnh Aix-en-Provence, nơi không có cơ quan ngoại giao Hoa Lục.

Le Monde còn chỉ ra những luận điểm và số liệu không đúng với sự thật mà ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra để biện minh cho chính sách đàn áp tại Tân Cương và Hồng Kông khi bị phóng viên chất vấn. Ông nói có đến 70% dân Hồng Kông ủng hộ « luật an ninh » trong khi một cuộc thăm dò do Viện Nghiên Cứu Ý Kiến Công Luận Hồng Kông, rất có uy tín, xác nhận 66% số người được hỏi chống lại đạo luật an ninh này .

Theo Le Monde, lời khẳng định của ngoại trưởng Trung Quốc « Hồng Kông và Tân Cương là chuyện nội bộ của Trung Quốc » không thuyết phục được công luận châu Âu.

Cũng cùng nhận định, nhật báo thiên hữu  Le Figaro giải thích vì sao Bắc Kinh đánh cược và muốn Donald Trump ngồi thêm bốn năm. Vì sao ban lãnh đạo Trung Quốc chuẩn bị kế hoạch B nếu Joe Biden và phe thiên tả Mỹ, mà Bắc Kinh rất ngại, sẽ chiến thắng. Vòng công du của Vương Nghị và Dương Khiết Trì là nhằm làm giảm căng thẳng với châu Âu để « cùng » đối phó với Mỹ.

Tuy không cáo buộc các tập đoàn viễn thông Trung Quốc làm gián điệp như đồng nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump, nhưng tổng thống Pháp không thay đổi lập trường. Đối với Emmanuel Macron, không có chuyện giao hệ thống trang thiết bị tế nhị cho những công ty ngoài châu Âu.

Thâm ý của Bắc Kinh khi ve vuốt châu Âu, thật ra là « mua thời gian » và giảm nhẹ tác động của chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế Trung Quốc, theo nhận định của Le Figaro.

Những thách thức nghiêm trọng đối với kinh tế Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc đứng trước những thách thức nghiêm trọng do chính sách kinh tế hai vận tốc ? Giải pháp là phải « lấy của người giàu chia cho người nghèo » ?

Thật ra, theo Les Echos, cụm từ thời thượng trong Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc là « chiến lược song hành » mà chủ tịch Tập Cận Bình rất thích chí : « Tập trung kích cầu trong nước nhưng không quay lưng lại với xuất khẩu và đầu tư của nước ngoài ». Vấn đề là với đại dịch Covid-19, cả xuất khẩu lẫn tiêu dùng trong nước đều giảm mạnh, không thể dùng mãi lực của người dân để thiết lập quân bình. Mức tiêu thụ của người dân Hoa Lục rất thấp, chỉ độ 40% GDP, trong khi dân Pháp là 55%, dân Mỹ đến 68%.

Với đại dịch làm thất nghiệp hàng loạt và giảm lương, khả năng tiêu thụ trong nước đã thấp nay càng yếu thêm. Trừ những kẻ giàu vẫn phây phây tiếp tục đặt mua xa xỉ phẩm từ nước ngoài, đại đa số dân nghèo có nguy cơ bị tác động của khủng hoảng làm cơ cực thêm.

Theo Les Echos, năm 2020 sẽ là năm tình trạng mất quân bình của kinh tế Trung Quốc nghiêm trọng thêm. Đời sống của 600 triệu dân, như tuyên bố của thủ tướng Lý Khắc Cường, đã rất cơ cực với không tới 1.000 nhân dân tệ mỗi tháng (130 đôla).

Covid-19 có thể làm cho một bộ phận trong số 800 triệu dân rơi trở lại vào vòng nghèo khó mà Trung Quốc hãnh diện thực hiện thành công trong 40 năm qua.

Nếu muốn tái lập quân bình kinh tế, chỉ có biện pháp duy nhất là « san sẻ tài sản cho người dân bình thường và qua đó là quyền lực chính trị », theo phân tích của Machael Pettis, giáo sư kinh tế đại học Bắc Kinh.

Khủng hoảng Covid-19 là khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị cho nhiều nước, Les Echos cảnh báo.

Về vụ Tik Tok, Les Echos và Le Figaro gần như cùng một tựa: Bắc Kinh can thiệp ngăn chận việc bán TikTok cho các nhà đầu tư Mỹ.

Trang kinh tế của Les Echos còn tập trung vào hai tin xấu cho Ấn Độ « GDP của cường quốc kinh tế thứ ba châu Á lao dốc 23,9% trong quý 2 của năm 2020 vì Covid-19 ».

Belarus: Chính quyền đàn áp, dân chúng vẫn biểu tình

Trong lúc tổng thống Nga mời Loukachenko sang Matxcơva, tại Minsk, dân chúng vẫn biểu tình rầm rộ mỗi Chủ Nhật, tựa của Le Monde.

Belarus lâm vào bế tắc, hệ quả kinh tế của cuộc bầu cử gian lận hồi tháng 8. Ngành điện toán, một lãnh vực mũi nhọn của Belarus, rất lo âu cho tương lai. Les Echos cũng cho biết nhiều công ty Belarus tính đến giải pháp di dời ra nước ngoài.

Le Monde với ảnh rừng người trên trang nhất và phóng sự ở hai trang báo dài, trở lại cuộc biểu tình vào mỗi chủ Nhật với tựa: Loukachenko đe dọa, đối lập huy động lực lượng. Như thông lệ từ nhiều tuần qua, Chủ Nhật vừa qua, dân Belarus lại xuống đường. Theo thông tín viên Le Monde từ Minsk, nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền sắp gia tăng đàn áp: nhiều phóng viên quốc tế bị trục xuất, tổng thống Loukachenko được Putin mời sang Matxcơva. Liên Hiệp Châu Âu khuyến cáo Nga không nên can thiệp quân sự. Trong bối cảnh căng thẳng, một giáo sư đại học Minsk vẫn lạc quan: Hãy nhìn xem chúng tôi đông như thế này thì làm sao có thể bóp nghẹt một cuộc động viên như thế.

Mùa khai trường căng thẳng vì Covid-19

Phải nhập học bằng mọi giá, đóng cửa trường, đầu hàng đại dịch còn nguy hiểm hơn đại dịch. Đó là chủ đề chung của báo Pháp hôm nay. Libération giới thiệu kinh nghiệm các lớp ngoài trời ở Bắc Âu và Canada.

La Croix đặt câu hỏi liệu các biện pháp trói buộc có đủ hiệu quả ngăn dịch lây lan ở trường học hay không ? Hai bác sĩ y khoa trả lời: Tăng cường các biện pháp vệ sinh bắt buộc để không phải đóng cửa trường. Bởi vì một thế giới không trường học nguy hiểm hơn con siêu vi corona gấp bội.

Để tránh những tranh luận đeo khẩu trang hay không mà một số tổ chức chính trị cực đoan khai thác, Libération đưa độc giả đến Bắc Âu và Québec, nơi mà lớp học ngoài trời được thí nghiệm từ lâu và có kết quả qua bài phóng sự dài với tựa: Đổ xô tìm không khí trong lành. Tác dụng cho sức khỏe và khả năng tiếp thu của trẻ em .

Một chi tiết được lưu ý: Ở Pháp trời hay mưa. Bắc Âu lạnh nhưng khô ráo, chỉ có gió mạnh là hơi phiền cho lớp học ngoài trời.

Liban và Pháp: Câu chuyện 100 năm

Một chủ đề quốc tế có liên quan đến Pháp là hồ sơ Liban. Le Figaro lưu ý: Năm nay đúng 100 năm ngày Pháp thành lập nước Đại Liban với các cộng đồng tôn giáo, Thiên Chúa đa số, Hồi Giáo thiểu số, sống chung hài hòa.

Nhưng một thế kỷ sau, với dân số tăng nhanh, mối quân bình mong manh này không cón thích hợp.

La Croix, nhân chuyến công du của tổng thống Emmanuel Macron hy vọng Liban sẽ hồi sinh. Con đường thoát ra tình trạng nội chiến là Nhà nước thế tục. Lãnh đạo các chính đảng đều ủng hộ giải pháp này. Tổng giám mục Sako, người Irak cũng khuyến khích. Chỉ có  Hezbollah không đồng ý.

Theo nhật báo Công Giáo, Liban sẽ hồi sinh nếu chọn Nhà nước thế tục và sẽ lấy lại vị thế minh châu của Trung Đông.

Trang diễn đàn, 27 nhân vật có tiếng tăm kêu gọi tổng thống Emmanuel Macron và Liên Hiệp Châu Âu đưa Hezbollah vào danh sách khủng bố. Tổ chức chính trị, tôn giáo võ trang này, theo các tác giả, là kẻ gây rối, phá hoại, tự khoe là một Nhà nước trong một Nhà nước, mạnh hơn cả quân đội Liban. Chính Hezbollah nhận tiền của Iran để giúp Bachar al-Assad phạm tội ác chống nhân loại tại Syria. Khủng bố tại châu Âu và các nơi khác nữa cũng là bàn tay của Hezbollah

27 nhân vật này gồm nhiều triết gia, nhà báo, văn sĩ, luật gia, chính trị gia, cựu tổng biên tập tuần báo trào phúng Charlie Hebdo, Y Sĩ Không Biên Giới…

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200901-ch%C3%A2u-%C3%A2u-trung-qu%E1%BB%91c-chuy%E1%BA%BFn-du-thuy%E1%BA%BFt-c%E1%BB%A7a-v%C6%B0%C6%A1ng-ngh%E1%BB%8B-th%E1%BA%A5t-b%E1%BA%A1i

 

Điểm tin thế giới sáng 1/9:

Trung Quốc chưa đủ khả năng xâm lược Đài Loan;

 Ấn Độ nói Trung Quốc

tiếp tục khiêu khích tại biên giới

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Ba (1/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Trung Quốc chưa đủ khả năng xâm lược Đài Loan

Trước một tuyên bố gây tranh cãi về việc Đài Loan dễ bị Trung Quốc tấn công, Bộ Quốc phòng (MND) Đài Loan cho biết Quân đội Trung Quốc (PLA) chưa có khả năng xâm lược hòn đảo, theo Taiwan News.

Trong bài phát biểu vào ngày 10/8, cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu nói rằng “trận chiến đầu tiên sẽ là trận cuối cùng” nếu Đài Loan đối đầu với một cuộc tấn công của PLA. Đáp lại, MND hôm thứ Hai (31/8) cho biết chiến thuật của PLA khó triển khai vì đặc điểm tự nhiên của eo biển Đài Loan, phương tiện đổ bộ và khả năng hậu cần của lực lượng này không đủ, và PLA cũng thiếu khả năng chiến đấu để xâm lược toàn bộ Đài Loan.

Hôm thứ Hai, bên cạnh việc trình đề nghị lên Quốc hội xin cấp ngân sách cho hoạt động năm 2021, MND cũng đã gửi cho cơ quan lập pháp Đài Loan “Báo cáo về sức mạnh quân sự của PLA vào năm 2020” và “Kế hoạch 5 năm tái cơ cấu và quản lý quân đội”.

Ngoài những nhận xét nêu trên, báo cáo cho biết thêm rằng các phương tiện lội nước và khả năng hậu cần của PLA không đủ và nó chưa có khả năng chiến đấu toàn diện để xâm lược Đài Loan. Báo cáo chỉ ra rằng các hành động mà PLA có thể làm đối với Đài Loan bao gồm ngăn chặn hoạt động quân sự chung, phong tỏa chung, không kích chung và hoạt động đổ bộ chung.

Ấn Độ nói Trung Quốc tiếp tục khiêu khích tại biên giới

Ấn Độ đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện các động thái quân sự “khiêu khích” gần biên giới tranh chấp, nơi chỉ vài tháng trước đó đã xảy ra một vụ đụng độ chết người giữa quân đội hai nước khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, Fox News đưa tin.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ hôm thứ Hai (31/8) cho biết trong một tuyên bố rằng Quân đội Trung Quốc vào tối thứ Bảy đã “thực hiện các hoạt động quân sự khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng” ở khu vực Ladakh và “vi phạm” sự đồng thuận đạt được trong các cuộc đàm phán hòa bình gần đây.

Bản tuyên bố thông tin thêm: Quân đội Ấn Độ đang “thực thi các biện pháp nhằm củng cố vị trí và ngăn cản ý định đơn phương thay đổi hiện trạng trên thực địa của Trung Quốc”.

Mỹ muốn mở rộng đối thoại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Hoa Kỳ chắc chắn muốn chuẩn hóa việc đối thoại đang diễn ra với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và cũng muốn mở rộng việc đối thoại để bao gồm thêm các quốc gia khác chia sẻ lợi ích chung, chẳng hạn như Hàn Quốc, Việt Nam, nhằm khởi động cấu trúc đa phương mạnh mẽ đầu tiên trong khu vực, Nhà ngoại giao số 2 của Washington cho biết hôm thứ Hai, theo Yonhap.

“Có một thực tế là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thực sự đang thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ. Họ không có những điều thấy được ở NATO hay Liên minh châu Âu”, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun cho biết trong một cuộc hội thảo trực tuyến được tổ chức bên lề Diễn đàn Đối tác Chiến lược Hoa Kỳ-Ấn Độ thường niên.

Ông Biegun lưu ý rằng một cuộc đối thoại ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã được khởi động và hiện có sự tham gia của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Ông cũng cho biết thêm, các cuộc đàm phán gần đây của họ về cách thức đối phó với đại dịch COVID-19 còn có sự tham gia của Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand.

Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được Hoa Kỳ khởi động vào năm 2018, đây là sáng kiến mà nhiều người tin rằng Washington đề xuất nhằm kiểm tra hoặc thậm chí chống lại tham vọng của chính quyền Trung Quốc ở khu vực này.

Chính phủ Maduro ra lệnh ân xá trước bầu cử

Chính phủ Maduro ở Venezuela đã tuyên bố ân xá cho hơn 100 người, bao gồm cả các đối thủ chính trị đang phải ngồi tù, đã tị nạn tại các đại sứ quán nước ngoài ở Caracas hoặc trốn khỏi đất nước, theo The Guardian.

Động thái này diễn ra trước cuộc bầu cử quốc hội dự kiến được tổ chức vào ngày 6/12, cuộc bầu cử mà phong trào dân chủ do chính phủ Juan Guaidó lãnh đạo đang tẩy chay vì cho rằng chính phủ Maduro không đáp ứng được các điều kiện cho một cuộc bầu cử công bằng.

Những cái tên được nêu trong lệnh ân xá không bao gồm các nhà lãnh đạo đối lập nổi tiếng như Leopoldo López, người vẫn ở trong dinh thự của đại sứ nước ngoài ở Caracas, hay Julio Borges, một nghị sĩ đối lập mạnh mẽ vẫn đang tị nạn ở nước láng giềng Colombia.

Bộ trưởng Bộ Truyền thông Jorge Rodríguez của chính phủ Maduro đã liệt kê 110 người được ân xá, mặc dù các điều khoản của lệnh ân xá được công bố không rõ ràng.

Israel và Hamas đạt được thỏa thuận hòa bình

The Guardian cho hay, Hamas, lực lượng Hồi giáo hoạt động ở dải Gaza, thông báo rằng họ đã đạt được một thỏa thuận do Qatar làm trung gian với Israel để chấm dứt hơn ba tuần xung đột.

Ông Yahya Sinwar, một thủ lĩnh của Hamas cho biết, sau cuộc nói chuyện với đặc phái viên Qatar Mohammed al-Emadi, chúng tôi “đã đạt được sự thống nhất để kiềm chế [hoạt động] leo thang mới nhất”.

Trong lần leo thang mới nhất, Israel đã ném bom Gaza gần như hàng ngày kể từ ngày 6/8, để đáp trả các cuộc tấn công của Hamas qua biên giới.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-1-9-trung-quoc-chua-du-kha-nang-xam-luoc-dai-loan-an-do-noi-trung-quoc-tiep-tuc-khieu-khich-tai-bien-gioi.html

 

Điểm tin thế giới tối 1/9:

Chủ tịch Thượng viện Séc nói ‘Tôi là người Đài Loan’;

Mỹ sẽ cấm thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc

Hải Lam

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (1/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Chủ tịch Thượng viện Séc nói ‘Tôi là người Đài Loan’

Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil hôm nay nói “Tôi là người Đài Loan” khi phát biểu tại nghị viện hòn đảo, theo Reuters.

“Xin hãy cho phép tôi bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan cũng như giá trị tối thượng của tự do để kết thúc bài phát biểu hôm nay, bằng một tuyên bố khiêm nhường nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ: ‘Tôi là người Đài Loan’”, Chủ tịch Thượng viện Czech Milos Vystrcil nói.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố ông Vystrcil đã công khai ủng hộ chủ nghĩa ly khai và can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh.

Mỹ sẽ cấm thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc

SCMP đưa tin, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro hôm 31/8 cho biết nước này sẽ nhắm mục tiêu thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc, sau TikTok và WeChat.

“Điều quan trọng là đất nước này không sử dụng các ứng dụng được tạo ra tại Trung Quốc hoặc những ứng dụng có thể lấy dữ liệu của chúng tôi rồi chuyển đến các máy chủ ở Trung Quốc”, ông Navarro nói với Fox News hôm 31/8, thêm rằng dữ liệu này sẽ được sử dụng để “giám sát và theo dõi” người Mỹ.

“Và đó thực sự là quan điểm chính sách cơ bản cho lý do chúng tôi cấm TikTok, WeChat, và sẽ có thêm những ứng dụng khác bởi Trung Quốc … về cơ bản đang vươn ra khắp thế giới để cố giành lấy công nghệ và ảnh hưởng”, Cố vấn Navarro nói thêm.

Philippines vẫn làm ăn với công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt

Ông Harry Roque, phát ngôn viên Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hôm nay nói rằng nước này vẫn tiếp tục các dự án có sự tham gia của các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt vì Biển Đông, theo Reuters.

Ông Harry Roque cho biết Tổng thống Duterte sẽ không tuân theo động thái của Mỹ để trừng phạt các công ty Trung Quốc vì Philippines là một quốc gia độc lập và cần những khoản đầu tư cơ sở hạ tầng từ Bắc Kinh.

Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao của nước này tuyên bố sẽ khuyến nghị chính phủ chấm dứt các giao dịch với các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Mỹ.

Úc không biết lý do Trung Quốc bắt nhà báo Cheng Lei

Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham hôm nay nói rằng Úc không biết tại sao Trung Quốc bắt công dân Cheng Lei, nữ nhà báo đang làm việc cho mảng kinh doanh của kênh quốc tế CGTN ở Bắc Kinh, theo Reuters.

“Cheng Lei là công dân Úc và nhà báo đã làm việc ở Trung Quốc được một thời gian. Tôi đã gặp cô ấy và được cô ấy phỏng vấn khi ở nước ngoài”, ông Simon Birmingham hôm nay cho hay.

“Tôi chia sẻ với gia đình cô ấy rất nhiều vào thời điểm này và đó là lý do chúng tôi sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ cô ấy, như những gì chúng tôi sẽ và đã làm với bất kỳ người Úc nào trong những trường hợp như vậy”, ông nói thêm.

Cựu đại sứ Úc tại Trung Quốc Geoff Raby cho biết ông rất ngạc nhiên khi cô Cheng bị bắt vì mảng kinh doanh thường không được coi là nhạy cảm ở Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông Raby nói: “Cô ấy có sự hoài nghi đối với một số kênh truyền thông Trung Quốc, nhưng cô ấy cũng mạnh mẽ không kém trong việc tranh luận về các trường hợp liên quan Trung Quốc nếu các bài báo của nước ngoài hiểu sai về Trung Quốc hoặc không dựa trên sự thật”.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-1-9-chu-tich-thuong-vien-sec-noi-toi-la-nguoi-dai-loan-my-se-cam-them-nhieu-ung-dung-trung-quoc.html

 

Nhân dân tệ soán ngôi đô la : kịch bản xa vời

Thanh Hà

Đô la Mỹ suy yếu, nhưng sẽ là một sai lầm nếu cho rằng nhân dân tệ trở thành phương tiện dự trữ và thanh toán trong hệ thống tiền tệ toàn cầu. Đơn vị tiền tệ của Trung Quốc chưa tạo được niềm tin. Bản thân Bắc Kinh cũng không muốn quốc tế hóa đồng tiền. Trên đây là phân tích của nhà kinh tế Françoise Nicolas, giám đốc trung tâm Châu Á Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI.

Từ tháng 3 đến tháng 7/2020, đồng đô la mất giá 12 % so với đồng tiền chung châu Âu euro, đà tuột dốc có khuynh hướng tăng mạnh hơn trong tháng trước. Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs dự báo đồng đô la còn tiếp tục trượt giá trong 12 tháng sắp tới. Đâu là những nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng nói trên ? Phải chăng một lần nữa có dấu hiệu là « đặc quyền » của đơn vị tiền tệ Mỹ vốn liên tục trị vì trên thế giới từ năm 1945 bắt đầu bị đe dọa ? Nhân dân tệ của Trung Quốc liệu đã sẵn sàng thế vào chỗ trống của đô la hay chưa? Tạp chí của RFI lần lượt trả lời các câu hỏi trên.

Nhược điểm Mỹ làm suy yếu đô la

Về những nguyên nhân khiến đô la mất giá mạnh nhất kể từ hai năm nay, Anton Brender, giám đốc điều hành cơ quan quản lý tài chính Candriam, trụ sở tại Luxembourg, nêu ra những yếu tố như sau : siêu cường kinh tế số một thế giới bị siêu vi corona chủng làm suy yếu. Chính quyền Trump bị chỉ trích bất lực để khủng hoảng y tế kéo dài và tới nay đã có gần 6 triệu người Mỹ nhiễm Covid-19, trên 183.000 bệnh nhân thiệt mạng và kèm theo đó là những tác động tai hại về kinh tế và xã hội. Thất nghiệp tăng cao. Viễn cảnh tỷ lệ tăng trưởng được phục hồi vẫn xa vời. Các chính sách vực dậy kinh tế chưa đem lại kết quả mong đợi, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa bất đồng về những chương trình hỗ trợ kinh tế khẩn cấp và nhất là tất cả như trong vòng chờ đợi hai tháng trước bầu cử tổng thống Mỹ.

Nhìn đến những chỉ số quan trọng khác : thâm hụt ngân sách của chính quyền liên bang năm 2020 được dự báo có một bước « đại nhảy vọt » tương đương với 23,8 % tổng sảm phẩm nội địa. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với khu vực eurozone, theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Về mậu dịch, Mỹ vẫn trong cảnh nhập siêu. Cả hai chỉ số vừa nêu khiến giới đầu tư thận trọng cho rằng Mỹ ngày càng lệ thuộc vào các nhà đầu tư ngoại quốc, và hoài nghi về khả năng thanh toán nợ của chính quyền Washignton về lâu dài.

Thêm một yếu tố thứ ba : ngay từ trước dịch Covid-19, Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ can thiệp, vừa hạ lãi suất vừa bơm thêm tiền vào cỗ máy kinh tế. Hệ quả kèm theo là giới tư bản không còn có lợi khi mua công trái phiếu của Mỹ. Cuối cùng, giới tư bản thận trọng giữ khoảng cách với đô la đề phòng chu kỳ thịnh vượng của thị trường tài chính Mỹ sắp kết thúc. Các khuynh hướng này càng rõ nét trong nửa đầu năm 2020. Điều đó khiến giới đầu tư bán đô la, đem tiền đầu tư vào những thị trường khác như châu Âu hay Nhật Bản và kể cả tại một số các nền kinh tế đang trỗi dậy. Đô la sụt giá.

Đô la « mất vai trò dự trữ »  ?

Thông thường, khi kinh tế toàn cầu rối loạn, đô la thường được xem là một « phương tiện dự trữ an toàn ». Lần này dường như là không. Vào lúc đồng tiền Mỹ mất giá 12 % từ tháng 3 tới nay, trong 7 tháng đầu 2020 vàng tăng giá 30 %. Các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu quốc tế bắt đầu « thận trọng với đơn vị tiền tệ của Mỹ ». Một lần nữa lại dấy lên câu hỏi có nguy cơ đô la Mỹ đánh mất vai trò « cột trụ » trong hệ thống tiền tệ quốc tế, không còn là một phương tiện dự trữ và thanh toán của thế giới ? Giáo sư Stephen Roach, đại học Yale và nguyên là lãnh đạo ngân hàng Morgan Stanley được hãng tin Bloomberg ngày 06/08/2020 trích dẫn dự phóng đô la mất giá đến 35 % và ông cho rằng thời kỳ « vàng son của đồng đô la sắp khết thúc » cho dù tới nay giới đầu tư vẫn lập đi lập lại câu thần chú TINA : There is no alternative » có nghĩa là không có giải pháp nào thay thế đô la. Bằng chứng cụ thể là đô la chiếm 68 % dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trung ương thế giới ; 88 % các khoản giao dịch ngoại hối đều được thanh toán bằng đơn vị tiền tệ của Hoa Kỳ. Cho dù Trung Quốc là nhà xuát khẩu lớn nhất thế giới nhưng chỉ có 4,8 % trao đổi mậu dịch toàn cầu được thanh toán băng nhân dân tệ. Tỷ lệ này còn thấp hơn cả so với đồng franc Thụy Sĩ theo báo cáo gần đây nhất của Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế BIS (trụ sở tại Basel, Thụy Sĩ).

TINA : There is no Alternative

Trả lời RFI Việt ngữ nhà kinh tế gia Françoise Nicolas, giám đốc trung tâm Châu Á thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI của Pháp thận trọng cho rằng còn quá sớm để « chôn sống đồng đô la » và đà mất giá dù khá mạnh của đồng tiền Mỹ trong nửa đầu năm nay chỉ là « tương đối » :

Françoise Nicolas : Từ lâu nay đã nhiều lần dấy lên nghi vấn về vai trò quốc tế của đồng tiền Mỹ và sở dĩ câu hỏi này đặt ra là do chúng ta vẫn ngạc nhiên về sự bền bỉ của vị trí đồng đô la trong hệ thống thanh toán quốc tế. Sau Thế Chiến Thứ Hai tất cả các nền kinh tế trên thế giới đều sụp đổ, chỉ có Mỹ là vững mạnh, do vậy đô la là cột trụ của hệ thống tiền tệ thế giới. Đó là điều dễ hiểu ở thời điểm 1945. Giờ đây tình hình đã hoàn toàn thay đổi vì kinh tế Hoa Kỳ không còn là ốc đảo thịnh vượng duy nhất trên hành tinh. Mọi người thường xuyên tự hỏi tới khi nào đồng đô la mất đi thế thượng phong đó. Vấn đề càng trở nên thời sự khi mà kinh tế của Trung Quốc phát triển với một tỷ lệ tăng trưởng rất ngoạn mục. Nhiều người tưởng là đồng nhân dân tệ cạnh tranh với đô la để trở thành một phương tiện dự trữ và thanh toán quốc tế. Dù vậy đến nay, đô la Mỹ vẫn là ngoại hối chính trên thế giới. Lý do đơn giản là yếu tố tâm lý : người ta tin tưởng vào đô la chứ không tin vào bất kỳ đơn vị tiền tệ nào khác.

Trong bài tham luận Dollar contre renminbi : chronique (prématurée) d’un déclin annoncé  trên tạp chí Questions Internationales số ra tháng 7 và 8/2020 bà Nicolas nói đến một ván cờ bất cương xứng giữa đô la và nhân dân tệ của Trung Quốc. Đành rằng trọng lượng của kinh tế và thương mại của Mỹ trên toàn cầu đã bị thu hẹp lại trong thập niên gần đây, chính sách America First của Washington trong gần bốn năm qua thách thức sức mạnh của đô la. Cùng lúc Trung Quốc đã vươn lên trở thành cường quốc kinh tế số 2 của thế giới, là chủ nợ quan trọng của nhiều nước, trong đó có cả Hoa Kỳ. Do vậy một số bài tham luận đã nhấn mạnh đến cuộc đọ sức trong tương lai giữa hai đơn vị tiền tệ Mỹ-Trung để áp đặt ảnh hưởng với thế giới và mậu dịch toàn cầu. Nhưng theo giám đốc trung tâm Châu Á viện IFRI của Pháp, Françoise Nicolas, đó là kịch bản quá va vời với thực tế hiện nay :

Françoise Nicolas : Vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế của nhân dân tệ được nhắc đến nhiều nhưng chỉ cần nhìn vào thực tế qua một loạt các chỉ số cũng đủ để biết được thực hư như thế nào : các hóa đơn được thanh toán bằng nhân dân tệ của Trung Quốc hiện chỉ chiếm một vị trí rất nhỏ trong số các hoạt động trao đổi mậu dịch toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới đi vay nợ bằng đô la chứ không mấy ai đi vay bằng đơn vị tiền tệ của Trung Quốc. Nhìn đến dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trung ương, thì đô la cũng bỏ xa lại phía sau tất cả các đơn vị tiền tệ khác từ euro của châu Âu đến đồng yen Nhật Bản hay nhân dân tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên cũng phải công nhận là đồng nhân dân tệ ngày càng được sử dụng tại một số khu vực, chẳng hạn như ở Đông Nam Á nhưng không thể nói là đồng tiền Trung Quốc đã vươn rộng ra ở quy mô toàn cầu. Khoảng cách giữa đô la và nhân dân tệ còn vô cùng lớn.

Phương tiện giao dịch quốc tế, điều Bắc Kinh không mong muốn

Theo sách vở giáo khoa nhà trường một cách cơ bản, sức mạnh của một đồng tiền tùy thuộc vào trọng lượng kinh tế của quốc gia sở hữu đồng tiền đó, nhưng thực tế quan sát được trên thị trường hối đoái dường như phức tạp hơn nguyên tắc đó nhiều. Điều gì khiến đơn vị tiền tệ của siêu cường kinh tế thứ hai thế giới chưa có được một vị trí tương xứng ? Chuyên gia về kinh tế, giám đốc điều hành trung tâm Châu Á Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI bà Françoise Nicolas trả lời :

Françoise Nicolas :  Trước hết là niềm tin và kế tới là thói quen. Các khoản xuất nhập khẩu từ lâu nay được thanh toán bằng đô la và rất khó để thay đổi thói quen đó. Nghe qua có vẻ rất buồn cười nhưng đó là sự thật chúng ta nhận thấy hàng ngày. Hơn nữa hiện tại đồng nhân dân tệ vẫn chưa tạo được uy tín và Trung Quốc vẫn là một ẩn số khiến nhiều người lo ngại. Một điểm khác gây trở ngại cho đà quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ đó là Trung Quốc không có những thị trường tài chính có bề dầy như của Hoa Kỳ. Các dịch vụ mua bán chứng khoán được thanh toán bằng đô la . Sau cùng và có lẽ đây là một yếu tố quan trọng : đó là bản thân Bắc Kinh cũng không muốn đơn vị tiền tệ của mình đóng vai trò quốc tế, vì như vậy Trung Quốc sẽ mất đi phần nào quyền kiểm soát tỷ giá hối đoái. Trị giá đồng tiền sẽ phải tuân thủ luật cung cầu. Tôi không chắc là Trung Quốc sẵn sàng cho việc đó.

https://www.rfi.fr/vi/kinh-t%E1%BA%BF/20200901-nh%C3%A2n-d%C3%A2n-t%E1%BB%87-so%C3%A1n-ng%C3%B4i-%C4%91%C3%B4-la-k%E1%BB%8Bch-b%E1%BA%A3n-xa-v%E1%BB%9Di

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.