Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 14/08/2020

Friday, August 14, 2020 6:37:00 PM // ,

 Tin Việt Nam – 14/08/2020

Chủ tịch Hà Nội bị đình chỉ:  Cách đưa tin báo chí nhà nước thế nào?

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, bị đình chỉ công tác tạm thời trong thời gian 90 ngày là một sự kiện được báo chí, truyền thông chính thống Việt Nam trong tuần này đưa khá rầm rộ.

Bình luận đa chiều về vụ đình chỉ Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Hà Nội: Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ công tác

Bộ Công an VN quyết ‘truy bắt bằng được’ ông chủ Nhật Cường

Vậy có gì đáng lưu ý và có thể lý giải ra sao về sự ‘thay đổi’ trong cách thức mà truyền thông nhà nước đưa tin hay không trong trườn hợp này?

“Tôi cho rằng những người làm báo ở Việt Nam rất rành rẽ về phương pháp đưa tin, đưa bài,” nhà báo tự do, blogger Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh thuộc ngành Công an Việt Nam nói với một cuộc tọa đàm trực tuyến của BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm.

“Khi mà họ đã có được le lói những thông tin một nhân vật nào đó thất sủng, thì đương nhiên họ không thể nào mà họ đem kể công, kể trạng của những người đó, nhất là họ lại hơn mọi người, họ biết khá là nhiều thông tin hậu trường.

“Nhiều khi chúng ta cũng phán đoán tình hình qua cách đưa tin, đúng như các ý kiến nói, xem cách đưa tin mà người ta đưa có vẻ như là bóng gió về cái không hay của một nhân vật nào đó thì chúng ta biết đó là tình trạng rất không thuận lợi cho nhân vật đó.

“Thì họ không thể nào đưa tin một cách tích cực cho một người đang sắp thất sủng, vì như thế thì chắc chắn họ sẽ được Ban Tuyên giáo hay Bộ Thông tin & Truyền thông nhắc nhở ngay.

“Chắc chắn các vị lãnh đạo, rồi tổng biên tập cho đến cơ quan chủ quản sẽ được nhắc nhở ngay, không thể có chuyện đó.”

‘Đưa tin như thế là bình thường’?

Từ góc nhìn của mình, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, sống ở Hà Nội, nói với BBC:

“Báo chí chính thống của Việt Nam là cái loa của đảng Cộng sản Việt Nam, thì như vậy đưa tin như thế rất là bình thường.

“Bởi vì lúc mà ông còn tại chức, họ thi nhau ca ngợi, nhưng đến lúc bị vấn đề thì người ta hùa nhau vào, thậm chí còn lên án như thể họ là tòa án nữa.

“Cái đấy là cái không có gì lạ so với nền báo chí do đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát cả.”

Còn từ Warsaw, Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng, Chủ biên báo mạng Đàn Chim Việt Online, bình luận:

“Tôi nghĩ là báo chí Việt Nam đưa tin mà chúng ta có thể thấy là na ná như nhau ở các báo, bởi vì là theo tôi là họ đều có sự chỉ đạo về cách đưa tin, nhất là trong những vụ việc mà có tính nhạy cảm.

“Nhạy cảm ở đây là nó dính đến một nhân vật cấp cao, thì người ta đều quán triệt cách đưa tin như thế nào rồi.

“Cho nên mặc dù điểm qua rất nhiều trang báo ở trong nước, nhưng không có gì mới cả, có thể nói là trang nọ na ná như trang kia.”

Nhân dịp này, nhà báo Mạc Việt Hồng cũng chia sẻ với BBC một góc nhìn so sánh từ đất nước mà bà đang sinh sống và làm việc tại châu Âu.

“Ở Ba Lan vừa rồi, người ta cũng có bắt một vị cựu Bộ trưởng giao thông, vận tải. Tôi thấy rằng cách đưa tin của họ rất là khác.

“Bởi vì họ có nền báo chí độc lập và các báo họ khai thác những khía cạnh rất khác nhau và họ cũng cố gắng đánh giá công tâm tất cả những đóng góp, cũng như phân tích những sai lầm của vị đó.

“Và điều này chúng ta chưa thể thấy được ở một nền báo chí mà đặt dưới một ông Tổng Biên tập là Ban Tuyên giáo Trung ương như là ở Việt Nam được.

“Điều đó tôi nghĩ cũng là một sự thiệt thòi cho những người bị bắt, hoặc là những người bị đình chỉ, trong trường hợp này ở đây, cụ thể trong vụ của ông Nguyễn Đức Chung.

“Đáng nhẽ ra người ta phải có những phân tích, những đánh giá từ nhiều khía cạnh, góc cạnh khác nhau và nó công tâm hơn.

“Thì đó là điều tôi nghĩ là báo chí của Việt Nam chưa đạt được,” bà Mạc Việt Hồng nói với BBC News Tiếng Việt.

Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi chương trình bình luận có sự tham gia của các nhà quan sát, bình luận về chủ đề có nội dung liên quan sự kiện nói trên.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53779569

 

Ông Đinh La Thăng bị truy tố thêm tội

cùng với 3 lãnh đạo Bộ Giao Thông- Vận Tải

Ông Đinh La Thăng, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao Thông- Vận Tải (BGT-VT)Việt Nam, bị khởi tố thêm tội vì dính líu đến những sai phạm tại tuyến Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Trung Lương.

Truyền thông nhà nước Việt Nam vào ngày 14 tháng 8 loan tin vừa nêu, dẫn quyết định của Bộ Công An.

Ông Đinh La Thăng hiện đang thụ án 30 năm tù giam trong hai vụ án khác liên quan đến những sai phạm và tham ô xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam,

Theo truyền thông trong nước, Bộ Công an quyết định khởi tố bị can đối với ông Đinh La Thăng cũng như quyết định khởi tố bị can, tạm giam 3 người khác về tội ‘vi phạm qui định về sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí’ theo điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015 của Việt Nam.

Ba người kia gồm ông Nguyễn Hồng Trường, 63 tuồi, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TpHCM-Trung Lương; ông Nguyễn Chí Thành, nguyên Vụ phó Tài Chính, Bộ GTVT, ủy viên Hội đồng Bán đấu giá; và ông Lê Trung Cường, chuyên viên Vụ Tài Chính, Bộ GTVT, thành viên Tổ Thường trực giúp việc Hội đồng Bán đấu giá.

Biện pháp bắt tạm giam được ông thiếu tướng Tô Ân Xô, phát ngôn nhân Bộ Công an, cho biết được thực thi ngày 12 tháng 8.

Cùng với vụ án vừa nêu, Cơ quan An Ninh Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam cách đây mấy ngày cũng đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng và 9 bị can khác về tội ‘vi phạm qui định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng ’ trong vụ án được nói xảy ra tại Công ty Cổ Phần Hóa dầu & Nhiên liệu sinh học Dầu Khí- PVB hay còn được gọi là dự án Ethanol Phú Thọ.

Đối với ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên thứ trưởng Bộ GTVT, vừa qua còn bị kỷ luật cách chức ủy viên Ban Cán sự đảng bộ và  bị xóa tư cách nguyên thứ trưởng Bộ GTVT trong hai nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021.

Ông Nguyễn Hồng Trường bị qui trách nhiệm khi ký các quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ Giao thông- Vận tải.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-hcm-city-party-chief-dinh-la-thang-and-4-transport-high-ranking-officials-prosecuted-08142020072244.html

 

Vụ án Trương Duy Nhất:

Tòa phúc thẩm y án 10 năm tù

TAND Cấp cao tại Hà Nội vào chiều 14/8 bác đơn và tuyên y án 10 năm với cựu ký giả Trương Duy Nhất, quê ở Đà Nẵng, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tòa vẫn nói ông Duy Nhất làm trái công vụ khi bán nhà, đất công sản ở Đà Nẵng cho doanh nhân Phan Văn Anh Vũ nên bác đơn kêu oan của bị cáo.

Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo kêu oan của ông Nhất.

Trước đó, trong phiên sơ thẩm ngày 9/3, ông Trương Duy Nhất bị tuyên 10 năm tù với tội danh ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’.

Tại phiên phúc thẩm, ông Nhất một mực kêu oan và giữ nguyên kháng cáo.

Ông Nhất cho rằng ông không có trách nhiệm trong việc giúp Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) thâu tóm nhà đất công số 82 Trần Quốc Toản như cáo buộc mà là làm theo phân công của báo Đại Đoàn Kết. Và rằng nếu việc bán đất có thiệt hại, trách nhiệm thuộc về bên bán tức UBND TP Đà Nẵng.

Ông Nhất cũng thừa nhận hành vi của ông chưa phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng được sự đồng ý của báo.

“Bị cáo không hề có động cơ cá nhân, chỉ muốn làm lợi cho báo. Bản thân bị cáo không hề được nhận bất kỳ khoản lợi nào từ công ty 79 hay từ Phan Văn Anh Vũ. Báo Đại Đoàn Kết không hề bị tổn hại, ngược lại còn được lợi. Bị cáo còn được ban Biên tập khen vì đưa ra “sáng kiến” này”, ông Nhất khai tại tòa, theo tường thuật của Báo Đà Nẵng.

Vụ Trương Duy Nhất và nạn bắt cóc nhà hoạt động ở Đông Nam Á

Vì sao phiên xử blogger Trương Duy Nhất bị hoãn?

Trương Duy Nhất là ai?

Ông Trương Duy Nhất: Những ngày trên đất Thái Lan

Ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), người liên đới trong vụ án của ông Nhất, cũng tham dự phiên tòa. Ông Anh Vũ cũng cho rằng ông Nhất vô tội ‘bởi báo Đại Đoàn Kết không bị thiệt hại vì không cần bỏ tiền nhưng vẫn được sử dụng nhà đất làm văn phòng trong 30 năm’, theo Báo Đà Nẵng.

Cáo trạng nói gì?

Theo bản án sơ thẩm, vụ việc bắt đầu từ tháng 10/1996, khi báo Đại Đoàn Kết – nơi ông Trương Duy Nhất từng là Trưởng văn phòng khu vực Trung Trung Bộ – có công văn gửi UBND TP Đà Nẵng đề nghị được cấp (hoặc thuê) một căn nhà tại địa điểm thuận lợi ở trung tâm thành phố để làm trụ sở văn phòng đại diện.

Báo này không chủ trương xin mua nhà công sản, nhưng ông Nhất – người được giao liên hệ với chính quyền địa phương để xin đất – lại ký văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng xin mua nhà, đất theo diện này.

Sau khi mua được nhà cho báo Đại Đoàn Kết với giá ưu đã là 645 triệu đồng từ UBND TP Đà Nẵng, ông Nhất đã chuyển nhượng cho công ty của ông Vũ Nhôm (Phan Văn Anh Vũ), để công ty này thay thế nộp tiền, giúp công ty này thâu tóm đất công với giá rẻ.

Cáo trạng nêu đây là ‘hành vi làm trái công vụ’ ‘rất nghiêm trọng’, ‘gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 13 tỷ đồng’.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53774896

 

Bắt tạm giam cựu thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường

Hiểu Minh

Ngày 14/8, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ GTVT) về tội Vi phạm quy định về sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, theo Zing.

Liên quan vụ án này, cơ quan điều tra cũng áp dụng biện pháp tố tụng đối với ông Đinh La Thăng và 2 bị can khác do có dấu hiệu sai phạm về đấu thầu tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Theo Bộ Công an, hoạt động trên thuộc giai đoạn điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị có liên quan trong việc đấu giá và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Ngoài các ông Đinh La Thăng và Nguyễn Hồng Trường, 2 người còn lại bị bắt tạm giam gồm Nguyễn Chí Thành (cựu Vụ phó Vụ Tài chính Bộ GTVT) và Lê Trung Cường (chuyên viên vụ này).

Thông trên Pháp Luật TP.HCM cho hay, ông Nguyễn Hồng Trường sinh năm 1957, từng làm Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An. Tháng 4-2007, ông được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ GTVT và giữ chức này đến năm 2017.

Năm 2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến thành kiểm tra khi có dấu hiệu sai phạm tại Bộ Giao thông Vận tải, đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm của các cá nhân, tập thể ở Bộ này. Trong đó, ông Trường được xác định trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp của ngành có trách nhiệm liên đới về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải.

Cá nhân ông Trường chịu trách nhiệm về ký các quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị thuộc Bộ GTVT; đề nghị Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa, cho cổ phần hóa… không đúng thẩm quyền, vi phạm các quy định của pháp luật về cổ phần hóa, quản lý vốn tại các doanh nghiệp…

Vì những sai phạm ấy, tháng 7/2019, Ban Bí thư cách chức Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021) đối với ông Trường; yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật về hành chính đối với ông này đồng bộ với kỷ luật về Đảng.

https://www.dkn.tv/thoi-su/cuu-thu-truong-bo-gtvt-nguyen-hong-truong-bi-bat.html

 

Khởi tố và xét xử

cán bộ liên quan sai phạm quản lý đất đai

6 cựu cán bộ thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, bị Viện Kiểm sát (VKS) cho rằng cần phải xử lý nghiêm khắc, không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, nhưng đề nghị án treo cho nguyên chủ tịch Ủy Ban Nhân dân TP Phan Thiết.

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin hôm 14/8 dẫn quan điểm của Viện Kiểm sát rằng hành vi của các bị cáo là cố ý vi phạm các quy định về quản lý đất đai, theo điều 229 Bộ luật hình sự, làm cho hình thành các khu dân cư tự phát, phá vỡ quy hoạch đô thị đồng thời xâm phạm đến hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên Viện kiểm sát khẳng định các tình tiết như thành thật khai báo tại tòa, bản thân và gia đình có nhiều đóng góp cho Nhà nước, bị cáo Đỗ Ngọc Điệp, nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Phan Thiết, được VKS đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt từ 24 đến 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Đối với bị cáo Trần Hoàng Khôi, cựu phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết, đại diện VKS cho rằng suốt 4 ngày diễn ra phiên tòa, bị cáo Khôi luôn quanh co, không nhận tội, không thành khẩn khai báo, thậm chí cho rằng mình bị oan và truy tố chưa đúng tội. Do đó, công tố viên đề nghị tuyên phạt từ 5-6 năm tù và không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.

Còn với 4 bị cáo còn lại là các cán bộ về quản lý tài nguyên môi trường và đất đai thành phố Phan Thiết bị đề nghị các mức án từ 12 tháng tù đến 4 năm 6 tháng tù giam.

Cũng liên quan đến sai phạm trong quản lý đất đai, trong cùng ngày Công an Thanh Hóa đã khởi tố ông Lê Xuân Thảo nguyên chủ tịch xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa cùng thuộc cấp lập khống hồ sơ chiếm đoạt hơn 3000 m2 đất công ích.

Theo cơ quan điều tra, năm 2013 ông Lê Xuân Thảo là chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hà Vinh đã chỉ đạo ông Ngô Xuân Dũng khi đó là cán bộ địa chính xã Hà Vinh lập khống hồ sơ đề nghị Ủy Ban Nhân dân huyện Hà Trung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và cây trồng lâu năm cho gia đình ông Thảo trên điện tích đất công ích của xã.

Cơ quan điều tra cho rằng việc làm này của ông Lê Xuân Thảo là hoàn toàn sai với Luật Đất Đai và gây thiệt hại cho nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Do đó, phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp cấm ra khỏi nơi cư trú để điều tra, làm rõ những hành vi sai phạm của các cán bộ UBND Hà Vinh để đưa ra xử lý nghiêm trước pháp luật.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/officials-involved-in-land-management-violations-prosecuted-08142020085704.html

 

Khởi tố đối tượng lừa 10.000 USD

để đưa 2 người Trung Quốc ra khỏi khu cách ly

Công an thành phố Nha Trang ngày 14 tháng 8 ra quyết định khởi tố điều tra vụ án lừa chạy khỏi khu cách ly cho hai người Trung Quốc để chiến đoạt tiền.

Truyền thông trong nước loan tải tin này vào cùng ngày trích trao đổi với Đại tá Trần Văn Giang, Trưởng Công an thành phố (TP) Nha Trang (Khánh Hoà).

Theo đó, ông Giang cho hay Công an đang lập thủ tục để khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Châu Tuấn, ngụ TP Nha Trang về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ông Giang cho biết sự vụ được vỡ lẽ khi bà Vòng Mỹ Vân đến Công an tố giác Tuấn và cho rằng Tuấn đã lừa hai người bạn của bà quốc tịch Trung Quốc (TQ) tên Li Yu Jiao và Qin Wenggiang đang bị cách ly từ cuối tháng 7, tìm cách thoát khỏi nơi cách ly để ra ngoài hoặc trở về TQ.

Với hứa hẹn đó, bạn của bà Vân đã chuyển cho Tuấn 10.000 đô la Mỹ và 10 triệu. Nhưng sau nhiều ngày chờ đợi, mọi người không liên lạc được với Tuấn nên bà Vân đến công an trình báo.

Chiều 12/8 Tuấn đã bị công an bắt giữ.

Cũng trong ngày 14/8, Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai cho truyền thông trong nước biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Phùng Lở Mẩy và Phùng Láo Tả về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”.

Theo tin, ngày 4/8, tổ công tác Đồn Biên phòng A Mú Sung đã bắt giữ 9 người đang chuẩn bị vượt biên giới để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Tại Đồn Biên phòng, 2 đối tượng được xác định là Phùng Lở Mẩy (sinh năm 1989) và Phùng Láo Tả (sinh năm 1995), cùng trú tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát.

7 đối tượng còn lại đều là nữ giới (SN 2001 và 2002), đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn La, Điện Biên, Kiên Giang và Hải Phòng, là những người có nhu cầu đi chui sang Trung Quốc.

Trước khi bị bắt giữ, Mẩy và Tả đã 2 lần đưa 23 người vượt biên giới trái phép trót lọt.

Ở một diễn biến khác, trong cùng ngày Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc ở Tây Ninh cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án “Tổ chức đưa người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam”; đồng thời chuyển Bùi Anh Biết trú tại Tây Ninh và Hồ Thị Cẩm Tiên, trú tỉnh Sóc Trăng cho Công an tỉnh Tây Ninh thụ lý.

Biết cho biết ngày 28/7 được Nguyễn Thành Tân thuê nên đã chạy xe lên huyện Tân Biên đón và chở Tiên từ Campuchia nhập cảnh trái phép vào VN với số tiền 600 nghìn đồng nhưng đã bị Biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc phát hiện.

Nguyễn Thành Tân khai trong tháng 6 và 7, Tân đã từng 2 lần chở 8 người xuất cảnh trái phép qua Campuchia.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nha-trang-police-prosecuted-man-scaming-10000-usd-of-two-chinese-people-08142020085004.html

 

Công an Bắc Giang

bắt những kẻ cầm đầu băng nhóm bảo kê

Hôm 13 tháng 8, Công an huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang bắt 3 đối tượng cầm đầu băng nhóm bảo kê để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin hôm 14 tháng 8.

Các bị can bị bắt tạm giam gồm La Anh Đức; Nguyễn Anh Tuấn và Chu Ngọc Giang.

Theo tài liệu điều tra, Chu Ngọc Giang có mâu thuẫn với một nhóm khác liên quan đến hoạt động bảo kê, dẫn dắt nhân viên phục vụ các quán karaoke trên địa bàn. Trong một lần tranh cãi với nhóm này, Giang kêu đồng bọn cầm theo hung khí rượt đánh tận nhà và chém người gây thương tích.

Do Chu Ngọc Giang, Nguyễn Anh Tuấn đều có tiền án, tiền sự về tội cố ý gây thương tích; Lê Anh Đức là người trực tiếp chém người nên cơ quan điều tra ra quyết định tạm giam.

Cũng tin liên quan, hôm 14 tháng 8, tại TP.HCM, công an quận Bình Tân đã triệu tập một nhóm côn đồ gồm 11 thanh thiếu niên liên quan đến vụ đập phá một quán trà sữa tại P. Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân.

Trước đó hai ngày, nhóm côn đồ này cầm theo hung khí đến quán trà sữa đập phá quán. Sau khi đập phá tan hoang quán trà sữa, các đối tượng côn đồ này bỏ đi nhưng camera của quán lưu lại tất cả sự việc.

Tại cơ quan công an, bước đầu các đối tượng khai nhận do có mâu thuẫn với một người gần quán trà sữa. Do nghĩ đối thủ sống tại địa chỉ trên nên nhóm côn đồ đến đánh dằn mặt nhưng không ngờ đánh nhầm.

Tình trạng từng nhóm côn đồ đập phá quán xảy ra gần đây khiến người dân luôn cảm thấy bất an.

Mới hôm 5 tháng 6 năm 2020, một băng nhóm gồm gần 200 đối tượng mặc đồng phục áo màu cam, mang hung khí chạy xe công khai trên đường đến đập phá quán Ốc Hương ở quận Bình Tân.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 11 tháng 6 năm 2020, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, phải xử lý quyết liệt nhóm côn đồ mặc áo cam vì “Mình có chính quyền, có đảng bộ mà lộng hành như thế là không được.”

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bacgiang-police-arrested-the-leader-of-the-sponsor-gang-08142020083510.html

 

Người Việt tiêu thụ hơn 1 triệu con mèo mỗi năm

Tin từ Việt Nam: Dẫn lại nguồn tin từ tờ The Independent, đài Á châu Tự do (RFA) nói rằng người Việt Nam giết hại hơn một triệu con mèo để làm thức ăn, khiến việc buôn bán mèo ngày một gia tăng và có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người.

Thông tin trên là kết quả của một cuộc điều tra bí mật do hai tổ chức bảo vệ động vật Four Paws và Change For Animals Foundation có trụ sở ở Anh Quốc thực hiện. Hai tổ chức này nói rằng nhu cầu ăn thịt mèo lan rộng khắp Việt Nam sau khi lệnh cấm giết mèo được bãi bỏ.

Để đáp ứng nhu cầu thịt mèo, nhiều kẻ bắt mèo hoang và cả mèo nuôi để cung cấp cho các đại lý thu mua và nhà hàng. Đã có đụng độ giữa người nuôi mèo và những kẻ trộm mèo, nhưng nhà chức trách địa phương thường làm ngơ vì chính họ ăn hối lộ và là người tiêu thụ thịt mèo.

Nhân viên điều tra của Four Paws cho biết họ đã quan sát hàng tháng trời và chứng kiến nhiều con mèo bị dìm nước, bị đập đầu, bị luộc hoặc bị chích điện để trở thành món ăn, với tên gọi là “Tiểu Hổ.” Giá thịt mèo sống được bán từ 190,000 đồng đến 482,000 đồng/kg.  Four Paws nói việc ăn thịt mèo được phổ biến ở phía Bắc và đang lan rộng về phía Nam, đến tận Sài Gòn. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lượng thịt chó và méo tiêu thụ tăng cao vì nhiều người tin rằng thịt chó và thịt mèo có đặc tính “làm ấm” để tiêu diệt virus cúm.

Hai tổ chức Four Paws và Change For Animals Foundation kêu gọi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khôi phục lại lệnh cấm giết hại chó, mèo và tăng cường các biện pháp luật pháp để ngăn chặn nạn trộm cắp thú nuôi.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/nguoi-viet-tieu-thu-hon-1-trieu-con-meo-moi-nam/

 

Việt Nam đặt mua

50-150 triệu liều vắc xin Covid-19 của Nga

Mạnh Đức

Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam có thể đặt mua khoảng 50 đến 150 triệu liều, trong đó có một phần là phía Nga tặng, một phần là phía Việt Nam trả tiền.

BizLIVE đưa tin, sáng 14/8, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long xác nhận, Việt Nam đã đặt mua vắc xin ngừa Covid-19 do Nga sản xuất.

Đại sứ quán Nga tại Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Chính phủ Việt Nam, sẽ tài trợ một số máy móc, sinh phẩm, thiết bị phòng chống Covid-19, bao gồm cả vắc xin vừa ra mắt kể trên.

Hai bên đã trao đổi và thống nhất, Việt Nam có thể đặt mua khoảng 50 đến 150 triệu liều, trong đó có một phần là phía Nga tặng, một phần là phía Việt Nam trả tiền (chưa rõ số lượng từng phần).

Ngoài ra, thời điểm tiếp nhận và mua/bán vắc xin vẫn chưa rõ, do còn tiếp tục nhiều thủ tục. Về giá vắc xin cũng chưa rõ phía Nga sẽ bán như công bố hay thấp hơn giá này.

Ngoài Việt Nam, hơn 20 nước trên thế giới cũng đã đặt mua vắc xin sau khi Nga công bố có. Điển hình trong đó có UAE, Saudi Arabia, Indonesia, Philippines, Mexico, Brazil và India…

Trước đó hôm 11/8, Tổng thống Putin đã thông báo Nga đã đăng ký loại vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới có tên Sputnik V. Vắc xin này do Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học quốc gia Gamaleya cùng Viện Nghiên cứu 48 – Bộ Quốc phòng Nga hợp tác phát triển.

Người đứng đầu Hội đồng quản trị công ty R-Pharm – ông Alexey Repik, cho biết giá xuất khẩu vắc xin ngừa Covid-19 của Nga ít nhất là 10 USD cho 2 liều.

Mỹ từ chối đề nghị hỗ trợ vaccine Covid-19 của Nga

Dân Trí dẫn nguồn tin từ CNN cho biết, các quan chức Nga đã đề nghị “hợp tác chưa từng có tiền lệ” để đẩy nhanh tiến độ phát triển vắc xin ngừa Covid-19 và các phương pháp trị bệnh. Tuy nhiên phía Mỹ đã từ chối.

Có cảm giác chung rằng phía Mỹ không tin tưởng Nga và chúng tôi tin rằng các công nghệ, bao gồm vắc xin, xét nghiệm và phương pháp điều trị, không được áp dụng ở Mỹ vì sự nghi ngờ đó”, một quan chức cấp cao Nga nói với CNN.

Trong khi đó, một số quan chức Mỹ khác nói với CNN rằng vắc xin của Nga bị coi là chưa đủ thuyết phục tại Mỹ, đến mức thậm chí không thu hút được sự chú ý một cách nghiêm túc tại Mỹ trước khi vắc xin của Nga được công bố.

“Không bao giờ có chuyện Mỹ thử vắc xin của Nga trên khỉ, chứ đừng nói đến con người”, một quan chức y tế công cộng của chính phủ Mỹ cho biết.

Sự hoài nghi của Mỹ

Theo Dân Trí, vắc xin của Nga chưa hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm, nên nhiều chuyên gia, đặc biệt tại Mỹ, vẫn hoài nghi về sự an toàn và hiệu quả của vắc xin này.

Vắc xin Covid-19 của Nga do Viện nghiên cứu Gamaleya ở Moscow phát triển và được phê chuẩn trước khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, trong đó hàng nghìn người sẽ được tiêm vắc xin. Nga cho đến nay vẫn chưa công bố chính thức bất kỳ dữ liệu khoa học nào về việc thử nghiệm vắc xin Covid-19.

Trước đó Nga từng tiết lộ rằng một số công ty dược phẩm Mỹ quan tâm tới vắc xin của Nga, nhưng tên các công ty này không được công bố.

Hiện cả Chiến dịch Thần tốc và cơ quan chuyên trách dịch vụ phòng bệnh Mỹ đều chưa đưa ra phản hồi về thông tin trên.

Điểm tin trong nước tối 14/8: Dự kiến hết tháng 8 kiểm soát được dịch ở Đà Nẵng; Xuất viện thêm 5 ca Covid-19

https://www.dkn.tv/thoi-su/viet-nam-dat-mua-50-150-trieu-lieu-vac-xin-covid-19-cua-nga.html

 

Thêm 6 ca nhiễm Covid-19 mới,

bệnh nhân thứ 21 tử vong

Mạnh Đức

Thêm 6 ca nhiễm Covid-19 mới, bệnh nhân thứ 21 tử vong

Tổng số người nhiễm ở Việt Nam lên 911, trong đó 21 trường hợp đã tử vong.

6h ngày 14/8, Bộ Y tế công bố thêm 6 ca mắc mới Covid-19, trong đó 3 ca ghi nhận tại Quảng Nam, 3 ca tại Hải Dương. Nâng tổng số người nhiễm ở Việt Nam lên 911, trong đó 21 trường hợp đã tử vong.

Các trường hợp được công bố gồm:

– Bệnh nhân 906: Nữ, 72 tuổi, địa chỉ thường trú tại Thanh Hà, Hải Dương.

– Bệnh nhân 907: Nam, 17 tuổi, địa chỉ thường trú tại Thanh Hà, Hải Dương.

– Bệnh nhân 908: Nữ, 59 tuổi, địa chỉ thường trú Quỳnh Phụ – Thái Bình. Cả 3 bệnh nhân (906, 907, 908) làm việc cùng địa chỉ tại thành phố Hải Dương, có tiếp xúc với bệnh nhân 867.

– Bệnh nhân 909: Nữ, 38 tuổi, Duy Xuyên – Quảng Nam, con của BN 722

– Bệnh nhân 910: Nam, 6 tuổi, Duy Xuyên – Quảng Nam, cháu của BN 722

– Bệnh nhân 911: Nam, 79 tuổi, Duy Xuyên – Quảng Nam, chồng của BN 722

Tính đến 6h ngày 14/8, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 911 ca mắc Covid-19, trong đó 327 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Số ca nhiễm mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 444.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 172.093.

Bệnh nhân Covid-19 thứ 21 tử vong

Theo VNE, sáng 14/8, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng, xác nhận “bệnh nhân 585” tử vong. Đây là ca Covid-19 tử vong thứ 21 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam.

Như vậy, 24 giờ qua ghi nhận 4 ca tử vong. Chiều qua hai bệnh nhân tuổi ngoài 80, là “bệnh nhân 623” và 479, tử vong do Covid-19 và bệnh nền phức tạp. Buổi sáng, “bệnh nhân 485” qua đời do Covid-19 biến chứng viêm phổi nặng trên nền suy thận mạn giai đoạn cuối.

Tổng số ca tử vong lên 21, tuổi 33 đến 86, đều mắc các bệnh nền như suy tim, ung thư, suy thận mạn tính, đái tháo đường, tăng huyết áp… và Covid-19.

Điểm tin trong nước sáng 14/8: Về từ Đà Nẵng không khai báo y tế sẽ bị xem xét xử lý hình sự; Thêm 120.000 lao động TP.HCM sẽ mất việc vì đại dịch

https://www.dkn.tv/thoi-su/them-6-ca-nhiem-covid-19-moi-benh-nhan-thu-21-tu-vong.html

 

Nhà máy điện gió V1-2 được khởi công tại Trà Vinh

Dự án Nhà máy điện gió V1-2 tại xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh đã được động thổ khởi công xây dựng ngày 14/8.

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin cùng ngày.

Nhà máy điện gió V1-2 với tổng mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng do Tập đoàn Trường Thành Việt Nam liên danh với Công ty Sermsang Power Corporation Public (SSP) của Thái Lan.

Báo trong nước dẫn lời ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Điện gió Trường Thành Trà Vinh cho biết nhà máy điện gió V1-2 Trà Vinh sử dụng khoảng 1.220 ha mặt đất, có công suất 48 MWp, bao gồm 12 tuabin gió.

Được biết, nhà máy điện gió V1-2 có sản lượng điện dự kiến gần 163 triệu kWh/năm, đóng góp vào ngân sách của địa phương khoảng 45-50 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời giúp tạo thêm nhiều việc làm mới tại địa phương khi được đưa vào vận hành.

Trong quy hoạch đã được Bộ Công thương phê duyệt liên quan đến phát triển điện gió tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, có xét đến 2030, tổng công suất điện gió của Trà Vinh đạt khoảng 1.608 MW.

Hiện tại tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư năm dự án với tổng công suất 270 MW.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/starting-construction-of-the-wind-power-plant-v1-2-in-tra-vinh-08142020111003.html

 

Việt Nam mua than của Trung Cộng

với giá cao gấp 3 lần mua của quốc gia khác

Tin Vietnam.- Báo Dân trí ngày 13 tháng 8 năm 2020 loan tin, trong 7 tháng đầu năm 2020, giá than Việt Nam mua của Trung Cộng đã đắt gấp 3 lần so với mua của quốc gia khác. Dữ kiện của cơ quan quan thuế Cộng sản Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm, cộng sản Việt Nam đã mua tổng cộng gần 36 triệu tấn than với số tiền 2.5 tỷ Mỹ kim.

Sản lượng than nhập cảng tăng hơn 46% so với cùng thời kỳ năm 2019, với gía mua trung bình là 1.6 triệu đồng/tấn. Các quốc gia mà Việt Nam mua than nhiều nhất là Indonesia, Nga và Trung Cộng. Riêng lượng than mà Việt Nam mua của Trung Cộng chỉ có 140,000 tấn, nhưng giá mua lại cao gấp 3 lần so với giá mua từ quốc gia khác và giá chung trên thị trường thế giới là 6.2 triệu đồng/tấn. Trong đó, giá mua từ thị trường Indonesia chỉ có 1.1 triệu đồng/tấn.

Đại diện bộ Công thương Cộng sản giải thích, việc sản lượng than nhập cảng tăng cao là để đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy nhiệt điện lớn. Do lượng than khai thác trong nước ngày càng khó khăn, chi phí khai thác tốn kém vì phải khai thác dưới độ sâu nên hiệu quả thấp. Ngoài ra, việc than nhập cảng tăng cao còn là do các công ty đã tự đơn phương ký hợp đồng mua than giá rẻ từ ngoại quốc thay vì mua than trong nước.

Việc mua than của Trung Cộng giá cao gấp nhiều lần so với các quốc gia khác được cơ quan Hải quan Cộng sản giải thích là, do than mua của Trung Cộng là loại chất lượng cao, phục vụ cho tinh luyện gang; còn than mua từ  Indonesia và Nga chủ yếu là than cám, phục vụ cho nhiệt điện.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/viet-nam-mua-than-cua-trung-cong-voi-gia-cao-gap-3-lan-mua-cua-quoc-gia-khac/

 

Điểm tin trong nước sáng 14/8: Về từ Đà Nẵng

không khai báo y tế sẽ bị xem xét xử lý hình sự;

Thêm 120.000 lao động TP.HCM sẽ mất việc vì đại dịch

Tâm Tuệ

Mục điểm tin trong nước sáng thứ Sáu (14/8) của DKN xin gửi đến quý độc giả những nội dung sau:

1 ca tử vong, 6 ca nhiễm mới

Tin cập nhật lúc 6h ngày 14/8 từ Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca nhiễm và 1 ca tử vong virus Vũ Hán mới. Trong đó, với 6 trường hợp nhiễm thì có 3 ca tiếp xúc với bệnh nhân 867 tại Hải Dương và 3 ca tại Quảng Nam.

Ca tử vong là bệnh nhân số 585 nữ, 61 tuổi, địa chỉ huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Đây là ca tử vong thứ 21 tại Việt Nam từ khi dịch xảy ra.

Như vậy tính đến thời điểm sáng nay (14/8), Việt Nam đã ghi nhận 21 ca tử vong và 911 ca nhiễm bệnh.

Phó chủ tịch phường nhiễm covid-19, cách ly 36 công chức

Theo công bố chiều 13/8 của Bộ Y tế, phó chủ tịch phường Hoà An, quận Cẩm Lệ là “bệnh nhân 897”, 35 tuổi.

Chính quyền quận Cẩm Lệ sau đó đã đưa 36 cán bộ, công chức phường tiếp xúc gần với vị phó chủ tịch phường, đến khu cách ly tập trung. Các cán bộ, công chức này phải thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định. 5 người thân trong gia đình “bệnh nhân 897” được xác định là F1.

Về từ Đà Nẵng không khai báo y tế sẽ bị xem xét xử lý hình sự

Sau 14/8, người về từ Đà Nẵng (từ ngày 1-28/7), đang ở TP.HCM nhưng không khai báo y tế, không lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 sẽ bị xem xét xử lý hình sự.

Thông tin trên được ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 vào ngày 10/8, Thanh Niên đưa tin.

Theo HCDC, hiện còn khoảng 3.000 người ở 10 quận, huyện chưa được lấy mẫu. Trong số này, có không ít người từ chối hoặc không đến lấy mẫu theo hẹn.

Thêm 120.000 lao động TP.HCM sẽ mất việc vì đại dịch

Tháng 9 sẽ có khoảng 120.000 lao động của khoảng 4.000 doanh nghiệp tại TP.HCM tiếp tục bị cắt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thông tin được ông Lê Minh Tấn – giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM dự báo và cho biết, theo Tuổi trẻ.

Theo đó, nhóm lao động này chủ yếu là lao động thuộc các ngành du lịch, lưu trú, vận tải, ngành công nghiệp xây dựng, dệt may, da giày do các công ty rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất…

Trước đó, trong tháng 6 và 7 đã có khoảng 54.000 lao động của gần 2.000 doanh nghiệp bị cắt giảm, tháng 3-5 có khoảng 327.000 người lao động bị cắt giảm.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-14-8-ve-tu-da-nang-khong-khai-bao-y-te-se-bi-xem-xet-xu-ly-hinh-su-pho-chu-tich-phuong-nhiem-covid-19-cach-ly-36-cong-chuc.html

 

Điểm tin trong nước tối 14/8: Dự kiến

hết tháng 8 kiểm soát được dịch ở Đà Nẵng;

Xuất viện thêm 5 ca Covid-19

Hiểu Minh

Mục điểm tin trong nước tối thứ Sáu (14/8) của DKN xin gửi đến quý độc giả những nội dung sau:

Dự kiến hết tháng 8 kiểm soát được dịch ở Đà Nẵng

VnExpress đưa tin, Bộ Y tế đang phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng, dự kiến hết tháng 8 sẽ “kiểm soát được tình hình”.

Sáng 14/8, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo), Bộ Y tế nêu nhận định trên và cho biết đang phối hợp với địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng.

Ban chỉ đạo cho rằng Việt Nam chỉ có thể chiến thắng Covid-19 khi có thuốc đặc trị hoặc vacine đặc hiệu. Tiến độ nghiên cứu, sản xuất vacine trong nước đang được đẩy nhanh.

Người dân từ vùng dịch Quảng Trị, Hải Dương vào Thừa Thiên – Huế phải qua xét duyệt

Theo Thanh Niên, từ ngày 14/8, người dân về tỉnh Thừa Thiên – Huế từ vùng dịch Quảng Trị, Hải Dương phải đăng ký và được xét duyệt qua app; tất cả người, phương tiện đi qua địa phương này được kiểm soát chặt, đồng thời bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày.

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng yêu cầu các chốt kiểm soát y tế, dịch bệnh trên địa bàn H. Phong Điền, H. A Lưới (giáp Quảng Trị) tập trung thực hiện giám sát chặt chẽ, ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh; củng cố, hoàn thiện các chốt, tăng cường kiểm tra, áp dụng các biện pháp hạn chế người và phương tiện đi từ vùng dịch vào Thừa Thiên – Huế như đã làm tại H. Phú Lộc ở phía nam tỉnh.

Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các địa phương liên quan, nhất là H.Phong Điền yêu cầu các nhà hàng, quán ăn trên tuyến quốc lộ không tiếp nhận phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi đối với các xe khi chạy qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế được cấp phù hiệu cấm dừng, cấm đỗ (phù hiệu màu xanh).

Đối với các trường hợp vi phạm sẽ xử phạt hành chính hoặc thực hiện phong tỏa, cách ly có thu phí nhằm phòng tránh nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn.

Đà Nẵng xuất viện thêm 5 ca Covid-19

Báo Người lao động đưa tin, ngày 14/8, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Đà Nẵng đã làm thủ tục xuất viện cho 5 bệnh nhân mắc Covid-19. Những bệnh nhân này đã có 3 lần xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2.

Theo đó, 5 bệnh nhân được công bố chữa khỏi gồm: 613, 628, 642, 667, 687. Lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng cho biết sau khi ra viện, các bệnh nhân sẽ tiếp tục cách ly tại nơi cư trú, và được cơ quan y tế địa phương theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày theo quy định phòng chống dịch.

Hải Dương: Truy tìm người đến nhà hàng Thế giới bò tươi có 3 ca mắc Covid-19

Theo thông báo khẩn số 2 vào ngày 14/8 của Sở Y tế Hải Dương, ngày 11/8, cơ quan chức năng đã xác định ca mắc Covid-19 số 867 làm việc tại nhà hàng Thế giới bò tươi ở số 36 Ngô Quyền (TP Hải Dương). Đến ngày 13/8, phát hiện thêm 3 ca mắc Covid-19 số 906, 907, 908 cũng đang làm việc tại nhà hàng này.

Sở Y tế Hải Dương đề nghị ai đã từng đến nhà hàng Thế giới bò tươi từ ngày 10-7 đến 11-8 và những người từng đi trên 4 chuyến xe buýt từ TP. Hải Dương về huyện Thanh Hà (từ 6-7 giờ ngày 10/8 và 14 giờ ngày 3/8) và từ Thanh Hà đi TP. Hải Dương (14 giờ 45 ngày 11/8 và 7h30 phút ngày 4/8) phải liên hệ ngay với cơ quan y tế trên địa bàn.

Hiện UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định áp dụng tình trạng khẩn cấp trong phòng chống dịch COVID-19, thực hiện cách ly xã hội toàn thành phố Hải Dương trong thời gian 15 ngày (áp dụng từ ngày 14/8).

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-14-8-du-kien-het-thang-8-kiem-soat-duoc-dich-o-da-nang-xuat-vien-them-5-ca-covid-19.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.