Tin Biển Đông – 14/08/2020
Báo Trung Quốc: Đưa oanh tạc cơ đến Phú Lâm là để ‘ngăn chặn khiêu khích từ Mỹ’
Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói việc quân đội Trung Quốc triển khai máy bay ném bom H-6J mới đến đảo Phú Quốc ở Biển Đông, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền, là để “trấn áp và ngăn chặn các hoạt động quân sự khiêu khích của Mỹ trong khu vực”.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang về nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề Biển Đông với việc Washington tỏ ra cứng rắn hơn trong việc chống lại yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, đồng thời gia tăng sự hiện diện hải quân trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
“Với khả năng của vũ khí này, có thể bao gồm tên lửa đạn đạo chống hạm, sẽ đề ra mối răn đe to lớn đối với hàng không mẫu hạm Mỹ”, tờ báo nhà nước Trung Quốc nói hôm 13/8 sau khi báo chí quốc tế đưa tin và hình ảnh về động thái mới của Bắc Kinh một ngày trước.
Máy bay ném bom H-6J là một trong những vũ khí mới nhất của Trung Quốc và chỉ mới được tiết lộ vào tháng Bảy, Hoàn Cầu Thời Báo cho biết.
Tờ báo dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Nhậm Quốc Cường, trong cuộc họp báo thường kỳ hồi tháng 7 cho hay máy bay ném bom H-6J gần đây tham gia các cuộc tập trận chuyên sâu ở Biển Đông.
Hôm 12/8, truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin về việc Trung Quốc triển khai máy bay ném bom H-6J đến đảo Phú Lâm. Có ít nhất một chiếc H-6J đã được nhìn thấy hạ cánh xuống hòn đảo mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền song trên thực tế do Trung Quốc kiểm soát.
Hoa Kỳ và các nước phương Tây cáo buộc Trung Quốc “quân sự hoá” khu vực tranh chấp ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh luôn khẳng định việc xây dựng chỉ phục vụ cho nhu cầu dân sự.
Hồi cuối tháng Bảy, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper chỉ trích “thái độ xấu” gần đây của quân đội Trung Quốc làm gia tăng những lo ngại trên toàn khu vực.
Ông Esper chỉ đích danh Trung Quốc “thường xuyên không tôn trọng quyền của các nước khác.” Ông chỉ ra cuộc tập trận tấn công quy mô lớn gần đây của Trung Quốc mô phỏng cảnh chiếm một đảo của Đài Loan như là “một hành động gây bất ổn làm gia tăng một cách đáng kể nguy cơ tính toán sai lầm.”
Hồi 2015, Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ J-11B đến đảo Phú Lâm, và năm 2015 đưa máy bay ném bom H-6K tới đây.
Ngoài ra, quân đội Trung Quốc còn triển khai một loạt các vũ khí tối tân cho cả phòng không và chống hạm đến một số tiền đồn trên đảo như hệ thống phòng không HQ-9B và tên lửa chống hạm YJ-12.
Tuy nhiên, cả truyền thông Trung Quốc lẫn quốc tế đều cho rằng H-6J có “sức mạnh vượt trội”, với khả năng chống lại tàu của đối phương.
Tờ báo Trung Quốc nói quân đội Mỹ gần đây “khuấy động rắc rối trong khu vực” bằng các cuộc tập trận kép hàng không mẫu hạm vào tháng 7 và sử dụng máy bay trinh sát cỡ lớn trinh sát cận cảnh thường xuyên các vùng ven biển phía Nam Trung Quốc từ hướng Biển Đông trong vài tháng qua.
Hai nhóm tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ đã được điều tới Biển Đông hai lần trong tháng Bảy. Thời gian này, Hoa Kỳ tiến hành hai cuộc diễn tập quân sự cùng lúc ở hai vùng biển châu Á với sự tham gia của các đồng minh như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.
Hồi đầu tháng Tám, Mỹ và các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, lên tiếng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình và theo luật quốc tế.
Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng nói rằng Hoa Kỳ “tái khẳng định cam kết làm việc với ASEAN nhằm bảo đảm một khu vực dựa trên các luật lệ minh bạch và rõ ràng…”
Trước đó, Úc gửi tuyên bố chính thức lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ các yêu sách lãnh thổ và hàng hải của Bắc Kinh đối với Biển Đông, một động thái cho thấy nước này liên kết chặt chẽ hơn với Washington trong cuộc tranh cãi đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc về vùng biển.
Phát biểu hồi cuối tháng Bảy của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, Esper, có nội dung chỉ trích Trung Quốc về việc lấy đất lấp biển và tiếp tục tập trận xung quanh các thực thể tranh chấp trên biển, gọi những nỗ lực này “rõ ràng không phù hợp” với luật quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đồng thời thúc đẩy các nước khác trên toàn cầu giúp đứng lên chống thái độ của Trung Quốc.
Hiện Việt Nam chưa có phản ứng hay lên tiếng bình luận gì về thông tin động thái mới này của Trung Quốc. Nhưng trong một cuộc họp báo hồi tháng 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng “Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này (Hoàng Sa, Trường Sa) mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị”.
0 comments