Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 19/08/2020

Wednesday, August 19, 2020 7:29:00 PM // ,

 Đọc báo Pháp – 19/08/2020

Belarus: Khế ước xã hội tan vỡ, phụ nữ dẫn đầu phong trào phản kháng – Thụy My

Đàn áp đối lập và tuyên truyền không chỉ là công cụ giúp ông Loukachenko ngự trị lâu dài, mà còn nhờ bảo đảm được phần nào an ninh kinh tế và xã hội. Khế ước xã hội giữa nhà độc tài và dân chúng nay đã rạn vỡ. Phụ nữ vốn đứng ngoài chính trị, nay đóng vai trò trung tâm của phong trào phản kháng.

Belarus: Công nhân phải hy sinh nhiều khi đình công

Thông tín viên của La Croix tại Minsk nói về các khó khăn của công nhân Belarus khi đình công. Uy tín của tổng thống Alexandre Loukachenko đã bị sụp đổ trong giới công nhân vốn được chế độ ưu đãi, tuy nhiên lời kêu gọi đình công chỉ được hưởng ứng một cách chừng mực.

Ông Loukachenko sẽ phải nhớ mãi vụ bị bẽ mặt ở nhà máy chuyên sản xuất máy cày MZKT, bài diễn văn của ông bị cắt ngang bởi những tiếng hô « Cút đi ! ». Loukachenko yêu cầu các cận vệ và những người xung quanh tắt điện thoại di động, nhưng đã trễ, cảnh này được lan truyền rộng rãi trên Nexta, tờ báo đấu tranh trên mạng. Người đứng đầu một nghiệp đoàn độc lập nhận xét, điều duy nhất mà chính quyền lo sợ là công nhân nhà máy, vì họ có tổ chức tập thể.

Chế độ nay chuyển sang phản công : các giám đốc ra lệnh nếu không làm việc sẽ bị sa thải. Người công nhân một khi mất việc thì không nơi nào khác dám nhận. Đối với một số chức trách, còn bị cấm làm việc cho tư nhân trong vòng 5 năm. Nhiều người cấp quản lý có hợp đồng một năm, sẽ không được gia hạn nếu tham gia đình công. Quân đội và lực lượng đặc biệt của bộ Nội Vụ là những thành lũy cuối cùng của Loukachenko, theo Le Figaro.

Khế ước xã hội giữa chế độ độc tài và nhân dân Belarus tan vỡ

Le Figaro đăng bài phân tích của chuyên gia Anna Colin Lebedev: « Belarus : Làm thế nào mà khế ước giữa nhà độc tài và nhân dân đã tan vỡ ». Đàn áp đối lập và tuyên truyền không chỉ là công cụ giúp ông Loukachenko ngự trị lâu dài, mà còn nhờ bảo đảm được phần nào an ninh kinh tế và xã hội. Nhưng nay hợp đồng mặc nhiên này đã bị cắt ngang.

Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, khác với ba nước Baltic láng giềng, Belarus không có được bản sắc dân tộc rõ rệt vì chỉ có được một thời gian độc lập ngắn ngủi năm 1918, rồi lại bị Sa hoàng cai trị và sau đó là Liên bang Xô viết. Cũng như Ukraina, khi độc lập Belarus là một quốc gia đa sắc tộc và sử dụng hai thứ tiếng song song. Tiếng Belarus được giảng dạy trong nhà trường và dùng trong các văn bản, nhưng tổng thống phát biểu với quốc dân bằng tiếng Nga, và Nga cũng là thứ tiếng dùng để giao tiếp hàng ngày.

Lên nắm quyền từ năm 1994, Alexandre Loukachenko lập ra chế độ đàn áp. Các nhà đối lập bị bỏ tù hoặc phải đi lưu vong, án tử hình vẫn được duy trì. Tuy nhiên trong thập niên 90, khi Nga và các nước láng giềng rơi vào vòng xoáy tự do kinh tế hỗn loạn, người dân không còn phúc lợi xã hội và mất đi niềm tin vào tương lai, Belarus giữ lại một phần của mô hình Liên Xô cũ – coi trọng công nông – nhưng không ý thức hệ cộng sản.

« Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa » theo kiểu Belarus cho phép mở công ty tư nhân nhưng các kỹ nghệ và nông trang lớn do quốc doanh nắm giữ, duy trì các chế độ xã hội cho người dân. Tuy có những khuyết điểm như lệ thuộc vào Nga, cứng nhắc, tiền lương thấp, nhưng ổn định. Dù độc tài, nhưng Belarus vẫn mở cửa biên giới và không kiểm soát internet nghiêm ngặt như Trung Quốc.

Đối thủ nam giới bị cấm tranh cử, phụ nữ dẫn đầu phong trào phản kháng

Trong những năm gần đây, kinh tế sa sút dần, chính quyền bám vào mô hình cũ trong khi xã hội công dân tân tiến và có học thức, hướng ngoại. Đại dịch corona ập đến, ông Loukachenko từ chối phong tỏa làm cho người dân lo sợ và phẫn nộ, khiến họ nhớ lại Nhà nước từng nói dối trong thảm họa nguyên tử Tchernobyl năm 1986, mà Belarus là nạn nhân chính. Khế ước xã hội giữa nhà độc tài và dân chúng đã rạn nứt.

Đọc thêm: Sự chín chắn và lằn ranh đỏ của cách mạng Belarus

Phụ nữ vốn đứng ngoài chính trị, nay đóng vai trò trung tâm của phong trào phản kháng. Vì là phụ nữ, Svetlana Tikhanovskaia được chính quyền cho đăng ký tranh cử do không đánh giá cao. Vì là phụ nữ, bà được người dân ủng hộ, họ nhìn thấy mình ở một ứng cử viên ôn hòa, phi chính trị, xa lạ với giới cầm quyền. Thường được mô tả như một bà nội trợ, thực ra Tikhanovskaia là một trí thức trẻ năng động, là thông dịch viên.

Tuy nhiên theo Le Figaro, không nên coi đây là một cuộc cách mạng của nữ giới. Nếu đối lập được đại diện bằng ba khuôn mặt phụ nữ, thì đó là vì nam giới bị cấm tham gia tranh cử. Bản thân Tikhanovskaia cũng tuyên bố không có tham vọng chính trị, và sẽ rời quyền lực một khi có bầu cử tự do.

Liệu trừng phạt có thể làm chế độ Belarus nhượng bộ hay không ? La Croix đặt câu hỏi, khi hôm nay 27 nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu (EU)  họp tại Bruxelles bàn về hồ sơ này. Theo chuyên gia Alexandra Goujon, thì rất khó.

Tổng thống Belarus chưa bao giờ tìm cách xích lại gần EU, vì cái giá phải trả cho dân chủ và nhân quyền, theo ông ta là quá đắt. Kinh tế và đối ngoại của Belarus hoàn toàn hướng về Nga và các nước Liên Xô cũ, và mỗi khi cần đa dạng hóa đối tác, thì đó là các nước mới trỗi dậy chứ không phải EU. Ngược lại, mục tiêu của EU cũng không phải là cô lập Belarus, mà tài trợ cho những chương trình hỗ trợ xã hội công dân.

Sự thức tỉnh chậm chạp của nước Đức

Còn tại Tây Âu, Le Monde đề cập đến « Sự thức tỉnh chậm chạp về địa chính trị của nước Đức ». Thái độ của Donald Trump và Tập Cận Bình đã thúc đẩy bà Angela Merkel phải lao vào các vấn đề quốc tế.

Ngày mai đến dinh thự mùa hè Brégançon theo lời mời của tổng thống Pháp, bà Merkel sẽ bàn bạc với ông Emmanuel Macron về các hồ sơ Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Liban…Đức đang dần phải quan tâm hơn về địa chính trị, do quan hệ với Hoa Kỳ xuống cấp, Trung Quốc ngày càng hung hăng và cuộc khủng hoảng châu Âu liên quan đến đại dịch virus corona.

Việc tổng thống Donald Trump rút đi 11.900 quân là một cú sốc cho nước Đức, vốn từ 70 năm qua vẫn nhờ vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ. Trung Quốc là một cường quốc khác đã buộc Đức phải ra khỏi logic thương mại đơn thuần. Berlin vẫn im lặng khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông. Mãi đến một tháng sau, khi cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông bị dời lại một năm, Đức mới ngưng hiệp định dẫn độ với Trung Quốc. Một động thái cứng rắn nhưng trễ tràng : Canada, Anh, Úc, New Zealand đã ra tay trước đó.

Ngay từ năm 2013, tuần báo Anh The Economist đã nhận định : « Sau hai lần đưa châu Âu vào trận đại chiến, nhiều người Đức nghĩ rằng nghĩa vụ của đất nước là trở thành một nước Thụy Sĩ lớn : thịnh vượng về kinh tế, khiêm tốn về chính trị. Nhưng ngày nay, mối nguy cho châu Âu không phải là một sự lãnh đạo quá mạnh của Đức, mà là quá yếu ! »

Thay đổi có thể diễn ra sau sự ra đi của bà Angela Merkel, đại diện cuối của một thế hệ bước vào chính trường trong thời điểm tối hậu của chiến tranh lạnh. Trước hết, vì một số ứng viên cho chức chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) chủ trương một chính sách đối ngoại năng động hơn. Tiếp đến, đảng Xanh, có thể là đối tác của CDU-CSU trong liên minh cầm quyền tương lai, muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc. Cuối cùng, do sự chuyển biến của dư luận quần chúng Đức, nhất là lớp trẻ : 52% người Đức dưới 30 tuổi muốn nước Đức nhận lãnh trách nhiệm nhiều hơn trong các vấn đề quốc tế.

Joe Biden ngả sang tả để đoàn kết đảng Dân Chủ

Nhìn sang nước Mỹ, La Croix nhận định « Để đoàn kết trong đảng, Joe Biden phải ngả sang cánh tả ». Chương trình hành động của ông có những ý tưởng mang dấu ấn rất rõ của ông Bernie Sander.

Hồi tháng Hai, ông Joe Biden đề nghị tái chinh phục « linh hồn nước Mỹ ». Theo ông, nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump chỉ là một sự cố của lịch sử, một dấu ngoặc sẽ nhanh chóng khép lại để có thể tiếp bước người tiền nhiệm Obama. Trong khi các đối thủ kêu gọi những biện pháp cực đoan hơn, Biden chủ trương tiến dần từng bước một. Nhưng sáu tháng sau, chương trình hành động của ông sẽ được thông qua trong đại hội kỳ này tỏ ra tham vọng hơn là « nhiệm kỳ Obama thứ ba ».

Trên nhiều chủ đề quan trọng như biến đổi khí hậu hay kinh tế, Joe Biden đã « tả khuynh » rất rõ. Ông hiểu rằng nếu chỉ chống Trump, thì không đủ để chiến thắng vào tháng 11 tới. Từ tháng Năm, một nhóm « đặc nhiệm » đã được thành lập để tìm cách hòa giải các xu hướng khác nhau trên sáu chủ đề (tư pháp, kinh tế, y tế, nhập cư, khí hậu, giáo dục). Chẳng hạn nâng mức lương tối thiểu lên 15 đô la một giờ, từ nay đến năm 2026 ; hay ấn định giảm khí thải carbone của các nhà máy nhiệt điện vào năm 2035 thay vì 2050.

Nhà nghiên cứu Célia Belin nhận định phe Dân Chủ ngày nay thiên tả hơn trước, chủ yếu là do ảnh hưởng của thế hệ trẻ. Trung tâm của đảng thì ngả sang tả, nhưng Dân Chủ chiếm được Hạ Viện là nhờ các dân biểu ôn hòa đã giành được ghế của phe Cộng Hòa. Thế nên Joe Biden phải cố giữ thăng bằng giữa hai xu hướng khác nhau.

Quy định đeo khẩu trang ở nơi làm việc của Pháp và những vấn đề đặt ra

Trang nhất Le Monde hôm nay nói về « Giao thông : Đường sắt là trung tâm kế hoạch tái thúc đẩy ». Libération « Quay lại với vụ thảm sát » tại một nhà bảo sanh ở Kabul, Afghanistan cách đây ba tháng. La Croix nhận xét « Joe Biden hòa giải phe Dân Chủ ». Ở trang trong, Belarus, bầu cử Mỹ là các đề tài quốc tế được đề cập nhiều nhẩt.

Về lãnh vực xã hội Pháp, Le Figaro chạy tựa « Đối mặt với Covid-19, phải phổ cập việc đeo khẩu trang ». Tương tự với Les Echos « Đeo khẩu trang tại công ty : Pháp chọn biện pháp cứng rắn ». Quy định buộc phải mang khẩu trang ở nơi làm việc kể từ ngày 01/09/2020 là đề tài được tất cả các báo Paris chú ý bàn luận.

Libération dẫn lời bộ trưởng Lao Động Elisabeth Borne cho biết, trong số 60 ổ dịch được xác định, có 37 liên quan đến các công ty trong đó có 8 ổ dịch là lò sát sinh, 20 liên quan các lao động độc lập hay tự doanh. Le Figaro nhấn mạnh, khẩu trang là vũ khí quan trọng để tránh lây nhiễm, vì nhiều người mang virus không có triệu chứng. Điển hình là thành phố Iéna (Jena) của Đức có tỉ lệ lây nhiễm sụt giảm một cách ngoạn mục nhờ buộc đeo khẩu trang. Tuy nhiên cần phải bảo đảm việc cung ứng, và một số chính khách Pháp đòi hỏi phân phát khẩu trang miễn phí cho người dân.

La Croix trích ý kiến của ông Benoît Serre, phó chủ tịch Hiệp hội quốc gia các giám đốc nhân sự (ANDRH). Theo đó, các biện pháp mới nhằm phổ biến việc đeo khẩu trang, vì hầu hết các công ty đều sử dụng open space (văn phòng mở), hiếm khi có việc nhân viên ngồi một mình một phòng, chưa kể đến flex office (không có văn phòng dành riêng). Tuy không phản đối lý do vệ sinh, nhưng ông Serre cho rằng như vậy hoạt động còn rất lâu mới có thể trở lại bình thường. Le Figaro cho biết giới chủ và nghiệp đoàn mong muốn áp dụng quy định một cách linh hoạt.

Xã luận của Les Echos cho rằng khẩu trang là một ngoại lệ mới của Pháp. Tờ báo phê phán, quy định này làm cho làm việc tại nhà sẽ trở thành phổ biến một cách lâu dài, như một số đại công ty như Google ở Mỹ hay PSA ở Pháp đã đi bước trước. Cuộc cách mạng lặng lẽ này sẽ làm thay đổi tất cả, từ bàn ghế, cách bố trí nơi làm việc, tổ chức di chuyển, người quản lý phải học cách điều khiển từ xa. Nhiều người Pháp sẽ cần đến nhà ở thích hợp hơn để làm việc, đây là vấn đề khó giải quyết cho những ai lương thấp.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200819-belarus-kh%E1%BA%BF-%C6%B0%E1%BB%9Bc-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-tan-v%E1%BB%A1-ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-d%E1%BA%ABn-%C4%91%E1%BA%A7u-phong-tr%C3%A0o-ph%E1%BA%A3n-kh%C3%A1ng

 

Tin tổng hợp

(The Diplomat) – Hải Quân Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi đội tầu khu trục. 

Theo thông tin của National Interest, được The Diplomat cùng nhiều trang thông tin trích lại ngày 18/08/2020, Hải Quân Trung Quốc sẽ có 39 tầu khu trục trong vòng 5 năm nữa, thay vì 20 tầu hiện nay, gồm « 6 tầu khu trục Type 052C, 13 tầu Type 052 D và một tầu Type 055 ». Tham vọng Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại. Hiện tại, Trung Quốc có 360 tầu chiến các loại, nhiều hơn con số 297 của Hải Quân Mỹ. Từ nay đến năm 2025, tổng số tầu chiến của Trung Quốc có thể tăng thành 400 tầu và 3 tầu sân bay.

(Kyodo/Reuters) – Nhật yêu cầu Trung Quốc kiềm chế hoạt động quân sự quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 Bộ trưởng Quốc Phòng Taro Kono cho biết đã đề cập vấn đề này với đại sứ Trung Quốc trong cuộc họp ngày 18/08/2020 tại trụ sở của bộ Quốc Phòng Nhật Bản nhưng ông không nêu câu trả lời của phía Trung Quốc. Trước đó, bộ trưởng Quốc Phòng Kono từng cảnh báo: lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ buộc phải phản ứng nếu tầu của Trung Quốc tiếp tục thâm nhập và gia tăng hoạt động ở vùng biển quanh quần đảo do Tokyo quản lý, nhưng Bắc Kinh đòi chủ quyền.

(Yonhap/Reuters) – Hàn Quốc kêu gọi Trung Quốc đóng vai trò « xây dựng » trong việc nối lại đàm phán giữa hai miền Triều Tiên. 

Ngày 19/08/2020, khi tiếp đại sứ Trung Quốc tại Seoul, bộ trưởng bộ Thống Nhất Lee In Young nhấn mạnh đến việc hai nước cần phải hợp tác với Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19, hạt nhân Bắc Triều Tiên và quan hệ Trung-Hàn sẽ là chủ đề thảo luận trong chuyến thăm Hàn Quốc, dự kiến vào tuần này, của ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), trưởng ban Đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc.

(Reuters) – Đài Loan cáo buộc tin tặc Trung Quốc tấn công các cơ quan chính quyền. 

Theo Đài Bắc vào hôm nay, 19/08/2020, các nhóm tin tặc có liên hệ với chính quyền Trung Quốc đã tấn công vào ít nhất 10 cơ quan chính phủ và khoảng 6.000 tài khoản email của các quan chức chính quyền trong một cuộc “xâm nhập” để đánh cắp các dữ liệu quan trọng. Đài Loan đã kêu gọi dân chúng cảnh giác với cái mà các quan chức gọi là “sự xâm nhập khắp nơi” từ Trung Quốc, từ các chiến dịch truyền thông do Bắc Kinh hậu thuẫn cho đến tấn công mạng.

(AFP) – Cộng đồng quốc tế lên án vụ đảo chính ở Mali. 

Ngày 19/08/2020 vẫn không có tin tức về tổng thống Boubacar Keita, thủ tướng Boubou Cissé và nhiều quan chức dân sự và quân đội bị bắt trong vụ đảo chính ngày 18/08, bắt nguồn từ vụ binh biến ở thành phố Kati, cách Bamako 15 km. Cộng đồng quốc tế lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị thêm trầm trọng ở Mali, quốc gia vẫn bị khủng bố hoành hành.

(AFP) – Irak : Pháo nổ ở Bagdad đúng ngày thủ tướng đến Washington. 

Tối 18/08/2020, một quả roc-ket đã nhắm bắn sân bay Bagdad, nơi đồn trú của quân nhân Mỹ. Đây là đòn cảnh cáo mới của lực lượng thân Iran vào lúc thủ tướng Irak đi Mỹ, gặp tổng thống Donald Trump. Theo quân đội Irak, vụ bắn pháo lần thứ 14 trong vòng 15 ngày đã không gây thiệt hại về người và vật chất.

(AFP) – Indonesia : Động đất ở ngoài khơi đảo Sumatra. 

Hai vụ động đất mạnh dưới biển đã làm rung chuyển thành phố Bengakulu (ở bờ tây đảo Sumatra) ngày 19/08/2020. Dù chưa có thiệt hại về người và của được ghi nhận, nhưng hai vụ động đất đã khiến người dân hoảng sợ, chạy khỏi nhà.

(Reuters) – Trung Quốc : Một khu di sản thế giới bi đe dọa vì mưa lũ. 

Công trình Lạc Sơn Đại Phật, tạc trong đá, cao 71 mét, có từ 1.200 năm, và được xếp hạng di sản văn hóa UNESCO đang bị nước lũ từ sông Dương Tử đe dọa. Ngày 18/08/2020, chính quyền nâng cấp « báo động đỏ » mực nước sông Dương Tử có thể dâng cao 5 mét. Khoảng 100.000 dân quanh khu vực đã được sơ tán. Cảnh sát và nhiều tình nguyên viên liên tục dùng bao cát đắp đê ngăn dòng nước bùn tràn vào khu danh thắng này.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200819-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 19/8:

Ông Trump: Không nói chuyện

với Trung Quốc lúc này; Cố vấn của Biden:

Cần ít tập trung thay đổi Bắc Kinh

Lục Du

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Tư (19/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Ông Trump: Không nói chuyện với Trung Quốc lúc này

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba cho biết ông đã hoãn các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh, đồng thời nói thêm rằng hiện tại ông không muốn nói chuyện với chính quyền Trung Quốc, theo Reuters.

Khi được hỏi tại một sự kiện ở Yuma, Arizona rằng liệu ông có rút khỏi thỏa thuận thương mại với Trung Quốc hay không, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ cân nhắc.

Các đại diện của Hoa Kỳ và Trung Quốc đã lên kế hoạch thảo luận việc thực hiện thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 vào thứ Bảy (22/8), nhưng cuộc đàm phán này đã bị hủy bỏ.

Cố vấn của Biden: Cần ít tập trung thay đổi Bắc Kinh

Mỹ cần trở nên cạnh tranh hơn và từ bỏ cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” nếu họ muốn thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đồng minh để chống lại các thách thức từ Trung Quốc, cố vấn chính sách đối ngoại cho ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden nói, SCMP đưa tin tối thứ Ba.

Nói chuyện tại Viện Paulson trong tháng này, Ely Ratner, giám đốc nghiên cứu tại “Trung tâm An ninh mới” của Mỹ và là cố vấn của ông Biden, nói rằng Washington nên tập trung ít hơn vào việc buộc Bắc Kinh thay đổi và nhiều hơn vào việc trở thành “một Hoa Kỳ tự tin hơn ”

Ông Ratner cho biết hai nước không nên hướng tới Chiến tranh Lạnh, thay vào đó, sự cạnh tranh giữa Mỹ-Trung sẽ đem đến “một cuộc cạnh tranh khác biệt hơn nhiều”.

Mỹ bắt máy bay Venezuela chở vũ khí

Các nhân viên hải quan Mỹ đã chặn một máy bay phản lực tư nhân của Venezuela chuyên trở 82 khẩu súng, bao gồm một súng bắn tỉa cộng với 63.000 viên đạn. Vụ việc xảy ra tại bang Florida, nhà chức trách Mỹ cho biết hôm thứ Ba, AP đưa tin.

Hai phi công người Venezuela là Luis Alberto Patino và Gregori Mendez đã bị bắt hôm thứ Bảy, bị buộc tội buôn lậu lượng lớn tiền mặt và hàng hóa từ Mỹ, bên cạnh sở hữu vũ khí trái phép, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ cho biết trong một thông cáo báo chí. Máy bay và hàng hóa trái phép đã bị thu giữ. Hiện chưa rõ kho vũ khí này nhằm mục đích gì.

Tuyên bố từ phía Mỹ cho biết, chiếc máy bay phản lực Lear được đăng ký tại Venezuela, điểm đến trong kế hoạch bay của máy bay này là đảo St. Vincent và Grenadines ở vùng biển Caribê.

Tổng thống Lebanon bảo vệ nhóm khủng bố Hezbollah

Tổng thống Lebanon Michel Aoun nói rằng “không thể có chuyện” các vật liệu dễ cháy nổ ở cảng Beirut bốc cháy – dẫn đến vụ nổ kinh hoàng hồi đầu tháng – là do lực lượng khủng bố Hezbollah gây ra, theo Fox News.

Tổng thống Aoun, người bị cáo buộc là con rối của nhóm dân quân Hezbollah do Iran hậu thuẫn, đưa ra tuyên bố này với hãng truyền thông Ý Corriere della Sera hôm thứ Ba, trong khi trước đó nhóm Hezbollah đã phủ nhận liên quan tới vụ nổ hôm 4/8 ở cảng Beirut khiến hơn 200 người thiệt mạng và hơn 7000 người khác bị thương.

Nhiều quan chức Lebanon tin rằng 2.750 tấn vật liệu amoni nitrat lưu tại cảng Beirut theo cách nào đó đã bắt lửa và gây ra vụ nổ kinh hoàng. Một số quan chức an ninh nước này cho biết họ đã cảnh báo chính phủ Lebanon về nguy cơ gây cháy nổ lô vật liệu này nhiều tuần trước khi xảy ra thảm họa.

Belarus: Phe đối lập lập hội đồng, Lukashenko lên án

Phe đối lập chính trị ở Belarus đã thành lập một hội đồng vào thứ Ba. Phản ứng trước động thái này, Tổng thống Alexander Lukashenko nói rằng đây là một âm mưu lật đổ chính quyền, theo Reuters.

Bà Olga Kovalkova, đại diện của bà Tsikhanouskaya, người đã lưu vong sau khi không giành thắng lợi trước ông Lukashenko trong cuộc bầu cử tổng thống ít ngày trước, tại cuộc họp báo ra mắt hội đồng đối lập mới, cho biết bà mong muốn Tsikhanouskaya sẽ sớm quay trở lại Minsk để đóng vai trò là người bảo lãnh trong một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình.

Giành thắng lợi trước bà Tsikhanouskaya nhưng ông Lukashenko bị cáo buộc gian lận trong bầu cử và đang phải đối mặt với sự tức giận của công chúng. Ít ngày trước hàng chục ngàn người đã xuống đường yêu cầu vị tổng thống đã tại vị gần 30 năm phải từ chức.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-19-8-ong-trump-khong-noi-chuyen-voi-trung-quoc-luc-nay-co-van-cua-biden-can-it-tap-trung-thay-doi-bac-kinh.html

 

Điểm tin thế giới tối 19/8:

ĐCSTQ hậu thuẫn nhóm tin tặc tấn công

chính phủ Đài Loan;

Dương Khiết Trì dự định thăm Hàn Quốc

Hải Lam

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Tư (19/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

ĐCSTQ hậu thuẫn nhóm tin tặc tấn công chính phủ Đài Loan

Đài Loan hôm nay cho biết các nhóm tin tặc có liên quan đến Bắc Kinh đã tấn công ít nhất 10 cơ quan chính phủ và khoảng 6.000 tài khoản email của các quan chức trong một cuộc “xâm nhập” nhằm lấy cắp dữ liệu quan trọng, theo Reuters.

Liu Chia-zung, Phó Giám đốc Văn phòng Điều tra An ninh mạng của Cục Điều tra Đài Loan cho biết: “Các nhóm tin tặc Trung Quốc đã thâm nhập vào các cơ quan chính phủ và các nhà cung cấp dịch vụ thông tin của họ trong một thời gian dài”.

Ông nói thêm: “Họ nhắm đến việc thu thập các dữ liệu quan trọng của chính phủ. Một số dữ liệu có thể đã bị rò rỉ. Điều này đã gây ra mối đe dọa to lớn”.

Văn phòng của Liu cho biết các cuộc tấn công mạng bắt đầu từ đầu năm 2018 và họ không thể xác định được dữ liệu nào đã bị đánh cắp do các tin tặc đã xóa đi các dấu vết.

Ông Liu nhận định hai nhóm tin tặc có dính líu đến Bắc Kinh trong vụ việc là Blacktech và Taidoor.

Dương Khiết Trì dự định thăm Hàn Quốc

Seoul hôm nay cho biết nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì có kế hoạch đến Hàn Quốc trong tuần này để đàm phán với cố vấn an ninh quốc gia Suh Hoon, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động xấu đến việc trao đổi song phương và các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên bị đình trệ, theo Reuters.

Các quan chức Seoul cho biết, ông Dương sẽ đến thành phố cảng Busan vào ngày 21-22/8 tới. Kang Min-seok, phát ngôn viên Tổng thống Hàn Quốc cho biết, ông Suh Hoon sẽ gặp ông Dương vào ngày 22/8 để thảo luận về vấn đề Triều Tiên, việc hợp tác trong đại dịch Covid-19 và chuyến thăm trong tương lai của ông Tập Cận Bình.

“Cả hai bên đều đang nỗ lực để Chủ tịch Tập có thể đến thăm Seoul vào thời điểm thích hợp khi tình hình dịch Covid-19 ổn định và thúc đẩy các điều kiện đó”, ông Kang nói trong một cuộc họp báo.

Ngoài ra, ông Suh và ông Dương cũng sẽ thảo luận về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên ba bên trong đó có sự tham gia của Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật nói ‘đã sẵn sàng quay lại làm việc’

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay đã chia sẻ các phóng viên rằng ông đã sẵn sàng quay trở lại làm việc, hai ngày sau khi ông đến một bệnh viện ở Tokyo để kiểm tra sức khỏe, theo Reuters.

“Tôi đã trải qua một cuộc kiểm tra y tế để đảm bảo sức khỏe của tôi vẫn tốt. Giờ tôi đã sẵn sàng quay trở lại làm việc và nỗ lực hết sức mình”, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói với các phóng viên tại văn phòng thủ tướng.

Thủ tướng Abe hôm 17/8 tới bệnh viện Đại học Keio ở thủ đô Tokyo và rời đi sau 7 tiếng, làm dấy lên suy đoán về tình trạng sức khỏe của ông.

Trung Quốc: Nước lũ chạm chân tượng Phật khổng lồ, 100.000 người phải sơ tán

Lũ lụt trên thượng nguồn sông Trường Giang của Trung Quốc đã buộc các nhà chức trách phải sơ tán hơn 100.000 người hôm 18/8 và đe dọa một di sản thế giới 1.200 năm tuổi, theo Reuters.

Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin, lực lượng ứng phó khẩn cấp và các tình nguyện viên hôm nay phải dùng bao cát để bảo vệ bức tượng khổng lồ Lạc Sơn Đại Phật cao 71 mét ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, khi nước lũ lần đầu tiên dâng đến chân tượng kể từ năm 1949.

Tứ Xuyên, nơi có sông Trường Giang chảy qua, hôm 18/8 đã nâng ứng phó khẩn cấp lên mức cao nhất để đối phó với một đợt mưa xối xả mới.

Bộ Thủy lợi cho biết, dự án đập Tam Hiệp, một công trình thủy điện khổng lồ được thiết kế một phần nhằm chế ngự lũ lụt trên sông Trường Giang, sẽ chứng kiến lưu lượng tăng lên 74.000 mét khối mỗi giây vào ngày mai, mức cao nhất kể từ khi được xây dựng.

Mỹ – Trung tăng gấp đôi chuyến bay hai chiều

Reuters đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ hôm 18/8 cho biết, Mỹ và Trung Quốc cho phép các hãng hàng không tăng gấp đôi số chuyến bay thương mại hàng tuần giữa hai nước.

Theo đó, 4 hãng hàng không chở khách Trung Quốc đang vận hành các chuyến bay đến nước này tăng gấp đôi số chuyến bay, lên 8 chuyến khứ hồi hàng tuần. Trung Quốc cũng đồng ý cho các hãng bay Mỹ tăng gấp đôi số chuyến đến nước này.

Các hãng hàng không Mỹ đã dừng bay đến Trung Quốc sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 31/1 cấm gần như tất cả người không phải công dân Mỹ nhập cảnh nước này từ Trung Quốc.

Bộ Giao thông Mỹ cho biết chính phủ nước này hy vọng Trung Quốc sẽ khôi phục toàn bộ quyền bay của các hãng hàng không Mỹ theo thỏa thuận hàng không song phương. Thỏa thuận cho phép hai quốc gia khai thác hơn 100 chuyến bay mỗi tuần giữa hai nước.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-19-8-dcstq-hau-thuan-nhom-tin-tac-tan-cong-chinh-phu-dai-loan-duong-khiet-tri-du-dinh-tham-han-quoc.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.