Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 08/08/2020

Saturday, August 8, 2020 6:05:00 PM // ,

 Đọc báo Pháp – 08/08/2020

Tài liệu giải mật Hiroshima: Tokyo suýt lãnh quả bom nguyên tử thứ ba – Thụy My

Đúng 75 năm sau khi quả bom nguyên tử đầu tiên rơi xuống Hiroshima làm hàng trăm ngàn người chết, tuần báo L’Obs cho biết các tài liệu được giải mật của Mỹ và Nhật đã tiết lộ nhiều điều mới mẻ. 

Vì sao phải dùng đến bom nguyên tử đối với Nhật ?

Tại sao Hiroshima, một thành phố loại trung bình lại được chọn để làm mục tiêu của quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử ? Liệu có cần thả thêm quả bom thứ hai xuống Nagasaki để buộc Nhật phải đầu hàng hay không ? Phải chăng tổng thống Mỹ Truman trước hết muốn gây ấn tượng với Stalin ? Từ cuối Đệ nhị Thế chiến, những câu hỏi này luôn ám ảnh các nhà sử học và những người sống sót.

Cùng với nhịp độ giải mật của Washington và Tokyo, những câu trả lời bắt đầu hiện rõ. Mới đây, việc công bố các liên lạc mật của phía Nhật, mà tình báo Mỹ đã bắt sóng được trong suốt cuộc chiến nhờ chiến dịch mang mật danh « Magic », cũng như biên bản các cuộc họp với Nhật hoàng Hirohito vào mùa hè 1945 đã giúp vén lên bức màn bí mật cuối cùng về Hiroshima.

Các quan chức cao cấp Mỹ chưa bao giờ có ý định dùng vũ khí nguyên tử để chống lại Đức mà chỉ tấn công Nhật. Hai năm trước, khi nhà máy làm giàu uranium còn chưa hoạt động, chưa đủ nguyên liệu chế tạo bom, tướng Groves và ê-kíp của ông đã suy tính về mục tiêu tương lai : căn cứ hải quân lớn nhất của Nhật tại quần đảo Truk. Một sĩ quan đề nghị Tokyo nhưng bị bác vì quả bom phải nằm thật sâu dưới nước để địch không thể vớt được trong trường hợp nó không nổ, vả lại nếu người Nhật thu hồi thì cũng không đủ khả năng nghiên cứu như người Đức.

Hai năm sau, ngày 10/05/1945, ngay sau khi Đức đầu hàng và quả bom đầu tiên đã sẵn sàng, một ủy ban « xác định mục tiêu » đưa ra danh sách năm thành phố Nhật. Trước hết là cố đô Kyoto, sẽ tạo được tác động tâm lý mạnh nhất. Thứ nhì là Hiroshima, cảng công nghệ có kho vũ khí lớn ; Yokohama xếp thứ ba vì có phòng không mạnh, rồi đến Kokura và Niigata. Bộ trưởng Chiến Tranh Henry Stimson ban đầu rất hào hứng, nhưng một tuần sau lại lo sợ vũ khí nguyên tử sẽ làm Hoa Kỳ bị mang tiếng xấu « còn hơn cả Hitler ». Cùng với sự ủng hộ của tướng Marshall, Kyoto được loại khỏi danh sách và Hiroshima trở thành mục tiêu số 1.

Ngày 18/06, tổng thống Truman họp bộ tham mưu để vạch kế hoạch tấn công Nhật. Thời điểm được ấn định vào ngày 01/11/1945, với 766.000 GI đổ bộ lên đảo Cửu Châu (Kyushu). Số lượng binh sĩ tử trận được dự đoán trong trường hợp tốt nhất là khoảng 31.000 người, nhưng sau khi thế chiến kết thúc, người ta ước tính Mỹ phải thiệt hại từ vài trăm ngàn đến trên một triệu binh sĩ. Trong hồi ký, tổng thống Harry Truman cho rằng quả bom nguyên tử đã tránh cho 250.000 quân nhân Mỹ khỏi thiệt mạng. Dù vậy đi nữa, liệu có nên phá hủy hai thành phố với nhiều phụ nữ, trẻ em ? Liệu Nhật Bản có đang định giải giáp vô điều kiện ?

Tướng lãnh Nhật không muốn đầu hàng, kể cả sau Nagasaki !

Tranh cãi giảm xuống từ những năm 2000, sau khi chiến dịch « Magic » và bản dịch các tranh luận ở Hoàng cung tháng 8/1945 được giải mật. Người ta khám phá rằng đa số nhà lãnh đạo quân đội Nhật không hề muốn đầu hàng, kể cả sau khi Hiroshima đã bị hứng quả bom đầu tiên.

Ngày 26/07/1945, tổng thống Mỹ Truman, thủ tướng Anh Churchill và tổng bí thư Liên Xô Stalin họp ở Potsdam, Đức, đưa ra tối hậu thư cho Nhật, đe dọa « hủy diệt nhanh chóng và toàn bộ », nhưng không cho biết bằng phương tiện gì. Một số quan chức Nhật cảm nhận được nguy cơ, thúc giục chính phủ chấp nhận ngay để còn có được các điều kiện tốt nhất, nhưng Tokyo chần chừ. Đại sứ Nhật tại Matxcơva, ông Sato tức giận, sợ rằng « toàn bộ nước Nhật sẽ biến thành tro bụi ».

Hai tuần sau tối hậu thư, Hiroshima lãnh nhận ngọn lửa hạch tâm. Bộ máy chiến tranh Nhật họp lại trong bunker của Hoàng cung, lần này Nhật chấp nhận đầu hàng, nhưng với điều kiện Nhật hoàng vẫn là lãnh đạo. Washington từ chối. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn để ngỏ cánh cửa thương lượng, nhưng một cuộc nghe lén của « Magic » cho thấy phe quân sự Nhật vẫn quyết chiến, bất kể kết quả đàm phán.

Hôm sau, tổng thống Truman ra lệnh thả quả bom thứ hai mang tên « Fat Man ». Do thời tiết xấu, Kokura không còn là mục tiêu, mà thành phố cảng Nagasaki bị hủy diệt ngày 13/08/1945. Nhật hoàng lập tức họp các cố vấn. Do sợ một bộ phận quân đội sẽ lật đổ, ông quyết định chấp nhận mọi điều kiện của Mỹ và lần đầu tiên phát biểu với quốc dân trên đài phát thanh.

Tuyên bố của Nhật hoàng phát đi ngày 15/08, vừa đúng lúc để tránh một thảm họa mới. Trước đó một hôm, Truman đã quyết định nếu Nhật không đầu hàng toàn bộ, ông sẽ ra lệnh thả quả bom nguyên tử thứ ba, và mục tiêu lần này là Tokyo !

Đối đầu Mỹ-Trung sẽ còn đi xa hơn ?

Xung đột Mỹ-Trung tiếp tục là đề tài được báo Pháp chú ý. Tuần này đến lượt Le Point dành hồ sơ nhiều trang cho vấn đề này. Trang bìa của tờ báo là ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc mặt đối mặt, với hàng tựa « Họ sẽ đi đến đâu ? »Theo Le Point, trong cuộc so găng giữa hai cường quốc, châu Âu có thể được hưởng lợi với điều kiện phải biết đoàn kết.

Từ khi Trung Quốc trở thành cường quốc thuộc loại hàng đầu, ông Tập Cận Bình có thái độ ngày càng hung hăng. Đối mặt với ông Tập là tổng thống Mỹ Donald Trump, mà một trong những lý do khiến ông được bầu lên là tâm lý bất mãn vì hàng Trung Quốc làm nhiều công nhân Mỹ mất việc. Cuộc chiến thương mại rồi đến đại dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán càng khiến xung đột lên cao.

« Không thể có hòa bình nhưng cũng khó thể xảy ra chiến tranh », đó là nhận xét của triết gia Raymond Aron năm 1947 về chiến tranh lạnh, có thể áp dụng cho quan hệ Mỹ-Trung hiện nay. Cuộc đối đầu không chỉ về kinh tế, thương mại mà cả chính trị. Nhà nước độc đảng Trung Quốc muốn áp đặt ý thức hệ lên các giá trị dân chủ, ngay cả gu-lắc cũng tái sinh với các trại cải tạo giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ.

Trung Quốc từ đối tác thành đối thủ của EU

Châu Âu trong một thời gian dài không quan tâm những gì xảy ra tại Hoa lục, tự hài lòng qua việc buôn bán với « công xưởng thế giới ». Cách đây vài năm, Pháp, Đức, Anh vẫn còn tin rằng Trung Quốc với kinh tế thị trường sẽ trở nên dân chủ, nhưng thực tế Bắc Kinh từ chối mở cửa, ngày càng độc tài hơn. Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông, đe dọa Đài Loan, ngang nhiên vi phạm thỏa thuận với Anh về Hồng Kông khiến hình ảnh Bắc Kinh trở nên tồi tệ.

Từ đối tác, Trung Quốc trở thành « đối thủ có hệ thống » của EU. « Ngoại giao khẩu trang » rồi « ngoại giao chiến lang » khiến châu Âu thêm cảnh giác. Khi đại dịch hoành hành, được EU viện trợ 60 tấn trang thiết bị y tế thì Bắc Kinh yêu cầu kín tiếng, ngược lại khi đến lượt châu Âu bị con virus từ Vũ Hán tấn công, những chuyến hàng khẩu trang được tuyên truyền rầm rộ một cách thiếu liêm sỉ, dù đó là hàng xuất bán chứ chẳng phải cho không.

Trung Quốc còn chia rẽ EU : ưu tiên cho nơi này, trừng phạt nơi nọ. Le Point kết luận, các nước châu Âu cần đồng lòng bảo vệ lợi ích chung trước Bắc Kinh nếu không muốn đóng vai một con cờ trong cuộc chiến tranh lạnh mới. Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết, nếu Liên Hiệp Châu Âu (EU) không muốn bị chà đạp, thì phải biết cách làm cho người khác tôn trọng mình.

Bức tường Berlin sụp đổ, nhưng Stasi hồi sinh tại Hồng Kông

Về Hồng Kông, Le Point cho rằng Stasi đã được dựng dậy tại đặc khu. Sáng tinh mơ 08/07 những con đường còn vắng tanh, văn phòng an ninh quốc gia được khai trương tại Hồng Kông, với một ít nhà báo được chọn lọc kỹ càng để tránh người biểu tình kéo đến. Giám đốc Trịnh Nhạn Hùng (Zheng Yanxiong) nổi tiếng vì vụ đàn áp dân làng Ô Khảm ở Quảng Đông. Hai người phó là Lý Giang Chu (Li Jiangzhou) lâu nay phụ trách việc liên lạc giữa công an Trung Quốc và Hồng Kông, còn Tôn Thanh Dã (Sun Qingye) là quan chức tình báo.

Thực chất đây là một chi nhánh của an ninh Trung Quốc, có thể so sánh với cơ quan mật vụ Stasi của Đông Đức cũ. Cựu ngoại trưởng Anh Ernest Bevin năm 1949 gọi Hồng Kông là « Berlin của châu Á », nhưng nay lịch sử đảo ngược : đô thị này từ thế giới tự do rơi vào bàn tay độc tài, một tình huống chưa có xã hội nào gặp phải kể từ sau Đệ nhị Thế chiến.

Hôm 01/07 bất chấp cấm đoán và đe dọa, người dân vẫn biểu tình. Tuy nhiên trong số 370 người bị bắt chỉ có 10 người bị cáo buộc theo luật an ninh mới, và chỉ 1 trong 10 người này bị tạm giam. Theo luật sư, cảnh sát Hồng Kông vốn quen theo luật thừa hưởng từ thời Anh, không biết xử trí ra sao. Đến 06/07, chính quyền mới công bố các quy định cụ thể theo luật an ninh mới.

Ngày 29/07, mẻ lưới đầu tiên mới chụp xuống bốn sinh viên tuổi từ 16 đến 21 của nhóm Student Localism tuy nhóm này đã giải thể. Do nhóm không bạo động nên bị buộc « tội phạm về tư tưởng » với khung hình phạt đến chung thân, nhưng dường như thiếu chứng cứ nên trưởng nhóm Chung Hàn Lâm (Tony Chung Hon Lam) được tại ngoại hầu tra.

Anh cùng nhiều thành viên gần đây bị theo dõi sát sao. Tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai), chủ báo đối lập Apple Daily cho biết có một xe tải nhẹ giám sát thường xuyên đậu trước nhà ông. Bắc Kinh thưởng tiền cho một số nhà báo thiếu lương tâm cung cấp thông tin về Lê Trí Anh, còn Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) sau vụ đụng độ với một trong những kẻ theo dõi đã kêu gọi giúp đỡ để thuê một người bảo vệ.

Cuộc thanh trừng của Trung Quốc đã bắt đầu tại đặc khu

Chung Hàn Lâm có « vinh dự » trở thành nhà hoạt động đầu tiên bị bắt theo luật an ninh, do anh là một mục tiêu dễ tổn thương. Hầu như ở nước ngoài không ai biết đến, sinh viên 19 tuổi này đứng đầu một nhóm chỉ khoảng 50 người, và chủ trương độc lập chỉ được khoảng 10-20% người Hồng Kông ủng hộ. Tiếp đến 12 ứng cử viên dân chủ trong đó có Hoàng Chi Phong bị gạt khỏi danh sách cùng với 4 thành viên của một đảng đối lập. Nhưng chiến thắng vẫn chưa chắc đứng về phía chính quyền, nên cuộc bầu cử Nghị Viện bị dời lại sang năm 2021 với cớ dịch Covid.

Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan thú nhận bản thân ông cũng bất ngờ với bàn tay sắt của Bắc Kinh, quyền tự trị của Hồng Kông chỉ còn là ảo tưởng. Tại Văn phòng liên lạc, mỗi cố vấn phụ trách một lãnh vực, thực hiện các chỉ thị từ Bắc Kinh tuy trên lý thuyết chính quyền Hồng Kông vẫn điều hành. Giáo sư Cabestan nêu ra một nghịch lý là lãnh đạo các tỉnh ở Hoa lục có thể bảo vệ quyền lợi địa phương của mình tốt hơn chính quyền Hồng Kông.

Phía sau các đại diện của Bắc Kinh là một dự án đầy tham vọng : thay đổi xã hội Hồng Kông bằng giáo dục và tuyên truyền. Cuộc thanh trừng đã bắt đầu tại các trường đại học với việc sa thải hai ông Thiệu Gia Trăn (Shiu Kachun) và Đái Diệu Đình (Benny Tai), việc bắt giữ Chung Hàn Lâm là phát súng cảnh cáo cho những sinh viên bắt đầu tham gia đấu tranh từ năm 2019.

Đài Loan không phải là nước duy nhất bị Trung Quốc đe dọa

Liên quan đến một vùng đất khác đang chịu sức ép nặng nề của quân đội Trung Quốc là Đài Loan, ngoại trưởng Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) khi trả lời phỏng vấn tuần báo Pháp đã khẳng định « Đài Loan không phải là nước duy nhất trong tầm ngắm của Trung Quốc ».

Phản bác tuyên bố của ông Josep Borrell, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu « Trung Quốc không phải là mối đe dọa cho hòa bình thế giới », ông Ngô Chiêu Tiếp nhấn mạnh, nhìn từ châu Âu, Trung Quốc quá xa xôi, nhưng Đài Loan chỉ cách chưa đầy 200 km, cảm nhận rất rõ áp lực.

Từ đầu năm, không chỉ cho phi cơ và chiến hạm lượn lờ xung quanh hòn đảo mà Bắc Kinh còn lớn tiếng đe dọa sẽ sử dụng vũ lực. Nhật Bản cũng trong tình trạng báo động thường trực ở Biển Hoa Đông. Tại Biển Đông, việc Trung Quốc quân sự hóa khiến các nước Đông Nam Á phải cứng rắn hơn, chưa kể vụ đụng độ với Ấn Độ tại biên giới. Trong nước, Bắc Kinh đàn áp Tân Cương, Tây Tạng và bây giờ đến lượt Hồng Kông, hủy hoại mô hình dân chủ và Nhà nước pháp quyền tại đặc khu.

Về việc Trung Quốc tìm cách khống chế các tổ chức quốc tế mà điển hình là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hay Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Interpol, ngoại trưởng Đài Loan nhắc lại kinh nghiệm đau thương với Liên Hiệp Quốc. Khi cho Trung Quốc gia nhập năm 1971, nghị quyết 2758 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ghi rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đại diện duy nhất, còn đại diện của ông Tưởng Giới Thạch bị trục xuất. Hoàn toàn không nói đến Đài Loan. Bắc Kinh vịn vào đó để diễn dịch rằng Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200808-t%C3%A0i-li%E1%BB%87u-gi%E1%BA%A3i-m%E1%BA%ADt-hiroshima-tokyo-su%C3%BDt-l%C3%A3nh-qu%E1%BA%A3-bom-nguy%C3%AAn-t%E1%BB%AD-th%E1%BB%A9-ba

 

Tin tổng hợp

(AFP) - Trung Quốc kết án tử hình công dân Canada thứ tư vì ma túy. 

Công dân Canada Ye Jianhui ngày 07/08/2020 đã bị một tòa án ở Quảng Đông kết án tử hình vì « buôn bán và sản xuất ma túy », trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang xấu đi. Thứ Năm 06/08, một người mang quốc tịch Canada khác là Xu Weihong cũng đã lãnh án tử vì « sản xuất ma túy ». Như vậy, đã có bốn công dân Canada bị Trung Quốc kết án tử hình liên quan đến ma túy, hai người trước đó là Robert Lloyd Schellenberg (tháng 1/2019), Fan Wei (tháng 4/2019). Bên cạnh đó hai công dân Canada khác gồm một nhà cựu ngoại giao và một nhà tư vấn vẫn đang bị giam giữ tại Hoa lục từ tháng 12/2018, được cho là để trả đũa vụ bà Mạnh Vãn Châu của Hoa Vi bị Canada bắt.

(AFP) – Canada sẽ tăng thuế 3,6 tỉ đô la đối với hàng nhập từ Mỹ. 

Ngày 07/08/2020, phó thủ tướng Canada Chrystia Freeland thông báo biện pháp trên nhằm đáp trả quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tái áp đặt mức thuế 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Canada kể từ ngày 16/08. Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ cho tham vấn về một danh sách dài các sản phẩm Mỹ mà Canada sẽ tăng mức thuế nhập khẩu. Phó thủ tướng Canada nhấn mạnh không muốn làm tình hình thêm nghiêm trọng, những cũng không lùi bước trước Mỹ. Ngành công nghiệp nhôm mang lại 10.000 việc làm trực tiếp tại Canada.

(AFP) – Tai nạn máy bay ở Ấn Độ : Ít nhất 17 người chết và hơn 100 người bị thương. 

Trong số đó, có 15 người bị thương nặng. Vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Air India Express xảy ra hôm 07/08/2020. Máy bay trượt khỏi đường băng và bị gãy làm đôi sau khi hạ cánh xuống một sân bay ở miền nam đất nước khi trời đang mưa rất to. Theo hãng hàng không, chiếc máy bay gặp nạn là máy bay Boeing 737, chở 191 người, kể cả phi hành đoàn, bay từ Dubai đến Kozhikode, Ấn Độ.

(AFP) – Covid-19 : Liên minh vac-xin (GAVI) hợp tác với một hãng bào chế dược phẩm Ấn Độ. 

Ngày 07/08/2020, GAVI thông báo việc hợp tác lịch sử giữa GAVI, hãng dược phẩm Serum Institute of India và quỹ Bill & Melinda Gates là nhằm thúc đẩy công tác sản xuất các loại vac-xin « an toàn và hiệu quả » trong tương lai để ngừa virus corona và cung cấp cho các nước có thu nhập thấp và trung bình vào năm 2021. Các loại vac-xin tương lai ngừa Covid-19 sẽ được bán với giá tối đa 3 đô la/liều tại 92 nước.

(AFP) - Air France mở lại đường bay thẳng từ Bắc Kinh. 

Từ nay đến cuối tháng Tám, hãng hàng không Pháp sẽ khai thác chuyến bay Bắc Kinh-Paris đầu tiên kể từ khi các đường bay bị ngưng do đại dịch virus corona, theo các cơ quan hữu trách ngày 07/08/2020. Pháp là nước đầu tiên trong Liên Hiệp Châu Âu mở lại đường bay trực tiếp xuất phát từ Bắc Kinh, và như vậy Air France có một tuần ba chuyến đến Trung Quốc.

(AFP) – Cựu hoàng Tây Ban Nha Juan Carlos có thể sống lưu vong tại Abu Dhabi. 

Hôm 03/08/2020, vương triều Tây Ban Nha loan tin cựu hoàng ra đi vì nghi vấn tham nhũng nhưng không cho biết cụ thể cựu hoàng sẽ sống lưu vong tại đâu. Ngày 07/08, báo Tây Ban Nha ABC, thân triều đình, tiết lộ cựu hoàng Juan Carlos đã bí mật bay đến Abu Dhabi, thủ đô Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hôm 03/08.

(Reuters) - Thềm băng nguyên vẹn cuối cùng ở vùng Bắc cực của Canada bị sụp đổ. 

Các nhà nghiên cứu hôm 07/08/2020 loan báo thềm băng Bắc cực còn nguyên vẹn cuối cùng của Canada bị sụp đổ vào cuối tháng Bảy, mất đi trên 40% diện tích chỉ trong hai ngày. Thềm băng Milne nằm ở rìa đảo Ellesmere tại vùng đất thưa dân Nunavut ở miền bắc Canada, bị nhiệt độ không khí nóng hơn bình thường, gió mạnh ngoài khơi và dòng nước phía trước làm tan vỡ.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200808-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

 

Điểm tin thế giới sáng 8/8:

Trung Quốc không muốn ông Trump tái đắc cử;

Ấn Độ tăng cường triển khai tàu chiến đến Ấn Độ Dương

Quý Khải

Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (8/8) của DKN xin gửi tới bạn đọc phần tóm lược của những tin sau:

Trung Quốc không muốn ông Trump tái đắc cử

ĐCSTQ không muốn Tổng thống Donald Trump thắng cử vào tháng 11 tới, theo thông tin mới của tình báo Mỹ, theo The Epoch Times.

William Evanina, Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu: “Chúng tôi đánh giá Trung Quốc không muốn Tổng thống Trump – người mà Bắc Kinh coi là không thể đoán trước – tái đắc cử”.

ĐCSTQ đang nỗ lực để tác động đến cuộc bầu cử và các cuộc thảo luận chính sách, bao gồm việc gây áp lực lên các quan chức được bầu và các ứng viên lãnh đạo đảng có quan điểm đối lập với lợi ích của Trung Quốc.

Ấn Độ tăng cường triển khai tàu chiến đến Ấn Độ Dương

Hải quân Ấn Độ đã tăng cường triển khai nhiều tàu chiến đến khu vực Ấn Độ Dương kể từ khi căng thẳng biên giới với Trung Quốc bắt đầu, các quan chức chính phủ cho biết. Một số ước tính chỉ ra mức tăng là gần 25%, theo Timesnownews.

Các quan chức cho biết 100 ngày qua đã chứng kiến ​​Hải quân Ấn Độ hoạt động từ Ladakh (với máy bay giám sát P-8I) ở phía bắc đến Mauritius, 7.000 km về phía nam, và từ khu vực Biển Đỏ ở phía tây cho đến eo biển Malacca ở phía đông, một khoảng cách gần 8.000 km.

Hải quân Ấn Độ đã triển khai các tàu Triển khai Dựa trên Nhiệm vụ tại các địa điểm quan trọng tại Ấn Độ Dương để xây dựng chiến lược hàng hải toàn diện và ứng phó với các tình huống xuất hiện.

Vụ tai nạn máy bay tốc hành Air India hạ cánh ở Kerala, ít nhất 17 người thiệt mạng

Tai nạn máy bay Ấn Độ, ít nhất 17 người thiệt mạng

Các quan chức cho biết ít nhất 17 người đã chết và hơn 100 người bị thương trong vụ hạ cánh trượt đường băng của một máy bay Air India Express chở 191 hành khách tại Kozhikode, Ấn Độ hôm thứ Sáu (7/8). Cả hai phi công cũng đã thiệt mạng, theo Live Mint.

Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ cho biết: “Một chuyến bay Dubai-Kozhikode Air India Express đã rơi xuống thung lũng sau khi hạ cánh xuống Đường băng số 10 của Sân bay Karipur và bị vỡ làm hai mảnh”.

Cơ quan này cho biết chiếc máy bay mang số hiệu Air India Flight IX-1344 “đã trượt khi hạ cánh xuống sân bay Karipur vào khoảng 7:45 tối. ngày hôm nay”, nói thêm rằng họ sẽ tiếp tục điều tra vấn đề.

Tổng tư lệnh quân đội Ấn Độ yêu cầu các chỉ huy quân sự hàng đầu chuẩn bị cho tình huống xấu nhất

Tổng tư lệnh Lục quân Ấn Độ Manoj Mukund Naravane đã yêu cầu các chỉ huy quân sự hàng đầu ở khu vực miền Trung và miền Đông chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra và duy trì tình trạng sẵn sàng hoạt động cao nhất, hãng tin ANI trích dẫn các nguồn tin giấu tên hôm thứ Sáu cho hay, theo Live Mint.

Naravane cho biết điều này sau chuyến thăm đến trụ sở Bộ Tư lệnh và Miền Đông hôm thứ Năm và thứ Sáu. Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng và việc điều động quân đội của Ấn Độ và Trung Quốc dọc tuyến Đường Kiểm soát Thực tế – tuyến đường biên giới chưa phân định giữa hai bên.

30 doanh nghiệp Nhật Bản được trợ cấp rời Trung Quốc để chuyển sang khu vực Đông Nam Á

Nhật Bản có 30 công ty đã nhận trợ cấp chính phủ để chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á. 30 công ty này đã nhận được tổng cộng 12 tỷ yên (khoảng 113 triệu USD) tiền trợ cấp, theo Epoch Times.

Hãng tin Bloomberg ngày 7/8 đưa tin, sau sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán, chính phủ Nhật đã sớm thông báo họ sẽ chi tổng cộng 2,2 tỷ USD để giúp các công ty trong nước rút khỏi Trung Quốc và quay trở lại Nhật Bản, đồng thời chi 220 triệu USD để giúp những doanh nghiệp Nhật rời Trung Quốc và chuyển hoạt động sang các nước khác.

Tính đến tháng 7, đợt trợ cấp đầu tiên đã được ban hành, tổng trị giá 70 tỷ yên (tương đương 653 triệu USD), mang lại lợi ích cho 87 công ty, bao gồm cả 30 công ty đã đến Đông Nam Á.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-8-8-trung-quoc-khong-muon-ong-trump-tai-dac-cu-an-do-tang-cuong-trien-khai-tau-chien-den-an-do-duong.html

 

Điểm tin thế giới tối 8/8:

Ông Trump nói Trung Quốc mơ sẽ làm chủ đất nước chúng ta

Hải Lam

Mục Điểm tin thế giới tối thứ Bảy (8/8) của DKN xin gửi tới bạn đọc những tin sau:

Ông Trump: Trung Quốc mơ sẽ làm chủ đất nước chúng ta

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Sáu (7/8) nói rằng Trung Quốc sẽ “rất muốn” có một cuộc bầu cử tại đó ông thua ứng viên tổng thống đảng Dân chủ “buồn ngủ” Joe Biden.

NDTV trích lời Tổng thống Trump trao đổi với các phóng viên ở bang New Jersey rằng: “Trung Quốc rất muốn chúng ta có một cuộc bầu cử mà Donald Trump sẽ thua Joe Biden buồn ngủ. Họ mơ họ sẽ làm chủ đất nước chúng ta. Nếu Joe Biden làm tổng thống, Trung Quốc sẽ cai trị đất nước chúng ta”.

Ông Trump cũng nói rằng Iran cũng sẽ “rất thích” khi chứng kiến ​​ông thua trong cuộc bầu cử vào tháng 11, và cho biết nếu ông thắng, ông sẽ “thực hiện các thỏa thuận với Iran và Triều Tiên rất nhanh chóng”. Ông cho rằng nếu ông không thắng cử Tổng thống hồi năm 2016, nước Mỹ đã lâm vào tình trạng chiến tranh với Bắc Triều Tiên rồi.

Bàn về việc can thiệp vào bầu cử Mỹ, Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn.

Ông nói: “Mọi người có nghĩ Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn không? Tôi nghĩ có thể đúng là như vậy. Chúng tôi sẽ theo dõi họ rất chặt chẽ. Rủi ro lớn nhất mà chúng ta đang gặp phải là những lá phiếu gửi qua thư vì khi đó, các thế lực nước ngoài, ví như Nga, Trung Quốc, Iran hay Triều Tiên, sẽ dễ dàng làm giả các lá phiếu hơn rất nhiều”.

Mỹ viện trợ cho Lebanon hơn 17 triệu USD sau vụ nổ

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 7/8 thông báo trên Twitter rằng Hoa Kỳ đã cam kết viện trợ hơn 17 triệu USD cho Lebanon để giúp quốc gia này hồi phục sau vụ nổ hôm 4/8 khiến ít nhất 154 người chết và 5.000 người bị thương.

Trước đó, Tổng thống Trump trong cuộc điện đàm với Tổng thống Lebanon Michel Aoun cho biết 3 máy bay lớn của Mỹ chất đầy thực phẩm, thiết bị y tế và nước đang trên đường đến Beirut. Mỹ cũng gửi các nhân viên y tế đến để hỗ trợ.

Sau khi vụ nổ phá hủy kho chứa chứa ngũ cốc lớn nhất của Lebanon, các cơ quan của Liên Hợp Quốc đã viện trợ khẩn cấp thực phẩm và y tế. Các quốc gia Ả Rập, phương Tây cũng hướng về Lebanon với các đề nghị được hỗ trợ.

Trong khi nguyên nhân của vụ nổ vẫn chưa được xác định, Tổng thống Lebanon Michel Aoun không loại trừ khả năng đây là một cuộc tấn công.

Cập nhật vụ tai nạn máy bay Ấn Độ

Số người thiệt mạng khi chiếc máy bay của hãng Air India Express chở 190 người trượt đường băng và vỡ đôi vào tối ngày 7/8 đã tăng lên 18, trong khi 16 người bị thương nặng, Reuters dẫn tin từ một quan chức chính phủ cấp cao hôm nay cho biết.

Chiếc máy bay B737 của hãng hàng không Air India Express thực hiện chuyến bay sơ tán công dân từ Dubai đến Calicut đã chạy vượt quá đường băng khi hạ cánh xuống sân bay thành phố Calicut vào tối 7/8, trong điều kiện thời tiết xấu do mưa lớn. Máy bay đã rơi xuống một bờ vực từ độ cao gần 10 mét và gãy làm đôi. Phần lớn hành khách bay từ nước ngoài trở về nước để tránh dịch Covid-19.

Trung Quốc: Thêm 1 ca tử vong vì dịch hạch

Tờ Nhân Dân Nhật Báo của chính quyền Trung Quốc hôm nay dẫn thông báo của ủy ban y tế thành phố Ba Ngạn Náo Nhĩ (Bayan Nur) xác nhận rằng một bệnh nhân chết vì suy đa tạng sau khi nhiễm dịch hạch. Đây là trường hợp tử vong thứ hai do dịch hạch ở khu vực Nội Mông trong tháng này.

Các quan chức thành phố Ba Ngạn Náo Nhĩ đã phong tỏa khu vực bệnh nhân tử vong và cách ly 7 người tiếp xúc gần. Những người tiếp xúc gần hiện cho kết quả âm tính và đang dùng thuốc phòng ngừa.

Ủy ban y tế đã ban hành cảnh báo cấp độ thứ ba trong hệ thống 4 cấp độ, có hiệu lực từ ngày 7/8 đến cuối năm 2020 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trước đó, chính quyền thành phố Bao Đầu, giáp Ba Ngạn Náo Nhĩ, hôm 6/8 báo cáo một bệnh nhân mắc “bệnh dịch hạch đường ruột” đã qua đời vì suy hệ tuần hoàn.

Trung Quốc phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ đối với trưởng đặc khu Hồng Kông

Chính quyền Trung Quốc hôm nay đã chỉ trích Hoa Kỳ vì áp đặt các biện pháp trừng phạt lên trưởng đặc khu Hồng Kông cùng 10 quan chức khác.

Theo Hong Kong Free Press, Văn phòng Liên lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông cho biết trong một tuyên bố rằng: “Ý định xấu của các chính trị gia Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ những người chống Trung Quốc và gây rối ở Hồng Kông đã hiển lộ”.

Động thái trên của Bắc Kinh nhằm đáp trả việc Bộ Tài chính Mỹ hôm 7/8 thông báo áp lệnh trừng phạt trưởng đặc khu Carrie Lam cùng 10 quan chức Hồng Kông và Trung Quốc đại lục vì đã làm suy yếu nền tự trị của thành phố này.

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-toi-8-8-ong-trump-noi-trung-quoc-mo-se-lam-chu-dat-nuoc-chung-ta.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.