Bản tin ngày 10-8-2020
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số yêu cầu các website bán bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền phải gỡ bỏ sản phẩm vi phạm, trang An Ninh Thủ Đô đưa tin. Cơ quan này cho biết, họ vừa nhận được Công văn số 2516/BTTTT-TTĐN của Bộ Thông tin và Truyền thông “phản ánh một số website, ứng dụng TMĐT đang bán các sản phẩm có dán bản đồ Việt Nam thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia”.
Cụ thể, “thời gian qua, nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ của cá nhân, thương nhân có dán hình ảnh bản đồ Việt Nam trên kính xe, thân xe và khung biển số xe nhưng thiếu quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”.
Báo Tiền Phong đưa tin: Bộ trưởng Y tế Mỹ thăm Đài Loan, Trung Quốc phái máy bay chiến đấu áp sát đảo. Hôm nay, Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar đã đi gặp lãnh đạo Đài Loan, trong chuyến công du dài 3 ngày bắt đầu từ hôm qua 9/8. Lập tức, các máy bay chiến đấu TQ vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan và đã bị lực lượng Đài Loan “xua đuổi”, cơ quan quốc phòng Đài Loan thông báo.
Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Lính dù Mỹ có thể đổ bộ các đảo Trung Quốc chiếm trái phép? Theo bài phân tích trên tạp chí Forbes, Quân đội Mỹ có thể tái chiếm các đảo nhân tạo phi pháp của TQ nếu xảy ra chiến tranh trên Biển Đông, bằng cách thả lính dù hoặc đổ bộ thủy quân lục chiến, chiếm đóng các tiền đồn của Trung Quốc.
Bài báo nhắc lại sự kiện hồi tháng 7 năm nay, 350 lính dù thuộc Sư đoàn bộ binh 25 của Lục quân Mỹ “đã bay trên các vận tải cơ C-17 từ Alaska đến Guam và luyện tập đổ bộ đánh chiếm một sân bay mô phỏng của đối phương”.
Mời đọc thêm: Chương mới của quan hệ Mỹ – Trung đầy rẫy đối đầu? (VNN). – Đài Loan đuổi chiến cơ Trung Quốc Đại lục ngay trước giờ bà Thái Anh Văn gặp Bộ trưởng Mỹ (TQ). – Đài Loan xua đuổi máy bay chiến đấu Trung Quốc áp sát (Zing). – Thái Lan nêu quan điểm về vấn đề Biển Đông (TG&VN).
Công an muốn giành “mối” của Quân đội?
Trong phiên họp về Dự thảo Luật Biên phòng VN trình Thường vụ Quốc hội chiều nay, Trung tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an đề xuất Bộ Công an chủ trì bảo vệ an ninh khu vực biên giới, VnExpress đưa tin.
Thứ trưởng Nam nói: “Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, trong đó có bộ đội Biên phòng, các cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới”. Nói cách khác, Thứ trưởng Nam muốn Công an làm chủ, Quân đội làm phó?
Đáp lại, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Quốc phòng cho rằng, Hiến pháp và pháp luật liên quan đều giao Bộ Quốc phòng chủ trì, bảo đảm an ninh trật tự ở vùng biên giới, cửa khẩu: “Khi xin ý kiến thành viên Chính phủ, chúng tôi phát 26 phiếu thì 22 phiếu đồng ý quy định bộ đội Biên phòng chủ trì giữ gìn an ninh biên giới, cửa khẩu”.
Báo Thanh Niên viết: Tướng công an, quân đội tranh luận việc chủ trì an ninh ở cửa khẩu biên giới. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt thừa nhận, “cứ mỗi lần làm luật liên quan tới biên phòng và công an là có ý kiến qua lại nhau”. Ông Việt nói: “Ví dụ, xử lý vụ án tổng thể thì phải là Bộ Công an, còn điều tra ban đầu thì Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quan và một số lực lượng khác. Thẩm quyền xử lý ban đầu xong rồi phải chuyển cơ quan điều tra, xử lý”.
Vấn đề bảo vệ biên giới lãnh thổ trước giờ đều do Bộ Quốc phòng lo liệu, thông qua Bộ đội Biên phòng. Nay Bộ Công an cũng muốn dự phần, có phải vì “động lòng” với những nguồn lợi rất lớn qua lại biên giới mỗi ngày? Sự kiện một Thứ trưởng Công an “đấu khẩu” với một Thứ trưởng Quốc phòng như thế, cho thấy lực lượng công an ngày càng trở thành “kiêu binh”.
Mời đọc thêm: Hai thứ trưởng Công an, Quốc phòng tranh luận về quản lý an ninh biên giới (VNN). – Luật Biên phòng Việt Nam: Rõ trách nhiệm để tránh “công anh, công tôi” (VOV). – Không có sự chồng chéo giữa Bộ đội Biên phòng với các lực lượng trên cùng địa bàn (QĐND).
Các vụ xuất nhập cảnh trái phép
Một nhóm người TQ nhập cảnh trái phép vào VN, đi “du lịch” xuyên suốt chiều dài đất nước rồi mới bị phát hiện: Nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, đi qua nhiều tỉnh, theo VietNamNet. Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, Phòng ANĐT cùng với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh làm việc với 3 người TQ là Liu Feng, Liu Wu và Dong Chao Jiang, đến từ tỉnh Hồ Nam, TQ.
Nhóm người TQ khai nhận, họ đã nhập cảnh trái phép vào VN theo đường tiểu ngạch, qua khu vực biên giới thuộc tỉnh Lào Cai, phía Bắc. Đến ngày 23/7, 3 người TQ này đã cùng 3 người VN là Lò Thị Păn, Võ Thị Thanh Thúy và Sơn Thị Hoàng Nhi “thuê ô tô đi từ Tây Ninh xuống Bạc Liêu để tham quan, du lịch”. Bài báo không nói rõ 3 tay TQ này đã di chuyển bằng cách nào để từ khu vực phía Bắc vào tận miền cực Nam của VN.
Công an tỉnh Lào Cai đã khởi tố 2 đối tượng đưa 44 công dân Trung Quốc vượt biên vào Việt Nam, báo Công Lý đưa tin. Hai bị can là Phùng Thế Anh và Vàng Seo Xoá bị khởi tố vì đã tổ chức 5 lần vượt biên từ ngày 6 đến 15/7, với 9 lượt phương tiện ô tô, đưa tổng cộng 44 công dân TQ nhập cảnh trái phép vào VN qua khu vực biên giới phía Bắc, sau đó tiếp tục di chuyển vào tận Sài Gòn, với tổng tiền công là 71.000 Nhân dân tệ.
Mời đọc thêm: Bạc Liêu phát hiện 3 phụ nữ tiếp tay 3 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép (NLĐ). – 3 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép theo đường tiểu ngạch rồi đến Bạc Liêu tham quan du lịch (SS). – Bắt khẩn cấp 2 đối tượng tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép (BP). – Bắt xe từ Nghệ An vào Quảng Trị để xuất cảnh trái phép sang Lào giữa mùa dịch (GĐ&XH). – Quảng Trị: Một ngày bắt 2 vụ xuất, nhập cảnh trái phép (TQ). – An Giang: Bắt đối tượng đưa người xuất nhập cảnh trái phép với giá ‘bèo’ (ĐĐK).
Vụ án Đường “Nhuệ” – Xã hội đen và “xã hội đỏ”
Hôm nay, VKSND tỉnh Thái Bình đã hoàn thành cáo trạng truy tố vợ Đường “Nhuệ” cùng 4 cựu cán bộ ở Thái Bình cấu kết thao túng đấu giá đất, báo Người Lao Động đưa tin. Bà Nguyễn Thị Dương, tức vợ Đường “Nhuệ”, bị truy tố cùng 4 cán bộ đồng phạm là Phạm Văn Hiệp, GĐ Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình; Vũ Gia Thành, Đấu giá viên của trung tâm trên; Trịnh Thị Minh Thúy, Trưởng phòng Quản lý và phát triển quỹ đất thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên; Hà Văn Dũng, viên chức Trung tâm phát triển quỹ đất.
Dương và 4 viên chức nói trên đều bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo nội dung cáo trạng, khi đấu giá lô đất số 09 thuộc khu dân cư phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình, Dương đã đến Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình nhằm thay đổi kết quả đấu giá. Sau khi thỏa thuận, Đường “Nhuệ “ đã dùng vũ lực để ép người đấu giá trúng lô đất trên phải từ bỏ kết quả trúng đấu giá. Còn nhóm cán bộ giúp hợp thức hóa chuyện thay đổi kết quả đấu giá.
Báo Đất Việt có bài: Cán bộ đấu giá giúp Đường nhuệ không nhận phạm tội. Tin cho biết, để thay đổi kết quả vụ đấu giá trên, Dương đã nhờ Phạm Văn Hiệp đến nói với Vũ Gia Thành: “Anh đồng ý đổi tên người trúng đấu giá từ Đ. sang bà Hạnh giúp chị Dương cũng là giúp gia đình em. Vì bà Hạnh là chỗ người nhà thân thiết với gia đình em”. Sau đó Hiệp đã công bố tên “bà Hạnh”, bạn của Dương là người đấu giá thắng lô đất trên.
Về một vụ án khác liên quan đến Đường “Nhuệ”, báo Pháp Luật VN thông báo: Sáng 18/8 sẽ xét xử bị cáo Nguyễn Xuân Đường trong vụ đánh người tại trụ sở công an phường. Công an tỉnh Thái Bình cho biết, vụ án xuất phát từ chuyện bà Nguyễn Thị Thanh Giang nhờ Đường “Nhuệ” đòi giúp số tiền đã đưa cho bà Đinh Thị Lý.
Bà Lý đã đưa vụ việc ra Công an phường Trần Lãm, TP Thái Bình nhưng “trong lúc ngồi chờ giải quyết tại phòng tiếp dân của Công an phường Trần Lãm, bà và con trai là anh Mai Thế Duy đã bị Nguyễn Xuân Đường đánh gây thương tích 15%”. Vụ án này rõ ràng có dấu hiệu công an bắt tay với Đường “Nhuệ”, khi nó diễn ra ở ngay trụ sở Công an phường Trần Lãm, nhưng Đường “Nhuệ” vẫn có thể ngang nhiên ra tay như chốn không người.
Mời đọc thêm: Truy tố 4 cán bộ ở Thái Bình tiếp tay cho vợ Đường ‘Nhuệ’ thao túng đấu giá đất (VTC). – Truy tố vợ Đường “Nhuệ” cùng 4 bị can trong vụ “thâu tóm” đấu giá đất ở Thái Bình (KTĐT). – Truy tố vợ Đường ‘Nhuệ’ và 4 cán bộ vụ đấu giá đất (CL). – Nguyễn Xuân Đường thừa nhận hành vi phạm tội, gửi lời xin lỗi các nạn nhân (VOV).
Trang Tiếng Dân lại lên sóng
Mục “chống diễn biến hòa bình” của báo Quân đội Nhân dân hôm nay có bài: Những luận điệu “trấn áp, bắt bớ trước đại hội đảng” là vu khống, bịa đặt. Như thường lệ, báo QĐND tiếp tục đóng vai hành pháp lẫn tư pháp, khi đứng về phía cơ quan công quyền, biện minh cho những vụ bắt bớ nhân danh pháp luật, đã bị các “thế lực thù địch” lên tiếng phản đối, rồi cũng chính báo này kết tội những người bị bắt.
Lần này báo QĐND biện minh vụ công an bắt giữ bà Cấn Thị Thêu cùng hai con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và bà Nguyễn Thị Tâm, cho rằng vụ bắt giữ là đúng pháp luật, khi mượn miệng luật sư Hoàng Duy Hùng ở Mỹ và một “Việt kiều yêu nước” tên Phong Nguyễn trên kênh “Nửa vòng trái đất TV”, để lên án các “thế lực thù địch” xuyên tạc vụ bắt bớ này.
Ngoài ra, báo QĐND cũng không quên điểm danh trang Tiếng Dân: “Cùng giọng điệu ấy trên trang ‘Tiếng dân’ ngày 13-7 cũng lu loa lên rằng: ‘Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, một bầu không khí ngột ngạt lan khắp cả nước…’. Những luận điệu vu khống bịa đặt ấy rõ ràng là không mới lạ, nhưng lại rất thâm độc. Sự vu khống, bịa đặt cứ lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác…“.
Tiếc là báo QĐND không dẫn link bài viết trên trang Tiếng Dân, để độc giả thẩm định nội dung bài này “vu khống, bịa đặt” ra sao, liệu có đáng tin hay không. Đó chính là bài của tác giả Lê Văn Đoành, cây bút độc quyền của Tiếng Dân: Đại hội XIII, dự báo “đẫm máu” ở cung đình?
Không chỉ báo Quân đội Nhân dân, mà các tờ báo của đảng như Nhân Dân, Công An Nhân Dân… cùng hè nhau đánh hội đồng trang Tiếng Dân. Hồi tháng 5, mục “Chống diễn biến hòa bình” trên báo Công an Nhân dân có bài: “Lợi dụng vụ án Hồ Duy Hải để xuyên tạc”, cũng đã điểm danh trang Tiếng Dân cùng các trang “phản động” hải ngoại khác, “lợi dụng vào diễn biến xét xử giám đốc thẩm vụ án” để đăng các bài viết, phân tích theo hướng “suy diễn, xuyên tạc”.
Cũng trên báo Công an Nhân dân trong mục “Vấn đề hôm nay”, hồi tháng 3/2020, có bài: Fake news – Con bài của những đối tượng cầm đầu trong vụ Đồng Tâm đã điểm danh trang Tiếng Dân. Hay báo Bình Phước có bài: Đừng “tát nước theo mưa”, nói về Thư kêu gọi thả tù nhân lương tâm đăng trên trang Tiếng Dân ngày 14/4.
Các tờ báo này có đặc điểm chung là “đánh dưới thắt lưng” khi họ không dẫn bài để độc giả thẩm định nội dung, nhưng lại chặn tường lửa trang Tiếng Dân để người dân trong nước không đọc được. Chưa hết, khi bài đăng trên Facebook Tiếng Dân thì bị các dư luận viên “lề đảng”, cùng lực lượng 47 kéo vào report với Facebook, buộc xóa bài.
Hàng chục bài trên page Tiếng Dân đã bị chúng report, kết quả là trang Tiếng Dân bị chặn tương tác, ít người thấy bài nếu không vào Facebook Tiếng Dân. Nhưng chẳng có bức tường nào có thể ngăn chặn được sự thật. Dù bị chặn khốc liệt, nhưng nhiều người đọc cho biết, họ vẫn vượt qua được bức tường đó để đọc thông tin trên Tiếng Dân bằng nhiều cách khác nhau.
***
Thêm một số tin: Phiên phúc thẩm blogger Trương Duy Nhất dự kiến vào ngày 14/8 (RFA). – Ca sĩ Duy Mạnh bị Cục NTBD giám sát sau phát ngôn nhạy cảm (VNN). – Đình chỉ một bác sĩ và ba điều dưỡng bỏ mặc bệnh nhân đến cấp cứu (Tin Tức). – 1 quản lý thị trường bị tạm đình chỉ vì quan hệ bất chính (PLTP). – Thanh Hóa: Đang xét xử 5 cựu cán bộ “hô biến” lúa thành hoa ly (DS). – Hồ chứa thủy lợi với nguy cơ tiềm ẩn ‘quả bom nước’ trong mùa mưa bão (TTXVN).
0 comments