Người dân nơi tâm dịch Đà Nẵng đang ở trong những ngày tháng đầy căng thẳng khi số ca bệnh tăng lên mỗi ngày. Cuộc sống của họ cũng bị đảo lộn bởi chỉ thị cách ly xã hội.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày cuối cùng của tháng Bảy, một vài người dân Đà Nẵng bộc bạch rằng trong đợt bùng dịch lần này, họ lo lắng nhiều về kinh tế và kế sinh nhai.
Buổi sáng thứ Sáu trời mưa nhẹ, anh Nguyễn Hoàng lái xe từ quận Sơn Trà sang chợ hải sản Phú Lộc ở quận Thanh Khê mua một kí ghẹ. Những con ghẹ tươi, có con ôm cả bụng trứng, vừa được đánh bắt về.
"Chợ hải sản Phú Lộc sáng nay vẫn bán. Người bán đeo khẩu trang người mua cũng vậy. Chỉ một lối vào. Mình thấy ổn", anh nói ngắn gọn, miêu tả nhanh cuộc sống tại Đà Nẵng trong thời gian cách ly xã hội sau khi các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng mới được phát hiện.
Cũng trong buổi sáng này, Bộ Y tế Việt Nam công bố thêm 45 ca nhiễm mới tại Đà Nẵng. Nguy cơ lây lan trên diện rộng vẫn chưa dừng lại và các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn sự lây lan đang được triển khai.
Bị ảnh hưởng nhưng không hoảng loạn
Trong thời gian cách ly xã hội, anh Nguyễn Hoàng thay thói quen ra quán cà phê bằng việc tự pha cho mình một ly đen đá và leo lên sân thượng ngồi thư giãn.
"Hiện tại cuộc sống mình vẫn đang bình thường do có chuẩn bị trước. Gia đình hạn chế tối đa đi ra ngoài, con trẻ và người lớn đều ở nhà. Mỗi khi ra khỏi nhà vì công việc thì luôn đeo khẩu trang, thậm chí mắt kiếng, giữ khoảng cách khi tiếp xúc và không quên rửa tay. Nói chung là chấp hành các quy định của thành phố về giãn cách", anh Nguyễn Hoàng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.
"Khi nghe tin có thêm 45 ca mới vào sáng nay, thật tình mình cũng có chút lo lắng cho tình hình lây lan, nhưng khi đọc hết tin thấy đa số ca mới đều đã cách ly và tình hình được kiểm soát nên an tâm. Mình không hoang mang gì từ khi phát dịch đến giờ. Quan điểm là thực hiện theo chỉ dẫn và tuân thủ đúng quy định", anh nói.
Anh Hoàng làm việc ở sân bay Đà Nẵng, nơi đã ngưng mọi chuyến bay theo chỉ đạo chống dịch của chính phủ. "Hiện nay mình chỉ trực theo ca ở văn phòng. Rất may là hãng bay vẫn trả lương, đảm bảo cuộc sống cho nhân viên", anh nói.
Anh Trương Văn An ở quận Thanh Khê cũng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt những lo lắng khi đợt dịch mới bùng phát. "Lúc đầu chưa dám tin đó là sự thật, chờ kết quả xét nghiệm thêm lần 2, lần 3 mới tin. Sau đó thì mình thật sự lo lắng".
Khi thành phố thực hiện cách ly xã hội thì "tôi và hai con ở suốt trong nhà, vợ chỉ đi mua những gì cần thiết, luôn đeo khẩu trang và dùng nước sát khuẩn. Vì đây không phải là lần đầu dịch Covid-19 bùng phát nên bản thân và gia đình rất cẩn thận", anh An chia sẻ.
Bình thản đón nhận các thách thức mới, nhưng anh An cho biết thu nhập của cả hai vợ chồng anh đều giảm. "Thu nhập giảm, cuộc sống khó khăn hơn trước, nhưng với gia đình tôi thì vẫn còn ổn. Vẫn có thể 'trường kì kháng chiến' được", anh nói.
Cả anh Hoàng lẫn anh An đều nói rằng gia đình mình chỉ mua đồ đủ dùng, cũng có nhiều người mua tích trữ nhưng không nhiều. "Chưa thấy tình trạng khan hiếm hàng hóa. Các mặt hàng nhu yếu phẩm, giờ mua vẫn có", anh An nói.
'Lo kinh tế hơn lo dịch'
Nhà nằm trong khu phong tỏa nghiêm ngặt do nhà ở gần bệnh viện, doanh nhân Lê Vũ có cái nhìn cận cảnh về những tác động của cách ly xã hội lên đời sống.
"Vì đợt dịch trước đã bị giãn cách rồi nên tôi đón nhận tin khu vực mình ở bị phong tỏa cũng nhẹ nhàng. Hôm trước ngày bị phong tỏa, tôi đã chuẩn bị những công việc sẽ làm trong 15 ngày tới mà bình thường rất khó làm, đó là tưới cây và đọc cả chồng sách mua lâu rồi", anh chia sẻ với BBC News Tiếng Việt. "Mấy bé mới nghỉ hè, còn nhỏ nên không hiểu lắm mấy chuyện này, vẫn vui chơi. Tôi cho mấy bé đạp xe ở đường gần nhà ướt mồ hôi".
Là một người làm kinh doanh, anh Lê Vũ đặc biệt quan tâm tới những tác động của dịch bệnh và chính sách lên đời sống kinh tế.
"Dịch đợt này có vẻ căng thẳng hơn đợt trước. Tôi nghĩ người dân cần làm quen và sẽ thích nghi với chuyện này sớm thôi. Tôi không đồng ý cách chống dịch bằng các biện pháp phong tỏa cứng của nhà nước vì những ảnh hưởng tác động của nó lên mọi mặt đời sống xã hội và kinh tế là quá lớn", anh Lê Vũ chia sẻ.
Anh cũng bày tỏ băn khoăn về nguồn lực y tế khi tập trung ưu tiên "dập dịch" thì liệu có dẫn tới việc thiếu hụt nguồn lực cho các nhiệm vụ khác.
"Tôi không rõ bên trong hệ thống y tế như thế nào, nhưng thấy Đà Nẵng đang được Hà Nội và TP HCM chi viện rất nhiều nguồn lực. Tôi chỉ lo lắng là liệu sau phong tỏa, tình hình kinh tế sẽ như thế nào, có sớm trở lại như trước không và liệu khi nhà nước tung hết nguồn lực y tế của mình để chống dịch Covid-19 để có thành tích thì việc phòng ngừa, chữa trị những bệnh khác thì sao? Khi bình thường đã không đáp ứng đủ, với hai, ba người nằm chung một giường bệnh, liệu việc phân bố nguồn lực như vậy có công bằng chưa?", anh Lê Vũ nêu hàng loạt băn khoăn.
Là dân kinh doanh nên "bản thân tôi lo lắng về mặt kinh tế hơn dịch bệnh. Về dịch bệnh, mình đã phòng vệ đúng cách, nếu bị cũng chịu thôi. Còn về kinh tế, tôi làm doanh nghiệp nên lo lắng nhiều thứ như lương nhân viên, lãi vay... Mà có chắc 15 ngày sau mọi việc trở lại bình thường đâu", anh chia sẻ.
Anh Vũ nói rằng vì dịch bùng phát đột ngột và việc cách ly cũng được thực hiện ngay lập tức nên cuộc sống đảo lộn, kinh tế bị ảnh hưởng là điều đương nhiên. "Nhưng vì việc chung nên cũng đành phải chấp nhận thôi", anh nói.
Không khí thời chiến
Việt Nam ngày 31/7 ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong liên quan Covid-19 kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam vào cuối tháng 1/2020.
Để đối phó với tình hình dịch bệnh hiện nay, chính phủ Việt Nam đã triển khai hàng loạt biện pháp mạnh trên phạm vi toàn quốc và tại tâm dịch Đà Nẵng.
Một trong những động thái mới là việc Bộ Y tế thành lập Bộ chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trực tiếp phụ trách, quy tụ 65 cán bộ, chuyên gia y tế hàng đầu Việt Nam. Tên gọi của bộ phận ứng phó dịch bệnh này gợi lên không khí thời chiến, tương tự như tuyên bố Việt Nam bước vào thời chiến mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra trong đợt dịch cao điểm thứ nhất. Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn huy động gần 1.000 người phục vụ công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng.
Tại Đà Nẵng, Cung thể thao Tiên Sơn đang được gấp rút chuyển thành bệnh viện dã chiến để phục vụ cho công tác điều trị. Cũng có thông tin không chính thức rằng hiện nay các cơ sở cách ly tập trung đang quá tải nên cách biện pháp cách ly xã hội mạnh mẽ hơn có thể sẽ được triển khai.
Hiện bên ngoài Đà Nẵng, dịch đã lan ra một số tỉnh thành khác, với các ca bệnh mới được phát hiện tại Hà Nội, TP HCM, Quảng Nam, Quảng Ngãi,… Nhiều địa phương cũng thắt chặt dần các biện pháp giãn cách, cách ly xã hội. Chẳng hạn Quảng Nam, sau khi thực hiện cách ly xã hội tại TP Hội An, hiện đã thực hiện chính sách này đối với 5 huyện và thị xã nữa.
Xét nghiệm hàng loạt cũng đang được tiến hành tại Hà Nội, TP HCM và nhiều địa phương, đặc biệt là nhằm vào những người từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7.
0 comments