Tin Biển Đông – 31/07/2020
Trung Quốc tập trận trên không phận Biển Đông gởi tín hiệu đến Mỹ – Mai Vân
Trung Quốc hôm qua, 30/07/2020, thông báo đã cho tiến hành những cuộc tập trận trên không “với cường độ cao” ở Biển Đông. Động thái của Bắc Kinh được cho là một tín hiệu gởi đến Mỹ, đã từng gởi hai tàu sân bay đến khu vực để phô trương uy lực.
Trong cuộc họp báo định kỳ hàng tháng trực tuyến, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường cho biết không lực của Hải Quân Trung Quốc “mới đây” đã thao diễn “với cường độ cao” cùng với các loại oanh tạc cơ H-6G, H-6J cũng như phi cơ khác ở Biển Đông.
Phát ngôn viên này nói rõ là máy bay Trung Quốc tham gia tập trận đã “cất cánh và hạ cánh ban ngày cũng như ban đêm, tiến hành những cuộc oanh kích tầm xa hoặc tấn công vào những mục tiêu trên biển” và các bài tập đã “đạt được mục đích chờ đợi”. Tuy nhiên, địa điểm cụ thể tập trận không được thông báo.
Theo hãng tin Pháp AFP, động thái tập trận của Trung Quốc là một tín hiệu rõ ràng gởi đến phía Mỹ, trong cuộc đọ sức ngày càng thêm gay gắt giữa hai bên, đặc biệt là sau khi Mỹ bất ngờ gởi hai tàu sân bay đến Biển Đông vào đầu tháng 7.
Bên cạnh đó, trên mặt ngoại giao, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, vào trung tuần tháng 7, cũng nói thẳng quan điểm của Hoa Kỳ, xem yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, trong lúc cho đến trước đây Mỹ vẫn giữ thái độ trung lập.
Vào hôm qua, người phát ngôn bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã mỉa mai là “Hoa Kỳ muốn đóng vai trò trọng tài, nhưng lại chỉ phá hoại hòa bình”. Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper, tuần qua thông báo là ông muốn đến Trung Quốc trước cuối năm 2020 với hy vọng làm dịu tình hình.
Biển Đông: Malaysia lại bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc
Với lời lẽ cứng rắn khác thường, Malaysia ngày 29/07/2020 lại gửi công hàm lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nội dung bác bỏ “quyền lịch sử” mà Trung Quốc tự nhận là họ có trên Biển Đông dựa theo bản đồ “Đường 9 đoạn” do chính họ vẽ ra.
Trong công hàm, Malaysia đã khẳng định bác bỏ “toàn bộ nội dung” của một công hàm khác mà Trung Quốc đã gởi lên Liên Hiệp Quốc ngày 12/12/2019, trong đó Bắc Kinh cho rằng Kuala Lumpur không có quyền đề nghị kéo dài thềm lục địa của Malaysia ở khu vực phía bắc nước này.
Công hàm ngày 29/07 của chính quyền Kuala Lumpur nhấn mạnh rằng đề nghị của Malaysia hoàn toàn phù hợp với quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Văn kiện của Malaysia gởi lên Liên Hiệp Quốc nói rõ : “Malaysia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán, liên quan tới khu vực hàng hải trên Biển Đông nằm trong ‘đường chín đoạn’.”
Đối với Malaysia, các yêu sách của Trung Quốc đã “đi ngược lại UNCLOS và không có tác động pháp lý vì đã vượt quá phạm vi địa lý và ranh giới thực chất mà Trung Quốc được hưởng theo công ước”.
Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, một chuyên gia về lập trường Biển Đông của Kuala Lumpur cho rằng dù công hàm ngày 29/07 của Malaysia có lời lẽ cứng rắn bất ngờ, nhưng nội dung văn kiện này vẫn phản ánh quan điểm từ trước đến nay của Malaysia là bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Sự kiện Malaysia gởi công hàm phản đối Trung Quốc là diễn biến mới nhất trong điều được các nhà quan sát gọi là “cuộc chiến công hàm về Biển Đông”, hiện đang diễn ra trong bối cảnh các yêu sách quá đáng của Trung Quốc liên tục bị tố cáo và bác bỏ trước Liên Hiệp Quốc.
Ngoài Malaysia, các nước khác như Indonesia, Philippines, Việt Nam Hoa Kỳ và Úc cũng đã gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối Trung Quốc.
Indonesia sắm tiêm kích Typhoon
ngăn TQ phiêu lưu ở Biển Đông?
Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn ở Biển Đông, Indonesia buộc phải tập trung nhiều hơn cho việc bảo vệ biên giới trên biển.
Tờ Asia Times ngày 28/7 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đang xem xét khả năng mua máy bay chiến đấu đa nhiệm Eurofighter Typhoon đã qua sử dụng của Không quân Áo, nhằm tăng cường ngăn chặn hành vi xâm lấn của Trung Quốc vào vùng biển thuộc chủ quyền của Indonesia ở Biển Đông.
Quốc gia châu Á đầu tiên vận hành Typhoon
Theo Asia Times, giá cả phải chăng dường như là lý do chính khiến Bộ trưởng Prabowo quan tâm đến việc mua lại 15 chiếc Typhoon động cơ đôi. Nhưng khác với những người tiền nhiệm, ông Prabowo có cái nhìn mang tính chiến lược hơn về những thiết bị mà Indonesia cần để tăng cường sức mạnh không
quân tiền tuyến và bổ sung thêm nhiều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường cho lực lượng hải quân vốn đang phải đối mặt với thách thức gia tăng từ Trung Quốc.
Được điều động đến Sumatra năm 2014 để rút ngắn phạm vi chiến đấu, các máy bay chiến đấu của không quân Indonesia đã tham gia một số cuộc tập trận hải quân lớn nhất của nước này trong nhiều năm qua tại khu vực phía tây Biển Java và vùng biển quanh quần đảo Natuna.
Cách đây 3 năm, Bộ Quốc phòng Áo công bố dự định thay thế các máy bay chiến đấu Typhoon vào năm 2020, đồng thời cho biết, việc tiếp tục sử dụng máy bay này trong vòng đời 30 năm sẽ tiêu tốn 5 tỷ USD, mà phần nhiều được dùng cho việc bảo trì.
Tiêm kích Typhoon dự kiến sẽ bổ sung một lực lượng hậu cần thứ 3 cho Không quân Indonesia. Không quân hiện đang có một phi đội tiền tuyến gồm 16 chiến đấu cơ đa nhiệm Su-27 và Su-30 do Nga sản xuất, cùng 3 phi đội F-16 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất, thời gian gần đây đã được sử dụng để tuần tra trên Biển Đông.
Ông Prabowo đã tiếp cận với Bộ trưởng Quốc phòng Áo Klaudia Tanner để nêu đề xuất mua sắm Typhoon. Nếu việc mua bán diễn ra thuận lợi, dự kiến những chiếc Typhoon sẽ được nâng cấp lên tiêu chuẩn Tranche 3A, mang lại lợi thế về cả phòng không lẫn tấn công mặt đất cho Indonesia. Bên cạnh đó, Indonesia sẽ là quốc gia châu Á đầu tiên vận hành mẫu tiêm kích này.
Hiện có hơn 500 tiêm kích Typhoon đang phục vụ trong 9 lực lượng không quân ở Trung Đông và châu Âu. Giá của mỗi chiếc Typhoon mới là 100 triệu USD.
Một số nhà phân tích cho đây là động thái nhằm lấp đầy khoảng trống trước khi Indonesia tiếp nhận chiến đấu cơ KFX/IFX, mà Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc (KAI) và Công ty hàng không vũ trụ PT Dirgantara Indonesia (PTDI) đang phối hợp để chế tạo.
Trước khi để mắt đến Eurofighter Typhoons, Bộ trưởng Prabowo đã xem xét máy bay chiến đấu đa nhiệm Dassault Rafale mà Pháp tự phát triển sau khi rời khỏi chương trình Eurofighter do mâu thuẫn với Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức và nhiều đối tác khác.
Bộ trưởng Prabowo cũng gần tiến đến việc hoàn tất thỏa thuận mua 11 tiêm kích Su-35 của Nga, song các nguồn thạo tin cho biết Tổng thống Joko Widodo đã can thiệp vì ông lo ngại phản ứng của Mỹ cũng như ảnh hưởng của thỏa thuận này đối với hoạt động thương mại của Washington và Jakarta.
Kế hoạch đa dạng hóa kho vũ khí
Indonesia hiện đang tìm cách đa dạng hóa việc mua vũ khí của nước này. Theo Asia Times, Bộ trưởng Prabowo dường như không chịu bất cứ sức ép nào từ Mỹ khi mua tiêm kích F-16V – phiên bản mới nhất của dòng máy bay chiến đấu động cơ đơn, nổi tiếng với “huyền thoại” bắn hạ 76 máy bay chiến đấu của địch trong khi chỉ bị mất một chiếc, kể từ khi ra đời vào những năm 1970.
Thời gian gần đây, nhiều nhà phân tích quốc phòng đã tỏ ra bối rối trước quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ, bật đèn xanh cho Indonesia mua 8 máy bay máy bay vận tải cánh quạt lật MV-22 Osprey và các thiết bị liên quan với giá 2 tỷ USD.
Tuyên bố đưa ra ngày 6/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu bật những ưu điểm của Osprey trong việc hỗ trợ các hoạt động đổ bộ, tăng cường khả năng cứu trợ nhân đạo và thảm họa. Đây là một điều khá bất ngờ vì MV-22 Osprey chưa bao giờ nằm trong danh sách mong muốn của ông Prabowo. Vài ngày sau, Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết họ không có kế hoạch mua Osprey. Thay vì đó, Indonesia xem xét bổ sung máy bay vận tải Mi-17V5 của Nga.
Nhiều chuyên gia quốc phòng đã chỉ trích việc Indonesia mua 8 máy bay trực thăng tấn công Apache AH-64 với giá gần 750 triệu USD và 100 xe tăng Leopard của Đức. Một số ý kiến cho rằng xe tăng Leopard quá nặng, không phù hợp để vận hành trên các tuyến cầu, đường của Indonesia. Cả hai thương vụ này được cho là để bắt kịp kho vũ khí của các nước láng giềng Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Sức ép từ Trung Quốc?
Mặc dù việc chi tiêu quốc phòng tạm thời bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động gây hấn ở Biển Đông, Indonesia đã buộc phải chú ý nhiều hơn đến việc bảo vệ biên giới trên biển.
Trong công hàm ngoại giao đệ trình lên Liên Hợp Quốc vào tháng 5/2019, Indonesia cho biết họ không chấp nhận đề nghị đàm phán song phương của Trung Quốc để giải quyết cái mà Bắc Kinh gọi là “yêu sách chồng lấn về quyền và lợi ích hàng hải” vốn không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.
Tuần qua, Hạm đội miền Tây của hải quân Indonesia đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của nhiều tàu chiến và máy bay tại vùng biển quanh quần đảo Natuna.
Động thái này diễn ra sau khi Mỹ điều 2 nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông. Để củng cố lập trường cứng rắn của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Mỹ sẽ sát cánh với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á “để bảo vệ chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời gian gần đây cho biết ông đang có kế hoạch thăm Jakarta
Biển Đông và cuộc đối đầu giữa “hai thế giới”
Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết “Chiến lược TQ của Tổng thống Mỹ Donald Trump”. Bài viết này nói sâu hơn về những ảnh hưởng của chiến lược đối với Biển Đông và các vấn đề đối ngoại quốc tế. Hiện tại chiến lược dài hạn có xu thế biến cuộc đối đầu Mỹ-Trung thành một cuộc đối đầu toàn diện giữa thế giới tự do và chế độc tài ở Trung Quốc.
Tàu chiến thuộc lực lượng viễn chinh Bonhomme Richard của hải quân Mỹ.
Kể từ năm 1972, gần 5 thập niên kể từ khi Tổng Thống Richard Nixon đến Bắc Kinh, Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Trung cộng, năm 2020 đánh dấu sự tồi tệ nhất lịch sử trong quan hệ Mỹ-Trung. Dấu mốc này dính liền với một trận đại dịch kinh hoàng – đại dịch Covid-19 – mà con virus nguy hiểm này đã “xổng chuồng” từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Tính đến ngày 31/7, toàn thế giới đã có 17.445.482 người nhiễm; 675.455 người tử vong. Trong số 5 nước có ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới thì Mỹ đứng đầu về mối hoạ này. Nền kinh tế toàn cầu bị thiệt hại hàng trăm ngàn tỉ USD và đối diện với viễn cảnh suy thoái lâu dài. Có thể nói ngay cả hai cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất và thứ Hai cũng không có tầm ảnh hưởng đến sinh hoạt xã hội và kinh tế đối với mỗi con người đến như thế.
Trong mối nguy đó Mỹ quyết giáng đòn Trung Quốc. Để chiến thắng giới lãnh đạo chóp bu trong “thế giới đỏ” đã và đang lũng đoạn kinh tế toàn cầu, sở hữu những công nghệ tiên tiến nhờ ăn cắp và chế biến, Mỹ đã mở rộng cuộc đối đầu Mỹ-Trung thành cuộc đối đầu giữa thế giới văn minh với một hệ tư tưởng mácxít trá hình ở Châu Á.
Giờ đây các nhà phân tích ghi nhận rằng, toàn bộ nền sản xuất thuốc, dụng cụ y khoa đã bị khống chế bởi chính quyền Bắc Kinh. Chính Trung Quốc đã tìm mọi cách thâu tóm, đầu cơ tích trữ các phương tiện phòng bị y tế, làm ảnh hưởng đến việc chống dịch, điều trị, chăm sóc người bệnh.
Qua sự kiện này để nhấn mạnh một điều, các quốc gia cần có một chính sách phù hợp để có thể thoát khỏi tình trạng lệ thuộc Trung Quốc, chấm dứt tình trạng gần như toàn bộ nền sản xuất được đặt nền móng tại nước này. Từ đó sẽ bị chi phối, ràng buộc bởi những yêu sách vô lối của Trung Nam Hải.
Nóng nhất vẫn là chiến cuộc trên Biển Đông. Đây có thể coi là đỉnh điểm của đối đầu giữa “hai thế giới” – chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội.
Việc thay đổi chính sách của Mỹ tại Biển Đông trong thời gian qua được dư luận thế giới hoan nghênh. “Già đòn non nhẽ”, đối với chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh, không thể chỉ tuyên bố hữu hảo, bắt tay nhau ở bàn đàm phán là xong. Mỹ đã có những hành động cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc áp chế các nước nhỏ, yếu thế hơn mình.
Mới nhất là Mỹ đã cho đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, tấn công mạnh mẽ vào những âm mưu sử dụng tin tặc, gián điệp của Bắc Kinh. Đây là sự chuẩn bị cần thiết của Washington cho những cuộc tấn công trên cả ba mặt trận kinh tế, quân sự và ngoại giao.
Tuy nhiên điều này là những hành động mang tính thăm dò, gọi cách khác đó mới là chiến thuật. Chiến lược dài hạn của Mỹ phải chăng là: Thuyết phục thế giới rằng, cuộc đối đầu này không chỉ thu gọn cho lợi ích của Mỹ, hay của riêng cá nhân ai, phe nhóm đảng phái chính trị Mỹ, mà là vì lợi ích cho từng con người trên khắp các lục địa?
Nó chỉ được coi là chiến lược dài hạn khi có sự đồng thuận để đạt tới sự liên kết chặt chẽ, thực chất giữa chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, các công ty để đối đầu nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ở Mỹ và một số nước đồng minh đã dấy lên làn sóng “thoát Trung”. Cụ thể là: tẩy chay hàng hoá Trung Quốc, không cho sản phẩm của nước này tràn ngập nội địa. Made in China sẽ không có cách gì thống trị thị trường nếu các công ty của các nước chủ nhà sản xuất hàng tại chỗ chất lượng cao, giá cả hợp lý. Như ở Việt Nam có khẩu hiệu hành động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
Bên cạnh đó, Mỹ đang đẩy mạnh liên minh với các quốc gia ở châu Âu, Canada, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia vùng Đông Nam Á. Đây là con đường dẫn đến việc phục hồi, củng cố vị trí lãnh đạo thế giới Tự do của Mỹ.
Mọi cố gắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính phủ của ông trong chính sách đối đầu với Bắc Kinh đang ngày một rõ nét. Đó một chính sách quốc gia dài hạn, là chính sách đối ngoại hàng đầu của cả hai Đảng Cộng Hoà và Dân Chủ. Chính sách đó sẽ được tiếp sức qua các đời tổng thống.
Nếu chậm thực hiện chiến lược ngày nào, thì với những lợi thế đang có nhờ vào đại dịch Covid-19, và chế độ độc đảng, Bắc Kinh sẽ ngày càng lộng hành và rảnh tay để thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, thực hiện tư tưởng của Tập Cận Bình “phục hưng Trung Hoa vĩ đại”.
H.Đ
0 comments