Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 16/07/2020

Friday, July 17, 2020 4:54:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 16/07/2020

Khởi tố vụ án cán bộ gần cận Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Báo VN tối 13/7 nói một trong những người bị khám xét khẩn cấp là lái xe của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Cơ quan ninh điều tra Bộ Công an ngày 16/07 ra quyết định khởi tố vụ án hình sự ”chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, truyền thông Việt Nam đưa tin.
Bản tin của các báo mô tả lệnh khởi tố vụ án “liên quan tới thư ký và tài xế Chủ tịch Hà Nội”.
“Một lãnh đạo có trách nhiệm của Bộ Công an cho hay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang khẩn trương thu thập chứng cứ và xem xét việc khởi tố bị can đối với những người liên quan,” báo Thanh Niên đưa tin.
Đầu tuần này Bộ Công an đã tiến hành “khám xét khẩn cấp” với hai cán bộ làm việc gần cận với Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung.
Một người được mô tả là cán bộ thuộc Phòng Thư ký biên tập và một người khác là lái xe riêng của Chủ tịch Chung.
Người thứ ba là cán bộ thuộc C03 (Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) thuộc Bộ Công an.
Thông cáo của Bộ Công an hôm 13/07 ghi rõ danh tính của ba “đối tượng” này.
Mặc dù có việc khám xét những cán bộ gần cận với mình, ông Chung vẫn xuất hiện trên truyền thông Việt Nam.
Vào ngày 15/07, ông được dẫn lời nói về kế hoạch Hà Nội xử lý hết số rác tồn đọng ở nội thành sau vụ dân ngăn cản xe chở rác ra vào bãi rác Nam Sơn tại Sóc Sơn, ngoại ô thủ đô.
Ngày 14/07, người ta thấy ông dự và phát biểu tại một phiên họp về một số công tác quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế của Thành phố Hà Nội và một phiên họp khác cùng ngày với sự hiện diện của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.
Cuối tháng Sáu ông Chung có tên trong danh sách được đề xuất từ cơ sở để xét tặng Huân chương Lao động hạng nhất về vai trò cá nhân ông trong nỗ lực chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thủ đô.
Cảnh sát tiến hành khám xét một trong các cửa hàng của hãng Nhật Cường
Hiện chưa rõ việc khởi tố vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” này có liên quan gì tới một vụ án khác có bị cáo chính đang bỏ trốn được dư luận quan tâm theo dõi hãy không.
Vụ án liên quan tới Công ty Nhật Cường được báo chí đăng tải nhiều trong những tháng qua sau các hoạt động kinh doanh, trúng thầu… liên quan tới một số dự án thuộc Thành phố Hà Nội bị cho là có sai phạm.
Là tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, ông Bùi Quang Huy bị khởi tố về bốn tội danh: buôn lậu, trốn thuế, rửa tiền và vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm mới đây khẳng định “Bằng mọi biện pháp, cách gì có thể làm được thì đều làm để bắt được ông Bùi Quang Huy.”
“Đây là đối tượng chính để điều tra song việc này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả công tác điều tra,” Bộ trưởng Tô Lâm nói thêm.
Một thứ trưởng Bộ Công an vào cuối tháng Sáu cho biết đây là vụ án ”rất nghiêm trọng” được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Mới đây Bộ Công an bắt tạm giam bị can Bùi Quốc Việt – anh trai của Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Nhật Cường Mobile để điều tra về tội buôn lậu.

Khởi tố 3 cán bộ ở Hà Nội

vì chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước

Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an hôm 16/7 đã ra quyết định khởi tố ba người trong vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” theo điều 337 Bộ luật Hình sự 2015. Thông tấn xã Việt Nam trích nguồn tin từ Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết như vậy vào cùng ngày.
3 người bị khởi tố bao gồm: Nguyễn Anh Ngọc – đang công tác tại Phòng Thư ký biên tập, tổ giúp việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Nguyễn Hoàng Trung - lái xe của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội, Phạm Quang Dũng – nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an.
Trước đó, vào ngày 13/7, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của cả ba người này.
Hiện Bộ Công an không cho biết cụ thể những người này đã lấy cắp các tài liệu bí mật liên quan đến vụ án nào.
Thành phố Hà Nội hiện cũng đang có một vụ án lớn thuộc diện được Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng chỉ đạo trực tiếp. Đó là vụ án Buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Công an đã khởi tố 26 bị can liên quan đến vụ án, bao gồm một loạt các quan chức của thành phố. Tuy nhiên, nhân vật quan trọng trong vụ án là ông Bùi Quang Huy – chủ công ty Nhật Cường đã trốn thoát và hiện đang bị truy nã.

Hà Nội: Người dân tiếp tục chặn bãi rác Nam Sơn

 vì đền bù không thỏa đáng

Từ đêm ngày 12/7, người dân xã Hồng Kỳ và xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) tiến hành chặn xe rác di chuyển từ nội thành vào bãi rác Nam Sơn. Tình trạng kéo dài đến ngày 16/7 khiến rác thải chất đống ở lề đường hoặc để trên những xe gom rác dựng ven đường, bốc mùi hôi thối ở nhiều tuyến trên thành phố Hà Nội.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 16/7 trích lời một người dân ở Quận Ba Đình cho biết khoảng hai ngày nay, công nhân gom rác bất đắc dĩ phải đổ đống ở ven đường chờ gom sau vì không thể vào bãi rác Nam Sơn.
Tình trạng rác đổ đống ngoài đường được ghi nhận ở một loạt quận trong thành phố Hà Nội như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa… Lượng rác bị ùn ứ ở các quận nội đô bị nói lên hơn 6600 tấn, các quận ngoại ô lên hơn 2500 tấn.
Ban Duy tu các Công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị vừa có báo cáo nhanh gửi Sở Xây dựng để đưa ra phương án giải quyết trước việc bãi rác Nam Sơn bị chặn.
Ông Phạm Văn Đức, Phó tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), nói đã có kế hoạch phân luồng rác tại bốn quận trong nội đô, đưa đi tập kết tạm thời ở bãi khu vực Cầu Diễn (Quận Nam Từ Liêm)
Tuy nhiên, vào rạng sáng 16/7, người dân ở phường Tây Mỗ đã ra chặn những xe rác này và không cho di chuyển vào bãi, khiến chính quyền phải ra lệnh điều những xe rác này đi vào bãi rác khác là Xuân Sơn.
Đây là lần thứ 6 trong vòng 3 năm liên tiếp người dân tiến hành chặn xe vào bãi rác Nam Sơn. Ông Nguyễn Văn Kỳ, Bí thư thôn 2, xã Hồng Kỳ xác định việc người dân có hành động phản đối như vậy là vì chưa thỏa thuận được mức đền bù khi bãi rác này được di dời.
Phương án mà huyện đưa ra trước đó đã không được thực hiện vì người dân không đồng ý do mức đền bù rất thấp.

3 mẹ con cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa

 sở hữu khối tài sản khổng lồ

Hiểu Minh
Bị can Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương đã bỏ trốn trước khi bị khởi tố. Bà Thoa từng lọt top những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam năm 2016. Hiện tại hai con gái của bà Thoa không chỉ sở hữu số cổ phiếu khủng, mà còn đang nắm chức vụ quan trọng tại CTCP Bóng đèn Điện Quang (mã CK: DQC).
Ngày 13/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa do đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Trước đó, vào tối 10/7, bà Thoa bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Trước khi bị truy nã, bà Thoa được xác hành vi đồng lõa với cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong việc ‘hô biến’ 6.000m2 đất ‘vàng’ (khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP.HCM) từ tài sản nhà nước sang tay tư nhân.
Vào năm 2016, bà Thoa từng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật khiển trách về mặt Đảng do có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CTCP Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Bóng đèn Điện Quang (tháng 1/2004-5/2010).
Bà Thoa cũng bị Ban Bí thư miễn nhiệm chức vụ ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đề nghị Thủ tướng miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương do còn liên quan đến một loạt những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình cổ phần hoá Bóng đèn Điện Quang và kê khai tài sản, thu nhập không đúng. Đến ngày 16/8/2017, bà Thoa chính thức rời chức Thứ trưởng.
Bà Thoa từng có 18 năm gắn bó tại Bóng đèn Điện Quang (mã CK: DQC), trước khi bà về làm Thứ trưởng. Từ năm 2000-2005, bà là Tổng Giám đốc Công ty. Từ 2005-2010, bà là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc.
Đến năm 2010, khi bà Thoa được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng tại Bộ Công Thương thì ghế Chủ tịch và Tổng Giám đốc Bóng đèn Điện Quang được bàn giao lại cho em trai bà là ông Hồ Quỳnh Hưng cho đến nay.
Ðiện Quang được biết đến là một trong những tên tuổi sản xuất, kinh doanh các loại bóng đèn, thiết bị chiếu sáng lớn nhất cả nước. Trong giai đoạn bà Thoa chèo lái, Điện Quang đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Vào tháng 4/2016, cổ phiếu của Điện Quang lên mức trên 77.000 đồng/cổ phiếu. Bà Thoa từng lọt top những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam năm 2016.
Vài năm qua, Bóng đèn Điện Quang và giá cổ phiếu DQC biến động mạnh gắn liền với những biến cố trong gia đình cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.
Bóng đèn Điện Quang 4 năm liên tiếp gặp khó khăn, phải cạnh tranh với các đơn vị tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Doanh thu trong năm 2019 của DQC giảm 30,5% xuống chỉ còn 825 tỷ đồng.
Gần cuối năm 2018, bà Thoa chính thức không còn là cổ đông lớn khi bán gần hết cổ phần ở Điện Quang. Trước khi bị kỷ luật, bà Thoa sở hữu trực tiếp hơn 1,6 triệu cổ phiếu DQC, tương đương 4,91% vốn điều lệ của Điện Quang. Sau khi giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 0,02%, bà Thoa giờ chỉ còn nắm giữ 6.415 cổ phiếu DQC.
Dù không còn là cổ đông lớn song các thành viên trong gia đình bà Thoa vẫn nắm giữ số lượng cổ phần lớn tại DQC. Theo báo cáo, nhà cựu Thứ trưởng Thoa hiện vẫn nắm giữ khoảng 30% cổ phần tại công ty này.
Dù Điện Quang là một doanh nghiệp nhà nước, nhưng các chức danh chủ chốt tại công ty đều do những thành viên gia đình bà Thoa nắm giữ. Đặc biệt, 2 con gái của bà Thoa là Nguyễn Thái Nga và Nguyễn Thái Quỳnh Lê hiện vẫn giữ các vị trí quan trọng và nắm một số lượng cổ phiếu lớn tại Bóng đèn Điện Quang.
Nguồn tin trên Vietnamnet cho hay, hai con gái của bà Thoa đang nắm giữ tổng cộng khoảng 6,355 triệu cổ phiếu DQC.
Theo kết luận điều tra, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khai báo thành khẩn về quá trình bán rẻ “đất vàng” cho tư nhân đối với lô đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) nhưng cho rằng chỉ chịu trách nhiệm người đứng đầu.
Bị can Hoàng cho rằng, người chịu trách nhiệm chính trong vụ án này là bà Hồ Thị Kim Thoa, do bà Thoa phụ trách trực tiếp Vụ Công nghiệp nhẹ (nay là Cục Công nghiệp) và Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Kết luận điều tra nêu rõ, từ tháng 5/2010, bà Thoa được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương, được phân công phụ trách trực tiếp Vụ Công nghiệp nhẹ và Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Bà Thoa biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) đã được sắp xếp, giao cho Bộ Công thương, Tổng công ty Sabeco (là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương, vốn nhà nước chiếm 89,59%) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê, không được thành lập pháp nhân mới.
Tuy nhiên, bị can Hồ Thị Kim Thoa vẫn báo cáo bị can Vũ Huy Hoàng phê duyệt; đã ký 3 văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl, lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp nhà nước làm thủ đoạn để dần chuyển dịch quyền sử dụng khu đất này từ Tổng công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl (từ tài sản nhà nước sang tư nhân).
Ngay sau khi Công ty Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư và được chuyển quyền sử dụng đất (tháng 6/2015), mặc dù chưa triển khai hoạt động nhưng đến tháng 2/2016, lợi dụng chủ trương thoái vốn của Chính phủ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị can Vũ Huy Hoàng, bị can Hồ Thị Kim Thoa đã ký 2 văn bản chỉ đạo Tổng công ty Sabeco thoái 26% vốn góp tại Công ty Sabeco Pearl, và phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá là 13.247 đồng/cổ phần; không xem xét đánh giá chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của khu đất đã được UBND TP.HCM chấp thuận bổ sung thêm chức năng căn hộ ở, thoái toàn bộ 26% vốn góp của Tổng công ty Sabeco tại Công ty Sabeco Pearl.
Đến nay, Công ty cổ phần đầu tư Quảng trường Mê Linh (tiền thân là Công ty Sabeco Pearl), doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, là đơn vị đứng tên quyền sử dụng đất khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Hậu quả, thiệt hại, thất thoát và lãng phí do hành vi phạm tội của bị can Hồ Thị Kim Thoa và đồng phạm gây ra cho ngân sách nhà nước trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng xảy ra trong một thời gian dài, từ thời điểm ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất đến khi tội phạm bị phát hiện, ngăn chặn là đặc biệt lớn.
Theo kết luận giám định, giá trị quyền sử dụng đất của khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng tại thời điểm UBND TP.HCM ban hành quyết định cho Công ty Sabeco Pearl thuê đất là 1.075 tỷ đồng. Giá trị quyền sử dụng đất của khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng tại thời điểm Bộ Công thương phê duyệt giá sàn 13.247 đồng/cổ phần ngày 1/4/2016 là hơn 2.505 tỷ đồng và tại thời điểm C01 ra quyết định khởi tố vụ án hình sự là 3.816 tỷ đồng.
Liên quan đến việc truy nã bà Thoa, một lãnh đạo có trách nhiệm của Bộ Công an cho Thanh Niên hay, sau khi ra quyết định truy nã, nếu xác định bị can trốn ra nước ngoài sẽ yêu cầu tổ chức Hình cảnh quốc tế (Interpol) phối hợp truy nã quốc tế.

Con rể bà Cấn Thị Thêu bị công an triệu tập

 lên làm việc và khuyên gia đình vợ “ngừng đấu tranh”

Cơ quan an ninh Công an tỉnh Hòa Bình vào sáng ngày 16 tháng 7 năm 2020 đã triệu tập ông Phạm Xuân Trường lên làm việc để hỏi về số điện thoại mà mẹ vợ ông Trường là bà Cấn Thị Thêu dùng từ trước đến nay.
Bà Trịnh Thị Thảo, vợ ông Trường, thuật lại buổi làm việc như sau:
Sáng nay thì họ mời chồng em lên thì thì họ hỏi số điện thoại kia mà mẹ em đang dùng thì họ hỏi số đó là số của ai dùng.
Thì số đó trước kia là chồng em đăng ký, từ trước tới giờ mẹ em vẫn dùng cái sim đấy.
Chồng em bảo là mẹ vợ – là mẹ Cấn Thị Thêu dùng, họ hỏi tiếp là có biết Facebook của Tư (Trịnh Bá Tư) với mẹ không.
Rồi họ bảo là về khuyên đằng nhà vợ là đừng đi đấu tranh nữa và họ có nhắn lại là, mẹ em có nhắn là gửi thuốc cho mẹ em. 
Không rõ công an Hòa Bình hỏi về số điện thoại của bà Cấn Thị  Thêu để làm gì, tuy nhiên số điện thoại thường được các nhà hoạt động nhân quyền dùng để đăng ký bảo mật 2  lớp cho tài khoản mạng xã hội như Facebook, Google.
Một vài ngày sau khi 4 nhà hoạt động lên tiếng về vụ Đồng Tâm bị bắt, cả 4 tài khoản Facebook của họ đều biến mất không rõ lý do.
Bà Thảo cho biết thêm, bà Cấn Thị Thêu hiện nay đang bị đau mắt, đau chân và thời tiết nắng nóng, tuy nhiên khi gia đình đề nghị gửi thuốc và quạt  điện vào thì trại tạm giam công an tỉnh Hòa Bình từ chối tiếp nhận.
Nhà hoạt động Cấn Thị Thêu hôm 24-6 bị bắt giữ cùng với hai con trai là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cùng với bà Nguyễn Thị Tâm với cáo buộc tội danh “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Đây là những người thường xuyên lên tiếng về vụ tấn công của công an vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội hôm 9/1 vừa qua liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền.

Nhà hoạt động Lê Anh Hùng

bị đánh đập trong Bệnh viện Tâm thần

Nhà hoạt động, Blogger Lê Anh Hùng, vào ngày 16 tháng 7 năm 2020,  báo tin từ bệnh viện ra ngoài cho biết, do không chịu uống thuốc tâm thần của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, nên ông đã bị một nhân viên y tá tên An đánh đập dã man, bị trói vào giường bệnh và tiêm thuốc tâm thần.
Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, người nhận được thông tin vừa nêu từ Anh Lê Anh Hùng, xác nhận với Đài Á Châu Tự Do hôm 16 tháng 7 năm 2020:
“Anh Lê Anh Hùng bị nhân viên bệnh viện ép cho uống thuốc, nhưng Anh Lê Anh Hùng nghĩ mình không bị bệnh nên phản kháng lại. Khi Anh Hùng phản kháng lại thì bị đánh, sau đó bị trói và bị tiêm thuốc. Họ không cho uống được thì họ trói và tiêm thuốc. Gia đình cũng mới biết tin này và nhờ truyền thông đăng tin như vậy.”
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình cho rằng, sự việc đánh đập Nhà hoạt động, Blogger Lê Anh Hùng đã và đang diễn ra và theo nhận định của ông thì biện pháp đánh đập vô cùng dã man và tàn bạo! Cụ thể lần gần nhất trong tuần này là người y tá tên An dùng ghế xếp lõi sắt đánh anh Lê Anh Hùng, trói ông vào giường rồi cưỡng bức tiêm thuốc thần kinh khiến ông mê man.
Đài Á Châu Tự Do hôm 16 tháng 7 năm 2020, đã nhiều lần liên lạc Bà Trần Thị Niêm, mẹ của anh Lê Anh Hùng, nhưng mọi cố gắng đều không thành công. Chúng tôi cũng gọi đến Viện Pháp y Tâm thần Trung ương, nhưng không ai bắt máy.
Trước đó, hôm 1/4/2019, blogger Lê Anh Hùng, người bị cơ quan An ninh điều tra bắt giữ vào ngày 5 tháng 7 năm 2018 với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ nhưng chưa ra tòa, đột nhiên bị đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 ở Thường Tín, Hà Nội.
Blogger Lê Anh Hùng, sinh năm 1973, là blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ VOA, đồng thời là thành viên của 2 tổ chức dân sự không được chính phủ Việt Nam công nhận là hội Nhà báo Độc lập Việt Nam và Hội Anh em Dân chủ.
Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội bắt ông Hùng vào ngày 5/7/2018 thời điểm sau các vụ biểu tình sôi động chống dự thảo Luật Đặc khu và An ninh mạng.
Ngay sau khi có tin blogger Lê Anh Hùng bị bắt, Ân Xá Quốc tế ra thông cáo lên án việc bắt giữ và cho rằng chính quyền Việt Nam đã dùng các điều luật hà khắc để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích ôn hòa.

Nhiều lãnh đạo quận Bình Thuỷ,

TP Cần Thơ bị bắt vì sai phạm đất đai

Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ Lê Văn Trứ đã bị bắt tạm giam.
Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 16 tháng 7.
Theo nguồn Người Lao động, ngày 16-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Văn Trứ, để điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Liên quan đến vụ này, vào cuối năm 2019, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 chuyên viên, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thủy để điều tra cùng về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Theo kết luận Thanh tra TP Cần Thơ, công tác quản lý đất đai trên địa bàn quận Bình Thủy có nhiều yếu kém, như chia lô, bán nền, xây dựng nhà không phép, sai phép, san lấp kênh rạch, lấn chiếm đất, hình thành nhiều khu dân cư tự phát có cơ sở hạ tầng thấp kém. Do đó, thanh tra kiến nghị Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Chủ tịch UBND quận Bình Thủy tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan.
UBND TP Cần Thơ sau đó đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Lê Tâm Niệm và ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch thường trực UBND quận Bình Thủy.

Bạc Liêu: Heo giống

mua trên mạng xã hội bị bệnh tả châu Phi

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu vào ngày 16/7 thông báo vừa phát hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh này và buộc phải tiêu hủy hàng chục con lợn bị nhiễm bệnh
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Nguyễn Duy Hưng, phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cho hay, sau khi nhận được tin báo của người dân về việc lợn nuôi chết đột ngột, có biểu hiện của bệnh, cơ quan chức năng thị xã Giá Rai phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh này tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính.
Cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu buộc phải tiêu hủy 20 con heo tại hai ổ dịch bệnh tại ấp 3, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai và đồng thời thành lập đoàn kiểm tra, truy xuất nguồn gốc của đàn lợn nhiễm bệnh này.
Theo ông Hưng, hai hộ dân có heo bị nhiễm bệnh đã mua con giống trên mạng xã hội của một trại giống tên Nghiệp ở Cầu Sập, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Lần theo số điện thoại của người bán heo, cơ quan chức năng phát hiện và tạm giữ một xe chở 9 con heo giống. Lực lượng chức năng đang lập biên bản làm rõ nguồn gốc số heo vừa phát hiện.
Cũng liên quan đến việc bán heo không rõ nguồn gốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, nhận được phản ánh của người dân về việc một trang trại bán heo giống không rõ nguồn gốc và xuất xứ, cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành theo dõi và bắt quả tang khi trại này đang vận chuyển heo bán cho người dân.
Qua kiểm tra, xác định số heo giống này là của ông Trương Văn Tèo ngụ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, thuê tài xế vận chuyển để bán cho người dân. Tại thời điểm kiểm tra, ông Tèo không trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc số heo giống đang vận chuyển. Do đó, lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ số heo này và chuyển đến khu vực cách ly để theo dõi và xử lý.

Toà án CSVN sẽ xử

8 thành viên nhóm Hiến Pháp vào ngày 31/7

Tin từ Sài Gòn: Toà án cộng sản tại thành phố Sài Gòn sẽ tổ chức phiên toà sơ thẩm xét xử 8 thành viên của nhóm Hiến Pháp vào ngày 31/7 về tội danh “gây rối an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật hình sự 2015, gần 23 tháng giam giữ kể từ khi họ bị bắt cóc bởi lực lượng an ninh Sài Gòn.
Hai nữ thành viên Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và Hoàng Thị Thu Vang bị cáo buộc theo khoản 1 với mức án cao nhất lên đến 15 năm tù trong khi 6 người còn lại là các ông Ngô Văn Dũng, Đỗ Thế Hóa, Hồ Đình Cương, Lê Quý Lộc, Trần Thanh Phương, và cô Đoàn Thị Hồng bị cáo buộc theo khoản 2 với mức án từ 3 đến 7 năm tù giam nếu bị kết tội.  Cả 8 người cùng các thành viên của nhóm Hiến Pháp từng tham gia biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở Sài Gòn ngày 10/6/2018.
Gần 3 tháng sau, họ kêu gọi biểu tình vào đầu tháng 9 để phản đối nhiều chính sách của chế độ nhưng bị bắt trước khi cuộc biểu tình xảy ra.  Nhóm Hiến Pháp được thành lập năm 2017 với mục tiêu cổ suý dân quyền quy định trong Hiến pháp của Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, nhóm vẫn bị chế độ cộng sản đàn áp.
Hai thành viên của nhóm là ông Huỳnh Trương Ca và Lê Minh Thể đã bị bắt và kết tội lần lượt theo hai tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” với mức án tù tương ứng là 5 năm rưỡi và 2 năm.
Quốc Tuấn

Vì sao những giải pháp

chống ngập ở TP.HCM không hiệu quả?

Dự án chưa hoàn thành đã bị lạc hậu
Bắt đầu mùa mưa năm 2020, dân chúng Sài Gòn trở lại với điệp khúc “đường phố bỗng chốc thành sông” chỉ sau một trận mưa bất chợt.
Mặc dù là thành phố thương mại, kinh tế lớn nhất của Việt Nam nhưng tình trạng ngập lụt trong mùa mưa tại TP.HCM càng ngày càng nghiêm trọng.
Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 20 của Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa IX, diễn ra vào hôm 10/7, giám đốc Sở Xây dựng-ông Lê Hòa Bình cho biết dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đồng đang triển khai ở thành phố đã bị lạc hậu so với thực tế.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết thêm rằng Chính phủ đồng ý ngân sách 10 ngàn tỷ cho TP.HCM thực hiện quy hoạch chống ngập từ năm 2016 và kế hoạch chống ngập của thành phố kéo dài đến 19 năm.
Nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả dự án 10 ngàn tỷ bị lạc hậu là do tính toán theo thông số kỹ thuật vũ lượng mưa 95mm và độ cao đỉnh triều là 1.35m.
Thạc sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM, Phó ban điều phối chống ngập TP.HCM giải thích cụ thể với RFA liên quan thông tin vừa nêu:
“Dự án bị lạc hậu là vì các thông số đầu vào do biến đổi khí hậu. Trước đây khi bắt đầu làm thì dựa theo chuỗi số liệu quá khứ, hiện tại thì cao hơn nhiều nên phải điều chỉnh lại. Thêm nữa là phạm vi đô thị hóa bây giờ mở rộng. Hồi xưa có 650 km2 vuông và bây giờ lên đến 2000 km2. Thành ra bị lạc hậu nên phải mở rộng phạm vi ra. Thứ ba là các giải pháp chống ngập trước đây chỉ chú trọng vào kiểm soát ngập thôi. Còn bây giờ là phải nghĩ đến thích ứng với đường ngập.”
Số tiền đầu tư là phù hợp với nghiên cứu của thời điểm đó. Nghiên cứu thời đó thì số tiền đầu tư với khoa học công nghệ, kỹ thuật là đảm bảo. Tuy nhiên, có 3 lý do xảy ra là sụt lún, mực nước biển dâng cao (tình hình chung của toàn thế giới) và những đô thị phát triển thì lòng mương đa phần bị nhỏ lại. Do bởi mỗi khu đo thị mới từ cấp phường, cấp quận, hay cấp huyện ở xung quanh mọc lên thì lòng mương được thiết kế bị hẹp hơn hiện trạng cũ. Do xây dựng hiện đại hơn thì lòng mương bị hẹp hơn. Chính vì những điều này mà lưu lượng thoát nước chảy không kịp
-Kiến trúc sư ẩn danh
Một kiến trúc sư ẩn danh, ở Sài Gòn lên tiếng với RFA về ghi nhận của ông rằng dự án ban đầu là đạt hiệu quả, tuy nhiên bởi vì những yếu tố thiên nhiên và nhân tạo tác động nên theo thời gian dự án không thể đáp ứng được công năng phù hợp nữa.
“Số tiền đầu tư là phù hợp với nghiên cứu của thời điểm đó. Nghiên cứu thời đó thì số tiền đầu tư với khoa học công nghệ, kỹ thuật là đảm bảo. Tuy nhiên, có 3 lý do xảy ra là sụt lún, mực nước biển dâng cao (tình hình chung của toàn thế giới) và những đô thị phát triển thì lòng mương đa phần bị nhỏ lại. Do bởi mỗi khu đo thị mới từ cấp phường, cấp quận, hay cấp huyện ở xung quanh mọc lên thì lòng mương được thiết kế bị hẹp hơn hiện trạng cũ. Do xây dựng hiện đại hơn thì lòng mương bị hẹp hơn. Chính vì những điều này mà lưu lượng thoát nước chảy không kịp.”
Vị kiến trúc sư không muốn nêu tên cũng trưng dẫn một ví dụ về phát triển đô thị Phú Mỹ Hưng, khu vực này vốn là hồ điều hòa tự nhiên và mặc dù Chính quyền TP.HCM có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng nhưng trong thực tiễn vẫn không giải quyết được vấn đề.
“Khi xây đô thị lên thì cũng đã nghiên cứu rồi. Nhưng dần dần không đáp ứng được. Theo thời gian khi khu đô thị hình thành thì cũng cải tạo hệ thống cống theo 3,4, 5 quy trình. Tuy nhiên lưu lượng nước mưa ngày càng nhiều và mực nước biển dâng lên thì vẫn bị ngập lại. Có nghĩa là lưu lượng nước không thể thoát kịp, cho dù phía dưới nền hạ có đến 5 giải pháp thoát nước từ trong thành phố đi qua Phú Mỹ Hưng để chảy ra sông Vàm Cỏ.”
Tiếp nối những sai lầm trong phát triển đô thị
Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ & Quản lý Môi trường (IESEM), thuộc ĐH Công nghiệp TP.HCM, từ năm 2014 từng nhận định rằng tình trạng ngập lụt ngày càng nặng ở thành phố là do hệ lụy của những sai lầm chiến lược xây dựng đô thị và quy hoạch thoát nước đô thị của Chính quyền TP.HCM.
Hồi năm 2018, tiến sĩ Lê Huy Bá một lần nữa lên tiếng cho rằng Chính quyền TP.HCM “sai lầm nối tiếp sai lầm”, nhất là về giải quyết bài toán ngập theo biện pháp công trình mang tính cục bộ. Truyền thông trong nước dẫn lời của giáo sư Lê Huy Bá khẳng định rằng “ngập đâu, đắp đấy, đường ngập – nâng đường, nhà ngập – nâng nhà, mà hậu quả là giống như vá một ruột xe đã quá cũ nát, vá chỗ này lại xì hơi chỗ kia”.
Trong khi đó, thạc sĩ Hồ Long Phi cho biết Chính quyền TP.HCM đã thiết lập những quy hoạch tổng thể về chống ngập lụt từ 2 thập niên trước:
“TP.HCM đã có quy hoạch tổng thể về chống ngập từ năm 2000, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Sau đó đến năm 2008, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn thiết lập một quy hoạch tổng thể về kiểm soát triều. Và kết quả là dự án 10.000 tỷ này thuộc một phần của dự án đó. Nghĩa là hiện TP.HCM có hai quy hoạch tổng thể, một quy hoạch về chống ngập do mưa và một quy hoạch về chống ngập do triều. Và bây giờ tôi nghe nói đang xây dựng thêm một quy hoạch nữa đến tháng 10 sẽ hoàn chỉnh là mở rộng phạm vi quy hoạch và tích hợp hai quy hoạch vừa nêu vào với nhau.”
TP.HCM đã có quy hoạch tổng thể về chống ngập từ năm 2000, do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Sau đó đến năm 2008, Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn thiết lập một quy hoạch tổng thể về kiểm soát triều. Và kết quả là dự án 10.000 tỷ này thuộc một phần của dự án đó. Nghĩa là hiện TP.HCM có hai quy hoạch tổng thể, một quy hoạch về chống ngập do mưa và một quy hoạch về chống ngập do triều. Và bây giờ tôi nghe nói đang xây dựng thêm một quy hoạch nữa đến tháng 10 sẽ hoàn chỉnh là mở rộng phạm vi quy hoạch và tích hợp hai quy hoạch vừa nêu vào với nhau
-Thạc sĩ Hồ Long Phi
Mặc dù vậy, thạc sĩ Hồ Long Phi thừa nhận hệ thống chống ngập của TP.HCM hiện nay còn rất yếu và thiếu, bởi vì chỉ mới đạt khoảng 30-40% tổng diện tích lưu vực của thành phố. Và, quan trọng hơn hết là dù cho có những giải pháp để giải quyết tình trạng ngập lụt, nhưng không có tiền để làm. Thạc sĩ Hồ Long Phi quy cho cơ chế tài chính của thành phố đối với việc chống ngập lụt còn yếu khi so với những dịch vụ công ích khác.
“Hệ thống chống ngập hiện nay, dịch vụ thoát nước là bao cấp. Những nguyên nhân gây ngập đã được xã hội hóa rồi: phát triển đô thị, làm đường… tất cả các thứ có nguồn thu và nguồn chi, thành ra phát triển rất nhanh. Trong khi chống ngập không có nguồn thu, 1 năm thu vỏn vẹn chưa tới 1.000 tỷ dùng để vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống hiện tại mà còn chưa đủ thì tiền đâu mà chống ngập. Đó là một bất cập lớn. Một dịch vụ muốn được bền vững thì thu-chi phải cân bằng.”
Hồi tháng 10/2019, Đại sứ quán Hà Lan cùng các chuyên gia đã đề xuất với giới chức lãnh đạo TP.HCM về giải pháp xây dựng hệ thống chống ngập bền vững cho thành phố, trong đó chú trọng giải pháp tài chính mới qua việc áp dụng quan hệ đối tác công tư (PPP). Bí thư thành phố Nguyễn Thiện Nhân phản hồi rằng sẽ lắng nghe, học tập kinh nghiệm và tôn trọng ý kiến từ Hà Lan.
Vào cuối tháng 5/2020, Chính quyền TP.HCM xem xét phương án thu tiền dịch vụ chống ngập đối với người dân của thành phố. Sở Xây dựng TP.HCM giải thích rằng nếu phương án này được duyệt sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội hóa trong việc thực hiện chống ngập cho thành phố trong thời gian tới.
Đài RFA ghi nhận, phương án thu tiền dịch vụ chống ngập đã vấp phải sự phản đối của dư luận, vì đa số người dân Sài Gòn cho rằng việc chống ngập lụt là trách nhiệm của nhà nước.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

đã sẵn sàng lên xa lộ EVFTA chưa?

Thanh Trúc
Vào khi EVFTA sắp có hiệu lực đầu tháng 8/2020, thì giám đốc Nguyễn Thị Thu Trang từ  Trung Tâm WTO và Hội Nhập, Phòng Thương Mại& Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng nhận định  EVFTA là “con đường cao tốc” và hầu như không có rào cản để kết nối nền kinh tế Việt Nam với EU.
Phát biểu tại buổi hội thảo về EVFTA ở Hà Nội vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Trang nói rằng với EVFTA hàng hóa của Việt Nam sẽ đến đích nhanh hơn đối thủ, nhưng không phải loại xe nào, ở đây ám chỉ các doanh nghiệp, cũng có thể tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc đó.
Vẫn theo lời viên chức Phòng Thương Mại & Công Nghiệp Việt Nam, muốn đi trên cao tốc thì doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng những điều kiện nhất định, đồng thời các cơ quan Nhà Nước cũng phải có giải pháp tốt để vận hành.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, từng một thời là phó chủ tịch Phòng Thương Mại & Công Nghiệp, đồng ý với cách ví von của giám đốc đương nhiệm VCCI:
Tôi nghĩ cách ví đó cũng đúng thôi. Lâu nay các doanh nghiệp Việt Nam đi chủ yếu trên những con đường mòn, những con đường quê gồ ghề, khúc khuỷu, không có tên mà luật đi đường cũng  không rõ ràng, cho nên dễ phạm luật, dễ gây tai nạn có khi cho cả chính mình”.
“Hai nữa, những con đường kiểu đó thì tốc độ không thể nhanh được, cứ chậm rãi từng bước một thì mất rất nhiều thời gian trong khi thế giới, và ngay khu vực này thôi, đang thay đổi  rất lẹ. Con đường đó là con đường phải học, phải hiểu biết, tuân thủ tất cả luật giao thông thì mới đi được. Phải biết tự mình tuân thủ, biết bảo vệ người cùng đi đường nữa để không xảy ra tai nạn. Nó vất vả nhưng nếu đi được thì tốc độ phát triển, chất lượng phát triển sẽ tốt hơn nhiều, dần dần các doanh nghiệp Việt Nam mới vượt lên được. Cách nói con đường cao tốc là ở chỗ đó”.
Lâu nay các doanh nghiệp Việt Nam đi chủ yếu trên những con đường mòn, những con đường quê gồ ghề, khúc khuỷu, không có tên mà luật đi đường cũng  không rõ ràng, cho nên dễ phạm luật, dễ gây tai nạn có khi cho cả chính mình – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Theo  nhà nghiên cứu độc lập, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, EVFTA mà Reuters đánh giá là cơ hội cho Việt Nam trong những ngày tháng tới, đúng là con đường cao tốc vì những điều kiện tiên khởi bắt buộc, đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm túc trước khi đến đích thuận lợi mà EVFTA mang lại:
“Các điều kiện của EVFTA rất rõ ràng, điều kiện về lao động, về thành lập công đoàn, về công khai minh bạch, về vệ sinh an toàn thực phẩm…là những đòi hỏi rất cao, rất nghiêm túc mới có thể đáp ứng yêu cầu”.
Đường cao tốc, mà bà Thu Trang nói, là sẽ giảm thuế và hàng hóa của Việt Nam ngay lập tức sẽ được giảm thuế xuống 5% , và ít năm nữa hầu như toàn bộ hàng hóa của Việt Nam thuế suất sẽ bằng không. Đúng là sẽ rất thuận lợi, cho nên đây là cơ hội lớn nhưng cơ hội đó đi cùng thách thức chứ không dễ dàng”.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm một tỷ lệ lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Theo Phòng Thương Mại & Công Nghiệp, đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ được tổ chức theo dạng gia đình tự quản lý và điều hành.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp thường có kinh nghiệm xử lý những tình huống gọi là đối phó miễn sao có lợi nhuận, nghĩa là sẵn sàng “vượt rào” để kiếm tiền nhanh hơn.
Dưới mắt Phòng Thương Mại&Công Nghiệp, đó là cách kinh doanh theo kiểu “mì ăn liền”, chẳng khác nào lái xe trên đường làng, tùy tiện lấn tuyến, ép trái, ép phải, luồn lách mà không sợ bị phạt hay bị chế tài.
Có thể cách thức vừa nói ít nhiều đã giúp một số doanh nghiệp kiếm được lợi nhuận trước mắt, trong khi một số doanh nghiệp khác, có kế hoạch lâu dài, đầu tư mở rộng, nhà xưởng, dịch vụ thương mại tốt nhằm tạo lập thương hiệu thì đã phải ngừng hoạt động.
EVFTA cũng dẫn tới suy nghĩ hoặc quan ngại rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể lâm cảnh cá lớn nuốt cá bé. Nhà nghiên cứu độc lập Lê Đăng  Doanh giải thích đây không phải vấn đề bị nuốt chửng mà là vấn đề chuyển đổi:
Có e ngại đó nhưng có thể giải tỏa được bằng cách chỉ cho họ thấy họ phải liên kết với nhau, họ phải lớn mạnh lên và họ phải học tập, tiếp thu tất cả những điều kiện xuất khẩu sang Liên Minh Châu Âu”.
“Còn đối với thị trường trong nước, hiện nay Việt Nam vẫn còn những chợ truyền thống, những mảng thị trường nhỏ lẻ. Tôi nghĩ đấy là khoảng thời gian nhất định để các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì được, nhưng mà lâu dài những thị trường truyền thống đó sẽ bị các siêu thị hiện đại, rồi thì thương mại điển tử tức là giao hàng tận nhà, dần dần thay thế. Đấy là điều tôi đang nói, là cơ hội gắn liền với thách thức, để các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng chuyển sang kinh tế số hóa, chuyển sang thương mại điện tử. Tất cả những việc đó sẽ diễn ra trong thời gian tới”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan giải thích để trấn an quan ngại ‘cá lớn nuốt cá bé’ trong doanh giới:
Khi trao đổi với các doanh nghiệp tôi vẫn nói nhỏ và vừa vẫn có thể có sức mạnh của mình. Ngay cả ở Liên Minh Châu Âu thì 70-75% doanh nghiệp là thuộc loại nhỏ mà. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các nước, và ngay cả Việt Nam cũng vậy, qui mô nhỏ thôi nhưng làm ăn tốt vẫn có thể đi ra thị trường quốc tế”.
“Còn chuyện cá lớn nuốt cá bé, nói chung các doanh nghiệp lớn cũng cần có đối tác là những doanh nghiệp qui mô nhỏ thôi. Có những doanh nghiệp lớn có đến vài ba ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa làm vệ tinh cho họ, không phải tất cả đều biến thành thành viên của các tập đoàn hay doanh nghiệp lớn đâu”.
Về quan ngại thứ hai, là không được hưởng lợi ngay từ EVFTA, thí dụ  doanh nghiệp may mặc chẳng hạn, doanh nhân Diệp Thành Kiệt, chuyên gia ngành may mặc và da giày trong nước, khẳng định vấn đề không hẳn như vậy:
Chuyện nói về ngành dệt may vì đây là ngành xuất khẩu lớn. Nhưng tôi nghĩ không chỉ dệt may mà nói chung tất cả các ngành đều có thể rơi vào tình trạng đó”.
“Đối với dệt may mà muốn hưởng thuế suất bằng không, tức là hưởng thuế suất ưu đãi, thì một trong những điều kiện là vải phải sản xuất tại Việt Nam. Thực ra vấn đề vải thì Việt Nam hiện nay có thể đảm đương khoảng 40% dung lượng để xuất khẩu trên cả nước. Tuy nhiên Việt Nam vẫn phải nhập vải từ Trung Quốc và một số nước khác. Riêng đối với Hàn Quốc thì Liên Minh Châu Âu cho phép chúng ta được lấy vải Hàn Quốc cộng vào và xem đó như vải nội địa. Đó là lợi thế rất lớn, tuy nhiên không phải vải nào của Việt Nam cũng được nhập từ Hàn Quốc hết.”
Điều này cũng nói rộng ra cho các ngành khác, là nếu anh không bảo đảm được cái tỷ lệ nội địa của EVFTA thì anh sẽ không được hưởng thuế ưu đãi. Không được hưởng thì cái thiệt thòi phải chịu là mức thuế cao. Đó là khuyến cáo không chỉ đối với ngành dệt may mà  với tất cả các ngành”
Về ngành da giày, cũng là lãnh vực chuyên môn của ông, doanh nhân Diệp Thành Kiệt giải thích tiếp:
Riêng về ngành da giày thì trong thời gian vừa qua Liên Minh Châu Âu cho mình hưởng qui chế MSP( Most System of Preference – hệ thống ưu đãi thuế quan) tương đối thấp so với MFN (Most Favoured Nation – tối huệ quốc), nôm na là mức thuế cao nhất”
“Theo báo cáo của Bộ Công Thương thì khoảng 98% các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU lúc bấy giờ, tức là từ nay trở về trước, đều đạt yêu cầu. Suy ra thì có thể mạnh dạn nói rằng đối với ngành giày chúng ta đạt điều kiện để hưởng ưu đãi của EVFTA ngay”.
Từ điểm này, ông Diệp Thành Kiệt nói ông hoàn toàn đồng ý với Phòng Thương Mại&Công Nghiệp cũng như các chuyên gia kinh tế, rằng Liên Minh Châu Âu (EU) với 27 quốc gia luôn là một thị trường khó tính, yêu cầu cao về tiêu chuẩn giá trị và chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa rõ ràng, minh bạch thông tin liên quan. Ông nêu thí dụ:
“Với EVFTA thì anh phải bảo đảm rằng trong đôi giày của anh có ít nhất 40% giá trị tạo ra  là được làm tại Việt Nam, bao gồm tiền nguyên liệu, tiền chi phí nhân công tại Việt Nam. Cộng tất cả những cái đó lại, anh bán đôi giày 10 Đồng và chứng minh rằng trong đó có 4 Đồng hoặc trên 4 Đồng tôi tạo ra tại Việt Nam thì anh mới được hưởng thuế suất”.
“Ngành da giày thì có 4 cột mốc. Cột mốc thứ nhất là khoảng trên dưới 40 dòng sản phẩm được hưởng thuế bằng không ngay ngày 1/8. Rồi 3 năm sau, tức là 2023, thêm một số nữa được về bằng không, 5 năm sau có thêm một số nữa bằng không, 7 năm sau thì gần như  tất cả về bằng không. Đó gọi là lộ trình giảm thuế”.
Theo tầm nhìn của Phòng Thương Mại & Công Nghiệp, kinh tế Việt Nam những năm qua có tiến bộ đáng kể với tỷ lệ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước đã phát triển thì Việt Nam còn kém rất xa.
Chính vì thế gia nhập EVFTA sẽ cho doanh nghiệp trong nước cơ hội thăng tiến, nâng khả năng cạnh tranh về nhiều mặt như giá cả, chất lượng sản phẩm hàng hóa khi nhập khẩu vào thị trường rộng lớn của EU, nhất là một khi được EU xóa bỏ tới gần 100% thuế quan theo nội dung cam kết trong hiệp định thương mại này.
Đồng thời, những qui định của EVFTA còn tạo cơ hội sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu ổn định, uy tín, chất lượng tốt với mức giá hợp lý, chưa kể được tiếp cận với nguồn lực khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao từ nhiều nước đã phát triển nhằm nâng cao năng lực sản suất và cải thiện chất lượng sản phẩm nội địa hóa.
Giám đốc Nguyễn Thị Thu Trang của Trung Tâm WTO và Hội Nhập, Phòng Thương Mại&Công Nghiệp Việt Nam còn cho rằng EVFTA không có rào cản để kết nối kinh tế Việt Nam với EU.
Không quá lạc quan nhưng chưa đúng mức là câu trả lời của cựu phó chủ tịch Phòng Thương Mại & Công Nghiệp Phạm Chi Lan:
Theo hiệp định EVFTA thì đúng là các rào cản đối với Việt Nam, để làm ăn với các doanh nghiệp EU, trước hết là hàng rào thuế được gỡ bỏ dần và tiến tới gỡ bỏ hoàn toàn. Ngoài giảm thuế thì các hàng rào phi thuế cũng được gỡ bỏ rất nhiều. Đó là cái tạo thuận lợi cho Việt Nam và coi như không có rào cản bởi vì nó ngang bằng với hàng của Liên Minh Châu Âu hoặc là hàng của các nước khác khi vào”.
Tất cả đến từ học hỏi, nắm bắt và thực hiện, là góp ý của kinh tế gia Phạm Chi Lan. Không thể nói là không khó khăn vì còn nhiều yêu cầu tối cần khác nữa.
Vẫn theo lời kinh tế gia kiêm nghiên cứu gia độc lập Phạm Chi Lan, EVFTA còn đòi hỏi trách nhiệm xã hội, trách nhiệm bảo vệ môi trường, chưa kể trách vụ chống tham nhũng cùng với những điều kiện về tự do thành lập công đoàn hoặc tổ chức đại diện công nhân vân vân…
Những yêu cầu đó cũng rất khắc nghiệt, bà nhấn mạnh, đối với doanh nghiệp Việt Nam thì tuân thủ là chuyện không dễ nếu thiếu sự cố gắng và sự hỗ trợ của chính phủ.

Công ty dầu khí rút khỏi Việt Nam

trong bối cảnh Trung Cộng thắt chặt kiểm soát

Theo xác nhận từ chủ nhân giàn khoan, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã hủy bỏ hợp đồng với giàn khoan dầu Noble Clyde Boudreaux. Ban đầu, giàn khoan này có mục đích thăm dò một mỏ dầu gần Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), ngoài khơi bờ biển phía đông nam Việt Nam.
Sự hủy bỏ này được thực hiện trong bối cảnh Bắc Kinh gây áp lực lên các quốc gia Đông Nam Á đang muốn khai thác tài nguyên ở khu vực Nam Trung Cộng với các đối tác quốc tế.
Theo tờ Benar News đưa tin, giàn khoan Noble Clyde Boudreaux thuộc sở hữu của công ty Noble Corporation. Sau sự việc trên, công ty mẹ đã nhận được một khoản tiền bồi thường. Giàn khoan Clyde Boudreaux đã có mặt ở Vũng Tàu trong hơn hai tháng. Nó được lên kế hoạch bắt đầu vận hành vào đầu tháng 6/2020. Hiện không có lý do cụ thể nào được đưa ra cho việc hủy bỏ hợp đồng. Cập nhật gần đây cho biết phía công ty có thể sẽ bắt đầu thực hiện một hợp đồng mới với cộng sản Việt Nam vào giữa tháng 7/2020.
Gần đây, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thường xuyên chịu áp lực từ phía Trung Cộng nhằm ép buộc đảng này ngừng khai thác dầu ngoài khơi bờ biển phía nam, trong vùng biển mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp. Trung Cộng cho rằng bất kỳ hoạt động thăm dò tài nguyên nào ở Biển Đông cũng phải được thực hiện với các đối tác Trung Cộng, chứ không phải với các công ty quốc tế. Trung Cộng đã nhiều lần thành công trong việc khiến Việt Nam rút khỏi các cuộc thăm dò chung, ngay cả khi được thực hiện trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Việt Nam. (BBT)

Việt Nam bác bỏ tuyên bố trên twitter

 của người phát ngôn TQ về Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, vào ngày 16 tháng 7 lên tiếng phản ứng trước những thông tin liên quan Biển Đông mà người tương nhiệm Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, đưa lên tài khoản Twitter hôm 14 tháng 7.
Truyền thông trong nước loan tin bà Lê Thị Thu Hằng lặp lại quan điểm “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật quốc tế.’
Phát biểu này của bà Lê Thị Thu Hằng được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, cho đăng trên twitter rằng ‘người Trung Quốc có các hoạt động ở Biển Đông từ hơn 2 ngàn năm trước’ và ‘chủ quyền của Trung Quốc và các quyền lợi, lợi ích liên quan ở Biển Đông có từ lâu trong lịch sử, trên cơ sở lịch sử và luật pháp vững chắc’.
Bà Lê Thị Thu Hằng nói thêm “chúng tôi cho rằng tất cả các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế’.
Vào ngày 13 tháng 7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo công bố lập trường của Washington về những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông. Hoa Kỳ bác bỏ những đòi hỏi của Trung Quốc đối với những nguồn tài nguyên xa bờ tại hầu hết các khu vực Biển Đông, đồng thời khẳng định chiến dịch hù dọa, bắt nạt của Bắc Kinh nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó cũng phi pháp.
Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc tế tuyên hồi ngày 12 tháng 7 năm 2016 về đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Biển Đông là vô căn cứ cả về mặt lịch sử lẫn pháp lý cũng được người đứng đầu ngành Ngoại giao Hoa kỳ cũng nhắc lại. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rõ phán quyết đó là chung thẩm và có tính ràng buộc.

Hoàn Cầu Thời Báo: VN sẽ ‘trắng tay’

nếu đu dây Mỹ tăng cường sức mạnh ở Biển Đông

Hôm 16/7, Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cảnh báo mối quan hệ chiến lược Việt-Mỹ mà Hà Nội đang theo đuổi, nói rằng Việt Nam sẽ “trắng tay” nếu sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Biển Đông tạo thêm căng thẳng hay phá vỡ sự cân bằng của mối quan hệ Trung-Việt-Mỹ. Trong khi giới quan sát trong nước nói với VOA rằng, “xét trong hai mối quan hệ, quan hệ với Mỹ phải được ưu tiên.”
Bài báo có tựa “Hoa Kỳ và Việt Nam thân cỡ nào?” của tác giả Li Jiangang thuộc Viện nghiên cứu Nam và Đông Nam Á và Châu Đại Dương thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, tố cáo rằng Washington “không quan tâm đến đạo đức và công lý,” và đã can thiệp vào các vấn đề của các nước Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam.
“Việt Nam từ lâu đã là một quốc gia mà Hoa Kỳ muốn tận dụng để ngăn chặn địa chính trị Trung Quốc,” bài báo viết.
Tờ Hoàn cầu viết: “Hà Nội hy vọng sẽ đu dây theo Washington để tăng cường sức mạnh chiến lược ở Biển Đông. Đây là một lựa chọn chiến lược mà Việt Nam đưa ra trước nhu cầu về sức mạnh quốc gia và tình hình khu vực.”
“Nhưng nếu sự can dự của Mỹ vào Biển Đông làm gia tăng căng thẳng khu vực hoặc phá vỡ sự cân bằng giữa Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ, thì sự phát triển của Việt Nam sẽ bị gián đoạn. Tổn thất của Việt Nam sẽ lớn hơn những gì nước này có được,” bài báo viết.
Tờ báo còn viết rằng chắc hẳn Việt Nam đã “quá quen” với các “thủ đoạn” của Mỹ, cho rằng Washington chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực thúc đẩy “các cuộc cách mạng màu” tại Hà Nội, hay “lợi dụng”các vấn đề xã hội khác nhau như dân chủ và nhân quyền, để “khuấy động mạnh mẽ các cuộc xung đột tại Việt Nam.”
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà bình luận chính trị Quang Hữu Minh phân tích với VOA lý do vì sao Trung Quốc không muốn Mỹ – Việt ký kết đối tác chiến lược như Thời báo Hoàn cầu đề cập.
“Trung Quốc có nhu cầu ngăn cản việc Việt – Mỹ có thể trở thành Đối tác Chiến lược. Hiện giờ thì quan hệ Việt – Mỹ đang thấp hơn quan hệ Việt – Trung: Quan hệ Việt – Mỹ là Đối tác toàn diện, còn quan hệ Việt – Trung là Đối tác Chiến lược.”
“Nếu như Trung Quốc để cho Việt Nam yên ổn trong việc hợp tác quốc phòng với Mỹ thì có khả năng là tàu Trung Quốc bị trục xuất ra khỏi Biển Đông, hay trên vùng biển của Việt Nam, là rất lớn. Vì một khi Việt Nam ký kết hợp tác quốc phòng với Mỹ thì tàu chiến của Mỹ sẽ hiện diện thường xuyên trong vùng biển của Việt Nam. Mà như vậy, về mặt chiến lược thì Trung Quốc bị bất lợi.
“Trung Quốc bịa ra chuyện Mỹ muốn lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam hay gây xáo trộn nội tình Việt Nam. Tôi nghĩ Trung Quốc còn giựt dây để gây làn sóng người Việt công kích Tổng thống Mỹ Donald Trump, hơn là người Việt Nam có nhu cầu thật sự đi công kích một Tổng thống Mỹ.”
“Xét ba lý do vừa nêu trong bối cảnh hiện nay, Hoàn cầu Thời báo hoàn toàn có động cơ để làm như vậy.”
Từ Hà Nội, nhà hoạt động nhân quyền Trần Bang nhận định rằng Trung Quốc từ lâu nay “chưa bao giờ từ bỏ âm mưu phá hoại hay xâm chiếm” Việt Nam và việc họ ngăn cản mối quan hệ ngày càng thắt chặt hơn giữa Hà Nội và Washington cũng nằm trong các thủ đoạn của Bắc Kinh. Chính vì vậy, ông nói rằng Việt Nam nên ưu tiên mối quan hệ với Mỹ.
“Xét trong hai mối quan hệ, thì quan hệ với Mỹ phải được ưu tiên.
“Như vậy không phải là không nên quan hệ với Trung Quốc, vẫn làm ăn thương mại với họ, nhưng chọn thể chế chính trị thì không nên chọn Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng nâng cấp quan hệ ngoại giao, chính trị, quân sự với Mỹ là điều tốt cho Việt Nam.”
Vào đầu tuần, Tổng Biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến viết bài nói rằng “chúng tôi sẽ phản đối việc sử dụng quan hệ Việt – Mỹ để chống Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào.”
Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội hôm 13/7 đăng lên trang Facebook chính thức của họ bài viết của ông Hồ Tích Tiến, với đại ý nói rằng việc Mỹ xây dựng quan hệ tốt đẹp với Việt Nam là có mục đích “ly gián quan hệ Trung– Việt,” cũng như nhằm biến Việt Nam thành “con cờ phục vụ cho chiến lược Mỹ chèn ép Trung Quốc.”
Hôm 16/7, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về bài báo của ông Hồ Tích Tiến, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Trong một thế giới hội nhập phát triển như ngày nay, Việt Nam cho rằng việc các quốc gia thể hiện thiện chí và phát triển quan hệ hữu nghị với nhau là xu thế tất yếu và đóng góp cho hòa bình, ổn định chung ở khu vực và thế giới.”
“Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển hợp tác với tất cả các đối tác trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.”
“Chúng tôi mong các nước chia sẻ quan điểm này của chúng tôi,” bà Hằng nói.
Theo báo Tiền Phong, bài viết của ông Hồ Tích Tiến nhanh chóng bị gỡ bỏ khỏi trang của Đại sứ quán Trung Quốc, sau khi nhận được hàng loạt bình luận phản đối gay gắt.

Việt Nam phản hồi tuyên bố

chính thức đầu tiên của Mỹ về Biển Đông

Liên quan đến tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo bày tỏ lập trường của nước này về Biển Đông và các yêu sách của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản hồi trong thông cáo báo chí phát đi chiều 15/7.
Theo đó, Việt Nam “hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế,” người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho hay trong thông cáo.
Việt Nam cũng “chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.”
“Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó.”
Việt Nam cũng khẳng định hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế.
Việt Nam kêu gọi các nước “nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.” Đồng thời nhấn mạnh rằng bản thân Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.
Quan điểm của Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2018
Hôm 14/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chính thức lên tiếng bày tỏ lập trường của Mỹ về các vấn đề trên Biển Đông và yêu sách của Trung Quốc.
Trong tuyên bố này, Mỹ khẳng định các yêu sách của Trung Quốc về tài nguyên ngoài khơi trên Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp”
Mỹ nêu rõ rằng “chiến dịch bắt nạt để kiểm soát” vùng biển tranh chấp của Bắc Kinh là sai trái.
Thông cáo của Hoa Kỳ cũng nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và cho rằng đây là “phán quyết cuối cùng” và “mang tính ràng buộc về pháp lý với cả hai bên”.
Theo đó, Hoa Kỳ nêu rõ lập trường của mình về các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông với phán quyết của Tòa Trọng tài trong ba điểm sau:
•Trung Quốc không thể khẳng định một cách hợp pháp một yêu sách hàng hải – bao gồm bất cứ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào từ Bãi Scarborough và Quần đảo Trường Sa. Hành động quấy rối của Bắc Kinh đối với các hoạt động đánh bắt cá và phát triển năng lượng ngoài khơi của Philippines trong các khu vực đó, cũng như bất cứ hành động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm khai thác các nguồn tài nguyên này, là bất hợp pháp. Theo phán quyết có tính ràng buộc về pháp lý của Tòa Trọng tài, Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với Đá Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây, cả hai nằm hoàn toàn trong quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines, và Bắc Kinh cũng không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải nào được tạo ra từ những cấu trúc này.
•Do Bắc Kinh không thể đưa ra một yêu sách hàng hải hợp pháp, rõ ràng tại Biển Đông, Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc đưa ra yêu sách tại Quần đảo Trường Sa (mà không phương hại đến yêu sách chủ quyền của các quốc gia khác đối với các đảo đó). Bao gồm: vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Cụm bãi Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc EEZ của Brunei và Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Bất cứ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy rối hoạt động đánh bắt cá hay phát triển dầu khí của các quốc gia khác trong những vùng biển này – hay đơn phương thực hiện các hành động đó – đều là bất hợp pháp.
•Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp nào đối với (hay bắt nguồn từ) Bãi ngầm James, một cấu trúc chìm hoàn toàn cách Malaysia chỉ 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.000 hải lý. Bãi ngầm James thường được nhắc đến trong hoạt động tuyên truyền của CHND Trung Hoa là “lãnh thổ cực nam của Trung Quốc”. Luật pháp quốc tế rất rõ ràng: một cấu trúc dưới nước như Bãi ngầm James không thể được bất cứ quốc gia nào tuyên bố chủ quyền và không thể tạo ra các vùng hàng hải. Bãi ngầm James (nằm cách mặt nước khoảng 20 mét) không phải và chưa bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, và Bắc Kinh không thể khẳng định bất cứ quyền hàng hải hợp pháp nào từ đó.

Việt Nam được gì

khi Mỹ mạnh tay với Trung Quốc về Biển Đông?

Diễm Thi, RFA
Có lợi cho Việt Nam
Hôm 13 tháng 7 năm 2020, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Michael Pompeo ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết diện tích Biển Đông.
Theo Washington, tuyên bố của Bắc Kinh đối với những nguồn tài nguyên xa bờ tại hầu hết khu vực Biển Đông là hoàn toàn phi pháp. Chiến dịch bắt nạt các nước nhỏ nhằm kiểm soát những nguồn tài nguyên đó cũng phi pháp.
Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Hoa Kỳ tìm cách giữ gìn hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải trên các vùng biển này phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ những lợi ích cho đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.
Ngày 15 tháng 7 năm 2020, Việt Nam lên tiếng về tuyên bố của Hoa Kỳ về lập trường của Washington đối với Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho rằng ‘hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế… Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hòa bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này’.
Nhà quan sát chính trị, nhà báo Nguyễn An Dân, đánh giá tác động đến Việt Nam qua động thái mới nhất của Mỹ:
“Việt Nam được lợi vì tin chắc rằng lần này Mỹ kiên quyết hành động chứ không phải là những tuyên bố chung chung như trước đây. Trước đây khi Mỹ chưa sẵn sàng để xử lý Trung Quốc. Đa số các phát biểu của chính giới Mỹ chỉ là ủng hộ bằng lời nói chứ chưa đi vào thực tế. Bây giờ nó đi vào thực tế.
Một khi Mỹ đi vào hành động thực tế ở Biển Đông thì tất cả các nước nhỏ ở khu vực Biển Đông sẽ có lợi. Kể cả những nước nằm ngoài Biển Đông cũng sẽ có lợi khi họ trở thành đồng minh của Mỹ trong việc làm Trung Quốc suy yếu.”
Tôi hoan nghênh tuyên bố đó vì đây là lần đầu tiên Mỹ thể hiện quan điểm chính thức khác với trước kia. Có tính bước ngoặc. – Trung tá quân đội Đinh Đức Long
Liên tiếp những năm qua, Trung Quốc nhiều lần có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Việt Nam cũng đã trao công hàm phản đối, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Trung Quốc chẳng những phớt lờ những yêu cầu ngoại giao của Việt Nam mà còn đưa tàu khảo sát được hộ tống bởi tàu hải giám vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trung tá quân đội Đinh Đức Long hoan nghênh tuyên bố của Hoa Kỳ về lập trường ở Biển Đông và cho đây là một cái lợi cho Việt Nam trong tình hình hiện nay:
“Tôi hoan nghênh tuyên bố đó vì đây là lần đầu tiên Mỹ thể hiện quan điểm chính thức khác với trước kia. Có tính bước ngoặt. Trước kia quan điểm của Mỹ là không đứng về bên nào trong các nước tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông. Lần này Mỹ đích danh lên án Trung Quốc và đứng về phía các nước ven biển Đông Nam Á mà chủ quyền biển đảo bị Trung Quốc đe dọa.
Lần đầu tiên Mỹ thể hiện việc chống lại lập trường của Trung Quốc trong việc đòi đến 90% diện tích Biển Đông, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi ủng hộ tuyên bố này nhưng tôi chưa thấy Mỹ công nhận Hoàng Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng chỉ cần Mỹ tuyên bố đúng theo công ước là có lợi cho Việt Nam rồi vì Mỹ là cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu. Tiếng nói của Mỹ rất có giá trị trong trường hợp này.”
Việt Nam có thay đổi lập trường?
Hồi tháng 4 năm nay, mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc loan tin chính phủ nước này đã thông qua quyết định thành lập cái gọi là huyện đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc thành phố Tam Sa. Đây là đơn vị hành chính mà Trung Quốc thành lập vào năm 2012 để quản lý Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa – cách Bắc Kinh gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Tây Sa sẽ đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trụ sở của cái gọi là huyện đảo Nam Sa sẽ đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 7 tháng 5 năm 2020, tác giả David Hutt có bài viết trên Asia Times tựa đề “Vietnam may soon sue China on South China Sea”, tạm dịch “Việt Nam có thể sớm kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”. Theo đó, Hà Nội được cho là đang chuẩn bị hồ sơ kiện lên tòa trọng tài quốc tế chống lại yêu sách chủ quyền Biển Đông phi lý của Bắc kinh. Đây có thể là phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc ngày càng đe dọa và quấy rối trên tuyến đường hàng hải tranh chấp.
Hơn một tháng sau, ngày 12 tháng 6, Tiến sĩ Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc có bài viết cho chương trình ‘Sáng kiến Tìm hiểu Tình hình Chiến lược Nam Hải’. Trong bài viết này, ông Tồn đe dọa rằng, nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc thì ‘sẽ phải trả giá đắt’ cho những biện pháp đáp trả từ phía Trung Quốc.
Với những hành động bị cho là ‘ngang ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam và phản ứng của Hoa Kỳ về Biển Đông, Trung tá Quân đội Đinh Đức Long nêu quan điểm của mình:
“Có lẽ đây là cơ hội để Việt Nam thể hiện chính kiến của mình trên thực tế. Về mặt ngoại giao, tôi nghĩ Việt Nam cẩn thận và khôn ngoan trong lĩnh vực này. Họ có thể không công khai hồ hởi ra mặt nhưng có lẽ bằng hành động, họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong việc thực hiện các tuyên bố về ứng xử Biển Đông.”
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có chung biên giới trên bộ và trên biển, có quá trình tương tác về văn hóa lịch sử cũng như các cuộc chiến tranh từ hàng ngàn năm.
Cựu thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng từng nói mối quan hệ với Trung Quốc là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”.
Nhà quan sát Nguyễn An Dân đánh giá mối quan hệ với Trung Quốc của chính phủ Hà Nội trong thời điểm hiện nay:
Việt Nam sẽ biểu lộ sự ngả về Mỹ rõ hơn tại họ cũng biết sự kiên nhẫn của Mỹ, đặc biệt cá nhân Tổng thống Trump có sự giới hạn. Mỹ đã tỏ thiện chí hết mức rồi. -Nhà quan sát Nguyễn An Dân
“Đến bây giờ tôi cho là nội bộ đảng cộng sản Việt Nam hiểu rằng không thể giữ hòa khí đối với Trung Quốc, trừ khi Việt Nam chịu mất biển của mình. Nhưng mất biển rồi thì hòa khí cũng chỉ là tạm thời, bởi khi Việt Nam mất biển thì bước tiếp theo là Trung Quốc muốn Việt Nam trở thành vùng phên dậu của họ trên đất liền. Tôi nghĩ đảng cộng sản Việt Nam hiểu điều đó.
Việt Nam sẽ biểu lộ sự ngả về Mỹ rõ hơn tại họ cũng biết sự kiên nhẫn của Mỹ, đặc biệt cá nhân Tổng thống Trump, có sự giới hạn. Mỹ đã tỏ thiện chí hết mức rồi.”
Ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền và đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Tòa kết luận rằng không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường chín đoạn.
Về phía Trung Quốc, chính quyền của ông Tập Cận Bình chưa bao giờ công nhận phán quyết này. Bắc Kinh gọi phán quyết này là bất hợp pháp và không có hiệu lực.
Vào ngày 13 tháng 7 năm 2020, Đại sứ quán Trung Quốc một lần nữa nhắc lại, tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cùng các quyền về hàng hải và lợi ích khác trên Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết. Trung Quốc kiên quyết phản đối và nói sẽ không bao giờ chấp nhận các yêu sách hoặc hành động dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.
Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế được ngoại trưởng Hoa Kỳ nhắc lại trong tuyên bố lập trường về Biển Đông ngày 13 tháng 7 vừa qua, theo đó Washington cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực là chung cuộc và có tính ràng buộc.

Điểm tin trong nước sáng 16/7:

Việt Nam lên tiếng trước tuyên bố lập trường của Mỹ

 về yêu sách ‘phi pháp’ của Trung Quốc tại Biển Đông

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Năm (16/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Việt Nam lên tiếng trước tuyên bố lập trường của Mỹ về yêu sách ‘phi pháp’ của Trung Quốc tại Biển Đông
Sau khi Washington ra tuyên bố bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ngoài khơi Biển Đông, chiều hôm 15/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có bình luận đầu tiên liên quan tới tuyên bố này. Bà Hằng nêu rõ: “Hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế”.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam – Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Trước đó, vào rạng sáng hôm 14/7 (giờ Việt Nam), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra tuyên bố khẳng định hầu hết yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là phi pháp, thu hút sự chú ý rộng rãi. Đây là lần đầu tiên Washington đưa ra lập trường cứng rắn dù đã từng nhiều lần lên án tham vọng bành trướng chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực.
Washington có thể công nhận Hoàng Sa của Việt Nam
Sau thời gian giữ trung lập đối với yêu sách chủ quyền trên các đảo trong khu vực, Washington đã thay đổi lập trường khi tuyên bố bác bỏ các yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đồng thời tiến hành các đợt tuần tra tự do hàng hải để nhấn mạnh điều này, theoTuổi trẻ.
Một số lựa chọn của Mỹ:
Về yêu sách hàng hải, sẽ công nhận và tiếp nhận rõ ràng việc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 về Biển Đông như đã nêu trong phán quyết của Tòa trọng tài. Điều này sẽ phù hợp với các đợt đợt tuần tra tự do hàng hải của Mỹ đến nay, và sẽ mang tới sự hỗ trợ bổ sung cho quan điểm của ASEAN.
Về yêu sách lãnh thổ, Mỹ có thể bày tỏ sự ủng hộ cho một nước nào đó khác liên quan tới bất kỳ hoặc toàn bộ các đảo.
Ở quần đảo Đông Sa, Mỹ có thể công nhận nó thuộc về Đài Loan. Ở Hoàng Sa, Mỹ có thể bác bỏ yêu sách của Trung Quốc và công nhận nó thuộc về Việt Nam.
Ở Trường Sa, Mỹ có thể bác bỏ yêu sách của Trung Quốc và cân nhắc các đảo nhân tạo của Trung Quốc không thể tạo ra các vùng được hưởng quyền hàng hải nào khác ngoài 500m an toàn…
Việt Nam thêm 8 ca Covid-19 mới đều là chuyên gia người Nga
Thông tin trên được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xác nhận vào chiều hôm 15/7. Các bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới đều là nam, tuổi từ 30 tới 55, thuộc một nhóm 69 chuyên gia đã đáp chuyến bay từ Nga tới TP.HCM hôm 11/7. Nhóm người này đã được đưa đi cách ly tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
VnExpress cho biết 8 người được lấy mẫu thử nghiệm hôm 13/7, kết quả dương tính mặc dù không có ai có triệu chứng.
Như vậy tính đến hôm nay (16/7), 8 trường hợp mới nâng tổng số các ca nhiễm trên cả nước lên tổng cộng 381 ca, trong số này 241 ca là các ca nhập từ bên ngoài.
Bộ GTVT Việt Nam muốn ‘thúc’ Trung Quốc mở lại đường bay Việt-Trung
Truyền thông trong nước vừa dẫn lại báo cáo từ Bộ GTVT Việt Nam, về phương án tổ chức các chuyến bay quốc tế thường lệ đến các khu vực ưu tiên, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Lào, Campuchia.
Động thái này được đưa ra sau khi Thủ tướng Việt Nam đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Điều đáng chú ý, riêng đường bay tới Trung Quốc, do Cục Hàng không Việt Nam nhiều lần đề nghị nhưng chưa nhận được phản hồi, nên Bộ GTVT cho rằng, cần tiếp tục thúc đẩy phía Trung Quốc bằng nhiều kênh, đặc biệt là ngoại giao. Và, đề xuất “tần suất bay 1 chuyến/tuần” cũng được cho là học tập kinh nghiệm từ Trung Quốc.
Trung Quốc là nước đầu tiên được Việt Nam công bố nối lại vận chuyển hàng không, sau khi các chuyến bay giữa hai nước phải tạm dừng từ 13h hôm 1/2 vì dịch viêm phổi Vũ Hán.

Điểm tin trong nước tối 16/7:

Sẽ đưa hơn 100 người Việt mắc Covid-19

 từ Guinea Xích Đạo về nước

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước tối thứ Năm (16/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Bộ Ngoại giao Việt Nam nói về Biển Đông trong thông cáo báo chí ngày 16/7
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 16/7, nhận được câu hỏi cho rằng “có một số ý kiến lo ngại động thái trên của Mỹ sẽ khiến căng thẳng ở Biển Đông leo thang”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đáp:
“Như tôi đã nói, duy trì một khu vực Biển Đông ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển không những là nguyện vọng chung của các nước ở Biển Đông, các nước trong khu vực, và còn là mong muốn chung của cộng đồng quốc tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có nỗ lực chung của các nước trong khu vực, và cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thực thi đầy đủ trách nhiệm, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Việt Nam đã, đang, và sẽ đóng góp một cách tích cực, có trách nhiệm trong mục tiêu chung, tiến tới những mục tiêu này”.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại lập trường của Việt Nam như đã nêu trong thông cáo ngày 15/7: “Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế.
Việc thượng tôn luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu đó”.
Bà Hằng lặp lại quan điểm của Việt Nam, trong đó, hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm rằng UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Sẽ đưa hơn 100 người Việt mắc Covid-19 từ Guinea Xích Đạo về nước
Sáng 16/7, Bộ Y tế cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ y tế là nhóm bác sĩ và điều dưỡng chuyên ngành hồi sức, cấp cứu theo chuyến bay sang Guinea Xích Đạo đón 219 công dân về nước, trong số này hiện có 116 người dương tính với virus corona Vũ Hán.
Đây là các công nhân của 3 công ty xây dựng Việt Nam tại Guinea Xích Đạo, gồm Công ty Tân Đại Lợi, Cổ phần CMVIETNAM và Cổ phần LILAMA10.
Thời gian đăng ký chuyến bay dài (dự kiến tới 3-8 mới bay), nên Bộ Y tế cho rằng sức khoẻ của các công nhân kể trên có thể thay đổi như: có thêm người dương tính nhưng có những người hiện dương tính có thể khỏi bệnh… Trong thời gian chờ đợi, Bộ Y tế cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ để hỗ trợ đoàn.
Một người Việt tử vong trên chuyến bay từ Mỹ về nước
Thông tin trên VnExpress, một hành khách 73 tuổi bị ngã và tử vong trước khi chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Mỹ về nước hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn.
Sự việc xảy ra trên chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Mỹ hồi hương hôm 15-16/7, khi máy đã bay được hơn 13 tiếng và đang ở độ cao hơn 10.000 mét, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao hôm 16/7.
Phi hành đoàn của hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã sơ cứu và kêu gọi một số hành khách là bác sĩ tham gia hỗ trợ cho nạn nhân. Tuy nhiên, người này không qua khỏi và đã qua đời trước khi máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn.
9.000 tấn rác đang ùn ứ khắp TP. Hà Nội
Tuổi trẻ thông tin, hôm 16/7, Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo UBND TP về việc phân luồng, tiếp nhận, xử lý sự cố người dân chặn xe vào Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn.
Tính đến 7h sáng 16/7, tên địa bàn Hà Nội ùn ứ khoảng 9.000 tấn rác thải. Rác tồn ở địa bàn 12 quận là 6.600 tấn.
Để giải quyết rác ùn ứ, Sở Xây dựng đã đưa ra phương án phân luồng “giải cứu”, rác tại 4 quận nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng sẽ đưa về khu trung tâm lưu chứa tại Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (P. Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), rác của các quận còn lại sẽ đưa về khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.