Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bản tin ngày 17-7-2020

Friday, July 17, 2020 2:01:00 PM // ,

BTV Tiếng Dân
17-7-2020
Tin Biển Đông
Thứ trưởng Ngoại giao VN Lê Hoài Trung (trên) và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy (dưới) trong hội nghị trực tuyến ngày 16-7. Ảnh: BNG VN
Trong bối cảnh Trung Quốc bị Mỹ và các nước phản đối sau tuyên bố cứng rắn của Hoa Kỳ về Biển Đông, Bắc Kinh đang tìm cách ve vãn các nước trong khu vực. Ngày 14/7, ngoại trưởng Dương Nghị đã chủ động gọi cho ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin, để ve vuốt, hứa hẹn. Hôm qua, Bắc Kinh cũng đã tìm tới Việt Nam, khi tổ chức hội nghị trực tuyến giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy với Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Nội dung cuộc họp được cho là bàn về quan hệ hai nước, hợp tác phòng chống dịch COVID-19, tình hình quốc tế, khu vực và vấn đề Biển Đông, cũng như chuẩn bị cho phiên họp lần thứ 12 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc.
BBC đưa tin: Mỹ tăng cường đơn vị tác chiến điện tử trên Biển Đông. Dẫn tin từ báo Nikkei Asian Review của Nhật, cho biết, quân đội Mỹ có kế hoạch triển khai hai đơn vị đặc nhiệm đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào năm 2021, thực hiện nhiều sứ mệnh khác nhau, trong đó có tác chiến điện tử và tác chiến mạng. Ít nhất một đơn vị sẽ đóng quân quanh Biển Đông.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Trung Quốc nói, các chính trị gia Mỹ đang ‘mất trí và phát điên’. Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 17/7, người phát ngôn BNG Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tấn công Hoa Kỳ: “Những người này, vì lợi ích chính trị và vị kỷ, không ngần ngại đánh lạc hướng công luận trong nước… đến mức mất trí và phát điên“.
Bà Hoa nói rằng, Bắc Kinh không có ý định thách thức hay thay thế Mỹ, hy vọng Washington có thể sớm quay lại chính sách ‘hợp lý’ đối với Trung Quốc. Bà nói: “Một con chim sẻ không thể hiểu được tham vọng của con thiên nga. Đây là đánh giá sai lầm nghiêm trọng và hiểu sai về mục tiêu chiến lược của Trung Quốc“.
Cựu đại sứ Nguyễn Hồng thao có hai bài phân tích đăng trên VietNamNet: Mỹ – Trung tái hiện cuộc tranh luận Biển Đông ‘đóng hay mở’ và bài: Cuộc đấu khẩu Mỹ – Trung về thượng tôn pháp luật Biển Đông. Tác giả kết luận:
Trong biến chuyển khó lường của thời cuộc, các nước nhỏ càng cần giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ, tôn trọng và yêu cầu thực thi luật pháp quốc tế, vì một trật tự thế giới đã được xây dựng dựa trên luật pháp, bao gồm cả Công ước Luật biển 1982. Mọi quyết định đều căn cứ những gì mà chân lý yêu cầu, luật quốc tế quy định và lợi ích quốc gia mách bảo“.
Trang Thế giới & Việt Nam cho biết: Ấn Độ ra tuyên bố về Biển Đông giữa lúc Mỹ-Trung ‘lao đầu’ vào khẩu chiến. Trong bối cảnh các nước đưa ra quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, hôm qua, Ấn Độ tuyên bố, tuyến đường thủy chiến lược trên Biển Đông là một phần của lợi ích chung toàn cầu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava nhấn mạnh, New Delhi ủng hộ tự do hàng hải và thương mại hợp pháp trên các tuyến đường thủy quốc tế. Ông Srivastava nói: “Chúng tôi đã nêu rõ lập trường của mình về Biển Đông trong nhiều dịp trước đây, mới đây nhất là vào ngày 21/5/2020. Quan điểm của chúng tôi về vấn đề này là rõ ràng và nhất quán”.
Tin nhân quyền
BBC có bài: Quan hệ Việt – Mỹ: Tiến bộ, lạc quan nhưng VN không nên quên nhân quyền? Bài viết nêu ý kiến của các nhà nghiên cứu, phân tích, bình luận thời sự và chính trị, quan sát bang giao Việt – Mỹ. Có ý kiến cho rằng, “bang giao Việt – Mỹ đang đứng trước cơ hội có tính quyết định lịch sử, quan hệt có tiến bộ, lạc quan, hứa hẹn nhưng Việt Nam không nên quên đề cập và giải quyết vấn đề nhân quyền”.
VOA đưa tin: Việt Nam, quốc gia không có báo chí độc lập, khai trương bảo tàng báo chí. VOA dẫn nguồn từ AFP cho cho biết, Việt Nam vừa khai trương bảo tàng báo chí, dù nước này bị xếp hạng là một trong những nước kém nhất thế giới về tự do báo chí và bắt bớ nhiều phóng viên.
Tin cho biết, Bảo tàng Báo chí Việt Nam khai trương hồi tháng 6, “trưng bày các hiện vật từ những bức ảnh đoạt giải báo chí Pulitzer trong Chiến tranh Việt Nam, cho đến câu chuyện về cuộc đấu tranh vì tự do báo chí trong thời kỳ thực dân Pháp, nhằm tôn vinh ‘nền báo chí cách mạng’ ở quốc gia cộng sản“.
Báo chí Việt Nam chỉ là cái loa tuyên truyền của đảng. Nguồn: Nhac Nguyen/ AFP
Bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí, nói với AFP khi đề cập đến một bộ luật năm 1881, được áp dụng cho Pháp và thuộc địa của Pháp: “Với luật tự do báo chí mà người Pháp mang đến Việt Nam, chúng tôi luôn ý thức cao như thế nào là tự do báo chí”.
Hà Nội vẫn bốc mùi
VTC đưa tin, những ngày gần đây, người dân hai xã của huyện Sóc Sơn Hà Nội, tiếp tục chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn còn chưa được giải quyết, thì sáng 16/7/2020, người dân sinh sống tại khu vực đường Phúc Diễn, phường Tây Mỗ, (Hà Nội) cũng tập trung ngăn cản không cho xe chở rác thải vào khu xử lý rác thải. Điều này làm cho rác ở nội thành Hà Nội bị ùn ứ hàng chục ngàn tấn, bốc mùi hôi thối, cộng với việc nắng nóng càng thêm khó chịu.
Báo Sạch có bài: Mùi của Hà Nội. Bài viết cho biết: “Ghi nhận tại các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng… rác thải ngập các con phố nội đô, được chất thành đống trên vỉa hè, thậm chí dưới lòng đường mà không được xử lý. Rác không chỉ bốc mùi hôi thối, mà còn phân hủy, rỉ nước… vừa ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, vừa ảnh hưởng đến độ an toàn giao thông“.
Rác Hà Nội. Nguồn: Báo Sạch
Việc chậm đền bù cho dân và thiếu quyết liệt của lãnh đạo Hà Nội là nguyên nhân gây tình trạng báo động hiện nay. Bà Bùi Thị An, cựu ĐBQH, hóm hỉnh nói rằng, mong lãnh đạo TP Hà Nội xử lý rác cũng nhanh như việc ký các dự án nhà chung cư, dự án xây dựng vậy.
Trên Vietnamnet, nhà báo Phạm Trung Tuyến cảnh báo, rằng “Khủng hoảng bãi rác Nam Sơn hôm nay không phải là một sự kiện mới. Với cách giải quyết như đang làm, chắc sẽ có thêm những cuộc khủng hoảng mới. Đã đến lúc phải thay đổi…”. Cũng theo ông Tuyến, “bất cứ ai cũng là nạn nhân, từ người nông dân Nam Sơn đến ông Chủ tịch thành phố”. Có lẽ trừ ông Bí thư TP Hà Nội ra.
VTC Now có clip: Rác thải nội thành Hà Nội: Đi đâu, về đâu?
Câu chuyện nóng về “rác thải” cũng được nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng nhìn nhận rằng đây là sự thất bại của hệ thống: “Mặc dù hệ thống chính trị này vẫn còn sức mạnh, vẫn còn đầy đủ bộ máy bạo lực, vẫn có thể bịt mồm tôi ngay lập tức, nhưng tôi dám khẳng định rằng nó là một hệ thống chính trị thất bại.
Thất bại bởi vì nó là một hệ thống đã sai ngay từ thiết kế ban đầu. Một bộ máy không có tầm nhìn để biết đi về đâu, một bộ máy dung túng cho cái sai cái xấu, một bộ máy mà con lãnh đạo lại lên làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc, một bộ máy chỉ biết phá mười xây một… thì lấy đâu ra khả năng kiến tạo và bảo vệ đất nước này?

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.