Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 08/07/2020

Wednesday, July 8, 2020 2:10:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 08/07/2020

Thêm hai trưởng phòng của CDC Hà Nội

bị khởi tố trong vụ mua máy xét nghiệm COVID-19

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố thêm hai trưởng phòng thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hà Nội, trong vụ án cơ quan này nâng khống giá khi mua máy xét nghiệm COVID-19.
Truyền thông quốc nội, vào ngày 7/7 dẫn nguồn từ C03 cho biết hai trưởng phòng thuộc CDC vừa bị khởi tố bị can bao gồm Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh và Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, bà Nguyễn Thị Kim Dung.
Hai người này cùng bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, và hiện bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Hồi hạ tuần tháng 4 vừa qua, Công an Hà Nội đã khởi tố 7 cán bộ có liên quan đến vụ nâng khống giá mua hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại CDC Hà Nội. Trong số này, có Giám đốc của CDC, ông Nguyễn Nhật Cảm.
C03 cho báo giới biết theo kết quả điều tra ban đầu, các bị can đã cấu kết, gian lận, thông đồng và nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động-xét nghiệm COVID-19. Vụ việc được đánh giá gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.
C03 cho biết thêm vụ án đang được mở rộng điều tra. Đồng thời, đang khẩn trương làm rõ hành vi của các bị can và thu hồi tài sản của Nhà nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-hanoi-cdc-to-buy-covid-19-testing-machines-two-more-officials-prosecuted-07082020082540.html

Cách chức vụ đảng nguyên chánh án Đồng Tháp

 và nguyên bí thư Đồng nai

Ban Bí thư Trung ương Đảng hôm 7/7 đã quyết định cách hết các chức vụ đảng đối với ông Nguyễn Thành Thơ (Tỉnh uỷ viên, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp). Ông Phạm Văn Sáng (nguyên Tỉnh uỷ viên, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai) bị khai trừ ra khỏi đảng.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết Ban Bí thư xác định ông Nguyễn Thành Thơ trong thời gian giữ chức vụ đã có chủ trương lập quỹ, nhận quà tặng, tiền hỗ trợ của tổ chức, cá nhân, các khoản tiền hoa hồng để ngoài sổ sách kế toán trái quy định với số tiền lớn; quản lý, sử dụng, quyết toán các khoản tiền nêu trên không đúng chế độ, quy định. Việc làm của ông Thơ bị xác định vi phạm các quy định của đảng và pháp luật nhà nước.
Ông Phạm Văn Sáng bị xác định trong thời gian giữ chức vụ đã vi phạm rất nghiêm trọng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng và phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm các quy định về công tác cán bộ; đầu tư, mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công và đầu tư, xây dựng cơ bản gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Những vi phạm của hai cựu cán bộ tỉnh Đồng Tháp bị nói ảnh hưởng xấu đến uy tín đảng, của ngành, địa phương và cá nhân dẫn đến mức thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định đảng.
Trong diễn biến liên quan, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai hôm 7/7 cũng ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Trịnh Minh Châu (nguyên Phó Trưởng phòng Kiểm sát, Khiếu tố, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Nai) để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thông tin ban đầu cho biết ông Châu đã rao bán một số dự án đất đai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu và kêu gọi nhiều người góp vốn đầu tư, đặt cọc vào các dự án.
Một số người góp vốn yêu cầu ông Châu cung cấp giấy tờ nhưng ông này bị nói không thể đưa ra nên bị tố cáo.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho hay một số người đã góp số tiền hơn 5 tỷ đồng cho ông Châu nhưng không thể lấy lại được.
Cuối năm 2018, ông Trịnh Minh Châu gửi đơn xin thôi việc và đầu năm 2019 được chấp thuận.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-chief-justice-and-secretary-of-dong-thap-province-dismissed-in-the-party-07082020083920.html

Công an điều tra lại

vụ án Tuấn “khỉ” bắn chết 5 người

Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) hôm 8/7/2020, đã trả hồ sơ, yêu cầu công an điều tra lại vụ án Lê Quốc Tuấn (tức Tuấn “khỉ”), do có nhiều chi tiết cần làm rõ.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết thêm, lý do trả hồ sơ là để điều tra lại một số lời khai, chứng cứ quan trọng, trước khi truy tố các bị can.
Tin cũng cho biết, liên quan vụ án này, công an TPHCM đã bắt tạm giam thêm một người, tên Trần Quốc Đạt để điều tra về việc tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Trước đó, vào tháng 5 năm 2020, Công an TPHCM đã kết luận ông Phạm Thanh Tâm phạm tội ‘Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng’ và ‘Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có’.
Ngoài ra, ông Lê Quốc Minh cùng 15 người khác, cũng bị khởi tố về các tội ‘Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có’, ‘Che giấu tội phạm’ và ‘Không tố giác tội phạm’.
Theo điều tra ban đầu, Lê Quốc Tuấn, biệt danh ‘Tuấn khỉ’, 33 tuổi, do mâu thuẫn trong lúc chơi đánh bạc tại vườn nhãn ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, trong các ngày từ 29 đến 31 tháng 1 năm 2020, đã dùng súng AK bắn chết 5 người, làm bị thương 2 người khác. Tuấn đã cướp 3 xe máy và số tiền hơn 802 triệu đồng giao cho nhiều người cất giữ.
Vào ngày 13/2/2020, ‘Tuấn khỉ’bị Công an TP HCM phối hợp Cục Cảnh sát Hình sự (C02, Bộ Công an) và nhiều lực lượng vây bắt tại khu vực Cầu Xáng, xã Tân Thạnh Đông, Hóc Môn. Tuấn đã chống trả nên bị bắn chết.
Công luận trong nước đang quan tâm đến vụ án tử tù Hồ Duy Hải. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có yêu cầu kháng nghị; tuy nhiên Hội đồng thẩm phán dưới sự sự chủ trì của ông chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao vào ngày 8 tháng 5 vừa qua khi kết thúc phiên xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm cho rằng có những sai sót nhưng bản chất vụ án không thay đổi. Hội đồng thẩm phán 17 người giơ tay biểu quyết bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/police-re-investigate-the-case-of-tuan-khi-who-shot-and-killed-5-people-07082020082352.html

Hai tổ chức xã hội dân sự lên tiếng về việc

bắt giữ và truy tố người dân Đồng Tâm giữ đất

Hai tổ chức là Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền vào ngày 7 tháng 7 ra thông cáo báo chí về việc bắt giữ và truy tố những người bảo vệ đất đai 6 tháng sau vụ công an tấn công vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội.
Thông cáo báo chí của  hai tổ chức vừa nêu nhắc lại cáo trạng mà thành phố Hà Nội công khai hôm 25 tháng 6 vừa qua. Cáo trạng truy tố 25 người dân Đồng Tâm bị bắt trước đó với cáo buộc giết người để chịu trách nhiệm về cái chết của ba sĩ quan công an trong cuộc đột kích vào làng Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 vừa qua. Cáo trạng cũng truy tố 4 người khác với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ.
Tuy nhiên theo thông cáo báo chí thì qui trình xét xử quốc tế và các tiêu chuẩn xét xử công bằng không được áp dụng cho những người bị giam giữ.
Ngoài 29 người dân Đồng Tâm, lực lượng an ninh Hà Nội và tỉnh Hòa Bình còn bắt giữ bốn người bảo vệ nhân quyền ôn hòa là bà Cấn Thị Thêu, bà Nguyễn Thị Tâm, và hai ông Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’.
Theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền thì cơ quan chức năng Việt Nam thay vì tiến hành điều tra vụ tấn công vào xã Đồng Tâm để xác định trách nhiệm; trong đó có việc giết chết ông Lê Đình Kình, lại trả thù những người bảo vệ nhân quyền.
Do đó, hai tổ chức tuyên bố 4 điểm, trong đó nêu lên cuộc đấu tranh chính đáng bảo vệ quyền của người dân Đồng Tâm chống lại sự chiếm đoạn đất đai tùy tiện của chính quyền Hà Nội để giao cho Tập đoàn Công Nghiệp-Viễn Thông (Viettel); những người chỉ đạo và thực hiện cuộc tấn công vào Đồng Tâm phải chịu trách nhiệm, bị điều tra và chịu sự trừng phạt theo pháp luật; việc bắt giữ và truy tố 29 người dân Đồng Tâm không có cơ sở và có động cơ chính trị khi sử dụng hình phạt tập thể nhằm đe dọa những người dân khác trong việc chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền; việc bắt giữ và khởi tố 4 người bảo vệ nhân quyền tại Dương Nội là độc đoán nhằm trả thù hoạt động ôn hòa của họ khi thực thi quyền tự do ngôn luận.
Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền kêu gọi Việt Nam hủy bỏ những cáo buộc và trả tự do cho những người bị giam giữ. Đồng thời cũng kêu gọi sự lên tiếng của các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân yêu chuộng tự do, sự thật nhằm đòi hỏi công lý cho những người bị bắt giữ và truy tố như vừa nêu.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-human-rights-network-and-defend-the-defenders-on-the-arrest-and-prosecution-of-land-defenders-07082020074707.html

Thông tin Bộ Chính trị cho ông Lê Viết Chữ thôi chức

 rò rỉ trên mạng xã hội

Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam vừa ra quyết định thôi chức Bí thư Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Lê Viết Chữ.
Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 8 tháng 7. Cụ thể, Bộ Chính trị quyết định ông Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Quảng Ngãi, thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, để xem xét, bố trí công tác khác.
Trước đó, tại phiên họp diễn ra vào ngày 16/6, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Viết Chữ bằng hình thức cảnh cáo.
Theo Uỷ ban kiểm tra Trung ương, ông Lê Viết Chữ đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Sau đó, ông Lê Viết Chữ đã có gửi đơn tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi giữ chức vụ.
Điểm đáng chú ý là văn bản được cho là quyết định cho thôi chức đối với ông Lê Viết Chữ mà theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết là chỉ lưu hành nội bộ trong Đảng, chưa được công bố nhưng nội dung của văn bản đã và đang lan truyền trên mạng xã hội.
Trong ngày 8/7, lãnh đạo tỉnh uỷ Quảng Ngãi nói với truyền thông quốc nội rằng Công an tỉnh Quảng Ngãi đang vào cuộc điều tra; đồng thời trong ngày Công an đã yêu cầu facebook “Hùng Nhan” gỡ thông tin đăng tải trên vì cho rằng vi phạm việc thu nhập thông tin của người khác đăng tải trên mạng xã hội.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/resignation-decision-to-quang-ngai-party-chief-approved-by-politburo-being-posted-on-facebook-07082020080222.html

Hàng loạt sai phạm liên quan đất đai tại tỉnh Lâm Đồng

Thanh tra Chính phủ Việt Nam vào ngày 7/7 cho công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng tại tỉnh Lâm Đồng, theo đó hàng loạt sai phạm liên quan đất đai tại tỉnh này được nêu ra.
Truyền thông trong nước loan tin dẫn thông báo do phó tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Minh cho biết như vừa nêu.
Theo kết luận thanh tra, từ tháng 10/2018 đã tiến hành thanh tra toàn tỉnh Lâm Đồng, bên cạnh những kết quả mà tỉnh này đã đạt được thì phát hiện nhiều sai phạm mà chủ yếu trong công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng tại tỉnh này.
Hàng loạt sai phạm trong việc giao đất, thuê đất, thu hồi đất và tái định cư, việc buôn bán cho thuê biệt thự, việc thực hiện một số dự án đầu tư cho thuê Dinh 1 làm khu du lịch và khu nghĩ dưỡng cao cấp King Palace không qua đấu thầu, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng và nhiều công tác quy hoạch khác sai quy định.
Trước những sai phạm này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các huyện, thành phố trong các thời kỳ để xảy ra sai phạm từ năm 2004 đến nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Đoàn Văn Việt đã nhận trách nhiệm về các sai phạm trong thời gian qua và giải trình một số nguyên nhân dẫn đến khuyết điểm của đội ngũ cán bộ qua các thời kỳ từ năm 2004 đến nay.
Theo Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh, Lâm Đồng là địa phương phát triển kinh tế khá nóng trong những năm gần đây, bởi vậy trong những kết quả đạt được, không tránh khỏi những sai phạm trong quản lý nhà nước. Để giúp tỉnh Lâm Đồng sửa chữa các sai phạm, Thanh tra Chính phủ sẽ thành lập một tổ hoặc Ban chỉ đạo để giám sát quá trình xử lý các vấn đề còn tồn tại của tỉnh Lâm Đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-violations-in-land-management-lam-dong-province-07082020083641.html

3 khu đất liên quan Vũ ‘nhôm’

sắp được bàn giao cho UBND TP. Đà Nẵng

Cục Thi hành án dân sự Thành phố Đà Nẵng dự kiến trong tháng này sẽ bàn giao ba khu đất liên quan ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘Nhôm’, cho UBND thành phố. Báo trong nước đưa tin hôm 7 tháng 7.
Thứ nhất là khu đất 16 Bạch Đằng hiện là đất trống được rào xung quanh, không có người bảo quản. Thứ hai là khu đất 319 Lê Duẩn có bên bị tuyên phải bàn giao tài sản là Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Chấn Phong. Hai công ty này cho rằng tài sản này không phải của công ty mà là của ông Phan Văn Anh Vũ. Gia đình ông Phan Văn Anh Vũ đang làm đơn khiếu nại vì cho rằng đây là tài sản chung của hai vợ chồng Vũ. Khu đất thứ ba là dự án du lịch ven biển. Hiện, ranh giới của dự án này chưa cụ thể, rõ ràng.
Còn một khu đất nữa liên quan Vũ “nhôm” chưa thể thi hành án do gặp nhiều vướng mắc do bản án không xác định chính xác người phải có trách nhiệm giao tài sản.
Liên quan lãnh vực đất đai ở thành phố biển này, tại cuộc họp của HĐND thành phố Đà Nẵng hôm 8 tháng 7, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết, chưa thể trả lời câu hỏi về các sai phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn. Lý do được nêu ra là việc rà soát tốn thời gian của các sở ngành với khối lượng công việc rất lớn.
Đề cập đến việc tham mưu tháo gỡ vướng mắc, ông Hùng nói rằng: “Nếu như ai đó từng làm việc với cơ quan điều tra, từng dự các phiên tòa thì không thể không rung động khi tham mưu tháo gỡ các vướng mắc. Bởi lẽ, lằn ranh giữa tháo gỡ vướng mắc và cố ý sai phạm rất là mong manh”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến tình trạng người nước ngoài “núp bóng” mua đất tại các vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng, ông Tô Văn Hùng khẳng định không có trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trường hợp cá nhân là người nước ngoài.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/three-lots-of-land-related-to-vu-aluminum-to-be-handed-over-to-danang-city-pp-committee-07082020082319.html

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh,

trật tự cơ sở sẽ bảo vệ ai?

Sát nhập ba lực lượng thành một
Tờ trình của Bộ Công an về đề xuất Dự luật thành lập Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở cho biết nguyên nhân sát nhập ba thành phần bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên nghiệp trở thành một lực lượng mới là do ba lực lượng quần chúng đang tồn tại này có cùng nhiệm vụ và đang trong tình trạng không thống nhất.
Bộ Công an giải thích rằng việc sát nhập cả ba thành phần vào một lực lượng mới, với tên gọi Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sẽ góp phần tinh gọn bộ máy và kiện toàn lực lượng, cũng như khắc phục và hạn chế tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo và chồng lấn giữa 3 lực lượng quần chúng này.
Theo Dự luật được Bộ Công an công bố, hiện có gần 750 ngàn người trong 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên nghiệp gộp lại, được trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.
Theo tôi nghĩ thì ông Tô Lâm cạnh tranh với bên quân đội, quốc phòng. Ông Tô Lâm có một lực lượng lớn như vậy, đông hơn thì quyền lực của ông trải khắp đất nước. Đúng là ‘công an trị’, với mục tiêu rải đều khắp nơi đều có công an hết. Rõ ràng sự chuyên nghiệp đó sẽ trao thêm quyền và chắc chắn sẽ lạm quyền hơn
-Ông Đinh Quang Tuyến

Nhiệm vụ của lực lượng mới này được nói là có tác động trực tiếp đến quyền con người và quyền công dân, như tham gia tuần tra, kiểm soát, truy nã, tấn công, trấn áp tội phạm hay thực hiện những biện pháp chống tội phạm, tệ nạn xã hội…
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sẽ do Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý. Và, chính quyền địa phương sẽ chi trả tiền bồi dưỡng, hỗ trợ hàng tháng cho các thành viên của lực lượng này, cũng như phải đóng bảo hiểm xã hội và y tế cho họ.
Ủng hộ và Lo ngại
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, vào tối ngày 7/7 nêu lên quan điểm của ông liên quan Dự luật Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở:
“Tôi nghĩ rằng sát nhập là đúng. Khi Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới thì đòi hỏi về một lực lượng chuyên nghiệp. Ví dụ như vừa rồi thành lập lực lượng kỵ binh, chẳng hạn. Đó là một lực lượng giống như ở các nước khác. Thế thì, trong tình hình hiện nay có nhiều quá các lực lượng bảo vệ an ninh cho nên cần phối hợp các lực lượng này, sát nhập lại chỉ có một lực lượng để bảo vệ thôi. Bên cạnh cảnh sát và an ninh thì có một lực lượng hỗ trợ và họ phải được chuyên nghiệp hóa để tránh sự lạm quyền, tránh sự không chuyên nghiệp trong quá trình hành xử.”
Đài RFA ghi nhận, qua trang fanpage các báo chính thống, một số độc giả bày tỏ sự ủng hộ cho việc sát nhập này, với hy vọng người dân được bảo vệ và yên tâm hơn. Tuy nhiên, số lượng độc giả tỏ ra lo ngại về Dự luật lại nhiều hơn bội phần. Không ít người cho rằng “cũng là bình mới rượu cũ”, hay “lực lượng này chưa đủ chuyên môn để đảm trách công việc, và đưa vào hoạt động chỉ có bắt nạt dân”, thậm chí có người còn cho rằng khi lực lượng mới này được trang bị, hỗ trợ công cụ để thi hành nhiệm vụ thì có thể dẫn đến hậu quả phản tác dụng và gây rối thêm.
Những nỗi lo lắng của dân chúng như thế được nhà hoạt động dân chủ Đinh Quang Tuyến giải thích cũng là hợp lẽ, bởi vì Nhà nước Việt Nam sử dụng công an để “trị dân”, và việc tăng cường, chuyên môn hóa các lực lượng công an không chính quy cũng không là điều ngạc nhiên.
Ông Đinh Quang Tuyến, vào tối hôm 7/7 lên tiếng với RFA:
“Theo tôi nghĩ thì ông Tô Lâm cạnh tranh với bên quân đội, quốc phòng. Ông Tô Lâm có một lực lượng lớn như vậy, đông hơn thì quyền lực của ông trải khắp đất nước. Đúng là ‘công an trị’, với mục tiêu rải đều khắp nơi đều có công an hết. Rõ ràng sự chuyên nghiệp đó sẽ trao thêm quyền và chắc chắn sẽ lạm quyền hơn.”
Hồi năm 2018, dư luận trong nước cũng đặc biệt quan tâm đến Thông tư 17/2018/TT-BCA quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, được Bộ Công an thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.
Theo thông tư này, công an xã, phường, thị trấn cho đến cấp huyện, quận, thị xã, thành phố được trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, các loại súng và còn được xem xét trang bị tên lửa chống tăng cá nhân, trực thăng vũ trang, bom, mìn, lựu đạn…
Bác sĩ Đinh Đức Long, cựu sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam từng nêu quan ngại của ông về việc này:
Tôi nghĩ rằng sát nhập là đúng. Khi Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới thì đòi hỏi về một lực lượng chuyên nghiệp. Ví dụ như vừa rồi thành lập lực lượng kỵ binh, chẳng hạn. Đó là một lực lượng giống như ở các nước khác. Thế thì, trong tình hình hiện nay có nhiều quá các lực lượng bảo vệ an ninh cho nên cần phối hợp các lực lượng này, sát nhập lại chỉ có một lực lượng để bảo vệ thôi. Bên cạnh cảnh sát và an ninh thì có một lực lượng hỗ trợ và họ phải được chuyên nghiệp hóa để tránh sự lạm quyền, tránh sự không chuyên nghiệp trong quá trình hành xử
-Luật sư Nguyễn Văn Hậu
“Tôi nghĩ thứ nhất là rất tốn kém. Trong lúc ngân sách eo hẹp mà trang bị lượng vũ khí như thế cho cấp cơ sở là rất nhiều tiền mà không biết họ có sử dụng hết công suất không, có hiệu quả không chứ vũ khí trang bị xong mà để kho đấy thì nó cũng hết hạn sử dụng. Lãng phí! Thứ hai là xin vũ khí rồi mà nếu có chuyện gì xảy ra, sẵn súng trong tay thì liệu họ có khả năng kiểm soát tình hình một cách chuyên nghiệp không, hay sẵn súng đấy rồi sẵn sàng bạo động? Còn một mặt trái nữa là nếu tình hình có biến động thì những vũ khí ấy có khi lại trở thành trang bị cho những người ở cơ sở dùng ngay để họ đạt mục đích của họ.”
Quan ngại của Bác sĩ Đinh Đức Long phần nào được phản ánh qua tình trạng dư luận trong thời gian qua chỉ trích nặng nề về công an lạm dụng súng trong hành xử với người dân.
Từ năm 2018, Bộ Công an cũng thực hiện đề án đưa 25 ngàn công an chính quy về xã, thay thế cho công an xã bán chuyên trách.
Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang từng nhận định với RFA rằng việc tăng cường lực lượng chính quy về công an xã là một bước để nâng cao trình độ công an xã lên, để họ thực thi luật pháp một cách đúng pháp luật. Thế nhưng, với Dự thảo Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở thì ông Nguyễn Đăng Quang cho rằng sẽ xảy ra tình trạng lạm quyền:
‘Chắc chắn là có lạm quyền rồi!”
Những người quan tâm đến Dự Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở mà Đài RFA được dịp tiếp xúc cùng bày tỏ rằng họ chưa rõ lực lượng mới này sẽ được chuyên mốn hóa như thế nào, nhưng họ canh cánh về sự lạm quyền, nhất là trong việc sử dụng vũ khí cũng như ngân sách chi trả cho lực lượng mới này phải chăng lại trích từ tiền thuế của người dân?
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-will-be-protected-by-the-local-security-and-protection-force-07072020151145.html

Độc quyền truyền thông:

Chính quyền sẽ phải trả giá!

Diễm Thi, RFA
Thông tin một chiều
Mãi đến ngày 7 tháng 7 năm 2020, truyền thông trong nước mới loan tin về quyết định ký hôm 9 tháng 6 năm 2020 của Chánh thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội, ông Nguyễn Văn Minh. Quyết định này xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Công nghệ EPI. Lý do được nêu ra là do công ty đã “đưa thông tin sai sự thật” tại bài viết “Thứ trưởng Công an Lương Tam Quang nhận tội nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19, nộp lại tiền chênh lệch” đăng trên ứng dụng đọc báo (Báo mới) gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lãnh đạo Bộ Công an.
Thông tin này khiến người làm báo thắc mắc, tại sao một cơ quan truyền thông có thể bất cẩn khi loan tin mà không kiểm chứng với nhiều nguồn khác nhau. Tuy vậy, những người thông thạo tình hình báo chí tại Việt Nam đều biết rằng hệ thống truyền thông ở Việt Nam độc quyền nên thông tin thường chỉ một chiều. Thực tế cho thấy có những tin tức được tung ra từ cơ quan chức năng rồi tất cả các phương
tiện truyền thông loan đi. Ban Tuyên giáo Trung ương của đảng cộng sản định hướng tư tưởng và được cho là tổng biên tập của hệ thống truyền thông.
Có thể ví dụ trường hợp Đồng Tâm: Vào sáng sớm ngày 9 tháng 1, chính quyền Hà Nội đã huy động cảnh sát cơ động có trang bị vũ khí đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm tấn công, trấn áp, bắt giữ và thậm chí bắn chết người. Một ngày sau đó, trong thông báo đầu tiên trên cổng thông tin Bộ Công An, cơ quan này nói dân Đồng Tâm tấn công lực lượng chức năng khi đang xây tường rào sân bay Miếu Môn.
Thực ra không chỉ riêng trong chuyện Đồng Tâm mà trong mọi vấn đề chính trị xã hội cũng như những biến cố chính trị xã hội ở Việt Nam từ trước đến giờ thì nguồn thông tin luôn hạn chế vì nhà nước này tồn tại dựa vào bạo lực và dối trá. -  Nhà báo Phạm Đoan Trang
Đến ngày 12 tháng 1, cơ quan chức năng lại thông tin rằng dân Đồng Tâm phá tường rào sân bay Miếu Môn, sau đó chạy vào thôn Hoành.
Tại Hội nghị giao ban báo chí hôm 14 tháng 1, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, trong nửa tiếng trấn áp, lực lượng chức năng tạm giữ hơn 30 người, thu 8 lựu đạn tại hiện trường, 38 chai bom xăng, 12 tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, 3 hộp pháo sáng, một khẩu súng bắn điện, một thanh kiếm, một búa. Ông Kình ném một quả lựu đạn nhưng không nổ, tay còn cầm một quả khác.
Lúc bấy giờ, Nhà báo Phạm Đoan Trang nêu nhận định với RFA rằng, công an tổ chức họp báo, cung cấp tin chính thống mà chẳng có gì cả, tất cả mang màu sắc bịa đặt, có dấu hiệu dựng chuyện, dựng vụ án lên và thậm chí là tội vu khống, nhất là vu khống cho người đã mất. Cô nói thêm:
“Thực ra không chỉ riêng trong chuyện Đồng Tâm mà trong mọi vấn đề chính trị xã hội cũng như những biến cố chính trị xã hội ở Việt Nam từ trước đến giờ thì nguồn thông tin luôn hạn chế vì nhà nước này tồn tại dựa vào bạo lực và dối trá. Trong việc tuyên truyền thì nhất thiết phải bịt miệng các bên liên quan để mình được nói.”
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2019, cả nước có 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh – truyền hình với hai đài Quốc gia, 64 đài địa phương, năm kênh truyền hình.
Tuy con số các cơ quan truyền thông nhiều như thế nhưng đều nằm dưới sự quản lý của Ban Tuyên giáo trung ương.
Blogger Điếu Cày lên tiếng về truyền thông một chiều:
“Đối với truyền thông của nhà cầm quyền thì họ dẫn dắt dư luận và thông tin theo hướng một chiều. Tức là những thông tin đưa ra chỉ là một phần sự thật. Ví dụ vụ Đồng Tâm thì Bộ Công an nó ‘giành’ hết mọi quyền thông tin. Kể cả báo chí của nhà nước cũng không được đăng. Cho nên khi báo chí đăng thì đều dẫn từ Bộ Công an.
Đó là những hình thức thông tin làm cho người dân hoàn toàn không biết sự thật ở trong vụ Đồng Tâm nó như thế nào. Nhiều người dân Việt Nam mà chỉ xem truyền thông của nhà nước thì họ hiểu sai về tất cả những thực tế.”
Nhà báo Nguyễn An Dân cho rằng, việc chế tài các cơ quan nhà nước trong việc đưa thông tin bất nhất hầu như không thể. Ngay cả cách họ làm ra luật để quản lý đất nước cũng bất nhất. Ông nêu thống kê của Ban Dân nguyện Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 10 năm 2018 rằng, mỗi ngày trung bình các cơ quan nhà nước ban hành hơn 23 văn bản trái luật. Thành ra việc công an phát biểu không giống nhau trong một sự việc thì cũng không ai phạt họ được.
Bất lợi cho cả dân lẫn chính quyền
Chuyện báo chí độc quyền đưa những thông tin theo định hướng không những thiệt thòi cho người dân, bởi họ không được tiếp cận những thông tin khách quan, nhiều chiều mà còn bất lợi cho cả nhà nước.
Nhà báo Nguyễn An Dân nhận xét rằng, việc không có nguồn tin độc lập hay điều tra độc lập gây bất lợi cho dân thì đó là chuyện không cần bàn cãi nữa. Có điều nó cũng gây bất lợi cho chính quyền, bởi chính những cán bộ cũng có thể bị oan, theo kiểu cá to làm oan cho cá bé. Ông phân tích những điểm bất lợi cho cả hai phía:
“Nó bất lợi cho người dân ở chỗ người dân không được tiếp cận những thông tin mà có thể dùng để vận dụng thực tế cho cuộc sống của họ. Nếu thông tin không đúng thì khi vận dụng thực tế nó sẽ không đúng. Mà cái gì không đúng thì nó sẽ gậy hại.
Còn về phía chính quyền thì cũng có những thiệt hại. Lâu nay họ sử dụng thông tin một chiều nhưng bây giờ họ nhận ra chính thông tin một chiều đó cũng có hại. Thứ nhất là về đối ngoại, các chính quyền các nước có dã tâm với Việt Nam có thể lợi dụng bộ máy thông tin một chiều ở Việt Nam. Thứ hai là đối nội thì như ở Việt Nam chỉ có một đảng cộng sản lãnh đạo, có ‘đảng nhỏ’ trong ‘đảng to’. Các phe phái ‘đảng nhỏ’ họ dùng truyền thông một chiều họ đánh nhau.”
Sáng 4 tháng 2 năm 2020, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin -Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân tổ chức Hội nghị giao ban báo chí đầu xuân Canh Tý 2020. Tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu rằng, các cơ quan báo chí cần có trách nhiệm, khách quan, trung thực, bình tĩnh, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Nói chung nhà cầm quyền cộng sản họ tìm mọi cách lừa dối để họ cai trị. Những hình thức lừa dối như vậy khi bị phơi bày thì người dân mất niềm tin vào nhà cầm quyền. Đấy là cái giá họ phải trả. – Blogger Điếu Cày
Tuy nói là khách quan nhưng rất nhiều lần báo chí trong nước đưa tin rồi lại lấy xuống, hoặc sửa đổi nội dung. Gần đây là vụ phát biểu của ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về vụ “cột điện ở Mỹ biết đi sẽ về Việt Nam”.
Blogger Điếu Cày nhận định về uy tín của chính phủ Việt Nam về thông tin một chiều:
“Phía chính quyền sẽ phải trả giá cho việc đưa những thông tin không đúng sự thật. Họ dùng truyền thông xây dựng những nhân vật thần tượng để họ bấu víu vào, làm cứu cánh cho họ thì truyền thông tự do hạ bệ những thần tượng đó.
Nói chung nhà cầm quyền cộng sản họ tìm mọi cách lừa dối để họ cai trị. Những hình thức lừa dối như vậy khi bị phơi bày thì người dân mất niềm tin vào nhà cầm quyền. Đấy là cái giá họ phải trả.”
Hiện ở Việt Nam có hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan của cả bốn loại hình báo chí (trong đó, có 20.407 người được cấp thẻ nhà báo), sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và hơn 200 Chi hội trực thuộc trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/media-monopoly-the-government-will-pay-the-price-dt-07072020133023.html

Du học sinh Việt tại Mỹ ‘mông lung’

trước lệnh trục xuất sinh viên học online toàn phần

Băng Thanh
Các sinh viên quốc tế đang theo học tại Mỹ sẽ phải rời khỏi quốc gia này hoặc đối diện với nguy cơ bị trục xuất nếu các trường Đại học họ đang theo học chuyển sang dạy trực tuyến 100%.
Đó là thông báo của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) đưa ra hôm 6/7. Lệnh này sẽ ảnh hưởng đến hàng chục ngàn sinh viên Việt Nam đang theo học các chương trình Đại học ở Mỹ hoặc tham gia những khóa huấn luyện tu nghiệp, cũng như các chương trình đào tạo nghề nghiệp.
Nguyễn T Thuỳ Minh, sinh viên trường The King’s College ở thành phố New York nói với VOA Việt Ngữ rằng, bạn bè xung quanh cô cảm thấy rất mông lung trước thông báo mới này của ICE. Bản thân Minh không bị ảnh hưởng do trường cô theo học có tổ chức những lớp hỗn hợp giữa học trên lớp và học từ xa. Tuy nhiên với những sinh viên Việt Nam theo học tại các trường chỉ duy trì lớp học trực tuyến, Minh lo ngại tình hình sẽ rất khó khăn.
Sau khi loan báo của ICE được đưa ra, theo quan sát của VOA, các diễn đàn của du học sinh Việt Nam tại Mỹ tràn ngập những bài viết về chủ đề này. Phần lớn tỏ ra bất ngờ, lo lắng.
“Tin mới nhất của Cơ Quan Di Trú Liên Bang thật bất ngờ. Tôi không thể tưởng tượng được chuyện này lại có thể xảy ra”, cô Thư Võ, du học sinh Việt Nam ở thành phố Garden Grove, tiểu bang California chia sẻ với nhật báo Người Việt.
Thư đang học nửa năm đầu trong chương trình cao học kéo dài hai năm tại Đại học Nobel ở thành phố Buena Park thuộc tiểu bang California.
“Vì trong đại dịch nên trường cho sinh viên học online để tránh bệnh dịch, chứ trước tới nay chúng tôi học trực tiếp tại trường”, Thư cho biết.
Phải trở về Việt Nam sau 10 năm du học có thể sẽ là một chuyện rất khó khăn đối với cô. Thư chia sẻ: “Tôi qua đây năm 20 tuổi, khi mà tuổi đời vừa đủ để mà hấp thụ những nếp sống mới, những thói quen mới trong một nền văn hóa hoàn toàn mới. Với cách sống mới mẻ, khác hẳn với lối sống ở Việt Nam như vậy, nếu phải trở về bây giờ, tôi nghĩ tôi sẽ bị hụt hẫng rất nhiều”.
Thư chia sẻ rằng, cô buồn khi phải xa bạn bè ở Mỹ: “Trong suốt 10 năm nay, tôi có hai người bạn chí thân, thân như chị em ruột thịt. Chúng tôi chia sẻ với nhau tất cả, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau… Chưa xa
nhau bao giờ nên tôi chưa thể cảm nhận được nỗi buồn nếu không được gặp các bạn hằng ngày, hay không được nhắn tin với nhau hàng giờ nhưng tôi biết là tôi sẽ buồn lắm”.
Nhìn mông lung vào xe cộ ngược xuôi ngoài đường vài giây, cô sực nhớ: “Mà làm sao mà ép tụi tôi về được. Mỹ chưa có máy bay đi Việt Nam, và Việt Nam chưa có chính sách đón người ở ngoại quốc về”.
Thư vẫn hy vọng sẽ có thể có đổi thay trong chính sách đối với du học sinh hoặc các trường có thể mở ra một lối thoát.
Cô chia sẻ: “Thứ nhất, chính sách của Cơ Quan Di Trú chỉ áp dụng vào mùa thu mà bây giờ mới đầu mùa hè. Còn nhiều thời gian mà. Và thứ nhì, Đại học Nobel là trường tư, chuyên dạy sinh viên du học. Họ sẽ tìm ra một biện pháp hữu hiệu để giúp sinh viên chứ”.
Trao đổi với VOA Việt Ngữ, ông Y.D (giấu tên), giáo sư giảng dạy tại một trường Đại học thuộc tiểu bang Virginia cho biết, sẽ có nhiều hệ luỵ đối với các sinh viên quốc tế không được trở lại hoặc lưu lại Mỹ nếu Đại học của họ giảng dạy online 100%. Một trở ngại trong số đó là việc chênh lệch múi giờ.
“Không ai biết chắc liệu khi về nước các em có đủ cơ sở vật chất và liệu có thể có mặt đúng giờ để học không khi sự cách biệt múi giờ có thể là rất lớn, và nếu như thế chỉ có thể ghi lại bài giảng cho sinh viên xem chứ không dạy trực tiếp được. Và việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học do mất đi tương tác giữa người học và người dạy”, giáo sư Y.D lo lắng.
Theo Người Việt, VOA Việt Ngữ
Băng Thanh biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/du-hoc-sinh-viet-tai-my-mong-lung-truoc-lenh-truc-xuat-sinh-vien-hoc-online-toan-phan.html

Điểm tin trong nước sáng 8/7-Bộ Y tế:

 ‘Tập trung chống dịch bạch hầu như Covid-19’;

Cảnh báo vi khuẩn ‘ăn thịt người’ từ hàu sống

Tâm Tuệ
Mục điểm tin trong nước sáng thứ Tư (8/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Bộ Y tế: ‘Tập trung chống dịch bạch hầu như Covid-19’
Báo Zing thông tin, chiều 7/7, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn yêu cầu cần tập trung phòng chống bệnh bạch hầu như phòng chống dịch Covid-19″.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, tình hình bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng và có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước đây.
“Đây là việc cấp bách” – quyền Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết diện mắc bạch hầu năm nay rộng hơn, nhiều địa bàn mắc, đối tượng nhiễm rải rộng mọi lứa tuổi, không riêng ở trẻ em, đặc biệt, tỷ lệ tử vong do bệnh này đến thời điểm hiện nay khá cao.
Tính tới chiều 7/7, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính với bạch hầu (tăng 10 ca so với ngày 6/7). Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên.
Tỉnh Đắk Nông có thêm 4 ca bệnh, nâng tổng số ca mắc ở đây lên 25 người; tỉnh Gia Lai có thêm 5 ca, tổng ở đây có 15 ca; tỉnh Kon Tum là ca mắc là 22.
Khởi tố Trưởng ban Thú y ăn chặn tiền hỗ trợ dịch tả lợn
Báo Lao Động thông tin, ngày 7/7, công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương vừa khởi tố bị can đối với Phạm Thị Phương về tội ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ’.
Theo kết quả điều tra, từ ngày 2/4/6/2019, trong khi phường Phú Thứ xảy ra dịch tả lợn châu Phi, bà Phạm Thị Phương với tư cách Trưởng ban Thú y phường đã lập khống, chuyển loại lợn của 6 hộ dân, chiếm đoạt hơn 219 triệu đồng tiền hỗ trợ.
Trong đó, hơn 170,4 triệu đồng do lập khống số lợn của 3 hộ dân và hơn 49,3 triệu đồng còn lại do chuyển lợn loại lợn từ lợn nhỏ thành lợn sề của 3 hộ dân tại đây.
Cảnh báo vi khuẩn ‘ăn thịt người’ từ hàu sống
Tuổi trẻ dẫn thông tin từ Bệnh viện trung ương quân đội 108 cho biết, gần đây Khoa hồi sức truyền nhiễm, Viện lâm sàng các bệnh truyền nhiễm của bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân nhiễm trùng máu do vi khuẩn Vibrio vulnificus sống ký sinh trong các loài thủy sinh có vỏ như tôm, hàu…
Bệnh diễn biến rất nặng, nhanh chóng xuất hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, có tỉ lệ tử vong cao.
Cụ thể, một nam bệnh nhân 59 tuổi ở Hải Phòng, nhập viện ngày 30/6. Trước khi nhập viện bệnh nhân có ăn hải sản chưa nấu chín kỹ, ngay sau ăn vài giờ bắt đầu đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt và nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng (hôn mê, suy hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, rối loạn đông máu).
Ngoài ra, bệnh nhân còn có dấu hiệu nổi ban phỏng nước, xuất huyết, hoại tử diện rộng da, cân cơ vùng tứ chi, cấy 2 mẫu máu đều dương tính với vi khuẩn này. Tình trạng bệnh vẫn nặng lên nhanh chóng, tiên lượng tử vong.
Liên tục phát hiện người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để ‘đánh bạc’
Nhiều người Trung Quốc trong thời gian qua nhập cảnh trái phép vào Việt Nam với mục đích đánh bạc đã bị bắt.
Cụ thể, 5 người Trung Quốc (1 nam, 4 nữ) bị bắt giữ tại khu vực bến Mũi Ngọc (khu 1, phường Bình Ngọc, Móng Cái, Quảng Ninh) vào khoảng 0h20 ngày 4/7. Thông tấn xã Việt Nam cho biết 5 người này được một người Trung Quốc đưa, dẫn vào Việt Nam với giá 5.000 nhân dân tệ/người.
Trước đó, hôm 10/6, cơ quan chức năng TP. Móng Cái, Quảng Ninh bắt giữ 3 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam để tham gia đánh bạc tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Tương tự vào hôm 30/6, 3 người Trung Quốc cũng bị bắt vì nhập cảnh trái phép với mục đích đánh bạc tại khách sạn Lợi Lai và Hồng Vận (TP. Móng Cái).
Hiện tất cả những người này đều được đưa đi kiểm tra y tế, cách ly tập trung để phòng dịch viêm phổi Vũ Hán.
Trốn cách ly virus Vũ Hán, người đàn ông ngồi trong tủ lạnh trên cabin ôtô
Zing thông tin, chiều 7/7, lực lượng chức năng đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị kiểm tra ôtô mang BKS 15C do ông Phạm Quang Hưng (44 tuổi, trú tại huyện Gia Lộc, Hải Dương) điều khiển nhập cảnh vào Việt Nam, phát hiện ông Nguyễn Văn Lợi (42 tuổi, trú tại An Sơn, Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) đang trốn trong tủ lạnh trên cabin của ôtô này.
Để tránh cách ly phòng Covid-19 khi nhập cảnh vào Việt Nam, ông Lợi đã chui vào tủ lạnh để trốn.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-8-7-bo-y-te-tap-trung-chong-dich-bach-hau-nhu-covid-19-canh-bao-vi-khuan-an-thit-nguoi-tu-hau-song.html

Điểm tin trong nước tối 8/7:

Kiến ba khoang tấn công khu dân cư;

Đường ống nước sông Đà gặp sự cố

Hiểu Minh
Mục điểm tin trong nước tối thứ Tư (8/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Kiến ba khoang tấn công khu dân cư, ký túc xá TP.HCM
Báo Tuổi Trẻ đăng tải hôm nay 8/7 cho hay , gần đây, nhiều sinh viên phản ảnh ký túc xá (KTX) khu B – Đại học Quốc gia TP.HCM xuất hiện kiến ba khoang, nhiều nhất là về đêm.
Cách đây khoảng 15 ngày, bạn N.T.Th. (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP.HCM) phát hiện vết thương do kiến ba khoang gây ra trên cánh tay, tuy nhiên vết thương cũ chưa lành thì lại tiếp tục xuất hiện vết thương mới nặng hơn.
Tương tự, bạn H.C. (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP.HCM) phát hiện vết thương có mủ nước trên vai kèm triệu chứng rát, nóng như bị bỏng và rất nhức do kiến ba khoang gây ra. C. cố gắng hạn chế không chạm vào vết thương, sau đó đến trạm y tế tại KTX khám và lấy thuốc về bôi.
Trung tâm quản lý KTX Đại học Quốc gia TP.HCM đã thông báo khuyến cáo các bạn sinh viên lưu ý phòng tránh kiến ba khoang, đồng thời tổ chức phát quang bụi rậm trong khuôn viên ký túc xá và phun thuốc diệt kiến.
Theo Bệnh viện Da liễu TP.HCM, những ngày vừa qua, số lượng bệnh nhân đến khám vì viêm da tiếp xúc dị ứng do côn trùng (chủ yếu là kiến ba khoang) tăng đột biến, với 80 – 100 lượt/ngày. Trong khi đó những tháng trước hầu như không có ca nào.
Đường ống nước sông Đà gặp sự cố
Zing đưa tin, sự cố trên tuyến ống truyền tải nước sạch Sông Đà xảy ra tại Km27+500 Đại lộ Thăng Long, giữa lúc Hà Nội bước vào đợt nắng nóng mới.
Để khắc phục sự cố, Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà (VIWASUPCO) cho biết, đã tạm ngừng cấp nước cho hàng chục nghìn hộ dân khu vực tây nam Hà Nội từ 11h ngày 8/7. Thời gian dự kiến cấp nước trở lại là 18h30 cùng ngày.
Trước đó, đường ống nước sông Đà đã hơn 20 lần gặp sự cố. Riêng trong năm 2019, hệ thống truyền tải nước của công ty đã gặp sự cố tới 4 lần. Lần gần nhất là hồi cuối tháng 12/2019.
Để giảm bớt sự cố do áp lực tuyến ống, từ năm 2019, Viwasupco đặt thêm trạm điều tiết áp lực tuyến ống tại khu vực Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Đơn vị cũng đã lập các đội phản ứng nhanh để khắc phục sự cố, trong vòng không quá 10 giờ.
Bắt giữ 11 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia vào Việt Nam
Chiều 8/7, đại tá Trần Quốc Khánh – phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang cho Tuổi Trẻ biết, vừa bắt giữ 11 người nhập cảnh trái phép vào biên giới Việt Nam trong đêm 7/7.
Đại tá cho hay, những người này đều bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nhập cảnh trái phép. Sau đó, chúng tôi sẽ giao lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện An Phú để cách ly theo quy định. Riêng một người mang quốc tịch Campuchia đã được đưa về lại (Campuchia).
Như vậy tính từ đầu mùa đến nay đã có hơn 300 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sau khi dịch Covid-19 bùng phát.
Triệt phá kho hàng lậu hơn 10.000m2 tại Lào Cai
Chiều ngày 7/7, sau hơn sáu tháng theo dõi, cảnh sát cơ động và lực lượng Tổng cục Quản lý thị trường đã ập vào kho hàng rộng hơn 10.000m2 có địa chỉ tại 145 Hoàng Diệu, TP. Lào Cai. Chủ của kho hàng là Trần Thành Phú, sinh năm 1992, hộ khẩu thường trú tại Lào Cai cùng em gái điều hành kho hàng, theo Pháp Luật TP.HCM.
Tại thời điểm kiểm tra, có ba nhân viên tại kho được thuê để thay nhau livestream trên các tài khoản Facebook như: Thảo Trần, Giầy Đồng giá… Các mặt hàng tại kho này đều là kính mắt, giày dép, đồng hồ, mỹ phẩm… nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Chanel, LV, Adidas…
Theo khai nhận ban đầu của các nhân viên này, ngày nào tối thiểu thì cũng chốt được 100-150-200 đơn…
Sau khi livestream bán hàng thì các đơn hàng này sẽ được hơn 40 nhân viên ngồi máy tính chốt đơn hàng bằng phần mềm cực kỳ chuyên nghiệp, quản lý tập trung.
Sau khi chốt các đơn hàng của khách hàng trên Facebook thì sẽ có cả trăm đơn hàng mỗi ngày được đóng gói cẩn thận để gửi đi khắp cả nước thông qua các hãng chuyển phát lớn.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-8-7-kien-ba-khoang-tan-cong-khu-dan-cu-duong-ong-nuoc-song-da-gap-su-co.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.