Bản tin ngày 8-7-2020
BTV Tiếng Dân
8-7-2020
Tin Biển Đông
RFI đưa tin: Hai tàu hải cảnh Trung Quốc tiến gần giàn khoan Việt Nam. Nguồn tin dẫn từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho biết, hai tàu hải cảnh Trung Quốc từ vài ngày qua đang tiến gần các giàn khoan của Việt Nam tại mỏ Lan Tây ở lô 06.1. Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc vào sát các công trình của Việt Nam, chỉ cách có 1-2 hải lý.
BBC đưa tin: Tướng Nguyễn Chí Vịnh chủ trì hội nghị an ninh ASEAN. Tại Hội nghị trực tuyến về chính sách an ninh diễn đàn khu vực ASEAN (ASPC) do Việt Nam chủ trì sáng 8/7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nhận định: “An ninh mạng, an ninh bán đảo Triều Tiên, an ninh biển, trong đó an ninh Biển Đông đang là điểm nóng trong khu vực. Vì thế phải xây dựng niềm tin, giải quyết mọi khúc mắc bằng hòa bình, vì lợi ích quốc gia và thế giới”.
Báo Tuổi Trẻ có bài: ‘Vấn đề Biển Đông đang làm thế giới quan ngại’. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ông Nishida Yasunori cho rằng, những nỗ lực đơn phương làm thay đổi hiện trạng, đặc biệt trong vấn đề hàng hải ở Biển Đông đang làm ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Nhật Bản ủng hộ cách giải quyết hòa bình, ủng hộ an ninh, an toàn hàng hải theo luật định quốc tế.
Nhật Bản nói là làm: Tàu sân bay Mỹ tập trận chung cùng tàu Nhật tại Biển Đông, báo Thanh Niên đưa tin. Tin cho biết, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) cho biết trên Twitter hôm nay rằng, hai tàu của lực lượng này đã tập trận chung cùng hai tàu sân bay của Mỹ ở Biển Đông vào ngày 7/7.
Báo Pháp luật TP.HCM cho biết: Hai tàu sân bay Mỹ tập trận ‘từng giờ’ ở Biển Đông. Theo thông cáo báo chí của Hải quân Mỹ công bố ngày 7/7, trong tuần này hàng trăm máy bay từ hai tàu sân bay của Mỹ đang đậu ở Biển Đông tham gia tập trận “từng giờ” để ủng hộ tự do lưu thông hàng hải trên vùng biển này. Mấy ngày qua, mỗi ngày hai phi đoàn này đã thực hiện cất cánh và hạ cánh hàng trăm máy bay, liên tục từng giờ.
Thông cáo của Hải quân Mỹ viết: “Các hoạt động tập trận chung bao gồm phòng thủ trên không, diễn tập chiến thuật, mô phỏng các kịch bản tấn công trên biển tầm xa, và phối hợp các lực lượng trên không và trên mặt đất để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu và ưu thế hàng hải”.
Hôm qua, RFI có bài nhận định: Tập trận ở Hoàng Sa, Trung Quốc muốn ngăn Việt Nam kiện ra tòa quốc tế. Ông Mathieu Duchâtel, phụ trách châu Á của Viện Montaigne nhận xét: “Cuộc tập trận TQ gồm cả kịch bản đổ bộ bằng hải lục quân, trong đó có lực lượng tuần duyên tham gia. Đây là lần đầu tiên kể từ khi lực lượng này được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Quân ủy trung ương. Như vậy Trung Quốc tăng cường khả năng chiếm các đảo của đối thủ”.
Nhà nghiên cứu Mathieu Duchâtel cho rằng, “việc chọn Hoàng Sa để tập trận là lời cảnh báo nhắm vào Việt Nam, vào lúc nước này ngày càng muốn đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế”.
Diễn đàn Doanh Nghiệp đặt câu hỏi: Điều gì khiến Trung Quốc “bất chấp” ở Biển Đông? Bài viết nhận định, Biển Đông hiện tại đang là một vùng biển của vị trí địa lý đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia hay là Việt Nam. Tất cả đều dựa vào eo biển Malacca, nối liền Biển Đông, mở rộng ra Thái Bình Dương đến với Ấn Độ Dương. Và đương nhiên, với hơn 60% giá trị giao dịch hàng hải, an ninh kinh tế của Trung Quốc đang “sống còn” với Biển Đông.
Trang Kinh tế & Đô thị đưa tin: Thêm 2 quốc gia tính chuyện bắt tay “kìm” Trung Quốc ở Biển Đông. Tin cho biết, quan chức Philippines tiết lộ rằng, Ấn Độ đã truyền đạt mong muốn 2 nước cùng thực hiện các hoạt động hàng hải ở Biển Đông, trong bối cảnh hoạt động của Trung Quốc gây nhiều lo ngại.
Mời đọc thêm: Biển Đông dậy sóng (TN). – Quan chức quốc phòng ADSOM+ quan ngại tình hình biển Đông (NLĐ). – Biển Đông: Mỹ không để cho Trung Quốc “một mình một chợ” (RFI). – Hình ảnh cuộc tập trận của tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông (VNN).
Tung tin lãnh đạo tỉnh bị cho thôi chức là vi phạm pháp luật?
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, bị công an làm việc vì tung tin lên mạng xã hội: Thông tin Bộ Chính trị cho ông Lê Viết Chữ thôi chức. Tin cho biết, lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Ngãi xác nhận với báo Tuổi Trẻ thông tin ông Lê Viết Chữ, bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi bị Bộ Chính trị cho thôi chức là đúng. Tuy nhiên, quyết định được đăng trên mạng xã hội là bất ngờ vì “đây là thông tin nội bộ, chưa được cơ quan có thẩm quyền công bố”.
Đại tá Võ Văn Dương, phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Công an tỉnh Quảng Ngãi đã làm việc ban đầu với Facebook tên ‘Hùng Nhan’, đề nghị gỡ thông tin này”. Theo đại tá Dương, chủ tài khoản Facebook này vi phạm khoản 3, điều 102, nghị định 15 về việc thu thập thông tin của người khác đưa lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý.
Nhận định của phó giám đốc CA Quảng ngãi gây ra sự bất ngờ cho nhiều người, vì lãnh đạo ăn tiền thuế của dân đến khi thôi chức cần công bố rộng rãi thông tin cho dân chúng biết là việc cần làm, sao lại coi đây là hành vi vi phạm pháp luật? Phải chăng do pháp luật nằm trong tay đảng CS, nên những gì đảng cho phép thì mới được làm?
Hiện các báo lề đảng đăng đầy thông tin này, như báo Sài Gòn Giải Phóng: Đồng chí Lê Viết Chữ thôi giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; báo Lao Động: Ông Lê Viết Chữ có quyết định thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, báo Pháp luật TP.HCM: Bộ Chính trị cho ông Lê Viết Chữ thôi chức Bí thư Quảng Ngãi … Liệu các tờ báo này có bị xem là “thu thập thông tin của người khác mà không được sự đồng ý” vi phạm khoản 3, điều 102, Nghị định 15 không, hả “đồng chí” phó giám đốc Công an Quảng Ngãi? Đúng là vớ va vớ vẩn!
Bộ Công an cố gắng tăng quyền lực khi thành lập lực lượng bảo vệ ANTT mới?
Truyền thông trong nước đưa tin, Bộ Công an có tờ trình đề xuất sáp nhập lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và công an bán chuyên trách, thành một tổ chức mới có tên là Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Báo Thanh Niên có bài: Sẽ tổ chức gần 750.000 dân phòng, công an bán chuyên trách thành lực lượng mới. Nguồn tin dẫn từ số liệu của Bộ Công an, hiện lực lượng bảo vệ dân phố có tổng số 72.456 thành viên, lực lượng dân phòng có 543.095 người, còn lực lượng công an cấp xã không phải công an chính quy là 126.084 người. Tổng số lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cở sở trên cả nước sẽ khoảng 741.635 người.
Theo dự thảo Luật Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở mà Bộ Công an đề xuất, đang trong quá trình lấy ý kiến dân, tại khoản 2 điều 10 Dự luật này, quy định nhiệm vụ của Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự mới này là:
“Nắm tình hình các hiện tượng tụ tập, gây rối trật tự công cộng, khiếu kiện đông người; tình hình biến động về dân cư, những người ở nơi khác đến làm ăn, sinh sống chưa đăng ký thường trú, tạm trú; nắm thông tin về hộ khẩu để kịp thời báo cáo với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý”.
BBC có bài: Bình luận về kế hoạch liên quan 750 nghìn dân phòng, bảo vệ. Bài viết dẫn lời tiến sĩ Nguyễn Quang A, gọi “đây là một bước đi rất nguy hiểm”. Ông Quang A lý giải: “Tăng bộ máy do Bộ Công An chỉ huy lên quá cao có thể là một cố gắng tăng quyền lực của Bộ CA, sẽ làm cho ảnh hưởng của bộ này tăng quá đáng so với các bộ khác và làm méo mó bản thân chính quyền”.
Ông Quang A nói thêm: “Báo Thanh niên nói để tinh gọn bộ máy v.v…, nhưng tôi nghĩ ngược lại và chắc chắn sẽ tăng chi phí ngân sách cho lực lượng của Bộ Công an; và còn nói là để đảm bảo các quyền con người nhưng chính bài báo nói các nội dung thì thật ra để đàn áp nhân quyền và chắc chắn bị thế giới lên án. Theo tôi, hoàn toàn không cần lực lượng này và nên giải thể chúng chứ không phải nâng cấp như ý định của Bộ Công an”.
RFA cũng có bài: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sẽ bảo vệ ai? Bài viết dẫn lời Luật sư nói theo lề đảng, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nhận định:
“Tôi nghĩ rằng sát nhập là đúng. Khi Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới thì đòi hỏi về một lực lượng chuyên nghiệp. Ví dụ như vừa rồi thành lập lực lượng kỵ binh, chẳng hạn. Đó là một lực lượng giống như ở các nước khác… Bên cạnh cảnh sát và an ninh thì có một lực lượng hỗ trợ và họ phải được chuyên nghiệp hóa để tránh sự lạm quyền, tránh sự không chuyên nghiệp trong quá trình hành xử”.
Lưu ý, hiện các lực lượng bảo vệ dân phố và dân phòng ở các thành phố lớn đều làm việc toàn thời gian không được hưởng lương mà chỉ được phụ cấp. Liệu rằng một người có trình độ hay có tay nghề có chấp nhận đi làm công việc sống bằng phụ cấp xã hội và chỉ để cho công an “sai vặt”?
Thực tế cho thấy, nguồn thu nhập chính của lực lượng này là “kiếm thêm” qua việc lấn chiếm lòng lề đường để giữ xe cho các nhà hàng hay trung tâm tiệc cưới. Có thể nói đây là một lực lượng rất kém cỏi về trình độ và nhận thức xã hội, bám váy công an để kiêu binh, làm loạn.
Tin Nhân quyền
Các luật sư gửi kiến nghị thứ 3 vụ án Hồ Duy Hải: Xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải và khởi tố vụ án “làm sai lệch hồ sơ vụ án”. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc cho biết, hôm 6/7, một nhóm 7 luật sư tiếp tục gửi kiến nghị đến Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao, yêu cầu khởi tố vụ án “làm sai lệch hồ sơ vụ án” vì ít nhất bốn lời khai làm thay đổi “bản chất vụ án” đã bị bỏ ra ngoài hồ sơ tố tụng.
Tiếng Dân đưa tin: Vụ Đồng Tâm: Tuyên bố của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Người Bảo vệ Nhân quyền. Tuyên bố của hai tổ chức nhân quyền nhận định hôm 7/7: “Việc huy động hàng ngàn cảnh sát chống bạo động tấn công xã Đồng Tâm vào giữa đêm làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng, và cái chết của ông Lê Đình Kình nên được coi là một vụ giết người phi pháp theo luật pháp quốc tế. Những người chỉ đạo và thực hiện cuộc tấn công này phải chịu trách nhiệm, phải bị điều tra và chịu sự trừng phạt theo pháp luật”.
Vụ tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc, bà Huỳnh Thị Út, mẹ của anh thuật lại trên facebook về chuyến thăm nuôi con: Chuyến thăm gặp Trần Hoàng Phúc đầy ấn tượng. Phúc trồng rau trong tù và gửi ra cho mẹ của mình mang về nhà dùng nhân lần thăm gặp vào hôm 6/7. Ngoài ra, Phúc còn nuôi gà để đẻ trứng, mở thư viện mini trong nhà tù.
Trần Hoàng Phúc sinh năm 1994, ở Sài Gòn, là một cựu sinh viên Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Anh thành viên chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), bị bắt vào tháng 7/2017, sau đó bị kết án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”.
Mời đọc thêm: Hai tổ chức xã hội dân sự lên tiếng về việc bắt giữ và truy tố người dân Đồng Tâm giữ đất (RFA). – Trung Quốc hạn chế visa, trả đũa Mỹ vì Tây Tạng (VOA). – Chuyện 2 người Việt quá cảnh Nga để vào Châu Âu bị bắt tù (RFA). – JK Rowling và nhiều nhà văn cảnh báo ‘tự do ngôn luận bị bóp nghẹt’ (BBC). Độc quyền truyền thông: Chính quyền sẽ phải trả giá! (RFA).
0 comments