Tin Việt Nam – 26/06/2020
Friday, June 26, 2020
7:28:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
29 người dân Đồng Tâm bị truy tố trong vụ công an tấn công làng ngày 9 tháng 1, 2020
29 người dân Đồng Tâm chính thức bị Viện Kiểm Sát Nhân dân Thành phố Hà Nội truy tố trong vụ công an tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 giết chết cụ Lê Đình Kình, và có 3 công an thiệt mạng.Truyền thông trong nước loan tin ngày 25 tháng 6 dẫn cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân dân Thành phố Hà Nội công bố gần 20 ngày sau khi Cơ quan Cảnh sát Điều Tra Công an Hà Nội chuyển kết luận điều tra, đề nghị truy tố vụ án.
Cụ thể Viện Kiểm Sát Nhân dân Hà Nội truy tố 25 người về tội giết người với khung hình phạt từ 12 năm đến tử hình, và 4 người về tội chống người thi hành công vụ với khung hình phạt theo luật Việt Nam từ 2 đến 7 năm tù.
Theo Viện Kiểm Sát Nhân dân Hà Nội thì các ông Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Lê Đình Uy trực tiếp thực hiện hành vi giết người. 22 người còn lại bị cho tham gia với vai trò đồng phạm.
Bốn người được nói đã bị lôi kéo, kích động nên tham gia chống dối lực lượng công an.
Cơ quan chức năng cho rằng đây là vụ án điểm nên sẽ sớm mở phiên tòa để xét xử.
Phía người dân thì cho rằng họ bị tấn công một cách bất ngờ vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 khi còn đang ngủ. Cụ Lê Đình Kình, người được xem là đại diện cho người dân thôn Hoành trong việc khiếu kiện giữ đất, bị bắn chết.
Nhiều người quan tâm trong nước gồm giới luật sư, các vị trí thức lên tiếng bằng cách công khai thư tố giác, thư yêu cầu điều tra độc lập vụ lực lượng chức năng tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm giết chết ông Lê Đình Kình và khiến 3 công an tử vong.
Một trí thức được nhiều người biết đến ở Việt Nam là Giáo sư Hoàng Xuân Phú có bài phân tích cụ thể, chi tiết và khoa học về hiện trường diễn ra vụ việc, phản bác lại những thông tin mà công an đưa ra.
Một số người như anh Trịnh Bá Phương, ngụ tại Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội tham gia tích cực trong việc thông tin từ người trong cuộc ở Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9 tháng 1.
Bản thân anh Trịnh Bá Phương cùng mẹ là bà Cấn Thị Thêu, em trai Trịnh Bá Tư và một người dân Dương Nội khác là Nguyễn Thị Tâm bị bắt vào ngày 24 tháng 6 vừa qua khi Viện Kiểm Sát Nhân dân Hà Nội ra cáo trạng truy tố 29 người dân Đồng Tâm như vừa nêu.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/twenty-nine-dong-tam-residents-prosecuted-06262020075123.html
Thêm hai Facebooker bị bắt
vì cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước”
Tin từ Việt Nam: Ngày 24/6, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giữ 6 nhà hoạt động bao gồm 4 người hoạt động nhân quyền ở Hà Nội và 2 Facebooker ở Lâm Đồng và Khánh Hoà, cả 6 người bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.Truyền thông nhà nước cộng sản cho biết công an tỉnh Khánh Hoà bắt giữ bà Nguyễn Thị Cẩm Thuý, cựu giáo viên sinh năm 1976. Bà Thuý, người bị sa thải khỏi ngành giáo dục vì bất đồng chính kiến, bị cho là có nhiều bài viết chỉ trích ban lãnh đạo cộng sản, đốt cờ đỏ sao vàng và ảnh của Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, lực lượng an ninh tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ ông Vũ Tiến Chi, sinh năm 1966 và cư trú tại Bảo Lộc. Ông bị bắt khi đang thực hiện livestream trên Facebook để “nói xấu” đảng cộng sản cầm quyền.
Như tin đã đưa, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bắt giữ cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu cùng hai con trai bà là Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, cùng nhà hoạt động Nguyễn Thị Tâm. Họ bị bắt vì lên tiếng cho dân oan Đồng Tâm, nơi mà cộng sản Việt Nam điều động hàng nghìn cảnh sát cơ động để đàn áp vào ngày 09/1/2020.
Những người bị cáo buộc theo Điều 117 sẽ bị biệt giam trong thời gian điều tra kéo dài ít nhất 4 tháng. Họ không được gặp người thân và luật sư trong thời gian này. Trong khi chuẩn bị cho đại hội lần thứ 13 của đảng dự kiến vào tháng 1 năm tới, lực lượng an ninh cộng sản tăng cường trấn áp giới bất đồng chính kiến và người hoạt động xã hội. Từ đầu năm, chế độ đã bắt giữ ít nhất 50 người hoạt động, phần lớn bị cáo buộc theo các điều khoản mơ hồ thuộc phần an ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/them-hai-facebooker-bi-bat-vi-cao-buoc-tuyen-truyen-chong-nha-nuoc/
Bộ Công an VN
quyết ‘truy bắt bằng được’ ông chủ Nhật Cường
Liên quan đến vụ Nhật Cường Mobile, Trung tướng Lương Tam Quang, thứ trưởng Bộ Công an khẳng định truy bắt bằng được ông chủ Bùi Quang Huy đang bỏ trốn.Tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm của Bộ Công an vào chiều 25/6, lãnh đạo bộ này đã cho biết tiến độ điều tra nhiều vụ án được dư luận quan tâm, trong đó có đại án Nhật Cường Mobile. Trong vụ án này, ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, bị khởi tố về 4 tội danh: buôn lậu, trốn thuế, rửa tiền và vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời trung tướng Lương Tam Quang cho biết Bộ Công an đã nhiều lần kêu gọi ông Bùi Quang Huy đầu thú để hưởng sự khoan hồng.
“Hiện nay chúng tôi đang áp dụng tất cả các biện pháp tiến hành truy bắt bằng được Bùi Quang Huy về xử lý trước pháp luật”, ông Quang nhấn mạnh.
Liên quan đến một số nội dung khác của vụ án, ông Quang cho biết hiện cơ quan điều tra đang tiến hành mở rộng, thu thập các tài liệu, nếu có căn cứ thì sẽ xử lý.
Công an khám xét Công ty Nhật Cường
Cử tri ‘lo lắng’ vụ công ty Nhật Cường
“Đây là vụ án rất nghiêm trọng được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra mở rộng nếu có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật thì sẽ khởi tố vụ án hoặc khởi tố bổ sung”, ông Quang khẳng định.
Báo Người Lao Động đưa tin, bên hành lang Quốc hội chiều 26/5/2020, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm nói về việc Bùi Quang Huy bỏ trốn, ông đã khẳng định: “Bằng mọi biện pháp, cách gì có thể làm được thì đều làm để bắt được”. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng: “Đây là đối tượng chính để điều tra song việc này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả công tác điều tra”.
Đáng chú ý, sau khi ông chủ Nhật Cường Mobile bị khởi tố và truy nã, hàng loạt quan chức, cựu quan chức của Hà Nội cũng bị bắt giam. Theo báo Thanh Niên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội; bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh văn phòng Sở Kế hoạch – Đầu tư thành phố Hà Nội; Nguyễn Tiến Học, nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư thành phố Hà Nội; Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch – Đầu tư thành phố Hà Nội; và Lê Duy Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh, cùng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, tháng 5/2019, (C03) đã đồng loạt khám xét chuỗi cửa hàng của thương hiệu bán lẻ Nhật Cường Mobile. Đây cũng là mốc thời gian đánh dấu sự bắt đầu cho hàng loạt động thái tố tụng tiếp theo trong vụ án được coi là lớn nhất tại Hà Nội trong thời gian gần đây. Khi xác định Bùi Quang Huy bỏ trốn (trốn vào ngày chuỗi cửa hàng Nhật Cường Mobile bị khám xét), C03 đã phát lệnh truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với đối tượng Huy.
Chủ Nhật Cường Mobile ‘bỏ trốn’, Bộ Công an Việt Nam truy nã
TP Hà Nội chi trả cho Nhật Cường bao nhiêu?
Được biết, ông Bùi Quang Huy khá nổi tiếng tại thành phố Hà Nội, vì sở hữu Nhật Cường Mobile và Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software).
Theo truyền thông Việt Nam, Nhật Cường Software đã trúng thầu một loạt dự án công trực tuyến của thành phố Hà Nội từ khi thành lập năm 2016. Công ty này đã thực hiện các dự án công nghệ lớn cho Hà Nội gồm Cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm Lưu trú trực tuyến, phần mềm Hộ chiếu Online, và giải pháp Dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53146623
Bộ Công an lên tiếng
về vụ Công ty Tenma hối lộ quan chức Bắc Ninh
Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lương Tam Quang, hôm 26 tháng 6 năm 2020 công bố thông tin về nghi án hối lộ của Cty Tenma Nhật Bản.Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết, Công an tỉnh Bắc Ninh đang thu thập thông tin từ phía Nhật Bản, để điều tra, xác minh làm rõ thông tin tố cáo Công ty Tenma Nhật Bản đã hối lộ 5 tỷ đồng cho một số cán bộ hải quan, thuế tỉnh Bắc Ninh để không bị truy thu 400 tỷ đồng tiền thuế.
Trung tướng Lương Tam Quang cho biết, đã chỉ đạo và Công an tỉnh Bắc Ninh đang phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để điều tra, do đây là công ty của nước ngoài và có liên quan tới Tổng giám đốc Công ty là người Nhật. Bộ Công an cũng đã đề nghị Bộ Tài chính thanh tra nghĩa vụ về thuế đối với Công ty Tenma.
Trước đó, theo tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản), vào tháng 6 năm 2017, Công ty Tenma Việt Nam đã hối lộ cho cán bộ hải quan tỉnh Bắc Ninh 2 tỉ đồng để không bị truy thu số tiền thuế trị giá 1,79 tỉ yen, tương đương 390 tỉ đồng.
Công ty này tiếp tục hối lộ 3 tỉ đồng vào tháng 8 năm 2019, để hải quan tỉnh Bắc Ninh giảm khoản truy thu thuế từ 17,8 tỉ đồng, xuống còn 573 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh khi đó khẳng định, thông tin cán bộ thuế tỉnh Bắc Ninh nhận tiền của Công ty Tenma Việt Nam là ‘đơn phương’, kế toán trưởng công ty khẳng định không có khoản chi nào như vậy.
Sau đó, vụ việc được báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã có chỉ đạo điều tra làm rõ thông tin hối lộ này.
Cũng tin liên quan, Bộ Tài Chính sau đó đã chỉ đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đình chỉ công tác 15 ngày với 11 cán bộ của Cục Thuế Bắc Ninh, Cục Hải quan Bắc Ninh để kiểm điểm, báo cáo. Đến nay đã hết thời hạn đình chỉ 15 ngày, do đó các cán bộ này đã trở lại làm việc bình thường.
Công ty Tenma Việt Nam thành lập năm 2007, có trụ sở tại Lô E1 thuộc Khu công nghiệp Quế Võ, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đây là thành viên của Tập đoàn Tenma Nhật Bản chuyên sản xuất, kinh doanh các linh kiện đúc nhựa, lắp ráp và khuôn đúc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-public-security-leaders-talk-about-the-suspected-bribery-case-of-jp-tenma-06262020075506.html
Phó bí thư TPHCM thừa nhận
việc xử lý sai phạm ở Thủ Thiêm còn quá chậm
Ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư thường trực Thành Phố Hồ Chí Minh, trong buổi tiếp xúc cử tri quận 1,3 và 4 vào ngày 26 tháng 6, thừa nhận việc khắc phục và xử lý sai phạm ở Thủ Thiêm còn quá chậm.Truyền thông trong nước trích dẫn lời giải thích của Phó bí thư thường trực TPHCM với cử tri rằng, do dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiên đã kéo dài hơn 20 năm nên nhiều hồ sơ không còn, đồng thời pháp luật cũng có nhiều thay đổi nên có những việc xét theo trước kia là đúng nhưng bây giờ lại là sai.
Ông Quang cho rằng đến nay, những công việc thuộc trách nhiệm của thành phố cơ bản đã xong, còn lại một số việc chưa giải quyết thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành và Chính phủ nên cần có sự phối hợp.
Ông cũng thừa nhận do có nhiều cán bộ liên quan đến việc giải quyết dự án Thủ Thiên đã làm sai và chịu xử lý nên giờ phải thận trọng hơn.
“…nhiều người bị xử lý nên anh em cũng có thái độ thường được ví von là chim đau sợ cành mềm, làm không biết có sai gì nữa không, có bị kỷ luật, bị tù tội không”, ông Quang nói.
Trước đó 3 ngày, tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 2, trưởng ban Tuyên giáo thành uỷ TPHCM cũng đã xin người dân tha thứ vì vụ việc ở Thủ Thiên kéo dài trong nhiều năm và đã để người dân phải chịu đựng quá sức.
Cũng trong cuộc gặp này, lãnh đạo thành phố cho biết trong tháng 7 tới, Thanh tra Chính phủ cùng Uỷ ban nhân dân TP sẽ đối thoại với bà con.
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2, TP.HCM) sau 24 năm được phê duyệt quy hoạch hiện vẫn còn dở dang với nhiều khiếu kiện của người dân vì cho rằng bị thu hồi đất trái quy định.
Trước những khiếu nại của người dân, Thanh tra Chính phủ hai lần kết luận hàng loạt sai phạm của UBND TP.HCM và các bộ ngành liên quan.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcmc-deputy-party-chief-admits-wrongdoings-in-solving-complaints-in-thu-thiem-urban-area-06262020075649.html
CSVN tạm dừng quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong,
chờ quốc hội bù nhìn thông qua dự luật
Tin từ RFA: Thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vừa có quyết định tạm dừng phát triển đặc khu kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong cho đến khi Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được quốc hội bù nhìn cộng sản thông qua.Bắc Vân Phong cùng với Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh và Phú Quốc của tỉnh Kiên Giang là 3 đặc khu được đề nghị thành lập theo định hướng của bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam, theo hình mẫu Thẩm Quyến của Trung Cộng trước đây.
Truyền thông nhà nước cộng sản đưa tin nhà cầm quyền địa phương tỉnh Khánh Hoà đã thực hiện một số thủ tục để phát triển quy hoạch đặc khu Bắc Vân Phong nhưng gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ sở pháp lý. Trong khi đó dự luật Đặc khu- cơ sở pháp lý để 3 tỉnh trên lập quy hoạch tổng thể cho các đặc khu lại chưa được quốc hội bù nhìn cộng sản Việt Nam thông qua do vấp phải nhiều chỉ trích từ các chuyên gia và người dân trong nước.
Năm 2018, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dự định trình dự luật này lên quốc hội nhưng vấp phải sự phản đối rầm rộ ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Sài Gòn với cuộc biểu tình ngày 10/6 có hàng chục nghìn người tham gia. Nhiều người dân và chuyên gia ở Việt Nam lo ngại dự luật có điều khoản cho người nước ngoài thuê đất lên đến 99 năm sẽ tiếp tay cho người Hoa Lục vào chiếm đất của Việt Nam ở những vị trí địa lý quan trọng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mô hình kinh tế đặc khu không còn phù hợp.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/csvn-tam-dung-quy-hoach-dac-khu-bac-van-phong-cho-quoc-hoi-bu-nhin-thong-qua-du-luat/
Sao định được tốc độ ‘giàu’
và khối lượng tài sản của cán bộ lãnh đạo?
Để chuẩn bị cho Đại hội 13 sắp tới, công tác nhân sự đang là vấn đề mà lãnh đạo đảng cộng sản cho là ưu tiên hiện nay.Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi nói về vấn đề nhân sự khẳng định quyết tâm không để lọt vào Ban Chấp hành TƯ khóa 13 những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc.
Vẫn theo người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, không ai bắt cán bộ, đảng viên phải nghèo nhưng ông Trọng cho rằng với mức lương nhà nước hiện nay mà “giàu nhanh” là bất thường, cần phải loại ra khỏi quy hoạch nhân sự khóa mới.
Nhận xét về phát biểu vừa nêu của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội bày tỏ:
“Theo tôi từ xưa đến nay họ vẫn nói như vậy chứ chẳng có thước đo thế nào giàu bất thường và loại ra làm sao. Tóm lại ông ấy nói như vậy thì dân không đường nào kiểm soát phát biểu của ông ấy.”
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội lại cho rằng phát biểu của người đưa ra chiến dịch ‘đốt lò’ chống tham nhũng chỉ là cách ông Nguyễn Phú Trọng đang cố lấy lại uy tín cho cán bộ của ông. Do đó, phát biểu này không đưa ra rõ hướng giải quyết mà chỉ nói chung chung:
“Thực sự thế nào là giàu nhanh bất thường, thế nào là giàu chầm chậm, tất cả những cái đấy rất tù mù và thực sự phải có những quy định luật pháp rất rõ ràng và trước khi làm gì đấy thì phải khai báo tài sản một cách công minh. Tôi nghĩ bây giờ những đảng viên đảng cộng sản Việt Nam ở chức cao thì người nào cũng giàu, rất giàu là khác. Thế nào là giàu nhanh, giàu chậm, chính đáng hay không chính đáng? Có thể bản thân những người đó tham nhũng mà đại bộ phận chắc là như vậy là một chuyện,
nhưng biết đâu lại có người nào đó, số rất ít thôi nhưng mà người ta thực sự giỏi, làm ăn gì đó. Vậy tại sao lại lấy tiêu chuẩn tù mù để chặn người tài? Tôi nghĩ là phải rạch ròi tham nhũng là phải xử, chứ tham nhũng không cho vào trung ương thì cấp tỉnh, huyện, xã tham nhũng thì cũng khinh khủng lắm.”
Trao đổi với RFA tối 25/6, Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng cho rằng nếu thực hiện đúng theo chủ trương của người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam loại bỏ những người giàu bất thường thì có lẽ bộ máy nhà nước sẽ trống rỗng do không còn ai ở các vị trí đó nữa.
“Chúng ta thấy tình trạng mà ai cũng biết là các đảng viên, nhất là những người ở vị trí cao thì các mức lương không thể giàu được, nhưng ví dụ như tài sản có nguồn gốc từ gia đình hay gì đó thì khác. Nếu nói theo ông Tổng Bí thư là những người ‘giàu nhanh bất thường’ mà loại ra khỏi vị trí thì đây là điều bất khả thi, không thể xảy ra được.”
Đồng quan điểm vừa nêu của Nhà báo Ngô Nhật Đăng, Luật sư Hà Huy Sơn bày tỏ:
“Bất kể người dân nào cũng thấy được các quan chức ngày nay đa phần có những nguồn thu nhập bất chính, nhìn các tài sản, nhà cửa, đất cát, xe ô tô… rồi con cái họ đi du học nước ngoài thì ai cũng có thể thấy được rằng đa phần họ có những thu nhập bất hợp pháp. Có thể đây là tình trạng phổ biến trong xã hội, người dân ai cũng nhận biết nhưng với cơ chế, thể chế chính trị hiện nay thì người dân không làm gì được trước những bất công như vậy.”
Để có thể kiểm soát tài sản cán bộ, đảng viên, chính phủ Hà Nội ban hành quyết định những người tham gia nhân sự đại hội đảng phải kê khai tài sản.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra, các cơ quan về tổ chức cán bộ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác kê khai tài sản. Khi xảy ra vấn đề vướng mắc hay có thông tin tố cáo thì các cơ quan vừa nêu sẽ xử lý.
Trên trang web của Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, trong khoản 1 Điều 35 quy định tài sản, thu nhập phải kê khai, các cán bộ công chức phải khai báo: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài; Tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.
Những nội dung này sẽ có trong mẫu bản kê khai do chính phủ Hà Nội quy định.
Với quan điểm cá nhân, Nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định:
“Chủ trương cán bộ kê khai tài sản không phải bây giờ mới có mà rất nhiều năm, kể cả hàng chục năm nay mỗi khi sắp sửa kì đại hội hay việc gì đụng chạm đến nhân sự đều có ý kiến cán bộ kê khai tài sản. Ta thấy việc ấy là bất khả thi, không có ai, cơ quan độc lập nào, không có kiểm soát hoặc ít nhất do công luận kiểm soát để việc thực thi kiểm kê tài sản của cán bộ được minh bạch, công khai. Chuyện không có nhà dân sự độc lập, kiểm soát của công luận thì cũng không thể làm được.”
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang A lại cho rằng công tác kê khai tài sản vẫn được thực hiện theo chỉ thị, nhưng kết quả kê khai dường như vẫn còn nằm trong diện ‘bảo mật’:
“Có quy định kê khai tài sản nhưng họ chỉ giữ với nhau hoặc có thể trong nội bộ lúc họ đánh nhau có thể lôi ra hoặc không lôi ra tôi không biết. Nhưng nếu thông tin minh bạch đã làm quan chức nhà nước có thể không cần phải công khai ở mức đăng trên báo nhưng phải để cho bất kể một công dân nào có quyền tiếp cận thông tin ấy và nó phải có quy định rõ ràng là sử dụng thông tin ấy thế nào, không được dùng để hạ nhục lẫn nhau. Phải minh bạch, quan trọng là lúc đầu anh có từng này tài sản đến lúc anh làm chức đấy 2 năm thì tài sản anh là bao nhiêu. Phải có sự giám sát.”
Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Việt Nam có Luật tiếp cận thông tin nhưng không một người dân bình thường nào có thể truy cập được những thông tin đó nên không thể kiểm soát được việc kê khai tài sản quan chức, cán bộ đảng viên. Chính phủ Hà Nội bên ngoài có vẻ minh bạch nhưng thực tế lại không như vậy.
Nhiều nhận định cho rằng việc kê khai tài sản được thực hiện nhằm mục đích để so sánh tài sản trước và sau khi bổ nhiệm, trước lúc ứng cử và sau khi ứng cử chênh lệch thế nào, có phản ánh đúng thu nhập bằng lương của cán bộ hay bằng các tài sản đã có của gia đình cán bộ sinh sôi nảy nở, hoặc do dùng quyền lực để tham nhũng.
Vì vậy, nếu chính phủ Hà Nội thực sự muốn chống tham nhũng thì phải minh bạch toàn bộ tài sản cán bộ. Trong trường hợp không minh bạch tài sản cho dân biết như hiện nay thì công tác chống tham nhũng chỉ mang tính hình thức.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-to-determine-the-rate-of-rich-and-the-wealth-of-leaders-06252020145118.html
Ngân hàng Thế giới cấm vận
Công ty SBD của Việt Nam 7 năm
Ngân hàng Thế giới-World BanK vừa thông báo sẽ thực hiện cấm vận 7 năm đối với Công ty Cổ phần Công nghệ Sao Bắc Đẩu (SBD), vì đã có hàng vi lừa đảo và gian lận trong hai dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội và dự án phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng.Thông báo được công bố trên website của World Bank, vào hôm 24/6, nêu rõ việc cấm vận sẽ khiến cho Công ty SBD không đủ điều kiện tham gia vào các dự án hoặc hoạt động do các tổ chức thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới tài trợ. Đây là một phần của các thỏa thuận giải quyết, theo đó SBD thừa nhận trách nhiệm đối với những hành vi vi phạm và phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể để đủ điều kiện thoát khỏi cấm vận.
Hai dự án do SBD thực hiện bị World Bank cáo buộc gian lận và lừa đảo bao gồm Dự án phát triển thành phố bền vững Đà Nẵng. Dự án này trị giá 272 triệu USD, được thiết kế để mở rộng khả năng tiếp cận hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải, mạng lưới đường huyết mạch và giao thông công cộng tại các khu vực được lựa chọn của thành phố Đà Nẵng.
Dự án còn lại là Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, được thiết kế để tăng tính lưu động đô thị tại các khu vực được nhắm đến ở Hà Nội qua việc gia tăng sử dụng giao thông công cộng và làm giảm thời gian di chuyển giữa trung tâm thành phố về phía Tây và Tây Bắc của thủ đô. Đây là dự án nhằm thúc đẩy các phương thức giao thông bền vững, thân thiện với môi trường và phát triển đô thị cho Hà Nội. Dự án này được World Bank tài trợ 295 triệu USD.
Qua thông báo, World Bank cho biết đã phát hiện nhân viên của SBD làm ảnh hưởng không đúng đến quy trình đấu thầu của hai dự án nêu trên, do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho Việt Nam. Công ty SBD đã tạo tài liệu giả mạo trong hồ sơ dự thầu và không cung cấp thông tin chính xác về sự tham dự trong giai đoạn khởi đầu của hai dự án. Đây là những hoạt động được coi là thông đồng và gian lận.
World Bank cho biết thêm việc cấm vận đối với SBD của Việt Nam đủ điều kiện thực hiện cấm vận chéo giữa các ngân hàng phát triển đa phương khác, theo Thỏa thuận Thi hành các Quyết định Tranh chấp được ký kết vào ngày 9/4/2010.
Truyền thông trong nước, vào ngày 26/6 dẫn lại thông báo cấm vận 7 năm của World Bank đối với Công ty SBD.
Công ty SBD được thành lập hồi tháng 11/1996 với vốn điều lệ ban đầu là 900 triệu đồng. Đến năm 2018, vốn điều lệ tăng lên gần 99 tỷ đồng đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/world-bank-debars-technology-company-for-fraud-in-vietnam-06262020090520.html
Tỉnh Quảng Nam lên án
phim Mỹ chú thích Hội An là của Trung Quốc
Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản kiến nghị Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hoá – Thể thao & Du lịch yêu cầu đơn vị sản xuất phim truyền hình Mỹ cắt bỏ thông tin cho rằng Hội An là của Trung Quốc. Cơ quan chức năng ở tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị dừng phát sóng tại Việt Nam để làm rõ trách nhiệm.Truyền thông trong nước loan tin hôm 26/6 cho biết phim truyền hình Madam Secretary của Mỹ hiện được công chiếu trên Netflix có cảnh quay ở Hội An, nhưng lại được chú thích là Phù Lăng – Trung Quốc.
Thông tin bị chỉ trích nói trên xuất hiện ở phút thứ 17, tập 4, mùa 1 của series Madam Secretary.
Bối cảnh trong phim cho rằng đây là khu phố người Trung Quốc, nơi diễn ra các hoạt động ngầm của giới giang hồ.
Văn bản của Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Quảng Nam khẳng định việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia là vấn đề ưu tiên hàng đầu của đảng và nhà nước trong nhiều năm qua.
Cơ quan chức năng này cho rằng việc chú thích sai gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quảng bá du lịch của nước nhà.
Series phim Madam Secretary ra mắt vào tháng 9/2014 và kết thúc tháng 12/2019. Loạt phim này được kênh truyền hình CBS sản xuất và phân phối, sau đó được Netflix mua bản quyền phát sóng.
Nội dung phim xoay quanh công việc của một ngoại trưởng Mỹ tổng hợp thông tin tình báo, chính trị từ khắp nơi trên thế giới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/quang-nam-condemned-the-film-as-saying-hoi-an-is-chinese-06262020082228.html
Biểu trưng hữu nghị Việt – Trung
qua đường sắt Cát Linh – Hà Đông!
Diễm Thi, RFACuối tháng 3 năm 2020, Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải thông báo, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa biết khi nào đưa vào vận hành nhưng đã phải thanh toán cho tổng thầu 509 trên 644 triệu USD, tương đương 79% giá trị hợp đồng với ít nhất 11 lần lùi tiến độ.
Đây là tuyến đường sắt bị cho đạt kỷ lục thế giới cả về thời gian thi công lẫn số tiền đội vốn. Dự án này được phê duyệt đầu tư từ năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 550 triệu USD, trong đó gần 420 triệu USD là vốn vay từ Trung Quốc. Đến năm 2019, tổng mức đầu tư cho dự án này đã đội vốn lên hơn 880 triệu USD, với gần 670 triệu USD vốn vay từ Trung Quốc. Đây cũng là dự án bị coi là ‘khúc xương gà khó nuốt’ của chính quyền Hà Nội, bởi tới cũng khó mà lui cũng không xong.
Tại buổi gặp giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hùng Ba vào chiều 24 tháng 6, ông Hùng Ba khẳng định dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông không chỉ là dự án thương mại đơn thuần, mà còn là biểu trưng cho tình hữu nghị hai nước Việt Nam- Trung Quốc.
Trao đổi với RFA qua email, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng nên hiểu câu nói của ông Hùng Ba qua hai khía cạnh:
Đem nó biểu trưng cho tình hữu nghị thì gián tiếp nói rằng tình hữu nghi ấy cũng đầy rẫy sự thối tha, cũng được tạo nên bằng sự hối lộ. – Giáo sư Nguyễn Đình Cống
“Thứ nhất, đây là một trò thử thách Vương Đình Huệ, bí thư Hà Nội. Đường sắt Cát Linh-Hà Đông là một ung nhọt thối tha nhiều người biết rõ. Ông Huệ càng phải biết. Thế mà đại sứ ca ngợi để xem Huệ có phản ứng gì không. Nếu ông Vương Đình Huệ nghe xong mà im lặng thì tỏ ra quá hèn hoặc quá kém trí tuệ khi cần phản ứng kịp thời, có thể dùng thủ đoạn để lấn tới.
Thứ hai, ông đại sứ chơi xỏ. Ông biết rõ đường sắt Cát Linh-Hà Đông là một ung nhọt thối tha, là quan chức Việt vì nhận hối lộ nhiều mà để xảy ra tính trạng bi đát như thế. Đem nó biểu trưng cho tình hữu nghị thì gián tiếp nói rằng tình hữu nghị ấy cũng đầy rẫy sự thối tha, cũng được tạo nên bằng sự hối lộ.”
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nói thêm rằng, ông thật sự phẫn uất khi nghe câu nói này. Nếu ông là Vương Đình Huệ thì đã ‘choảng’ cho ông đại sứ vài câu nhớ đời, rồi có bị Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật cũng vui vẻ nhận, bởi dù cho hiểu theo khía cạnh nào thì câu nói của đại sứ Trung Quốc cũng chứa ý đồ rất ‘đểu cáng’.
Vào ngày 27 tháng 6 năm 2020, Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển”. Ông Vương Đình Huệ mời Đại sứ Hùng Ba và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tham dự hội nghị này. Ông Huệ cho biết Hà Nội sẽ tạo điều kiện để tiếp nhận các chuyên gia Trung Quốc sang làm việc cũng như cùng với Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ chào mừng 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Trở lại với dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, trong báo cáo gửi Quốc hội hôm 21 tháng 5 năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể không đưa ra lời hứa cụ thể về thời gian vận hành tuyến đường sắt này mà chỉ báo cáo đang chỉ đạo xây dựng kế hoạch bàn giao và đưa dự án vào khai thác trong thời gian sớm nhất khi đủ điều kiện.
Với rất nhiều người dân Việt Nam thì dự án này làm rạn nứt tình hữu nghị giữa hai nước Việt-Trung, nên khi nghe câu nói của Đại sứ Hùng Ba, người dân chỉ biết phì cười. Luật sư Đặng Trọng Dũng bày tỏ cảm nghĩ của ông:
“Tôi thấy rằng nếu ai có theo dõi tình hình xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông thì sẽ nghĩ đây là điều mỉa mai. Rõ ràng câu nói đó chỉ làm người dân phì cười. Thứ hai nữa, không hiểu ông đại sứ này là đại sứ mới hay cũ và có hiểu biết câu chuyện đường sắt này hay không, nhưng về mặt ngoại giao thì những câu nói đó là những câu đầu môi chót lưỡi của bất cứ nhà ngoại giao nào.”
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc thì bày tỏ thất vọng về dự án đường sắt trên cao ở Việt Nam khi chính ông chứng kiến tập đoàn Sunway Malaysia làm một tuyến đường sắt trên cao ở nước này chỉ trong vòng 18 tháng là khánh thành. Ông nhận định về tình hữu nghị Việt-Trung và câu nói của ông Đại sứ Hùng Ba:
“Tôi cho rằng phát biểu của Đại sứ Trung Quốc là hoàn toàn chính xác. Có thể nói đây là biểu trưng của tình hữu nghị tức là đưa anh em, bạn bè, đồng chí vào cái vòng kim cô để kiểm soát, để gây khó, để tạo ra cái vấn nạn kinh tế không những chỉ cho lãnh đạo Hà Nội, mà còn cho toàn thể nhân dân Việt Nam, là những người phải đóng thuế để trả cho cái tình hữu nghị này.
Cái tình hữu nghị Việt-Trung không thể hiện qua cái đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông mà nó còn xuất hiện từ rất lâu. Từ những ngày đấu tranh trên bàn hội nghị Geneva năm 1954, khi Trung Quốc bán đứng cách mạng Việt Nam. Rồi cái tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc nó thể hiện ra cái biên giới đường lưỡi bò nuốt trọn Biển Đông mà những tháng gần đây Trung Quốc hăm he đủ trò để không chế Việt Nam, đe dọa an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.”
Có thể nói đây là biểu trưng của tình hữu nghị tức là đưa anh em, bạn bè, đồng chí vào cái vòng kim cô để kiểm soát, để gây khó, để tạo ra cái vấn nạn kinh tế không những chỉ cho lãnh đạo Hà Nội, mà còn cho toàn thể nhân dân Việt Nam… – Ông Đinh Kim Phúc
Theo ông Đinh Kim Phúc, ông Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã phải ngậm đắng nuốt cay để tiếp một anh láng giềng mà ông Phúc gọi là “thằng láng giềng khốn nạn”. Việc báo chí ở Việt Nam đăng tin công khai, chạy tít “biểu trưng của tình hữu nghị Việt-Trung”, tức là mỉa mai cái tình hữu nghị này mà họ không dám nói ra.
Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18 tháng 1 năm 1950. Ngày 17 tháng 2 năm 1979, 600 ngàn quân lính Trung Quốc tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam bao gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu với mục đích ‘dạy cho Việt Nam một bài học’. Một tháng sau, Trung Quốc tuyên bố đã đạt mục đích và rút quân.
Năm 1991, hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ theo phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Tuy vậy, cho đến bây giờ, chưa bao giờ Trung Quốc từ bỏ ý muốn áp đảo Việt Nam ở mọi lĩnh vực từ trên bộ, trên biển lẫn kinh tế, ngoại giao.
Năm 2019 là năm Trung Quốc lấn áp Việt Nam mạnh mẽ qua sự kiện Bãi Tư Chính. Trung Quốc liên tục xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khi cho tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng đội tàu hộ tống vào thực hiện khảo sát. Thế nhưng báo chí trong nước vẫn gọi mối quan hệ Việt-Trung là hữu hảo qua các hoạt động liên quan ngoại giao, quốc phòng và thương mại.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từng nhận định rằng, Trung Quốc ép Việt Nam trên cả ba mặt trận, đó là phải công nhận chủ quyền của họ ở Biển Đông thông qua tuyên bố về đường 9 đoạn; không được khai thác và không được tập trận chung với các nước trong khu vực.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-china-relationship-via-catlinh-hadong-railway-06252020143630.html
Việt Nam chấp thuận dự án hạ tầng
bất kể quan ngại môi trường
Thanh TrúcSau nhiều năm chờ đợi, tập đoàn kinh doanh bất động sản Vingroup của Việt Nam được ông Nguyễn Xuân Phúc giao phó một dự án liên doanh với Hoa Kỳ trị giá 9 tỷ 300 triệu USD.
Tin được loan trên báo StraitsTimes của Singapore số ra ngày 22/6. Dự án phát triển vùng Cần Giờ, cách Sài Gòn 50 cây số về phía Nam, thành khu du lịch cao cấp là dự án lớn nhất trong tất cả 9 dự án mà Việt Nam đã chuẩn thuận.
Theo StraitsTimes, Vingroup là một trong hơn 12 tập đoàn đầu tư lớn được Nhà Nước giao nhiệm vụ thực hiện các dự án đầu tư trong 6 tháng đầu 2020, thời điểm mà COVID-19 khiến kinh tế Việt Nam bị suy thoái nghiêm trọng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng những dự án qui mô là cơ hội Việt Nam phải nắm bắt để có thể bù đắp những khoản thâm thủng trong tăng trưởng kinh tế thời gian qua.
Đó cũng là nhận định của tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Việt Nam, qua bài phân tích của ông trên Saigon Times Online:
“Chính phủ chủ trương tăng cường đầu tư công như một giải pháp để giải quyết vấn đề kinh tế rơi vào trầm lắng do tác động của dịch COVID- 19. Thứ hai, từ tình trạng đình đốn do COVID-19 thì tăng đầu tư công liệu có phải là giải pháp chính xác hay không. Cái thứ ba nữa, lúc này là lúc kinh tế khó khăn
thì có lẽ phải dẹp bớt, gác lại những dự án không làm kinh tế nóng lên được như xây tượng đài, xây các nơi vui chơi giải trí để tập trung nguồn lực đầu tư công vào câu chuyện phát triển kinh tế”
Được biết 8 dự án được chấp thuận cùng với dự án ở Cần Giờ cũng là những công trình đầu tư triệu Đô. Đó là đường cao tốc ở Đồng Bằng Sông Cửu Long 208 triệu USD, khu công nghiệp Bình Phước ở Bình Dương 52 triệu USD, 3 sân golf ở các tỉnh miền Bắc tổng chi phí 130 triệu USD.
Báo mạng Nikkei Asian Review của Nhật hôm 22/6 cho hay công trình đầu tư liên doanh giữa doanh nghiệp Mỹ và tập đoàn tư nhân Vingroup của Việt Nam tại vùng Cần Giờ dự kiến hoàn thành năm 2031.
Báo StraitsTimes dẫn lời giới hoạt động môi trường rằng COVID-19 gây khủng hoảng kinh tế là nguyên cớ biện minh cho dự án ngàn tỷ ở Cần Giờ được chấp thuận mà không còn đặt nặng vấn đề nguồn không khí và nguồn nước của Sài Gòn sẽ bị ô nhiễm. Một ý kiến gây tranh cãi khác nữa là hệ lụy không nhỏ từ việc lấp biển, lấn biển khi thực hiện công trình này.
Tuy nhiên theo thạc sĩ Hồ Long Phi, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Nước và Biến Đổi Khí Hậu, nguyên phó Ban Điều Phối Chống Ngập cho Sài Gòn, rủi ro ô nhiễm môi trường từ dự án phát triển Cần Giờ không lớn:
“Theo tôi chuyện ô nhiễm nước hay không khí ít nhiều thì có nhưng không tới mức đó. Khu Cần Giờ không quá lớn để tác động mạnh tới chất lượng môi trường thành phố Hồ Chí Minh. Hiện cái ô nhiễm chính của mình là nguồn khí thải từ các loại xe, nó là 10 thì dự án này chưa bù được 1, thêm một chút cũng không phải chuyện mang tính chất sống chết”
“Cái tôi lo là sự an toàn của chính bản thân dự án đó. Khi làm xong thì với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cộng thêm với điều kiện địa chất không tốt ở đó, hay nó bị lún chẳng hạn đi, thì nó trở thành một gánh nặng của đất nước”
Giới chuyên gia ước tính việc lấp biển trong xây dựng khu thị tứ Cần Giờ cần một lượng cát khổng lồ 138 triệu mét khối, đủ để có thể lấp đầy 36.000 hồ bơi kiểu Olympic. Vẫn lời thạc sĩ Hồ Long Phi:
“Qui mô nó như vậy thì phải cần khối lượng như vậy. Có những dự án bên Singapore đó, họ không có đất đai nên họ lấn biển còn ghê hơn nhiều, thậm chí hồi trước họ mua cát của Việt Nam về làm những dự án lấn ra biển. Ở Dubai họ cũng làm rất nhiều công trình lấn ra biển rất là đẹp nhưng phải có độ sinh lợi cao” .
Về khía cạnh tập đoàn tư nhân được giao nhiệm vụ kết hợp cùng nhà đầu tư Mỹ để tiến hành dự án Cần Giờ, blogger Lưu Trọng Văn cho rằng đây là cơ hội tốt để thực hiện đến nơi đến chốn một dự án manh nha từ thời ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt:
“Cần Giờ có rừng ngập mặn, là lá phổi, là hệ thống sinh quyền cho thành phố Sài Gòn. Cần giờ có đầy đủ phương tiện để phát triển thành một đô thị, một trung tâm du lịch và có thể sau này là kỹ nghệ của Sài Gòn”.
“Dự án đã có từ lâu và cũng nhiều tập đoàn nhảy vào. Nếu yếu tố nước ngoài là Hoa Kỳ chắc chắn sẽ không có phản ứng của dư luận, nhưng nếu yếu tố nước ngoài là Trung Quốc thì chắc chắn sẽ có những phản ứng quyết liệt của dư luận. Chính phủ đã quyết định làm cây cầu Bình Khánh nối Sài Gòn với Cần Giờ. Trước đây có nhiều người phản đối, cho rằng cây cầu này sẽ tăng tốc độ phá hủy vùng sinh thái, vùng ngập mặn được bảo tồn của quốc gia và được thế giới công nhận. Nhưng quyết định làm cầu có nghĩa là dự án phát triển Cần Giờ bắt đầu khởi động, vấn đề là mức độ quyền kiểm soát tới đâu để bảo vệ vùng sinh quyển này”
“Các nhà đầu tư phải cải tạo đất sình lầy, dẫn đến chuyện đưa cát về để lấp sình lầy, tạo ra vùng biển sạch thì mới có yếu tố gọi là bất động sản hay yếu tố du lịch. Nếu qui hoạch tốt, làm tốt, rõ ràng đâu đó về vấn đề không được xâm lấn vùng ngập mặn, rồi là rừng bảo tồn sinh học và bảo vệ sinh thái ở đó, thì tôi nghĩ cái này vẫn là dự án tốt”.
Cũng từng lên tiếng nhiều lần về dự án ông gọi là đầu tư tu hơn 9 tỷ, kết hợp với Mỹ của Vingroup, nguyên thứ trưởng Tài Nguyên & Môi Trường Đặng Hùng Võ cho biết có hai luồng ý kiến trái chiều, một cho rằng việc lấp biển tại bờ biển Cần Giờ là chấp nhận được, một thành phố du lịch tại bãi biển Cần Giờ được nhiều ý kiến ủng hô.
“Nhưng bên cạnh đấy thì nhiều ý kiến lo rằng dự án làm hỏng cả môi trường rừng, làm hỏng hệ sinh thái biển của Cần Giờ vì dự án lấp biển, lấn ra biển là chủ yếu.
“Quan điểm của tôi là những cái mà còn đang có ý kiến, thậm chí phản biện trái chiều thì cũng cần nghiên cứu kỹ, trong đó có chuyện cát lấp biển. Trong dự án đề xuất là lấy từ Đồng Bằng Sông Cửu Long thì tôi đã viết một bài là hãy dứt bỏ ý tưởng lấy cát của Đồng Bằng Sông Cửu Long vì nơi này hiện đang rơi vào tình trạng sụt lún, sạt lở rất nhiều. Để làm chuyện lấp biển tôi đề nghị chở cát từ miền
Trung. Miền Trung thì rất nhiều nơi lâu nay đã bán cát cho Singapore mở rộng đảo của họ, thế thì cát từ miền Trung hoàn toàn phù hợp”.
Chi phí tất nhiên cao hơn do phải vận chuyển cát từ miến Trung về, nhưng dù thế nào cũng không nên lấy cát từ Đồng Bằng Sông Cửu Long, là điều ông Đặng Hùng Võ cho hay ông từng đánh tiếng góp ý với Vingroup như vậy.
Theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu Đông Nam Á của Đại Học Singapore, các dự án lớn mà mạng StraitsTimes nêu ra, trong đó có dự án Cần Giờ do Vingroup đảm trách, và ngay cả dự án của SunGroup ở Sơn Trà hay Tam Đảo trước đây, cũng không thể bị gán cho là ảnh hưởng hay tác động đến môi trường khi không phá rừng mà chỉ xây đúng 5% rừng.
Vẫn theo lời ông, một khi đã hồ sơ hóa được việc không tác động đến môi trường, tập đoàn tư nhân Vingroup sẽ lời ăn lỗ chịu, thành công là điều bắt buộc vì không thể chọn lựa khác hơn.
Trong một tuyên bố gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế. Nay với quyết định được coi là bật đèn xanh cho tập đoàn Vingroup phát triển Cần Giờ, bên cạnh các dự án giao thông lớn từ Nam ra Bắc, Việt Nam đang thể hiện quyết tâm kích hoạt lại nền kinh tế bị suy trầm bằng mọi cách.
Theo mạng StraitsTimes, vào khi IMF Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế giảm mức tăng trưởng dự kiến của Việt Nam năm 2020 xuống 2.7%, thì nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam vẫn cố duy trì tỷ lệ tăng trưởng trên mức 5%.
Tháng trước, lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi chính phủ tận dụng mọi nguồn lực để giữ mức tăng trưởng đã nhắm tới bất chấp tình cảnh khó khăn vì đại dịch toàn cầu.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-approved-bln-project-despite-environmental-concerns-06262020081916.html
Điểm tin trong nước sáng 26/6 – TP.HCM: 1 quân nhân
nhiễm dịch bạch hầu, cách ly 16 người tiếp xúc gần
Tâm TuệMục điểm tin trong nước sáng thứ Sáu (26/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
TP.HCM: 1 quân nhân nhiễm bạch hầu, cách ly 16 người tiếp xúc gần
Tối 25/6, trung tá Phan Bá Hiếu – phụ trách khoa truyền nhiễm Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng – cho biết đơn vị đang điều trị cho một nam thanh niên 20 tuổi mắc bệnh bạch hầu. Bệnh nhân này là quân nhân, mắc bệnh trong trường, theo Người lao động.
Trước đó khoảng 9 ngày nam thanh niên này được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng sốt, đau họng, sưng to vùng hàm và hạch cổ. Kết quả xét nghiệm sau đó của Bệnh viện Quân y 175 và Viện Pasteur TP.HCM kết luận bệnh nhân mắc bạch hầu.
Có 16 người tiếp xúc gần nơi bệnh nhân sinh hoạt, học tập (tất cả đều ở ngoài bệnh viện) được cách ly và uống thuốc điều trị dự phòng.
Công ty Điện lực Nghệ An: Vụ ghi nhầm tiền điện lên 30 lần là ‘sai sót rất đáng tiếc’
Ngày 25/6, Tuổi trẻ thông tin, tại buổi gặp gỡ thông tin báo chí liên quan vụ ghi nhầm tiền điện tăng 30 lần của một hộ dân ở huyện Quế Phong đang được dư luận quan tâm, ông Nguyễn Xuân Lợi – phó giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An – cho biết điện lực Quỳ Châu đã cho nhân viên đi phúc tra và thấy sai sót trên.
Số điện phúc tra được viết lại bằng mực ở dưới biên bản. Khi nhân viên nhập liệu số điện vào lại “không để ý” dẫn đến việc ghi chỉ số cũ rồi thông báo cho khách hàng.
Đây là sai sót rất đáng tiếc. Ông Lợi giải thích rằng do nhân viên đi ghi chỉ số vào gần trưa, sức khỏe nhân viên đảm bảo nhưng ở đây có sự nhầm lẫn.
Tìm thấy thanh niên bỏ trốn khỏi nơi cách ly ở Quảng Ninh
Tối 25/6, thông tin từ UBND TP.Móng Cái cho biết, nhà chức trách địa phương này đã tìm thấy Vi Văn Hiến (26 tuổi, trú tại xã Mường Chanh, H.Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa), người đã bỏ trốn khỏi khu cách ly tập trung chống dịch Covid-19 tại Centre Way (P. Bình Ngọc, TP. Móng Cái), theo Thanh Niên.
Trước đó, ngày 22/6, khu cách ly Center Way tiếp nhận Vi Văn Hiến từ Đồn Biên phòng Bắc Sơn để thực hiện cách ly y tế. Hiến bị lực lượng Đồn Biên phòng Bắc Sơn bắt giữ cùng ngày, khi đang nhập cảnh trái phép vào từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Vi Văn Hiến mới chỉ cách ly 2 ngày, chưa có kết quả xét nghiệm và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 trong cộng đồng, theo UBND TP.Móng Cái.
Nắng nóng tới 40 độ sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 7
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn dự báo: Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn mạnh nên ngày 26/6, ở khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Trung Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ; riêng các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 39 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 30-50%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ.
Hôm nay, chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 7-9 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.
Cảnh báo: Đợt nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ còn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 7.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-26-6-tp-hcm-nam-hoc-vien-nhiem-dich-bach-hau-cach-ly-16-nguoi-tiep-xuc-gan.html
Điểm tin chiều 26/6:
Tập đoàn thiết bị điện gia dụng đứng số 1 thế giới
xây trung tâm R&D lớn nhất tại Việt Nam
Minh HạnhMục Điểm tin kinh tế ngày 26/6 của Đại Kỷ Nguyên có những thông tin: Huawei quyết đấu với Apple tại Trung Quốc; Tập đoàn thiết bị điện gia dụng đứng đầu thế giới đang xây trung tâm R&D lớn nhất tại Việt Nam…
Huawei quyết đấu với Apple tại Trung Quốc khi bị Mỹ đánh bầm dập
Khi thị trường quốc tế đã ở ngoài tầm với, Huawei tỏ rõ quyết tâm cạnh tranh với Apple tại sân nhà Trung Quốc khi mở cửa hàng bán lẻ lớn nhất từ trước tới nay.
Theo Vietnamnet, Huawei vừa mở cửa hàng bán lẻ tại Thượng Hải với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Đây là động thái nhằm cạnh trạnh với Apple của Huawai khi cố gắng gia tăng thị phần nội địa.
Trong bối cảnh gã công nghệ này đang chịu áp lực lớn từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nước đồng minh phương Tây, cửa hàng bán lẻ của Huawei được khai trương nhằm tận dụng tâm lý dân tộc của người tiêu dùng Trung Quốc dường như là cách duy nhất để công ty này có thể trụ được.
Việc khai trương cửa hàng ở Thượng Hải của Huawei nhằm thay đổi trọng tâm cuộc chiến giữa hãng này và Hoa Kỳ. Hãng này nhiều lần bị chính phủ Mỹ cáo buộc làm gián điệp cho chính quyền Trung Quốc.
Trong tháng 5, nhằm tăng cường áp lực cho Huawei, Mỹ đã yêu cầu tất cả các công ty trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu ngừng sử dụng thiết bị của Hoa Kỳ để chế tạo con chíp cho Huawei. Điều đó khiến hoạt động sản xuất linh phụ kiện của Huawei bị đình trệ và kế hoạch tung ra sản phẩm điện thoại cao cấp Mate của Huaweil có nguy cơ bị lỡ hẹn.
Nhà phân tích công nghệ tại IDC nhận định với Nikkei “Huawei khai trương một cửa hàng xa xỉ tại thời điểm khó khăn như hiện nay để muốn chứng minh sức mạnh của mình. Công ty này đang tuyên bố với thế giới rằng Huawei có thể đối đầu với Apple và vẫn cung cấp những sản phẩm tốt nhất “.
Nhằm đẩy mạnh thương hiệu tại châu Âu, công ty này cũng mở 3 cửa hàng lớn tại Paris (Pháp) và Madrid (Tây Ban Nha). Tuy nhiên, kế hoạch tương tự tại Vienna (Áo) và London (Anh) và bị hoãn lại và không được công bố lý do. Hãng công nghệ này cho biết cửa hàng tiếp theo là tại Berlin (Đức).
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, so với hãng công nghệ Apple thì Huawei đang tụt hậu khá xa. Vào năm 2008, Apple đã mở cửa hàng flagship đầu tiên ở Trung Quốc. Đến năm 2020, đã có 42 cửa hàng của hãng này tại đất nước tỷ dân. Riêng đối với thành phố Thượng Hải, Apple có tới 7 cửa hàng và trên toàn cầu có hơn 500 cửa hàng.
Tập đoàn thiết bị điện gia dụng đứng đầu thế giới đang xây trung tâm R&D lớn nhất tại Việt Nam
Theo báo Tổ Quốc đưa tin, chiều ngày 23/6/2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với ông Nate Easter, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Techtronic Industries (TTI) – tập đoàn sản xuất
công nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng thế giới về các sản phẩm thiết bị điện và gia dụng, với 12 nhà máy trên toàn thế giới, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ, Bắc Âu. Trong đó, sản phẩm công cụ kết nối không dây chiếm 35% thị phần toàn cầu.
TTI đã đầu tư vào Bình Dương vào năm 2018 và tạo việc làm cho hơn 6000 lao động. TTI chuẩn bị đầu tư thêm 650 triệu USD vào các nhà máy thiết bị điện không dây trong Khu công nghệ cao TP.HCM, dự kiến hoàn tất vào quý III/2021.
Hiện tại TTI đã có trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Mỹ, Châu Âu và đang xây dựng trung tâm R&D lớn nhất tại Việt Nam, kế hoạch thu hút 2000 kỹ sư và chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ chế tạo. Tập đoàn đang làm việc với các trường đại học để tìm kiếm nhân tài trong lĩnh vực này.
TTI kỳ vọng 2 năm tới sẽ thu hút khoảng 180-200 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho TTI, mục tiêu đạt khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm với tỷ lệ cung ứng nội địa lên tới 60% trong năm 2020 và 80% năm 2021.
Dịch bệnh Covid-19 khiến hàng trăm nghìn người Séc mất việc làm
Theo Báo cáo gần đây của Bộ Lao động và Xã hội, dịch Covid-19 đã khiến cho hơn 266 nghìn người ở Séc mất việc làm, tăng 25 % tương đương 65 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo VOV đưa tin, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng thất nghiệp này là do tác động của dịch Covid-19 khiến cho nhiều lao động bị sa thải, đặc biệt là đối tượng nữ giới. Trong khi đó, nam giới là đối tượng dễ kiếm việc làm hơn do chủ yếu tham gia sản xuất trong các ngành công nghiệp nặng và chế tạo xe, đây là các lĩnh vực được nhà nước hỗ trợ.
Giới chuyên môn dự báo số người thất nghiệp còn có thể tăng thêm trong tháng 9 và tháng 10.
Theo Bộ trưởng Lao động và các vấn đề xã hội, Séc đã triển khai các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tuy nhiên nhiều công ty đã nhận tiền trợ cấp mà vẫn sa thải nhân viên, Bộ sẽ yêu cầu các công ty phải hoàn trả lại khoản trợ cấp này. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh chương trình hỗ trợ sẽ có thể kéo dài thêm một thời gian nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Đại sứ Anh đánh giá Việt Nam đã sẵn sàng là lãnh đạo về năng lượng bền vững của Đông Nam Á
Theo báo Nhịp sống kinh tế đưa tin, ngày 24/6, Ông Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Việt Nam đã đến thăm công ty Shire Oak International tại TP.HCM, đây là đơn vị tiêng phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Anh và Châu Âu. Tại Việt Nam, công ty đã kết hợp với các doanh nghiệp để tăng cường công suất điện mặt trời trên toàn quốc bằng cách lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp lên mái xưởng của khách hàng nhằm khai thác nguồn ánh sáng mặt trời dồi dào của Việt Nam.
Trong buổi gặp gỡ, đoàn Đại sứ Anh đã cùng CEO công ty thảo luận chiến lược đầu tư năng lượng mặt trời áp mái tại Việt Nam và cơ hội để tiến xa hơn trong việc khai thác năng lượng này trên khắp lãnh thổ.
Theo Đại sứ cho biết Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một nhà lãnh đạo của khu vực Đông Nam Á trong công cuộc chuyển đổi sang nguồn năng lượng bền vững, nước Anh cam kết hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và đạt được các mục tiêu hướng tới nguồn năng lượng xanh.
Đầu tháng 6/2020, Shire Oak International đã hoàn thành 9 dự án mái nhà năng lượng mặt trời đầu tiên tại Việt Nam với tổng công suất lên đến 8.800 kW và đang tiếp tục triển khai để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu có 20% tổng lượng điện đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, trong đó có 12GW công suất điện mặt trời.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-chieu-26-6-tap-doan-thiet-bi-dien-gia-dung-dung-so-1-the-gioi-xay-trung-tam-rd-lon-nhat-tai-viet-nam.html
Điểm tin trong nước tối 26/6:
Vụ Huy ‘nấm độc’ vượt ngục:
Truy tố một nguyên đại úy Công an tỉnh Bình Thuận
Hiểu MinhMục điểm tin trong nước tối thứ Sáu (26/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Huy ‘nấm độc’ vượt ngục: Truy tố một nguyên đại úy Công an tỉnh Bình Thuận
Liên quan vụ Huy ‘nấm độc’ và đồng phạm vượt ngục, Lê Minh Sơn (35 tuổi), nguyên đại úy, nguyên cán bộ Trại tạm giam Công an Bình Thuận bị Viện KSND tối cao truy tố tội danh “Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để chiếm đoạt tài sản”.
Cùng bị truy tố trong cáo trạng này (cùng tội danh) là Võ Ngọc Thiện (27 tuổi), phạm nhân tự giác đang thụ lý án 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích tại Trại tạm giam Công an Bình Thuận.
Từ ngày 27/4 đến 29/6/2019, Thiện và Sơn đã phối hợp chuyển điện thoại 18 lần vào buồng giam cho các phạm nhân gọi cho người nhà. Tổng số tiền mà người nhà của các phạm nhân đã trả cho Sơn là 91 triệu đồng, trong đó Sơn cho Thiện 10 triệu đồng.
Lợi dụng kẽ hở trên, ngày 28/6/2019, Nguyễn Viết Huy (Huy “nấm độc”) điện thoại trao đổi với Nguyễn Minh Hoàng mua lưỡi cưa sắt cắm trong cây nem chả, ném vào buồng giam, qua lỗ thông gió để Huy “nấm độc” và Nguyễn Văn Nưng chuẩn bị cho hành động trốn khỏi nơi giam giữ.
Rạng sáng 30/6/2019, Huy “nấm độc” và Nguyễn Văn Nưng đã cưa đứt thanh sắt trong cửa thông gió buồng giam để trốn trại. Việc trốn khỏi trại giam của 2 phạm nhân này có sự tiếp sức của Lê Minh Sơn và Võ Ngọc Thiện.
Ngày 23/6/2020, Huy “nấm độc” bị TAND TP.Phan Thiết tuyên phạt 5 năm, 6 tháng tù giam và Nưng bị phạt 4 năm 6 tháng tù, cùng tội danh trốn khỏi nơi giam giữ.
Khởi tố thêm nhiều người liên quan đến đại gia “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản
Tại cuộc họp báo của Bộ Công an chiều 25/6, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cung cấp một số thông tin về vụ án lừa dối khách hàng liên quan đến ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh.
Theo ông Tùng, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố tổng cộng bảy bị can. Trong số này, ông Thản bị khởi tố về tội lừa dối khách hàng, sáu bị can còn lại bị khởi tố về tội thiếu tinh thần trách nhiệm.
Theo tìm hiểu, tháng 5/2018, người dân mua nhà dự án chung cư cao cấp Bemes (CT6) có đơn gửi các cơ quan chức năng TP. Hà Nội đề nghị cấp sổ đỏ.
Cư dân cho hay năm 2012, họ đóng tiền mua căn hộ tại chung cư CT6 và một năm sau thì chuyển về sinh sống. Lúc này người mua mới phát hiện là mua phải nhà không phép, xây sai quy hoạch, không làm được sổ đỏ…
Áp lực học tập, nam sinh lớp 10 nhảy lầu?
Trao đổi với Lao động, thầy Hoàng Văn Huân, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết, vào 8h sáng 25/6, trong giờ ra chơi, em Nguyễn Đăng H. (học sinh 10A2, Trường THPT Chu Văn An, xã Quảng Minh, TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã bất ngờ nhảy từ cầu thang tầng 2 xuống sân trường khiến chân bị gãy, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa
Thầy Huân cho biết thêm, về thông tin do áp lực học tập nên em H. đã nhảy tầng là không đúng. Thường ngày em H. vẫn đến trường, tuy nhiên, gần đây em có các biểu hiện tâm lý không bình thường, đến sáng nay thì xảy ra sự việc trên.
Quân nhân mắc bệnh bạch hầu đã có kết quả âm tính
Liên quan đến việc tối 25/6, trung tá Phan Bá Hiếu, phụ trách khoa truyền nhiễm Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng, cho biết đang điều trị cho một quân nhân mắc bệnh bạch hầu.
Chiều 26/6, phía Bệnh viện Quân y 175 cho biết, bệnh nhân hiện có sức khoẻ ổn định, đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus bạch hầu. Bệnh nhân đã hết sưng đau vùng cổ, giả mạc còn ít, lâm sàng ổn, chưa có biến chứng của bệnh.
Nguồn tin trên cũng cho biết, 16 người tiếp xúc gần được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. 42 nhân viên y tế đều được cho uống thuốc điều trị dự phòng.
Các bác sĩ khuyến cáo, thuốc điều trị dự phòng bệnh bạch hầu được nên uống trong vòng 7-10 ngày. Khi tiếp xúc gần với bệnh nhân bạch hầu, người dân cần tuân thủ uống thuốc dự phòng, khả năng bảo vệ có thể đạt 100% nếu cơ thể không kháng thuốc. Tuy vậy, nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể gặp biến chứng tim, suy hô hấp, suy tim cấp.
https://www.dkn.tv/thoi-su/phap-luat/diem-tin-trong-nuoc-toi-26-6-vu-huy-nam-doc-vuot-nguc-truy-to-mot-nguyen-dai-uy-cong-an-tinh-binh-thuan.html
0 comments