Đọc báo Pháp – 26/06/2020
Covid-19: Dịch bệnh vẫn là mối đe dọa đối với Pháp và Châu Âu – Trọng Nghĩa
Vòng 2 cuộc bầu cử thành phố và thị xã ngày Chủ Nhật tới đây là đề tài số một trên báo chí Pháp ra hôm nay Thứ Sáu 26/06/2020, được Le Monde và La Croix đưa lên làm chủ đề chính trang nhất. Libération và Le Figaro cũng chú ý đến đề tài này, nhưng ở các trang trong, còn trang nhất thì được dành cho tình hình dịch bệnh Covid 19.
Như nói ở trên, cả Libération lẫn Le Figaro đều dành hồ sơ chính cho chủ đề Covid-19, và điểm trùng hợp lý thú là cả hai tờ báo đều nhấn mạnh đến nhu cầu cẩn trọng vào lúc dịch bệnh đang có dấu hiệu lui bước.
Libération: “Đừng nóng vội!”
Trong hàng tựa lớn chiếm trọn trang nhất, Libération kêu gọi: “Đừng nóng vội” khi còn trong giai đoạn dỡ bỏ phong tỏa. Trong một hồ sơ dài 4 trang, tờ báo Pháp công nhận là trong bối cảnh các số liệu thống kê hiện nay cho thấy là dịch bệnh đang lùi bước tại Pháp, mong muốn “lật qua trang mới” ngày càng mạnh mẽ, và thái độ coi thường các biện pháp an toàn ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, nhật báo thiên tả Pháp cảnh cáo: “Sự trỗi dậy trở lại của dịch Covid-19 vào tháng 9 tới đây là một giả thuyết nghiêm túc, trong lúc virus corona vẫn tiếp tục đà lây lan trên các lục địa khác”.
Trong bài viết “Tình hình dịch bệnh Covid-19 phải chăng đang trong tầm kiểm soát”, Libération cho rằng quả đúng là khi nước Pháp chuẩn bị bước vào tuần lễ thứ tám của giai đoạn hậu phong tỏa, mọi sự có dấu hiện tiến triển tốt, với số ca nhiễm mới được duy trì ở mức thấp, chỉ vài trăm trường hợp mỗi ngày, so với hàng chục ngàn ca lúc dịch chạm đỉnh…
Đà thuyên giảm đang chững lại
Có điều, theo tờ báo, đà thuyên giảm của dịch bệnh có dấu hiệu chững lại từ một vài ngày qua, tựa như đã chạm phải một cái sàn, không tiếp tục đi xuống được nữa. Thậm chí, trong một thông cáo vào hôm qua, 25/06, Tổ Chức Y Tế Thế Giới còn lo ngại về đà vươn lên trở lại của số ca nhiễm tại khoảng ba chục nước châu Âu từ hai tuần lễ nay.
Trong tình hình đó, Libération đã lưu ý rằng mọi người vẫn cần phải cẩn trọng, dịch bệnh có thể giảm cường độ lây lan vào mùa hè, nhưng không dứt hẳn và trong những điều kiện thời tiết lạnh và khô sau đó, virus có thể tác oai tác quái trở lại.
Đối với tờ báo, các biện pháp bảo đảm an toàn về mặt y tế do đó vẫn hết sức cần thiết, mà đầu tiên hết là việc phải đeo khẩu trang, đặc biệt là trong những không gian khép kín, như nơi làm việc chẳng hạn.
Bên cạnh đó, chính quyền cần phải gia tăng việc xét nghiệm, để kịp thời phát hiện người mang virus, cách ly họ để phá vỡ dây chuyền truyền nhiễm. Các ổ dịch và chùm lây nhiễm cần phải được giám sát chặt chẽ.
Le Figaro: Châu Âu vẫn phải đề cao cảnh giác
Nhật báo Le Figaro cũng dành tựa lớn trang nhất và một hồ sơ dài 5 trang cho diễn biến của dịch Covid-19, nhưng nhấn mạnh đến tình hình châu Âu
Dưới hàng tít “Covid-19: Châu Âu đề cao cảnh giác để tránh nguy cơ tái bùng phát”, tờ báo thiên hữu Pháp nêu bật lời cảnh báo vào hôm qua 25/06 của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đối với các nước Châu Âu, lưu ý về nguy cơ dịch bệnh “bùng phát” trở lại.
Nhắc lại tuyên bố trong một cuộc họp báo của bác sĩ Hans Kluge, quan chức của WHO đặc trách khu vực Châu Âu, theo đó “số ca nhiễm đã tăng lên ở Châu Âu vào tuần trước, lần đầu tiên từ nhiều tháng nay”, Le Figaro đã giải thích rằng đà tăng lên trở lại đó một phần bắt nguồn từ các chiến dịch xét nghiệm tích cực đã được tiến hành từ mùa đông vừa qua, khi lục địa bị virus corona làm cho điêu đứng.
Tuy nhiên, đối với tờ báo, hiện tượng dịch bệnh trỗi dậy đó cũng là một lời cảnh tỉnh đối với nhiều người dân đang có xu hướng buông thả, lơ là hẳn các cử chỉ “an toàn” hay đeo khẩu trang từ lúc các biện phong tỏa được dỡ bỏ.
Không nên cho là virus đã bị triệt tiêu
Trong bài: “Người Pháp đang quên các cử chỉ an toàn vào lúc sắp đến hè”, Le Figaro ghi nhận thái độ quan ngại của các công chứng viên, thợ hớt tóc, những chủ hiệu bán thuốc lá, nhân viên các cửa hàng hay nhà hàng… trước tình trạng rất nhiều khách hàng xử sự như là virus corona đã hoàn toàn bị triệt tiêu tại Pháp.
Một trong vô số ví dụ được một chủ tiệm hớt tóc tại Paris nêu bật: “Một số khách hàng đã tỏ vẻ rất ngạc nhiên khi được yêu cầu đeo khẩu trang. Người khác thì chẳng quan tâm gì đến việc giữ khoảng cách an toàn (1 mét) khi bước vào tiệm”.
Theo Le Figaro, tình hình đáng lo ngại nhất là tại các nước khác, đặc biệt ở phía đông châu Âu. Tại Đức, số ca nhiễm tăng lại, nhưng chính quyền đã kiểm soát được tình hình, tại Bồ Đào Nha thì một số biện pháp hạn chế tụ tập và đi lại đã được tái lập ở một số nơi.
Riêng tại vùng Balkan, từ Serbia, Croatia cho đến Montenegro, Bắc Macedonia, số ca nhiễm đã tăng lên trở lại, sau khi chính quyền nhiều nơi bãi bỏ các lệnh giới nghiêm hay hạn chế đi lại và tụ tập.
Một trường hợp điển hình được Le Figaro nêu bật là tay vợt tennis số một thế giới Novak Djokovic và nhiều người khác đã nhiễm Covid-19 sau giải quần vợt Adria Tour tổ chức ở Serbia.
Le Monde: 150 đơn vị cần theo dõi nhân vòng 2 cuộc bầu cử cấp thành phố – thị xã
Về cuộc bầu cử địa phương ngày Chủ Nhật 28/06 sắp tới tại Pháp, Le Monde chạy trên 5 cột trang nhất hàng tựa lớn: “150 thành phố cần theo dõi nhân vòng 2”.
Le Monde đã điểm qua một số nơi mà lá phiếu của từng cử tri sẽ mang tính quyết định, cho phép các đảng đối lập ở địa phương giành thắng lợi, hay các đa số mãn nhiệm duy trì được quyền hành.
Vào lúc mà mọi người đều dự đoán là đảng Cộng Hòa Tiến Bước LREM của tổng thống Pháp Macron sẽ thảm bại trong cuộc bầu cử, tờ báo thuộc hạng có uy tín nhất nước Pháp đã đặt ra một câu hỏi rất khiêu khích: Liệu có khả năng là đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa LR lại chính là bên thua cuộc nặng nề nhất?
Đối với Le Monde, cho dù đã có kết quả tốt trong vòng 1 ngày 15/03 vừa qua, đảng LR nhân vòng hai này có nguy cơ bị những tổn thất rất nghiêm trọng, đặc biệt là bị mất hai thành phố lớn Marseille và Toulouse vào tay một liên minh cánh tả. Khả năng mất luôn cả Argenteuil, ngoại ô bắc Paris và Aix-en-Provence, gần Marseille cũng rất cao.
Vì sao đảng LR sẽ bị thua thiệt nhiều nhất?
Theo tờ báo, có hai nguyên nhân gần như là cơ học giải thích thảm bại đó của đảng chủ chốt trong cánh hữu Pháp.
Nguyên nhân đầu tiên bắt nguồn từ cuộc bầu cử lần trước vào năm 2014. Khi ấy, cánh hữu đã bất ngờ đại thắng, giành được hơn 140 thành phố với hơn 10.000 dân từ tay cánh tả, tranh thủ được nỗi bất bình của người Pháp lúc đó đối với chính quyền của tổng thống Francois Hollande, thuộc đảng Xã Hội. Lần này thì những thị xã vốn có cơ cấu xã hội thiên về cánh tả đó sẽ bầu trở lại theo xu hướng cố hữu của mình.
Nguyên nhân thứ hai là nhân vòng 1 vừa qua, cánh hữu đã đoàn kết được hầu như mọi thành tố của mình, kể cả những ủng hộ viên của các nhóm trung hữu, trong lúc cánh tả lại hết sức chia rẽ. Bước qua vòng hai này, cánh hữu kể như không còn phiếu dự trữ, trong lúc ở rất nhiều nơi, các nhóm cánh tả lại đoàn kết được với nhau để ủng hộ một liên danh duy nhất.
Đó là chưa kể đến việc là kể từ năm 2017, hàng ngũ của đảng LR đã bị phân tán, với một số thành viên đi theo đảng cầm quyền của ông Macron, trong lúc một số người khác thì xa rời đảng trong thời ông Laurent Wauquiez làm chủ tịch.
Nếu đảng LR cánh hữu có nguy cơ bị tổn thất nặng nề, thì phong trào sinh thái EELV được cho là sẽ khẳng định được sự đột phá được ghi nhận nhân cuộc bầu cử nghị viên châu Âu vừa qua. Ngoài thành phố Grenoble chắc chắn sẽ tiếp tục ở trong tay phe sinh thái, EELV có khả năng thắng lợi tại Lyon, Besançon, Tours, hay ở Strasbourg, Toulouse.
Đảng Xã Hội dù bị suy yếu ở cấp quốc gia, nhưng vẫn bám trụ được ở nhiều địa phương như đặc biệt là ở các thành phố miền Tây như Rennes, Brest, Rouen hay Nantes.
Riêng đảng Cộng Sản thì tiếp tục bị mất các lãnh địa vào tay đảng Xã Hội hay đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia RN.
Về đảng RN, kết quả cần theo dõi là Perpignan ở miền đông nam nước Pháp, nơi liên danh của của đảng này lại cố xóa nhòa gốc tích cực hữu của mình để tranh thủ cử tri.
La Croix: Hồi kết của một câu chuyện dài kỷ lục
Cũng về vòng 2 cuộc bầu cử hội đồng thành phố và thị xã sắp diễn ra, nhật báo Công Giáo La Croix như đã thở phào nhẹ nhõm, chạy trên trang nhất tựa lớn “Hồi kết rốt cuộc đã đến”.
Theo tờ báo, vòng 2 cuộc bầu cử Chủ Nhật tới đây sẽ đánh dấu sự kết thúc của khoảng cách giữa hai vòng dài nhất trong lịch sử chính trị Pháp. Sau một chiến dịch tranh cử dài vô tận và một tỷ lệ người không đi bầu cao kỷ lục ở vòng một, các ứng cử viên hy vọng rằng lần này, công dân sẽ hăng hái hơn.
Vấn đề lại là các dự báo cho đến giờ không mấy lạc quan về tỷ lệ người đi bầu. Nếu ở vòng một, cử tri bị phân tâm vì phong trào biểu tình chống cải cách hưu bổng và ngay sau đó là cuộc khủng hoảng Covid-19, thì ở vòng 2 này, người dân Pháp tiếp tục phải bận tâm vì những vấn đề hậu phong tỏa, khủng hoảng kinh tế đang đón chờ và kỳ nghỉ hè sắp đến.
Đối với La Croix, tình thế kể trên quả là một nghịch lý, vì cuộc khủng hoảng y tế mà người Pháp vừa trải qua đã chứng tỏ tính chất tối quan trọng của các chính quyền địa phương.
Dẫu sao thì cuộc bầu cử kết thúc sẽ cho phép đời sống chính trị Pháp tiếp tục tiến bước, lập được danh sách đại cử tri cho cuộc bầu Thượng Viện vào tháng 9 tới đây, và cuộc bầu cử các Hội Đồng Vùng dự trù vào tháng Ba năm tới.
Le Monde: Donald Trump tận dụng tâm lý bài Trung Quốc
Về thời sự thế giới, đáng chú ý có lẽ là bài viết trên báo Le Monde về việc tổng thống Mỹ “Donald Trump khai thác tinh thần bài Trung Quốc của một thành phần cử tri Mỹ”
Tờ báo nhắc lại sự kiện là Nhà Trắng mới đây đã lập một danh sách đen gồm 20 công ty Trung Quốc thân cận với quân đội Trung Quốc, được xem là một “công cụ bổ ích” cho các doanh nghiệp Mỹ trước khi ký kết hợp tác với những đơn vị này. Trong danh sách này dĩ nhiên có Hoa Vi.
Theo Le Monde, thông tin đã được rò rỉ rất đúng lúc cho hãng Reuters, hôm 24/06, trong lúc cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ-Trung vẫn gay gắt. Danh sách của Nhà Trắng được thành lập trong khuôn khổ một đạo luật năm 1999 (Defense Authorization Act), bảo vệ quyền lợi chiến lược của Mỹ, và cho phép tổng thống Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các đối tượng được nêu tên.
Le Monde thắc mắc: Donald Trump sẽ làm gì đây? Ông có quyền quyết định đưa ra những trừng phạt mới, nhưng chưa bao giờ một chính quyền Mỹ đi xa đến thế trong việc sử dụng văn kiện luật trên.
Tuy nhiên, điều rõ ràng là chỉ còn không đầy 5 tháng nữa trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và ông Trump, mà “sức khỏe” chính trị không ở đỉnh cao, đang chơi lá bài “bài Trung Quốc”, một tâm lý rất sâu đậm trong một thành phần rộng lớn của cử tri Mỹ.
Tin tổng hợp
(ACAT) – Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa thuộc danh sách nạn nhân tra tấn trong đêm cầu nguyện tại Pháp.
Tổ chức công giáo phi chính phủ chống tra tấn và tử hình (ACAT) có trụ sở tại Pháp tổ chức đêm cầu nguyện 26 rạng 27/06/2020 cho những tù nhân lương tâm nhiều quốc tịch (Trung Quốc, Mêhicô, Ai Cập, Congo…). Trong số này có ông Nguyễn Văn Hóa, nhà báo công dân, bị bắt ngày 11/01/2017 tại Hà Tĩnh, bị biệt giam và có nguy cơ lãnh đến 7 năm tù, vì đã đăng các video biểu tình chống Formosa xả thải.
(AFP) – Thuyền nhân Rohingya : Người dân Indonesia thách thức chính quyền.
Khoảng 94 người thuộc sắc tộc thiểu số Rohingya, trong đó có 30 trẻ em, chạy trốn khỏi Miến Điện đã bị chính quyền thành phố Lhokseumawe, phía bắc Sumatra từ chối cho lên bờ viện lý do nguy cơ dịch bệnh. Giận dữ, nhiều người dân thành phố biển này ngày 25/06/2020 đã lấy thuyền đưa số thuyền nhân này trở lại đất liền. Trước áp lực của người dân, chính quyền thành phố thay đổi quyết định và cho phép số thuyền nhân tạm trú ở nhà dân, đồng thời cho tiến hành xét nghiệm Covid-19.
(AFP) – Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc muốn 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An họp lại vào tháng 9/2020.
Tổng thư ký LHQ ngày 25/06/2020 hy vọng cuộc họp của 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An sẽ được tổ chức trước dịp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, để cơ quan lãnh đạo LHQ có cơ hội thu hẹp bất đồng. Kể từ tháng 3/2020, do đại dịch, LHQ chỉ còn họp qua mạng, trong lúc các bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày thêm trầm trọng. Vẫn liên quan đến đại dịch Covid-19, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế « nỗ lực sáng tạo » để phát triển hơn nữa cơ chế hợp tác đa phương đang suy yếu hiện nay.
(AFP) – COVID-19 : Lần đầu tiên Cơ quan Dược phẩm Châu Âu chính thức khuyến cáo dùng một loại dược phẩm.
Hôm qua, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) khuyến cáo sử dụng redemsivir trong lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu. EMA coi Redemsevir là dược phẩm số một trị Covid-19 hiện nay. Để có hiệu lực, khuyến nghị của EMA còn phải được sự phê chuẩn của Ủy Ban Châu Âu. Theo một nghiên cứu của EMA, bệnh nhân được điều trị với dược phẩm này lành bệnh mau hơn trung bình 4 ngày so với những người khác.
(AFP) – Úc : Khám nhà một dân biểu địa phương bị tình nghi là có quan hệ mờ ám với Trung Quốc.
Cơ quan phản gián Úc (ASIO) ngày 26/06/2020 cho biết vụ khám xét diễn ra tại Sydney. Đối tượng là dân biểu đảng Lao Động đối lập Shaoquett Moselmane, bang New South Wales. Dân biểu này từ lâu nay nổi tiếng là người bảo vệ Bắc Kinh « một cách cuồng nhiệt ». Lập trường của dân biểu này vốn đã thường xuyên gây bất ngờ trong nội bộ đảng đối lập.
(AFP) – Anh: Hoa Vi có thể được phép xây dựng một trung tâm nghiên cứu, chế tạo linh kiện điện tử.
Ngày 25/06/2020, tập đoàn Hoa Vi (Huawei) thông báo được chính quyền một địa phương ở Anh cho phép đầu tư xây dựng một trung tâm tại Cambridge, với số vốn khoảng 1 tỉ bảng Anh. Các linh kiện, không liên quan đến mạng 5G, sẽ được sử dụng trong lĩnh vực cáp quang internet, với dung lượng rất lớn. Quyết định nói trên có thể khiến Hoa Kỳ khó chịu.
(RFI) – 150 phi công Pakistan bị cấm bay vì nghi xài bằng dỏm.
Một tháng sau vụ chiếc máy bay A320 của hãng hàng không quốc gia Pakistan (PIA) bị rơi làm 98 người thiệt mạng, 150 trong số 434 phi công của hãng này đã bị cấm bay vì nghi ngờ sử dụng bằng giả. Tin này gây hoang mang trên mạng xã hội. Nhiều tai nạn đã xảy ra với PIA, và vụ mới nhất là do các phi công thiếu tập trung. Nhưng không chỉ PIA, mà nhìn chung có đến 30% phi công Pakistan đang hoạt động không tham gia thi lấy chứng chỉ hành nghề.
(AFP) – Mỹ đe dọa ngưng tài trợ cho cơ quan chống doping thế giới (AMA).
Hoa Kỳ ngày 25/06/2020 đe dọa ngưng hỗ trợ tài chính cho AMA nếu cơ quan này không cải cách về chiều sâu ngay lập tức. Báo cáo dài 19 trang của ONDCP trực thuộc văn phòng tổng thống Mỹ đưa ra một loạt khuyến cáo cho Quốc hội, với những chỉ trích việc quản lý của AMA, chủ yếu trong vụ xì-căng-đan doping Nga. Cơ quan chống doping thế giới lên tiếng phản đối, cho rằng báo cáo trên là sai lạc.
Điểm tin thế giới sáng 26/6:
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật mới về Hồng Kông
Lục Du
Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên. Sáng nay, thứ Sáu (26/6), bản tin của chúng tôi có những tin sau:
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật mới về Hồng Kông
Hôm thứ Năm, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật tăng cường thẩm quyền cho chính phủ Mỹ trong việc trừng phạt những cá nhân vi phạm thỏa thuận Trung-Anh và đạo Luật cơ bản Hồng Kông, theo SCMP.
Dự luật mang tên Đạo luật Tự trị Hồng Kông (HKAA) yêu cầu các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ tổ chức tài chính nước ngoài nào cố tình thực hiện các “giao dịch quan trọng” với các cá nhân vi phạm, được quy định bởi Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
SCMP cho hay, HKAA là phản ứng của Mỹ trước kế hoạch Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông, một đạo luật mà các nhà phân tích cho rằng sẽ kết thúc thời kỳ tự trị của hòn đảo.
Hiện Bắc Kinh vẫn chưa công bố nội dung chi tiết của đạo luật này, nhưng nó đã được dự kiến thông qua vào ngày 30/6.
Mỹ – EU tiếp tục thảo luận về ‘chướng ngại’ Trung Quốc
Chính quyền Trump đã nhận lời mời tham gia một cuộc đối thoại mới giữa Hoa Kỳ – EU về Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết thông tin hôm thứ Năm, theo SCMP.
“Chúng ta phải hợp tác cùng nhau để tiếp tục nhận thức đối với thách thức từ Trung Quốc, liên quan đến lợi ích của việc duy trì các xã hội tự do, sự thịnh vượng và tương lai của chúng ta”, ông Pompeo nói với các chuyên gia trong một hội nghị trực tuyến.
“Tôi không muốn một tương bị Đảng Cộng sản Trung Quốc định hình và tôi không mong ai trong hội nghị này muốn điều đó cả”, ông Pomp Pompeo nói.
Ấn Độ nhiều khả năng từ bỏ hiệp định có mặt Trung Quốc
Xung đột biên giới Trung-Ấn hôm 15/6 vừa qua có thể sẽ châm ngòi cho việc New Delhi từ bỏ đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Bắc Kinh hậu thuẫn, các nhà phân tích nhận định, theo bản tin hôm thứ Năm của SCMP.
Vào thứ Ba, các nhà đàm phán thương mại từ các quốc gia RCEP còn lại đã cam kết hoàn thành hiệp định vào cuối năm nay, và một lần nữa kêu gọi Ấn Độ nối lại đàm phán nhưng rất có thể New Delhi sẽ không đáp lại lời kêu gọi này.
“Tình hình biên giới sẽ tác động đến toàn bộ quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc”, ông Madhav Nalapat, giáo sư địa chính trị tại Học viện Giáo dục Cao cấp Ấn Độ nói. “Khi nói đến việc ký RCEP, sau ngày 15/6, thì có vẻ như là một câu hỏi quá lớn”.
Ông Trump sẽ tiếp tục vì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
Trong sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Triều Tiên hôm thứ Năm, Tổng thống Trump cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực vì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, ông Amb. Lee Soo-hyuck, Đại sứ Hàn Quốc tại Hoa Kỳ cho biết, theo Yonhap.
“Tổng thống Trump bày tỏ sự quan tâm và lo lắng với những diễn biến hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên và hỏi tôi về tình hình”, ông Lee nói với các phóng viên.
Ông Lee cho biết thêm rằng Tổng thống Trump đã thông qua ông gửi một thông điệp cho Seoul, tuy nhiên Đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ không tiết lộ nội dung thông điệp.
“Tôi tin rằng [buổi lễ] là một cơ hội tuyệt vời để một lần nữa cảm nhận quyết tâm [của ông Trump] cho liên minh Hàn-Mỹ”, ông Lee nói. “Tôi tin rằng liên minh Hàn-Mỹ không thay đổi và tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.
Thủ tướng Canada từ chối trao đổi bà Mạnh Vãn Châu
Thủ tướng Justin Trudeau, hôm thứ Năm, đã từ chối lời kêu gọi trao đổi bà Mạnh Vãn Châu, CFO của Huawei, lấy tự do cho hai công dân Canada bị Bắc Kinh cầm tù, nói rằng hành động như vậy sẽ tạo ra tiền lệ xấu và gây tổn hại cho Canada, theo Reuters.
Một nhóm gồm 19 chính khách Canada, bao gồm các cựu bộ trưởng và các nhà ngoại giao, trong tuần này đã viết một lá thư gửi tới ông Trudeau kêu gọi Ottawa tạm dừng các thủ tục dẫn độ Mạnh theo đề nghị từ phía Mỹ nhằm đổi lấy sự tự do cho 2 công dân Canada bị Bắc Kinh bắt giữ.
Tuy nhiên ông Trudeau nói rằng những chính khách này đã sai vì điều này sẽ gây nguy hiểm cho hàng triệu người Canada sống và đi du lịch nước ngoài mỗi năm. “Chúng ta không thể cho phép áp lực chính trị hoặc bắt giữ tùy tiện các công dân Canada ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tư pháp của chúng ta”, ông Trudeau nói.
Bộ trưởng tài chính Mexico nhiễm virus Vũ Hán
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Tài chính Mexico Arturo Herrera, hôm thứ Năm, nói rằng kết quả thử nghiệm cho thấy ông bị dương tính với virus Vũ Hán, nhưng ông mới chỉ bị các triệu trứng “nhẹ” và sẽ tự cách ly ở nhà.
Tính tới thời điểm hiện tại, ông Herrera là quan chức cao cấp nhất trong chính phủ Mexico nhiễm virus Vũ Hán. Một video cho thấy, ông đã đứng cạnh Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador vào hôm thứ Hai.
Mexico cùng với Brazil và Chile là ba trong số những điểm nóng dịch bệnh ở khu vực Mỹ Latinh. Theo thống kê của Worldometers, tính tới sáng thứ Sáu, Mexico có 196.847 người nhiễm virus Vũ Hán, trong đó có 24.324 người đã tử vong.
Điểm tin thế giới tối 26/6:
Rò rỉ 93 tấn khí mê-tan mỗi giờ
ở đường ống dẫn khí đốt Yamal
Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (26/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Rò rỉ 93 tấn khí mê-tan mỗi giờ ở đường ống dẫn khí đốt Yamal
Vào mùa thu năm ngoái, vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã phát hiện ra những luồng khổng lồ của khí mê-tan đang vô hình làm nóng hành tinh rò rỉ từ các đường ống Yamal, dòng chảy mang khí đốt tự nhiên từ Siberia đến châu Âu, theo Reuters.
Công ty tư vấn năng lượng Kayrros ước tính vụ rò rỉ đã phun ra 93 tấn khí mê-tan mỗi giờ, có nghĩa là lượng khí thải hàng ngày từ vụ rò rỉ này tương đương với lượng khí CO₂ được thải ra trong một năm của 15.000 chiếc xe hơi ở Mỹ. Kayrros đang phân tích dữ liệu vệ tinh, và cho biết một vụ rò rỉ khác gần đó đang xuất hiện với tỷ lệ 17 tấn một giờ và họ đã thông báo cho nhà điều hành Gazprom của Yamal về những phát hiện đó.
Pakistan lên án việc Ấn Độ trục xuất các nhà ngoại giao
Pakistan đã lên án đối thủ lâu đời của mình là Ấn Độ vì đã trục xuất các nhà ngoại giao Pakistan vào thời điểm “tế nhị” sau khi các lực lượng Ấn Độ đụng độ vũ trang với Trung Quốc ở biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya. Pakistan lo ngại khả năng có thể bị lôi kéo vào vụ việc, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi nói.
“Mọi điều đã trở nên xấu đi, mọi thứ rất tế nhị”, ông Qureshi nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn ở Islamabad cuối ngày thứ Năm (25/6). Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc là ba nước láng giềng có vũ khí hạt nhân cũng như đều có tranh chấp lịch sử về việc phân định biên giới trên cao ở dãy núi Himalaya.
Tổng thống Hàn Quốc cam kết phản ứng cứng rắn trước mọi khiêu khích về an ninh
Trong bài phát biểu kỷ niệm Chiến tranh Triều Tiên trong tuần này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết phản ứng cứng rắn trước “những hành động khiêu khích từ bất kỳ hướng nào” khi nói về “an ninh toàn diện”, không chỉ đối với Triều Tiên, văn phòng của ông cho biết hôm thứ Sáu.
Tối hôm trước, ông Moon đã tham dự buổi lễ tại Căn cứ Không quân Seoul kỷ niệm 70 năm bùng nổ chiến tranh và ông nhấn mạnh: “Quân đội của chúng ta có đủ sức mạnh để tránh khỏi bất kỳ mối đe dọa nào”, theo Yonhap.
Ngư dân Indonesia giải cứu gần 100 người tị nạn Rohingya ở Aceh
Những ngư dân ở tỉnh Aceh, Indonesia đã giải cứu gần 100 người tị nạn Rohingya, bao gồm 79 phụ nữ và trẻ em, nhưng chính quyền tỉnh này không muốn nhận những chiếc thuyền tị nạn khi mà Indonesia đang chiến đấu với dịch virus corona. Ngư dân Aceh cho biết với Reuters rằng giải cứu những người Rohingya này là một trách nhiệm đạo đức.
Giới chức Aceh xác nhận những người tị nạn đã được đưa lên bờ vào hôm thứ Năm và được cấp nhà ở tạm. Những người tị nạn được giải cứu hồi đầu tuần và họ neo đậu ngoài khơi, nhưng các quan chức có kế hoạch đẩy họ trở lại biển trên một chiếc thuyền cùng nhiên liệu và thức ăn.
Lazada của Alibaba thay CEO
Lazada, chi nhánh Đông Nam Á của công ty thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu (26/6) rằng họ thay giám đốc điều hành (CEO) của công ty. CEO kiêm đồng sáng lập Lazada là Pierre Poignant được thay bằng Chun Li, cựu CEO của Alibaba, người hiện là đồng chủ tịch Lazada và đứng đầu các hoạt động của công ty ở Indonesia.
Lazada đã chật vật cạnh tranh với các đối thủ như tập đoàn thương mại điện tử Shopee của SEA có trụ sở ở Singapore, công ty này được hỗ trợ bởi đối thủ của Alibaba là Tencent nhằm kiểm soát thị trường tăng trưởng nhanh chóng của 650 triệu người tiêu dùng.
0 comments