Tin Việt Nam – 19/06/2020
Friday, June 19, 2020
6:59:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Chủ tịch Hà Nội lý giải việc đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa thể hoạt động
Chủ tịch Thủ đô Hà Nội Nguyễn Đức Chung sáng ngày 19/6 có buổi tiếp xúc cử tri thành phố này và lý giải việc đường sắt Cát Linh – Hà Đông liên tục thất hẹn đưa vào hoạt động.Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết việc nhiều người dân quan tâm là vì phía tổng thầu Trung Quốc đòi thêm 50 triệu USD để hoàn thành nghiệm thu công trình, trả công cho chuyên gia, đơn vị tư vấn.
Chủ tịch thành phố Hà Nội cho rằng kinh phí 50 triệu USD đó nằm trong dự toán của gói thầu, nhưng trong quá trình thi công, Kiểm toán Nhà nước vào kiểm soát và xuất toán nên Bộ Giao thông – Vận tải đã không thanh toán cho nhà thầu.
Chủ tịch Hà Nội thừa nhận dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông liên tục trễ hẹn dù đã được khởi công từ năm 2008 và đến nay đã là 12 năm. Ngoài ra, ông Chung cũng thừa nhận việc Thủ tướng chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông- Vận tải phải thực hiện xong dự án này trong năm 2020.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết hiện nay thành phố Hà Nội đã hoàn tất các công việc được giao và đã sẵn sàng tiếp nhận, vận hành tuyến đường sắt từ phía nhà thầu Trung Quốc.
Chủ tịch Hà Nội cũng nói một trong những mối quan tâm hàng đầu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khi về nhận nhiệm vụ tại Thủ đô là làm sao sớm đưa dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành.
Bí thư Hà Nội được nói đã họp với Bộ Giao thông Vận tải và chỉ đạo thành lập tổ công tác để cùng nhà thầu Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ dự án.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là mối quan tâm của nhiều người vì đã hàng chục lần hoãn thi công, hoãn đưa vào sử dụng, và đặc biệt là đội vốn thi công hàng trăm triệu USD.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/chairman-of-hanoi-explained-that-cat-linh-ha-dong-railway-delayed-06192020084953.html
Tội phạm vượt ngục Triệu Quân Sự bị bắt lại
sau 15 ngày truy nã
Tội phạm tù chung thân vượt ngục Triệu Quân Sự bị bắt lại trong lúc chơi game, tại một quán internet ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vào khoảng 8 giờ tối ngày 18/6/2020.Truyền thông trong nước dẫn nguồn từ Công an thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cho biết thông tin vừa nêu.
Trước đó 15 ngày, vào hôm 3/6, báo giới cho biết Triệu Quân Sự, sinh năm 1991, dân tộc Nùng, là phạm nhân mang án chung thân đã trốn thoát khỏi Trại giam T10 – Quân khu 5 ở Quảng Ngãi. Nghị phạm Triệu Quân sự đã cướp một chiếc xe máy của người dân ở Quảng Ngãi và chạy đến đèo Hải Vân thì bỏ xe lại và vào rừng lẫn trốn.
Tội phạm Triệu Quân Sự từng là đặc công. Năm 2013, Tòa án Quân sự Quân khu 1, ở Thái Nguyên, tuyên phạt chung thân đối với Triệu Quân Sự về 3 tội Giết người, Cướp tài sản và Đào ngũ.
Một ngày sau khi vượt ngục khỏi Trại giam T10, Giám thị trại giam-Đại tá Lê Văn Hạnh, vào ngày 4/6 đã ký Quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm tội phạm Triệu Quân Sự.
Tin cho biết trong vòng 2 tuần vừa qua, hàng trăm công an và chiến sĩ cùng chó nghiệp vụ được huy động để truy bắt tội phạm Triệu Quân Sự. Đến tối ngày 18/6, tội phạm này bị bắt tại một quán internet ở thành phố Tam Kỳ, trong lúc đang chơi game.
Hồi ngày 8/11/2015, Triệu Quân Sự và phạm nhân Nhâm Văn Tuấn cũng đã trốn khỏi Trại giam T10. Đến ngày 15/12/2015, tội phạm Triệu Quân Sự bị bắt lại tại một tiệm internet ở Hà Nội.
Báo giới quốc nội loan tin trong cùng ngày 18/6 một bị cáo bỏ trốn tại quận Hà Đông, Hà Nội, trong lúc đang bị dẫn giải đi xét xử.
Lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội, vào ngày 19/6 cho biết thêm thông tin bị cáo này là một nam giới, khoảng 40 tuổi, có nhiều tiền án tiền sự và đã bỏ chạy khỏi trụ sở tòa án vào sáng ngày 18/6.
Đại diện của Công an thành phố Hà Nội nói rằng bị cáo đã bỏ trốn này hiện chưa bị bắt giữ, và vụ việc đang được xử lý theo quy định.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-wanted-trieu-quan-su-was-found-after-15-days-escaped-from-prison-06192020084319.html
Sau khi bị cùm chân, TNLT Nguyễn Văn Đức Độ
nghi bị đứt dây chằng và thức ăn có mùi phân
Tin Vietnam.- Ngày 18 tháng 6 năm 2020, anh Nguyễn Đức Hải, người thân của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đức Độ cho biết, sau khi bị trại giam Xuân Lộc Z30A, tại Đồng Nai đưa đi cùm chân thì hiện tại chân ông Độ đang bị đau và nghi ngờ bị đứt dây chằng.Anh Hải kể, vào tháng 5 vừa qua, ông Độ cùng các tù nhân lương tâm khác ở khu K2 đấu tranh đòi thứ 7 và chủ nhật được ra ngoài phơi nắng ngày 2 lần, mỗi lần 2 tiếng như những ngày khác trong tuần. Tuy nhiên, yêu cầu này bị phía trại giam từ chối. Sau đó, phía quản giáo yêu cầu ông Độ phải ra khỏi phòng giam nhưng ông Độ không ra, nên bị quản giáo vào lôi ra.
Khi ông độ vừa bị lôi ra khỏi cổng phòng giam thì có những cảnh sát cơ động đã đứng sẵn ở ngoài, rồi lao vào đánh đập ông Độ với cáo buộc ông Độ đã kích động bạo loạn. Đánh ông Độ xong, phía quản giáo đưa ông Độ đi biệt giam, cùm chân trong một ngày đêm khiến chân ông bị đau và sưng to. Không chỉ vậy, phía trại giam còn đưa thức ăn chứa toàn mùi phân vào cho ông Độ ăn.
Để phản đối hành động vô nhân tính này của quản giáo, ông Độ đã tuyệt thực 10 ngày. Hiện tại, dù đã gần 1 tháng trôi qua sau khi bị cùm chân nhưng chân ông Độ vẫn còn đau, đi lại khó khăn nên ông nghi chân mình bị đứt dây chằng. Ông Độ yêu cầu phía trại giam cho ông đi bệnh viện kiểm tra sức khoẻ của chân nhưng bị từ chối.
Trước đó, vào năm 2018, ông Độ bị Toà án Cộng sản tuyên phạt 11 năm với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/sau-khi-bi-cum-chan-tnlt-nguyen-van-duc-do-nghi-bi-dut-day-chang-va-thuc-an-co-mui-phan/
Cập nhật thông tin điều tra ông Tất Thành Cang
Những sai phạm của ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm hay tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (SADECO)… đang được xem xét một cách toàn diện và đối chiếu theo pháp luật.Báo trong nước dẫn phát biểu vừa nêu của Ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh trả lời bên hành lang quốc hội ngày 19/6 như vừa nêu.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết hiện cơ quan chức năng đang làm rõ trách nhiệm của ông Tất Thành Cang trong việc ký 4 con đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm, hoặc trong vụ việc doanh nghiệp tư nhân thôn tính SADECO, một doanh nghiệp tiềm năng của Nhà nước.
Trả lời báo trong nước về việc vì sao ông Cang Tất Thành Cang liên tiếp vắng mặt trong cuộc họp Hội đồng Nhân dân (HĐND), ông Khuê cho biết ông Tất Thành Cang vẫn đang là cán bộ thuộc Thành ủy TP.HCM quản lý, còn vấn đề trách nhiệm của một đại biểu HĐND thì HĐND TP.HCM xem xét.
Vẫn theo lời người đứng đầu ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, do trong quá trình chịu kỷ luật của Trung ương nên ông Cang có thể tạm thời xin vắng, tránh những cuộc tiếp xúc do vấn đề nhạy cảm.
Báo trong nước vào ngày 17/9 loan tin cho biết phía công an đang làm việc với ông Tất Thành Cang liên quan đến vụ việc SADECO bị thôn tính một cách có kế hoạch. Ông Cang khi đó giữ cương vị Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cũng liên quan đến vụ việc này vì đã đồng ý về mặt chủ trương.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/update-info-on-investigation-of-mr-tat-thanh-cang-06192020083153.html
Việt Nam sẽ bỏ một loạt giấy tờ
nếu việc bỏ sổ hộ khẩu thành hiện thực
Công dân Việt Nam sẽ được miễn nhiều loại giấy tờ làm các thủ tục hành chính khi bỏ sổ hộ khẩu hoàn toàn và khi cơ sở dữ liệu quốc gia hoàn thiện.Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, Bộ Tư pháp Nguyễn Công Khanh cho báo chí trong nước biết thông tin vừa nói tại buổi họp báo công tác tư pháp quý II, sáng 19/6.
Ông Nguyễn Công Khanh cho biết thông qua mã số định danh và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ quan chức năng có thể trích xuất 15 trường thông tin của người dân như: Họ tên, giới tính, ngày sinh, dân tộc, quốc tịch, họ tên bố mẹ… Các thủ tục hành chính sẽ không cần trình các giấy tờ thông tin cá nhân khác, vì nó đã được mã hóa trong mã định danh cá nhân.
Bộ Tư pháp cho biết, từ 1/1/2016, đã kết nối phần mềm đăng ký hộ tịch dùng chung với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc cấp số định danh cá nhân được thực hiện từ 1/1/2016, đến nay khoảng 3 triệu trẻ em được sinh ra đã được cấp số định danh cá nhân.
Theo ông Khanh, lộ trình bỏ sổ hộ khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ cấp mã định danh cá nhân và độ hoàn thiện của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc này do Bộ Công an thực hiện, Bộ Tư pháp chỉ có vai trò hỗ trợ. Hiện Bộ Công an đặt mục tiêu cấp 50 triệu mã định danh cá nhân vào năm 2021.
Trước đó, khi trình bày trước Quốc hội về dự thảo Luật Cư trú sửa đổi, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết hiện đã cấp được khoảng 16 triệu số định danh và căn cước công dân. Trong số 80 triệu công dân chưa được cấp căn cước công dân, có khoảng 30 triệu người dưới 14 tuổi. Vì vậy theo ông Lâm, trước mắt còn khoảng 50 triệu công dân cần được cấp căn cước công dân.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng cho biết, có khoảng 167 văn bản có liên quan đến sổ hộ khẩu và xác định dân cư, sẽ mặc nhiên hết hiệu lực khi sổ hộ khẩu không còn giá trị.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-will-abandon-a-series-of-papers-if-removing-the-household-registration-book-06192020082552.html
Bộ Tư pháp thanh tra toàn bộ các cuộc đấu giá
liên quan đến Đường “Nhuệ”
Bộ Tư pháp Việt Nam vào ngày 19/6 tại cuộc họp báo quý 2 cho biết đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất nhằm thanh tra toàn bộ các cuộc tổ chức đấu giá có sự tham gia của vợ chồng Đường’ Nhuệ’- Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương.Bà Đặng Kim Hoa phó cục trưởng cục Bổ trợ Tư pháp khẳng định, ngay sau khi nhận được nhiều phản ánh về những dấu hiệu thao túng và thông đồng trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất của vợ chồng Đường Nhuệ, Bộ Tư pháp quyết định gửi công văn đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các vụ việc của vợ chồng này và báo cáo Bộ Tư pháp.
Dựa trên cơ sở báo của Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình, Bộ Tư pháp đã quyết định thành lập đoàn thanh tra đột xuất đề thanh tra lại toàn bộ vụ việc tổ chức đấu giá có tham gia của Vợ chồng Đường Nhuệ và đồng thời thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá của 2 đấu giá viên thuộc Trung tâm đấu giá tỉnh Thái Bình.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn đề nghị Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tăng cường biện pháp quản lý đấu giá tài sản trong thời gian tới với sự tham gia của nhiều bộ, ngành có liên quan.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, chỗ làm việc để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với 4 cán bộ vì nghi vấn tiếp tay trong vụ Đường “Nhuệ”.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình, hồi trung tuần tháng 4 đã khởi tố và bắt giam hai vợ chồng giám đốc Công ty Bất động sản Đường Dương, ông Nguyễn Xuân Đường, tức Đường “Nhuệ” và bà Nguyễn Thị Dương.
Một số Đại biểu Quốc hội Việt Nam đề nghị Bộ Công an vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của địa phương trước sự phản ánh của dân chúng địa phương rằng có sự bao che của chính quyền cho các hoạt động phi pháp của băng nhóm Đường “Nhuệ” trong gần 10 năm qua
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-justice-inspects-all-auctions-related-to-nhue-duong-06192020081405.html
Việt Nam gia tăng đàn áp đối lập
với đợt bắt bớ mới trước đại hội đảng 13
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Human Rights Watch-HRW, vào ngày 19 tháng 6 ra thông cáo báo chí lên án chính phủ Việt Nam gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động nhân quyền trước kỳ đại hội đảng 13 dự kiến diễn ra vào tháng 1 sang năm.Theo HRW từ cuối năm ngoái đến tháng sáu năm nay, chính phủ Việt Nam cho bắt giữ và kết án nhiều người với những tội danh chính trị.
Giám đốc Vận động Châu Á của HRW, ông John Sifton, được dẫn lời trong thông cáo báo chí rằng ‘Năm nay Việt Nam đang trấn áp bất đồng chính kiến một cách nặng nề và các quốc gia khác cần phải lên tiếng. Các nước đồng minh và đối tác thương mại của Việt Nam cần nêu quan ngại về những vụ án mới này với Hà Nội và yêu cầu phóng thích các tù chính trị.”
Human Rights Watch nêu rõ cơ quan chức năng tại các địa phương trên cả nước Việt Nam đã bắt giữ và cáo buộc thành viên Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, một thành viên trong nhóm nhân quyền Hội Anh Em Dân Chủ, và một số nhà hoạt động, người cầm bút độc lập khác. Tòa án cũng tiến hành xét xử buộc tội một số nhà bất đồng chính kiến bị giam từ trước với những mức án tù khá nặng.
Các vụ bắt giữ gây nhiều quan ngại nhắm vào thành viên của Hội Nhà Báo Độc lập Việt nam gồm có vụ Công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt ông Nguyễn Tường Thụy vào tháng 5 và anh Lê Hữu Minh Tuấn vào tháng Sáu. Chủ tịch Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng, bị bắt hồi tháng 11 năm ngoái. Lý do bắt ông này có thể liên quan đến việc phản đối Hiệp định Thương mại Tự Do Việt Nam- Liên Minh Châu Âu.
Cả ba thành viên vừa nêu của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam đều bị buộc tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Ông John Sifton phát biểu rằng các văn bản của chính phủ Việt Nam luôn có dòng tiêu đề với hàng chữ ‘độc lập-tự do-hạnh phúc’; nhưng qua các vụ bắt bớ như thế, mọi người đều thấy bất cứ ai thực hiện ‘độc lập’ liền bị tước đoạt tự do và hạnh phúc.
Theo thống kê của Human Rights Watch có ít nhất 150 người hiện đang bị giam giữ chỉ vì thực thi các quyền tự do biểu đạt hay tự do lập hội. Có ít nhất 15 người khác đã bị khởi tố nhưng chưa đưa ra xét xử.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-crackdown-on-peaceful-dissident-intensifies.-new-wave-of-arrest-ahead-of-the-13-party-congress-06192020081103.html
Bộ Nội vụ lên tiếng vụ Phó chủ tịch Thái Bình
được bổ nhiệm bất thường
Trao đổi với báo chí hôm 18 tháng 6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ kiểm tra vụ ‘thăng tiến thần tốc’ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận.Theo phản ánh của người dân được báo chí trong nước loan tải, ông Nguyễn Khắc Thận được điều chuyển, bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng khi chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định trong quá trình công tác.
Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, ông Nguyễn Khắc Thận được điều chuyển, bổ nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Viện phó VKSND huyện; Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường Huyện Quỳnh Phụ; Phó chủ tịch rồi Chủ tịch UBND Huyện Quỳnh Phụ, Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ; Giám đốc Sở Nội vụ và đến nay là Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.
Trước những thông tin như vậy, ông Nguyễn Khắc Thận lên tiếng với truyền thông trong nước là ông mong báo chí đưa thông tin khách quan, trung thực. Ông không phải ‘con ông, cháu cha’. Việc điều chuyển, bổ nhiệm ông là do tổ chức quyết định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, nhân sự Phó Chủ tịch tỉnh là do Bộ Nội vụ thẩm định để Thủ tướng phê chuẩn sau khi Hội đồng Nhân dân tỉnh bầu, không phải thuộc thẩm quyền của Bộ.
Còn những chức danh như Bí thư, Phó bí thư; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND là cán bộ qua bầu cử, không tính ngạch công chức và có thể luân chuyển từ đơn vị này qua đơn vị khác, vào một chức vụ nào đó tương đương với ngạch công chức được bổ nhiệm. Tức là khi họ được bầu thì đồng thời được bổ nhiệm vào ngạch công chức.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-ministry-of-the-interior-speak-up-about-an-unusual-promote-case-06182020140140.html
Đề xuất UBND xã được ký thỏa thuận quốc tế
là mạo hiểm, vượt qui định pháp luật!
Tại phiên thảo luận về ‘Luật Thỏa thuận quốc tế’ của Quốc hội hôm 17/6, nhiều đại biểu lo ngại về đề xuất ‘Ủy ban Nhân dân xã, huyện được ký, thực hiện thỏa thuận quốc tế’.Theo các Đại biểu Quốc hội, năng lực và sự am hiểu trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế của Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp xã, huyện, còn rất hạn chế, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm.
‘Luật Thỏa thuận quốc tế’ thay thế cho ‘Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế’ có từ năm 2007, được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình Quốc hội từ hôm 22 tháng 5 năm 2020.
Theo ông Phạm Bình Minh, việc chủ thể được ký thỏa thuận quốc tế được mở rộng tới cấp xã… là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập ngày càng mở rộng. Do đó cần tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc hơn để thực hiện các chủ trương của đảng và nhà nước về hội nhập quốc tế.
Giữa Việt Nam và Trung Quốc có đến 1.400 km biên giới đường bộ, nếu để cho các quan chức cấp xã đó mà ký kết các cam kết với Trung Quốc, thì đó là một trong các vấn đề hết sức mạo hiểm, cần phải xem xét hết sức cẩn trọng.
-TS. Lê Đăng Doanh
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 18 tháng 6 năm 2020, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nói:
“Theo tôi hiểu thì hiện nay chưa có quyết định về việc này. Cá nhân tôi thì thấy đây là một đề xuất rất mạo hiểm, và Ủy ban Nhân dân cấp xã không hiểu biết đầy đủ về luật pháp quốc tế, về tất cả các điều phức tạp, những góc khuất và những ngóc ngách đằng sau những quy định đó, đằng sau những câu đó là những cam kết hết sức phức tạp và cụ thể. Cho nên tôi đề nghị không nên chấp nhận để cho Ủy ban Nhân dân cấp xã được ký kết bất kỳ một cam kết nào. Như chúng ta thấy giữa Việt Nam và Trung Quốc có đến 1.400 km biên giới đường bộ, nếu để cho các quan chức cấp xã đó mà ký kết các cam kết với Trung Quốc, thì theo tôi đó là một trong các vấn đề hết sức mạo hiểm, cần phải xem xét hết sức cẩn trọng.”
Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh 2007 về việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, cấp huyện thực hiện tổng cộng 16 thỏa thuận, chiếm 0,8% tổng số thỏa thuận đã ký trong giai đoạn 10 năm. Do đó theo các đại biểu Quốc hội, nếu xét trên tổng số 11.000 xã và tổng số khoảng hơn 600 huyện, thì chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Để tìm hiểu thêm về các quy định pháp luật liên quan vấn đề này, Đài Á Châu Tự Do hôm 18 tháng 6 năm 2020, liên lạc Luật sư Nguyễn Văn Miếng, và được ông cho biết:
“Cấp xã thì nằm trong hệ thống hành chính của Việt Nam, cón vấn đề bang giao quốc tế thì nói lại phụ thuộc quan hệ giữa các nước với nhau, cấp xã sao mà đủ tư cách. Tại vì khi mình muốn giao dịch bất cứ vấn đề gì, ngay cả vấn đề dân sự trong nước từng cấp độ một, thì phải có một tư cách tương xứng. Cấp xã mà nói muốn được ký kết giao dịch giữa các quốc gia với nhau thì thì điều đó rõ ràng là không hợp lý.”
Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết thêm, theo luật pháp hiện hành, cấp xã không có thẩm quyền ký thỏa thuận quốc tế, nếu cấp nào cho phép cấp xã giao dịch quốc tế, thì cũng là cho phép không đúng thẩm quyền và không đúng quy định pháp luật về ban giao quốc tế. Không thể có một địa phương nào ở nước khác, mà giao dịch với cấp xã của Việt Nam, nếu có tranh chấp thì rõ ràng cấp xã không đủ thẩm quyền đứng ra giải quyết, thảo luận những văn kiện đó.
Mặc dù dự thảo ‘Luật Thỏa thuận quốc tế’ có quy định cấp xã, huyện trước khi ký phải xin ý kiến cơ quan đối ngoại cấp tỉnh theo trình tự. Tuy nhiên theo các đại biểu quốc hội, vấn đề triển khai và quản lý thực thi thỏa thuận cũng rất quan trọng và phải có năng lực mới làm tốt được.
Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương mại, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 18 tháng 6 năm 2020, liên quan vấn đề này, nói:
“Mở cho đến xã thì tôi chưa thấy hy vọng, mở cho đến tỉnh thành phố thì bình thường, còn mở cho đến huyện thì phải có điều kiện gì về mặt khoa học công nghệ có lạc hậu hay không? Về lao động thì họ đem hết lao động nước ngoài qua hay dùng hết lao động trong nước? Về giá trị công trình ra sao, có mang tính chất bền vững không, có xây dựng hạ tầng cơ sở hay không? Thì cái đó ở cấp huyện có làm những công trình nhỏ nhỏ, nhưng chưa thấy huyện đứng ra ký kết với nước ngoài. Còn xã thì còn hơi xa, phải có thời gian để trình độ cán bộ nâng cao hơn.”
Theo nguyên Bộ trưởng Thương mại, Lê Văn Triết, không nên giao cấp xã ký thỏa thuận quốc tế vì ba lý do: Thứ nhất là cấp xã không có vốn, thứ hai là không có tri thức và thứ ba là tầm vóc các công trình ở xã không có gì để phải trực tiếp ký với nước ngoài.
Không nên giao cấp xã ký thỏa thuận quốc tế vì ba lý do: Thứ nhất là cấp xã không có vốn, thứ hai là không có tri thức và thứ ba là tầm vóc các công trình ở xã không có gì để phải trực tiếp ký với nước ngoài.
-Lê Văn Triết
Còn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Ủy ban Nhân dân cấp xã không được giao các chức năng về quan hệ quốc tế, cho nên ông cho rằng, ý kiến mà đề xuất để cho Ủy ban Nhân dân cấp xã ký kết các thỏa thuận quốc tế là một điều vượt qua các quy định pháp luật hiện nay, và ông đề nghị quốc hội không thông qua đề xuất này.
Tại phiên thảo luận về ‘Luật Thỏa thuận quốc tế’ của Quốc hội hôm 17/6, mặc dù lo ngại về đề xuất ‘Ủy ban Nhân dân xã, huyện được ký, thực hiện thỏa thuận quốc tế’. Tuy nhiên, các đại biểu lại đề xuất ban soạn thảo cân nhắc thêm quy định mở rộng chủ thể ký thỏa thuận cho các đơn vị sự nghiệp công như cơ sở giáo dục, y tế, khoa học…
Các đại biểu Quốc hội dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao, trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, các đơn vị sự nghiệp công lập đã ký và thực hiện nhiều thỏa thuận quốc tế rất
hiệu quả mà theo dự báo có thể sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn trong thời gian sắp tới. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét và có quy định thêm các chủ thể này.
Cũng liên quan việc phân quyền đến địa phương, vào sáng ngày 18/6, với 92,96% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội Việt Nam đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Cấp huyện được ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-the-people-s-committee-of-the-commune-signed-an-international-agreement-justified-06182020144010.html
Thủ tướng VN lại nhắc báo chí
phải lan tỏa yếu tố tích cực!
Phát biểu tại buổi Hội nghị sơ kết công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 16/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng truyền thông trong nước cần phải góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, góp phần đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch bệnh COVID-19.Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức với sự tham gia của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Vẫn theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, truyền thông cần tuyên truyền những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam, xây dựng hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, năng động và giàu tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.
Trao đổi với RFA vào tối 18/6, Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận định về phát biểu của người lãnh đạo chính phủ Hà Nội như sau:
“Khác với báo chí phương Tây, báo chí Việt Nam là phục vụ cho tuyên truyền của Đảng Cộng sản cho nên có nhiệm vụ là thực hiện theo ý chí của Đảng Cộng sản. Việt Nam muốn báo chí phản ánh cuộc sống tích cực, đặc biệt trong đợt vừa rồi dịch COVID-19 Việt Nam khá thành công trong việc bảo vệ công dân cũng như khách nước ngoài đến Việt Nam. Bên cạnh đó cũng có những tiêu cực, cuộc sống nhân dân có những tiêu cực nhưng ý ông Thủ tướng chỉ muốn báo chí đưa tích cực.”
Dưới góc nhìn cá nhân, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nguyên Phó trưởng ban Kế hoạch – Dự án và Phó trưởng ban Tư liệu của Đài truyền hình HTV cho rằng có lẽ dịch virus Vũ Hán được xem là thành công ở Việt Nam đã làm cho ông Nguyễn Xuân Phúc cao hứng. Điều đó cũng đáng để ông cao hứng so với hiện trạng thế giới hiện nay. Tuy nhiên Nhà báo Nguyễn Ngọc Già không đồng tình với kêu gọi của Thủ tướng Phúc:
“Khi mà ông Phúc nói lan tỏa năng lượng tích cực thì đương nhiên là nói đến năng lượng tích cực phải có năng lượng tiêu cực. Như vậy lan tỏa nẳng lượng tích cực thì ém nhẹm năng lượng tiêu cực à? Nói điều này để thấy câu chữ của họ bóng bẩy nhưng nó mang tính chất tô hồng giống như một câu Hồ Chí Minh từng nói rất nhiều lần là những gì có lợi cho cách mạng thì cứ làm. Vì vậy mới sinh ra nhiều tệ nạn, thảm trạng trong xã hội hôm nay nếu đứng ở góc độ báo chí.”
Vẫn theo ông Nguyễn Ngọc Già, hiện tại nền báo chí của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bóp chặt hết tự do của những người cầm bút nên không cần phải nói cần lan tỏa năng lượng tích cực nhiều hơn:
“Tôi thấy không cần thiết vì 500-600 tờ báo, hàng chục đài truyền hình vẫn răm rắp thi hành theo lệnh của Đảng cộng sản Việt Nam từ xưa đến nay là tô hồng là chủ yếu và ém nhẹm thực trạng thê lương của Việt Nam. Bấy lâu nay họ đã làm rồi, cần gì ông Nguyễn Xuân Phúc nhắc thêm.”
Còn theo Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng, nếu nhìn nhận theo hướng tích cực thì nhiệm vụ của báo chí có trách nhiệm quảng bá đất nước để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài cũng là điều tốt. Nhưng về cơ bản, cần xem lại câu chuyện muôn thuở về thực trạng truyền thông Việt Nam:
“Tình hình báo chí Việt Nam từ lúc ra đời đến nay tôi thấy nó không tiến triển chút nào, nhất là trong thời đại hiện nay khi thông tin đại chúng không nằm độc quyền ở một nhà nước, tổ chức nào đó nói chung chứ không riêng gì Việt Nam. Quyền kiểm soát thông tin đại chúng không còn là độc quyền của nhà nước nữa. Những vấn đề như thế phải đặt ra trong thời đại mới là điều cơ bản nhất theo Hiến pháp là tự do ngôn luận, tự do báo chí, việc cụ thể nhất để có thể ra những tờ báo tư nhân thì việc cơ bản nhất để thay đổi báo chí thì lại không làm. Tôi không hy vọng gì tình hình báo chí Việt Nam. Người ta ngày càng quên báo chí và tìm thông tin ở những nguồn khác như mạng xã hội.”
Vẫn trong buổi Hội nghị 16/6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi chúc mừng báo chí nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cũng đã nhấn mạnh tinh thần của báo chí là “phò chính, diệt tà”, vượt qua khó khăn trước ảnh hưởng của mạng xã hội để đứng vững.
Nhận xét về sự phổ biến của mạng xã hội hiện nay vượt xa cả báo chí, chị Uyên Phạm nhận định trong tin nhắn gửi RFA qua Facebook Messenger như sau:
“Thực ra bây giờ các báo dù vẫn đưa tin trên báo giấy, website nhưng vẫn chia sẻ những tin tức trên Facebook, thậm chí còn được nhiều view hơn trên trang web chính. Người dân cần sự tiện lợi và thường thì tin nóng được chia sẻ nhanh nhất trên mạng xã hội, thậm chí báo chí còn phải lấy tin trên mạng. Chị nghĩ từ từ báo chí cũng phải thay đổi cách làm theo hướng chia sẻ lên mạng xã hội nhiều hơn, chứ không thể đứng vững để vượt qua khó khăn như bác Phúc nói đâu.”
Với góc nhìn chuyên môn, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng ngay tư duy cho rằng tinh thần của báo chí là “phò chính, diệt tà” của ông Thủ tướng Việt Nam đã là sai lầm.
“Họ vẫn nghĩ những người như họ mới là chính nghĩa và tất cả những người đi ngược lại điều đó đều là tà. Ngay cả ngôn ngữ ta cũng thấy rất bạo lực ‘phò chính, diệt tà’. Trong báo chí thì đâu phải quân đội súng ống, vũ khí, người ta bằng những ngòi bút, ngôn ngữ, phản biện, gọi là bất đồng ý kiến mặc dù từ ngữ phò và diệt làm cho người ta cảm thấy ghê sợ và chắc báo chí Việt Nam hiện tại không thể làm được chuyện đó.”
Bên cạnh những kêu gọi ngành báo chí loan tin tích cực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi hội nghị đã quyết định trao bằng khen cho 18 tập thể, đồng thời thưởng 1 tỷ đồng cho tất cả các tờ báo tham gia thực hiện nhiệm vụ truyền thông, thông tin về COVID-19.
Ngoài ra ông Phúc còn cho biết sẽ cơ chế tài chính phù hợp hỗ trợ cho báo chí sau khi quy hoạch.
Người đứng đầu bộ máy chính phủ cũng không quên đề nghị báo chí tham gia tích cực, góp phần vào thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng sắp tới.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/pm-nguyen-xuan-phuc-the-press-must-spread-positive-news-06182020152013.html
Việt Nam đàm phán nhập cảnh lại
du khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản
Việt Nam đang đàm phán việc cho nhập cảnh trở lại du khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sau thời gian áp dụng quy định hạn chế nhập cảnh du khách nước ngoài vì đại dịch Covid-19, Bộ Ngoại giao cho biết hôm 18/6.“Căn cứ tình hình và nhu cầu của hai bên, Việt Nam đang trao đổi với một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản về việc từng bước nối lại đi lại trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các biện pháp phòng dịch với các điều kiện cụ thể, không được để lây lan dịch bệnh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời báo chí về việc nối lại các chuyến bay quốc tế trong bối cảnh mà Việt Nam nói là “đã kiểm soát được dịch bệnh”.
Cho tới nay, Việt Nam báo cáo chỉ có 349 trường hợp nhiễm Covid-19 và không có ca tử vong nào.
Theo lời người đại diện của Bộ Ngoại giao, trước mắt Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, nhà quản lý của các quốc gia trên quay trở lại Việt Nam, cũng như thực tập sinh, lao động Việt Nam đi các nước trên làm việc.
Truyền thông Việt Nam cho biết có khoảng 1.000 lao động Trung Quốc sẽ vào Việt Nam trong tháng này để làm việc tại Quảng Ngãi.
VnExpress dẫn lời lãnh đạo ngành đường sắt cho biết Việt Nam sẽ tổ chức nhiều đoàn tàu riêng để vận chuyển những lao động Trung Quốc này từ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đến Khu công nghiệp Dung Quất để làm việc, và sẽ cách ly các lao động Trung Quốc theo quy định phòng chống dịch.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo được truyền thông dẫn lời cho biết hôm 18/6 rằng Nhật Bản sẽ nới lỏng các hạn chế nhập cảnh đối với những người đến từ Úc, New Zealand, Thái Lan và Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) vừa ra thông báo nói rằng các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam vẫn không được phép chở cả hành khách lẫn hàng hoá. Thông báo có hiệu lực từ ngày 16/6 – 16/9 này đi ngược với dự tính của ngành hàng không Việt Nam.
Trước đó, lãnh đạo của hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Vietnam Airlines, cho biết hãng này có thể mở lại một số chuyến bay thương mại quốc tế kể từ đầu tháng 7. Hãng này cũng đã chuẩn bị phương án nối lại các chuyến bay sang châu Âu vào cuối năm 2020 và sang Mỹ trong năm 2021, tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n-nh%E1%BA%ADp-c%E1%BA%A3nh-l%E1%BA%A1i-du-kh%C3%A1ch-trung-qu%E1%BB%91c-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n/5469465.html
Samsung chuyển dây chuyền sản xuất màn hình
từ Trung Quốc sang Việt Nam
Samsung Vina vừa chính thức công bố việc di dời phần lớn dây chuyền sản phầm màn hình máy tính thương hiệu Samsung từ Trung Quốc về nhà máy Samsung HCMC CE Complex (SEHC) tại Khu Công nghệ cao, Quận 9, TP.HCM, trong năm 2020.Trang Nhà Đầu tư hôm 19/06 cho biết với việc di dời này Samsung kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung.
Động thái này diễn ra giữa lúc căng thẳng thương mại Trung – Mỹ ngày càng trầm trọng khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài rời khỏi Trung Quốc đại lục và những nước khác trong khu vực với giá nhân công rẻ, điển hình như Việt Nam, là nơi tiếp nhận sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Báo Tuổi trẻ dẫn thông cáo của Samsung cho biết hiện đã có hơn 40 sản phẩm màn hình máy tính của công ty đang được các kỹ sư nghiên cứu để hoàn thiện dây chuyền sản xuất tại Việt Nam.
Đại diện Samsung cho biết việc di dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam cũng sẽ giúp cho người tiêu dùng Việt Nam có được những sản phẩm màn hình máy tính mới nhất và nhanh nhất so với những thị trường khác.
Tổ hợp nhà máy sản xuất hàng điện tử tiêu dùng của Samsung tại Khu Công nghệ cao Tp.HCM (SEHC) có khoảng 6.000 nhân viên, theo thông tin trên trang web của công ty Samsung.
Tổ hợp SEHC được khởi công từ giữa năm 2015 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016. Đây là nhà máy sản xuất màn hình TV và các thiệt bị điện tử gia dụng lớn thứ 2 thế giới của Samsung, sau nhà máy ở Mexico.
Vào tháng trước, tập đoàn Apple của Mỹ, cũng quyết định chuyển dây chuyền sản xuất tai nghe không dây Airpods từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hãng tin Nhật Nikkei cho biết, 3-4 triệu chiếc AirPods, tương đương khoảng 30% tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới, sẽ được sản xuất tại Việt Nam trong quý 2/2020.
https://www.voatiengviet.com/a/samsung-chuyen-day-chuyen-san-xuat-man-hinh-tu-trung-quoc-sang-vietnam/5469182.html
Việt Nam – Trung Quốc có thể đàm phán
để ‘lấy lại’ Hoàng Sa không?
Việt Nam có thể hy vọng giải pháp nào để “lấy lại” quần đảo Hoàng Sa hay không?Chu Ân Lai và vấn đề Hoàng Sa
Đàm phán biên giới Việt-Trung 1974-1978
‘Công hàm 1958 không công nhận chủ quyền TQ với Hoàng Sa và Trường Sa’
Nhiều mũi giáp công ở Biển Đông, Trung Quốc lớn tiếng chỉ trích Việt Nam
Việt Nam cáo buộc Trung Quốc vào năm 1974 đã “dùng vũ lực xâm chiếm” quần đảo Hoàng Sa do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý.
Quan điểm chính thức của Việt Nam là Việt Nam có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy vậy, trong lúc Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát thực tế với quần đảo Hoàng Sa, liệu tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể diễn ra thế nào trong tương lai?
Một số chuyên gia lâu năm về tranh chấp Biển Đông đã trả lời BBC News Tiếng Việt.
Gregory B. Poling, Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), chương trình thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington DC.
Thực ra không có hy vọng “giải quyết” vấn đề Hoàng Sa trong tương lai gần.
Nhưng các bên có thể chế ngự vấn đề này.
Bước đầu tiên là Trung Quốc nên chấp nhận rằng Việt Nam có quyền đánh cá lịch sử xung quanh quần đảo Hoàng Sa, được bảo đảm bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Như thế Trung Quốc sẽ hợp tác với Việt Nam để có cơ chế quản lý việc đánh cá.
Việc này có thể làm được nếu nó là một phần của nỗ lực lớn hơn bao gồm Malaysia, Philippines, Brunei, Indonesia để quản lý sản lượng cá ở toàn Biển Đông, gồm cả Trường Sa.
Nếu các bên có thể hợp tác về đánh cá, thì sau đó họ có thể tìm kiếm cơ chế để chế ngự các vấn đề khác trong hòa bình.
Còn tranh chấp chủ quyền có thể được giải quyết thông qua đàm phán hoặc tòa trọng tài, nhiều thập niên về sau.
Donald R. Rothwell, Giáo sư Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Úc. Ông là đồng tác giả sách The International Law of the Sea (in năm 2010).
Có thể có các giải pháp như sau:
Dàn xếp ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam
Hoặc dàn xếp bằng việc nhờ tới bên thứ ba.
Hai lựa chọn này đều phù hợp với hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Giải pháp ngoại giao có nghĩa là một bên thừa nhận chủ quyền của bên kia đối với các đảo.
Giải pháp dùng bên thứ ba nghĩa là có thể đưa tranh chấp ra cho một bên trung gian, bên hòa giải, tòa trọng tài hoặc tòa xét xử. Tổng thư ký LHQ, về lý thuyết, có thể được mời can thiệp hoặc giúp dàn xếp.
Trên thế giới, cũng có nhiều ví dụ khi hai lựa chọn ở trên đã giúp dàn xếp thành công các tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, Trung Quốc và Việt Nam có xem xét các lựa chọn này hay không, lại phụ thuộc vào ý chí chính trị. Mà hiện nay có vẻ không nước nào có quan tâm nhiều đến việc này.
Đặc biệt Trung Quốc sẽ miễn cưỡng trước các lựa chọn này, vì có thể bị xem là tạo tiền lệ. Tiền lệ đó sẽ ảnh hưởng đến các tranh chấp của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như với Nhật và Hàn Quốc.
Trong không khí chính trị hiện nay, tôi không thấy có giải pháp nào. Trung Quốc có thể tìm cách mời chào một số lợi ích để Việt Nam nhượng bộ ngoại giao và công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Nhưng chắc Việt Nam sẽ không chấp nhận điều đó, ở thời điểm hiện nay và ngắn hạn về sau.
Grigory Lokshin, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông (Viện Hàn Lâm khoa học Nga). Ông trả lời BBC trực tiếp bằng tiếng Việt.
Về căn bản, tôi đồng tình với ý kiến của hai đồng nghiệp ở trên. Pháp luật quốc tế và kinh nghiệm lịch sử có nhiều phương pháp giải quyết các vấn đề tương đối hòa bình, có tính chính trị và chính nghĩa cho hai bên.
Nhưng giống như Giáo sư Donald R. Rothwell, tôi nghĩ rằng ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa có nguyện vọng chính trị thật sự để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Tranh chấp này cần thiết cho họ để giữ gìn chủ nghĩa dân tộc trong nước, dãn sự chú ý của quần chúng nhân dân khỏi các vấn đề nội bộ.
Họ cần có hình ảnh của kẻ thù đối ngoại để đoàn kết lại xã hội xung quanh Trung ương Đảng và chủ tịch nhà nước.
Theo tôi, điều kiện thứ nhất và nhất định để có thể bắt đầu đàm phán về vấn đề này là Trung Quốc phải chấm dứt tuyên truyền chống Việt Nam và không đưa ra những phản luận hoàn toàn giả dối về chủ quyền Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53110380
Quốc hội chưa đồng ý việc người dân Đà Nẵng
trực tiếp bầu chủ tịch TP/
Cho phép Hà Nội thu các loại phí chưa có trong luật
Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng vừa được Quốc hội thông qua hôm 19 tháng 6.Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.
Theo Nghị quyết, thành phố (TP) Đà Nẵng sẽ chưa được thí điểm cơ chế cho người dân trực tiếp bầu Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân (UBND).
Về việc này, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó người dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương. Tuy nhiên để có thể áp dụng được cơ chế này, cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng. Do đó, kỳ này Quốc hội chưa quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết.
Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1-7-2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.
Cũng trong ngày 19/6, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế chính sách tài chính, ngân sách đặc thù cho TP Hà Nội.
Điểm đáng lưu ý trong Nghị quyết là Quốc hội đồng ý cho hội đồng nhân dân TP Hà Nội quyết định thu các loại phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí có trong luật Phí và lệ phí.
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng sẽ được điều chỉnh mức phí hoặc tỷ lệ phí đã có trong luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách T.Ư 100%.
Ngân sách thành phố sẽ được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí đã được Quốc hội đồng ý nêu trên, để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và chi sự nghiệp kinh tế, khoa học – công nghệ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/na-notyet-approved-about-danang-people-tobe-voted-directly-for-position-city-chairman-06192020080409.html
Quốc hội thông qua nghị quyết đầu tư
hơn 137 nghìn tỷ đồng cho đồng bào thiểu số,
đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Nam
Quốc hội Việt Nam hôm 19/6 đã thông qua một loạt các nghị quyết được cho là quan trọng trước khi bế mạc, bao gồm nghị quyết đầu tư hơn 137 ngàn tỷ đồng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, và nghị quyết về chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông.Theo truyền thông trong nước, với hơn 93% phiếu tán thành, Quốc hội Việt Nam đã thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia. phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 – 2025, tối thiểu là hơn 137 ngàn tỷ đồng. Mục đích nhằm thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung cả nước.
Đối với chủ trương đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam, Quốc hội thông qua việc chuyển đổi từ đầu tư công ty (PPP) sang đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với các dự án đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây. Đây được cho là các dự án quan trọng, cấp bách cần làm sớm để giải quyết nhu cầu giao thông lớn do kết nối với cửa ngõ trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất cả nước.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá 14 bế mạc vào chiều ngày 19/6 diễn ra vào khi dịch bệnh COVID-19 chưa chấm dứt. Vì vậy quốc hội đã họp làm hai đợt gồm trực tuyến và tại Nhà Quốc hội.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn 3 điều ước quốc tế bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-national-assembly-passes-resolution-to-invest-vnd-137-trillions-into-minority-people-areas-06192020075935.html
Điểm tin trong nước sáng 19/6:
Lời khai của Triệu Quân Sự sau 2 lần vượt ngục
Tâm TuệMục điểm tin trong nước sáng thứ Sáu (19/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Lời khai của Triệu Quân Sự sau 2 lần vượt ngục
Báo Zing cho biết, tại cơ quan công an, Sự khai chiều 3/6 đã lợi dụng lúc giám thị trại giam T10 cho ra tắm nắng, hắn nhảy qua bức tường rào có lưới thép gai chạy trốn. Tiếp đó, Sự di chuyển đến địa bàn huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) và thực hiện 2 vụ trộm liên tiếp, lấy được chiếc xe máy cùng điện thoại của người dân ngay trong tối 3/6.
Đêm 3/6, Sự lẩn trốn ở TP. Tam Kỳ cho đến sáng hôm sau. Chờ lúc trời sáng, kẻ sát nhân mang chiếc điện thoại đến một cửa hàng sửa chữa điện thoại bán được 700.000. Sau đó, Sự bình thản đi ăn sáng, đổ xăng rồi điều khiển chiếc xe máy trên ra Đà Nẵng, hướng lên đèo Hải Vân để ra các tỉnh phía Bắc
Chiều tối 4/6, khi đến chân đèo Hải Vân, Sự gặp một chốt kiểm soát CSGT của Công an Đà Nẵng nên vứt xe máy bỏ chạy lên núi lẩn trốn.
Khoảng 21h cùng ngày, kẻ sát nhân lợi dụng trời tối, địa hình hiểm trở nên tìm xuống bờ biển dưới chân núi Hải Vân. Tại đây, Sự men theo đường mòn.
Hắn quan sát thấy vắng người nên đi theo bờ biển vào quận Liên Chiểu rồi di chuyển đến trung tâm TP. Đà Nẵng.
Tiếp đó, từ Đà Nẵng, Sự tiếp tục đi theo đường ven biển đến TP. Hội An lẩn trốn. Tại Hội An, Sự ở ẩn ở đây nhiều ngày rồi di chuyển vào TP. Tam Kỳ cho đến khi bị bắt giữ tại quán Internet trên đường Hùng vương (TP. Tam Kỳ).
Sự cũng khai trên đường trốn chạy đã nhiều lần trộm quần áo của người dân để mặc thay cho những bộ đồ cũ.
‘Bệnh nhân 300’ tái dương tính với virus Vũ Hán sau xuất viện
Theo VnExpress, Sở Y tế Hải Phòng ngày 18/6 thông báo ‘bệnh nhân 300’ tái dương tính sau khi xuất viện. 4 người tiếp xúc gần được cách ly, xét nghiệm âm tính.
Sau khi xuất viện, bệnh nhân được đón về nơi đóng quân của đơn vị tại xã An Thắng, huyện An Lão, TP. Hải Phòng để cách ly. Ngày 16/6, kết quả dương tính. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Bệnh Nhiệt đới – Cơ sở 2, Bệnh viện Việt Tiệp, điều trị.
“Bệnh nhân 300”, 26 tuổi, quê ở Vũ Thư, Thái Bình, là hành khách trên chuyến bay VN62 từ Arkhangelsk – Nga về sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm nCoV ngày 13/5 dương tính nCoV. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Trước khi xuất viện ngày 8/6, bệnh nhân 4 lần xét nghiệm kết quả âm tính.
Bệnh viện ung bướu hiện đại nhất miền Nam sắp hoạt động
VnExpress thông tin, sau nhiều lần trễ hẹn, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 dự kiến vận hành khu khám và điều trị hóa chất vào tháng 9; sân bay trực thăng hoạt động khi được Bộ Quốc phòng cấp phép.
Với khu khám bệnh ngoại trú, dự kiến hàng ngày phục vụ khoảng 2.000-3.000 bệnh nhân từ các tỉnh phía nam, góp phần giảm tải 75% cho bệnh viện ung bướu cơ sở 1. Khu nội trú hóa trị lắp đặt trước 200 giường, bệnh nhân sẽ được chuyển từ cơ sở 1 tại quận Bình Thạnh tới điều trị.
Thu hồi quyết định bổ nhiệm trưởng, phó phòng tài chính 5 năm trước
Ngày 17/6, ông Bùi Huy Hùng – chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã ký quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định được ký vào năm 2015 của chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn về việc bổ nhiệm chức vụ phó trưởng phòng tài chính – kế hoạch đối với ông Tống Văn Thọ, theo Tuổi trẻ.
Lý do thu hồi là tại thời điểm bổ nhiệm ông Thọ chưa đủ 3 năm công tác ở lĩnh vực phụ trách.
Cùng ngày 17/6, chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn đã ký quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định về việc bổ nhiệm chức vụ trưởng phòng tài chính – kế hoạch đối với ông Thọ.
Đầu năm 2015, ông Tống Văn Thọ được tuyển dụng công chức đặc cách không qua thi tuyển vào UBND thị xã Bỉm Sơn. Sau 3 tháng, ngày 13/3/2015, ông Thọ được bổ nhiệm chức vụ phó trưởng phòng tài chính – kế hoạch. 6 tháng sau, ngày 11/9/2015, ông Thọ được bổ nhiệm lên chức trưởng phòng tài chính – kế hoạch thuộc UBND thị xã Bỉm Sơn.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-19-6-loi-khai-cua-trieu-quan-su-sau-2-lan-vuot-nguc.html
Điểm tin trong nước tối 19/6:
Dân báo tin giúp bắt được Triệu Quân Sự,
sao lại thưởng nóng công an, quân đội?
Hiểu MinhMục điểm tin trong nước tối 19/6 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Dân báo tin giúp bắt được Triệu Quân Sự, sao lại thưởng nóng công an, quân đội?
Liên quan đến vụ bắt được phạm nhân trốn trại Triệu Quân Sự. Báo Tuổi trẻ hôm nay 19/6 cho biết, sáng nay ông Lê Trí Thanh, chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã thưởng nóng cho lực lượng công an, quân sự sau vụ việc bắt được Triệu Quân Sự hôm 18/6.
Nhiều bạn đọc đã thắc mắc chuyện bắt được Triệu Quân Sự cũng có một phần từ việc báo tin của quần chúng nhân dân, sao không khen thưởng người dân đã báo tin.
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Trí Thanh cho biết trong buổi thưởng nóng sáng nay, ông cũng có tuyên dương việc triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Từ nguồn tin tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân, lực lượng công an đã kịp thời triển khai lực lượng để bắt giữ Triệu Quân Sự.
Còn việc khen thưởng cho người dân là chắc chắn có và tỉnh sẽ giao cho TP. Tam Kỳ, Công an TP. Tam Kỳ thực hiện nhưng không công bố để giữ an toàn cho người dân, đây là quy định.
Về phía Triệu Quân Sự, phạm nhân này trưa 19/6 đã được bàn giao cho Cơ quan điều tra Quân khu 5.
Phạm nhân bỏ trốn khi đang áp giải
Trưa 19/6, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Công an TP. Hà Nội cho biết, Công an Q. Hà Đông (Hà Nội) vừa để một bị cáo trốn thoát trước giờ xét xử tại Tòa án nhân dân Q. Hà Đông.
Cụ thể, trong ngày 18/6, Công an Q. Hà Đông đã thông báo lên Công an TP. Hà Nội về việc một bị cáo trốn thoát trong khi các cán bộ công an dẫn giải lên phòng xét xử. Hiện công an TP. Hà Nội đang truy bắt bị cáo.
Theo một vài nhân chứng, lúc 9 giờ 30 sáng 18/6, họ nhìn thấy một người đàn ông khoảng 40 tuổi bỏ chạy khỏi trụ sở Tòa án nhân dân Q.Hà Đông, phía sau là nhóm công an đang truy đuổi.
Tuy nhiên, các nhân chứng chỉ nghĩ người đàn ông trộm cắp tài sản trong tòa chứ không nghĩ là bị cáo bỏ trốn.
Hà Nội được tự quyết mức thu phí, lệ phí
Sáng 19/6, với 91,51% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông quan Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, theo Zing.
Theo đó, HĐND Hà Nội được quyền quyết định một số khoản thu phí trên địa bàn (phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí); điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí.
Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và chi sự nghiệp kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế…
Nghị quyết của Hà Nội cũng cho phép thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội; được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội…
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết một số đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc thẩm quyền quyết định thu phí, lệ phí của Hà Nội. Song Ủy ban TVQH vẫn xin giữ quan điểm này, giống như Quốc hội từng quyết cho TP.HCM được ban hành một số chính sách thu phí, lệ phí như ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ôtô, điều chỉnh tăng từ 5.000 đồng/xe/lượt lên bình quân 30.000 đồng/xe/giờ; điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước xả thải công nghiệp theo hướng xả thải càng nhiều đóng càng cao; điều chỉnh giảm mức thu học phí đến mức tối thiểu…
“Quy định này phù hợp với thực tế nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý và điều hành”, ông Hải nhấn mạnh.
Hơn 560 ôtô bị phạt ‘nguội’ bằng camera
Theo VnExpress, sau 3 tháng thực hiện xử phạt bằng camera, 565 ôtô bị phạt do dừng đỗ sai quy định tại 14 tuyến đường trung tâm thành phố.
Trong số này, 94 trường hợp nộp phạt hơn 54 triệu đồng; 4 trường hợp bị tước giấy phép lái xe; 467 trường hợp chờ giải quyết (thời hạn 30 ngày). Quá thời gian này, người được yêu cầu không đến sẽ bị đưa vào diện không cho đăng kiểm xe do chưa hoàn thành xử lý vi phạm.
Thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải tăng thêm 8-10 tuyến đường có camera ghi hình ở các đường trung tâm, trạm chờ xe buýt, nơi có nhiều xe dừng đỗ sai quy định…Ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP. HCM cho biết, việc phạt nguội qua camera khiến vi phạm dừng đỗ giảm nhiều so với trước. Đường Điện Biên Phủ giảm 40%, đường Trường Sơn giảm 32%, đường Nguyễn Thái Học giảm 56%, đường Lê Duẩn giảm 62%…
Hiện, Trung tâm điều khiển giao thông quản lý 762 camera lắp trên các tuyến đường. Trong đó, khoảng 300 camera chuyên dụng đo vận tốc, lưu lượng xe, số camera còn lại truyền hình ảnh về hệ thống để cơ quan chức năng và người dân theo dõi, tránh kẹt xe.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-19-6-dan-bao-tin-giup-bat-duoc-trieu-quan-su-sao-lai-thuong-nong-cong-an-quan-doi.html
0 comments