Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 02/06/2020

Tuesday, June 2, 2020 6:29:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 02/06/2020

Biển Đông: Mỹ dùng oanh tạc cơ B-1 để trị Trung Quốc? – Thanh Phương

Hoa Kỳ hiện đang sử dụng oanh tạc cơ B-1 trong các cuộc tập trận với mục tiêu chế ngự Nga và Trung Quốc, trong đó có nhắm tới các đảo nhân tạo, mà Bắc Kinh đã xây dựng thành các tiền đồn quân sự ở Biển Đông.
Theo tờ Asia Times, trong 3 chiến dịch quân sự lớn, quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng máy bay B-1 trong các phi vụ thao dượt nhắm vào các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, nhắm vào Nga tại vùng biển Okhotsk (nằm giữa Nga và Nhật Bản) và phối hợp với không quân Ukraina tại vùng Hắc Hải. Cả ba phi vụ này nằm trong khuôn khổ một mô hình mà Không lực Mỹ gọi là « Sử dụng Lực lượng Năng động », có nghĩa là Hoa Kỳ có thể chọn khi nào và bằng cách nào họ sẽ sử dụng lực lượng chiến lược để ổn định lại cán cân chiến lược ở châu Âu, Trung Đông, châu Á và những nơi khác trên thế giới.
Hoa Kỳ hiện có 11 không đoàn B-1B đóng tại 7 bang và có thể triển khai oanh tạc cơ này từ căn cứ không quân Ellsworth trên đảo Guam và căn cứ không quân Fairford ở Anh Quốc. Không lực Mỹ cũng có thể sử dụng các căn cứ khác cho việc triển khai B-1, như căn cứ Diego Garcia trên vùng Ấn Độ Dương.
Asia Times cho biết, khác với oanh tạc cơ B-2, B-1B không phải là máy bay tàng hình, nhưng có thể mang theo các vũ khí tầm xa. B-1B cũng dự trù được sử dụng để chở theo một tên lửa siêu thanh của Mỹ hiện đang được phát triển, mang tên Air-Launched Rapid Response Weapon ( ARRW ). Trong hai phi vụ gần đây ở vùng Thái Bình Dương, oanh tạc cơ B-1B còn được trang bị tên lửa không đối địa tầm xa Joint Air to Surface Standoff Missiles ( JASSM-ER ). Có tầm bắn 925km, tên lửa này có thể phá hủy các mục tiêu kiên cố trên bộ và tấn công các chiến hạm, và như vậy có thể thách thức các hạm đội của Nga và Trung Quốc, kể cả các hàng không mẫu hạm của Trung Quốc.
B-1 phải chăng sẽ là vũ khí răn đe hiệu quả của đối với Trung Quốc tại Biển Đông, nơi mà Washington vẫn thường xuyên thách thức các yêu sách chủ quyền “quá đáng” của Bắc Kinh và liên tục tiến hành các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ? Hai chiếc B-1B Lancer thuộc Đội Oanh tạc Viễn chinh tại Căn cứ Không quân Dyess ở bang Texas đã được triển khai từ đảo Guam trong một phi vụ ngày 26/05 vừa qua trên Biển Đông. Đây là phi vụ thứ hai của oanh tạc cơ này sau phi vụ đầu tiên ngày 29/04, xuất phát từ Căn cứ Không quân Ellsworth ở bang South Carolina. Trước khi thực hiện phi vụ đó, 2 chiếc B-1 Lancer đã tiến hành một cuộc thao dượt với hải quân Mỹ ở vùng biển Hawai.
Trên mạng Twitter, Lực lượng Không quân Thái Bình Dương hôm ấy đã nhấn mạnh : việc triển khai 2 chiếc B-1 này nhằm chứng tỏ khả năng của Không lực Hoa Kỳ hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, « với nhịp độ và thời điểm do chúng tôi chọn ».
Bắc Kinh đã lên án các phi vụ của oanh tạc cơ B-1 trên vùng Biển Đông là mang tính « khiêu khích » và cáo buộc Hoa Kỳ đang gây thêm căng thẳng giữa 2 quốc gia.
Không chỉ có B-1, mà 2 oanh tạc cơ chiến lược khác của Mỹ là B-2 và B-52 cũng được sử dụng luân phiên cho các phi vụ trên Biển Đông. Một nhà phân tích quân sự ở Hồng Kông tin rằng các phi vụ của những oanh tạc cơ đó trên vùng Biển Đông, cũng như trên vùng eo biển Đài Loan không chỉ nhằm phô trương lực lượng, khẳng định sự hiện diện quân sự của Mỹ, mà còn nhằm chuẩn bị cho khả năng xảy ra các xung đột vũ trang trong tương lai.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200602-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-m%E1%BB%B9-d%C3%B9ng-oanh-t%E1%BA%A1c-c%C6%A1-b-1-%C4%91%E1%BB%83-tr%E1%BB%8B-trung-qu%E1%BB%91c

Mỹ phải đánh bại Trung Quốc đang âm mưu

bành trướng ở Biển Đông

Trong một bài bình luận đăng trên tờ National Interest gần đây, học giả Michael Rubin tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) kêu gọi Mỹ phải đánh bại Trung Quốc đang âm mưu bành trướng ở Biển Đông.
Theo ông Rubin, di sản lớn nhất của ông Mike Pompeo với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ, có thể là việc ông là nhà ngoại giao đầu tiên, “dũng cảm đương đầu một cách có hệ thống với tuyên truyền của Trung Quốc, với sự nham hiểm của Bắc Kinh, sự ăn cắp tràn lan của chế độ cộng sản đối với quyền sở hữu [trí tuệ] quốc tế trị giá hàng trăm tỷ đô la, và sự coi thường chuẩn mực quốc tế”.
Ông Rubin cho rằng các chính quyền Mỹ trước đây có thể đã có những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc, nhưng rất ít người đối đầu [với Bắc Kinh] hoặc hành động mà không nói xuông.
“Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, tầm quan trọng thương mại và tiềm lực quân sự đã khiến các chính quyền Mỹ trước đây dè chừng”, ông Rubin nhận xét.
Theo ông Rubin, “tất cả đều biết cần phải làm gì đó, nhưng cũng giống như những quan chức Mỹ đặt hy vọng vào các nhà cải cách Iran, và không bao giờ bận tâm rằng một canh bạc như vậy chưa bao giờ được đền đáp, họ đặt cược vào ý tưởng rằng Trung Quốc sẽ cải cách chính trị sau khi tự do hóa nền kinh tế. Họ tin rằng Bắc Trung Quốc sẽ đi theo ‘trật tự tự do’ sau Thế chiến 2, hơn là [họ] tìm cách đánh bại [Bắc Kinh]”.
Ông Rubin cho rằng việc che đậy về nguồn gốc của cuộc khủng hoảng COVID-19, là một dấu hiệu của văn hóa chính trị Trung Quốc, nhưng nó là một phản ứng đối phó với một cuộc khủng hoảng, chứ không phải là chiến lược chủ động để khích động nó. Tuy nhiên, theo ông Rubin, Bắc Kinh có một chiến lược rõ ràng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ngày càng tham gia vào việc chiếm đoạt lãnh thổ hàng hải, chưa từng có tiền lệ.
“Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện thành công tham vọng thay đổi các bãi đá [san hô] nổi lên khi nước thủy triều thấp, thành các hòn đảo và yêu sách không những lãnh hải 12 hải lý quanh mỗi đảo, mà còn vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thì toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc hiện đang tìm cách kiểm soát, đặt nó ngang hàng với các thế lực đế quốc thế kỷ 19, của các cường quốc châu Âu”, ông Rubin nhận định.
Theo ông Rubin, cơ sở lịch sử và pháp lý của các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông là ngoài sức tưởng tượng, là không có cơ sở lịch sử, không tuân thủ luật pháp quốc tế hoặc địa chất học. Trung Quốc đưa ra những yêu sách của mình dựa trên cái gọi là ‘Đường 9 đoạn’, lần đầu tiên xuất hiện trên bản đồ chỉ vào năm 1947. Tuy nhiên, các bản đồ Trung Quốc từ nhiều thế kỷ trước, cho thấy không có những yêu sách như vậy.
“Trong khi các quan chức Trung Quốc ủng hộ các yêu sách của Bắc Kinh bằng cách lập luận rằng các khu vực nằm trong ‘Đường 9 đoạn’ là ngư trường truyền thống của Trung Quốc, thì lập luận này là vô nghĩa khi người Việt Nam, người Philippines và ngư dân Malaysia, cũng đi lại trên vùng biển này trong lịch sử”, ông Rubin khẳng định.
Ông Rubin cho hay một số nhà ngoại giao nỗ lực hết sức mình để dàn xếp những quan điểm của những nước có liên quan trong đàm phán. Tuy nhiên, lịch sử không linh hoạt như vậy. Là một phần của Hiệp ước Paris năm 1898 chấm dứt Chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, Tây Ban Nha đã bán Philippines cho Mỹ với giá 20 triệu đô la. Cả Madrid và Washington đều coi Đá Vành khăn do Trung Quốc chiếm đóng [thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền], và Bãi cạn Scarborough do Trung Quốc quản lý, bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực, chống lại Bắc Kinh, trong đó nêu rõ đó là lãnh thổ của Philippines
Tương tự như vậy, khi Philippines giành được độc lập hoàn toàn vào ngày 4/7/1946, họ nắm quyền kiểm soát cả Đá vành khăn và Bãi cạn Scarborogh. Nói một cách đơn giản, như phán quyết đã nêu rõ, những yêu sách của Trung Quốc đối với 2 hòn đảo này là không có giá trị pháp lý và lịch sử.
Cũng theo ông Rubin, một câu chuyện tương tự tiếp tục trên Biển Đông. Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), công bố và phân tích hình ảnh vệ tinh, có mã nguồn mở, của các đảo, rạn đá san hô khi nước thủy triều thấp, nằm rải rác trên Biển Đông. Nó cho thấy bề ngoài chiến lược “cắt lát salami” [chiến lược tằm ăn dâu] của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh biến các rạn san hô và đá, thành đảo nhân tạo và xây dựng căn cứ quân sự, các cụm pháp phòng không và các trạm giám sát trên đảo.
Trong khi việc ngoại trưởng Mỹ Pompeo sẵn sàng đối mặt với sự tuyên truyền [chỉ trích] của Trung Quốc là đáng được hoan nghênh, thì có một câu hỏi đặt ra là liệu việc sử dụng truyền thông để tác động đến sự ủng hộ của công chúng, có đủ để thay đổi hành vi của Trung Quốc hay không?
Về vấn đề trên, ông Rubin cho rằng “ngoại giao là có giá trị, nhưng chỉ có thể cung cấp một giải pháp khi cả hai phía tiếp cận nó cho cùng một mục đích. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã áp dụng ngoại giao như một chiến lược chiến tranh bất đối xứng, để ‘trói tay’ đối thủ trong khi họ thúc đẩy vị thế quân sự của mình”.
Mỹ coi Biển Đông là vùng biển quốc tế, và từ chối công nhận các rạn san hô nổi lên khi thủy triều thấp ở lưu vực, là những hòn đảo, đáng được hưởng vùng đặc quyền kinh tế.
“Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc tạo ra một ngoại lệ”, ông Rubin đề xuất.
Những tuyên bố của Trung Quốc rằng những tảng đá, bãi cạn và đá ngầm mà họ chiếm giữ bất hợp pháp, là những hòn đảo, là sai trái rõ rệt. Ngoài ra theo ông Rubin, có một cấu trúc ở Biển Đông, đáp ứng các tiêu chí để trở thành một hòn đảo. Đó là đảo Ba Bình (Itu Aba) trên quần đảo Trường Sa, do Đài Loan chiếm đoạt, nhưng cũng bị các nước khác, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, tuyên bố chủ quyền.
Đài Loan từ lâu đã tuyên bố rằng Ba Bình là một hòn đảo xứng đáng có được vùng đặc quyền kinh tế của riêng mình, mặc dù, trong năm 2016, một hội đồng trọng tài được triệu tập theo yêu cầu của Philippines, chỉ rõ Ba Bình là một rạn đá, chỉ xứng đáng được hưởng lãnh hải 12 hải lý.
Tuy nhiên, theo ông Rubin, phán quyết này là có thiếu sót.
“Một trong những đặc điểm chính của một hòn đảo là nó có nước ngọt để duy trì sự sống. Cư dân đảo Ba Bình hứng nước mưa, và do đó họ tiếp cận đủ nước ngọt và có thể hỗ trợ một nền kinh tế có ý nghĩa. Logic của phán quyết năm 2016 có lẽ bị lẫn lộn, và bỏ qua tiền lệ”, ông Rubin lập luận.
Để đánh bại Trung Quốc với mưu đồ riêng của mình, và bảo vệ tốt hơn quyền tự do hàng hải, ông Rubin cho rằng ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo “nên công nhận vị thế của Ba Bình là một hòn đảo, và cả yêu sách của Đài Loan đối với hòn đảo này. Công nhận Ba Bình là một hòn đảo không phải là để chấp thuận cho việc cải tạo đất trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng, mà chỉ đơn giản là chấm dứt tính trung lập trong vấn đề, không có lợi mà có hại cho một đồng minh quan trọng của Mỹ”.
Theo ông Rubin, Mỹ cần thực hiện các ”cắt lát salami” sau:
1) Thứ nhất, các quan chức Hoa Kỳ có thể bắt đầu bằng cách đến thăm Ba Bình trong các chuyến tham quan khu vực.
2) Thứ hai, Mỹ có thể cử nhóm các nhà địa chất, kỹ sư và các nhà sinh vật học người Mỹ đến Ba Bình, để tiến hành các công việc nghiên cứu, cũng giống như việc Trung Quốc thường sử dụng các nhiệm vụ khoa học, để cung cấp vỏ bọc cho các kỹ sư quân sự của chính họ.
3) Thứ ba, Mỹ có thể cung cấp cho Đài Loan radar và tên lửa đất đối không, để giúp bảo vệ đảo Ba Bình khỏi ‘những kẻ săn mồi’ trong khu vực, điều mà các kỹ sư trên có thể giúp đỡ.
4) Cuối cùng thì Đài Bắc và Washington có thể kỷ niệm lịch sử quan hệ chiến lược lâu dài của họ, bằng cách lên lịch các cuộc ghé thăm cảng trên đảo.
“Cho đến nay, ngoại giao đã không có tác dụng đẩy lùi các hành động cũng như dã tâm của Trung Quốc ở Biển Đông chừng nào Trung Quốc còn tin vào những hành động ‘cắt lát salami’ của mình. Sau đó, có lẽ để có hiệu quả và báo hiệu sự hỗ trợ cho các đồng minh và bảo vệ quyền tự do hàng hải, đã đến lúc Washington cần phải hành động để ngăn cản Bắc Kinh thực hiện chiến thuật này”, ông Rubin kết luận.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/35008-my-phai-danh-bai-trung-quoc-dang-am-muu-banh-truong-o-bien-dong.html

Mỹ lên án Trung Quốc bắt nạt Ấn Độ

Quý Khải
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã lên án Trung Quốc lợi dụng tình huống chiến thuật trên mặt đất để tạo lợi thế và đe dọa các nước láng giềng như Ấn Độ và các nước xung quanh.
Xuất hiện trên kênh truyền hình Fox News tối thứ Hai (1/6), ông Pompeo đã thảo luận về hành vi hung hăng của Trung Quốc tại biên giới giữa nước này với Ấn Độ cũng như ở Biển Đông. Ông khẳng định, mối đe dọa từ Trung Quốc là rất thực tại, theo livemint.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nỗ lực làm điều này trong một khoảng thời gian rất dài. Họ chắc chắn sẽ lợi dụng một tình huống chiến thuật trên mặt đất để tạo lợi thế cho bản thân. Với mỗi vấn đề mà bạn có thể xác định với Trung Quốc, có những vấn đề và mối đe dọa đã được họ tạo ra trong một khoảng thời gian rất dài”, ông nói.
Vấn đề xung đột biên giới Ấn-Trung là một ví dụ điển hình cho điều này, ông Pompeo cho hay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong một động thái bất ngờ vào tuần trước đã đề nghị được làm trung gian hòa giải giữa hai quốc gia, nhưng hai nước đã từ chối đề nghị này.
Ông Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ, hôm thứ Hai (1/6) cũng đưa ra một bản tuyên bố bày tỏ lo ngại về “cuộc xâm lược của Trung Quốc” với Ấn Độ, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh hành xử theo quy tắc.
“Tôi vô cùng quan ngại về cuộc xâm lược của Trung Quốc đang diễn ra dọc theo Đường kiểm soát thực tế ở biên giới Ấn Độ – Trung Quốc. Một lần nữa Trung Quốc lại thể hiện rằng họ sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng thay vì giải quyết xung đột theo luật pháp quốc tế”, trích bản tuyên bố của ông Engel đăng trên website của Ủy ban Đối ngoại.
Trang NDTV trích dẫn thông tin từ các quan chức Ấn Độ cho biết quân đội nước này đang đứng mặt đối mặt với các binh lính Trung Quốc ở Ladakh kể từ đầu tháng 5, sau khi quân đội Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ.
Newsweek cho biết đã có thông tin về các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa hai nước vào tháng 5, ít nhất tại bốn địa điểm: Pangong, Galwan, Demchok và Daulat Beg Oldie. Theo Reuters, báo Hindustan Times trích dẫn nguồn tin nội bộ cho biết 4 binh sỹ Ấn và 7 lính Trung Quốc đã bị thương trong một cuộc đụng độ có liên quan đến 150 binh lính của cả hai bên vào hôm thứ Bảy (31/5).
Cuộc đối đầu hiện nay tại biên giới Ấn – Trung là vụ bế tắc nghiêm trọng nhất kể từ hai nước xảy ra tình trạng tương tự ở Doklam, phía đông dãy Hymalaya vào năm 2017.
https://www.dkn.tv/the-gioi/my-len-an-trung-quoc-bat-nat-an-do-tro.html

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Mỹ

lên án Trung Quốc ‘xâm lược’ Ấn Độ

Minh Hòa
Ông Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ, hôm thứ Hai (1/6) đưa ra một bản tuyên bố bày tỏ lo ngại về “cuộc xâm lược của Trung Quốc” với Ấn Độ, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh hành xử theo quy tắc.
“Tôi vô cùng quan ngại về cuộc xâm lược của Trung Quốc đang diễn ra dọc theo Đường kiểm soát thực tế ở biên giới Ấn Độ – Trung Quốc. Một lần nữa Trung Quốc lại thể hiện rằng họ sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng thay vì giải quyết xung đột theo luật pháp quốc tế”, trích bản tuyên bố của ông Engel đăng trên website của Ủy ban Đối ngoại.
“Các quốc gia phải tuân thủ cùng một bộ quy tắc để chúng ta không phải sống trong một thế giới mà ‘cái đúng thuộc về kẻ mạnh’. Tôi đặc biệt kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các chuẩn mực, sử dụng phương cách ngoại giao và các cơ chế hiện có để giải quyết các vấn đề biên giới với Ấn Độ.”
Trang NDTV trích dẫn thông tin từ các quan chức Ấn Độ cho biết quân đội nước này đang đứng mặt đối mặt với các binh lính Trung Quốc ở Ladakh kể từ đầu tháng 5, sau khi quân đội Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ.
Newsweek cho biết đã có thông tin về các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa hai nước vào tháng 5, ít nhất tại bốn địa điểm: Pangong, Galwan, Demchok và Daulat Beg Oldie. Theo Reuters, báo Hindustan Times trích
dẫn nguồn tin nội bộ cho biết 4 binh sỹ Ấn và 7 lính Trung Quốc đã bị thương trong một cuộc đụng độ có liên quan đến 150 binh lính của cả hai bên vào hôm thứ Bảy (31/5).
Cuộc đối đầu hiện nay tại biên giới Ấn – Trung là vụ bế tắc nghiêm trọng nhất kể từ hai nước xảy ra tình trạng tương tự ở Doklam, phía đông dãy Hymalaya vào năm 2017.
(Nguồn thumbnail: Thomas Altfather Good / Wikimedia Commons).
https://www.dkn.tv/the-gioi/chu-tich-uy-ban-doi-ngoai-my-len-an-trung-quoc-xam-luoc-an-do.html

Hoa Kỳ gửi cho Brazil

2 triệu liều Hydroxychloroquine

Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm Chủ nhật (31/5), chính quyền Brazil cho biết Hoa Kỳ cung cấp cho Brazil 2 triệu liều hydroxychloroquine để sử dụng chống lại coronavirus, bất chấp các khuyến cáo y tế về những rủi ro liên quan đến thuốc chống sốt rét này.
Tòa Bạch Ốc đưa ra thông báo về loại thuốc này, chỉ vài ngày sau khi Tổ chức Y tế Thế giới đình chỉ việc thử nghiệm thuốc này trên bệnh nhân COVID-19 vì những lo sợ về tính an toàn. Cả Tổng thống Trump và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đều ca ngợi công dụng của loại thuốc này.
Vào giữa tháng Năm, tổng thống Trump đích thân tuyên bố rằng ông đang dùng một toa thuốc hydroxychloroquine như một biện pháp phòng ngừa, mặc dù Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ từng đưa ra khuyến cáo về công dụng của thuốc đối với coronavirus.
Ông Bolsonaro, một nhà lãnh đạo cánh hữu, người thiết lập mối quan hệ cá nhân với tổng thống Trump, cho biết gần đây ông giữ một hộp thuốc trong trường hợp người mẹ 93 tuổi của ông cần sử dụng.
Theo tuyên bố này, hai quốc gia cũng sẽ tiến hành một nỗ lực nghiên cứu chung bao gồm “các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có kiểm soát”, và Hoa Kỳ sẽ sớm gửi 1,000 máy thở đến Brazil. Bộ Y tế cho biết Brazil báo cáo mức kỷ lục 33,274 ca nhiễm coronavirus mới vào hôm thứ Bảy, và số người thiệt mạng vượt qua Pháp, hiện chỉ đứng sau Hoa Kỳ, Anh Quốc và Ý.
Nhu cầu thuốc hydroxychloroquine gia tăng khi tổng thống Trump liên tục quảng bá công dụng của thuốc chống lại coronavirus dù thiếu bằng chứng khoa học. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-gui-cho-brazil-2-trieu-lieu-hydroxychloroquine/

Mỹ xem xét buộc tội Đệ nhất phu nhân Venezuela

buôn lậu ma túy và tham nhũng

Triệu Hằng
Nhiều khả năng Mỹ sẽ truy tố bà Cilia Flores, vợ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, theo Aljazeera ngày 29/5.
Bốn năm trước, một vệ sĩ của bà Cilia Flores là Yazenky Lamas đã bị bắt ở Colombia và bị dẫn độ tới Mỹ đối mặt với cáo buộc ma túy. Bà Cilia Flores được coi là người có quyền lực ở Venezuela chỉ sau Tổng thống Nicolas Maduro.
Nay cùng với những chứng cứ trong khai nhận của Lamas, khả năng Mỹ đang chuẩn bị buộc tội bà Flores trong những tháng tới với các cáo buộc bao gồm buôn lậu ma túy và tham nhũng, 4 nguồn tin quen thuộc về cuộc điều tra vị đệ nhất phu nhân này nói với hãng Reuters.
Nếu Washington tiến hành một bản cáo trạng, những người cấp tin cho biết, các cáo buộc khả năng xuất phát từ một kế hoạch giao dịch cocain đã bị ngăn chặn mà theo đó đã đưa hai cháu trai của bà Flores vào một nhà tù ở Florida (Mỹ).
Trong một loạt các cuộc phỏng vấn của Lamas với Reuters, lần đầu tiên kể từ khi bị bắt Lamas nói rằng bà Flores đã biết về việc hai cháu trai của bà sa lưới trong các vụ buôn bán ma túy và bị tòa án Mỹ kết án.
Nói từ phía sau tấm kính cường lực tại nhà tù ở Washington, DC., nơi anh ta bị giam giữ, Lamas cho biết với Reuters rằng anh ta lên tiếng chống lại Flores vì anh cảm thấy mình bị chính quyền Maduro bỏ rơi và bị phản bội.
Vào cuối tháng 3/2020, các công tố viên Mỹ đã truy tố ông Maduro và hơn một chục quan chức đương nhiệm lẫn cựu quan chức chính quyền Venezuela về tội “narco-terrorism” (hành động tội phạm bạo lực liên quan đến buôn bán ma túy bất hợp pháp) và buôn lậu ma túy.
Hiện nay, ông Maduro đang trong năm thứ 8 ở cương vị Tổng thống Venezuela, trong nhiều năm ông ta đã tìm cách nhấn chìm nước Mỹ bằng cocain, theo các cáo buộc của công tố viên Mỹ, và ông ta tìm cách làm suy yếu xã hội Mỹ, củng cố vị thế cũng như sự giàu có của riêng mình.
Trang Aljazeera cũng cho hay, bà Flores là một chiến lược gia và được coi là người đứng phía sau thao túng Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela. Bà lần đầu tiên được biết đến với tư cách là một chính trị gia và là bạn tâm giao của cố Tổng thống Hugo Chavez, người tiền nhiệm kiêm cố vấn của ông Maduro.
Trong nội các của ông Maduro, bà Flores không giữ một vai trò chính thức nào. Tuy nhiên, cuộc điều tra chống lại bà đã nhấn mạnh tầm ảnh hưởng lớn mà bà nắm giữ, đặc biệt là trong việc giúp ông Maduro chế ngự các đối thủ bên trong lẫn bên ngoài Venezuela.
Trong những năm gần đây, bà Flores đã tìm kiếm sự nhân nhượng từ phía Mỹ, bà đã chỉ thị cho các bên trung gian yêu cầu Mỹ trả tự do cho các cháu trai của bà. Đổi lại, các trung gian này cho biết, chính quyền Venezuela sẽ trả tự do cho 6 giám đốc điều hành của nhà máy lọc dầu Citgo Petroleum Corp, một công ty lọc dầu có trụ sở ở Mỹ, thuộc sở hữu đa số của công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela. Những người này bị Venezuela bắt giữ vào năm 2017 với buộc tội tham ô, họ được các nhà hoạt động nhân quyền và nhiều người trong giới kinh doanh coi là tù nhân chính trị.
https://www.dkn.tv/the-gioi/my-xem-xet-buoc-toi-de-nhat-phu-nhan-venezuela-buon-lau-ma-tuy-va-tham-nhung.html

Vụ George Floyd: Tổng thống Trump dọa

điều thêm quân để chấm dứt bất ổn

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ điều động quân đội để dập tắt tình trạng bất ổn ngày càng tăng theo sau vụ một người đàn ông da đen chết khi bị cảnh sát bắt giữ.
Vụ George Floyd chết: Tại sao biểu tình biến thành bạo động?
Thống đốc Minnesota: Biểu tình ‘không còn’ là về cái chết của George Floyd
Ông nói nếu chính quyền các thành phố và tiểu bang không thể kiểm soát được biểu tình và “bảo vệ người dân”, ông sẽ triển khai quân đội và “giải quyết vấn đề giúp họ một cách nhanh chóng “.
Cái chết của George Floyd, 46 tuổi, tại thành phố Minneapolis vào ngày 25/5 đã thổi bùng lên cơn giận dữ trên khắp đất nước.
Các thành phố lớn đã ban hành lệnh giới nghiêm giữa lúc tình trạng bất ổn bước vào ngày thứ bảy.
Thành phố New York đã ban hành lệnh phong tỏa cho đến 5 giờ sáng thứ Ba. Trong khi đó, thủ đô Washington DC đã gia hạn lệnh giới nghiêm thêm hai đêm nữa.
Nhưng biểu tình dự kiến sẽ tiếp diễn.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra sau khi xuất hiện một đoạn video cho thấy ông Floyd bị bắt và một sĩ quan cảnh sát da trắng liên tục dùng đầu gối quỳ lên cổ ông ta ngay cả sau khi ông ta van vỉ rằng mình không thể thở được.
Viên cảnh sát Derek Chauvin đã bị truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát và sẽ xuất hiện tại tòa vào tuần tới.
Ba sĩ quan cảnh sát khác đã bị sa thải.
Tổng thống Trump nói gì?
Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một phát biểu ngắn tại Vườn hồng Nhà Trắng vào tối thứ Hai, và tuyên bố của ông được phụ họa bởi âm thanh của một cuộc biểu tình gần đó đang bị dập tắt bằng hơi cay và đạn cao su.
Ông Trump nói rằng “tất cả dân Mỹ đều sốc và nổi dậy một cách chính đáng bởi cái chết thảm của George Floyd” nhưng khẳng định ông giữ cho tâm trí mình không bị “nhấn chìm bởi một đám đông giận dữ”.
Ông mô tả cảnh cướp bóc và bạo lực ở thủ đô vào Chủ nhật là “một sự ô nhục toàn diện” trước khi đưa ra cam kết tăng cường bảo vệ thành phố.
“Tôi đang điều động hàng ngàn và hàng ngàn binh sĩ được vũ trang tốt, quân nhân và nhân viên chấp pháp để ngăn chặn bạo loạn, cướp bóc, phá hoại, tấn công và hủy hoại tài sản”, ông nói.
Sau đó, ông Trump chuyển sự chú ý đến các cuộc biểu tình toàn quốc, và đổ lỗi cho “những kẻ vô chính phủ chuyên nghiệp” và nhóm Antifa. Vào Chủ nhật, ông đã gọi Antifa là một tổ chức khủng bố.
Ông kêu gọi chính quyền các thành phố và tiểu bang triển khai Vệ binh Quốc gia, là lực lượng quân sự dự bị thường được huy động để can thiệp vào các tình huống khẩn cấp trong nước, “với số lượng đủ lớn để áp đảo trên đường phố”. Đến nay đã có khoảng 16.000 binh sĩ của lực lượng này được triển khai để đối phó với tình trạng bất ổn.
Ông Trump nói thêm: “Nếu có một thành phố hoặc tiểu bang không thực hiện các hành động cần thiết … thì tôi sẽ triển khai quân đội Hoa Kỳ và nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ.”
“Tôi muốn những kẻ tổ chức vụ khủng bố này hiểu rằng bọn chúng sẽ phải đối mặt với các hình phạt hình sự nghiêm khắc”, ông nói.
George Floyd và lời kêu gọi biểu tình ôn hòa
Các phát biểu của ông đã vấp phải sự chỉ trích từ các đảng viên Dân chủ cấp cao. Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng này, nói rằng “ông Trump sử dụng quân đội Mỹ chống lại người dân Mỹ “.
Lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer nói: “Vị tổng thống này có thể bệ rạc đến mức nào đây? … Các hành động của ông ta cho thấy bản chất thực sự của ông ta.”
Gia tăng binh lực?
Suốt ngày thứ Hai, ông Donald Trump đối mặt với áp lực mỗi lúc một tăng về việc phải hành động để giải quyết tình trạng bất ổn leo thang tại các thành phố lớn trên khắp nước Mỹ. Khi mặt trời lặn ở Washington DC, trong tuyên bố được chuẩn bị vội vàng ở Vườn Hồng, tổng thống đã phác thảo về hành động mà ông có thể thực hiện.
Các thống đốc được cảnh báo rằng nếu họ không bảo vệ tài sản và an toàn phố phường một cách hiệu quả, tổng thống sẽ viện dẫn một đạo luật có tuổi đời hàng thế kỷ để điều động quân đội Mỹ ngay trên đất Mỹ. Tại Quận Columbia, vốn nằm dưới sự quản lý của chính quyền liên bang, tổng thống đã ra lệnh triển khai quân đội.
Ngay trước khi tổng thống phát biểu, với cam kết ông đứng về phía người biểu tình ôn hòa, những người lính vũ trang ấy đã hốt sạch người biểu tình ôn hòa khỏi quảng trường Lafayette, nằm ở bên kia đường đối diện Nhà Trắng.
Hành động này nhằm tạo hành lang cho tổng thống cùng các nhân viên cấp cao đi bộ qua công viên để đến Nhà thờ St John, nơi bị hư hại nhẹ trong vụ hỏa hoạn do những kẻ bạo loạn gây ra tối hôm trước.
Đây là một hành động mang tính biểu tượng quan trọng hay một dịp chụp hình không cần thiết, điều này tùy thuộc vào quan điểm của từng người. Trong lúc đứng tạo dáng trước tòa nhà với quyển Kinh thánh trên tay, ông Trump hứa rằng nước Mỹ sẽ “trở lại mạnh mẽ” và “sẽ không mất nhiều thời gian”.
Trong suốt sự kiện buổi tối, không hề có cuộc thảo luận nào về cải tổ lực lượng cảnh sát hoặc tìm hiểu nguyên nhân sâu xa làm nổ ra các cuộc biểu tình vào tuần trước. Thay vào đó, ông Trump nói ông là “vị tổng thống của luật pháp và trật tự” – dường như là một dấu hiệu cho thấy giải pháp của ông cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra sẽ là tăng cường binh lực.
Diễn biến mới nhất
Biểu tình liên quan đến cái chết của George Floyd đã nổ ra tại hơn 75 thành phố. Các đường phố vốn chỉ vài ngày trước còn vắng ngắt do đại dịch virus corona nay đã tràn ngập người biểu tình.
Vào tối thứ Hai, biểu tình lại tiếp tục nổ ra. Hơn 40 thành phố đã ban hành hoặc gia hạn lệnh giới nghiêm.
Trước đó vào hôm Chủ nhật, các cuộc biểu tình vốn dĩ ôn hòa đã lại nhường chỗ cho bạo lực tại nhiều thành phố, với cảnh đụng độ giữa cảnh sát và người phản đối.
Tại nhiều nơi, xe cảnh sát và các tòa nhà bị đốt cháy, cửa hàng bị cướp phá. Hàng chục thành phố áp đặt lệnh giới nghiêm nhưng người biểu tình bất chấp.
Cái chết của George Floyd: Cựu cảnh sát Derek Chauvin bị khởi tố
Vụ George Floyd chết: Tại sao biểu tình biến thành bạo động?
Thống đốc Minnesota: Biểu tình ‘không còn’ là về cái chết của George Floyd
Nhiều video được chia sẻ trên mạng xã hội từ khắp nước Mỹ dường như cho thấy cảnh sát chống bạo động phản ứng không tương xứng với người biểu tình. Có thông tin đã xảy ra hàng chục vụ tấn công nhắm vào các nhà báo.
Cảnh sát trưởng thành phố Louisville ở Kentucky đã bị sa thải sau khi lực lượng thực thi pháp luật bắn vào đám đông, khiến chủ một doanh nghiệp gần đó thiệt mạng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52873115

Bạo lực bùng phát tại Los Angeles, New York

sau khi Tổng Thống Trump cam kết điều động

quân đội giải quyết các cuộc biểu tình George Floyd

Tin từ Washington, Minneapolis – Vào thứ hai (ngày 1 tháng 6), Tổng Thống Trump đã cam kết sẽ điều động Quân đội Hoa Kỳ để ngăn chặn các cuộc biểu tình tại các thành phố nước này liên quan đến cái chết của ông George Floyd.
Trong tuyên bố đưa ra tại vườn hồng ở Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump đã kêu gọi các thị trưởng và thống đốc điều động toàn lực các lực lượng hành pháp để dập tắt bạo lực, và nếu các thành phố và tiểu bang từ chối làm vậy, chính ông sẽ điều động Quận đội Hoa Kỳ. Sau khi phát biểu, Tổng Thống Trump đã đi bộ từ Tòa Bạch Ốc đến Nhà thờ  St. John gần đó, nơi ông chụp ảnh cùng con gái là Ivanka Trump và Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr trong lúc cầm Kinh Thánh trong tay.
Việc chụp ảnh đã bị chỉ trích vì cảnh sát đã phải sử dụng, vòi rồng, đạn cao su để giải tán đoàn biểu tình, dọn đường cho tổng thống đi bộ đến nhà thờ. Giám mục trách nhiệm giáo phận Episcopal Church tại Washington D. C., ông Michale Curry, nằm trong số những người chỉ trích vị Tổng thống Cộng Hòa vì đã sử dụng nhà thờ lịch sử như một cơ hội chụp ảnh.
Tuy nhiên, vào tối cùng ngày, bạo lực lại một lần nữa bùng phát trong đêm thứ bảy liên tiếp, với những người biểu tình phóng hỏa một trung tâm thương mại ở Los Angeles và cướp phá nhiều cửa hàng ở thành phố New York. Những hình ảnh quay lại sự việc cho thấy cửa sổ tại các cửa hàng sang trọng dọc theo Fifth Avenue ở Manhattan đã vỡ nát, cùng nhiều vự cướp bóc xảy ra ngay trước giờ giới nghiêm của thành phố này.
Thị trưởng Bill de Blasio cho biết lệnh giới nghiêm sẽ được chuyển sang 8 giờ tối vào thứ ba (ngày 2 tháng 6) thay vì 11 giờ như hiện tại. Theo Reuters, hai cảnh sát đã bị một chiếc xe đâm phải trong một cuộc biểu tình ở Buffalo, New York, vào tối thứ Hai. Giám đốc điều hành Quận Erie, ông Mark Poloncarz, cho biết tài xế xe và hành khách đã bị giam giữ. Hiện vẫn chưa rõ liệu sự việc này có chủ ý hay không. (BBT)
https://www.sbtn.tv/bao-luc-bung-phat-tai-los-angeles-new-york-sau-khi-tong-thong-trump-cam-ket-dieu-dong-quan-doi-giai-quyet-cac-cuoc-bieu-tinh-george-floyd/

Vụ George Floyd: Nhiều cơ sở kinh doanh

của người Việt ở Mỹ bị đập phá

do những người quá khích trà trộn trong biểu tình


Triệu Hằng
Trong hai ngày qua, nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ của người gốc Việt ở tiểu bang Minnesota, Los Angeles, California, Chicago hay Florida (Mỹ) đã bị đập phá bởi những người quá khích trà trộn và hôi của trong các cuộc biểu tình trước cái chết của một người da màu là George Floyd, theo thông tin từ kênh VOA Việt ngữ và báo Người Việt.
Theo tìm hiểu của VOA, một số tiểu thương người Việt ở Minnesota đã chứng kiến những đoàn người vào các cơ sở kinh doanh đập phá, cướp bóc và có người đã phải tự dùng vũ khí chống trả.
Kể từ ngày 28/5, các cuộc biểu tình “Tôi không thể thở” (I can’t breath) đã bùng phát trên các thành phố lớn ở khắp nước Mỹ để phản đối “bất bình đẳng chủng tộc và nạn cảnh sát sử dụng vũ lực thái quá”. Mọi chuyện bắt đầu với cuộc biểu tình ôn hòa sau cái chết của George Floyd, trong lúc ông này bị cảnh sát khống chế tại Minneapolis hôm 25/5. Một số các cuộc biểu tình này sau đó đã trở thành bạo động khi người biểu tình tấn công cảnh sát. Ở vài nơi đã xảy ra tình trạng đốt phá, cướp bóc và hôi của trong khi nhiều bang của Mỹ đang thận trọng mở cửa trở lại sau thời gian chống chọi với dịch bệnh Covid-19.
Ở St. Paul, thủ phủ của bang Minnesota, cộng đồng người Việt kinh doanh nhỏ ở đây đã có một phen kinh hoàng vào đêm 28/5.
Siêu thị Little Saigon của ông Sỹ Nguyễn nằm ngay trung tâm St. Paul, là một trong những nơi bị những kẻ hôi của nhắm đến nhưng may mắn không bị thiệt hại nhờ sự chống trả của chủ tiệm. Ông Sỹ cho biết ông “đã dùng súng” để răn đe những kẻ tấn công.
“Chúng tôi không nổ súng, nhưng chúng tôi cầm trong tay vũ khí để nói rằng nếu tụi bây dám xông vào thì tao sẽ bắn”, VOA ngày 2/6 dẫn lời ông Sỹ.
Ông cho biết: “Tôi đã được huấn luyện và được phép mang súng bên người. Tôi biết cách sử dụng, biết khi nào nên bắn và khi nào không nên bắn”.
Nhờ việc quyết định kháng cự để giữ gìn tài sản của ông nên nhóm hôi của chạy đi trong khi “tất cả các tiệm khác đều bị vô đập phá và có tiệm còn bị đốt”.
“Hầu hết các chủ tiệm khác đều bỏ đi hết không dám ở lại. Tất cả nhân viên cũng khuyên tôi nên về nhà đi. Nhưng tôi thấy tụi nó ăn hôi những tiệm kia. Tôi nghĩ tài sản của mình, mình đã làm, đã dành dụm biết bao nhiêu năm nay sao lại để bị cướp được”.
Theo lời kể của ông, thì đêm hôm đó ông đã ở lại giữ tiệm suốt đêm và kêu gọi bạn bè và nhân viên của ông ai có gan ra giữ tiệm cùng ông và được trả tiền theo giờ.
“Tụi tôi có dí tụi nó (nhóm hôi của) chạy xa tiệm của mình. Những người hàng xóm xung quanh thấy vậy họ cũng cầm gậy bóng chày ra khỏi nhà giúp tôi”, ông kể.
“Nếu bị trận này tôi nghĩ chắc mình sẽ bị phá sản”, ông phân trần. “Bảo hiểm sẽ bồi thường nhưng mà công việc kinh doanh sẽ bị gián đoạn vài ba tháng. Còn nếu không may mà bị nó đốt thì phải nghỉ đến hai năm”.
Về tình hình hôm 28/5, ông Sỹ cho biết “lúc đầu có người biểu tình ôn hòa, hô khẩu hiệu” nhưng sau đó đám đông chuyển sang đập phá.
“Hầu như tụi nó đi trên ngàn người để hôi của. Hầu như tụi nó không phải là biểu tình. Không có lãnh đạo, không có biểu ngữ gì hết. Tụi nó đi trên xe tải chở người (pick-up truck), khoảng 5 đến 10 đứa ngồi trên đó la hét. Rồi nó muốn vào chỗ nào thì ngừng lại, ào vô, lấy xà beng cạy cửa rồi ào vô hôi của. Hết nhóm này xong đến nhóm kia. Một tiệm có thể bị hôi của cả chục lần”, VOA dẫn lời kể lại của ông Sỹ.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, chủ tiệm Twin Cities Nail Supplies chuyên bán trang thiết bị cho ngành làm móng, cho biết khu thương xá Kim Hùng của người Việt nơi bà đặt cửa tiệm “bị đập banh hết”.
“Đập xong rồi tụi nó 5 đến 7 người vô cùng một lúc. Tụi nó gỡ từng cái tivi rồi lấy đi hết. Có tiệm bán điện thoại tụi nó vô lấy điện thoại đi hết”, bà kể.
“Do sợ quá nên ai cũng bỏ chạy. Tôi tiếc của nên ngồi lại. Nếu mà tụi nó có vô tiệm tôi đi nữa thì tôi cũng van xin chứ biết làm sao”, bà nói.
Theo mô tả của bà Hạnh thì những người đi hôi của “chỉ là nhập chung vào đoàn người biểu tình nhưng không phải đi biểu tình mà dường như chủ ý là đi lấy đồ, đi ăn cướp”. Bà Hạnh cũng lên án sự kỳ thị đối với người da màu và nhận xét là “có tình trạng này” ở Mỹ. Tuy nhiên bà nói: “Nếu mình làm đúng luật lệ thì hổng ai kỳ thị mình, chỉ khi mình làm sai người ta mới kỳ thị”.
Nhật báo Người Việt ngày 1/6 dẫn lời anh Lany Truong, chủ tiệm Nail Bay ở Los Angeles, California, anh kể lại mà vẫn chưa hết bàng hoàng: “Tối 30/5, lúc tôi đang ở nhà, thì nghe cảnh báo trên tiệm reo lên inh ỏi. Nhìn qua camera, tôi thấy có người đang đập cửa kính của tiệm. Khi cửa đã tan hoang, nhóm người khác ập vô, họ bắt đầu đập phá tiệm, lấy đồ đạc trong tiệm, thậm chí thùng sơn còn sót lại khi sửa sang tiệm, họ cũng gom luôn”.
Anh Lany nói thêm, hình ảnh cho thấy những người quá khích không chỉ “hôi của” như ở các tiệm tạp hóa, tiệm thực phẩm, mà họ còn đập phá kinh khiếp, như kiểu đập cho hả giận. Sáu ghế và sáu bàn làm móng trong tiệm của anh đều bị hư hỏng. Không may cho anh Lany, tiệm này anh vừa mới sang lại được hơn một năm thì bị hai cái “xui” cùng một lúc: Covid-19, và bị người biểu tình quá khích đập phá.
Nhưng “trong họa lại có phúc”, anh Lany kể tiếp: “Qua sáng sớm hôm sau là Chủ nhật, tôi nhận được cuộc gọi của một người khách, họ gọi cho tôi với giọng hốt hoảng nói: “Tiệm của anh bị đập phá tan tành rồi kìa, anh có muốn tôi vô dọn dẹp phụ không?”. Vì đó là vị khách quen, nên anh Lany đồng ý để cô ấy vô bên trong tiệm giúp anh dọn dẹp, rồi anh sửa soạn đi tới tiệm”.
Khi lên tới nơi, anh Lany thấy có thêm nhiều người khác đi qua đi lại tiệm, ai cũng hỏi thăm với sự thông cảm: “Có cần dọn dẹp không, chúng tôi sẵn sàng giúp”.
Anh Lany kể, tất cả những người hỏi anh đều muốn làm thiện nguyện. Họ là những người Mỹ trắng, người da màu, và cả người Trung Đông, trong đó có nguyên một gia đình gồm vợ chồng và hai người con đi các tiệm bị đập phá để giúp dọn dẹp.
Theo VOA, Người Việt
Triệu Hằng tổng hợp
https://www.dkn.tv/the-gioi/vu-george-floyd-nhieu-co-so-kinh-doanh-cua-nguoi-viet-o-my-bi-dap-pha-do-nhung-nguoi-qua-khich-tra-tron-trong-bieu-tinh.html

Thêm một đêm biểu tình bạo động,

căng thẳng tại Mỹ lên cao

Cư dân và chủ nhân các cửa tiệm tại các thành phố Mỹ ngày 1/6 quét dọn kính vỡ, kiểm tra thiệt hại và hàng hóa bị cướp sau sáu đêm liên tiếp biểu tình bạo động phản đối bất bình đẳng chủng tộc và nạn cảnh sát sử dụng vũ lực thái quá.
Cảnh sát và lính cứu hỏa trong đêm đã vất vả dẹp bạo động giữa lúc các đám cháy bùng phát gần Tòa Bạch Ốc, các cửa hàng bị cướp phá tại Thành phố New York và tại Nam California. Vệ binh Quốc gia cho biết đã điều động lực lượng đến 23 tiểu bang và thủ đô Washington D.C.
Một người bị giết tại Louisville, Kentucky, đêm qua khi Vệ binh Quốc gia nổ súng bắn trả trong khi nỗ lực giải tán đám đông.
Xáo trộn nổ ra vào lúc nước Mỹ mở cửa trở lại sau lệnh đóng cửa kéo dài để ngăn virus corona lây lan. Mọi chuyện bắt đầu với cuộc biểu tình ôn hòa sau cái chết của một người đàn ông da đen, George Floyd, trong lúc ông này bị cảnh sát khống chế tại Minneapolis hôm thứ Hai 25/5 vừa qua.
Một đoạn video cho thấy một cảnh sát da trắng quỳ gối trên cổ ông Floyd, 46 tuổi, gần 9 phút trước khi ông này chết. Ông Derek Chauvin, nhân viên cảnh sát 44 tuổi liên quan tới vụ này, đã bị sa thải và bị truy tố về tội giết người cấp độ 3 và tội ngộ sát. Ông Chauvin được tại ngoại hầu tra sau khi đóng tiền thế chân 500.000 đô la và sẽ ra tòa vào ngày 8/6 theo hồ sơ tòa án.
Vài chục thành phố ở Mỹ vẫn còn trong tình trạng giới nghiêm ở một mức độ chưa từng thấy kể từ những loạt bạo động sau vụ ám sát nhà hoạt động dân quyền Martin Luther King Jr. vào năm 1968.
Xáo trộn dân sự đang “tiếp diễn đáng kể” tại 36 thành phố của Mỹ, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang cho biết hôm 1/6.
Đô trưởng khu vực Washington D.C, bà Muriel Bowser, ngày 1/6 loan báo lệnh giới nghiêm sẽ được thi hành trong hai ngày bắt đầu từ 7 giờ tối cho đến sáng.
Nhiều thành phố bị ảnh hưởng vì xáo trộn chỉ mới bắt đầu trở lại một số hoạt động kinh tế bình thường sau hơn hai tháng thực hiện lệnh ở nhà nhằm ngăn chặn COVID, dịch bệnh đã giết chết hơn 104.000 người và khiến hơn 40 triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp tại Mỹ.
Người da đen chiếm khoảng 6,8% dân số Minnesota nhưng chiếm 29% các ca lây nhiễm virus corona, theo dữ liệu của tiểu bang và liên bang.
https://www.voatiengviet.com/a/th%C3%AAm-m%E1%BB%99t-%C4%91%C3%AAm-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-b%E1%BA%A1o-%C4%91%E1%BB%99ng-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-t%E1%BA%A1i-m%E1%BB%B9-l%C3%AAn-cao/5445057.html

Lãnh đạo Đảng Bảo thủ Canada: Cần một liên minh

toàn cầu trước mối đe dọa từ Trung Quốc

Quý Khải
Lãnh đạo đảng bảo thủ ở Canada ông Andrew Scheer nói rằng đã đến lúc các nước dân chủ thức tỉnh trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Ông cũng kêu gọi các nước tự do hợp sức chống lại chính quyền Bắc Kinh.
“Đã đến lúc các quốc gia yêu tự do trên khắp thế giới thức tỉnh trước thực tế này, phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau đẩy lùi [Trung Quốc], ông Scheer nói với tờ The Epoch Times.
“Đã đến lúc cần có một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nước G7, với các nền dân chủ trên thế giới, họ cần phải đứng ra để khẳng định rằng đây [Trung Quốc] là một quốc gia đang xâm phạm quyền con người”.
Luật an ninh quốc gia được áp đặt gần đây đối với Hồng Kông là động thái mới nhất trong một “mô thức hành vi rất hung hăng của chính quyền Trung Quốc”, và mô thức này chỉ có thể bị đẩy lùi bởi một phản ứng mạnh mẽ trên toàn cầu, ông Scheer nói.
“Chiến lược tốt nhất là thành lập một liên minh gồm các quốc gia đã hứng đủ từ chính quyền Trung Quốc, những người sẵn sàng nhắc đến chính quyền này theo đúng bản chất của nó để chúng ta có thể hỗ trợ lẫn nhau”, ông nói.
“Nếu chúng ta không thành công thì mọi sự sẽ chỉ có thể trở nên khó khăn hơn. Cứ mỗi ngày, mỗi năm chúng ta chờ đợi [và không làm gì cả], thì nó sẽ chỉ càng ngày càng trở nên khó khăn hơn, vì vậy chúng ta nên bắt đầu ngay từ bây giờ. Chúng ta có thể tạo ra một liên minh các quốc gia yêu tự do trên toàn cầu để đứng lên kháng lại chính quyền độc tài Trung Quốc”.
Ngày 28/5, Bắc Kinh đã thông qua một đạo luật an ninh quốc gia cho phép cơ quan an ninh của nó mở chi nhánh hoạt động tại Hồng Kông, thông qua đó đã về cơ bản chấm dứt sự tồn tại của thể chế “một quốc gia, hai chế độ”.
Động thái này đã làm dấy lên sự chỉ trích rộng rãi vì luật này có thể được dùng để nhắm vào những người và nhóm người bị tình nghi có hành động ly khai Trung Quốc (Vd: người biểu tình ủng hộ dân chủ,..), hoặc các mối đe dọa khác đối với an toàn và an ninh quốc gia.
Trong một cuộc gọi hội nghị tuần trước, ông Scheer đã trao đổi với các nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ Hồng Kông từ Canada và trên thế giới để thảo luận các biện pháp Canada có thể làm để hỗ trợ cho nền tự do và tự trị ở Hồng Kông.
“Chúng tôi không muốn nhìn thấy người dân Hồng Kông chịu đau khổ quá mức như vậy nữa”, ông nói.
Ông Sheer cũng chỉ trích chính phủ Canada và “chiến lược xoa dịu” của họ với Trung Quốc. Ông cho rằng chính sách ngoại giao kiểu này sẽ không mang lại hiệu quả và sẽ thất bại.
“Chúng ta đã quan sát được từ các chính phủ vi phạm nhân quyền độc tài trong thế kỷ 20, và thậm chí trong giai đoạn cận đại, rằng nếu bạn chỉ cứ ‘ngậm bồ hòn làm ngọt’, bạn sẽ cho phép các chính quyền kiểu này ngày càng lấn tới và trở nên ngày càng khó trị hơn, đến một mức sẽ rất khó để ngăn chặn và đẩy lùi”.
Sự phản kháng quốc tế ngày càng gia tăng
Ngày 1/6, một liên minh quốc tế đa đảng gồm 760 nghị sĩ và nhà hoạch định chính sách từ 37 quốc gia, bao gồm 180 người từ Canada, đã đưa ra một tuyên bố lên án ‘việc đơn phương thông qua luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông’ và kêu gọi các chính phủ hợp tác để chống lại “việc vi phạm trắng trợn Tuyên bố chung Trung-Anh này”.
Tuần trước, Canada cũng đã tham gia một liên minh gồm các quốc gia dân chủ bao gồm Úc, Hoa Kỳ và Anh nhằm lên án Bắc Kinh ban hành luật an ninh mới.
Bên cạnh những lời chỉ trích, một số quốc gia đã bắt đầu có hành động cụ thể để kiềm chế mối đe dọa từ Bắc Kinh, trước vấn đề Hồng Kông và Covid-19
Ngày 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một loạt các quyết sách chưa từng có nhằm giải quyết các mối đe dọa từ chính quyền Trung Quốc.
Trong một cuộc họp vào ngày 29/, các bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu cũng đã đồng ý áp dụng các chiến lược cứng rắn hơn với Trung Quốc, để chống lại sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Khối EU hiện cũng đang chuẩn bị một tài liệu chiến lược mới trong chính sách ngoại giao của EU với Trung Quốc.
Trước đà lên án Trung Quốc gia tăng, ông Scheer cho rằng Canada không nên đánh giá thấp sức mạnh của mình, và nên tham gia cùng các quốc gia khác trong việc  thúc đẩy đà chống lại chính quyền Trung Quốc.
“Nếu có đủ các quốc gia trên thế giới hợp tác với nhau ở cấp độ này, như chúng ta đã từng thấy trước đây. Chúng ta có thể tạo ra liên minh của các quốc gia cam kết bảo vệ quyền con người”, ông nói.
“Chúng ta đã từng có thể làm được những điều [vĩ đại] như [chặn đứng] chế độ apartheid ở Nam Phi. Chúng ta đã từng có thể chặn đứng các hành vi thanh trừng sắc tộc ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Chúng ta đã làm được điều đó trước đây; khi chúng ta có chung ý chí. Tôi nghĩ rằng các chính phủ … cần phải ngừng tự lừa dối bản thân. Họ cần phải bắt đầu mở to mắt ra và quan sát thực tại đang xảy ra trước mặt”.
Theo The Epoch Times
Quý Khải dịch & biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/lanh-dao-dang-bao-thu-canada-can-mot-lien-minh-toan-cau-truoc-moi-de-doa-tu-trung-quoc.html

Covid-19 : Hệ thống bệnh viện châu Mỹ Latinh

trước nguy cơ sụp đổ

Thanh Phương
Với gần 30.000 người chết ở Brazil và hơn 10.000 ca tử vong ở Mêhicô, có nguy cơ là dịch Covid-19 làm sụp đổ các hệ thống bệnh viện ở châu Mỹ Latinh.
Hôm qua, Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO thông báo là 4 quốc gia châu Mỹ Latinh ( Brazil, Peru, Chilê và Mêhicô ) nằm trong số 10 nước ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Theo nhận định của ông Michael Ryan, giám đốc đặc trách các vấn đề khẩn cấp của WHO, tình hình tại nhiều nước châu Mỹ Latinh còn lâu mới ổn định. Ông Ryan cho biết số ca nhiễm virus corona đang tăng nhanh và các hệ thống y tế tại những nước trong vùng đang chịu áp lực rất nặng.
Theo hãng tin AFP, tại Brazil, quốc gia có 210 triệu dân, nơi mà số ca tử vong đã lên đến gần 30.000, các biện pháp phong tỏa, hoặc dỡ bỏ phong tỏa được tiến hành không đồng bộ giữa các bang hay các thành phố. Tổng thống Jair Bolsonaro thì vẫn liên tục kêu gọi bãi bỏ các hạn chế, để nền kinh tế Brazil nhanh chóng phục hồi. Tại Mêhicô, số người chết vì Covid-19 đã vượt hơn 10.000, vào lúc mà nước này cũng bắt đầu khởi động lại hoạt động kinh tế.
Peru hôm qua cũng đã vượt qua ngưỡng 170.000 ca nhiễm và 4.600 ca tử vong, khiến hệ thống y tế của quốc gia 33 triệu dân này đang bên bờ sụp đổ, đặc biệt là do tình trạng khan hiếm khí ôxy, một số bệnh viện yêu cầu gia đình bệnh nhân tự đem bình dưỡng khí đến.
Còn tại Hoa Kỳ, số ca tử vong vì dịch Covid-19 vẫn cao nhất thế giới hiện nay, bỏ xa các nước khác. Theo thống kê của đại học Johns Hopkins hôm qua, đã có thêm 743 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong lên thành 105.099 người. Tổng số ca nhiễm virus corona cũng đã vượt quá 1.800.000 người.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200602-covid-19-h%E1%BB%87-th%E1%BB%91ng-b%E1%BB%87nh-vi%E1%BB%87n-ch%C3%A2u-m%E1%BB%B9-latinh-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-nguy-c%C6%A1-s%E1%BB%A5p-%C4%91%E1%BB%95

WHO nỗ lực cứu vãn mối quan hệ với Mỹ

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới WHO ngày 1/6 ca ngợi sự đóng góp “to lớn” và “hào phóng” của Mỹ đối với y tế toàn cầu trong một bước tiến nhằm cứu vãn mối quan hệ với Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với cơ quan Liên hiệp quốc này.
Cáo buộc WHO là làm đẹp lòng Trung Quốc và để ‘lọt lưới’ những biện pháp đáp ứng COVID bí mật ban đầu, ông Trump hôm 29/5 tuyên bố sẽ chấm dứt quan hệ giữa Mỹ với WHO.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo trên mạng rằng ông hy vọng WHO có thể tiếp tục sự hợp tác lâu dài với Mỹ.
“Sự đóng góp và sự hào phóng của Hoa Kỳ đối với y tế toàn cầu trong nhiều thập niên qua thật là to lớn, đã tạo ra sự khác biệt lớn lao trong y tế công cộng trên toàn thế giới,” ông nói.
Trung Quốc phản ứng giận giữ đối với hành động của Mỹ, gọi đây là ích kỷ và chính trị ấu trĩ bởi một chính quyền Mỹ “nghiện” rút chân ra khỏi các tổ chức và hiệp ước quốc tế.
Ông Tedros, gốc Ethiopia, nói ông chỉ biết về quyết định của Mỹ qua truyền thông và chưa có liên lạc chính thức từ chính quyền Trump. Ông từ chối trả lời thêm những câu hỏi về lập trường của Mỹ.
Nguy cơ từ những cuộc biểu tình ở Mỹ
Được hỏi về nguy cơ y tế tiềm ẩn từ các cuộc biểu tình bùng phát tại Mỹ hiện nay, một giới chức WHO khác, nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove, cảnh báo tiếp xúc gần có thể làm tăng cao nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Xáo trộn bùng lên tại Mỹ sau cái chết hồi tuần trước của một người đàn ông da đen tên George Floyd trong lúc ông bị cảnh sát khống chế, khiến hàng ngàn người xuống đường và làm cuộc khủng hoảng thêm gia tăng giữa lúc nước Mỹ đang đối phó với dịch COVID tệ hại nhất thế giới.
Tại cuộc họp báo, khoa học gia trưởng Soumya Swaminathan cũng loan báo WHO phải có được tin tức trong vòng 24 giờ để quyết định có nên tiếp tục ngưng thử nghiệm thuốc hydroxychloroquine trị COVID hay không.
Ông Trump là một trong người quảng bá việc dùng thuốc trị sốt rét để giúp chống lại COVID-19, dù có những cảnh báo y khoa về các nguy cơ liên hệ đến loại thuốc này.
Với nhiều nước nới lỏng lệnh đóng cửa trong lúc tỉ lệ các ca lây nhiễm mới virus corona giảm sút, chuyên gia khẩn cấp của WHO, Mike Ryan, nói thấy được kinh tế trở lại đúng đường là điều “đáng ca ngợi” nhưng ông dè dặt là vẫn cần thực hiện “từng bước một”.
Trung và Nam Mỹ hiện là điểm nóng của COVID-19 nhưng chưa đến đỉnh điểm, ông cảnh báo.
https://www.voatiengviet.com/a/who-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-c%E1%BB%A9u-v%C3%A3n-m%E1%BB%91i-quan-h%E1%BB%87-v%E1%BB%9Bi-m%E1%BB%B9-/5445041.html

Covid-19: Tìm vac-xin SARS-CoV-2

là một sứ mệnh bất khả ?

Tú Anh
Tìm công thức vẹn toàn và chế tạo đại trà vac-xin chống dịch siêu vi Covid-19 là con đường gian nan. Cho dù “đối tượng” là con siêu vi nào, tiến trình nghiên cứu phải rất dài, qua nhiều giai đoạn từ phòng thí nghiệm đến lâm sàng, rồi phải phát minh cách chế tạo trước khi tính đến chuyện sản xuất đại trà.
Kinh nghiệm cam go tìm ra thuốc ngừa siêu vi sốt liệt cơ và cúm thường niên cũng như những thất bại, cho đến nay, trong cố gắng tìm vac-xin HIV là những bài học về tính khiêm tốn.
Cuộc đua tìm thuốc ngừa siêu vi SARS-CoV-2 từ khi đại dịch bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc, cách nay 8 tháng không phải là một ngoại lệ.
Chạy đua nước rút
Khoảng 50 phương án nghiên cứu vac-xin chống bệnh Coronavirus chủng mới đang được các viện nghiên cứu ráo riết thực hiện như một cuộc chạy đua nước rút.
Trung Quốc loan báo thực hiện xong công đoạn 2 thử nghiệm trên người. Viện dược phẩm Moderna của Mỹ xong giai đoạn 1  thấy có kết quả “khích lệ” : 8 trên 45 người tình nguyện có phản ứng miễn nhiễm. Tại Pháp, công ty Sanofi tuyên bố vụng về, sẽ ưu tiên cung cấp cho Mỹ đợt vac-xin đầu tiên, trước khi cải chính, để lộ dụng ý gây áp lực xin công quỹ hỗ trợ. Nhưng khác với những tuyên bố lạc quan của tổng thống Mỹ Donald Trump và thái độ muốn chứng tỏ sức mạnh mềm của chế độ Trung Quốc, dự báo sẽ có thuốc ngừa SARS-CoV-2 trước cuối năm 2020, châu Âu chọn thái độ thận trọng. EMA, cơ quan dược phẩm của Liên Hiệp Châu Âu cho rằng dự báo trong một năm nữa tìm ra thuốc ngừa là “kịch bản lạc quan”. Giới chính trị, qua tuyên bố của thủ tướng Pháp Edouard Philippe, cũng khẳng định : không thể có vac-xin trước năm 2021.
Trên thực tế, con đường tìm thuốc ngừa đại dịch Covid-19 trắc trở vô cùng. Bởi vì SARS-CoV-2 đang bao vây, chui sâu vào cuộc sống của nhân loại là siêu vi  không giống như loài đồng chủng. Nó linh hoạt vô cùng cho nên rất khó “khống chế”.
Theo giải thích của Morgan Bomsel, chuyên gia siêu vi trùng học giám đốc Viện nghiên cứu Cochin, Paris, trong “họ” của corona có bốn loại siêu vi, đã từng gây tai họa cho con người, nhưng cho đến nay chưa có vac-xin đối phó.
Đặc biệt là với loại siêu vi gây viêm phổi cấp tính như dịch SARS-Cov-1 xảy ra trong năm 2002-2004, cũng từ Trung Quốc và  dịch viêm phổi MERS ở Trung Đông năm 2012, lây sang tận Hàn Quốc. Vấn đề, theo bà Morgan Bomsel, là người ta không biết rõ  tính chất con siêu vi này nó như thế nào cho nên xảy ra tình trạng mỗi nơi, mỗi nhóm khoa học gia, mạnh ai nấy làm với hệ quả là phân tán thay vì hợp sức nghiên cứu.
Thiên biến vạn hóa
Chỉ riêng về sinh học, siêu vi corona chủng mới một khi bám vào đường hô hấp là chui sâu vào tận đáy hai lá phổi để sinh sôi nảy nở do vậy mới gây ra triệu chứng viêm phổi cấp tính. Nhưng sau đó người ta mới biết nó còn lan đến các cơ phận khác như tim, thận, não… nơi nào cũng gây tổn hại nghiêm trọng.
Để hướng đến công thức hiệu nghiệm, câu hỏi then chốt của các nhà nghiên cứu là phải chọn “loại miễn nhiễm nào” hiệu quả nhất khắc kỵ siêu vi ?
Có cần phải che chở tức khắc bộ phận bị tấn công hay không ? Trong trường hợp đó, phải huy động  bạch cầu  Lymphocyte T trong phổi chống Covid-19.
Hoặc là gây phản ứng miễn nhiễm tại mô tiết chất nhờn trong mũi để chận siêu vi “ngay từ bãi đáp” ? Chỉ để có câu trả lời, giới khoa học phải mất nhiều tuần mới hội đủ thông tin để nhận ra hướng phản công.
Kháng thể tấn công sai mục tiêu
Nhưng một vấn đề khác lại nổi lên. Trong khi Lympho tạo ra kháng thể chống siêu vi thì ở nhiều bệnh nhân Covid-19, kháng thể quay sang hủy hoại chính cơ thể của họ. Thay vì tấn công siêu vi xâm nhập, kháng thể “tiếp tay với giặc”. Cơ chế vận hành tấn công sai mục tiêu của kháng thể đã được thấy trong bệnh sốt xuất huyết làm nhiều trẻ em thiệt mạng. Theo chuyên gia Morgan Bomsel của Viện Cochin, phải tìm phương thức miễn nhiễm khác với huy động bạch cầu để tránh bị vac-xin công phạt.
Tìm được loại vac-xin thích hợp đã khó mà có rồi, cũng chưa xong đâu. Bởi vì hiệu năng cũng có nhiều mức độ. Nếu phản ứng miễn dịch không đủ mạnh, kháng thể không đủ lực bảo vệ người bị nhiễm siêu vi, theo thời gian yếu đi dần và không tồn tại lâu. Ngay Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng nói đi nói lại. Hôm trước cảnh báo bệnh nhân Covid-19 không chắc sẽ được miễn dịch. Vài hôm sau cải chính bảo là “có”.
Điều chắc chắn là chưa có đủ dữ kiện để xác định cơ thể con người , sau khi nhiễm bệnh Covid-19, hay sau khi được chủng ngừa, sẽ được miễn dịch trong bao lâu, một tháng hay một năm hay lâu hơn nữa. Thế mà dữ kiện thời gian là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược chế tạo vac-xin và cách đáp trả siêu vi .
ARN messager
Cuối cùng, tính chất của loại vac-xin tự thân cũng là một cản lực. Một trong những phương thức mới nhất và mang nhiều hứa hẹn nhất là tiêm ARN messager (hay ARN thông tin). Đoạn phân tử này “ra lệnh” cho tế bào chế tạo ra kháng nguyên kích hoạt kháng thể chống siêu vi.
Vấn đề của  nhân loại là cho đến ngày hôm nay chưa có kinh nghiệm làm vac-xin ARN messager phòng bệnh nào cả. Vac-xin ARN messager trong giai đoạn thử nghiệm chưa chứng tỏ có hiệu năng miễn nhiễm như kỳ vọng.
Nếu có một vac-xin ARN messager nào qua được giai đoạn III, tức là đã được thử trên hàng chục ngàn người, kiểm chứng hiệu năng kích hoạt kháng thể và tính vô hại cho cơ thể, thì lúc đó vẫn chưa hết vấn đề. Nhức óc cuối cùng là phải phát minh một chuổi dây chuyền sản xuất đại trà, vì chưa có.
Trong bài “Vì sao chưa bao giờ tìm ra vac-xin chống virus corona”, nữ giám đốc nghiên cứu Viện Cochin, Paris khuyến cáo : Cho dù có khắc phục tất cả các chướng ngại kể trên, chúng ta vẫn chưa có đủ cơ sở để xác định vac-xin ARN messager sẽ hiệu nghiệm đối phó với siêu vi corona. Muốn kết luận thì phải có thời gian, mà thời gian không cho phép.
Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 6 triệu người và còn tiếp diễn, tiếp diễn như cuộc đua tìm vac-xin. Cuộc đua giữa các tham vọng kinh tài và địa chính trị với con siêu vi thiên biến vạn hóa.
Nguồn:  Inserm, HuffPost, Le Journal des Femmes et Santé
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200602-covid-19-t%C3%ACm-vac-xin-sars-cov-2-l%C3%A0-m%E1%BB%99t-s%E1%BB%A9-m%E1%BB%87nh-b%E1%BA%A5t-kh%E1%BA%A3

Anh, Canada phản đối

việc ông Trump muốn tái nạp Nga vào G7

Anh và Canada đã phản đối việc để Nga quay trở lại G7, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông muốn nước này tái hợp với nhóm.
Ông Trump nói hôm thứ Bảy rằng ông sẽ tạm hoãn kỳ họp thượng đỉnh G7, theo dự kiến lẽ ra sẽ diễn ra trong tháng này, cho tới tháng Chín.
Trump hoãn hội nghị thượng đỉnh G7 ‘lỗi thời’
G7 không đồng thuận về việc trừng phạt Nga
Vì sao Canada mời Việt Nam dự G7?
Tổng thống Mỹ nói rằng “khối các nước lỗi thời” G7 cần phải được mở rộng để có sự tham dự của các nước khác nữa, trong đó gồm cả Nga.
Hôm Chủ Nhật, ông Trump nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin về kế hoạch của mình, theo đó sẽ mời ông Putin dự họp thượng đỉnh.
Nhà Trắng nói rằng việc có những chuẩn bị để hướng tới việc tổ chức họp G7 với sự tham dự của Nga nằm trong số các chủ đề được hai nhà lãnh đạo thảo luận qua điện thoại.
Hội nghị thượng đỉnh G7, năm nay do Mỹ tổ chức, với sự có mặt của lãnh đạo các nước Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Anh, sẽ bàn về chuyện hợp tác.
Nhưng việc ông Trump mời ông Putin đã khiến Anh và Canada tức giận. Lãnh đạo các nước này hôm Chủ Nhật nói rằng họ không ủng hộ việc cho Nga tái hợp với khối G7.
Nga bị trục xuất khỏi khối – trước kia có tên là G8 – từ năm 2014, sau vụ Moscow sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào lãnh thổ của Nga.
“Nga đã bị loại khỏi khối G7 sau khi xâm chiếm Crimea nhiều năm trước, và thái độ tiếp tục coi thường, bất chấp luật pháp, chuẩn mực quốc tế của họ là lý do vì sao Nga vẫn đứng ngoài khối G7 và sẽ tiếp tục đứng ngoài,” Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói tại một cuộc họp báo.
Trước đó, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh nói ông Boris Johnson sẽ phủ quyết bất kỳ đề xuất nào đưa Nga tái tham gia khối này.
Trừ phi Nga ngưng “hoạt động hung hăng và gây bất ổn” của mình, Anh sẽ không ủng hộ cho việc tái chấp nhận Moscow,” phát ngôn viên nói với các phóng viên.
Quan điểm của Anh và Canada tuy nhiên không bác bỏ việc để ông Putin tham dự kỳ họp tại Mỹ.
Tuy đã từng có việc đại diện của các nước không thuộc khối G7 tham dự các kỳ họp thượng đỉnh trước đây của khối này, nhưng sự hiện diện của ông Putin có thể gây căng thẳng.
Trong những năm gần đây, Anh có mối quan hệ gay gắt với Nga, sau vụ London nói là do Nga liên quan tới vụ dùng chất độc thần kinh tấn công cựu điệp viên Nga tại Salisbury, Anh, hồi 2018.
Bất chấp sự phản đối từ các nước thành viên khác trong G7, ông Trump lặp đi lặp lại việc ông ủng hộ để Nga quay trở lại khối.
Tại kỳ họp thượng đỉnh hồi 2018, ông Trump nói ông nghĩ “việc để Nga quay lại sẽ là đáng giá”.
Hôm thứ Bảy, khi tuyên bố hoãn họp hội nghị thượng đỉnh năm nay, ông Trump nêu lại vấn đề.
Ông nói rằng ông không cảm thấy khối “đại diện thỏa đáng cho những gì đang diễn ra trên thế giới”, và nói Nga, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ cần phải được mời.
Lãnh đạo các nước Hàn Quốc và Úc đã tỏ ý quan tâm tới việc dự họp thượng đỉnh tại Mỹ.
Hồi tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối lời mời của ông Trump trong việc trực tiếp tới Mỹ dự họp, với lý do đang có đại dịch.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52884712

Giai đoạn 2 thời hậu phong tỏa ở Pháp:

Sinh hoạt trở lại gần như bình thường

Trọng Nghĩa
Kể từ hôm nay, 02/06/2020, nước Pháp chính thức bước vào giai đoạn 2 của kế hoạch nới lỏng phong tỏa, nhiều hạn chế ban hành nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan được gỡ bỏ. Tuy nhiên, các sinh hoạt chưa hoàn toàn trở lại bình thường.
Biện pháp đáng chú ý nhất là việc bãi bỏ lệnh cấm đi ra khỏi phạm vi 100 cây số quanh nơi ở. Đây là quyết định được mong đợi nhiều nhất, đặc biệt nơi cư dân các thành phố lớn, rất muốn rời các đô thị chật hẹp để tìm đến những nơi thoáng đãng, hay là nơi các gia đình muốn gặp lại nhau sau hơn hai tháng bị xa cách.
Ngoài việc mở lại các công viên và không gian xanh trên toàn quốc từ ngày 30/05, kể từ hôm nay, các bãi biển, viện bảo tàng, danh lam thắng cảnh, thậm chí nhà hát sẽ có thể mở cửa trở lại, với điều kiện là phải tôn trọng các quy tắc nhất định về giãn cách xã hội hoặc đeo khẩu trang.
Các quán cà phê, quán bar và nhà hàng Pháp sau hơn hai tháng phải đóng cửa chống dịch, đã tích cực chuẩn bị từ vài ngày nay để mở cửa đón khách trở lại.
Tuy nhiên, các sinh hoạt chỉ mới “gần như” trở lại bình thường do việc dịch bệnh vẫn còn bị đánh giá là đáng ngại ở vùng Paris và ngoại ô gần Ile-de-France, mới chỉ được đèn vàng chứ chưa được đèn xanh trong việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa.
Ví dụ rõ nhất là việc mở cửa nhà hàng hay quán cà phê. Tại Paris và vùng phụ cận, chỉ có hàng quán nào có chỗ phục vụ ngoài trời, trên vỉa hè hay trong sân, trong vườn mới được mở cửa để phục vụ khách, tuyệt đối không được đón khách trong nhà.
Trên các phương tiện chuyên chở công cộng như métro, xe buýt, xe điện cũng vậy. Tại Paris, trong những giờ cao điểm vào buổi sáng hay buổi chiều, các phương tiện này được dành riêng cho các công nhân viên phải đi làm, và mỗi người đều phải mang theo giấy chứng nhận của cơ quan.
Giai đoạn 2 kế hoạch giảm phong tỏa khởi đầu trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lùi bước tại Pháp.
Trong vòng 24 giờ tính đến tối hôm qua, 01/06, “chỉ” có thêm 31 trường hợp tử vong mới trong các bệnh viện ở Pháp, nơi số bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt tiếp tục giảm. Tính tổng cộng từ đầu dịch, so ca tử vong chính thức được thống kê lên đến 28.833 người, trong đó có 18.506 ca trong bệnh viện.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200602-giai-%C4%91oa%CC%A3n-2-th%C6%A1%CC%80i-h%C3%A2%CC%A3u-phong-to%CC%89a-%C6%A1%CC%89-pha%CC%81p-sinh-hoa%CC%A3t-tr%C6%A1%CC%89-la%CC%A3i-g%C3%A2%CC%80n-nh%C6%B0-bi%CC%80nh-th%C6%B0%C6%A1%CC%80ng

Hậu Covid-19 :

Giá tiêu dùng ở Pháp có nguy cơ tăng thêm

Tuấn Thảo
Quán cà phê, nhà hàng, khách sạn, tiệm thẩm mỹ, vé tàu cao tốc hay vé máy bay, liệu các ngành này sẽ tăng giá kể từ tháng 6 trở đi, một khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hoàn toàn. Trước mắt, các ngành dịch vụ có quan hệ trực tiếp với nhiều khách hàng hẳn chắc sẽ tăng giá, như trường hợp của các tiệm cắt tóc đã tăng trung bình từ 2 đến 5 euro.
Kể từ khi nước Pháp nới lỏng từng bước các biện pháp phong tỏa, nhiều doanh nghiệp cũng như các công ty trong ngành phục vụ đã đầu tư vào việc mua khẩu trang, găng tay, kính mắt bằng nhựa, các loại thuốc sát trùng, tấm chắn bằng mica …  Ngoài ra, để tôn trọng ‘‘giãn cách xã hội’’, các cửa hàng buộc phải giới hạn số lượng khách hàng tiếp đón. Các phí đầu tư này cũng như sự hạn chế về số lượng khách hàng khiến cho các công ty tăng thêm giá dịch vụ.
Hiện giờ, vẫn chưa có khảo sát chi tiết nào về vấn đề này, thế nhưng theo ông Patrick Artus, trưởng ban tài chính thuộc ngân hàng Natixis, trong thời gian tới, có khoảng 40% ngành kinh doanh dịch vụ sẽ tăng giá. Theo chuyên gia này, nhiều ngành liên quan đến cung ứng, phân phối trực tiếp, dịch vụ chuyên chở cũng như các ngành nghề mà nhân viên không thể làm việc từ xa và khách hàng tuy được phục vụ, nhưng vẫn phải giữ khoảng cách an toàn. Đó là một trong những lý do khiến cho nhiều quán ăn nhỏ không thể tiếp khách ở bên trong mà buộc phải có ‘‘không gian mở rộng’’ để đón khách ở ngoài trời. Do phải thay đổi cung cách kinh doanh, một số tiệm ăn chẳng hạn theo dự phóng của ông Patrick Artus, sẽ mất khoảng một nửa số khách hàng.
Các quán cà phê hay quán bia sẽ mở cửa phục vụ kể từ hôm  02/06/2020, tuy nhiên các chủ quán buộc phải đặt bàn ghế sao cho giữ được khoảng cách ít nhất là một mét giữa các khách hàng với nhau. Theo ông Hervé Becam, phó chủ tịch của cơ quan tổ chức Umih, liên đoàn các ngành phục vụ và khách sạn thì các hàng quán do phải hạn chế số khách trong ngày cho nên doanh thu sẽ giảm mất từ 40% đến 50%. Để tránh bị thất thu quá nhiều, một số hàng quán có thể sẽ tăng thêm phí trên bảng giá dịch vụ. Về điểm này, liên đoàn Umih cho biết là không khuyến khích việc tăng giá, bởi vì biện pháp này chỉ là tạm thời, chứ không có lợi về lâu về dài.
Còn theo nhà đầu bếp Christophe Marguin, chủ tịch của Hiệp hội Les  Toques Blanches Lyonnaises, được thành lập từ năm 1936 và tập hợp các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng ở thành phố Lyon, ông hoàn toàn chống lại việc tăng giá cho dù các doanh nghiệp phải đầu tư thêm vào các trang thiết bị an toàn. Theo ông, khi tăng giá trong thời gian hậu phong tỏa, thì thay vì khuyến khích thực khách trở lại các tiệm ăn, các chủ tiệm ăn lại có nguy cơ bị mất khách. Theo ông, các nhà hàng nên có các chương trình khuyến mại, để giúp tăng lại dần số lượng khách hàng.
Trong ngành chuyên chở, vé xe lửa cũng như vé tàu cao tốc nói chung đã không gia tăng, mặc dù công ty đường sắt SNCF của Pháp chi có thể bán 50% số ghế ngồi để tuân thủ các quy tắc về khoảng cách an toàn. Theo ông Christophe Fanichet, giám đốc bộ phận khách hàng của công ty SNCF, giá tàu cao tốc vẫn được giữ nguyên và không có chuyện thay đổi giá, để bù đắp lại mức thâm hụt liên quan tới thời kỳ phong tỏa. Tuy nhiên, hiệp hội người tiêu dùng ở Pháp lưu ý là giá chuyên chở vẫn lên xuống theo luật cung cầu, giá đi xe ca hay tàu cao tốc vẫn đắt hơn nhiều vào những thời điểm cuối tuần hay nghỉ lễ do số chỗ ngồi bị giới hạn trong khi số người muốn đi, lại rất đông. Điều này lại càng rõ nét hơn trong ngành hàng không dân sự, vé máy bay Air France nội địa được duy trì ở một mức khá cao do lượng hành khách khá đông, trong khi công ty này chỉ được quyền bán ghế ngồi xen kẽ trên máy bay.
Một trong những ngành mà người tiêu dùng có thể nhận thấy ngay sự giảm giá chung là thị trường xe hơi. Doanh thu của ngành công nghiệp sản xuất ô tô đã dừng hẳn lại trong 2 tháng phong tỏa. Kết quả là cho đến giữa tháng 05/2020, doanh thu thị trường xe hơi Pháp đã giảm gần 90%. Hiện thời, có ít nhất 400.000 chiếc xe hơi mới và nửa triệu chiếc xe cũ bị tồn đọng trên thị trường, mà ít có ai mua. Để bán ‘‘hàng tồn kho’’, các đại lý phân phối đã tung ra những chương trình khuyến mại trên một số kiểu xe cần được bán gấp. Theo hiệp hội người tiêu dùng ở Pháp, khách hàng có thể tìm thấy một số kiểu xe với giá rẻ hơn khoảng 30% so với cùng thời kỳ năm trước.
Đó là trường hợp của hiệu xe Micra của Nissan. Hãng Citroen tặng thêm nhiều khoản dịch vụ phụ trội mà chỉ lấy 1 euro tượng trưng. Trong khi người tiêu dùng có thể mua xe Peugeot mới, nhưng chỉ thanh toán các khoản trả góp từ đầu năm 2021 trở đi. Xu hướng giảm giá xe có thể được duy trì vào mùa hè
năm 2020, chừng nào số xe hơi vẫn còn nhiều. Do ngành sản xuất xe hơi đang phải chi thêm khá nhiều tiền trong việc quản lý hàng tồn kho, cho nên mới áp dụng các biện pháp ưu đãi như vậy.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200602-h%E1%BA%ADu-covid-19-gi%C3%A1-ti%C3%AAu-d%C3%B9ng-%E1%BB%9F-ph%C3%A1p-c%C3%B3-nguy-c%C6%A1-t%C4%83ng-th%C3%AAm

Thụy Điển lập ủy ban điều tra

về cách chính quyền chống dịch Covid-19

Trọng Nghĩa
Tại châu Âu, Thụy Điển là quốc gia hiếm hoi không dùng đến biện pháp phong tỏa để chống dịch Covid-19. Cho đến gần đây, chủ trương của chính phủ được đa số tán đồng, và tạo được đồng thuận quốc gia. Thế nhưng số ca tử vong ngày càng cao đã phá vỡ sự đồng thuận này, buộc thủ tướng Stefan Löfven vào hôm qua, 01/06/2020 phải cho thành lập một ủy ban điều tra về cách xử lý khủng hoảng y tế của chính quyền.
Phải nói là số ca tử vong vì virus corona tại Thụy Điển cao hơn gấp bội so với các láng giềng vùng Bắc Âu. Tính đến hôm qua, 01/06, số người chết vì Covid-19 tại Thụy Điển đã vượt mức 4.400 ca, so với vỏn vẹn 236 ca tại Na Uy, 318 ca tại Phần Lan, 576 ca tại Đan Mạch.
Với một dân số khoảng 10 triệu người, tỷ lệ tử vong theo đầu người của Thụy Điển thuộc hàng cao nhất thế giới, đứng thứ tư thế giới, thậm chí còn cao hơn Pháp, ở hạng thứ năm. Tình trạng này đã khiến dư luận Thụy Điển ngày càng bất bình, và dưới sức ép của phe đối lập, chính quyền của thủ tướng Stefan Löfven đã phải cho mở điều tra về chính chiến lược chống dịch của mình.
Từ Stockholm, thông tín viên RFI Frédéric Faux tường thuật :
Thủ tướng Stefan Lofven đã nêu ý kiến lập một ủy ban điều tra vào cuối nạn dịch để không ảnh hưởng đến công cuộc chống dịch hiện hành. Tuy nhiên, ông đã phải nhượng bộ trước sức ép của đối lập, cả tả lẫn hữu.
Từ nhiều tuần lễ nay, quan điểm đồng thuận quốc gia trong cuộc chiến chống virus corona đã rạn nứt. Người Thụy Điển bắt đầu xuống đường phản đối, các thăm dò dư luận cho kết quả không thuận lợi cho chính phủ. Giờ đây, đến lượt các đảng phái chính trị phản đối.
Ngay vào mùa hè này, ủy ban được thành lập sẽ phân tích cách xử lý khủng hoảng của chính quyền. Đã có những thành công như các trường học vẫn mở cửa và kinh tế được bảo vệ. Nhưng cũng có mặt thất bại, nổi bật là tỷ lệ tử vong vì Covid-19 không ngừng tăng cao và đã ngang mức của Pháp.
Một trong những lý do của tình trạng tử vong cao có thể là quyết định  không phong tỏa dân chúng, nhưng cũng có vấn đề sai sót trong việc chăm sóc người già, thường qua đời trong các nhà dưỡng lão… mà không được nhận vào bệnh viện.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200602-thu%CC%A3y-%C4%91i%C3%AA%CC%89n-l%C3%A2%CC%A3p-u%CC%89y-ban-%C4%91i%C3%AA%CC%80u-tra-v%C3%AA%CC%80-ca%CC%81ch-chi%CC%81nh-quy%C3%AA%CC%80n-ch%C3%B4%CC%81ng-di%CC%A3ch-covid-19

Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất:

Cấm đến và rời khỏi thủ đô, do Covid-19

Trọng Thành
Dịch Covid-19 có chiều hướng tái phát tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Kể từ hôm nay, thứ Ba 02/06/2020, trong vòng một tuần, các di chuyển đến và đi khỏi thủ đô các tiểu vương quốc vùng Vịnh bị cấm.
Quyết định được Ủy ban Tình trạng Khẩn cấp và Xử lý Khủng hoảng của Abu Dhabi đưa ra hôm Chủ Nhật 31/05, sau khi số lượng ca dương tính với virus corona chủng mới liên tục tăng. Tính cho đến nay, đã có hơn 34.500 người nhiễm virus và 264 người chết vì Covid-19 tại quốc gia này.
Thông tín viên Nicolas Keraudren tường trình từ Dubai :
« Việc cấm mọi di chuyển, đến và đi từ tiểu vương quốc Abu Dhabi – và các vùng Abu Dhabi, Al Dhafras và Al Ain của tiểu vương quốc – gây bây ngờ với cư dân của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất nói chung. Từ nhiều tuần nay, trên thực tế, các biện pháp giới hạn di chuyển đã được giảm bớt tại liên hiệp 7 tiểu vương quốc vùng Vịnh.
Tại thủ đô Abu Dhabi, các trung tâm thương mại, hiệu ăn, và kể cả các viện bảo tàng cũng đã được cho phép mở cửa trở lại, với điều kiện tôn trọng một số quy định. Tuy nhiên, số lượng ca dương tính với virus Covid-19 tiếp tục gia tăng liên tục. Hôm thứ Hai, 01/06, chính quyền tiểu vương quốc thông báo đã có 661 ca lây nhiễm mới, và thêm hai người chết. 
Việc cấm di chuyển như vậy nhằm hạn chế đà lây lan Covid-19 trên toàn vương quốc Abu Dhabi. Lệnh này liên quan đến mọi cư dân, kể cả các cư dân của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng với các nhân viên thuộc những lĩnh vực được coi là ‘‘sống còn’’, cũng như những người mắc bệnh mãn tính, đang phải điều trị tại các bệnh viện ở thủ đô Abu Dhabi ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200602-c%C3%A1c-ti%E1%BB%83u-v%C6%B0%C6%A1ng-qu%E1%BB%91c-%E1%BA%A3-r%E1%BA%ADp-th%E1%BB%91ng-nh%E1%BA%A5t-c%E1%BA%A5m-%C4%91%E1%BA%BFn-v%C3%A0-r%E1%BB%9Di-kh%E1%BB%8Fi-th%E1%BB%A7-%C4%91%C3%B4-do-covid-19

Nâng cao năng lực tác chiến, Đài Loan tìm cách

sở hữu tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ

Đài Loan muốn mua tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ chế tạo nhằm cải thiện năng lực phòng thủ, kế hoạch có thể được thực thi trong năm 2023.
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Chang Che-ping, Đài Loan đã tự phát triển tên lửa chống hạm Hùng Phong 2, nhưng các tổ hợp tên lửa Harpoon trên mặt đất có khả năng cơ động vượt trội. Nếu Mỹ chấp nhận đề xuất, chúng ta có thể nhận các hệ thống vũ khí này vào năm 2023 để tăng cường khả năng bảo vệ bờ biển. Kế hoạch trên sẽ cho phép Đài Bắc sở hữu toàn bộ các phiên bản tên lửa Harpoon gồm AGM-84 phóng từ máy bay, RGM-84 đặt trên tàu chiến, UGM-84 phóng từ tàu ngầm hoặc hệ thống phòng thủ bờ biển.
Harpoon là tên lửa chống hạm chuyên biệt đầu tiên của hải quân Mỹ, ra mắt lần đầu năm 1977. Tên lửa có tầm bắn tối đa 280 km tùy phiên bản và nền tảng phóng, đạt tốc độ 865 km/h và có thể bay cách mặt biển vài mét trong khi tiếp cận mục tiêu. Mỗi quả đạn mang đầu nổ 220 kg, đủ sức đe dọa nhiều loại tàu chiến hiện nay.
Giới phân tích quân sự cho rằng trọng tâm đầu tư nhằm phát triển năng lực tác chiến phi đối xứng của Đài Loan chính là các chương trình tên lửa, vũ khí có thể giúp lực lượng phòng thủ hòn đảo cầm cự trước quân đội Trung Quốc khi xung đột vũ trang bùng phát, trong lúc chờ đợi Mỹ điều quân hỗ trợ. Trong khi đó, truyền thông Đài Loan cho biết, Cơ quan phòng thủ Đài Loan đã tiến gần với thỏa thuận mua các hệ thống phòng thủ bờ biển di động, trang bị bằng các tên lửa chống hạm Harpoon Block II do hãng Boeing của Mỹ chế tạo. Hệ thống phòng thủ bờ biển di động Harpoon Block II mới sẽ giúp quân đội Đài Loan thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giao thông ven biển, phát hiện và xử lý các mục tiêu thù địch một cách kịp thời. Bên cạnh đó, tên lửa phòng thủ ven bờ, chống hạm Harpoon Block II cũng có khả năng ngăn chặn các mối đe dọa ven biển tiềm tàng trong vùng lãnh hải. Điều này mở rộng khu vực phòng thủ và tăng cường khả năng chiến đấu tổng lực của lực lượng vũ trang của Đài Loan. Bên cạnh việc đàm phán mua tên lửa phòng thủ bờ biển, Đài Loan cũng đang đẩy mạnh phát triển tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tien Kung-3 có thể đánh chặn tên lửa Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước phê duyệt việc bán cho Đài Loan 18 ngư lôi hạng nặng Mark 48 Mod 6 và các thiết bị liên quan với giá 180 triệu USD. Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái cũng thông qua hàng loạt hợp đồng vũ khí trị giá nhiều tỷ USD cho Đài Bắc, trong đó có 66 tiêm kích F-16V trị giá 8 tỷ USD.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn coi Đài Loan là lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết và luôn ngăn cản các nước bán vũ khí cho Đài Loan, khiến lực lượng phòng vệ hòn đảo gặp khó khăn trong nỗ lực hiện đại hóa. Trung Quốc gần đây gia tăng áp lực với Đài Loan, đe dọa Đài Bắc sẽ phải “trả giá” nếu theo đuổi chủ nghĩa ly khai. Quân đội Trung Quốc cũng nhiều lần tiến hành các cuộc diễn tập quy mô lớn xung quanh đảo Đài Loan với sự tham gia của những khí tài hiện đại nhất trong biên chế.
http://biendong.net/bien-dong/35024-nang-cao-nang-luc-tac-chien-dai-loan-tim-cach-so-huu-ten-lua-chong-ham-harpoon-cua-my.html

Hong Kong: Cảnh sát cấm tưởng niệm

nạn nhân Thiên An Môn 1989

Lần đầu tiên sau 30 năm, cảnh sát Hong Kong cấm tổ chức tưởng niệm cuộc đàn áp Thiên An Môn 1989.
Giới chức cho biết quyết định này là do những lo ngại về sức khỏe đối do dịch bệnh virus corona.
Tuy nhiên, có những lo ngại rằng việc này có thể chấm dứt hoàn toàn các lễ tưởng niệm, khi Trung Quốc tìm cách áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hong Kong, quy định việc đe dọa an ninh quốc gia là tội hình sự.
Người chụp hình Thiên An Môn mong dân Hong Kong an toàn
Thiên An Môn: Nhân chứng cuộc thảm sát kể gì?
Thiên An Môn: Nỗ lực xóa bỏ ký ức của Bắc Kinh
Hiện Hong Hong và Ma Cao là hai nơi duy nhất trên lãnh thổ Trung Quốc có thể tổ chức tưởng niệm cuộc đàn áp người biểu tình và ủng hộ dân chủ năm 1989 tại Thiên An Môn.
Liệu lễ tưởng niệm Thiên An Môn có được phép tiến hành ở Hong Kong vào năm tới hay không – khi luật mới nhắm vào những gì Bắc Kinh coi là khủng bố và lật đổ tại Hong Kong rất có thể sẽ có hiệu lực – vẫn chưa rõ ràng.
Luật an ninh quốc gia đã bị quốc tế chỉ trích gay gắt. Bảy cựu ngoại trưởng Anh kêu gọi Thủ tướng Boris Johnson thành lập một liên minh toàn cầu để phối hợp đáp trả những gì họ gọi là “vi phạm trắng trợn” các thỏa thuận Trung-Anh.
Hong Kong được Anh trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai hệ thống”.
Lee Cheuk Yan, Chủ tịch Liên minh Hong Kong Ủng hộ Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc, cho biết lệnh cấm “vô lý” năm nay có nghĩa là cái kết cho nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” của Hong Kong.
Lễ tưởng niệm Thiên An Môn ở Hong Kong là một sự kiện lớn – năm ngoái, các nhà tổ chức cho biết 180.000 người đã nhóm họp trong Công viên Victoria của thành phố. Nhưng cảnh sát nói con số chỉ khoảng dưới 40.000 người.
Liên minh này cho biết mọi người có thể đến Công viên Victoria theo từng nhóm tám người – theo quy định của chính quyền trong vụ dịch virus corona – và cầm nến trong khi tuân thủ giãn cách xã hội.
Ông Lee cũng kêu gọi người dân kỷ niệm cuộc đàn áp Thiên An Môn tại các khu vực khác nhau của thành phố và liên minh cũng sẽ tổ chức một sự kiện trực tuyến trên toàn cầu.
Điều gì xảy ra tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989?
Những người biểu tình ủng hộ dân chủ đã chiếm Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 4/1989 và bắt đầu các cuộc biểu tình chính trị lớn nhất trong lịch sử nhà nước cộng sản Trung Quốc. Các buộc biểu tình kéo dài sáu tuần, với hàng triệu người tham gia.
Vào đêm ngày 3/6, xe tăng tiến vào và quân đội nổ súng, giết chết và làm bị thương nhiều người không có vũ khí trong và xung quanh Quảng trường Thiên An Môn.
Sau đó, chính quyền tuyên bố không ai bị bắn chết tại quảng trường. Ước tính những người thiệt mạng trong cuộc đàn áp khoảng từ vài trăm đến vài nghìn.
Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra một con số chính thức cho bao nhiêu người chết trong vụ Thiên An Môn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52887513

Cắt quy chế đặc biệt cho Hồng Kông,

Mỹ hay Trung Quốc đang ‘can thiệp

vào công việc nội bộ’ của nhau?

Đại Nghĩa
Ngày 29/5/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu lịch sử về quan hệ Mỹ – Trung, trong đó ông tuyên bố Mỹ sẽ cắt bỏ quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông vì chính quyền Trung Quốc áp đặt Luật an ninh quốc gia cho vùng lãnh thổ này (xem toàn văn Bài phát biểu tại đây).
Không chỉ nước Mỹ mà các chính phủ Anh, Canada, Úc cùng hàng trăm chính trị gia trên thế giới và dư luận quốc tế đều phản đối hành động của chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên các quan chức và truyền thông của chính quyền Trung Quốc liên tục phản kích bằng quan điểm “Hồng Kông là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không ai được phép can thiệp”. Vậy có phải là nước Mỹ thực sự “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”?
Hồng Kông: Vấn đề xung đột mới giữa Mỹ – Trung
Năm 1992, sau khi chính phủ Anh và Trung Quốc ký thỏa thuận trao trả Hồng Kông, Nghị viện Mỹ ban hành Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ – Hồng Kông. Nội dung cơ bản của Đạo luật là Hoa Kỳ coi Hồng Kông như một phần tách biệt với Trung Quốc đại lục trong mối quan hệ thương mại, do đó Hoa Kỳ duy trì chính sách ưu đãi về thuế quan và cho phép xuất khẩu công nghệ nhạy cảm. Bởi vì Thỏa thuận Trung – Anh thống nhất rằng Hồng Kông sẽ áp dụng nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, trong đó các lĩnh vực kinh tế, hành chính… vẫn duy trì như dưới thời trực thuộc Anh. Nếu khi Hồng Kông trở nên ít tự chủ hơn, tổng thống Hoa Kỳ có thể thay đổi cách áp dụng Luật.
Năm 2019, sau khi người Hồng Kông biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, Nghị viện Mỹ đã ban hành Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông. Nội dung chính của Đạo luật này là yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm cần đánh giá xem vị thế chính trị của Hồng Kông liệu có thay đổi và dẫn đến không phù hợp với quy chế thương mại ưu đãi của Mỹ hay không. Nói chung, việc ban hành các đạo luật 1992 hay 2019 của Mỹ với Hồng Kông hoàn toàn là công việc của bản thân nước Mỹ trong quan hệ đối ngoại.
Những người biểu tình Hồng Kông cầm cờ Mỹ và khẩu hiệu “Tổng thống Trump, xin hãy giải phóng Hồng Kông” trong các cuộc biểu tình ở thành phố này năm 2019 (ảnh chụp màn hình chia sẻ của báo HKFP trên Twitter).
Như vậy, nói chính xác là chính quyền Trung Quốc mới là bên thực sự đang can thiệp vào công việc nội bộ của nước Mỹ. Nhưng tại sao cách phát ngôn này thường xuyên được chính quyền Trung Quốc sử dụng? Có một thực tế phổ biến là các quan chức Mỹ hầu như không bao giờ hồi đáp lại các phát biểu phản đối kiểu này của chính quyền Trung Quốc, họ cũng không tỏ ra chịu ảnh hưởng bởi những điều đó. Như vậy, các phát biểu này của chính quyền Trung Quốc không thực sự có tác dụng, nhưng tại sao họ vẫn tỏ thái độ rất mạnh về các vấn đề này? Thậm chí Văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông gọi việc Mỹ dự định tước bỏ các ưu đãi với Hồng Kông là “dã man nhất, vô lý nhất và đáng xấu hổ nhất”.
Thực ra, các thể loại phát biểu này của các quan chức chính quyền Trung Quốc, trước hết là dùng để nhắm vào người dân Trung Quốc. Bởi vì với cộng đồng quốc tế nói chung, cách phản đối như vậy không được chấp nhận. Trong khi chính quyền Trung Quốc cần phải liên tục biện minh với người dân Trung Quốc về bất cứ hành động nào bị dư luận quốc tế phản đối. Không chỉ vấn đề Hồng Kông, các hành động như thảm sát sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn, cuộc bức hại những người tập Pháp Luân Công, đàn áp các Phật tử Phật giáo Tây Tạng, giam giữ hàng triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương… Bất kì cá nhân hay tổ chức nào lên tiếng về những vấn đề đó đều nhận được phản ứng gay gắt từ chính quyền Trung Quốc, ngôn luận chủ yếu đều là “không ai được phép can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Biểu tình tại Mỹ là cái cớ “hả giận” của chính quyền Trung Quốc
Đúng vào dịp chính quyền Mỹ tuyên bố chấm dứt quy chế ưu đãi đặc biệt cho Hong Kong, tại Mỹ xảy ra tình trạng biểu tình ở nhiều nơi vì vụ việc một người da màu tên George Floyd bị cảnh sát khống chế dẫn đến tử vong. Các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc tận dụng sự kiện này để công kích dữ dội nước Mỹ. Các kênh truyền thông lớn nhất của chính quyền Trung Quốc như báo Nhân Dân, Truyền hình Trung ương CCTV, Tân Hoa Xã… đều tập trung đưa tin về sự kiện này với các bình luận chế giễu. CCTV bình luận rằng nhân quyền kiểu Mỹ là “đạo đức giả và đáng ghê tởm”, và rằng các chính trị gia Mỹ “nên xin lỗi người dân của họ”.
Vậy nói như ngôn luận của chính quyền Trung Quốc thì chẳng phải cũng là đang “can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ?”. Phải chăng chính quyền Trung Quốc cũng đang dùng tâm sức để mong muốn cải biến tình hình nhân quyền nước Mỹ? Tất nhiên là không phải, đó là xuất phát từ tâm lý trả đũa, muốn làm cho “hả cơn giận”. Thực chất, chính quyền Trung Quốc luôn hy vọng tình hình nhân quyền các nước, đặc biệt là Mỹ ngày càng tồi tệ, để tiện cho việc biện minh các hành động chà đạp quyền con người tại Trung Quốc. Vậy sự khác nhau giữa các cuộc biểu tình tại Mỹ và Trung Quốc là gì? Chính là cách xử lý của xã hội và đặc biệt là chính phủ hai nước.
Khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đáp lại một dòng tweet của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ bằng câu: “Tôi không thở được” (I can’t breathe) nhằm chế giễu tình trạng biểu tình tại Mỹ. Có người đã “chế giễu nước Mỹ” thêm nữa bằng cách nêu lại vụ án tương tự tại Trung Quốc, cho rằng “cảnh sát Mỹ “phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác”, một là đã để cho người ta quay video khi đang hành động, sau đó lại không tước lại điện thoại. Tiếp nữa không biết bôi nhọ người da đen kia bằng tội danh mua dâm để trước hết hạ thấp nạn nhân. Không biết tìm ra một nhân viên làm việc tạm thời để gánh tội, không xóa bình luận, không huy động dư luận viên để định hướng công chúng”. Đây chính là “quy trình” thông thường mà hệ thống chính quyền ĐCSTQ thực hiện với các vụ việc tương tự.
Một cư dân mạng so sánh 2 vụ tương tự nhau ở Mỹ và Hồng Kông, trong đó hai người đàn ông đều tử vong sau khi bị cảnh sát dí cổ. Ở Mỹ (bên trái), 4 sỹ quan có liên quan đã bị sa thải, FBI điều tra vụ việc. Ở Hồng Kông (bên phải), cảnh sát chỉ nói rằng “đó là dùng lực thích đáng”.
Cách ứng xử của chính phủ và xã hội Mỹ khác biệt căn bản là ở chỗ, thông tin hay quan điểm về vụ việc dù tốt xấu thế nào đều được công khai. Chính phủ (hành pháp) cũng chỉ là một trong ba lực lượng quyền lực trong hệ thống chính trị tam quyền phân lập, vì bên cạnh còn có tư pháp và lập pháp. Hơn nữa, loại quyền lực thứ tư chính là truyền thông báo chí, trong thực tế hoạt động cũng có sức mạnh và tính độc lập. Do vậy, quan điểm hay thông tin về mỗi vụ việc phải qua quá trình vận động ở một môi trường tự do mới có thể chứng minh được tính đúng đắn. Hơn nữa cái gọi là đúng đắn đó cũng có tính tương đối, cũng thường chỉ là điều được chấp nhận một cách phổ biến. Có nghĩa là khi người ta tìm thấy một điều hợp lý hơn thì cái cũ sẽ bị thay thế.
Ngay trong những ngày biểu tình tại Mỹ, người Mỹ vẫn hành xử rất đa dạng với nó. Vẫn có cảnh đốt phá, nhưng vẫn có những người dân tự giác đi thu dọn, có nhiều nhóm cảnh sát trấn áp hành động quá khích, nhưng có nhiều cảnh sát quỳ gối biểu thị đồng cảm với người biểu tình, thậm chí đi diễu hành cùng họ.
Cư dân mạng chia sẻ hình ảnh cảnh sát Mỹ quỳ gối trước những người biểu tình phản đối cái chết của George Floyd (ảnh chụp màn hình Twitter).
Do vậy, cho dù nước Mỹ trong hàng trăm năm qua cũng có vô số biến động, nhưng về cơ bản tất cả các nhóm người tại Mỹ đều thực hiện được quyền và trách nhiệm của mình. Và do đó xã hội Mỹ vẫn vận động theo hướng tích cực. Trong khi tại Trung Quốc tất cả mọi tiếng nói khác biệt với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều bị đàn áp, ngay cả các cơ quan lập ra như quốc hội, tòa án, báo chí cũng đều chỉ nói thay cho ĐCSTQ. Người ta chỉ cần hình dung tất cả tại Mỹ cũng chỉ do duy nhất đảng Dân chủ hay Cộng hòa quyết định thì không biết nước Mỹ giờ đây ra sao.
Quay lại vấn đề Hồng Kông
Riêng với vấn đề Hồng Kông, quả thực nước Mỹ đã dành cho lãnh thổ này sự ưu tiên đặc biệt trong nhiều năm. Lý do là bởi vì Hồng Kông xứng đáng được ưu tiên khi môi trường tự do, luật pháp nghiêm minh, là môi trường thuận lợi cho kinh tế quốc tế phát triển. Bản thân nền kinh tế Trung Quốc đại lục cũng hưởng lợi lớn nhất từ Hồng Kông, cho nên nó được coi như “con ngỗng đẻ trứng vàng” cho Trung Quốc. Riêng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc trong nhiều năm qua thường có trên 70% là xuất phát từ Hồng Kông. Vai trò là kênh huy động tài chính quốc tế cho nền kinh tế Trung Quốc thậm chí còn quan trọng hơn.
Chính quyền ĐCSTQ vốn quá quen với độc tài chuyên quyền, do vậy, vừa muốn khai thác triệt để Hồng Kông, lại vừa muốn khống chế người Hồng Kông theo ý mình. Thực tế, hai điều này là không thể cùng tồn tại, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc dù có quy mô lớn thứ hai thế giới, nhưng nhiều nhà đầu tư quốc tế vẫn không dám tin tưởng làm ăn trực tiếp hoàn toàn. Họ thường sử dụng Hồng Kông như một kênh trung gian để làm ăn với đại lục. Giờ đây, khi Hồng Kông đang tiến tới bị khống chế hoàn toàn bởi ĐCSTQ thì vai trò của Hồng Kông sẽ nhanh chóng trở thành như một Thượng Hải hay Thâm Quyến. Theo báo cáo của Heritage Foundation đầu năm 2020, vị trí nền kinh tế tự do nhất thế giới sau 25 năm liên tục của Hồng Kông đã nhường cho Singapore. Khi Hồng Kông không còn giữ được vai trò cầu nối tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế vào Trung Quốc, thì hậu quả lớn nhất đương nhiên Trung Quốc sẽ phải gánh chịu.
Một quốc gia nếu giữ được môi trường tự do về thông tin và tư tưởng, các thành phần trong xã hội được tự do thể hiện mình thì trong dài hạn luôn có tác động tích cực tới các mặt của quốc gia đó. Mở rộng ra trên thế giới, nếu các quốc gia đều chấp nhận sự phản biện về các hành động của mình từ cộng đồng quốc tế, thì trong dài hạn quốc gia đó sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên chính quyền ĐCSTQ là một lực lượng mang theo các đặc tính giả tạo, cường bạo và ích kỉ. Do vậy, nó có thể phong bế đất nước Trung Quốc trong 30 năm để tạo lập quyền lực tuyệt đối, sau đó mở cửa về kinh tế để mở rộng sức mạnh khống chế ra thế giới. Nhưng những đặc tính trên của nó là không thể hòa nhập thực sự được với thế giới. Hồng Kông đã đóng góp quá lớn cho chính quyền Trung Quốc trong mấy chục năm qua, nhưng tâm lý hoang
tưởng về quyền lực tuyệt đối của ĐCSTQ đã làm cho nó mất lý trí. Tất nhiên, khi Hồng Kông bị hủy hoại, kết hợp thêm ảnh hưởng bởi đại dịch và mối quan hệ với nước Mỹ đang xuống dốc thì nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ sẽ lao đao.
Vòng luẩn quẩn: Kinh tế tụt dốc, dân chúng khó khăn dẫn đến căng thẳng, chính quyền tăng cường khống chế vì lo sợ quyền lực tuyệt đối bị ảnh hưởng, mâu thuẫn với khắp thế giới lại càng làm kinh tế tụt dốc. Do đặc điểm cố hữu của chính quyền ĐCSTQ là giả dối, cường bạo và kích kỉ nên nó sẽ không thể đổi thay. Tình hình do vậy có thể nhận định một tương lai đầy u ám với nền kinh tế và chính quyền Trung Quốc.
https://www.dkn.tv/the-gioi/cat-quy-che-dac-biet-cho-hong-kong-my-hay-trung-quoc-dang-can-thiep-vao-cong-viec-noi-bo-cua-nhau.html

Ở lại hay đi? Gặp những người biểu tình ở Hồng Kông

 trốn sang Canada để xin tị nạn

Băng Thanh
Chuyến đi của Carrie đến sân bay quốc tế Hồng Kông không được dễ chịu cho lắm. Mặc dù Carrie đã không ngủ vài ngày nhưng cô vẫn rất cảnh giác, chú ý hơn đến môi trường xung quanh và thận trọng khi đi qua cửa lên máy bay. Chỉ sau khi máy bay cất cánh, cô mới ngủ thiếp đi.
“Tôi chỉ có hai lựa chọn. Tôi phải chạy trốn khỏi Hồng Kông hoặc đối mặt với cuộc đàn áp chính trị”, cô gái 26 tuổi, hiện đang xin tị nạn tại Canada cho biết.
Rời khỏi Hồng Kông đối với Carrie (không phải tên thật) là một quyết định khó khăn. Hoạt động ủng hộ dân chủ của Carrie bắt nguồn từ năm 2012 khi cô cùng với hơn 120.000 người biểu tình phản đối kịch liệt đề xuất của Bắc Kinh đưa chương trình “Giáo dục đạo đức và quốc gia” vào các trường học công ở Hồng Kông. Kể từ đó, cô đã tham gia vào phong trào dân chủ Hồng Kông, bao gồm các cuộc biểu tình quy mô lớn kể từ tháng 6/2019.
“Đôi khi tôi cảm thấy như mình đã phản bội những người bạn cùng tham gia biểu tình với tôi. Nhưng tôi phải thuyết phục bản thân rằng, tôi chọn rời đi để tôi có thể sống vì lợi ích lớn hơn”, cô chia sẻ.
Carrie đã rời khỏi Hồng Kông với một trái tim mệt mỏi và một cơ thể bị thương bởi hơi cay, dùi cui và súng nước. Carrie hiện đang ở Canada để chờ quyết định về yêu cầu tị nạn của cô.
Công ước về người tị nạn năm 1951 đặt ra thuật ngữ “tị nạn” là chỉ những cá nhân không thể hoặc không muốn trở về quê hương do họ chịu “một nỗi sợ hãi có căn cứ về việc bị bức hại vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một nhóm xã hội cụ thể, hoặc quan điểm chính trị”.
Năm 2018, Canada đã trở thành một nhà lãnh đạo thế giới trong tái định cư người tị nạn và nhận 28.100 người trong số 92.400 người tị nạn được tái định cư ở 25 quốc gia. Theo tờ The Globe and Mail, tờ báo ở Canada, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/3/2020, đã có 46 công dân Hồng Kông nộp đơn xin tị nạn tại Canada.
Carrie lo lắng rằng cô sẽ không thể chứng minh với Hội đồng Di trú và Tị nạn Canada (IRB) rằng cô là một người cần được bảo vệ trong phiên điều trần về người tị nạn.
“Tôi nghĩ thật khó để các nước phương Tây tưởng tượng về một xã hội dân chủ sụp đổ và biến thành một nhà nước cảnh sát”, cô nói, với thuật ngữ “nhà nước cảnh sát” được hiểu là một quốc gia mà chính phủ của nó dùng lực lượng cảnh sát để thực hiện các biện pháp độc đoán, kiểm soát cứng rắn và có tính áp bức đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của toàn dân.
“Và tôi nghĩ nó vẫn không thể tin được đối với công dân Hồng Kông nếu chúng tôi không chứng kiến ​​nền dân chủ của chúng tôi suy giảm trong năm qua”, cô chia sẻ.
Leo Shin, giáo sư nghiên cứu và lịch sử châu Á tại Đại học British Columbia ở Canada nói với tờ HKFP rằng, chính phủ Canada nên duy trì và cung cấp tị nạn cho những người có nỗi sợ bị đàn áp tại quê nhà do những quan điểm chính trị của họ.
“Trong khi mỗi đơn xin tị nạn phải được xem xét riêng, chính phủ Canada nên hiểu rằng bầu không khí chính trị ở Hồng Kông đã nhanh chóng xấu đi và không gian cho những người bất đồng chính trị ở đó đang bị thu hẹp nhanh chóng”, ông cho biết.
Hội đồng Di trú và Tị nạn Canada đã đình chỉ tất cả các phiên điều trần trực tiếp cho đến khi có thông báo mới do đại dịch Covid-19. Tương lai của Carrie và nhiều người xin tị nạn khác ở Canada vẫn chưa chắc chắn.
Hiện tại, Carrie tập trung vào việc nâng cao nhận thức của quốc tế về tình hình Hồng Kông trên internet. Cô cũng có kế hoạch làm việc khi nhận được giấy phép làm việc, vì cô có thể quyên góp một phần tiền lương của mình cho các tổ chức phi lợi nhuận ở Hồng Kông và hỗ trợ tài chính cho những người vẫn đang phản đối.
Irene (không phải tên thật) hơi choáng trước cơn bão tuyết khi cô mới đến Canada, nhưng điều làm cô ngạc nhiên nhất là sự đa dạng và hòa nhập xã hội ở quốc gia này. Mặc dù yêu cầu tị nạn của cô đang chờ xử lý, cô hy vọng sẽ tiếp tục việc học của mình, như thế cô có thể hiểu thế nào là sống dưới chế độ dân chủ phương Tây.
Là một sinh viên ủng hộ sự độc lập của Hồng Kông, cô gái 19 tuổi tin rằng điều này sẽ cho phép cô áp dụng kiến ​​thức của mình và đóng góp cho phong trào độc lập trong tương lai ở Hồng Kông.
“Tôi thích sự đa dạng ở đây. Hàng xóm người Iran của tôi sẵn sàng nói chuyện với tôi bất chấp sự khác biệt về văn hóa giữa chúng tôi và ngay cả thợ làm tóc của tôi cũng muốn tìm hiểu thêm về văn hóa Hồng Kông”, Irene nói.
Đối với Sai (không phải tên thật), việc ở Canada cảm thấy không thực tế.
“Nó giống như…một phút trước, bạn đang ăn tối với gia đình và phút sau bạn ở một quốc gia khác trên Thái Bình Dương”, người biểu tình Hồng Kông từng ở tuyến đầu và hiện là người đang xin tị nạn ở Canada cho biết.
Sai chia sẻ rằng, nếu anh không rời khỏi Hồng Kông, anh sẽ phải đối mặt với một cáo buộc có thể kết án anh từ mười năm tù trở lên, và anh sẽ phải trải qua những năm tháng tù tội khủng khiếp.
Những người bạn của Sai ủng hộ quyết định xin tị nạn ở Canada của anh, điều này cho anh thêm sức mạnh để tiếp tục và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, Sai chưa bao giờ ngừng chú ý đến tình hình ở Hồng Kông. Bất cứ khi nào anh đọc tin tức, tình trạng bất ổn xã hội đang diễn ra ở đó khiến anh phải suy nghĩ.
“Chúng ta cần suy nghĩ cẩn thận về hậu quả nếu chúng ta không cống hiến cho phong trào mà chỉ nghĩ về những gì đã lấy đi của chúng ta và những quyền lợi chúng ta sẽ mất trong tương lai”, Sai nói.
“Có những lúc bạn có thể đã làm nhiều hơn cho Hồng Kông để tránh kết quả xấu nhất, nhưng cuối cùng bạn đã không làm điều đó. Và nó sẽ là quá ít quá muộn để đến lúc bạn nhận ra mình đã mất những gì”.
Khi được hỏi về những gì anh nhớ nhất ngoài gia đình và bạn bè, Sai nói anh nhớ cảm giác lái xe dọc bờ biển vào ban đêm.
“Hồng Kông là nhà của tôi. Nó mang lại cho tôi cảm giác xúc động ngay cả khi tôi chỉ đơn giản là đi bộ trên đường phố vào ban đêm”, Sai chia sẻ.
Tương tự như Sai, cả Irene và Carrie đều không thể ngừng nghĩ về quê hương Hồng Kông. Irene nhớ về Hồng Kông với đồ ăn đường phố như chả cá và đi trên xe buýt nhỏ. Mặc dù ở xa nhà, Carrie cho biết trái tim của cô vẫn dành cho Hồng Kông.
“Chúng tôi sẽ không từ bỏ nhà của mình”, Carrie cho biết.
“Tôi hy vọng mọi người ở Hồng Kông sẽ không từ bỏ việc đấu tranh cho dân chủ để những người xin tị nạn như tôi có thể đường hoàng trở về nhà”, cô nói.
Theo HKFP
Băng Thanh dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/o-lai-hay-di-gap-nhung-nguoi-bieu-tinh-o-hong-kong-tron-sang-canada-de-xin-ti-nan.html

Lãnh đạo Hong Kong chỉ trích Mỹ

dùng ‘tiêu chuẩn kép’ về an ninh quốc gia

Lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam hôm thứ ba cáo buộc các chính phủ nước ngoài là dùng ‘tiêu chuẩn kép’, trong phản ứng của họ đối với các kế hoạch của Bắc Kinh, áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, và chỉ ra các cuộc biểu tình tàn bạo của cảnh sát ở Hoa Kỳ.
Trong lần xuất hiện công khai đầu tiên sau khi Washington tuyên bố hủy bỏ quy chế đặc biệt của Hong Kong trong luật pháp Hoa Kỳ để đáp trả các kế hoạch của Bắc Kinh, bà Lam cảnh báo các nước đe dọa hành động chống lại Hong Kong rằng họ có thể làm tổn hại lợi ích của chính họ.
Mất kiên nhẫn với Hong Kong sau các cuộc biểu tình quy mô lớn ủng hộ dân chủ hồi năm ngoái tại đặc khu do Trung Quốc cai trị, chính quyền Bắc Kinh vào tháng trước đã lên kế hoạch để giới thiệu luật giải quyết các tội danh ly khai, âm mưu lật đổ chính quyền, khủng bố và can thiệp nước ngoài.
Các luật này cũng có thể cho phép các cơ quan tình báo Trung Quốc thiết lập cơ sở hoạt động tại trung tâm tài chính toàn cầu.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nói Hong Kong không còn được hưởng quyền tự trị đầy đủ từ Bắc Kinh như Trung Quốc đã hứa lúc vương quốc Anh chuyển giao vùng lãnh thổ Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997, cho biết Hong Kong sẽ không còn được đối xử khác với Trung Quốc trong luật pháp Hoa Kỳ.
Chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh khẳng định các quyền và tự do sẽ được duy trì, trong những phát biểu được bà Lam đồng tình hôm thứ Ba 2/6. đã được Lam nhắc lại vào thứ ba. Bà nói các quan tâm của cộng đồng về vấn đề luật an ninh là có thể hiểu được vì dự thảo về luật này vẫn chưa được hoàn thiện.
Người biểu tình ở Hong Kong chủ yếu đòi quyền phổ thông đầu phiếu và một cuộc điều tra độc lập về cách cảnh sát xử lý các cuộc biểu tình.
Hong Kong, nơi những người biểu tình bác bỏ cách bà Lam mô tả Lam các cuộc biểu tình là bạo loạn, đã không thi hành lệnh giới nghiêm. Cảnh sát đã bị tố cáo là sử dụng vũ lực không cân xứng, nhưng các quan chức đã lên tiếng phủ nhận.
Trong một tuyên bố riêng rẽ, chính quyền Hong Kong cho hay bà Lam sẽ lên đường sang Bắc Kinh vào ngày thứ Tư 3/6 để trao đổi quan điểm của bà về luật an ninh. Tháp tùng trưởng đặc khu Lam có các quan chức đứng đầu Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Teresa Cheng và John Lee, cũng như Cảnh sát trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Chris Tang.
Luật an ninh đã khơi động các cuộc biểu tình ở Hong Kong vào tháng trước, khiến cảnh sát phải bắn đạn cao su vào trung tâm của khu vực tài chính và bắt giữ hang trăm người.
Cảnh sát Hong Kong trong tuần này lần đầu tiên trong 3 thập niên bác đơn xin tổ chức lễ tưởng niệm biến cố Thiên an môn vào ngày 4/6, đánh dấu ngày quân đội nhân dân Trung Quốc nổ súng vào những đám đông biểu tình tại và xung quanh quảng trường Thiên An Môn, viện lý do là những lo ngại về dịch Covid-19, sau khi các ca lây nhiễm mới được báo cáo tại Hong Kong.
Mặc dù vậy, những lời kêu gọi dân Hong Kong hãy thắp nến trên khắp thành phố vào ngày 4/6 và kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình trong suốt tháng 6 cũng đã xuất hiện trên mạng.
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-hong-kong-chi-trich-my-dung-tieu-chuan-kep/5446029.html

TQ chuẩn bị áp đặt Luật an ninh:

Hong Kong sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề

Trung Quốc (21/5) công bố dự luật an ninh Hong Kong, trong đó cấm những hành vi nổi loạn, ly khai và lật đổ. Theo tài liệu dự thảo luật, “các cơ quan an ninh quốc gia có liên quan của chính quyền trung ương sẽ thành lập trụ sở tại Hong Kong khi cần thiết, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia”.
Tác động lớn đến Hong Kong
Về vấn đề kinh tế, luật an ninh có nguy cơ khiến Hong Kong đánh mất vị trí nền kinh tế tự do thứ hai thế giới. Tổ chức có trụ sở tại Mỹ này chỉ ra rằng Hong Kong có được vị thế như vậy nhờ các mức thuế không đáng kể, thêm vào đó là những khu vực miễn thuế, dòng vốn tự do và chế độ pháp trị minh bạch. Nghiêm trọng hơn, Mỹ năm ngoái thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, yêu cầu Bộ Ngoại giao hàng năm phải xem xét mức độ tự trị của thành phố. Nếu đánh giá của Bộ Ngoại giao cho thấy chính quyền Bắc Kinh đã áp đặt nhiều quyền kiểm soát hơn với đặc khu, Washington có thể tước trạng thái thương mại đặc biệt của Hong Kong, đặc quyền giúp thành phố không phải chịu các mức thuế mà Mỹ áp với Trung Quốc, đồng thời được hưởng những ưu đãi khác về kinh tế, thương mại.
Theo nhận định của giới nghiên cứu, với việc hơn 1.300 công ty Mỹ đang hoạt động ở Hong Kong, mối đe dọa đối với trạng thái thương mại đặc biệt của thành phố “có thể ảnh hưởng tới lòng tin thương mại”. Điều này có thể khiến Hong Kong mất sức hút như một cửa ngõ đầu tư vào Trung Quốc.
Về hệ thống tư pháp, Luật an ninh do quốc hội Trung Quốc thông qua có thể ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống tư pháp. Những chi tiết trong dự thảo luật an ninh Hong Kong không chỉ hình sự hóa hành vi”làm phản, ly khai, nổi loạn và lật đổ” nhắm vào chính quyền trung ương, luật này còn cho phép các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc lập văn phòng tại đặc khu để “tiến hành các nhiệm vụ liên quan để bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật”. Do đó, nó sẽ tác động trực tiếp đến hệ thống tư pháp độc lập và các quyền tự trị của Hong Kong. Các quyền này được quy định trong Luật Cơ bản, văn kiện được
xem như “tiểu hiến pháp” của Hong Kong và được bảo đảm nhờ Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984 về phương án quản lý đặc khu.
Bên cạnh đó, Luật an ninh mới có thể giúp chính quyền có thêm phương án kiềm chế phe đối lập tại Hong Kong vào thời điểm họ thấy phù hợp. Luật cũng mở đường để lực lượng an ninh Trung Quốc hoạt động công khai và rộng rãi hơn tại Hong Kong. Theo giới chuyên gia, hệ thống tòa án ở Hong Kong, vốn hoạt động riêng biệt với Trung Quốc đại lục, có thể gặp khó khăn khi thực thi luật an ninh mới. Dù vận hành theo cơ chế riêng, tòa án Hong Kong không có quyền ra phán quyết đảo ngược luật này, bởi Quốc hội Trung Quốc là cơ quan duy nhất có quyền “giải thích” cho bất kỳ vấn đề hiến pháp nào. Sự mơ hồ, bối rối do những điều luật mới tạo ra và các “cuộc chiến pháp lý” kéo dài nhiều khả năng diễn ra tại tòa án có thể gây tổn hại danh tiếng của nền tư pháp Hong Kong.
Về lập pháp, Luật an ninh còn có thể dẫn đến sự thay đổi với cơ quan lập pháp Hong Kong, nơi các nghị sĩ không có quan điểm thân Bắc Kinh chiếm khoảng 1/3 số ghế. Những năm gần đây, nhiều nghị sĩ bị trục xuất khỏi cơ quan này, trong khi một số ứng viên bị ngăn cấm. Với luật mới, chính quyền Hong Kong được cho là có thêm quyền để loại bỏ các nghị sĩ đối lập, thậm chí truy tố họ vì cản trở ban hành luật pháp, đặc biệt trên cơ sở an ninh quốc gia.
Về vấn đề truyền thông, các nhóm nhà báo tại Hong Kong từ lâu đã lên tiếng về sự kiểm duyệt ngày càng gắt gao, trong bối cảnh áp lực từ Bắc Kinh gia tăng. Một số hãng thông tấn và đài truyền hình ở đặc khu đã thuộc về chủ sở hữu Trung Quốc đại lục. Các nhà báo quốc tế cũng chưa biết hoạt động tác nghiệp trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng ra sao khi luật an ninh mới có hiệu lực. Hiện nay, họ được tự do làm việc tại Hong Kong, không phải bận tâm đến vấn đề visa hay những hạn chế khác như các đồng nghiệp tại Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, sự kiểm soát mới đối với Hong Kong có thể khiến nhiều hãng truyền thông rời thành phố.
Mục đích của Trung Quốc
Luật an ninh Hong Kong được cho là sẽ giúp Trung Quốc ngăn chặn, kìm hãm những cuộc biểu tình quy mô như hồi năm ngoái ở đặc khu. Theo đó, từ vài năm nay, giới chức Trung Quốc liên tục bày tỏ thất vọng và giận dữ trước cái mà họ cho là “tình trạng an ninh yếu kém” tại đặc khu Hong Kong. Các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra hồi năm ngoái càng làm tăng thêm nỗi thất vọng đó, khiến giới lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm ngăn chặn những gì họ mô tả là mối đe dọa khủng bố, ly khai, lật đổ và lôi kéo.
Ngoài ra, cuộc bầu cử hội đồng lập pháp Hong Kong vào mùa thu này còn mang tới cho phe ủng hộ dân chủ cơ hội giành nhiều ghế hơn trong chính quyền, đủ để ngăn cản nỗ lực thông qua dự luật an ninh của chính quyền đặc khu. Đây chính là một trong những lý do khiến chính quyền trung ương Trung Quốc đặt vấn đề về luật an ninh Hong Kong ở thời điểm hiện nay.
Xu hướng tình hình sẽ xấu đi
Ngoài dự luật an ninh, Trung Quốc được cho là sẽ xem xét thảo luận trở lại dự luật dẫn độ. Điều này sẽ gây lo lắng cho các công ty đa quốc gia hoặc nhóm khởi nghiệp. Họ có lẽ cũng e dè trước nguy cơ Bắc Kinh cải tổ hệ thống tư pháp và ngân hàng Hong Kong.
Giới chuyên gia dự đoán phản ứng của cư dân Hong Kong với luật an ninh sẽ rất dữ dội, có thể khiến làn sóng biểu tình trỗi dậy một lần nữa. Hôm 24/5, hàng nghìn người chặn đường và hô khẩu hiệu phản đối chính quyền, khiến lực lượng an ninh phải triển khai xe bọc thép, vòi rồng và phun hơi cay.
Được biết, Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 và có quyền tự viết cũng như điều chỉnh luật của riêng mình theo công thức “Một quốc gia, hai chế độ”. Điều 23 Luật Cơ bản của Hong Kong nêu rõ đặc khu “sẽ tự ban hành luật” để giải quyết các vấn đề an ninh. Nhưng Luật Cơ bản đồng thời cũng chừa lối để chính quyền trung ương bổ sung các điều luật nhằm kiểm soát đặc khu với một số điều kiện nhất định. Quyền lực này nằm trong tay Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, cơ quan lập pháp đang họp tại Bắc Kinh.
http://biendong.net/bien-dong/35031-tq-chuan-bi-ap-dat-luat-an-ninh-hong-kong-se-chiu-anh-huong-nang-ne.html

Quân đội TQ sẽ tăng cường năng lực

đối phó với Mỹ và phương Tây

Mỹ đã tăng cường đàn áp và ngăn chặn Trung Quốc kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Cuộc đối đầu chiến lược Trung – Mỹ đã bước vào thời kỳ nguy cơ đối đầu cao. Chúng ta phải tăng cường tinh thần chiến đấu, dám chiến đấu, giỏi trong chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu để thúc đẩy sự ổn định.
Phát biểu trong một cuộc thảo luận bên lề kỳ họp thứ 3, khóa 13 của Đại hội Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC), Bộ trưởng Quốc phòng Nguỵ Phương Hoà cảnh báo cuộc đối đầu chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington đang bước vào giai đoạn nguy cơ đối đầu cao, quân đội Trung Quốc cần tăng cường tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Theo ông Ngụy Phượng Hòa, Mỹ đã tăng cường đàn áp và ngăn chặn Trung Quốc kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Cuộc đối đầu chiến lược Trung – Mỹ đã bước vào thời kỳ nguy cơ đối đầu cao. Chúng ta phải tăng cường tinh thần chiến đấu, dám chiến đấu, giỏi trong chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu để thúc đẩy sự ổn định.
Trong khi đó, người đứng đầu bộ phận vũ khí thuộc Lực lượng Không quân PLA, ông Zhu Cheng cho biết sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và phương Tây trong không gian, môi trường mạng, biển sâu và các lĩnh vực sinh học đang gia tăng; đồng thời kêu gọi đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ cải tiến và phát triển cách mạng công nghệ trong nước và lấp lỗ hổng chiến lược do mất vị thế cạnh tranh với Mỹ và phương Tây qua các thế hệ. Ông Miao Hua, sĩ quan hải quân và người đứng đầu bộ phận công tác chính trị của PLA, cũng nêu tên Mỹ trong phát biểu của mình. Theo ông Miao Hua, căng thẳng giữa hai nước đã gia tăng kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Theo nhận định của giới truyền thông, các sĩ quan Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) rất ít khi đề cập tên các quốc gia hoặc khu vực cụ thể trong các bình luận của mình, tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Loan.
Trước đây, tại Đối thoại ShangriLa 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (2/6/2019) cũng đã đưa ra các tuyên bố cứng rắn, khẳng định quân đội Trung Quốc “không sợ đối đầu với những kẻ vượt lằn ranh đỏ” ở khu vực; tái khẳng định quan điểm của Trung Quốc rằng “các nước dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, đều là các thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế”. Bên cạnh đó, ông Ngụy đánh giá tình hình ở Biển Đông nhìn chung ổn định, tích cực nhưng “một số nước ở ngoài khu vực” đến Biển Đông để “phô diễn sức mạnh dưới danh nghĩa tự do hàng hải”, nhấn mạnh Bắc Kinh cam kết giữ gìn hòa bình và ổn định khu vực, “không bao giờ theo đuổi chủ nghĩa bá quyền”. Về thương chiến Mỹ – Trung, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cho rằng, “mâu thuẫn thương mại bắt đầu từ phía Mỹ và nếu Mỹ muốn đàm phán, chúng tôi sẽ luôn mở rộng cửa. Nếu họ muốn chiến đấu, chúng tôi sẵn sàng đến cùng”. Về vấn đề Đài Loan, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố “nếu ai đó muốn tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài chiến đấu bằng mọi giá vì sự thống nhất đất nước”.
Tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 9, ông Ngụy Phượng Hòa (21/10/2019) đã nêu quan điểm của Trung Quốc về các vấn đề của Trung Quốc và quốc tế. Theo ông Ngụy, “Trung Quốc là nước lớn duy nhất trên thế giới vẫn chưa thực hiện được hoàn toàn thống nhất đất nước. Giải quyết vấn đề Đài Loan và thực hiện thống nhất hoàn toàn Tổ quốc là xu thế lớn, đại nghĩa, lòng người mong muốn; không có bất cứ ai, bất cứ thế lực nào có thể ngăn cản được”; nhấn mạnh Trung Quốc ra sức thúc đẩy sự phát triển hòa bình quan hệ hai bên eo biển và thúc đẩy tiến trình thống nhất hòa bình Trung Quốc, nhưng chúng tôi quyết không cho phép chấp nhận rủi ro bởi các phần tử “Đài Loan độc lập”, quyết không ngồi nhìn các lực lượng bên ngoài nhúng tay can thiệp. Thống nhất Tổ quốc là con đường đúng đắn, chia tách chỉ là đi vào ngõ cụt.
Liên quan đến tranh chấp với các nước xung quanh, ông Ngụy Phượng Hòa lặp lại luận điệu cũ, xuyên tạc: “Các quần đảo ở Nam Hải (Biển Đông), đảo Điếu Ngư (Senkaku tranh chấp với Nhật Bản) và các đảo chi nhánh của nó đều là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, là vùng đất của tổ tiên chúng tôi để lại, chúng tôi không thể để mất một tấc….Quân đội chúng tôi hoàn toàn tự tin và có năng lực bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, cung cấp hỗ trợ chiến lược để thực hiện sự nghiệp phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa”. Ông Ngụy Phượng Hòa cũng cho rằng “chính sách cây gậy lớn” và “nới dài tay quản lý” không thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào và gây áp lực trừng phạt cũng rất khó đạt được mục đích; Trung Quốc không chấp nhận và không sợ”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo trong quan hệ giữa các quốc gia không thể tránh khỏi việc này việc khác. Có sự khác biệt không đáng sợ. Then chốt là tăng cường tiếp xúc chiến lược và kiểm soát tốt rủi ro. Từ góc độ của các cuộc chiến tranh cục bộ trong thời gian gần đây, việc sử dụng vũ lực không giải quyết được vấn đề, mà dẫn đến gia tăng mâu thuẫn và cục diện hỗn loạn. Chỉ dùng cách kiên trì đối thoại, không đối đầu, đàm phán giải quyết các vấn đề trên cơ sở bình đẳng, mới có thể tránh được những nghi kỵ, xung đột và đi đúng hướng. Bên ngoài can thiệp vào các vấn đề khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, kích động “cách mạng màu” và thậm chí lật đổ chính quyền hợp pháp của quốc gia khác là nguồn gốc gây nên sự hỗn loạn và chiến tranh khu vực.
Trong bài phát biểu, ông Ngụy cũng tái khẳng định: “Sự phát triển của Trung Quốc không gây ra mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào. Dù phát triển đến mấy, Trung Quốc cũng vĩnh viễn không xưng bá, không bành trướng, không mưu tìm phạm vi thế lực”. Được cho là ám chỉ Mỹ, ông Ngụy đã không nêu tên phê phán “có quốc gia bên ngoài khu vực thực hiện chiến lược an ninh hại người, mưu đồ bố trí tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, xây dựng liên minh quân sự nhằm đối phó quốc gia khác, làm gia tăng tính không xác định cho an ninh khu vực; chúng tôi kiên quyết phản đối điều này”.
Tuần trước, Bắc Kinh tuyên bố sẽ mở rộng ngân sách quốc phòng thêm 6,6% trong năm nay bất chấp tình hình kinh tế ảm đạm trong quý đầu. Trung Quốc cho rằng, gia tăng ngân sách quốc phòng là điều cần thiết trước những nguy cơ an ninh xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là từ Đài Loan.
http://biendong.net/bien-dong/35026-quan-doi-tq-se-tang-cuong-nang-luc-doi-pho-voi-my-va-phuong-tay.html

Phản ứng thế giới sau khi TQ thông qua

Nghị quyết về luật an ninh

áp dụng cho Đặc khu hành chính Hong Kong

Ngày 28/5/2020, Quốc hội Trung Quốc (NPC) đã thông qua “Nghị quyết về Thiết lập, Cải thiện Hệ thống Pháp luật và Cơ chế thực thi cho Đặc khu hành chính Hong Kong để Bảo đảm An ninh” được cho là mở đường cho việc ban hành luật an ninh ở Hong Kong, trong đó cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu. Ngay sau khi thông tin trên được công bố, các nước đã ra phản ứng.
Mỹ, Anh, Canada, Australia chỉ trích TQ vi phạm nghĩa vụ với Hong Kong
Mỹ, Anh, Canada và Australia hôm 28/5 đã ra tuyên bố chung “bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc đại lục quyết định áp luật an ninh mới đối với Hong Kong”. Theo tuyên bố, luật mới sẽ “cắt giảm quyền tự do của người Hong Kong, làm xói mòn đáng kể quyền tự trị của Hong Kong cũng như chế độ khiến thành phố trở nên phồn thịnh. Quyết định áp luật an ninh mới với Hong Kong của Trung Quốc đại lục mâu thuẫn trực tiếp với các nghĩa vụ quốc tế của nước này theo các nguyên tắc mang tính ràng buộc pháp lý trong Tuyên bố chung Trung – Anh đã được đăng ký với Liên hợp quốc. Dự luật an ninh sẽ làm suy yếu mô hình một quốc gia, hai chế độ”, tuyên bố chung cho hay. Bốn quốc gia này cho rằng trong lúc thế giới tập trung vào đại dịch toàn cầu, đòi hỏi phải tăng cường niềm tin vào chính phủ và hợp tác quốc tế, động thái rủi ro chưa từng có của Bắc Kinh gây tác động ngược lại. “Chúng tôi cũng vô cùng lo ngại rằng hành động này sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ sâu sắc hiện có trong xã hội Hong Kong”, tuyên bố nêu thêm. “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc hợp tác với chính quyền đặc khu và người dân Hong Kong để tìm ra dàn xếp thỏa đáng, tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc theo Tuyên bố chung Trung – Anh”.
Chính phủ Anh cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về dự luật an ninh cho Hong Kong của TQ
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về dự luật an ninh của Trung Quốc. Chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng dự luật an ninh này có nguy cơ làm suy yếu nguyên tắc một quốc gia hai chế độ”, Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm nay cho hay, thêm rằng Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về vấn đề này tối 27/5. “Các bước do chính phủ Trung Quốc thực hiện đe dọa trực tiếp đến tuyên bố chung Trung – Anh”, người phát ngôn của Thủ tướng Anh nói thêm, đề cập thỏa thuận năm 1984 giữa Anh và Trung Quốc rằng mức độ tự trị cao của Hong Kong sẽ được duy trì trong 50 năm, kể từ khi thành phố được trao trả năm 1997.
Phản ứng của giới chuyên gia học giả các nước
Giới quan sát cho rằng việc luật an ninh Hong Kong được mở rộng, không chỉ nhắm tới cá nhân, mà còn điều chỉnh các tổ chức như cơ quan truyền thông, doanh nghiệp quốc tế có thể là lý do khiến Pompeo
từ chối công nhận rằng Hong Kong vẫn còn duy trì quyền tự chủ. Quyền tự chủ của Hong Kong là điều kiện quan trọng để thành phố này được hưởng trạng thái thương mại đặc biệt với Mỹ, giúp đặc khu không phải chịu các mức thuế mà Washington áp với Bắc Kinh. Nhờ đặc quyền này, thành phố còn được mua các công nghệ nhạy cảm, đảm bảo trao đổi tự do giữa đồng USD và đôla Hong Kong. Cư dân Hong Kong cũng tránh được những hạn chế về thị thực áp dụng cho cư dân Trung Quốc đại lục.
Theo Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong được thông qua cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ có trách nhiệm xác nhận về quyền tự chủ của Hong Kong mỗi năm, nhằm xem xét những ưu đãi đối với đặc khu. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là người quyết định có tước vị thế đặc biệt của Hong Kong hay không. Động thái của Pompeo được đánh giá là bước đi quyết liệt của Mỹ nhằm chống lại nỗ lực gây ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục với Hong Kong, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hậu quả khôn lường cho tất cả các bên. Theo bình luận viên Alex Ward của Vox, bên mất mát nhiều nhất với quyết định này chính là Hong Kong, khi thành phố có thể đánh mất vị thế trung tâm tài chính toàn cầu. “Trạng thái đó thực sự quan trọng đối với nền kinh tế Hong Kong. Rõ ràng nó còn liên quan mật thiết tới khả năng bảo vệ bản sắc riêng biệt của đặc khu”, Jacob Stokes, nhà phân tích về Trung Quốc tại Viện Hòa bình Mỹ, nhận định hồi tuần trước. “Điều trớ trêu là việc tước trạng thái đặc biệt của Hong Kong lại gây tổn thất cho đặc khu thay vì cứu lấy nó”, Daniel Russel, cựu quan chức ngoại giao trong chính quyền Barack Obama, nhận xét. Susan Shirk, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ khác, cũng đồng tình rằng “bên thua lớn sẽ là người dân Hong Kong, không phải các chính trị gia ở Bắc Kinh hay Washington, những người gây ra tình huống khó khăn này”.
Theo bình luận viên Edward Wong của NY Times, việc Hong Kong mất trạng thái đặc biệt cũng sẽ tác động sâu rộng lên thương mại toàn cầu, đồng thời thay đổi cách vận hành của các công ty nước ngoài cũng như chính Trung Quốc. Với hệ thống tư pháp độc lập và thượng tôn pháp luật khá mạnh mẽ, Hong Kong là cửa ngõ cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn làm ăn với Trung Quốc mà không cần bận tâm về các rủi ro chính trị hay luật pháp. Do đó, Bắc Kinh dựa vào “cửa ngõ” này để giao dịch với các nước khác. Nhiều công ty đại lục huy động vốn bằng cách niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong. Vì vậy, lợi ích kinh tế, thương mại của Trung Quốc tại Hong Kong có thể biến mất nếu chính quyền Trump theo đuổi phương án tước trạng thái đặc biệt của thành phố, Ho-Fung Hung, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Johns Hopkins, nhận định.
Bản thân các doanh nghiệp Mỹ cũng có nguy cơ bị tổn hại bởi quyết định này. Trong tuyên bố hôm 26/5, Phòng Thương mại Mỹ, đại diện cho các công ty Mỹ tại Hong Kong, kêu gọi chính quyền Trump “tiếp tục ưu tiên duy trì mối quan hệ tích cực và mang tính xây dựng giữa Mỹ và Hong Kong”. Cơ quan này chỉ ra rằng “những thay đổi sâu rộng” với trạng thái đặc biệt của Hong Kong trong các vấn đề kinh tế và thương mại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả doanh nghiệp Hong Kong và Mỹ, “đặc biệt là các công ty ảnh hưởng tích cực đến những giá trị cốt lõi của Hong Kong”.
Đó là lý do chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ cân nhắc vài lựa chọn khác, thay vì tước bỏ hoàn toàn trạng thái đặc biệt của Hong Kong sau khi luật an ninh được quốc hội Trung Quốc thông qua. Nguồn tin giấu tên của NY Times tiết lộ họ đang xem xét áp thuế với hàng hóa từ Hong Kong, những loại thuế mà trước đây đặc khu được miễn. Julian Ku, giáo sư luật tại Đại học Hofstra, cho rằng Mỹ còn có thể lựa chọn chấm dứt hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, bởi luật an ninh mới khiến hệ thống tư pháp tại thành phố trở nên kém tin cậy hơn, hoặc hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Hong Kong, tương tự quy định với Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, bình luận viên Wong cho rằng bất kể quyết định cuối cùng thế nào, tuyên bố của Pompeo vẫn là thông điệp cực kỳ mạnh mẽ gửi tới Bắc Kinh, đặc biệt khi Washington từng cam kết trừng phạt họ vì những sai phạm khi xử lý Covid-19. Động thái này còn thể hiện sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ với phong trào phản đối chính quyền tại Hong Kong.
Vì vậy, việc Trung Quốc thông qua luật an ninh mới được ví như “đổ thêm dầu vào lửa” trong mối quan hệ vốn đang căng thẳng vì nhiều vấn đề với Mỹ. “Nếu ai đó nhất định gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ quyết tâm thực hiện tất cả biện pháp đối phó cần thiết. Luật an ninh với Hong Kong hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không cho phép nước ngoài can thiệp”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói hôm 27/5. Bình luận viên Ward cho rằng cách Bắc Kinh đáp trả sẽ phụ thuộc vào hành động của Washington sau tuyên bố của Pompeo. Trong khi đó, một số nghị sĩ cảnh báo chính quyền Trump không nên lợi dụng vấn đề Hong Kong làm công cụ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. “Phản ứng của Mỹ trước những hành động của chính phủ Trung Quốc phải kiên quyết, rõ ràng và nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời hỗ trợ các quyền tự do dân chủ tại Hong Kong theo luật pháp quốc tế. Chính sách của Mỹ với Hong Kong không nên trở thành con tốt trong bất
kỳ trò chơi nào giữa Ngoại trưởng Pompeo và Tổng thống Trump với Bắc Kinh”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel tuyên bố.
http://biendong.net/bien-dong/35025-phan-ung-the-gioi-sau-khi-tq-thong-qua-nghi-quyet-ve-luat-an-ninh-ap-dung-cho-dac-khu-hanh-chinh-hong-kong.html

Trung Cộng sắp công bố

vùng nhận dạng phòng không phi pháp ở biển Đông?

Trung Cộng sắp công bố vùng nhận dạng phòng không phi pháp ở biển Đông?
Trung Cộng quân sự hoá đá Subi ở Trường Sa nhằm phục vụ cho ADIZ (SCMP)
Dẫn nguồn tin giấu tên từ quân đội Trung Cộng, tờ South China Morning Post đưa tin Bắc Kinh đang chờ thời điểm thích hợp để thông báo kế hoạch vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phi pháp trên Biển Đông.
Được xây dựng từ năm 2010, ADIZ được đề nghị bao gồm khu vực Pratas (mà Trung Cộng gọi là Đông Sa, ở phía Đông Bắc Biển Đông) cùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Lu Li-Shih, một kỹ thuật viên từ Học viện Hải quân Cao Hùng (Đài Loan) nói rằng việc Trung Cộng xây dựng và phát triển các đảo nhân tạo, đặc biệt là các đường bay và hệ thống radar được xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa trong những năm gần đây, đều nằm trong kế hoạch ADIZ.
Theo một số sỹ quan cao cấp của quân đội Trung Cộng thì Bắc Kinh có kế hoạch tuyên bố ADIZ từ lâu nhưng vì chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về kỹ thuật và cơ sở vật chất nên mới hoãn đến bây giờ.
Theo nhiều chuyên gia quốc tế, việc Bắc Kinh tuyên bố ADIZ ở Biển Đông có thể gây ra xung đột với Hoa Kỳ và các nước lân cận vùng Đông Nam Á vốn đã căng thằng trong nhiều tháng gần đây do các hoạt động khiêu khích của Trung Cộng.
Vùng nhận dạng phòng không là không phận phía trên một khu vực biển hoặc đất không tranh chấp, trong đó thực hiện việc giám sát và kiểm soát các máy bay vì mục đích an ninh quốc gia. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng có vùng nhận dạng phòng không, nhưng nội dung này không được định nghĩa hay quy định ở bất cứ hiệp ước hay tổ chức quốc tế nào.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/trung-cong-sap-cong-bo-vung-nhan-dang-phong-khong-phi-phap-o-bien-dong/

Trung Cộng ra lệnh các hãng quốc doanh

ngừng mua nông sản Hoa Kỳ

Tin Bắc Kinh, Trung Cộng – Theo bản tin của tờ Tin sáng Hoa Nam, chính phủ Trung Cộng đã yêu cầu các hãng nông nghiệp quốc doanh ngừng mua nông sản Hoa Kỳ, trong bối cảnh Bắc Kinh đánh giá lại mối quan hệ hiện nay với Washington, vốn đang căng thẳng vì tình hình Hong Kong.
Các công ty nhà nước của Trung Cộng như Cofco và Sinograin đã được lệnh ngừng mua nông sản Hoa Kỳ, bao gồm cả các sản phẩm chính như đậu nành và thịt heo, theo tờ Tin sáng Hoa Nam dẫn các nguồn tin ẩn danh. Các hãng tư nhân hiện vẫn chưa nhận được lệnh phải ngừng nhập cảng. Sự việc này là dấu hiệu mới nhất cho thấy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có nguy cơ sụp đổ.
Thủ Tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường vào tháng trước cam kết sẽ thi hành thỏa thuận ký vào tháng 1, tuy nhiên, tuyên bố này vẫn không bảo đảm, do căng thẳng Mỹ – Trung đang lên rất cao sau khi Bắc Kinh định siết chặt kiểm soát đối với Hong Kong. Tin tức về việc Trung Cộng ngừng mua nông sản Hoa Kỳ xuất hiện sau khi Tổng Thống Trump vào tuần trước đe dọa sẽ thu hồi diện ưu đãi đặc biệt dành cho Hong Kong và trừng phạt các viên chức đại lục.
Theo giới quan sát, Bắc Kinh hiện đang chờ xem Tổng Thống Trump sẽ làm gì để quyết định các hành động tiếp theo. Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một, Trung Cộng đã đồng ý mua một lượng nông sản Hoa Kỳ trị giá 36.5 tỷ Mỹ kim trong năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch coronavirus đã cản trở kế hoạch
này, khi Trung Cộng chỉ nhập cảng 3.35 tỷ Mỹ kim hàng nông sản từ Mỹ trong tam cá nguyệt đầu tiên của năm 2020, cũng là con số thấp nhất từ năm 2007 đến nay. (BBT)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-ra-lenh-cac-hang-quoc-doanh-ngung-mua-nong-san-hoa-ky/

Tiêu điểm Lưỡng hội: ‘Lý Khắc Cường bày tỏ

sự bất mãn với Tập Cận Bình’

Vũ Dương
Tại “Lưỡng hội” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa qua, điểm nổi bật lớn nhất là Thủ tướng ĐCSTQ Lý Khắc Cường đã nhiều lần công khai bày tỏ “bất mãn” với Lãnh đạo Tập Cận Bình, đến nay vẫn được giới truyền thông bàn luận xôn xao. Đặc biệt là vào ngày bế mạc của phiên họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, nhiều lời nói và hành động của ông Lý Khắc Cường được cho là “trở mặt” công khai với ông Tập Cận Bình, cho thấy chia rẽ giữa Tập và Lý đã thể hiện rõ ra bề mặt.
Buổi họp báo Lưỡng hội ‘ngắn nhất trong lịch sử’
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ĐCSTQ đã bỏ phiếu vào ngày bế mạc của phiên họp để thông qua “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” vốn bị quốc tế lên án mạnh mẽ. Ngoài ra, 4 giờ chiều ngày 28/5, trong buổi họp báo với truyền thông, trả lời câu hỏi của phóng viên của Đài Truyền hình Phoenix, còn được gọi là kênh “Truyền thông Đảng Hồng Kông” (thân Bắc Kinh), phát biểu về “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, ông Lý Khắc Cường đã đưa ra câu trả lời được cho là “ngắn gọn nhất trong lịch sử” chỉ với 118 từ và trả lời vỏn vẹn trong 45 giây.
Ông Lý Khắc Cường bày tỏ, Chính phủ trung ương cần thực hiện “một quốc gia, hai chế độ”, “hỗ trợ” chính phủ đặc khu và Đặc khu trưởng. Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã thông qua quyết định về Luật An ninh Quốc gia, cho thấy Trung ương muốn khiến “một quốc gia, hai chế độ” được ổn định và lâu dài.
Trong lúc trả lời phóng viên, ông Lý Khắc Cường đã ba lần liếc nhìn “câu trả lời chuẩn” trên bàn và từ bỏ cơ hội giải thích với cả thế giới với tư cách là Thủ tướng Trung Quốc. Ông dường như muốn bày tỏ rằng “Luật An ninh quốc gia đó vốn không liên quan gì đến tôi”.
Thời khắc biểu quyết thông qua “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, ông Lý Khắc Cường đã nhấn đèn xanh (biểu quyết ủng hộ) bằng ngón tay giữa, cũng làm dấy lên đồn đoán trên mạng.
Một số cư dân mạng đã đăng tải hình ảnh và bình luận: “Lý Khắc Cường biểu quyết bằng ngón giữa là để phát tín hiệu. Trung Nam Hải, liệu ai biết trước được rằng ĐCSTQ sẽ làm gì trong hai hoặc ba tháng tới, và không ai muốn trở thành tội đồ của lịch sử. Căn cứ vào những điều này cũng không khó phán đoán hàm ý của Lý Khắc Cường”. “Đây là thế tay cả thế giới muốn đưa ra với ĐCSTQ”.
“Ngón tay giữa” của ông Lý Khắc Cường là có ý bày tỏ sự bất mãn, hay là động tác theo thói quen, điều này không cần nghĩ cũng biết, có cư dân mạng bày tỏ dường như nó đã phản ánh nhận thức chung “Tập – Lý bất hòa” của người dân.
Lý Khắc Cường ‘chọc thủng’ giấc mộng phồn thịnh của ông Tập Cận Bình
Cũng trong buổi họp báo cùng ngày (28/5), khi được hỏi liệu nhiệm vụ “xóa đói giảm nghèo” năm nay có thể hoàn thành theo đúng kế hoạch hay không. Ông đã trả lời thẳng rằng, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của Trung Quốc là 30.000 Nhân dân tệ (khoảng 96 triệu Việt Nam đồng), nhưng có đến 600 triệu người thu nhập hàng tháng chỉ tầm 1.000 Nhân dân tệ (tương đương khoảng 3,2 triệu VNĐ). Với 1.000 NDT mà nói, việc thuê trọ tại một thành phố cỡ trung bình còn khó khăn, hơn nữa hiện còn đang trong mùa dịch”.
Ông Lý Khắc Cường còn cho biết thêm, nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo ngày càng nặng nề hơn vì một số người có thể lại rơi vào tình trạng nghèo đói do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện có khoảng 60 triệu người đang sống nghèo đói, sẽ cần nhờ vào trợ cấp an sinh xã hội hoặc các hình thức hỗ trợ khác của chính phủ để tồn tại. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng thêm trong năm nay.
Ông cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng chính phủ Trung ương cần phải đi đầu trong việc “thắt lưng buộc bụng”, cần phải “giảm bớt hơn một nửa những khoản chi không gấp gáp và không cần thiết”, đồng thời ông cũng yêu cầu “tất cả các cấp chính phủ đều phải thắt lưng buộc bụng”. Câu “thắt lưng buộc bụng” xuất hiện nhiều lần trong bài phát biểu được cho là đang “chọc thủng” giấc mộng Trung Hoa “xây dựng một xã hội trung lưu toàn diện” vào năm 2020 do ông Tập đưa ra.
Tại Đại hội toàn quốc của ĐCSTQ lần thứ 19 vào tháng 10 năm 2017, ông Tập Cận Bình tuyên bố xóa đói giảm nghèo được đưa vào thành một mục tiêu chủ yếu và tất cả người nghèo ở nông thôn sẽ thoát nghèo vào năm 2020.
Trong đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán, khi ông Tập Cận Bình tham dự Hội nghị xóa đói giảm nghèo vào ngày 6/3/2020, ông nhấn mạnh một lần nữa rằng đến năm 2020 tất cả những người nghèo ở nông thôn theo các tiêu chuẩn hiện tại phải thoát nghèo theo đúng lịch trình.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo lần này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã phơi bày hiện trạng tồi tệ mà Trung quốc đang phải đối diện.
Kinh tế vỉa hè và kế hoạch ‘Made in China 2025’
Trong “Hai phiên họp”, ông Lý Khắc Cường còn đưa ra những lời phát biểu hiếm hoi rằng, ông đọc được bình luận trên trang web của chính phủ ĐCSTQ, “Khoảng một phần ba trong số đó đều bàn về việc làm”. Ông còn nhấn nút like cho mô hình “kinh tế vỉa hè” ở thành phố Thành Đô, Tứ Xuyên giúp giảm bớt áp lực thất nghiệp.
Được biết, thành phố Thành Đô đã bắt đầu cho phép một số người bán hàng rong di động bố trí quầy hàng trên đường phố, hành vi này trước đây thường được xem là “lấn chiếm lòng đường vỉa hè” và bị cấm. Truyền thông địa phương đưa tin rằng “kinh tế vỉa hè” này đã giúp tạo thêm 100.000 việc làm cho người dân.
Tại buổi họp báo, ông Lý Khắc Cường bày tỏ sự ủng hộ đối với cách làm của Tứ Xuyên. Tuy nhiên nếu đem so với chủ trương dốc sức khôi phục sản xuất, đảm bảo xuất khẩu trong tình hình dịch bệnh, dường như còn cách quá xa mục tiêu lớn “Made in China 2025” mà ông Tập đưa ra.
Về vấn đề này, học giả kinh tế có tài khoản Twitter có tên “Mắt lạnh Tài chính” nhận xét: Kể từ khi bản Kế hoạch tăng trưởng “Kinh tế học Khắc Cường” năm 2013 bị Tập Cận Bình vùi dập, quyền lực của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã liên tục bị thu hẹp, không thể so bì với “Sa hoàng kinh tế” Chu Dung Cơ và còn tồi tệ hơn cả Ôn Gia Bảo. Cho dù dùng ngón giữa bỏ phiếu bầu lần này hay nói sự thật về 600 triệu người có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 Nhân dân tệ, có thể nói đó là một sự phản kháng, tát nước lạnh vào “giấc mộng Trung Hoa” với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành xã hội tương đối thịnh vượng vào năm 2020 của họ Tập. Điều này cho thấy Lý Khắc Cường đã không thể nhịn được nữa, và đấu đá nội bộ có thể sẽ càng gay gắt hơn trong tương lai.
Vài năm trở lại đây, mối quan hệ giữa ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường luôn dấy lên nhiều đồn thổi. Vào thời đầu khi đại dịch viêm phổi bùng phát, ông Lý Khắc Cường đã đến tâm dịch Vũ Hán làm Tổng chỉ huy và hướng dẫn công tác chống dịch, nhưng thực tế hiếm thấy tờ báo nào đăng. Ngược lại phía chính phủ không ngừng nhấn mạnh ông Tập Cận Bình đã “đích thân chỉ huy, đích thân sắp xếp” công tác phòng chống dịch bệnh. Vào thời điểm đó, đã có những bình luận từ ngoại giới nói rằng ông Lý Khắc Cường bị cho ra ngoài rìa trong việc lãnh đạo cuộc chiến chống lại dịch bệnh.
Theo Zhu Xinrui, NTDTV.com
Vũ Dương dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/tieu-diem-luong-hoi-ly-khac-cuong-bay-to-su-bat-man-voi-tap-can-binh.html

Truyền thông Trung Quốc: Người Hoa ở Đại Lục

 đang ‘cổ vũ’ cho cuộc bạo loạn ở Hoa Kỳ

Băng Thanh
Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), tờ báo tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc vào cuối tuần trước đã liên tục “hả hê” về sự đập phá của những kẻ biểu tình cực đoan ở Mỹ và hôm 1/6 lại tuyên bố thêm rằng, cư dân mạng Trung Quốc đang cổ vũ cho việc “cướp bóc và phá hoại” ở Mỹ.
Ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu còn đi xa hơn nữa khi ví cuộc biểu tình bạo loạn ở Mỹ giống như các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ôn hòa ở Hồng Kông.
Đốt phá và cướp bóc bắt đầu diễn ra ở bang Minnesota của Mỹ vào cuối tuần trước, được cho là để phản đối trước cái chết của cư dân bang là ông George Floyd dưới tay cảnh sát. Bất chấp các sĩ quan cảnh sát ở một số vùng của nước Mỹ tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa nhằm phản đối sự tàn bạo của cảnh sát, những kẻ biểu tình cực đoan đã tham gia phá hủy các doanh nghiệp và nhà ở suốt ngày đêm, bao gồm cả việc đốt cháy một khu nhà ở ở thành phố Minneapolis, thành phố lớn nhất bang Minnesota.
Những kẻ khủng bố cũng để lại những chai chứa đầy xăng và các thiết bị nổ ngẫu hứng (IED) khác trên khắp thành phố Minneapolis, theo Sở cảnh sát thành phố.
“Các cuộc biểu tình và sự hỗn loạn đã lan rộng từ tiểu bang Minnesota của Hoa Kỳ đến phần còn lại của đất nước, và cư dân mạng Trung Quốc đang cổ vũ cho điều này”, ông Hồ Tích Tiến viết hôm 1/6.
“Gần như không có cư dân mạng Trung Quốc nào đồng cảm với các sĩ quan cảnh sát Hoa Kỳ. Thống đốc bang Minnesota, người tuyên bố rằng sự hỗn loạn bị thao túng bởi những kẻ mang ý thức hệ cực đoan và các lực lượng nước ngoài hiện đang bị cư dân mạng chế giễu”, nhà tuyên truyền khẳng định, nhưng “quên” thông báo cho người đọc rằng chính quyền Trung Quốc là nơi cuối cùng quyết định các chủ đề trên mạng xã hội ở nước này.
Trung Quốc được biết tới là một quốc gia kiểm soát chặt chẽ nội dung trên các mạng xã hội của họ, đặc biệt là WeChat và Weibo. Không có bài viết nào chống chính quyền Trung Quốc tồn tại lâu dài trên cả hai mạng xã hội này và nhiều người đăng những bài viết này nhanh chóng biến mất. Một trong những ví dụ nổi bật nhất về điều này là vụ bắt giữ bác sĩ Lý Văn Lượng sau khi ông đưa ra lời cảnh báo về căn bệnh viêm phổi lạ trên WeChat vào cuối tháng 12/2019. Vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc đã phủ nhận rằng chủng mới của virus corona xuất hiện ở Vũ Hán là bệnh lây truyền từ người sang người. Sau khi bị buộc phải đưa ra một lời xin lỗi vì “phát tán thông tin sai lệch”, bác sĩ Lý đã qua đời, được cho là do bị nhiễm Covid-19 vào tháng Hai.
“Các dòng tin nhắn trên Twitter của tôi trong vài ngày qua đã nhận được phản hồi nhiệt tình”, ông Hồ Tích Tiến viết.
Mạng xã hội Twitter được biết là bị cấm ở Trung Quốc, tuy nhiên, các nhà tuyên truyền ưu tú của họ hay còn gọi là đội quân “chiến binh sói” thường xuyên sử dụng Twitter để truyền bá thông tin sai lệch ra toàn thế giới.
Nội dung viết trên Twitter của ông Hồ vào cuối tuần trước phần lớn bao gồm các thuyết âm mưu vô căn cứ rằng, những người biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông đã xâm nhập vào các cuộc bạo loạn ở Minnesota và các nơi khác ở Mỹ. Vào ngày 31/5, ông Hồ tuyên bố rằng phong trào phản kháng ở Hồng Kông là “chủ mưu” của những cuộc bạo loạn ở Hoa Kỳ.
Tại một nơi khác, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), thành viên ưu tú trong đội quân “chiến binh sói” của chính quyền Trung Quốc, người đầu tiên đưa ra ý tưởng về việc quân đội Hoa Kỳ đem chủng mới của virus corona đến Vũ Hán nhưng không có bằng chứng, nói trong cuộc họp báo định kỳ hôm 1/6 rằng Mỹ đang phải đối mặt với các vấn đề chủng tộc.
“Cuộc sống và nhân quyền của người da màu cần được đảm bảo”, ông Triệu cho biết.
Tuy nhiên, vào thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, chính quyền Trung Quốc đã phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội trên toàn cầu, đặc biệt là từ các quốc gia châu Phi, vì nạn phân biệt chủng tộc với người da đen ở thành phố Quảng Châu của nước này. Trong suốt tháng Tư và tháng Năm, đã có nhiều tin tức nói về việc các cơ quan thực thi pháp luật và các doanh nghiệp địa phương sử dụng dịch Covid-19 để lạm dụng và phân biệt đối xử với người da đen.
Các nhà hàng đưa bảng thông báo cho biết họ sẽ không phục vụ người da đen. Chủ nhà trọ bắt đầu đuổi người da đen, nói rằng họ bị nhiễm virus Vũ Hán và các khách sạn từ chối người da đen mặc dù họ có khả năng trả tiền phòng, dẫn đến trên đường phố Quảng Châu đầy những cư dân châu Phi phải ngủ trên mặt đất.
Theo Breitbart
Băng Thanh dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/truyen-thong-trung-quoc-nguoi-hoa-o-dai-luc-dang-co-vu-cho-cuoc-bao-loan-o-hoa-ky.html

Thảm kịch Vũ Hán tái diễn ở Cát Lâm,

thi thể bị ném ra khỏi nhà

Vũ Dương
Thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc do dịch bệnh bùng phát nên chính quyền đã phong tỏa thành phố. Một video được đăng tải trên mạng cho thấy nơi đó có người ném thi thể từ cửa sổ của căn chung cư ra bên ngoài. Hiện tại, rất khó để xác định chính xác thời gian và địa điểm quay phim của video trên. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đại dịch bùng phát ở Vũ Hán, nghe nói có nhiều người dân thành thị đã ném thi thể của người thân chết vì dịch bệnh ra ngoài cửa sổ.
Vào ngày 1 tháng 6, trên mạng có lan truyền 2 video, nói rằng vụ việc xảy ra ở thành phố Cát Lâm, có người đã ném thi thể người nhà đã chết vì dịch bệnh ra ngoài cửa sổ.
Một video trong đó được cho là được quay trong cửa sổ của tòa nhà đối diện với tòa dân cư xảy ra vụ việc. Đoạn video cho thấy một lượng lớn các mảnh vỡ màu trắng không rõ là gì đang nằm rải rác ở phía dưới cửa tòa nhà xảy ra vụ việc. Tại một cửa sổ trên tầng 4 theo đường chéo phía trên cánh cửa, có một người treo ngoài cửa sổ, chỉ còn hai tay hai chân vẫn ở trong cửa sổ. Sau đó, toàn bộ người đột nhiên trở mình rơi xuống phía dưới lầu, và có tiếng người phụ nữ tận mắt chứng kiến kinh hãi hét lên. Các mảnh vỡ rải rác dưới cửa tòa nhà, cho thấy đã có rất nhiều vụ việc tương tự trước đó, do vậy đã thu hút sự chú ý của cư dân nơi đây.
Đoạn video thứ hai được cho là được quay ở cửa sổ tòa nhà dân cư nơi xảy ra vụ việc. Từ góc độ và khoảng cách có thể đoán được rằng người quay video hẳn ở cửa sổ tầng dưới. Video này cho thấy một nhân viên mặc quần áo bảo hộ và hai người đàn ông đeo khẩu trang khiêng thi thể người rơi xuống vào trong một chiếc xe, nhưng không thể xác định liệu đó có phải là xe cứu thương hay không. Ngoài ra hiện trường còn có một người được cho là cảnh sát và hai người đàn ông vây xem.
Từ video có thể đoán được rằng, tư thế của người rơi từ tòa nhà rõ ràng không phải là nhảy lầu tự sát, trong toàn bộ quá trình rơi xuống cũng không có động tác vùng vẫy một cách rõ ràng nào cả.
Thời gian và địa điểm của video trên vẫn chưa được xác định người rơi từ tòa nhà có phải chết vì dịch bệnh hay không. Nhưng đánh giá từ người và hoàn cảnh nơi hiện trường, có thể khẳng định vụ việc xảy ra ở Trung Quốc. Nhân viên có mặt ở hiện trường đều đeo khẩu trang, hẳn là trong khoảng thời gian dịch bệnh bùng phát.
Theo báo cáo công khai, thành phố Thư Lan thuộc quyền quản hạt của thành phố Cát Lâm đã phát hiện lây nhiễm quần thể vào đầu tháng 4, sau đó là đợt bùng phát thứ hai ở thành phố Cát Lâm và tuyên bố phong tỏa thành phố vào ngày 13 tháng 5. Hiện tại vẫn chưa biết liệu thành phố Cát Lâm có phong tỏa các lối ra vào của tòa nhà hay không. Tuy nhiên, theo cách nói của chính quyền địa phương, thành phố Thư Lan đã công bố “tình trạng thời chiến” vào giữa tháng 5 và phong tỏa 1103 tòa chung cư.
Chính quyền ĐCSTQ đã áp dụng “các biện pháp phòng chống dịch bệnh” một cách cực đoan như niêm phong cửa, hoặc thậm chí hàn chết các cánh cửa của tòa nhà và nhà dân, bắt đầu từ thành phố Vũ Hán vốn được xem là nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên và các thành phố khác của tỉnh Hồ Bắc khác. Cư dân bị nhốt trong nhà chỉ có thể dựa vào vật tư tiếp tế từ bên ngoài để duy trì cuộc sống, nhưng không thể ra ngoài để điều trị y tế. Một khi bị nhiễm bệnh, chỉ có thể tự sinh tự diệt.
Ngoài ra, thành phố Vũ Hán do số lượng người chết quá nhiều, nhân viên nhà tang lễ thu dọn thi thể không xuể, nhiều cư dân thành phố đã buộc phải ném thi thể người chết trong nhà ra ngoài. Vào tháng 2 năm nay, có nguồn tin từ phía người dân Vũ Hán cho hay, Vũ Hán thật sự đã có quá nhiều người chết, không ai đến thu dọn thi thể, người nhà lo lắng về việc lây nhiễm, nên đành phải ném thi thể ra khỏi nhà.
Theo Ming Xuan, Epochtimes.com
Vũ Dương dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/tham-kich-vu-han-tai-dien-o-cat-lam-thi-the-bi-nem-ra-khoi-nha.html

Covid-19, kinh tế và ổn định xã hội :

mối lo của Bắc Kinh

Thanh Hà
Vì virus corona Bắc Kinh không thể thông báo mục tiêu tăng trưởng cho năm 2020. « Những bất định do tình tình dịch bệnh và tác động kinh tế toàn cầu » thách thức đà phát triển của Trung Quốc : chính quyền không kiểm soát được tác động về kinh tế dịch Covid-19 gây nên ?
Theo giáo sư Mary Françoise Renard, đại học Clermont Auvergne, với Trung Quốc, đe dọa tiềm tàng « từ ở bên trong » lớn hơn nhiều so với những thách thức trong cuộc đọ sức thương mại với Mỹ hay đe dọa vốn quốc tế rút khỏi Hoa lục
Trong bài diễn văn khai mạc khóa họp Quốc Hội Trung Quốc hôm 22/05/2020, thủ tướng Lý Khắc Cường tránh đưa ra mục tiêu tăng trưởng cho cả năm đồng thời báo động : « Các chỉ số tiêu thụ nội địa, đầu tư và xuất khẩu điều đang giảm sụt ». Trong khi đó « áp lực gia tăng » trên thị trường lao động và « rủi ro về tài chính ngày càng lớn ».
Lần đầu tiên kể từ năm 1990, khi Bắc Kinh bắt đầu công bố dự báo tăng trưởng, toàn cảnh kinh tế Trung Quốc mang màu sắc ảm đạm như vậy. GDP Trung Quốc trong ba tháng đầu năm 2020 sụt giảm 6,8 % do tác động virus corona gây nên.
Theo giới trong ngành, thủ tướng Lý Khắc Cường đã bắn đi một tín hiệu kép : thế giới không thể trông đợi vào tỷ lệ tăng trưởng thần kỳ trên 6 % của Trung Quốc như từ trước tới nay (Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế chờ đợi tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2020 đạt 1,6 %) và Bắc Kinh sẽ không ồ ạt tung ra những kế hoạch hỗ trợ kinh tế như hồi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Để so sánh, Nhật bơm thêm 20 % GDP vào cỗ máy kinh tế nhằm khắc phục hậu quả Covid-19, Mỹ và Đức là 10 %. Ít hơn là Pháp, cũng huy động 5 % GDP. Riêng Trung Quốc tới nay chỉ mới thông báo những biện pháp hỗ trợ tương đương với 2 % tổng sản phẩm nội địa.
Sự khiêm tốn nói trên trái ngược với việc Bắc Kinh đang phô trương thành công đã hạ gục virus corona.
Toàn cảnh u ám
Thống kê chính thức của Bắc Kinh cho thấy tiêu thụ nội địa trong tháng 3/2020 giảm gần 16 % sau khi đã tuột đốc 20,5 % trong hai tháng Giêng và tháng 2/2020. Vào lúc kinh tế Trung Quốc bắt đầu khởi động lại vào cuối tháng 2/2020 thì cũng là lúc các đối tác thương mại quan trọng nhất của Bắc Kinh là châu Âu và Mỹ bắt đầu bị virus corona làm tê liệt.
Xuất khẩu của Trung Quốc giảm 11 %. Theo thẩm định của cơ quan tư vấn Trivium China, trụ sở tại Bắc Kinh, trong 3 tháng đầu năm nay, đã có « không dưới 460.000 công ty vừa và nhỏ bị phá sản ». Hiềm nỗi chính những hãng nhỏ này lại là nguồn nuôi sống 2/3 lực lượng lao động Trung Quốc theo thông tin từ báo kinh tế Tài Kinh (Caixin).
Trả lời đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về Trung Quốc, giáo sư Mary Françoise Renard, giảng dậy tại đại học Clermont Auverge điểm qua về toàn cảnh kinh tế Trung Quốc sau hơn hai tháng hoạt động cầm chừng và gần nửa năm đối mặt với virus corona :
Mary Françoise Renard : « Điểm đầu tiên hết, tính chính đáng của chính quyền Trung Quốc có được là nhờ vào khả năng cải thiện đời sống cho người dân. Dịch Covid-19 lần này đặt Bắc Kinh trước một sự thử thách : đó là làm thế nào để bảo đảm được việc làm cho những thành phần yếu kém nhất trong xã hội, cho hàng trăm triệu người lao động nhập cư trong tình huống rất bấp bênh. Một số nghiên cứu cho thấy virus corona tác động đến khoảng 30 triệu việc làm. Có những người mất việc luôn vì nhà máy đóng cửa, vì hàng quán, các công ty dịch vụ đóng cửa. Chỉ ngày một ngày hai họ mất hẳn thu nhập.
Chính vì vậy Trung Quốc đã thông báo một số biện pháp để nhắm vào những đối tượng như là người lao động từ nông thôn lên thành thị kiếm sống, hay giới tiểu thương. Thí dụ như chúng tôi biết là trong đợt Tết nguyên đán vừa rồi, đã có đến 50 triệu người lao động về quê ăn Tết rồi bị kẹt lại luôn ở quê nhà. Trong hai tháng bị kẹt vì dịch bệnh hoành hành, cả nước đóng cửa, họ hoàn toàn không có lương. Một khi tình hình khả quan hơn, một phần trong số này đã tìm cách trở lại công xưởng, nhưng lương tháng đã bị sụt giảm đáng kể. Còn những người vẫn kẹt ở nông thôn thì gần như là không có thu nhập và phải sống trong tình trạng rất bấp bênh. Tóm lại áp lực lớn nhất đang đề nặng lên Bắc Kinh là vấn đề thất nghiệp.
Điểm thứ nhì gây khó khăn cho Trung Quốc liên quan đến vế tiêu thụ. Câu hỏi lớn nhất đặt ra là liệu rằng dân chúng có dám tiêu xài trở lại hay không. Trong quá khứ, sau khủng hoảng thì dân tình lại vững tâm và lao vào mua sắm. Tuy nhiên lần này, từ hơn hai tháng qua chỉ số tiêu thụ tăng chậm hơn nhiều so với mong đợi. Đành rằng lĩnh vực hàng hạng sang, rất cao cấp đã được khởi động lại, nhưng nhìn chung, công luận vẫn lo sợ dịch bệnh tái phát, họ sợ kinh tế lại có nguy cơ bị bế quan tỏa cảng. Hậu quả kèm theo là dân chúng khá chi li trong việc chi tiêu và lo để dành tiền tiết kiệm ».
Mối lo bất ổn xã hội
RFI : Thống kê chính thức cho thấy hàng chục triệu người mất việc vì Covid-19, hàng trăm ngàn hãng nhỏ của tư nhân khánh tận. Thêm vào đó tiêu thụ nội địa không khởi sắc trở lại như mong đợi, xuất khẩu thì bị đóng băng vì các đối tác thương mại chính của Trung Quốc cũng phải đối mặt với đại dịch. Trong hoàn cảnh này chính phủ có thể làm được những gì để tháo gỡ bế tắc ?
Mary Françoise Renard : « Để tháo gỡ bế tắc, chính phủ bắt buộc phải can thiệp. Vấn đề đặt ra là Trung Quốc đã mang nợ khá nhiều thành thử cũng phải cân nhắc, tránh để xảy ra kịch bản vì muốn hỗ trợ kinh tế mà làm phương hại tới hệ thống tài chính, ngân hàng. Trung Quốc đang cần phục hồi khu vực sản xuất, nên đã khuyến khích các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh đầu tư nhưng thực sự ở mọi cấp, Trung Quốc đang vừa làm vừa nghe.
Bài toán càng thêm nan giải khi mà nhu cầu tiêu thụ và dây chuyền sản xuất của thế giới cũng bị chựng lại vì virus corona đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp Trung Quốc. Bởi như đã biết, Trung Quốc chiếm một vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu ».
RFI : Khi mà các đầu máy tăng trưởng, từ sản xuất, xuất khẩu đến tiêu thụ đều bị đóng băng, thất nghiệp tăng mạnh : liệu đây có là một mối đe dọa tiềm tàng đối với ổn định trong xã hội Trung Quốc ? Phải chăng đây là lý do vì sao Bắc Kinh thường che giấu tỷ lệ thất nghiệp ?
Mary Françoise Renard : « Vâng, đây chính là lý do vì sao bảo vệ việc làm là trọng tâm chính sách vực dậy kinh tế được thủ tướng Lý Khắc Cường trình bày trước Quốc Hội trong phiên khai mạc hôm 22/05/2020. Cũng cần nói thêm là trợ cấp thất nghiệp tại Trung Quốc rất thấp. Đa phần những người bị sa thải tự động đi tìm việc khác chứ không để tốn thời gian khai báo và xin trợ cấp của Nhà nước làm gì. Cho nên tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc cao hơn nhiều so với các thống kê chính thức. Nhưng bảo rằng tỷ lệ thất nghiệp được Bắc Kinh giữ kín như một bí mật quốc gia thì không đúng. Thêm một điểm nữa là cho dù Trung Quốc có một guồng máy kiểm soát an ninh rất chặt chẽ với những biện pháp đàn áp lợi hại, nhưng nếu quyền lợi cốt lõi của người dân bị tổn thất quá lớn, đến đường cùng thì người dân cũng sẽ xuống đường  biểu tình ».
“Không có chuyện vốn quốc tế ồ ạt rút khỏi Hoa Lục”
RFI : Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ- Trung gia tăng với khủng hoảng y tế. Cộng đồng quốc tế ngày càng thận trọng với Bắc Kinh. Nhiều quốc gia khuyến khích doanh nghiệp trở về nguyên quán hay ít ra là bắt đầu xét lại một số những ưu tiên trong chiến lược phát triển công nghiệp… Điều đó có nghĩa là trong tương lai một số tập đoàn quốc tế sẽ di dời cơ sở khỏi Hoa Lục. Phải chăng đây mới là thách thức lớn về lâu dài ?
Mary Françoise Renard : « Theo tôi, có một sự nhầm lẫn giữa hai việc khác nhau, nhưng sẽ không có chuyện các cơ sở rút lui khỏi Trung Quốc để quay trở về nguyên quán. Thứ nhất dịch Covid-19, cho thấy quốc tế lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, kể cả trong một số lĩnh vực chiến lược như là dược phẩm, y tế. Từ trước đại dịch đã có rất nhiều tiếng nói kêu gọi Âu – Mỹ cần có một chính sách phát triển công nghiệp độc lập. Tuy nhiên đừng quên rằng tuyệt đại đa số các công ty phương Tây sang Trung Quốc làm ăn đều là những hãng tư, họ có quyền mở địa bàn hoạt động ở bất cứ nơi nào, miễn là làm ăn có lãi. Chính phủ chỉ có thể đưa ra một chính sách chung, đưa ra những biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp chuyển vốn đầu tư về lại nguyên quán … Nhưng đây là  là một vấn đề chính trị, hay thậm chí là chính sách chung, như trong trường hợp của châu Âu …
Điểm thứ hai : chúng ta chớ nuôi ảo vọng là sau đại dịch lần này các tập đoàn công nghiệp ồ ạt quay trở lại Âu Mỹ, bởi là các doanh nghiệp tư nhân luôn chạy theo lợi nhuận và sẽ đi tìm những bãi đáp mới thay thế cho Hoa lục nhưng cũng với những điều kiện ưu đãi (nhân công rẻ, giá thành thấp …) Trong số này, Ấn Độ hay Việt Nam đang được đánh giá cao. Bắc Kinh phần nào lo ngại đầu tư của nước ngoài rút khỏi Hoa lục. Tuy nhiên, từ trước tới nay, sở dĩ Trung Quốc có sức hấp dẫn lớn, một phần do đây là một thị trường với tiềm năng cao. Thậm chí đó là thị trường năng động hơn ở Âu Mỹ. Vậy thì không có lý do gì để các công ty nước ngoài di dời cơ sở về lại Mỹ hay châu Âu. Sau cùng việc di chuyển cơ sở gây ra nhiều chi phí tốn kém, hơn nữa cần có nhiều thời gian để thiết lập những mối quan hệ đối tác … Tất cả những yếu tố đó đều sẽ phải được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi một công ty muốn rời khỏi Trung Quốc ».
RFI : Cảm ơn giáo sư Mary Françoise Renard, chuyên gia về Trung Quốc tại đại học Clermond Auvergne.
Vào lúc Bắc Kinh  hy vọng nhanh chóng « thoát khỏi » khủng hoảng phần lớn các nghiên cứu quốc tế đều loại trừ khả năng đà phục hồi sẽ « nhanh chóng ». Trả lời tờ Financial Times giáo sư Michael Pettis, đại học Bắc Kinh cho rằng đà phục hồi của Trung Quốc giờ đây đang ở trong tay hơn 1,4 tỷ người tiêu dùng tại nước đông dân nhất địa cầu. Dù vậy tới nay tiêu thụ tại Trung Quốc chỉ mới là lực đẩy đem về 39 % GDP.
Để so sánh, theo Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, tại các nước đang phát triển khác và công nghiệp tiên tiến, tiêu thụ chiếm từ 50 đến hơn 60 % tổng sản phẩm nội địa.
http://www.rfi.fr/vi/kinh-t%E1%BA%BF/20200602-covid-19-kinh-t%E1%BA%BF-v%C3%A0-%E1%BB%95n-%C4%91%E1%BB%8Bnh-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-m%E1%BB%91i-lo-c%E1%BB%A7a-b%E1%BA%AFc-kinh

Campuchia bác tin cho Trung Quốc đặc quyền

dùng căn cứ hải quân

Lãnh đạo Campuchia tuyên bố là Trung Quốc không được cho sử dụng độc quyền căn cứ hải quân ở bờ biển phía nam nước này và tàu chiến từ các nước, trong đó có Mỹ, đều được hoan nghênh cập cảng.
Thủ tướng Hun Sen đáp lại các tin tức và quan ngại của Washington rằng Bắc Kinh được trao các quyền ưu tiên sử dụng tại căn cứ Hải quân Ream ở vịnh Thái Lan.
Phát biểu tại một buổi lễ xây một con đường tại thành phố biển Sihanoukville, ông Hun Sen nói ông vừa mới nhận được thông điệp của các đại diện nước ngoài tại Campuchia về vấn đề này.
Ông nhắc lại phủ nhận của ông hồi năm ngoái sau khi tờ Wall Street Journal loan tin một dự thảo của một thỏa thuận được các giới chức Mỹ trông thấy sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream trong 30 năm, có thể cho quân đội đồn trú, chứa vũ khí và cho tàu chiến đậu.
Ông Hun Sen nói rằng Hiến pháp Campuchia không cho phép căn cứ quân sự nước ngoài được thiết lập trên đất nước ông nhưng tàu chiến của các nước đến viếng thăm đều được hoan nghênh.
“Nếu tàu chiến của một nước được phép neo đậu tại căn cứ hải quân của chúng tôi, thì tàu chiến của nước khác cũng có thể neo đậu dược. Chúng tôi không đóng cửa đối với bất cứ ai,” ông nói.
Ông Hun Sen nêu câu hỏi về lợi ích Bắc Kinh có được khi có một căn cứ tại Campuchia trong khi Trung Quốc đã có những căn cứ tại Biển Đông.
Nhiều nhà phân tích tin rằng quyền đặt căn cứ tại Campuchia sẽ nới rộng tầm chiến lược quân sự của Trung Quốc một cách đáng kể, và nghiêng cán cân quyền lực ở khu vực theo cách sẽ làm áp lực lên các nước liền kề trong ASEAN vốn có các mối quan ngại an ninh đứng về phía Mỹ nhiều hơn.
Ông Hun Sen cũng nói Campuchia mở rộng vòng tay để tham dự các cuộc tập trận chung với tất cả các nước, nhưng sẽ chỉ được thực hiện sau khi đe dọa của virus corona đã qua. Camphchia chỉ bị virus ảnh hưởng nhẹ, theo các con số chính thức.
Vào năm 2017, Campuchia thông báo với Mỹ là hủy bỏ cuộc tập trận chung thường niên năm đó và năm kế tiếp. Cuộc tập trận này chưa được tái tục. Campuchia tổ chức tập trận chung với Trung Quốc vào tháng 3 năm nay giữa lúc cuộc khủng hoảng virus corona đang gia tăng.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác chính trị thân thiết nhất của Campuchia. Sự hậu thuẫn của Trung Quốc tạo điều kiện cho Campuchia bất chấp những quan ngại của các nước phương Tây về thành tích nhân quyền và những quyền chính trị tồi tệ của nước này. Đổi lại, Phnom Penh thường ủng hộ lập trường địa chính trị của Bắc Kinh tại các diễn đàn quốc tế về những vấn đề như tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông.
https://www.voatiengviet.com/a/campuchia-b%C3%A1c-tin-cho-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BA%B7c-quy%E1%BB%81n-d%C3%B9ng-c%C4%83n-c%E1%BB%A9-h%E1%BA%A3i-qu%C3%A2n/5445437.html

Malaysia chuẩn bị trục xuất ồ ạt di dân bất hợp pháp

Minh Anh
Do dịch bệnh, Malaysia áp dụng lệnh phong tỏa từ ngày 18/3/2020. Hình ảnh những lao động di dân sống trong cảnh chung đụng lộn xộn đang khơi dậy sự oán thù.
Sau một loạt các vụ bắt giữ ồ ạt, các trại tập trung ngày càng trở nên quá tải và ba trong số này đã trở thành ổ dịch. Chính quyền Malaysia bắt đầu lập kế hoạch trục xuất những lao động di dân này về nguyên quán và yêu cầu sự trợ giúp của các nước có liên quan.
Từ Kuala Lumpur, thông tín viên Gabrielle Maréchaux giải thích :
« Hãy giúp chúng tôi trả những lao động không giấy tờ về nước các bạn ». Lời nhắn này đã được Malaysia gởi đến nhiều nước Nam Á. Vào lúc biên giới còn bị đóng cửa, dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát được, và có ba trại tập trung đã trở thành những ổ dịch, Malaysia nhất mực duy trì chính sách trấn áp.
Từ một tháng nay, gần 2.000 lao động di dân đã bị bắt, và gần 400 người bị phát hiện dương tính với virus corona chủng mới. Nhưng ngay từ tuần này, một số người đã bị trục xuất về nước. Khoảng 4.800 người Indonesia sẽ bắt đầu ra về, với điều kiện là số người này có xét nghiệm âm tính với Covid-19, như tuyên bố của Jakarta. Tiếp theo là di dân xứ Nepal và Bangladesh, với sự hợp tác của các nước sở tại.
Những quốc gia khác hiện vẫn chưa cho biết lập trường. Nhất là tình hình ở Miến Điện có nguy cơ gây ra vấn đề do một tiền lệ. Theo khẳng định của một nhà ngoại giao Miến Điện, để giải phóng chỗ cho
các trung tâm ở Malaysia, vào trung tuần tháng Năm, 400 di dân bị trả về Rangoon, năm người trong số này phát hiện dương tính virus corona ngay khi về đến nước.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200602-malaysia-chu%E1%BA%A9n-b%E1%BB%8B-tr%E1%BB%A5c-xu%E1%BA%A5t-%E1%BB%93-%E1%BA%A1t-di-d%C3%A2n-b%E1%BA%A5t-h%E1%BB%A3p-ph%C3%A1p

Ấn Độ tuyên bố sẽ bảo vệ “danh dự”

 trong cuộc tranh chấp biên giới với Trung Cộng

Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh cho biết Ấn Độ sẽ không để quốc gia “bị tổn thương danh dự” trong vụ tranh chấp biên giới mới nhất với Trung Cộng, nhưng vẫn quyết tâm giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán giữa các nước láng giềng khổng lồ.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào cuối ngày thứ Bảy (30/5), ông Singh cũng cho biết rằng Ấn Độ từ chối lời đề nghị hòa giải của Tổng thống Trump. Hàng trăm binh sĩ Ấn Độ và Trung Cộng tham gia vào cuộc đối đầu mới nhất tập trung ở khu vực Ladakh của Ấn Độ ngay đối diện Tây Tạng. Hai quốc gia này có nhiều tranh chấp dọc theo biên giới 3,500km của họ. Hai quốc gia đối đầu nhau trong một cuộc chiến ở biên giới vào năm 1962 và thường xuyên nảy sinh tranh chấp kể từ đó, mặc dù không có phát súng nào được bắn từ những năm 1970.
Căng thẳng mới nhất nổ ra vào ngày 9 tháng 5 khi hàng chục binh sĩ Trung Cộng và Ấn Độ bị thương trong các trận ẩu đả và ném đá ở tiểu bang Sikkim. Nhiều binh sĩ Ấn Độ hiện vẫn đang nằm bệnh viện.
Cuộc tranh chấp chính hiện đang diễn ra ở Ladakh, tập trung quanh thung lũng Galwan, nơi kiểm soát việc tiếp cận một số điểm chiến lược trên biên giới Himalayas của họ. Hai bên đổ lỗi cho nhau, nhưng các nhà phân tích cho rằng việc Ấn Độ xây dựng các con đường mới trong khu vực có thể là nguyên nhân gây tranh chấp. Cả hai bên đều gửi quân tiếp viện và trang bị hạng nặng đến khu vực. (BBT)
https://www.sbtn.tv/an-do-tuyen-bo-se-bao-ve-danh-du-trong-cuoc-tranh-chap-bien-gioi-voi-trung-cong/

Tình trạng suy giảm di dân đẩy nền kinh tế thịnh vượng

của Úc đến bờ vực suy thoái


Tin từ SYDNEY, Úc – Ba thập niên thịnh vượng của Úc đã đột ngột kết thúc khi đại dịch coronavirus toàn cầu phá hủy một trong những nguồn thu nhập hấp dẫn nhất của Úc: đó là di dân.
Đất nước này thành công trong việc cai quản đại dịch và mở lại nền kinh tế trị giá 2 ngàn tỷ Úc kim (1.33 ngàn tỷ mỹ kim), một phần nhờ đóng cửa biên giới sớm. Nhưng chính sách này dẫn đến tình trạng dừng nhập cư hàng loạt – một nguồn nhu cầu tiêu thụ, lao động và tăng trưởng chính – trong một nền kinh tế đang phải đối mặt với cuộc suy thoái đầu tiên kể từ đầu những năm 1990.
Tổng lượng nhập cư, bao gồm cả sinh viên quốc tế và những người có visa lao động lành nghề, dự kiến sẽ giảm 85% trong năm tài chính đến tháng 6 năm 2021, dẫn đến hạn chế nhu cầu về mọi thứ từ xe hơi và bất động sản đến giáo dục và nhẫn cưới.
Ông Gurmeet Tuli, chủ nhân một cửa hàng trang sức ở ngoại ô Parramatta, Sydney, cho biết công việc kinh doanh của ông bị tổn thương trong một khu phố nơi hàng chục ngàn di dân cư trú. Di dân quan trọng đối với Úc đến mức các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng suy thoái vào năm ngoái nếu không có những người mới đến để thúc đẩy mức tăng trưởng dân số.
Nhà kinh tế trưởng Shane Oliver của AMP Capital ước tính rằng mức gia tăng dân số trong những năm gần đây thúc đẩy nền kinh tế thêm khoảng một điểm phần trăm mỗi năm. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tinh-trang-suy-giam-di-dan-day-nen-kinh-te-thinh-vuong-cua-uc-den-bo-vuc-suy-thoai/

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.