Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 01/06/2020

Monday, June 1, 2020 5:23:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 01/06/2020

Phi thuyền không gian Dragon Capsule

cặp an toàn với trạm không gian quốc tế

Các phi hành gia Hoa Kỳ Doug Hurley và Bob Behnken đã cặp vào Trạm Không gian Quốc Tế (ISS) trên phi thuyền Dragon Capsule của công ty SpaceX. Hai phi hành gia đã chờ đợi ở bên ngoài ISS để kiểm tra rò rỉ khí và áp lực không khí trước khi có thể rời khỏi Dragon Capsule và tiến vào bên trong trạm ISS.
Dragon Capsule được phóng vào ngày thứ bảy (30 tháng 5) tại Florida. Đây là lần đầu tiên một phi thuyền được phóng lên quỹ đạo từ lãnh thổ Hoa Kỳ kể từ khi chương trình không gian của quốc gia này phải tạm ngừng gần 9 năm trước. Nhiệm vụ này cũng đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới khi Cơ quan Hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA) mua và sử dụng dịch vụ vận tải ngoài không gian từ các công ty tư nhân, cũng như không tiếp tục sở hữu và điều hành những phi thuyền đến ISS.
Theo BBC, Dragon Capsule được xác nhận đã cặp an toàn lúc 14 giờ 16 GMT vào chủ nhật (ngày 31 tháng 5), sớm hơn dự tính trước đó một chút. Hồi năm ngoái, SpaceX từng thử nghiệm một chuyến bay lên ISS với phi thuyền Dragon Capsule, nhưng lúc đó hành khách duy nhất trên phi thuyền là một hình nộm.
Vì quá trình bay và cập vào trạm ISS là hoàn toàn tự động, công việc chính của phi hành gia Hurley và Behnken trên phi thuyền là kiểm tra tất cả các hệ thống và báo cáo lại cho các kỹ sư dưới đất.
Hiện tại, SpaceX và NASA muốn nhanh chóng chuyển sang giai đoạn tiếp theo của hợp đồng trị giá 2.6 tỷ mỹ kim, đó là 6 chuyến bay thương mại, với chuyến đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 8. (BBT)
https://www.sbtn.tv/phi-thuyen-khong-gian-dragon-capsule-cap-an-toan-voi-tram-khong-gian-quoc-te/

SpaceX: Rồng của Mỹ bay vào vũ trụ,

tầm nhìn và ý nghĩa

Nguyễn GiangBBC News Tiếng Việt
Sau 19 giờ bay trong capsule mang tên Dragon, được điều khiển gần như tự động hòa toàn, hai phi hành gia Doug Hurley và Bob Behnken đã cập vào Trạm Không gian Quốc tế (ISS) an toàn.
Sự kiện này đã được đánh giá là bước ngoặt trong ngành hàng không vũ trụ của nhân loại vì nhiều lý do, và ý nghĩa chính trị, kinh tế của nó cũng rất lớn.
SpaceX và Elon Musk lần đầu đưa phi hành gia Nasa lên vũ trụ
Tỷ phú Nhật đáp SpaceX lên Mặt Trăng
TQ, châu Âu và tham vọng lên Mặt Trăng định cư
Tôi muốn nói điều đầu tiên là về thành công của dự án SpaceX và tàu vũ trụ nhỏ Dragon và các điểm mới so với những chương trình trước.
Ba điểm mới của hàng không vũ trụ
1. Giá thành thấp hơn
Sau khi ngưng chương trình Phi thuyền Con thoi (Space Shuttle program) năm 2011, Hoa Kỳ phải thuê tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đưa người và hàng hóa, vật dụng lên không trung. Giá thuê ‘một ghế bay’ là 86 triệu USD.
SpaceX của triệu phú – nhà đầu tư sáng chế Elon Musk ký với Cơ quan Hàng không Không gia Mỹ (Nasa) hợp đồng hạ giá thành xuống chừng 55 triệu cho một phi hành gia bay lên không gian.
2. Vai trò của kinh tế tư nhân
Không chỉ có giá rẻ hơn, việc để một công ty tư nhân đóng vai trò chính trong hoạt động khai thác không gian vũ trụ là điều chưa từng xảy ra.
Khi Hoa Kỳ và Liên Xô cùng ký Hiệp ước Không gian Bên ngoài (Outer Space Treaty) vào năm 1967, chuyện thám hiểm không gian là của hai chính phủ.
Ngày nay, Trung Quốc cũng đặt trọng tâm chạy đua vào không gian và Quân Giải phóng (PLA) đóng vai trò chủ chốt.
Chuyến bay đưa người vào vũ trụ của công ty SpaceX đem lại vinh dự lớn cho ông Elon Musk, người Cộng hòa Nam Phi, năm nay 48 tuổi.
Năm ông 42 tuổi, công ty của ông được NASA ký hợp đồng 2,6 tỷ USD cho dự án phát triển tàu vũ trụ đủ an toàn để mang người vào vũ trụ.
Xin nhắc các tàu Dragon chở hàng (cargo) đã hoạt động rồi, nhưng tiêu chuẩn cho tàu chở người (human-rated spacecraft) là một đẳng cấp khác, cần công nghệ vật liệu, viễn thông, xử lý năng lượng đạt trình độ cao nhất có thể.
Cũng năm 2014, Nasa trao cho Boeing một hợp đồng 4,2 tỷ USD để chế tạo tàu Starliner cho nhiệm vụ tương tự.
Nay thì ai cũng thấy cá nhân một người trẻ, quốc tịch nước ngoài như Elon Musk làm được điều mà đại tập đoàn Boeing chưa làm được.
Nói thế không có nghĩa là Boeing sẽ không đưa được Starliner vào không gian, và việc “outsource’ (chuyển thuê bên ngoài) dịch vụ hàng không không gian cho hai công ty rất khác nhau cho thấy tầm nhìn của lãnh đạo Mỹ.
3. Thiết kế mới của tàu Dragon
Không rõ ông Elon Musk và Nasa có muốn đoạt hình ảnh rồng – một trong tứ quý của Trung Quốc không mà đặt luôn tên cho dòng tàu vũ trụ thế hệ mới của Mỹ là Rồng (Dragon)?
Điều chắc chắn là Dragon có những tính năng khác phi thuyền con thoi trước đây:
-Dragon bỏ cách dùng phi thuyền có cánh như tàu con thoi (shuttle) và trở lại một phần phương án của thế hệ tàu Apollo nhưng nâng cao. Tàu gắn với ‘trunk’ (thân ống) có pin mặt trời (solar panels), tấm chắn nhiệt và cánh để cân bằng khi bay lên. Cả thân ống và buồng lái có chiều cao 8,1m (26.7ft) và đường kính 4m (13ft).
-Dragon có 16 ống phóng nhỏ (Draco thrusters) để dẫn nó bay trong không gian. Mỗi động cơ Draco có sức đẩy 90 pounds (cân Anh) trong không gian.
-Hoạt động của Dragon là hoàn toàn tự động. Các phi hành gia dùng màn hình touchscreen như iPhone, iPad, để bổ sung thông số mà không còn các nút bấm cơ khí, cần điều khiển kiểu cũ. Thực ra, không có họ trong đó thì con tàu vẫn lên được trạm không gian như các chuyến cargo tự động trước đó.
-Dragon có khoang thoát hiểm kể cả ở giai đoạn vừa rời bệ phóng, để khi cần thì phi hành gia ‘bật dù’ bắn ra ngoài và đáp xuống đất, hệt như một số phim viễn tưởng.
-Phần tên lửa đẩy có thể dùng lại, và nếu rơi xuống biển, SpaceX chuẩn bị sẵn một bệ đỡ trên tàu thủy không người, dạng drone ship để đón. Việc này tiết kiệm cho họ hàng triệu đô. Tàu Dragon vừa bay lên là hoàn toàn mới như SpaceX dự tính dùng nó ít nhất là ba lần trước khi chỉnh sửa.
Tham vọng ba bước: Không gian, Mặt Trăng và Sao Hỏa
Cuối cùng, không thể không nói đến tham vọng của Hoa Kỳ trong cuộc chinh phục, khai thác không gian cùng đối tác, làm sao đi trước đối thủ là Trung Quốc.
Cần phải nói là dù do tư nhân điều hành, SpaceX hợp tác chặt chẽ với Nasa và Bộ Tư lệnh Không gian của Hoa Kỳ.
Space Wing là lực lượng duyệt cho việc phóng tàu vũ trụ. Hai phi hành gia vừa bay lên đều là cựu phi công quân đội. Doug Hurley (sinh năm 1966) là cựu phi công Hải quân Mỹ và là phi hành gia kinh nghiệm của Nasa, từng điều khiển hai tàu con thoi STS-127, STS-135. Robert Behnken (sinh năm 1970)
là phi công chuyên lái thử của F-22 Combined Test Force, và từng là kỹ sư trưởng của dự án Raptor 4004.
Về đối tác, trong quá trình đánh giá an toàn cho chuyến bay vừa qua, Hoa Kỳ mời và tham vấn cùng Nga và Nhật Bản. Đây là chỉ dấu cho thấy việc khai thác không gian sẽ đi theo hướng đó.
Tuy thế, việc phóng thành công Dragon sẽ chấm dứt dần hợp tác với Liên bang Nga, ít nhất là trong việc dùng tàu Soyuz đưa người và hàng lên không gian.
Hợp tác với Nhật Bản, nhất là trong mảng khai khoáng không gian (space mining) sẽ đem lại các nguồn lợi chưa từng có cho Hoa Kỳ, theo các chuyên gia. Không thấy EU có mặt trong dự án vừa qua và Trung Quốc thì đã bị cho là đối thủ cạnh tranh.
Nhiều người hỏi việc phục hồi các chương trình không gian tốn kém có ý nghĩa gì?
Đồng ý là Hoa Kỳ đang có hai khủng hoảng lớn: Covid-19 và xung đột sắc tộc, giai cấp. Nhưng việc bay lên không gian vũ trụ là một thắng lợi lớn, và biết đâu lại chẳng là ‘bước ngoặt toàn diện’ cho kinh tế Hoa Kỳ.
Có hai chủ đề chúng ta cần bàn thêm nhưng theo những gì chúng tôi tìm hiểu thì chương trình không gian của Hoa Kỳ sẽ nhằm vào các mục tiêu sau:
-Mục tiêu Hoàn thiện ngành hàng không không gian để kết nối bình thường Mặt Đất – Trạm Không gian
-Mục tiêu khai khoáng trên Mặt Trăng nơi sản lượng kim loại hiếm có thể coi là ‘vô tận’. Năm ngoái Trung Quốc đã phóng thành công phi thuyền Hằng Nga, đưa xe tự hành Thỏ Ngọc 2 lên vùng tối của Mặt Trăng, nơi họ đặt tên cho một quả đồi là Quảng Hàn Cung, thể hiện ý chí muốn đánh dấu ‘lãnh thổ’ và chuẩn bị cho các dự án về sau. Cuộc đua Mỹ – Trung từ nay chỉ tăng tốc, không giảm.
- Mục tiêu chỉ huy và kiểm soát (Command and Control) về an ninh không gian
Elon Musk, một nhân vật xuất chúng
Tuần trước, mấy người bạn ở Anh chia sẻ trên Facebook vị trí của Trạm không gian quốc tế và hướng dẫn cách nhìn thấy bằng mắt thường từ Anh.
Đúng giờ vào một buổi tối, tôi ra vườn nhìn lên, quả là thấy được ở hướng Đông Bắc ISS trên quỹ đạo, lóe sáng như một vì sao to.
Từ Mặt Đất lên đó… chỉ có trên 400 km nhưng nếu không có những con người đã lên tới đó và còn muốn bay cao hơn thì chúng ta chỉ dừng lại với các vấn đề của Mặt Đất mà thôi. Vấn đề là tầm nhìn, và viễn kiến.
Ở đây, phải nói là có hai viễn kiến cho chinh phục không gian: của những cá nhân xuất chúng như Elon Musk, và của tập thể ý thức hệ: đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hoa Kỳ đã gặp Elon Musk ở hai điểm về hàng không không gian và kế hoạch lên Mặt Trăng. Còn về cạnh tranh quân sự với Trung Quốc thì là việc của chính quyền Mỹ.
Nói như thế không có nghĩa Elon Musk không có có các tham vọng riêng.
Anh đã hướng tới ‘nền kinh tế không gian’ của tương lai: khai thác vệ tinh để phục vụ tự động hóa toàn bộ Mặt Đất.
Elon Musk đã đề ra dự án đưa lên không gian 30 nghìn vệ tinh viễn thông có độ chính xác cao.
Hiện nay tất cả các nước cộng lại đang vận hàng 2200 vệ tinh với nhiều thế hệ khác nhau, nhưng nếu con số khổng lồ kia của Elon Musk trở thành hiện thực, thì các dự án dùng data để điều khiển từng xe hơi không người lái trên mặt đất mới khả thi.
Một tỷ phú khác, Jeff Bezof cũng có kế hoạch tương tự cho công ty Amazon. Các hoạt động này sẽ biến đổi hoàn toàn cách chúng ta hiểu về Internet, về mạng toàn cầu và trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra, Elon Musk còn có giấc mơ đưa người lên Sao Hỏa, bằng con tàu tư nhân anh ta chế tạo.
Một số dự án khác của Musk đã không thành, nhưng anh tin rằng từ nay mai SpaceX sẽ đưa hàng lên Sao Hỏa nay mai để đến 2024 là lên người đầu tiên.
Tôi tin rằng nhiều khả năng đó là người Mỹ, ít ra phải là người như hai phi công dày dạn kinh nghiệm với hàng nghìn giờ bay của Không lực Hoa Kỳ Doug Hurley và Bob Behnken.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52878535

Vụ Minneapolis leo thang, nước Mỹ ‘nghẹt thở’

Bùi Văn PhúGửi tới BBC News Tiếng Việt từ San Francisco, California
Trong tuần vừa qua biểu tình đã nổi lên tại nhiều thành phố lớn nhỏ ở Mỹ, bắt đầu từ Minneapolis – St. Paul (Twin Cities) ở tiểu bang Minnesota, rồi lan ra Denver, Los Angeles, Washington D.C., Austin, Portland, Oakland, San Francisco, Miami, New York.
Những cuộc biểu tình bùng phát khắp nơi bắt nguồn từ vụ việc xảy ra hôm thứ Hai 25/5 ở thành phố Minneapolis, khi cảnh sát viên da trắng Derek Chauvin bắt người đàn ông da đen George Floyd vì tình nghi dùng tiền giả. Chauvin lấy đầu gối đè cổ nạn nhân xuống đất trong 9 phút để sau đó nạn nhân tắt thở, dù Floyd đã nhiều lần kêu lên “Tôi không thể thở” – I can’t breathe.
Vụ George Floyd chết: Tại sao biểu tình biến thành bạo động?
Thống đốc Minnesota: Biểu tình ‘không còn’ là về cái chết của George Floyd
Cái chết của George Floyd: Cựu cảnh sát Derek Chauvin bị khởi tố
Câu nói trên của nạn nhân đã trở thành khẩu hiệu trong các cuộc biểu tình trên nước Mỹ trong tuần qua.
Sự việc được ghi lại qua điện thoại cầm tay, nhưng cảnh sát viên gây chết người không bị điều tra hay truy tố ngay.
Trước sự chậm trễ của văn phòng công tố viên địa phương, người dân Minneapolis đã xuống đường biểu tình đòi công lý cho nạn nhân trong những ngày sau đó và nhiều đêm đã có bạo động, trụ sở cảnh sát địa phương bị đốt, nhiều cơ sở thương mại bị đập phá, trong đó có một số cơ sở do người Việt làm chủ.
Thống đốc tiểu bang Minnesota cùng thị trưởng thành phố Minneapolis họp báo kêu gọi dân chúng tránh có hành vi bạo động và cho biết nhiều kẻ chủ mưu phá hoại, gây bạo động là đến từ những nơi khác.
Đã quá trễ?
Mấy ngày sau cái chết của George Floyd công tố viên mới ra lệnh bắt giam và khởi tố cảnh sát viên Derek Chauvin với tội giết người cấp độ 3.
Nhưng đã quá trễ. Việc đòi công lý cho George Floyd đã làm nổi lên phong trào biểu tình chống kỳ thị và nhanh chóng lan toả ra nhiều nơi.
Trong cuối tuần qua đã có biểu tình diễn ra tại hơn 70 thành phố lớn nhỏ trên toàn nước Mỹ. Nhiều nơi đã có bạo động gây thiệt hại cho các cơ sở thương mại nơi khu phố chính của thành phố.
Tại miền Bắc California, từ thứ Sáu tuần qua đã có biểu tình ở San Jose, San Francisco và Oakland.
Ban ngày các cuộc biểu tình diễn ra ôn hoà, nhưng khi bóng tối phủ xuống thì bắt đầu có bạo động và nhiều cơ sở thương mại lớn như Target, Walgreen, Best Buy, Home Depot bị đập cửa kính, người hôi của tràn vào lấy đồ.
Nhiều nơi trong vùng Vịnh San Francisco đã có giới nghiêm từ tối Chủ Nhật 31/5 cho đến sáng ngày thứ Hai.
Riêng San Jose, Thị trưởng Sam Liccardo ban hành lệnh giới nghiêm từ 8 giờ 30 tối đến 5 giờ sáng trong vòng một tuần lễ, bắt đầu từ tối Chủ Nhật 31/5.
Không như nhiều cuộc biểu tình trước đây ở vùng Vịnh San Francisco trong những năm qua, từ Phong trào 99%, Occupy Wall Street, cho đến biểu tình đòi công lý cho Oscar Grant – một thanh niên da đen bị cảnh sát da trắng bắn chết ở Oakland – tuy cũng có phá hoại cơ sở thương mại, chặn đường xa lộ, những cuộc biểu tình đang diễn ra có nhiều bạo động nhắm vào những cơ sở thương mại lớn và lan ra cả những thành phố nhỏ trong vùng.
‘Bạo loạn, hôi của’
Trong ba đêm cuối tuần qua, các cửa hàng Target, Home Depot, Best Buy, Walgreen, cửa hàng bán xe Mercedes, Honda trong vùng đã bị đập cửa kính để người hôi của tràn vào lấy mọi thứ.
Hình ảnh trên tivi cho thấy nhiều người da trắng dùng gậy sắt, dùng xà beng đập cửa kính các cơ sở thương mại lớn trên phố chính Broadway ở thành phố Oakland trong đêm thứ Bảy.
Tại San Franciso, trung tâm thương mại Union Square cũng có những cửa hàng bị đập cửa kính.
Thành phố bé nhỏ Emeryville ngay cạnh Oakland có các tiệm Best Buy, Trader’s Joe, Bev Mo bị hôi của. Một vài cửa tiệm của người Việt cũng bị ảnh hưởng.
Qua tối Chủ Nhật, nhiều nơi từ Walnut Creek, Pleasant Hill đến San Leandro là những thành phố nhỏ trong vùng với những cửa hàng lớn bị phá và hàng hoá bị dọn sạch.
Khu thương mại của nhiều thành phố trong vùng Vịnh San Francisco nay đều có cửa hàng được bao bọc bằng ván ép vì không biết khi nào sẽ có bạo động xảy đến.
Chuyện cướp bóc như xảy ra trong mấy ngày qua thì không lan tràn trong những lần có biểu tình trước đây và thường tập trung ở San Francisco, Oakland hay Berkeley. Nay đã lan ra nhiều thành phố nhỏ và nhiều nơi đã ban hành lệnh giới nghiêm đêm Chủ Nhật vừa qua.
San Jose với đông người Việt sinh sống đang có lệnh giới nghiêm từ 8 giờ 30 tối đến 5 giờ sáng và kéo dài trong một tuần. Giới chức an ninh hy vọng bảo vệ được khu thương mại Santana Row và Fair Valley Mall trong những ngày tới.
‘Lên án, đổ tội’
Trước tình trạng vô luật pháp và phá hoại, hôi của lan tràn khắp nơi, Tổng thống Donald Trump lên án nhóm ANTIFA (anti Facist) gây ra bạo động và cho đó là một nhóm khủng bố nội địa.
Ông yêu cầu cơ quan FBI điều tra các hoạt động của nhóm.
Đây là nhóm từng hoạt động chống lại chính sách của Tổng thống Trump qua nhiều hành vi bạo động ở Oakland, Berkeley, San Francisco, Los Angeles ở California hay trên Portland ở tiểu bang Oregon. Trong những cuộc biểu tình trước, thành viên của nhóm luôn mặc đồ đen, đeo mặt nạ đen.
Cuối tuần qua đã có biểu tình tại hơn 70 thành phố trên toàn nước Mỹ.
Cảnh sát địa phương không còn kiểm soát được an ninh nên xảy ra tình trạng vô luật pháp với xe bị đốt, cơ sở thương mại bị đập phá, hôi của.
Nhiều nơi có lệnh giới nghiêm từ tối đến sáng và hàng nghìn vệ binh quốc gia đã được lệnh sẵn sàng để bảo vệ an ninh cho khu vực.
Vì lời cứu cầu của người đàn ông da đen George Floyd: “I can’t breathe” – Tôi không thở được – không được cảnh sát viên da trắng Derek Chauvin đáp ứng, nước Mỹ đang rơi vào tình trạng nghẹt thở.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một giảng viên đại học cộng đồng và nhà báo tự do đang sinh sống và làm việc tại vùng Vịnh San Francisco, California.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-52878856

Vụ George Floyd chết:

Tại sao biểu tình biến thành bạo động?

By Helier CheungBBC News, Washington DC
Lệnh giới nghiêm đã được ban bố tại nhiều thành phố ở Mỹ, sau khi làn sóng bất ổn và phản đối lan rộng liên quan đến vụ một người đàn ông da đen tên George Floyd chết khi đang bị cảnh sát khống chế.
Hầu hết các cuộc biểu tình khởi phát một cách ôn hòa – trong số đó có nhiều cuộc vẫn duy trì được tình trạng như vậy. Nhưng có rất nhiều trường hợp người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát, đốt xe cảnh sát, phá hoại tài sản hoặc cướp bóc cửa hàng. Vệ binh Quốc gia đã triển khai 5.000 nhân viên tới 15 tiểu bang và thủ đô Washington DC.
Các chuyên gia đã chỉ ra những nét tương đồng của đợt bất ổn này với các cuộc bạo loạn hồi năm 2011 ở Anh. Trong biến cố ở Anh, sau khi một người đàn ông bị cảnh sát bắn chết, biểu tình đã nổ ra và rồi biến thành bốn ngày bạo loạn, với cảnh cướp phá và đốt nhà diễn ra khắp nơi.
Tại sao các cuộc biểu tình thường lan nhanh – và tại sao một số cuộc trở nên bạo lực?
Phản đối lan rộng khi người biểu tình có đặc điểm chung
Những sự việc như cái chết của Floyd có thể “trở thành điểm châm ngòi bởi vì nó tượng trưng cho một trải nghiệm rộng lớn hơn, liên quan đến số người lớn hơn nhiều, về mối quan hệ giữa cảnh sát và cộng đồng da đen”, Giáo sư Clifford Stott, chuyên gia về hành vi đám đông và chính sách trật tự công cộng tại Đại học Keele, chia sẻ.
Khi có bất bình đẳng về cấu trúc thì đối đầu rất dễ xảy ra, ông nói thêm.
Giáo sư Stott đã nghiên cứu các cuộc bạo loạn năm 2011 ở Anh một cách sâu rộng và phát hiện rằng bạo loạn lan rộng vì những người biểu tình dù ở các thành phố khác nhau nhưng chia sẻ các đặc điểm chung – chẳng hạn họ cùng chung sắc tộc, hoặc vì họ đều không thích cảnh sát.
Điều này có nghĩa là, khi cảnh sát dường như bị áp đảo, người phản đối ở các nơi khác nhau cảm thấy có thêm quyền lực để huy động.
Phản ứng của cảnh sát cũng quan trọng
Biểu tình bạo lực khó xảy ra khi cảnh sát có mối quan hệ tốt với cộng đồng địa phương – nhưng cách họ phản ứng với các cuộc biểu tình cũng đóng vai trò quan trọng, các chuyên gia nói.
Bạo loạn là một sản phẩm của sự tương tác – chủ yếu liên quan đến cách cảnh sát đối xử với đám đông”, giáo sư Stott nói.
Chẳng hạn, ông chỉ rõ, trong một đám đông biểu tình, có khi chỉ một vài người đối đầu với cảnh sát cũng làm khởi phát căng thẳng.
Tuy nhiên, “cảnh sát lại thường phản ứng với đám đông như thể tất cả họ là một khối” – và nếu mọi người cảm thấy việc cảnh sát sử dụng vũ lực chống lại họ là không chính đáng, tâm lý “chúng ta đối đầu với chúng nó” sẽ gia tăng.
Điều này “có thể thay đổi cách mọi người cảm nhận về bạo lực và đối đầu – chẳng hạn, họ có thể bắt đầu cảm thấy rằng bạo lực là hợp pháp trong hoàn cảnh đó.”
Darnell Hunt, trưởng khoa Khoa học xã hội Đại học California ở Los Angeles (UCLA), cho rằng cảnh sát ở Mỹ đã ” thêm dầu vào lửa” trong dịp cuối tuần.
“Triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia, sử dụng đạn cao su và bình xịt hơi cay – các chiến thuật này của cảnh sát có thể làm trầm trọng thêm một tình huống vốn dĩ đã căng thẳng.”
Hình mẫu này xuất hiện trong các cuộc biểu tình khác trên khắp thế giới. Ví dụ, vào năm 2019, Hong Kong đã trải qua bảy tháng biểu tình chống chính phủ, ban đầu chủ yếu là ôn hòa nhưng sau đó ngày càng trở nên bạo lực.
Các chuyên gia chỉ ra một loạt các chiến thuật mà cảnh sát sử dụng được coi là nặng tay – bao gồm cả việc bắn một lượng lớn hơi cay vào người biểu tình trẻ tuổi – đã khiến người biểu tình trở nên hung hãn và đối đầu nhiều hơn.
Giáo sư Stott lập luận rằng các lực lượng cảnh sát được đào tạo kỹ về nghiệp vụ làm giảm căng thẳng có thể giúp tránh nguy cơ bạo lực tại các cuộc biểu tình. Ông nêu ví dụ về một số cuộc biểu tình có thể duy trì được tính ôn hòa vào cuối tuần – chẳng hạn như ở Camden, New Jersey, khi các sĩ quan tham gia cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc cùng cư dân.
Phụ thuộc vào tầm quan trọng của vấn đề
Tâm lý học về đạo đức có thể giúp giải thích nguyên nhân tại sao một số cuộc biểu tình biến thành bạo lực, Marloon Moojiman, giáo sư trợ giảng về hành vi tổ chức tại Đại học Rice, nói.
Ý thức đạo đức của một người đóng vai trò cốt lõi đối với cách họ nhìn nhận bản thân, vì vậy “khi chúng ta thấy điều gì đó là vô đạo đức, nó tạo ra cảm giác mạnh, bởi vì chúng ta cảm thấy nhận thức về đạo đức phải được bảo vệ”.
“Điều này có thể lấn át mối quan tâm về việc duy trì không khí ôn hòa”, bởi vì “nếu bạn nghĩ rằng hệ thống bị hỏng, bạn sẽ thực sự muốn hành động quyết liệt để cho thấy điều đó là không thể chấp nhận.”
Điều này có thể áp dụng cho một loạt các niềm tin – ví dụ, trong một trường hợp cực đoan, một người cho rằng phá thai là hành vi phi đạo đức thì có thể dẫn anh ta tới suy nghĩ rằng việc đánh bom một phòng khám hỗ trợ phá thai là đúng đắn, ông nói.
Nghiên cứu cho thấy các hiệu ứng trên mạng xã hội cũng có thể khiến mọi người dễ bị bạo lực lôi kéo hơn, nếu họ tin rằng đồng nghiệp của họ có cùng quan điểm đạo đức như họ, ông nói thêm.
Đâu là mục tiêu của việc cướp bóc và phá hoại?
Tại Mỹ, hàng trăm doanh nghiệp đã bị thiệt hại khi cướp bóc đã xảy ra tràn lan ở Los Angeles và Minneapolis vào cuối tuần qua.
Tuy nhiên, Giáo sư Stott cảnh báo rằng mặc dù thật dễ dàng để cho rằng bạo loạn và đám đông là “phi lý và hỗn loạn, nhưng không phải như vậy. Đối với người tham gia thì hành động này lại có tính cấu trúc cao và có ý nghĩa”.
“Ở một mức độ nào đó, cướp bóc là một biểu hiện của quyền lực – những công dân da đen có thể từng cảm thấy lép vế trong mối quan hệ với cảnh sát – nhưng trong bối cảnh của cuộc bạo loạn, những kẻ bạo loạn trong giây lát trở nên mạnh mẽ vượt trội cảnh sát.”
Nghiên cứu về các cuộc bạo loạn trước đây cho thấy những nơi bị cướp bóc thường là các doanh nghiệp lớn và việc cướp bóc “thường liên quan đến cảm giác bất bình đẳng của việc sống trong các nền kinh tế tư bản”, ông nói.
Giáo sư Hunt đã nghiên cứu các cuộc bạo loạn năm 1992 ở Los Angeles. Làn sóng bạo lực nổ ra khi bốn sĩ quan cảnh sát da trắng được tha bỏng trong vụ đánh đạp người đàn ông da đen Rodney King. Trước đó, video ghi hình vụ việc được quay lại và phát tán.
Ông nói rằng “việc nhắm mục tiêu, hoặc chọn lọc mục tiêu” trong các cuộc phá hoại và cướp bóc là có một lịch sử lâu dài. “Trong các cuộc nổi dậy ở Los Angeles, bạn thường thấy dòng chữ ‘thuộc sở hữu của cộng đồng thiểu số’ được vẽ trên các doanh nghiệp thiểu số để mọi người bỏ qua.”
Tuy nhiên, cả Giáo sư Stott và Giáo sư Hunt đều cảnh báo rằng việc cướp bóc rất phức tạp – đặc biệt là khi nhiều người có động lực khác nhau tham gia, bao gồm cả những người nghèo, hoặc tội phạm có tổ chức.
Việc cho rằng các cuộc biểu tình bạo lực là có mục tiêu và là hành động có ý nghĩa đối với những người tham gia cũng có thể giải thích tại sao một số cuộc biểu tình thì có xảy ra tình trạng cướp bóc, nhưng những cuộc biểu tình khác thì không.
Chẳng hạn ở Hong Kong, người biểu tình đã đập vỡ cửa sổ cửa hàng, ném bom xăng vào cảnh sát và xâm phạm quốc huy – nhưng không có sự cướp bóc.
Lawrence Ho, chuyên gia về chính sách và quản lý trật tự công cộng tại Đại học Giáo dục Hong Kong, cho rằng điều này xuất phát từ việc những cuộc biểu tình đó được kích hoạt bởi tình hình chính trị và sự giận dữ đối với cảnh sát, chứ không phải do sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng xã hội.
“Hành động phá hoại thường nhằm vào các cửa hàng được coi là có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc đại lục,” Tiến sĩ Ho nói. “Đó là nỗ lực để truyền đi một thông điệp.”
Làm thế nào để ngăn ngừa bạo lực?
Các chuyên gia về trật tự công cộng nói rằng đối với cảnh sát, chìa khóa để ngừa bạo lực là thể hiện hành động công chính cũng như lôi kéo người biểu tình vào các cuộc đối thoại.
“Phương sách tốt nhất là tránh tạo ra tâm lý “chúng ta” và “chúng nó”, và cố gắng tránh cảm giác cảnh sát có thể hành động theo cách mà mọi người coi là bất hợp pháp”, giáo sư Stott nói.
Tiến sĩ Ho cũng cho rằng đàm phán là cách tốt nhất – nhưng đồng thời chỉ ra rằng “một trong những điều khó khăn nhất hiện nay là rất nhiều cuộc biểu tình không có lãnh đạo. Nếu bạn không thể tìm thấy nhà lãnh đạo, bạn không thể đàm phán với họ.”
Một cách tổng quát hơn, ông nói thêm, các chính trị gia có thể làm cho vấn đề tốt lên – hoặc xấu đi – dựa trên cách mà họ đối thoại, và liệu họ có sử dụng các luật pháp khẩn cấp hay không.
Tuy nhiên, cuối cùng, bạo loạn có thể là triệu chứng của căng thẳng sâu rộng và các vấn đề phức tạp vốn không có giải pháp dễ dàng.
Giáo sư Hunt nói các cuộc bạo loạn ở Mỹ tuần này là nghiêm trọng nhất kể từ năm 1968 – sau khi Martin Luther King bị ám sát.
“Bạn không thể nghĩ về sự tàn bạo của cảnh sát, và hồ sơ của một số cộng đồng nhất định, mà không xét đến sự bất bình đẳng tồn tại trong lòng xã hội và kích động những người liên quan”, ông nói.
“Vụ án George Floyd không phải là nguyên nhân – nó chỉ là giọt nước tràn ly. Có thể nói rằng ngay cả các vụ cảnh sát giết người cũng chỉ là triệu chứng bề nổi – nguyên nhân sâu xa là tệ nạn thượng đẳng da trắng, phân biệt chủng tộc và những điều mà Hoa Kỳ đã không xử lý một cách rốt ráo.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52873106

Vụ George Floyd : Biểu tình tại nhiều nơi,

Washington ban hành lệnh giới nghiêm

Minh Anh
Làn sóng phẫn nộ của cộng đồng người Mỹ gốc châu Phi tiếp tục lan rộng sau cái chết của George Floyd, 46 tuổi trong một cuộc can thiệp của cảnh sát. Nhiều cuộc biểu tình và bạo động đã nổ ra tại hơn 70 thành phố ngày 31/05/2020. Washington ban hành lệnh giới nghiêm sau khi nhiều cuộc biểu tình diễn ra trước Nhà Trắng.
Theo số liệu của báo Mỹ New York Times, trong ngày 31/05, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại ít nhất 75 thành phố của Mỹ. Trong tình hình hỗn loan này, hãng tin Pháp AFP cho biết có khoảng 15 bang đã phải cầu viện đến Cảnh vệ quốc gia để bảo đảm an ninh cho các cuộc biểu tình. Nhiều cuộc bạo động đã xảy ra như tại Philadelphia, Dallas, Las Vegas, Seattle, Los Angeles, Chicago hay Washington…
Tại thủ đô của liên bang, thị trưởng Muriel Bowser ban hành lệnh giới nghiêm “từ 23 giờ cho đến 6 giờ sáng thứ Hai 01/06”, đồng thời ra lệnh triển khai Cảnh vệ quốc gia tăng viện cho lực lượng cảnh sát. Bất chấp lệnh giới nghiêm, nhiều cuộc tập hợp phản đối đã xảy ra trước Nhà Trắng trong ngày 31/5, chỉ trích Donald Trump “kích động phân biệt chủng tộc và hận thù”.
Từ Washington, thông tín viên RFI, Anne Corpet tường thuật:
“Không có công lý, không có hòa bình” người biểu tình hô vang. Trước mặt họ, những hàng cảnh sát chống bạo động bảo vệ Nhà Trắng. Ron, một kỹ thuật viên lập trình tin học, cũng là người Mỹ gốc châu Phi, đến biểu tình cùng với người bạn đời.
Anh nói: “Người ta rất tức giận và phẫn nộ. Tôi nghĩ rằng có điều gì đó quan trọng đang diễn ra lúc này. Một số người nói rằng viên cảnh sát giết chết Georges Floyd đã bị kết án nhưng điều này còn rộng hơn cả sự cố hiện nay. Người dân đã quá mệt mỏi vì phải chịu đựng tình trạng lạm dụng và hành động thô bạo mà họ phải hứng lấy một cách bất công”.
Hàng trăm người đã thách thức lệnh giới nghiêm do thị trưởng thủ đô liên bang ban hành và trước 23 giờ, cảnh sát đã bắn những quả lựu đạn hơi cay đầu tiên. Đám đông giải tán, rồi lại tụ tập cho đến khi có đợt bắn kế tiếp. Rồi những kẻ đập phá bắt đầu tham gia, đốt phá xảy ra tại nhiều tòa nhà, nhiều cửa hàng bị đập vỡ kính.
Melania tỏ ra thông cảm với cảnh “tức nước vỡ bờ” này. Cô nói: “Tất cả những gì đang xảy ra chỉ là một tiếng kêu gào đòi hỏi công lý hơn, một lời kêu gọi cho hòa bình thật sự, một lời kêu gọi để mà họ cũng phải được đối xử như một chủng tộc duy nhất, đó là nhân loại.”
Tiếng còi xe hụ một chiếc xe bị phóng hỏa vang khắp cả phố. Cách đó vài bước, Nhà Trắng thông thường được thắp sáng thì nay chìm trong bóng đêm.
Về phần mình, chủ nhân Nhà Trắng trên Twitter gọi những người biểu tình là những “kẻ vô chính phủ”, cam kết “dập tắt bạo lực tập thể”. Theo tờ New York Times, vào lúc có một cuộc biểu tình xảy ra trước cửa Nhà Trắng, nguyên thủ Mỹ đã được các nhân viên mật vụ dẫn đi ẩn náu tại một bunker ngầm dưới lòng đất một ngày trước đó.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200601-v%E1%BB%A5-george-floyd-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-t%E1%BA%A1i-nhi%E1%BB%81u-n%C6%A1i-washington-ban-h%C3%A0nh-l%E1%BB%87nh-gi%E1%BB%9Bi-nghi%C3%AAm

Đáp trả các hành động khiêu khích của TQ,

Hạ viện Mỹ thông qua luật dự luật Duy Ngô Nhĩ

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật mở đường cho chính quyền Mỹ trừng phạt quan chức Trung Quốc liên quan tới các hoạt động nhằm vào người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.         
Ngày 27/5, với 413 phiếu ủng hộ và chỉ 1 phiếu phản đối, Hạ viện Mỹ đã thông qua “Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ”. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố, với dự luật được lưỡng đảng thông qua áp đảo, quốc hội Mỹ đang có bước đi cứng rắn để phản đối hành vi lạm dụng nhân quyền của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ. Do đã được Thượng viện Mỹ thông qua hồi đầu tháng, nên dự luật sẽ tiếp tục được chuyển tới văn phòng Tổng thống Donald Trump để xem xét sẽ quyết định có ký thành luật chính thức hay không.
Dự luật Duy Ngô Nhĩ kêu gọi trừng phạt các cá nhân có liên quan tới việc bắt giữ và đối xử người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng Hồi giáo tại tỉnh Tân Cương, Trung Quốc. Những người này sẽ bị trừng phạt bằng những biện pháp như đóng băng tài sản tại Mỹ và bị từ chối nhập cảnh. Dự luật cũng kêu gọi các công ty và công dân Mỹ đang hoạt động tại khu vực Tân Cương thực hiện các biện pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không bị ảnh hưởng bởi lực lượng lao động “bị cưỡng ép” tại đây. Bí thư Tân Cương, Chen Quanguo, một thành viên của Bộ Chính trị Trung Quốc, bị chỉ đích danh trong dự luật và bị buộc phải chịu trách nhiệm cho “những vi phạm nhân quyền thô bạo” chống lại các nhóm người thiểu số ở Tân Cương.
Theo dự luật mới, Tổng thống Trump sẽ có 180 ngày để lên danh sách các quan chức Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc lạm dụng nhân quyền tại Tân Cương. Những quan chức này sau đó sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ (22/5) thông báo sẽ bổ sung 33 công ty, tổ chức Trung Quốc vào “danh sách đen” trừng phạt kinh tế vì hỗ trợ Bắc Kinh thực hiện những hoạt động đàn áp người Duy Ngỗ Nhĩ. Theo đó, 7 công ty và 2 tổ chức bị Mỹ đưa vào “danh sách đen” vì đã vi phạm nhân quyền, trực tiếp dính líu vào các vụ bắt giữ hàng loạt, cải tạo tập trung người Duy Ngô Nhĩ. Ngoài ra, Bộ Thương Mại Mỹ cũng liệt kê 24 công ty, tổ chức của chính phủ trong danh sách trừng phạt vì đã mua các trang thiết bị, vũ khí để quân đội Trung Quốc sử dụng vào các hoạt động trấn áp người Duy Ngô Nhĩ. Trong đó có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phần mềm nhận diện, vẫn phải mua các chi tiết công nghệ Mỹ. Lọt vào danh sách trừng phạt của Washington còn có CloudMinds, công ty được tập đoàn Softbank hậu thuẫn và đang triển khai một dịch vụ điện toán đám mây giúp vận hành các robot; công ty NetPosa, một trong những công ty về trí tuệ nhân tạo nổi tiếng nhất của Trung Quốc, được cho là có liên quan tới hoạt động giám sát người Hồi giáo tại Trung Quốc. Các đối tượng bị đưa vào danh
sách đen sẽ bị hạn chế mua hàng của Mỹ hoặc các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài theo công nghệ Mỹ.
Bên cạnh đó, Hạ viện Mỹ (12/2019) Mỹ đã thông qua dự luật Sự Can thiệp với người Duy Ngô Nhĩ và Phản ứng Nhân đạo Thống nhất Toàn cầu năm 2019 nhằm mở đường cho việc trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Dự luật thông qua ngày 3/12 được coi là phiên bản sửa đổi đáng kể so với dự luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 9/2019.
Liên Hợp Quốc ước tính hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị bắt giữ tại các trại cải tạo ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận cái gọi là trại cải tạo cũng như cáo buộc ngược đãi, khẳng định người Duy Ngô Nhĩ vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp này là hoàn toàn tự nguyện. Bên cạnh đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố dự luật trên “cố tình bôi nhọ tình trạng nhân quyền ở Tân Cương và làm mất uy tín các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố tại khu vực này”.
Dự luật chắc chắn sẽ đẩy quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc lên nấc thang căng thẳng mới. Trước đó vài giờ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã trình báo cáo lên Quốc hội, trong đó tuyên bố Hong Kong của Trung Quốc đã không còn duy trì được mức độ tự chủ cao trước đại lục. Đây được xem như một động thái mở đường cho việc Mỹ có thể hủy các ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho Hong Kong.
http://biendong.net/bi-n-nong/35016-dap-tra-cac-hanh-dong-khieu-khich-cua-tq-ha-vien-my-thong-qua-luat-du-luat-duy-ngo-nhi.html

Mỹ sắp công bố dự luật cấm đầu tư vào các

công ty Trung Quốc có quan hệ với quân đội Bắc Kinh

Hương Thảo 6 giờ trước lượt xem
Theo Reuters ngày 31/5, một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ thuộc đảng Cộng hòa có kế hoạch công bố một dự luật trong tuần này, để ngăn cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty quốc phòng nước ngoài có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Reuters cho biết thông tin này được thể hiện trong một tài liệu mới nhất mà hãng tin này nhìn thấy. Đây là động thái mới nhất trong một loạt các biện pháp nhằm kiềm chế Mỹ tài trợ cho các công ty có trụ sở tại Trung Quốc.
Các vị dân biểu Mike Gallagher, Jim Banks và Doug LaMalfa là những người có kế hoạch giới thiệu dự luật trên. Dự luật yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin đệ trình một báo cáo lên Nghị viện, trong đó liệt kê các công ty quốc phòng nước ngoài có “hợp đồng đáng kể, có quan hệ hoặc được hỗ trợ từ” quân đội Trung Quốc.
Sáu tháng sau khi Bộ trưởng Tài chính công bố báo cáo, các doanh nghiệp và công dân Mỹ sẽ phải thoái vốn khỏi các công ty được nêu trong báo cáo và sẽ bị cấm đầu tư mới vào những công ty này.
“Một mặt, Nghị viện đang kêu gọi người nộp thuế [Hoa Kỳ] giúp phát triển quân đội của chúng ta để chúng ta có thể cạnh tranh với Trung Quốc. Mặt khác, các quỹ đầu tư lớn của Hoa Kỳ đang đổ tiền vào cơ sở công nghiệp quân sự của Trung Quốc”, Nghị sỹ Banks cho biết trong một tuyên bố. Ông cho rằng Hoa Kỳ cần chấm dứt mâu thuẫn này và ngừng tài trợ cho sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Dự luật của các nghị sỹ Hoa Kỳ được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu mở rộng cuộc chiến thương mại và công nghệ với Trung Quốc sang thị trường vốn.
Hai phe Dân chủ và Cộng hòa trong Nghị viện đã đạt được đồng thuận cao khi thông qua một dự luật khác nhằm trừng phạt chính quyền Trung Quốc về những vi phạm nhân quyền đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. Dự luật này đang được Tổng thống Trump xem xét để ký ban hành.
Nếu ông Trump ký phát đạo luật này, đây sẽ là đòn giáng mạnh mẽ tiếp theo nhắm vào chính quyền Trung Quốc, trong bối cảnh Nhà Trắng vài ngày qua đã công bố hàng loạt biện pháp chống lại những hành vi hung hăng của Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực.
https://www.dkn.tv/the-gioi/my-sap-cong-bo-du-luat-cam-dau-tu-vao-cac-cong-ty-trung-quoc-co-quan-he-voi-quan-doi-bac-kinh.html

Thống đốc California tuyên bố tình trạng khẩn cấp

 ở quận Los Angeles, điều động Vệ Binh Quốc Gia

Tin từ California – Thống đốc tiểu bang California, ông Gavin Newsom tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại quận hạt Los Angeles, đồng thời bố trí Lực lượng Vệ binh Quốc gia khi căng thẳng bùng lên giữa người biểu tình và cảnh sát.
Theo đài NBC Los Angeles, dự kiến 1,000 binh sĩ sẽ đến khu vực Los Angeles vào nửa đêm nay. Trong cuộc họp báo vào hôm thứ Bảy, thị trưởng Garcetti kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và dừng lại một chút, để cho phép lính cứu hỏa dập tắt ngọn lửa, cho phép các cảnh sát thiết lập lại một số trật tự; và để cho họ bảo vệ quyền lợi của người dân.
Theo NBC News, các cửa tiệm trong những khu mua sắm nổi tiếng của L.A., bao gồm khu vực gần Melrose Boulevard và Fairfax Avenue, đều bị cướp bóc suốt cả ngày lẫn đêm.
Vào hôm thứ bảy, LA đã áp đặt một lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố, bắt đầu vào lúc 8 giờ tối, tuy nhiên hàng ngàn người vẫn lờ đi lệnh giới nghiêm này. (BBT)
https://www.sbtn.tv/thong-doc-california-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap-o-quan-los-angeles-dieu-dong-ve-binh-quoc-gia/

Một người đàn ông bị tấn công sau khi nhắm mũi tên

vào những người biểu tình tại Utah

Tin từ Salt Lake City, Utah. – Những người biểu tình ở thành phố Salt Lake đã tấn công một người đàn ông và đốt xe của ông ta sau khi ông ta mang cung tên nhắm vào những người biểu tình đang phản đối cái chết của George Floyd.
Video được chia sẻ rộng rãi trên phương tiện truyền thông xã hội cho thấy người đàn ông đã dương mũi tên trên cung của ông nhắm vào người biểu tình. Video cho thấy một nhóm người biểu tình lao vào ông và bắt đầu tấn công ông ta. Sau đó, họ lật xe của ông và đốt xe.
Trả lời phóng FOX 13 tại địa phương về những gì đã xảy ra, người đàn ông này nói rằng ông ta đã bị hai người đàn ông đánh đập sau khi hô to khẩu hiểu “tất cả sự sống đều quan trọng” (All Lives Matter) từ cửa sổ xe của ông. Sau đó ông rút cung tên ra và ông bị đám đông tấn công.  Ông cho biết cảnh sát đã cứu ông khỏi đám đông nhưng chiếc xe của ông đã bị người biểu tình đốt cháy.
Thống đốc tiểu bang Utah Gary Herbert đã ra lệnh cho Lực lượng Vệ binh Quốc gia Utah can thiệp sau khi những người biểu tình tức giận về cái chết của George Floyd đã trở nên bạo động.  Cuộc biểu tình bắt đầu một cách ông hòa, nhưng trở thành bạo động. Một nhóm người lật chiếc xe cảnh sát và đốt lửa.
Một số người biểu tình đập trứng và viết graffiti trên tường của đồn cảnh sát thành phố Salt Lake. Một số người trong cuộc biểu tình công khai mang theo súng trường, và điều này hoàn toàn hợp pháp ở Utah. (BBT)
https://www.sbtn.tv/mot-nguoi-dan-ong-bi-tan-cong-sau-khi-nham-mui-ten-vao-nhung-nguoi-bieu-tinh-tai-utah/

Phóng viên truyền hình Louisville bị cảnh sát

bắn đạn cao su khi đưa tin trực tiếp

về cuộc biểu tình trên đường phố

Vào tối thứ Sáu (29 tháng 5), một phóng viên của đài truyền hình NBC tại Louisville, Kentucky đã bị cảnh sát bắn đạn cao su vào người khi đang đưa tin trực tiếp về các cuộc biểu tình trên đường phố.
Khi cô Kaitlin Rust, phóng viên của đài WAVE 3, đang đưa tin thì một người đàn ông đeo mặt nạ, mặc áo vest được cho là “cảnh sát” bắt đầu bắn vào cô và một đồng nghiệp. Trước khi xảy ra sự việc này, cộng đồng Louisville vốn đã tức giận vì một cảnh sát từng nổ súng trong một cuộc điều tra ma túy tại nhà của Breonna Taylor, một nạn nhân vô tội trong vụ trình báo nhầm địa chỉ.
Trong tuần này, tình hình càng trở nên căng thẳng hơn sau cái chết của George Floyd – một người đàn ông da đen thiệt mạng khi bị cảnh sát bắt giữ ở thành phố Minneapolis. Đoạn phim ghi lại cảnh phóng viên Kaitlin Rust bị bắn đã được đăng lên Twitter và thu hút hơn 1.5 triệu lượt xem trong vòng một giờ.
Trong đoạn video có thể nghe thấy tiếng cô Rust la lên “tôi bị bắn!” và tiếng hỏi thăm của một người bạn “Katie, có sao không?” Khi được hỏi cảnh sát đã nhắm đến ai khi bắn những viên đạn này, cô Rust cho biết họ nhắm vào cô, nhắm trực tiếp vào nhóm của cô.
Đài WAVE 3 cho hay, cô Rust và nhiếp ảnh gia James Dobson bị đánh và bị thương nhẹ. Cả hai đều đang đứng đằng sau hàng ngũ cảnh sát và không can thiệp vào việc thực thi pháp luật.
Theo đài WAVE 3, cảnh sát Louisville đã thừa nhận một trong những cảnh sát của họ dường như đã nổ súng và sẽ điều tra về việc này. (BBT)
https://www.sbtn.tv/phong-vien-truyen-hinh-louisville-bi-canh-sat-ban-dan-cao-su-khi-dua-tin-truc-tiep-ve-cuoc-bieu-tinh-tren-duong-pho/

Tổng Thống Trump cho biết

sẽ chỉ định tổ chức Antifa là một tổ chức khủng bố

Trong một tweet gởi ra hôm Chủ Nhật, 31 tháng 05, tổng thống Trump cho biết chính quyền của ông sẽ chỉ định hiệp hội lỏng lẻo của những người biểu tình cánh tả, chống phát xít thường được gọi là “Antifa” là một tổ chức khủng bố. Trước đó cùng ngày, tổng thống Trump đã ca ngợi Lực lượng Vệ binh Quốc gia Minnesota vì những nỗ lực giữ an ninh tại các cuộc biểu tình ở tiểu bang này hôm thứ Bảy.
Bộ trưởng tư pháp, William Barr đã lặp lại quan điểm tổng thống về việc các phần tử cánh tả phải chịu trách nhiệm cho những hành động bạo động, cướp bóc và phá hoại trong những ngày gần đây tại các thành phố trên khắp nước Mỹ, từ Atlanta đến Thành phố Salt Lake đến Los Angeles. Theo ông Barr, tham gia vào cuộc bạo động là một trọng tội bị buộc tội ở cấp liên bang.
Trong khi đó, theo bản tin của tờ Independent, các nhà lãnh đạo địa phương ở Minneapolis đã nhấn mạnh rằng những nhóm chủ trương thượng tôn da trắng, và – một số,  có thể là người nước ngoài – cũng chịu trách nhiệm kích động bạo lực tại các cuộc biểu tình tại tiểu bang này. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-cho-biet-se-chi-dinh-to-chuc-antifa-la-mot-to-chuc-khung-bo/

Cảnh sát bắt giữ gần 1,700 người tại 22 thành phố

 trong 3 ngày khi các vụ biểu tình gia tăng

Tin từ Los Angeles, California – Kể từ hôm thứ Năm (28 tháng 5) cho đến nay, cảnh sát đã bắt giữ gần 1,700 người tại 227 thành phố của Hoa Kỳ, khi các cuộc biểu tình về cái chết của George Floyd nổ ra.
Ông Floyd tử vong vào hôm thứ Hai tại Minneapolis sau khi một cảnh sát đè đầu gối lên cổ ông trong hơn 8 phút. Viên cảnh sát trong sự việc, Derrick Chauvin, đã bị bắt vào hôm thứ Sáu và bị buộc tội giết người cấp độ ba. Sự việc gây phẫn nộ khi ông Floyd là người da đen trong khi cảnh sát Chauvin là người da trắng.
Theo hãng thông tấn AP, số vụ bắt giữ kể trên không làm giảm đi các cuộc biểu tình trên khắp Hoa Kỳ vào cuối tuần qua. Hầu hết các cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa, nhưng một số vụ nổ ra với bạo lực. Theo con số thống kê, gần 1,700 người đã bị bắt kể từ hôm thứ Năm. Tuy nhiên, con số thực tế có khả năng còn cao hơn nữa khi các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra vào tối thứ Bảy (30 tháng 5).
Chỉ tính riêng thành phố Los Angeles, đã có 533 người bị bắt giữ tại đây vào hôm thứ Sáu, chiếm hơn một phần ba số vụ bắt giữ cho đến hiện nay.
Thị trưởng của Los Angeles, thành phố lớn thứ hai của Hoa Kỳ, phải áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn thành phố cho đến 5 giờ 30 sáng Chủ nhật (31 tháng 5). (BBT)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-bat-giu-gan-1700-nguoi-tai-22-thanh-pho-trong-3-ngay-khi-cac-vu-bieu-tinh-gia-tang/

Con gái thị trưởng New York bị bắt

trong cuộc biểu tình phản đối cảnh sát

Con gái của thị trưởng Bill de Blasio là một trong số gần 790 người bị bắt ở thành phố New York kể từ khi bùng ra các cuộc biểu tình phản đối cái chết của ông George Floyd hồi tuần trước, báo chí Mỹ đưa tin hôm 1/6.
Một quan chức thực thi pháp luật cho hãng tin AP biết rằng cô Chiara de Blasio, 25 tuổi, bị bắt tối ngày 30/5.
Tờ New York Post cho biết đã có được biên bản bắt giữ, theo đó cô con gái của thị trưởng Bill de Blasio từ chối tuân theo lệnh của cảnh sát là phải rời một đường phố ở Manhattan vì người biểu tình ném các vật dụng.
XEM THÊM:
Mỹ: Các cuộc biểu tình ‘Tôi không thở được’ chưa hạ nhiệt
Cô Chiara de Blasio, vốn sinh ra trong gia đình có mẹ da đen và bố da trắng, sau đó đã được trao trát hầu tòa và được thả.
Ông Bill de Blasio không đề cập tới vụ bắt giữ trên trong cuộc họp báo hôm 31/5, theo Time. Phát ngôn viên của tòa thị chính không đưa ra bình luận tức thời về vụ việc.
Một đoạn video cho thấy ông George Floyd bị ngạt thở khi bị một cảnh sát da trắng quỳ lên cổ ở Minneapolis, gây ra nhiều cuộc biểu tình tại các thành phố lớn của Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/con-g%C3%A1i-th%E1%BB%8B-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-new-york-b%E1%BB%8B-b%E1%BA%AFt-trong-cu%E1%BB%99c-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t/5444090.html

Biểu tình đông người ở Mỹ

gây khó thêm cho công tác kiểm soát Covid-19

Các cuộc biểu tình nổ ra trên toàn quốc trong tuần qua – và phản ứng của cảnh sát đối với họ – đang đe dọa nỗ lực của cơ quan y tế trong việc theo dõi và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, theo hãng tin AP hôm 01/06.
Các chuyên gia y tế gần đây yêu cầu những người mới bị nhiễm bệnh nên ghi nhớ và kể lại tất cả mọi người mà họ đã tiếp xúc trong nhiều ngày trước đó để cảnh báo cho những người khác về nguy cơ bị phơi nhiễm và ngăn dịch bệnh lây lan thêm.
Hãng tin AP dẫn lời tiến sĩ Sandro Galea, trưởng khoa của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Boston, cho biết: “Những sự kiện đang diễn ra hiện nay là mối đe dọa đối với niềm tin mà chúng ta cần. Nếu chúng ta không có niềm tin, tôi lo rằng khả năng kiểm soát các ổ dịch mới của chúng ta sẽ bị hạn chế hơn.”
Trong tuần qua, các cuộc biểu tình bùng phát sau khi một cảnh sát da trắng có liên quan cái chết của ông George Floyd, một người đàn ông da đen ở thành phố Minneapolis, khiến hàng ngàn người tụ tập phản đối tại hơn 20 thành phố trên toàn quốc.
Hiện không rõ liệu các cuộc biểu tình sẽ kích hoạt những đợt bùng Covid-19 hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng những nỗ lực cộng đồng để ngăn chặn căn bệnh này trong tương lai có thể bị hủy hoại.
Tại Los Angeles, thị trưởng thành phố, hôm 30/05 thông báo rằng các trung tâm thử nghiệm COVID-19 đã bị đóng cửa vì những lo ngại về an toàn liên quan đến các cuộc biểu tình bạo lực.
Theo một phát ngôn viên của chính quyền thành phố, việc xét nghiệm Covid-19 ở Minneapolis sẽ bị ảnh hưởng vì một số phòng khám cung cấp dịch vụ xét nghiệm bị hư hại trong các cuộc biểu tình.
https://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-dong-nguoi-o-my-gay-kho-them-cho-tac-tac-kiem-soat-covid19/5444225.html

Vụ George Floyd:

Hình ảnh của nước Mỹ với hai mầu đen – trắng?

Minh Anh
Nước Mỹ nổi bùng cơn giận dữ sau cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc châu Phi trong một cuộc can thiệp của cảnh sát. Các cuộc biểu tình đòi công lý, phản đối bạo lực của cảnh sát và nạn phân biệt chủng tộc đã diễn ra tại hơn 70 thành phố lớn.
Thủ đô Washington phải ban hành lệnh giới nghiêm trong đêm 01/6. Theo giới quan sát, hố sâu ngăn cách hai mầu đen – trắng ngày càng thêm sâu, nhất là kể từ khi ông Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng.
Hình ảnh George Floyd, 46 tuổi một nhân viên bảo vệ bình thường cho một quán bar nhà hàng, bị cảnh sát kẹp cổ nằm sấp dưới đất, cố thốt lên rằng “I Can’t Breath” (Tôi không thở được) nhắc lại chính xác những gì đã xảy ra cho Eric Garner, 44 tuổi cách đây 6 năm. Người này cũng chết ngạt do bị một cảnh sát da trắng kẹp cổ trong một lần bị bắt giữ bất chấp 11 lần kêu gào “Tôi không thở được”.
Đây không phải là hai trường hợp đơn lẻ. Danh sách các nạn nhân mỗi ngày một dài, phần đông là người Mỹ gốc châu Phi, ở đủ mọi độ tuổi. Trước Nhà Trắng ở Washington, người biểu tình hô vang khẩu hiệu “Không công lý, không hòa bình”. Những cuộc bạo động tại hàng chục thành phố của Mỹ trong suốt một tuần qua như càng làm lộ rõ hơn nữa những chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội Mỹ, theo hai mầu đen – trắng.
Celia Belin, nhà nghiên cứu thuộc Bookings Institution trên kênh truyền hình France 5 lưu ý, sự phân hóa này đã bắt đầu từ một thập niên qua, nhất là kể từ khi ông Barack Obama, một người Mỹ gốc châu Phi đầu tiên đặt chân vào Nhà Trắng. Người dân Mỹ bắt đầu chọn phe Trắng hay Đen. Xu hướng này ngày càng được đẩy mạnh hơn khi ông Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
Bùng nổ xã hội lần này phản ảnh rõ có một sự cách biệt chủng tộc trong hành xử của cảnh sát, cách xử lý tư pháp đối với người da đen. Thế nhưng, theo giới quan sát, nạn phân biệt đối xử chưa phải là nguyên nhân duy nhất của làn sóng bất bình đó. Dịch bệnh virus corona chủng mới hoành hành tại Mỹ khiến hơn 100 ngàn người chết như một tấm gương phản chiếu bối cảnh xã hội nước Mỹ: Người Mỹ gốc Phi châu vẫn là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Sử gia Corentin Sellin, trên kênh truyền hình France 5 đưa ra con số ấn tượng: Trong số cả trăm ngàn người chết vì Covid-19, người da đen chiếm đến 23%. Dịch bệnh xảy ra, cùng với lệnh phong tỏa làm hàng triệu người Mỹ thất nghiệp. Riêng tại bang Minnesota, nơi bùng phát bạo động xã hội, đã có đến 700 ngàn người mất việc làm. Nếu như trong tháng 2/2020, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất là 5%, thì đến đầu tháng 5, tỷ lệ này trên toàn quốc là 14,7%, và trong số này có đến 16,5% là người Mỹ gốc châu Phi.
Không chỉ trên phương diện sắc tộc, vụ George Floyd còn phơi bày cả những bất bình đẳng trên phương diện chăm sóc sức khỏe. Trong số hơn 50 triệu người không có bảo hiểm y tế, có bao nhiêu người là người Mỹ gốc Phi châu? Họ là những nhóm người có tỷ lệ mắc các chứng bệnh béo phì, tiểu đường cao hơn những nhóm chủng tộc khác, bởi vì người da đen tập trung một tỷ lệ đói nghèo cao nhất.
Với một thực tế về nạn bất bình đẳng đáng báo động này, liệu tổng thống Mỹ có thể tiếp tục phớt lờ được hay không, khi chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ?
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200601-v%E1%BB%A5-george-floyd-h%C3%ACnh-%E1%BA%A3nh-c%E1%BB%A7a-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%E1%BB%B9-v%E1%BB%9Bi-hai-m%E1%BA%A7u-%C4%91en-%E2%80%93-tr%E1%BA%AFng

Phản ứng của thế giới về cuộc biểu tình ở Hoa Kỳ

Vài ngàn người đã tuần hành tại thành phố lớn nhất New Zealand vào hôm 01/06 để phản đối việc cảnh sát Hoa Kỳ giết chết người đàn ông da màu George Floyd, đồng thời lên tiếng phản đối hành động chống lại bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc ở chính đất nước họ, theo AP.
Nhiều người trên khắp thế giới đã chứng kiến sự bất an ngày càng tăng về tình trạng bất ổn dân sự ở Hoa Kỳ sau khi cảnh sát giết chết ông Floyd hôm 25/05 tại thành phố Minneapolis. Viên cảnh sát này đã bị sa thải và bị buộc tội giết người.
Những người biểu tình ở thành phố Auckland đã diễu hành đến Lãnh sự quán Hoa Kỳ và hàng trăm người khác đã tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa và đốt nến cầu nguyện ở những nơi khác trên đất nước New Zealand, cũng theo AP.
Tại một cuộc tuần hành ở trung tâm London, Anh, hôm 31/05, hàng ngàn người đã bày tỏ ủng hộ đối với những người biểu tình Mỹ, họ hô lớn: “Không có công lý! Không ôn hòa!” và vẫy những tấm bảng hiệu với dòng chữ “Còn bao nhiêu nữa?”
Ở những nơi khác cũng vậy, người biểu tình bày tỏ sự đồng lòng với những người biểu tình ở Hoa Kỳ với những thông điệp nhắm vào chính quyền địa phương.
Tại Brazil, hàng trăm người đã phản đối tội ác của cảnh sát đối với người da đen ở các khu dân cư thuộc tầng lớp lao động ở thành phố Rio de Janeiro. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán họ, và một số người biểu tìnhlặp lại lời của ông Floyd: “Tôi không thể thở được.”
Ở các quốc gia độc tài, tình trạng bất ổn ở Hoa Kỳ đã trở thành cơ hội để hạ uy tín, chỉ trích ngược lại Hoa Kỳ. Truyền hình nhà nước Iran liên tục phát sóng những hình ảnh về tình trạng bất ổn của Hoa Kỳ. Trong khi đó, Nga cho biết Hoa Kỳ có vấn đề nhân quyền có hệ thống.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc săm soi các cuộc biểu tình ở Mỹ thông qua lăng kính của Washington về các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong, điều mà Trung Quốc từ lâu đã nói rằng do Hoa Kỳ khuyến khích.
Trong một bài bình luận, Thời báo Hoàn cầu (Global Times) cho biết các chuyên gia Trung Quốc đã lưu ý rằng các chính trị gia Hoa Kỳ nên uốn lưỡi trước khi đưa ra bình luận lần nữa về vấn đề Hong Kong, biết rằng lời nói của họ có thể phản tác dụng.
https://www.voatiengviet.com/a/phan-ung-cua-the-gioi-ve-cuoc-bieu-tinh-o-hoa-ky/5444176.html

Giáo sư Gordon G. Chang: Ông Trump đúng

khi từ bỏ chính sách nhún nhường

với Trung Quốc trong gần 5 thập niên

Hải Lam
Giáo sư Gordon Chang, một học giả Hoa Kỳ gốc Hoa nhận định trên Fox News rằng, trong bài phát biểu chưa đầy 9 phút hôm thứ Sáu (29/5), Tổng thống Trump thông báo một loạt quyết sách chưa từng có nhắm vào các tham vọng của Bắc Kinh trên thế giới, báo hiệu chính quyền của ông đã từ bỏ chính sách nhún nhường của Mỹ với Trung Quốc trong gần 5 thập niên.
“Hiện tại đã đến lúc. Trung Quốc từng thách thức Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực, và Tổng thống Trump – với những bình luận toàn diện vào thứ Sáu – báo hiệu Hoa Kỳ sẽ tự bảo vệ mình”, ông Chang bình luận.
Phát biểu trước báo giới ngày 29/5, Tổng Trump công bố một loạt các hành động, bao gồm:
Chấm dứt mối quan hệ giữa Mỹ và WHO.
Đình chỉ nhập cảnh vào Mỹ đối với các công dân Trung Quốc có nguy cơ đe dọa bảo mật quốc gia.
Thông báo loại bỏ những đãi ngộ đặc biệt dành cho Hồng Kông và trừng phạt các quan chức Trung Quốc làm xói mòn tự do của Hồng Kông.
Nghiên cứu các phương án bảo vệ người Mỹ khỏi những rủi ro khi đầu tư vào các công ty Trung Quốc.
Đình chỉ nhập cảnh đối với một số sinh viên và nhà nghiên cứu đến từ Trung Quốc có mối quan hệ với quân đội nước họ.
Trong bài phát biểu ngắn gọn của mình, ông Trump cũng bình luận về các vấn đề khác, trong đó có dịch Covid-19. Ông lên án Trung Quốc đã chủ mưu gây ra “đại dịch toàn cầu COVID-19″ bằng việc cho phép virus corona lây lan khắp thế giới. “Thế giới hiện đang tổn thất vì hành động bất lương của chính phủ Trung Quốc”, ông Trump nói.
Theo giáo sư Chang, về vấn đề Hồng Kông, các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn đang chờ đợi xem liệu ông Trump có tước quy chế đặc biệt của Hồng Kông về thương mại và các vấn đề khác hay không. Một số người suy đoán rằng ông Trump sẽ không làm vậy, khiến vấn đề này trở thành một phép thử đối với quyết tâm của ông. Trong cuộc họp hôm 29/5, tổng thống đã thể hiện ý chí chính trị hiếm thấy đối với các nhà lãnh đạo ở Mỹ.
Hơn nữa, giọng điệu của Tổng thống Trump thể hiện cả sự tức giận, điều này đã phá vỡ tiền lệ của hàng chục năm trước. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa từng nghe thấy một nhà lãnh đạo Mỹ nào nói chuyện về họ theo cách này trước công chúng.
Giáo sư Chang nhận định, phạm vi các quyết sách của Tổng thống Trump có lẽ sẽ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải lo ngại. Các quyết sách cho thấy ông Trump đang sử dụng một loại sức mạnh tổng lực toàn chính phủ để tấn công Trung Quốc.
Không phải ai cũng nghĩ ông Trump kiên quyết như vậy. Ví dụ như tờ Thời báo Tài chính nói rằng ông Trump đã “không mạnh tay”, khi không áp dụng những biện pháp mà các thị trường phải lo ngại. Chẳng hạn, ông không chấm dứt thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 với Trung Quốc được  ký vào ngày 15/1.
Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại hiện khó nói trước được – chấm dứt hoặc không chấm dứt. Có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ không đáp ứng được cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong thời gian 2 năm. Như vậy, thỏa thuận thương mại có thể bị hủy bỏ.
Thời báo Tài chính cũng cho biết các thị trường đã bớt lo ngại vì ông Trump không áp dụng thuế quan mới hoặc đóng băng tài sản của các công dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, các thị trường không nên mừng sớm. Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố sẽ có nhiều hành động hơn trong những tuần tới, có thể bao gồm việc trả mọi phí tổn để các công ty Mỹ rút chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và Hồng Kông về Mỹ.
Hơn nữa, việc ông Trump nói về các hành vi của các công ty Trung Quốc là một cảnh báo cho thấy đầu tư là lĩnh vực lớn tiếp theo có nguy cơ bị xử lý.
Trung Quốc trong nhiều tháng đã nói rằng việc cắt đứt quan hệ Mỹ – Trung là không thể. Tuy nhiên, vào ngày 29/5, ông Trump đã khiến cho điều này trở thành có thể.
Theo ông Chang, Tổng thống Trump cho biết ông muốn có “một mối quan hệ cởi mở và mang tính xây dựng với Trung Quốc” – nhưng cuối cùng, tình trạng mối quan hệ không phụ thuộc vào ông.
Bắc Kinh đã thể hiện chính sách “ngoại giao chiến lang” của mình bằng một loạt các hành động hung hăng kể từ tháng 2, bao gồm: ẩu đả với quân đội Ấn Độ; va chạm tàu và có động thái khiêu khích chống lại 6 nước láng giềng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; đe dọa xâm chiếm Đài Loan; thất hứa về Hồng Kông; và thúc đẩy hành vi đe dọa Hải quân Hoa Kỳ tại các vùng biển và không phận ngoại vi của Trung Quốc.
Giáo sư Chang bình luận, không rõ tại sao Trung Quốc lại gây hấn vào thời điểm này. Một số người cho rằng đó là biểu hiện của sức mạnh. Những người khác nói đó là biểu hiện của sự yếu kém. Nhưng theo ông Chang, một điều rõ ràng là các thỏa thuận mà Mỹ tham gia liên quan tới Trung Quốc đã thất bại.
Các thỏa thuận mà Mỹ tham gia thường bỏ qua hoặc phớt lờ hành vi không thể chấp nhận của Trung Quốc. Chính sách của các tổng thống Hoa Kỳ trước đây chỉ khuyến khích các yếu tố xấu tệ nhất ở Bắc Kinh và hành động gây hấn của Trung Quốc đã phát huy tác dụng.
Kết quả là, hiện tại có một nhận thức rằng chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc không thể được cải cách – có nghĩa là điều duy nhất mà chính quyền Trump có thể làm để bảo vệ nước Mỹ là hạn chế quan hệ với Trung Quốc.
Chủ đề cơ bản của các quyết sách mà Tổng thống Trump thông báo hôm 29/5 cho thấy chính quyền của ông đang cắt đứt quan hệ với ĐCSTQ. Và theo ông Chang, đó là cách tiếp cận đúng.
Theo giáo sư Chang, ĐCSTQ không chỉ là một kẻ địch. Một năm trước, ĐCSTQ đã tuyên bố một “chiến tranh nhân dân” chống lại nước Mỹ. Sự hiếu chiến đó hàm nghĩa là ngoài lựa chọn đầu hàng Bắc Kinh, ĐCSTQ chẳng cho ông Trump lựa chọn nào khác trong mối quan hệ với Trung Quốc. Đây không phải là vấn đề của Tổng thống Trump; đây là vấn đề của Trung Quốc.
Sẽ có tổn thất trong việc gỡ bỏ các chính sách sai lầm của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong hàng thập niên qua. Nhưng Bắc Kinh đang khiến Tổng thống Trump có rất ít lựa chọn.
Đã đến lúc một nhà lãnh đạo Mỹ làm những gì cần thiết: tấn công Trung Quốc trên tất cả các mặt trận. Và đó là những gì thế giới đã nghe được từ Tổng thống Trump hôm 29/5, giáo sư Chang kết luận.
Theo Gordon G. Chang, Fox News
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/giao-su-gordon-g-chang-ong-trump-dung-khi-tu-bo-chinh-sach-nhun-nhuong-voi-trung-quoc-trong-gan-5-thap-nien.html

Bannon: Phương Tây cần cảnh giác Bắc Kinh,

sau Hồng Kông là Biển Đông

Thụy My
Steve Bannon, cựu cố vấn gây tranh cãi của tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 28/05/2020 đã dành cho nhật báo Le Figaro một cuộc phỏng vấn. Ông cho rằng phương Tây cần phải buộc Trung Quốc phải trả giá vì đã gây ra đại dịch virus corona, và nếu làm ngơ trước Bắc Kinh về Hồng Kông, rốt cuộc phương Tây cũng sẽ bị cuốn vào cuộc chiến ở Biển Đông
Le Figaro : Ông rút ra được bài học chủ chốt nào về cuộc khủng hoảng virus corona ?
Steve Bannon : Cuộc khủng hoảng này đã cho thấy những điều mà nhiều người đã biết rồi nhưng không muốn nhìn nhận, đó là không thể tin tưởng được đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Đảng Cộng Sản chịu trách nhiệm về đại dịch đã ập xuống chính nhân dân của họ và trên thế giới.
Hãy dành một giây cho giả thiết con virus đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán do sơ xuất. Chúng tôi không có chi tiết về vụ này, cho dù bên tình báo đang điều tra. Hãy xem trình tự tiếp theo như thế nào : ngay từ cuối tháng 12/2019, một cộng tác viên báo động cho tôi rằng có một blog ở Trung Quốc nêu ra một nạn dịch ở Vũ Hán. Ngày 31, Trung Hoa Dân Quốc báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là con virus loại SARS ở Vũ Hán lây từ người sang người.
Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wenliang) ở Vũ Hán từ ngày 28 hay 29/12 đã cảnh báo về con virus này ở bệnh viện, nhưng lại bị công an bắt giữ, buộc phải viết bản thú tội là đã lan truyền tin đồn. Người bác sĩ này sau đó cũng đã bị nhiễm virus và qua đời.
Rõ ràng là khi ban lãnh đạo Trung Quốc biết được có nạn dịch xảy ra, thì họ bèn che giấu ngay sự thật. Theo tạp chí The Lancet, nếu chính quyền hành động từ tháng 12, thì đã tránh được 95% cái chết và kinh tế không bị hủy hoại ! Hôm 12 tháng Giêng, WHO chính thức nói rằng sau khi tham vấn Bắc Kinh, không có bằng chứng nào về việc lây từ người sang người. Đó là cả một sự dối trá, WHO là đồng lõa và lan truyền sự dối trá ấy.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đến Washington hôm 15 tháng Giêng để ký hiệp ước thương mại, nhưng chẳng thông báo cho chúng tôi gì cả. Họ đã đóng cửa Vạn lý Trường thành, phong tỏa cả vùng Vũ Hán, ngưng tất cả những chuyến bay nội địa. Nhưng họ không ngưng các chuyến bay quốc tế ! Thế nên con virus đã đến với chúng ta. Tất cả những ai bị virus corona làm hại trên thế giới phải được ĐCSTQ bồi thường.
Nhưng ai lên tiếng đòi bồi thường đây, Hoa Kỳ chăng ?
Tôi có thể nói rằng tại Hoa Kỳ, đã nổi lên một phong trào chính trị thực sự, nhắm vào việc dỡ bỏ quyền đặc miễn của quốc gia. Tiểu bang Missouri và Mississippi đã khởi kiện. Các luật sư đang chuẩn bị các hồ sơ kiện của cá nhân, giống như hồi gia đình các nạn nhân vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín kiện Ả Rập Xê Út.
Tôi nghĩ là chính phủ sẽ ủng hộ họ. Một tài liệu của ông Mitch McConnell, người đứng đầu phe đa số Cộng Hòa ở Thượng Viện khuyến cáo nên tố cáo ĐCSTQ về thảm họa đã phải chịu đựng. Đối với tôi, đây sẽ là chủ đề quyết định trong cuộc bầu cử năm 2020. Gần 91% người Mỹ cho rằng ĐCSTQ là mối đe dọa trực tiếp cho an ninh của Hoa Kỳ.
Chính phủ Mỹ liệu có dám đối đầu với Trung Quốc, gây rủi ro hết sức lớn đến lợi ích kinh tế hay không ?
Chẳng những cắt rời mối quan hệ không phải là bất khả thi, mà còn là việc phải làm. Hơn nữa Trung Quốc cũng đã bắt đầu, khi loan báo sẽ chuyển sang hệ thống công nghệ riêng của họ. Ngoài đại dịch, đây là loan báo quan trọng nhất về địa chính trị trong những năm gần đây, mặc dù ít được chú ý. Trung Quốc đã khởi đầu việc tách rời thông qua dự án Con đường tơ lụa mới, trong đó tập đoàn Hoa Vi (Huawei) đóng vai trò trung tâm nhờ thống trị về công nghệ.
Tất nhiên giới tinh hoa kinh tế phương Tây như City của Luân Đôn, các nhà tài chính Paris và các doanh nhân ở Wall Street sẽ không thay đổi kiểu cách làm việc, vì kiếm được nhiều tiền. Người dân phương Tây, phẫn nộ trước việc phi kỹ nghệ hóa, cần buộc họ phải hành động.
Tôi muốn đưa các bạn quay lại ba năm về trước, vào tháng Giêng năm 2017, khi chủ tịch Tập Cận Bình đến Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ, lúc đó tổng thống Trump vừa được bầu lên. Trong bài diễn văn, ông Tập tuyên bố rằng chính phong trào dân tộc và dân túy phương Tây đang đe dọa trật tự quốc tế ; khẳng định Trung Quốc sẽ bảo vệ toàn cầu hóa.
Tập Cận Bình được Financial Times và những người khác khen ngợi có tầm nhìn xa, trong khi ông Donald Trump bị phỉ báng vì bênh vực cho mô hình đề cao chủ quyền quốc gia. Vào thời điểm đó ở Davos, tất cả những cơ quan tài chính lớn, ngân hàng, tập đoàn đều biết về hệ thống trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ và đàn áp chính trị ở Trung Quốc. Nhưng họ ca ngợi Tập Cận Bình như người hùng và coi ông Donald Trump như quái vật, vì họ chỉ quan tâm đến lợi ích của chính họ mà thôi.
Phải chăng cuộc khủng hoảng này khẳng định tầm nhìn của ông Trump là phải xem lại toàn cầu hóa, và hồi hương các ngành kỹ nghệ mang tính chiến lược ?
Ông Trump lên nắm quyền trong giai đoạn phương Tây đang đi xuống, được giới tinh hoa chủ trương toàn cầu hóa chấp nhận – họ vốn đã mất lòng tin về sức mạnh của phương Tây Cơ đốc giáo. Họ theo kịch bản chiếc bẫy Thucydide, theo đó Trung Quốc là cường quốc đang lên và Hoa Kỳ là cường quốc đang suy tàn. Ở Pháp cũng vậy, ông Macron cho rằng thủ đô là Bruxelles chứ không phải Paris, thế nên đã gây ra phong trào « Áo Vàng ». Cách nghĩ này dẫn đến việc các nhà nước trở thành chư hầu, từ bỏ các cơ sở sản xuất chiến lược.
Nhận định này gây ra cú sốc rất lớn tại Pháp, người ta nói đến việc đưa trở về nước một số ngành sản xuất thiết yếu.
Cú sốc chỉ tồn tại đối với giới tinh hoa không muốn nhìn thấy, chẳng có gì là bí mật ! Hiển nhiên là Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát kỹ nghệ dược phẩm.
Nhưng phải chăng Mỹ quốc phải chịu trách nhiệm về toàn cầu hóa quá đáng, và nay phải chiến đấu lại trong cuộc chiến tranh thương mại ?
Chẳng phải nước Mỹ đã xúc tiến toàn cầu hóa, mà là « giới tinh hoa Davos », vốn tin vào huyễn tượng này. Cần hiểu rằng Trung Quốc không phải là một Nhà nước tự do thương mại, mà là một Nhà nước toàn trị con buôn. Bạn không thể buôn bán với họ một cách tự do. Chính vì vậy mà chính quyền Trump đã tung ra cuộc chiến thương mại. Ý tưởng là buộc Trung Quốc phải mở ra thị trường Hoa lục.
Một số người cho rằng nếu quy lỗi cho Trung Quốc, thì sẽ không học được bài học chính của khủng hoảng. Trung Quốc đã đạt được bước nhảy vọt kỹ nghệ quan trọng, phương Tây chỉ có thể tự trách mình nếu không cạnh tranh nổi, như về 5G chẳng hạn.
Nếu không có vốn đầu tư và công nghệ của phương Tây, ĐCSTQ sẽ rơi rụng như một lâu đài bằng giấy ! Những ai đưa ra lý lẽ ấy muốn khiến chúng ta tin rằng không thể làm gì được.
Chuyên gia David Goldman nói rằng cần phải có cách giải quyết khác về công nghệ chip điện tử, thay vì chỉ trích Trung Quốc.
Đúng vậy. Nhưng trước hết phải cắt nguồn cung ứng vốn cho ĐCS và việc chuyển giao công nghệ, đồng thời đòi bồi thường, nếu không chúng ta sẽ mất đứt một thập niên để vực dậy.
Châu Âu có cảm tưởng là đã bị nước Mỹ của ông Trump bỏ rơi, trong khi Trung Quốc đang xâm nhập để chia rẽ. Liệu sẽ thuyết phục được châu Âu vốn độc lập, tham gia một cuộc chiến tranh lạnh chống Trung Quốc?
Đó không phải là chiến tranh lạnh mà là chiến tranh nóng, về tấn công tin học, về tuyên truyền, và tất nhiên về kinh tế. Chúng ta cần đoàn kết với nhau, nếu không các nước châu Âu sẽ trở thành chư hầu của Trung Quốc. Tôi có niềm tin là mọi người sẽ tỉnh thức và cùng chiến đấu để chiến thắng. Nhưng tôi đã cảnh báo người châu Âu rằng không nên dựa vào Bruxelles, mà trên quốc gia mình.
Ông Trump liệu có thể thắng cử dù số người chết vì dịch Covid-19 rất lớn và kinh tế thảm hại ?
Joe Biden là một ứng cử viên rất yếu, nhất là về vấn đề Trung Quốc. Obama muốn xoay trục sang châu Á, và cử ông Biden đứng ra điều đình với Bắc Kinh, nhưng chính sách chống Trung Quốc của họ chẳng đạt được gì cả. Biển Đông chưa bao giờ bị quân sự hóa đến thế ! Hơn nữa, khi ông Trump quyết định đóng cửa biên giới hồi tháng Giêng, Biden lại nói rằng Trump phân biệt chủng tộc. Nếu phe Dân Chủ không đẩy được Biden ra và tìm một người khác thay thế, thì họ sẽ không thể thắng được Donald Trump.
Sau khi Quốc Hội Trung Quốc thông qua một luật an ninh quốc gia, đặt ra cơ sở luật pháp để can thiệp vào Hồng Kông, ông đã kêu gọi phải có phản ứng thật cứng rắn ?
Người dân Pháp đã biết cái giá phải trả vì không bảo vệ Tiệp Khắc hay Áo trước Đức quốc xã. Nếu phương Tây để cho ĐCSTQ nuốt chửng lời hứa duy trì một Hồng Kông tự do dân chủ, thì không còn gì có thể ngăn bước được Bắc Kinh. Tiếp đến Đài Loan sẽ gục ngã, và chúng ta nhất định sẽ bị dẫn dắt vào một cuộc chiến tranh nóng để bảo vệ Biển Đông.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200601-bannon-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y-c%E1%BA%A7n-c%E1%BA%A3nh-gi%C3%A1c-b%E1%BA%AFc-kinh-sau-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-l%C3%A0-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

Mỹ mạnh tay trừng phạt TQ

Rạng sáng qua (30.5) tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu “hạch tội” Trung Quốc, đồng thời công bố một loạt biện pháp mới nhắm vào Bắc Kinh.
Lên án nhiều chính sách của Bắc Kinh
Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Trump lên án chính sách thương mại của Trung Quốc gây thiệt hại to lớn cho nước Mỹ, đồng thời chỉ trích những yêu sách chủ quyền phi pháp và hành vi đe dọa tự do hàng hải của Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Tiếp đó, chủ nhân Nhà Trắng cho rằng Bắc Kinh không giữ lời về việc đảm bảo quyền tự trị đối với Hồng Kông khi áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên đặc khu hành chính.
Kêu gọi Trung Quốc “suy nghĩ lại”
Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm qua, Mỹ và Anh đã nêu vấn đề Hồng Kông và kêu gọi Trung Quốc “suy nghĩ lại” về những lo ngại nghiêm trọng sau khi Bắc Kinh đưa ra luật an ninh mới cho Hồng Kông. Đáp lại, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân hối thúc Mỹ và Anh chấm dứt can thiệp vào vấn đề Hồng Kông ngay lập tức và tuyên bố mọi hành động sử dụng Hồng Kông để can thiệp vào việc nội bộ của Trung Quốc đều sẽ bị thất bại, theo AFP.
Nhà lãnh đạo Mỹ gọi đây là “thảm kịch” đối với người dân Hồng Kông và là sự vi phạm trắng trợn về những nghĩa vụ mà Trung Quốc đã cam kết khi nhận lại Hồng Kông vào năm 1997, theo AFP.
Do đó, Tổng thống Trump tuyên bố Hồng Kông không còn đủ sự tự chủ và Mỹ sẽ bắt đầu tiến trình loại bỏ các chính sách ưu đãi đặc biệt về thương mại, du lịch, hải quan, dẫn độ… dành cho Hồng Kông như lâu nay.
Mất đi yếu tố hạn chế khiến căng thẳng leo thang
Cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung sắp leo thang mạnh mẽ hơn. Trong các chính sách mà Nhà Trắng vừa đưa ra thì việc hạn chế các học giả Trung Quốc tại Mỹ có ảnh hưởng lớn. Hiện có gần 5.000 học giả Trung Quốc đang nghiên cứu tại Mỹ và các dự án hợp tác nghiên cứu của số học giả này sẽ nhanh chóng kết thúc. Khi đó, hai nước càng có sự “tách bạch” mạnh mẽ hơn vì giới học giả vốn phần nào cũng đóng vai trò nối kết. Lâu nay, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc hạn chế sự leo thang trong căng thẳng giữa hai bên.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ cấm vận những quan chức Trung Quốc và Hồng Kông “bóp nghẹt tự do” tại Hồng Kông, ý chỉ những người có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến luật an ninh quốc gia mới cho đặc khu.
Tổng thống Trump không đưa ra khung thời gian cụ thể cho những hành động trên, nhưng Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết Nhà Trắng đang cân nhắc nhiều phương án, trong đó có việc ra hạn chót trong một năm để Trung Quốc sửa sai. Thời hạn này được
cho là nhằm tránh những đổ vỡ lớn trong quan hệ hai nước trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Hàng loạt biện pháp trừng phạt

Đòn giáng mạnh vào Trung Quốc
Thu hồi vị thế đặc biệt của Hồng Kông là đòn giáng mạnh vào Trung Quốc đại lục, vì Hồng Kông sẽ mất đi lợi thế so sánh với nhiều nơi khác để duy trì vị thế trung tâm tài chính hàng đầu khu vực châu Á. Vốn dĩ, những lợi thế mà Hồng Kông có được giúp Trung Quốc rất nhiều trong chiến lược quốc tế hóa nhân dân tệ, khi Bắc Kinh định hình đặc khu này như vai trò cửa ngõ để kết nối thị trường tài chính Trung Quốc đại lục với thế giới.
Sau bài phát biểu, Nhà Trắng công bố quyết định của Tổng thống Trump về việc ngừng cấp thị thực (visa) cho sinh viên cao học và nhà nghiên cứu Trung Quốc liên quan các chương trình quân sự. Washington coi những sinh viên này là nguy cơ đối với an ninh quốc gia vì giúp Bắc Kinh đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ từ Mỹ. Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1.6 và có thể ảnh hưởng đến 3.000 – 5.000 sinh viên Trung Quốc, Reuters dẫn lời quan chức Mỹ cho biết.
Mặt khác, Tổng thống Trump thông báo đang chỉ thị quan chức Mỹ nghiên cứu những hành vi của các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, nhằm bảo vệ nhà đầu tư Mỹ trước những nguy cơ khi đầu tư vào những công ty Trung Quốc không tuân thủ quy định về minh bạch tài chính.
Định hướng lại chính sách
Những gì chính quyền Mỹ đang thực hiện là nhằm làm rõ thách thức đến từ Trung Quốc và đưa ra các bước đi để giải quyết vấn đề. Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump là bước đi đầu tiên trong việc định hướng lại hoàn toàn chính sách đối ngoại của Mỹ để giải quyết thách thức từ Trung Quốc.
Đến nay, Trung Quốc chưa phản hồi về những biện pháp mới của Mỹ, nhưng Cục trưởng Cục Bảo an Hồng Kông Lý Gia Siêu hôm qua khẳng định chính quyền đặc khu không e ngại lời đe dọa và phản đối mạnh mẽ sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề Hồng Kông.
Ngoài ra, lãnh đạo Cơ quan Tư pháp Hồng Kông Trịnh Nhược Hoa cho rằng nhu cầu về luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông là “hợp pháp và cần thiết”, đồng thời tuyên bố cơ sở cho hành động của Tổng thống Trump là “hoàn toàn giả dối và sai trái”.
http://biendong.net/bi-n-nong/35000-my-manh-tay-trung-phat-tq.html

Chính phủ Hoa Kỳ bán tài sản

trị giá 1.8 tỷ Mỹ kim tại Hong Kong

Tin từ Hong Kong – Theo một email của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, chính phủ Hoa Kỳ đang bán tài sản của họ tại một trong những khu phố sang trọng ở Hồng Kông. Quyết định này được đưa ra khi các cuộc biểu tình tiếp tục làm rung chuyển Hồng Kông và căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng về bộ luật an ninh quốc gia mới được Bắc Kinh hậu thuẫn dành cho Hong Kong.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết, văn phòng điều hành các tòa nhà ở ngoại quốc của Bộ Ngoại giao thường xuyên xem xét việc nắm giữ bất động sản ở ngoại quốc của chính phủ Hoa Kỳ như một phần của chương trình tái đầu tư toàn cầu.
Theo trang tin HK01, tài sản này đi kèm với một số biệt thự, nằm ở Shouson Hill, phía nam đảo Hồng Kông, và được định giá 10 tỷ Hồng Kông kim. Một số ông thương gia giàu nhất của thành phố hiện đang làm chủ tài sản trong khu vực. Bloomberg cho hay HK01 là cơ quan truyền thông đầu tiên đưa tin về việc chính phủ Hoa Kỳ bán tài sản này.
Theo bản tuyên bố, hiện nay, Bộ Ngoại giao cũng đang đầu tư vào việc tăng cường các tài sản khác thuộc sở hữu của chính phủ Hoa Kỳ tại Hồng Kông, bao gồm cả văn phòng của Tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ. Theo hồ sơ được nộp với chương trình Ghi danh đất đai, chính phủ Hoa Kỳ đã mua tòa nhà này vào năm 1948.
https://www.sbtn.tv/chinh-phu-hoa-ky-ban-tai-san-tri-gia-1-8-ty-my-kim-tai-hong-kong/

Ngoại trưởng Mỹ: Tổng thống Trump

sẵn sàng đáp trả ‘mối nguy hại’ từ Trung Quốc

Minh Hòa
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm Chủ nhật (31/5) cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn trước, và Tổng thống Donald Trump sẵn sàng đáp trả các hành vi nguy hại của chính quyền Bắc Kinh.
Trò chuyện với người dẫn Maria Bartiromo trong chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News, Ngoại trưởng Pompeo cho biết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay đã khác với chính nó cách đây 10 năm, và tôi nghĩ những lời phát biểu mà Tổng thống Trump đưa ra vào thứ Sáu vừa qua đã phản ánh điều đó”.
Ông Pompeo tiếp tục nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là một thế lực tìm cách đạt được mục đích của mình dựa trên việc “phá hủy các tư tưởng phương Tây, các nền dân chủ phương Tây, các giá trị phương Tây”.
Trong cuộc họp báo về Trung Quốc hôm thứ Sáu (29/5), Tổng thống Trump đã lên án Trung Quốc thực hiện nhiều hành vi mà ông nói là chống lại lợi ích của Hoa Kỳ, từ việc che giấu dịch viêm phổi COVID-19, đánh cắp tài sản trí tuệ, đến việc bành trướng ở Biển Đông.
“Chính quyền Trung Quốc đã liên tục vi phạm lời hứa của họ với chúng tôi và với rất nhiều quốc gia khác”, ông Trump nói.
Ngoại trưởng Pompeo liệt kê các hành vi hung hăng của Bắc Kinh, bao gồm “trộm cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, phá hoại hàng trăm triệu việc làm ở Mỹ, gây nguy hại cho các tuyến đường biển ở Biển Đông, ngăn cản giao thông thương mại, qua đó, trang bị vũ khí ở những nơi mà Trung Quốc không có quyền”.
Ông Pompeo cho biết ông tin rằng các đồng minh của Mỹ ở châu Âu sẽ thấy rằng việc kiểm soát Trung Quốc là vì lợi ích của họ, trong bối cảnh Italy và Tây Ban Nha bị thiệt hại nặng nề vì COVID-19.
“Tôi nghĩ rằng người dân ở các quốc gia đó hiện đang nhìn thấy rõ nhất mối nguy hại mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra”, ông Pompeo nói. “Đây là điều mà chế độ độc tài làm. Họ ăn cắp thông tin. Họ phủ nhận quyền tự do ngôn luận. Họ đàn áp người dân của họ và họ đặt ra nguy hiểm cho mọi người trên khắp thế giới. Các nền dân chủ thì cư xử hoàn toàn khác. Tôi nghĩ người dân châu Âu sẽ thấy điều đó cùng với Hoa Kỳ, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng các nền kinh tế, bảo vệ người dân và giữ cho toàn bộ thế giới ở một nơi mà không có Đảng Cộng sản Trung Quốc thống trị trong thế kỷ tới”.
Ngoại trưởng Pompeo nói: “Tôi tin tưởng rằng dưới thời Tổng thống Trump, Bộ Quốc phòng, quân đội của chúng ta, hệ thống an ninh quốc gia của chúng ta sẽ giữ chúng tôi ở vị trí có thể bảo vệ người dân Mỹ, và thực sự chúng ta có thể là đối tác tốt với các đồng minh của chúng ta từ Ấn Độ, từ Úc, từ Hàn Quốc, từ Nhật Bản, từ Brazil, từ Châu Âu, và trên toàn thế giới”.
Ông Pompeo cũng bày tỏ tin tưởng rằng chính quyền Trump sẽ nhận được hỗ trợ từ Nghị viện Mỹ, vì các nhà lập pháp đã đưa ra hàng chục dự luật để chống lại Trung Quốc.
Ông Pompeo không dự đoán những dự luật nào sẽ chính thức trở thành luật, nhưng ông tin tưởng rằng các thành viên từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ gạt bỏ sự khác biệt giữa họ để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.
https://www.dkn.tv/the-gioi/ngoai-truong-my-tong-thong-trump-san-sang-dap-tra-moi-nguy-hai-tu-trung-quoc.html

Ngoại trưởng Mỹ: Đảng Cộng Sản Trung Quốc

là mối đe dọa phương Tây

Anh Vũ
Ngày 31/05/2020, trên truyền thông Mỹ, ngoại trưởng Pompeo khẳng định Trung Quốc đang ngày càng trở nên « hung hăng hơn » trong nỗ lực bóp méo thông tin và làm rạn vỡ thế giới, từ Hồng Kông cho đến Hoa Kỳ và đang trở thành mối đe dọa cho phương Tây.
Trong một chương trình bình luận chính trị trên kênh truyền hình Fox News, ngoại trưởng Mỹ đã chỉ rõ mối đe dọa của Trung Quốc là từ hệ tư tưởng của đảng Cộng Sản Trung Quốc : « Khác so với 10 năm trước đây, đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay thể hiện ý định phá hoại tư tưởng phương Tây, nền dân chủ và các giá trị phương Tây. Điều đó khiến người Mỹ gặp nguy hiểm ».
Để chứng minh mối đe dọa Trung Quốc, ông Pompeo đưa ra một số ví dụ như Bắc Kinh đánh cắp sở hữu trí tuệ, thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19 và đặc biệt là các hành vi nhằm thắt chặt kiểm soát Hồng Kông mới đây qua việc áp đặt luật an ninh quốc gia.
Các đây ít ngày, ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố chính quyền của tổng thống Donald Trump không còn coi Hồng Kông la đặc khu tự trị của Trung Quốc. Vì thế không có ly do gì để Washington duy trì chính sách đặc biệt với các ưu đãi riêng về thương mại và hoạt động của các doanh nghiệp tại Hồng Kông.
Ông Mike Pompeo cũng cho biết thêm, tổng thống Mỹ đang xem xét kế hoạch rút các quy chế đặc biệt với Hồng Kông và bắt đầu cho điều tra các sinh viên Trung Quốc tại Mỹ bị nghi ngờ có liên hệ với quân đội Trung Quốc và về những hoạt động khác.
Ông Pompeo nói : « Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã phá vỡ các cam kết và sẽ bị đáp trả bằng hành động thực tế. Chúng tôi sẽ xem xét có nên trừng phạt những cá nhân đã phá hoại tự do ở Hồng Kông hay không ».
Cuộc thương chiến Mỹ- Trung đã dịu xuống hồi tháng đầu năm 2020. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, căng thẳng giữa hai nước nhanh chóng leo thang trong lĩnh vực chính trị. Ông Pompeo nhấn mạnh, « mối đe dọa của đảng Cộng Sản Trung Quốc xuất phát từ bản chất của học thuyết và ý thức hệ Cộng Sản Trung Quốc ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200601-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-m%E1%BB%B9-%C4%91%E1%BA%A3ng-c%E1%BB%99ng-s%E1%BA%A3n-trung-qu%E1%BB%91c-l%C3%A0-m%E1%BB%91i-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-ph%C6%B0%C6%A1ng-t%C3%A2y

Cô đơn, sinh tồn và tình yêu thương trong đại dịch

Jane CiabattariBBC Culture
Trong những lúc bất định – thật ra là kỳ lạ – như lúc này, trong lúc chúng ta gia tăng cách ly xã hội để ‘kéo thẳng đường cong số ca bệnh’, văn chương đem đến cho chúng ta lối thoát, sự nhẹ nhõm, thoải mái và bạn đồng hành.
Mặc dù không dễ chịu cho lắm nhưng sức lôi cuốn của các tiểu thuyết về dịch bệnh cũng tăng lên.
Thế kỷ 21: Khi thế giới diễn ra như cảnh phim bom tấn
Những phim Ghibli khán giả Việt mê mẩn phải xem
Cuộc chiến thành Troy: Huyền thoại hay lịch sử?
Những tựa sách về đại dịch nghe như sách hướng dẫn cho tình hình ngày hôm nay. Và nhiều tiểu thuyết như thế đã trình bày tiến triển theo trình tự thời gian thực tế, từ những dấu hiệu đầu tiên cho đến thời điểm tồi tệ nhất, và sự trở lại của ‘đời sống bình thường’.
Chúng cho chúng ta thấy chúng ta đã từng trải qua chuyện này trước đây. Chúng ta đã sống sót.
‘Ký Sự Năm Dịch’
Tiểu thuyết ‘Ký Sự Năm Dịch’ (A Journal of the Plague Year) của Daniel Defoe vào năm 1722 – kể lại trận dịch hạch hồi năm 1665 ở London – đã tường thuật tỉ mỉ một cách lạ lùng các sự kiện gợi nhắc lại phản ứng của chính chúng ta trước cú sốc ban đầu và sự lây lan ào ạt của loại virus mới.
Defoe bắt đầu câu chuyện vào tháng 9/1664, khi tin đồn lan truyền về sự trở lại của dịch bệnh ở Hà Lan.
Mạo từ ‘the’ ma thuật trong tiếng Anh
Những chốn bình yên nhất nơi chân trời góc bể
Sức hấp dẫn của những bộ phim xem hoài không chán
Tiếp đến là cái chết đáng ngờ đầu tiên ở London vào tháng 12 và sau đó, khi mùa xuân đến, Defoe mô tả các tin báo tử đăng ở các giáo xứ địa phương tăng lên như điềm gở như thế nào.
Đến tháng 7, khu City of London đã thực thi các quy tắc mới – các quy tắc đã trở thành nếp trong đợt phong tỏa năm 2020 của chúng ta, chẳng hạn như “tất cả các bữa tiệc chung, nhất là các bữa tiệc của các công ty ở khu vực này, và bữa tối tại các quán rượu, quán bia và những nơi giải trí thông thường khác, bị cấm cho đến khi có lệnh mới”.
Không có gì, Defoe viết, “gây chết chóc cho cư dân ở thành phố này hơn là sự lơ là cho qua của chính người dân, những người trong suốt thời gian dài đã được thông báo hoặc cảnh báo về tai họa nhưng lại không có sự chuẩn bị bằng cách dự trữ thực phẩm hoặc những thứ thiết yếu khác để bản thân họ có thể rút lui về sống trong nhà mình, như tôi đã quan sát những người khác đã làm, những người đã giữ được tính mạng tốt hơn rất nhiều nhờ vào sự thận trọng đó…”
Đến tháng 8, Defoe viết, trận dịch “rất dữ dội và khủng khiếp”; đến đầu tháng 9, nó đạt đến độ thảm khốc nhất, khi mà “toàn bộ các gia đình, và thực sự là toàn bộ các gia đình trên các đường phố đều bị quét sạch”.
Đến tháng 12, “bệnh dịch đã hết chỗ lây, và tiết trời mùa đông ập đến, không khí trong trẻo và lạnh lẽo, với sương giá rét buốt… hầu hết những người ngã bệnh đã hồi phục và thành phố bắt đầu lấy lại sức sống.”
Khi cuối cùng các đường phố cũng đã có dân cư trở lại, “mọi người đã đi dọc theo các đường phố để tạ ơn Chúa đã giúp giải thoát cho họ.”
Còn gì có thể gay cấn hơn là ghi lại một khoảnh khắc khi dịch đang diễn ra, khi căng thẳng và cảm xúc dâng cao, và bản năng sinh tồn trỗi dậy? Kể lại về đại dịch là điều tự nhiên đối với các tiểu thuyết gia hiện thực như Defoe, và sau này là Albert Camus.
‘Đại Dịch’
Tác phẩm ‘Đại Dịch’ (The Plague) của Camus, trong đó thành phố Oran ở Algeria bị đóng cửa trong nhiều tháng vì bệnh dịch tàn sát người dân thành phố (như đã từng xảy ra ở Oran trong Thế kỷ 19), cũng có rất nhiều điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng ngày nay.
Nhân vật cổ bí hiểm làm thay đổi biên niên sử Trung Hoa
Đòn tâm lý chiến kiểu Anh trước Đức Quốc Xã
Những cô gái nếm đồ ăn cho Hitler
Các nhà lãnh đạo địa phương lúc đầu miễn cưỡng thừa nhận những dấu hiệu ban đầu là những xác chuột chết nằm khắp các đường phố.
“Những người cha của thành phố chúng ta liệu có ý thức được rằng các xác chuột chết đang phân hủy là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với dân chúng hay không?” một nhà báo chuyên mục đặt vấn đề trên tờ báo địa phương.
Người dẫn chuyện, Tiến sĩ Bernard Rieux, đã phản ánh hành động anh hùng thầm lặng của nhân viên y tế. “Tôi không biết điều gì đang chờ đợi tôi, hoặc điều gì sẽ xảy ra khi tất cả chuyện này kết thúc. Hiện tại, tôi biết rằng: có những người bị bệnh và họ cần được chữa trị,” ông nói.
Cuối cùng là có bài học mà những người sống sót đã rút ra: “Giờ đây họ biết rằng nếu có một điều mà con người luôn có thể khao khát, và đôi khi đạt được, đó là tình yêu thương của con người.”
Cúm Tây Ban Nha vào năm 1918 đã định hình lại thế giới, khiến 50 triệu người thiệt mạng, sau khi 10 triệu người đã chết trong Đệ nhất Thế chiến.
Mỉa mai thay, tác động toàn cầu gay cấn của bệnh dịch đã bị lu mờ trước những sự kiện thậm chí còn kịch tính hơn của cuộc chiến tranh thế giới, vốn đã tạo nguồn cảm hứng cho vô số tiểu thuyết.
Khi mọi người giờ đây đang thực hành ‘giãn cách xã hội’ và các cộng đồng trên toàn cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, mô tả của Katherine Anne Porter về sự tàn phá của dịch cúm Tây Ban Nha trong cuốn tiểu thuyết có tựa là ‘Ngựa Xám xịt, Người Xám xịt’ vào năm 1939 đem lại cho chúng ta cảm giác quen thuộc: “Nó vô cùng tồi tệ… tất cả các nhà hát và gần như tất cả các cửa hàng và nhà hàng đều đóng cửa, và trên đường phố thì cả ngày là những đám tang và cả đêm là xe cứu thương”, Adam, bạn của nữ chính Miranda, nói với cô ngay sau khi cô được chẩn đoán là mắc cúm.
Porter khắc họa các cơn sốt và thang thuốc của Miranda, và khoảng thời gian nhiều tuần cô bị bệnh và hồi phục, trước khi cô tỉnh dậy và thấy trước mắt là một thế giới mới được định hình lại trước những mất mát do trận dịch và chiến tranh.
Bản thân Porter cũng gần như bước đến ngưỡng cái chết vì bệnh dịch. “Tôi đã thay đổi bằng một cách kỳ lạ nào đó,” bà nói với tờ Paris Review trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1963. “Tôi đã mất một thời gian dài để bước ra ngoài và sống trong thế giới một lần nữa. Tôi đã thực sự bị ‘xa lánh’ theo ý nghĩa đơn thuần nhất của từ này.”
‘Năm Lụt’
Những dịch bệnh của Thế kỷ 21 – dịch SARS hồi năm 2002, MERS hồi năm 2012, Ebola năm 2014 – đã gợi cảm hứng cho các tiểu thuyết viết về sự tiêu điều, đổ nát sau dịch bệnh, các thành phố bỏ hoang và cảnh quan bị tàn phá.
‘Năm Lụt’ (The Year of the Flood) của Margaret Atwood (2009) cho chúng ta thấy một thế giới hậu đại dịch với con người gần như tuyệt chủng, với phần lớn dân số đã bị xóa sổ hồi 25 năm trước trong ‘Trận Lụt Không Có Nước’ của một dịch bệnh độc hại ‘di chuyển trong không khí như thể đang bay trên đôi cánh, nó xé qua các thành phố như ngọn lửa’.
Atwood ghi lại sự cô lập cùng cực mà một vài người sống sót đã cảm nhận. Toby, một người làm vườn, lướt mắt nhìn theo đường chân trời từ khu vườn tự cung tự cấp trên sân thượng của cô. “Phải còn lại người khác nữa.. cô ấy không thể là người duy nhất trên hành tinh. Phải có người khác. Nhưng là bạn hay thù? Nếu cô ấy nhìn thấy một người, làm sao để biết được?”
Ren, từng là một vũ công xà treo – một trong những ‘cô gái bẩn thỉu sạch sẽ nhất trong thị trấn’ – còn sống vì cô ấy bị cách ly vì một bệnh có khả năng là cô lây nhiễm từ khách hàng. Cô viết tên của mình hết lần này đến lần khác. “Bạn có thể quên mình là ai nếu bị cô đơn quá lâu.”
Bằng sự hồi tưởng, Atwood đã làm rõ làm sao mà sự cân bằng giữa thế giới tự nhiên và nhân loại bị công nghệ sinh học do các tập đoàn cầm quyền tài trợ phá hủy, và làm thế nào các nhà hoạt động như Toby đấu tranh chống lại.
Luôn cảnh giác với mặt trái của khoa học, Atwood chỉ dựa trên các tiền đề hợp lý để viết tác phẩm của bà, làm cho ‘Năm Lụt’ mang tính tiên tri.
Điều làm cho các tiểu thuyết về đại dịch trở nên hấp dẫn là con người chung tay chiến đấu với một kẻ thù không phải là con người.
Không có ‘kẻ tốt’ hay ‘người xấu’; hoàn cảnh đại dịch rắc rối hơn. Mỗi nhân vật có cơ hội như nhau để sống sót hay mất mạng. Phạm vi phản ứng của các cá nhân trước các tình huống thảm khốc làm thành chất liệu lôi cuốn cho tiểu thuyết gia – và độc giả.
‘Cắt Đứt’
‘Cắt Đứt’ (Severance) của Ling Ma (2018), được tác giả mô tả là “tiểu thuyết về ngày tận thế cho dân văn phòng” với câu chuyện nền về người nhập cư, qua lời thuật của Candace Chen, một người trẻ làm việc tại một công ty xuất bản Kinh Thánh và có trang blog riêng.
Cô là một trong chín người sống sót chạy trốn khỏi Thành phố New York trong đại dịch hư cấu Sốt Shen vào năm 2011. Ma khắc họa thành phố sau khi ‘cơ sở hạ tầng sụp đổ, Internet sụp trong một hố sụt, lưới điện ngừng hoạt động.’
Candace tham gia vào một chuyến đi đến một thương xá ở ngoại ô Chicago, nơi cả nhóm dự định sẽ ở lại sinh sống.
Họ băng qua một khu vực nơi sinh sống của người ‘sốt’, ‘những người làm theo thói quen, bắt chước những nếp và cử chỉ cũ’ cho đến khi chết.
Những người sống sót miễn dịch ngẫu nhiên hay sao? Hoặc ‘được chọn’ bởi bàn tay của Đấng Siêu nhiên? Candace phát hiện ra sự đánh đổi cho sự an toàn là sự trung thành nghiêm ngặt đối với các quy tắc tôn giáo mà thủ lĩnh của họ, Bob, một cựu kỹ thuật viên IT chuyên quyền, đặt ra. Không sớm thì muộn cô ấy cũng phản kháng.
Tất nhiên, tình hình hiện tại của chúng ta không hề khắc nghiệt như hoàn cảnh trong ‘Cắt Đứt’.
Ling Ma khai thác tình huống xấu nhất mà may mắn là chúng ta đang không phải đối mặt. Trong tiểu thuyết của mình, bà nhìn vào những gì xảy ra trong thế giới tưởng tượng của bà sau khi đại dịch thoái trào. Sau điều tồi tệ nhất, thì ai chịu trách nhiệm xây dựng lại cộng đồng, xây dựng lại nền văn hóa?
Trong một nhóm người sống sót ngẫu nhiên, tiểu thuyết đặt vấn đề, ai quyết định cho ai có quyền lực? Ai đặt ra các hướng dẫn để thực hành tôn giáo? Làm thế nào để mọi người giữ được năng lực độc lập của mình?
‘Trạm Mười Một’
Những câu chuyện tường thuật trong tiểu thuyết ‘Trạm Mười Một’ (Station Eleven) vào năm 2014 của Emily St John Mandel diễn ra trước, trong và sau khi một bệnh cúm lây truyền dữ dội bắt nguồn từ Cộng hòa Georgia, ‘phát nổ như một quả bom neutron trên bề mặt trái đất’, xóa sổ 99% dân số toàn cầu.
Đại dịch bắt đầu vào đêm một diễn viên đóng vai King Lear bị đau tim trên sân khấu. Vợ ông là tác giả của bộ truyện tranh khoa học viễn tưởng lấy bối cảnh trên hành tinh có tên là Station Eleven, nơi xuất hiện 20 năm sau đó, khi một đoàn diễn viên và nhạc sĩ đi qua ‘một cụm các thị trấn nhỏ’, trình diễn các vở ‘Giấc Mộng Đêm Hè’ và ‘Vua Lear’ tại các thương xá bỏ hoang.
Ai và cái gì quyết định nghệ thuật? Mandel hỏi. Văn hóa người nổi tiếng có quan trọng không? Chúng ta sẽ tái thiết như thế nào sau khi con virus vô hình bủa vây? Nghệ thuật và văn hóa sẽ thay đổi như thế nào?
Không nghi ngờ gì sẽ có những cuốn tiểu thuyết về hoàn cảnh hiện tại của chúng ta đang được viết. Những người kể chuyện trong những năm tới đây sẽ miêu tả đại dịch này như thế nào?
Họ sẽ thuật lại tinh thần cộng đồng dâng cao với vô số anh hùng trong chúng ta như thế nào?
Đó là những câu hỏi cần suy gẫm khi chúng ta đọc nhiều hơn và chuẩn bị cho thế giới mới xuất hiện.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-cul-52808162

Covid-19: Hơn 1 triệu ca nhiễm tại Nam Mỹ,

Brazil chiếm gần một nửa

Thu Hằng
Nam Mỹ chiếm 1/6 trong số hơn 6 triệu ca nhiễm trên toàn cầu. Tính đến ngày 31/05/2020, riêng Brazil có gần 500.000 ca nhưng tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm người ủng hộ ông ngay trước phủ tổng thống.
Với hơn 29.000 người chết vì Covid-19, Brazil hiện là nước có số ca tử vong cao thứ tư trên thế giới, sau Mỹ, Anh và Ý, theo tổng kết của AFP sáng 01/06. Virus corona vẫn lây lan nhanh nhưng chính quyền Brazil không có chiến lược chung đối phó với dịch bệnh. Tổng thống Bolsonaro kịch liệt phản đối các biện pháp phong tỏa do chính quyền 27 bang ban hành.
Cũng trong ngày Chủ Nhật 31/05, nhiều vụ xô xát đã xảy ra trên đại lộ Paulista, ở trung tâm thành phố Sao Paulo, giữa người ủng hộ ông Jair Bolsonaro phản đối các biện pháp phong tỏa và bên kia là khoảng 500 người đối lập với tổng thống tham gia biểu tình « chống chủ nghĩa phát xít »« ủng hộ dân chủ ». Cảnh sát đã phải sử dụng khí cay để giải tán đám đông và bắt giữ ít nhất ba người.
Trong khi Nam Mỹ trở thành ổ dịch, đức giáo hoàng Phanxicô đã bày tỏ lo lắng về tình cảnh « dễ bị dịch tác động » của các bộ tộc thổ dân vùng Amazon trong buổi cầu nguyện Chủ Nhật 31/05 trên quảng trưởng Saint-Pierre (Vatican) – buổi lễ đầu tiên được cử hành trước giáo dân kể từ ba tháng qua.
Mỹ tiếp tục hỗ trợ Brazil trang thiết bị điều trị Covid-19. Theo thông cáo của Nhà Trắng ngày 31/05, Hoa Kỳ đã gửi cho Brazil hai triệu liều thuốc hydroxychloroquine dù công dụng của loại thuốc này vẫn gây nhiều tranh cãi. Giống như đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, tổng thống Brazil hoàn toàn tin vào công dụng của loại thuốc chữa sốt rét trong việc điều trị Covid-19. Vẫn theo Nhà Trắng, sắp tới Mỹ sẽ gửi một nghìn máy trợ thở cho Brazil.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200601-covid-19-h%C6%A1n-1-tri%E1%BB%87u-ca-nhi%E1%BB%85m-t%E1%BA%A1i-nam-m%E1%BB%B9-brazil-chi%E1%BA%BFm-g%E1%BA%A7n-m%E1%BB%99t-n%E1%BB%ADa

Tina Ramirez:

Bức hại tín ngưỡng là đại dịch cần được cứu chữa

Thái Học
Một nhà hoạt động cho rằng tình trạng đàn áp đức tin đang diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới, chúng cũng lây lan và nguy hại như đại dịch viêm phổi Vũ Hán hiện nay.
Bà Tina Ramirez là chủ tịch và nhà sáng lập của Hardwired Global, một tổ chức phi chính phủ chuyên cung cấp các chương trình giáo dục và đào tạo nhằm bảo vệ quyền tự do lương tâm và đức tin của mọi người. Bà từng là giám đốc nhân sự của tổ chức Tự do Tôn giáo Quốc tế Caucus thuộc Nghị viện Hoa Kỳ.
Trong bài viết đăng trên The Washington Times, bà Tina cho rằng đại dịch Covid -19 đã khiến nhiều người bị cách ly, bị hạn chế tham gia các hoạt động thường nhật của mình, như đi lại, tụ họp, thờ phượng, v.v.
Bà Tina viết: “Chúng ta hy vọng rằng những quyền lợi và nhu cầu cơ bản trong cuộc sống sẽ trở lại bình thường vào một ngày nào đó. Nhưng đối với hàng trăm triệu người trên thế giới, những người phải chịu cảnh đàn áp và bạo lực về tín ngưỡng, những quyền cơ bản như vậy vẫn là quá xa xỉ đối với họ”.
Bà cho biết: “Những kẻ cực đoan hay chính phủ đã đàn áp, bỏ tù và giết họ mỗi ngày, chỉ vì họ có đức tin khác biệt [với những kẻ đàn áp]”.
“Đáng buồn thay, đại dịch đàn áp tín ngưỡng đang gia tăng – lây lan nhanh hơn và xa hơn qua mỗi năm. Cứ 10 người thì có hơn 8 người phải sống ở trong cảnh bị chính quyền áp đặt những hạn chế nặng nề đối với tự do tôn giáo và tín ngưỡng.”
Bà tiếp tục viết: “Tại Trung Quốc dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản, chính quyền nước này kiểm soát những điều mà người dân được phép tin và thậm chí cả cách họ thờ cúng. Những người thể hiện ý kiến bất đồng thì ​​bị gửi đi ‘chuyển hoá’, thông qua các trại lao động, nơi họ phải đối mặt với những cuộc tra tấn và mổ cướp nội tạng”.
Bà cũng đề cập đến nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram ở Nigeria, tình trạng bạo lực giữa các nhóm tôn giáo ở Ấn Độ, người Hồi giáo Ro-hin-ja bị áp bức ở Miến Điện, cũng như người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, người theo Kitô giáo và người Yezidi ở Iraq.
Đối với các cuộc bức hại tín ngưỡng, bà Tina cho rằng “chúng ta nên có cách phản ứng tương tự với cách phản ứng một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, như chúng ta đang phải đối mặt hiện nay, cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa và giáo dục, thay vì chỉ hỗ trợ tiền và quân sự”.
Bà lập luận: “Giáo dục về tự do tín ngưỡng và chống lại chủ nghĩa cực đoan có thể và có tác dụng ngăn chặn virus thù hận. Chúng tôi có bằng chứng về việc đó”.
Bà Tinna cho biết, tổ chức của bà – Hardwired Global – đã triển khai giáo dục tín ngưỡng cho những trẻ em từng sống trong các khu vực bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm đóng.
“Chương trình giảng dạy mà chúng tôi xây dựng và triển khai đã mang lại kết quả đáng kinh ngạc”, bà cho biết. “Hơn một nửa số học sinh có ý nghĩ bạo lực và chủ nghĩa cực đoan đã từ bỏ quan điểm thù hận của mình.”
Bà Tina cho biết: “Dựa trên việc hợp tác với Bộ Ngoại giao Anh và bộ giáo dục các nước, chương trình đã mở rộng sang Li Băng, Morocco, Kosovo và Jordan, nơi chúng tôi đã thấy có những tác động tương tự với những học sinh tham gia khảo sát”.
Bà Tina ghi rõ, nhiều cuộc nghiên cứu đã kết luận rằng tự do tín ngưỡng có tác dụng thúc đẩy các quyền tự do khác, tăng cường thịnh vượng kinh tế, giảm bớt căng thẳng, giúp xã hội phồn vinh hơn, trong khi những người có đức tin khác nhau cùng chung sống và đóng góp cho cộng đồng.
(Nguồn thumbnail: Foreign & Commonwealth Office / Wikimedia Commons)
https://www.dkn.tv/the-gioi/tina-ramirez-buc-hai-tin-nguong-la-dai-dich-can-duoc-cuu-chua.html

Brexit: Anh và Liên Âu nối lại đàm phán thương mại

Thu Hằng
Đích thân thủ tướng Anh Boris Johnson tham gia các cuộc đàm phán với Liên Hiệp Châu Âu, được nối lại vào ngày 01/06/2020 nhằm tìm ra một thỏa thuận thương mại song phương hậu Brexit.
Từ hơn một năm nay, trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên Hiệp Châu Âu, ông Michel Barnier, thường xuyên nhắc rằng « thời khắc đã điểm » để cả hai bên xác định mối quan hệ song phương, đặc biệt là về thương mại, trong khi Anh Quốc đã chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu từ ngày 31/01/2020.
Theo ông Michel Barnier, tình trạng « giậm chân tại chỗ » hiện nay là do phía Luân Đôn đổi ý. Trả lời nhật báo Anh The Times hôm 31/05, nhà đàm phán Brexit của Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh : « Chúng tôi nhớ rõ văn bản đạt được với thủ tướng Boris Johnson và chúng tôi chỉ muốn thỏa thuận được tôn trọng đúng từng chữ ». Ông cũng cảnh báo nguy cơ « không có thỏa thuận » nếu Luân Đôn trở lại những đề xuất ban đầu.
Trong khi đó, phía Anh lại đánh giá những đề xuất của Bruxelles là không thể chấp nhận được vì thỏa thuận song phương có thể sẽ là một thỏa thuận không thuế quan, không có hạn ngạch, đổi lại là một loạt điều kiện phải phù hợp với tiêu chuẩn Liên Hiệp Châu Âu và ngư dân châu Âu được đánh bắt trong vùng biển của Anh.
Trước những bất đồng trên, quá trình đàm phán có thể phải kéo dài. AFP nhắc lại là vòng một của vòng đàm phá đã bắt đầu vào giữa tháng 05/2020, nhưng không đạt được kết quả. Phía Luân Đôn tỏ ra không khoan nhượng khi khẳng định sẽ chỉ đàm phán đến hết cuối năm 2020.
Theo ông Barnier, cả Luân Đôn và Bruxelles đều bị thiệt hại vì Brexit, nhưng nếu « không đạt được một thỏa thuận thì sẽ còn có nhiều hậu quả hơn, trong khi tình hình đã trầm trọng do dịch virus corona gây nên ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200601-brexit-anh-v%C3%A0-li%C3%AAn-%C3%A2u-n%E1%BB%91i-l%E1%BA%A1i-%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i

Hong Kong: Các cựu ngoại trưởng Anh

muốn có liên minh chống luật an ninh TQ

Bảy cựu ngoại trưởng Anh thúc giục Thủ tướng Boris Johnson thành lập liên minh toàn cầu để phối hợp ứng phó với cuộc khủng hoảng Trung Quốc – Hong Kong.
Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích về dự luật an ninh áp dụng cho Hong Kong, trong đó có quy định việc chống chính quyền Bắc Kinh là tội hình sự.
Ngoại trưởng Dominic Raab cho biết Vương quốc Anh sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước chuyện này.
TQ thông qua luật an ninh, Mỹ nói ‘Hong Kong không còn quyền tự trị’
Luật an ninh mới của Trung Quốc ‘có thể kết liễu Hong Kong’
Hong Kong lại có biểu tình và bắt giữ
Hong Kong ‘xuống giá, bất ổn’ vì luật an ninh mới?
Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 theo một thỏa thuận đặc biệt.
Cựu thuộc địa của Anh được hưởng một số quyền tự do mà ở Trung Quốc đại lục không có – và những điều này được quy định trong một tiểu hiến pháp gọi là Luật Cơ bản.
Nhưng có những lo ngại rằng dự luật đang được đề xuất, vốn đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống đại lục ở Hong Kong, sẽ làm tổn hại một số quyền tự do vốn đã được bảo đảm bởi Luật Cơ bản.
Trong thư gửi thủ tướng, nhóm các cựu bộ trưởng nội các thuộc các đảng phái khác nhau nói rằng chính phủ Anh cần phải đi đầu trong các phản ứng quốc tế, vì nhiều nước sẽ nhìn vào thái độ của Anh đối với vùng cựu thuộc địa này để có hành động.
Các cựu bộ trưởng Jeremy Hunt, David Miliband, Jack Straw, William Hague, Malcolm Rifkind, David Owen và Margaret Beckett đều bày tỏ quan ngại về điều mà họ gọi là hành động “vi phạm trắng trợn” của Trung Quốc đối với các thỏa thuận Trung-Anh bằng cách áp đặt luật an ninh quốc gia cứng rắn đối với Hong Kong.
Họ thúc giục ông Johnson thành lập một “nhóm liên lạc quốc tế” với các đồng minh để điều phối các nỗ lực chung, tương tự như cơ chế được lập hồi 1994 để tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở Nam Tư cũ.
Phát ngôn viên Downing Street nói chính phủ đã đóng vai trò chủ đạo với các đối tác quốc tế trong việc thúc giục Trung Quốc tái cân nhắc vấn đề.
Ông Raab cho biết luật an ninh mới “vi phạm rất rõ ràng” quyền tự trị vốn được bảo đảm theo luật Trung Quốc cũng như trong thỏa thuận năm 1997.
Ông khẳng định Anh sẽ cho phép những người có hộ chiếu Anh Quốc Quốc dân (Hải ngoại) (hộ chiếu BNO) được tới Anh và nộp đơn xin học tập và làm việc trong thời gian 12 tháng, và sau đó có thể xin gia hạn.
Điều này “mở đường cho việc xin quốc tịch” Anh của những ai mang hộ chiếu BNO, ông nói trong chương trình Andrew Marr Show của BBC hôm Chủ Nhật.
Hộ chiếu BNO là loại hộ chiếu đặc biệt, được cấp lần đầu tiên hồi 1987 cho các công dân Hong Kong sinh ra trước thời điểm vùng lãnh thổ này được trao trả cho Trung Quốc và đã đăng ký để được hưởng quy chế là công dân Anh ở hải ngoại.
Ông Raab cho biết có tới ba triệu người đã đăng ký quy chế BNO tại Hong Kong đủ điều kiện nhập tịch Anh nếu Trung Quốc ra luật an ninh quốc gia.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, Tom Tugendhat, nói chính phủ Anh cần nhận thấy rõ rằng Trung Quốc có một “hệ thống chính phủ rất độc đoán”, và nên cân nhắc lại về quan hệ đối tác giữa hai quốc gia.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52873109

Hồng Kông: Ngoài Washington,

Luân Đôn cũng tăng sức ép với Bắc Kinh

Mai Vân
Trong những ngày qua, dư luận thế giới rất quan tâm đến áp lực càng lúc càng tăng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong hồ sơ Hồng Kông. Bên cạnh Mỹ, Anh Quốc cũng bắt đầu tăng sức ép với chính quyền Bắc Kinh. Luân Đôn cho biết sẵn sàng cấp quốc tịch Anh cho hơn 300.000 cư dân Hồng Kông nếu Bắc Kinh không từ bỏ ý định áp đặt luật an ninh quốc gia vừa được thông qua hôm 28/05/2020.
Vào đúng ngày Quốc Hội Trung Quốc thông qua bộ luật mang tên chính thức là “Quyết định của Quốc Hội về xây dựng kiện toàn chế độ pháp luật và cơ chế thực thi về bảo vệ an ninh quốc gia của Đặc Khu Hành Chính Hồng Kông”, bốn nước Phương Tây gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc và Anh Quốc đã ra một thông cáo lên án đạo luật được cho là đã “ đe dọa khuôn khổ chế độ ‘nhất quốc lưỡng chế’ được quy định khi Hồng Kông được trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Một hôm sau, ngày 29/05, Liên Hiệp Châu Âu cũng nêu lên mối quan ngại “sâu sắc”. Trong một thông cáo sau một cuộc họp với ngoại trưởng 27 nước thành viên, ông Josep Borell, đại diện cấp cao đặc trách đối ngoại của Liên Âu đã tỏ ý hoài nghi: “Quan hệ của châu Âu và Trung Quốc dựa trên sự tôn trọng và tin cậy lẫn nhau. Quyết định này (Luật về an ninh Hồng Kông) lại đặt ra thêm vấn đề về ý chí của Trung Quốc trong việc tôn trọng các cam kết quốc tế của mình.
Anh Quốc đe dọa dùng biện pháp cấp quốc tịch
Riêng Luân Đôn đã phản ứng mạnh hơn. Trong một thông điệp video công bố trên mạng Twitter ngày 28/05, ngoại trưởng Anh, Dominic Raab, đã đề nghị sửa đổi hệ thống hộ chiếu British Nationals Overseas BNO – tức là hộ chiếu dành cho công dân Anh Quốc ở hải ngoại – mà mọi người Hồng Kông sinh trước năm 1997 đều có quyển được hưởng. Người có loại hộ chiếu đặc biệt này được quyền nhập cảnh và cư trú tại nước Anh trong vòng 6 tháng mà không cần visa.
Theo chính quyền Anh Quốc, hiện chỉ có khoảng 350.000 người Hồng Kông sỡ hữu hộ chiếu BNO, nhưng theo tổng lãnh sự quán Anh Quốc tại Hồng Kông, thêm 2,9 triệu người tại đây có thể xin hộ chiếu này.
Trong thông điệp ngoại trưởng Anh đe dọa: “Nếu Trung Quốc tiếp tục con đường hiện nay và áp dụng bộ luật về an ninh quốc gia, chúng tôi sẽ thay đổi các quy chế, sẽ bãi bỏ thời hạn 6 tháng và cho phép những người mang hộ chiếu BNO đến Anh Quốc để làm việc, học tập trong những thời hạn dài hơn – 12 tháng – mở đường cho việc nhập quốc tịch Anh”.
Bắc Kinh đe dọa trả đũa
Trung Quốc đã nhanh chóng phản ứng. Thứ trưởng kiêm phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cảnh báo rằng một quyết định như trên của Anh Quốc “không những vi phạm các quy tắc của chính mình mà còn vi phạm cả luật quốc tế”, vì đi ngược lại với thỏa thuận trao trả Hồng Kông, theo đó “tất cả những người có hộ chiếu BNO là người quốc tịch Trung Quốc”.
Bắc Kinh đe dọa áp dụng những biện pháp trả đũa “tương ứng” nhắm vào Luân Đôn.
Trung Quốc luôn phản ứng gay gắt trước mọi can thiệp của Anh Quốc về Hồng Kông. Đại sứ nổi tiếng là hung hăng của Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming), người thường xuyên tố cáo giới chính trị Anh là tiếp tục xem Hồng Kông như là “một phần của đế quốc Anh” đã lên tiếng ngay thông qua mạng Twitter.
Trong một tin nhắn đề ngày 28/05, ông yêu cầu Luân Đôn chấm dứt can thiệp vào vấn đề Hồng Kông, một vấn đề “hoàn toàn nội bộ của Trung Quốc”. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, nhân vật này khẳng định: “Hồng Kông không nằm trong phạm vi trách nhiệm của Anh Quốc và không phải là món hàng trao đổi”.
Xu hướng chống Trung Quốc ngày càng mạnh tại Anh
Một số nghị sĩ Anh, nhất là trong đảng Bảo Thủ, như ông Tom Tugendhat, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện, muốn chính quyền Anh cấp quốc tịch một cách tự động những người ở Hồng Kông mang hộ chiếu BNO.
Ngoài khía cạnh chính trị, theo nhật báo Pháp Libération ngày 30/05, Luân Đôn cũng không che giấu là sau khi chia tay với Liên Hiệp Châu Âu, sẽ là một điều rất tốt nếu Anh Quốc đón được những tài năng đến từ những vùng thuộc địa cũ để góp sức xây dựng sự phồn thịnh của nước Anh. Năm 1972, chính quyền Anh đã đón 30.000 người Uganda gốc Ấn, có hộ chiếu BNO và cấp cho họ quốc tịch Anh, sau khi những người này bị chính quyền Idi Amin Dada trục xuất.
Nhật báo Pháp Le Monde ngày 29/05 đã lồng phản ứng của Luân Đôn trong hồ sơ luật an ninh Trung Quốc về Hồng Kông, vào trong toàn cảnh quan hệ giữa Vương Quốc Anh với Trung Quốc mà chính phủ Johnson dường như đã sẵn sàng xem xét lại: Luân Đôn muốn có thêm quyền tự chủ sau một giai đoạn dài của chính sách xích lại gần Bắc Kinh về thương mại và ngoại giao do cựu thủ tướng David Cameron khởi xướng từ năm 2010.
Theo Le Monde, tương tự như tại những nước phương Tây khác, khủng hoảng Covid-19 đã nêu bật nguy cơ nước Anh bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp thiết bị y tế từ Trung Quốc. Chính phủ Boris Johnson do đó có thể xem xét lại đèn xanh đã bật – hồi đầu năm 2020 – cho tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi trong việc xây dựng mạng điện thoại di động 5G tại Vương Quốc Anh.
Trong những ngày gần đây, Cơ Quan An Ninh Mạng Anh Quốc (NCSC) đã bắt đầu xem xét trở lại các rủi ro có thể xảy ra đối với an ninh của quốc gia từ việc dùng thiết bị Hoa Vi sau khi Washington cấm không cho tập đoàn Trung Quốc dùng các linh kiện điện tử do các công ty Mỹ thiết kế.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200601-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-ngoa%CC%80i-washington-lu%C3%A2n-%C4%91%C3%B4n-cu%CC%83ng-t%C4%83ng-s%C6%B0%CC%81c-e%CC%81p-v%E1%BB%9Bi-b%C4%83%CC%81c-kinh

Pháp mở lại các trạm nghỉ mát ven biển

Tuấn Thảo
Từ các bờ biển vùng Normandie ở phía Bắc cho tới các bãi cát ven bờ  Địa Trung Hải ở phía Nam, hầu hết các trạm nghỉ mát ở Pháp đều dần dần được mở lại để đón khách. Cứ trên 10 thành phố ven biển, là có đến 7 đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các chính quyền địa phương buộc phải áp dụng tối đa các quy tắc giữ khoảng cách an toàn.
Hàng năm, có khoảng 35 triệu du khách Pháp cũng như khách nước ngoài đổ về các trạm nghỉ mát ven biển. Nếu phải so sánh thì số du khách tương đương với một nửa dân số nước Pháp lại sống tập trung trên một diện tích chỉ bằng 4% lãnh thổ nước Pháp. Cảnh tượng chen chúc, đông đúc ấy là một bài toán đau đầu cho các hội đồng cấp tỉnh hay cấp vùng, làm thế nào để tiếp đón lượng du khách vào mùa hè
này, một khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ hoàn toàn và quyền đi lại của người Pháp không còn bị hạn chế trong phạm vi 100 km xung quanh nơi cư trú.
Theo nhà xã hội học Jean-Didier Urbain, tác giả của quyển sách nghiên cứu ‘‘Sur la mer’’ (nhà xuất bản Payot) nói về tập quán đi ‘‘nghỉ mát’’ của người Pháp, thì kể từ năm 1936, với việc thiết lập chế độ các ngày nghỉ phép được trả lương, chuyện đi nghỉ mát nhất là đổ về các miền duyên hải để tắm biển đã trở thành một ‘‘truyền thống’’ quốc gia. Từ các bờ biển vùng Bretagne cho tới vùng Côte d’Azur, dân số địa phương được nhân lên gấp 5, gấp 10 lần chủ yếu trong những tháng hè.
Tắm biển, tắm nắng, đọc sách, đi dạo, hóng gió, thậm chí đi mò cua bắt ốc ,.. tất cả các thú vui bình dị đơn giản ấy đều biến mất với dịch Covid-19. Trong hơn hai tháng phong tỏa, hầu hết các bãi biển đều cấm người qua lại, dân lui tới. Nhưng trong thời hậu Covid-19, các chính quyền địa phương đều mong thu hút khách trở lại, một khi mùa du lịch chính thức khai mạc bắt đầu và có rất nhiều người  Pháp sống nhờ vào nguồn du khách.
Về điểm này, ông Yannick Moreau, thị trưởng của thành phố Les Sables d’Olonne ven bờ Đại Tây Dương, tỏ ra lạc quan. Cùng với hai thành phố khác là La Baule và Pornichet, trạm nghỉ mát Les Sables d’Olonne đã được phép hoạt động trở lại kể từ ngày 13/05 theo quyết định của tỉnh trưởng. Tuy nhiên, việc mở lại các bãi biển đi kèm với khá nhiều điều kiện nghiêm ngặt. Cũng như đa số các bãi tắm ở vùng Atlantique hay Normandie, chính quyền mở lại bãi biển nhưng lại cấm dân ngồi hay nằm trên cát, nói cách khác dân có thể đi dạo hay chạy bộ nhưng không được quyền ngồi đọc sách hay nằm yên tắm nắng.
Tại vùng Normandie, thị trưởng Deauville cho mở bãi biển cho người đi bộ hay chơi thể thao nhưng lại cấm du khách ngồi hay nằm trên cát trong khi hai thành phố Houlgate và Dives sur Mer, cách đó không xa lại cho phép sinh hoạt ‘‘bình thường’’ nhưng phải giữ khoảng hơn 2 thước. Còn nếu muốn chơi thể thao, thì phải chơi một cách cá nhân chứ không thể tụ họp thành nhóm trên bãi cát. Thị trưởng Sables d’Olonne còn  đi xa hơn khi cấm hẳn khách qua lại, khi thủy triều dâng cao và như vậy diện tích bãi cát cũng bị thu hẹp lại, người đi bộ thế nào rồi cũng chạm vào nhau. Vì thế, dân ra đường buộc phải đeo khẩu trang và khi đi dạo trên bãi biển, phải tuân theo một chiều duy nhất.
Đại đa số người dân được yêu cầu áp dụng tuyệt đối các quy định này. Ở vùng Bretagne, chính cũng vì đã có nhiều trường hợp vi phạm hay không tôn trọng các quy định, mà nhiều thị trưởng ở vùng Morbihan đã ra lệnh đóng cửa trở lại các bãi biển, do một số người còn thiếu ý thức về sự an toàn chung của cộng đồng. Riêng thành phố Les Sables d’Olonne không thể nào lơ là với chuyện này vì ngành du lịch đem về  400 triệu euro doanh thu hàng năm, và các hoạt động của trạm nghỉ mát tương đương với công viên giải trí Puy du Fou, được xem như là đầu tàu kinh tế của vùng Vendée.
Đó cũng là quan niệm của ông Antoine Parra, giám đốc Sở du lịch kiêm thị trưởng Argelès sur Mer. Nằm cách thành phố lớn Perpignan 25 cây số về phía Nam, Argelès sur Mer là một thành phố nhỏ chỉ khoảng 10.000 dân nhưng trong ba tháng hè lại tiếp đón hàng triệu lượt du khách, chủ yếu là dân thích đi xe cắm trại. Thành phố này có một bãi biển dài 10 cây số những quan trọng hơn là hàng chục mẫu đất ven biển, dành cho các khu camping, và nhờ vậy thu hút đông đảo khách Pháp (75%) cũng như khách nước ngoài (24%).
Theo Antoine Parra, nguồn thu nhập của thành phố hoàn toàn phụ thuộc vào ngành du lịch. Cứ trên 10 du khách là có đến 6 người giữ chỗ và đặt trước tại các khu camping ven biển. Trong những tuần lễ cao điểm, dân số tại trạm nghỉ mát này được nhân lên gấp 15 lần. Kể từ trung tuần tháng 05/2020, Argelès sur Mer đã hoạt động trở lại và trong cách bố trí, chính quyền địa phương đã cố tình sắp đặt chỗ ở cho khách một cách rải rác, để tránh tình trạng có quá nhiều người ở cùng một chỗ.
Còn tại vùng Hérault phía nam, ông Jérôme Arnaud, giám đốc giám đốc Sở du lịch thành phố La Grande-Motte, trạm nghỉ mát này đã cho đóng cọc trên bãi cát, các cọc gỗ được nối liền với dây thừng, phân chia bãi biển ra thành nhiều ô vuông. Bãi cát lớn của thành phố gồm 80 ô vuông như vậy, mỗi ô dành cho một gia đình từ 2 đến 6 người. Các hộ gia đình có thể đăng ký trên mạng để giữ chỗ, thời hạn là 3 tiếng đồng hồ buổi sáng hoặc buổi chiều. Nhìn chung thì người dân phản ứng khá tích cực trước những biện pháp này, tuy có phần hạn chế không gian trên bãi biển, nhưng ít ra tạo điều kiện cho dân trong vùng luân phiên nhau tìm lại các thú vui của những ngày nắng đẹp trời, sau 2 tháng buộc phải ở trong nhà. Theo ông Jérôme Arnaud, nếu thử nghiệm thành công, mô hình này có thể được áp dụng chung cho các bờ vát ven Địa Trung Hải vào mùa hè này.
Hầu hết các thị trưởng tại các trạm nghỉ mát đều không vui mừng cho lắm với tình hình khó khăn hiện nay, nhưng thà có một chút còn hơn là không có gì cả.
Các trạm nghỉ mát buộc phải thay đổi và thích nghi trong thời hậu Covid-19 và các bản quan lý đều hy vọng thấy lượng du khách trở lại trên các bờ biển, vừa đủ chứ không quá tải ít ra trong thời gian đầu. Trong mắt của giới chuyên ngành du lịch, quả thật là rất khó khăn khi phải áp đặt nhiều ràng buộc cho du khách, tại những nơi mà con người đi tìm bầu không khí thảnh thơi, tự do. Thế nhưng, giai đoạn thích nghi lại rất cần thiết và phải mất một thời gian dài để có thể tìm lại một mức sinh hoạt bình thường.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200601-ph%C3%A1p-m%E1%BB%9F-l%E1%BA%A1i-c%C3%A1c-tr%E1%BA%A1m-ngh%E1%BB%89-m%C3%A1t-ven-bi%E1%BB%83n

Phản lực cơ Nga chặn hai oanh tạc cơ của Hoa Kỳ

tại vùng biển Baltic

Theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, các phản lực cơ của Nga đã chặn hai oanh tạc cơ chiến lược của Hoa Kỳ trên vùng biển quốc tế Biển Đen và Biển Baltic vào hôm thứ Sáu (29 tháng 5). Tuyên bố cho biết, ban đầu chiến đấu cơ Su-27 và Su-30 của Nga bám theo oanh tạc cơ Hoa Kỳ ở khoảng cách an toàn và tuân thủ các quy tắc quốc tế, cho đến khi các máy bay B-1B thay đổi hướng đi.
Vào ngày 19 tháng 5, phản lực cơ của NATO từng chặn hai oanh tạc cơ Tu-22 của Nga, khi máy bay này đang tiến gần không phận Roumani. Theo Radio Free Europe / Radio Liberty dẫn lời một viên chức ẩn danh của NATO, máy bay của Nga đã bị chặn gần 300 lần khi bay gần không phận NATO vào năm 2019.
Theo hãng thông tấn TASS đưa tin, Nga đã bắt đầu lắp ráp một nguyên mẫu của oanh tạc cơ chiến lược tàng hình mới vào đầu tháng này. (BBT)
https://www.sbtn.tv/phan-luc-co-nga-chan-hai-oanh-tac-co-cua-hoa-ky-tai-vung-bien-baltic/

Cái chết của người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga

hé lộ mối liên hệ với Trung Quốc

Thiện Lan
Năm nay, Covid-19 đã lan truyền nhanh chóng trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nỗ lực che giấu tình hình dịch bệnh thực tế ở Trung Quốc đại lục, gây ra những tổn thất khôn lường cho thế giới.
Cho đến nay, Covid-19 đã lan rộng ra hầu hết các quốc gia, với hơn 5 triệu người nhiễm và gần 330.000 ca tử vong do căn bệnh này – nếu chúng ta tin vào số liệu ca tử vong chính thức của Trung Quốc: 4.642. Trên thực tế, nhiều người Trung Quốc tin rằng con số thực tế ít nhất cao gấp 10 lần con số này.
Đối mặt với sự mất mát to lớn về người và của, chính phủ và người dân các nước cần khẩn trương nhận thức rõ mối liên hệ giữa bệnh dịch và ĐCSTQ, và những gì mỗi cá nhân và quốc gia nên làm để đẩy lùi dịch bệnh và tự cứu lấy chính mình.
Lịch sử đen tối của ĐCSTQ là sự đan xen giữa chiến tranh, nạn đói nhân tạo, bệnh dịch và những cái chết oan, thấm đẫm máu và nước mắt của người dân đại lục.
Trong 70 năm cầm quyền, ĐCSTQ đã sát hại khoảng 80 triệu người dân Trung Quốc. Nó đã phá hủy văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc Trung Hoa. Trong 30 năm trở lại đây, từ vụ thảm sát các sinh viên ủng hộ dân chủ năm 1989 tại Thiên An Môn, cho đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu từ năm 1999 và hiện vẫn đang tiếp diễn, việc đàn áp và đánh lừa người dân Trung Quốc đã mang đến món nợ khổng lồ cho ĐCSTQ, cũng như những người ở phần còn lại của thế giới đã mở đường cho nó hoặc đồng lõa với nó bằng cách nhắm mắt làm ngơ.
Trong gần 40 năm, ĐCSTQ đã sử dụng toàn cầu hóa và lợi ích kinh tế để đưa các quốc gia khác nằm dưới sự ảnh hưởng của ĐCSTQ. Sự xâm nhập của ĐCSTQ vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, đi sâu vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục. Ví dụ về các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ bao gồm các chương trình của Viện Khổng Tử, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) hay gã khổng lồ viễn thông Huawei. Bằng cách đánh lừa người dân và chính phủ các nước trong hệ thống lợi ích kinh tế của mình, ĐCSTQ khiến họ lâu ngày thành quen với hệ tư tưởng vô thần luận, đồng thời dung túng cho sự cai trị chuyên chế của nó và đi ngược lại các giá trị truyền thống và tâm linh.
Bất hạnh chắc chắn sẽ xảy đến với những quốc gia, khu vực và tổ chức nào qua lại mật thiết, tăng cường quan hệ và ủng hộ ĐCSTQ. Con đường lan truyền của Covid-19 ra khắp thế giới thường nối gót các quốc gia, thành phố, tổ chức, thậm chí những cá nhân có liên hệ mật thiết đến ĐCSTQ.
Ngành hàng không và vũ trụ Nga bị tàn phá nặng nề bởi Covid-19
Người đứng đầu chương trình đưa người vào vũ trụ của Nga, ông Yevgeny Mikrin, vừa qua đời ở tuổi 65 sau khi nhiễm Covid-19, theo thông cáo của cơ quan vũ trụ quốc gia Roscosmos hôm 5/5. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn tới gia đình và bạn bè ông.
Từ năm 1981, ông Mikrin đã làm việc cho Energia, hãng hàng không vũ trụ lớn nhất của Nga, giúp phát triển hệ thống điều khiển tàu vũ trụ chở người và chở hàng, tổ hợp không gian đa mô hình và tàu vũ trụ tự động. Cái chết của ông là một mất mát đáng kể cho ngành công nghiệp vũ trụ và tên lửa Nga.
Dmitry Rogozin, tổng giám đốc hãng hàng không vũ trụ quốc gia Nga Roscosmos, hôm 1/5 đã viết trên Twitter rằng:
“Dữ liệu về các nhân viên ngành vũ trụ và tên lửa bị nhiễm virus corona chủng mới (2019-nCoV) tính đến 20:00 ngày 30/4/2020
SỐ CA NHIỄM – 173, HỒI PHỤC – 16, TỬ VONG – 6”.
Toàn nước Nga có 362.342 trường hợp nhiễm Covid-19, với 3.807 trường hợp tử vong tính đến ngày 26/5, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins. Do đó nếu xét theo tỷ lệ, thì số ca nhiễm và tử vong của các nhân viên ngành vũ trụ và tên lửa Nga là rất lớn.
Tại sao có quá nhiều ca nhiễm Covid-19 trong ngành công nghiệp vũ trụ và tên lửa Nga? Là vì các quốc gia, khu vực và tổ chức có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid – 19. Vậy rốt cục mối liên hệ giữa ngành vũ trụ và tên lửa Nga và ĐCSTQ là gì?
Nga hậu thuẫn Trung Quốc toàn diện hậu Chiến tranh Lạnh
Cuộc chạy đua vũ trang giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh tăng lên khi hai cường quốc đua nhau đưa người lên mặt trăng. Sau khi Liên Xô tan rã, do suy thoái kinh tế và thiếu vốn, chương trình hàng không vũ trụ của Nga đã lụi tàn dần khi công nghệ và tài năng tụt dốc. Hoa Kỳ cũng giảm tải các chương trình không gian do thiếu đối thủ cạnh tranh mạnh làm động lực phát triển.
Ngược lại, ĐCSTQ đã đầu tư mạnh tay vào chương trình không gian với nguồn vốn tích lũy mạnh mẽ sau những cải cách kinh tế vào những năm 1980, đặc biệt trong việc phóng các vệ tinh và tên lửa đẩy. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng trống lớn cần lấp đầy trong mảng công nghệ hàng không của Trung Quốc. ĐCSTQ biết rằng sẽ không thể hợp tác với Hoa Kỳ, vì vậy nó đã chuyển sang Nga nhờ hỗ trợ kỹ thuật và đổi lấy lợi ích kinh tế.
Ngày 1/11/2017, Trung Quốc và Nga đã đồng ý hợp tác về 6 công nghệ liên quan đến không gian trong giai đoạn 2018 – 2022. Thỏa thuận này là một trong khoảng 20 thỏa thuận được ký kết bởi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev tại Bắc Kinh tại cuộc họp thường kỳ lần thứ 22 giữa nguyên thủ hai nước.
Theo thông cáo báo chí từ cơ quan vũ trụ Roscosmos, 6 lĩnh vực hợp tác là mặt trăng, không gian sâu, phát triển tàu vũ trụ, điện tử không gian, dữ liệu viễn thám trái đất và giám sát mảnh vỡ không gian.
Hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik dẫn lời ông Rogozin cho biết “sự hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ vận tải vũ trụ có thể là dùng tên lửa đẩy của Nga để phóng tàu vũ trụ Trung Quốc, từ đó triển khai nhóm đa vệ tinh của Trung Quốc, cũng như việc bán động cơ tên lửa cho Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, họ sẽ cung cấp cho chúng ta nguồn cung cấp vi điện tử mà chúng ta cần”.
Điều hướng vệ tinh cũng là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng, khi Trung Quốc dự kiến hoàn thành Hệ thống vệ tinh dẫn đường BeiDou vào năm tới, và Nga sẽ tung ra hệ thống định vị vệ tinh không gian GLONASS.
Sergei Anatolyevich Gavrilov là phó chủ tịch hạ viện Nga – cơ quan lập pháp của Nga – đại diện cho Đảng Cộng sản Nga. Theo Nhân Dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, ông Gavrilov từng tuyên bố sự hợp tác với Trung Quốc trong các chương trình không gian sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Nga.
Đối với chính quyền Trung Quốc, sự hợp tác với Nga sẽ thúc đẩy các tiến bộ kỹ thuật của Trung Quốc, cho phép nước này có khả năng vượt mặt Mỹ trong lĩnh vực điều hướng vệ tinh và gây ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Ngày 29/11/2017, Nga đã ký kết một thỏa thuận với Trung Quốc để bảo vệ các công nghệ mật dùng trong các hoạt động không gian, ký ngày 25/6/2016 tại Bắc Kinh trong chuyến thăm chính thức của ông Putin đến Trung Quốc.
Nhiều sự hợp tác cũng đã diễn ra giữa các viện nghiên cứu và trường đại học của Nga và Trung Quốc. Năm 2017, Trường đại học hàng không Thượng Hải và Đại học Hàng không Moscow đã khởi xướng một chương trình giáo dục chung.
Đại học Hàng không Vũ trụ Samara cũng đã hợp tác với Đại học Hàng không và Vũ trụ Nam Kinh, để tiến hành trao đổi học thuật tại Viện Động cơ và Kỹ thuật Nhà máy Điện trực thuộc ĐH Samara.
Ngày 3/3/2018, Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Nga Roscosmos và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thám hiểm mặt trăng và không gian sâu, đồng thời thành lập một trung tâm dữ liệu về các dự án mặt trăng.
Tại triển lãm hàng không và vũ trụ quốc tế Salon 2019 (2019 International Aviation and Space Salon) được tổ chức từ ngày 27/8 đến ngày 1/9 tại Zhukovsky, một thị trấn nhỏ gần Moscow, Trung Quốc đã trình diễn máy bay không người lái, tàu vũ trụ và máy bay đổ bộ được phát triển trong nước. Trung Quốc là quốc gia đối tác tại sự kiện năm đó.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, Alexander Zheleznyakov, thành viên Viện Vũ trụ Nga Tsiolkovsky cho biết ông rất ấn tượng trước lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong thị trường bệ phóng thương mại quốc tế và lợi thế kỹ thuật của tên lửa Trung Quốc.
Hệ thống định vị vệ tinh được biết đến có nhiều ứng dụng cho liên lạc, quân sự và điều hướng. Hoa Kỳ đã phát triển hệ thống định vị toàn cầu (GPS) được sử dụng trong các hoạt động chiến đấu quy mô lớn như Chiến tranh vùng Vịnh. Tương tự như vậy, GLONASS là hệ thống định vị toàn cầu của Nga. BeiDou của Trung Quốc  sẽ là hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu thứ tư được kiến tạo, theo sau GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của Liên minh châu Âu.
Thông qua sự hợp tác với Nga, Trung Quốc đã phát triển hệ thống định vị, điều hướng và tính toán thời gian tiên tiến của riêng mình, được gọi là PNT, cho hệ thống định vị BeiDou. Trung Quốc có kế hoạch mở rộng BeiDou để phục vụ mục đích quân sự. Giờ đây, hệ thống BeiDou đã chuyển sang giai đoạn phát triển thứ ba, sẽ bao hàm các vệ tinh quỹ đạo tầm trung, ba vệ tinh địa tĩnh và ba quỹ đạo địa không đồng bộ nghiêng. Hệ thống hiện có 33 vệ tinh trên quỹ đạo; kế hoạch là hoàn thiện chương trình vào năm 2020 với tổng cộng 35 vệ tinh trên quỹ đạo.
Trung Quốc đang tiếp thị BeiDou tới các quốc gia tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI ) kèm các ưu đãi.
Thông qua sáng kiến ​​này, Bắc Kinh sẽ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng của các nước, đồng thời xây dựng sức ảnh hưởng địa chính trị của mình.
Theo trang Spaceflight Now, khi hệ thống hoàn thành, BeiDou sẽ có 8 vệ tinh trên quỹ đạo địa không đồng bộ, trở thành quốc gia duy nhất làm được điều này.
Một báo cáo năm 2017 của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Trung-Mỹ đã nêu chi tiết các hệ lụy và rủi ro đi kèm hệ thống BeiDou đối với mạng GPS của Hoa Kỳ. Theo báo cáo “BeiDou có thể tiềm ẩn rủi ro bảo mật khi cho phép chính phủ Trung Quốc theo dõi người dùng trong hệ thống bằng cách triển khai phần mềm độc hại truyền qua tín hiệu điều hướng hoặc chức năng nhắn tin (thông qua một kênh liên lạc vệ tinh) một khi công nghệ này được áp dụng đại trà”.
Không có nghi ngờ gì khi sự phát triển và tiến bộ nhanh chóng của các chương trình và dự án hàng không vũ trụ của Trung Quốc là nhờ sự hậu thuẫn của các chuyên gia và viện nghiên cứu của Nga. Liệu chúng ta có thể nói rằng yếu tố thực sự đằng sau sự bùng phát dịch virus trong nhóm các chuyên gia hàng không vũ trụ Nga là cơ quan không gian này có mối quan hệ gắn kết về chính trị và kinh tế với ĐCSTQ?
Yang Ning – tác giả bài viết này – là một cộng tác viên từ Trung Quốc đại lục. Anh/cô ấy đã sử dụng bút danh để bảo vệ danh tính của mình, nhằm tránh khả năng bị truy dấu và hứng chịu bức hại từ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bài viết được đăng trên trang The Epoch Times hôm 22/5, thể hiện quan điểm riêng của tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của Đại Kỷ Nguyên.
Theo Epoch Times
Thiện Lan dịch, Quý Khải biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/cai-chet-cua-nguoi-dung-dau-co-quan-vu-tru-nga-lam-ro-moi-lien-he-voi-trung-quoc.html

Virus Corona – Nga:

Matxcơva bắt đầu nới lỏng phong tỏa

Anh Vũ
Chính quyền Matxcơva bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa dân cư sau khi nhận thấy tình hình lây lan virus corona có xu hướng ổn định ở thủ đô Nga. Những quy định sinh hoạt mới được đô trưởng Serguei Sobianine thông báo từ tuần trước bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/06/2020.
Về cơ bản lệnh phong tỏa vẫn duy trì trong 2 tuần nữa. Theo thống kê chính thức Nga ghi nhận trong ngày 31/05/2020, hơn 9.000 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số thành 406.000 ca nhiễm từ đầu dịch.
Thông tín viên Etienne Bouche tại Matxcơva tường trình :
Những ngày qua, chỉ cần quan sát giao thông trên đường phố là có thể thấy mức độ mệt mỏi của người dân Matxcơva. Sau hai tháng bị phong tỏa nghiêm ngặt, thành phố đã dỡ bỏ một phần các hạn chế.
Từ thứ Hai này, các cửa hiệu không bán thực phẩm đã được phép mở cửa trở lại. Những dịch vụ không cần tiếp xúc trực tiếp lâu cũng trong diện này.
Người dân thành phố không cần phải xin phép để đi lại. Từ giờ họ được tập thể dục thể thao ngoài trời từ 5 giờ đến 9 giờ sáng. Các công viên của thành phố cũng đã mở cửa trở lại nhưng theo lịch. Chính quyền thành phố làm như vậy để hạn chế đông người ở các nơi công cộng.
Các khu chung cư được chia thành sáu nhóm và lịch ra ngoài đi dạo cũng được phân theo từng nhóm dân cư đó. Găng tay, khẩu trang bắt buộc đeo ở mọi nơi, trên phố, phương tiện giao thông công cộng hay trong các cửa hàng.
Các điều kiện phong tỏa như vậy được kéo dài đến ngày 14/06/2020. Rạp chiếu phim, bảo tàng, quán ăn và các trung tâm thương mại vẫn đóng cửa cho đến khi có lệnh mới.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200601-virus-corona-nga-matxc%C6%A1va-b%E1%BA%AFt-%C4%91%E1%BA%A7u-n%E1%BB%9Bi-l%E1%BB%8Fng-phong-t%E1%BB%8Fa

Đài Loan sỡ hữu ngư lôi Mk-48 Mod6 AT

đe dọa trực tiếp đến tàu chiến TQ

Đài Loan sẽ nhận được lô hàng nhỏ gồm 18 quả ngư lôi 533 mm Mk-48 Mod 6 AT (công nghệ tiên tiến). Đây là loại ngư lôi hiện đại có uy lực mạnh mẽ được thiết kế đặc biệt cho tàu ngầm, với tầm bắn tối đa lên tới 50 km, được sử dụng để tấn công các mục tiêu tàu mặt nước và tàu ngầm. Ngư lôi này có thể tấn công các mục tiêu tàu ngầm tốc độ trung bình và cao, như tàu ngầm hạt nhân, ở khoảng cách khá xa.
Theo chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin, trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục xấu đi, việc Mỹ tuyên bố quyết định bán ngư lôi cho Đài Loan. Thoạt nhìn, đây dường như không phải là một giao dịch quân sự đặc biệt lớn, nhưng giao dịch này chạm đến lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm trong sự phát triển tiềm lực quân sự của Đài Loan và có thể làm phức tạp thêm quan hệ Trung – Mỹ.
Hiện nay Đài Loan chỉ có hai tàu ngầm chiến đấu lớp Hải Long. Chúng được thiết kế và chế tạo ở Hà Lan dựa trên mẫu tàu ngầm lớp Swordfish (Cá Kiếm) và được giao cho Đài Loan vào nửa cuối thập niên 1980. Hai tàu này hiện được trang bị loại ngư lôi AEG SUT264 của Đức. Việc Đức buộc phải chấm dứt hợp tác kỹ thuật quân sự với Đài Loan do sự uy hiếp của Trung Quốc và sự lão hóa của ngư lôi rõ ràng đã khiến Đài Loan gặp khó khăn trong việc duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, vào năm 2003 và 2010 đã xảy ra sự cố tổn thất ngư lôi trong các cuộc tập trận thực tế.
Đài Loan từ lâu đã muốn trang bị cho các tàu ngầm của mình các ngư lôi của Mỹ, nhưng vì sự nhạy cảm trong chính sách với Trung Quốc đại lục, nên Đài Loan lâu nay đã trì hoãn quyết định mua những vũ khí này. Do không thể tự mình chế tạo tàu ngầm, Đài Loan đã thực hiện kế hoạch nâng cấp quy mô lớn cho các tàu ngầm Hải Long hiện có của họ, bao gồm thay thế các thiết bị điện tử, nâng cấp động cơ và trang bị cho nó các hệ thống vũ khí mới, như tên lửa chống hạm Harpoon và ngư lôi Mk-48. Việc trang bị cho các tàu cũ này các thiết bị và hệ thống vũ khí mới sẽ giúp Đài Loan thực hiện kế hoạch phòng thủ quan trọng nhất – tự chế tạo các tàu ngầm diesel – điện (IDS). Con tàu đầu tiên do chính Đài Loan chế tạo dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2024, mặc dù phải tính đến việc các dự án như vậy luôn đi kèm với rủi ro kỹ thuật đáng kể.
Theo nhận định của giới chuyên gia, hạm đội tàu ngầm Đài Loan sau khi được nâng cấp có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ đảo Đài Loan. Các tàu ngầm ít có khả năng bị các máy bay Trung Quốc đại lục đã giành được ưu thế trên không phát hiện và tấn công trong thời kỳ đầu khi nổ ra xung đột. Mặc dù Trung Quốc đại lục cũng đã đạt được tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực này, nhưng khả năng phòng thủ chống ngầm của vẫn là một trong số ít điểm yếu trong tiềm lực quân sự của PLA. Các tàu ngầm Đài Loan được trang bị tên lửa hành trình và ngư lôi hiện đại có thể trở thành một trở ngại nghiêm trọng cho quân đội Trung Quốc đại lục khi đổ bộ lên hòn đảo này. Loại bỏ mối đe dọa này hoàn toàn nằm trong khả năng của PLA, nhưng sẽ mất thời gian để giải quyết nhiệm vụ này và Bắc Kinh có thể không có thời gian do việc chiếm đóng Đài Loan phải thật nhanh để ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng việc chính phủ Mỹ chấp thuận bán ngư lôi hiện đại cho Đài Loan cho thấy Washington đang cố tình làm xấu thêm mối quan hệ với Bắc Kinh vì họ biết rằng Bắc Kinh sẽ rất bất bình với thỏa thuận quân sự mới giữa Washington và Đài Bắc. Vụ giao dịch ngư lôi cũng chứng minh cho cái gọi là “bình thường hóa” hợp tác công nghệ quân sự Mỹ-Đài Loan, chỉ cần một giao dịch mới được đề xuất, cũng có thể được chấp thuận bằng các thủ tục thông thường. Trước đây mỗi hợp đồng quân sự mới ký với Đài Loan, Mỹ đều thẩm định phê duyệt mấy vụ giao dịch cùng một lúc. Có thể thấy rằng những hợp đồng này đã được người Mỹ thực hiện với số lượng nhỏ vào thời điểm được lựa chọn cẩn thận, để tránh gây ra sự bất mãn mạnh mẽ ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, trong thương vụ trên, Mỹ đã quyết định bán ngư lôi tối tân Mk-48 thì rõ ràng đây là loại vũ khí tấn công. Vì vậy vụ giao dịch này còn là sự thách thức giới hạn chịu đựng của Bắc Kinh.
Trước đó, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết, Chính phủ Mỹ thông báo cho quốc hội khả năng bán số ngư lôi MK-48 Mod 6 trị giá 180 triệu USD cho Đài Loan. Cơ quan này đã cung cấp chứng nhận cần thiết để thông báo cho quốc hội về thương vụ này; nhấn mạnh đề xuất bán ngư lôi này nhằm phục vụ lợi ích quốc gia, an ninh và kinh tế Mỹ thông qua việc ủng hộ Đài Loan “tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì năng lực phòng thủ đáng tin cậy”. Tuy nhiên, việc Đài Loan có nhận được số ngư lôi trên hay không vẫn chưa chắc chắn, bởi thương vụ này cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Mod 6 AT được đánh giá là một trong những phiên bản hiện đại nhất của gia đình ngư lôi hạng nặng Mk 48. Ngư lôi được cập nhật phần mềm mới cho phép “bắn – quên”, giúp tàu ngầm đối phó với nhiều mục tiêu cùng lúc. Ngư lôi có khả năng tấn công hiệu quả các mục tiêu ở cả vùng nước nông và nước sâu. Trong khi đó, Mk 48 đây là loại ngư lôi hạng nặng được trang bị trên tàu ngầm của Hải quân Mỹ và đồng minh. Được phát triển từ cuối thập niên 1960 đầu 1970, cho tới nay, đây vẫn là loại ngư lôi hạng nặng hàng đầu thế giới. Ngư lôi Mk 48 ra đời nhằm đối phó với những tiến bộ của công nghệ tàu ngầm Liên Xô và chính thức được đưa vào trang bị năm 1972 với phiên bản Mk 48 Mod 1.
Ngư lôi Mk-48 có trọng lượng 1.676kg; đầu đạn 295kg; dài 5,79m; đường kính 533mm. Tầm bắn hiệu quả 38km khi chạy ở tốc độ 102km/h hoặc 50km với tốc độ 74km/h; độ sâu hoạt động lớn nhất đạt tới 800m. Mk-48 có thể được dẫn hướng từ tàu ngầm, chúng cũng có các sensor chủ động hoặc bị động riêng để tự dò tìm, thực hiện quy trình bám và tấn công mục tiêu. Bên cạnh đó, ngư lôi Mk- 48 được thiết kế để nổ phía dưới các tàu mặt nước khiến sức hủy diệt tăng lên gấp bội. Ngư lôi Mk-48 có khả năng xuyên thủng vỏ thép của tàu ngầm thông qua một cơ chế đặc biệt nằm ở phần mũi quả ngư lôi có thể đốt cháy và làm tan chảy kim loại.
Quan hệ Trung Quốc – Đài Loan thời gian gần đây trở nên căng thẳng và dễ mất kiểm soát. Trung Quốc liên tục tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực eo biển Đài Loan, liên tục điều tàu chiến, máy bay ném bom, máy bay trinh sát di chuyển qua vùng biển này. Việc Mỹ bán vũ khí tấn công cho Đài Loan sẽ giúp vùng lãnh thổ này tăng cường năng lực đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nó sẽ khiến quan hệ Trung – Mỹ trở nên căng thẳng và phần nào tác động đến hòa bình, ổn định trong khu vực.
http://biendong.net/bien-dong/35014-dai-loan-so-huu-ngu-loi-mk-48-mod6-at-de-doa-truc-tiep-den-tau-chien-tq.html

Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn ghé thăm cửa hàng

sách để thể hiện tình đoàn kết với người Hồng Kông

Hôm thứ Sáu (29 tháng 05), tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đến thăm một cửa hàng sách đã trở thành một biểu tượng cho sự phản kháng người Trung Cộng xâm phạm nền tự do của Hồng Kông, và bà hứa sẽ giúp đỡ các công dân Hồng Kong lánh nạn đến hòn đảo dân chủ này.
Trong tuần này, bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên cam kết các biện pháp cụ thể để giúp đỡ những người từ Hồng Kông có thể rời bỏ thuộc địa cũ của Anh, Quốc sau khi luật an ninh quốc gia của Trung Cộng đã châm ngòi các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Những người biểu tình Hồng Kông đã giành được thiện cảm rộng rãi ở Đài Loan. Bất chấp việc bị Trung Cộng coi là lãnh thổ của mình và dọa sử dụng vũ lực để ép buộc nếu cần thiết, Đài Loan vẫn không chấp nhận bị Trung Cộng cai trị. Ngồi trước tấm biểu ngữ ủng hộ giải phóng Hồng Kông trong cửa hàng nhỏ ở Đài Bắc, bà Thái Anh Văn bày tỏ sự ủng hộ cho phong trào dân chủ của thành phố này và nhắc lại lời cam kết sẽ giúp công dân Hồng Kông lánh nạn.
Nói chuyện với chủ cửa hàng, Lam Wing-kee, người đã trốn sang Đài Loan năm ngoái sau khi bị Trung Cộng giam giữ vì bán sách phê phán giới lãnh đạo Trung Cộng, bà Thái nói rằng không bao lâu nữa Đài Loan sẽ hoàn tất các thủ tục, làm mọi thứ có thể để giúp đỡ người dân từ Hồng Kông.
Vụ bắt giữ ông Lam vào năm 2015 đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn và làm dấy lên lo ngại về sự kiểm soát ngày càng tăng của Trung Cộng đối với trung tâm tài chính của thế giới. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-dai-loan-thai-anh-van-ghe-tham-cua-hang-sach-de-the-hien-tinh-doan-ket-voi-nguoi-hong-kong/

Báo Hồng Kông :  Bắc Kinh đã có kế hoạch

lập vùng nhận dạng phòng không bao trùm Biển Đông

Anh Vũ
Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm 31/05/2020, dẫn nguồn tin từ Giải Phóng Quân Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đã lên kế hoạch lập vùng nhận dạng phòng không bao trùm các khu vực quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Theo South China Morning Post, từ năm 2010 Trung Quốc đã chuẩn bị các kế hoạch lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Từ đó đến nay, Bắc Kinh đã có nhiều hoạt động khởi sự cho các kế hoạch trên và đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.
Nguồn tin từ quân đội Trung Quốc khẳng định, các kế hoạch đã được lên từ năm 2013 và chính quyền Trung Quốc đang chờ thời điểm thuận lợi để thông báo.
Mặc dù Bắc Kinh vẫn nhiều lần úp mở về chuyện  lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, nhưng hôm 04/05/2020, bộ Quốc Phòng Đài Loan xác nhận đã biết về kế hoạch trên của Bắc Kinh.
Vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc định áp đặt kiểm soát bao gồm toàn bộ vùng trời trên khu vực Biển Đông, cả những nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước. Một số nước trong vùng cũng tuyên bố lập vùng phòng không theo cách riêng của mình, không theo thỏa thuận quốc tế nào.
Giới quan sát quân sự được tờ báo Hồng Kông trích dẫn đều nhận định thông báo về vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng với Mỹ và gây tổn hại đến quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á.
Nhiều hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đã triển khai nhiều hệ thống giúp kiểm soát không lưu tại các đảo mà Bắc Kinh đang chiếm giữ và bồi đắp trong vùng Biển Đông.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200601-b%C3%A1o-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-b%E1%BA%AFc-kinh-%C4%91%C3%A3-c%C3%B3-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-l%E1%BA%ADp-v%C3%B9ng-nh%E1%BA%ADn-d%E1%BA%A1ng-ph%C3%B2ng-kh%C3%B4ng-bao-tr%C3%B9m-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng

Giới chức TQ cảnh báo

về cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Mỹ

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (24/5) cáo buộc “các thế lực chính trị ở Washington đang đẩy quan hệ với Bắc Kinh đến bờ vực Chiến tranh Lạnh” trong khi đôi bên cần hợp tác nhằm chống Covid-19, đồng thời cảnh báo Mỹ không nên tìm cách thay đổi Trung Quốc.
Theo đó, trong cuộc họp báo bên lề cuộc họp Quốc hội, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Trung Quốc không có ý định thay đổi Mỹ, càng không muốn thay thế Mỹ, do vậy Mỹ cũng không thể thay đổi Trung Quốc theo ý mình, càng không thể cản bước tiến trình lịch sử hướng tới hiện đại hóa của 1,4 tỷ dân Trung Quốc; cảnh báo rằng một số thế lực chính trị Mỹ đang lợi dụng mối quan hệ Trung- Mỹ như “con tin” và cố tình đẩy hai nước tới bờ vực “của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”. Theo ông Vương Nghị, ý đồ này có thể phá hỏng thành quả hợp tác mà nhân dân hai nước đạt được trong nhiều năm qua, làm suy yếu sự phát triển tương lai của Mỹ, cũng như gây nguy hiểm cho sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Cả Trung Quốc và Mỹ đều có lợi từ sự hợp tác, ngược lại sẽ cùng thua thiệt từ sự đối đầu. Những thành quả tốt nhất có được hiện nay là những gì chúng ta đúc kết được từ nhiều thập kỷ qua. Cả hai nước nên nhận thức được điều này; nhấn mạnh Trung Quốc vẫn cam kết cùng phát triển các mối quan hệ thông qua sự phối hợp, hợp tác và ổn định với Mỹ; khẳng định Trung Quốc và Mỹ sẽ và phải tìm ra giải pháp hòa bình, hợp tác cùng tồn tại và cùng có lợi.
Cảnh báo mà Ngoại trưởng Vương đưa ra về mối quan hệ Mỹ – Trung cũng chính là mối quan ngại mà nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế đã nêu ra suốt thời gian qua, khi quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới ngày càng căng thẳng. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa “cắt đứt hoàn toàn” quan hệ với Trung Quốc, Nhà Trắng tuần trước còn đề cập tới việc “cân nhắc lại” những yếu tố cơ bản trong mối quan hệ với nước này, trái ngược hoàn toàn quan điểm của các chính quyền tiền nhiệm là tăng cường hợp tác cùng Bắc Kinh với hy vọng họ sẽ dần dần chấp nhận các giá trị phương Tây. Bên cạnh đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien (24/5) còn đe dọa sẽ có các biện pháp trừng phạt quan chức Hong Kong và Trung Quốc đại lục nếu dự luật an ninh được thông qua.
Theo phó giáo sư Li Mingjiang từ Trường nghiên cứu Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, dù đưa ra cảnh báo đanh thép, Ngoại trưởng Trung Quốc vẫn kiềm chế hơn rất nhiều so với các nhà ngoại giao theo đuổi chiến lược “chiến lang” và cố gắng để không làm xói mòn thêm mối quan hệ song phương; cho rằng ông Vương Nghị cân bằng bình luận một cách có chủ đích. Dù chỉ trích Mỹ, ông ấy vẫn thúc giục những người đưa ra quyết định ở Washington cân nhắc kỹ lưỡng hơn và hợp tác với Trung Quốc. Chuyên gia Adam Ni, Giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Quốc ở Australia, cho rằng phương pháp tiếp cận hòa giải hơn của ông Vương và chiến lược “ngoại giao chiến lang” thực tế đang bổ sung lẫn nhau. Trong thế giới cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc, hợp tác và đối đầu buộc phải song hành.
Trong khi đó, Giáo sư Alan Dupont, Trung tâm Nghiên cứu Độc lập Australia nhận định một cuộc chuyển đổi địa chính trị đang diễn ra. Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại, công nghệ, chiến lược cùng những giá trị khác đã “dồn nén lại và mở ra viễn cảnh về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”; khẳng định cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ – Trung chính là hệ quả của những “bất đồng địa chính trị sâu sắc và nguy hiểm”. Cùng quan điểm trên, chuyên gia Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ cho rằng “nhiều tiếng nói đang nổi lên, kêu gọi coi cạnh tranh với Trung Quốc là nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại Mỹ, tương tự chính sách với Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh”. Tuy nhiên, quan điểm này chắc chắn là một sai lầm chiến lược. Trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang lao đao vì dịch bệnh như hiện nay, một cuộc Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc sẽ chỉ khiến tình hình trở nên thêm tồi tệ. Phó Giáo sư Jabin T. Jacob, Đại học Shiv Nadar, Ấn Độ, nhận định quan hệ Mỹ – Trung hiện nay có nhiều điểm tương đồng cuộc ganh đua Washington – Moskva trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng vẫn có những khác biệt quan trọng. Thế giới không còn bị chia làm hai cực như trước nữa mà đã hình thành những cực thứ ba như EU, Nga, Ấn Độ hay Nhật Bản. Họ có quyền lựa chọn có đứng về bất kỳ bên nào hay không, tùy từng trường hợp. Thực tế này có thể dẫn tới một trật tự quốc tế rất khác. Nhưng mối quan hệ Mỹ – Trung có thể tiếp tục xấu đi nếu Trump tái đắc cử vào tháng 11.
http://biendong.net/bien-dong/35018-gioi-chuc-tq-canh-bao-ve-cuoc-chien-tranh-lanh-moi-voi-my.html

Đài Loan trở thành một trong những điểm nhấn

trong Báo cáo công tác chính phủ của TQ

Phát biểu tại Lưỡng hội, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trình bày Báo cáo công tác của chính phủ và các từ ngữ liên quan đến Đài Loan gây nên sự chú ý đặc biệt.
Giới truyền thông , Báo cáo công tác chính phủ của Trung Quốc năm 2020 có nhiều điểm khác khi đề cập đến vấn đề Đài Loan so với những lần trước đây. Báo cáo Công tác năm 2020 của chính phủ, phần liên quan đến Đài Loan cho rằng: “Phải kiên trì chính sách lớn trong công tác đối với Đài Loan, kiên quyết phản đối và ngăn chặn các hành động chủ nghĩa ly khai chủ trương “Đài Loan độc lập”… đoàn
kết đông đảo đồng bào Đài Loan cùng nhau chống lại “Đài Loan độc lập, thúc đẩy thống nhất”, trong đó trọng tâm là “phản đối Đài Loan độc lập, thúc đẩy thống nhất”. Ngoài Báo cáo công tác của chính phủ, trong Báo cáo công tác của Hội nghị Hiệp thương Chính trị nhân dân Trung Quốc (21/5) cũng không đề cập đến “Đồng thuận 1992” hay “phản đối Đài Loan độc lập” nữa.
Theo đó, trong Báo cáo không nhắc đến “Đồng thuận 1992”, thậm chí không có từ “hòa bình”. Trong khi đó, từ năm 2013 đến 2019, các Báo cáo chính phủ đều đề cập đến cụm từ “đồng thuận 1992” và “thống nhất hòa bình”, cụ thể: Từ năm 2013 đến 2015, báo cáo đều viết “Kiên trì Đồng thuận 1992 “ và “cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại thống nhất hòa bình tổ quốc”; năm 2016, chỉ có “kiên trì Đồng thuận 1992”; từ năm 2017 đến 2019, đều có viết “kiên trì và bảo vệ Đồng thuận 1992” và “thúc đẩy tiến trình thống nhất hòa bình”.
Được biết, “Đồng thuận 1992” là chỉ một sự đồng thuận miệng giữa hai bên eo biển hồi năm 1992 tuyên bố rõ ràng rằng Trung Quốc đại lục và Đài Loan cùng tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Hàm nghĩa cốt lõi của thỏa thuận miệng này là Trung Quốc đại lục và Đài Loan cùng thuộc về một nước Trung Quốc và cùng nhau nỗ lực mưu cầu thống nhất quốc gia. Tuy nhiên, kể từ khi bà Thái Anh Văn trúng cử trở thành người đứng đầu chính quyền Đài Loan năm 2016, bà đã theo đuổi chính sách phi Trung Quốc hóa hoặc công khai hoặc ngấm ngầm, tìm kiếm sự độc lập cho Đài Loan. Đến khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/5 năm nay, bà Thái Anh Văn đã không nhắc đến “Đồng thuận 1992” nữa, bày tỏ đã triệt để vứt bỏ “Đồng thuận 1992”.
Đáng chú ý, trong lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (20/5) tái khẳng định quan điểm của Chính phủ Đài Loan về vấn đề “Đồng thuận 1992” và “Một Trung Quốc”.
Theo bà Thái Anh Văn: “Quan hệ Đài Loan – Trung Quốc đã có những bước ngoặt mang tính lịch sử. Cả hai bên đều có nhiệm vụ tìm cách cùng tồn tại lâu dài và ngăn chặn gia tăng đối kháng và khác biệt. Tôi muốn nhắc lại các từ ‘hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại’. Chúng tôi sẽ không chấp nhận chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ của Bắc Kinh nhằm hạ giá trị của Đài Loan và làm suy yếu tình trạng hiện tại giữa hai bờ eo biển. Chúng tôi sẽ nhanh chóng có những hành động về vấn đề này”. Bà cho biết sẽ nỗ lực hết sức để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan và sẵn sàng tham gia đối thoại với Trung Quốc và đóng góp cụ thể hơn cho an ninh khu vực. Trong bài phát biểu, bà Thái Anh Văn cũng nhấn mạnh Đài Loan sẽ tiếp tục mọi nỗ lực nhằm tham gia vào các tổ chức quốc tế và tăng cường mối quan hệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong lĩnh vực kinh tế, bà Thái Anh Văn cho biết “Đài Loan cần tiếp tục hành động sớm để cứu trợ và phục hồi kinh tế, và làm bất cứ điều gì cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định”.
Trước những tuyên bố cứng rắn của bà Thái Anh Văn, Trung Quốc đã đưa ra các tuyên bố đáp trả, đồng thời nhiều lần tỏ thái độ sẵn sàng sử dụng “các biện pháp cần thiết”, bao gồm cả biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề Đài Loan. Người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc chính phủ Trung Quốc Mã Hiểu Quang (20/5) khẳng định sẽ “không khoan dung” trước việc lãnh thổ này đòi tách khỏi Trung Quốc đại lục. Ông Mã nhấn mạnh: “Bắc Kinh sẽ không tha thứ cho bất kỳ hoạt động đòi độc lập nào hoặc bất kỳ lực lượng bên ngoài nào can thiệp vào nội bộ chính trị của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ luôn tôn trọng chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ và việc thống nhất Đài Loan là một nhu cầu lịch sử cần thiết mà không bất kỳ ai hay thế lực nào có thể ngăn cản được”. Thêm vào đó, ông Mã Hiểu Quang cho biết Trung Quốc luôn sẵn sàng “tạo một không gian rộng lớn cho sự thống nhất hòa bình”.
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 8 tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (25/10/2019) tuyên bố “vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, nếu ai đó cố gắng tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc thì quân đội Trung Quốc sẽ có những hành động cần thiết để ngăn chặn việc chia tách Đài Loan bằng mọi giá”; đồng thời nhấn mạnh “mối quan hệ quân sự của Trung Quốc và Mỹ là quan trọng và nhạy cảm, Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ một phần lãnh thổ của mình”.
http://biendong.net/bien-dong/35015-dai-loan-tro-thanh-mot-trong-nhung-diem-nhan-trong-bao-cao-cong-tac-chinh-phu-cua-tq.html

Chủ tịch TQ tiếp tục yêu cầu quân đội

tăng cường huấn luyện, chuẩn bị cho chiến tranh

Phát biểu bên lề kỳ họp thứ 3, khóa 13 của Đại hội Nhân dân to àn quốc Trung Quốc (NPC), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (26/5) yêu cầu quân đội nước này tăng cường huấn luyện, chuẩn bị cho chiến tranh và xử lý các tình huống phức tạp đúng lúc và hiệu quả.
Ông Tập Cận Bình đưa ra yêu cầu trên trong phiên họp với phái đoàn thuộc Quân giải phóng Nhân dân và Lực lượng cảnh sát vũ trang nhân dân tại kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh. Ông Tập còn yêu cầu quân đội Trung Quốc bảo vệ cái gọi là “chủ quyền quốc gia, an ninh và các lợi ích phát triển” cũng như đảm bảo sự ổn định chiến lược tổng thể của nước này; nhấn mạnh cần phải khám phá những cách huấn luyện theo tình hình kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, tăng cường chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh quân sự, thực hiện linh hoạt huấn luyện tác chiến và nâng cao một cách toàn diện khả năng thực hiện các sứ mệnh quân sự.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc cũng đánh giá cao nỗ lực cũng như đóng góp của quân đội Trung Quốc trong việc kiểm soát và phòng ngừa Covid-19. Ông nói rằng dịch bệnh có tác động sâu sắc tới sự phát triển và an ninh của Trung Quốc; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được những mục tiêu và sứ mệnh tăng cường quốc phòng và lực lượng vũ trang cho năm 2020 trong lúc duy trì kiểm soát Covid-19 hiệu quả.
Trong vài năm trở lại đây, ông Tập Cận Bình đã nhiều lần đưa ra yêu cầu quân đội tăng cường huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Theo đó, phát biểu trong chuyến thị sát Quảng Đông, Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc Tập Cận Bình (25/10/2018) đã yêu cầu Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam, vốn có nhiệm vụ giám sát Biển Đông và Đài Loan, “phải tăng cường chuẩn bị để sẵn sàng ứng chiến, tăng cường diễn tập chung và diễn tập tác chiến để tăng khả năng chiến đấu và chuẩn bị cho chiến tranh”; cho rằng Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam phải gánh vác một “trách nhiệm quân sự nặng nề”, phải “nắm vững mọi tình huống phức tạp và dựa trên đó để đề ra các kế hoạch khẩn cấp phù hợp”, đồng thời ca ngợi quân nhân khi cho rằng “Các bạn đã liên tục làm việc ngoài tuyến đầu, đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích biển. Tôi hy vọng các bạn có thể hoàn tất các sứ mạng thiêng liêng ấy”.
Tại một phiên họp Quốc hội Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (20/3/2018) tuyên bố: “Bất cứ hành động nào nhằm chia cắt Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại, gặp phải sự lên án của mọi người cũng như sự trừng phạt của lịch sử; Người dân Trung Quốc đã luôn kiên cường và bất khuất, chúng ta có đủ ý chí để chiến đấu đẫm máu với kẻ thù cho đến cùng”; đồng thời ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng “chiến đấu đẫm máu” cho vị trí chính đáng của mình trên trường quốc tế.
Trước đó, tại cuộc tổng diễn tập quân sự toàn quân năm 2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (3/1/2018) kêu gọi: “Chúng ta phải xây dựng một quân đội hùng mạnh, sẵn sàng đợi lệnh, sẵn sàng chiến đấu và giành chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào”.
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên tục yêu cầu tăng cường huấn luyện quân đội và kêu gọi binh lính sẵn sàng chiến đấu diễn ra trong bối cảnh quân nhân Trung Quốc bị chỉ trích là thiếu đào tạo bài bản bằng các chương trình huấn luyện tiên tiến, hiện đại và thiếu năng lực tác chiến, cũng như kinh nghiệm trong chiến tranh.
Để khắc phục một phần điểm yếu, từ năm 2015 cho tới nay PLA cải cách cấu trúc toàn diện mạnh mẽ nhất kể từ những năm 1950. Các cải cách này có tác động sâu rộng tới cấu trúc, cũng như phương thức điều hành và chỉ huy của PLA. Có thể kể tới việc loại bỏ bốn tổng cục cũ và tái cấu trúc bảy đại quân khu trở thành các chiến khu và bộ chỉ huy tác chiến hỗn hợp. Quy trình chỉ huy và kiểm soát cũng được làm mới nhằm tránh chồng chéo. Trong hệ thống chỉ huy mới, Quân ủy Trung ương giữ quyền lãnh đạo tối cao, tư lệnh các chiến khu đóng vai trò là chỉ huy tác chiến, trong khi các quân binh chủng chỉ giữ nhiệm vụ phát triển lực lượng. PLA cũng thành lập hai lực lượng mới, cho thấy rõ tầm quan trọng của khoa học công nghệ và của các thành tố mới trong chiến tranh hiện đại: Biến lực lượng tên lửa chiến lược trở thành một quân chủng độc lập có bộ chỉ huy riêng và thành lập quân chủng hỗ trợ chiến lược bao gồm các bộ chỉ huy về tác chiến không gian và trên mạng.
Tuy nhiên, các thách thức khác vẫn còn ở trước mắt. Thách thức lớn nhất với quân đội Trung Quốc là sự thiếu vắng kinh nghiệm tác chiến. PLA chưa từng tham gia vào một cuộc chiến thật sự nào kể từ năm 1979. Điều này có khả năng làm giảm đi tính hiệu quả của quá trình hiện đại hóa và tái cấu trúc đang diễn ra trong PLA. Ngoài ra, PLA còn thiếu vắng kỷ luật cũng như vấn đề tham nhũng trong quân đội.
Thách thức này hiện rõ qua công cuộc chống tham nhũng mạnh mẽ của ông Tập Cận Bình trong suốt những năm vừa qua nhắm vào các quan chức cấp cao của quân đội. Không những vậy, mặc dù đã đầu tư rất lớn để hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là không quân và hải quân, vẫn còn những điểm nghẽn rất lớn mà PLA phải vượt qua. Công nghệ động cơ máy bay là ví dụ điển hình. Bên cạnh đó là cạnh tranh với các cường quốc khác trên không gian mạng và vũ trụ. Cần phải nhớ rằng đầu tư cho quốc phòng là khoản đầu tư cực kỳ tốn kém.
Ngoài ra, vấn đề Đài Loan và việc cộng động quốc tế, nhất là Mỹ và các nước đồng minh tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và hiện diện quân sự ở Biển Đông nhằm ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc cũng khiến Bắc Kinh lo ngại. Thông qua việc yêu cầu quân đội tăng cường huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu cũng được cho là thông điệp cứng rắn của ông Tập Cận Bình muốn gửi tới Mỹ và các nước đồng minh. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định những động thái nhằm củng cố thanh thế quân đội gần đây của Bắc Kinh là thông điệp gửi tới Đài Loan, và cũng là phản ứng trước chính sách ngày càng cứng rắn hơn về thương mại, chính trị và quân sự của Mỹ.
Ni Lexiong, một chuyên gia quân sự ở Thượng Hải, cho rằng những động thái này của Bắc Kinh dường như là một lời cảnh báo cho bất cứ lực lượng nào cản trở kế hoạch của Trung Quốc nhằm thống nhất Đài Loan. Ông Tập nói rằng ông muốn thống nhất Đài Loan “một cách hòa bình” nhưng rất ít chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ giảm bớt sức ép quân sự lên hòn đảo này. Trong khi đó, Yue Gang, một cựu quan chức quân đội đã về hưu của Trung Quốc, cho rằng lời kêu gọi của ông Tập dành cho quân đội không phải chỉ liên quan đến căng thẳng leo thang hiện nay giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan mà còn là sự sẵn sàng ứng phó với căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc; khẳng định Trung Quốc đang tăng cường huấn luyện quân đội để sẵn sàng cho tình huống xấu nhất liên quan đến Mỹ và tình hình ở eo biển Đài Loan. Trong năm tới, Mỹ có thể dùng Đài Loan và Biển Đông là quân bài để gây sức ép đàm phán với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại.
Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Biển Đông ngày càng gia tăng và việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các nước đồng minh (Nhật Bản, Đài Loan, Australia…) khiến Trung Quốc lo ngại sẽ bị đe dọa về “an ninh quốc gia”. Những lần ông Tập Cận Bình kêu gọi quân đội Trung Quốc chuẩn bị chiến tranh là nhằm thúc đẩy tinh thần tự hào dân tộc và nhắc lại các tuyên bố lãnh thổ (vô lý và phi pháp) của Bắc Kinh ở Biển Đông. Nhà nghiên cứu Collin Koh từ Singapore nhận định: “Đây có thể là thông điệp cho Mỹ nói riêng và bất kỳ bên nào mà Bắc Kinh đang cảm thấy khiêu khích (ở Biển Đông)”. Cùng quan điểm trên, nhà phân tích Zhou Chenming ở Bắc Kinh cho rằng “Mỹ sẽ thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông bởi Washington không công nhận chủ quyền của Bắc Kinh đối với các đảo nhân tạo và có thể sẽ xảy ra đụng độ quân sự giữa hai nước tại vùng biển này”. Cùng quan điểm trên, Hãng tin Reuters nhận định, Trung Quốc đang tập trung tăng cường lực lượng vũ trang trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông và leo thang căng thẳng với Mỹ về các vấn đề từ thương mại đến Đài Loan.
http://biendong.net/bien-dong/35013-chu-tich-tq-tiep-tuc-yeu-cau-quan-doi-tang-cuong-huan-luyen-chuan-bi-cho-chien-tranh.html

Tham vọng trạm không gian mới của TQ

Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng trạm không gian trên quỹ đạo Trái đất vào năm 2023, theo đó tổng cộng 11 nhiệm vụ sẽ được triển khai trong vòng 2 năm để đưa trạm vào vị trí.
Khoang đầu tiên của trạm không gian Trung Quốc, gọi là Thiên Cung 3, sẽ được đưa lên quỹ đạo vào năm sau, theo tiến sĩ Zhou Jianping, kiến trúc sư trưởng của chương trình các chuyến bay không gian có phi hành gia của Trung Quốc, theo SpaceNews hôm 28.5.
Tên lửa Trường Chinh 5B sẽ đưa module chính Thiên Hà của trạm không gian rời khỏi bãi phóng Văn Xương trên đảo Hải Nam vào đầu năm 2021.
Kế đến, Trung Quốc sẽ phóng tàu Thần Châu chở theo phi hành gia từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, và tiếp theo sứ mệnh của tàu vận tải Thiên Châu.
Trong 11 lần phóng trước khi hoàn tất trạm không gian Thiên Cung 3, ông Zhou cho biết họ sẽ phóng module chính và 2 module thử nghiệm, cũng như tàu du hành mang theo 4 phi hành gia và 4 đợt tàu vận tải.
Kế hoạch trên đã được công bố theo sau chuyến bay thử thành công của tên lửa đẩy hạng nặng Trường Chinh 5B vào ngày 5.5. Có 13 sứ mệnh sẽ được thực hiện nhờ vào tên lửa Trường Chinh 5B, Trường Chinh 2F và Trường Chinh 7.
Theo thông tin từ Trung Quốc, trạm không gian ban đầu gồm 3 module, trọng tải 66 tấn khối, sẽ chứa 3 phi hành gia trong các sứ mệnh 6 tháng luân phiên. Trong các dự án thử nghiệm trên trạm sẽ bao gồm công nghệ sinh học, vật lý dịch vi trọng lực, công nghệ không gian…
Dự kiến Thiên Cung 3 sẽ xoay quanh quỹ đạo Trái đất ở độ cao dao động từ 340 – 450 km trong ít nhất 10 năm. Theo thời gian, trạm sẽ được mở rộng đến 6 module.
Để đảm bảo nhân lực cho trạm không gian, Trung Quốc chuẩn bị tuyển đợt phi hành gia thứ 3 vào tháng 7. Tổng cộng 18 phi hành gia mới sẽ được chọn trong dịp này, không phân biệt nam hay nữ và lần đầu tiên khuyến khích các ứng viên dân sự.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/35001-tham-vong-tram-khong-gian-moi-cua-tq.html

TQ dọa Anh, nhắn Mỹ

‘đừng hòng bắt cóc Liên Hiệp Quốc’

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ đang hành xử như kẻ bắt cóc Liên Hiệp Quốc, đồng thời đe dọa sẽ trả đũa Anh nếu London nới lỏng chính sách thị thực cho Hong Kong.
“Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không phải công cụ Mỹ có thể thao túng theo ý muốn. Trung Quốc sẽ không để Mỹ bắt cóc Hội đồng Bảo an để phục vụ cho lợi ích của riêng họ. Người Mỹ nên ngừng ngay lập tức những thao túng chính trị vô nghĩa như vậy”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích trong cuộc họp báo chiều 29-5.
Các tuyên bố được đưa ra sau khi Anh và Mỹ cùng phối hợp triệu tập được một cuộc thảo luận về tình hình Hong Kong tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ). Dự kiến cuộc họp sẽ diễn ra ngày 29-5 (giờ Mỹ) và mang tính không chính thức.
Phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại LHQ đã lời qua tiếng lại căng thẳng hôm 27-5, khi Washington yêu cầu triệu tập HĐBA để thảo luận về “hành động vi phạm hiệp ước quốc tế” của Bắc Kinh.
Liên tiếp đó, trong một tuyên bố chung ngày 28-5, bốn nước Anh, Mỹ, Canada và Úc đã chỉ trích Trung Quốc vi phạm các cam kết quốc tế bằng kế hoạch áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hong Kong.
“Chúng tôi yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền Trung Quốc và ngừng can thiệp vào vấn đề Hong Kong cũng như các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”, ông Triệu Lập Kiên lớn tiếng và cho biết đã gởi công hàm phản đối hành động của bốn nước nói trên.
Cũng trong cuộc họp báo, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đe dọa sẽ “có các biện pháp trả đũa” nếu Anh nới lỏng chính sách thị thực cho người Hong Kong.
Dự kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có một cuộc họp báo trong ngày 29-5 (giờ địa phương) về mối quan hệ song phương ngày càng trượt dốc với Trung Quốc. Theo Hãng thông tấn AFP, cuộc họp báo sẽ chạm tới một loạt các vấn đề nóng, từ Hong Kong đến COVID-19 và thông tin Mỹ có thể trục xuất hàng ngàn du học sinh Trung Quốc dính líu tới quân đội.
Các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu cáo buộc Trung Quốc vi phạm cam kết duy trì mức độ tự chủ cao cho Hong Kong trong 50 năm kể từ thời điểm trao trả 1997. Đáp lại, Bắc Kinh khẳng định dự luật an ninh quốc gia mới sẽ không ảnh hưởng tới các quyền tự do mà người dân Hong Kong đang được hưởng.
http://biendong.net/doc-bao-viet/34994-tq-doa-anh-nhan-my-dung-hong-bat-coc-lien-hiep-quoc.html

Truyền thông Trung Quốc lợi dụng xung đột sắc tộc

để chỉ trích Mỹ về vấn đề Hồng Kông

Hương Thảo
Trong bối cảnh biểu tình nổ ra tại các thành phố lớn của Mỹ xoay quanh vấn đề sắc tộc liên quan đến cái chết của một người da đen, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lợi dụng việc này để chỉ trích chính phủ Mỹ, so sánh nó một cách khập khiễng với các phong trào dân chủ ở Hồng Kông, theo tờ AFP hôm 31/5.
Bắc Kinh từ lâu vẫn luôn tìm cách phản kháng, dù bất chấp lý lẽ, trước những chỉ trích từ thế giới phương Tây, đặc biệt là Mỹ, xoay quanh cách hành xử thô bạo của nó đối với các cuộc biểu tình ủng hộ
dân chủ gây chấn động ở Hồng Kông hồi năm ngoái. Và cuộc biểu tình mới nhất tại Mỹ đã cung cấp cho Bắc Kinh một cơ hội không thể tốt hơn để làm được điều này.
Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) – một cơ quan phát ngôn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – đã viết hôm thứ Bảy:
“Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, từng gọi các cuộc biểu tình bạo lực ở Hồng Kông là ‘một cảnh tượng đẹp để chiêm ngưỡng’… Các chính trị gia Mỹ giờ đây có thể tận hưởng cảnh tượng này từ chính cửa sổ của họ”.
Nó “như thể là những kẻ bạo loạn cực đoan ở Hồng Kông bằng cách nào đó đã lẻn vào nước Mỹ và tạo ra một mớ hỗn độn như chúng đã làm vào năm ngoái vậy”, ông Hồ chế nhạo.
Trên các kênh truyền thông phát sóng tại đại lục, chính quyền Trung Quốc vẫn luôn khăng khăng đổ lỗi sự hỗn loạn ở Hồng Kông cho “các thế lực thù địch hải ngoại”. Thời điểm đó, hàng triệu người biểu tình ủng hộ dân chủ – nhưng lại bị Bắc Kinh mô tả như những kẻ bạo loạn – đã tuần hành trong hòa bình kể từ tháng 6 năm ngoái và kéo dài trong liên tiếp nửa năm. Họ thường xảy ra đụng độ với cảnh sát, vốn thường áp dụng bạo lực quá độ để trấn áp biểu tình.
Để hiện thực hóa tham vọng “thôn tính” Hồng Kông, biến đặc khu này thành một mảnh đất giống đại lục, đầu tháng này, Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh mới với đặc khu, với lý do bề mặt là bảo vệ an ninh quốc gia và kiềm chế “khủng bố”, một động thái đã bị các nhà hoạt động dân chủ và các quốc gia tự do phương Tây lên án như một nỗ lực bổ sung nối tiếp dự luật dẫn độ năm ngoái nhằm loại bỏ các quyền tự do và tự trị của thành phố cảng này.
Theo sau thông báo Tổng thống Donald Trump sẽ tước các đặc quyền đặc biệt của Hồng Kông, một bài bình luận được đăng trên Trung Quốc Nhật báo (China Daily) – một cơ quan ngôn luận khác của ĐCSTQ – phát lời lẽ đe dọa rằng các chính trị gia Mỹ đừng nằm mơ có thể “biến Trung Quốc thành nạn nhân”, một luận điệu đặc trưng biến mình từ kẻ bắt nạt thành người bị bắt nạt trong tư duy truyền thông của ĐCSTQ.
“Tốt hơn hãy từ bỏ giấc mơ đó và quay trở về với thực tại”, tờ báo này mạnh miệng tuyên bố.
“Bạo lực đang lan rộng khắp Hoa Kỳ. Các chính trị gia Hoa Kỳ nên làm công việc của họ và giúp giải quyết các vấn đề ở nước mình, thay vì cố gắng tạo ra các vấn đề và rắc rối mới ở các quốc gia khác”, China Daily đe dọa.
Vấn đề Hồng Kông càng làm gia tăng thêm căng thẳng Mỹ-Trung, vốn đã căng như dây chão trước một loạt các vấn đề – bao gồm cả cuộc thương chiến và đại dịch virus corona, mà theo đó ông Trump đã cáo buộc Bắc Kinh thiếu minh bạch khiến dịch bệnh cục bộ ở đại lục lan ra thành đại dịch toàn cầu.
Không chỉ vậy, cuộc tổng tấn công ngoại giao mang phong cách “sói chiến” của Bắc Kinh còn được làm tăng nhiệt hơn với dòng trạng thái twitter của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm thứ Bảy.
“Tôi không thể thở!”, bà Oánh viết trên Twitter, nhại lại những lời mà George Floyd nói trước khi chết, kèm bức ảnh chụp màn hình dòng tweet của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus chỉ trích chính phủ Trung Quốc về chính sách Hồng Kông.
George Floyd là tâm điểm trong vụ biểu tình mang tính sắc tộc gần đây ở Mỹ, khi anh này bị một sĩ quan cảnh sát quỳ trên cổ gần chín phút gây tử vong.
Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 31/5 nói rằng Trung Quốc đã trở nên “hung hăng hơn” trong việc truyền bá thông tin sai lệch và gây ra bất ổn trên khắp thế giới, từ Hồng Kông đến Hoa Kỳ.Trong bài phát biểu hôm 29/5 tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ thực hiện các bước cần thiết để trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông làm xói mòn quyền tự trị của thành phố này. Ông khẳng định hành động của chúng tôi sẽ “mạnh mẽ” và “đầy ý nghĩa”.
https://www.dkn.tv/the-gioi/truyen-thong-trung-quoc-loi-dung-xung-dot-sac-toc-de-chi-trich-my-ve-van-de-hong-kong.html

Khi Trung Quốc đề ra luật an ninh cho Hồng Kông,

phần còn lại của thế giới cần cảnh giác

Hương Thảo 5 giờ trước lượt xem
Trung Quốc đang toan tính giành quyền lực trên toàn thế giới không chỉ riêng ở Hồng Kông, theo những phân tích trong bài viết của tác giả Ashok Sharma đăng trên báo Economist ngày 28/5.
Người dân Hồng Kông muốn có hai điều, đó là quyền tự trị và chính phủ tuân thủ luật pháp. Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhận thấy cả hai ý tưởng đó đối với nó đều đáng sợ đến mức nhiều người dự kiến nó ​​sẽ gửi quân đội đến nghiền nát các cuộc biểu tình lớn ở Hồng Kông vào năm ngoái. Nhưng thay vì làm thế, nó đã đợi thời cơ. Giờ đây, khi mà thế giới đang phân tâm bởi dịch Covid-19, và các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông khó diễn ra vì phải tuân thủ quy định giữ khoảng cách xã hội, ĐCSTQ đã chọn một cách thức bớt huyên náo như thể muốn làm rõ ai mới là ông chủ. Điều đó cảnh báo rằng nó có toan tính lớn hơn với cả thế giới, không chỉ ở Hồng Kông, mà còn ở Biển Đông và Đài Loan.
Vào ngày 21/5, Trung Quốc tuyên bố rằng những người Hồng Kông bị coi là đặt ra mối đe dọa cho đảng sẽ trở thành đối tượng bị đảng trút cơn thịnh nộ. Một luật an ninh mới, được soạn thảo tại Bắc Kinh, sẽ định nghĩa “lật đổ” và “ly khai” là tội ác, các thuật ngữ này đã được sử dụng ở những nơi khác ở Trung Quốc để buộc tội những người bất đồng chính kiến, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng. Hồng Kông không được có tiếng nói trong việc soạn thảo luật an ninh mà sẽ cho phép Trung Quốc cắm chốt những cảnh sát mật của nó ở đó. Thông điệp là rất rõ ràng. Cai trị bằng bạo lực sắp bắt đầu.
Đây là hành vi vi phạm trắng trợn nhất đối với nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Khi thuộc địa của Anh được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, Trung Quốc đã đồng ý rằng Hồng Kông sẽ được hưởng một mức độ tự trị cao, bao gồm các tòa án công bằng không thiên vị và tự do ngôn luận. Nhưng nay, nhiều người Hồng Kông đang phẫn nộ. Một số nhà đầu tư cũng sợ hãi. Thị trường chứng khoán Hồng Kông sụt giảm 5,6% vào ngày 22/5, mức giảm lớn nhất trong 5 năm.
Hồng Kông là một trung tâm thương mại toàn cầu không chỉ bởi vì nó nằm cạnh Trung Quốc đại lục, mà còn bởi vì nó tận hưởng nền pháp trị. Các tranh chấp kinh doanh được tòa án giải quyết một cách hoàn toàn vô tư, theo các quy tắc luật được biết trước. Nếu ĐCSTQ có thể tự do áp đặt những ý tưởng tùy tiện của nó ở Hồng Kông, thì đây sẽ là một nơi quá rủi ro cho các công ty toàn cầu hoạt động.
Động thái của Trung Quốc cũng ngụ ý vượt ra ngoài Hồng Kông. “Một quốc gia, hai chế độ” cũng là mô hình Trung Quốc muốn áp cho Đài Loan, một hòn đảo dân chủ với 24 triệu dân mà Trung Quốc coi là của nó. Mục đích của “một quốc gia, hai chế độ” là để cho thấy rằng đoàn tụ với đại lục không có nghĩa là mất đi một quyền tự do tự trị. Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc dường như thấm mệt với trò chơi đố chữ này. Vì thế, ĐCSTQ đang gia tăng đe dọa bằng nắm đấm.
Việc tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tái đắc cử hồi tháng 1/2020 đã “thuyết phục” được giới cầm quyền Trung Quốc rằng, cơ hội tái thống nhất hòa bình là gần như không tồn tại.
Vào ngày 22/5, tại lễ khai mạc quốc hội Trung Quốc, thủ tướng Lý Khắc Cường đã cắt bỏ từ “hòa bình” khỏi cụm từ đề cập đến cách thức thống nhất Đài Loan. Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động thị uy dọa dẫm chiến tranh xung quanh hòn đảo, và những kẻ dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc đã và đang lu loa trên mạng về một cuộc xâm lược.
Trung Quốc cũng tạo bất hòa với các nước khác. Trong việc xây dựng các tiền đồn ở Biển Đông, nó phớt lờ luật pháp quốc tế và yêu sách của các nước láng giềng nhỏ hơn. Mới đây, có lẽ tới hàng ngàn binh lính Trung Quốc đã vượt qua biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc với Ấn Độ ở dãy Hy Mã Lạp Sơn. Những vụ ẩu đả nhỏ dọc biên giới này đã là chuyện thường, nhưng vụ đột kích mới nhất xảy ra khi một tờ báo của nhà nước Trung Quốc khẳng định yêu sách mới về vùng đất tranh chấp với quốc gia láng giềng vũ trang hạt nhân Ấn Độ.
Và trên hết, một bối cảnh ảm đạm cho tất cả những điều này là quan hệ của nó với Hoa Kỳ đã trở nên tồi tệ hơn nhiều so với những thập kỷ trước, hư hoại mọi phương diện từ thương mại, đầu tư đến hợp tác khoa học.
Tuy nhiên, với tất cả các động thái phô diễn vũ trang nhằm làm thất kinh thế giới này, ĐCSTQ còn có ý đồ khác. Ở Hồng Kông, ĐCSTQ muốn ngăn chặn một cuộc “cách mạng màu”, điều mà nó cho rằng có thể mang lại quyền lực cho các nhà dân chủ ở đó bất chấp nó dùng hết thảy thủ đoạn để lũng đoạn thể chế.

Dẫu việc làm xói mòn các quyền tự do của Hồng Kông sẽ gây thiệt hại về kinh tế, thì giới lãnh đạo ĐCSTQ vẫn có lý do để làm vậy. Lãnh thổ này vẫn là một nơi quan trọng để các công ty Trung Quốc huy động vốn quốc tế, đặc biệt là khi mối thù Trung-Mỹ khiến nó gặp khó khăn và rủi ro hơn khi làm vậy ở thị trường New York. Nhưng GDP Hồng Kông hiện chỉ tương đương với 3% của Trung Quốc đại lục, giảm từ hơn 18% vào năm 1997, bởi nền kinh tế Đại lục đã tăng trưởng gấp 15 lần kể từ đó. Giới cầm quyền Trung Quốc cho rằng các công ty và ngân hàng đa quốc gia sẽ vẫn duy trì trụ sở ở Hồng Kông, chỉ đơn giản là để gần thị trường Trung Quốc rộng lớn. Có thể họ đúng.
Bức tranh mà Tổng thống Donald Trump vẽ nên về Mỹ – Trung bị kẹt trong các cuộc đối đầu cũng phù hợp với mục đích của các nhà cầm quyền Trung Quốc. ĐCSTQ cho rằng cán cân quyền lực đang thay đổi theo hướng có lợi cho nó. Những lời chỉ trích của Tổng thống Trump sẽ nuôi dưỡng sự tức giận của những tay dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, điều mà đảng này rất vui mừng khi khai thác nó, giống như cách nó khai thác bất kỳ sự căng thẳng nào giữa Mỹ và các đồng minh. Nó miêu tả phong trào dân chủ ở Hồng Kông như một âm mưu của Mỹ, nghe thật vô lý, nhưng điều nó tuyên truyền đã khiến nhiều người dân đại lục khinh miệt những người biểu tình ở Hồng Kông.
Phần còn lại của thế giới nên đứng lên chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc. Ở biên giới Trung-Ấn, hai bên nên thảo luận nhiều hơn để tránh những bước sai lầm, như các nhà lãnh đạo của họ đã hứa hẹn vào năm 2018. ĐCSTQ nên nhận ra rằng, nếu nó định thử các chiến thuật mà nó đã sử dụng ở Biển Đông, tức là đơn phương xây dựng các công trình trên vùng đảo tranh chấp và khiến những nước khác bị đẩy bật ra, các nước láng giềng sẽ xem nó là bất tín.
Trong trường hợp Đài Loan, Trung Quốc phải đối mặt với một sự răn đe mạnh mẽ: một đề nghị trong luật pháp Mỹ nói rằng Mỹ có thể hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị tấn công. Có nguy cơ ngày càng tăng rằng một “con gà chọi” nào đó ở Trung Quốc có thể quyết định lấy nó ra thử nghiệm. Mỹ nên làm rõ rằng, nếu ĐCSTQ làm như vậy nó sẽ lĩnh hậu quả. Các đồng minh của Mỹ cũng nên lớn tiếng lặp lại điều đó.
Các lựa chọn đối với Hồng Kông là khó khăn. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tuyên bố rằng các tình hình thực tế cho thấy Hồng Kông không còn tự trị. Điều này cho phép Mỹ áp dụng thuế quan đối với hàng xuất khẩu trên lãnh thổ như đối với đại lục. Đó là một vũ khí mạnh mẽ, nhưng cũng cần cân nhắc khả năng gây hại cho người Hồng Kông và các công ty và ngân hàng toàn cầu tại Hồng Kông.
Mỹ cũng nên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức lạm dụng quyền con người ở Hồng Kông. Ngoài ra, Anh nên cấp quyền cư trú đầy đủ cho hàng trăm ngàn người Hồng Kông đang giữ một loại hộ chiếu hải ngoại của Anh (BNO) như cách bà Thái Anh Văn đã mở cửa Đài Loan cho công dân Hồng Kông. Không biện pháp nào trong số này có thể ngăn Trung Quốc áp đặt ý muốn của nó lên Hồng Kông.
Thế giới cần cảnh giác bởi vì mưu cầu quyền lực của ĐCSTQ luôn đè bẹp tất cả.
Theo Economist
Hương Thảo dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/khi-trung-quoc-de-ra-luat-an-ninh-cho-hong-kong-phan-con-lai-cua-the-gioi-can-canh-giac.html

Covid-19 :

Thái Lan thông qua gói kích cầu gần 60 tỷ đô la

Thanh Hà
Quốc Hội Thái Lan hôm Chủ Nhật 31/05/2020 cho phép chính phủ ban hành kế hoạch gần 60 tỷ đô la hỗ trợ kinh tế, khắc phục hậu quả khủng hoảng Covid-19. Tổng sản phẩm nội địa tại quốc gia có trọng lượng lớn thứ nhì Đông Nam Á này dự trù sụt giảm từ 6 đến 7 % trong năm 2020. Nguyên nhân chính là virus corona làm tê liệt toàn bộ ngành du lịch Thái Lan.
Thông tín viên đài RFI Carol Isoux từ Bangkok cho biết thêm về gói kích cầu lớn nhất mà chính phủ Thái Lan chưa từng ban hành từ trước tới nay :
“Đây là một chương trình cho phép chính phủ Thái Lan đi vay đã được gần như toàn thể các đại biểu Quốc Hội thông qua. Khoản hỗ trợ này ưu tiên rót vào những lĩnh vực bị thiệt hại nghiêm trọng nhất, giúp đỡ những người đi làm không hợp đồng, những người buôn gánh bán bưng, giới phục vụ trong các phòng mát-xa, quán bar mà tất cả đến nay vẫn phải đóng cửa. Chính phủ cũng dành ưu tiên cho giới nông gia, khuyến khích họ hiện đại hóa và đa dạng hóa khâu sản xuất. Tuy nhiên kế hoạch quy mô hỗ trợ kinh tế nói trên chủ yếu nhằm giúp đỡ ngành du lịch, nhất là du lịch nội địa. Giá thuê phòng khách sạn tại Thái Lan trong tháng 7 tới đây sẽ được giảm 50 % để khuyến khích dân Thái đi tham quan đất nước.
Đối với ông Top Jurayub, chủ nhân trẻ đứng đầu một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, các biện pháp hỗ trợ của chính phủ chỉ là một giọt nước, không thấm vào đâu so với những khoản đầu tư về cơ cấu và kỹ thuật cần thiết đối với một lĩnh vực cần phải sáng tạo, đổi mới hoàn toàn. Top Jurayub nêu bật những thay đổi cần thiết : « chủ khách sạn sẽ phải thích nghi, cần đầu tư vào những dịch vụ không cần tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, nhận phòng qua điện thoại hay qua mạng cloud … tránh số lượng khách quá đông ở quầy lễ tân của khách sạn ».
Theo dự báo, GDP Thái Lan trong năm nay sụt giảm 6 %. Giới quan sát lo ngại một làn sóng thất nghiệp và nghèo khó dâng cao với những hậu quả nặng nề đối với người dân.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200601-covid-19-th%C3%A1i-lan-th%C3%B4ng-qua-g%C3%B3i-k%C3%ADch-c%E1%BA%A7u-g%E1%BA%A7n-60-t%E1%BB%B7-%C4%91%C3%B4-la

Các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ – Trung Quốc

tiếp tục nhưng không có kết quả

Băng Thanh
Ấn Độ hiện đã điều động một lượng khá lớn binh sĩ đến vùng Ladakh trên dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) để tương xứng với hơn 5000 quân mà Trung Quốc điều đến khu vực.
Tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc liên quan đến nhiều khu vực trên một đường biên giới dài gần 3.500 cây số dọc theo dãy Hy Mã Lạp Sơn không có gì mới, mà đã xuất hiện từ cách nay 8 thập niên, từng làm dấy lên một cuộc chiến tranh giữa hai nước vào năm 1962. Từ đó đến nay, vấn đề phân định biên giới trên bộ Ấn – Trung vẫn chưa được giải quyết dứt khoát, cho dù giữa hai bên đã có hơn 20 vòng đàm phán.
Tranh chấp biên giới là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa hai nước, và trong thời gian một chục năm gần đây, Bắc Kinh đã nhiều lần cho binh lính lấn sâu vào bên trong vùng lãnh thổ dưới quyền kiểm soát của Ấn Độ, buộc New Delhi phải đưa quân lên biên giới để đẩy lùi. Theo New Delhi, trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2018, Bắc Kinh đã cho binh lính xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ hơn 1.000 lần. Tuy nhiên, đây chủ yếu là những sự cố nhỏ và hai bên chưa bao giờ nổ súng vào nhau, đúng theo thỏa thuận đã ký vào những năm 1990.
Ví như, vào năm 2014, hơn 200 lính Trung Quốc đã thâm nhập vào một khu vực phía tây dãy Himalaya để xây một con đường trước khi bị lực lượng Ấn Độ đẩy lùi. Một sự cố khác diễn ra vào năm 2017, khi công binh Trung Quốc tiến vào xây một con đường trong một khu vực trên cao nguyên Doklam ở vùng Hy Mã Lạp Sơn mà cả Trung Quốc lẫn Bhutan đều đòi chủ quyền. Quân đội Ấn Độ đã can thiệp trực tiếp và lực lượng Trung Quốc đã phải rút về bên kia biên giới.
Tuy nhiên, tình hình bất ngờ trở nên rất căng thẳng từ đầu tháng Năm đến nay, với liên tiếp hai sự cố khiến cả trăm người bị thương ở khu vực thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ ở vùng biên giới trên cao nguyên Ladakh, phia tây dãy Himalaya. Theo trang mạng Mỹ Vox ngày 28/5, hiện nay chưa rõ nguyên nhân căng thẳng bắt nguồn từ đâu, nhưng chính phủ Ấn Độ đã lên tiếng tố cáo lính Trung Quốc hồi đầu tháng Năm, đã vô cớ ném đá vào binh sĩ Ấn Độ. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã phản pháo, cáo buộc ngược lại rằng chính lực lượng Ấn Độ đã xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc bất hợp pháp.
Theo tờ India Today TV, Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng sự hiện diện quân sự của mình dọc theo Đường kiểm soát Ấn Độ – Trung Quốc (LAC), đường ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát với lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát bằng cách triển khai các đơn vị pháo binh và thiết giáp gần lãnh thổ Ấn Độ. Sự hiện diện quân sự gia tăng trong khu vực có thể giúp quân đội Trung Quốc đến gần các khu vực thuộc Ấn Độ trong một vài giờ.
Các nguồn tin nói với tờ India Today TV rằng, kể từ tuần đầu tiên của tháng Năm, nhiều vòng đàm phán giữa các sĩ quan chỉ huy và Lữ đoàn từ cả hai bên đã không thay đổi được tình hình và bây giờ các cuộc hội đàm cấp tướng sẽ sớm được tổ chức để tìm ra giải pháp.
“Có vẻ như người Trung Quốc đang dành thời gian để xây dựng vị trí của họ ở phía sau vì họ đã mang theo một lượng lớn xe hạng nặng với pháo binh và xe bọc thép cùng quân đội”, các nguồn tin cho biết.
Theo tờ India Today TV, mục đích của binh lính Trung Quốc là tiến hành các cuộc xâm lược sâu hơn nhưng việc triển khai kịp thời trong nhiều lĩnh vực đã giúp phía Ấn Độ ngăn chặn ý định của họ. Cho đến nay, không có bất kì dấu hiệu nào chứng tỏ Trung Quốc sẽ dừng các hành vi này lại.
https://www.dkn.tv/the-gioi/cac-cuoc-dam-phan-giua-an-do-trung-quoc-tiep-tuc-nhung-khong-co-ket-qua.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.