Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Căng thẳng Mỹ – Trung và ba kiểu chiến tranh có thể xảy ra

Tuesday, June 16, 2020 6:15:00 PM // ,

Căng thẳng Mỹ – Trung và ba kiểu chiến tranh có thể xảy ra

Từ những điểm nóng địa chiến lược ở Biển Đông cho đến Đài Loan, rồi chiến tranh thương mại, tiền tệ, và công nghệ, xác suất đối đầu Mỹ – Trung dường như là khá cao, thậm chí một số chuyên gia cho rằng là không thể tránh khỏi.
Thời báo châu Á (Asia Times) đặt câu hỏi: Liệu những căng thẳng này có gây ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hay không? Và nếu có thì dưới hình thức nào? Theo trang báo mạng Hồng Kông, những bài học trong lịch sử cho phép suy đoán có ba kịch bản chiến tranh có thể xảy ra giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới: Chiến Tranh Thế Giới lần 3; Chiến Tranh Lạnh 2.0 và các cuộc chiến khu vực ủy nhiệm.
Tổng thống Donald Trump (cravat đỏ – giữa) thông báo về quan hệ thương mại Mỹ-Trung – Hồng Kông, Nhà Trắng, Washington DC, Mỹ, ngày 29/05/2020
Tổng thống Donald Trump (cravat đỏ – giữa) thông báo về quan hệ thương mại Mỹ-Trung – Hồng Kông, Nhà Trắng, Washington DC, Mỹ, ngày 29/05/2020 REUTERS – JONATHAN ERNST
Kịch bản thứ nhất có lẽ sẽ là một cuộc chiến tàn khốc nhất. Khi xem Trung Quốc như là một mối họa cho an ninh thế giới, tìm kiếm một sự bá quyền bằng cách bành trướng quân sự, liệu có nên ví nước này như là một Nhật Bản hay Đức Quốc Xã trong hai cuộc đại thế chiến đã qua ? Nếu như vậy, liệu Trung Quốc sẽ đi xâm lược, chiếm đóng, theo đuổi mô hình thực dân đế quốc, sẽ phạm những tội ác diệt chủng hay không ?… Tương tự, nếu cuộc chiến phải nổ ra giữa hai ông khổng lồ của hành tinh, điều gì có thể thúc đẩy Hoa Kỳ tham chiến ? Một sự kiện tương tự như cuộc tấn công Trân Châu Cảng chẳng hạn ?
Hình thức chiến tranh thứ hai chính là Chiến Tranh Lạnh 2.0 (phiên bản hai) với nhiều điểm khác biệt so với cuộc chiến tranh lạnh trước đây. Đây sẽ không còn là một cuộc chiến hệ tư tưởng, không gian và làm chủ công nghệ hạt nhân nữa, mà đó sẽ là một cuộc chiến thương mại, cuộc chiến tiền tệ, công nghệ, tin học, hay thậm chí là một cuộc chiến hỗn hợp, kết hợp nhiều yếu tố của tất cả hay một phần của những điều trên.
Cuộc tranh đua thống trị các định chế đa phương là một trong những mặt trận rất có thể của cuộc đọ sức 2.0 và điều này sẽ gây chia rẽ các nước trong quá trình phân cực mà ví dụ điển hình là dự án Vành Đai và Con Đường của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Sim Vireak, tác giả bài viết lưu ý, từ « cạnh tranh » chỉ đúng nghĩa khi Trung Quốc gia tăng đóng góp tài chính trong các tổ chức đa phương còn Hoa Kỳ sẽ giảm đóng góp nhưng không rút ra khỏi hệ thống đa phương đó. Bắc Kinh hiện vẫn chưa tạo ra được một hệ thống quản trị toàn cầu, cả trong chính trị lẫn kinh tế và cũng chưa có nước nào trên thế giới tuyên bố chấp nhận mô hình hệ thống quản trị của Trung Quốc.
Kịch bản thứ ba, và cũng là nguy cơ đáng lo ngại nhất : Một cuộc chiến ủy nhiệm khu vực mà vùng châu Á – Thái Bình Dương sẽ là sàn đấu chính cho Trung Quốc và Hoa Kỳ. Giống như cuộc Chiến Tranh Lạnh 1.0, cuộc đối đầu Mỹ – Trung Quốc có thể gây ra những cuộc « chiến tranh nóng » giữa các quốc gia trong vùng.
Ngoài những điểm nóng trong khu vực như Biển Đông và Đài Loan có thể làm thổi bùng những cuộc chiến nóng như vậy, vùng Mêkông cũng có khả năng là một cuộc chiến tranh Việt Nam 2.0, do Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đối đầu nhau tại Biển Đông. Lịch sử nhắc lại là dòng sông Mêkông không ngừng nhuốm thẫm máu trong nhiều thập niên từ cuộc chiến tranh Việt Nam 1.0 cho đến khi chế độ Khmer Đỏ bị tiêu diệt hẳn vào năm 1998.
Dù biết rằng giờ đây Mỹ và Trung Quốc, cũng như là giữa Trung Quốc và Việt Nam đều không muốn có những cuộc đối đầu trực diện, nhưng người ta cũng không thể quên rằng sau Đệ Nhị Thế Chiến, Việt Nam và Trung Quốc cũng nhiều lần đọ sức nhau, nhất là trong cuộc chiến đẫm máu năm 1974 giành quần đảo Hoàng Sa.
Cho dù Hoa Kỳ và Trung Quốc không muốn trực diện đọ sức, nhưng chiến tranh ủy nhiệm cũng có thể xảy ra và những nước nhỏ lân cận trong khu vực sẽ phải trả giá đắt như những gì diễn ra trong chiến tranh Việt Nam. Những nước này sẽ bị chia rẽ trong quá trình phân cực mới này. Và giống như trong quá khứ, sự im lặng và tính trung lập sẽ không là một giải pháp.
Đối với ba kịch bản chiến tranh này, có rất ít giải pháp chính trị và sẽ rất « nóng » cho các nước nhỏ lân cận. Các cuộc chiến tranh lạnh sẽ chỉ « lạnh » đối với các siêu cường mà thôi !
RFI – 15/6/20

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.