Tin Việt Nam – 29/05/2020
Friday, May 29, 2020
5:36:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Đề xuất bỏ BOT Ninh Xuân của người dân chưa được giải quyết
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam tại buổi đối thoại với người dân tại xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hoà, Khánh Hoà hôm 28/5, cho biết không có thẩm quyết định cho dừng thu phí hay di dời trạm BOT Ninh Hoà theo yêu cầu của người dân.Truyền thông trong nước loan tin hôm 29/5 cho biết cuộc đối thoại bị dừng lại và chưa đạt được thoả thuận.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải khẳng định thông tin cho rằng vị trí trạm BOT Ninh Xuân chỉ cách trạm Ninh Lộc 12 km, chủ đầu tư chỉ làm mới 3km và sửa chữa 45km đường QL26 nhưng lại thu phí làm mới cho cả quãng đường là không chính xác.
Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh khoảng cách giữa hai trạm BOT Ninh Lộc và Ninh Xuân không sai quy định vì nằm trên 2 tuyến đường khác nhau.
Trong khi đó, chủ một doanh nghiệp vận tải ở địa phương cho rằng vị trí đặt trạm BOT Ninh Xuân rất vô lý. Người này cho rằng hai tuyến đường được kết nối với nhau thì tại sao lại nói làm trên hai tuyến khác nhau.
Chủ doanh nghiệp cho rằng tài xế lái xe phải di chuyển cùng lúc qua 2 trạm và chưa bao lâu thì phải trả thêm phí khiến họ có cảm giác bị tận thu, giá thành vận chuyển tăng lên.
Chủ doanh nghiệp đề xuất dời trạm Ninh Xuân về phía đầu đường bên kia của dự án là hợp lý vì vừa bảo đảm hoàn vốn của nhà đầu tư, vừa đảm bảo khoảng cách giữa hai trạm.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Khánh Hoà thì cho rằng không có quy định bắt buộc hai trạm BOT trên 2 quốc lộ thuộc 2 dự án khác nhau phải cách 70 km.
Trạm thu phí BOT Ninh Xuân chính thức thu phí từ ngày 16/12/2019 đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương. Nhiều tài xế phản đối bằng cách điều khiển ô tô đến đỗ tại trạm mà không di chuyển.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/proposal-of-eliminating-bot-ninh-xuan-not-to-be-settled-05292020083707.html
Kế toán trưởng Tổng CTy Cổ Phần
Vận tải Dầu Khí VN bị khởi tố, bắt tạm giam
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam nguyên kế toán trưởng kiêm trưởng ban Tài chính Tổng công ty CP vận tải dầu khí (PVTrans) –Nguyễn Thị Kim Anh.Lệnh bắt tạm giam được Bộ Công an thông tin vào ngày 29/5 cùng với đó là quyết định khởi tố vụ án Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại PVTrans và Oceanbank.
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin này vào cùng ngày.
Theo tin, bị cáo Nguyễn Thị Kim Anh bị cáo buộc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 Bộ luật hình sự.
Việc bắt bà Kim Anh nằm trong giai đoạn điều tra I liên quan đến các tổ chức kinh tế nhận tiền ngoài lãi suất của Oceabank trong vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm.
Trong giai đoạn I vụ án Oceanbank, Hà Văn Thắm-Chủ tịch HĐQT của Oceanbank đã ra chủ trương chi ngoài lãi suất huy động vốn cho khách hàng trên toàn hệ thống.
Theo chỉ đạo đó, bà Nguyễn Thị Minh Phương – với tư cách là Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược của Oceabank được phân công và chịu trách nhiệm chi trả số tiền 263,4 tỷ đồng lãi ngoài với các khách hàng gồm Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy – Vinashin (105,9 tỷ đồng), Tổng công ty thăm dò khai thác Dầu khí PVEP (76,5 tỷ đồng), Tổng công ty Xây lắp dầu khí – PVC (8,3 tỷ đồng), Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và các công ty thành viên – PVIs (19,9 tỷ đồng), Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Long Phú 1 (4,4 tỷ đồng), Ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2 (1,4 tỷ đồng), Công ty cổ phần Cảng Phước An (3,2 tỷ đồng) và PVTrans là 7,93 tỷ đồng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các bị can, mở rộng vụ án và thu hồi tài sản về cho Nhà nước; đồng thời điều tra, xác minh làm rõ các cá nhân, tổ chức kinh tế khác nhận tiền lãi ngoài của OceanBank để đề xuất xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Được biết PVTrans là một trong 4 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam -PVN được cổ phần hoá sớm vào năm 2006.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/pvtrans-chief-accountant-prosecuted-detained-05292020075832.html
Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Thái Bình
bị kỷ luật sau khi gây tai nạn chết người
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình hôm 28/5 cho biết cơ quan này sẽ có biện pháp kỷ luật nghiêm khắc đối với ông Nguyễn Văn Điều – Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ vì đã gây tai nạn giao thông chết người rồi bỏ chạy. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 29/5.Vào chiều ngày 28/5, Thường trực Tỉnh uỷ Thái Bình đã có cuộc họp với đại diện các cơ quan nội chính của tỉnh bao gồm Công an tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh và Toà án Tỉnh để nghe báo cáo về vụ án hình sự “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” có liên quan đến ông Điều.
Công an tỉnh Thái Bình đã báo cáo kết quả điều tra ban đầu và xác định có dấu hiệu tội phạm “Vi phạm quy định về quản lý đường bộ”.
Ngày 26/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án theo quy định tại điều 260, Bộ luật Hình sự.
Thường trực Tỉnh uỷ Thái Bình sẽ tiếp tục thảo luận và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét các biện pháp kỷ luật nghiêm khắc với ông Điều theo quy định của Đảng để báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.
Vụ tai nạn giao thông do ông Điều gây ra xảy ra vào chiều tối ngày 8/5 tại thành phố Thái Bình khi ông Điều đang lái xe hơi. Chiếc xe đã đâm vào một phụ nữ đi xe đạp khiến bà này văng ra và chết tại chỗ. Vụ va đập cũng khiến một người đi xe máy bị thương nặng.
Sau khi gây tai nạn, ông Điều đã bỏ chạy và đâm vào một xe máy khác.
Từ ngày 12/5 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình đã tạm đình chỉ mọi chức vụ, dừng thực hiện nhiệm vụ uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Nội chính đối với với ông Điều.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thai-binh-internal-affairs-chief-face-party-discipline-after-causing-traffic-accident-05292020074535.html
Việt Nam sẽ mất đất nếu người Trung Cộng
đang sở hữu đất kiện ra Toà Quốc Tế
Tin Vietnam.- Báo Tuổi trẻ ngày 28 tháng 5 năm 2020 loan tin, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Cộng sản Việt Nam khẳng định, nếu những người ngoại quốc mà cụ thể ở đây là Hoa Lục xảy ra tranh chấp đất bên trong lãnh thổ Việt Nam, rồi đưa sự việc ra toà án quốc tế thì có thể toà sẽ tuyên đất của Việt Nam thành đất của Trung Cộng.Trước đó, vào ngày 17 tháng 5, bộ Quốc phòng Cộng sản Việt Nam thông tin, người Trung Cộng đang sử dụng hơn 162,000 ha đất khu vực biên giới, ven biển của Việt Nam, trong đó có nhiều nơi có vị trí đặc biệt về an ninh quốc phòng.
Việc sử dụng đất này thông qua hai hình thức là lập công ty liên doanh, và đưa tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất. Sau đó, phía Trung Cộng sẽ sở hữu, sử dụng trực tiếp đất bằng cách mua phần lớn cổ phần của công ty để làm chủ công ty, và tài sản của công ty luôn.
Trước thông tin này, ông Hà khẳng định, chưa có bất kỳ người ngoại quốc nào được cấp quyền sử dụng đất ở Việt Nam, và không có vi phạm khi giao đất cho các cá nhân.
Trái ngược hoàn toàn với ông Hà, thì trên báo Tuổi trẻ loan tin vào ngày 19 tháng 9 năm 2020, ông Tô Văn Hùng, giám đốc sở Tài nguyên và môi trường thành phố Đà Nẵng đã thừa nhận, hiện 21 trường hợp là người Trung Cộng đang đứng tên quyền sử dụng đất ở khu vực phi trường Đất Mặn của thành phố này.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/viet-nam-se-mat-dat-neu-nguoi-trung-cong-dang-so-huu-dat-kien-ra-toa-quoc-te/
Lãnh đạo Kiên Giang sẽ bị xử lý thế nào
khi phá tan đảo ngọc Phú Quốc?
Giới chức lãnh đạo được nêu tênTruyền thông trong nước cho biết UBND tỉnh Kiên Giang, vào ngày 15/5, gửi công văn hỏa tốc đến các cơ quan ban ngành trong tỉnh yêu cầu thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến sai phạm đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường ở tỉnh.
Trước đó khoảng 10 ngày, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra với xác định UBND tỉnh Kiên Giang, UBND các huyện, các sở, ngành đã vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, môi trường giai đoạn 2011-2017. Đặc biệt những sai phạm nghiêm trọng tại huyện đảo Phú Quốc là UBND huyện và UBND các xã, thị trấn trực thuộc đã buông lỏng quản lý về đất đai, về trật tự xây dựng đô thị, dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ để chuyển nhượng. Song song đó, còn cấp giấy quyền sử dụng đất chồng lấn với diện tích đất được chứng nhận cho Vườn Quốc gia sử dụng.
Trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ nêu rõ Chính quyền tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 chịu trách nhiệm về những thiếu sót và sai phạm nêu trên. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân sai phạm.
Thanh tra Chính phủ còn yêu cầu các cơ quan hành chính của tỉnh Kiên Giang bao gồm UBND tỉnh, Sở Tài chính tỉnh, Cục thuế tỉnh phải truy thu về cho ngân sách nhà nước tổng cộng 334 tỷ đồng.
Báo mạng Tiền Phong Online vào ngày 27/5, dẫn lời một cán bộ lão thành của tỉnh Kiên Giang cho biết theo như yêu cầu của Thanh tra Chính phủ thì lãnh đạo giai đoạn 2011-2017 là các chủ tịch và phó chủ tịch UBND tỉnh trong nhiệm kỳ vừa nêu phải bị kiểm điểm.
Về trường hợp ở Phú Quốc sẽ xử lý ra sao thì rất là khó đoán. Bởi vì nhìn chung đối với quan chức thì bao giờ cũng nhẹ tay hơn đối với dân thường. Nói thẳng là như vậy. Mấy thanh niên nhà quê ăn cắp mấy con vịt bị đi tù 7 năm. Quan chức làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ cũng đi tù 7 năm. Chuyện đấy là quy luật chung…Ngay ở Khánh Hòa nơi tôi ở cũng xảy ra sai phạm quản lý đất đai, sơ sơ tính ra cũng 15-16 nghìn tỷ. Ủy ban Kiểm tra Tung ương cũng làm việc rồi. Thế nhưng cũng chưa thấy hình thức kỷ luật nào cho ra hồn. Chỉ mới kỷ luật trong Đảng, cách chức nguyên bí thư. Cách chức kiểu đó thì không tác dụng gì
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Vị cán bộ lão thành (không nêu tên) đưa ra danh tính của các cán bộ lãnh đạo giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang mà ông cho là phải chịu trách nhiệm bao gồm cựu Chủ tịch-ông Nguyễn Thanh Sơn (từng giữ chức Bí thư Huyện ủy Phú Quốc và hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương), cựu Chủ tịch-Thiếu tướng Công an Lê Văn Thi, cựu Chủ tịch-ông Phạm Vũ Hồng (từng giữ chức Chủ tịch huyện Phú Quốc).
Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 lần lượt bao gồm: ông Nguyễn Thanh Nghị (nay là bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang), ông Mai Anh Nhịn, ông Lê Khắc Ghi, bà Lê Thị Minh Phụng…
Bên cạnh đó, một số cán bộ lãnh đạo thuộc cơ quan Chính quyền tỉnh Kiên Giang cũng được nêu tên.
Xử lý nghiêm như thế nào?
Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, diễn ra vào ngày 26/5, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng vẫn phải làm rất quyết liệt và mạnh mẽ. Ông Trọng cũng khẳng định “không chỉ cốt xử nhiều, xử nặng mới là tốt…”.
Trước tuyên bố vừa nêu của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, Đài RFA nêu câu hỏi với Giáo sư Đặng Hùng Võ về trường hợp giới chức Chính quyền tỉnh Kiên Giang sẽ bị xử lý như thế nào liên quan các sai phạm đất đai nghiêm trọng theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ, vào tối hôm 28/5 cho biết quan điểm của ông:
“Tôi luôn luôn hy vọng đã là xử lý thì phải đảm bảo nguyên tắc công bằng và đấy là điểm rất quan trọng trong việc phát triển xã hội. Phát triển xã hội mà không có công bằng thì sẽ không thể phát triển được. Lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam vẫn luôn có một khẩu hiệu là ‘không có vùng cấm trong xử lý’. Do đó, tôi hy vọng là mọi việc sẽ được xử lý một cách công bằng. Tức là, ai, khuyết điểm đến đâu, thậm chí tội trạng đến đâu thì xử lý ở mức về phía đảng thôi hay tiếp tục liên quan đến hình phạt hành chính, hình sự.”
Vào hôm 21/5, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Đô đốc Nguyễn Văn Hiến vừa bị tuyên 4 năm tù giam, liên quan vụ đại án tham nhũng đất Quốc phòng. Nhà báo Võ Văn Tạo đưa ra nhận xét với RFA rằng bản án này chỉ là “giơ cao đánh khẽ” đối với viên chức lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Chúng tôi cũng nêu vấn đề với Nhà báo Võ Văn Tạo về giới chức lãnh đạo tỉnh Kiên Giang bị xử lý ra sao? Theo suy luận cá nhân của ông liệu rằng cũng có thể sẽ “nương tay” tương tự như trường hợp của ông Hiến hay không? Nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ ý kiến như sau:
“Về trường hợp ở Phú Quốc sẽ xử lý ra sao thì rất là khó đoán. Bởi vì nhìn chung đối với quan chức thì bao giờ cũng nhẹ tay hơn đối với dân thường. Nói thẳng là như vậy. Mấy thanh niên nhà quê ăn cắp mấy con vịt bị đi tù 7 năm. Quan chức làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ cũng đi tù 7 năm. Chuyện đấy là quy luật chung. Thế còn riêng từng vụ việc một có thể do quan điểm hay do phe nhóm như thế nào đó thì chúng tôi không thật rõ, nhưng cũng có những trường hợp tương đối là nghiêm túc và hình phạt xứng đáng với tội lỗi. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp chỉ kỷ luật hành chính thôi, chứ không bị hình sự. Ngay ở Khánh Hòa nơi tôi ở cũng xảy ra sai phạm quản lý đất đai, sơ sơ tính ra cũng 15-16 nghìn tỷ. Ủy ban Kiểm tra Tung ương cũng làm việc rồi. Thế nhưng cũng chưa thấy hình thức kỷ luật nào cho ra hồn. Chỉ mới kỷ luật trong Đảng, cách chức nguyên bí thư. Cách chức kiểu đó thì không tác dụng gì.”
Chúng tôi cũng đề cập đến nhân vật đương kim Bí thư tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Thanh Nghị là con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người mà các lãnh đạo đảng trong một lần họp kỷ luật chỉ gọi là “đồng chí X”.
Liên quan luồng dư luận cho là phe nhóm lợi ích triệt hạ nhau mà vốn dĩ đã từng có đồn đóan về sự đối nghịch giữa ông Trọng và ông Dũng, nên sẽ có thể một kịch bản “xử lý nghiêm, xử lý nặng” dành cho giới chức lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng biện pháp xử lý nặng nhất cũng là tuyên án tù. Tuy nhiên, Nhà báo Võ Văn Tạo nhấn mạnh:
“Ai cũng biết những quan chức tham nhũng như thế thì vơ vét cả hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Vài ba năm tù đối với họ có nghĩa lý gì đâu. Có nhiều người ở trong tù cũng sướng chẳng khác gì ở nhà. Từ hồi ông Lê Hồng Anh làm Bộ trưởng Công an thì ông đã cho phép chuyện tù nhân đầu tư vào trại giam như xây nhà, thậm chí gắn thiết bị máy lạnh, tủ lạnh…mua bán thoải mái nếu (phạm nhân) có điều kiện kinh tế. Ông Lê Hồng Anh cho rằng cách thức như thế có thể hiểu nôm na là ‘nhà nước và nhân dân cùng làm’, tức là cải thiện cơ sở vật chất của nhà tù. Thế thì đi tù cũng sướng như ở nhà.”
Tôi luôn luôn hy vọng đã là xử lý thì phải đảm bảo nguyên tắc công bằng và đấy là điểm rất quan trọng trong việc phát triển xã hội. Phát triển xã hội mà không có công bằng thì sẽ không thể phát triển được. Lãnh đạo của Nhà nước Việt Nam vẫn luôn có một khẩu hiệu là ‘không có vùng cấm trong xử lý’. Do đó, tôi hy vọng là mọi việc sẽ được xử lý một cách công bằng. Tức là, ai, khuyết điểm đến đâu, thậm chí tội trạng đến đâu thì xử lý ở mức về phía đảng thôi hay tiếp tục liên quan đến hình phạt hành chính, hình sự
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Đài RFA cũng trao đổi vấn đề này với một số người dân ở đảo Phú Quốc, là nơi mà Chính phủ Việt Nam từng chủ trương xây dựng thành một phiên bản Singapore nhưng hiện tại được gọi tên là hòn đảo bị “tan rừng, nát biển”. Những cư dân Phú Quốc chia sẻ với chúng tôi rằng họ không thật sự quan tâm mấy đến vị quan chức nào sẽ bị kiểm điểm hay hình phạt đối với các quan chức sai phạm nặng nhẹ ra sao. Bởi vì sự quan tâm chính của họ là Phú Quốc không còn là hòn đảo ngọc nếu như tiếp tục dưới sự quản lý lần lượt của các quan chức “không có tâm lẫn không có tầm”, như chia sẻ của ông Duyệt, một người con của Phú Quốc phải than rằng:
“Nhìn thấy sự phát triển của Phú Quốc đi lên thì mình rất hãnh diện nhưng cũng có những nỗi buồn. Nói tóm lại là không quản lý chặt chẽ. Đời sống của người dân mà người bị lấy đất thì đi xuống, còn người bỏ tiền ra đầu cơ thì đi lên. Mạnh ai nấy phá, đốt rừng, chiếm đất cho nên từ chỗ đó cũng thấy buồn. Rồi tệ nạn xã hội ở Phú Quốc nhiều lắm, cũng buồn lắm…Do những người quản lý yếu kém.”
Đó cũng là quan ngại của hầu hết người dân đối với thiệt hại gây ra không thể nào cứu vãn bởi những vô số quan chức “tự tung, tự tác” bấy lâu nay.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/which-disciplined-method-for-leaders-relating-land-violation-in-phuquoc-05282020160757.html
Giáo viên bạo hành học sinh trở nên phổ biến
Cao NguyênMột tuần 3 vụ giáo viên đánh phạt học sinh
Ngày 22/5, mạng báo VnExpress đưa tin một nam sinh lớp 7, trường THCS Hoằng Thanh, Thanh Hoá bị thầy giáo đánh đá vào mông làm học sinh này ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu.
Phó hiệu trưởng trường Hoằng Thanh trả lời báo chí, cho biết sự việc xảy ra từ ngày 15/5, trong tiết thể dục, nam sinh chạy sang lớp khác đùa giỡn, quậy phá. Một cô giáo đã nhắc nhở nhưng em không nghe lời, tỏ thái độ bướng bỉnh nên đã bị thầy thể dục đánh, đá vào mông.
Sau giờ học thể dục, nam sinh bị ngất xỉu ngay trước cổng trường, phải đưa đi cấp cứu.
Trong bản tường trình, thầy giáo thể dục thừa nhận hành vi đánh học sinh và nhận thấy hành vi đó là sai trái.
Sau một tuần thì sức khoẻ nam sinh đã hồi phục. Gia đình em sau đó làm đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ sự việc.
Báo Thanh Niên ngày 25/5 có bài viết phản ánh thông tin từ một phụ huynh cho hay vào ngày 12/5, con gái chị đang học lớp 2 trường tiểu học Thanh Trì (Hà Nội) đi học về với nhiều vết sưng, bầm và tụ máu trên mặt. Chị gặn hỏi thì con nói rằng bị cô giáo đánh vì làm toán sai.
Giáo viên chủ nhiệm phủ nhận hành vi đánh học sinh và giải thích rằng do môi của học sinh có vảy, cháu cạy ra nên mới chảy máu.
Ngày 13/5, phụ huynh này đến trường thì được các bạn cùng lớp xác nhận rằng cô giáo có đánh con gái mình bằng tay và bằng sách.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cử người về trường để làm rõ sự việc. Tuy nhiên phụ huynh không đồng ý và yêu cầu công an vào cuộc làm rõ.
Báo chí trong nước mấy ngày vừa qua đưa tin rất nhiều về vụ việc một học sinh tiểu học ở Hải Phòng bị phơi nắng ngoài cổng trường vì đi học sớm do không đăng ký học bán trú.
Cụ thể vào ngày 21/5, một phụ huynh có con học trường tiểu học Quang Trung, Hải Phòng đăng một bức ảnh con gái mình phải đứng dưới nắng trưa trước cổng trường vì đi học sớm 15 phút. Nhà trường không cho vào lớp chờ đến giờ học.
Theo lời phụ huynh này, vì gia đình không có điều kiện nên không đăng ký cho con ăn ngủ lại trường vào buổi trưa. Thay vào đó, bà đón con về nhà ăn và trở lại trường lúc 1 giờ 30 chiều. Nhưng vì công việc, người mẹ phải đưa con đi học sớm hơn, vào lúc 1 giờ 15 phút.
Có lần, giáo viên chủ nhiệm đã bắt các em học sinh đi sớm lên bục giảng trách phạt và chụp hình gởi hình vào nhóm phụ huynh của lớp.
Nhiều người trên mạng xã hội bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động được cho là “phi giáo dục” của nhà trường.
Sau đó, trên mạng xuất hiện một đoạn video cho thấy người mẹ này chỉ chở con đến cổng trường chụp hình rồi chở về, chứ không phải con vào trường rồi bị đuổi ra cổng đứng nắng.
Phụ huynh này thừa nhận rằng mình đã tự đưa con đến trường rồi chụp hình đưa lên mạng. Tuy nhiên, bà làm điều này là vì nhà trường thường xuyên có những hành vi coi thường và trách phạt những học sinh không đăng ký bán trú trước lớp.
Thực trạng vấn nạn bạo hành học sinh
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Xã hội (ISDS) trả lời RFA qua tin nhắn cho biết “Hiện chưa có các số liệu thống kê về tình trạng giáo viên bạo hành học sinh. Trong mấy năm trở lại đây các vụ giáo viên bạo hành học sinh một cách nghiêm trọng thường xuyên được báo chí phản ánh gây bức xúc trong xã hội. Các hình thức bạo hành khá đa dạng, thường được sử dụng như biện pháp trừng phạt những sai sót của học sinh.
Tuy nhiên, nhiều vụ bạo hành vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta, không thể coi là sự răn đe giáo dục mà phải coi là bạo hành, làm nhục và thậm chí đoạ đày con trẻ. Giáo dục trẻ em cần nghiêm khắc nhưng bạo hành thì không thể chấp nhận.”
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội nói rằng thực trạng bạo hành học sinh bằng nhiều cách khác nhau như đánh, véo tai, chửi mắng, đe doạ… vẫn còn phổ biến, tuỳ từng địa phương cụ thể:
“Dù internet, camera, điện thoại di động và các hệ thống thông tin khá phát triển nhưng tình trạng bạo hành học sinh bằng nhiều cách khác nhau vẫn còn phổ biến ở Việt Nam phụ thuộc theo từng trường. Trường nào mà hiệu trưởng là một người không thân thiện, thậm chí là ác tâm thì học sinh sẽ bị bạo hành theo rất nhiều cách.
Theo tôi, ở những vùng trung tâm thành phố lớn thì tình trạng bạo lực với học sinh ít hơn, nhưng mà ở các vùng sâu vùng xa, không có các phương tiện thông tin thì việc giáo viên đá, bẹo tai học sinh vẫn còn và ít người biết đến.”
Ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý trẻ
Tiến sỹ Khuất Thu Hồng khẳng định chắc chắn rằng việc thầy cô trừng phạt học sinh theo kiểu bạo hành dẫn đến những hậu quả nặng nề. “Các em không chỉ bị tổn thương về thân thể mà còn bị tổn thương sâu sắc về tình cảm, tâm lý. Lòng tự tôn của các em bị chà đạp, niềm tin của các em vào giáo viên nói riêng và người lớn nói chung bị mất mát.
Làm sao một đứa trẻ bị bạo hành như vậy có thể lớn lên bình thường như những đứa trẻ khác mà không phải mang theo một vết thương khó lành trong tâm hồn? Liệu em bé đó còn muốn đến trường và coi như chưa từng có chuyện gì xảy ra? Các em có thể còn bị dày vò bởi mặc cảm, tự ti và xấu hổ với bạn bè khi bị thầy cô đánh đập, sỉ nhục trước mặt bạn bè chúng.”
Thạc sỹ Trần Thị Ái Liên, giám đốc công ty Bạn Của Bé chia sẻ rằng tâm lý của trẻ em sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu ở trong môi trường bị bạo lực, dẫn tới việc trẻ có cái nhìn sai lệnh về trường học, về cuộc sống:
“Đối với con nít từ 7 tuổi trở lên, khi bị người lớn đánh thì nó sẽ rất ghét người đó, và ghét luôn những người tương tự như người đó. Có thể, nó sẽ nghĩ rằng tất cả các giáo viên đều xấu.
Học sinh trung học mà bị đánh thì nó sẽ có những suy nghĩ sai lệch về cuộc sống, có thể nó sẽ nghĩ rằng trường học là nơi không đáng tin, không đáng để đến nữa. Nó sẽ nghĩ xấu về giáo dục và rằng đi học không có ích lợi gì hết.”
Giải pháp
Với câu hỏi làm thế nào để không còn xảy ra tình trạng bạo hành học sinh trong nhà trường. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng cần phải chú trọng rằng học sinh dù có phạm lỗi thì cũng là trẻ em. Chúng đến trường để được giáo dục chứ không phải bị trừng phạt:
“Theo tôi, đối với các trường học nên có các camera giám sát, phải thường xuyên được kiểm tra, lưu trữ. Nếu có trường hợp phụ huynh hoặc học sinh nào phản ánh về bạo lực học đường thì thì cấp trên phải can thiệp, giải quyết cho có tình có lý, và nhận lỗi trước phụ huynh, học sinh.
Cấp trên quan tâm giải quyết, chấn chỉnh, nhắc nhở, thậm chí kỷ luật những người sai phạm là cần thiết để giảm bớt bạo lực học đường.
Các phương tiện truyền thông báo chí, mạng xã hội, người dân, cũng như phụ huynh cũng nên tích cực tham gia phản ánh những vụ bạo lực học đường, dũng cảm lên tiếng đấu tranh thì bạo lực sẽ giảm.”
Thạc sỹ Ái Liên nói cần phải giáo dục cho cả giáo viên và học sinh về bạo hành học đường, để giáo viên biết cách xử lý không bạo lực khi học sinh mắc lỗi. Còn học sinh thì biết được quyền được tự vệ của mình:
“Trước hết, muốn thay đổi thì luật pháp phải rất nghiêm minh trừng trị những thầy cô giáo hành xử sai trái một cách mạnh mẽ, và phải có những bước đào tạo cho giáo viên cách để tâm sự, cư xử với học trò trong trường hợp nó hư hỏng.
Cách giáo dục của Việt Nam vẫn dạy con nít là phải chấp nhận cúi đầu, chứ không được tự vệ. Đó là cách giáo dục sai.
Cần phải dạy cho con nít biết đúng sai; phải dạy cho nó quyền có được một môi trường an toàn, và khi môi trường đó không an toàn nữa thì nó có quyền nghĩ tới chuyện chạy trốn và thông báo; Phải giáo dục cho con nít biết phân biệt đâu là quyền của nó, đâu là trách nhiệm của cô giáo, và giới hạn quyền lực của thầy cô giáo là gì; phải dạy về cái quyền được bảo vệ quyền được tự vệ.
Hội phụ huynh phải đóng vai trò như là một lực lượng hỗ trợ giáo viên chứ không phải là cùng phe với giáo viên. Nghĩa là, khi giáo viên cần thì giúp, nhưng khi giáo viên sai thì phải lên tiếng.”
Cuối cùng, tiến sỹ Khuất Thu Hồng cho rằng cần phải bao gồm nhiều giải pháp cùng một lúc. Ví dụ, tăng cường thực thi một cách nghiêm minh pháp luật về bảo vệ trẻ em và luật giáo dục, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; Tăng cường nội dung giáo dục đạo đức nhà giáo trong các trường sư phạm; Nhà trường có cơ chế giám sát giáo viên; Hội cha mẹ học sinh có vai trò giám sát… để đảm bảo không còn chuyện sử dụng bạo lực đối học sinh diễn ra nữa.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/teachers-harrasing-students-becomes-remnant-05292020083752.html
Có phải Chính phủ
dùng Nghị quyết để thay Luật đặc khu?
Diễm Thi, RFAHôm 25 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký nghị quyết số 80/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, cho phép người nước ngoài được miễn thị thực nhập cảnh vào khu kinh tế ven biển Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Nghị quyết này đặc biệt căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2019.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A cho rằng không có Luật đặc khu thì ông Thủ tướng dùng Nghị quyết để thực hiện ý tưởng luật đặc khu trước đây:
Ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư hồi xưa biện minh rằng không có cái nào nói đến Trung Quốc cả, nhưng trong cái dự luật đặc khu kinh tế Vân Đồn thì nêu rằng người nước ngoài mà có cùng biên giới với Quảng Ninh. – Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A
“Tôi nghĩ đây là việc thực hiện Luật đặc khu mà vì sự phản đối của người dân nên không thành. Bây giờ họ tìm cách lách, tức không còn là đặc khu nữa mà là khu kinh tế bình thường. Ở Vân Đồn họ cũng lập ban quản lý, Phú Quốc thì miễn thị thực cho người nước ngoài. Tôi nghĩ chủ yếu vẫn là người Trung Quốc, cũng có thể có một số người khác trong khu vực và một số ít khách phương Tây.
Không có Luật Đặc khu thì ông Thủ tướng dùng Nghị quyết để thực hiện những ý định cũ của ông ấy, và thực sự đấy là điều khá nhất quán của chính phủ.
Ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư hồi xưa biện minh rằng không có cái nào nói đến Trung Quốc cả, nhưng trong cái dự luật đặc khu kinh tế Vân Đồn thì nêu rằng người nước ngoài mà có cùng biên giới với Quảng Ninh. Như vậy tức là thực sự họ tìm cách lắt léo thôi.”
So với khu kinh tế, đặc khu kinh tế sẽ được ưu đãi nhiều hơn về các loại thuế suất như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tiêu thụ đặc biệt. Mức thuế thu nhập cá nhân tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao trong nước chỉ được giảm 50%, nhưng tại đặc khu dự kiến sẽ được miễn hoàn toàn trong 5 năm đầu.
Khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc ngay từ đầu có tên gọi là các đặc khu kinh tế. Từ năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng ba đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt gắn với ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Đến năm 2018, Chính phủ Hà Nội chỉ đạo soạn thảo dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đối với Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, còn gọi là Dự luật đặc khu để trình Quốc hội xem xét. Nhiều nhà quan sát kinh tế, chính trị và người dân lo ngại nếu Dự luật đặc khu được thông qua với những đặc
quyền về thuế, chính sách nhập cảnh, và đặc biệt là thời hạn thuê đất lên đến 99 năm sẽ mất cả 3 đặc khu này vào tay Trung Quốc.
Anh Phạm Minh Vũ, một người đấu tranh bằng những bài viết trên mạng xã hội, từng bị tù với tội danh bị áp là “Lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích Nhà nước” chia sẻ với RFA qua ứng dụng facebook messenger về Nghị quyết 80/NĐ-CP:
“Mặc dầu luật hoá, nhưng ai cũng thấy một điều là cụm từ ‘người nước ngoài’ ở đây không ai khác chính là dành cho người Trung Quốc. Người Trung Quốc đã mua đất Việt Nam núp dưới bóng doanh nghiệp hay người Việt gốc Hoa làm dấy lên lo ngại về an ninh quốc gia. Rõ ràng đây là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.
Vừa lập khu kinh tế Vân Đồn có hệ thống hành chính, con dấu, lại miễn thị thực thì rõ ràng dọn đường cho “đại bàng” đến lót tổ như ông Phúc nói hôm vừa rồi. Khổ ở chỗ đại bàng ở đây không ai khác là Trung Quốc.”
Tháng 8 năm 2014, tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh ủy Kiên Giang và huyện Phú Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đề án xây dựng đặc khu hành chính – kinh tế Phú Quốc là vấn đề Bộ Chính trị rất quan tâm bởi đây là mô hình mới, ngay cả các nước trên thế giới cũng chỉ có đặc khu hành chính hoặc đặc khu kinh tế chứ chưa có mô hình đặc khu hành chính – kinh tế.
Đến tháng 11 năm 2016, Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình ba đặc khu kinh tế gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Mỗi đặc khu được lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của nó.
Có kế hoạch xây dựng đặc khu kinh tế thì phải có Luật Đặc khu. Luật Đặc khu là tên gọi vắn tắt của Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Dự luật này đã vấp phải phản đối của người dân từ khi có kế hoạch trình Quốc hội vào tháng 6 năm 2018.
Theo dư luận trên mạng xã hội cũng như những người mà RFA trò chuyện, hầu hết họ đều cho rằng Nghị quyết 80 của Chính phủ là một hình thức lách luật.
Trung tá quân đội Đinh Đức Long phân tích hai khía cạnh của nghị quyết này:
Theo tôi nghĩ, chuyện người nước này qua nước kia không cần thị thực không có gì mới cả…Cái quan trọng là chính quyền Việt Nam có kiểm soát được họ đến với mục đích gì hay không; có lợi hay hại cho đất nước. – Ông Đinh Đức Long
“Theo tôi nghĩ, chuyện người nước này qua nước kia không cần thị thực không có gì mới cả. Các nước trong khối Schengen hay 10 nước trong khối ASEAN cũng đi lại tự do không cần thị thực và có thể cư trú một tháng. Cái quan trọng là chính quyền Việt Nam có kiểm soát được họ đến với mục đích gì hay không; có lợi hay hại cho đất nước?
Nếu vào được Phú Quốc thì họ vào những nơi khác theo đường biển, đường bộ có quản lý được không?
Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai là ngày 10/6/2018, khi Quốc hội dự kiến thông qua Luật đặc khu, người dân biểu tình phản đối và dự luật phải bỏ ra khỏi chương trình của Quốc hội. Đây liệu có phải là cách lách luật, biến Luật đặc khu không được thông qua trở thành nghị quyết của chính phủ về khu kinh tế ven biển? Giữa đặc khu và khu kinh tế ven biển có gì khác nhau hay là chỉ thay tên để lách luật? Đó là cái cần làm rõ.”
Vào các ngày 9, 10 và 11 tháng 6 năm 2018, một đợt biểu tình với đông đảo người dân tham gia nổ ra tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam với mục đích phản đối hai dự luật đặc khu và an ninh mạng.
Ngày 9 tháng 6 năm 2018, Văn phòng Chính phủ bất ngờ ra thông báo quyết định lùi Dự thảo Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp vào tháng 10. Đến ngày 11 tháng 6, Quốc hội lại bỏ phiếu lùi thời gian xem xét, thông qua dự luật này.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-the-gov-use-resolutions-to-replace-the-special-eco-zone-law-dt-05282020133858.html
Việt Nam và lo ngại
người TQ ‘thâu tóm đất nơi trọng yếu’
Bùi ThưBBC News Tiếng ViệtChuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói việc người Trung Quốc ‘núp bóng để thâu tóm đất tại các khu vực trọng yếu là rất nguy hiểm, cần đặc biệt cảnh giác’.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ở lại: Một giải pháp giữ ổn định?
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: ‘TQ lợi dụng dịch Covid-19 để đẩy mạnh độc chiếm Biển Đông’
“Tôi đọc bài về báo cáo của Bộ Quốc phòng, thấy rất đáng lo ngại. Đó là Trung Quốc mua toàn đất ven biển, ở những khu vực rất nhạy cảm, trọng yếu. Điều này nằm trong chiến lược Vành đai, con đường của họ”, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hôm 28/5.
“Tôi thực không hiểu tại sao chúng ta lại để cho họ làm như vậy. Nó sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng của mình rất lớn”, ông nói thêm.
Đất ở khu vực trọng yếu
Bộ Quốc phòng Việt Nam trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây cho biết người Trung Quốc đang sử dụng hơn 162.000ha đất biên giới, ven biển thông qua hai hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất.
Theo báo cáo, thời hạn thuê đất của người Trung Quốc thường từ 5 – 50 năm, lĩnh vực hoạt động chủ yếu tại khu vực biên giới đất liền và ven biển là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản, giày da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử.
Các tỉnh, thành có tình trạng người Trung Quốc tập trung “sở hữu” đất đai thời gian qua là Đà Nẵng 22 trường hợp, Quảng Ninh 17 trường hợp, Hải Phòng 16 trường hợp, Bình Định 9 trường hợp, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh có 5 trường hợp.
Đà Nẵng được coi là “điểm nóng” về đất đai thuộc khu vực trọng yếu ven biển bị người Trung Quốc thâu tóm, trong đó có các khu vực được coi là “nhạy cảm” như sân bay Nước Mặn, một căn cứ quân sự ven biển thời Chiến tranh Việt Nam bị bỏ hoang.
Theo Bộ Quốc phòng, tại Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo hai hình thức để đứng tên sử dụng các lô đất.
Hình thức thứ nhất là thành lập doanh nghiệp liên doanh. Khi thành lập, doanh nghiệp do người Việt Nam điều hành vì người Trung Quốc góp vốn thấp hơn (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất). Sau một thời gian, người Trung Quốc tăng vốn, giành quyền điều hành và hệ quả là quyền sử dụng các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc.
Hình thức thứ hai là người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người gốc Hoa) để mua đất. Cơ quan chức năng đã phát hiện một số cá nhân có kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất, hầu hết đều ở vị trí đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.
“Trước hết, nói về đường lối bành trướng thì Trung Quốc không chỉ thực hiện với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Khi họ có tiền, họ sang cả châu Phi, sang Djibouti, họ xây cảng và các cơ sở ở đấy. Điều này nằm trong đường lối tranh giành vị trí số 1 thế giới với Mỹ”, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói.
Ông phân tích thêm: “Chẳng hạn vị trí họ mua ở sân bay Nước Mặn, một vị trí ở cửa ngõ Vịnh Bắc Bộ. Từ đây kết hợp với Hải Nam có thể giúp khống chế Vịnh Bắc Bộ. Nhìn xa ra, tôi thấy điều này ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, quốc phòng. Đây là thứ mà chúng ta không thể không cảnh giác trước âm mưu của người Trung Quốc, muốn thôn tín những vùng đất chiến lược của Việt Nam”.
Nhiều người Việt Nam lo Trung Quốc ‘thôn tính’ đất ven biển
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến ra tòa án quân sự
“Tôi thấy việc Bộ Quốc phòng báo cáo với Quốc hội là điều đáng mừng. Nghĩa là mình đã thấy được vấn đề. Khi mình thấy rồi, có báo cáo rồi, thì lãnh đạo cấp chiến lược sẽ phải có cách xử lý thôi”, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm chia sẻ.
Báo cáo về tình hình người Trung Quốc “thâu tóm” đất đã làm nóng diễn đàn Quốc hội trong tháng 5 năm, với nhiều đại biểu cho rằng cần điều chỉnh các luật Đầu tư và Đất đai để ngăn chặn nguy cơ.
Những người quan ngại còn đề cập đến cái mà họ cho rằng sẽ là nguy cơ lớn nếu để đất đai tại những nơi dự kiến hình thành các đặc khu trong tương lai rơi vào tay người Trung Quốc.
Điều chỉnh luật để ngăn chặn?
Theo luật pháp hiện hành, người nước ngoài không được đứng tên giấy phép sử dụng đất đai tại Việt Nam mà chỉ được phép mua nhà ở. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định quản lý việc nhà đầu tư nước ngoài liên doanh, tăng vốn, mua cổ phần doanh nghiệp trong nước để qua đó sở hữu đất đai các dự án.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội hôm 25/5, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói: “Họ mua, thuê không liên quan đến nội dung luật Đất đai quy định. Theo luật đầu tư, theo luật Nhà ở, họ hoàn toàn được làm. Còn luật Đất đai không cấp giấy quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì chia sẻ luật hiện hành chưa có chính sách cụ thể về vấn đề ngăn chặn người nước ngoài thuê, mua đất ở vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng.
“Tuy nhiên, tất cả các vấn đề liên quan đến việc người nước ngoài đầu tư chúng tôi đang nghiên cứu, có thể tham mưu để Chính phủ ban hành một chỉ thị mới, trong đó có cả vấn đề người nước ngoài thuê, mua đất”, ông nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng còn cho biết quy định ngăn chặn người nước ngoài thuê, mua đất ở khu vực trọng yếu quốc phòng có thể tích hợp trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: ‘TQ lợi dụng dịch Covid-19 để đẩy mạnh độc chiếm Biển Đông’
Việt Nam: Ngòi nổ bạo động từ khiếu kiện đất đai
Tuy nhiên, ông lưu ý thêm: “Luật là bình đẳng cho tất cả mọi lĩnh vực, thành phần. Còn những cái đó thì phải dùng công cụ khác. Luật không phân biệt đối xử người này với người kia, nước này, nước kia. Những lĩnh vực cần nhà nước quản lý thì nhà nước dùng các công cụ bằng cách khách nhau để quản lý chặt chẽ vấn đề đó. Có những cái không thể đưa thành luật được”.
Phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển – trong cuộc trò chuyện trực tiếp trên BBC News Tiếng Việt hôm 28/5 đề xuất:
“Vấn đề người nước ngoài nhờ người Việt Nam đứng tên, một hình thức đội lốt như vậy, thì pháp luật cấm rồi. Có thể xử lý ngay được.”
“Còn vấn đề mà mua lại cổ phần công ty, thì cái này cần điều chỉnh luật theo hướng, những khu vực mang tính chiến lược, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng cần có tiếng nói quyết định trong vấn đề đầu tư nước ngoài vào các khu đất thuộc vùng trọng yếu đối với an ninh, quốc phòng. Cần rà soát lại toàn bộ các dự án ở vùng trọng điểm để xử lý”.
Góp ý với BBC News Tiếng Việt, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói: “Theo tôi, về mặt luật pháp thì Việt Nam cần xây dựng chặt chẽ hơn, tránh bị Trung Quốc lợi dụng. Thêm nữa, nhà nước cần tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm để họ biết, cùng cảnh giác, không giúp ngoại bang mua đất như thế. Cần lấy lợi ích quốc gia làm ưu tiên số một”.
Ông cũng nhắc lại chiến lược Vành đai, con đường của Trung Quốc:
“Họ muốn tạo dựng Con đường tơ lụa trên biển, kết nối Trung Quốc, xuống Biển Đông, sang Malaysia, qua Ấn Độ Dương. Họ không làm điều đó trong ngày một ngày hai, và họ có thể thực hiện điều đó trong hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm. Đối với người Việt Nam cần phải cảnh giác, phải thấy để mà lo”, ông Lê Kế Lâm chia sẻ.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt trên Bàn tròn thứ Năm, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói:
“Chúng ta cần làm rõ thế nào là ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh. Theo tôi, thứ nhất là những mảnh đất gần biên giới. Thứ hai là các mảnh đất gần các cơ sở an ninh, quốc phòng. Cái này thì những quy định tới đây đều phải nêu rõ khoảng cách bao nhiêu thì được coi là có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng.”
“Thứ ba là các vùng bờ biển, biên giới biển. Nhiều nơi ở các vị trí này đang xảy ra hiện tượng là các doanh nghiệp Việt Nam chuyển cổ phần cho doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc. Qua đó, doanh nghiệp nước ngoài cũng ‘sở hữu’ các mảnh đất đó. Cái này xét về luật Đầu tư thì không sai, nhưng xét về Nghị định về biên giới thì hoàn toàn sai.”
“Cho nên thời gian tới, trước khi ra luật Biên giới, thì chắc chắn Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần rà soát lại nhanh các dự án đang nằm trong tay người nước ngoài để có hướng xử lý phù hợp”.
Về vấn đề ngăn chặn nguy cơ, tối 27/5, Tổng cục quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản nêu 7 giải pháp.
Trong đó, cơ quan này nêu rõ việc quy hoạch các khu vực trọng yếu, nhạy cảm có liên quan đến quốc phòng, an ninh cần được tính toán trước một bước nhằm xác định khu vực, phạm vi, giới hạn để thực hiện các dự án đầu tư cũng như những khu vực hạn chế quyền tiếp cận và giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52844776
Bộ Tài nguyên-Môi trường giải trình
về lùi sửa Luật Đất đai
Bộ Tài nguyên-Môi trường cho biết một trong những lý do chính phải lùi sửa Luật Đất đai là có một số nội dung phải được sửa đổi toàn diện và sẽ lấy kiến toàn dân cho việc sửa đổi bộ luật này.Truyền thông trong nước, vào ngày 29/5 loan tin Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) vừa gửi báo cáo đến đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành để giải trình về lý do lùi sửa Luật Đất đai với nội dung chính như vừa nêu.
Trong báo cáo này, Bộ TN-MT nhấn mạnh rằng Luật Đất đai 2013 bộc lộ rất nhiều bất cập. Chẳng hạn như việc tổ chức thi hành pháp luật chưa tốt, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai. Hay việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước, đất cho các dự án du lịch có yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh chưa chặt chẽ. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho một số dự án triển khai còn chậm, có nơi chưa hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất. Hoặc việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT) chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ, còn bị lợi dụng…
Bộ TN-MT cho hay sau khi tổ chức các hội thảo và tham khảo ý kiến các bộ, ngành và giới chuyên gia thì nhận thấy rằng Luật Đất đai 2013 có 6 nội dung cần phải sửa đổi luật toàn diện, chứ sửa đổi và bổ sung sẽ không thể giải quyết được căn cơ vấn đề bất cập và hạn chế hiện nay.
Sáu nội dung được Bộ TN-MT quyết định cần phải sửa đổi toàn diện có một số đáng chú ý như các chính sách mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và vấn đề an ninh lương thực. Hoặc việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài nhằm bảo đảm được an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, kinh tế xã hội, vừa không tác động xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh có yếu tố nước ngoài…
Bộ TN-MT cho biết thêm trong báo cáo rằng Đại hội Đảng XIII sẽ thông qua Nghị quyết Đại hội, trong đó có định hướng lớn về tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai và Nghị quyết này là định hướng quan trọng trong việc sửa đổi Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cho rằng Dự án Luật Đất đai sửa đổi cần có thời gian chuẩn bị để lấy ý kiến của toàn dân vì bộ luật này có tác động rất lớn đến xã hội, phát triển kinh tế và ổn định chính trị-xã hội.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2020 và có hiệu lực vào giữa năm 2021. Tuy nhiên, trong phiên họp hôm 22/5, Chính phủ đã đề nghị lùi thời gian sửa Luật đất đai và dự kiến sẽ trình Dự án Luật đất đai sửa đổi tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XV vào đầu năm 2021.
Tranh chấp liên quan đất đai được các cơ quan chức năng Việt Nam thừa nhận chiếm đa số các vụ kiện dai dẳng lâu nay. Những vụ việc gây chú ý công luận như Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Dương Nội… đều liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền địa phương, doanh nghiệp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/monre-explains-about-to-postpones-revising-land-law-05292020085748.html
Nạn xói lở bờ sông tại An Giang:
tất cả giải pháp chỉ mang tính đối phó?
Thực trạng – Nguyên nhânỦy ban Nhân dân tỉnh An Giang vào ngày 28/5 ban hành quyết định số 1152 về chủ trương đầu tư Dự án “Xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu, đoạn qua xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới”.
Vụ sạt lở xảy ra vào ngày 14/7/2019 tại khu vực ấp An Thị, xã An Thạnh Trung đã gây gián đoạn một phần đoạn đường giao thông liên ấp An Thị – An Long.
Sau đó, nhiều vụ sạt lở nhỏ uy hiếp 27 căn nhà dân cách vàm Cái Hố chỉ từ vài mét đến vài chục mét. UBND huyện Chợ Mới đã khẩn trương huy động lực lượng hỗ trợ dân di dời tài sản.
Mới đây, vào ngày 27/5, Quốc lộ 91 đoạn qua sông Hậu, ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang đã sạt lở một đoạn dài 40m xuống sông, ăn sâu vào 1/3 mặt đường.
Báo trong nước trích lời phía cơ quan chức năng cho hay việc sạt lở đã nằm trong cảnh báo do liên tục xảy ra mưa to tại An Giang những ngày gần đây, thúc đẩy nhanh thêm quá trình sạt lở.
Trao đổi với RFA vào tối ngày 28/5, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp – Nông thôn nhận định tình hình sạt lở ở bờ sông lẫn sạt lở bờ biển ngày càng diễn biến phức tạp.
“Cái này diễn ra trong những năm gần đây ngày càng quyết liệt hơn, ảnh hướng tới đời sống, sinh hoạt, hoạt động kinh tế của nhân dân trong vùng. Đây là vấn đề mới cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.”
Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long thì mực nước sông năm nay hạ thấp đồng nghĩa với việc khoảng cách từ bờ tới mặt nước xa hơn thì bờ sẽ nặng hơn nên dễ sụp hơn.Vào khoảng tháng 6, 7 tới đây thì tình hình sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ dữ dội sau mùa hạn mặn kỷ lục. Ông giải thích:
“Đặc biệt đất ở phía An Giang gần giáp Campuchia ở đầu nguồn sông Cửu Long và trong Việt Nam thì độ pha cát với thành phần cát nhiều nên độ kết dính thấp hơn. Đi xuống dần dưới này thì đất tăng độ kết dính. Khi đất có độ kết dính kém sẽ đòi hỏi cái dốc phải lài nhưng mấy vùng ở An Giang thì dốc thẳng đứng. Thông thường hay sạt lở ở những đoạn sông cong, cơ chế sông cong là lực quán tính (dòng chảy) đi thẳng nhưng phải bẻ cong thì sẽ đập vào bờ; còn cái nữa là đi qua những đoạn tiếp diện của dòng chảy bị hẹp, lấn một bên thì sẽ đưa đường tim sông qua gần bên kia, lấn hai bên sẽ nạo vét đáy sông và áp suất tăng hai bên bờ.”
Nói rõ hơn về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng sạt lở ở An Giang hiện nay, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng do không đủ cát và phù sa.
Theo Thạc sĩ Thiện, việc thiếu cát sẽ làm cho đáy sông sâu hơn. Cụ thể, đáy sông Cửu Long, sông Tiền, sông Hậu bây giờ sâu hơn ngày xưa 2-3 mét, đáy sông sâu sẽ làm bờ nặng hơn. Còn thiếu phù sa thì dòng nước trong hơn, nhẹ hơn và nghiêng hơn gây xói.
Chung quan điểm với Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn bổ sung thêm một nguyên nhân có thể xảy ra tại An Giang hiện nay góp phần cho việc sạt lở là:
“Các đê lớn, đê bao trước đây để bao ngăn lũ tháng 8 làm lúa 3 vụ thôi. Lâu rồi củng cố lại, mọi người bắt đầu trồng cây ăn trái bên trong, xây nhà kiên cố, các đê đó thành đê dài hạn. Đấy là tình hình bất lợi, nếu ngăn triệt để nước ở trên thì sẽ chảy mạnh xuống dòng chảy còn lại với tốc độ tăng lên.”
Giải pháp
Với nguyên nhân như vừa nêu, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn đề ra giải pháp:
“Một trong những việc trong tương lai phải tính đến là tháo dỡ các đê, nhất là trong các kỳ đỉnh lũ, thay đổi cơ cấu cây trồng, 3 vụ lúa rút xuống còn 2 vụ, đưa cây ăn trái về nơi an toàn, thay đổi cơ cấu mùa vụ. Các biện pháp khác như kè các đoạn sông yếu, chuyển con lộ ra tách khỏi bờ sông, chuyển khu dân cư thì vẫn phải tính tiếp.”
Dưới góc nhìn cá nhân, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng nếu nguyên nhân chính khiến bờ sông An Giang xói lở là thiếu cát và phù sa tất cả những biện pháp tiến hành không thể giải quyết dứt điểm từ gốc rễ. Ông giải thích:
“Sau lưng chuyện này là chuyện khai thác cát không chỉ ở riêng Việt Nam mà ở Campuchia, Lào, Thái Lan mà nhiều nhất là ở Campuchia Đồng bằng sông Cửu Long. Còn sau lưng chuyện thiếu bùn, thiếu phù sa mịn là các đập thủy điện chặn phù sa thành ra các nguyên nhân sâu sa này không có cách nào giải quyết hiện nay. Việc sạt lở chắc chắn sẽ diễn ra và sẽ dữ dội hơn trong các năm tới nhưng không có cách giải quyết.”
Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng vẫn có thể khắc phục tình trạng xói lở ở An Giang bằng ba biện pháp ứng phó như sau:
“Một là chấp nhận sạt lở, rút lui, di dời người dân nhưng khó vì chỗ đó dân cư khá nhiều nên khó di dời người dân. Phương án thứ hai là làm bờ kè để bảo vệ chỗ sạt lở nhưng phương án này rất dở vì bản chất sạt lở là ăn đứt ở dưới chân, nếu làm bờ kè thì làm cho dốc nặng thêm, không giải quyết vấn đề sạt lở bên dưới. Giả sử làm bờ kè thành công đoạn đó thì thông thường theo kinh nghiệm sẽ sạt lở ngay chỗ tiếp theo dưới không kè ở phía hạ lưu. Như vậy chúng ta di chuyển vấn đề đi lòng vòng, chạy theo vấn đề. Thứ ba là chỉnh trị dòng sông thì tỉnh An Giang đang đề xuất phương án này theo phương pháp sở hữu hóa, tức doanh nghiệp làm chỉnh trị sông được tận thu cát để bù chi phí.”
Báo trong nước dẫn phát biểu của đại diện tỉnh An Giang cho biết đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện xã hội hóa Dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu, kết hợp tận thu cát. Đơn vị thực hiện chỉnh trị chịu chi phí lập dự án và chi phí đền bù đất bãi bồi theo quy định pháp luật hiện hành.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cũng đồng ý rằng phương pháp chỉnh trị dòng sông là khả dĩ nhất nhưng cần xem xét một loạt vấn đề có thể phát sinh. Ông lập luận:
“Thứ nhất là việc chỉnh nắn dòng trong rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn rất cao chứ không phải xuống múc là xong. Tính toán để thay đổi đường tim sông, có những công trình dưới đáy sông hướng dòng chứ không chỉ nạo vét luồn mới là xong. Phải tính đến chuyện tạo luồng mới thì cát năm sau lại bồi lấp mất, rồi chuyện đưa dòng chảy qua phía bờ bên kia thì sạt lở bờ bên kia phải tính toán, dự kiến trước bồi thường ra sao. Còn vấn đề xã hội hóa để bù chi phí thì giải quyết được chuyện chi phí nhưng lại phát sinh ra hai chuyện mới là cho doanh nghiệp tận thu cát thì tạo thêm sự thiếu hụt cát cho hệ thống sông vỗn dĩ đang thiếu. Khi doanh nghiệp tận thu cát thì ai quản lý để đảm bảo doanh nghiệp không lạm dụng khai thác cát quá nhiều.”
Để giải quyết trước mắt tình trạng sụt lở nghiêm trọng tại khu vực dân cư xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, chính quyền tỉnh An Giang đã thông qua dự án với tổng kinh phí lên đến 70 tỉ đồng được thực hiện từ năm 2020-2024.
Tuy nhiên, trước tình trạng sạt lở ngày càng nhiều tại địa bàn, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng những công việc ngăn chặn xói lở được cơ quan chức năng tỉnh An Giang đặt ra toàn mang tính dài hạn hơn là những việc ngắn hạn.
Dù vậy, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cũng khẳng định rằng rõ ràng đây là một vấn đề lớn, quan trọng và cần phải tính toán cẩn thận trong việc quy hoạch thời gian tới.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/river-bank-erosion-in-an-giang-are-all-solutions-just-countermeasures-05282020131654.html
Tình trạng xuống cấp của đường băng
sân bay Nội Bài tiếp tục bị cảnh báo
Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) tiếp tục đưa ra cảnh báo về tinh trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng trên bề mặt cất hạ cánh và đường lăn của sân bay Nội Bài ở thủ đô Hà Nội.Theo thông tin truyền thông trong nước loan đi vào ngày 29/5, Bộ GTVT cảnh báo tình trạng xuống cấp tại sân bay Nội Bài ngày càng nghiêm trọng khi xuất hiện vết lún vệt bánh tàu bay trên đường cất hạ cánh 11L/29R (1A) và 11R/29L (1B). Ngoài ra, các đường lăn có kết cấu bê tông xi măng, trên bề mặt thường xuyên xuất hiện hư hỏng như bong bật, nứt vỡ. Đặc biệt vào mùa mưa.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long tổ chức xây dựng trình tự và kế hoạch, căn cứ tính chất kỹ thuật, tiến độ thực hiện dự án. Bên canh đó, đề xuất phân chia các gói thầu và xây dựng quy trình, tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm, cập nhật thông tin nhà thầu đã tham gia thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông có quy mô.
Ngày 27/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý để Bộ GTVT thực hiện giao thầu dự án nâng cấp đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất và yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện trong việc tổ chức thực hiện, bảo đảm tiến độ, hiệu quả; không để phát sinh tiêu cực tham nhũng, gây thất thoát lãng phí tài sản nhà nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-deterioration-of-noi-bai-airports-runway-continues-to-be-warned-05292020093024.html
Báo Phụ nữ TPHCM nói họ viết
‘không sai bản chất vấn đề’ sau khi bị phạt
Trong diễn biến báo chí hiếm có ở Việt Nam, báo Phụ nữ TPHCM, bản in ngày 29/5, chạy bài phản hồi chi tiết về Cục Báo chí, sau khi bị cơ quan này tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo điện tử trong thời hạn 1 tháng.Báo Phụ Nữ, Sun Group và ‘tự do báo chí’ ở Việt Nam
Sun Group ‘khiếu nại’ về loạt bài của báo Phụ Nữ
Cục Báo chí, thuộc Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam, ngày 28/5 loan báo xử phạt vi phạm hành chính với báo Phụ nữ TPHCM.
Nguyên do là Cục Báo chí kết luận loạt bài năm 2019 về tập đoàn Sun Group đã “sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.
Hình thức xử phạt là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo điện tử (trang web) trong thời hạn 1 tháng cùng với mức phạt 55 triệu đồng mặc dù báo in vẫn được phép hoạt động.
Chỉ 24 giờ sau, làng báo Việt Nam xôn xao khi bản báo in Phụ nữ TPHCM ngày 29/5 đăng bài với dòng tít “Báo Phụ nữ TPHCM đã sai phạm những gì?”
Tờ báo còn cho hay lượng bạn đọc mua báo ngày 29/5 “tăng đột biến”.
“Ban biên tập đã quyết định nối bản 20.000 tờ theo số lượng đặt mua thêm sáng nay,” tờ báo nói.
Trong bài dài, tờ báo nói họ muốn nêu ra 7 vấn đề liên quan loạt bài về Sun Group và kết luận của Cục Báo chí.
Về bài Âm mưu chiếm 726ha biển Vân Đồn, đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 25/10/2019, tờ báo viết:
“Về chi tiết (lưu ý: chi tiết này không hề làm thay đổi bản chất nội dung của bài báo) “Dự án khu phức hợp thương mại cao cấp bán đảo Cổng Chào” đã được giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế tại văn bản số 505I/UBND QH1 ngày 18/7/2019 của UBND tỉnh, Báo Phụ Nữ TP.HCM thừa nhận chưa cập nhật văn bản cuối cùng (nếu văn bản này có giá trị pháp lý) để thông tin được trọn vẹn. Một lần nữa xin lưu ý, chi tiết này không hề làm thay đổi nội dung bài báo để quy kết bài báo viết sai sự thật.”
Tờ báo cũng liệt kê các kết luận của Cục Báo chí về các bài khác, và đăng trả lời của báo Phụ nữ TPHCM.
Ví dụ, về thông tin “Sun Group xứng đáng được gọi là “trời”, bởi được che chắn từ hạ giới có tên là im lặng của chính quyền từ trung ương đến địa phương” trong bài Sun Group – “Ông trời” không từ trên cao – Bài 1: Bê tông chọc trời mọc lên, hàng trăm héc-ta rừng Bà Nà gục xuống đăng trên báo in ngày 23/9/2019 và trong bài Sun Group – “ông trời” không từ trên cao đăng trên báo điện tử ngày 23/9/2019.
Theo tờ báo, Cục Báo chí cho rằng: Báo Phụ Nữ TPHCM viết sai vì các văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TP.Đà Nẵng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đều khẳng định chủ đầu tư chưa có vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai dự án.
Báo Phụ Nữ TPHCM trả lời: “Nếu những cơ quan này khẳng định chủ đầu tư không sai thì hàng loạt văn bản sai pháp luật từ những cơ quan này (mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã chứng minh) đều đúng?”
“Báo Phụ Nữ TP.HCM thừa nhận và nghiêm túc rút kinh nghiệm khi từ ngữ trong câu luận bàn trên nghiêng về cảm thán mà vượt khỏi tính chất thông tin. Nhưng dựa vào những chứng cứ mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đưa ra (mà cho đến nay vẫn chưa được phản biện đúng trọng tâm từ các đơn vị, địa phương có liên quan) cũng không sai bản chất vấn đề.
Trong quá trình thực hiện bài viết, chúng tôi đã không nhận được sự hợp tác của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương.”
Phản ứng của báo Phụ nữ TPHCM hôm 29/5 đã gây xôn xao với nhiều bình luận trên Facebook.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52850518
Điểm tin trong nước sáng 29/5: Miễn thị thực
cho người nước ngoài đến khu kinh tế Phú Quốc;
Lần đầu tiên Việt Nam cho nhập khẩu heo sống
Tâm Minh – Tâm TuệMục điểm tin trong nước sáng ngày 29/5 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Miễn thị thực cho người nước ngoài đến khu kinh tế Phú Quốc
Thủ tướng vừa ban hành Nghị quyết 80 về việc miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang). Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý Phú Quốc được áp dụng chính sách miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh theo quy định tại khoản 7 điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Luật mới bổ sung quy định miễn thị thực có thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển.
Bắt nguyên kế toán trưởng Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra giai đoạn 2 vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, phần liên quan đến các tổ chức kinh tế nhận tiền ngoài lãi suất tiền gửi (lãi ngoài) của NH Thương mại CP Đại Dương (OceanBank), theo Vietnamnet.
Ngày 28/5, C03 đã ra quyết định khởi tố vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans) và OceanBank.
Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Nguyễn Thị Kim Anh (sinh năm 1974, Hà Nội), nguyên Kế toán trưởng kiêm trưởng Ban Tài chính – Tổng công ty CP vận tải dầu khí, về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo điều 355 Bộ luật Hình sự.
Liên quan giai đoạn 2 vụ án Hà Văn Thắm, trước đó mới đây ngày 7/4, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Xuân Sơn (cựu tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam – PVOil) và ông Vũ Trọng Hải (52 tuổi, cựu kế toán trưởng PVOil) để điều tra về cùng tội danh với bà Kim Anh.
Báo Phụ Nữ TP. HCM bị phạt tiền, đình bản 1 tháng
Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam hôm 28/5 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh bằng hình thức phạt 55 triệu đồng và đình bản phiên bàn điện tử của báo này trong vòng một tháng. Lý do vì đã vi phạm đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, theo Vietnamnet.
Báo Phụ Nữ TP. HCM đã đăng các thông tin bị nói sai sự thật trong 5 bài viết sau: “Sun Group – “Ông trời” không từ trên cao, Bài 1: Bêtông chọc trời mọc lên, hàng trăm hecta rừng Bà Nà gục xuống” trên báo in ngày 23/9/2019; “Cũng làm du lịch, nhưng Genting khác hẳn Bà Nà” trên báo điện tử ngày 1/10/2019; “Trường đua xe tốc độ cao trong lõi rừng Tam Đảo II” trên báo điện tử và báo in ngày 23/10/2019;
“Dự án Tam Đảo II: Con voi chui qua hàng loạt lỗ kim” trên báo điện tử ngày 23/10/2019; “Âm mưu chiếm 726 ha biển Vân Đồn” trên báo điện tử và báo in ngày 25/10/2019; “Dự án Tam Đảo II như nhát dao chí mạng vào “Mẹ rừng”” trên báo điện tử ngày 26/10/2019.
Ngoài nộp phạt và bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo điện tử trong 1 tháng, báo còn phải cải chính, xin lỗi theo quy định.
Cây phượng vĩ ở quận 9 cạnh một trường đại học, bật gốc đè trúng xe tải
Mưa lớn cùng gió giật mạnh chiều 28/5 làm cây phượng vĩ kế bên một trường đại học trên địa bàn quận 9, TP. HCM bật gốc, đổ ngang hông chiếc xe tải đang đậu, theo báo Người lao động.
Cây phượng vĩ ngã đổ lúc mưa lớn và may mắn lúc đó đường vắng, không có người qua lại nên không có người bị thương. Thân cây đè trúng chiếc xe tải đậu kế bên, làm hư hỏng nhẹ.
Tại hiện trường, cây phượng vĩ cao hơn 10 mét và thân cây có đường kính chừng 40 cm. Cây không có dấu hiệu mục ruỗng nhưng ít rễ, bám nông trên mặt đất. Xung quanh khu vực này trồng khá nhiều phượng vĩ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Đinh Quang Diệp – Trường đại học Nông lâm TP. HCM – cho biết đặc tính cây phượng vĩ có hệ thống rễ yếu. Tuy nhiên, cây phượng vĩ có tán thưa, trồng vẫn được nhưng phải kiểm tra, đối với các cây lâu năm già cỗi thì nên đốn hạ, thay thế bằng các cây trồng có cấu tạo rễ mọc sâu.
Việt Nam lần đầu tiên cho nhập khẩu chính ngạch heo sống
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến vừa ký công văn về việc nhập khẩu heo sống từ các nước vào Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, theo Tuổi trẻ.
Trả lời báo chí chiều 28/5, ông Tiến nói và lý giải rằng, đây là lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu chính ngạch heo sống, bởi giá heo hơi và giá thịt heo trong nước liên tục tăng ở mức cao, khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.
Theo ông Tiến, Bộ NN&PTNT đã tìm hiểu một số thị trường và sắp tới sẽ cho phép một số doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu chính ngạch heo sống từ nước ngoài, trước mắt có thể từ Thái Lan.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-29-5-mien-thi-thuc-cho-nguoi-nuoc-ngoai-den-khu-kinh-te-phu-quoc-lan-dau-tien-viet-nam-cho-nhap-khau-chinh-ngach-heo-song.html
Điểm tin trong nước chiều 29/5:
Một phụ nữ tử vong trong khu cách ly do sốt rét
Tâm Minh – Hiểu MinhMục điểm tin trong nước chiều ngày 29/5 của Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:
Một phụ nữ tử vong trong khu cách ly do sốt rét
Người phụ nữ 38 tuổi, quê Đồng Hới, định cư ở Lào nhiều năm, về Việt Nam rồi tử vong trong thời gian cách ly tập trung hồi tháng 3 tại Quảng Bình.
Ca tử vong này đã không được công bố ngay vào tháng 3, chỉ ghi nhận trong báo cáo số ca tử vong do sốt rét 4 tháng đầu năm nay. Báo cáo được công bố tại hội nghị về phòng chống sốt rét khu vực phía Bắc hôm nay.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Sốt rét – Côn trùng – Ký sinh trùng Trung ương, cho biết người phụ nữ này mắc nhiều bệnh nền, điều trị ở Lào và Thái Lan không thuyên giảm.
Chị về Việt Nam vào tháng 3, giai đoạn cao điểm chống Covid-19, cách ly tập trung 14 ngày tại Quảng Bình theo quy định. Tuy nhiên ngày 30/3, chị đột ngột qua đời.
Các chuyên gia Viện Sốt rét – Côn trùng – Ký sinh trùng Quy Nhơn điều tra nguyên nhân tử vong, phát hiện ký sinh trùng sốt rét trong máu của bệnh nhân, bên cạnh các bệnh lý nền. Do đó, các chuyên gia y tế ghi nhận người phụ nữ tử vong do sốt rét, theo báo Zing.
Tàu chiến Mỹ tiến sát Hoàng Sa, Trung Quốc tuyên bố ‘xua đuổi’
Hải quân Hoa Kỳ hôm thứ Năm cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin đã tiến hành một cuộc tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
“Vào ngày 28-5 (giờ địa phương), tàu USS Mustin (DDG 89) đã thực hiện quyền tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.’ CNN dẫn tuyên bố người phát ngôn của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, trung úy Anthony Junco cho biết.
Tuyên bố còn nói rằng: “Bằng cách tiến hành hoạt động này, Hoa Kỳ đã chứng tỏ rằng các vùng biển đó không phải là thứ mà Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền hợp pháp như thể đó là lãnh hải của họ”.
Một quan chức Hải quân Mỹ cho hay USS Mustin đã đi qua khu vực 12 hải lý ngoài khơi đảo Phú Lâm và Hòn Tháp, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Động thái trên khiến Bắc Kinh tức giận, lên tiếng phản đối. Tờ báo Hoàn Cầu (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) dẫn lời Li Huamin, người phát ngôn Bộ tư lệnh Chiến khu Nam Bộ của Trung Quốc, tuyên bố họ đã “đuổi” tàu chiến Mustin ra khỏi lãnh hải của Trung Quốc, nhưng không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào.
Theo USNI News, cuộc tuần tra của tàu Mustin là động thái mới nhất trong hàng loạt sự kiện diễn ra trong những tháng đầu năm nay, được tổ chức nhằm chống lại tình trạng xâm lấn của Trung Quốc vào vùng biển quốc tế và các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Hàn Quốc cáo buộc gỗ dán Việt Nam xuất khẩu bán phá giá
Hàn Quốc vừa cáo buộc gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam bán phá giá vào thị trường nước này gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.
Cáo buộc được Uỷ ban Thương mại Hàn Quốc (KTC) đưa ra, được tờ tài chính doanh nghiệp đăng tải hôm 28/5. Theo đó, phía Hàn Quốc kết luận gỗ dán của Việt Nam bán phá giá với biên độ từ 9,15-10,65%.
Phản ứng sau vụ việc, Bộ Công Thương Việt Nam vào hôm 25/5 đã gửi bản lập luận đề nghị KTC xem xét, bảo đảm nguyên đơn có đủ tư cách đại diện cho ngành sản xuất trong nước theo quy định.
Phía Việt Nam cũng đề nghị KTC điều chỉnh phạm vi sản phẩm bị điều tra, vì phạm vi sản phẩm trong vụ việc này rất rộng, bao gồm cả sản phẩm doanh nghiệp Hàn Quốc không sản xuất. Sản phẩm gỗ dán của Việt Nam cũng không tương tự, cạnh tranh với các mặt hàng của Hàn Quốc.
Ngoài ra Bộ Công Thương cũng đề nghị KTC xem xét lại phương pháp tính toán biên độ bán phá giá. Hủy bỏ điều tra. Nếu không thể hủy bỏ, Bộ Công Thương đề nghị KTC cân nhắc áp dụng một mức thuế hợp lý căn cứ theo các quy định của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc.
Bệnh nhân ở ổ dịch Buddha Bar tái nhiễm lần 2
Theo kết quả xét nghiệm ngày 27/5, bệnh nhân 224 (32 tuổi, quốc tịch Brazil) tái nhiễm lần 2 với Covid-19 và phải vào Bệnh viện dã chiến Củ Chi để tiếp tục điều trị.
Anh Eduardo B. (39 tuổi, quốc tịch Brazil) là bệnh nhân thứ 224 nhiễm Covid-19. Người này liên quan đến ổ dịch Buddha bar (Thảo Điền, quận 2, TP.HCM).
Sau khi ổ dịch bùng phát, anh Eduardo được cách ly tại BV dã chiến Củ Chi. Tại đây, kết quả xét nghiệm bệnh phẩm dương tính với nCoV. Sau khi điều trị, anh được xuất viện vào ngày 20/4.
Trong thời gian cách ly 14 ngày sau xuất viện, anh Eduardo được lấy mẫu xét nghiệm theo dõi. Đến ngày 26/4, bệnh nhân tiếp tục có kết quả dương tính với nCoV và quay trở lại BV dã chiến Củ Chi điều trị.
Đến 12/5, anh Eduardo được cho xuất viện lần 2 khi điều trị khỏi. Ngày 27/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thông báo kết quả xét nghiệm của anh dương tính với nCoV.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-chieu-29-5-mot-phu-nu-tu-vong-trong-khu-cach-ly-do-sot-ret.html
0 comments