Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 11/05/2020

Monday, May 11, 2020 7:06:00 PM // ,

Tin Việt  Nam – 11/05/2020

Thanh tra Chính phủ dự kiến đối thoại với dân Thủ Thiêm cuối tháng 5

Chủ tịch UBND quận 2, ông Nguyễn Phước Hưng cho báo chí biết Thanh tra Chính phủ sẽ đối thoại với người dân 5 khu phố thuộc 3 phường nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào cuối tháng 5 này.
Buổi đối thoại với các hộ dân có khiếu nại nhà đất nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm lẽ ra diễn ra vào tháng 2 năm 2020, nhưng do các cơ quan chức năng đang tập trung phòng chống dịch COVID-19 nên cuộc đối thoại tạm hoãn.
Tháng 4 năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ đã thành lập tổ công tác do ông Nguyễn Hồng Điệp – trưởng Ban tiếp công dân trung ương – làm tổ trưởng. Tổ này có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung, chương trình tổ chức đối thoại, ghi biên bản buổi đối thoại với người dân và tham mưu với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để trả lời với người dân Thủ Thiêm khi có yêu cầu.
Cũng tin liên quan, hôm 11 tháng 5, Thanh tra TP HCM đã thông báo kết luận thanh tra đối với dự án Khu Sinh thái Văn hóa hồ Vĩnh Lộc tại huyện Bình Chánh.
Kết luận chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án. Dù dự án được phê duyệt quy hoạch từ năm 1997 nhưng đến nay dự án vẫn chưa được lập quy hoạch chi tiết, chưa chọn đơn vị tư vấn. Việc quản lý đất đai tại dự án có nhiều hạn chế, thiếu sót, để xảy ra tình trạng lấn chiếm, vi phạm. Công ty Cổ phần Sinh thái Văn hóa Vĩnh Lộc không nộp hồ sơ sử dụng đất theo quy định pháp luật đất đai và các pháp luật liên quan tại Sở Tài nguyên và Môi trường…
Công ty Cổ phần Sinh thái Văn hóa Vĩnh Lộc đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án nhưng Thanh tra thành phố cho rằng không có cơ sở xem xét.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp UBND huyện Bình Chánh và các đơn vị liên quan lên kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, triển khai xã hội hóa việc thực hiện dự án trình UBND thành phố.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/gov-inspectorate-is-expected-to-have-a-dialogue-with-thiem-people-in-late-may-05112020083830.html

Đề nghị Quốc hội giám sát tối cao

xét xử vụ án Hồ Duy Hải

Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao trong phiên giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải vừa qua là không thoả đáng với các căn cứ đã được VKSND tối cao đưa ra trong kháng nghị trước đó.
Đó là ý kiến của Tiến sĩ luật Lê Thanh Vân-Đại biểu quốc hội tỉnh Cà Mau được truyền thông trong trích đăng vào ngày 11 tháng 5.
Tử tù Hồ Duy Hải là người đã bị kết án tử hình trong một vụ án xảy ra 12 năm về trước với cáo buộc giết người và cướp của. Tuy nhiên việc điều tra vụ án bị cho là có nhiều sai sót.
Hội đồng Thẩm phán toà án Nhân dân Tối cao hôm 8/5 vừa qua đã tuyên y án tử hình với Hồ Duy Hải với khẳng định hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án anh Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là có căn cứ, không oan sai.
Theo đó, ông Vân nói ông đã kiến nghị trực tiếp với Chủ tịch Quốc hội đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội vào cuộc để giám sát tối cao đối với vụ án Hồ Duy Hải đang được dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm.
Tiến sĩ Luật Lê Thanh Vân cũng cho rằng khi vụ án có nhiều thủ tục tố tụng bị vi phạm như vậy thì rất cần được điều tra lại.
Ông Vân phân tích cụ thể rằng do Viện trưởng VKSND Tối cao đã ra kháng nghị hủy án, Chánh án TAND Tối cao là chủ toạ hội đồng xét xử vừa qua, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội thì đã có ý kiến từ năm 2015, nên hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể tiến hành giám sát vụ án này. Từ đó có thể yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại bản án.
Trong cùng ngày, tiến sĩ luật Dương Thanh Biểu – nguyên Phó viện trưởng VKSND Tối cao cũng cho rằng, theo nguyên tắc thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là cơ quan xét xử cao nhất. Vụ án này đến nay vẫn có thể được xem xét theo Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Phát biểu với truyền thông trong nước hôm ngày 10/5, Đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng lý giải rằng bản án này là án tử hình, và đã tử hình nếu sai sót thì chúng ta sẽ không còn cơ hội để sửa chữa. Do đó, ông nhất trí với đề nghị Quốc hội giám sát tối cao việc xét xử vụ án Hồ Duy Hải.
Ông Nghĩa cũng nói thêm những vụ oan sai như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén và một số án oan sai khác có đặc trưng là chủ yếu dựa vào lời nhận tội của bị can và những chứng cứ gián tiếp. Những kinh nghiệm đó cho thấy việc dựa chủ yếu vào bản cung của các bị can, vào chứng cứ gián tiếp thì có nguy cơ oan sai.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/national-assembly-asked-to-supervise-death-row-inmate-ho-duy-hai-case-05112020083004.html

Không phải tất cả 17 thẩm phán

trong vụ Hồ Duy Hải đều đồng ý y án tử hình

Tin Vietnam.- Ngày 9 tháng 5 năm 2020, Facebook mang tên Nguyễn Đức đã có đoạn video phỏng vấn ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Cộng sản Việt Nam đánh giá về quyết định vào ngày 8 tháng 5 vừa qua, của Toà án tối cao Cộng sản giữ nguyên mức án tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải, quê Long An.
Theo ông Nhưỡng, việc ông Nguyễn Hoà Bình trước đây là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao từng bác đơn kháng nghị đối với vụ án của Hải, và bây giờ lại đứng ra làm chủ toạ trong chức vụ mới là Chánh án Toà tối cao Cộng sản khiến dư luận có quyền nghi ngờ điều này.
Ông Nhưỡng tiết lộ, ông đã nghe được thông tin, không phải 17 trong tổng số 17 vị thẩm phán tham gia xét xử phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đều đồng ý quyết định y án tử hình đối với Hải. Mà có những người họ không đồng ý, nhưng họ phải biểu quyết trong một sự lựa chọn bắt buộc, vì họ không dám biểu quyết trái với quyết định của Chủ toạ là Chánh án toà tối cao và là thủ trưởng cơ quan của mình.
Cho nên nhiều người đã nghi ngờ về tính độc lập của thẩm phán, và ông Nhưỡng cho rằng, nếu thẩm phán Cộng sản Việt Nam không đủ bản lĩnh, không độc lập thì đây là điều đáng buồn, đây không còn là một nền tư pháp nữa.
Ông Nhưỡng nói, độc lập là cốt lõi của nền tư pháp, như vậy thẩm phán đã dùng cái đầu của người khác để xét xử; và ông cũng từng hỏi một vị thẩm phán là có dám biểu quyết độc lập trước Chán án không thì người này đã trả lời là không.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/khong-phai-tat-ca-17-tham-phan-trong-vu-ho-duy-hai-deu-dong-y-y-an-tu-hinh/

Vụ Hồ Duy Hải: ‘Nếu muốn bảo vệ chế độ,

Đảng Cộng sản phải hành động ngay lập tức’

Khánh An-VOA
Một nhà báo tại Việt Nam nhận định với VOA rằng niềm tin mới lấy lại phần nào của công chúng đối với chính quyền từ đại dịch Covid-19 nay đã bị kết quả phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải phá hỏng, khiến cho dư luận “rất phẫn nộ”, mang lại tâm lý “tiêu cực”, “u ám” trong xã hội. Trong khi đó, một trí thức nổi tiếng khác cho rằng nếu những người đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam “đủ thông minh”, thì họ phải có hành động can thiệp ngay lập tức vào vụ án này.
Vài ngày sau khi Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) và y án tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải hôm 8/5, công luận Việt Nam đủ mọi tầng lớp không ngớt lên tiếng phản hồi, chỉ trích và kêu gọi nhà chức trách điều tra lại, thậm chí bãi miễn chức vụ của 17 vị thẩm phán đã “bầu” ra kết quả cuối cùng của vụ án bị cho là có quá nhiều sai sót nghiêm trọng.
Trong bài phân tích trên trang Facebook cá nhân về những lý do dẫn đến sự phẫn nộ của người dân đối với Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu nói rằng vụ này đã “giáng một đòn chí mạng lên nền tư pháp nước CHXHCN Việt Nam bằng 7 yếu tố: coi thường pháp luật, trình độ kém, không độc lập, không công tâm, phá bỏ các chuẩn mực nền tảng của giáo dục, nỗi sợ hãi của người dân là họ có thể trở thành “Hồ Duy Hải” bất cứ lúc nào, và nó gây phương hại đến nền tư pháp Việt Nam.
Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi, tỉnh Long An, vào năm 2008, nhưng gia đình Hồ Duy Hải đã liên tục kêu oan suốt 12 năm nay.
Năm 2011, Viện trưởng VKSNDTC lúc đó là ông Nguyễn Hoà Bình đã ban hành quyết định không kháng nghị vụ án do “không có tình tiết mới”. Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xác của Hồ Duy Hải, nhưng sau đó ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình trước sức ép của công luận.
Tháng 11 năm ngoái, với đề nghị xem xét giải quyết vụ án của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, nhưng Hội đồng thẩm TANDTC đã bác kháng nghị này sau khi 17 vị thẩm phán tiến hành bỏ phiếu trong phiên toà kéo dài 3 ngày.
Theo dõi và tìm hiểu vụ án giết người ngay từ ngày đầu tiên, nhà báo Trương Châu Hữu Danh bày tỏ quyết tâm theo đuổi vụ án cho tới khi nào “sự thật được phơi bày”.
“Kháng nghị của VKSNDTC nêu rất rõ ràng và cụ thể 17 sai phạm của các bản án dành cho Hồ Duy Hải. Đối với tôi, chỉ cần 1 trong 17 sai phạm được làm rõ thì cũng đủ để buộc phải điều tra lại”, nhà báo từ Việt Nam nói với VOA.
Ngoài những yếu tố được nêu ra trong hồ sơ vụ án như không có dấu vân tay và các dấu vết khác của Hồ Duy Hải tại hiện trường vụ án, không có nhân chứng khẳng định nhìn thấy Hồ Duy Hải có mặt tại bưu điện Cầu Voi…, nhà báo Trương Châu Hữu Danh còn tự thực nghiệm và tính khoảng thời gian mà thủ phạm thực hiện vụ hiếp dâm rồi giết người theo cáo trạng.
“Từ vị trí bưu điện tới điểm bán trái cây, đi qua đi lại chỉ trong vòng 5 phút. Về mặt tâm lý, không có người nào có mục đích hiếp dâm bằng cách điều một người khác đi qua bên đường mua trái cây để mình ở lại trong vòng 5 phút có thể hiếp dâm được. Suy luận về động cơ (gây án) như vậy là hết sức vô lý”, nhà báo Trương Châu Hữu Danh phân tích.
Cơ hội bị bỏ lỡ
Từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định với VOA rằng sai phạm quan trọng nhất trong vụ án này là vi phạm tố tụng.
Ông nói: “Khi họ bác kháng nghị của Viện Kiểm sát, thì họ thừa nhận là có sự sai sót về tố tụng. Nhưng họ lại cho rằng sai sót đó không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án. Thực ra, về mặt pháp lý, khi có sai sót, tức là có vi phạm về tố tụng, thì bản thân điều đó đã làm cho hồ sơ vụ án không thể chấp nhận được”.
Theo LS. Đặng Đình Mạnh, điều quan trọng khi xem xét lại một vụ án là tìm xem có vi phạm tố tụng hay không, chứ không phải là “vi phạm nặng hay vi phạm nhẹ”. Vì vậy, theo ông, Hội đồng Thẩm phán của TANDTC trong trường hợp này đã “đặt vấn đề không đúng” và đưa ra một quyết định khiến ông và rất nhiều người dân “vô cùng thất vọng”.
“Vụ án Hồ Duy Hải thì ngay cả những người không hiểu biết về pháp luật cũng để ý, quan tâm rất nhiều. Thực ra, đây là dịp mà qua việc làm, qua phán quyết của mình, TANDTC có thể giúp tạo dựng lại niềm tin của người dân mà trong suốt thời gian qua, qua những vụ án oan, đã bị sứt mẻ nhiều. Nhưng rất tiếc, cơ hội phục hồi niềm tin đã bị bỏ lỡ”.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát thời sự và vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, nhận định với VOA rằng vụ án Hồ Duy Hải là một “vụ bê bối tư pháp khổng lồ” gây “bàng hoàng” công luận trong những ngày qua. Qua đó, nó cho những người dân bình thường thấy rõ những sai phạm căn bản, nghiêm trọng, sự kém cỏi của những người chấp pháp và sự “thối nát” của hệ thống tư pháp Việt Nam.
“Vì lợi ích của chính Đảng Cộng sản Việt Nam, vì lợi ích của chính chế độ này – chế độ mà tôi căm ghét – thì họ phải hành động ngay lập tức”, TS. Nguyễn Quang A nhấn mạnh.
“Chúng ta cứ nói nhiều đến tam quyền phân lập, nhưng ở Việt Nam nó không có tam quyền phân lập. Ở Việt Nam chỉ có Đảng Cộng sản cai trị, điều khiển hết mọi thứ. Cho nên phải nói toạc móng heo ra là Đảng Cộng sản Việt Nam và người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam là ông Nguyễn Phú Trọng và những người đứng đầu khác là ông Phúc, bà Ngân, những người đó nếu muốn bảo vệ lợi ích của chính họ phải hành động ngay lập tức, và tất nhiên là trong khuôn khổ thủ tục, có thể không hay ho gì lắm, nhưng với hiện thời của Việt Nam thì họ phải làm như vậy”.
Đảng can thiệp?
Hành động mà TS. Nguyễn Quang A khuyến nghị giới hữu trách Việt Nam nên làm là phải lập tức can thiệp vào quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANCTC, trong đó có việc bãi nhiễm 17 thẩm phán đã biểu quyết cho quyết định vừa qua.
“Ông Trọng phải bảo bà Ngân, nếu ông ấy thông minh, và bà Ngân phải hăm hở làm một việc là hướng dẫn Uỷ ban thường vụ Quốc hội có một kháng nghị ngay lập tức để buộc họ phải xét lại quyết định của vụ xử”, TS. Nguyễn Quang A nói.
Nhà hoạt động này cũng đang kêu gọi người dân ký vào bản Tuyên bố Hồ Duy Hải, kêu gọi giới hữu trách “làm sáng tỏ theo kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Ủy ban Pháp luật Quốc hội để luật pháp nhà nước được thực thi công chính, không gây oan sai cho người vô tội, trừng trị đích đáng kẻ có tội dù ở bất cứ cương vị nào và không để có những oan sai tiếp diễn sau này”.
Đánh giá thêm về tác động vụ án, nhà báo Trương Châu Hữu Danh nói ông thấy tiếc vì niềm tin của người dân mới được khôi phục một chút sau đại dịch Covid-19 nay lại mất đi qua vụ án hình sự này.
“Mặc dù kinh tế bị thiệt hại nặng nề, nhưng niềm tin của người dân được nâng lên thấy rõ, và người ta đang rất tin vào sự điều hành của chính phủ. Tuy nhiên, phán quyết của toà sau ngày thứ 3 xét xử giám đốc thầm thì nó tạo ra cho xã hội một tâm lý rất tiêu cực và u ám. Khắp nơi rất phẫn nộ với bản án này bởi vì hầu hết người dân cho rằng cần thiết phải huỷ án và điều tra lại”, nhà báo Hữu Danh nói.
Trong khi đó, LS. Đặng Đình Mạnh nhận định thêm rằng: “Có thể toà án đã đạt được bản án như ý họ mong muốn, nhưng tôi cho rằng sự mất mát trong dân, trong suy nghĩ của công chúng thì lớn lắm, không thể đong đếm được. Đó là sự mất lòng tin vào luật pháp”.
Hôm 10/5, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, đã gửi đơn kêu cứu tới bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, để xin xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Hiện vẫn chưa có phản hồi gì từ phía cơ quan này.
Trong một bài bình luận đăng ngày 11/5, tờ Công an Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an, viết rằng “trong vụ án Hồ Duy Hải, phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao chỉ rõ những sai sót chuyên môn của cơ quan tiến hành tố tụng địa phương, nhưng sai sót đó không làm thay đổi bản chất vụ án”.
Tờ báo viết thêm: “Do đó, không thể suy diễn, thổi phồng vụ án rồi đưa ra yêu cầu ‘tam quyền phân lập’ để chống oan, sai…”
https://www.voatiengviet.com/a/v%E1%BB%A5-h%E1%BB%93-duy-h%E1%BA%A3i-n%E1%BA%BFu-mu%E1%BB%91n-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-ch%E1%BA%BF-%C4%91%E1%BB%99-%C4%91%E1%BA%A3ng-c%E1%BB%99ng-s%E1%BA%A3n-ph%E1%BA%A3i-h%C3%A0nh-%C4%91%E1%BB%99ng-ngay-l%E1%BA%ADp-t%E1%BB%A9c-/5414911.html

Vụ Hồ Duy Hải:

Phiên giám đốc thẩm bị chính trị hoá

Nguyễn Hoàng
Nguyễn Phú Trọng hô hào “Nhốt quyền lực vào lồng” chỉ là một vế của phương trình. Còn vế thứ hai ông Trọng quên không nhắc đến, đó là “và phải giao chìa khoá của cái lồng ấy cho nhân dân”. Thiếu “tam quyền phân lập”, phiên kháng nghị giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải biến thành màn bi hài kịch về nền tư pháp mù loà của Việt Nam.
Từ tháng 11/2019, sau nhiều năm im lặng khi án tử hình Hồ Duy Hải được tạm hoãn, Viện Kiểm sát Tối cao (VKSTC) đột nhiên loan báo kháng nghị bản án tử hình ấy theo hình thức giám đốc thẩm. Cơ quan này khẳng định, có đủ căn cứ để kháng nghị hai bản án (sơ thẩm, phúc thẩm) nhằm làm rõ những mâu thuẫn, thiếu sót trong tố tụng và việc tái điều tra là thật sự cần thiết. Tòa án Tối cao (TATC) tổ chức phiên giám đốc thẩm trong ba ngày (từ 6 – 8/5) nhưng rồi vẫn bác kháng nghị và tuyên y án.
Theo phân tích của blogger Nguyễn Ngọc Già trên trang RFA, phiên giám đốc thẩm tuy thừa nhận có đến hàng chục lỗi (có tài liệu thống kê chính xác phạm tất cả đến 40 lỗi) về tố tụng, mà TATC vẫn khẳng định là không thay đổi bản chất vụ án thì thật là “bó tay chấm com!”. Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự (BLTTHS), điều 4 “Giải thích từ ngữ”, tại khoản 1 có tất cả 14 khái niệm được giải thích, không có khái niệm nào được định danh là “bản chất vụ án”.
Cũng theo blogger Nguyễn Ngọc Già, điều 15 trong Bộ luật thượng dẫn đã bác bỏ khái niệm “bản chất vụ án”. Đúng thế, khi vụ án hình sự diễn ra, người có thẩm quyền phải “xác định sự thật của vụ án”, chứ không phải lo xoay xở định nghĩa “bản chất vụ án”. Dù có đổi hay không đổi cũng hoàn toàn sai, vì trong BLTTHS ấy không quy định. Như vậy, 17 người trong cái gọi là “Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao” (HĐTP) đã vi phạm vào mục o khoản 1 điều 4 và điều 15 của BLTTHS. Nói cách khác, kết luận “Sai sót tố tụng không làm thay đổi bản chất vụ án” là vô nghĩa, phi pháp và hoàn toàn không chuyên nghiệp của 17 người mang danh thạc sĩ – tiến sĩ luật.
Mọi khuất tất đáng ra phải hướng vào nghi can nghiện ma túy, kẻ hằn học thất tình và là nghi can rõ nhất, có tên là Nguyễn Văn Nghị (cháu của bà cựu phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa). Nhưng Nghị đã được cảnh sát điều tra cho cao chạy xa bay. Mọi bằng chứng đều gỡ tội cho Hồ Duy Hải. Căn cứ duy nhất buộc tội Hải là lời cung nhận tội của Hải. Lời cung nhận tội bởi nhục hình, ép cung ấy đã dẫn đến nỗi ô nhục của các quan tòa. Nay phiên giám đốc thẩm của TATC với Chánh án Nguyễn Hòa Bình cùng 17 cánh tay biểu quyết đã chuốc nỗi ô nhục đó khi 17 cái rô-bốt y án tử hình Hồ Duy Hải. Chỉ ở một nhà nước tận cùng thối nát mới diễn ra một phiên tòa điếm nhục như vậy!
Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu: “Rất nhiều cử tri gọi tôi phản ánh và nghi ngờ tính vô tư, công tâm của Hội đồng thẩm phán Tòa Tối cao. Với hồ sơ, vật chứng ngụy tạo, dấu vân tay không phải của Hải, thớt dao mua ngoài chợ đem về, nghi can Nguyễn Văn Nghị là ai, tại sao mất dấu?… Vi phạm tố tụng như vậy mà kết tội là khiên cưỡng!”
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đã có sự không vô tư và định kiến tư pháp khi ông Nguyễn Hòa Bình từng làm Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao đã không kháng nghị bản án đối với Hồ Duy Hải, mà nay ông Bình là Chánh án Toà án Tối cao lại ngồi ghế chủ tọa phiên giám đốc thẩm. Nghĩa là Viện trưởng Nguyễn Hoà Bình không đời nào lại tự vả vào miệng của Chánh án Nguyễn Hoà Bình! Và bản thân điều này cũng là một vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng! Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng nghi ngờ cả cái kết quả biểu quyết 100% của 17 vị Hội đồng thẩm phán là do “bị áp lực”.
Không thể thu gọn về đây các làn sóng phẫn nộ từ mọi loại lề trên các trang mạng xã hội đối với vụ giám đốc thẩm có lẽ là vô tiền khoáng hậu này. Trong mắt nhiều người, diện mạo công lý tại Việt Nam tuy nhơ nhuốc nhưng ít nhất lần này hy vọng được tẩy rửa một phần. Không thể thản nhiên giết một tử tù mà quá trình điều tra, truy tố, xét xử từng bộc lộ vô số dấu hiệu cho thấy hết sức phi pháp và vô nhân. Đó cũng là lý do phán quyết vừa qua của HĐTP của TATC gây phẫn nộ trong công luận.
FB Nguyễn Lân Thắng mỉa mai: Có sai sót nhưng không làm thay đổi bản chất khốn nạn của nền tư pháp xứ Đông Lào… Y án tử hình Hồ Duy Hải! Đồng bào đã sáng mắt chưa? Nghiêm Việt Anh ngao ngán gọi phiên giám đốc thẩm là “trò hề”! Còn Phùng Chí Kiên thì thấy tên mình có thể nằm trong danh sách tử tù dự bị nếu hệ thống xét xử vẫn theo nền tư pháp mọi rợ này. Trương Huy San nhận xét: Công lý và số phận của Hồ Duy Hải có phải đã là ưu tiên quan trọng nhất? “Y án” không đơn giản chỉ để giải cứu uy tín chính trị của Chánh án Nguyễn Hòa Bình (khi còn là viện trưởng VKSTC ông đã từ chối kháng nghị). Bằng phán quyết này, thành tích “phá trọng án” của cơ quan điều tra 12 năm trước được bảo vệ, nền tư pháp không phải ghi thêm một án oan vào sổ đen…
Dư luận sẽ còn tố cáo nhiều về quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tố tụng hình sự. Đặc biệt là vai trò “ba trong một” của Nguyễn Hòa Bình: i) Là phó giáo sư, tiến sỹ luật, thiếu tướng, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an: Nguyễn Hòa Bình đã đào tạo, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra cho toàn ngành. ii) Là viện trưởng VKSTC, ngày 24/10/2011 Nguyễn Hòa Bình ban hành quyết định không kháng nghị vụ án. Và iii) là chánh án TATC, chủ tọa phiên giám đốc thẩm: Nguyễn Hòa Bình, tuyên bác kháng nghị, giữ nguyên án tử hình.
Nguyễn Hòa Bình với ba vai trò – điều tra, công tố, thẩm phán – trong một tư cách đảng viên. Vì đảng tính, 17 con người có quyền lực nhưng táng tận lương tâm buộc một thanh niên vào chỗ chết trong khi chưa có chứng cứ chắc chắn, có khả năng xảy ra oan trái, đã phạm một tội ác. Thật ra, con người như Nguyễn Hòa Bình không còn lương tâm để xúc động! Bởi cách đây 4 năm, y đã gián tiếp dính vào một vụ án chấn động cả nước khi bảo kê cho đàn em Lê Viết Chữ ở Quảng Ngãi gây ra một tội ác tày đình (Xem “Đốm lửa từ những hùng thần Quảng Ngãi” trong tài liệu tham khảo).
Đấy là chưa kể đến giả thuyết cuối cùng: Vụ giám đốc thẩm vừa qua là một sới vật trước Đại hội 13. Từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, TS. Hoàng Ngọc Giao bình luận với BBC: “Bằng hành động này, người ta khẳng định rằng người ta hoàn toàn đúng và không ai phải chịu trách nhiệm cả. Điều này phải chăng để gỡ vấn đề trách nhiệm cho những người trong suốt quá trình tố tụng ở Long An, rồi sơ thẩm, phúc thẩm – gỡ được trách nhiệm của nhiều cá nhân hiện đang giữ chức vụ cao cấp”.
Một trong “nhiều cá nhân hiện đang giữ chức vụ cao cấp” mà ông Giao nói bóng gió ở đây chính là candidate Tổng bí thư cho Đại hội 13 Trần Quốc Vượng. Cách đây 12 năm, ông Vượng chính là tiền nhiệm của viện trưởng VKSTC Nguyễn Hoà Bình. Nghĩa là khởi thuỷ của vụ án Cầu Voi đầy bí ẩn hoá ra có liên quan đến một yếu nhân “to be” cầm đầu hệ thống lãnh đạo “triệt để và toàn diện” cái xã hội bê bết của Việt Nam hiện nay. Không chỉ vì quyền lợi cá nhân, mà vì uy tín của quan thầy, Nguyễn Hoà Bình dĩ nhiên không bao giờ dám “lật kèo” Trần Quốc Vượng./.
Tài liệu tham khảo:
https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-hoa-binh-ho-duy-hai-cau-voi/5411685.html
http://bon-phuong.blogspot.com/2020/05/ai-co-cuu-ho-duy-hai-nguyen-ngoc-gia.html
https://baotiengdan.com/2020/05/10/dai-hoi-xiii-dom-lua-tu-nhung-hung-than-quang-ngai/
http://bon-phuong.blogspot.com/2020/05/phap-luat-khong-vi-cong-ly-pham-inh.html
https://baotiengdan.com/2020/05/09/toi-ac-nguyen-hoa-binh/
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/ho-duy-hail-cassation-court-politicized-05102020150646.html

Phó Tổng Giám đốc Công ty đầu tư phát triển

đường cao tốc Việt Nam (VEC) bị bắt

Hiểu Minh
Ngày 11/5, ông Lê Quang Hào – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam bị bắt vì có sai phạm ở dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Hào về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quyết định tố tụng với ông Hào được VKSND Tối cao phê chuẩn cùng ngày.
Theo VnExpress, ông Hào bị cáo buộc chịu trách nhiệm tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (đoạn 65km) nhưng đã thực hiện không đúng trình tự, không đúng tiêu chuẩn, yêu cầu thiết kế. Việc này dẫn đến công trình không đảm bảo chất lượng khi khai thác sử dụng, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Hiện, liên quan vụ án Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan, C03 đã khởi tố bị can, bắt ông Nguyễn Tiến Thành (cựu giám đốc Ban quản lý dự án), Hà Văn Bình (cựu giám đốc Ban điều hành gói thầu số 7), Phạm Đình Phú (Phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 5) và Nguyễn Thành An (Phó giám đốc Ban điều hành gói thầu số 7) và gần 10 người khác.
Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140 km với kinh phí đầu tư hơn 34 nghìn tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn, do VEC làm chủ đầu tư. Sau 14 tháng vận hành khai thác, tại đoạn Đà Nẵng – Tam Kỳ đã xuất hiện hư hỏng cục bộ mặt đường với diện tích hư hỏng khoảng 70 m2 trên tổng số 3,1 triệu m2 mặt đường. Một số công trình cầu, hầm chui dân sinh trên toàn tuyến xuất hiện thấm, dột; một số vị trí mái ta luy bị xói lở…
Quá trình điều tra đến nay, cơ quan điều tra xác định các đối tượng trên đã có hành vi vi phạm các quy định pháp luật về xây dựng trong quá trình thi công, nghiệm thu, gây thiệt hại về tài sản khi thực hiện Dự án cao tốc này.
Cụ thể, CQĐT đã phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Bộ GTVT giám định 7 gói thầu thuộc giai đoạn 1 (đoạn Đà Nẵng – Tam Kỳ từ Km 0 – Km 65, thông xe, đưa vào sử dụng đến ngày 2/8/2017). Kết quả xác định các lớp nền – móng – mặt đường của cả 7 gói thầu nêu trên đều không đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án. Đây là nguyên nhân gây hư hỏng công trình, đặc biệt khi gặp nắng nóng kéo dài kết hợp tác động của tải trọng và lưu lượng xe.
Tương tự, đoạn Tam Kỳ – Quảng Ngãi (Km 65 – Km 139+204) thuộc giai đoạn 2 dự án được đưa vào khai thác từ ngày 2/9/2018 nhưng đã xuất hiện hư hỏng.
https://www.dkn.tv/thoi-su/pho-tong-giam-doc-cong-ty-dau-tu-phat-trien-duong-cao-toc-viet-nam-vec-bi-bat.html

Kiên Giang: Một trăm hộ dân Khmer Krom

đụng độ với Cảnh sát cơ động

Hôm 5-5-2020, chính quyền tỉnh Kiên Giang đã điều lực lượng cảnh sát cơ động xuống ấp Trà Phọt, xã Giang Thành, huyện Phú Mỹ nhằm tịch thu xe cuốc của người dân tộc Khmer Krom đang cuốc đất để trồng lúa nhưng vấp phải phản ứng của người dân.
Các đoạn video clip trực tiếp tại hiện trường cho thấy sau khi chính quyền đọc loa về quyết định tạm giữ một xe cuốc của hộ ông Huỳnh Văn Đạt trong vòng 7 ngày thì người dân và cảnh sát cơ động đã xảy ra xô xát.
Người dân dùng gậy và ném bùn về phía cảnh sát có trang bị dùi cui và khiên chắn trong khi phía cảnh sát cơ động bắn đạn hơi cay về phía người dân.
Một người có mặt trực tiếp tại hiện trường cho biết như sau:
Xuống là họ muốn lấy cái xe cuốc của mình lên, họ không cho mình làm nữa.
Họ lại nói mình là cuốc đất của nhà nước trái phép rồi thì người dân của mình phản đối lại, nói là không được lấy lên.
Người dân nói nếu mà có lệnh thì giải quyết trong ngày hoặc một tháng nữa giải quyết nhưng mà họ không nghe, bắt buộc là phải lấy lên rồi họ đập người dân, có bị thương gần 10 người.
Có người bể đầu, rồi gãy tay, gãy ngón tay, sưng tay sưng chân.”
Phóng viên gọi điện thoại trực tiếp cho ông Huỳnh Vĩnh Lạc, Chánh văn phòng UBND tỉnh kiêm người phát ngôn tỉnh Kiên Giang để hỏi về vụ việc tuy nhiên ông này từ chối trả lời qua điện thoại và cho biết chỉ trả lời qua văn bản.
Chúng tôi sau đó gửi tin nhắn vào số điện thoại của ông đề cập về vụ việc và gửi thư điện tử về các địa chỉ mail của UBND tỉnh Kiên Giang nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời.
Theo người dân, những phần đất này họ đã khai hoang từ những năm 70 của thế kỷ trước nhưng đến năm 2000 thì bỏ không và người dân chủ yếu đi làm thuê làm mướn, nay họ muốn lấy lại để trồng lúa nhưng chính quyền cho biết đây là khu bảo tồn.
Liên quan đến khu bảo tồn sinh vật cảnh Phú Mỹ, đài truyền hình Việt Nam VTV hồi năm 2019 đưa tin, cáo buộc một số người dân đã tràn vào khu bảo tồn loài và sinh cảnh Phú Mỹ đốn hạ hơn 1200 cây tràm gió.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/about-100-khmer-krom-people-clash-with-police-in-a-land-dispute-05112020091747.html

Thêm người bị phạt tù vì bôi nhọ đảng,

nhà nước liên quan dịch bệnh COVID-19

Toà án Nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, hôm 11/5 đã tuyên án 9 tháng tù với một Facebooker về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”.
Theo truyền thông trong nước, người bị kết án là cô Mã Phùng Ngọc Phú (28 tuổi).
Cáo trạng được truyền thông trong nước trích đăng cho biết cô Phú, hôm 25/2, đã dùng tài khoản có tên James Ng để đăng bài viết có nội dung: “Mới nhận được tin hôm nay có người chết vì virus corona, ở Việt Nam sao không thấy tờ báo nào viết hết vậy ta”.
Cáo trạng kết luận thông tin được cô Phú đăng tải không đúng sự thật, gây hoang mang trong dư luận.
Theo truyền thông trong nước, cơ quan an ninh điều tra xác định cô Phú đã sử dụng tài khoản Facebook nói trên để đăng tải, chia sẻ 14 bài viết không đúng sự thật về đại dịch COVID-19, và xuyên tạc, phỉ báng nhà nước, thậm chí còn bình luận, bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo đảng và nhà nước.
Hội đồng xét xử nhận định hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của Đảng, Nhà nước; xâm phạm đến danh dự, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, các toà án tại Việt Nam đã kết án tù 2 người vì đăng tải thông tin liên quan đến đại dịch COVID-19 bị cho là sai lệch.
Hôm 6/5, một bị cáo khác là Đinh Vĩnh Sơn (27 tuổi, ngụ tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) bị kết án 9 tháng tù treo, 18 tháng thử thách và phạt bổ sung số tiền 30 triệu đồng với tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”. Người này bị kết tội đã sử dụng facebook để loan tin rằng Đà Lạt có 3 người nhiễm COVID-19, trong đó có 1 người chết.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/another-facebooker-sentenced-to-prison-for-posting-news-about-covid-19-05112020090356.html

Đài Loan bắt giữ 4 lao động Việt nhập cư

tàng trữ vũ khí bất hợp pháp

Bốn lao động Việt nhập cư đã bị bắt tại Đào Viên, Đài Loan vào ngày 6/5 vì tội tàng trữ vũ khí bất hợp pháp.
Hãng tin CNA của Đài Loan dẫn nguồn từ cảnh sát địa phương cho biết hôm 11/5.
Hãng thông tấn Đài Loan CNA dẫn lời ông Tăng Anh Tuấn, phó lãnh đạo Sở Cảnh sát Đào Viên cho biết một trong số 4 người vừa nêu mang họ Nguyễn, bị nghi ngờ là thủ lĩnh của một băng đảng người Việt cùng một người Đài Loan họ Châu.
Tin cho biết, dựa theo tin chỉ điểm, cảnh sát đã bắt băng nhóm 2 người Việt và ông Châu cùng 4 người Đài Loan khác khi chặn xe nhóm này lúc đang trên đường đi trả thù một số lao động người Việt khác do có tranh chấp.
Cảnh sát tìm được một khẩu súng bất hợp pháp cùng với một số thanh kiếm Nhật, được gọi là katana, và gậy trên các phương tiện.
Trong cùng ngày, 2 người Việt còn lại trong băng nhóm, gồm cả người đàn ông họ Nguyễn đã bị cảnh sát bắt tại nhà của ông Nguyễn ở Đào Viên.
Cảnh sát cũng đã thu giữ 2 khẩu súng nòng dài sửa đổi, một khẩu súng ngắn, 23 viên đạn súng săn và một viên đạn súng ngắn tại nhà ông Nguyễn.
Theo cảnh sát, 4 người lao động Việt nhập cư ở Đài Loan trong băng nhóm vừa bắt bị tình nghi là thành viên của một đường dây tội phạm.
Chín người bị bắt hôm 6/5 đã được bàn giao cho Văn phòng Công tố viên Đào Viên để điều tra thêm, với cáo buộc vi phạm Đạo luật Kiểm soát Súng, Đạn dược và Dao.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/4-vietnamese-migrant-workers-were-arrested-for-illegally-storing-weapons-in-taiwan-05112020105005.html

Bí thư xã giết người,

tạo ‘chết giả’ để lấy tiền bảo hiểm

Công an tỉnh Đắk Nông cho biết nghi phạm Đỗ Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, huyện Lâm Hà đã giết người, đốt cháy rụi một xe bán tải có thi thể nạn nhân trong xe để tạo hiện trường giả, mục đích để nhận được tiền bảo hiểm giá trị lớn.
Trong buổi họp báo vào ngày 11/5, Công an tỉnh Đắk Nông cung cấp thông tin về kết quả điều tra ban đầu vụ giết người tạo hiện trường giả xảy ra tại địa phương.
Ông Đỗ Văn Minh bị công an bắt tại tỉnh Bình Phước vì liên quan đến chiếc xe bán tải cháy rụi cùng một thi thể biến dạng nằm trên QL28, được người dân phát hiện sáng 4/5.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an tỉnh Đắk Nông đã khẩn trương khám nghiệm hiện trường, tử thi, điều tra và xác định xe ô tô bị cháy là của ông Đỗ Văn Minh (49 tuổi, trú thôn Tân Đức, Tân Hà, H. Lâm Hà), hiện là Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà, H. Lâm Hà, Lạm Đồng); còn nạn nhân là anh Trần Nho Vương (25 tuổi, trú thôn Đan Hà, xã Đan Phượng, H. Lâm Hà) cháu ông Minh.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông xác định Đỗ Văn Minh chính là nghi phạm của vụ án. Do nợ hơn 10 tỷ đồng, ông Minh nghĩ ra cách tìm người chết thay mình để lấy tiền bảo hiểm khoảng 18 tỷ đồng.
Tối 3/5, ông Minh đến rẫy của anh Trần Nho Vương và sát hại cháu mình. Sau đó, nghi phạm đưa thi thể nạn nhân lên ô tô bán tải của mình và chở đến QL28, tông vào cột mốc bên đường rồi đốt xe tạo hiện trường vụ tai nạn. Đến 10h ngày 10/5, Công an tỉnh Đắk Nông bắt được Đỗ Văn Minh khi nghi phạm đang lẩn trốn tại một nhà nghỉ ở Đồng Xoài, Bình Phước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/official-killed-and-created-a-fake-death-scene-for-insurance-money-05112020091138.html

Cựu thượng tá công an một mực kêu oan

vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình

Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình vào ngày 11/5 tiếp tục xét xử 15 bị cáo liên quan trong vụ án gian lận điểm thi THPT niên khoá 2017-2018 gây chấn động dư luận tại tỉnh này, trong đó ông Khương Ngọc Chất cựu trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an Hòa Bình vẫn một mực khẳng định bị oan.
Không chỉ tại phiên tòa, trong quá trình điều tra truy tố ông Khương Ngọc Chất liên tục khẳng định rằng ông không phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, cũng không thực hiện các hành vi vi phạm như cơ quan tố tụng truy tố và đề nghị tòa triệu tập thêm những người liên quan mà ông cho là bị cáo buộc giúp nâng điểm cho con em họ.
Tuy nhiên, viện kiểm sát cho rằng những người vắng mặt đã có lời khai ở giai đoạn điều tra nên việc vắng mặt không làm ảnh hưởng tới quá trình xét xử.
Theo cáo trạng, ông Chất quen biết với ông Đỗ Mạnh Tuấn cựu Phó hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú THCS, THPT huyện Lạc Thủy và đã nhờ ông Tuấn nâng điểm cho một số thí sinh là con em cán bộ công an tỉnh Hòa Bình và sẽ được “bồi dưỡng” với số tiền 500 triệu đồng. Tuy nhiên ông Chất đã phủ nhận toàn bộ việc này.
Ông Đỗ Mạnh Tuấn thừa nhận có việc nâng điểm cho một số thí sinh nhưng trường hợp nhận lời “nhờ giúp đỡ” thì không có trường hợp nào nhận được hứa hẹn trả tiền mà nhiều trường hợp nhận lời sửa điểm là “quan hệ ngoại giao”.
Ông Tuấn cũng thừa nhận, sau khi thực hiện sửa điểm, ông đã nhận tiền từ 3 bị cáo là ông Hồ Chúc với 300 triệu, ông Đào Ngọc Thuật với 250 triệu và ông Khương Ngọc Chất với số tiền là 500 triệu. Ông Tuấn đã giao nộp lại cho cơ quan điều tra 50% trên tổng số tiền đã nhận và phần còn lại đã chuyển cho vợ ông giữ.
Tại phiên tòa, viện kiểm sát cho rằng việc đưa và nhận tiền do các tài liệu thu thập chưa đủ căn cứ để truy tố trách nhiệm hình sự đối với ông Khương Ngọc Chất cũng như gia đình các thí sinh về hành vi đưa hối lộ, do đó viện kiểm sát yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để xử lý.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/former-police-lieutenant-colonel-exclaimed-in-fraud-at-the-test-scores-in-hoa-binh-05112020084152.html

Hai tù nhân lương tâm Ngô Văn Dũng, Lê Quý Lộc

bị tra tấn trong trại tạm giam

Tin từ Sài Gòn: Hai thành viên của nhóm Hiến Pháp là Ngô Văn Dũng và Lê Quý Lộc đã bị công an Sài Gòn tra tấn trong trại tạm giam Phan Đăng Lưu, nơi họ bị giam giữ kể từ khi bị bắt vào đầu tháng 9 năm 2018.
Theo tin tức từ một số tù nhân lương tâm cũng bị giam trong trại tạm giam này thì sự việc xảy ra vào ngày 12/4. Tù nhân trong trại giam thấy một số lượng lớn công an vào khu vực giam giữ để đánh đập hai người.  Do có sự phản ứng của nhiều người bị giam tại đây, công an dừng đánh đập nhưng đưa hai ông Dũng và Lộc ra khỏi trại giam.
Ông Lộc được đưa trở lại trại tạm giam sau đó 1 tuần, và ông cho biết ông đã được đưa đi bệnh viện trong thời gian đó để điều trị những vết thương do trận đòn gây ra.  Còn ông Dũng bị đưa đi giam ở khám Chí Hoà, một trại tạm giam khác của Sở công an  Sài Gòn. Hiện không rõ tình trạng của ông ra sao vì gia đình không được gặp mặt ông từ nhiều tháng qua do nhà cầm quyền nại lý do cách ly vì dịch Covid-19.
Hai ông Lộc và Dũng cùng 6 thành viên khác của nhóm Hiến Pháp bị cáo buộc “Gây rối an ninh” và đối mặt với án tù nặng nề chỉ vì có kêu gọi biểu tình vào dịp quốc khánh năm 2018. Phiên toà sơ thẩm xử họ bị hoãn nhiều lần vì nhiều nguyên nhân, trong đó có đại dịch Covid-19.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/hai-tu-nhan-luong-tam-ngo-van-dung-le-quy-loc-bi-tra-tan-trong-trai-tam-giam/

Khoảng 670 ngàn lao động mất việc

vì ảnh hưởng COVID-19

Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội cho biết trong bốn tháng đầu năm 2020, đã có khoảng 670 ngàn lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Truyền thông trong nước trích thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hôm 11/5 cho biết chỉ riêng trong tháng 4, tổng số lao động bị mất việc tăng 270 ngàn người, chiếm 40% tổng số lao động bị mất việc trong 4 tháng đầu năm.
Những ngành nghề bị mất việc nhiều nhất ở Việt Nam được cho biết gồm ngành công nghiệp chế biến – chế tạo (hơn 80 ngàn người mất việc), ngành buôn bán – bán lẻ (khoảng 50 ngàn người mất việc), ngành vận tải – kho bãi (hơn 20 ngàn người mất việc), ngành dịch vụ lưu trú – ăn uống (gần 15 ngàn người mất việc).
Số lao động bị mất việc do ảnh hưởng dịch COVID-19 trong bốn tháng qua tập trung ở những khu vực như đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Đáng chú ý, báo trong nước loan tin có hơn năm triệu lao động phải tạm ngừng việc trong tháng 4 và đang được ghi nhận tăng cao. Đó là những lao động thuộc nhóm phi chính thức, được đánh giá dễ bị tổn thương.
Trong tháng 4 năm 2020, hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam đều bị ảnh hưởng nặng nề do lệnh phong toả toàn xã hội. Việc làm trong ngành dịch vụ – ăn uống giảm mạnh tới 80%. Các hoạt động bán buôn, bán hàng rong, kinh doanh nhỏ lẻ đều phải dừng hoạt động.
Các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước trích số liệu cho thấy tổng số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm đến nay đạt hơn 270 ngàn người (tăng 20% so với cùng kỳ 2019). Đặc biệt, có hơn 100 ngàn người xin trợ cấp thất nghiệp vào tháng 4/2020.
Theo dự toán, số lao động mất việc vào tháng 5 sẽ tăng thêm khoảng 80 ngàn người, nâng tổng số lao động mất việc lên 750 ngàn người trong năm tháng đầu năm.
Chính phủ Nhật Bản mới đây cũng thông báo quy định hạn chế nhập cảnh đến hết tháng Năm nên lao động Việt Nam sẽ không được phép nhập cảnh vào Nhật Bản làm việc cho đến hết tháng 5/2020.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/about-67-thousand-workers-lost-their-jobs-due-to-the-covid-19-05112020084155.html

Công đoàn độc lập ở Việt Nam: Con đường còn dài

Thanh Phương
Để đáp ứng đòi hỏi của các hiệp định tự do mậu dịch, Việt Nam đã buộc phải sửa đổi Luật Lao động. Văn bản sửa đổi đã được các đại biểu Quốc Hội Việt Nam thông qua ngày 20/11/2019. (Tạp chí phát lần đầu vào tháng 12/2019)
Sẽ có hiệu lực vào năm 2021, luật mới đặc biệt cho phép thành lập các công đoàn độc lập, tức là không thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn duy nhất hiện nay. Đây được coi là một thay đổi quan trọng nhất trong Luật Lao động của Việt Nam.
Trong thông cáo đưa ra ngày 20/11, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ILO Việt Nam, Chang Hee Lee nhận định bộ Luật Lao động sửa đổi vừa được thông qua là “một tiến bộ quan trọng”, còn đại sứ quán Mỹ thì xem đây là một “đạo luật lịch sử”.
Điểm tích cực
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 04/12, luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật, một trong những luật sư chuyên về lao động ở Việt Nam, ghi nhận một điểm tích cực, đó là Việt Nam đã sửa đổi Luật Lao động ngay cả trước khi phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế, tức là công ước về việc thành lập công đoàn độc lập:
“Thường là người ta phê chuẩn công ước rồi thì mới thực hiện cái sửa đổi. Thường người ta hay kéo dài việc sửa đổi những cái gì mang tính bất lợi. Vấn đề thành lập hiệp hội tự do, ở đây là công đoàn độc lập, vẫn là chuyện nhạy cảm đối với xã hội Việt Nam, cho người ta hay có tâm lý kéo dài. Nhưng ở đây họ lại sửa đổi luật lao động trước, rồi theo lịch trình thì đến năm 2023 mới ký Công ước 87. Đó là một thiện chí, nếu thật sự họ muốn thay đổi.”
Tuy nhiên, con đường đi đến việc thành lập thật sự các công đoàn tự do ở Việt Nam hãy còn dài. Luật Lao động sửa đổi đã được thông qua, nhưng còn phải chờ xem luật sẽ được áp dụng trên thực tế như thế nào, cụ thể là các nghị định, thông tư sẽ có nội dung cụ thể ra sao.
Bất hợp lý trong việc ban hành
Về vấn đề này, luật sư Hoàng Cao Sang nêu lên một điểm bất hợp lý trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam:
“Theo luật quy định về việc ban hành các văn bản pháp luật của Việt Nam, thường là sau khi Quốc Hội thông qua luật, chính phủ sẽ là bộ phận viết thêm các điều luật cho nó chi tiết để áp dụng. Sau khi chính phủ đã ban hành nghị định rồi, nếu có những cái gì chi tiết hơn nữa, thì một bộ nào đó, ở đây có thể là bộ Lao Động-Thương Binh-Xã Hội, ban hành một thông tư để hướng dẫn thực hiện bộ Luật Lao động này.
Ở đây có một điều bất hợp lý : luật là ý chí của nhân dân thông qua đại diện là các đại biểu Quốc Hội, tuy nhiên, Quốc Hội ban hành luật thì chỉ quy định những cái chung nhất còn sau đó các cơ quan hành pháp lại ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn luật này. Trong thực tế lại có những cái hướng dẫn đi sâu hơn hoặc xa hơn, thậm chí còn trái với các điều luật mà Quốc Hội ban hành, thường là theo hướng có lợi cho các cơ quan hành pháp, đẩy những cái khó về phía người dân.”
Trong thông cáo đưa ra ngày 20/11/2019, đại sứ quán Mỹ cũng đã khuyến cáo chính phủ Việt Nam “ củng cố những cải cách trong bộ Luật Lao động, bao gồm cải cách thông qua các văn bản pháp luật sắp được ban hành về thành lập, đăng ký và hoạt động của các tổ chức công đoàn độc lập và sự bảo vệ đầy đủ đối với quyền thương lượng tập thể và quyền đình công.”
Về phần Giám đốc ILO Việt Nam, ông lưu ý là quyền tự do hiệp hội trong bộ Luật Lao động sửa đổi hiện chỉ áp dụng đối với người lao động trong doanh nghiệp, nên sẽ cần phải được mở rộng phạm vi trong những năm tới đây « để song hành với những nỗ lực của chính phủ hướng tới phê chuẩn Công ước số 87 của ILO vào năm 2023 ». Tuy nhiên, theo ông, trước mắt phải giải thích các điều khoản mới, thông qua việc ban hành các nghị định hướng dẫn và thiết lập các thiết chế thực chất để áp dụng và triển khai những điều khoản mới đó.
Phải sửa nhiều luật
Mặt khác, theo luật sư Hoàng Cao Sang, cùng với việc sửa đổi Luật Lao động và việc phê chuẩn Công ước 87, Việt Nam còn phải sửa đổi những luật khác có liên quan đến việc thành lập hội:
“Tôi nghĩ là không chỉ có luật về thành lập hội, mà rất nhiều luật cũng phải được sửa đổi theo tinh thần Công ước 87. Chúng ta thường hay gọi Công ước 87 là công ước về quyền tổ chức công đoàn độc lập trong lao động, nhưng thật ra công ước quy định về quyền tự do hiệp hội, tức là đối với các hiệp hội nói chung, chứ không riêng gì công đoàn.”
Vì có những hội khác, cho nên chúng ta cũng phải sửa tất cả những gì liên quan đến hội và các tổ chức cho nó phù hợp với tinh thần của Công ước 87.
Cũng theo tinh thần này thì các tổ chức của người lao động và của người sử dụng lao động đều có quyền thành lập các liên đoàn và tổng liên đoàn một cách tự do, có thể thuộc Tổng liên đoàn Việt Nam hoặc không”.
The Diplomat: Nên thận trọng
Trên trang mạng The Diplomat ngày 29/11/2019, nhà báo David Hutt cũng đề cập đến sự kiện Quốc Hội Việt Nam thông qua bộ Luật Lao động sửa đổi cho phép thành lập công đoàn độc lập. David Hutt trước hết tỏ ra thận trọng khi viết : « Dĩ nhiên chúng ta phải chờ xem có phải đây là một sự thay đổi bề ngoài mà đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn quen làm, trên giấy tờ thì rất là hay, nhưng không bao giờ được thực thi đàng hoàng ». Tác giả bài viết đặc biệt ghi nhận Luật Lao động sửa đổi quy định là công đoàn độc lập phải xin phép thành lập từ các cơ quan Nhà nước, như vậy là đảng Cộng Sản sẽ có thể từ chối cấp phép cho các lãnh đạo công đoàn thẳng thắn và đòi hỏi khắt khe.
Nhà báo David Hutt viết tiếp : « Nếu các công đoàn độc lập thật sự được phép thành lập ở Việt Nam, ta có thể dự báo là đình công sẽ trở nên phổ biến hơn. Công nhân cũng sẽ có một tổ chức đại diện cho họ tốt hơn. Thứ hai, cho phép các công đoàn độc lập hoạt động là một dấu hiệu khác cho thấy Đảng sẵn sàng nới lỏng sự kiểm soát của họ lên xã hội như thế nào để tối đa hóa mức tăng trưởng kinh tế, nay là yếu tố chủ yếu tạo nên tính chính đáng của Đảng ».
David Hutt viết tiếp: « Trong những năm 2000, Đảng về cơ bản đã mất sự thống trị đối với công chúng, với sự xuất hiện của Internet và mạng xã hội của Mỹ, chủ yếu là Facebook. Các phương tiện truyền thông do Đảng điều hành hiện đang thất thế, sau khi đã nắm giữ quyền lực đáng kể vào những năm 1990. Khi thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước và trao quyền lực cho nhiều thực thể ngoài Đảng hơn, đảng Cộng Sản hiện cũng đang tự mình rời khỏi nền kinh tế. Sự phát triển nhanh chóng của y tế và giáo dục tư nhân trong thập kỷ này cũng thách thức độc quyền của Đảng về mặt phúc lợi xã hội. »
Đảng sẽ công nhận các tổ chức khác?
Ông David Hutt viết tiếp : « Ta có thể nói, đúng phần nào, rằng ở Việt Nam hiện đang có một cuộc chiến giữa một khối xã hội dân sự, tập hợp các nhóm cộng đồng phi Nhà nước hình thành từ cơ sở, và một khối xã hội « phi dân sự », gồm các tổ chức xã hội của Đảng do Mặt trận Tổ quốc quản lý. ( … ). Khối xã hội phi dân sự thì được nhiều ưu đãi, còn khối xã hội dân sự bên ngoài sự kiểm soát của Đảng hiện còn nhỏ và phân tán, nhưng nó đang phát triển. Và các sửa đổi của bộ Luật Lao động sẽ thêm một yếu tố quan trọng vào xã hội dân sự đó dưới hình thức thành lập công đoàn độc lập. Điều này phải chăng sẽ thúc đẩy đảng Cộng Sản chính thức thừa nhận các tổ chức ngoài Đảng khác? Hiện giờ có lẽ là không. Nhưng các tổ chức nhà báo, trí thức, nhà văn, nông dân và phụ nữ « bất hợp pháp và không chính thức » đã mọc lên như nấm trong những năm gần đây, tất cả đều nhằm cạnh tranh với các tổ chức xã hội phi dân sự của Đảng. »
David Hutt kết luận : « Bằng cách chấp nhận không còn là tổ chức đại diện cho toàn thể công nhân, đảng Cộng Sản đã có một sự thừa nhận không thể thay đổi. Vai trò lãnh đạo một nền « chuyên chính vô sản » đã bị khai tử từ cách đây nhiều năm. Bây giờ Đảng nói là họ bảo vệ cho mọi giai cấp, chứ không riêng gì những người bán sức lao động. Nhưng nếu bây giờ họ mất độc quyền đối với các định chế xã hội, giống như họ đã mất độc quyền đối với nền kinh tế và công chúng, liệu tiếp theo đó có sẽ mất luôn cả độc quyền đối với chính trị? Hãy nhớ rằng chính công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan, công đoàn độc lập đầu tiên ở các nước Cộng Sản Đông Âu, đã là một động lực thúc đẩy các sự kiện năm 1989 ».
http://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20200511-c%C3%B4ng-%C4%91o%C3%A0n-%C4%91%E1%BB%99c-l%E1%BA%ADp-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam-con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%C3%B2n-d%C3%A0i

Hội Nghị Trung ương 12

tập trung về nhân sự trước đại hội 13

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 (Hội nghị trung ương 12) được khai mạc tại Hà Nội vào sáng ngày 11 tháng 5. Nội dung chính của hội nghị này được cho biết chủ yếu tập trung bàn về vấn đề nhân sự cho đại hội đảng lần thứ 13 dự kiến diễn ra vào đầu năm tới.
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin về hội nghị được cho là quan trọng này của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, chủ trì hội nghị trung ương 12. Ông Trọng được cho biết đã ‘nêu bật một số ý kiến có tính chất gợi mở về công tác nhân sự’. Cùng điều hành hội nghị trung ương 12 còn có ông Nguyễn Xuân Phúc, ủy viên Bộ Chính trị-Thủ tướng chính phủ.
Những nội dung liên quan đến vấn đề nhân sự được nêu rõ gồm phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành trung ương khóa 13, phương hướng bầu cử đại biểu quốc hội khóa 15 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng và việc phân bổ đại biểu tham dự dự đại hội lần thứ 13 của đảng cộng sản Việt Nam vào tháng giêng sang năm.
Ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng trong thời điểm hiện nay một vị ủy viên trung ương Ban chấp hành trung ương, một ủy viên ban bí thư và ủy viên bộ chính trị  đảng cộng sản Việt Nam cần kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác- Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh- đường lối của đảng …
Ngoài ra tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam còn nhắc lại những vị thuộc các cơ quan đầu não của đảng như vừa nêu còn phải không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực …
Vào cuối tháng tư vừa qua, một bài viết của ông Nguyễn Phú  Trọng liên quan công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng lần thứ 13 cũng được truyền thông Nhà nước loan đi; nhiều nhà quan sát trong nước cho rằng những nội dung mà vị đương kim tổng bí thư nêu ra không có gì mới, vẫn mang tính giáo điều, bảo thủ như bấy lâu nay.
Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp Hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam như vừa nêu dự kiến kéo dài đến ngày 14 tháng 5. Và theo thông lệ, sau cuộc họp ban chấp hành trung ương đảng, vào tuần sau từ ngày 20 tháng 5, Quốc hội Việt Nam khóa 14 sẽ bắt đầu nhóm kỳ họp thứ 9.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-vcp-central-committte-meet-to-discuss-personnel-for-the-upcoming-congress-05112020091118.html

VN và nhân sự Đại hội 13:

‘Khó nhất vẫn là chức Tổng Bí thư’

Một hội nghị quan trọng bậc nhất trước Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đang được nhóm họp tại Hà Nội để trình phương hướng công tác nhân sự Trung ương đảng khóa tới, theo báo chí chính thống nhà nước.
Sáng 11/5/2020, Hội nghị Trung ương 12 (khóa XII) của BCH Trung ương ĐCSVN (dự kiến nhóm từ ngày 11 đến ngày 14/5) chính thức khai mạc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chủ trì, phát biểu khai mạc, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc, báo Nhân dân đưa tin.
Tổng Bí thư Trọng không muốn ‘chọn nhầm người’
VN: Hoãn đại hội Đảng từ cấp cơ sở, chống tham nhũng tiếp thế nào?
Đại hội 13 Đảng CSVN và đường lên đỉnh cao quyền lực
“Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bàn và quyết định các vấn đề: phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; Tiêu chuẩn, tiêu chí, số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.
“Cũng tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; Báo cáo những công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 11 (tháng 10-2019) đến nay; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng năm 2019; bàn và quyết định một số vấn đề quan trọng khác,” vẫn theo tờ báo là cơ quan ngôn luận của ĐCSVN.
Cũng hôm 11/05, Báo điện tử của ĐCSVN trích dẫn phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội nghị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, theo đó nói:
“Tôi đề nghị mỗi đồng chí Uỷ viên Trung ương cần nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung trên. Cần lưu ý, nhấn mạnh thêm vấn đề gì, những khâu nào? Phải chăng, về tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia – dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm?
“Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền…”
Phương án tứ trụ?
Mô hình bộ máy quyền lực và các phương án nhân sự lãnh đạo cao cấp ngay trước và trong dịp Hội nghị Trung ương 12 diễn ra là một chủ đề được quan tâm trong giới quan sát và phân tích chính trị Việt Nam.
Hôm 08/5, trên trang Nghiên cứu Quốc tế, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á Iseas Yusof Ishak của Singapore đưa ra một số nhận định:
“Việc quay lại mô hình ‘tứ trụ’ cũng có khả năng được Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng nhiệm kỳ mới ủng hộ…
“Số lượng ủy viên Bộ Chính trị tiếp theo vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, con số này nhiều khả năng nằm trong khoảng từ 15 đến 19 như tại các kỳ đại hội gần đây…
“Nếu xét việc Đảng nhấn mạnh việc quy hoạch nhân sự cấp chiến lược trong thời gian gần đây, Đảng có thể sẽ muốn bầu tối đa 19 ủy viên Bộ Chính trị để có được một lực lượng nhân sự cấp chiến lược lớn hơn, qua đó có nhiều lựa chọn hơn cho các vị trí lãnh đạo trong tương lai…”
Về các ứng viên cho bốn vị trí lãnh đạo cao cấp nhất của đảng, nhà nước và chính quyền, Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp nhận định:
“Như đã nói, theo truyền thống, ứng viên cho vị trí tổng bí thư thường được chọn trong số bốn chính trị gia hàng đầu của nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư cũng có thể là một ứng viên đủ điều kiện…
“Do giới hạn nhiệm kỳ cũng như tuổi cao và sức khỏe yếu, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nghỉ hưu tại đại hội tiếp theo. Do đó, ba ứng viên thay thế cho ông sẽ là ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Trần Quốc Vượng. Vì cả ba đã quá 65 tuổi vào tháng 9/2020, người được chọn nắm ghế tổng bí thư sẽ được miễn giới hạn tuổi tác, còn hai người còn lại sẽ phải nghỉ hưu…”
Về các phương án được phân tích, dự đoán như một tham khảo cho các “ghế” còn lại là thủ tướng chính phủ, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, nhà nghiên cứu từ Viện Iseas của Singapore nêu tiếp nhận định của mình:
“Trong số sáu ủy viên Bộ Chính trị còn lại hiện nay, chỉ có ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Bình Minh là phó thủ tướng. Tuy nhiên, do ông Minh chủ yếu phụ trách các vấn đề đối ngoại, ông Huệ, người giám sát các vấn đề kinh tế và tài chính và từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ 2011-2016, trở thành ứng viên mạnh nhất cho vị trí [thủ tướng] này…
“Đối với vị trí chủ tịch nước, các ứng cử viên chính bao gồm ông Phạm Bình Minh, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, ông Phạm Bình Minh, một nhà ngoại giao kỳ cựu có trình độ tiếng Anh tốt, dường như là ứng viên nổi bật nhất. Vì chủ tịch nước sẽ phải tham gia vào nhiều hoạt động đối ngoại, bao gồm các chuyến thăm song phương và tham dự các sự kiện đa phương, ông Minh sẽ có lợi thế đáng kể so với hai ứng cử viên còn lại…
“Đối với vị trí chủ tịch quốc hội, ngoại trừ ông Võ Văn Thưởng, người có tuổi đời còn khá trẻ có thể là một bất lợi đối với ông, các ủy viên Bộ Chính trị còn lại (Phạm Bình Minh, Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai, Nguyễn Văn Bình) đều có cơ hội khá cân bằng để được xem xét cho vị trí này.”
Khó khăn, chưa rõ?
Hôm 11/5 từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ nêu bình luận nhanh với BBC về quan điểm trên của nhà nghiên cứu từ Singapore:
“Quan sát này dựa trên tiêu chuẩn và độ tuổi… với các danh sách dài đưa ra.
“Nhưng theo tôi, vẫn còn một khoảng cách xa với thực tế, Đại hội 13 này khá thực sự khó khăn và khó đoán.”
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, thành viên Nghiên cứu của Viện IISS, think tank về Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và nhà quan sát chính trị Việt Nam, bình luận với BBC về Hội nghị Trung ương 12 đang nhóm họp:
“Đây là Hội nghị quan trọng nhất khóa về nhân sự, nó làm cụ thể số lượng Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng, số lượng Ủy viên Bộ Chính trị, lên danh sách cụ thể các bí thư tỉnh ủy, các trưởng ban đảng, quốc hội, nhà nước, nó cũng làm luôn khung nhân sự cho Quốc hội, cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các quy định bầu cử Đại hội 13, bầu cử Quốc hội…
“Ngoài ra, sẽ không có hội nghị trung ương nào khác cho chủ đề nhân sự nữa, tất nhiên, nếu lần này chưa xong, sẽ có Hội nghị 12B, tức là để tiếp tục “làm nhân sự”.”
Về vấn đề nhân sự cho Đại hội đảng tới đây, ông Hà Hoàng Hợp, người cũng đồng thời làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Iseas, Singapore với tư cách nhà nghiên cứu cao cấp khách mời, nói:
“Theo tôi, không có gì mới vì nhiều người nói rồi và tứ trụ chứ không phải tam trụ, như tôi cũng đã nói với BBC từ khi ông Nguyễn Phú Trọng tạm nhận chức chủ tịch nước.
“Về bốn ứng viên cho tứ trụ, nhiều người nói với cơ sở quyết định 90 và 214, bà Trương Thị Mai khó làm Chủ tịch Quốc hội.
“Cách đây nhiều tháng tôi cũng đã nói với BBC là ghế chủ tịch nước chưa có dự kiến ứng viên, ngay bây giờ cũng chưa có.
“Ông Phạm Bình Minh đủ tiêu chuẩn theo Quyết định 214 để ứng cử các chức vụ chủ tịch nước, thủ tướng, và chủ tịch quốc hội, ông ấy chỉ chưa đủ tiêu chuẩn ứng cử Tổng bí thư thôi. Tuy nhiên, có vẻ chức chủ tịch nước khá thích hợp với ông này.
“Bởi vì ông Minh đã làm hai khóa bộ trưởng rồi, thì không thể tiếp tục làm Bộ trưởng Ngoại giao nữa. Nhưng ứng cử chức chủ tịch, với ông Minh theo các mối quan hệ nội bộ, có thể lại không thuận lợi.
“Ở trên tôi nói là theo Quyết định 214 (và 90), ở đây về quan hệ nội bộ tức là về hành vi, nhiều người có thể không muốn như vậy và muốn khác đi, nhưng vì thế vẫn có chức phó thủ tướng phụ trách đối ngoại cho ông ấy, giống như bên Trung Quốc, người ta có chức vụ của ông Dương Khiết Trì, đó là một khả năng sắp xếp.
“Theo tôi, khó nhất là chức tổng bí thư, ông Trọng giới thiệu ông Vượng hai lần đều chưa thành công, Bộ Chính trị chưa tán thành. Bây giờ sẽ phải họp để giới thiệu lại, tức là bỏ phiếu cho vài ứng viên.
“Đúng ra lúc này có các ứng viên sơ bộ là các ông, bà: Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng và Phạm Minh Chính. Có một số đông, chưa rõ bao nhiêu phần trăm ủng hộ ông Phúc.
“Bây giờ ông Trọng không thể phát biểu như trước đây rằng ứng viên vị trí này phải là người miền Bắc. Cũng có một tỷ lệ cao được cảm nhận, chưa rõ bao nhiêu, muốn ủng hộ bà Ngân.
“Nhưng tóm lại, dự đoán thì cứ dự đoán, song cuối cùng do thủ tục đề cử chưa xảy ra, nên chưa rõ cụ thể,” nhà phân tích chính trị này nói với BBC News Tiếng Việt trên quan điểm cá nhân.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52620147

Điểm tin trong nước chiều 11/5:

Bí thư xã sát hại cháu để lấy tiền bảo hiểm?

Minh Khuê
Kính chào quý vị khán giả theo dõi mục điểm tin của ĐKN ngày 11/5 với những nội dung chính sau đây:
Mẹ Hồ Duy Hải gửi đơn kêu cứu khẩn cấp
Hôm 10/5, bà Nguyễn Thị Loan – mẹ của anh Hồ Duy Hải đã có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi tới bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội với mong muốn xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Trong thư bà Loan đề nghị xem xét các tình tiết quan trọng của vụ án do Luật sư Trần Hồng Phong đưa ra nhưng Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao không xem xét nghiêm túc và khách quan.
Trước đó hôm 8/5 tất cả 17 thành viên của Hội đồng thẩm phán đều thống nhất bác kháng nghị huỷ án điều tra lại, giữ nguyên án tử hình Hồ Duy Hải.
Mặc dù Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao thừa nhận quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót.
Sau phiên giám đốc thẩm, nhiều Đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về vụ việc này.
BBC dẫn ý kiến của ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng: “Phán quyết chiều nay của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chưa thể thuyết phục trước nhiều vấn đề bất minh mà xã hội đang rất quan tâm trong vụ án này.
Bởi vậy, việc thực hiện một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động xét xử trong vụ án này là rất cần thiết.”
Tờ Trí Thức VN dẫn ý kiến ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhận định:
“Khi Chánh án TAND Tối cao từng là Viện trưởng Viện KSND Tối cao, là người trực tiếp không kháng nghị vụ việc, mà bây giờ lại ngồi ghế chủ tọa để xét xử thì đương nhiên xã hội, người dân, cử tri có quyền nghi ngờ tính công minh, thiên vị, vô tư của Chánh án TAND Tối cao; nghi ngờ việc mang tính định kiến tư pháp vào ghế chủ tọa”;
Ông Nhưỡng cũng nhấn mạnh rằng: “Việc kết luận Hồ Duy Hải có tội là một sự khiên cưỡng” và “Cần xem lại tính độc lập của nền Tư pháp”.
Phía ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Vật chứng trong vụ Hồ Duy Hải là cái thớt thì lại được đi mua cái khác giống như vậy. Nếu không đủ chứng cứ thì phải thả ra, tiếp tục theo dõi, thu thập chứng cứ chứ không thể xử ép”.
Đài Á Châu Tự Do hôm 8/5 loan tin cho hay Luật sư của anh Hồ Duy Hải nhiều năm qua từng trưng ra những chứng cứ cho thấy những bất hợp lý trong quá trình điều tra như con dao và cái thớt gây án được mua từ chợ về để làm vật chứng; rồi dấu vân tay tại hiện trường không khớp, chưa xác định được; hai nghi phạm khác trong vụ án mạng không được điều tra làm rõ…
Đài Loan bắt 1 người Việt cùng đồng phạm vì tàng trữ vũ khí
Hãng thông tấn Đài Loan CNA hôm 11/5 cho biết cảnh sát nước này đã bắt giữ 9 người hôm 6/5 tại Đào Viên vì tàng trữ vũ khí bất hợp pháp, trong đó có 1 lao động nhập cư Việt Nam họ Nguyễn bị nghi ngờ là thủ lĩnh của băng nhóm này.
Ông Tăng Anh Tuấn – phó lãnh đạo Sở Cảnh sát Đào Viên cho hay phía cảnh sát đã chặn hai ôtô vào hôm 6/5, khi băng đảng này đang trên đường đi trả thù một số lao động người Việt khác vì tranh chấp.
Một chiếc chở 2 lao động nhập cư Việt Nam, chiếc còn lại chở 5 người Đài Loan khác, cảnh sát đã thu giữ một khẩu súng bất hợp pháp.
Ngoài ra, một số thanh kiếm Nhật, được gọi là katana, và gậy cũng được phát hiện trên các phương tiện.
Cùng ngày, người đàn ông họ Nguyễn nói trên và một nghi phạm người Việt khác cũng bị bắt ở Đào Viên. Tại đây, cảnh sát cũng tìm thấy 2 khẩu súng nòng dài sửa đổi, một khẩu súng ngắn, 23 viên đạn súng săn và một viên đạn súng ngắn.
Theo cảnh sát, người họ Nguyễn và 3 người Việt khác là lao động nhập cư ở Đài Loan, bị tình nghi là thành viên của một đường dây tội phạm.
9 người bị bắt đã được bàn giao cho Văn phòng Công tố viên Đào Viên để điều tra thêm, với cáo buộc vi phạm Đạo luật Kiểm soát Súng, Đạn dược và Dao, phía cảnh sát cho biết.
Bí thư xã sát hại cháu, tạo hiện trường giả để lấy tiền bảo hiểm?
Sáng 11/5, Công an tỉnh Đắk Nông thông tin ban đầu vụ giết người tạo hiện trường giả xảy ra tại địa phương liên quan đến vụ ông Đỗ Văn Minh (49 tuổi), Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà (H.Lâm Hà, Lâm Đồng) vừa bị Công an tỉnh Đắk Nông bắt tại tỉnh Bình Phước vì liên quan đến chiếc xe bán tải BS 51C – 715.70 cháy rụi cùng một thi thể biến dạng bên trong xe, nằm trên QL28, được người dân phát hiện sáng 4/5, theo Thanh Niên.
Căn cứ kết quả giám định và thông tin thu thập được, nạn nhân là anh Trần Nho Vương (25 tuổi, trú thôn Đan Hà, xã Đan Phượng, H.Lâm Hà, Lâm Đồng). Xe ô tô bị cháy là của ông Minh.
Công an cũng xác định Minh có hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ từ ngày 9/4/2020, hàng năm đóng 200 triệu đồng và Minh đã đóng 212 triệu đồng của năm 2020. Nếu Minh chết thì người thân sẽ hưởng số tiền 18 tỷ đồng.
Ngày 3/5, Minh ngồi nhậu với anh Trần Nho Vương. Đợi lúc nạn nhân ngủ say, Minh cầm búa rìu đập vào người cháu vợ khiến nạn nhân tử vong. Sau đó, Minh mua 3 can xăng, chất lên xe, đưa thi thể nạn nhân cùng xe đến hiện trường và châm lửa đốt.
Cứu 10 người trong vụ cháy chung cư ở Sài Gòn
10 người được lính giải cứu an toàn trong vụ cháy căn hộ chung cư trên đường Lê Quang Sung, phường 2, quận 6, TP. HCM.
Theo thông tin ban đầu, người dân sinh sống trong hẻm 50/1 Lê Quang Sung phát hiện khói bốc ra từ lầu 1 của chung cư trong hẻm. Người dân sau đó tìm cách chữa cháy và gọi cho đlực lượng PCCC.
Ít phút sau, lực lượng chữa cháy tiếp cận, giải cứu thành công được 10 người. Đến khoảng 18h30, đám cháy được lính cứu hoả dập tắt hoàn toàn.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-chieu-11-5-bi-thu-xa-sat-hai-chau-de-lay-tien-bao-hiem.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.