Tin Biển Đông – 28/05/2020
Tàu chiến Mỹ lại thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông
Hải quân Hoa Kỳ lại một lần nữa thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, với việc điều tàu khu trục USS Mustin mang tên lửa có điều hướng thuộc lớp Arleigh Burke đi gần quần đảo Hoàng Sa hôm thứ Năm 28/5.
Hải quân Hoa Kỳ đã hai lần điều tàu chiến đi như vậy trong một nỗ lực nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong tháng trước, và cũng thực hiện một cuộc hành quân như vậy gần Hoàng Sa hồi tháng 3.
Sự gia tăng nhịp độ các hoạt động này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh về một loạt các vấn đề, bao gồm các nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm kiểm soát Hong Kong và trách nhiệm của họ đối với dịch virus corona.
“Vào ngày 28/5 (giờ địa phương), tàu USS Mustin (DDG 89) đã khẳng định các quyền đi lại và tự do hàng hải ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”, Trung úy Anthony Junco, phát ngôn viên của Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố.
“Khi tiến hành hoạt động này, Hoa Kỳ đã chứng minh rằng các vùng biển này nằm ngoài những gì Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp”, tuyên bố của phía Mỹ nói thêm.
Trong khi đó, tin tức từ phía Trung Quốc dẫn lời một phát ngôn viên của quân đội nước này nói rằng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc hôm 28/5 đã “đuổi” tàu USS Mustin của Mỹ khi con tàu “xâm phạm vùng biển chủ quyền của Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Tây Sa [tức Hoàng Sa] ở Trung Hoa Nam Hải [tức Biển Đông]”.
Cả Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa.
Hoa Kỳ lâu nay vẫn nói rằng Bắc Kinh đã quân sự hóa các đảo trên Biển Đông với việc triển khai các thiết bị quân sự và xây dựng các cơ sở quân sự.
Quân đội Hoa Kỳ gần đây cáo buộc Trung Quốc tìm cách lợi đại dịch virus corona để giành lợi thế quân sự và kinh tế trong khu vực.
(CNN, Thời báo Hoàn cầu)
Đánh giá mức độ ‘hung hăng’ của Trung Quốc trên Biển Đông qua lăng kính luật quốc tế
Triệu Hằng
Liên quan đến tương lai của luật pháp quốc tế và trật tự trên biển ở Biển Đông.
Vụ đụng độ đầu năm nay giữa tàu hải quân Philippine và Trung Quốc xảy ra gần Đá Công Đo (Commodore Reef) như điềm báo cho thấy an ninh hàng hải khu vực trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Về vấn đề này, điều thiết yếu là cần tái thẩm định vụ việc thông qua lăng kính luật pháp quốc tế và trật tự trên biển để hiểu được ý nghĩa của nó, theo bài viết của nhà phân tích an ninh Christian Vicedo đăng trên báo The Diplomat ngày 18/5.
Xem xét lại sự cố Đá Công Đo
Ngày 17/2/2020, tàu hộ tống BRP Conrado Yap (PS-39) của Hải quân Philippine đã tiến hành một nhiệm vụ tuần tra gần Đá Công Đo do Philippine chiếm giữ ở Biển Đông. Trong nhiệm vụ này, tàu PS-39 đã đụng độ với một tàu hải quân Trung Quốc (CNS) có số hiệu 514.
Tàu PS-39 đã phát cảnh báo vô tuyến tới tàu CNS-514 nhưng tàu Trung Quốc phản hồi với tuyên bố như sau: “Chính phủ Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi đối với Biển Đông, các đảo và vùng biển lân cận”. Sau đó, tàu PS-39 đã chỉ dẫn tàu CNS-514 phải tiến tới “điểm tiếp theo” của nó, nhưng tàu Trung Quốc chỉ đơn giản là lặp lại phản ứng trước đó của nó và duy trì tiến trình cũng như tốc độ.
Trong một cuộc phỏng vấn, một quan chức của Bộ Tư Lệnh phương Tây thuộc Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP-WESCOM) nhấn mạnh, theo quan sát trực quan của thủy thủ tàu PS-39, thì lúc đó “hệ thống điều khiển hỏa lực” (gun control director) của CNS-514 đã chĩa về tàu của họ sẵn sàng tác xạ.
Vị quan chức giải thích, quan sát trực quan đã xác định được rằng “hệ thống điều khiển hỏa bắn được dùng để chỉ định và theo dõi các mục tiêu và kích hoạt tất cả các khẩu pháo sẵn sàng bắn trong một giây” từ phía tàu Trung Quốc. Ông cũng lập luận, quan sát trực quan xác nhận tàu Trung Quốc có “ý định thù địch”.
Trong các báo cáo quốc tế về vụ việc đã gọi “hệ thống điều khiển bắn” được nói trên là một “radar điều khiển bắn” (fire control radar). Điều này có ý nghĩa là vì trong các hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, hệ thống điều khiển bắn thực hiện các giải pháp lượng giác để bắn vào mục tiêu, và rada cấp thông tin
vị trí của mục tiêu, thường được sử dụng như một tổ hợp vũ khí trong hệ thống điều khiển bắn, như Ceros 200 của SAAB và radar điều khiển hỏa lực LIROD Mk2 của Thales.
CNS-514 đang được nói đến là tàu Lục Bàn Thủy (Liupanshui) của Hải quân Trung Quốc, hộ tống nó là tàu Giang Đảo (Jiangdao) Type 056A trang bị radar điều khiển hỏa lực Type LR66 và Type IR 17 quang điện tử dẫn hướng hệ thống vũ khí.
Sự cố Đá Công Đo và Luật quốc tế
Về mặt pháp lý, Đá Công Đo được coi là một đá nổi (rock), theo sau Phán quyết Trọng tài 2016 về vụ kiện của Philippine chống Trung Quốc. Về phần này, Đá Công Đo được hưởng quy chế lãnh hải. Đồng thời, Đá Công Đo nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippine (EEZ).
Vì vậy, tùy thuộc khoảng cách vị trí chính xác trong vụ việc Đá Công Đo, một trong hai cách thức điều hướng có thể được áp dụng, theo 2 tình huống như sau:
Trong tình huống lãnh hải, theo Công ước Luật Biển (LOSC), tàu CNS-514 chỉ được quyền tiến hành “đi qua vô hại” (“innocent passage“). Và theo LOSC, PS-39 có thể thực hiện các bước cần thiết để “ngăn chặn việc đi qua không vô hại” (“prevent passage which is not innocent“) là một trong những điều gây phương hại đến “hòa bình, trật tự hoặc an ninh” quốc gia. Như vậy, việc PS-39 chỉ hướng cho CNS-514 “tiến hành đến điểm kế tiếp” là đúng thẩm quyền. Như LOSC quy định, CNS-514 cần nhanh chóng thực hiện yêu cầu của tàu Philippines và không sử dụng các mối đe dọa bằng vũ lực.
Trong tình huống EEZ, CNS-514 chỉ đơn giản là họ được phép khẳng định việc thực thi quyền tự do hàng hải của mình chứ không thể tuyên bố là “chủ quyền không thể chối cãi của Trung Quốc”. Trong kịch bản này, tàu Philippines PS-39 không thể chặn quyền tự do hàng hải, bởi EEZ được coi là một phần của vùng biển quốc tế nơi một quốc gia được thực hiện các quyền tự do trên biển. Cũng phải nhấn mạnh rằng, theo LOSC, các vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế sẽ được dành cho các mục đích hòa bình. Điều này có nghĩa là việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực không được khuyến khích.
Do đó, câu hỏi liên quan tiếp theo là liệu việc CNS-514 nhắm radar điều khiển hỏa lực vào PS-39 có được xem là mối đe dọa sử dụng vũ lực hoặc có ý định thù địch hay không.
Theo Cẩm nang về quy tắc Ứng xử San Remo (ROE) năm 2009, các hành vi “nhắm vào và chỉ hướng vũ khí” hoặc “dùng rada chiếu sáng hoặc chỉ hướng laser” được coi là biểu thị của “ý định thù địch”.
Hành động kích hoạt radar điều khiển hỏa lực trên tàu dưới hình thức cảnh báo chỉ được chấp nhận là một biện pháp chủ động trong việc xác định ý định thù địch của một tàu khác nếu sau khi nó biểu thị dấu hiệu của thù địch.
Do “cảnh báo vô tuyến” không phải là dấu hiệu của ý định thù địch trong Cẩm nang ROE, nên hành động của PS-39 được hiểu là không biểu thị cho “ý định thù địch”, khiến cho hành động chĩa radar hỏa lực của CNS-514 vào PS-39 là không phù hợp.
Thêm vào đó, áp dụng “Bộ Quy tắc tránh va chạm ngoài ý muốn trên biển” (Code for Unplanned Encounters at Sea – CUES) trên Biển Đông, thỏa thuận mà Trung Quốc đã đạt được với các nước ASEAN trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần 19 vào năm 2016. Trung Quốc cũng nhận được sự tán thành từ các nước thuộc ASEAN + đối với thỏa thuận CUES trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 5 năm 2018.
Xét theo CUES, một giao thức được chuẩn hóa, mang cả ý nghĩa về hoạt động hàng hải và chính trị khi nó được thông qua trong Hội nghị chuyên đề Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) do Trung Quốc tổ chức vào năm 2014, các hành động của tàu 514 Trung Quốc mâu thuẫn với CUES, do tàu này đã sử dụng “radar điều khiển hỏa lực”.
Sự cố Đá Công Đo và Trật tự trên Biển
Các hành động của tàu CNS-514 cũng mâu thuẫn với các nguyên tắc được đặt ra trong các thỏa thuận đa phương về trật tự và hòa bình trong các tranh chấp trên Biển Đông mà Trung Quốc đã tuyên bố ủng hộ.
Cần nhắc lại rằng theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea – DOC), các bên cam kết “giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán của họ bằng biện pháp hòa bình, không dùng đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực” như quy định của LOSC.
Tương lai của luật pháp quốc tế và trật tự trên biển được cho là có triển vọng mờ mịt, khi quốc gia ven biển mạnh nhất và có ảnh hưởng nhất ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như các quy tắc được đặt ra bởi các thỏa thuận an ninh hàng hải đa phương mà trong đó nó đứng riêng một bên.
Trong trường hợp thiếu một sự hòa giải an ninh đa phương, để có thể chủ động bảo vệ trật tự biển dựa trên các quy tắc và ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, thì có thể Trung Quốc tiếp tục tuyên bố rằng họ tôn trọng luật pháp quốc tế và ủng hộ trật tự trên biển nhưng thực tế đó họ sẽ hành xử theo một kiểu hoàn toàn khác.
Tương tự, Trung Quốc có thể mở rộng các hoạt động cưỡng chế “Vùng Xám” (Gray Zone) và thúc đẩy các kịch bản tấn công gần như vũ trang để áp đặt các yêu sách lãnh thổ và hàng hải của mình đối với các quốc gia tiểu cường láng giềng.
Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục đe dọa các quốc gia yếu nhược bằng cách lớn giọng bác bỏ các phản đối ngoại giao và những biện pháp pháp lý khác là “cáo buộc sai trái”, “khiêu khích” và là “phán quyết quốc tế không thể chấp nhận được”, như cách họ từng ra rả tuyên bố liên quan đến vụ việc Đá Công Đo nói trên và Cuộc tranh chấp bãi cạn Scarborough năm 2012 cũng như Phán quyết Trọng tài năm 2016 trong vụ kiện của Phillippine chống Trung Quốc.
Theo The Diplomat
Triệu Hằng dịch và biên tập
Biển Đông: Tham vọng Trung Quốc và chiến lược Việt, Mỹ thời Covid-19
Mỹ HằngBBC News Tiếng Việt
Chiến lược quốc gia chính của TQ từ nay đến năm 2045 là tăng cường sức mạnh mềm, hiện đại hóa quân đội, và trở thành một nước có sức ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Để làm được điều này, Trung Quốc sẽ nỗ lực làm giảm ảnh hưởng và sự hiện diện của Mỹ, làm suy yếu các đồng minh của Mỹ, bắt nạt các nước láng giềng và giành quyền kiểm soát trên Biển Đông.
Thông tin này được bà Bonnie Glaser, Cố vấn Cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đưa ra tại cuộc trao đổi trực tuyến tại ĐSQ Mỹ ở Hà Nội với báo giới hôm 27/5 về chủ đề An ninh Khu vực Biển Đông giai đoạn Covid-19.
Theo bà Bonnie Glaser, mục tiêu quốc gia của ông Tập Cận Bình đến năm 2045 là đưa Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, có ảnh hưởng toàn cầu, là lãnh đạo tiên phong về đổi mới, với lực lượng quân đội hùng mạnh nhất.
Mỗi nước phải tự xác định đi theo lập trường nào để thiết lập quan hệ với các nước có cùng chí hướng mà không phải chống lại Trung Quốc.Bà Bonnie Glaser, Cố vấn Cấp cao về châu Á của Mỹ
Liệu Trung Quốc có đang tranh thủ đại dịch Covid-19 để tăng cường gây sức ép trên Biển Đông nhằm tăng tốc cho tham vọng bá chủ của mình? Và Việt Nam, các nước có chung lợi ích trong khu vực, cùng các cường quốc như Mỹ, có thể làm gì để đương đầu với Trung Quốc?
BBC News Tiếng Việt ghi lại các điểm chính mà bà Bonnie Glaser đưa ra để trả lời câu hỏi của báo giới quanh các vấn đề này.
TQ lợi dụng Covid-19 để tăng cường hoạt động trên Biển Đông?
Theo bà Bonnie Glaser, quan điểm này được một số người đưa ra, nhưng bà cho rằng những gì Trung Quốc tiến hành trên Biển Đông trong thời gian dịch bệnh không có gì khác với những gì họ đã làm trước đây.
“Ví dụ như việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò tới khu vực ngoài khơi Malaysia, việc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương tới khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam, rõ ràng không có sự liên quan của Covid-19. Đó là những thứ mà Trung Quốc đã luôn luôn thực hiện. Thậm chí việc Trung Quốc đánh chìm tàu cá Việt Nam vừa qua cũng không phải là cái gì mới. Trung Quốc thỉnh thoảng vẫn đánh chìm các tàu cá nước ngoài nếu họ nghĩ các tàu cá này có vẻ khiêu khích họ theo cách nào đó.”
“Hành động của Trung Quốc đôi khi có thể hiểu được rằng, không phải họ đang tận dụng tình huống, mà là việc họ phản ứng lại các tình huống mà họ cho là khiêu khích họ từ các nước khác.”
Việt Nam và chính sách với Mỹ?
Trước câu hỏi Việt Nam có nên và có thể nâng tầm quan hệ đối tác toàn diện vỡi Mỹ thành quan hệ đối tác chiến lược, trong khi luôn tuyên bố trung thành với chính sách ’4 không’, bà Bonnie Glaser cho hay:
“Việt Nam không phải là nước duy nhất có chính sách ‘không liên lết với nước này để chống nước kia’. Nhiều nước trên thế giới cũng có chính sách tương tự. Mỗi nước phải tự xác định đi theo lập trường nào. Bạn có thể thiết lập quan hệ quân sự với nước này, và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với nước kia, chẳng hạn với Mỹ, đó là một ví dụ, mà không phải chống lại Trung Quốc.”
“Việt Nam có thể cho phép lực lượng cứu trợ của Mỹ hoạt động tại nước mình khi có thảm họa thiên nhiên, hoặc tham gia diễn tập quân sự với Mỹ. Những hoạt động này cũng gửi tín hiện tới Trung Quốc về các lo ngại chung mà các nước chia sẻ, như về sự bắt nạt của Trung Quốc với Việt Nam và các nước khác trong việc khai thác năng lượng ở vùng đặc quyền kinh tế trên Biển Đông.”
“Mỗi nước cần tìm ra cho mình một ‘khu vực an toàn’ để ra tín hiệu rằng không liên kết với nước này để chống nước kia, nhưng vẫn có thể hợp tác cùng các nước khác để bảo vệ lợi ích của mình. Tôi cho rằng điều này cũng đã được nhìn thấy trên thực tế, qua việc Mỹ gửi tàu sân bay thăm cảng ít nhất hai lần tới Việt Nam vừa qua. Việt Nam có thể xem xét mở rộng hoạt động này với Mỹ. Vì đó là tín hiệu gửi tới Trung Quốc rằng Việt Nam vẫn có lựa chọn khác, nếu Việt Nam thực sự muốn tác động và thay đổi thái độ của Trung Quốc.”
Ý nghĩa việc Mỹ mời VN tham gia RIMPAC 2020
Theo bà Bonnie Glaser, tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) là hoạt động hợp tác tập trận chung của các nước có chung quan điểm, cùng chia sẻ các nguyên tắc chung về tôn trọng trật tự thế giới, chia sẻ mối quan tâm chung về các giải pháp hòa bình, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nước theo luật quốc tế. Các nước này cùng nhóm lại, cùng tập luyện các kỹ năng cần thiết phục vụ cho lực lượng hải quân. Do đó đây là cơ hội “rất quan trọng cho Việt Nam”.
“Bởi đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam ra tín hiệu rằng Việt Nam muốn trở thành một thành viên linh hoạt với nhóm các nước có cùng chí hướng, mà không cần phải chính thức ‘liên kết’ với nước nào. Mà chỉ là một nhóm các nước có mối quan tâm chung cùng nhóm lại để nâng cao các kỹ năng, năng lực hải quân cần thiết. Đây thực sự là cơ hội tốt cho Việt Nam.”
Vai trò Chủ tịch ASEAN giúp gì cho VN?
Bà Bonnie Glaser đánh giá rằng việc Việt Nam trở thành Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2020 là cơ hội tốt để đương đầu với Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên có một số bất lợi mà Việt Nam cần vượt qua để phát huy tốt vai trò của mình do đây là thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành.
“Luôn luôn có cơ hội cho các nước đóng vai trò Chủ tịch ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Thật không may là năm nay chúng ta lại đang đối mặt với dịch bệnh Covid-19, và điều này có vẻ như làm chậm lại các tiến trình đàm phán COC. Nhưng hi vọng là Việt Nam vẫn có thể tổ chức các cuộc đàm phán để hợp tác online với các quốc gia khác.”
“Tôi hi vọng là sẽ có thêm các quan điểm chung được củng cố giữa các quốc gia ASEAN về việc làm thế nào để đối phó với Trung Quốc. Đó là một thách thức lớn. Nhưng ASEAN cần phải nói chuyện với nhau về cái gì là quan trọng nhất của một bộ COC. Bởi vì nếu chỉ đơn giản đàm phán COC với TQ mà không hiểu được cái quan trọng nhất là gì thì Trung Quốc có thể nắm quyền điểu khiển giữa và trong các quốc gia ASEAN, có thể gây chia rẽ các quốc gia ASEAN.”
“Trung Quốc không quan tâm tới việc phục vụ một ASEAN thống nhất và đoàn kết, mà muốn một ASEAN chia rẽ và yếu kém. Do đó tôi hi vọng Việt Nam sẽ đóng vai trò của mình để củng cố một ASEAN mạnh mẽ hơn, để thúc đẩy một số quan điểm, và đưa đối thoại COC quay trở lại, để đảm bảo rằng có một số phản ứng chống lại một số đòi hỏi của Trung Quốc, chống lại một số ngôn ngữ mà Trung Quốc cố gắng đưa vào COC có thể gây bất lợi cho lợi ích của các quốc gia ASEAN thành viên,” bà Bonnie Glaser nói.
Việc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
“Theo tôi hiểu thì đây là một chủ đề mà Việt Nam đã nghĩ tới nhiều năm qua. Nhiều thông tin đã được thu thập, củng cố, và tôi được cho biết rằng Việt Nam luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào, ngay khi có quyết định cuối cùng, để đưa vụ việc ra tòa,” bà Bonnie Glaser nhận định.
“Tôi chắc chắn rằng đã có những tranh luận ở Việt Nam về cái lợi, cái hại, cái được, cái mất của quyết định này… Và đó phải là quyết định cuối cùng mà Việt Nam cần tự mình đưa ra. Tôi cho rằng đó cũng là điều mà Trung Quốc lo lắng. Do đó nó thực sự tùy thuộc việc Việt Nam cần làm rõ ràng rằng có đúng là họ muốn đưa vụ việc ra tòa hay không. Và nếu Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào chủ quyền biển của Việt Nam thì đến một lúc nào đó Việt Nam cần phải thực hiện điều này.”
Mỹ sẽ tiến xa tới mức nào trong việc đối đầu với TQ?
Theo bà Bonnie Glaser, không có một tiêu chuẩn chuẩn mực nào cho phản ứng của Mỹ với Trung Quốc. Bà phân tích:
“Tôi không nghĩ chính phủ Mỹ chuẩn bị trước rằng họ sẽ tiến bao xa trong việc đối đầu với Trung Quốc. Đó hẳn phải là bước cuối cùng mà Mỹ thực hiện. Bởi vì luôn có tính ngẫu nhiên trong các tình huống.”
“Nếu Trung Quốc muốn dùng vũ lực để chống lại một nước nào đó thì Mỹ hẳn sẽ xem xét xem có tham gia vào không? Một kịch bản mà tôi nghĩ tới là Trung Quốc dùng vũ lực quân sự để chặn tự do hàng hải trên khu vực tranh chấp trên Biển Đông, thì Mỹ sẽ phải xem xét để ra tín hiệu rằng các hành động này là không thể chấp nhận được.”
“Quyết tâm rõ ràng hơn hiện nay của Mỹ là sẵn sàng hơn trong việc hứng chịu các rủi ro có thể có với Trung Quốc hơn là Mỹ từng trong quá khứ. Tuy nhiên cũng rõ ràng rằng, Mỹ không muốn kết thúc trong xung đột leo thang hay trong các vụ đụng độ, va chạm với Trung Quốc… Mỹ muốn thấy sự khác biệt giữa hai bên được đặt xuống bàn thảo trong hòa bình, qua đối thoại. “
“Trung Quốc cũng vậy, họ không muốn làm căng thêm xung đột với Mỹ. Các mục tiêu quốc gia của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu họ dự vào một cuộc chiến tranh với Mỹ. Trung Quốc muốn thắng mà không phải chiến tranh, dù điều này không có nghĩa là Trung Quốc không có các hành động khiêu khích.”
Bắc Kinh muốn gây ảnh hưởng tới VN trước thềm ĐH Đảng lần thứ 13?
Bà Bonnie Glaser cho hay bà không phân tích nội bộ chính trị của Việt Nam, nhưng bà tin rằng “Trung Quốc luôn muốn, và ngày càng cố gắng gây ảnh hưởng đến nội bộ chính trị của các nước khác.”
“Ví dụ tốt nhất là Úc. Chúng ta có thể thấy Trung Quốc đã rất kiên quyết trong việc can thiệp vào xã hội và chính trị nước này. Trong đó vài năm trước, Trung Quốc đã dùng tiền để xây đắp quan hệ với các chính trị gia trong Quốc hội Úc. Từ đó, Úc đã thông qua Đạo luật cấm các khoản đóng góp tài trợ chính trị từ nước ngoài có hiệu lực từ đầu tháng 1/2019. Đó chỉ là một ví dụ. Chúng ta có thể nhìn thấy vô vàn các ví dụ như vậy.”
“Covid-19 đã thực sự cho thấy một sự quyết tâm mới của Trung Quốc trong việc dùng tin giả và chính sách ngoại giao ‘chiến binh sói’ để buộc tội các quốc gia khác. Điều này thực sự đáng kinh ngạc, nó vốn không phải là điều chúng ta thường thấy trong quá khứ. Trung Quốc đã rất nỗ lực truyền bá các tin giả như ai tạo ra virus, ai là người khởi xướng, thậm chí tới mức họ còn truyền tin rằng Pháp bỏ mặc cho người dân chết trong nhà thương. Bằng cách nào đó họ nghĩ rằng những thông tin này phục vụ cho lợi ích của họ.”
“Do đó, chúng ta đang thấy các cách sáng tạo hơn của Trung Quốc trong nỗ lực can thiệp vào nội bộ chính trị Việt Nam, có thể qua truyền thông, qua can thiệp vào Facebook, Twitter… Việt Nam nên dự đoán trước những gì Trung Quóc có thể làm, và cố gắng xây dựng các rào chắn ở bất cứ lĩnh vực nào có thể để đảm bảo hệ thống chính trị đủ sức bền, đủ sức chịu đựng, và không dễ bị tổn thương từ các hoạt động can thiệp chính trị của Trung Quốc.”
Bắc Kinh mở chiến dịch tuyên chiến với các bản đồ “thiếu đường lưỡi bò”
Minh Luật
Hôm 26/5, tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, chính quyền thủ đô Bắc Kinh sẽ khởi động chiến dịch tuyên chiến với tất cả các bản đồ “có vấn đề”, bao gồm các bản đồ “thiếu đường chín đoạn”, đe dọa đến sự thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Theo đó, các ban ngành chính quyền TP Bắc Kinh, bao gồm lực lượng chấp pháp trên không gian mạng, sẽ đồng loạt ra quân tiến hành kiểm tra các nhà xuất bản bản đồ, người dùng bản đồ, cũng như các nhà cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến trên khắp thủ đô.
Các bản đồ “có vấn đề” được giới chức nước này xác định là bản đồ mô tả không chính xác lãnh thổ của Trung Quốc, bao gồm Đài Loan, các đảo ở Biển Đông, đường chín đoạn (đường lưỡi bò), và cả việc viết không đúng tên gọi các đảo…
Giới chức Bắc Kinh cho hay, chiến dịch này nhắm đến các cơ quan báo chí, xuất bản, phim và truyền hình, bản đồ dùng giảng dạy trong các trường tiểu học và trung học, và các nhà cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến ở Trung Quốc.
Cũng theo nguồn tin này cho biết, trong những năm qua, Trung Quốc đã duy trì một cuộc tấn công mạnh mẽ đối với các bản đồ không chính xác. Trong nửa đầu năm 2019, Trung Quốc đã yêu cầu 29 trong số 500 công ty hàng đầu thế giới phải chỉnh sửa lại bản đồ trên mạng đã mô tả không chính xác lãnh thổ của Trung Quốc.
“Những người vi phạm, mô tả bản đồ không chính xác lãnh thổ của Trung Quốc, gây nguy hại cho sự thống nhất chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, nếu nghiêm trọng sẽ phải đối mặt với các án phạt hình sự”, Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc cảnh báo.
Có thể nói, động thái này của chính quyền Trung Quốc như là sự “cưỡng bức tuyên truyền”, biến mọi thành phần người dân trong xã hội Trung Quốc thành những “tuyên truyền viên” dễ bị trừng phạt tại các quốc gia trong khu vực.
Chẳng hạn, nếu một người Trung Quốc mang bản đồ có “đường lưỡi bò” khi nhập cảnh vào Việt Nam, nếu bị phát hiện họ có thể bị phạt lên tới 30 triệu đồng, thậm chí có thể bị trục xuất sau đó.
Như mới đây, vào ngày 21/5, bà Tổng giám đốc Bayer Việt Nam Lynette Moey Yu Lin (quốc tịch Malaysia gốc Trung Quốc) đã bị Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM xử phạt 30 triệu đồng và tịch thu 1 máy điện thoại di động vì đã gửi tài liệu có đính kèm bản đồ ‘đường lưỡi bò’ cho một số nhân viên dưới quyền.
“Đường chín đoạn” hay được gọi là “đường lưỡi bò” là một yêu sách của chính quyền Trung Quốc trong việc giành quyền độc chiếm biển Đông. Yêu sách này đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ vì không có cơ sở pháp lý lẫn thực tế, trong một phán quyết được ban hành hồi năm 2016, vụ Philippines kiện Trung Quốc vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
0 comments