Tin Việt Nam – 18/04/2020
Saturday, April 18, 2020
3:12:00 PM
//
- Slider
,
- Tin Việt Nam
Nguyễn Thiện Nhân lại tuyên bố sẽ giao đất cho dân oan Thủ Thiêm vào cuối tháng 4
Tin Saigon.- Báo Vietnamnet ngày 17 tháng 4 năm 2020 loan tin, tại Hội nghị lần thứ 40 Ban chấp hành đảng bộ Cộng sản tại Sài Gòn, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành phố tuyên bố, nhà cầm quyền sẽ giao đất cho dân oan ở khu Thủ thiêm trước ngày 30 tháng 4, hoặc chậm nhất là đầu tháng 5.
Ông Nhân nói rằng, nhà cầm quyền thành phố đã có đủ điều kiện để giao đất cho người dân oan ở khu 4.3ha nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm. Tuy nhiên, nhà cầm quyền làm quá chậm nên chưa có người dân oan nào nhận được. Vì vậy, ông Nhân đề nghị các cơ quan trách nhiệm phải giao đất cho người dân trước ngày 30 tháng 4, chậm nhất là đầu tháng 5.
Hiện nhà cầm quyền thành phố sẽ sửa sai hành động cướp đất của người dân bằng cách hoán đổi đất, nhà cửa cho người dân ở khu 4.3 ha. Theo ông Nhân, cách giải quyết này đã được 331 gia đình đồng ý. Tuy nhiên, người dân cho rằng đây chỉ là lời nói đãi bôi của ông Nguyễn Thiện Nhân.
Bởi trước đó, đã nhiều lần ông Nhân đưa ra những tuyên bố như: trong tháng 7 năm 2019 sẽ giải quyết xong khiếu kiện ở Thủ thiêm; hoặc tháng 11 năm 2018 sẽ gỉai quyết viên chức sai phạm ở Thủ Thiêm. Tuy nhiên, cho đến nay thì người dân Thủ Thiêm chưa thấy ông Nhân giải quyết được gì, ngược lại, một số người dân oan nơi đây vẫn bị nhà cầm quyền đàn áp, canh gác trước cửa nhà.
An Nhiên
Cơ quan chức năng tiếp tục khống chế mọi thông tin
và hoạt động liên quan cái chết cụ Lê Đình Kình
Vài ngày trước ngày giỗ 100 ngày mất của cụ Lê Đình Kình, chính quyền địa phương đã điều động công an cơ động đến khu vực nhà bà Dư Thị Thành, vơ cụ Kình, để canh giữ. Bà Thành cho RFA biết hôm ngày 17 tháng 4:
“Từ ngày 15 tháng 4 đến giờ, công an người ta đến canh nhà tôi suốt cho đến ngày hôm nay là ngày giỗ 100 ngày của ông, thì người ta đến làm việc với dân là sau này có ai hỏi gì và không được nói gì. Người canh thì họ cứ ngồi ngoài đấy thôi; có người đến thì họ gọi lên văn phòng. Còn những người (canh) thì họ cứ ngồi đấy thôi.”
Hiện tại, liên quan đến vụ án Đồng Tâm, có tổng cộng 28 người đang bị giam giữ, trong số đó, bà Thành lo lắng nhất là anh Lê Đình Chức vì tình trạng sức khỏe rất nghiêm trọng sau khi bị đánh vỡ đầu vào ngày 9 tháng 1:
“Chúng tôi có làm đơn để xin cho cháu Chức đưa đi ra để chữa bệnh nhưng người ta vẫn chưa đáp ứng; Chức bị đánh vỡ đầu (trong vụ 9/1) bây giờ liệt hết nửa người rồi. Bây giờ làm đơn xin cho ra nhưng người ta không chấp thuận.”
Bà Thành cho biết thêm, thông tin về tình trạng của tất cả 28 người đang bị giam giữ hiện gia đình vẫn không được cho biết:
“Mình không được biết, không được cho vào và làm gì hết. Họ như biệt tăm, không biết.”
Cùng ngày, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho hay đã hơn một tháng qua, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra hướng giải quyết sau khi đơn tố giác của gia đình cụ Kình và cụ Thành được gửi đến Viện Kiểm soát Tối cao, yêu cầu điều tra hành vi của hàng trăm cảnh sát cơ động tấn công và giết cụ Kình tại phòng ngủ. Ngoài ra, thông tin về 28 người bị bắt giam vẫn không được làm rõ:
“Qua thông tin của gia đình cụ Dư Thị Thành cho biết thì các luật sư của anh Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy và Lê Đình Doanh cũng có tham dự cung với các anh một lần. Trong khoảng 1 tháng nay do dịch bệnh Covid-19, nên bên cảnh sát điều tra họ cũng không tiến hành hỏi cung nên các luật sư vẫn chưa đến lần thứ hai.”
Về vấn đề này, luật sư Ngô Anh Tuấn, luật sư đại diện và bào chữa cho ông Lê Đình Quang, một trong những người dân Đồng Tâm bị công an bắt giữ, cho biết hiện tại những người bị bắt đang tại trại giam số 2 tại Thanh Trì, Hà Nội. Theo luật sư Tuấn, tính đến nay ông cùng các luật sư bào chữa khác đã đến lấy cung một lần, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát hơn một tháng nay, cơ quan chức năng không có tiến hành lấy cung:
“Việc này trúng vào đợt dịch, nên chúng tôi cũng chưa gắt gao về việc ý kiến, nhưng sắp tới chúng tôi sẽ có ý kiến về vấn đề này, có nghĩa là yêu cầu họ phải trả lời cụ thể, chứ không phải nói sơ là ông chết vì lý do này, bắn vì phản động…, nếu chết người thì phải có lý do và có thông tin rõ ràng, nên chúng tôi sẽ yêu cầu làm rõ điều này. Hiện tại, chưa có bất cứ thông tin nào từ phía cơ quan công an, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Hà Nội thi vẫn chưa. Viện Kiểm soát Cấp cao cũng đã truyền đơn xuống thành phố rồi, hiện tại họ vẫn chưa trả lời.”
Theo ông Tuấn, trong lần đi lấy cung đầu tiên ông không được cho biết là có tình trạng bức cung, tra tấn xảy ra trong trại giam:
“Trước đây, việc có bức cung hay không thì thực tế trong thời gian này thì không ai nói; không ai biết những vết thương mà họ bị đánh. Nếu có chụp lại thì có thể xảy ra trước giai đoạn bị tạm giam, cho nên trong thời gian trong trại tạm giam, thì mặc dù không độc lập với các ngành khác, nhưng họ quản lý tương đối tốt.”
Tuy nhiên, anh Trịnh Bá Phương cho biết những khi tìm hiểu qua cụ Dư Thị Thành và những nhân chứng khác, tình trạng tra tấn các tù nhân bị giam là có xảy ra:
“Theo tôi được biết, ngay sao vù đàn áp hôm 9 tháng 1, sau khi cảnh sát cơ động giết cụ Kình và bắt hơn 20 người đó thì rất nhiều người đã bị đánh đập rất tàn bạo. Cụ Dư Thị Thành trước khi về cũng chứng kiến con trai cụ là Lê Đình Công đã bị đánh rất dã man. Ông Bùi Đức Hiếu cũng bị đánh rất tàn
bào, phải truyền nước. Rất nhiều dấu hiệu của sự tra tấn và bức cung. Rất nhiều nhân chứng và cụ Dư Thị Thành đã cho biết như vậy.”
Bà Thành cho biết đến thời điểm này, thư tố giác cho vụ cụ Kình bị giết trong phòng ngủ vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào hồi đáp. Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết, thời hạn cho các cơ quan chức năng đưa ra kết luận cho đơn tố giác tội phạm là từ 2-4 tháng:
“Trong thời hạn đơn tố giác tội phạm, họ phải phân loại trong vòng 2 tháng họ phải trả lời. Nếu họ nói họ không có cơ sở thì họ cũng phải trả lời bằng văn bản trong vòng 2 tháng được đưa ra. Sua 2 tháng đó còn gia hạn thêm 2 tháng nữa là 4 tháng thì họ phải ra kết luận. Tối đa là 4 tháng họ phải ra kết luận thông báo về việc xử lý đơn, thư của mình. Nếu không có trả lời trong vòng 2 tháng thì các luật sư đại diện các nạn nhân sẽ có đơn thư ý kiến khiếu nại đối với các cơ quan có liên quan.”
Hiện tại, bà Dư Thị Thành vẫn tiếp tục làm đám giỗ 100 ngày cho cụ Kình, nhưng chỉ bao gồm các thành viên trong gia đình do vẫn đang bị chính quyền canh giữ chặt chẽ.
Anh Trịnh Bá Phương cho biết chính quyền vẫn tiếp tục cử lực lượng công an đến canh nhà anh và nhiều nhà hoạt động khác quan tâm đến vụ án Đồng Tâm:
“Tôi nghĩ là có thể cũng trong dịp 100 ngày cụ Kình mất, công an đến để quấy nhiễu và khống chế gia đình để ngăn chặn mọi người có thể làm theo phong tục truyền thống, 100 ngày có thắp hương lên cụ Kình. Chắc là phía công an họ cũng sợ nên họ mới tổ chức canh giữ nhiều người đến vậy.”
Anh Lã Việt Dũng cũng cho biết, trong thời gian này những nhà hoạt động như anh chỉ có thể lên tiếng, chứ chưa thể đi đến được Đồng Tâm để chia sẻ cùng gia đình:
“Bởi vì hiện tại đến bây giờ và chắc chắn là ngày mai nữa về việc công an họ đến canh từng nhà những người hoạt động về vụ Đồng Tâm. Họ canh suốt, nên chắc chắn họ sẽ không thể nào có thể động viên trực tiếp một sự chia sẻ, hay cúng viến và tham dự đám giỗ được.”
Cũng theo anh Dũng, do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn ra, nên việc đến thăm cũng là điều khó khăn cho nhiều người. Ngoài ra, anh Dũng cho rằng chính quyền có thể căn cứ vào việc ngăn chặn dịch bệnh và giãn cách xã hội để có lý do bắt người một cách trái phép.
Đăng ảnh người khác lên Facebook
bị phạt 20 triệu có hợp lý?
Ngày 3 tháng 2 năm 2020, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 15, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, chính thức có hiệu lực từ 15 tháng 4 năm 2020.
Nghị định 15 của chính phủ có 124 điều khoản, trong đó có điều khoản số 84 gây nhiều tranh cãi, vì liên quan đến khả năng người dùng Facebook có thể bị phạt từ 10 đến 20 triệu vì đăng tải hình ảnh, thông tin của người khác. Tuy nhiên điều 84 lại không phân loại rõ liệu hình ảnh đăng tải có vì mục đích chống tiêu cực hay không?
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 17 tháng 4 năm 2020, Nhà báo Võ Văn Tạo, nhận định:
Nội dung này không rõ ràng, đáng lẽ, phải nói cụ thể ra, chứ không thể nói chung chung như thế được, dễ bị nhà cầm quyền, cơ quan chức năng lạm quyền.
-Nhà báo Võ Văn Tạo
“Nghị định 15 của chính phủ Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15/4, liên quan đến bưu chính viễn thông là chính, ngoài ra, đối với người dân, có phần nhỏ nói về thông tin trên mạng, có những điều khoảng các mức chế tài đối với việc sử dụng các hình ảnh cá nhân, mà chưa được sự đồng ý thì có thể bị phạt. Theo tôi, nội dung này không rõ ràng, đáng lẽ, phải nói cụ thể ra, chứ không thể nói chung chung như thế được, dễ bị nhà cầm quyền, cơ quan chức năng lạm quyền. Nó không hợp lý, thậm chí còn vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của công dân.”
Theo Nhà báo Võ Văn Tạo, đảng và nhà nước đều kêu gọi người dân tố cáo, chống lại tiêu cực, tham nhũng…. nếu đứng theo chủ trương này thì lẽ ra người dân chụp ảnh (cơ ngơi cán bộ) phải không bị gì. Nhưng nghị định 15 này, nếu máy móc chiếu ra thì ‘nhà người ta’ không được phép thông tin như thế… vì là thông tin cá nhân, tên tuổi của người ta, chức vụ của người ta… sao lại đưa lên Facebook? Ông cho rằng như vậy là chưa hợp lý, chưa rõ ràng, rất dễ bị hiểu lầm và vi phạm một cách không cố ý và sự trừng phạt một cách oan uổng có thể xảy ra.
Ngoài việc quy định đăng ảnh cá nhân người khác có thể bị phạt, nghị định 15 cũng quy định tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình người khác… cũng bị xử phạt.
Nhà hoạt động Trần Bang, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 17 tháng 4 năm 2020 liên quan vấn đề này, nói:
“Nếu quy định đăng hình người khác trên Facebook, nhưng không nói rõ: Người đó là ai? Chụp ảnh đó ở đâu? Thì nó vơ đũa cả nắm, dẫn đến hệ quả pháp luật tù mù, quyền lực pháp luật lại nằm trong tay người hành pháp, hành pháp ở đây là Chính phủ bao gồm bộ công an, bộ và các tỉnh thành… Vừa vi phạm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận… của người dân. Vừa bảo vệ kẻ lạm quyền, tham nhũng.”
Theo ông Trần Bang, nếu muốn bảo vệ quyền bí mật, quyền riêng tư… thì đã có luật rồi, ai thấy hình ảnh mình bị đăng mà vi phạm “quyền bí mật, quyền riêng tư” thì phải đi kiện và chỉ toà án mới có quyền kết tội và phạt ai đó theo luật định. Ông nói tiếp:
“Quy định ảnh “người của công chúng”, hay hình ảnh “nơi công cộng”, thì đăng không phạm luật… Thế nào là người của công chúng? Thế nào là nơi công cộng? Hai cái này đã có trong nhiều quy định giống như lệ, nhiều ngươi cũng hiểu, nhưng hình như chưa luật hoá(?) Nếu cần phải luật hoá rõ hai điều này hơn. Chẳng hạn ca sĩ, chính trị gia, công chức, quan chức, doanh nhân, người hoạt động xã hội… là người công chúng.”
Điều 32 Bộ luật Dân sự số 91/2015 quy định, mọi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu có tranh chấp, tòa án sẽ ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại…
Từ Hà Nội, Luật sư Hà Huy Sơn nhận định với Đài Á Châu Tự Do:
“Theo tôi, nghị định 15 hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân. Đúng ra, nghị định đó phải ghi rõ ràng là nếu sai sự thật, hoặc gây hậu quả… như những điều đã ghi trong Bộ luật dân sự, và nếu mức độ nặng hơn thì cũng đã quy định trong Bộ luật hình sự. Cho nên tôi cho rằng nghị định 15 này là không cần thiết, mặc tiêu cực nhiều hơn là những gì tích cực nó đem lại cho xã hội.”
Thời gian gần đây, chính quyền rất mạnh tay trong việc xử phạt, bắt giam nhiều facebooker vì đăng tải thông tin không theo sự kiểm soát của nhà cầm quyền. Mới nhất là trường hợp hai Facebookers ở Đà Lạt và Cần Thơ vào ngày 13/4 bị khởi tố và bị bắt tạm giam về những bài viết liên quan đến dịch COVID-19. Viện Kiểm Sát cáo buộc hai facebooker này tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích, quyền hợp pháp của tổ chức, công dân’.
Không chỉ vì đăng tải thông tin liên quan Covid-19 mới bị xử phạt. một tài xế đăng hình ảnh, clip về cảnh sát giao thông (CSGT) lên Facebook bị cho là xúc phạm CSGT nên bị phạt hành chính 7,5 triệu đồng. Hay trường hợp ông Trần Đình Sang một facebooker nổi tiếng với tài khoản “Trần Đình Sang và những người bạn” chuyên đưa các tin, hình ảnh, video clip về giao thông cũng đã bị công an tỉnh Yên Bái xét nhà và bắt tạm giam với cáo buộc “Chống người thi hành công vụ”.
Hay vào tháng 2 năm 2020, Facebooker Them Ly đăng video chiếu cảnh hàng dài người Trung Quốc đeo khẩu trang đang chờ nhập cảnh vào Việt Nam ở cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn để vào Việt Nam, cũng bị phạt tiền hơn 12 triệu đồng.
Bất cứ người dùng Facebook nào cũng đều có thể là phạm nhân dự bị và có thể bị bắt bất cứ lúc nào, nếu họ thể hiện quan điểm, chính kiến và thái độ chính trị.
-Đinh Văn Hải
Facebooker Đinh Văn Hải nhận định với RFA hôm 17/4:
“Việt Nam hiện tại có 1 Hiến Pháp 2013 và hơn 120 Bộ luật con. Tuy nhiên, nội dung Hiến Pháp có những điều luật mâu thuẫn với thực tế, mâu thuẫn lẫn nhau và mâu thuẫn với các bộ luật con. Cơ quan thực thi luật thì tùy tiện diễn giải luật pháp theo ý thích, theo chủ trương buộc tội người dân mà không căn cứ vào nguyên tắc buộc tội, hay nguyên tắc suy diễn vô tội. Bất cứ người dùng Facebook nào cũng đều có thể là phạm nhân dự bị và có thể bị bắt bất cứ lúc nào, nếu họ thể hiện quan điểm, chính kiến và thái độ chính trị.”
Trước đó, vào năm 2019, nhiều facebooker còn bị xử phạt nặng hơn vì bị cho là ‘xúc phạm lãnh đạo đảng, nhà nước’, như trường hợp 4 người dân ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa bị công an huyện xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 30 triệu đồng vì bị cho là có hành vi ‘bình luận, nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng uy tín đến các lãnh đạo đảng, Nhà nước và lực lượng công an nhân dân trên mạng xã hội Facebook’.
Luật sư Hà Huy Sơn nhận định:
“Việc xử phạt các facebooker tôi thấy rất tùy tiện, vì xảy ra tình trạng bất cân xứng, tức là giữa cá nhân người bị xử phạt và chính quyền. Vì những cá nhân đó không đủ khả năng hiểu biết pháp luật, hay những trường hợp khác bị xử không đúng mức độ, oan sai, nhưng người nhân cũng phải chấp nhận bỏ qua… Tôi cho rằng đây là tình trạng, các tổ chức xã hội hay giới luật sư phải lên tiếng, để góp phần giảm bớt, chấm dứt tình trạng như thế này xảy ra.”
Theo trang the88project.org, trong năm 2019, có rất nhiều facebooker bị bắt, bị kết án chỉ vì chia sẻ các bài viết hoặc livestream trên facebook. Theo thống kê, có khoảng 22 trường hợp bị bắt, bị kết án về tội ‘Làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ theo Điều 117, tức điều 88 cũ; và tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 52 và điều 331 là điều 268 trước đây, của Bộ luật Hình sự 2015.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định tiếp:
“Nếu như ở những quốc gia mà hệ thống chính trị của họ là dân chủ, minh bạch, tự do báo chí được tôn trọng rất cao thì khác, Việt Nam thì khác. Ví dụ như có những điều luật của Việt Nam tôi biết, mà những tổ chức nhân quyền Liên Hợp Quốc và một số quốc gia không đồng tình, nhưng lại được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự Việt Nam.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, đây là những điều luật rất mù mờ, sắt đá, chứng tỏ Việt Nam là một thiết chế chính trị hắc ám, đàn áp, mang tính chất công an trị. Ông cho rằng điều này là không hay và Việt Nam cần sửa đổi.
Hai dự án Tân Rai và Nhân Cơ:
Tiền đề để mở rộng khai thác, chế biến bauxite
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 16/4 khẳng định 2 dự án thí điểm khai thác bauxite và chế biến alumin Tân Rai và Nhân Cơ đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của Tây Nguyên, là tiền đề để tính tới việc mở rộng khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên khi Quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Báo trong nước đăng tin cùng ngày, trích nội dung cuộc họp về đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch, phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bauxite giai đoạn từ năm 2007-2015, xét đến năm 2025.
Tin cho biết, 2 dự án vừa nêu là những dự án được triển khai ở thời điểm có nhiều quan điểm khác nhau về khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên trong lúc giá alumin trên thị trường thế giới xuống thấp.
Tuy nhiên, kể từ năm 2017, các nhà máy alumin đã bắt đầu có lãi, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Bộ Công Thương khẳng định, cả 2 dự án thí điểm này cơ bản thỏa mãn những yêu cầu về bảo vệ môi trường, trong đó hệ số an toàn hồ bùn đỏ được nâng lên gấp 3 lần, việc hoàn thổ và trồng rừng ngay sau khi khai thác được thực hiện đúng theo yêu cầu.
Lãnh đạo Chính phủ cùng các bộ, ngành đều đánh giá rằng 2 dự án khai thác và chế biến bauxite Tân Rai và Nhân Cơ sau 10 năm thực hiện thí điểm đã cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời đem đến hiệu quả tổng thể cả về kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần quan trọng vào việc thay đổi bộ mặt của Tây Nguyên.
Dựa vào những kết quả vừa nêu, cần tính đến kế hoạch, cũng như huy động các nguồn lực xã hội để phát triển ngành công nghiệp alumin và nhôm của Việt Nam có khả năng cạnh tranh.
Dư âm từ các công hàm ngoại giao
Việt Trung
Động thái hiếm hoi: Từ 30/3/2020 đến 10/4/2020, Hà Nội đã gửi 3 công hàm lên Tổng thư ký LHQ. Các công thư này phản bác mạnh mẽ công hàm của Trung Quốc đệ trình hôm 23/3/2020, đồng thời thông
báo cho Malaysia và Philipinnes về lập trường của Việt Nam đối với các công hàm của hai nước này cũng từng được lưu hành tại LHQ trước đó.
Công hàm phản bác Trung Quốc đệ trình ngày 30/3 mang số 24-HC-2020 được nộp vào thời điểm tình hình trong nước và thế giới khá chộn rộn. Trung tuần tháng Tư hiện là thời gian cao trào của mùa dịch “Virus Vũ Hán”. Tuy vậy, cùng với 2 công hàm đệ trình hôm 10/4 liên quan đến Malaysia và Philipinnes, cả 3 công thư này không bị chìm xuồng như những sự kiện thoảng qua. Ngược lại, cũng nhờ vào đại dịch COVID-19 – cộng hưởng với tội ác Trung Quốc gây ra hôm 2/4 đối với gần chục ngư dân Quảng Ngãi và với những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông kể từ từ 14/4 – cả 3 công hàm ấy có thêm sức lan toả.
Có thể cảm nhận được bầu không khí phấn chấn, từ các chuyên gia quen thuộc trong và ngoài nước, từ giới nghiên cứu chuyên sâu về Biển Đông đến một vài lão thành cách mạng và các nhà báo “ăn theo” lề đảng… Tất cả đều cấp tập bình luận, cấp tập đưa tin và tung ra các nhận xét. Dù chất lượng có khác nhau nhưng những ý kiến phân tích thống nhất với nhau ở một số nội dung và ý nghĩa mới – đó là sự rõ ràng, minh bạch hơn trong lập trường chính trị và quan điểm thống nhất của Hà Nội dựa vào nền tảng của công pháp quốc tế trong các vấn đề tranh chấp trên biển với Trung Quốc.
Những điểm mới nổi bật
Ngay từ cuối năm 2019, ở một Hội thảo quốc tế hàng năm về Biển Đông tại Hà Nội, đích danh Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã hé lộ khả năng Việt Nam không loại trừ sự lựa chọn các công cụ và thiết chế pháp lý để giải quyết vấn đề tranh chấp biển đảo với Bắc Kinh. Với Công hàm 30/3, cũng như 2 công hàm gửi trong cùng một ngày 10/4, Việt Nam tái khẳng định một cách công khai xu hướng lựa chọn từng hé lộ, tuy với thái độ còn thận trọng nhưng rõ ràng đã nhích gần hơn tới võ đài pháp lý.
Một biểu hiện hưng phấn cao độ khi có ý kiến đánh giá, Công hàm 30/3 dành cho Trung Quốc là công thư ngoại giao chưa từng có từ trước tới nay – một động thái “ra đòn” khá mạnh mẽ và đúng thời điểm… Mạnh mẽ, đúng thời điểm thì chuẩn không cần chỉnh, nhưng chưa từng có tiền lệ thì có lẽ các chuyên gia “chém” hơi quá! Thực ra cho đến giờ này, Việt Nam không dưới vài ba lần đã cho lưu hành ở LHQ các loại công thư phản đối lập trường của Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc được ấn định trong UNCLOS-1982 về Biển Đông.
Nhưng cái mới đầu tiên của đợt quốc tế vận lần này, nổi bật với công hàm 24-HC-2020 là, Việt Nam gián tiếp (và cũng chỉ gián tiếp thôi!) công khai ủng hộ phán quyết năm 2016 của CPA, phản bác “đường đứt khúc chín đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò). Tuy nhiên, các hội đoàn dân sự trong nước chớ mừng vội! Mặc áo chữ U bị delete, thậm chí mùa “cúm Vũ Hán” mà đeo khẩu trang có đường lưỡi bò gạch chéo, có thể vẫn bị công an triệu tập về đồn làm việc như thường! Trong một chính thể toàn trị thì yêu nước cũng là một đặc quyền. Không phải ai, lúc nào cũng được phép phản đối Trung Quốc, dù là dưới hình thức biểu trưng!!!
Cái mới thứ hai liên quan đến công hàm 30/3 là, sau khi phản bác đường lưỡi bò, Hà Nội “khoát nước theo mưa”, dùng nội dung phán quyết hồi 2016 khi Philippines giành được tại CPA, đồng thời bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, để bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của cả Kuala Lumpur lẫn Bắc Kinh trong các công hàm ngày 12/12/2019 (Malaysia) và 23/3/2020 (Trung Quốc). Hà Nội coi đây là “các vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”. Bước đi này được đánh giá là quan trọng và cần thiết, nếu như Hà Nội không muốn mất đòi hỏi về chủ quyền trước Trung Quốc, nước đang đòi hỏi gần 90% diện tích Biển Đông.
Cái mới thứ ba, cùng với động thái ngoại vận thông qua công hàm nói trên, chỉ mấy ngày sau, Việt Nam đã mạnh mẽ phản ứng quyết liệt trước các hành động hiếp đáp của Trung Quốc đối với công dân của mình tại các ngư trường truyền thống bao đời nay. Nếu như năm ngoái, khi Trung Quốc quậy phá khu vực Bãi Tư Chính thì phải chờ hàng tuần lễ, sau khi tàu Trung Quốc tiến sâu vào CS và EEZ, người phát ngôn BNG mới “thỏ thẻ” lên tiếng phản đối. Lần này, bà Lê Thị Thu Hằng phản ứng tắc lự, lại còn bắt phía Trung Quốc phải điều tra những kẻ thủ ác, thậm chí còn đòi bồi thường thiệt hại. Bí quá, bà Hoa Xuân Oánh đành tuyên bố liều là do tàu gỗ của Việt Nam đâm vào tàu sắt của Trung Quốc nên bị chìm.
Việt Nam sẽ không cô độc
Sau nửa tháng trời, cuộc chiến giữa các công hàm dường như vẫn chưa hết nóng. Cho dù không khí phấn chấn ở giai đoạn đầu có xu hướng giảm dần, nhưng dư âm của động thái ngoại vận ấy vẫn còn lan toả. Hy vọng, với thời gian nó sẽ không bị độ nóng của của các sự kiện thời sự mới hơn lấn át, ví như cuộc Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 hay cao trào thế giới sẽ kiện Trung Quốc (Mỹ, Anh và Pháp đã ra tuyên bố), vì để con “Virus Vũ Hán” lây lan thành đại dịch thế kỷ. Nhìn toàn cảnh, Việt Nam cần vượt qua được vận xui: Cùng lúc ngồi vào hai chiếc ghế ở LHQ thì lại gặp đại dịch toàn cầu, khiến cho không gian vận động ngoại giao của Hà Nội đối với ASEAN cũng như đối với thế giới có phần bị thu hẹp đáng kể.
Hội nghị ASEAN+3 hôm 14/4, vì thế đã không đưa được bất cứ nội dung phê phán nào, dù là ám chỉ, liên quan đến những hoạt động hung hăng bất thường của Trung Quốc trên Biển Đông trong giai đoạn đại dịch, vào Tuyên bố chung. Thay vào đó, Việt Nam và các thành viên ASEAN đang có tranh chấp với Trung Quốc phải lo đối phó với kịch bản xấu nhất là, tất cả những hành động “múa gậy vườn hoang” của Bắc Kinh sẽ thúc đẩy những hành động quyết đoán hơn hòng trám lỗ trống quyền lực, thực hiện tham vọng làm bá chủ ở Biển Đông.
Các đối phó hiện nay cần tập trung theo hai hướng. Thứ nhất, các căn cứ của Trung Quốc giờ đây có thể cho phép triển khai các tàu hải quân, hải cảnh và dân quân biển với số lượng nhiều hơn hẳn mọi bên tranh chấp khác cộng lại. Trung Quốc còn có thể triển khai hàng tuần hoặc hàng tháng ở những nơi xa nhất trong “đường đứt khúc chín đoạn”. Vì vậy, việc triển khai tàu Hải Dương địa chất 8 suốt nhiều tháng liền lúc này là khả thi, không như những năm trước. Thứ hai, hàng chục tàu chấp pháp Trung Quốc và hàng trăm tàu dân quân biển hoạt động mỗi ngày, sẽ nhận lệnh phải hành xử hung hăng để khẳng định quyền lợi của Trung Quốc và quậy phá những nước láng giềng.
Theo tin tức từ Reuters và Marine Traffic, cho đến hết ngày 16/4/2020 nhóm tàu HD8 của Trung Quốc dường như đang thực hiện khảo sát ở vùng nước cách bờ biển của Malaysia và Brunei khoảng 218 hải lý. Vùng biển này ở phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và gần khu vực biển mà năm 2009, Việt Nam và Malaysia đã cùng đệ trình hồ sơ đề nghị Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, nhưng ngay lúc bấy giờ đã bị Trung Quốc phản đối. Khi khởi sự “cuộc chiến công hàm” ngày 30/3, dư luận ở Việt Nam kỳ vọng, công hàm 24-HC-2020 sẽ là một bước đệm để chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc ra các toà quốc tế.
Muốn thế, Việt Nam phải tăng cường nội lực để thực sự độc lập, tự cường. Phải có chiến lược tổng thể, sớm đổi mới thể chế, đẩy mạnh dân chủ hoá, tôn trọng xã hội dân sự, tôn trong các ý kiến phản biện, xây dựng kinh tế biển hợp lý. Hoàn thiện hệ thống đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với “Bộ tứ”, với các thành viên ASEAN cùng quyền lợi, tận dụng không gian Indo-Pacific tự do và rộng mở. Ngoài ra, cần đột phá tư duy, khai phóng tư tưởng, vượt thoát các khẩu hiệu “viễn vông” xưa nay. Nếu làm được những điều này, Việt Nam sẽ không cô độc! Trước đây, các nước đã kinh hoàng về vấn nạn “chết dưới bàn tay Trung Quốc”. Sau đại dịch, các nước quay lưng lại với Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ là nỗi ám ảnh lâu dài đối với phần còn lại của thế giới./.
Google Maps ghi sai tên bãi biển Việt Nam
thành bãi biển của Trung Quốc
Giới chức tỉnh Phú Yên vừa có báo cáo gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, yêu cầu Google đính chính bản đồ ghi sai tên bãi biển ở thành phố Tuy Hoà thành bãi biển của Trung Quốc với tên gọi “Golden, sandy South China Sea beach”. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 18/4.
Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Trần Thanh Hưng – Giám đốc Sở Thông tin – truyền thông Phú Yên cho biết, sở này đã báo cáo về sai sót này lên Bộ TT – TT, Thường trực Tỉnh uỷ, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Phú Yên.
Sở TT – TT Phú Yên kiến nghị Bộ TT- TT yêu cầu Google Maps gỡ bỏ, đính chính thông tin sai về chủ quyền của Việt Nam trên bản đồ, đồng thời hướng dẫn các cơ quan báo chí trong nước đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệch từ Google Maps.
Đến tối ngày 18/4, bản đồ trên Google Maps đã không còn hiển thị tên bãi biển của Trung Quốc ở bãi biển Tuy Hoà.
Mới đây, vào ngày 16/4, Bộ TT – TT cũng yêu cầu Facebook phải đính chính bản đồ để hiển thị hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thay vì thuộc về Trung Quốc. Facebook sau đó đã xin lỗi và sửa lại bản đồ, theo đó hai quần đảo không hiển thị thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Facebook lấy lý do duy trì lập trường trung lập trong tranh chấp chủ quyền hai quần đảo này giữa các nước.
Việc các hãng quốc tế như Google hay Facebook ghi tên sai chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông, đã trở nên khá phổ biến trong những năm gần đây. Không những thế, sách báo và phim ảnh được công chiếu và xuất bản từ Trung Quốc cũng tuyên truyền về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, gây bức xúc trong dư luận Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế cho rằng Trung Quốc trong các năm qua đã đẩy mạnh việc tuyên truyền về chủ quyền của nước này ở vùng biển tranh chấp ra quốc tế, và đây là một thách thức đối với Việt Nam trong việc phản bác các tuyên truyền này.
Công an CSVN sách nhiễu nhiều nhà hoạt động
trong khi cách ly vì dịch COVID-19
Tin từ Việt Nam: Nhà cầm quyền cộng sản ở nhiều địa phương đã sách nhiễu một số người hoạt động trong khi cả nước đang thực hiện cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Coronavirus.
Ngay sau khi nhập cảnh từ Lào vào Việt Nam vào cuối tháng 3, cô gái trẻ Trương Thị Hà bị đưa đi cách ly. Không giống như các trường hợp khác, cô bị công an tỉnh Quảng Bình tịch thu sổ thông hành, điện thoại, nhật ký và nhiều giấy tờ cá nhân quan trọng khác.
Vào ngày 15/4, cô được trở về nhà nhưng công an vẫn chưa trả những giấy tờ của cô. Hà từng tham gia biểu tình ngày 10/6/2018, bị bắt, tra khảo và đánh đập bởi công an Sài Gòn.
Trong thời gian gần đây, cô sang châu Âu tham dự một số khoá học ngắn hạn về luật và nhân quyền, và cách đây 2 tháng, cô bắt đầu làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Bangkok. Hà dự đoán công an sẽ gọi cô lên đồn để tra khảo về các hoạt động của cô trong thời gian ở nước ngoài.
Nhà hoạt động Vũ Đạt Phong từ Sài Gòn trở về nhà của bố mẹ ở thành phố Nha Trang và phải cách ly từ đầu tháng Tư.
Vào sáng sớm 16/4, khi vừa hết cách ly, một nhóm công an đã đến và buộc anh phải đi theo chúng lên đồn. Tại đây, chúng tịch thu điện thoại và tra khảo anh cho đến tận đêm cùng ngày.
Quốc Tuấn
Nhiều nhân viên y tế của CDC Hà Nội
bị tra khảo về mua sắm thiết bị y tế
Tin từ Hà Nội, ngày 17/4: Bộ công an cộng sản đã triệu tập nhiều nhân viên y tế của cơ quan Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và Sở Y tế thành phố để điều tra về nghi vấn nâng giá trong mua sắm thiết bị y tế của đơn vị này.
Dẫn lời chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, truyền thông nhà nước cộng sản đưa tin Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đang tiến hành điều tra về mua bán trang thiết bị phòng chống dịch như máy phun khử khuẩn, năng lực xét nghiệm…của CDC Hà Nội.
Ông Chung nói sẽ kỷ luật nghiêm nếu phát hiện ra việc khai nâng giá để rút tiền ngân sách bỏ túi của những người có trách nhiệm trong mua sắm thiết bị y tế, và có tình tiết tăng nặng vì ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19 vốn đang hoành hành thủ đô và nhiều địa phương.
Tham nhũng mang tính hệ thống ở Việt Nam, và trong rất nhiều trường hợp mua sắm tài sản công, giá thiết bị bị kê lên gấp nhiều lần so với giá thực tế và những người có trách nhiệm thực hiện mua sắm chia số tiền chênh lệch.
Về dịch bệnh Covid-19, truyền thông nhà nước cộng sản đưa tin mới phát hiện được khoảng 270 ca dương tính và chưa có người nào chết vì đại dịch này. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát nói số liệu này không đáng tin vì số lượng người được test quá thấp và có khả năng Bộ y tế không công bố con số thật.
Quốc Tuấn
0 comments