Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 03/04/2020

Friday, April 3, 2020 6:57:00 PM // ,


Tin Việt Nam – 03/04/2020

12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương:

nếu không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể

Trong danh sách 12 dự án kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, nếu dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản, không nói chung chung là đang tốt hơn nhưng thực tế vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý, càng mất vốn.
Báo trong nước loan tin ngày 3/4 trích phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương diễn ra cùng ngày.
Cụ thể, ông Trương Hòa Bình khẳng định Nhà nước không phải tiếp tục gánh nợ treo lơ lửng từ các dự án. Do đó cần đánh giá kỹ dự án nào phát triển được thì đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém. Còn dự án nào cần liên doanh, bán đứt hoặc cho thuê tài sản thì tìm kiếm, kêu gọi các đối tác hợp tác, vận hành dự án. Đối với những dự án thua lỗ, nếu có thể thì cho giải thể, phá sản, không để kéo dài đeo đẳng.
Danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ gồm Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1-Hải Phòng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2-Lào Cai; Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng nhà
máy sản xuất đạm Hà Bắc; Công ty TNHHMTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; Dự án nhà máy thép Việt-Trung; Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học (NLSH) Quảng Ngãi; Dự án sản xuất NLSH Bình Phước; Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam; Dự án nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2-Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Trong đó, hiện chỉ có 2 dự án có lãi là DAP-1 Hải Phòng và Thép Việt-Trung; 4 dự án đang khắc phục khó khăn, giảm lỗ là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai và Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
Ngoài ra, trong 3 dự án bị dừng sản xuất kinh doanh, hiện Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành lại. Hai dự án đủ điều kiện vận hành nhưng do điều kiện thị trường khó khăn nên chưa thể khởi động là nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước.
Để cố gắng giảm thiểu thiệt hại tối đa cho nhà nước trong quá trình xử lý thoái vốn nhà nước tại các dự án nêu trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam tham gia tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Được biết, đây đều là các doanh nghiệp có ảnh hưởng đến nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào cung cầu, ngân sách nhà nước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/12-projects-with-trillions-of-losses-of-industry-and-trade-if-unable-to-recover-resolutely-resolve-04032020112200.html

Nhóm người nhà Phan Văn Anh Vũ

giả trang “cái bang” ở Hội An sẽ bị xử phạt

Nhóm người nhà của bị án Phan Văn Anh Vũ giả trang “cái bang” ở phố cổ Hội An rồi quay clip đăng lên mạng xã hội sẽ bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam xử phạt hành chính.
Theo tin từ truyền thông trong nước loan đi ngày 3 tháng 4, Công an TP Hội An đang tiến hành họp bàn và đề xuất xử lý vi phạm hành chính đối với người nhà bị án Phan Văn Anh Vũ theo quy định 176 – quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế trong giai đoạn dịch COVID-19.
Trước đó vào ngày 31 tháng 3, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài 47 giây với cảnh 4 người trong bộ dạng rách rưới, giả trang “cái bang” ngồi cầm tô xin tiền người qua đường tại một ngã ba ở phố cổ Hội An.
Trước phản ứng của cộng đồng mạng, chủ tài khoản Facebook T.T.M.T, một trong những người giả trang “cái bang”, đã tháo gỡ những hình ảnh và clip đã quay. Đồng thời, người này đăng dòng trạng thái xin lỗi và cho biết việc “giả trang” chỉ để quay clip cho vui, làm kỷ niệm.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hội An, mức phạt hành chính này so với hành vi vi phạm trong mùa dịch COVID-19 còn quá nhẹ, không tương xứng. Tuy nhiên, hiện chưa có khung xử phạt nào đối với những hành vi này nên phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Trường phòng Văn hóa – Thông tin Hội An, cho biết cơ quan chức năng xác định những người giả trang như vừa nêu  là người nhà của bị án Phan Văn Anh Vũ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/jailed-phan-van-anh-vus-family-members-will-be-fined-for-having-disguised-as-beggars-in-hoi-an-04032020093938.html

Trung Quốc ‘trao trả 8 ngư dân Quảng Ngãi

sau khi đâm chìm tàu’

Trung Quốc đã trao trả 8 ngư dân trên tàu cá Quảng Ngãi bị tông chìm ở khu vực đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, theo tin của báo Tuổi Trẻ.
Bộ trưởng Quốc phòng TQ: Các đảo Biển Đông là ‘một phần lãnh thổ’
Giải pháp nào cho tranh chấp Tư Chính?
Ông Nguyễn Tăng Bính – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói với báo Tuổi Trẻ tối 2/4.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang thuộc sự kiểm soát của Trung Quốc, nhưng Việt Nam khẳng định chủ quyền tại đây
Tin từ truyền thông Việt Nam nói buổi sáng 2/4, vợ ngư dân Trần Hồng Thọ nhận tin báo tàu cá QNg 90617 của ông Thọ bị một tàu Trung Quốc tông chìm ở vùng biển gần đảo Phú Lâm.
Lúc xảy ra vụ va chạm, trên tàu có tám ngư dân.
Can thiệp hỗ trợ
Đến chiều cùng ngày, 2/4, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản gửi Bộ Ngoại giao đề nghị các bên can thiệp hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn 8 ngư dân gặp nạn.
Theo báo Tuổi Trẻ, ba tàu cá QNg 90045 do ông Đặng Tằm làm chủ, cùng tàu cá QNg 90399 do ông Đặng Dũng làm chủ và tàu cá QNg 90929 do ngư dân Nguyễn Thành Linh làm chủ (cả ba đều ở xã Bình Châu) đã đi đến khu vực biển gần đảo Phú Lâm nhằm cứu hộ.
Tàu của ông Đặng Dũng và Nguyễn Thành Linh sau đó bị Trung Quốc đưa về đảo Phú Lâm.
Nhưng đến khoảng 18h cùng ngày, Trung Quốc thả người, bàn giao người 4 ngư dân cho tàu ông Linh và 4 ngư dân cho tàu ông Dũng. Trong số này có ông Trần Hồng Thọ.
“Riêng tàu của ngư dân Tằm không bị bắt nhưng bị tàu Trung Quốc truy đuổi, sử dụng vòi rồng phun nước làm bể cabin, hư hỏng nhiều ngư cụ”, ông Nguyễn Thanh Hùng thông tin cho báo Tuổi Trẻ.
‘Trung Quốc đã quay lại cứu 8 ngư dân’
Còn báo VietNamNet cũng hỏi ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu.
Ông Hùng nói rằng qua thông tin tàu cá ngư dân báo về, sau khi tàu Trung Quốc tông chìm tàu cá QNg 90617 của ngư dân Trần Hồng Thọ, tàu Trung Quốc đã quay lại cứu 8 ngư dân.
VietNamNet hôm nay 3/4 dẫn lời ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, qua máy icom các tàu cá ngư dân báo về, 8 ngư dân trên tàu cá QNg 90617 bị chìm ở Hoàng Sa đã được Trung Quốc trao trả an toàn.
“Qua icom các tàu báo về 8 ngư dân gặp nạn đã an toàn, còn thông tin cụ thể thế nào chúng tôi đã giao cho phía Biên phòng nắm”, ông Bính nói.
Khống chế, vũ lực
Ngay từ năm 2014, Việt Nam ghi nhận nhiều tàu cá của Việt Nam đã bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, uy hiếp vũ lực.
Ví dụ ngày 07/5/2014, tại khu vực có tọa độ 16o50′N-112o49′E (cách Bắc Tây Bắc đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa khoảng 10 hải lý), tàu cá của Quảng Ngãi số hiệu QNg 96416 TS cùng 16 ngư dân, đã bị tàu Trung Quốc số hiệu 1241 bắn đạn lửa; dùng vòi rồng phun nước; dùng búa, chai lọ, bu lông ném sang tàu; dùng câu liêm cắt đứt dây và hệ thống liên lạc, định vị.
Sau đó, thêm 1 tàu ngư chính Trung Quốc khống chế, đâm thẳng vào tàu gây vỡ mạn phải và toàn bộ kính ca bin, hỏng nhiều thiết bị và tài sản trên tàu, theo tài liệu của Việt Nam.
Trung Quốc kiểm soát quần đảo Hoàng Sa sau trận đánh ngắn với quân đội Việt Nam Cộng Hòa đầu năm 1974.
Một năm trước, Việt Nam trao công hàm phản đối việc Trung công bố kế hoạch xây đảo Phú Lâm và đảo Cây, đảo Duy Mộng trở thành thành phố và căn cứ dịch vụ hậu cần.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhắc lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52150425

Việt Nam gửi công hàm phản đối TQ lên Liên hiệp quốc

Ngày 30/3, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc  đã có công hàm gửi Tổng Thư ký Liên hiệp quốc.
Trung Quốc vừa cho xây dựng phi pháp 2 trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và Su Bi.
Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên hợp quốc gửi lời chào trân trọng tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc và, liên quan đến Công hàm số CML/14/2019 ngày 12 tháng 12 năm 2019 nhằm phản hồi đệ trình ngày 12 tháng 12 năm 2019 của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa và Công hàm số CML/11/2020 ngày 23 tháng 3 năm 2020 của Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc, xin trân trọng bày tỏ lập trường nhất quán của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:
Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.
Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam khẳng định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (Công ước)là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121(3)của Công ước; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất; các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng. Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử; các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.
Lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại Liên hợp quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan.
Phái đoàn thường trực đề nghị Tổng Thư ký Liên hợp quốc lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của Liên hợp quốc.
Nhân dịp này, Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Namxin gửi đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc lời chào trân trọng nhất.
http://biendong.net/bi-n-nong/33915-viet-nam-gui-cong-ham-phan-doi-tq-len-lien-hiep-quoc.html

Việt Nam sản xuất tổ hợp dẫn bắn mới cho pháo AK-230

Pháo phòng không cao tốc AK-230 hiện là vũ khí được trang bị cho nhiều tàu mặt nước cỡ nhỏ của Hải quân nhân dân Việt Nam.
AK-230 là một hệ thống pháo hải quân của Liên Xô, cấu tạo gồm 2 nòng pháo 30 mm NN-30 sử dụng cơ cấu làm mát bằng nước, được dẫn bắn bởi radar Drum Tilt hoặc Muff Cobb với chức năng chính là phòng không.
Bên cạnh đó, AK-230 còn có thể sử dụng để tiêu diệt những mục tiêu mặt nước cỡ nhỏ như xuồng cao tốc hay thủy lôi…
Công việc phát triển loại pháo tự động này bắt đầu từ thập niên 1950 và hoàn thành trong năm 1969, nó được chấp nhận trang bị cho tàu tên lửa tấn công nhanh Osa cùng với tàu phóng lôi cỡ nhỏ lớp Shershen.
Đã có tổng cộng 1.450 khẩu AK-230 được sản xuất tại Liên Xô và khoảng 300 chế tạo ở Trung Quốc dưới tên gọi Type 69
Mặc dù tốn khá nhiều thời gian nghiên cứu nhưng AK-230 lại nhanh chóng bị lạc hậu, đến cuối thập niên 1970 nó đã bị thay thế bởi “đàn em” AK-630.
Nhìn chung AK-230 thua kém AK-630 trên nhiều chỉ số, tuy nhiên loại đạn 30 x 210 mm của nó lại có uy lực lớn cũng như vận tốc cao hơn hẳn đạn 30 x 165 mm của AK-630.
Thông số kỹ thuật cơ bản của pháo AK-230: Trọng lượng toàn hệ thống: 1.875 – 1.905 kg; trọng lượng pháo: 156 kg; chiều dài nòng pháo: 1.930 mm; góc phương vị -180 độ đến +180 độ (tốc độ xoay 35 độ/s); góc tà -12 độ đến + 87 độ (tốc độ nâng hạ 50 độ/s).
Tốc độ bắn: 1.000 phát/phút/nòng; tầm bắn tối đa 6,7 km; tầm bắn hiệu quả 2,5 – 4 km; sơ tốc đạn: 1.050 m/s; cơ số đạn dự trữ: 500 viên cho mỗi nòng pháo độc lập (bao gồm đạn nổ mảnh OF-83D đi kèm đạn xuyên giáp BR-83).
Hiện nay vấn đề duy trì sức chiến đấu cho những khẩu pháo AK-230 này được xem là tương đối phức tạp, do hệ thống đã ra đời từ lâu, nhiều thành phần không còn linh kiện thay thế đồng bộ.
Cụm khí tài ngắm bắn quang điện tử kết hợp đo xa laser cho pháo AK-230 do Việt Nam tự chế tạo
Mới đây trong phóng sự “Sức trẻ” do Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam sản xuất đã cung cấp một thông tin rất đáng chú ý, đó là các kỹ sư của Phòng tích hợp kỹ thuật điều khiển – Viện Kỹ thuật Hải quân đã có sáng kiến thay thế cột ngắm bắn tích hợp ngày – đêm với hệ thống đo xa laser nhằm thay thế radar dẫn bắn MR-104 đã hư hỏng hoàn toàn.
Khí tài mới cho chức năng tương đương với giá thành chỉ vào khoảng 7 tỷ đồng, quá nhỏ bé so với phương án đề ra ban đầu là mua mới đài radar MR-104 để thay thế, sẽ phải tiêu tốn tới vài chục triệu USD.
Ngoài việc tự chủ công nghệ chế tạo và giá thành rẻ, cụm thiết bị này còn có kích thước gọn gàng, tiêu thụ ít điện năng, mở ra khả năng thay thế cho các tàu còn trong trang bị, nhất là khi radar MR-104 nguyên bản đã có tuổi đời hàng chục năm, hệ số kỹ thuật không còn đảm bảo.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/33888-viet-nam-san-xuat-to-hop-dan-ban-moi-cho-phao-ak-230.html

Lại thêm cải tiến cho Chữ Quốc Ngữ!

Công trình chữ Quốc ngữ cải tiến với tên gọi “Chữ VN song song 4.0” của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình vừa được chính thức cấp bản quyền.
Theo lời tác giả Kiều Trường Lâm nói với truyền thông trong nước, Chữ VN song song 4.0 là sự kết hợp giữa Chữ Việt Nhanh của tác giả Trần Tư Bình và Ký Hiệu Dấu của tác giả Kiều Trường Lâm, cũng như vận dụng các vần và chữ trong Chữ Quốc Ngữ để hình thành.
Theo đó, chữ viết mới này cho phép mọi người đọc được chữ Việt không dấu lưu loát một cách trọn vẹn, có độ thẩm mỹ cao như tiếng Anh. Đồng thời giúp tiết kiệm 25-30% thời gian so với kiểu gõ Telex hiện nay và là một công cụ song song, không ảnh hưởng đến chữ Quốc ngữ.
Do đó, ông Kiều Trường Lâm bày tỏ hy vọng công trình mới này sẽ được đưa vào giảng dạy cho học sinh.
Để minh họa cho những đặc tính nổi trội nêu trên, ông Kiều Trường Lâm đã chuyển khổ đầu bài thơ ‘Mưa xuân’ của Nguyễn Bính theo dạng chữ cải tiến như sau:
“Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa”
Qua Chữ VN song song 4.0 sẽ thành: Muao xaly
“Em lal con gaij trogp kugp cuiv,
Zetf luar qahp namo voix mer jal,
Logl trez conl nhuo cayy luar tragx,
Mer jal chuao banl choh lagl xa”
Với tư cách nhà giáo hiện đang giảng dạy Văn hóa tại trường Đại học Đà Nẵng, Thạc sĩ Đinh Gia Hưng bày tỏ:
“Tôi không đồng tình với tuyên bố của tác giả là mong muốn được Bộ Giáo dục hay các cơ quan hữu trách áp dụng cái này để giảng dạy hay thay thế cho tiếng Việt hiện hành. Tôi thấy coi đó là một phát minh hay một sáng kiến của một cá nhân thì đó là chuyện bình thường bên cấp bản quyền sáng kiến phát minh. Nhưng để ý định đó trở thành tham khảo, thậm chí là quyết định của Bộ Giáo dục vào trong chương trình ngôn ngữ quốc gia để thay cho ngôn ngữ hiện hành thì tôi không ủng hộ.
Chúng ta muốn thay đổi một cái gì căn bản của một quốc gia, một ngôn ngữ đã hình thành bao nhiêu năm rồi, quốc ngữ của mình đã mấy trăm năm mà để thay đổi thành ngôn ngữ mới như vậy thì sẽ xáo trộn rất nhiều. Tôi nghĩ đây là sáng kiến cá nhân, còn để cải tiến chữ cái của một quốc gia, ngôn ngữ, là một vấn đề rất lớn và không phải là vấn đề ưu tiên hiện nay của giáo dục.
Còn theo chị Quỳnh Trang ở Sài Gòn, nếu thật sự Chữ VN song song 4.0 được đưa vào sử dụng trong đời sống hằng ngày, chưa kể đến áp dụng cho học sinh, sẽ gây ra tình trạng loạn ngôn ngữ:
“Vấn đề là những cái hiện giờ có khó khăn gì đâu, người ta đã sử dụng quen rồi và nó có nhiều cái system cho ngôn ngữ đó rồi, tại sao phải tạo ra một cái khác để rồi học thêm một ngôn ngữ? Nói chung cái này rảnh quá mới làm chứ chả có gì ảnh hưởng.”
Trong khi đó, Nhà ngôn ngữ học, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng lại cho rằng ước mơ của tác giả Kiều Trường Lâm là điều rất bình thường vì mọi người đều có quyền hy vọng và đó cũng chỉ là một đề xuất.
“Không có gì cần nghĩ ngợi nhiều, người ta chỉ được cấp bản quyền. Nhiều người cứ nghĩ được cấp bản quyền là được nhìn nhận chất lượng sản phẩm, không phải vậy. Bản quyền chỉ là một tờ giấy xác nhận sản phẩm đó của người này chứ không hề nói về sử dụng sản phẩm đó.”
Giải thích rõ hơn, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng đưa ví dụ nếu một người làm một bài thơ thật dở rồi xin cấp bản quyền, cơ quan có trách nhiệm không thể từ chối và vẫn cấp phép cho tác giả. Điểm quan trọng hơn ở chỗ người làm bài thơ dở chỉ mình người đó đọc, như vậy sẽ không phá hoại năng lực thơ của người khác.
Theo ông Hoàng Dũng, vấn đề thực sự xuất hiện khi có người đăng báo tung hô thơ dở như một bài thơ hay, cổ võ người khác làm thơ theo cách ấy. Từ đó, ông đặt ra câu hỏi tại sao báo chí lại đăng loại sáng kiến kì quái ấy cũng như bản thân các tác giả đó?
“Trên đời có vô số ý kiến từ rất hay đến rất dở, thậm chí bất bình thường. Báo chí không nên đăng những loại dở hay bất bình thường lên như thể là một sáng kiến gì hay lắm. Trừ khi có động cơ để câu khách. Tôi nghĩ thế.”
Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng đánh giá bộ chữ mới lần này tương tự như đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của ông Bùi Hiền trước đây.
Cuối năm 2017, truyền thông trong nước liên tục đăng tải những tin tức, bài viết về việc Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận đăng ký bản quyền cho ‘Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ’ của Phó Giáo sư Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội.
Lúc bấy giờ, các trang mạng xã hội đều lên tiếng phản đối khi cải tiến chữ viết ‘Tiếq Việt’ dù cho tác giả bộ chữ đưa ra nhiều ưu điểm nếu được cải cách.
Nhiều người không đồng tình với việc thay đổi ‘Luật Giáo dục’ trở thành ‘Luật záo zụk’, ‘ngôn ngữ’ thành ‘qôn qữ’… theo đề xuất của Phó Giáo sư Bùi Hiền.
Vì vậy, khi một tác giả nữa với mong muốn tìm ra hướng đi mới cho ngôn ngữ Việt, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng khẳng định:
“Đừng nghĩ cái đó phá hoại tiếng Việt, không phá được đâu, làm sao phá được! Dân Việt đủ khỏe mạnh để miễn nhiễm với những loại sáng kiến kiểu ấy.”
Ngoài ra, nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng cũng đề xuất rằng nếu mọi người không đề cập gì thêm về chuyện này thì mọi việc sẽ trôi qua, còn nếu cứ tung hô, viết thêm là sẽ trúng kế của họ và như vậy họ sẽ càng thích!
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/another-improvement-for-quoc-ngu-letters-04022020154430.html

Việt Nam đến tối ngày 3/4

có tổng cộng 237 ca COVID-19

Bộ Y Tế vào tối ngày 3 tháng 4 công bố thêm 4 ca bệnh COVID-19 mới. Cộng với 6 trường hợp công bố vào buổi sáng, đến lúc này  Việt Nam có tổng cộng 237 người nhiễm SARS- CoV-2 trên cả nước.
Trong số này có 85 ca được chữa khỏi. Một trường hợp trước đây được cho là ca siêu lây nhiễm, bệnh nhân số 34, được xuất viện trong ngày hôm nay. Nữ bệnh nhân số 34 này cùng 5 thành viên gia đình, trong đó có 1 em bé 2 tuổi, được Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Binh Thuận hoàn tất thủ tục xuất viện sau nửa tháng điều trị tại đó.
Tuy nhiên, bệnh nhân số 161 được cho biết tình trạng trở nặng. Đây là ca nhiễm 88 tuổi, có nhiều bệnh lý nền, nhiễm COVID-19 khi đang điều trị xuất huyết não tại Khoa Thần Kinh, Bệnh Viện Bạch Mai. Trường hợp này hiện phải thở bằng máy.
Vào trưa ngày 3 tháng 4, các chuyên gia y tế đầu ngành của Việt Nam tham gia hội chẩn trực tuyến để điều trị cho ca bệnh này. Ông phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có tham dự.
Bệnh nhân 161 là ca COVID-19 diễn tiến nặng thứ 5 tại Việt Nam. Bốn trường hợp nặng khác, đang điều trị trong những tuần qua tại Khoa Hồi sức Tích Cực, Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương, cũng đều cao tuổi và có bệnh lý nền.
Trong số 4 người này có 3 người được thông báo có diễn tiến tích cực và không còn phải thở máy nữa.
Đến nay trong số những bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam có 4 nhân viên y tế; tuy nhiên thông báo nói sức khỏe của cả 4 người đều tiến triển tốt. Bốn nhân viên y tế này có hai bác sĩ Bệnh viện Nhiệt  Đới Trung Ương và hai điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-covi-3-4-04032020085739.html

Dân nhanh tay giúp nhau

trong hoàn cảnh khó khăn, dịch bệnh!

Diễm Thi, RFA
Chia sẻ, thương yêu
Hình ảnh những thùng mì gói, những túi gạo mắm được sắp xếp gọn gàng bên đường cùng những tấm bảng viết vội: “Nếu hết gạo xin nhận một phần. Nếu còn gạo xin nhường người khác”; “Ai cần hãy đến lấy – trứng vịt và mì gói – cùng nhau vượt qua Covid”; “Bánh tét miễn phí mùa Covid”; “Hỗ trợ dịch Corona. Nếu khó khăn hãy lấy 1 phần. Nếu ổn, xin bạn nhường lại”… được mạng xã hội chia sẻ liên tục những ngày qua khiến ai cũng thấy ấm lòng trong mùa dịch.
Trong khi đó, dù chính quyền khuyến khích người dân tự nguyện đóng góp ít nhất là 20.000 đồng, nhưng những người mà RFA trò chuyện đều cho biết họ không đóng vì chính quyền không minh bạch. Họ không tin nên không góp.
Anh Nguyễn Văn Vũ, một người dân Sài Gòn cho rằng chuyện kêu gọi đóng góp chống dịch là chuyện lố bịch và nực cười. Anh giải thích:
“Tôi đã không tin chính quyền này từ lâu rồi. Họ không bao giờ công khai, minh bạch một chuyện gì nên kêu góp một đồng tôi cũng không góp vì không biết tiền đó sẽ đi đâu”.
Chị Kim Hạnh thường làm từ thiện trong chùa vào những ngày rằm nói với RFA rằng, chị tự bỏ tiền mua mì gói biếu cho những nhà nghèo trong xóm. Tận tay chị trao chị mới tin. Nó thiết thực hơn nhắn tin đóng góp theo lời kêu gọi của chính phủ.
Chị Phan Thị Châu, chủ nhiệm Quán cơm Tương trợ Nụ Cười 2 cho biết chính quyền đến tận nhà vận động chị đóng góp nhưng chị từ chối. Chị có cách đóng góp của riêng chị. Chị trình bày:
“Chuỗi quán cơm ở Sài Gòn của tụi chị là 6 quán. Vợ chồng chị phụ trách ba quán, bán từ thứ hai đến thứ Bảy. Mùa dịch này phải giúp nhiều hơn và phải nỗ lực hơn. Trước đây mình chỉ bán buổi trưa, bây giờ không thể tập trung khách nhiều một lúc như vậy vì sợ lây. Thế là nhân viên phải tập trung tại quán từ lúc hơn 4 giờ sáng để 5 giờ nổi lửa. Nấu xong phải để cơm và đồ ăn nguội cho vô hộp xốp để an toàn cho sức khỏe bà con. Khi vô hộp rồi thì bắt đầu phát cho đến gần trưa để tránh ùn ứ nhiều người một lúc. Trước đây chị bán giá tượng trưng 2.000 đồng một phần cơm. Mùa dịch này thì thao tác phát nhanh hơn bán nên chỉ phát thôi, không bán”.
Chị nói thêm rằng hai quán cơm gần Bệnh viện Ung Bướu và Bệnh viện Gia Định vẫn hoạt động để phục vụ bà con ung thư. Muốn vậy chị phải trình bày với phường mong họ hỗ trợ bằng cách cho chị tiếp tục phát cơm, đồng thời chị nói bà con không tập trung, đứng cách xa nhau vì nếu quán bị đóng cửa thì sẽ thiệt thòi cho bà con.
Ngoài dịch bệnh, thiên tai cũng ảnh hưởng rất lớn và trực tiếp đến người dân. Đợt hạn hán vừa qua vùng Đồng bằng sông Cửu Long được coi là khốc liệt nhất trong 100 năm qua. Cây cối chết khô, người dân thiếu nước ngọt. Trước tình hình đó, những người dân nơi đây lại chung tay giúp nhau vượt qua khó khăn, đem nước ngọt về cho bà con đang khát.
Ông Ngô Nhật Đăng, một người tham gia nhóm đem nước ngọt về phân phát cho bà con Gò Công chia sẻ với RFA rằng, những người dân bình thường phải hy sinh vất vả trên đồng ruộng. Làm hôm nay lo ngày mai nhưng tấm lòng của người dân trong những lúc khó khăn như thế này khiến ông cảm động. Ông nói thêm:
“Đây là chuyện tự giác hoàn toàn. Người ta góp tiền mua bồn, người có xe. Những lao động bình thường tình nguyện chở nước giúp cho bà con. Người dân ngoài thị xã thì sẵn sàng cho nước. Nước máy cả đêm bơm vào những bồn chứa. Xe của mình đến lấy, bơm nước chở đi các nơi.
Mình thấy tình cảm của mọi người rất là trong sáng. Rất đúng với tinh thần chia sẻ từ ngàn xưa. Vùng hạn nặng nhất của năm nay là Gò Công, Tiền Giang. Miền Tây thì đỡ. Tôi gặp những cụ già 80, 90 tuổi ở vùng này họ đều nói chưa bao giờ thấy hạn hán nặng như thế.”
Không trong mong vào nhà nước
Dẫu biết, cứu giúp người dân là trách nhiệm của chính phủ trong bất cứ tình huống khẩn cấp nào, kể cả thiên tai hay dịch bệnh. Nhưng đối với người Việt Nam, dường như họ đã quen tự cứu mình qua kinh nghiệm hàng chục năm qua.
Đối với nạn hạn hán, xâm nhập mặn hiện nay, ông Ngô Nhật Đăng cho biết, người dân đã tự giúp nhau hơn một tháng nay rồi. Người dân nơi đây họ ý thức rất tốt, họ chia sẻ, đùm bọc nhau, không trông mong gì đến chính phủ. Trong lúc thảm họa thì người dân giúp đỡ lẫn nhau là chính. Ông nêu quan điểm của mình:
“Hầu như mọi chính quyền đều nói lo cho dân nhưng tôi thấy việc cung cấp nước ngọt cho dân lần này vượt quá khả năng của chính quyền địa phương. Nhà máy cấp nước ở đây chạy hết công suất cũng không đủ. Rồi việc hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ người nghèo hầu như vượt quá khả năng của chính phủ.
Tôi cảm thấy rằng chính phủ này họ không có kinh nghiệm về những khủng hoảng. Đáng lẽ việc này có thể dự đoán được từ trước nhưng hệ thống của chế độ cộng sản toàn trị không có cơ chế báo động sớm, nên khi xảy ra dịch bệnh hay hạn hán lịch sử như thế này thì chính quyền lúng túng. Họ không biết giải quyết khủng hoảng như thế nào.”
Ông ghi nhận trong mùa dịch, chính quyền có hỗ trợ cho nhóm của ông trong việc vận chuyển nước chứ không hề gây khó dễ. Ví dụ có lệnh cấm vận chuyển nhưng họ vẫn để cho nhóm chuyên chở nước. Cảnh sát giao thông cũng như các cơ quan khác đều ưu tiên cho những xe chở nước về vùng sâu vùng xa.
Chị Phan Thị Châu nêu thực tế, nếu trông chờ vào chính phủ thì dân sẽ đói trước khi được cứu đói. Chị nói:
“Tụi chị đang có hai chương trình. Thứ nhất là chương trình nấu cơm hàng ngày phát cho những người cơ nhỡ. Đó là giúp phần ngọn.
Chương trình thứ hai là tụi chị đi tới từng nhà những người bán vé số, chạy xe ôm hoặc làm mướn bị mất việc mùa dịch. Mình cho họ gạo, tiền, mắm muối… để họ sống sót trong mùa dịch.
Mình giúp kiểu này là giúp cái ngọn thôi. Mình giúp họ con cá chứ không thể giúp họ cần câu. Giúp cần câu là việc của nhà nước. Bây giờ nhà nước không cho họ cần câu mà mình không cho họ con cá thì họ chết sao?”
Truyền thông Nhà nước Việt Nam cbo biết Chính phủ Hà Nội chuẩn thuận chi gói hỗ trợ 65 ngàn tỷ đồng để giúp cho chừng 20 triệu người được nói bị tác động bởi đợt dịch Covid-19 hiện nay.
Thực tế cho thấy từ khi kế hoạch được chuẩn thuận đến lúc tiền, hàng đến được tay người dân cần phải mất một khoảng thời gian, cũng như qua nhiều cấp khác nhau.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/people-join-hands-to-help-each-other-dt-04022020161830.html

Thêm 4 Bệnh viện

được phép xét nghiệm chẩn đoán COVID-19

Bộ Y tế vừa ban hành các quyết định cho phép 4 bệnh viện được xét nghiệm chẩn đoán COVID-19.
Theo đó 4 bệnh viện gồm Bệnh viện Phổi Trung ương, BV Thống Nhất, BV Đại học Y dược TPHCM và Bệnh viện FV.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện trên có nhiệm vụ làm xét nghiệm sàng lọc và khẳng định COVID-19 theo quy định hiện hành.
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị là chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Tin cũng cho hay, trong ngày 7/4, Bộ sẽ tiếp tục mua thêm 100.000 sinh phẩm nữa để xét nghiệm. Như vậy trong tuần tới, Việt Nam sẽ có 200.000 sinh phẩm.
Bộ Y tế cũng đã cung cấp một số máy xét nghiệm Real time RT-PCR cho một số địa phương để chủ động trong việc xét nghiệm. Theo đó, các phòng xét nghiệm nào có khả năng xét nghiệm được có thể thực hiện ngay mà không cần đợi tuyến trung ương hay Bộ hay các viện cho phép.
Hiện nay Bộ Y tế đã cho phép gần 30 phòng xét nghiệm (gồm cả tuyến trung ương và cơ sở) được phép khẳng định mắc COVID-19. Những phòng xét nghiệm khác nếu có mẫu dương tính thì gửi cho các đơn vị này để khẳng định lại.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-four-hospitals-permitted-to-test-for-covid-19-04032020083046.html

Vingroup sản xuất máy thở

trong nỗ lực chống COVID-19

Tập đoàn Vingroup của Việt Nam hôm 3/4/20 cho biết sẽ sản xuất máy trợ thở và máy đo thân nhiệt để cung ứng cho thị trường VN, qua đó tiếp tay vào nỗ lực chống đại dịch COVID-19.
Qua email, Vingroup xác nhận với Reuters rằng tập đoàn này đã ký hợp đồng license với công ty Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của họ để sản xuất Máy thở P560, và đồng thời Vingrouup cũng sẽ khởi sự nghiên cứu để sản xuất loại Máy thở giá rẻ dựa theo thiết kế mở của trường Đại học MIT của Hoa Kỳ chia sẻ trên mạng.
Vingroup cho biết có thể sản xuất tối đa 55.000 đơn vị mỗi tháng- trong đó có 10.000 máy thở P560, tại các công xưởng sản xuất xe hơi (VinFast) và điện thoại thông minh và thiết bị điện tử (VinSmart) sẵn có của tập đoàn Vingroup ở Việt Nam.
Vingroup, tập đoàn lớn nhất Việt Nam, đã huy động toàn bộ lực lượng vào việc nghiên cứu và sản xuất các loại máy thở thiết yếu cho việc chữa trị bệnh nhân nhiễm virus corona (SARS-CoV-2) gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng, đang gây nhiều chết chóc trên khắp thế giới, theo báo chí Việt Nam.
Trang mạng của Vingroup hôm 3/4 cho biết tại một phiên họp khẩn hôm 30/3, Vingroup yêu cầu tất cả các viện nghiên cứu của tập đoàn dừng lại hết công việc hàng ngày để dồn nô lực vào việc nghiên cứu và sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt.
Vingroup cho Reuters biết là sản xuất sẽ bắt đầu trong vài tuần tới, và Vingroup có thể xuất máy trợ thở sang các thị trường quốc tế.
Tập đoàn Vingroup trước đó đã đóng góp 100 tỷ đồng để giúp mua trang thiết bị y tế và 20 tỷ cho các nghiên cứu chống virus Covid-19.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup, 52 tuổi, là tỷ phú đôla Mỹ đầu tiên của Việt Nam.
Với tài sản trị giá 5,3 tỷ vào ngày 3/4/2020, tạp chí Forbes xếp ông vào vị trí 239 trên danh sách tỷ phú thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/fingroup-san-xuat-may-tho-trong-no-luc-chong-covid19/5358964.html

Thái Bình không cho người về

từ vùng dịch trong 2 tuần cách ly toàn xã hội

Quy định bắt đầu từ 0 giờ ngày 3/4 dừng việc đi lại của người dân từ vùng dịch về tỉnh Thái Bình cho đến hết ngày 15/4 đang gặp sự phản ứng và lo lắng từ người dân và doanh nghiệp.
Đây tiếp tục là động thái quyết liệt trong triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về việc cách ly toàn xã hội của lãnh đạo một số tỉnh, thành trong đó có tỉnh Thái Bình.
Truyền thông quốc nội loan tin vào cùng ngày đồng thời trích dẫn ý kiến của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trước quy định của tỉnh Thái Bình.
Theo đó, Bộ trưởng Dũng cho rằng sau Quảng Ninh giờ đến Thái Bình, rõ ràng các địa phương đang không hiểu đúng bản chất của Chỉ thị 16. Do đó ông nói sẽ báo cáo lại Thủ tướng và có văn bản hướng dẫn cụ thể, nói rõ thêm những nội dung đề cập trong chỉ thị 16 để các địa phương điều chỉnh lại công tác phòng chống dịch.
Tuy vậy, trả lời với báo giới trong nước vào ngày 3/4, người phát ngôn của tỉnh Thái Bình –ông Trần Ngọc Tuấn cho rằng đó là việc làm chính xác, không cực đoan, “Làm thế mới đảm bảo việc ngăn ngừa lây lan dịch, theo đúng tinh thần Chỉ thị 16 của Chính phủ”.
Ông Tuấn còn nói thêm những người từ nơi khác phải có lý do chính đáng mới được về Thái Bình.
Cũng trong ngày 3/4, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các địa phương không đào hào, đổ đất ngăn đường, hạn chế giao thông khi kiểm soát phòng dịch Covid-19. Đây là chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sau khi một số địa phương trong tỉnh đổ đất đá, bê tông ngăn đường liên thôn, liên huyện không cho các phương tiện qua lại trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16.
Trong khi đó, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tình hình chống dịch Covid-19 vào ngày 3/4 lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh tiếp tục triển khai Chỉ thị 16 của chính phủ trên tinh thần cách ly xã hội nhưng không “ngăn sông, cấm chợ”
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thai-binh-not-to-allow-people-coming-from-epidemic-zone-04032020081620.html

Virus corona: VN có nên

cho hơn 8.000 lao động nước ngoài nhập cảnh lúc này?

Mỹ HằngBBC News Tiếng Việt
Đề nghị mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho nhập cảnh khoảng 8.500 lao động nước ngoài vào thời điểm chính phủ Việt Nam vừa công bố dịch trên toàn quốc làm dấy lên nhiều lo ngại trong dư luận.
Theo văn bản của Bộ LĐTBXH gửi thủ tướng chính phủ mới đây, lý do đề xuất cho nhập cảnh số lao động nói trên là vì “nhiều doanh nghiệp, địa phương đang thiếu chuyên gia và lao động nước ngoài”.
‘Có cơ sở pháp lý không cho nhập cảnh vào VN lúc này’
Luật sư Phùng Thanh Sơn, Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp nói với BBC News Tiếng Việt hôm 3/4:
“Theo Điều 21 Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam thì một trong bảy trường hợp chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam là vì lý do phòng, chống dịch bệnh.”
Virus corona: ‘Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà’
Kêu gọi đổi khẩu trang N95 cho bác sỹ được nhiều hưởng ứng
“Do đó, chính phủ Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý không cho lao động nước ngoài nhập cảnh lúc này. Đặc biệt khi Thủ tướng chính phủ vừa công bố dịch toàn quốc.”
“Các lao động nước ngoài tại Việt Nam đương nhiên phải là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật. Họ là những người thuộc tầng lớp có thu nhập cao. Do đó, tần suất di chuyển, du lịch, gặp gỡ càng nhiều so với người có thu nhập trung bình và thấp… Do đó, đây chính là nhóm người tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất.”
‘Mối nguy cho an ninh quốc gia’
Luật sư Phùng Thanh Sơn cũng nhận định rằng hậu quả sẽ rất khó lường với an ninh quốc gia nếu không kiểm soát được thông tin thực tế về số người nói trên.
Virus corona: ‘VN chưa nên cho điều trị tại nhà lúc này, nhưng cần tính đến’
Ai có thể giúp những người Việt lao động khốn khổ tại Thái?
“Chúng ta không có đầy đủ cơ sở dữ liệu để kiểm tra các thông tin khai báo y tế của họ có chính xác và trung thực hay không. Do đó, không thể nhìn vào khai báo y tế của họ mà quyết định cho nhập cảnh hay không.”
“Ở gốc độ an ninh quốc gia, Việt Nam không thể biết được trong 8.500 lao động nước ngoài này có bao nhiêu người là tình báo nước ngoài, chống phá. Chỉ cần một vài người trong số họ tìm cách thân nhập vào các bệnh viện, các cơ quan trọng yếu ở các thành phố lớn, hoặc tìm cách tiếp cận các cán bộ cấp cao hoặc người thân của họ, để lây nhiễm, thì hậu quả rất khó lường.”
“Khi đó, công cuộc chống dịch của Việt Nam sẽ rơi vào tình huống “rắn mất đầu” và thất bại ngay!”
Nên cho nhập cảnh lúc nào?
Luật sư Phùng Thanh Sơn nhận định rằng nếu có xét cho nhập cảnh số người này thì cần phải đợi sau 15/4, sau khi hết lệnh cách ly toàn quốc như dự kiến.
“Việt Nam hiện nay không thể theo đuổi tiêu chuẩn kép là vừa phòng chống được dịch bệnh mà vừa đảm bảo phát triển kinh tế được. Đây là một nhiệm vụ bất khả thi. Theo tôi, sau ngày 15/4/2020 thì Chính phủ Việt Nam mới nên nghĩ đến việc xem xét có cho những lao động nước ngoài trở lại làm việc hay không.
“Chỉ nên xem xét giải quyết cho lao động nước ngoài trở lại Việt Nam làm việc sau khi chính phủ đã kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh và còn đủ năng lực và nguồn lực cách ly.”
“Nhưng không phải mọi lao động nước ngoài đều được nhập cảnh. Chính phủ cần phải có các tiêu chí ưu tiên. Ví dụ như tính cấp thiết của dự án, lĩnh vực; số lượng tối đa lao động nước ngoài được phép trở lại làm việc cho một dự án trong thời điểm dịch bệnh; tình hình dịch bệnh tại quốc gia mà người lao động nước ngoài đang sinh sống hoặc đến, quá cảnh trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh vào Việt Nam…”
“Đứng ở góc độ nào đó, việc siết chặt lao động nước ngoài tại thời điểm hiện nay sẽ là cơ hội cho lao động Việt Nam được đào tạo, nâng cao tay nghề, được chuyển giao bí quyết, công nghệ để dần thay thế chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam.”
“Để không ảnh hưởng đến hoạt động sản suất kinh doanh tại Việt Nam, các nhà đầu tư buộc phải chuyển giao khoa học, công nghệ, bí quyết, kinh nghiệm cho lao động, người quản lý điều hành là người Việt Nam.”
“Việt Nam là nước nghèo, nguồn lực có hạn nên không thể bao cấp toàn bộ chi phí. Do đó, chính phủ cần bổ sung điều kiện xem xét cho phép nhập cảnh. Chẳng hạn, các doanh nghiệp, nhà thầu có sử dụng lao động nước ngoài phải ký quỹ một khoản tiền để chi trả chi phí cách ly và điều trị Covid-19 (nếu có) cho người lao động của mình khi nhập cảnh vào Việt Nam,” luật sư Phùng Thanh Sơn từ Sài Gòn nói với BBC.
8.500 lao động nước ngoài là ai?
Bộ LĐTBXH cho hay đang có 8.459 lao động nước ngoài muốn vào Việt Nam, chủ yếu là lao động Trung Quốc và Hàn Quốc.
Bộ nói số lượng lao động thiếu hụt chủ yếu là chuyên gia hoặc nhà quản lý ở các công trình trọng điểm.
Trong đó, khoảng có khoảng 2.000 lao động của một số các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, dự án áp dụng công nghệ mới của các tập đoàn đa quốc gia, như dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, dự án LG Display tại Hải Phòng, Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam tại Bắc Ninh, Công ty TNHH Samsung Elecho-Mechanics Việt Nam và công ty đối tác tại Thái Nguyên…
Bộ này cũng nói các địa phương đã “tích cực tìm nguồn lao động thay thế” nhưng các vị trí này đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao, kinh nghiệm quản lý, ngoại ngữ, điều hành lâu năm, nên lao động Việt Nam “chưa đáp ứng được ngay”.
Do đó, Bộ LĐTBXH đề nghị thủ tướng “ưu tiên” cấp phép cho số lao động nói trên sau khi họ “đã hoàn thành cá thủ tục y tế theo Bộ Y tế quy định”.
Ngoài ra, Bộ LĐTBXH đề nghị thủ tướng cho nhập cảnh trở lại số lao động nước ngoài về nước dịp Tết Nguyên đán 2020; và cấp lại giấy phép lao động đã hết hạn cho những lao động nước ngoài chưa làm lại được cho ảnh hưởng dịch Covid-19.
Cũng theo bộ này, tổng số lao động nước ngoài tại Việt Nam hiện khoảng 70.000 người, chủ yếu là Trung Quốc và Hàn Quốc. Số chưa quay lại Việt Nam là 25.000, chủ yếu là Trung Quốc, 75%.
‘Đề nghị Chính Phủ thận trọng’
Trên mạng xã hội, Facebook Nguyễn Ngọc Chu bày tỏ sự ‘bàng hoàng sửng sốt’ khi vừa nghe tin thủ tướng quyết định cách ly cả nước thì lại nhận tin Bộ LĐTBXH xin phép mở cửa biên giới cho 8.500 lao động nước ngoài vào.
“Sao lại xin mở cửa biên giới vào lúc cả nước phải tự cách ly?,” ông Nguyễn Ngọc Chu đặt câu hỏi.
“Mở cửa biên giới lúc này đồng nghĩa với mở cửa cho dịch tràn vào.”
“Sao ông Bộ trưởng Bộ LĐTBXH lại đưa khó khăn đến cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải giải quyết ngay sau khi vừa ra lệnh cách ly cả nước?”
“Những dự án như Đường sắt Cát Linh – Hà Đông trên cao, nhiệt điện Vĩnh Tân… đã muộn hơn 10 năm rồi, muộn thêm mấy tháng nữa cũng chẳng sao. Cả nước còn phải tự cách ly thì không thể để người lao động nước ngoài nhập cảnh.”
“Cả nước đang khó khăn với dòng người cách ly sau khi nhập cảnh. Không được mang thêm khó khăn và nguy cơ lây nhiễm virus Trung Quốc lúc này đến cho đất nước.”
Đề xuất này đã khiến cũng luật sư Lê Ngọc Luân, TP Hồ Chí Minh, phải kêu “trời”.
Trên Facebook cá nhân, luật sư Luân viết: “Trời ơi! Thủ tướng ơi!”.
“Chỉ thị 16 đề nghị “cách ly toàn xã hội” nhưng 12 giờ trưa nay, Báo Tuổi trẻ đưa tin Bộ LĐTBXH lại kiến nghị Chính phủ ưu tiên cho phép nhập cảnh gần 8.500 lao động nước ngoài vào Việt Nam…”
“Dù đề xuất của Bộ LĐTBXH ra trước hay sau Chỉ thị 16 thì khó có thể chấp nhận vì tính hệ luỵ và tác hại kinh khủng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.”
“Những người đang sinh sống tại tổ quốc này ủng hộ và một lòng hướng về chính phủ nhằm ngăn chặn đại dịch. Vậy tại sao lãnh đạo của Bộ LĐTBXH lại có đề nghị kiểu này?”
“Tính mạng người dân Việt Nam là số một. Với tư cách là một công dân, tôi kính đề nghị Thủ tướng bác đề xuất của Bộ LĐTBXH ngay lập tức!”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52131269

Hoãn phiên phúc thẩm

vụ VN Pharma vì dịch COVID-19

Toà án nhân dân cấp cao TP.HCM hôm 3/4 cho biết vừa ra quyết định hoãn phiên xử phúc thẩm vụ án Công ty Cổ phần VN Pharma buôn hơn 9000 hộp thuốc trị ung thư giả, dự kiến diễn ra vào ngày 6/4 tới đây.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết quyết định trên của Toà án TP.HCM thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng và Chánh án Toà án nhân dân dân Tối cao về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
12 bị cáo trong vụ án này vào ngày 1/10/2019 đã bị tuyên án sơ thẩm từ 3 đến 20 năm tù. Hai ông Võ Mạnh Cường (Cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) bị tuyên 20 năm tù và Nguyễn Minh Hùng (Cựu chủ tịch, tổng giám đốc VN Pharma) bị tuyên 17 năm tù với tội danh buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Trong một diễn biến khác, 9 người ở Sở Y tế Gia lai gồm nguyên lãnh đạo và các thuộc cấp vừa bị truy tố về tội ”Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Báo trong nước cho biết 9 người gồm: Nguyễn Công Nhân – nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, Đặng Đức Châu – nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, Phan Minh Hiếu - Phó phòng Nghiệp vụ Y-Sở Y tế Gia Lai; Đoàn Cường - Phó phòng Nghiệp vụ Dược-Sở Y tế Gia Lai; Lê Khánh Lân – cán bộ phòng Kế hoạch tài chính-Sở Y tế Gia Lai; Nguyễn Thị Kim Liên - Dược sỹ-Sở Y tế Gia Lai, Rmah Plih - cán bộ phòng Kế hoạch tài vụ Sở Y tế Gia Lai,; Bùi Ngọc Thư - Phó phòng Kế hoạch tài vụ Sở Y tế Gia Lai.
Những người trên bị xác định có liên quan đến sai phạm đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai trong ba năm 2008, 2009, 2010 gây thiệt hại cho tài chính Nhà nước khoảng 6 tỉ đồng.
Điều tra ban đầu cho thấy các bị can liên quan đến việc ký duyệt hàng loạt mặt hàng thuốc có giá chào thầu cao hơn nhưng lại trúng thầu.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-appeal-of-vn-pharma-case-postponed-due-to-covid-19-04032020085118.html

Năm nhà máy sản xuất ô tô

dừng hoạt động vì dịch COVID-19

Năm tập đoàn sản xuất ô tô tại Việt Nam bao gồm Ford, Toyota, TC MOTOR, Honda và Nissan tạm đóng cửa nhà máy trong thời gian 14 ngày theo yêu cầu cách ly xã hội của Chính phủ Hà Nội.
Truyền thông trong nước, vào ngày 3/4 cho biết thông tin vừa nêu.
Báo mạng Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh dẫn thông báo của Nissan Việt Nam rằng tập đoàn này thực hiện theo chỉ thị cách ly xã hội của Thủ tướng Chính phủ, nên từ ngày 1 đến ngày 15/4 chuyển sang làm việc trực tuyến để duy trì liên lạc với khách hàng, đối tác và nhà cung cấp.
Nissan sẽ mở cửa phòng trưng bày và trung tâm dịch vụ tùy theo khu vực tại Việt Nam; đồng thời sẽ cập nhật thông tin hoạt động sau khi có chỉ thị mới từ Chính phủ.
Tập đoàn Honda Việt Nam cũng phát đi thông báo tương tự. Các hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy của tập đoàn này tạm dừng 14 ngày và sẽ hoạt động trở lại theo chỉ thị mới của Chính phủ.
TC MOTOR cũng ra thông báo tạm thời đóng cửa hệ thống nhà máy Huyndai tại thành phố Ninh Bình từ ngày 1 đến ngày 15/4.
Ford Việt Nam và Toyota Việt Nam đã công bố tạm dừng sản xuất lần lượt từ ngày 26/3 và ngày 30/3.
Truyền thông trong nước, vào ngày 3/ 4, cũng cho biết Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đang xem xét có thể dừng vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nguyên nhân là do tiêu thụ giảm trong dịch COVID-19, dẫn đến lượng hàng tồn kho tới 90%. Đồng thời, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước tiếp tục giảm trong thời gian cách ly xã hội 14 ngày.
BSR cho biết vì hàng tồn kho tăng cao và chênh lệch giá sản phẩm với giá dầu thô thấp, công ty đã lỗ lũy kế trong 2 tháng đầu năm 2020 là 228 tỷ đồng.
Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tạm thời ngưng hoạt động như vừa nêu do tác động kéo dài của dịch COVID-19, các hiệp hội trong lĩnh vực công nghiệp dự báo sẽ có thêm hàng triệu lao động bị mất việc trong thời gian tới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/five-car-factories-stop-working-cause-of-covid-19-04032020085836.html

Cà Mau không đồng ý cho ngừng hoạt động

nhà máy xử lý rác mùa dịch Covid-19

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có ý kiến chỉ đạo Công ty Công Lý tiếp tục cho Nhà máy xử lý rác thải thành phố này hoạt động.
Báo trong nước loan tin ngầy 3/4, trích nội dung từ Văn phòng UBND tỉnh.
Nguyên nhân chính quyền không đồng ý cho nhà máy xử lý rác thải ngừng hoạt động được nói do việc thu gom xử lý rác thải sinh hoạt là dịch vụ thiết yếu, đảm bảo điều kiện môi trường và sức khỏe người dân.
Ngoài ra, rác thải được thu gom về Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau là loại rác thải sinh hoạt rất khó có khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đối với công nhân lao động của nhà máy nếu tuân thủ đúng các quy định bảo hộ lao động và các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã yêu cầu Công ty Công Lý thường xuyên thực hiện việc tiêu độc, khử trùng trong khuôn viên nhà máy, yêu cầu công nhân khai báo y tế theo quy định và thực hiện kiểm tra thân nhiệt từng công nhân trước khi vào làm việc, trang bị xà phòng sát khuẩn và yêu cầu công nhân rửa tay chân sau khi hết ca làm việc.
Nhà máy xử lý thải TP Cà Mau được xây dựng theo chính sách ưu đãi đầu tư với tổng vốn 300 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 50%, phần còn lại là của nhà đầu tư. Hiện nhà máy có công suất xử lý 200 tấn/ngày.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ca-mau-authority-not-agree-to-shut-down-waste-treatment-plant-amidst-covid-19-04032020111257.html

Trung Quốc sẽ cung cấp và viện trợ thiết bị

 phòng chống dịch COVID-19 cho Việt Nam

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc điện đàm với người tương nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 2 tháng tư cho biết Bắc Kinh sẽ cung cấp và viện trợ vật tư, thiết bị phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho Hà Nội.
Tin từ truyền thông Nhà Nước Việt Nam loan đi ngày 3 tháng 4 nói rõ hai nước thông báo tình hình và kết quả phòng chống dịch COVID-19 cho nhau. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn sự hỗ trợ của Trung Quốc qua các hình thức như trao đổi kinh nghiệm và một số tỉnh thành, doanh nghiệp Trung Quốc hỗ trợ vật tư y tế cho Việt Nam.
Ngược lại, Thủ tướng Lý Khắc Cường đánh giá cao việc Việt Nam đang có nhiều biện pháp phòng chống dịch hiệu quả và cảm ơn sự ủng hộ của Việt Nam khi dịch bệnh cao điểm tại Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ viện trợ và cung cấp vật tư, thiết bị phòng chống dịch COVID-19 cho Việt Nam.
Truyền thông Tây Ban Nha mới đây cho biết nước này sẽ trả lại Trung Quốc 340.000 bộ kit xét nghiệm nhanh coronavirus do tỷ lệ xét nghiệm sai lên tới hơn 70%. Trước đó, Cộng hoà Séc cũng cho biết bộ kit xét nghiệm nhanh nước này mua của Trung Quốc cũng cho kết quả sai tới 80%.
Cuối tháng 3, Thứ trưởng Y tế Philippines thông báo kit thử COVID-19 của Trung Quốc có độ nhạy chỉ 40%. Bộ Y tế nước này sau đó phải xin lỗi khi Bắc Kinh nổi giận.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-get-china-medical-materials-equipmentfor-covid-19-for-vn-04032020083622.html

Covid-19 sẽ tác động gì đến Đại hội 13

của Đảng Cộng sản Việt Nam?

Đại dịch do virus corona có tác động làm rút ngắn một số nội dung làm việc, thảo luận ở các đại hội cấp cơ sở trên đường đến đại hội toàn quốc lần thứ 13 của đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng về cơ bản các cấp ủy ở địa phương vẫn hoàn thành các đại hội cơ sở, theo một nhà quan sát và phân tích chính trị Việt Nam.
Virus corona: Việt Nam có nên ‘cân nhắc việc thả tù’?
Virus corona: Vì sao Đại sứ Anh kêu gọi công dân về nước?
Virus corona: ‘Dân khen hai ông Vũ Đức Đam và Nguyễn Đức Chung’
Tuy nhiên, nếu Covid-19 tiếp tục kéo dài tới 01/2021 thì chắc chắn đại hội 13 nếu có sẽ phải lùi lại sau đó, trong khi cũng có thể có một số thay đổi khác về phương diện tổ chức và có thể về nhân sự, vẫn theo ý kiến này.
“Không có ảnh hưởng nhiều”
Trả lời câu hỏi đại dịch Covid-19 có thể tác động ra sao tới sự kiện chính trị lớn trên của đảng CSVN dự kiến diễn ra vào quý một năm 2021, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, phát biểu trên góc độ quan điểm riêng, hôm 03/4/2020 nói với BBC:
“Theo thông tin quan sát hoạt động của các cơ sở đảng, không có ảnh hưởng nào đáng kể do nhiều chi bộ đã hoàn thành các đại hội cơ sở trước ngày 31/01.
“Tới đây, cấp phường, xã, nếu nhìn bản đồ COVID-19 trên toàn quốc, sẽ thấy không ảnh hưởng nhiều.
“Tuy nhiên, có một chỗ duy nhất được rút gọn, đó là đại hội chi bộ không thảo luận bản Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội đảng toàn quốc”
Về vấn đề quy hoạch nhân sự “cấp chiến lược”, nhà quan sát này cũng cho rằng không có gì thay đổi, dù Việt Nam đang đương đầu với cơn bão dịch bệnh virus corona:
“Về quy hoạch nhân sự “cấp chiến lược” của đảng – tức là Ban chấp hành Trung ương trở lên, theo thông tin và quan sát nhận được, không thấy có gì thay đổi.
“Nhìn kỹ, trọng tâm quan trọng nhất của đại hội 13 là vấ đề nhân sự, nhưng nếu dịch COVID-19 kéo dài đến tháng 1/2021, thì phải hoãn đại hội này lại; còn nếu không, thì Đại hội 13 vẫn diễn ra như dự kiến.”
“Chỉ khi đại dịch ngớt đi”
Vẫn theo nhà phân tích này, chỉ trong trường hợp dịch COVID-19 ‘ngớt đi’ ở bên trong Việt Nam vào tháng 1/2021, thì khi đó mới có đại hội đảng toàn quốc.
Nếu phải hoãn đại hội và nếu vai trò của đương kim Tổng bí thư bị ‘lu mờ’ và không có triển vọng phát huy sáng sủa hơn trong bối cảnh đại dịch diễn ra và quỹ thời gian tiến tới đại hội không còn nhiều với chính trị gia này, thì có thể vai trờ cầm cương chính quyền có thể sẽ chuyển vào tay một nhóm chính trị gia khác trẻ hơn vị đương kim lãnh đạo đảng.
Về chỉ thị 16 mới được ban hành, theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nó có thể có ảnh hưởng tới sinh hoạt đảng ở nhiều cấp, nếu kéo dài quá hai tuần, ông cho biết:
“Chỉ thị 16 không cấm các cuộc hội họp, tụ tập đông đến 20 người bên trong công sở và cũng không quy định rõ hơn.
“Ở các cơ quan đảng và chính quyền, có quy định rõ nếu có họp trong công sở thì mọi người vẫn phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu hai mét với người khác và cấm bắt tay.”
“Hiện tại người ta hy vọng là Chỉ thị 16 chỉ cần áp dụng trong 15 ngày, sau đó thì thôi vì dịch được cho là vẫn đang kiểm soát được.
“Hiện nay đến cấp huyện, đại hội cũng khó nhiều hơn 20 người, cho nên Chỉ thị 16 không gây ảnh hưởng đến đại hội cấp phường – xã, huyện – quận, nếu nơi nào tiến hành sớm.”
Trước đó, tại chương trình bình luận & cập nhật về Covid-19 hôm thứ Năm 02/4 của BBC News Tiếng Việt, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp nói với BBC:
“Nếu dịch kéo dài lâu quá đến cuối năm, thì chắc Đại hội 13 phải làm chậm lại, còn dịch cuối năm mà hết thì chẳng có lý do gì mà không tổ chức đúng vào cuối tháng Giêng năm sau.”
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi ý kiến của Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp tại chương trình bình luận & cập nhật thời sự hôm thứ Năm 02/4/2020 về đại dịch Covid-19.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52157629

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.