Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 20/04/2020

Monday, April 20, 2020 5:21:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 20/04/2020

Virus corona: Chính quyền Trung Quốc làm gì cũng chẳng ai tin – Tú Anh

Covid-19, Châu Âu rục rịch giải tỏa biện pháp “hạn chế sinh hoạt”. Trung Quốc vướng luật nhân quả : vừa đối đầu với “cú sốc” kinh tế và làn sóng thất nghiệp, vừa bị quốc tế nghi ngờ thiếu minh bạch từ phương cách chống dịch đến nguồn gốc siêu vi corona. Đó là hai chủ đề lớn trên báo Pháp ngày đầu tuần 20/04/2020.
Thất nghiệp bùng nổ: Cơn ác mộng của Bắc Kinh, Bước đại nhảy lùi của tổng sản phẩm nội địa GDP, Thống kê về dịch tễ bất bình thường, Trung Quốc bị quốc tế gây sức ép rất mạnh. Qua các tựa trên đây, Les Echos nêu lên thế kẹt của chính quyền Trung Quốc vì không dám nói thật nên làm gì cũng chẳng ai tin.
Gậy ông đập lưng ông
Chính sách ngoại giao tuyên truyền hung hăng “cả vú lấp miệng em” của Bắc Kinh ngày càng gây bất lợi cho chế độ Trung Quốc. Thái độ kẻ cả tự cho mình phản ứng nhanh, quản lý giỏi, không che giấu thông tin, đã làm cho chế độ Trung Quốc đầu tiên là bị chỉ trích sửa đổi thống kê. Theo chuyên gia Mathieu Duchâtel của Viện nghiên cứu Montaigne, chỉ cần nhìn qua một vài dấu hiệu là có thể thấy rõ thống kê không chính xác: Chính quyền Vũ Hán trì hoãn báo cáo dịch: từ lúc nhìn nhận có ca đầu tiên cho đến lúc ban hành lệnh cách ly phải mất 46 ngày. Thứ hai là quân đội, lên tuyến đầu chống dịch, mà không có một người lính nào bị lây. Thứ ba là theo nhiều nhân chứng, người dân Vũ Hán không tin vào số liệu chính thức.
Nếu so sánh các đường biểu diễn số liệu thống kê nạn nhân tử vong và bệnh nhân bị lây nhiễm tại Trung Quốc với biểu đồ ở các nước Tây phương thì rõ ràng thống kê của Trung Quốc bất bình thường. Dân Vũ Hán là những người đầu tiên không tin vào chính quyền của mình thì nói chi Mỹ, Anh, Pháp. Tất cả đều nghi ngờ Trung Quốc thiếu minh bạch trong việc đối phó với siêu vi corona, ít nhất là trong những tuần lễ đầu.
Nhà dịch tễ – thống kê học Philippe Ravaud lấy làm tiếc là nếu ngay từ đầu, Bắc Kinh nói thật có 100.000 nạn nhân thay vì nói dối chỉ có 3.000 thì cả thế giới đã cảnh giác đối phó, không để có thảm họa y tế, xã hội và kinh tế như ngày nay.
Còn theo chuyên gia Pháp Antoine Bondaz, cho dù chính quyền Trung Quốc làm gì thì cũng bị nghi là đang tìm cách che giấu chuyện gì đó. Bị Mỹ chỉ trích không báo cáo thật về số nạn nhân, Bắc Kinh lúc đầu phủ nhận, sau đó công bố số liệu mới thêm 1.500 người nữa, tức là cao hơn số liệu chính thức ban đầu 50% và đổ lỗi cho địa phương chậm trễ.
Nhưng đòn công kích nặng nhất, theo Les Echos là liên quan đến phòng thí nghiệm và nguồn gốc siêu vi. Nếu phòng thí nghiệm P4 do Pháp xây dựng đúng tiêu chuẩn an toàn tối đa và ở xa chợ động vật hoang dã, thì trái lại phòng thí nghiệm P2, cũng nghiên cứu về siêu vi corona của loài dơi, lại kém an toàn hơn và tọa lạc không xa khu chợ. P2 có thể là nơi xảy ra vụ siêu vi “thoát” ra ngoài.
Để chứng minh là không có ý gian dối, chính quyền Trung Quốc phải tìm cho ra “bệnh nhân Zero” ; có thể là một nhân viên, do bất cẩn, mang siêu vi ra ngoài. Nếu không có bằng chứng để minh oan, tình trạng bị nghi ngờ này kéo dài sẽ đưa đến nguy cơ tạo thêm căng thẳng trong nội bộ Hoa lục. Dân chúng đã khốn khó vì thất nghiệp và kinh tế suy yếu. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có một nhân viên của một công ty hỏa táng ớ Vũ Hán tức giận, hoặc một cán bộ bị thất sủng tung lên mạng xã hội những số liệu phủ nhận các thống kê chính thức ?
Thịt rừng và Thế Vận Hội
Cũng trong hồ sơ Covid-19, La Croix, qua hai trang báo, tường thuật về thị trường thịt rừng tại Trung Quốc. Le Monde nhận định vì sao Nhật Bản phản ứng chậm so với Đài Loan và Hàn Quốc.
Theo nhật báo công giáo, với doanh số 100 tỷ đôla hàng năm – nồi cơm của hàng triệu dân Hoa lục, thì khó mà tin vào lời hứa của chính quyền Trung Quốc đóng cửa các chợ động vật hoang dã. Trong lúc kinh tế cả thế giới tê liệt vì siêu vi corona chủng mới, được cho là từ dơi lây cho con tê tê rồi từ tê tê lây sang người, thì đường dây buôn lậu vảy tê tê vẫn hoạt động nhộn nhịp. Tê tê tuyệt chủng ở Hoa lục thì con buôn đổ qua Phi châu và Á châu. Hãy qua Malaysia mà xem: giá 1 kg là 3.300 đôla. Khi các loài thú hoang giảm đi thì ký sinh trùng dồn vào những con vật còn lại tìm “đất sống”. Hậu quả tất yếu là sức truyền nhiễm mạnh hơn và lây lan đến những con vật lẽ ra không phải là loài trung chuyển.
Còn nước Nhật của thủ tướng Shinzo Abe, vì sao phải nới rộng tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong khi Đài Loan và Hàn Quốc khống chế dịch ngay từ đầu ? Cách nay 9 năm sau, khi động đất và sóng thần ập vào Fukushima, chính quyền Nhật Bản cũng khăng khăng trấn an là “kiểm soát được tình hình” … cho đến khi nhà máy hạt nhân bị nổ. Giờ đây cũng thế. Theo Le Monde, vì đặt nặng mục tiêu chính trị nên Tokyo hành động chậm trễ. Trong vụ du thuyền Diamond Princess, phản ứng chậm chạp của Nhật là do tệ nạn bàn giấy. Nhưng điều không thể chối cãi được là thủ tướng Shinzo Abe, vì lý do chính trị, đã trì hoãn các biện pháp mạnh ngăn dịch “đổ bộ”.
Thứ nhất, muốn duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, ông sợ làm phật lòng Bắc kinh, nên tiếp tục để hàng chục ngàn du khách Trung Quốc sang Nhật. Lý do thứ hai liên quan đến Thế Vận Hội Tokyo mùa hè 2020. Phải đến ngày 24/03, mất bao thời gian quý báu, thủ tướng Shinzo Abe mới tuyên bố đình hoãn Thế Vận, sau khi tỉnh trưởng Tokyo, bà Yoriko Koika, lên tiếng khuyến cáo. Quyết định dời Thế Vận sang cuối hè 2021 cũng là một dụng ý chính trị. Không tổ chức được trong năm 2020 để đánh bóng uy tín thì dời qua mùa thu năm sau làm bệ phóng tranh cử nhiệm kỳ 4.
Theo chân Áo, Pháp và Đức rục rịch bình thường hóa sinh hoạt
Sau cuộc họp báo của thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày hôm qua, loan báo “mốc thời gian 11/05″, Libération điểm qua một số nước : Pháp từng bước chuẩn bị, Đức bình tĩnh bình thường hóa sinh hoạt, dân chúng tin tưởng vào khả năng điều hành cúa Nhà nước, tin vui cho thủ tướng Angela Merkel.
Le Figaro, trong một bài phân tích dài của một chuyên gia, trình bày vì sao phải khẩn cấp ra khỏi tình trạng hạn chế sinh hoạt, ai ở nhà nấy. Theo tác giả, những lợi ích y tế ban đầu, sau 5 tuần, trở thành bất lợi nhiều hơn là có lợi. Làm càng trễ thì khởi động kinh tế càng khó, khủng hoảng càng nghiêm trọng, nợ công chồng chất. Chỉ có 5 tuần mà Pháp bị thiệt hại 10% GDP, nợ chiếm 120% GDP, không kể những nỗi hoang mang về việc làm, về tương lai của mọi tầng lớp xã hội lẫn doanh nhân.
Nhưng bình thường hóa sinh hoạt cũng phải tuân theo một số điều kiện: địa phương nào ít bị dịch thì chấm dứt phong tỏa trước, người dân đeo khẩu trang khi ra đường, trở lại sở làm, sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ngành y tế phải có khả năng theo dõi người bệnh sau khi họ hồi phục.
Trong bối cảnh khắp thế giới lo âu, tập trung tâm trí chống Covid-19 đến từ Trung Quốc, thì tại Hồng Kông, chính quyền thân Bắc Kinh bắt một loạt 14 nhà hoạt động đối lập, trong đó có luật sư Martin Lee, 81 tuổi. La Croix gọi đây là chiến thuật “dương đông kích tây” của Trung Quốc: đóng thêm một cây đinh vào chiếc quan tài “một quốc gia hai chế độ” bằng chính sách khủng bố thường trực.

Tin tổng hợp
(AFP) – Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu lên án mức độ “lệ thuộc chết người” của Liên Âu vào Trung Quốc và Ấn Độ về mặt thuốc men. 
Trả lời đài truyền hình Séc ngày 19/04/2020, bà Vera Jourova cho rằng khủng hoảng do virus corona gây nên lần này đã làm lộ rõ mức độ “lệ thuộc chết người” của châu Âu vào trang thiết bị bảo hộ và y tế của Trung Quốc, vào dược phẩm của Trung Quốc và Ấn Độ. Từ nay đến cuối tháng 4, Bruxelles sẽ soạn thảo “kế hoạch chiến lược” trên vấn đề này và văn bản đó sẽ được trình lên Nghị Viện Châu Âu cũng như lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Âu.
(AFP) – Pháp : Tám tuần phong tỏa sẽ gây thiệt hại 120 tỷ euro. 
Theo một nghiên cứu do Đài quan sát tình hình kinh tế Pháp (OFCE) công bố hôm nay, 20/04/2020, lệnh phong tỏa kéo dài 8 tuần tại Pháp để phòng chống dịch Covid-19 sẽ gây thiệt hại đến 120 tỷ euro cho hoạt động kinh tế. Cũng theo tổ chức này, trong thời gian phong tỏa, thu nhập của các hộ gia đình Pháp sẽ giảm đi 9 tỷ euro. Chính phủ đã dự báo là GDP của Pháp của toàn bộ năm nay sẽ giảm đến 8% do tác động của dịch virus corona.
(AFP) – Pháp : Bạo động tiếp diễn ở ngoại ô Paris. 
Đêm qua, 19/04/2020, xung đột lại nổ ra giữa người dân các khu phố và cảnh sát Pháp tại vùng ngoại ô Paris, đặc biệt là tại Villeneuve-la-Garenne, nơi mà một tai nạn mô tô đã khiến bạo động bùng phát từ hôm thứ Bảy. Tối hôm đó, một thanh niên 30 tuổi lái mô tô đã bị thương nặng ở chân khi đụng vào cửa một xe cảnh sát. Phía nhà chức trách khẳng định cảnh sát mở cửa xe để kiểm tra người lái mô tô lúc đó đang chạy rất nhanh và không đội mũ bảo hộ. Nhưng dựa trên những hình ảnh được phổ biến trên mạng Twitter, người dân nơi đây tố cáo là cảnh sát đã cố tình mở cửa xe để chặn người lái mô tô.
(AFP) – Giá dầu thô xuống dưới 15 đôla/thùng. 
Hôm nay, 20/04/2020, giá dầu thô Mỹ West Texas Intermediate (WTI) đã sụt giảm gần 20%, rơi xuống mức dưới 15 đôla/thùng trên thị trường châu Á, mức thấp nhất từ hơn hai thập niên qua. Nguyên nhân vẫn là do mức cầu đang giảm mạnh do tác động của dịch Covid-19. Ả Rập Xê Út, thành viên của OPEP và Nga vào đầu tháng này đã tạm gác bất đồng sang một bên và đã cùng với các nước khác cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày để kích thích thị trường. Nhưng giá dầu vẫn tiếp tục giảm mạnh, vì mức sản lượng bớt đi không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm quá lớn của mức cầu.
(AFP) – Úc đòi Google và Facebook trả tiền cho các nội dung. 
Hôm nay, 20/04/2020, chính phủ Úc thông báo sẽ ra một đạo luật buộc Google và Facebook trả tiền bản quyền cho các nhà xuất bản báo chí về các nội dung đăng trên mạng. Biện pháp này là nhằm hỗ trợ các phương tiện truyền thống đối phó với sự canh tranh của các tập đoàn Internet. Cũng như tại nhiều nước khác, tại Úc, những tập đoàn như Google và Facebook giành đến 2/3 thị trường quảng cáo trên mạng.
(AFP) – Covid-19 : Ấn Độ giảm nhẹ lệnh phong tỏa. Hàng triệu người dân Ấn Độ đi làm trở lại. 
Trên nguyên tắc, lệnh phong tỏa chống virus corona lây lan tại Ấn Độ vẫn được duy trì cho đến ngày 03/05/2020, nhưng kể từ hôm nay 20/04, hàng triệu người lao động tại quốc gia Nam Á này được phép đi làm trở lại nhằm bảo đảm cho hoạt động kinh tế trong các lĩnh vực “sống còn”, đặc biệt là trong ngành nông nghiệp.
(AFP) – Covid-19 : Tổng thống Brazil ủng hộ biểu tình chống phong tỏa.
Hôm qua, 19/04/2020, tổng thống cực hữu Brazil Jair Bolsonaro đã đến ủng hộ những người biểu tình, đã tập hợp tước tổng hành dinh quân đội ở thủ đô Brasilia bất chấp các quy định về phong tỏa chống dịch, để đòi quân đội can thiệp và đòi đóng cửa Quốc Hội. Ông Bolsonaro vẫn thường xuyên chỉ trích các lãnh đạo Quốc Hội, các thống đốc và thị trưởng đang chủ trương phong tỏa và giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, hiện đã khiến hơn 2.300 người chết và hơn 36.000 người bị lây nhiễm.
(AFP) – Dân Israel biểu tình vì dân chủ. 
Tối qua, 19/04/2020, hàng ngàn người dân Israel đã biểu tình tại Tel-Aviv để chống lại điều mà họ xem là những mối đe dọa đối với nền dân chủ Israel. Cuộc biểu tình để « cứu nền dân chủ », theo lời kêu gọi trên Facebook của một phong trào gọi là phong trào « cờ đen » diễn ra trong bối cảnh thủ tướng Benjamin Netayahu và cựu đối thủ Benny Gantz vẫn đang mặc cả với nhau để thành lập một chính phủ « đoàn kết dân tộc ».

Điểm tin thế giới sáng 20/4:

Xả súng tại Canada; Hiệp hội doanh nhân đòi

Trung Quốc điều tra việc ngược đãi người châu Phi

Lục Du
Sáng nay, thứ Hai (20/4), mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Canada: Xả súng khiến hơn 10 người thiệt mạng
Hôm Chủ nhật, một người đàn ông 51 tuổi đã xả súng điên cuồng ở tỉnh Nova Scotia của Canada khiến hơn 10 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát, theo AP và Reuters.
Kẻ thủ ác có tên là Gabriel Wortman, đã bị cảnh sát bắn chết tại một trạm xăng ở Enfield, Nova Scotia, phía tây bắc trung tâm thành phố Halifax, thủ phủ của tỉnh Nova Scotia. Trước đó Gabriel đã di chuyển bằng một chiếc xe ngụy trang giống như xe cảnh sát và bắn nhiều người ở nhiều địa điểm.
Hiện tại cảnh sát vẫn chưa cho biết Gabriel Wortman hành động như vậy vì động cơ gì. Nói chuyện với các phóng viên tại Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi vụ xả súng này là “một sự việc khủng khiếp”.
MDC: Bắc Kinh phải điều tra việc người châu Phi bị ngược đãi ở Trung Quốc
Lãnh đạo của hiệp hội doanh nhân châu Phi MDC, ông Nelson Chamisa, yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải điều tra các trường hợp người châu Phi bị ngược đãi ở Trung Quốc. Ông Chamisa cũng nói rằng Liên minh châu Phi phải lên tiếng thúc giục Bắc Kinh bảo vệ người châu Phi ở quốc gia đông dân nhất thế giới, theo bản tin hôm Chủ nhật của Pindula News.
Ông Chamisa đưa ra ý kiến này sau khi nhiều người châu Phi ở Trung Quốc tố cáo giới chức nước này phân biệt đối xử với họ, cáo buộc họ làm lây lan virus corona vào Trung Quốc.
Viết trên Twitter, ông Chamisa cho rằng, chính quyền Trung Quốc phải tôn trọng quyền con người. Người châu Phi phải được tôn trọng như người dân Trung Quốc và nhà cầm quyền ở quốc gia Đông Á phải tổ chức một cuộc điều tra đầy đủ đối với các trường hợp lạm dụng người châu Phi.
Thứ trưởng Bộ công an Trung Quốc bị điều tra
Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, ông Sun Lijun, đã bị cơ quan chống tham nhũng điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng các quy định và pháp luật”, SCMP đưa tin.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã ra một tuyên bố ngắn gọn về việc điều tra ông Sun, nhưng không chỉ rõ ông vi phạm cụ thể những gì. Trong khi đó Bộ Công an cũng ra một tuyên bố vào tối Chủ nhật nói rằng họ đã hỗ trợ cuộc điều tra “kịp thời và đúng đắn”, nói rằng ông Sun bị điều tra vì “đã coi thường các quy định và quy tắc chính trị của đảng trong một thời gian dài”.
Ba nguồn thạo tin của SCMP cho biết, ông Sun từng là thư ký của cựu chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ, người đã bị bắt trong chuyến trở về thăm quê hồi cuối năm 2018 và bị kết án 13 năm tù vì tội tham nhũng hồi tháng Một. Ông Sun cũng từng là thư ký của Ủy ban Chính trị Pháp luật của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 2012-2017.
Ông Putin tuyên bố Nga đã ‘hoàn toàn kiểm soát’ Covid-19
Tổng thống Vladimir Putin hôm Chủ nhật tuyên bố rằng nước Nga đã kiểm soát được đại dịch viêm phổi Vũ Hán, mặc dù con số thống kê cho thấy số người nhiễm và chết vì nCoV ở Nga vẫn đang gia tăng, theo Fox News.
Ngồi trước lò sưởi tại dinh thự Novo-Ogaryovo ngoại ô Moscow, ông Putin nói rằng Nga có các nguồn lực cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người dân và giữ cho nền kinh tế phát triển, cho biết thêm rằng tình hình dịch bệnh đã “hoàn toàn được kiểm soát” và “Chúa đang giúp” người Nga.
Nga trải qua nhiều tuần tự hào vì có ít người nhiễm virus Vũ Hán hơn các quốc gia phương Tây. Tuy nhiên, dịch bệnh ở nước này có dấu hiệu bùng phát hơn vào tháng Tư. Theo thống kê của Worldometers, tính tới sáng thứ Hai (giờ Việt Nam), Nga có 42.853 người nhiễm bệnh, tăng 6.060 ca nhiễm mới so với 24 giờ trước đó, trong đó có 361 bệnh nhân đã tử vong, tăng 48 ca.
Iraq: Cô gái 20 tuổi tử vong sau khi bị chồng tra tấn
Một phụ nữ Iraq ở thành phố Najaf đã chết vì bị bỏng nặng sau khi bị người chồng tra tấn, Al Jazeera đưa tin hôm Chủ nhật.
Hãng tin này trích dẫn nguồn tin từ giới truyền thông địa phương cho biết, cô gái tên là Malak Haider al-Zubaidi, 20 tuổi, đã bị người chồng tra tấn và chết vài ngày sau đó vì bỏng nặng. Vụ việc đã khiến cư dân mạng ở Iraq phẫn nộ.
Cô Malak là vợ thứ hai của một người đàn ông tên Mohammed al-Mayahli. Những người thân của cô Malak nói rằng Mohammed đã cấm cô về thăm cha mẹ trong suốt 8 tháng.

Điểm tin thế giới chiều 20/4:

Mỹ gần đạt thỏa thuận

trăm tỷ USD cứu trợ doanh nghiệp nhỏ

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Hai (20/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Mỹ gần đạt thỏa thuận trăm tỷ USD cứu trợ doanh nghiệp nhỏ
Kênh VOA Việt Ngữ cho hay, các nhà lập pháp Mỹ sắp đạt được một thỏa thuận về việc thông qua thêm ngân quỹ để giúp các doanh nghiệp nhỏ chịu tác động bởi dịch nCoV. Thỏa thuận này sẽ chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài hơn một tuần về đề nghị của Tổng thống Trump cho việc tăng thêm 250 tỷ USD ngân quỹ của chương trình cho doanh nghiệp nhỏ vay.
Nhật tăng mức hỗ trợ khẩn cấp lên tới 117.000 tỷ yên
Chính phủ Nhật Bản sẽ phê duyệt gói cứu trợ khẩn cấp 117,1 nghìn tỷ yên vào tối thứ Hai để hỗ trợ nền kinh tế khỏi các tác động của dịch Covid-19, tăng so với mức 108,2 nghìn tỷ yên như kế hoạch trước đó, theo tờ Japan Times ngày 20/4.
Mức tăng này đưa ra sau một sự thay đổi chính sách đột ngột là phát 100.000 yên tiền mặt trực tiếp cho từng người dân, thay vì kế hoạch ban đầu là cấp 300.000 yên cho mỗi hộ gia đình có thu nhập giảm do tác động của dịch bệnh.
Số ca nhiễm Covid-19 ở Nga lại tăng kỷ lục
Giới chức Nga xác nhận 4.268 ca nhiễm mới Covid-19 trong thứ Hai (20/4), nâng số ca nhiễm của nước này lên tới 47.121, theo ghi nhận của tờ The Moscow Times.
Chính quyền Tổng thống Putin đang tăng cường các biện pháp để khống chế sự lây lan của virus. Cho đến nay Nga có 405 ca tử vong.
IMF phê duyệt 1,4 tỷ USD viện trợ khẩn cấp cho Pakistan vượt qua đại dịch
Tờ Asia Times hôm nay cho biết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phê duyệt gần 1,4 tỷ USD viện trợ khẩn cấp cho Pakistan để giúp nước này vượt qua ảnh hưởng của virus corona.
Pakistan chỉ ghi nhận 100 ca tử vong, nhưng các chuyên gia đã lên tiếng lo ngại rằng đất nước 215 triệu dân này có thể chứng kiến một sự gia tăng nhanh chóng và khốc liệt do thiếu cơ sở hạ tầng y tế trong các thành phố đông đúc dân cư.
Dân Hàn Quốc bắt đầu đi làm trở lại
Người Hàn Quốc đang quay trở lại với công việc và đông đảo dân cư đã tới các trung tâm mua sắm, công viên, sân golf và một số nhà hàng khi Hàn Quốc nới lỏng các quy định về khoảng cách xã hội trong bối cảnh xu hướng giảm liên tiếp các ca nhiễm nCoV.
Nhiều công ty đã kết thúc hoặc giảm bớt chính sách làm việc ở nhà trong những tuần gần đây, dù vậy, nhiều người vẫn áp dụng làm việc linh hoạt và hạn chế đi lại cũng như tránh gặp mặt. Hàn Quốc cũng đang ghi nhận các ca hồi phục liên tiếp.
Tuy vậy, Hàn Quốc đã gia hạn chính sách khoảng cách xã hội thêm 16 ngày vào ngày 19/4 và cung cấp một số cứu trợ cho các cơ sở tôn giáo và thể thao trước đây bị hạn chế nghiêm ngặt.
Bangladesh đóng cửa 7 ngôi làng sau khi hàng chục ngàn người dự đám tang một giáo sĩ
Bangladesh đã xiết chặt 7 ngôi làng sau khi hàng chục ngàn người đến tham dự lễ tang của một giáo sĩ địa phương nổi tiếng, bất chấp lệnh phong tỏa toàn quốc để kiểm soát sự lây lan của virus corona, hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức cho biết hôm thứ Hai (20/4).
Đám tang với đông đảo người tham dự, ở quận Brahmanbaria, đã làm dấy lên mối lo ngại khả năng lây nhiễm ở một đất nước 160 triệu dân với cơ sở hạ tầng y tế nghèo nàn. Cảnh sát địa phương cho biết, tất cả cư dân của 7 ngôi làng phải ở nhà ít nhất 14 ngày.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.