Đọc báo Pháp – 02/04/2020
Chống Covid-19: TT Pháp kêu gọi
khôi phục độc lập của kinh tế quốc gia
Trọng NghĩaTác động mọi mặt của tình trạng phong tỏa vì dịch Covid-19 tiếp tục là chủ đề chính trên báo Pháp ngày 02/04/2020, với các khía cạnh như xã hội trên Le Monde, lương thực trên Libération, y tế trên Le Figaro, giáo dục trên La Croix, và lẽ dĩ nhiên là tài chánh trên Les Echos. Các diễn biến tại Pháp cũng rất được chú ý, đặc biệt là lời kêu gọi của tổng thống Macron muốn “khôi phục” sự độc lập của kinh tế Pháp.
Theo ghi nhận của Le Monde, tình hình thiếu trang bị y tế để chống dịch đã nêu bật tình trạng phụ thuộc của Pháp vào những nguồn cung ứng từ nước ngoài. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận thức rõ điều này khi ông chủ trương “khôi phục” sự độc lập kinh tế của Pháp. Tờ báo nhắc lại câu nói khi ông viếng thăm một xưởng chế tạo khẩu trang gần thành phố Angers, ngày 31/03: “Ưu tiên của chúng ta là sản xuất nhiều hơn ở Pháp và Châu Âu”.
Nhưng tờ báo cũng nhận định một cách hóm hỉnh là lịch sử sẽ ghi lại rằng tổng thống Pháp muốn “khôi phục chủ quyền quốc gia và Châu Âu” khi phát biểu tại chi nhánh của một tập đoàn Canada: xưởng sản xuất khẩu trang FFP2 (tức KN95) mà ông viếng thăm thuộc công ty Kolmi-Hopen. Ông đã hoan nghênh nỗ lực của các nhà công nghiệp tại Pháp để tăng sản xuất khẩu trang.
Ngoài khẩu trang, nguyên thủ quốc gia Pháp còn thông báo thành lập một tập đoàn chung quanh Air Liquide để gia tăng việc sản xuất máy trợ thở ở cơ xưởng tại Antony, ngoại ô Paris, với mục tiêu 10.000 chiếc từ đây đến trung tuần tháng 5.
Sau khi nói rõ là các đơn đặt hàng về khẩu trang, gel khử trùng, máy trợ thở, các loại dược phẩm khác nằm trong khoản trợ cấp đặc biệt 4 tỷ euro của nhà nước, tổng thống Pháp nhấn mạnh: “Ưu tiên của chúng ta là sản xuất nhiều hơn ở Pháp và Châu Âu”.
Le Monde cho là nạn thiếu khẩu trang hay máy trợ giúp hô hấp đã phơi bày những lỗ hổng của mô hình mà Pháp và Châu Âu từng đi theo, vốn đã khiến Pháp mất đi quyền tự chủ của mình.
Le Figaro: Làm chủ vận mệnh của chính mình
Khôi phục chủ quyền kinh tế cũng là lời kêu gọi của báo Le Figaro trong bài xã luận “Làm chủ vận mệnh của chúng ta”.
Dưới tựa đề này, tờ báo tự hỏi phải chăng sau khẩu trang, máy trợ thở, thiết bị xét nghiệm, nước Pháp bây giờ lại thiếu thuốc? Pháp trên nguyên tắc nắm trong tay một hệ thống y tế thuộc loại tốt nhất thế giới. Nhưng dịch Covid-19 đã làm lộ rõ tất cả những nhược điểm: Những gì mà Pháp cần lại nằm trong những bàn tay khác, thường khi là Trung Quốc.
Kinh nghiệm tai ác này đặt ra những câu hỏi chính đáng về “thế giới sau đại dịch”, mà công việc cần làm trước tiên là xóa bỏ, không phải là tiến trình toàn cầu hóa, vốn là một thực tế mà không ai có thể bỏ qua, mà là những yếu tố thái quá của toàn cầu hóa. Thật ra việc chỉnh sửa lại đã bắt đầu với phong trào bảo vệ môi trường và cuộc thương chiến Mỹ Trung.
Tại Pháp tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi tôn cao chủ quyền để không còn tùy thuộc vào ai khác trong những lãnh vực “cần yếu”. Đây là điều tối thiểu mà người ta có thể đòi hỏi sau kinh nghiệm thảm hại của Covid-19.
Việc nắm lại vận mệnh này, theo le Figaro, phải được thực hiện trong tất cả các địa hạt liên quan đến quyền lợi quốc gia: y tế, quân sự, năng lượng, nước, và dĩ nhiên là thực phẩm, nhưng cũng có lãnh vực công nghệ nhạy cảm của tương lai như không gian, dữ liệu tin học.
Và trong một thế giới mà hai đế chế Mỹ và Trung Quốc thống trị, cao vọng chủ quyền này phải phần lớn dựa vào Châu Âu.
Le Figaro báo động: Các bộ phận hồi sức có nguy cơ thiếu thuốc
Theo Le Figaro, dịch bệnh càng lan rộng khắp hành tinh, thì các mối đe dọa về sự thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu nhất càng gia tăng. Trong các khoa hồi sức đang tràn ngập bệnh nhân, nhiều loại thuốc thiết yếu bắt đầu thiếu, từ thuốc gây tê curare, thuốc mê, cho đến thuốc kháng sinh, các kho dự trữ đều tuột xuống mức thấp.
Các cơ quan y tế và giới công nghiêp dược phẩm đang tìm đủ mọi biện pháp để đối phó với tình trạng thiếu thuốc. Thậm chí các phân tử cũ, bị bỏ đi trước đây, hay thuốc dùng trong ngành thú y cũng có thể được sử dụng.
Các loại thiết bị y tế hoặc bảo vệ như khẩu trang, kính che mắt… cũng thiếu. Tình trạng này đã thúc đẩy óc sáng tạo của các nhân viên y tế, tìm cách sáng chế là những phương tiện cần thiết, trong lúc ngoài xã hội, cả một phong trào đoàn kết tương trợ đang dâng lên để tạm thời bổ khuyết cho vấn đề thiếu thốn trang bị.
Le Monde: Phong tỏa làm lộ rõ bất bình đẳng xã hội
Theo Le Monde, các biện pháp chống dịch Covid-19 đã nêu bật tình trạng bất công trước công ăn việc làm cũng như về nhà ở trong xã hội Pháp.
Đối với tờ báo, vào lúc hình thức làm việc từ xa phát triển, vẫn có 18,8 triệu người ngày ngày bị buộc phải đi đến chỗ làm.
Thuộc các thành phần như công nhân vệ sinh, giới điều dưỡng trợ giúp người già yếu, bệnh tật, nhân viên bán hàng tại siêu thị, công nhân nhà máy làm pha lê, nhân viên đóng gói, giao hàng làm việc cho tập đoàn bán hàng qua mạng Amazon, họ đã kể lại những công việc thường nhật của mình, mô tả nỗi sợ hãi bị nhiễm bệnh, đôi khi niềm tự hào khi thấy rằng mình là mắt xích không thể thiếu trong xã hội, nhưng tất cả đều cho biết là họ không có quyền chọn lựa
Theo Le Monde, tình trạng phong tỏa toàn quốc cũng bộc lộ tính chất chật chội của nhiều căn hộ, và những khác biệt về cơ hội thăng tiến nhờ giáo dục.
Libération: Dây chuyền cung ứng thực phẩm phải thích nghi với lệnh phong tỏa
Libération cũng quan tâm đến các vấn đề do chính sách phong tỏa đặt ra, nhưng lại tự hỏi “Làm sao duy trì (chuỗi cung ứng) lương thực” vào thời phong tỏa.
Theo tờ báo, các khó khăn trong khẩu sản xuất lương thực do thiếu nhân công, vấn đề vận chuyển hàng hóa phức tạp, tình trạng mua hàng tích trữ của người tiêu dùng, tất cả những vấn đề này đã buộc toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm phải sáng tạo và thích nghi để có thể nuôi sống hàng chục triệu người Pháp trong đại dịch.
Bản thân người bị phong tỏa, theo tờ báo, cũng đã thay đổi chế độ ăn uống của mình trong tình huống mới.
Les Echos: Thị trường tài chánh bị nhiễm virus corona
Trên Les Echos, hàng tựa lớn trang nhất ghi nhận: “Con virus đã lây bệnh cho các thị trường tài chính như thế nào”.
Theo Les Echos, sau khi hồi phục trong 2 tuần qua, thị trường chứng khoán lại tụt dốc vào hôm qua. Tại Pháp hơn 450 tỷ euro trong trị giá của các đại doanh nghiệp CAC 40 đã bốc hơi trong quý I năm 2020 này.
http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200402-ch%C3%B4%CC%81ng-covid-19-tt-pha%CC%81p-k%C3%AAu-go%CC%A3i-kh%C3%B4i-phu%CC%A3c-%C4%91%C3%B4%CC%A3c-l%C3%A2%CC%A3p-cu%CC%89a-kinh-t%C3%AA%CC%81-qu%C3%B4%CC%81c-gia
Tin tổng hợp
(AFP) – Vì Covid-19, thượng đỉnh về Khí hậu COP 26 dời đến năm 2021.
Theo dự kiến, thượng đỉnh COP 26 lẽ ra sẽ được tổ chức tại Glasgow, Scotland, vào tháng 11/2020. Bộ trưởng Môi Trường Phần Lan, Krista Mikkonen, ngày 01/04/2020 cho biết thêm một thượng đỉnh về bảo tồn các loại sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng, dự tính diễn ra ở Côn Minh, Trung Quốc, vào tháng 10 cũng sẽ bị dời sang năm 2020.
(Reuters) – Putin kêu gọi một đồng thuận về giá dầu.
Nguyên thủ Nga ngày 01/04/2020 kêu gọi các nước sản xuất và tiêu thụ dầu lửa tìm kiếm một giải pháp để cải thiện tình hình thị trường dầu khí mà ông cho là đang gặp « khó khăn ». Tình hình hiện nay cũng khiến Hoa Kỳ quan ngại. Giá dầu trên thị trường thế giới tụt giảm thê thảm, sau khi thỏa ước giữa Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa (OPEC) và Nga bị vỡ.
(Reuters) – NATO kêu gọi tình liên đới.
Khối Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương sẽ thúc đẩy nhanh hơn nữa việc giao trang thiết bị y tế cho những nước thành viên nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch virus corona. Tuy nhiên, tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, ngày 01/04/2020 tuyên bố là ưu tiên của khối vẫn là phòng thủ châu Âu, sau khi Nga tổ chức một đợt tập trận mà ông cho là một « cuộc biểu dương sức mạnh ».
(AFP) – Mỹ « cuỗm » khẩu trang Pháp đặt mua ngay tại sân bay Trung Quốc.
Ông Jean Rottner, chủ tịch vùng Grand Est của Pháp, ngày 01/04/2020, lấy làm tiếc về việc số hàng khẩu trang Pháp đặt mua của Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ mua lại ngay tại sân bay Trung Quốc với giá cao gấp 3-4 lần. Số khẩu trang này ngay sau đó đã được chở thẳng sang Mỹ. Ông Jean Rottner lấy làm an ủi là vẫn còn nhận được 2 triệu khẩu trang y tế trong số 5 triệu chiếc đặt mua từ ngân sách của vùng.
(AFP) – Nga tiếp tế cho Mỹ chống Covid-19.
Một chiếc máy bay của không quân Nga chở trang thiết bị y tế và khẩu trang đã đáp xuống phi trường New York chiều ngày 01/04/2020. Đây là hình ảnh đã được phái bộ Nga bên cạnh Liên Hiệp Quốc loan tải rộng rãi. Trên Twitter, ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo cho biết « Chúng ta phải cùng nhau đẩy lui dịch Covid-19. Đây là lý do vì sao Mỹ chấp nhận mua trang thiết bị bảo hộ của Nga, những mặt hàng mà Hoa Kỳ đang cần khẩn cấp ».
(AFP) – Nga chi 16,2 tỉ euro chống Covid – 19.
Thủ tướng Nga Mikhaïl Michoustine thông báo chi 1.400 tỷ rúp (tương đương với khoảng 16,2 tỷ euro) để chống dịch và hỗ trợ kinh tế đất nước. Chính quyền Nga hôm nay (02/4) cho biết đã có 3.548 ca nhiễm virus corona.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200402-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 2/4:
Trung Quốc cho phong tỏa một huyện vì virus Vũ Hán
Lục DuSáng nay, thứ Năm (2/4), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin thế giới nổi bật đêm qua:
Trung Quốc cho phong tỏa một huyện vì virus Vũ Hán
Chính quyền tỉnh Hà Nam, một tỉnh thuộc miền trung Trung Quốc, đã phong tỏa một huyện khi ở đây xuất hiện nhiều người nhiễm virus Vũ Hán, SCMP đưa tin.
Biện pháp phong tỏa bắt đầu có hiệu lực từ thứ Ba tại huyện Jia với khoảng 600 nghìn dân. Nhà chức trách của huyện Jia đã phát đi thông báo này trên internet, trong đó cho biết lệnh phong tỏa hạn chế tối đa người dân rời khỏi nhà, trừ những trường hợp đặc biệt, người ra khỏi nhà phải được cấp phép, có thân nhiệt bình thường và phải đeo khẩu trang.
Lệnh phong tỏa cũng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp tại Jia tạm ngừng hoạt động, ngoại trừ các nhà cung cấp sản phẩm y tế, công ty cung cấp dịch vụ hậu cần và các công ty chế biến thực phẩm.
Ấn Độ: chồng 93 tuổi, vợ 88 tuổi bình phục sau khi nhiễm COVID-19
Một người đàn ông 93 tuổi ở Ấn Độ đã trở thành người cao tuổi nhất nước này sống sót sau khi nhiễm virus Vũ Hán, mặc dù có bệnh nền huyết áp và tiểu đường, Fox News đưa tin.
Người vợ 88 tuổi của người đàn ông này cũng đã bình phục sau khi nhiễm nCoV. Ngoài ra, 140 người khác sống cùng với vợ chồng ông tại bang Kerala cũng đã khỏi COVID-19.
Tính tới sáng 2/4 (giờ Việt Nam), theo thống kê của Worldometers, Ấn Độ có thêm 601 người nhiễm mới virus Vũ Hán, đưa số bệnh nhân COVID-19 ở nước này lên 1.998, trong đó có 58 ca tử vong, tăng từ 45 ca so với một ngày trước.
Mỹ triển khai tàu hải quân áp sát Venezuela
Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang triển khai tàu hải quân tiến gần Venezuela hơn nhằm tăng cường các nỗ lực chống ma túy. Động thái này diễn ra sau khi Hoa Kỳ cáo buộc nhà cầm quyền Venezuela, ông Nicolas Maduro, là tội phạm ma túy và treo thưởng 15 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ ông ta.
Một nhà phân tích nói với Reuters rằng việc Mỹ triển khai tàu hải quân áp sát Venezuela là nhằm gia tăng áp lực lên Maduro và các đồng minh của ông này chứ chưa phải là một động thái bắt đầu kế hoạch quân sự tấn công chính phủ thiên tả ở Venezuela.
Thổ dân sống trong rừng sâu ở Brazil cũng nhiễm nCoV
Brazil đã ghi nhận trường hợp thổ dân nhiễm virus Vũ Hán đầu tiên. Bệnh nhân COVID-19 này là một cô gái sống tại một ngôi làng nằm sâu trong rừng Amazon. Thông tin này được dịch vụ y tế dành cho người bản địa của Bộ Y tế Brazil xác nhận hôm thứ Tư, theo Reuters.
Cô gái 20 tuổi nhiễm virus Vũ Hán thuộc bộ lạc Kokama. Cô cho kết quả dương tính với nCoV khi tới khám tại huyện Santo Antonio, nằm cách biên giới Colombia khoảng 880 km.
Tại huyện Santo Antonio đã có 4 trường hợp nhiễm virus Vũ Hán, bao gồm một bác sĩ được xác nhận dương tính với nCoV vào tuần trước, làm dấy lên lo ngại rằng dịch bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc có thể tàn phá các cộng đồng người bản địa sống trong rừng sâu Amazon vốn dễ bị tổn thương do điều kiện sống khắc nghiệt.
Nghị viên Mỹ yêu cầu điều tra vụ 3 nhà báo Trung Quốc mất tích
Một nghị sĩ Hoa Kỳ đang kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ hối thúc chính quyền Trung Quốc điều tra vụ việc ba nhà báo tự do ở nước này mất tích sau khi đưa tin về đại dịch viêm phổi Vũ Hán, theo Reuters.
Trong một lá thư đề ngày thứ Ba (31/3), nghị viên Cộng Hòa Jim Banks đã yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Kinh mở một cuộc điều tra về số phận của nhà báo Fang Bin (Phương Bân), Chen Qiushi (Trần Thu Thực) và Li Zehua (Lý Triết Hoa). Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, ba nhà báo này đã mất tích sau khi cố gắng đưa thông tin trung thực về dịch viêm phổi Vũ Hán.
“Cả ba người đàn ông này hiểu rằng họ sẽ gặp nguy hiểm khi độc lập đưa tin về tình hình dịch nCoV tại Trung Quốc, nhưng họ đã làm điều đó”, ông Banks viết trong thư, và cáo buộc chính quyền Trung Quốc đã “cầm tù họ hoặc làm điều tệ hại hơn”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ và Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuters về lá thư của nghị viên Banks.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-sang-2-4-trung-quoc-cho-phong-toa-mot-huyen-vi-virus-vu-han.html
Điểm tin thế giới chiều 2/4:
Đại sứ Philippines tử vong vì virus Vũ Hán;
Hàn Quốc cho phép
bệnh nhân Covid-19 bỏ phiếu qua thư
Hải LamMục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (2/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Đại sứ Philippines tử vong vì virus Vũ Hán
The National dẫn tin từ Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, bà Bernardita Catalla, 62 tuổi, đại sứ Philippines tại Lebanon, qua đời sáng nay tại một bệnh viện ở Beirut sau khi nhiễm virus Vũ Hán.
Bộ Ngoại giao Philippines bày tỏ “đau buồn sâu sắc” trước thông tin này và cho biết bà Catalla qua đời vì “biến chứng phát sinh từ Covid-19”.
Bà Catalla đã làm việc trong ngành ngoại giao 27 năm, từng đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại Malaysia và Jakarta. Trước khi được bổ nhiệm làm đại sứ tại Lebanon, bà là tổng lãnh sự Philippines ở Hồng Kông.
Hàn Quốc cho phép bệnh nhân Covid-19 bỏ phiếu qua thư
Theo Reuters, Hàn Quốc sẽ cho phép các bệnh nhân Covid-19 được bỏ phiếu qua thư hoặc vắng mặt trong cuộc bầu cử Quốc hội vào giữa tháng này, khi số ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán mới tại quốc gia châu Á này tiếp tục tăng nhanh.
Các cử tri sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 15/4 để bầu ra 300 thành viên Quốc hội trong bốn năm tiếp theo. Bộ trưởng Nội vụ Chin Young cho biết khoảng 4.000 bệnh nhân đang được điều trị có thể bỏ phiếu qua thư hoặc bỏ phiếu sớm. Ông nói thêm, chính phủ vẫn đang tìm biện pháp cho những người không nhiễm nCov nhưng đang tự cách ly.
Ủy ban bầu cử quốc gia kêu gọi tất cả cử tri đeo khẩu trang trong các khu vực bỏ phiếu, đeo găng tay có sẵn ở điểm bầu cử, và giữ khoảng cách với những người khác. Các quan chức sẽ đo thân nhiệt ở lối vào và thực hiện khử trùng thường xuyên.
Bé 6 tuần tuổi tử vong vì Covid-19
Theo AFP, ông Ned Lamont, thống đốc bang Connecticut của Mỹ hôm 1/4 cho biết, một trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi đã tử vong vì các biến chứng liên quan đến Covid-19 sau khi nhập viện hồi tuần trước.
Thống đốc Ned Lamont đăng trên Twitter rằng, em bé sơ sinh được đưa tới bệnh viện trong tình trạng không có phản ứng và các y bác sĩ đã không thể cứu chữa cho em.
“Kết quả xét nghiệm đêm qua xác nhận em bé nhiễm Covid-19”, ông cho biết. “Điều này thật sự đau lòng. Chúng tôi tin rằng đây là một trong những trường hợp tử vong vì các biến chứng liên quan đến Covid-19 trẻ nhất thế giới”.
Chính phủ Nhật cấp 2 khẩu trang vải cho mỗi hộ gia đình
Reuters đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 1/4 cho biết chính phủ sẽ cấp 2 khẩu trang vải cho mỗi hộ gia đình, và chưa ra lệnh phong toả toàn quốc.
Ông Shinzo Abe cho biết 50 triệu hộ gia đình của Nhật Bản sẽ được phát khẩu trang vải, mỗi hộ 2 chiếc, bắt đầu từ tuần sau, ưu tiên cho các khu vực có nhiều ca nhiễm.
“Mọi người có thể dùng xà phòng để giặt và tái sử dụng chúng, vì vậy đây sẽ là biện pháp tốt cho nhu cầu khẩu trang tăng vọt”, Thủ tướng Abe phát biểu trong cuộc họp cuối ngày 1/4.
Động thái trên của ông Abe đã vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng mạng.
Thâm Quyến cấm ăn thịt chó và mèo
Reuters đưa tin, chính quyền thành phố Thâm Quyến cấm người dân ăn thịt chó và mèo, bắt đầu từ 1/5. Đây là biện pháp nằm trong nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát.
Thông cáo hôm 1/4 của chính quyền Thâm Quyến có đoạn: “Chó và mèo là những con vật gần gũi với con người hơn tất cả các loài động vật khác. Lệnh cấm ăn chó, mèo và những vật nuôi khác đã được áp dụng ở nhiều nước phát triển cũng như ở Hồng Kông và Đài Loan”.
Trung Quốc đã cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã kể từ cuối tháng 2. Dù chính quyền trung ương không cấm ăn thịt chó, mèo nhưng Thâm Quyến đã mở rộng danh mục cấm.
https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-chieu-2-4-dai-su-philippines-tu-vong-vi-virus-vu-han-han-quoc-cho-phep-benh-nhan-covid-19-bo-phieu-qua-thu.html
Tạp chí tiêu điểm
Covid-19 : Tập Cận Bình tìm uy tín trong nước,
tô hình ảnh ở nước ngoài
Thu HằngBắc Kinh rầm rộ quảng bá hình ảnh « cứu tinh » trong khi cả thế giới đang đối đầu với đại dịch virus corona, xuất phát từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc). Mục tiêu chính là để xóa đi những sai lầm trong thời gian đầu xử lý dịch của chính quyền.
Bị chỉ trích gay gắt vì che giấu thông tin, chậm trễ trong việc xử lý dịch, ngay khi bắt đầu kiểm soát được ổ dịch Vũ Hán, Trung Quốc chuyển sang « phản công » thông qua việc khởi động cỗ máy « ngoại giao khẩu trang », huy động từ các tập đoàn lớn (Alibaba) đến các hiệp hội (Chữ Thập Đỏ) hoặc du học sinh (như ở Nhật Bản), cung cấp trang thiết bị y tế cho cả thế giới hoặc cử những đoàn chuyên gia có kinh nghiệm chống dịch ở Vũ Hán.
Dịch Covid-19 đang bùng phát ở châu Âu và Hoa Kỳ là cơ hội vàng để Bắc Kinh trả đũa và khôi phục lại hình ảnh. Quảng bá cho một Trung Hoa « hào phóng », « tương ái » còn là chiến lược « một mũi tên trúng hai đích » của chủ tịch Tập Cận Bình : lấy lại tín nhiệm trong nước và nâng vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.
RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà Trung Hoa học, giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste, Hồng Kông.
***
RFI : Sau thời gian đầu im lặng, ông Tập Cận Bình đang lấy lại hình ảnh « người đứng đầu » như thế nào tại Trung Quốc ?GS Jean-Pierre Cabestan : Hiện không rõ ông Tập đã lấy lại được hình ảnh chưa. Đó chỉ là những gì mà bộ phận báo chí, tuyên truyền của Bắc Kinh nói. Ông Tập đã nắm lại tình hình vào cuối tháng Giêng, chính xác là vào ngày 20/01, còn ngày 23/01 là ngày tỉnh Hồ Bắc bị chính thức cách ly. Nhưng từ đó tình hình có nhiều biến chuyển.
Ông Tập Cận Bình cuối cùng cũng đến Vũ Hán vào cuối tháng Ba tại vì có nhiều vấn đề : người dân phản đối cách chính phủ xử lý dịch, cũng như những bí mật bị che đậy, nhân viên y tế vất vả chống dịch, đặc biệt là sau vụ chính quyền mới của thành phố Vũ Hán, gồm những nhân vật thân cận của ông Tập Cận Bình, đã yêu cầu người dân Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc cảm ơn đảng và người lãnh đạo đảng là ông Tập Cận Bình về lòng nhân từ, cũng như phải thể hiện lòng biết ơn với đảng Cộng Sản. Thế nhưng, những yêu cầu đó lại không được lòng dân và quay lại chống chính phủ và buộc ông Tập Cận Bình phải đến thăm Vũ Hán vào giữa tháng Ba.
Nói tóm lại, tại Trung Quốc, hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền trung ương đã kiểm soát lại được tình hình chưa và liệu ông Tập Cận Bình có lấy lại được hình ảnh tính cực không. Tôi thấy rằng có khá nhiều biến động trong xã hội với nhiều chỉ trích và lo lắng, giống như một kiểu mất niềm tin vào chính quyền.
RFI : Giữa người dân tỉnh Hồ Bắc và dân một số tỉnh lân cận đã xảy ra xô xát khi tỉnh Hồ Bắc được dỡ lệnh phong tỏa. Liệu đây có khả năng trở thành một nguồn bất ổn tại Trung Quốc sau dịch Covid-19 ?
GS Cabestan : Đây là một vấn đề vì hiện giờ dịch đã lùi sau và tình hình dần trở lại bình thường ở tỉnh Hồ Bắc và sau này là ở thành phố Vũ Hán. Dù sao Bắc Kinh cũng muốn người dân trở lại làm việc ở các tỉnh lân cận.
Những vụ xô xát xảy ra ở ranh giới giữa tỉnh Hồ Bắc và tỉnh Giang Tây (Jiangxi) cho thấy rằng vẫn còn rất nhiều nghi ngờ về việc tỉnh Hồ Bắc đã khống chế được dịch. Vì thế người dân tỉnh Giang Tây không muốn để người dân Hồ Bắc đi làm trở lại ở tỉnh Giang Tây hoặc đi qua tỉnh này để đến một số tỉnh khác như Chiết Giang (Zhejiang) hay Giang Tô (Jiangsu).
Điều này cho thấy tại Trung Quốc vẫn còn rất nhiều nghi ngờ về những phát biểu của chính phủ, tạo nên kiểu cảm bất an. Có nghĩa là mỗi tỉnh tìm cách tự bảo vệ và nghi ngờ về việc tình hình được cải thiện ở Hồ Bắc. Thực ra, những tỉnh này không tin lắm vào những gì Bắc Kinh nói.
RFI : Người ta nói đến khả năng có đợt dịch thứ hai tại Trung Quốc. Liệu điều đó có ảnh hưởng đến « chiến thắng » mà chính phủ hiện không ngừng ca ngợi trên các cơ quan truyền thông Nhà nước ?
GS Cabestan : Chính phủ Trung Quốc công nhận những ca nhiễm virus corona từ nước ngoài vì có khá nhiều người Trung Quốc từ nước ngoài trở về, trong đó có rất nhiều người từ Roma (Ý). Có vẻ như, phải nhấn mạnh là có vẻ như, những ca này làm số ca nhiễm mới tăng lên tại Trung Quốc, nhưng mức tăng ở mức khiêm tốn. Hiện giờ người ta cũng nghi ngờ chính quyền không tổng hợp con số này với thống kê những ca lây nhiễm trong cộng đồng. Vì thế, vẫn còn rất nhiều nghi ngờ và cần tiếp tục theo dõi trước khi thực sự kết luận rằng thách thức đã lùi xa ở Trung Quốc.
RFI : Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đang cố triển khai chiến lược « cứu tinh » qua việc cung cấp khẩu trang, trang thiết bị y tế khắp nơi trên thế giới. Phải chăng đây là một công cụ trao đổi, bắt chẹt hơn là chính sách ngoại giao, được coi là một « quyền lực mềm » của Bắc Kinh ?
GS Cabestan : Đúng thế, tôi nhớ là một quan chức của Liên Hiệp Châu Âu đã tóm lược tình hình như thế. Đó là một chiến lược « hào hiệp » nhằm tìm cách quảng bá hình ảnh của Trung Quốc, cũng như tô điểm lại uy tín của Bắc Kinh, bị tổn thương nghiêm trọng từ đầu năm 2020 vì dịch Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc, sau đó chính quyền che giấu, giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của dịch và hành động chậm trễ. Cho nên có rất nhiều người ở bên ngoài cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về nạn dịch này.
Vì vậy Trung Quốc phải làm gì đó, bằng cách huy động mọi phương tiện với nhiều lý do. Trước tiên, Trung Quốc là nước sản xuất phần lớn khẩu trang và máy trợ thở cho cả thế giới. Điều này thật đặc biệt vì rất nhiều nước phụ thuộc đến 80-90% vào trang thiết bị dịch tễ của Trung Quốc, đó là chưa kể đến thuốc men. Hiện tượng này còn do lỗi của các doanh nghiệp phương Tây vì họ không muốn sản xuất trong nước vì chi phí quá cao. Điều đáng chú ý là Trung Quốc không giữ độc quyền, mà lẽ ra các nước phải tránh « để chung trứng trong một giỏ » mà nên hướng sang một số nước khác trong khu vực như Việt Nam, Bangladesh để sản xuất một phần những thiết bị đó.
Điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là Trung Quốc không cho không những trang thiết bị đó mà là bán chúng. Theo tôi biết, Trung Quốc còn lợi dụng tình hình để bán với giá đắt. Một số người bạn làm trong lĩnh vực y tế ở Trung Quốc xác nhận rằng giá đã tăng lên theo khối lượng lớn đơn đặt hàng khẩu trang, thiết bị y tế.
Trung Quốc đã lợi dụng thế mạnh để lấy lại uy tính, cải thiện hình ảnh của mình. Liệu chiến lược này có thành công không ? Một số nước đã tỏ lòng biết ơn như Ý, Hungary, Serbia… Nhưng có phải nước nào cũng thế không ? Tôi nghi ngờ điều này.
RFI : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đàm thoại với tổng thống Mỹ Donald Trump và đề nghị « đoàn kết » chống dịch. Phải chăng ông Tập đã thay đổi chiến lược ?
GS Cabestan : Đó là ý muốn giảm bớt căng thẳng với Hoa Kỳ. Chẳng mất gì khi kêu gọi « đoàn kết » trong khi lại có thể tạo thuận lợi cho Trung Quốc. Chẳng ai phản đối kiểu phối hợp trong cuộc chiến chống virus corona cả.
Nhưng không nên ngây thơ ! Đây là một cuộc chiến, nhưng cũng là cạnh tranh giữa hai cường quốc. Bắc Kinh tận dụng được điểm yếu của Mỹ về lĩnh vực dịch tễ. Trong đợt dịch Ebola, Trung Quốc và Mỹ là hai nước đầu tầu, nhưng trong đại dịch này, Hoa Kỳ đang vất vả xử lý dịch. Cần nhắc lại là khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, Hoa Kỳ cũng như nhiều nước châu Âu khác đã gửi hàng cứu trợ cho Trung Quốc. Bắc Kinh đã tận dụng việc dịch lan rộng ở phương Tây như món quà trời cho về mặt ngoại giao để tỏ ra « hào hiệp » với thế giới, thể hiện là cường quốc « cứu tinh » duy nhất, nhưng tôi không nghĩ là Trung Quốc có thể cứu hết các nước !
RFI : Với tất cả những nỗ lực trên, liệu sau khi hết dịch, chủ tịch Tập Cận Bình có trở nên mạnh hơn không ?
GS Cabestan : Đó là điều ông ấy hy vọng và hy vọng rất nhiều. Nhưng tôi cho rằng ông Tập bị phản đối rất nhiều trong cuộc khủng hoảng này. Trước tiên là vì ông ấy phản ứng chậm và để bộ trưởng Y Tế cùng với một số quan chức khác lên tuyến đầu và sau đó là phạm khá nhiều lỗi trong việc xử lý khủng hoảng. Vì thế mà ông ấy hiện bị phản đối nhiều hơn cả cách đây vài tháng.
Giờ chúng ta thấy ông Tập là người duy nhất trên đỉnh cao quyền lực. Chính ông là người bổ nhiệm nhiều quan chức mới ở tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán, tất cả đều là người thân cận của ông, cũng như ông Lạc Huệ Ninh, người đứng đầu Văn phòng liên lạc tại Hồng Kông. Nên dù ông Tập Cận Bình bị phản đối nhưng hiện tại ông không bị suy yếu.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptiste Hồng Kông.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200402-covid-19-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-t%C3%ACm-uy-t%C3%ADn-trong-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-t%C3%B4-h%C3%ACnh-%E1%BA%A3nh-%E1%BB%9F-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-ngo%C3%A0i
0 comments